Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

VÕ THUẬT TINH HOA 51

(ĐCsưu tầm trên NET)

Huyền thoại Võ Việt: Hồ Ngạch và hai lần đánh tướng cướp Dư Đành

Thứ Sáu, ngày 15/08/2014 00:05 AM (GMT+7)
Roi Thuận Truyền không rõ sáng tổ là ai nhưng từ trước đến nay vẫn tôn vinh tên tuổi của võ sư Hồ Ngạch. Hồ Ngạch tên thật là Hồ Nhu, ông sinh năm 1891, mất năm 1976, nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, sinh sống tại thôn Thuận Truyền, Bình Thuận.
Với những cao thủ bây giờ thì họ là những bậc tiền bối, công phu đã danh trấn thiên hạ bấy lâu. Sống dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quãng thời gian mà tinh thần thượng võ bị triệt tiêu tới mức tối đa nhằm phòng ngừa phản kháng, họ đã là cầu nối, đã bôn ba khắp nơi để tầm sư, rèn võ, cứu rỗi cả nền võ thuật Việt Nam trong buổi suy tàn. Dù đến giờ, đa phần đã thành người thiên cổ nhưng tài đức của họ thì vẫn là tiếng thơm để hậu bối noi theo…
Huyền thoại Võ Việt: Hồ Ngạch và hai lần đánh tướng cướp Dư Đành - 1
 Võ sư Hồ Nhu. Ảnh: GĐ&CS
Đệ nhất roi Hồ Ngạch và hai lần đánh tướng cướp Dư Đành
Luận về võ công, không thể không nhắc đến đất võ Bình Định, cụ thể hơn là những địa danh như Thuận Truyền, An Vinh, An Thái. Những địa danh trên đã đi vào ca dao, huyền thoại bởi là nơi phát tích, “nuôi nấng” những dòng võ cũng như những võ sư danh trấn thiên hạ.
Đến giờ, tại nơi nghĩa quân Tây Sơn dấy binh đánh đuổi quân thù ấy vẫn còn truyền tụng những câu tục ngữ nói về tinh thần thượng võ của những địa danh này. “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “Trai An Thái, gái An Vinh”… Thôn Thuận Truyền nằm ở xã Bình Thuận, thôn An Vinh thuộc xã Bình An (quận Bình Khê), An Thái thuộc xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn, giờ vẫn tồn tại rất nhiều những lò võ nức tiếng xa gần.
Roi Thuận Truyền không rõ sáng tổ là ai nhưng từ trước đến nay vẫn tôn vinh tên tuổi của võ sư Hồ Ngạch. Hồ Ngạch tên thật là Hồ Nhu, ông sinh năm 1891, mất năm 1976, nguyên quán thôn Háo Ngãi, xã Bình An, sinh sống tại thôn Thuận Truyền, Bình Thuận. Cha ông là Đốc Năm (Hồ Đức Phổ)- một võ quan của triều đình Huế, mẹ ông bà Lê Thị Huỳnh Hà, cũng là một người nức tiếng giỏi võ trong vùng.
Bởi thế, ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ truyền dạy võ công. Lớn lên, ông được gia đình gửi vào lò võ của võ sư Ba Đề, tiếp đến là Đội Sẻ, Hồ Khiêm… toàn những cao thủ nổi tiếng. Bởi thế, từ những đường roi của các cao nhân như Ba Đề, Hồ Khiêm kết hợp với nội công học được từ thầy Đội Sẻ đã tạo ra một Hồ Ngạch với những đường côn biến hoá, sâu hiểm khôn lường. Theo sự truyền tụng của giới võ lâm khi ấy, đường roi của Hồ Ngạch là tuyệt kĩ vô song. Sau hơn chục năm lăn lộn với côn, quyền tiếng tăm của Hồ Ngạch ngày một vang xa.
Huyền thoại Võ Việt: Hồ Ngạch và hai lần đánh tướng cướp Dư Đành - 2
Võ lâm trời Nam và những huyền thoại về những thiên hạ đệ nhất cao thủ
Hồ Ngạch vốn trầm tĩnh, ít nói và đặc biệt, ông không bao giờ để lộ tài năng võ thuật của mình. Tuy thế, trong đời luyện võ của mình, ông đã để lại rất nhiều giai thoại, đó là những trận so tài với các cao thủ võ lâm có một không hai. Có lẽ, hữu xạ tự nhiên hương, bởi danh tiếng lẫy lừng, nên Hồ Ngạch thường được những người học võ tìm đến để thi thố tài nghệ.
Dân Bình Định đến giờ vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện Hồ Ngạch bị các cao thủ khiêu chiến, thậm chí cả “đánh úp”. Các cao nhân thử tài với Hồ Ngạch thì nhiều lắm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những trận thư hùng với lực sĩ Dư Đành.
Dư Đành là tướng cướp, về võ công thì đến cả quân lính triều đình hồi đó khi nghe thấy tên cũng đã hồn xiêu phách tán. Tung hoành khắp vùng không có đối thủ, nghe tiếng Hồ Ngạch, Dư Đành nhiều lần gửi lời khiêu chiến. Chối từ mãi không được, sau cùng Hồ Ngạch cũng phải nhận lời thách đấu.
Lần ấy, Dư Đành đem lũ lâu la về tận Thuận Truyền và hống hách đưa ra điều kiện: Nếu Hồ Ngạch đấu thua thì phải ra nhập đảng cướp của y. Vậy là, tại bãi vắng ngay sát thôn Thuận Truyền đêm ấy, một mình Hồ Ngạch đã đánh bại cả chục đệ tử của Dư Đành, vốn đều là những cao thủ võ lâm. Khi đám tay chân mỗi tên nằm một góc thì Dư Đành xuất hiện.
Phải nói thêm rằng, Dư Đành có sức mạnh chẳng ai sánh kịp. Đã có lần, để diễu võ dương oai, một tay y đã cắp cả một con nghé hệt như người ta nhẹ nhàng bồng trên tay đứa trẻ. Với thanh đao sáng loáng trên tay, vừa xuất hiện là Dư Đành tung đòn tới tấp. Thế nhưng, với đường roi thượng thừa của mình, Hồ Ngạch cũng chẳng hề nao núng.
Đánh mãi mà vẫn không tìm được kẽ hở để “ăn sống nuốt tươi” đối phương, Dư Đành thấy máu nóng dồn lên mặt. Và khi ấy, Hồ Ngạch đã ra đòn tuyệt kỹ. Tránh đòn đao truy hồn của đối phương, ông tung người đá văng thanh đao cắm xuống đất, đồng thời xoay người giở đòn đánh nghịch.
Biết đã vào thế hiểm, tiến thoái lưỡng nan, Dư Đành đành nhắm mắt chấp nhận đường roi sát thủ. Thế nhưng, sau khi tiếng roi vun vút cất lên, Dư Đành đã thở phào choàng tỉnh bởi đầu roi vừa chạm áo thì đối thủ đã thu về không nỡ xuống tay, thể hiện rõ tính thượng võ, quân tử.
Sau trận thư hùng ấy, dù đã nợ Hồ Ngạch một mạng nhưng Dư Đành vẫn không chịu phục. Y rắp tâm kiếm cơ hội trả thù. Bởi thế, một chiều, đang mải mê với những chiêu thức võ thuật thì Hồ Ngạch được mọi người báo tin không biết ai đã đến nương sắn nhà mình và nhổ hết sắn đóng vào những giỏ lớn. Điều lạ lùng là tất cả số sắn đó, kẻ trộm không lấy mang đi mà vẫn để nguyên trên rẫy.
Hồ Ngạch đâu biết rằng đó là một âm mưu của Dư Đành. Ra rẫy, thấy sắn bị nhổ, chẳng còn cách nào khác, võ sư Hồ Ngạch đành phải quẩy những sọt sắn trĩu nặng ấy về. Vừa đi được một đoạn thì từ bụi cây bên đường, Dư Đành vọt ra với chiếc bắp cày trên tay. Chẳng nói chẳng rằng, y tung luôn một chiêu sát thủ.
Nghe tiếng gió, Hồ Ngạch vội thụt xuống, đường cày vụt qua đầu, văng thẳng vào cây bồ lời làm thân cây gẫy gập. Lợi dụng luôn cú đánh hụt ấy, Hồ Ngạch tức tốc áp sát, nhanh như chớp, chụp luôn tay Dư Đành rồi sử dụng thế lạc côn, không những hoá giải mà còn biến sức đối phương thành lực của mình, hất thẳng Dư Đành xuống bụi tre gần đó. Mắc kẹt giữa đám tre gai góc, lúc ấy, Dư Đành mới khẩn khoản xin tha và hứa từ đó không bao giờ dám về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.
Theo Chu Hồng Châu - Đào Tuệ (danviet.vn)
 

Lão võ sư Trần Tiến – cây đại thụ làng võ Việt Nam

Trong số những võ sư hàng đầu của Việt Nam, lão võ sư Trần Tiến được các huynh đệ làng võ xưng tụng là một trong những đại võ sư hàng đầu của Việt Nam thời hiện đại.
Lão võ sư Trần Tiến – nổi tiếng với nội công thâm hậu.
Theo Võ sư Phan Dương Bình (đại cao đồ Vovinam và Vịnh Xuân tại Hà Nội), lão võ sư Trần Tiến xứng đáng được ngồi vào vị trí “đệ nhất” cao thủ làng võ Việt Nam.
Theo lời kể của võ sư Phan Dương Bình, trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, ông và lão võ sư Trần Tiến đã có nhiều thời gian để trao đổi với nhau những điều tâm huyết về võ thuật. Điều ông thấy mừng là dù tuổi đã xấp xỉ trăm tuổi nhưng lão võ sư Trần Tiến vẫn vô cùng rắn rỏi, minh mẫn.
 
Điều ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho sư uyên thâm của lão võ sư trên “con đường” võ học của mình.
Lão võ sư Trần Tiến sinh năm 1911 trong một gia đình có truyền thống võ học ở Bắc Giang. Ông nội ông là cụ Hoàng Hảo, bố là Hoàng Tân, cùng chi họ và từng tham gia nghĩa quân của hùm xám Yên Thế Hoàng Hoa Thám.

Khi nghĩa quân tan giã, để tránh sự truy sát của quân giặc, gia đình ông đã phải dạt về Đồ Sơn, Hải Phòng và đổi sang họ Trần. Ông được ông nội và cha mình truyền dạy võ công từ khi còn nhỏ. Năm 15 tuổi, cơ duyên, ông đã được lãnh hội võ công của một nhà sư người Trung Quốc sang Việt Nam lánh nạn, tên là Lý Giang Nam, quê ở Phúc Kiến, thuộc phái Thiếu Lâm.
 
Năm năm sau đó, ông tiếp tục thụ giáo Nhu thuật và Judo của 2 võ sĩ người Nhật tên là Tanabe và Karachi. Với tinh thần ham học hỏi, ông còn tập cả quyền Anh do võ sĩ người Pháp Lafeur chỉ dạy. Khi mới ngoài 20 tuổi, võ sư Trần Tiến đã danh nổi như cồn khi giành ngôi vô địch kiếm thuật ở Bắc Kỳ.
 
Bởi bị giặc Pháp săn đuổi vì lý do “xách động kẻ xấu luyện võ gây mất an ninh trật tự” nên cuối năm 1936, võ sư Trần Tiến phải khăn gói vào Nam. Quãng thời gian này, bởi mưu sinh và cũng bởi sự sốc nổi của tuổi trẻ nên võ sư Trần Tiến đã rất nhiều lần thượng đài ở khắp các nước Đông Nam Á với nhiều đối thủ khác nhau và đều giành về mình phần thắng. 
 
Theo võ sư Trần Tiến thì trận thượng đài cuối cùng của ông diễn ra trên đất Singapore. Sau khi loại hàng loạt các đấu thủ, trận “chung kết” ông gặp một đối thủ là võ sĩ người bản địa có biệt hiệu là Tiểu Lâm Xung.

Tiểu Lâm Xung là võ sĩ có thân hình cao lớn, rắn chắc. Trước đó, nhiều trận đấu, Tiểu Lâm Xung để đối thủ thoải mái tung quyền, cước vào người mà chẳng hề hấn gì. Khi đã thấm mệt, chỉ một đòn là Tiểu Lâm Xung hạ nốc ao đối thủ.

Trước trận đấu căng thẳng ấy, trong lần tổ chức họp báo, Tiểu Lâm Xung đã thề sẽ đánh gục võ sĩ người Việt để “rửa hận” cho những “chiến hữu” đã bị ông triệt hạ. Thời gian ấy, võ sư Trần Tiến đang là nhân vật để một hãng giày nổi tiếng thực hiện quảng bá hình ảnh. Bởi thế, sự quan tâm của công chúng tới trận đấu “sinh tử” của ông là cơ hội tuyệt vời để hãng giày đó khuếch trương thương hiệu của mình.
 
Do vậy, trước trận đấu, ông đã nhận được “tối hậu thư” của “đơn vị tài trợ”, buộc ông phải thắng. Lên đài, với “bàn tay sắt” của mình, như để thị uy, doạ nạt đối phương, Tiểu Lâm Xung đã tung những cú đấm sấm sét của mình vào những tấm gỗ dày đến 5 cm khiến chúng vỡ tan. Trước đòn phủ đầu ấy, ông vẫn không hề nao núng.
 
Cậy sức, Tiểu Lâm Xung ra đòn tới tấp, thế nhưng, với thân thủ nhanh nhẹn, võ sư Trần Tiến đã khéo léo tránh, né, đỡ đòn. Già nửa thời gian của trận đấu trôi qua, tuy chưa bị dính đòn nào nhưng phần thắng đã nghiêng hẳn về võ sĩ người bản địa vì lợi thế tấn công nhiều hơn. Trong lúc say máu tấn công, Tiểu Lâm Xung đã bộc lộ nhiều sơ hở.
 Và, trong một tích tắc “ham công bỏ thủ” ấy, võ sư Trần Tiến đã nhanh chóng áp sát. Hạ thấp tấn, bằng một thế xà quyền, ông đã đánh thốc vào hạ bộ đối phương. Chỉ một đòn ấy, Tiểu Lâm Xung đã đổ đánh huỵch xuống sàn, không tài nào gượng dậy được. Vậy là, phần thắng bất ngờ đã thuộc về võ sư người Việt.
 Thế nhưng, trong phút giây vinh quang ấy, thấy Tiểu Lâm Xung nằm bất động trên sàn, ông bỗng thấy ăn năn, day dứt. Thật ra, đòn ấy, với võ đài thi đấu kiểu tự do như trên thì chẳng có gì là sai luật, thế nhưng, với tinh thần võ đạo, cú đánh ấy lại là cấm kỵ bởi tính sát thủ kinh hồn. Vậy là, bởi ăn năn, khi tiến hành trao giải, Trần Tiến đã bất ngờ thừa nhận mình mới là người thua cuộc. Sau trận đấu ấy, ông đã tránh xa “kiếp sống võ đài”.
Suốt cuộc đời dạy võ ông đào tạo ra hàng ngàn môn đệ, võ sư, HLV lừng danh.
Năm 1945, ra Hà Nội, được Việt Minh giác ngộ, lão võ sư Trần Tiến tham gia cách mạng. Vào quân ngũ, với khả năng quyền thuật siêu phàm của mình, ông đã được tổ chức phân công huấn luyện Bộ đội tinh nhuệ (lực lượng đặc công sau này).
Năm 1978, ông rời quân ngũ nhưng vẫn tự nguyện tham gia dạy võ thuật cho một số sĩ quan quân đội Campuchia suốt hơn chục năm trời. “Về hưu” nhưng với nghiệp võ thì ông vẫn miệt mài theo đuổi. Chắt lọc, đúc kết những tinh hoa võ học mà mình cả đời tích luỹ, lão võ sư Trần Tiến đã sáng lập võ phái Thiếu lâm nội gia võ thuật đạo Việt Nam.
Đến giờ, võ phái của ông đã thu hút cả ngàn môn sinh. Trong số ấy, có rất nhiều môn sinh người Âu, Mỹ, Phi… bởi nghe danh mà lặn lội tìm về theo học.
Suốt cuộc đời, lão võ sư Trần Tiến cứ đau đáu một nỗi niềm là làm sao để võ học Việt Nam được bảo tồn và phát triển ra nhân loại. Ông đào tạo ra hàng ngàn môn đệ, võ sư, HLV tài năng cho làng võ Việt Nam.
Đáng tiếc, ngày 21/2/2011 do ngã và bị chấn thương sọ não, lão võ sư Trần Tiến đã vĩnh viễn ra đi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng thọ 101 tuổi, trong sự thương tiếc vô hạn của các môn sinh võ phái Thiếu Lâm nội gia quyền.
VoThuat.info (tổng hợp)

Vĩnh biệt lão võ sư Trần Tiến

  • 22/02/2011 21:31 GMT+7
TTO - 13g ngày 21-2, lão võ sư Trần Tiến đã vĩnh viễn ra đi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng thọ 101 tuổi, trong sự thương tiếc vô hạn của các môn sinh võ phái Thiếu Lâm nội gia quyền.
Vĩnh biệt lão võ sư Trần Tiến
Lão võ sư Trần Tiến vẫn còn minh mẫn vào tháng 11-2010 - Ảnh T.P.
TTO - 13g ngày 21-2, lão võ sư Trần Tiến đã vĩnh viễn ra đi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng thọ 101 tuổi, trong sự thương tiếc vô hạn của các môn sinh võ phái Thiếu Lâm nội gia quyền.
Tin buồn đến quá bất ngờ bởi cuối năm 2010, có dịp đến thăm ông tại nhà ở số 78 Thống Nhất, quận Tân Bình, chúng tôi thấy ông vẫn rất minh mẫn. Ông kể lại khá rõ về cuộc đời của mình, giải thích từng tấm ảnh kỷ niệm trong cuộc đời võ học và có thể thi triển những màn khí công một cách thuần thục. Lão võ sư còn khoe vẫn còn có thể đạp xe đi dạy khí công mỗi buổi sáng.
Anh Trần Trung Thành, con lão võ sư Trần Tiến, cho biết ngày 16-2, ông bất ngờ bị chóng mặt và té, đầu đập vào tủ nên bị chấn thương sọ não. Gia đình lập tức đưa ông đi cấp cứu và phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã không thể qua khỏi.
Lễ nhập quan sẽ diễn ra lúc 7g45 ngày 24-2 và lễ viếng sẽ bắt đầu từ 9g ngày 24-2 tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ động quan lúc 11g45 ngày 26-2. Sau đó, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Lão võ sư Trần Tiến sinh năm 1911 tại Cầu Vòng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình có truyền thống võ học và theo nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Khi nghĩa quân tan rã, cha mẹ ông phải thay tên đổi họ và lẩn tránh đến Hải Phòng. Từ 10 tuổi, lão võ sư được ông nội và cha mình khai tâm võ học. Với năng khiếu sẵn có kết hợp tính chịu khó học hỏi, ông tiến bộ rất nhanh.
Sau đó, lão võ sự tiếp tục học tập nhiều môn phái khác như Thiếu Lâm (Trung Quốc), judo... và cả quyền anh. Không những thế, lão võ sư Trần Tiến còn sáng lập ra nhiều chiêu thức độc đáo cho riêng mình.
Khi đất nước còn chiến tranh, lão võ sư Trần Tiến đã gắn đời mình với cuộc cuộc chống Pháp và tham gia huấn luyện quân đội trong kháng chiến chống Mỹ. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông chuyên tâm vào công việc dạy võ để mở rộng môn phái và giúp người dân rèn luyện sức khỏe.
Đến nay, lão võ sư Trần Tiến là một trong số rất ít những vị tiền hiền còn sót lại của võ thuật Việt Nam, là người có công sáng lập võ phái Thiếu Lâm nội gia quyền với rất nhiều môn sinh, không chỉ người Việt Nam mà còn có cả người Mỹ, Pháp, Ý, Nga, Brazil…
T.PHÚC


 

Sáng tổ Vovinam và tinh thần dân tộc chói ngời của môn phái

Thứ Tư, ngày 06/08/2014 00:05 AM (GMT+7)
Vovinam - Việt võ đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936. Ban đầu hoạt động âm thầm, đến năm 1938 mới được dạy công khai. Với chủ thuyết "Cách mạng tâm thân" nhằm thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.
Võ sư Nguyễn Lộc sinh ngày 8 tháng Tư năm Nhâm Tý (tức ngày 24.5.1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Sau một thời gian dài rèn luyện nhiều môn võ. Ông đã nghiên cứu, phân tích đặc điểm kỹ thuật của từng môn, đặc biệt là các môn võ và vật cổ truyền Việt Nam để đi tới sáng tạo một hệ thống kỹ thuật võ học mới với tên gọi buổi đầu là Võ Việt Nam (còn được gọi là Việt võ đạo). Võ đạo của Vovinam còn được xem như một nhân cách sống hay một triết lý làm người.
Một môn sinh Võ Việt Nam với tư cách cá nhân có thể rất hiền lành, nhã nhặn, song khi bắt buộc mang danh nghĩa dân tộc và môn phái chiến đấu với ai thì chỉ có thể hoặc chiến thắng vinh quang hoặc chết vẻ vang chứ không chịu làm nhục quốc thể và tổn thương danh dự môn phái.
Sáng tổ Vovinam và tinh thần dân tộc chói ngời của môn phái - 1
Đòn đá kẹp cổ - “độc chiêu huyền thoại” của môn Vovinam được võ sinh nước ngoài thể hiện.
Với luận cứ đó, ông đã lấy môn vật và võ cổ truyền Việt Nam làm nòng cốt, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng đạt tên là Võ Việt Nam. Ông bí mật đem Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi vào năm 1936.
Năm 1938, môn võ này bắt đầu truyền thụ tại Hà Nội, do võ sư Nguyễn Lộc đích thân huấn luyện. Một năm sau (1939), môn võ đã được nhiều giới biết tới. Hội Thân hữu Thể dục Hà Nội của bác sĩ Đặng Vũ Hỷ chính thức mời võ sư Nguyễn Lộc cộng tác để mở các lớp dạy võ công khai.
Mùa Thu 1939, ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ, nên bác sĩ Đặng Vũ Hỷ mời ông cộng tác, tổ chức những lớp dạy võ công khai cho thanh niên Hà Nội.
Sáng tổ Vovinam và tinh thần dân tộc chói ngời của môn phái - 2
Sáng tổ Vovinam- Võ sư Nguyễn Lộc
Nhận lời mời, ông khai giảng lớp võ đầu tiên vào mùa xuân năm 1940 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (École Normal). Lúc này, thể theo yêu cầu của đông đảo môn sinh, môn Võ Việt Nam được viết tắt là Vovinam có nhiều lớp võ liên tiếp được mở ra. Môn sinh Vovinam thời đó rất tiến bộ nhờ phương pháp huấn luyện tinh vi và khoa học, nêu cao tinh thần đạo đức dân tộc sáng chói của môn phái.
Sự phát triển của Vovinam đã khiến nhà cầm quyền Pháp e ngại và đã ra lệnh cấm không cho võ sư Nguyễn Lộc truyền dạy. Lệnh cấm này là một hàng rào ngăn chặn sự mở rộng môn phái nhưng lại có tác dụng thúc đẩy toàn thể môn sinh quyết tâm hơn trong ý hướng trường tồn môn phái.
Trong thời gian bị nhà cầm quyền Pháp ngăn cấm, ông Đặng Vũ Kính sử dụng quyền bất khả xâm phạm của một nghị viên đã đứng ra che chở, bảo vệ các môn sinh Việt Võ Đạo, nhờ vậy mà các lớp võ bí mật vẫn được tổ chức và kéo dài hoạt động cho tới khi chế độ thực dân Pháp bị phát xít Nhật thay thế cai trị Việt Nam.
Hiện Vovinam Việt Võ Đạo đã có mặt ở khắp các châu lục trên toàn thế giới, thu hút ngày càng đông đảo các môn sinh, bất kể chủng tộc, tôn giáo… tham gia tập luyện. Có được sự phát triển như ngày hôm nay của Vovinam -Việt võ đạo là nhờ những đóng góp tận lực của các thế hệ võ sư, huấn luyện viên ở khắp nơi trên thế giới, những người học trò trung thành, quyết đi theo con đường của sáng tổ môn phái Nguyễn Lộc đã vạch ra nhằm duy trì một tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt.
Cho tới nay, Vovinam được phát triển qui mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 60 nước trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Mỹ Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Australia, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha, Algerie, Đài Loan…
Vovinam bao gồm phần võ thuật như những thế đấm, đá, gạt, đỡ, lao, gối, chỏ, vật, đòn chân… và phần binh khí như việc sử dụng và chống đỡ kiếm, đao, côn,thương, dao găm, súng trường… Tiếp đó là việc luyện tập ngạnh công, nhuyễn công, khí công giúp dưỡng sinh và bảo tồn sức khỏe. Võ thuật Vovinam đa dạng và thức thời, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Trong một số cuộc thi song đấu đối kháng Vovinam, môn sinh không được phép dùng chỏ (vì ngoài đòn chân, đòn chỏ là tuyệt kỹ của Vovinam). Các “độc chiêu” như:
Sáng tổ Vovinam và tinh thần dân tộc chói ngời của môn phái - 3
Nữ võ sinh Vovinam thực hiện đòn đá kẹp cổ
- Chém quét (chém một bên, dùng chân đá quét chân đối phương bên kia, 2 lực trái chiều sẽ khiến đối phương ngã)
- Đòn chân tấn công (Sử dụng các kỹ thuật cả 2 chân để quật ngã đối phương, Vovinam có tất cả 21 đòn chân tấn công).
Từ năm 1938 đến năm 1964, Vovinam không có võ phục chính thức của mình. Sau cuộc gặp mặt các võ sư Vovinam lần đầu tiên, tổ chức vào năm 1964, màu võ phục chính thức là màu lam.
Tuy nhiên phân nhánh ly khai Việt Võ Đạo Federation dùng võ phục màu đen trong những năm 1973-1990. Từ năm 1990 cho đến nay, võ phục Vovinam trên toàn thế giới dùng thống nhất màu Lam.
Năm 1960, võ sư Nguyễn Lộc qua đời tại Sài Gòn sau khi trao quyền lãnh đạo Vovinam cho người môn đệ Trưởng tràng của mình là võ sư Lê Sáng. Từ 1960, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới.
Võ sư Lê Sáng nguyên quán tỉnh Thanh Hóa, sinh ra ở Hà Nội năm 1920. Lúc nhỏ, ông là một cậu bé yếu ớt, gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Mẹ ông đã khuyên ông nên học võ để đôi chân được cứng cáp hơn. Năm 1940, ông đã học Vovinam tại võ đường Vovinam ở trường Sư phạm Hà Nội do võ sư Nguyễn Lộc trực tiếp giảng dạy. Không lâu sau đó Lê Sáng trở thành võ sư và cùng với Nguyễn Lộc tiếp tục phát triển môn phái Vovinam.
Năm 1954, Lê Sáng theo Nguyễn Lộc vào Sài Gòn để mở một lớp Vovinam. Ông tiếp tục mở thêm nhiều võ đường Vovinam, và cho tới năm 2007, ông vẫn tiếp tục dạy những môn đệ cao cấp. Ông qua đời ngày 27.9.2010 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 91 tuổi.

Choáng váng với 1 đòn tắt 8 ngọn nến của Amir Khan

Thứ Tư, ngày 23/07/2014 16:30 PM (GMT+7)
Võ sĩ quyền Anh nổi tiếng với những pha ra đòn chớp nhoáng, Amir Khan vừa thể hiện những cú đấm đầy uy lực của mình khi thổi tắt 8 ngọn nến chỉ bằng 1 đòn tay.
Võ sĩ 27 tuổi, Amir Khan sinh ra ở Bolton, Anh được biết đến là một trong những tay đấm có tốc độ ra đòn khủng khiếp nhất của làng quyền Anh thế giới và đủ để tất cả các đối thủ không thể né tránh cũng như choáng váng khi dính đòn. Và Amir Khan vừa thể hiện những đòn tay thần tốc của mình, để chứng tỏ đó không phải hư danh.
Trong một đoạn quảng cáo cho trang, thiết bị thi đấu quyền Anh mang thương hiệu RDX ở thành phố Manchester, Khan đã thổi tắt 8 ngọn nến từ lực gió tạo ra từ 1 đòn của mình trong sự ngưỡng mộ và khâm phục của cả ê-kíp thực hiện TVC này.
Lúc đầu, võ sĩ nổi lên như những tay đấm xuất sắc nhất thế giới kể từ khi giành HCB tại Olympics Athens 2004 chỉ trổ tài “thổi nến” với 1 cây nến. Số lượng cây nến được tăng dần lên 3 và Khan vẫn dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ chỉ với 1 đòn.
Không nhiều người trong ê-kíp thực hiện clip quảng cáo nói trên thật sự tin tưởng võ sĩ người Anh có thể thổi tắt 8 ngọn nến chỉ bằng 1 đòn như anh quả quyết. Tuy nhiên, khi Khan ra đòn, tất cả số nến tắt phụt trong tiếng vỗ tay thán phục và trầm trồ của tất cả mọi người.
Choáng váng với 1 đòn tắt 8 ngọn nến của Amir Khan - 1
Khan phô diễn tài năng
Trong trận đấu gần nhất của mình, Khan đã đánh bại đối thủ người Mỹ, Luis Collazo để nâng thành tích của mình lên 29 trận thắng cùng vỏn vẹn 3 lần thất bại. Hiện võ sĩ 27 tuổi sắp hoàn tất tháng ăn chay Ramadan, nhưng có vẻ như mong muốn được thượng đài cùng tay đấm được mệnh danh là “Độc cô cầu bại” – Floyd Mayweather vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
Bởi Mayweather vừa lên lịch tái đấu cùng Marcos Maidana vào 13/9 tới và đang rất hứng thú với màn “long tranh, hổ đấu” cùng siêu võ sĩ Manny Pacquiao vào tháng 5 sang năm, thay vì tiếp nhận lời khiên chiến của Khan trong thời gian qua.
Vào ngày 7/8 này, Amir Khan sẽ tới hội trường Hedworth, Nam Tyneside (Anh) để gặp gỡ và giao lưu cùng người hâm mộ của mình cũng như chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp đang lên của mình. Đây không phải lần đầu tiên các võ sĩ quyền Anh tới tham dự sự kiện ở Tyneside, nơi xuất thân của rất nhiều tay đấm.
Đây cũng là sự kiện để các võ sĩ này thể hiện nhận thức mức độ nguy hiểm của việc phạm pháp và những tội phạm từ dao, trong hoạt động tưởng nhớ một nạn nhân tuổi teen, Glen Corner, bị đâm tới chết trong ngày sinh nhật lần thứ 16 vào năm 2006.
Cùng với Amir Khan, những nhân vật nổi tiếng khác trong giới thể thao xứ sở sương mù cũng có mặt như các cầu thủ bóng đá kỳ cựu, nổi tiếng gồm Kevin Keegan, Alan Shearer, Peter Reid, Micky Gray và huyền thoại quyền Anh, Larry Holmes

MMA - võ đài hung bạo - Kỳ 1: Những trận chiến kinh hoàng

06/03/2015 14:24 GMT+7
    TT - Mix martial arts (võ tự do, MMA) được xem là môn thể thao tàn bạo nhất thời điểm hiện tại. Điều trớ trêu là dù bị xem dã man nhưng MMA lại ngày càng nở rộ.

    MMA - võ đài hung bạo - Kỳ 1: Những trận chiến kinh hoàng
    Dennis Salazar (dưới) trong trận đấu với Jon Chris Corton. Lỗ tai anh chảy máu liên tục trong ba hiệp đấu - Ảnh: Huy Đăng
     MMA xuất hiện thường xuyên trên các kênh truyền hình thể thao nổi tiếng của thế giới và thu hút nhiều võ sĩ tham gia.
    Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Philippines - một trong những nơi có nhiều lò đào tạo MMA nổi tiếng.
    Ngày 28-2-2015, chúng tôi có mặt tại thành phố Baguio thuộc tỉnh Benguet, nằm cách thủ đô Manila khoảng 250km. Baguio nằm trên cao nguyên, có điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành tương tự thành phố Đà Lạt của Việt Nam.
    Lúc đó, Baguio diễn ra hai sự kiện được người dân và giới truyền thông địa phương rất quan tâm, đó là lễ hội hoa với lễ diễu hành có sự tham dự của hàng chục ngàn người trên các con đường chính vào buổi sáng, và buổi tối là 10 trận đấu MMA nằm trong hệ thống giải của tổ chức Pacific Xtreme Combat (PXC).
    Võ đài thương tích Baguio
    Baguio hôm ấy chật kín người, mọi khách sạn ở đây từ sang trọng đến bình dân, cả những phòng trọ rẻ tiền đều không còn một chỗ trống.
    Dù đến tận 20g trận đấu mở màn giải PXC mới diễn ra, nhưng trước đó hai giờ, khán giả đã bắt đầu đổ xô đến sàn đấu. Vé xem các trận đấu có giá từ 200 peso (khoảng 100.000 đồng) đến 500 peso (250.000 đồng), không hề rẻ so với thu nhập còn thấp của nhiều người dân Baguio, nhưng đã được bán gần hết nhiều ngày trước đó.
    Đúng 20g, võ đài được dựng tại tòa nhà Trung tâm hội nghị Baguio với khoảng 1.000 chỗ ngồi không còn một chiếc ghế trống, không khí trong sàn nóng như “lò lửa”. Trên các hàng ghế là những gương mặt khán giả háo hức đang chờ đợi được xem các cuộc tỉ thí “một mất một còn”. Còn phía bên trong hậu đài là hình ảnh căng thẳng của các võ sĩ.
    20g05, sàn đấu như muốn nổ tung khi người dẫn chương trình xướng tên hai võ sĩ tham gia trận đấu đầu tiên, một trong hai là Taro Barrientos thuộc đội Lakay - lò đào tạo MMA được xem nổi tiếng nhất tại Philippines.
    Taro, bất bại trong hai trận thượng đài trước đó, sẽ đụng độ với đối thủ Val Arceo của đội Fight Corps MMA ở hạng cân 52kg. Val Arceo thấp hơn Taro nhưng “dày cơm” hơn và nổi tiếng lì lợm, MC giới thiệu anh có thể hứng chịu hàng chục cú đấm vào đầu mà vẫn đứng lên tỉnh rụi!
    Sau khi MC dẫn chương trình vừa chấm dứt lời giới thiệu tiểu sử của hai võ sĩ, và “ring girl” (cô gái cầm bảng báo thứ tự các hiệp đấu) bước ra ngoài, ngay lập tức người ta đã đóng then cài lồng sắt lại, nội bất xuất ngoại bất nhập.
    Bên trong lồng sắt chỉ có đúng ba người gồm hai võ sĩ và một trọng tài. Vì đây là một trận đấu bán chuyên nghiệp nên mỗi hiệp của trận đấu (tổng cộng ba hiệp) chỉ kéo dài 3 phút, thay vì 5 phút như hạng chuyên nghiệp.
    Các võ sĩ kiếm được bao nhiêu tiền?
    Võ tự do là một hình thức thi đấu hỗn hợp cho phép các đấu sĩ sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau và hầu hết mọi bộ phận trên cơ thể (trừ cắn, móc mắt...) để tiêu diệt đối thủ nên nổi tiếng về tính tàn khốc.
    Võ tự do ra đời từ đầu thế kỷ 20 nhưng chỉ thật sự trở nên chuyên nghiệp khi UFC (Ultimate Fighting Championship) - hệ thống tổ chức các giải đấu võ tự do trên toàn thế giới - ra đời.
    Theo trang MMA-manifesto.com, mỗi trận đấu hạng thấp nhất thuộc khuôn khổ của UFC mang lại cho người chiến thắng tối thiểu từ 1.000-5.000 USD. Số tiền thưởng sẽ tăng dần theo mức độ nổi tiếng của các võ sĩ, với khoảng nửa triệu USD dành cho mỗi trận thắng của các võ sĩ hàng đầu thế giới.
    Tiếng cồng báo hiệu trận đấu bắt đầu vừa vang lên, Taro và Val Arceo đã nhảy bổ vào như muốn “nuốt chửng” nhau. Trong 30 giây đầu tiên của hiệp 1, Taro hai lần dính cú đấm của Val Arceo. Rõ ràng là anh choáng váng nhưng vẫn cố thể hiện gương mặt tỉnh táo.
    Khán đài hô vang tên “Taro, Taro...” ủng hộ “gà nhà” vì lò Lakay rất được lòng CĐV của thành phố Baguio. Nhưng tiếng gào thét ủng hộ Taro của khán giả đã gần như im bặt khi thần tượng của họ dính cú đấm như trời giáng và ngã xuống sàn đấu.
    Val Arceo ngay lập tức lao vào đè lên người, tìm cách khóa chặt Taro và liên tục tung những cú đấm vào đầu đối thủ. Nhưng đúng vào thời điểm mọi người bắt đầu nghĩ đến đoạn kết... buồn cho Taro thì tiếng cồng kết thúc hiệp 1 vang lên. Thật may cho Taro.
    Hiệp 2, Val Arceo vẫn là người chiếm ưu thế toàn diện với những cú ra đòn chính xác. Chiến thắng với Val Arceo chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng có lẽ việc thắng thế đã khiến Val Arceo chủ quan.
    Đúng vào đầu phút thứ 2 của hiệp 2, trong một thoáng lơ đễnh của đối thủ, Taro bất ngờ tung đòn phản công và quật Val Arceo ngã xuống sàn đấu. Võ sĩ của lò Lakay nhanh chóng sử dụng hai tay và cả chân siết cổ Val Arceo.
    Trong MMA, người ta gọi đòn này là “siết cổ tam giác”. Võ sĩ dính đòn này sẽ không tài nào thoát ra được và nếu không ra dấu hiệu đầu hàng, anh ta có thể rơi vào tình trạng hôn mê hoặc chết vì bị nghẹt thở! Thật may mắn là Val Arceo vẫn còn đủ chút hơi tàn lực kiệt để ra dấu xin thua cuộc.
    Nụ cười của con trai, nước mắt của mẹ
    Dính đòn nhiều và bị chấn thương nặng nhất trong số 20 võ sĩ thi đấu vào đêm 28-2 có lẽ là Dennis Salazar thuộc lò Insider Gym.
    Trận đấu giữa Dennis Salazar và Jon Chris Corton của lò Lakay cũng là trận “đinh” của đêm 28-2, diễn ra cuối cùng, bắt đầu vào khoảng 22g. Ngay trong hiệp 1, Dennis Salazar đã bị đánh ngã, khóa người, đồng thời liên tục bị Jon Chris Corton nện nắm đấm vào đầu.
    Ngồi xem hai võ sĩ thi đấu, chúng tôi vô cùng lo lắng cho Dennis Salazar vì không nghĩ anh có thể sống sót được khi liên tục bị Jon Chris Corton đánh vào mặt và đầu đến độ máu từ lỗ tai chảy không ngừng từ giữa hiệp 1 cho đến hết trận.
    Nhưng khán giả cũng thật kinh ngạc cho khả năng chịu đựng của Dennis Salazar vì anh không chịu ra dấu xin thua cuộc dù bị đánh tơi tả trong suốt ba hiệp.
    Khi tiếng cồng kết thúc trận vang lên, Dennis Salazar gần như không còn đủ sức để đứng lên. Những người trong đội lao vào sàn đấu săn sóc cho Dennis Salazar, lau mặt cho anh, chiếc khăn lông to tướng thấm đẫm máu.
    Trong khi đó, Jon Chris Corton bước ra khỏi lồng sắt reo hò chiến thắng. Đám đông khán giả cuồng nhiệt vội bước ra khỏi các hàng ghế lao xuống tìm cách xin chữ ký và chụp hình lưu niệm với Jon Chris Corton.
    Nhưng không ai để ý bên cạnh có một người phụ nữ nhỏ bé đang đứng một mình lặng lẽ khóc. Đó là bà Joy Anna - mẹ của Jon Chris Corton. Đây là lần đầu tiên trong đời bà trực tiếp đến sàn võ xem con thi đấu. Bà đã chạy xe mất 40 phút từ Wangal La Trinidad Benguet đến Baguio để ủng hộ con trai.
    “Tim tôi như muốn rớt ra ngoài ở mỗi khoảnh khắc con trai đấu vì tôi không muốn nhìn thấy nó bị thương” - bà vừa nói vừa rớt nước mắt.
    Bà Joy có hai người con trai, đứa còn lại làm việc cho một công ty điện thoại di động. Bà tâm sự đã nhiều lần khuyên can Jon Chris Corton bỏ sàn đấu nguy hiểm này nhưng bất lực vì con trai quá mê MMA.
    Bà chia sẻ: “MMA quá nguy hiểm. Con tôi và những võ sĩ khác có thể dính chấn thương nặng, thậm chí có thể thiệt mạng vào bất cứ lúc nào. Tôi yêu quý con trai mình, tôi không muốn những chuyện xấu xảy đến với con”.
    _______________
    DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

    MMA, võ đài hung bạo - Kỳ 2: Đổi máu để đổi đời

    07/03/2015 08:52 GMT+7
      TT - Chúng tôi đến thăm CLB Lakay, lò MMA hàng đầu tại Philippines, nằm ở thành phố Baguio và có dịp tiếp xúc với nhiều võ sĩ trẻ nơi đây.

      MMA, võ đài hung bạo - Kỳ 2: Đổi máu để đổi đời
      Một pha gay cấn trên sàn đấu giữa hai võ sĩ - Ảnh: Huy Đăng
      Tiền, học bổng và cơ hội nghề nghiệp
      Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào đại bản doanh của CLB Lakay là ảnh của những võ sĩ MMA nổi danh tại Philippines được treo trên các bức tường, trong đó có ảnh của Mark Eddiva và Eduard Folayang.
      Võ sĩ Taro Barrientos chỉ tay vào ảnh của Eduard Folayang và nói: “Anh ta là thần tượng của tôi. Mỗi khi tập tôi đều nhìn anh ta và xem đó là đích nhắm lớn nhất trong nghiệp võ của mình”.
      Folayang là một trong những võ sĩ MMA nổi tiếng nhất của Philippines với thành tích 14 trận thắng trong tổng số 19 lần thượng đài.
      Anh cũng từng là nhà vô địch ONE FC (giải đấu MMA số một ở châu Á) ở hạng cân 70kg. Folayang hiện cũng đang huấn luyện ở CLB Lakay.
      Giống như thần tượng, các võ sĩ trẻ ở Philippines cũng mê được thi đấu trong lồng sắt và mong muốn kiếm được tiền trên võ đài. Điểm chung của hầu hết võ sĩ trẻ này là xuất thân nghèo khó và mơ ước vươn lên từ võ đài MMA.
      Tất nhiên, MMA chỉ mới du nhập đến Philippines chưa lâu và chưa thể là một môn thể thao “hái ra tiền” như ở Mỹ, Anh hoặc Nga nhưng sàn đấu đẫm nước mắt này vẫn đem lại hi vọng về tương lai cho nhiều thiếu niên Philippines.
      Taro Barrientos, một võ sĩ trẻ mới 18 tuổi của CLB Lakay, hiện đang học năm nhất khoa kinh tế Trường cao đẳng Lorma (Philippines), nói:
      “Tôi mê được thi đấu trong reo hò cuồng nhiệt của khán giả. Bạn thấy đấy, khi tôi thắng, họ gào thét tên tôi như một thần tượng.
      Ngoài ra, MMA cũng đem lại cho tôi nhiều thuận lợi, dù kiếm không quá nhiều tiền nhưng đủ để tôi trang trải học phí và hưởng một số ưu tiên trong chương trình học ở trường”.
      Barrientos sinh ra trong một gia đình nghèo có đến năm anh chị em. Cũng vì vậy mà từ bé anh đã sớm có tham vọng đấu võ để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
      Năm 13 tuổi, Barrientos từng giành HCV giải trẻ môn đấu vật toàn quốc, anh cũng từng thi đấu nhiều môn võ khác như wushu, kickboxing trước khi đến với võ tự do.
      Chỉ mới tập luyện MMA trong vòng một năm gần đây và chưa trở thành võ sĩ chuyên nghiệp nhưng hai lần thượng đài toàn thắng cũng giúp Barrientos kiếm được một khoản tiền kha khá.
      Có động cơ cụ thể hơn cả Barrientos là Olivar “Jon” Rizalino, một võ sĩ 20 tuổi mới tập luyện MMA được một năm. Rizalino hiện là sinh viên khoa tội phạm học Trường ĐH Cordilleras (thành phố Baguio) và có ước mơ trở thành cảnh sát trong tương lai.
      Rizalino đến với MMA vì một lý do rất đơn giản: nếu được chọn vào đội tuyển thi đấu của trường, anh sẽ được giảm 50% học phí.
      Ngoài ra, phong cách thi đấu đặc biệt của MMA còn đem lại nhiều kỹ năng quan trọng cho anh trong trường học cảnh sát.
      MMA, võ đài hung bạo - Kỳ 2: Đổi máu để đổi đời
      Các CĐV chụp hình với võ sĩ Jon Chris Corton - Ảnh: Huy Đăng
      Chịu đủ cực khổ để kiếm tiền
      Trước ngày thi đấu giải của Tổ chức Pacific Xtreme Combat (PXC), các võ sĩ trẻ đều phải ăn uống kiêng khem, thậm chí nhịn ăn trong nhiều ngày để ép cân.
      Buổi cân trọng lượng (diễn ra một ngày trước trận đấu) với các võ sĩ vì thế hồi hộp chẳng kém khi lên sàn đấu, bởi chỉ cần thừa vài trăm gam thôi là công sức tập luyện cả năm trời của họ xem như tan thành bọt bong bóng xà phòng.
      Cũng vì vậy nên trong buổi cân trọng lượng diễn ra hôm 27-2, các võ sĩ của lò Lakay trông rất phờ phạc, mệt mỏi vì phải nhịn ăn.
      Ngay sau khi bước xuống từ chiếc cân điện tử và được ban tổ chức tuyên bố trọng lượng phù hợp để thi đấu vào ngày mai (28-2), các võ sĩ đã vội vàng chạy đến vồ lấy... chuối hoặc uống ừng ực vài lít nước sau cả ngày trời đói khát!
      Nhưng cũng có những võ sĩ phải tiếp tục nhịn đói vì trọng lượng của họ vượt quá mức cho phép, chẳng hạn như Jon Chris Corton - võ sĩ của CLB Lakay. Anh thi đấu ở hạng cân 54kg và bị thừa nửa ký.
      Tình thế này buộc anh phải “đau khổ” tiếp tục nhịn ăn, nằm nhiều giờ trong phòng xông hơi, rồi chạy bộ trước khi trở lại bàn cân vào buổi chiều.
      Chuyện ép cân vốn không lạ trong nhiều môn thể thao như thể hình, cử tạ hoặc các môn võ khác. Nhưng trong MMA, các võ sĩ thường xuyên phải đổ máu trên võ đài và không đủ dinh dưỡng sẽ trở thành thảm họa.
      Những sinh hoạt đời thường của các võ sĩ tự do cũng rất hà khắc. Barrientos cho biết tuy đã có bạn gái nhưng anh chưa hề nghĩ đến việc quan hệ vì việc tập luyện MMA nghiêm cấm tình dục, rượu bia, thuốc lá trong vài tuần lễ trước khi thi đấu. Giải PXC hôm 28-2 là lần thượng đài đầu tiên của Rizalino và anh đã phải tập luyện gian khổ suốt nửa năm trời cho trận đấu này.
      Cũng như nhiều võ sĩ khác đang là học viên khoa tội phạm học ĐH Cordilleras, Rizalino không muốn mất đi phân nửa học bổng của mình ở trường vì bại trận.
      Rizalino tâm sự: “Sắp xếp thời gian giữa học hành và tập võ rất khó khăn. Một ngày tôi học ở trường tối thiểu năm giờ từ sáng đến chiều, đến tối tôi mới có thời gian khoảng hai giờ để tập võ.
      Tôi không còn nhiều thời gian cho những thú vui khác, nhưng tôi nghĩ sự hà khắc của MMA là tốt cho công việc làm cảnh sát của tôi sau này”.
      Đánh thắng sẽ kiếm được bộn tiền, nhưng không phải mọi võ sĩ đều giành được nhiều chiến thắng và một số đã phải nỗ lực vượt qua sự cay đắng của thất bại, khó khăn trong cuộc sống lẫn áp lực chống đối của gia đình để theo đuổi đam mê trên võ đài.
      Điển hình là Sharma Devaiah Buteng, một trong số rất ít nữ võ sĩ MMA ở Philippines. Cũng đang theo học khoa tội phạm học ở ĐH Cordilleras, Sharma tập luyện MMA trong khoảng hai năm gần đây và thi đấu cho CLB Fight Corps với thành tích một thua và...không một trận thắng.
      Sự nghiệp võ tự do của Sharma bị gián đoạn khi không lâu sau trận thua, cô lập gia đình và hiện đã mang thai được tám tháng. Dù vậy, Sharma quyết không rời bỏ võ đài và cho biết cô sẽ sớm trở lại tập luyện sau khi sinh.
      Sharma nói: “Ở Philippines chỉ có chừng 10 võ sĩ MMA là nữ. Tôi đến với MMA chẳng dễ dàng gì khi cả gia đình tôi đều phản đối. Mẹ tôi rất lo lắng khi tôi thượng đài, tôi hiểu cảm giác của bà ấy nhưng tôi cần phải kiếm tiền lo cho gia đình”.
      ______________
      Một trong những võ sĩ mang dòng máu VN hiếm hoi đấu MMA là Lê Cung đã quyết định giã từ sự nghiệp sau trận thua chóng vánh chỉ kéo dài 57 giây trước đối thủ người Anh Michael Bisping hồi tháng 8-2014. Phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp gỡ nghe anh kể chuyện nghiệp võ của mình.
      DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

      MMA - võ đài hung bạo - ​Kỳ 3: Lê Cung giã từ sàn đấu

      08/03/2015 13:06 GMT+7
        TT - Chúng tôi gặp Lê Cung (thường gọi là Cung Le), 42 tuổi, võ sĩ người Mỹ gốc Việt lừng danh thế giới khi anh từ Mỹ trở về Việt Nam tập luyện hồi đầu năm 2015. 
        MMA - võ đài hung bạo - ​Kỳ 3: Lê Cung giã từ sàn đấu
        Lê Cung (phải) gục ngã trong trận thua võ sĩ người Anh Michael Bisping - Ảnh: Getty Images
        Dù vẫn giữ được vẻ ngoài săn chắc đầy mạnh mẽ nhưng Lê Cung cho biết anh đã quyết định giã từ võ đài.
        Quyết định chia tay Mix martial arts (võ tự do, MMA) đến với Lê Cung sau trận thua hồi tháng 8 -2014 của anh trước võ sĩ người Anh Michael Bisping.
        15 phút 57 giây kiếm được 3 tỉ đồng
        Đó là trận đấu rất được chờ đợi của Lê Cung khi anh lần đầu tiên trở lại sàn đấu MMA sau hai năm trong tư thế của một nhà vô địch hạng trung. Nhưng rồi trận đấu đó lại kết thúc trong cay đắng với võ sĩ Mỹ gốc Việt. Anh chỉ trụ được trên võ đài đúng... 15 phút 57 giây, trước khi bị đối thủ knock-out và ngã gục với khuôn mặt đầy máu.
        Giải thích cho thất bại chóng vánh của mình, Lê Cung cho biết anh bị dính một đòn khá nặng vào mắt ngay từ đầu trận đấu và khoảng thời gian sau đó anh không còn làm chủ các tình huống được nữa.
        Lê Cung nói: “Ở tuổi tôi, khả năng hồi phục sau những lần dính đòn đã trở nên kém đi rất nhiều. Thất bại này khiến tôi nhận ra có lẽ mình nên tính đến việc giải nghệ. MMA rất tàn khốc, hầu như mọi võ sĩ đều phải hồi phục rất nhanh sau mọi chấn thương để có thể tập luyện trở lại. Khả năng đó với tôi bây giờ hầu như không thể”.
        Theo đuổi nghiệp điện ảnh
        Ngoài lý do tuổi tác, khi nói đến nguyên nhân muốn giải nghệ, Lê Cung đùa rằng vì anh muốn giữ cho khuôn mặt còn có thể “xem được” để tiếp tục đóng phim.
        Sự nghiệp điện ảnh sẽ là công việc chính mà Lê Cung theo đuổi sau khi giải nghệ bởi anh cho biết mình không muốn trở thành HLV võ thuật.
        Từ năm 1997 đến nay, anh đã đóng tổng cộng 16 bộ phim, trong đó có những bộ phim nổi tiếng của Hollywood như Fighting (2009), Tekken (2010)...
        Trên sàn đấu võ tự do, Lê Cung từng một lần giành chức vô địch thế giới hạng cân trung bình (từ 78-84kg).
        Nhưng đỉnh cao trong sự nghiệp của anh lại ở môn kickboxing với một lần vô địch thế giới, một lần vô địch Bắc Mỹ và ba lần vô địch Mỹ.
        Năm 2007, anh được tạp chí võ thuật danh tiếng Black Belt bầu chọn là võ sĩ kung-fu mạnh nhất trong năm.
        Rời khỏi sàn đấu luôn là quyết định khó khăn với bất kỳ võ sĩ nào, đặc biệt là với một người đã quen với việc đấu võ để sinh tồn và có đến gần 30 năm “nhuộm máu” khắp các võ đài thế giới như Lê Cung. Thêm vào đó, giải nghệ cũng khiến Lê Cung mất đi những khoản thu nhập khổng lồ trên võ đài.
        Trung bình một năm chỉ thượng đài một lần nhưng mỗi trận đấu dù thắng dù thua đều đem đến cho Lê Cung hàng trăm ngàn USD.
        Điển hình là sau trận thua trước Bisping, Lê Cung vẫn nhận được đến 150.000 USD (khoảng 3 tỉ đồng) theo thông tin của trang MMA-manifesto.com.
        Thậm chí trong trận nổi tiếng trước đối thủ người Brazil Wanderlei Silva năm 2011, Lê Cung cũng nhận khoản tiền khổng lồ 420.000 USD (khoảng 8,5 tỉ đồng) dù bại trận.
        Học võ để không bị hiếp đáp
        Sinh ra tại Việt Nam, gia đình sang Mỹ từ năm 4 tuổi, Lê Cung kể rằng quãng đời niên thiếu của anh cũng giống như nhiều đứa trẻ phải sinh sống ở một đất nước xa lạ khác.
        Thường xuyên bị bạn bè trên trường, trong khu phố ức hiếp, kỳ thị chủng tộc, cậu bé Lê Cung không hề nhẫn nhịn mà phản kháng lại.
        Lê Cung kể: “Vào năm 8 tuổi sau một lần bực tức vì bị hiếp đáp, tôi tung một cú đá nguy hiểm vào một đứa trẻ khác.
        Một thầy giáo trong trường trông thấy và ông ấy la rầy tôi rằng những hành động liều lĩnh như vậy có thể sẽ rất nguy hiểm cho tôi lẫn người khác.
        Câu chuyện đến tai mẹ tôi và bà ấy quyết định dẫn tôi đến một võ đường taekwondo để tôi có thể học võ đúng cách.
        Thời còn nhỏ thể chất của tôi chỉ thuộc loại trung bình, nhưng nhiều người bảo rằng tôi có sức mạnh tiềm ẩn. Thật sự sau đó tôi đã học võ rất nhanh. Năm 13 tuổi tôi chuyển sang học đô vật và được chọn vào đội tuyển trẻ trong vùng”.
        Con đường học võ của Lê Cung bắt đầu từ đó. Anh cho biết bản thân không thật sự đam mê một môn võ nào mà chỉ khao khát được học càng nhiều để hùng mạnh hơn, hoàn thiện hơn kỹ năng chiến đấu.
        Và đây dường như là điều rất thích hợp với MMA, môn võ hỗn hợp. Sau taekwondo và đô vật, Lê Cung học tiếp hàng loạt môn võ khác như boxing, tán thủ, muay Thái và cả võ cổ truyền VN.
        Năm 20 tuổi, Lê Cung đến với kickboxing và chỉ sau vài năm, anh trở thành một huyền thoại bất bại trên sàn đấu này với thành tích 17 trận toàn thắng. Nhưng đến năm 32 tuổi, Lê Cung bất ngờ chuyển sang thi đấu MMA.
        Lý giải cho sự thay đổi bất ngờ của mình, Lê Cung nói: “MMA đã cho tôi rất nhiều, gồm cả tiền bạc và danh tiếng. Nhưng đó không phải là những thứ tôi khao khát nhất khi chuyển sang thi đấu MMA. Ở Mỹ MMA là môn võ số một, được yêu thích nhất và được xem như võ đài của những người mạnh nhất, liều lĩnh nhất.
        Nếu một võ sĩ châu Á vô địch ở một môn võ nào khác, anh ấy vẫn không thật sự được xem trọng, thậm chí còn bị coi là người đã chọn việc dễ để làm. Tôi đã xem hàng loạt trận đấu MMA thời còn nhỏ và mong muốn một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy, một võ sĩ Việt Nam cũng có thể đấu ngang cơ với những võ sĩ phương Tây to khỏe”.
        MMA - võ đài hung bạo - ​Kỳ 3: Lê Cung giã từ sàn đấu
        Lê Cung (trái) luyện võ ở một trung tâm TDTT tại TP.HCM hồi tháng 1-2015 - Ảnh: Huy Đăng
        Chiến thắng để đời trước đối thủ Trung Quốc
        Trong sự nghiệp võ tự do, Lê Cung có thành tích 9 trận thắng, 3 trận thua trong tổng cộng 12 lần thượng đài. Trong đó chiến thắng nổi bật nhất của anh là vào năm 2008 khi đánh bại Frank Shamrock, võ sĩ hạng trung mạnh nhất thời điểm đó.
        Nhưng chiến thắng khiến Lê Cung không thể nào quên trong sự nghiệp của anh lại là ở võ đài kickboxing khi anh đả bại Na Shun của Trung Quốc vào năm 1998.
        Lê Cung cho biết nhiều tháng trước trận đấu đó, các HLV của anh nhận được thông tin từ Trung Quốc rằng Na Shun có thói quen bước chân trái lên khi ra đòn và họ quyết định huấn luyện đòn phản công cho Lê Cung dựa trên thông tin này.
        Nhưng chỉ vài ngày trước trận đấu, Lê Cung tình cờ xem được một trận đấu của Na Shun trên truyền hình và nhận ra điều ngược lại, thông tin trước đó chỉ là bịp. “Khi ấy tôi đã nói với các HLV của mình rằng tôi sẽ không đánh theo một bài bản nào cả.
        Thay vào đó khi bước lên võ đài, tôi tự nhủ sẽ nỗ lực tấn công liên hoàn để không cho đối thủ Trung Quốc một cơ hội tấn công nào”, Lê Cung kể. Và cuối cùng đó là một trong những trận thắng thuyết phục nhất trong sự nghiệp của Lê Cung khi anh “giải quyết” Na Shun bằng một cú đá “cắt kéo” tuyệt đẹp.
        Dù đã quyết định giải nghệ ở tuổi 42, Lê Cung vẫn giữ nguyên vẻ ngoài dũng mãnh trên sàn tập. Sở hữu những cơ bắp cuồn cuộn, bắp tay Lê Cung to ngang bắp chân một người bình thường.
        Dẫu vậy, dấu tích thương tật vẫn không thể nào xóa khỏi nơi những bước đi của anh, với một cái đầu gối khập khiễng và khuôn mặt thỉnh thoảng bị co giật.
        Lê Cung nói: “MMA rất tàn khốc. Các võ sĩ như tôi đổ máu trên cả sàn tập chứ không chỉ trên võ đài. Tôi từng gặp một chấn thương kinh hoàng khi tập luyện và phải nghỉ thi đấu đến sáu tháng.
        Còn đầu gối của tôi có lẽ mãi mãi không thể lành lặn lại được sau rất nhiều chấn thương khác nhau. Dù vậy, tôi không e sợ chấn thương. Khi bạn đã ăn đòn quá nhiều thì bạn sẽ quen dần với nó thôi”.
        ______________
        Ít ai biết ở TP.HCM có một CLB MMA chuyên nghiệp với đầy đủ trang thiết bị tập luyện hiện đại bậc nhất dành cho các võ sĩ nước ngoài, đó là Saigon Sports Club.
        DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

        MMA - võ đài hung bạo - Kỳ 4:

        Lò MMA chuyên nghiệp giữa lòng Sài Gòn

        09/03/2015 09:30 GMT+7
          TT - Ấn tượng lớn nhất của chúng tôi khi bước vào bên trong Saigon Sports Club (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM) là cơ ngơi vô cùng hiện đại, trong đó có các dụng cụ tập thể hình và thể dục mới cáu cạnh như tạ rời, máy chạy bộ, đạp xe... 

          Lò MMA chuyên nghiệp giữa lòng Sài Gòn
          HLV Barry Robinson (bìa phải) quan sát học trò thực hiện bài tập đấm bốc trong... hồ bơi - Ảnh: H.Đ.
          Nơi đây còn sở hữu hai võ đài, một sàn đấu tập và có cả hồ bơi dành cho các đấu sĩ môn võ tự do (mixed martial arts, MMA). Hằng ngày ba buổi tập, các võ sĩ MMA ở đây phải dành tối thiểu hai giờ để tập thể lực. Họ nâng tạ, chạy bộ, đạp xe...
          Nếu như một số phòng tập thể dục khác tại TP.HCM giá vé lẻ trung bình chỉ 100.000-200.000 đồng/khách hàng cho mỗi lần vào tập thì ở Saigon Sports Club, giá vé lẻ lên tới 500.000 đồng/khách hàng.
          Tập boxing trong hồ bơi
          Ông Barry Robinson, đến từ thành phố New York (Mỹ) - HLV boxing của Giải vô địch thế giới (UFC) - cho biết lý do đội của ông chọn Saigon Sports Club làm nơi tập luyện là bởi chất lượng của phòng tập nơi đây thuộc loại “tốt nhất nhì châu Á”.
          Saigon Sports Club có khoảng 10 võ sĩ chuyên nghiệp ở các môn MMA, boxing, kickboxing hay muay Thái. Tất cả đều là những môn võ có tính chiến đấu cao, các võ sĩ buộc phải trải qua những buổi tập khắc nghiệt với các bài tập đa dạng để nâng cao thể lực và cải thiện kỹ thuật thi đấu.
          Buổi tập đầu tiên mà chúng tôi được chứng kiến diễn ra rất thú vị khi các võ sĩ phải tập đấm bốc trong... hồ bơi. Khi chúng tôi đến, có hai võ sĩ đang được HLV Robinson hướng dẫn cách di chuyển trên thành hồ với mặt nước cao đến mắt cá chân.
          To lớn, nhanh nhẹn khi di chuyển trên cạn nhưng các võ sĩ phương Tây này lại tỏ ra lúng túng khi bước đi dưới nước.
          Thấy cậu học trò của mình vừa di chuyển chậm chạp dưới nước vừa lấy tay quẹt mồ hôi đổ nhễ nhại trên gương mặt dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, ông Robinson liền hét to: “Này, nhanh lên nào! Các cậu làm gì có thời gian lau máu trên mặt ở trên sàn đấu chứ”.
          Ông Robinson giải thích vì sao ông chọn bài tập kỳ lạ này: “Những bài tập di chuyển dưới mặt nước như vậy giúp các võ sĩ tăng cường khả năng di chuyển nhanh nhẹn, tăng lực đá của chân. Cũng vì vậy mà tôi thường tuyển chọn một số võ sĩ dựa trên năng khiếu bóng đá và bóng bầu dục (rugby)”.
          Ông Robinson nói thêm: “Kỹ năng chiến đấu tất nhiên là quan trọng. Nhưng bạn làm được gì nếu chỉ đấm trúng đối phương một cú đấm không đủ lực? Bạn làm được gì nếu sa sút thể lực ở hiệp cuối? Sức mạnh, thể lực và thể hình là ba yếu tố nền tảng của võ thuật, chúng tôi muốn đầu tư tối đa cho điều này. Ở đây có đầy đủ dụng cụ tập luyện mà tôi cần”.
          Rời giảng đường bước theo võ đài
          Chấp nhận lặn lội từ phương Tây sang VN để luyện võ, các võ sĩ MMA luyện tập tại Saigon Sports Club có xuất thân rất đa dạng và tất cả đều đã chuẩn bị sẵn tinh thần phiêu lưu mạo hiểm để bước lên võ đài đẫm máu nhất thế giới.
          Dan Hooker, võ sĩ MMA người New Zealand, hiện đang nằm trong top 40 của UFC ở hạng cân 65kg vốn xuất thân là một cầu thủ rugby. Anh cho biết: “Thời còn đi học tôi chơi môn rugby nhờ có sức khỏe tốt. Sau đó tôi chuyển qua đấu võ và sớm trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp MMA. T
          rận đấu đầu tiên của tôi diễn ra chỉ tám tháng sau khi tôi bắt đầu tập MMA. Đó là một trận thắng. MMA là môn võ hỗn hợp và bạn có thể tận dụng tất cả những kỹ năng bạn có vào đó. Đó là lý do giúp MMA khá dễ dàng với những người mới bắt đầu.
          Không có sự rập khuôn, cố định trong MMA, chúng tôi luôn được khuyến khích sáng tạo, áp dụng tất cả những gì mình có thể nghĩ ra để áp dụng vào kỹ năng chiến đấu”.
          Khi được hỏi anh có sợ “bị tiêu” trên sàn đấu hay không, Dan Hooker đáp: “Điều đó rất khó xảy ra với bất kỳ đấu sĩ nào có sự chuẩn bị chu đáo trước khi thượng đài. Sẽ không có võ sĩ nào chịu thượng đài nếu họ không tập luyện và có sự chuẩn bị kỹ càng”.
          Các trận đấu MMA nổi tiếng với số lượng khán giả đông đảo, giá vé đắt đỏ, nguồn thu từ bản quyền truyền hình, nhà tài trợ... Điều đó tạo ra thu nhập khá tốt cho các võ sĩ. Nhưng với Jamie “VDK” Van Der Kuijl, một võ sĩ hạng cân 77kg người New Zealand, thì anh chọn theo MMA không phải vì tiền.
          Jamie chia sẻ: “Nếu vì tiền tôi đã không chọn MMA, vì môn này rất dễ bị chấn thương và sự nghiệp của bạn có thể chấm dứt chỉ sau một lần chấn thương. Tôi có bằng đại học chuyên ngành khoa học thể thao và có thể chọn con đường học vấn cao hơn theo ý nguyện của ba mẹ mình. Nhưng tôi chọn MMA vì mê đánh đấm, đồng thời MMA cho tôi trải nghiệm tuyệt vời trên võ đài, giúp tôi luôn động não, tư duy khi chiến đấu.
          Áp lực chiến đấu khiến việc tư duy trở nên rất hấp dẫn vì bạn phải nghĩ thật nhanh nếu không muốn bị đánh trọng thương”.
          Trên sàn đấu, các võ sĩ MMA luôn phải đối mặt với nguy cơ dính những chấn thương kinh hoàng do tính tàn khốc của môn võ này, vì luật của MMA cho phép đấu sĩ tiếp tục tấn công dù đối phương đã ngã xuống. Vì vậy dấu tích luôn rất dễ nhận ra ở các võ sĩ MMA, đó là khuôn mặt hầu như không bao giờ lành lặn.
          Chẳng hạn như Dan Hooker. Anh cao hơn 1,8m, chỉ nặng 66kg, dáng người trông rất thư sinh nhưng khuôn mặt lại mang đầy vết sẹo. HLV Robinson cho biết điều khiến ông lo ngại nhất cho các học trò đó là chấn thương sọ não, vì khi thượng đài họ có khả năng liên tục bị đấm vào đầu.
          Quan sát buổi tập của các võ sĩ MMA, chúng tôi nhận thấy ngoài việc tập luyện tấn công quyết liệt, kỹ năng né đòn cũng là một trong những bài tập thường xuyên nhất.
          Van Kuijl cho biết: “Trong sự nghiệp thi đấu, tôi chưa bao giờ rời khỏi võ đài mà không bị đổ máu ở đầu. Dù vậy, khi bạn đã “ăn đòn” với một mức độ thường xuyên, bạn sẽ không còn cảm thấy sợ hãi. Thay vào đó, kinh nghiệm sẽ giúp bạn biết cách giảm thiểu độ nghiêm trọng của các chấn thương.
          Các trọng tài cũng sẵn sàng can thiệp khi nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, tất cả chúng tôi đều được UFC bảo đảm sự chăm sóc tốt nhất nếu gặp chấn thương, kể cả nếu có phải giải nghệ. UFC sẽ trả những khoản chi phí y tế liên quan đến chấn thương trên võ đài cho chúng tôi”.
          Tham vọng trở thành Lê Cung
          Lò MMA chuyên nghiệp giữa lòng Sài Gòn
          Van Der Kuijl (phải) tập luyện với Dan Hooker tại Saigon Sports Club - Ảnh: Huy Đăng
          Trong số các võ sĩ của Saigon Sports Club, Dan Hooker là võ sĩ nổi tiếng với thành tích 13 trận thắng, năm trận thua trong suốt năm năm thượng đài. Anh được xếp vào top 40 võ sĩ hàng đầu ở hạng cân 65kg. Trong khi đó, Van Der Kuijl kém tên tuổi hơn do chỉ mới chuyển từ môn kickboxing sang MMA được hai năm gần đây.
          Võ sĩ người New Zealand gốc Hà Lan này thi đấu ở hạng cân 77kg và sở hữu thành tích chín thắng, ba thua thời anh còn thi đấu kickboxing. Anh cho biết mình rất hi vọng có thể thành công như Lê Cung, võ sĩ gốc Việt cũng rất thành công ở MMA sau khi chuyển sang từ kickboxing.
          Van Der Kuijl được học hỏi nhiều điều từ Lê Cung khi võ sĩ 42 tuổi thường xuyên trở về Saigon Sports Club để truyền đạt kinh nghiệm thi đấu cho đàn em.
          ______________
          MMA là môn thể thao tàn bạo. Tổng cục TDTT, giới võ thuật VN nói gì về môn thể thao này? Liệu trong tương lai môn thể thao này có xuất hiện ở VN hay không?


          DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

          MMA - VÕ ĐÀI HUNG BẠO - KỲ CUỐI:

          ​Giới võ thuật Việt Nam nói gì về MMA?

          10/03/2015 11:32 GMT+7
            TT - “Võ tự do (Mixed martial arts - MMA) tuy rất cuốn hút nhưng không phù hợp với tinh thần thượng võ của người Việt. Nếu môn này muốn có mặt ở VN nó cần được đổi luật để bớt dã man”.

            ​Giới võ thuật Việt Nam nói gì về MMA?
            Khán giả cuồng nhiệt với các trận đấu MMA của tổ chức Pacific Xtreme Combat tại thành phố Baguio (Philippines) hôm 28-2-2015 - Ảnh: Huy Đăng
            Nhiều võ sư danh tiếng ở VN đã nhận định như vậy trước sự phát triển như vũ bão của MMA ở Đông Nam Á, châu Á và khắp thế giới.
            Hiện tại hầu như hằng ngày cứ bật truyền hình là khán giả VN đều được xem các trận đấu MMA đẫm máu trên các kênh thể thao.
            Thiếu tinh thần thượng võ
            Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, chánh chưởng quản môn phái vovinam trên toàn thế giới, cho biết ông có ấn tượng mạnh với MMA ngay từ lần xem đầu tiên.
            Ông Chiếu nói: “Dù chưa được xem trực tiếp và chỉ theo dõi qua truyền hình nhưng tôi cũng bị các trận đấu MMA cuốn hút. Đúng là các trận đấu MMA thật sự rất hấp dẫn người xem vì kỹ năng chiến đấu đa dạng, có đầy đủ gần như các đòn đánh quyết liệt, võ sĩ sử dụng cả tay lẫn chân, các thế quăng quật... Nói chung, họ làm mọi cách để chiến thắng đối thủ”.
            Thừa nhận tính hấp dẫn của MMA nhưng võ sư Nguyễn Văn Chiếu cũng cho rằng thể loại thi đấu tàn bạo này khó lòng du nhập vào VN.
            “Ở MMA gần như không có luật lệ quy định cụ thể nào nên tính chất rất bạo lực. Hình ảnh phản cảm nhất là các võ sĩ vẫn ra đòn dù đối thủ của mình đã gục ngã. Điều này giống như việc các đấu sĩ không từ mọi thủ đoạn để giành chiến thắng, vốn không phù hợp với tinh thần thượng võ của người Việt cũng như tiêu chí “an toàn trong việc tập luyện và thi đấu” mà Nhà nước đặt ra cho thể thao”- ông Chiếu nói thêm.
            Võ sư Giáp Trung Thang - tổng thư ký Liên đoàn Muay Thái VN - cũng đưa ra ý kiến cùng quan điểm với ông Chiếu. Ông Thang nói: “Khi mới du nhập vào VN, muay Thái cũng gặp nhiều khó khăn vì bị cho là quá bạo lực. Nhưng so với MMA muay Thái rõ ràng “hiền lành” hơn nhiều. MMA tàn khốc hơn, vì thế nó hấp dẫn hơn muay Thái là điều tất nhiên”.
            Cần đổi luật để bớt dã man
            Trong các cuộc thượng đài đỉnh cao của MMA, hầu như không có trận đấu nào kết thúc mà không vương vãi máu trên sàn đấu.
            Giải thích cho tính bạo lực của MMA, ông Võ Danh Hải - phó chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới - cho biết trong MMA chỉ quy định có 50 điều cấm, gồm những đòn đánh hạ lưu như tấn công hạ bàn, cắn hoặc móc mắt đối thủ... còn lại tất cả đều hợp lệ. Điều này trái ngược với tất cả những môn võ khác khi luật lệ quy định các võ sĩ chỉ được sử dụng một số đòn đánh nhất định.
            Dù vậy, theo ông Võ Danh Hải, MMA được thừa nhận rộng rãi trên thế giới không chỉ bởi tính hấp dẫn mà còn bởi tinh thần hiếu thắng, tự tôn quen thuộc của chính giới học võ.
            Ông Hải nói: “Tôi nghĩ bất kỳ ai đã học võ cũng đều có tinh thần muốn chứng tỏ môn phái của mình là mạnh nhất. Đây là điều đã giúp MMA phát triển không ngừng. MMA không hẳn là một môn võ mà là một sàn đấu tập hợp tất cả các môn võ lại. Ở VN cách đây nhiều năm từng có võ đài quyền anh tự do cũng gần tương tự như vậy, trong đó nhiều võ sĩ thượng đài với mục đích muốn tỏ rõ môn phái của mình mạnh hơn những võ phái khác”.
            Theo ông Hải, nếu du nhập vào VN, MMA sẽ lập tức nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ khán giả lẫn người luyện võ. Vì vậy, ông Hải cho rằng phương án thích hợp để MMA du nhập vào VN đó là phải đặt thêm một số luật cấm, chẳng hạn như phải cấm tuyệt đối việc tiếp tục ra đòn khi đối thủ đã gục ngã bởi những đòn đánh theo kiểu giáng từ trên xuống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đối thủ đang nằm trên sàn nếu trọng tài không can thiệp kịp thời.
            Ông Võ Danh Hải nói thêm: “Thời gian gần đây UFC (hệ thống giải đấu võ tự do chuyên nghiệp) bắt đầu có ý định đưa võ tự do đến VN. Nếu điều này thật sự diễn ra trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta trước tiên cần mời sang một số chuyên gia thể lực, y học thể thao từ nước ngoài vì các võ sĩ VN nói chung vẫn chưa đủ thể lực, năng lượng cho sàn đấu nguy hiểm này”.
            Đông Nam Á là thị trường tiềm năng của MMA
            Năm 2014 ông Joe Carr, phó giám đốc kinh doanh của UFC, từng bày tỏ tham vọng phát triển võ tự do ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á vì cho rằng đây là nơi rất có tiềm năng.
            Tờ Japan Times (Nhật) dẫn lời ông Carr: “Việc UFC muốn phát triển MMA ở châu Á là điều tất nhiên vì đây là thị trường tiềm năng với số lượng dân cư cực kỳ đông đúc. Kinh tế ở một số nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, cũng bắt đầu phát triển những năm gần đây, người dân vì thế càng có nhu cầu giải trí cao hơn.
            Thêm vào đó người châu Á rất say mê võ thuật, thậm chí có thể coi họ là quê hương của MMA với hàng loạt võ phái ở mỗi quốc gia. Người dân châu Á lại có tính địa phương và tinh thần tự tôn rất cao. Chẳng hạn, một ngôi sao võ thuật ở Hàn Quốc chưa chắc đã được xem trọng ở Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Trái lại, ở quê hương của mình anh ấy nhận được sự ủng hộ lớn đáng ngạc nhiên. Điều đó càng kích thích thêm tinh thần chiến đấu trên võ đài MMA. Chỉ cần một võ sĩ MMA Trung Quốc hoặc Nhật Bản có được thành tích ấn tượng, sẽ có đông đảo người hâm mộ theo chân anh ấy đến với MMA. Tôi nghĩ MMA sẽ tạo ra một cơn sốt ở châu Á giống như Giải bóng đá ngoại hạng Anh”.
            MMA hiện ngày càng thịnh hành ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines và Thái Lan. Trong khi đó Hong Kong, Macau và Singapore dù không nhiều võ sĩ nhưng lại là những địa điểm tổ chức quen thuộc của UFC nhiều năm gần đây.
            “Không khuyến khích phát triển môn thể thao sát thương cao”
            Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT VN - cho biết những môn thể thao có tính nguy hiểm và sát thương cao sẽ không được khuyến khích phát triển nếu điều kiện chưa cho phép. Ông Thắng nói: “Đối với những môn võ có tính sát thương cao, trong đó có MMA, thì các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ càng khi cấp phép tổ chức thi đấu”.
            Ông Thắng cho biết có hai con đường để các môn thể thao mới có thể vào VN.
            Thứ nhất là do các cá nhân, tổ chức yêu thích nên họ tự “nhập khẩu” để tập luyện sau đó phát triển và tiến tới tổ chức giải đấu.
            Thứ hai, những môn thể thao truyền thống của các quốc gia được đưa vào thi đấu tại các đại hội thể thao quốc tế. Ví dụ như Philippines khi đăng cai SEA Games 2005, họ đưa môn võ gậy vào chương trình thi đấu của đại hội, vì thế họ sẽ thông qua Ủy ban Olympic của các quốc gia để đưa võ sư sang các nước giúp hướng dẫn tập luyện môn thể thao này.
            Ông Thắng nói: “Với những môn thể thao mang tính nguy hiểm, sát thương cao như muay Thái, kickboxing... khi du nhập vào VN để được phát triển rộng rãi và tiến tới tổ chức giải đấu cần có sự đánh giá và kiểm tra gắt gao từ ngành thể thao."
            "Khi muốn tổ chức các giải đấu của những môn nguy hiểm này, các tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ lên sở VH-TT&DL các địa phương hoặc Tổng cục TDTT để xem xét. Hồ sơ thông thường bao gồm: điều lệ thi đấu, luật thi đấu, đơn xin phép cũng như những cam kết đảm bảo an toàn khi tổ chức giải đấu."
            "Thông thường với những môn thể thao nguy hiểm thì ban tổ chức và các cá nhân buộc phải có bảo hiểm để được thi đấu hoặc phải có cam kết. Với những cuộc thi có người nước ngoài tham dự hay CLB nước ngoài thì bắt buộc phải được sự đồng ý bằng văn bản của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL”.
            K.XUÂN
            DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
             
            Giới võ thuật phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Cung Le là võ sĩ gốc Việt nổi tiếng đã để thua đối thủ người Anh Michael Bisping trong trận đấu diễn ra tại Macau tối 23/8. 
            cungle-2800-1408812242.jpg
            Cung Le chịu thất bại trước một võ sĩ trẻ hơn và thi đấu rất tinh quái
            Sau thất bại của võ sĩ gốc Việt nổi tiếng Cung Le trước đối thủ người Anh Michael Bisping trong trận đấu diễn ra tại Macau tối 23/8, trên các diễn đàn và các Fanpage võ thuật trên Facebook của Việt Nam, rất nhiều các thành viên cùng chia sẽ sự thất bại đau đớn của võ sĩ tên tuổi này.
            Vào đầu trận, đấu võ sĩ 42 tuổi có hiệp một thi đấu ngang ngửa với Bisping, người trẻ hơn 7 tuổi và sở hữu hình thể vượt trội.
            uy nhiên một cú đấm hiểm vào mắt phải của Bisping trong hiệp hai khiến Cung Le gặp khó khăn bởi tầm nhìn hạn chế.
            Giới hâm mộ phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Cú đấm hiểm vào mắt phải của Bisping trong hiệp hai là một trong những bước ngoặt của trận đấu khi tầm nhìn của anh bị hạn chế
            Những nỗ lực của Cung Le được thể hiện trong hiệp ba khi anh cố gắng tấn công Bisping với những cú đá tầm thấp sở trường. Tuy nhiên võ sĩ người Anh đã giữ cự ly tốt, hạn chế được các pha tấn công của Cung Le.
            Vết thương ở mắt cũng khiến Cung Le không có được những pha ra đòn chuẩn xác và anh bị trọng tài cảnh cáo lần thứ hai khi đá nhầm vào vùng cấm của đối thủ.

            Giới hâm mộ phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Cung Lê không thể áp sát, dồn ép đối phương bởi thể hình vượt trội của đối thủ
              Giới hâm mộ phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Càng thi đấu, Bisping càng tỏ ra tinh quái, anh luôn bình tĩnh giữ cự ly và khống chế tốt các đòn của Cung Le, rồi tận dụng cơ hội để ra đòn 
            Bước sang hiệp thứ tư, thể lực của Bisping phát huy hiệu quả khi anh dồn dập tấn công, buộc Cung Le phải phòng ngự bị động. Khi hiệp thứ tư trôi qua gần một phút, Bisping tung đòn liên hoàn gồm những cú đấm tầm ngắn và một cú lên đầu gối khiến Cung Le gục ngã.
            Giới hâm mộ phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Sức trẻ, sải tay dài, thể lực tốt của Bisping khiến Cung Le ngày càng bị dồn vào thế thụ động và ra đòn thiếu chuẩn xác, kém hiệu quả.
            Giới hâm mộ phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Giới hâm mộ phân tích thất bại của võ sĩ Cung Le tại UFC
            Bisping tung đòn liên hoàn gồm những cú đấm tầm ngắn và một cú lên đầu gối khiến Cung Le gục ngã
            Cung Le để thua ở hiệp thứ tư bởi knock-out kỹ thuật sau khi Bisping tung hàng loạt cú đấm khiến anh đổ gục xuống sàn, buộc trọng tài phải dừng trận đấu. Đây là lần thượng đài môn võ tự do (MMA) đầu tiên của Cung Le sau gần hai năm rời xa sàn đấu.
            Cung Le phát biểu sau trận đấu: "Tôi đã không còn nhìn rõ và rất khó khăn trong việc tấn công. Tôi đã làm tất cả nhưng anh ta là người đấu tốt hơn tối nay".
            Nhìn chung các người hâm mộ đều cho rằng sự thất bại của võ Cung Le là do các yếu tố sau:
            - Ở tuổi 42, Cung Le hơn đối thủ tới 7 tuổi. Thi đấu trong một trận đấu đỉnh cao đòi hỏi rất nhiều thể lực thì đối thủ của anh có ưu thế lớn.
            - Đấu pháp áp sát do sải người thấp hơn, liên tục ra đòn chính xác và đủ sức hạ gục sẽ có tác dụng nếu đối phương không chống đỡ nổi hoặc dính một đòn hiểm. Tuy nhiên, Michael Bisping đã rất tỉnh táo hóa giải rất lạnh lùng và khôn khéo khi Cung Le dốc sức thì anh thủ và cài thế khiến Cung Le càng thêm nóng vội, say trận thế tấn công. Từ đó, Bisping bất ngờ ra đòn phản công cực nguy hiểm vào mắt phải.
            - Cú đấm bất ngờ vào mắt phải làm cho cục diện trận đấu thay đổi bởi tầm nhìn hoàn toàn bị ảnh hưởng làm cho Cung Le không thể ra đòn chính xác và liên tục mắc sai lầm.
            - Những phút cuối cùng, tầm nhìn Cung Le hạn chế, thể lực suy giảm do dính quá nhiều đòn của một võ sĩ có thể hình vượt trội và đang ở đỉnh cao phong độ. Một cú knock-out kỹ thuật sau hàng loạt cú đấm khiến anh đổ gục xuống sàn chỉ còn là vấn đề thời gian.
            Tuy thất bại, nhưng Cung Le vẫn võ sĩ gốc Việt được thần tượng trong giới võ thuật và người hâm mộ Việt Nam. Cung Le có bề dầy thành tích thi đấu ở các võ đài thế giới chưa người Việt nào có thể chạm tới.
            bisping-6697-1408812243.jpg
            Michael Bisping trên đường thách thức đai vô địch hạng trung UFC.
            Trước trận đấu với Bisping, Cung Le có hai chiến thắng liên tiếp ở giải UFC trước Patrick Cote và cựu vô địch hạng trung Rick Franklin. Trước khi tham gia giải UFC, Cung Le là nhà vô địch hạng trung giải Strikeforce.
            Cung Lê vẫn bỏ túi hơn 3 tỉ đồng dù bị knock-out
            Trận đấu giữa Cung Lê và Michael Bisping tiêu tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông, sau trận thượng đài này cùng tay đấm gốc Việt, Bisping bỏ túi đến 470.000 USD, gần 10 tỉ VNĐ.
            Cụ thể khoản thu nhập này:
            - 275.000 USD (5,8 tỉ VNĐ) cho sự góp mặt tại UFC Fight Night 48
            - 150.000 USD (3,1 tỉ VNĐ) tiền thưởng cho người thắng trận
            - 50.000 USD (1 tỉ VNĐ) tiền thưởng thêm từ ban tổ chức UFC Bisping cũng là võ sĩ có thu nhập cao nhất trong đêm Fight Night 48 này, xếp thứ 2 là tay đấm người Mỹ Tyron Woodley với 154.000 USD ( 3,2 tỉ VNĐ). Vị trí thứ 3 thuộc về tay đấm gốc Việt Cung Lê với 150.000 USD (3,1 tỉ VNĐ).
            Phim Phim "Nhất đại tông sư" và Chương Tử Di thắng giải Kim Tượng Sau chiến thắng tại giải Asian Film Award, bộ phim võ thuật “The Grandmaster” (Nhất Đại Tông Sư) lại tiếp tục đại thắng giải thưởng Kim Tượng (Hong Kong Film Awards) với thắng lợi tại tổng cộng 12 hạng mục, bao gồm cả Phim và Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Vương Gia Vệ.  
            Nhất Đại Tông Sư Nhất Đại Tông Sư "càn quét" giải Điện ảnh châu Á Bộ phim võ thuật "The Grandmaster" (Nhất Đại Tông Sư) đã thống trị lễ trao giải Asian Film Awards với bảy giải thưởng, bao gồm cả Phim xuất sắc nhất.  
            Lý Liên Kiệt ngôi sao phim hành động đã lụi tàn? Lý Liên Kiệt ngôi sao phim hành động đã lụi tàn? Trong một buổi họp báo, ngôi sao võ thuật Trung Quốc thừa nhận, bệnh tật đã khiến anh tăng cân và không thể đóng phim.
            Chí Cường

            Không có nhận xét nào:

            Đăng nhận xét