Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 40

 (ĐC sưu tầm trên NET)


Ngày bi tráng của Không quân VN 48 năm trước: 5 chiếc Mig-21 bị bắn hạ



27/02/2015 06:00 Bản in
Ngày bi tráng của Không quân VN 48 năm trước

Ngày 2/1/1967. “Ngày dài” ấy đã có tới 5 chiếc Mig-21 của Không quân trẻ tuổi Việt Nam bị những chiếc F-4C của Liên đội không quân chiến thuật số 8 Không quân Mĩ bắn rơi trên bầu trời Nội Bài, Hà Nội.
Trong cuộc chiến chống trả các đợt tập kích đường không đối kháng với Không quân Mỹ, Không quân Việt Nam, đặc biệt là lực lượng không quân tiêm kích, tuy mới ra đời nhưng chiến công của họ thật hào hùng, khiến đối phương phải nể phục.
Trẻ tuổi đã lừng lẫy chiến công
Với 3 loại máy bay tiêm kích MiG-17, MiG-21 và MiG-19 của các trung đoàn không quân 921, 923, 925 và 927, chưa đầy chục năm, các phi công Việt Nam đã bắn rơi hơn 300 máy bay Mỹ với gần 20 kiểu loại khác nhau của địch, trong điều kiện thời tiết giản đơn và phức tạp, cả ban ngày và ban đêm.
Tác chiến hiệp đồng, lập công tập thể, Không quân Việt Nam đã đánh thắng ngay từ trận đầu mà còn đánh nhanh-diệt gọn, quyết liệt cản phá từng mũi tập kích, phá tan nhiều đợt tấn công đường không của địch, bảo vệ được mục tiêu. Có trận Không quân Việt Nam đánh áp đảo tốp (biên đội) 4 chiếc của ta tập trung hỏa lực bắn rơi 3 máy bay của địch, có trận (đôi bay) tốp 2 chiếc của ta bắn rơi 2 máy bay của địch.
Tiêm kích đánh chặn MiG-21
Một số phi công Mỹ từng bị không quân Việt Nam bắn hạ, nay đã về hưu, trong câu chuyện kể với người ngoài cuộc, họ thường bảo rằng họ bị tên lửa SAM của Nga-Xô bắn rớt, không muốn kể là bị MiG của Việt Nam bắn hạ. Trong ẩn ý của họ, không muốn nói đúng sự thật “ bị hạ thấp uy thế” là bị lực lượng không quân non, trẻ bắn hạ. Điều đó càng chứng tỏ, tuy mới ra đời, nhưng chiến công của Không quân Việt Nam thật rạng rỡ. Những chương hồi ký của cuốn “ Lịch sử Ngành dẫn đường không quân”, hay cuốn sách "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 - 1975) nhìn từ hai phía” cùng rất nhiều hồi ký, câu chuyện của các cựu chỉ huy bay, cựu sĩ quan dẫn đường, cựu phi công “hai phía” giờ đây đã bóc mở tất thảy sự thật.
Một ngày dài của không quân Việt Nam
Đã có những bài báo nói như vậy, ấy là nói về ngày 2 tháng 1 năm 1967. “Ngày dài” ấy đã có tới 5 chiếc Mig-21 của Không quân trẻ tuổi Việt Nam bị những chiếc F-4C của Liên đội không quân chiến thuật số 8 Không quân Mĩ bắn rơi trên bầu trời Nội Bài, vùng trời Hà Nội. Tổng hợp diễn biến này, không có gì khác nhằm nói lên một sự thật nghiệt ngã là cuộc chiến đấu bảo vệ vùng trời những năm tháng ấy thật quyết liệt, đầy thử thách cam go, không hề dễ dàng để có những chiến công lẫy lừng ở “mặt trận trên không”.
Trưa ngày 2 tháng 1 năm 1967, đội hình chiến dịch Bolo của Không quân Mỹ do đại tá phi công, tên là Robin Olds dẫn đầu bay vào miền Bắc Việt Nam với mật danh liên lạc “Olds”. Trong đội hình 90 máy bay của Olds có 56 chiếc F-4C, 28 máy bay F-105 làm nhiệm vụ chế áp tên lửa SAM và 8 máy bay F-104 Starfighters, tổng số gần 100 chiếc. Ngoài ra, ít nhất cũng có số lượng gần 100 chiếc máy bay trợ chiến (như các máy bay EB-66, EC-121, A-1 Skyraider, các máy bay trực thăng).
Khi trên bàn tiêu đồ của Sở chỉ huy không quân Hà Nội phát hiện nhiều tốp mục tiêu bay vào hướng Phú Thọ, có thể chúng sẽ đánh vào Hà Nội, điện từ Trung đoàn 921 ( căn cứ Nội Bài) xin xuất kích.
Lúc đó là 13 giờ 46 phút, biên đội MiG-21 thứ nhất, gồm Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đăng Kính, Bùi Đức Nhu cất cánh. 4 chiếc MiG-21 đều đeo tên lửa R-3S. Khi xuyên mây ở địa bàn huyện Phù Ninh (Phú Thọ), cách sân bay chừng 43km thì gặp tốp bốn chiếc F-4 của Mỹ từ Phú Thọ (cách sân bay khoảng 55km) lao vào. Biên đội 4 chiếc MiG đang ở đội hình chiến đấu dạng so le, quay bám theo đến phía tây sân bay (Nội Bài) thì gặp bốn chiếc F-4 khác. Số 1 Vũ Ngọc Đỉnh tăng lực đuổi theo, tốp F-4 lập tức cơ động đội hình, bay đan chéo rất quyết liệt khiến Đỉnh không phóng được tên lửa. Đỉnh quyết định vòng trái quay về, thì phát hiện hai chiếc F-4 phía sau phóng tên lửa về phía anh ở thế cao hơn, Đỉnh không kịp cơ động tránh, máy bay bị trúng tên lửa chấn động mạnh không điều khiển được, Đỉnh nhảy dù.
Số 3 là Kính, phát hiện tốp bốn chiếc F-4 khác đã dũng mãnh bám theo, cả bốn chiếc F-4 tăng tốc kéo cao. Thế có lợi thuộc về tốp F-4 so với máy bay của Kính (cao hơn, góc bắn thuận). Đại tá Olds trong tốp này đeo bám bám ngay trên Kính , phóng ra hai quả tên lửa Sparrow và một quả Sidewinder. Chỉ trong giây lát, chiếc MiG của Kính bị chấn động mạnh, anh quyết định nhảy dù. Theo mô tả các tình tiết của trận đánh, nhiều khả năng chiếc F-4C do đại tá Robin Olds điều khiển đã phóng ra hai quả AIM-7 nhưng không trúng mục tiêu, sau đó R.Olds đã chuyển công tắc sang tên lửa nhiệt (heat) và phóng ra quả AIM-9B, quả tên lửa này đã nổ bên cạnh máy bay của Kính.
Hai chiếc MiG-21 số 2 và số 4 sau khi bị mất đội với số 1 và số 3 đã đuổi theo, quần lộn với các máy bay F-4, nhưng do phía F-4 số lượng đông, phóng tên lửa từ nhiều góc tới, nên cả hai máy bay này lần lượt cũng bị trúng tên lửa. Như vậy, đội hình MiG-21 sau khi lên khỏi mây đã bị kẹp vào giữa, cả bốn chiếc đều trúng tên lửa của đối phương.
Tới 13g55, sở chỉ huy cho biên đội thứ hai gồm Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Đồng Văn Đe và Nguyễn Văn Cốc cất cánh (hai chiếc MiG-21 của Ngự và Cốc đeo rocket). Sau khi lên khỏi mây, biên đội đang bay độ cao 3.000m, Đe hô phát hiện mục tiêu, vòng trái gấp. Lúc này số 1 Độ cũng phát hiện mục tiêu, vứt thùng dầu phụ, vòng trái. Sau khi cơ động kín một vòng, Độ thấy F-4 bắn hai phát tên lửa về phía đội hình MiG, Độ quyết định bám theo hai chiếc phía trước, đến cự ly 2.000m điểm ngắm vừa ổn định, Độ phóng một quả tên lửa, chợt thấy máy bay mình xoay nghiêng và mất độ cao, Độ quyết định nhảy dù và tiếp đất ở Tuyên Quang. Trong khi đó các số 2,3,4 của biên đội MiG thứ hai đã quần nhau với F-4 rất quyết liệt, nhưng cả hai phía đều không chiếm được vị trí để không kích, cả ba chiếc MiG-21 đành quay về sân bay.
Mất 5 máy bay trên vùng trời Hà Nội, tuy 5 phi công nhảy dù an toàn, nhưng đó là một ngày dài, tổn thất máy bay nặng nề, ngày không quên của Không quân tiêm kích.
Nhìn thẳng vào sự thật
Lịch sử ngành dẫn đường không quân ghi lại như sau: “Trưa 2 tháng 1 năm 1967, địch tăng cường hoạt động ở phía Sầm Nưa và nhiều tốp đã hướng về Phú Thọ. Có thể chúng sẽ vào đánh Hà Nội theo các đường bay như mấy ngày đầu tháng 12 năm ngoái. Địch qua Phù Yên, Trung đoàn 921 xin đánh. 13 giờ 56 phút, biên đội thứ nhất: Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Đăng Kính và Bùi Đức Nhu rời đất và xuyên lên trên mây. Các trực ban dẫn đường: Nguyễn Văn Chuyên, Đào Ngọc Ngư tại Sở chỉ huy Quân chủng và Tạ Quốc Hưng tại sở chỉ huy Trung đoàn 921 thực hiện dẫn phối hợp. Biên đội thứ nhất đến Phù Ninh thì gặp 4 F- 4 từ Phú Thọ vào. Ta đuổi địch về đến phía tây của sân bay Nội Bài lại gặp 4 F-4 nữa. Trong tình thế rất khó khăn, cả 4 chiếc của ta đều bị địch bắn và phải nhảy dù. Đúng lúc đó biên đội thứ hai: Nguyễn Ngọc Độ-số 1, Đặng Ngọc Ngự-số 2, Đồng Văn Đe-số 3 và Nguyễn Văn Cốc-số 4 cất cánh. Vừa lên khỏi mây, biên đội thứ hai được dẫn vào tiếp địch với góc 120 độ. Số 1 phát hiện cả F-4 và F- 105, cự ly 8km. Sau đó hai bên quần nhau, số 1 bị địch bắn, nhưng nhảy dù an toàn, các số còn lại tách tốp thoát ly về hạ cánh.”
Sau này phân tích chi tiết, về khí tượng, bầu trời cả 2 sân bay ( Nội Bài, Yên Bái) khi đó đều bị phủ mây dày với lượng che phủ 10 phần, đáy mây 1500 mét và đỉnh mây 3000 mét. Các bài viết phân tích, Hà Nội đã không cho cất cánh sớm, để thực hiên chiến thuật “đi thấp, kéo cao, tiếp cận nhanh vào cuối đội hình của địch, tạo thuận lợi cho phi công lần lượt hoặc đồng thời vào công kích” như những trận đánh trước đó. Nhưng mỗi trận đánh, hình thái địch-ta không giống nhau. Điều này Sở chỉ huy không nắm hết. Số là hệ thống đài ra đa cảnh giới đã không phát hiện đầy đủ số máy bay Mĩ tham gia chiến dịch.
“Về chiến dịch gọi là “Bolo” ngày 2 tháng 1 năm 1967, có hai biên đội “Con ma” do đích thân đại tá Olds chỉ huy đã lọt tới chiếm vị trí chiến đấu ngay trên đỉnh mây sân bay Nội Bài ở độ cao 3000 m mà không bị phát hiện. Khi đó dù lực lượng Mig đã được phép xuất kích, nhưng lại bay dưới trần mây và không được trang bị ra đa nên không phát hiện ra đám “Con ma” này”.
Không quân Mỹ triển khai chiến dịch Bolo rất bài bản, giữ bí mật ý đồ tác chiến nên đã gây bất ngờ cho không quân Việt Nam. Các phi công Mỹ tham gia trận không chiến được tập trung nghiên cứu kỹ mọi chi tiết của chiến dịch, cách sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử, cách nghi binh, sử dụng vũ khí.
Để nghi binh đánh lạc hướng mạng rađa của miền Bắc Việt Nam, không quân Mỹ kết hợp bố trí đội hình (đội hình bay, thời gian cất cánh, tốc độ, độ cao) và các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu (máy bay F-4 đeo khối ECM Pod với thiết bị gây nhiễu QRC-160 Jamming Pod, giống các máy bay F-105) làm cho không quân Việt Nam lầm tưởng máy bay tiêm kích là các tốp cường kích!
Khi chiến dịch bắt đầu, các máy bay tiêm kích Mỹ bay “rình sẵn” trên mây, ngay trên vùng trời sân bay, sẵn sàng tấn công khi các máy bay MiG-21 vừa xuyên mây lên khi chưa tập hợp xong đội hình.
Các tốp F-4 của đại tá R.Olds đã bay vào Hà Nội ở độ cao thấp, khiến rađa khu vực Hà Nội và phụ cận không phát hiện được, khi R.Olds qua dãy Tam Đảo đã triển khai bay phục kích MiG-21 ở ngay hai đầu sân bay sớm, trước khi các tốp F-4 giả cường kích ném bom F-105 bay vào. Khi MiG-21 cất cánh, chủ đích để đi đánh chặn đã bị phục kích bất ngờ, chịu tổn thất ngay khi mới xuyên mây lên.
Sau trận đánh, bài học xương máu về nắm chắc địch được rút ra: “Trong khu chiến, ra đa phải nắm chắc địch, dẫn đường và phi công phải tìm mọi cách giám sát chặt chẽ mọi hành động của từng tốp địch, nhất là khi gặp cả cường kích và tiêm kích hoặc chỉ gặp tiêm kích, thì mới tạo ra khả năng giành được phần thắng và hạn chế được tổn thất.” và “Các kíp trực ban dẫn đường đã kết hợp theo dõi địch bằng các nguồn tin tình báo kỹ thuật, tình báo xa và tình báo gần để dự đoán các đường bay vào và bay ra của địch; tính toán đúng thời cơ cất cánh cho các đôi bay của ta; lựa chọn khu chiến phù hợp.” Các sĩ quan dẫn đường của Việt Nam cũng thừa nhận, dẫn máy bay đánh đúng cường kích địch vẫn là bài toán cực kỳ khó khăn. Trong lúc dẫn vào bám địch, nếu phi công phát hiện chỉ có tiêm kích hoặc có cả tiêm kích và cường kích, thì trận đánh buộc diễn ra rất quyết liệt. Lúc này, đường bay ta-địch đan xen lẫn nhau như một mớ bòng bong, đa tầng, nhiều hướng nên "dẫn đường căng thẳng một, phi công căng thẳng mười".
Theo các tài liệu giải mật sau này, được nhiều báo đăng lại rằng chiến dịch Bolo chính thức được mở màn vào ngày 2/1/1967 .Trong điều kiện thời tiết xấu như vậy, tầm quan sát của phi công bị giảm nhiều, F-4 sẽ không thể bao quát được hoạt động của các căn cứ MiG-21…Tuy nhiên, MiG-21 cũng sẽ không thể phát hiện sớm F-4, sau khi xuyên qua các tầng mây chắc chắn sẽ rơi vào thế bị động.
Theo trang World Aviation History thì những đám mây dày đặc có đỉnh lên tới hơn 2km (7.000 feet) khiến “chỉ huy của Không quân Bắc Việt hoãn các chuyến cất cánh của MiG thêm 15 phút”. Các biên đội F-4 cố lượn nhiều lần trên bầu trời Hà Nội, đầu tiên là theo hướng đông-nam, sau đó theo tây-bắc.
World Aviation History cũng cho biết: Vào cận chiến, quần lộn, các máy bay Phantom đã phóng tổng cộng 18 tên lửa AIM-7E Sparrow và 12 AIM-9B Sidewinde. 2 biên đội mà MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam gặp phải khi đó chính là hai biên đội Olds và Ford. Trận chiến sinh tử thực sự bắt đầu. MiG-21 gặp quá nhiều khó khăn. Ngay khi chạm đối phương, họ đã bị bất ngờ vì phải đối mặt với F-4 đeo đầy tên lửa “chứ không phải F-105 mang bom”. Những bức tranh vẽ và hình ảnh lưu lại, cùng sự mô tả cho thấy, đại tá R.Olds khi được thống báo có MiG, đã nhanh chóng làm một cú “bay cuộn tròn, vọt ngược” hay còn gọi “cuộn máy bay theo trục dọc”, tạo ưu thế cao hơn đối phương, hình thành góc tiếp cận phóng tên lửa lợi thế cho F-4C. Những quả tên lửa đã phóng ra, khiến MiG trúng đạn, nhưng phi công kịp nhảy dù.
Sau những ngày gian nan ấy, cả hệ thống ra đa cảnh giới, ra đa dẫn đường và sở chỉ huy Không quân Việt Nam đã rút ra bài học xương máu, cả về nắm chắc địch, ở tầm cao, tầm thấp, cả về thời cơ cất cánh và cách đánh… “Địch càng đánh ác liệt, ta càng bền bỉ tìm ra những chỗ yếu, những chỗ sơ hở của chúng để dẫn bằng được các tốp máy bay ta vào tiếp cận. Cách thức dẫn trên bàn dẫn đường tại sở chỉ huy kết hợp với dẫn trên hiện sóng tại đài ra-đa dẫn đường càng trở nên phong phú”. Chỉ sau đó không lâu, một thời kỳ đánh thắng ròn rã không quân Mỹ lại mở ra, những đợt tập kích vào “vòng tròn đỏ” liên tục bị bẻ gãy.
Một tài liệu đã ghi “Cuộc tranh tài của máy bay MiG và Phantom(F4)trên bầu trời Việt Nam đã kết thúc với thất bại hoàn toàn thuộc về phía Mỹ, trong suốt thời gian chiến tranh từ năm 1966 đến 1972, có 54 chiếc MiG-21 đã bị tiêu diệt bởi F-4, nhưng cũng trong giai đoạn này, “20 chiếc MiG-21 đầu tiên” đã tiêu diệt được 103 chiếc Phantom”.
Điều đó khẳng định sự thay đổi thường xuyên về chiến thuật của cả hai bên tham chiến. Với mỗi một phương thức tác chiến mới của không quân Mỹ, lực lượng Phòng không-Không quân Việt Nam lại nhanh chóng tìm ra giải pháp nhằm khống chế ưu thế trên không của đối phương. 48 năm trước, buộc phải bay vào “ thánh địa Hà Nội” trở nên nỗi ám ảnh nặng nề với các phi công Mỹ.
Dẫu thế nào, trong lịch sử không chiến hiện đại, MiG-21, loại máy bay gắn liền với Không quân trẻ tuổi Việt Nam xứng đáng đứng ở vị trí cao nhất trong thực chiến, về số lượng và chủng loại máy bay đối thủ mà nó đã hạ gục. Có tới 13 phi công MiG-21 Việt Nam đạt danh hiệu “Át” ( Aces ), (chỉ những phi công có số lần bắn rơi từ 5 chiếc máy bay đối phương trở lên).
Theo Petrotimes
Tựa bài do Infonet đặt lại
(An Ninh - Quốc Phòng) - Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành một trong các phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam.

Chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Miền Bắc vào tháng 12.1966. Chiến thắng đầu tiên trong trận không chiến 30.4.1967. Thành tích chiến đấu, bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành phi công hàng đầu của quân chủng Không quân Việt Nam (ace filot). Chiến thắng cuối cùng được thực hiện vào ngày 20.12.1969. Trong năm 1979 ở Việt Nam có chương trình tuyển chọn ứng viên – phi công cho chuyến bay vũ trụ quốc tế Việt Nam – Liên xô theo chương trình “Intercosmos” ông là một trong ba ứng viên được cử đến Moscow.

Phóng viên: Ông hãy kể lại một trận đánh đáng nhớ nhất.
Trong lịch sử các trận chiến đấu của Không quân Việt Nam, trận không chiến ngày 23.8.1967 được đánh giá như trận đánh đầu tiên, hiệp đồng tác chiến giữa hai phi đội máy bay MiG 21 và MiG 17 đã chặn đứng một đợt không kích ồ ạt của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội. Để người đọc có thể hiểu rõ nét hơn những sự kiện xảy ra trong trận đánh đó, Tạp chí Nghệ thuật Quân sự (Nga) trích các bút lục ghi lại từ nhật ký tác chiến của trung đoàn 921:
“Tháng 6.1967 Không quân Việt Nam thực hiện nhiều lần xuất kích và tiêu diệt nhiều máy bay địch. Thông tin trinh sát cho biết, trong giai đoạn sắp tới, địch có kế hoạch không kích quy mô lớn thành phố Hà Nội và ngoại ô thành phố, các mục tiêu trọng yếu sẽ là cầu Long Biên và cầu Đuống, nhà máy điện Yên Phụ, ga xe lửa Yên Viên.
Bộ tư lệnh lực lượng Không quân Việt Nam quyết định tập trung lực lượng không quân tiêm kích đồng thời tấn công hai lực lượng không quân chủ lực của đối phương trên hai vùng không gian gần Hà Nội và bẻ gãy đòn tấn công đường không của địch. Bộ tư lệnh dự kiến, địch đang chuẩn bị các đòn tấn công mạnh mẽ mang tính hủy diệt vào trung tần tháng 8.1967. Từ nay đến ngày dự kiến tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho hiệp đồng chiến đấu.
Nhiệm vụ chiến thuật ngày 23.8 là ngăn chặn không cho địch tấn công các mục tiêu đã lựa chọn. Lực lượng tham gia chiến đấu 2 máy bay MiG – 21 (trang bị 2 tên lửa R-3S), cất cánh từ sân bay Nội Bài. Thời gian tác chiến: ngày 23.8. Vùng tác chiến đối với MiG 21: tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, vùng tác chiến MiG 17 – không phận tỉnh Bắc Ninh.
Đặc trưng hoạt động của địch trong tháng 8.1967 là từ đầu tháng, địch tiến hành hàng nghìn lượt không kích của Không quân Mỹ và Không quân Hải quân Mỹ, ném bom Hà Nội và Hải Phòng. Các cuộc tập kích đường không chia ra thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 4-5 ngày. Mỗi ngày tiến hành từ 200 – 300 cuộc không kích, hình thành từ 2 – 3 đợt tấn công. Đến ngày 21, 22, 23 địch tập trung đánh Hà Nội.
Hướng tấn công chính là phía Tây Bắc Hà Nội. Máy bay địch bay ở độ cao thấp trên khu vực Đông Anh, địch sử dụng dãy núi Tam Đảo như bình phong ngụy trang để đột kích vào Hà Nội và sân bay Nội Bài. Đội hình chiến đấu của địch cho mỗi đợt tấn công không dưới 30 máy bay. Tỷ lệ máy bay tiêm kích và cường kích ném bom là từ 20 – 33%.
Phi đội cường kích ném bom F- 105 thường bay theo đội hình hành dọc, khoảng cách giữa các biên đội từ 8 – 12 km. Gặp máy bay tiêm kích của ta, máy bay địch sẽ trút bom bừa bãi và thoát ly không chiến, hoặc địch sẽ có hành động nghi binh kéo dài thời gian, đợi máy bay tiêm kích F-4 tiếp cận yểm trợ rút lui. Hai trận đánh trên không vào tháng 8, có sự tham chiến của máy bay siêu âm MiG – 21, không có kết quả.

Máy bay F-105 ‘thần sấm’ của không lực Mỹ (ảnh) từng tham chiến tại Việt Nam.
Không chiến ngày 21.8 bằng lực lượng MiG -17, đòn tấn công đường không của địch bị ngăn chặn, nhưng đối phương thoát ly không tham chiến, không có kết quả.
Ngày 23.8 thời tiết rất tốt – tầm nhìn xa trên 10 km. Trên độ cao từ 500–4.000m có 2 – 5 cấp độ các cụm mây và trên độ cao từ 7.000m đến 9000m cấp độ các cụm mây là 7 – 9. Căn cứ vào các báo cáo chiến thuật và kinh nghiệm (ví dụ, hướng tập kích của các cụm máy bay cường kích chủ lực thông thường được xác định bằng hướng gây nhiễu tích cực mạnh nhất), Bộ tư lệnh Không quân Nhân dân Việt Nam quyết định lựa chọn vị trí đòn tấn công chính vào máy bay cường kích. Đó là không phận Thanh Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ – Tuyên Quang cho lực lượng máy bay tiêm kích siêu âm MiG -21. Không phận vùng Đông Anh, Yên Viên sử dụng lực lượng của MiG – 17. Trong trận đánh ở Đông Anh – Yên Viên có sự tham gia của 4 máy bay MiG-17 thuộc lực lượng không quân Bắc Triều Tiên.

Diễn biến trận đánh ngày 23.8 như sau theo lời của anh hùng Không quân Nguyễn Văn Cốc:
14h15. Bộ tư lệnh Không quân thông báo, đợt không kích của địch vào Hà Nội dự kiến vào 15:00.
14h40. trinh sát tầm xa phát hiện một cụm máy bay địch trên khoảng cách 70 km phía nam của Sầm Nưa thuộc Lào. Trung đoàn trường đoàn không quân Sao Đỏ 921 ra lệnh báo động cấp độ cao nhất.
14h52. Đài radar trinh sát tầm xa RLCP -35 khẳng định sự hiển diện của máy bay địch trên hướng Sầm Nưa vào Việt Nam.
14h54. Máy bay địch vượt qua biên giới Việt – Lào và bắt đầu gây nhiễu.
14h58. Phi công Nguyễn Nhật Chiêu số 1 và Phi công Nguyễn Văn Cốc số 2 cất cánh.
Khi máy bay đạt độ cao quy định, biên đội bẻ lái 250 độ, sau đó là 360, 20, 30 độ liên tiếp. Do đó, hướng bay đã hoàn toàn nằm về hướng mặt trời. Theo kinh nghiệm, Nguyễn Nhật Chiêu xác định địch đã bay đến vùng trời Thanh Sơn.
15h08, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu báo cáo đài chỉ huy, đã phát hiện mục tiêu, trên độ cao 5.000 m biên đội quan sát được khoảng 20 máy bay ném bom, đội hình ổn định bay ở độ cao 4.000 m. Bẻ gấp lái, phi công Nguyễn Nhật Chiêu chuẩn bị tấn công. Cũng vào thời điểm đó, khi nghiêng cánh quan sát vùng không gian bán cầu phía sau, tôi phát hiện một tốp máy bay F – 4 Phantom và khẩn cấp báo cáo “705 chú ý, phía sau có nhiều địch, A (máy bay tiêm kích địch)”. Anh Chiêu có thể nhìn thấy khoảng 20 máy bay địch đang bay phía sau chúng tôi. Xác định địch chưa phát hiện được biên đội, anh Chiêu quyết định, mục tiêu của đòn tấn công sẽ là tốp bay thứ hai sau tốp thứ nhất trong đội hình địch. Mặt đất đồng ý.
Khi tốp thứ nhất vừa bay qua, tôi theo mệnh lệnh của số 1 thả thùng dầu phụ và tăng tốc. Chớp nhoáng chúng tôi chiếm vị trí lợi thế đánh địch, vùng bán cầu phía sau, liếc mắt xem đồng hồ độ cao, tôi biết chúng tôi đang ở độ cao 4.000 m (như máy bay địch) tốc độ 1.200 km/h, tốc độ máy bay địch 800–850 km/h. Khoảng cách giữa ta và địch là 1.200–1.500 m. Chúng tôi bay với giãn cách 200 m, mỗi người chọn 1 mục tiêu từ các máy bay bay cuối trong đội hình địch. Tiếp cận và đưa mục tiêu vào kính ngắm, chúng tôi chuẩn bị phóng tên lửa.
Sau này, Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu đã viết trong hồi ký của mình (xin trích dẫn từ cuốn sách “Kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Binh chủng Không quân.” Hồi Ký, quyển 1. Nhà xuất bản QĐND, năm 2005, tr. 236-242:
“Trong chốc lát chúng tôi đã chiếm lĩnh vị trí thuận lợi cho tấn công. Vào thời điểm đó tôi nhớ lại lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Nhanh chóng nắm quyền chủ động, tấn công bí mật và bất ngờ. Chỉ tiến hành trận đánh khi đã chắc thắng”. Đám ‘Con ma’ F-4 tiếp tục bay ổn định theo đội hình, không ngờ đến nguy hiểm ở phía sau. Nhìn sang phải, tôi thấy số 2 đã sẵn sàng phóng tên lửa. Tôi ra lệnh: “708, công kích cùng lúc, đợi tín hiệu của tôi”, anh Cốc trả lời: “Rõ”. Mục tiêu đã nằm trong tầm phóng đạn, tôi ra lệnh “bắn” và nhấn cò. Cánh bên trái máy bay hơi nhấc lên. Trong giây lát, chiếc ‘Con ma’ bùng cháy.
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc kể tiếp. Một giây trước thời điểm phóng…Tôi nghe rõ tín hiệu tên lửa đã bắt được mục tiêu, nhìn sang bên trái, tôi thấy anh Chiêu gật đầu trong thời điểm ra lệnh: “Bắn”. Tên lửa của anh vẽ một đường thẳng màu xanh nối liền máy bay MiG với Phantom F-4. Tôi cũng nhấn nút phóng tên lửa và nhìn thấy rõ quỹ đạo bay của R-3S, tên lửa lao thẳng vào Phantom F-4 thứ 2 bay ở phía trước.
Mục tiêu nổ tung. Ngay lúc đó tôi cảm thấy một đợt sóng xung kích đập mạnh vào máy bay. Sau này tôi hiểu, vì tầm bắn đến mục tiêu khoảng 1.000m, máy bay của tôi rơi vào vùng sóng xung kích của vụ nổ máy bay địch bị tôi bắn rơi. Kéo mạnh cần lái về phía mình, tôi làm động tác cơ động lấy độ cao nhằm đưa máy bay thoát ly vùng chiến. Lấy thăng bằng, từ độ cao tôi nhìn thấy 3 đốm lửa cháy, 2 đốm lửa đang nhỏ dần và tiếp đất, đốm lửa thứ 3 cách tôi khoảng 2 km cho thấy, số 1 đã tiêu diệt thêm 1 máy bay của địch.
Không kiềm chế được niềm vui, tôi reo ầm lên: “Cháy rồi, máy bay địch cháy rồi”. Kiểm tra lại máy bay, tôi thấy vẫn điều khiển được nhưng tăng tốc độ khó khăn. Tôi báo cáo tình trạng kỹ thuật cho mặt đất và phát hiện một máy bay Phantom F-4 đang bay ở phía dưới và xin lệnh tấn công. Giọng nói bình tĩnh của trung đoàn trưởng với âm sắc miền Trung vang lên trong tai nghe: “708, bình tĩnh, nhanh chóng hạ cánh”. Tôi được gọi về căn cứ, vì sở chỉ huy cho rằng máy bay của tôi không đảm bảo kỹ thuật cho không chiến.
Đồng chí Trần Đức Tú thông báo, địch đang có mặt tại khu vực Tam Đảo, khoảng 20 km đến sân bay Nội Bài. Tôi được lệnh bay lên phía Bắc, sau đó vòng về căn cứ. Khi bay qua bầu trời Yên Viên, tôi nghe thấy giọng nói của Nguyễn Nhật Chiêu, đang thông báo tọa độ của mình và nhận lệnh hạ cánh. Hạ thấp độ cao, tôi thấy chiếc én bạc của anh sáng lấp lánh trên nền xanh biếc của núi rừng.
Nguyễn Nhật Chiêu kể lại việc ông hạ tiếp chiếc Phantom F-4 thứ 2: Sau khi bắn hạ chiếc Phantom thứ nhất, tôi bẻ lái xuyên qua tầng mấy và phát hiện một tốp máy bay địch khoảng 8 chiếc đang bay theo đội hình hành tiến. Lúc đầu tôi định phóng tên lửa cuối cùng vào trung tâm của đội hình để tiêu diệt được nhiều địch, nhưng trong đầu tôi lại vang lên lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…” chỉ bắt đầu trận đánh khi chắc thắng”.
Tôi chọn một mục tiêu ở phía ngoài đội hình và tiếp cận địch. Điều kiện bắn cũng tốt như lần phóng đạn thứ nhất. Khi khoảng cách giữa tôi và máy bay địch đạt 1800 km, tín hiệu bắt mục tiêu của tên lửa vang lên rõ ràng. Tôi nhấn nút phóng. Trong chớp mắt máy bay địch bùng cháy.
Trên đường về căn cứ chúng tôi gặp máy bay địch từ tốp bay đầu tiên trong đội hình chiến đấu, đang tháo chạy khỏi trận địa phục kích của MiG 17. Máy bay địch bay rất gần, có thể nhìn thấy rõ các nhãn hiệu trên thân. Nhưng trận đánh gặp địch không thể tiến hành do chúng tôi đã gần hết dầu, tôi không còn tên lửa, còn số 2 không thể tăng tốc quá 600 km/h do hỏng hóc ở động cơ. Máy bay địch nhanh chóng thoát khỏi vùng trời miền Bắc Việt Nam.
Từ nhật ký tác chiến của Trung đoàn không quân Sao đỏ 921:
“…kết quả trận không chiến ngày 23.8 cho thấy tính khả thi của thủ pháp chiến thuật “đồng thời tấn công” có nghĩa là trong điều kiện thuận lợi, an toàn, số 1 và số 2 có thể đồng loạt tấn công và nâng cao hiệu suất tác chiến của trận đánh trên không. Trận đánh này có thể trở thành chiến lệ về phương pháp “liên tục tấn công” của không quân Việt Nam.
Hai phi đội máy bay MiG -17 tiến hành đánh chặn địch ở vùng trời Đa Phúc và Yên Viên gần Hà Nội. Trong trận không chiến không cân sức đó, các phi công MiG 17 đã cận chiến và bắn hạ 1 chiếc F-105 và 2 chiếc Phantom F-4. Phi công Lê Thanh Phong, bắn hạ 1 F-4, hết dầu và đạn, bị nhiều máy bay địch bao vây tấn công, đã hy sinh trong chiến đấu. Phi đội MiG- 17 của phi công Bắc Triều Tiên không rõ các hoạt động tác chiến, chỉ biết các anh đã bắn hạ 1 trong 3 chiếc máy bay địch bị rơi.
Việc đưa hai loại máy bay tiêm kích MiG -21 và MiG -17 vào một trận không chiến với những tính năng kỹ chiến thuật khác nhau đã tạo ra hai tầng không chiến, tầng trung và tầng thấp, từ đó đã hạn chế hoạt động của máy bay địch trong các thủ đoạn sử dụng độ cao thấp tiếp cận các mục tiêu quan trọng trên miền Bắc Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc kể lại: Khi còn học ở Liên xô tôi được xem bộ phim “ Bầu trời trên Baltic. Với các cảnh máy bay MiG – 3 sử dụng chiến thuật “ đồng loạt tấn công” để tiêu diệt các máy bay Đức “Focker”. Cảnh phim đã gây ân tượng rất mạnh với tôi. Khi tôi chiến đấu ở Việt Nam, các hoạt động tác chiến được thực hiện theo nguyên tắc: “số 1 tấn công, số 2 cảnh giới” trong chiến đấu với máy bay địch. Nhưng ngày 23.8.1967 tôi cùng với anh Nguyễn Nhật Chiêu đã diễn lại cảnh phim Baltic ngay trên bầu trời Tổ quốc. Từ thời điểm đó, Phi công Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là “Chim cắt số 2”.
Trong tiểu đoàn của ông được biên chế chỉ có phi công Việt Nam hay có cả phi công Xô viết?
Tiểu đoàn của tôi biên chế hoàn toàn là phi công Việt Nam, cũng như các đơn vị khác trong trung đoàn. Theo chương trình huấn luyện thường xuyên chúng tôi có các huấn luyện viên bay là phi công Xô viết. Trong một thời gian có một đơn vị nhỏ các phi công Bắc Triều Tiên sang nghiên cứu thực tế chiến đấu, được biên chế máy bay MiG – 17 và 21 sản xuất tử Liên Xô. Vào giai đoạn 1966 – 1968 các bạn chiến đấu Triều tiên đã tham gia hơn năm mười trận không chiến và bắn rơi khoảng hơn 30 máy bay địch.
Ngày nay, thế hệ các máy bay tiêm kích đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, xuất hiện các máy bay thế hệ thứ 4 như F-15, Su-27, MiG – 29, thế hệ 4++ như Su –35 hoặc thế hệ máy bay thứ 5 như F – 35. Các máy bay này đều có những tính năng kỹ chiến thuật đặc trưng như tốc độ siêu âm, khả năng cơ động rất cao, mang được nhiều vũ khí trên cánh, sử dụng công nghệ stealth và có khả năng tác chiến tầm rất xa, đến hàng trăm km. Dường như có một xu hướng thống trị bầu trời bằng công nghệ máy bay hiện đại, siêu cơ động và tấn công tầm xa trong một cuộc chiến công nghệ và phi tiếp xúc.
Trong vòng xoáy chạy đua công nghệ này, nước có nhiều kinh nghiệm nhất trong không chiến tất nhiên là Mỹ – Việt Nam và Nga. Lịch sử các trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam cho thấy một điều rất rõ, chiến thắng trên bầu trời còn xa mới phụ thuộc vào công nghệ hiện đại và siêu hiện đại, cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng máy bay có trên bầu trời trong một lần xuất kích.
Mỗi lần không tập miền Bắc, không quân Mỹ thường điều động hàng trăm máy bay với tần xuất xuất kích rất cao, chưa từng có ở bất cứ cuộc chiến nào ngoại trừ Đại chiến thế giới lần thứ II, nếu nhìn về góc độ kỹ năng tác chiến, thì phi công Mỹ hoàn toàn không phải là công tử, và bản lĩnh chiến đấu của họ cũng rất cao. Điểm yếu duy nhất khiến họ mất ưu thế trên bầu trời chính là nhân tố con người và mặt đất.
Về chiến thuật, có thể nhận thấy rất rõ, mọi cuộc không chiến tầm xa đều dẫn đến cận chiến tầm gần nếu như lực lượng không quân tham chiến là lực lượng chiến đấu thật sự, chứ không phải là đơn vị diễu hành. Và trong cận chiến tầm gần, trong điều kiện vũ khí trang bị gần tương đương, ví dụ như Su – 30MK và F – 15, thì phi công và mặt đất quyết định tất cả. Đó là khả năng cơ động chiến đấu cao, chiến thuật hợp lý, kỹ thuật bay thông minh, dũng cảm và sáng tạo.
Rất nhiều lần, phi công Mỹ chỉ phát hiện được MIG khi tên lửa đã nổ tung bên cạnh cánh bay hoặc động cơ, do các phi công Việt Nam có khả năng bay thấp theo địa hình tránh radar tầm xa, đột ngột lấy độ cao ở hướng mặt trời và công kích ở tầm từ vài km trở lại. Hoặc như MiG – 17, bay ở tầm rất thấp, từ mặt ngụy trang địa hình lao vào đội hình địch quần chiến theo cách “bám thắt lưng địch mà đánh”.
Những kỹ năng tác chiến đó với những máy bay thế hệ 4 sẽ được phát huy mạnh mẽ do tính cơ động siêu việt của nó cộng với kỹ năng bay và điều khiển máy bay, sự hoàn hảo trong lựa chọn vị trí tấn công, góc tấn công và tốc độ tiếp cận mục tiêu, hơn nữa là kỹ năng phát hiện và chống bám đuổi, kỹ năng tránh tên lửa điều khiển.
Sự kiện chiếc MiG 21U huấn luyện với một phi công Việt Nam, một huấn luyện viên Nga, không mang vũ khí đã cơ động tránh đến 6 lần tên lửa không đối không hiện đại của Mỹ, cho đến khi máy bay hết dầu, phi công nhảy dù, không quân Mỹ mới bắn rơi máy bay “không người lái” là một ví dụ rõ nét nhất về yếu tố quyết định sự thành bại trên không trung.
Không chiến trong tương lai gần sẽ là cuộc chiến đấu trên bầu trời – mặt biển, kỹ năng tác chiến trên biển có nhiều điểm khác với bầu trời trên mặt đất. Nó đòi hỏi trình độ điêu luyện của người phi công, khả năng điều khiển bay hoàn hảo và hiểu biết máy bay sâu sắc, kinh nghiệm chiến đấu và lòng dũng cảm thông minh. Đó là yêu cầu cấp thiết của thế hệ phi công mới của không quân Việt Nam vì sự bình yên của tổ quốc.
(Theo Viettimes)

MiG-21 - huyền thoại của Không quân Việt Nam (P1)

Đây là tiêm kích thành công nhất và cũng là đôi cánh làm nên sức mạnh cho Không quân Việt Nam những năm chống Mỹ.
Cuối năm 1965, Trung đoàn không quân 921 (đoàn Sao Đỏ) là đơn vị đầu tiên của Không quân Việt Nam tiếp nhận các tiêm kích có tốc độ siêu âm MiG-21F-13 được trang bị tên lửa không đối không.
MiG-21F-13, NATO định danh Fishbed-C là biến thể sản xuất loạt số lượng lớn đầu tiên của MiG-21F.
Đây là một tiêm kích hoạt động ban ngày, tầm ngắn, được trang bị động cơ phản lực Tumansky R-11 cung cấp lực đẩy 60,6 kN có đốt sau.
Biến thể này được trang bị 2 giá phóng APU-28 mang tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn bằng hồng ngoại K-13(AA-2 Atoll) tầm bắn 4km cùng 1 pháo NR-30 30mm cơ số 30 viên đạn.
MiG-21 là một tiêm kích rất nhanh, có tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh (khoảng 2.400km/h trong điều kiện lý tưởng).
Chiến đấu cơ này có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với các tiêm kích cùng thời của Mỹ như F-105 Thunderchief, F-4 Phantom, cường kích A-4 Skyhawk.
Những phi công đầu tiên của Việt Nam lái MiG-21
Đến tháng 4/1966, Không quân Việt Nam được tiếp nhận thêm một số tiêm kích biến thể MiG-21PF.
MiG-21PF là biến thể đánh chặn được trang bị động cơ R-11F2-300, rađa RP-21Sapfir thay thế cho rađa SRD-5M, phát hiện máy bay đối phương ở cự ly 20km, khóa mục tiêu ở cự ly 10km.
Rađa mới cho phép MiG-21 sử dụng đạn tên lửa K-5M bên cạnh các tên lửa K-13. Tuy nhiên, biến thể này không được trang bị pháo.
Từ cuối tháng 1/1966, quá trình huấn luyện chuyển loại cho phi công lái tiêm kích MiG-21 đã hoàn tất.
Để chuẩn bị, MiG-21 đánh thử vài trận để rút kinh nghiệm, đối tượng tác chiến ban đầu là các máy bay trinh sát không người lái, các máy bay cường kích tốc độ chậm của Mỹ.
Ngày 4/3/1966, phi công Nguyễn Hồng Nhị lái MiG-21 đã bắn hạ thành công 1 máy bay trinh sát không người lái AQM-34 Firebee của Mỹ ở độ cao 18km.
Mặc dù chiến công đầu tiên chỉ là những chiếc máy bay không người lái nhưng đó là cơ sở quan trọng cho những cuộc chạm trán ác liệt giữa MiG-21 và F-105, F-4 về sau.

MiG-21 - huyền thoại Không quân Việt Nam (P2)

Thứ năm, 24/04/2014 13:00
Giành nhiều chiến công năm 1966, tuy nhiên năm 1967 lại mở đầu bằng một ngày đen tối đối với Không quân Việt Nam.
Chỉ trong ít phút ngày 2/1/1967, có đến 5 chiếc MiG-21 của Trung đoàn 921 bị những chiếc F-4C Không quân Mỹ bắn rơi ngay trên khu vực sân bay Nội Bài.
Các phi công MiG-21 đã bị rơi vào một cái bẫy trong trận đồ không chiến đã được Không quân Mỹ giăng sẵn của 'chiến dịch Bolo'

Trong cái ngày đen tối đó, lực lượng rađa cảnh giới cũng gặp phải sai sót khi để 2 biên đội F-4C do Đại tá Robin Olds chỉ huy lọt vào đến sân bay Nội Bài mà không bị phát hiện.
Khi đó, ngay lúc được lệnh xuất kích, những chiếc MiG-21 đã phơi mình dưới mưa tên lửa khi đội hình chiến thuật chưa kịp điều chỉnh.
Đầu năm 1967, Không quân Việt Nam chịu nhiều tổn thất
Ngày 8/1/1967, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm và đưa ra chiến thuật mới được điều chỉnh theo hướng du kích 'đánh nhanh rút gọn'.
Số tiêm kích MiG-21 trực ban được điều chỉnh giữ ở mức từ 2 - 4 chiếc mỗi ca trực, khi xuất kích đánh chặn.
MiG-21 thường xuyên thay đổi độ cao và tốc độ theo kiểu 'thoắt ẩn, thoắt hiện' để tấn công đối phương kết hợp với MiG-17 làm nhiệm vụ hiệp đồng nghi binh.
Việc áp dụng chiến thuật không kích mới từ cuối tháng 4/1967 đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, làm giảm đáng kể hiệu quả tác chiến của Không quân Mỹ.
Vào ngày cuối cùng của tháng 4/1967, biên đội MiG-21 do phi công Nguyễn Ngọc Độ bay số 1 và Nguyễn Văn Cốc bay số 2 đã bắn hạ 2 chiếc F-105.
Biên đội MiG-21 thứ 2 xuất kích cùng ngày gồm Lê Trọng Huyên và Vũ Ngọc Đỉnh cũng đã bắn hạ thêm 1 chiếc F-105.


'Én bạc' hạ đo ván 14 máy bay Mỹ


Chiếc máy bay Mig-21, số hiệu 4324 từng được 8 phi công thay nhau lái hạ 14 máy bay các loại của Mỹ đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A, Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) là nơi trưng bày nhiều hiện vật gắn với những chiến công vang dội trong suốt chiều dài đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Chiếc máy bay Mig-21, số hiệu 4324, hiện đang đặt tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng này.
'En bac' ha do van 14 may bay My hinh anh 1
"Én bạc" 4324 trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng Phòng Kiểm kê-Bảo quản (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho biết: “9 phi công của Không quân nhân dân Việt Nam đã thay nhau lái chiếc máy bay này, bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ. Tám trong số 9 phi công nói trên đã được tuyên dương và truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
"Én bạc" số hiệu 4324 do Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Ngày 9/1/1967, chiếc máy bay này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “én bạc” 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần.
Chỉ trong năm 1967, 9 phi công của Trung đoàn không quân 921 đã thay nhau trực ban chiến đấu và lần lượt cùng chiếc Mig-21, số hiệu 4324 xuất kích chiến đấu, bắn rơi 14 máy bay các loại của đế quốc Mỹ.
'En bac' ha do van 14 may bay My hinh anh 2
Mỗi ngôi sao đỏ tương ứng với một chiến công của chiếc Mig-21.
Người đầu tiên lập công cùng “én bạc” 4324 là phi công Lê Trọng Huyên. Ngày 30/4/1967, phi công Lê Trọng Huyên xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm” F-105 trên bầu trời Bắc Thái. Chiến công này được thể hiện bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay.

Trong các tháng 5, 6, 7, 9, 11, 12 của năm 1967, Mig-21 số hiệu 4324 liên tiếp lập công. Chiến công thứ 14 của "én bạc" được hoàn thành vào sáng 19/12/1967. Buổi sáng hôm đó, biên đội 4 chiếc Mig-17 (thuộc Trung đoàn không quân 923) và 2 chiếc Mig-21 (thuộc Trung đoàn không quân 921) tổ chức một trận đánh hiệp đồng trên vùng trời Tam Đảo, nhằm cản phá 1 đợt máy bay của không quân Mỹ vào đánh phá Hà Nội. Máy bay 4324, do phi công Nguyễn Đăng Kính điều khiển, đã bắn hạ 1 chiếc F-4.
'En bac' ha do van 14 may bay My hinh anh 3
8/9 phi công lập công cùng Mig-21 mang số hiệu 4324, đã được tuyên dương và truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Có 9 phi công đã lập công cùng với Mig-21 số hiệu 4324. Đáng chú ý, có 5 phi công tiêu diệt 2 máy bay địch khi xuất kích cùng "én bạc" là: Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc và Nguyễn Đăng Kính, ngoài ra còn 4 phi công cùng có 1 lần lập công với "én bạc".
Theo Hoàng Hà/Quân đội nhân dân


Phi công Mỹ sững sờ vì những điều "chưa có tiền lệ" của MiG-21

Thiên Minh |
Phi công Mỹ sững sờ vì những điều "chưa có tiền lệ" của MiG-21
Những cánh "én bạc" MiG-21 đã trở thành nỗi khiếp sợ của Không quân Mỹ.

Dù thiếu radar tầm xa, mang ít tên lửa so với chiến đấu cơ cùng thời của Mỹ nhưng trong tay phi công VN, với cách tác chiến sáng tạo, MiG-21 đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ.



Nỗi khiếp sợ trước MiG-21 của Không quân Việt Nam đã thúc đẩy Mỹ tìm mọi cách có được chiếc máy bay này để tiến hành những thử nghiệm ở Vùng tuyệt mật 51 trên sa mạc Nevada.
Sau các cuộc thử nghiệm này, Mỹ đã rút ra nhiều bài học về các điểm yếu, mạnh của MiG-21, bổ sung cho chương trình huấn luyện nâng cao để đối phó với MiG trên chiến trường Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đã đưa ra từng chiến lược cụ thể dành cho từng loại máy bay chiến đấu để đối phó với MiG-21, Không quân Mỹ vẫn không tránh khỏi thất bại đau đớn trước những "cánh én bạc" Việt Nam.
Phải nói rằng, những phi đội máy bay tiêm kích MiG-21 do Liên Xô viện trợ đã tăng thêm một nguồn sức mạnh rất lớn cho lực lượng không quân non trẻ của Việt Nam, vốn chỉ có những chiếc MiG-17 từ thời chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Các phi công MiG-21 Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô. Khi về nước, họ được biên chế trong trung đoàn không quân 921 hay còn gọi là đoàn không quân Sao đỏ - trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam.
Các phi công MiG-21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu
Các phi công MiG-21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu (Ảnh: Cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Theo báo Tuổi Trẻ, chiếc MiG-21 đầu tiên về Việt Nam tháng 12-1965 và tham gia chiến trận đầu tiên ngày 4-3-1966.
Trong chiến tranh Việt Nam, các phi công MiG đã bắn rơi 174 máy bay Mỹ các loại, trong đó có cả B-52, đã có 56 phi công MiG Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ, 18 người bắn rơi 4 chiếc trở lên, trong đó phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc.
Trong thời kỳ này, có những trận không chiến giữa MiG-21 và máy bay Mỹ xứng đáng được xem là kỳ tích.
“Én bạc” hạ đo ván 14 máy bay Mỹ
Chỉ trong năm 1967, 9 phi công của Trung đoàn không quân 921 đã thay nhau trực ban chiến đấu và lần lượt cùng chiếc MiG-21, số hiệu 4324 xuất kích chiến đấu, bắn rơi 14 máy bay các loại của đế quốc Mỹ.
MiG-21 số hiệu 4324 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Ngày 9-1-1967, chiếc máy bay này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, MiG-21 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần.
Én bạc 4324 trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
"Én bạc" 4324 trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: QĐND
Người đầu tiên lập công cùng “én bạc” 4324 là phi công Lê Trọng Huyên.
Ngày 30-4-1967, phi công Lê Trọng Huyên xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm” F-105 trên bầu trời Bắc Thái. Chiến công này được thể hiện bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay.
Trong các tháng 5, 6, 7, 9, 11, 12 của năm 1967, MiG-21 số hiệu 4324 liên tiếp lập công.
Mỗi ngôi sao đỏ tương ứng với một chiến công của chiếc Mig-21
Mỗi ngôi sao đỏ tương ứng với một chiến công của chiếc MiG-21. Ảnh: QĐND
Chiến công thứ 14 của "én bạc" được hoàn thành vào sáng 19-12-1967.
Sáng hôm đó, biên đội 4 chiếc MiG-17 (Trung đoàn không quân 923) và 2 chiếc MiG-21 (Trung đoàn không quân 921) tổ chức đánh hiệp đồng trên vùng trời Tam Đảo, nhằm cản phá 1 đợt máy bay của không quân Mỹ vào đánh phá Hà Nội.
Máy bay 4324, do phi công Nguyễn Đăng Kính điều khiển, đã bắn hạ 1 chiếc F-4.
Chiếc MiG-21 4324 hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
MiG-21 một mình đấu với 36 máy bay địch
Đầu năm 1968, số máy bay mới được lắp ráp của trung đoàn 921 đã hao hụt rất nhiều do bị địch bắn rơi và bị bom địch phá hủy khi đỗ ở sân bay.
Một số máy bay hỏng hóc chưa kịp sửa chữa vì thiếu phụ tùng thay thế. Vì vậy, số máy bay trực chiến, nhất là máy bay MiG-21 còn rất ít.
Giai đoạn đầu tháng 1/1968, có thời điểm lực lượng máy bay đủ điều kiện tham gia trực chiến chỉ có 2 chiếc MiG-21.
Chính trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó đã diễn ra trận không chiến lịch sử của phi công Hà Văn Chúc.
Ngày 3-1-1968, ngay từ sáng sớm, Không quân Mỹ đã sử dụng một lực lượng lớn máy bay, khoảng 80 lần/chiếc F-105 và F-4 bay vào Hà Nội.
Nhận mệnh lệnh của trên, cả hai trung đoàn 921 và 923 đều xuất kích, hiệp đồng đánh địch, trong đó trung đoàn 921 có biên đội 2 chiếc MiG-21.
Sau trận đánh ác liệt sáng 3-1, do 1 chiếc bị lao ra ngoài đường băng khi hạ cánh, lực lượng trực chiến chỉ còn 1 chiếc MiG-21.
Trung đoàn 921 đang ở tình thế thiếu máy bay thì lúc 15 giờ ngày 3-1-1968, giặc Mỹ lại sử dụng 36 máy bay cường kích và tiêm kích từ hướng Sơn La vào đánh Hà Nội.
Được phép của Bộ Tư lệnh, trung đoàn hạ quyết tâm cho máy bay MiG-21 cất cánh, dù một chiếc cũng đánh.
Với tinh thần gương mẫu của người đảng viên, thượng úy-Đại đội phó Hà Văn Chúc xung phong nhận nhiệm vụ.
Thượng úy - Liệt sĩ Hà Văn Chúc (Ảnh: Cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Thượng úy - Liệt sĩ Hà Văn Chúc (Ảnh: Cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Tới vùng trời Yên Châu, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp địch đang bay ở phía trước, đồng thời một tốp F-4 đã lướt qua trên đầu.
Một tốp F-4 từ phía khác phát hiện ra máy bay ta liền lao tới đón đầu. Máy bay của Hà Văn Chúc và máy bay địch quần lượn, bám đuổi và kéo nhau về tới vùng trời Tam Đảo.
Tốp F-105 của địch vòng lại đón đầu. Hà Văn Chúc cho máy bay vọt lên. Nhìn sang trái, thấy một tốp F-105 khác, anh lập tức cho máy bay bổ nhào.
Do động tác quá mạnh, máy bay không bám được mục tiêu, anh phát hiện được 8 chiếc F-105 đang chuẩn bị ném bom.
Được lệnh, Hà Văn Chúc cho máy bay hướng thẳng vào chiếc F-105 bay chính giữa và phóng tên lửa. Chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy. Đội hình máy bay địch bị rối loạn, không thực hiện được ý đồ vào đánh phá khu vực Hà Nội.
Được lệnh từ sở chỉ huy, Hà Văn Chúc lái máy bay luồn lách tránh tên lửa của địch bắn ra, hạ cánh an toàn. Nhằm đúng lúc đội hình địch bị tan vỡ, bộ đội tên lửa chớp thời cơ, bắn rơi thêm hai chiếc F-105
Ngày 14-1-1968, Hà Văn Chúc lại cùng đồng đội bắn rơi một máy bay F-105 của không quân Mỹ trên vùng trời huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
Nhưng không may, trong trận chiến đấu này, máy bay bị trúng đạn, Hà Văn Chúc bị thương nặng buộc phải nhảy dù.
Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, ngày 19-1-1968, anh đã hy sinh tại Quân y viện 108.
Chiến thắng oanh liệt trước B-52
B-52 là con bài chiến lược của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và đây cũng là một loại máy bay rất khó tiêu diệt.
Chỉ những phi công giỏi nhất của Việt Nam được lựa chọn để đánh B52 và số này chỉ có khoảng hơn 10 người.
Đây cũng là những người quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Họ là một phần của huyền thoại 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội năm 1972.
Hai biên đội MiG-21 Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Phạn Phú Thái, Bùi Thanh Liêm sau chiến thắng trận ngày 27-6-1972.
Hai biên đội MiG-21 sau chiến thắng trận ngày 27-6-1972. (Ảnh: Cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía)
Trên máy bay MiG-21, chỉ có 2 đến 4 quả tên lửa. Khi đó, mệnh lệnh được đưa ra là tên lửa chỉ được dùng để bắn B-52, chứ không được dùng để bắn máy bay tiêm kích đối phương. Như vậy, khả năng hy sinh của phi công sẽ cao hơn…
Khi đó, việc sử dụng MiG-21 để đánh B-52 là chưa có tiền lệ. Giới quân sự quốc tế, vào thời điểm đó, cũng không dám chắc chắn về hiệu quả của nó.
Phương án tác chiến chống B-52 được xây dựng tỷ mỉ từ việc phát hiện B-52, cách mở radar, tiếp cận, cách tránh máy bay tiêm kích hộ tống của địch, cho đến cự ly phóng tên lửa và thoát ly…
Đêm 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Anh Sơn đã bắn bị thương một chiếc B-52 của địch. Trận đánh này khẳng định, MiG-21 có thể tiêu diệt B52.
Việc nghiên cứu quy luật hoạt động và tính năng của máy bay B-52 đã được tiến hành từ trước đó, nhưng khi những loạt bom đầu tiên được thả xuống Hà Nội, cán bộ chiến sĩ bộ đội không quân đã trải qua một cảm giác hết sức nặng nề.
Sau những trận đầu tiên MiG-21 xuất kích, không quân Mỹ tập trung đánh phá các sân bay lớn.
Đón mùa xuân chiến thắng bên xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972.}
Đón mùa xuân chiến thắng bên xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972. (Ảnh: Sở văn hóa và thể thao thành phố HCM)
Các máy bay tiêm kích của ta được lệnh chia nhỏ ra và di chuyển đến các sân bay dã chiến, được bố trí ở nhiều nơi, như Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái...
Hệ thống dẫn đường cũng được thiết lập rộng khắp, có thể dẫn dắt cho máy bay của ta cất cánh từ các sân bay dã chiến khác nhau.
Đây là một yếu tố chiến thuật, đảm bảo cho lực lượng không quân tác chiến vì khi đó, quân đội Mỹ có khả năng phát hiện ra những máy bay của ta khi cất cánh từ các sân bay lớn.
Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972, phi công Phạm Tuân đã cùng chiếc MiG-21 số hiệu 5121  xuất kích, tiêu diệt một “siêu pháo đài bay” B-52 cùng toàn bộ kíp “giặc lái” Mỹ.
Tháng 12/1972, phi công Phạm Tuân đã cùng chiếc MiG-21 số hiệu 5121 xuất kích, tiêu diệt một “siêu pháo đài bay” B-52 cùng toàn bộ kíp “giặc lái” Mỹ. Ảnh: QĐND
Trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi 2 chiếc B-52. Phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc khác, khiến nó phải hạ cánh ở Thái Lan.
Mặc dù thiếu radar tầm xa, mang ít tên lửa so với những máy bay chiến đấu đa nhiệm cùng thời của Mỹ nhưng trong tay những phi công lão luyện của Việt Nam, với cách tác chiến sáng tạo, MiG-21 trở nên một sức mạnh trên bầu trời.
Có tới 50 quốc gia đã và đang sử dụng MiG-21, nhưng cho đến thời điểm này, không quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng không quân duy nhất đã sử dụng MiG-21 để tấn công trực tiếp B52 và bắn hạ được B52.
MiG-21 Mikoyan-Gurevich là máy bay tiêm kích phản lực được thiết kế và chế tạo bởi cục thiết kế Mikoyan-Gurevich tại Liên bang Xô Viết.
Hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa từng sử dụng loại máy bay này và hiện nay MiG-21 vẫn đang hoạt động trong không quân của một số quốc gia.
MiG-21 đã đạt được một số kỷ lục hàng không:
- Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất lịch sử hàng không.
- Máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Thế chiến 2.
- Máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất.
(Tổng hợp)
theo Đại Lộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét