Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

VÕ THUẬT TINH HOA 48

(ĐC sưu tầm trên NET)

Thiếu Lâm Tự và sự thật về tuyệt học Dịch cân kinh

Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh luôn là một bí kíp võ công được cả võ lâm thèm muốn.
    Từ sức hút của huyền thoại...
    Trong Tiếu ngạo giang hồ, Dịch cân kinh được nhà văn Kim Dung mô tả là thần công do thiền sư Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sáng tạo ra, uy lực vô cùng lớn:
    'Hàng trăm năm qua không phải bậc kỳ nhân thì không truyền thụ, mà dẫu kỳ nhân nhưng không gặp kỳ duyên thì cũng không truyền thụ; dù có là đệ tử xuất chúng của chính Thiếu Lâm mà không có phúc duyên thì cũng không được truyền'.
    Thiếu Lâm tự và sự thật về tuyệt học Dịch cân kinh
    Lệnh Hồ Xung, một trong những người may mắn được truyền thụ Dịch cân kinh
    Trong tiểu thuyết này, Lệnh Hồ Xung đại đệ tử phái Hoa Sơn bị nhiều luồng chân khí hỗn chiến trong cơ thể, tình trạng vô cùng nguy kịch, chỉ có Dịch cân kinh mới hóa giải được.
    Nhưng muốn học, điều kiện đầu tiên là phải gia nhập Thiếu Lâm, mà chàng thà chết không phản bội Hoa Sơn, do đó kiên quyết không chịu học.
    Cuối cùng, cảm kích trước nghĩa khí và công lao của vị thiếu hiệp, Phương Chính đại sư của Thiếu Lâm đã phá luật, mượn lời Phong Thanh Dương để truyền lại bí kíp này cho Lệnh Hồ Xung.
    Sức hấp dẫn của bí kíp võ công này qua nghệ thuật mô tả của Kim Dung ở Việt Nam lớn đến nỗi, trước năm 1975, ở Sài Gòn xuất hiện những bản Dịch cân kinh giả khác với bản lưu truyền tại Trung Quốc
    Trong điều kiện khó khăn về thông tin, sách vở bấy giờ, rất nhiều người đã tin và học theo, nhẹ thì vô ích, nặng dẫn tới mất mạng.
    Trên thực tế, trước khi đi vào tiểu thuyết, ở Trung Quốc, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh đã là những huyền thoại. Tương truyền sau khi Đạt Ma viên tịch, đệ tử Thiếu Lâm tìm thấy trong động một hộp sắt không khóa nhưng không thể mở ra.
    Thiếu Lâm tự và sự thật về tuyệt học Dịch cân kinh
    Sau đó, có tăng nhân nghĩ ra cách nung nóng hộp, mới mở được, thì ra hộp được hàn kín bằng sáp để tránh hơi nước tràn vào làm hỏng. Trong hộp có 2 cuốn sách, một cuốn là Dịch cân kinh, cuốn kia là Tẩy tủy kinh, đều viết bằng chữ Phạn.
    Một thuyết cho rằng, bấy giờ ở Thiếu Lâm, người thực sự thông hiểu tiếng Phạn chỉ có Nhị tổ Huệ Khả. Huệ Khả để Dịch cân kinh lại Thiếu Lâm, mang theo cuốn Tẩy tủy kinh đi vân du thiên hạ.
    Các tăng nhân khác trong chùa cũng có mấy người biết chút tiếng Phạn, cùng nhau dịch ra rồi theo đó tu luyện, dẫn đến công phu Thiếu Lâm sau này chia nhiều nhánh, có sự sai khác.
    Sau đó, có vị tăng nhân mang Dịch cân kinh lên núi Nga Mi gặp nhà sư người Thiên Trúc Bát Lạt Mật Đề, tạo ra bản Dịch cân kinh chữ Hán đầu tiên. Vân du quay về, Huệ Khả mang theo bản dịch Tẩy tủy kinh của mình, lúc đó mọi người mới phát hiện ra Dịch cân kinh với Tẩy tủy kinh là một.
    ...Đến thực tế
    Tuy nhiên, sử liệu có vẻ lại cho thấy điều gần như hoàn toàn ngược lại, điều có thể làm thất vọng những 'anh hùng xạ điêu' thời hiện đại đang ôm mộng chạm vào bí kíp ngàn năm.
    Lần theo dòng lịch sử, từ đời Đường trở về trước, chưa có tài liệu chính thức nào đủ chứng minh chuyện Đạt Ma truyền dạy võ công cho đệ tử.
    Thời Tống Chân Tông, Trương Quân Phòng soạn một bộ Vân kíp thất bá, thuộc loại sách về Đạo giáo, trong đó có một thiên 'Đạt Ma đại sư trú thế lưu hình nội chân diệu dụng quyết'.
    Theo ghi chép trong Tống sử, có một cuốn Tồn tưởng pháp, một cuốn Thai tức quyết của Đạt Ma, một cuốn Đạt Ma huyết mạch luận của Huệ Khả, đều là những sách dạy về luyện khí, dưỡng thần. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có khả năng những sách này là do người đời Tống tạo ra rồi gán tên cho Đạt Ma.
    Đến năm Thiên Khải thứ 4 đời Minh (1624), Tử Ngưng đạo nhân ở núi Thiên Thai tên là Tông Hành có đưa ra một bộ Dịch cân kinh, nói là của Bồ Đề Đạt Ma.
    Thiếu Lâm tự và sự thật về tuyệt học Dịch cân kinh
    Bồ Đề Đạt Ma có phải là tác giả thực sự của Dịch cân kinh?
    Trong cuốn sách này có hai lời tựa, một của danh tướng Lý Tĩnh đời Đường, viết năm Trinh Quán thứ 2 (628), một của danh tướng đời Tống là Ngưu Cao, viết năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142).
    Phần tựa của Ngưu Cao ly kỳ hơn cả và gắn với một nhân vật được người Trung Quốc nói chung và giới võ lâm nói riêng hết sức sùng bái: Nhạc Phi.
    Bài tựa viết: Trên đường hành quân, Ngưu Cao gặp một nhà sư tự xưng là sư phụ của Nhạc Phi. Vị cao tăng than rằng Nhạc Phi danh tuy thành mà chí chưa đạt, rồi nhờ Ngưu Cao chuyển cho vị danh tướng này một cái hộp, trong có 2 quyển Dịch cân kinh
    Sau đó vị hòa thượng nói phải sang Tây phương gặp sư phụ Đạt Ma và theo cơn gió mà biến mất. Không lâu sau đó, Nhạc Phi bị gian thần hãm hại, nên bộ sách này vẫn do Ngưu Cao giữ và truyền lại.
    Tuy nhiên, dựa trên nhiều cứ liệu như văn phong, cú pháp, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại nhận định: chính Tông Hành đã ngụy tạo ra hai phần lời tựa kể trên, nhằm tăng tính chất cao siêu thần bí cho cuốn sách của mình.
    Lúc đầu, Dịch cân kinh chỉ lưu truyền một bản sao, đến giữa đời Thanh bắt đầu xuất hiện bản khắc. Năm Hàm Phong thứ 8 (1858), thêm một bản từ Thiếu Lâm truyền ra, gọi là Vệ sinh yếu thuật.
    Vương Tổ Nguyên ở lại Thiếu Lâm 3 tháng, tìm được một bản Nội công đồ, một bản Thương bổng phả, nội dung giống như Vệ sinh yếu thuật, liền san cải, bỏ bớt những phần tạp lẫn vào và đặt tên là Nội công đồ thuyết.
    Những bản khắc đời Thanh này đều dựa trên cơ sở Dịch cân kinh nhưng bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó một phần lấy từ sách Thọ thế truyền chân của Từ Minh Phong đời Càn Long.
    Năm 1938, Ngô Đồ Nam xuất bản cuốn Quốc thuật khái luận, trong đó những phần nói về Thiếu Lâm đều dựa theo thuyết cũ, cho Đạt Ma là thủy tổ và cho Bạt Đà - Huệ Quang - Đạt Đàm - Đạt Ma - Huệ Khả là các thế hệ truyền thừa.
    Năm 1984, trong bài nghiên cứu 'Võ thuật Thiếu Lâm thực chất không có liên quan gì đến Đạt Ma', giáo sư Trương Truyền Tỷ của đại học Bắc Kinh đã bác bỏ một cách tương đối thuyết phục thuyết Dịch cân kinh do Đạt Ma sáng tạo ra.

    Dịch cân kinh, tác phẩm được coi là cội nguồn công phu Thiếu Lâm, thực chất là một cuốn sách rèn luyện công phu giúp lưu thông kinh mạch, cường gân tráng cốt của các chân nhân Đạo giáo. Quan điểm này gần đây (2007) đã được chính Thiếu Lâm Tung Sơn xác nhận trên website chính thức của mình.
    Đây là một tuyên bố gây thất vọng với rất nhiều người, đặc biệt là những fan của Kim Dung, Cổ Long vốn sùng bái những Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh, Cửu âm chân kinh... những bí kíp thượng thừa mang màu sắc huyền thoại.
    Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, ngay cả khi Dịch cân kinh không phải do Đạt Ma sáng tạo ra, thì cũng không phải vô tình mà nó được gán cho Thiếu Lâm.
    Việc nói rằng Tông Hành mượn tên tuổi Đạt Ma cũng khá khiên cưỡng, bởi lẽ các môn phái đều ưu tiên tôn vinh tổ sư của mình, mà bản thân các tông sư của Đạo giáo như Thái thượng lão quân có tầm ảnh hưởng không kém gì Đạt Ma.
    Mặt khác, Thiếu Lâm Tự ngày nay đã không còn giữ được nguyên vẹn những kỳ thư trong Tàng Kinh Các sau nhiều lần binh hỏa, nhiều tuyệt kỹ cũng đã thất truyền.
    Vì vậy những gì còn lại ở Thiếu Lâm hiện nay không đủ chứng minh diện mạo Thiếu Lâm trong quá khứ và những gì các hòa thượng Tung Sơn ngày nay biết đến cũng không phải là toàn bộ sự thật về Thiếu Lâm.
    Mặt khác, ngay cả khi phải thừa nhận rằng Dịch cân kinh không bắt nguồn từ Đạt Ma, Thiếu Lâm Tự vẫn coi đây là một pho võ công quý. Bản thân cuốn sách này cũng được đưa vào các sách dạy y học cổ truyền của Trung Quốc như một tông thư hàng đầu.
    Gần đây, dư luận lại xôn xao khi tìm thấy ở Tứ Xuyên một cuốn Dịch cân tẩy tủy kinh bản khắc in, trên có chữ 'Nam Tống Thiếu bảo Nhạc Bằng phụng giám định bản nha tàng'.
    Việc cuốn sách được khắc in cho thấy tính chính thống và tin cậy của tư liệu trên sách, khiến dư luận hết sức hứng khởi. Nếu được xác minh là đúng, thì thuyết Dịch cân kinh đã có từ đời Tống và gán với tên tuổi Nhạc Phi là hoàn toàn có cơ sở, cũng có nghĩa rằng, bí kíp Dịch cân kinh có thể không chỉ là huyền thoại!
    Cũng nên nhớ rằng, không cần đến khi Dịch cân kinh ra đời, Thiếu Lâm mới trở thành Thái Sơn Bắc đẩu của võ lâm Trung nguyên.
    Và kungfu Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, truyền lại đến ngày nay không chỉ nhờ vào những huyền thoại, mà còn nhờ những tuyệt kỹ và chiêu thức võ công có thật, không chỉ vô cùng hiệu quả, mang tính thực chiến cao, mà còn vô cùng tinh diệu và đẹp mắt.
                                                                                                                           
                             Theo Minh Tư/Vtc.vn 

    Những sự thật ít biết về Thiếu Lâm Tự

    Kungfu Thiếu Lâm chính là hình ảnh đại diện của nền võ học Trung Hoa, là cơ sở cho võ công của nhiều môn phái.
      Ở Trung Quốc hiện nay có đến 10 ngôi chùa mang danh Thiếu Lâm. Tuy nhiên, Thiếu Lâm được nhắc đến trong tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long, cái nôi của thiền tông và võ thuật Trung Hoa là Thiếu Lâm Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay, cách thủ đô Bắc Kinh chừng 600km về phía Nam.
      Chùa xây dựng trong khu rừng trên đỉnh núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, nên được gọi là Thiếu Lâm.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Dãy núi Tung Sơn
      Truyền thuyết Đạt Ma
      Theo ghi chép trong cổ tịch, Thiếu Lâm là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của Trung Quốc, được Hiếu Văn đế triều Bắc Ngụy cho xây dựng năm Thái Hòa thứ 19 (495) làm nơi tu hành và thuyết giảng cho nhà sư Bạt Đà, vị thần tăng người Ấn Ðộ đầu tiên đến Trung Hoa truyền bá Phật pháp.
      Tuy nhiên, kungfu Thiếu Lâm lại gắn với tên tuổi của Đạt Ma sư tổ, tức Bồ Đề Đạt Ma, người được cho là tổ khai sơn của Thiền tông Trung Hoa. Năm Hiếu Xương thứ 3, đời Bắc Ngụy (527), Bồ Đề Đạt Ma đến Thiếu Lâm.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Bồ Đề Đạt Ma có thể qua sông chỉ với cọng cỏ
      Tương truyền, trong thời gian ở Thiếu Lâm, thấy nhiều nhà sư thể trạng yếu đuối, không chịu nổi khí lạnh của núi rừng và thường hay ngủ gật trong lúc nghe thuyết giảng, Đạt Ma bắt đầu nghĩ cách tu rèn thân thể và khắc chế ngoại cảnh cho người học đạo.
      Kết quả sau 9 năm diện bích tham thiền (ngồi thiền quay mặt vào tường) trong động Trấn Vũ trên núi Thiếu Thất, ngài đã tìm ra tinh yếu và đúc kết vào trong 2 cuốn Dịch cân kinh rèn luyện nội công và Tẩy tủy kinh rèn luyện khí công.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Một bản của Dịch cân kinh được lưu truyền
      Có thuyết còn nói rằng, 2 bộ Cửu dương chân kinh và Cửu âm chân kinh cũng do Đạt Ma sáng tạo ra.
      Trong khi đó, một số nghiên cứu lại nhận định, ngài đã kết hợp các bài tập luyện thở Yoga và một số môn võ tay không của Ấn Độ để tạo nên các bài tập rèn luyện tăng cường sức khỏe phục vụ cho việc tu hành.
      Sau khi Bồ Đề Đạt Ma viên tịch (536), các Đại sư Thiếu Lâm tiếp tục tập luyện những phương thức ngài truyền lại. Thiếu Lâm phái qua nhiều đời đã được các sư tăng xiển dương, đúc kết và phát triển mạnh mẽ và dần trở thành Bắc đẩu của các võ phái Trung Hoa.
      Việc hệ thống hóa võ thuật Thiếu Lâm được cho là bắt đầu từ những võ quan về hưu tu hành tại chùa.
      13 võ tăng đời Đường
      Đến đời Đường (618 - 907), Lục tổ Huệ Năng đề ra chủ trương đốn ngộ, cho rằng việc tu hành không cần phải tách rời đời sống thực, 'gánh nước chặt củi, đều là diệu đạo'.
      Công phu Thiếu Lâm bắt nguồn chính từ sinh hoạt thường ngày của tăng nhân. Rất nhiều chiêu thức của võ công Thiếu Lâm đều là sự phát triển từ những động tác thường ngày như gánh nước, quét sân, bổ củi... Công phu cao nhất thực ra lại có nguồn gốc hết sức bình dị.
      Đầu đời Đường, Thiếu Lâm đã có một đội ngũ tăng lữ dũng mãnh, thiện chiến. Khoảng năm Vũ Đức, 13 tăng nhân Thiếu Lâm Tự tham gia trợ chiến giải vây trong cuộc chiến thảo phạt Vương Thế Sung của Tần vương Lý Thế Dân, lập công trạng lớn.
      Lịch sử võ thuật Trung Quốc còn nhắc nhiều đến 3 vị có công lớn nhất từ Thiếu Lâm Tự là Chí Tháo, Huệ Dương và Đàm Tông. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông Lý Thế Dân phong cho hòa thượng Đàm Tông làm Đại tướng quân.
      Hiện nay trong chùa còn tấm bia Đường Thái Tông tứ Thiếu Lâm Tự chủ giáo ghi lại giai đoạn lịch sử này. Đây chính là sự kiện lịch sử được dùng làm bối cảnh cho bộ phim Thiếu Lâm Tự bản 1982 do Lý Liên Kiệt thủ vai chính Giác Viễn, học trò của Đàm Tông.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Lý Liên Kiệt trong bản Thiếu Lâm Tự 1982
      Nhưng cho đến lúc này các bộ môn quyền thuật của Thiếu Lâm vẫn chưa được coi trọng và phát triển đúng tầm cỡ, vì lúc đó các phương pháp sử dụng binh khí vẫn còn thịnh hành và vũ khí phòng thân của các vị tăng nhân trong chùa chính là cây côn, mà chủ yếu là trường côn.
      Khoảng năm Hội Xương, Vũ Tông cấm Phật, chùa bị phá đến phân nửa, suy dần trong những năm cuối đời Đường và được khôi phục dưới đời Tống.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn
      Tống Thái Tổ và truyền thuyết Hồng quyền
      Lịch sử chép rằng, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lúc thiếu thời đã từng lên Thiếu Lâm học tập võ thuật và trở thành một quyền sư dạy võ thuật trong chùa Thiếu Lâm, sáng tạo ra Tam thập lục thế trường quyền (36 thế đánh của Thiếu Lâm Trường Quyền) mà sau này gọi là bài Thiếu Lâm Thái Tổ Trường Quyền.
      Sử liệu thời nhà Tống cũng ghi nhận Triệu Khuông Dẫn thường sử dụng côn pháp khi lâm trận, nghệ thuật côn pháp của ông điêu luyện và hiệu quả không kém các đại tướng của ông với các loại binh khí khác.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Tiêu Phong, một trong những người đưa Thái Tổ Trường Quyền lên đến đỉnh cao trong tiểu thuyết Kim Dung
      Tuy nhiên có một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian mà Thiếu Lâm Tự cũng công nhận: bài Thái Tổ Trường Quyền không phải do Triệu Khuông Dẫn tự soạn ra, mà do ông nằm mơ được tiên nhân dạy cho 36 động tác căn bản của Hồng Quyền, rồi tỉnh dậy theo đó soạn lại.
      Tuy nhiên, những yếu tố nhuốm màu truyền thuyết này không ngăn cản Hồng quyền trở thành cơ sở để hình dung diện mạo võ công Thiếu Lâm đời Tống.
      Thời kỳ này, võ công Thiếu Lâm lại tiếp tục được nâng cao. Có thể kể ra một số bài quyền ra đời trong thời kỳ này là Tiểu Hồng Quyền, Đại Hồng Quyền, Thông Tý Quyền, Ngũ Hợp Quyền và Khán Gia Quyền của hòa thượng Phúc Cư.
      Thiếu Lâm đại hội và 72 tuyệt kĩ
      Năm Hoàng Khánh thứ nhất (1312), Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt mệnh cho hòa thượng Phúc Dụ trụ trì chùa Thiếu Lâm, phong cho làm Tấn Quốc Công, thống lĩnh các chùa quán ở Tung Sơn.
      Từ đó các cao tăng trong ngoài Trung nguyên tụ hội về đây, thi triển võ công, đàm đạo Phật pháp, tăng chúng thường trên dưới 2000 người.
      Tuy nhiên, sự súc tích của các pho sách tổ sư để lại đã khiến tăng chúng không đạt được sự thống nhất trong cách hiểu, từ đó nảy sinh nhiều võ công mới lạ, có lúc rời xa những nguyên lý căn bản.
      Thiếu Lâm Tự: Từ Đạt Ma đến 72 tuyệt kỹ
      Nhất Chỉ Thiền - một môn nội công trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm
      Từ cuối đời Tống, Thiếu Lâm phái nổi lên phong trào sáng tạo mạnh mẽ chưa từng thấy, người người, nhà nhà đều tự nhận mình là môn đồ Thiếu Lâm chính tông.
      Hiện tượng này chắc chắn không đưa võ công Thiếu Lâm đến đỉnh thịnh, mà dẫn đến tạp nhiễm và suy thoái. Đó không phải điều các trưởng tràng Thiếu Lâm trông đợi.
      Mùa thu năm 1333, vào đời vua Huệ Tông nhà Nguyên, để chỉnh lý nội bộ Thiếu Lâm phái đã phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, Đại hội võ thuật Thiếu Lâm được mở tại Tàng Kinh Các.
      Đại hội triệu tập 700 trưởng tràng các chi nhánh, các tân môn, cựu môn, các quan nhân nguyên là môn đồ Thiếu Lâm ra xuất chánh, chủ trì đại hội là thiền sư phương trượng đời thứ 12 Nguyên Hạnh và 4 vị trưởng lão tiền bối trước đó đã ẩn cư trên 20 năm trong núi sâu.
      Sau khi tổng kết, xem xét hàng ngàn phương pháp, cách thức, bí quyết tu luyện võ công, đại hội đã tiến hành sắp xếp, phân loại và tổng hợp thành Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công - 72 tuyệt kỹ võ học Thiếu Lâm Tự.

      72 tuyệt kỹ này bao quát toàn diện những hệ thống võ công từ nguyên khởi đến cả những thời điểm hoàng kim nhất của võ phái và dù sau này có một thiên tài võ học tìm thêm được các công phu nào đó và tuyên bố rằng đó là một hệ thống chưa từng có, thì cũng vẫn có thể xếp vào một trong 72 môn loại đã được Đại hội ấn định.

      Theo Đất Việt tổng hợp

      Thiếu Lâm đệ nhất cao thủ và những sự thật không ngờ

      Từng đi thách đấu khắp nơi và giành nhiều chiến thắng nhưng Yi Long có vẻ lại không 'bá đạo' như người ta vẫn nghĩ.
        Khi cao thủ bị... thổi phồng?
        'Thiếu Lâm đệ nhất cao thủ' và những sự thật không ngờ
        Thời gian gần đây, truyền thông tại Trung Quốc đã xuất hiện những thông tin gây tranh cãi về nhân vật Yi Long.
        Người thì liệt anh vào hàng 'đệ nhất cao thủ'. Nhưng lại cũng có người coi Yi Long chỉ là kẻ mượn danh Thiếu Lâm Tự.

        Để xác minh xem Yi Long có xứng với danh hiệu 'cao thủ'. Người ta đã mở một cuộc điều tra nho nhỏ. Kết quả cho thấy, dường như những trận đại chiến của võ sĩ này không được chất lượng như vẻ hào nhoáng bên ngoài.
        Chẳng hạn như ở trận đấu mà truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi 'Yi Long hủy diệt nhà vô địch hạng nặng'.
        Đối thủ của anh là David Hayes, một tay đấm tròn trĩnh, rất... ục ịch và chậm chạp, được gọi là 'nhà vô địch quyền Anh Mỹ'.
        Tên của tay đấm này dễ bị nhầm lẫn với David Haye, người đang giữ đai vô địch WBO - một trong những giải Boxing uy tín hàng đầu thế giới.
        Từ đó, đã dấy lên một dấu hỏi là liệu đây có phải một 'chiêu trò' của truyền thông nhằm quảng bá võ thuật (cụ thể là võ thuật Thiếu Lâm) thông qua hình tượng Yi Long?
        Thậm chí, ngay cả trận đấu với người được truyền thông gọi là 'cao thủ đặc nhiệm SWAT' cũng không nói lên được điều gì.
        Hai chữ 'đặc nhiệm' dễ khiến người khác nghĩ đến những chiến binh hàng đầu thế giới.
        'Thiếu Lâm đệ nhất cao thủ' và những sự thật không ngờ
        Nhưng ít ai biết SWAT thực ra cũng chỉ là các đơn vị được tuyển chọn từ lực lượng an ninh (quân đội, cảnh sát) địa phương mà rèn luyện nên, không phải tổ chức đặc nhiệm cấp quốc gia Mỹ.
        Hơn nữa đối với một thành viên SWAT thì võ thuật cũng không phải thứ quan trọng nhất, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
        Có không ít ý kiến trái chiều đã cho rằng, chính truyền thông đã cố tình dùng hai chữ 'đặc nhiệm' để nâng tầm đối thủ của Yi Long lên.
        Từ đó, nếu võ sĩ Trung Hoa chiến thắng, họ tạo nên một tác động ngầm ở trong lòng khán giả về khả năng của Yi Long - vốn đã được thổi phồng rất nhiều.
        Nhưng kết cục trận đấu thì như mọi người đã rõ, Yi Long bị đội trưởng lực lượng SWAT - Adrienne Grotte hạ đo ván một cách rất chóng vánh!
        'Thiếu Lâm đệ nhất cao thủ' và những sự thật không ngờ
        'Đệ nhất Thiếu Lâm' hay sản phẩm hư cấu?
        Trong năm 2010, một số tờ báo tại Trung Quốc có trích rằng một phát ngôn viên của chùa Thiếu Lâm đã gọi Yi Long người quảng bá số 1 võ thuật Thiếu Lâm đến với thế giới.
        Tuy nhiên trang web machirulos.com lại trích một nguồn tin từ một đại diện 'có số má' ở Thiếu Lâm khẳng định rằng ở ngôi chùa huyền thoại này không hề có sự góp mặt của Yi Long.
        Rất có thể anh chàng này đã được tập luyện ở một trường võ thuật gần Thiếu Lâm Tự và 'mượn danh' Thiếu Lâm để trở nên nổi tiếng.

        Trong khi đó, tờ báo Nhân dân nhật báo khẳng định 'Yi Long, người được cho là cao thủ số 1 của võ Thiếu Lâm thực chất không phải là một cao tăng của Thiếu Lâm Tự'.
        Một tờ báo khác cũng phân tích về cách đánh của Yi Long trên võ đài và cho rằng, cao thủ này chưa chắc đã phải là một môn đệ thực sự của Thiếu Lâm.
        Bởi trên võ đài, ngoài duy nhất khả năng 'giơ mặt cho đấm' có thể được tạo ra từ kỹ năng ngạnh công của Thiếu Lâm thì những đòn đánh khác giống với võ tổng hợp nhiều hơn.
        Thông thường, các cao thủ Thiếu Lâm hay chọn cách ẩn mình, không đua tranh với bên ngoài.
        'Thiếu Lâm đệ nhất cao thủ' và những sự thật không ngờ
        Nhưng với Yi Long thì khác. Anh thường 'nổ' rất lớn, sẵn sàng đưa ra những lời lẽ rất 'ngông' để thách đấu tất cả các môn phái.
        Quả thực, không thể phủ nhận rằng Yi Long là một võ sĩ rất tài năng, bản lĩnh với việc vượt qua nhiều đối thủ tại nhiều quốc gia khác nhau.
        Tuy nhiên đây thực sự là 'cao thủ đệ nhất Thiếu Lâm' hay chỉ là sản phẩm hư cấu mà truyền thông tạo ra, vẫn còn rất nhiều uẩn khúc.
        Hiện tại trước những luồng dư luận trái chiều thì Yi Long vẫn chưa đưa ra một phát ngôn nào. Rất nhiều người vốn đem lòng hâm mộ anh từ trước tới giờ đang nóng lòng chờ sự lên tiếng của võ sĩ này hơn bao giờ hết.

        Theo Lê Sơn/Soha.vn/Ttvn.vn

        Giải mã trận pháp huyền bí vô địch thiên hạ của Thiếu Lâm Tự

        Thập bát La Hán hay Thập bát đồng nhân trận được coi là đỉnh cao của võ thuật Thiếu Lâm.
          Sử sách từng mô tả về Thập bát La Hán trận: Khi di chuyển linh hoạt như nước chảy, khi đứng im vững vàng như núi, đầu cuối tương ứng, không chút sơ hở...
          Thập bát La Hán trận thực chất kỳ ảo đến đâu? Cho đến nay, chưa có tài liệu nào khẳng định được chính xác quá trình hình thành, cũng như các chiêu thức và quy luật bố trí trận pháp.
          Thậm chí, đối với việc định nghĩa, mỗi tài liệu lại có những lý giải khác nhau, đặc biệt không thể thống nhất việc Thập bát La Hán trận có phải là trận pháp đặc thù của riêng Thập bát La Hán hay không?
          Giải mã trận pháp huyền bí của Thiếu Lâm Tự
          Thập bát đồng nhân là ai?
          Có lẽ gây ngờ vực và tranh luận nhiều nhất là mối quan hệ của Thập bát La Hán và Thập bát đồng nhân (18 người đồng).
          18 người đồng của Thiếu Lâm danh chấn thiên hạ, nổi tiếng giang hồ, từ tiểu thuyết tới phim ảnh đều nhiều lần nhắc đến. Nhưng 18 người đồng thực chất là ai? Và Đồng nhân trận có liên quan gì với Thập bát La Hán trận?
          Giải mã trận pháp huyền bí của Thiếu Lâm Tự
          Có thuyết nói, để đề phòng đệ tử Thiếu Lâm khi công phu chưa luyện thành mà tự ý xuống núi, bị kẻ khác đánh bại làm ô danh Thiếu Lâm, các cao tăng đã đặt 18 người đồng trước cửa ra, đệ tử nào có thể đánh lui người đồng tức là công phu đã đạt tới mức thâm hậu.
          Khác với nhiều tự viện khác, ở Thiếu Lâm có 2 loại đệ tử: đệ tử xuất gia và đệ tử tục gia. Đệ tử xuất gia phải cạo đầu, suốt đời phải sống trong tự, giữ nghiêm giới luật, còn đệ tử tục gia là những người không cần cắt tóc nhưng trong thời gian ở Thiếu Lâm cũng phải tuân theo quy định như các tăng sinh.
          Đệ tử tục gia xuất hiện vào cuối đời Đường, bắt nguồn từ câu chuyện 13 võ tăng cứu Đường Thái Tông, lập được công lớn. Để báo đáp, Lý Thế Dân ban thưởng hậu và xuống chỉ cho Thiếu Lâm Tự chiêu nạp tăng binh, rèn quân luyện tướng cho cả nước.
          Người học võ trong thiên hạ vì vậy mà lũ lượt đổ về Thiếu Lâm, hình thành hai nhóm đệ tử như trên.
          Đệ tử tục gia sau khi thành nghệ, trải qua hai thử thách ở Mộc nhân hạng (ngõ Người gỗ) và Thập bát La Hán trận thì được hạ sơn gây dựng sự nghiệp võ công riêng.
          Những đệ tử tục gia lừng danh nhất có thể kể đến là các anh hùng Nhạc Phi, Võ Tòng, tổ khai sơn môn phái Võ Đang Trương Tam Phong.
          Giải mã trận pháp huyền bí của Thiếu Lâm Tự
          Trương Tam Phong cũng từng là đệ tử Thiếu Lâm
          Trong phim ảnh, nổi lên hình tượng người anh hùng thiếu niên Phương Thế Ngọc, cũng là một đệ tử tục gia (nhưng là đệ tử của Nam Thiếu Lâm Tuyền Châu, Phúc Kiến, chứ không phải Thiếu Lâm Tung Sơn).
          Lại có tài liệu chép, Thiếu Lâm ở Trung nguyên là cây cao phải đón gió nhiều, luôn có khách giang hồ 'thăm viếng', đòi tỉ thí mua danh, trộm cắp bí kíp võ công… quấy nhiễu sự thanh tĩnh chốn này.
          Dù theo thuyết nào, 18 người đồng cũng chính là bức tường đồng bảo vệ sơn môn, vô địch thiên hạ khiến cho không chỉ người mà con ruồi cũng khó lọt qua, nhờ vậy mà uy danh của ngôi chùa trên đỉnh Thiếu Thất còn giữ được đến tận bây giờ.
          Cũng có thuyết khẳng định Thập bát đồng nhân trận chính là một trong những trận pháp lừng danh của Thiếu Lâm. Đệ tử Thiếu Lâm có thể rèn luyện với những trận đồ, qua được ải này coi như công phu đã lên đến hàng tuyệt kỹ.
          Bất kể với cách nói nào, điều khẳng định là: đánh thắng được 18 người đồng, chắc chắn sẽ được giang hồ coi là bậc đại anh hùng hảo hán!
          Trong một số bộ phim về Thiếu Lâm, những người đồng này được xây dựng như là những bức tượng đồng thực sự. Những 'người máy' vô tri sẵn sàng tấn công bất cứ ai lọt vào thế trận và chỉ dừng lại khi trận được phá giải.
          Chưa từng có tình huống nào thể hiện nếu không vượt qua được đồng nhân trận, kẻ xấu số sẽ có kết cục ra sao giữa những cỗ máy kungfu này.
          Còn trong 'Võ lâm ngũ bá', Kim Dung lại mô tả cảnh Vương Trùng Dương giao đấu trong La Hán điện với 18 La Hán là các mộc nhân (người gỗ) bên trong có đặt những máy móc tinh xảo, do Đạt Ma chế tạo để thử môn đồ.
          Người nào vượt qua La Hán trận của các mộc nhân này mới được hạ sơn. Như vậy, cuốn tiểu thuyết này đã gộp chung Mộc nhân hạng và Thập bát La Hán vào làm một.
          Giải mã trận pháp huyền bí của Thiếu Lâm Tự
          Một quan niệm khác, phổ biến hơn, cho rằng 18 người đồng là những đệ tử xuất sắc của Thiếu Lâm và trận pháp mà họ thi triển, không gì khác chính là Thập bát La Hán trận.
          Không chỉ vượt qua đồng nhân trận, mà được đứng vào hàng ngũ 'người đồng' ấy cũng là mơ ước và mục tiêu mà bất cứ đệ tử Thiếu Lâm nào cũng hướng tới.
          Có người còn nói 18 người đồng chính là Thập bát La Hán, 18 cao thủ của Đạt Ma viện.
          Về lý thuyết, đứng vào hàng ngũ Thập bát La Hán là thượng thừa công phu cá nhân, còn La Hán trận là nơi mà mỗi cá nhân đồng thời với phát huy sức mạnh cá nhân còn hỗ bổ cho nhau, tạo thành trận pháp uy lực nhất của võ phái.
          Đem cái 'nhất' của từng cá nhân để tập thành cái 'nhất' của môn phái, không phải là không có khả năng.

          Trận pháp, chiêu thức hay chỉ là tên gọi?
          Bên cạnh cấp độ về trận pháp thì Thập bát La Hán còn ghi dấu ấn ở công phu cá nhân, gồm Thập bát La Hán thủ, La Hán quyền và La Hán công.
          Thập bát La Hán thủ được cho là 18 thế tập, hay chính là 18 bước luyện tập, mô phỏng tư thế của 18 La Hán.
          Đáp lại những lời chê công pháp này quá giản đơn, ai cũng có thể học, một số người lại cho rằng tinh hoa không nằm ở sự cầu kỳ phức tạp, mà ở khả năng của người học lĩnh hội thâm ý bên trong.
          Một câu hỏi nhiều người đặt ra, Thập bát La Hán thủ liệu có phải là nguồn gốc Thập bát La Hán quyền và có phải là bài La Hán quyền mà chúng ta từng nghe biết đến hiện nay hay không?
          Qua những tài liệu hiện có, chắc chắn tồn tại ít nhất một bài quyền Thập bát La Hán trong lịch sử. Tuy vậy, nguồn gốc của nó thì còn nhiều tranh cãi.
          Bởi, trong hệ thống quyền pháp Thiếu Lâm Tung Sơn có tồn tại một hệ thống La Hán quyền nhưng chẳng hề có bài quyền nào mang tên Thập bát La Hán!
          Trong khi đó, Thập bát La Hán công chính là những tuyệt kỹ về khí công, nội công của Thiếu Lâm, với những khả năng như nâng được ngàn cân, phá tan gạch đá… Những tuyệt kỹ này đã trở nên quá nổi tiếng và được mọi người thừa nhận.
          Chúng ta còn nhớ, trong tiểu thuyết Thiên Long bát bộ, Kim Dung có nhắc đến một trận pháp khác là La Hán đại trận, chỉ dùng đến khi cực kỳ nguy biến, như những lần đứng trước họa diệt môn.
          Lúc bày trận huy động tất cả đệ tử Thiếu Lâm, khí thế trùng trùng, trong ngoài tương ứng.
          Giải mã trận pháp huyền bí của Thiếu Lâm Tự
          Sử liệu không ghi chép gì hơn về trận pháp này nhưng đặt ra một nghi vấn: với số môn đồ đông như vậy, liệu có thể khai triển một La Hán trận theo mô hình nào?
          Các nhà viết tiểu thuyết thường tránh đi sâu vào mô tả chiêu thức của từng người, mà chỉ nói về trận pháp, mà cũng với những nét chung chung như tấn công từ 4 hướng, khiến đối phương hoa mắt, loạn chiêu, đến lúc đó 5 người bất thần từ trên đánh xuống, xuất quỷ nhập thần.
          Còn trong phim ảnh, La Hán trận được bày nhịp nhàng, đẹp mắt theo lối ngũ hành mai hoa, nhưng dường như mỗi chiêu thức đều đều tăm tắp, không thấy rõ đặc thù của mỗi người.
          Như vậy, cái tên 'La Hán' có ý nghĩa trong những chiêu thức thực tế, hay là một cách đặt tên cho phù hợp với Phật môn?
          Những câu hỏi đó không chỉ của riêng chúng ta, mà là của toàn võ lâm trong suốt chiều dài lịch sử, trước sơn môn nghiêm kín của ngôi cổ tự ngàn năm.
          Cuộc giải mật đầy tranh cãi của phương trượng Thích Vĩnh Tín
          Năm 2006, một sự kiện chấn động giới võ học Trung Quốc đã diễn ra.
          Giải mã trận pháp huyền bí của Thiếu Lâm Tự
          Dưới chủ ý của phương trượng Thích Vĩnh Tín và các vị chức sắc trong chùa, lần đầu tiên trong 1.500 năm lịch sử, Thiếu Lâm Tự đã trình diễn những võ công tuyệt môn của mình trước đông đảo báo giới và người hâm mộ đến từ hơn 70 quốc gia.
          Những chiêu thức được trình diễn cũng chính là nghi thức xuất môn của 36 đệ tử được tuyển chọn sau 9 ngày đóng cửa luyện tập - những nghi thức vốn là cơ mật của Thiếu Lâm Tự trong quá khứ.
          Trong đó được trông đợi nhất chính là Thập bát La Hán trận - trận pháp ai nấy đều từng nghe danh mà chưa thấy mặt.
          Trước hàng trăm ống kính máy quay, 18 đệ tử Thiếu Lâm trong tạo hình đồng nhân đã thi triển trận pháp tuyệt vời này, được những người chứng kiến mô tả là:
          'Mỗi người một chiêu thức riêng biệt, mạnh mẽ, hợp nhất trong một thế trận nhịp nhàng, nhuần nhuyễn nhưng linh hoạt, khó lường, tấn công từ tất cả các hướng, khiến đối phương như rơi vào mê hồn trận'.
          Nếu những gì được đem ra trình diễn là đúng với pháp chế tổ truyền của Thiếu Lâm, thì thế trận của thập bát đồng nhân chính là Thập bát La Hán trận nhưng 18 người đồng chỉ là những đệ tử xuất sắc của Thiếu Lâm, chứ chưa phải là 18 La Hán của Đạt Ma viện như có người từng nói.
          Cũng có nghĩa, tên gọi La Hán trận chỉ hàm ý đặc thù trận pháp, chứ không mang nghĩa là đặc thù của người thi triển.
          Những chiêu thức trình diễn có thể nói đã làm mãn nhãn người xem nhưng không những chưa giải đáp được dấu hỏi về tính thực chiến của trận pháp này, mà còn gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt.
          Theo nhiều người nhận xét thì màn biểu diễn mặc dù đẹp mắt tuy nhiên khó có thể biết nếu áp dụng trong thực chiến thì kết quả sẽ ra sao và những chiêu thức của từng cá nhân liệu có phát huy được tác dụng?
          Đặc biệt là khi đánh trận ngoài chiến trường với gươm đao, bộ binh, kỵ binh… thì có lẽ Thập bát đồng nhân trận cũng chẳng thể tạo nên được sức mạnh tuyệt đỉnh, bất khả công phá giống như trong phim ảnh hay những câu truyện tiểu thuyết.
          Và 'giải mật' những bí kíp ngàn đời cũng chỉ là một phần trong hành trình 'hiện đại hóa' đầy sóng gió của Thiếu Lâm Tự hôm nay…

          Theo Đất Việt tổng hợp

          Bí mật về tuyệt kỹ thuần Việt chấn động giới võ lâm

          200 năm trước, quyền 3 chân hổ - một tuyệt kỹ võ công của dân tộc đã được cho là thất truyền...
            Thế nhưng, trong khoảng những năm đầu của thế kỷ 20, tin đồn tuyệt học này vẫn còn truyền nhân tại Bình Định khiến cho giới võ học bất ngờ…
            Huyền thoại về tuyệt kỹ quyền 3 chân hổ
            Quyền 3 chân hổ, tuyệt kỹ thuần Việt trấn động võ lâm
            Võ sư Hà Trọng Ngự vẫn quắc thước dù đã ngoài lục tuần
            Võ sư già Hà Trọng Ngự đệ tử chân truyền của quyền 3 chân hổ cho biết:
            'Tuyệt kỹ quyền 3 chân hổ là một loại võ công có tính sát thương vô cùng lớn và đòi hỏi một sự khổ công rèn luyện. Không ai còn nhớ rõ người sáng chế ra nó nữa nhưng nguồn gốc của nó thì không một võ sinh nào của môn phái tôi không biết cả'.
            Theo lời ông kể, quyền 3 chân hổ được khai sinh tại khu vực núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tại đây, trên 200 năm trước xuất hiện một con cọp 3 chân to lớn và hung dữ.
            Người dân nơi đây thường xuyên bị hổ vồ, ăn thịt. Trong một thời gian dài, hổ 3 chân là nỗi khiếp đảm của cả vùng. Vào 1 ngày nọ, có 1 người tiều phu vào rừng hái củi và trở về làng khi trời đã xẩm tối.
            Người tiều phu chưa kịp rời rừng đã nghe mùi tanh tưởi bốc ra, khi quan sát thì kinh hoàng phát hiện một con cọp to lớn đứng trên 3 chân to tướng, nhe nanh chực vồ. Chưa kịp định thần, con cọp đã lao đến.
            Vốn là một cao thủ ẩn dật, người tiều phu nhanh chóng nhảy người né tránh và xoay người dùng đòn gánh gủi quật ngang vào mạn sườn con thú.
            Trúng đòn, mãnh hổ quay người, thủ thế hòng nuốt tươi con người bé nhỏ. Trước sự hung hãn của mãnh hổ, người tiều phu nhanh như cắt rút đòn sóc đã được vuốt nhọn để làm đòn gánh củi thủ thế.
            Dưới ánh trăng đêm, tiền nhân chăm chăm ghi nhận những cú lao tới vồ mồi, lúc phóng lên không, khi trụt xuống, tát những cú trời giáng vào mình.
            Cuối cùng, khi sức cùng lực kiệt, cả thân người và vật đều thấm đẫm mồ hôi và máu tươi, người tiều phu đành ngồi xếp bằng ôm đòn gánh nhọn chống lên với hy vọng mong manh từ một cú phóng tới chộp mồi của cọp giữ.
            Không ngờ, điều kỳ diệu đã xảy ra, con cọp dữ phóng mình lên không, giơ vuốt nhọn chụp xuống, bóng nó phủ kín người tiền phu. Một tiếng gầm xé trời, con cọp dữ trúng đòn hiểm nhưng nó vẫn vùng vẫy chạy thoát vào rừng.
            Và cũng từ đó, không hiểu sao, người dân không còn thấy con hổ hung tợn ngày nào về làng quấy phá nữa.
            Trở về làng, người tiều phu nhớ lại cảnh chiến đấu cùng cọp dữ và nhận thấy những cú vồ của mãnh hổ như những đòn thế võ học tuyệt kỹ.
            Người ấy đã nhớ và ghi lại thành những thế võ rồi dụng công tập luyện để nó trở thành tuyệt kỹ quyền 3 chân hổ danh chấn lúc bấy giờ.
            Sau khi luyện thành quyền 3 chân hổ, người tiều phu đã phổ biến với dân làng để nó trở thành một thứ vũ khí chống thú dữ, giặc ngoại xâm, như một chữ đạo để người đời tu tâm dưỡng tính và hy vọng nó được lưu giữ mãi về sau.
            Quyền 3 chân hổ, tuyệt kỹ thuần Việt trấn động võ lâm
            Võ sư Hà Trọng Ngự luyện tập cùng các đệ tử
            'Hùm xám miền Trung'
            Thời bấy giờ, người trong giới võ ùn ùn đổ về làng An Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nơi được cho là có truyền nhân duy nhất còn sót lại của tuyệt học Quyền 3 chân hổ.
            Nơi đây có cậu bé tên Hà Trọng Sơn là người nắm vững tuyệt kỹ võ học này. Các võ sĩ tìm đến An Hòa, ai cũng háo hức muốn được thử sức với quyền 3 chân hổ.
            Nhưng khi nhìn thấy Hà Trọng Sơn tuổi còn chưa thành niên, thấp bé nhẹ cân, lại là con trai duy nhất trong một gia đình toàn phụ nữ, đa phần đều tỏ ra coi thường, chán ngán.
            Trọng Sơn khiêm nhường nên chỉ lặng im mặc những lời dè bỉu. Nhưng lúc ấy, có một võ sĩ cũng từ miền khác tới cứ liên tục xúc phạm dòng họ Hà Trọng, khiêu khích tỷ thí.
            Chẳng đặng đừng, Trọng Sơn phải bước ra sới võ trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng lẫn khách phương xa. Chỉ với vài chiêu thức trong tuyệt kỹ quyền 3 chân hổ, Trọng Sơn đã khiến đối thủ phải sợ hãi nhận thua.
            Hà Trọng Sơn được báo chí thời bấy giờ mệnh danh là 'hùm xám miền Trung'. Danh xưng 'hùm xám miền Trung' đã theo ông trong chuỗi trận bách chiến bách thắng trên khắp các võ đài.
            Chính 'Hùm xám miền Trung' là người đã cùng một số võ sư Bình Định biên soạn ra bài kiếm 12. Nghĩa là 12 võ sư, 12 động tác, 12 phút cho bộ đội và cán bộ tỉnh nhà sử dụng khi đi tập kết ra Bắc năm 1954.
            Ngày Hà Trọng Sơn mất đi, thân hữu và các võ sĩ của làng võ Việt đã đề tặng rằng: 'Nghiệp võ lừng danh gió bụi không say tâm mãnh hổ - Tài hoa nổi tiếng thủy chung vẹn giữ đức hiền nhân'.
            Quyền 3 chân hổ, tuyệt kỹ thuần Việt trấn động võ lâm
            Không chỉ giỏi quyền thuật, ông còn sử dụng được rất nhiều loại binh khí
            Người kế thừa và đưa tuyệt kỹ lên ra thế giới
            Tuy nhiên, người đem quyền 3 chân hổ vào Nam và vượt biên giới Việt Nam đến Mỹ và Na Uy lại là người học trò ưu tú của 'hùm xám miền Trung'- võ sư Hà Trọng Ngự.
            Võ sư Hà Trọng Ngự cho biết: 'Đây là loại võ công bí truyền thuộc vào hàng tuyệt kỹ nên chỉ được truyền trong gia đình và không phải ai cũng học được.
            Chỉ những người thực sự có tố chất mới có thể lĩnh hội những tinh túy trong tuyệt kỹ ấy. Thêm nữa, quyền trên là loại võ thuật có tính sát thương rất cao. Do đó sẽ rất nguy hiểm khi rơi vào tay kẻ bất lương.
            Chỉ trong những tình thế chẳng đặng đừng người học mới được sử dụng quyền ba chân. Do đó người tiếp thu bài quyền đòi hỏi phải có tư chất, đạo đức và có cái tâm'.
            Theo lời ông, chúng tôi được biết, võ sư Hà Trọng Ngự khai tâm học võ từ năm 6 tuổi và người thầy đầu tiên của ông là người bác ruột, võ sư Hà Trọng Sơn.
            Trong các đệ tử của 'con hùm xám miền Trung' duy chỉ có Hà Trọng Ngự là người hội đủ những tố chất để lĩnh hội quyền 3 chân hổ.
            Cố võ sư Hà Trọng Sơn đã quyết định chọn ông Ngự làm người chân truyền tuyệt kỹ giờ đây đã trở thành báu vật gia truyền của gia đình.
            Để luyện quyền 3 chân hổ, người luyện phải tiếp xúc với võ thuật từ rất nhỏ để có được một nền tảng võ học vững chắc. Các phương pháp tập luyện các pháp trong tuyệt kỹ cũng vô cùng phức tạp và yêu cầu sự kiên trì, chịu khó cao độ.
            Chia sẻ sơ lược về một vài phương pháp luyện tập các pháp trong quyền 3 chân hổ, lão võ sư cho biết, võ sinh phải luyện thành 5 pháp khác nhau bao gồm: thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp và cuối cùng là thần sắc.
            Một trong những pháp khó luyện nhất là thủ pháp. Theo đó, để có được bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như vuốt mãnh hổ, các võ sinh phải dùng tay không xúc vào đá 1x2mm liên tục cho đến khi bàn tay xơ tước, rướm máu rồi mới ngâm tay vào thuốc võ bí truyền.
            Tiếp tục luyện như vậy cho đến khi da và các đầu ngón tay không còn cảm giác đau đớn nữa lại thay đá bằng sạn và đá loại lớn hơn.
            Hỗn hợp đá và sạn trên sẽ được trộn với thuốc võ đổ vào chảo được đặt trên lửa đỏ. Võ sinh phải dùng tay liên tục đảo hỗn hợp trên trong lửa đỏ cho đến khi tay nóng không chịu được mới rút ra ngâm vào thuốc. Cứ thế cho đến khi chịu được mức nhiệt cao nhức.
            Để có được hổ trảo uy lực, ngoài việc cần có bàn tay cứng chắc, người luyện còn phải dùng năm đầu ngón tay bấu, chụp vào các vật cứng từ nhẹ đến mạnh để luyện lực kéo, xé, bóp...
            Hay để có thân pháp như một chúa sơn lâm, võ sinh phải tập nhảy khỏi hố sâu với chân trần, chân mang chì từ nhẹ đến nặng cho đến khi mang được 2 chân 20 kg nhảy ra khỏi hố sâu 1m rộng 1m...
            Có thể nói, đến bây giờ, sau những thời gian gần như bị lãng quên, quyền 3 chân hổ đã trở lại và mạnh mẽ với vị truyền nhân mới, góp phần nâng cao giá trị tinh thần văn hóa của võ thuật cổ truyền Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt nói chung trong nước cũng như trên thế giới.

            Theo Đất Việt tổng hợp

            Không có nhận xét nào:

            Đăng nhận xét