Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÂU ? 75

-NÓI NHƯ CON "KÉT", LÀM NHƯ CON "KẸT"!
-QUAN "NỔ" = MỴ DÂN
-Định hướng như ... cứt mà đòi lên "Thiên Đường".  
-Rồi đây, lịch sử sẽ chỉ rõ công - tội!
------------------- 
-Xã hội chủ nghĩa mà chi
Thằng trên định hướng làm vì cho ai?
Chém cha cái chế độ này
Chạy quyền, chạy chức rẫy đầy thế a?
Con ông rồi lại cháu cha
Ăn hết "lộc nước", xót xa dân tình
Thương thay cho đám hậu sinh
Ăn phải cám giỗ của "mình" mớm cho
Ai xui xây đắp cơ đồ
Cho ai vơ vét, tha hồ giàu sang?
 
 -------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

'Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu'

"Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu", nguyên Chủ tịch An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.
 LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, tên thường gọi là Bảy Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Nguyễn Minh Nhị, Bảy Nhị, cá ba sa, nông sản, nông dân, xuất khẩu, ngoại tệ
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch An Giang. Ảnh: Duy Chiến
Mở đầu những trăn trở về nông nghiệp và người nông dân VN, ông Bảy Nhị chia sẻ câu chuyện thăng trầm của cá ba sa - loài cá được dựng tượng đài tại Châu Đốc - An Giang vì tầm quan trọng của nó.
Làm ăn kiểu "tình chị duyên em"
Sau khi thịt cá ba sa phi lê tìm được đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ đầu những năm 1990, trải qua quá trình nghiên cứu, khảo sát vất vả, ông Nhị và các đồng nghiệp đã thành công trong việc cho loài cá này sinh sản nhân tạo. Một thời cơ vàng dường như mở ra khi chúng ta chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường lúc đó đang rất lớn.
Vậy nhưng...
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi còn nhớ có lúc cao điểm giá cá ba sa xuất khẩu lên đến 8 USD/kg! Các bè cá mới mọc san sát trên sông Hậu. Các nhà máy, cơ sở chế biến tấp nập ra đời.
Lúc ấy tôi cũng lo là để phát triển tự phát sẽ chèn ép lẫn nhau, cạnh tranh sẽ không đảm bảo chất lượng, có sự gian dối nên đề nghị Nhà nước phải quản lý, nhất là khâu giống. Nhưng không ai nghe cả. Họ nói: "Thị trường là tự do! Nhà nước không nên can thiệp".
Khi nhu cầu cá ba sa tăng nhanh thì khách hàng ở Mỹ, mấy ông Việt kiều gợi ý đưa cá tra vào nuôi đội lốt cá ba sa kiếm lời khủng. Cá tra dễ nuôi, năng suất cao, trong khi cá ba sa rất 'trưởng giả", khó tính. Cũng nên biết rằng, trên thế giới này chỉ có Việt Nam nuôi cá ba sa thương phẩm thành công.
Vậy là bất chấp tất cả, có quy hoạch hay không, bất kể đất lúa màu mỡ, rất nhiều người cứ thế đào ao nuôi cá tra rồi quy hoạch sau. Phong trào rộ lên từ tỉnh đầu nguồn, lan ra khắp ĐBSCL, rồi đến lượt các nhà máy chế biến cũng bị hút vào cuộc, thi nhau vay vốn đầu tư.
Từ sau năm 2000, sản lượng nuôi tăng vọt, số nhà máy chế biến cũng tăng theo. Từ đó cung vượt cầu, sinh ra cạnh tranh kiểu "tự hủy diệt". Cứ sau mỗi kỳ hội chợ thủy sản ở Boston (Mỹ), Brussels (Bỉ) hay ở Việt Nam là giá cá lại sụt, vì các DN đến hội chợ chủ yếu "đi đêm" chào giá thấp.
Khi dự hội nghị Chính phủ tại Hà Nội, tôi từng phát biểu tình hình này với tâm trạng rất bức xúc. Bức xúc nhất là việc gian lận đánh tráo cá tra vào, mà tôi gọi là "Tình chị duyên em", khiến cá ba sa không còn mấy người nuôi. Hành vi này làm mất uy tín VN trên thương trường, vừa làm cạn kiệt một giống loài là nguồn thực phẩm quí hiếm mà thiên nhiên ban tặng.
Bây giờ ngay tại An Giang, quê hương của cá ba sa mà cá ba sa cũng chẳng còn. Tôi đi tiếp khách vào nhà hàng thấy thực đơn có món cá ba sa, bèn gọi. Dù đã hỏi, căn dặn nhà hàng mấy lượt là phải đúng cá ba sa, họ dạ dạ vâng vâng nhưng đưa lên toàn cá tra! Tôi giận quá, truy hỏi tại sao, họ trả lời: "Dạ, bây giờ không còn ai nuôi cá ba sa nữa. Bác thông cảm!". Chết không?
Con cá ba sa trời ban tặng cho miền sông Hậu đã đi vào truyện cổ tích mất rồi. Tôi đang viết lại câu chuyện này để con cháu mai sau còn nhớ trên quê hương mình có giống cá "độc nhất vô nhị" mà không giữ được!
Thưa ông, thời ông làm chủ tịch UBND tỉnh, An Giang xây tượng cá ba sa, bông lúa - hai biểu tượng kinh tế nông nghiệp của An Giang. Nay cá ba sa đã "đi vào cổ tích", ông có lo cây lúa cũng theo bước?
Nguyễn Minh Nhị, Bảy Nhị, cá ba sa, nông sản, nông dân, xuất khẩu, ngoại tệ
Tượng đài cá Basa tại Châu Đốc. Ảnh: Bazantravel
Ông Nguyễn Minh Nhị:Có chuyện này tôi mới nghe mà hết hồn hết vía! Nhiều hộ nông dân đang áp dụng kiểu ăn gian, ngày mốt cắt thì bữa nay xả nước vào ruộng, phun thuốc vào. Hôm sau xả nước ra để ngày mai cắt lúa. Kiểu gian dối này cho thêm khoảng 1 tấn/ha.
Tôi điện hỏi mấy anh em DN có biết không? Họ trả lời biết rồi, nhưng không sao vì họ có máy móc thiết bị đo độ ẩm, dễ gì ăn gian được. Chết là mấy ông hàng xáo đi thu mua, nhưng họ cũng chỉ một lần bị mắc lừa nông dân thôi.
Người ta nói "điếm vườn sao bằng điếm chợ", nông dân mình cứ tưởng làm vậy là khôn, có cái lợi trước mắt. Nhưng chính họ sẽ bị trả giá nhiều nhất, không chỉ bị thương lái biết rồi ép trở lại, mà họ không thấy rằng uy tín của hạt gạo không có thì họ cũng bị thiệt nhất.
Làm ăn không nhìn xa thấy rộng, chỉ thấy lợi trước mắt, bất chấp thiệt hại lớn gấp nhiều lần sau đó. Nuôi cá cũng vậy, trồng lúa cũng vậy, rất chụp giật...
Đừng trách người nông dân
Thưa ông, tại sao tầng lớp nông dân luôn được xem là thật thà, chất phác mà lại có những trò gian dối như vậy? Không chỉ có trong nuôi cá và trồng lúa, họ sẵn sàng phun thuốc trừ sâu vào rau để sáng mai thu hoạch bán, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Nông dân mình có nhiều cái tệ, nhưng không trách họ được, và cũng không nên trách. Họ không có điều kiện để hiểu biết hết nên thấy cái gì có lợi là làm, hứng lên là làm. Có ai chỉ họ làm cái gì cho có hiệu quả đâu? Họ phải tự mày mò, tự mưu sinh, làm ra sản phẩm may thì bán được, không may thì lãnh đủ nợ nần!
Họ không có tổ chức, không có ai hướng dẫn họ làm cái gì, không nên làm cái gì, làm ra bán ở đâu. Họ phải tự mưu sinh bằng những cách làm hại chính cả họ. Và, cuối cùng họ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Theo tôi biết, ở các nước, nông dân được quan tâm, được tổ chức rất tốt chứ không bỏ mặc như nông dân ở ta đâu.
Theo ông, nguyên nhân những khiếm khuyết đó của nông dân ta, mà trầm kha nhất là chụp giật, tầm nhìn ngắn, tự đục vào chân mình là gì?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Ngày xưa, nông dân ta luôn được đánh giá là lương thiện, đạo đức, cần cù. Còn ngày nay, họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều thói xấu. Tất cả bắt nguồn từ sự chụp giật, tranh thủ tối đa, bất kể hậu quả. Căn bệnh này đã lây lan rộng chứ không chỉ nông dân. Nhưng với nông dân thì quả thật đau lòng, vì họ lẽ ra phải là thành trì của đạo đức, của sự lương thiện, chất phác phải không?
Theo tôi, chúng ta phải nhìn sâu xa vào những nguyên nhân từ trong chính sách. Bản chất của nông dân là gắn với đất đai, cả ngàn đời nay là vậy. Nông dân là đất, đất là nông dân.
Khi đất không phải của nông dân mà chỉ được sử dụng có thời hạn thì họ chẳng còn gắn bó máu thịt với đất đai như xưa.
Không còn gắn bó thì cũng không còn gìn giữ, bồi đắp vào cho đất, vì ngày mai có còn là của mình nữa đâu! Nhiều cái xấu ra đời từ đây, chính vì không gắn bó với đất, không nặng lòng với đất mà lương tâm, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa, sẵn sàng đánh đổi vì những lợi ích ngắn hạn.
Tôi còn nhớ hồi mới giải phóng, ta thực hiện chính sách "nhường cơm sẻ áo" giống như ở miền Bắc trước đây. Hồi ấy, những người có nhiều ruộng đất trong Nam là do họ cần cù, siêng năng, chịu khó mà có nên nặng lòng với đất. Tôi nhớ như in nhiều nông dân nghèo được Nhà nước chia lại ruộng của những người này, đã không nhận. Họ nói: "Người ta làm sáng tối, không biết nghỉ mới có nhiều đất. Mình lấy không của người ta coi sao được!".
Tôi báo cáo việc này lên Tỉnh ủy, ông Bí thư lúc ấy kết luận: "Nếu không nhận đất thì không phải là nông dân, thì không cho nữa!". Đơn giản thế thôi. Lúc ấy chúng ta không lường được hậu quả tai hại như ngày nay đang chứng kiến.
Người nông dân vốn dĩ là tốt, đã chuyển hóa và tha hóa từ đó. Lúc đầu thấy nhận đất của người khác, tức mồ hôi và nước mắt của người khác là "kỳ lắm", "coi không được", quyết không nhận! Nay thì khác rồi. Hai đám ruộng của hai nhà liền ranh còn lấn nhau từng chút huống chi những chuyện khác có nhiều lợi ích hơn. Cái gì lợi cho mình thì dẫu có hại cho người khác cũng làm.
Cái tình của người nông dân với đất phôi phai đi cũng làm cho cái tình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn không còn thiêng liêng như xưa. Những giềng mối gìn giữ đạo đức, lương tri, nhân bản chân chất nhất cũng từ đấy mà sút sổ, long ra.
Nguyễn Minh Nhị, Bảy Nhị, cá ba sa, nông sản, nông dân, xuất khẩu, ngoại tệ
Làng bè cá Châu Đốc
"Nói một đàng làm một ngả" nhiều quá
Từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, về hưu trở lại làm nông dân trồng lúa và nuôi cá, ông nhìn nhận các chủ trương, chính sách và công tác quản lý nhà nước với nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tình trạng chung nhất là "Nói một đàng làm một ngả" nhiều quá. Có muôn thứ chuyện chứng minh cho điều này.
Chẳng hạn chuyện vận động nông dân làm ra nhiều lúa gạo rồi bán không được, mặc cho họ bị thua lỗ. Xui nông dân nuôi con nọ, trồng thứ cây kia rồi bỏ chạy mất, không biết bán cho ai. Lẽ ra, bảo nông dân trồng lúa thì phải có công ty mua số lúa làm ra chứ. Có bên quăng thì phải có bên hứng, phải tổ chức cho khớp nhau thì nói và làm mới đi đôi chứ?
Gần đây tôi nghe Bộ NN - PTNT triển khai kế hoạch chuyển 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bắp, đậu nành và màu. Tôi thấy băn khoăn không hiểu trồng những thứ đó rồi nông dân bán cho ai hay lại đẩy họ vào chỗ khó như các chương trình chăn nuôi bò trước kia?
Thưa ông, theo tôi biết hàng năm Chính phủ vẫn cho thu mua tạm trữ, giảm áp lực tiêu thụ lúa cho nông dân mà?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Chuyện này tôi quá hiểu! Khi lúa chín rộ, các công ty lương thực sàng bên này, lách bên kia để chậm triển khai. Bởi giá lúa càng thấp thì họ càng có lợi. Đến khi triển khai cũng đâu có làm đúng như tinh thần chỉ đạo. Nông dân gần như chẳng được gì.
Tôi có ông bạn cùng quê xứ Tịnh Biên làm công tác thu mua lúa. Tôi đến mấy trạm thu mua của ông ấy kiểm tra, thấy có hai giá mua, cao và thấp khác nhau. Giá rẻ để ngoài là giá mua thật cho nông dân, còn giá cao cất bên trong, khi có đoàn kiểm tra đến thì trưng ra! Bữa tôi bất ngờ đến, họ thay không kịp, tôi hỏi sao làm ăn vậy. Họ trả lời: "Giá cao là giá Nhà nước quy định. Còn giá thấp là giá thu mua theo... thị trường!". Bất nhẫn vậy đấy. Nhà nước cho vay không lãi để thu mua song thực chất họ mua vẫn ép nông dân chứ có nương gì đâu!
Tôi cũng nhiều lần đi ký hợp đồng xuất khẩu gạo với anh em. Ký xong về giá lúa lên là... bẻ chĩa ngay!
Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu sau này thành một xã hội giả dối. Thế hệ chúng tôi dù sao cũng được "chích ngừa", còn phản kháng lại được.
Còn thế hệ sau thì sao? Lo lắm!
Duy Chiến (thực hiện)

Không cần đâu xa, hãy học Campuchia, Myanmar

"Nếu chịu làm, nếu thực sự vì Tổ quốc, nhân dân VN thì đi tìm lời giải này không khó. Không cần đi đâu xa, hãy qua Campuchia, Myanmar sẽ thấy" - ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần tiếp theo cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, tên thường gọi là Bảy Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
 Người lãnh đạo đừng chỉ thích "màu hồng"
Nguyễn Minh Nhị, Bảy Nhị, nông nghiệp, lãnh đạo, quan, cá basa, Campuchia, Myanmar
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang. Ảnh: Duy Chiến
Thưa ông, nhiều cách làm mang tính đột phá của ông thời còn là lãnh đạo ở An Giang đã được lắng nghe, vận dụng vào các chủ trương, chính sách như Chương trình 327 hay Nghị định 36 ban hành mới đây. Ông cảm nhận ra sao về những chính sách này khi đi vào thực tế?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Chương trình 327 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước là cách làm và vận dụng của An Giang trong hoàn cảnh mới, lúc đó đã rất thành công và đem lại hiệu quả cao.
Nhưng  tiếc rằng khi Trung ương về nghiên cứu, xem xét và vận dụng thành chính sách quốc gia thì có nhiều cái đã bị lạc hậu, không phát huy được hiệu quả như An Giang đã làm.
Còn việc quản lý giống và nuôi cá tra, cá ba sa, tôi đã sớm nhận ra nguy hại và đã lên tiếng kiến nghị ngay lúc đó, tức hơn 10 năm rồi. Song lúc ấy chẳng ai nghe cả, có người còn cười tôi là "chẳng hiểu gì về cơ chế thị trường!". Tôi nói: "Anh bảo cơ chế thị trường là tự do tự phát là hoàn toàn sai. Nhà nước phải có vai trò quản lý trong đó. Mỹ và châu Âu, Nhật cũng vậy".
Nghị định 36 [1]  để quy hoạch và quản lý cá basa ra đời là rất đáng quý, nhưng nếu sớm hơn, không đợi đến giờ khi loài cá này đang lâm nguy thì chúng ta đã giảm bớt được mất mát, thiệt hại.
Tại sao hồi đó ông được mời ra làm lãnh đạo tại Bộ NN&PTNT mà ông lại từ chối, trong khi ông được đánh giá là rất am hiểu và sắc sảo về NN&PTNT, đã có nhiều cách làm tốt, hiệu quả cao cho NN?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tính tôi bộc trực, thẳng thắn, ăn nói như kiểu của tôi ra đó là "trói chân trói tay" ngay! Còn không thì lại phải im lặng hoặc biết nói cho "dễ nghe".
Tôi nhớ chú Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) mới lên làm Thủ tướng đã có cuộc họp Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh ở dinh Thống Nhất. Mới mở màn, chú Sáu trách cứ, phê bình gay gắt lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL hay ăn nhậu, ảnh hưởng đến công việc.
Tôi lập tức có ý kiến, rằng ăn nhậu thì cũng có, nhưng không đến nỗi bỏ bê công việc như Thủ tướng nói. Và càng không để lại hậu quả quá nghiêm trọng so với một số chính sách, chủ trương lớn sai, cần phải làm rõ để xử lý.
Ban đầu chú Sáu giận lắm, nhưng sau đó chú lại rất quý và thích tính bộc trực, nói thẳng dân dã, có sao nói vậy của tôi. Nhiều lần tôi ra Hà Nội chú đều gặp, hoặc chú vào miền Nam công tác đều gọi tôi, hỏi chuyện và tham khảo ý kiến.
Lãnh đạo giỏi, có tâm, có tầm là phải biết lắng nghe sự thật, dù nó có thể rất đau lòng, phũ phàng, khó chịu, nói chung là rất "nghịch nhĩ". Nhưng phải nghe được sự thật thì mới giải quyết, xử lý được, thay vì khỏa lấp bằng những thành tích, con số màu hồng. Làm lãnh đạo mà cứ thích nghe những lời ngon ngọt, ngọt ngào thì dân chết!
Chính vì chỉ thích nghe những con số màu hồng mà nhiều hệ quả tai hại không được xử lý kịp thời, cứ để chồng chất lên nhau khiến nhiều vấn đề càng trở nên phức tạp, chẳng biết đầu mối ở đâu mà gỡ.
Nguyễn Minh Nhị, Bảy Nhị, nông nghiệp, lãnh đạo, quan, cá basa, Campuchia, Myanmar
Trên CĐML ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Văn Trí/ Phân xã Đồng Tháp
Nếu ta nhắm mắt, thiên hạ sẽ vượt qua
- Ông từng có thời gian dài làm lãnh đạo ở địa phương, đã cọ xát nhiều với thực tiễn và công tác quản lý, va chạm với nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, ông có nhìn nhận gì về một số hiện trạng, bất cập hiện nay?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi đã nhiều lần nói cách quản lý của chúng ta rất "ngây thơ", rất khó gọi tên. Nhiều cái tệ của ta không giống ai, nên không biết gọi là gì, cứ hay gom vào chữ "bất cập" là vậy!
Trong công tác quản lý, phong cách làm việc của bộ máy chúng ta vẫn còn những đặc tính tiểu nông, như tính "làm biếng". Trời lạnh không đi ra ruộng mà cứ trùm chăn ở nhà nằm cho ấm, vì vậy nhiều công việc chẳng làm tới nơi tới chốn.
Cái nguy hiểm nữa là trong quá trình làm ăn với người hàng xóm, một số cán bộ của ta càng thêm làm biếng,  vì lấy lợi ích cá nhân làm đầu, bất chấp lợi ích quốc gia. Tôi đã tìm hiểu và biết, làm ăn với "nước lạ" có mấy cái "lợi" cho cán bộ như thế này: Thứ nhất, dễ ăn hối lộ, mà họ lại chủ động cho "ăn", chưa đòi hỏi họ đã cho. Thứ hai, chất lượng như thế nào cũng được, nếu có vấn đề gì thì lại giải quyết bằng "hối lộ" ngược! Cách làm này đang có chiều hướng phổ biến hơn, rất nguy hiểm.
Tôi đã làm việc với nhiều đối tác ở nhiều quốc gia khác, tôi nhận thấy làm việc với Nhật, với Hàn Quốc và châu Âu rất khó.
Nhưng làm được thì rất có lợi cho đất nước và qua đó ta cũng trưởng thành lên.
Hiện đang có nhiều lo lắng, băn khoăn rằng chúng ta đang trì trệ, chậm chạp trong khi nhiều nước, ngay cả các láng giềng đang phát triển nhanh, "qua mặt" ta. Ông thấy sao về điều này?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi nhớ hoài và thấy rất xấu hổ khi làm việc với một tỉnh phó của một tỉnh bên Campuchia. Ông ấy nhẹ nhàng góp ý như thế này: "Các anh phải giáo dục nhân dân của các anh có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Ai mà cứ bắt sạch cá non, cá mang trứng, xuyệc điện (chích cá bằng điện - PV) hủy diệt để vét sạch từ con nhỏ đến con to thì mai này chẳng còn gì để ăn nữa đâu!".
Bên Campuchia họ nghiêm lắm, tình trạng hủy diệt như ở ta là họ trị ngay, nên gần như không còn nữa nạn đánh bắt, khai thác hủy diệt như bên ta. Ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường ngày càng tốt. Còn ta ngày càng tệ, gần như bất lực không ngăn chặn được.
Tôi đã nhiều lần nói, Nhà nước khó mà ngăn chặn, bắt phạt cho hết nếu nhân dân không ý thức được. Hầu hết đều sẵn sàng vì lợi ích trước mắt mà bất kể tất cả. Cái quan trọng nhất là phải giúp nhân dân ý thức rõ điều đó. Song như tôi đã nói ở phần trước, chính chúng ta đã cắt mất sợi dây linh thiêng nối liền người nông dân với đất đai, vô tình tước bỏ trách nhiệm, bổn phận của họ với mảnh đất và môi trường sống của họ.      
Cả xã hội ta hiện nay, từ người dân đến cán bộ, đều có không ít người mang tâm lý chụp giật, ngắn hạn, coi lợi ích cá nhân là hàng đầu. Với tình trạng đó, chúng ta khó mà có những phát triển mang tính chiến lược.
Tôi nghĩ, cần phải tỉnh táo nghiệm lại và phải làm lại một cách căn cơ, bắt đầu từ gốc rễ của mọi vấn đề. Nếu không, cứ như hiện nay, chạy theo giải quyết phần ngọn mà gốc rễ bị sai thì không thể xử lý được gì cả, mà cái xấu, cá tệ, cái dở ngày một phát triển, lấn chiếm.
Tại sao ta không xem, nghiên cứu các nước xung quanh và tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Vì sao họ phát triển nhanh được còn ta cứ trì trệ? Cái gì đang cản trở chúng ta thoát ra?". Nếu chịu làm, nếu thực sự vì Tổ quốc Việt Nam, vì nhân dân Việt Nam thì đi tìm lời giải này không khó. Không cần đi đâu xa, hãy qua Campuchia, Myanmar sẽ thấy.
Myanmar là nơi đáng để chúng ta nghiền ngẫm suy nghĩ lại mình. Họ từ chỗ khép kín, đã chuẩn bị để mở cửa, hội nhập với thế giới, thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề trì trệ cũ một cách căn cơ, bài bản. Họ đang có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt, tới nơi tới chốn để "vượt lên chính mình".
Phải thay đổi từ gốc của mọi vấn đề! Quản lý và điều hành đất nước cũng sẽ bất lực nếu những sai lầm, ngộ nhận từ gốc không được thay đổi.  Nếu không, cứ nhắm mắt hoài thì thiên hạ sẽ vượt qua, còn chúng ta lại ngày càng tụt hậu...
Duy Chiến
------
[1] Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ba sa.

Dưa hấu 800 đồng và những cái chết báo trước

Nền SXNN của chúng ta dù có hội nhập, nhưng vẫn đang trên nền tảng SX nhỏ, gắn với thương lái. "Dưa hấu Tân Thanh" là cái chết theo kiểu buôn chuyến!
>>'Chuẩn không cần chỉnh', vẫn... luẩn quẩn
Những ngày qua, chuyện hàng loạt nông sản "được mùa mất giá" như "Dưa hấu Tân Thanh" đã làm lộ ra nhiều điểm yếu trong khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản. Nông dân sẽ còn tiếp tục thiệt hại nếu cứ tiếp tục bỏ mặc họ trên cánh đồng.
PGS. TS. Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT), nguyên hiệu trưởng trường cán bộ quản lý NN - PTNT tại TP.HCM, đã chia sẻ trăn trở của mình trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam.
dưa hấu Tân Thanh, nông dân, sản xuất nông nghiệp, biệt thự, nhà tranh, bệnh thành tích, xuất khẩu nông sản, được mùa mất giá
PGS. TS. Vũ Trọng Khải. Ảnh: Duy Chiến
Thưa ông, thông tin những ngày qua về tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa. Lúa gạo ở ĐBSCL vào vụ thu hoạch cũng là lúc vang lên điệp khúc "mất giá"; rau củ các loại "rẻ như bèo"; dưa hấu vứt bỏ lăn lóc. Có thể nói gì về chuyện này?
Đó chỉ là bề mặt của một thực trạng bế tắc, không lối thoát. Những chuyện như thế còn nhiều và sẽ tiếp tục diễn ra nữa.
Vì sao ư? Rất đơn giản. Nền SXNN của chúng ta dù có hội nhập, dù có tăng trưởng, có khối lượng hàng hóa xuất siêu nhưng vẫn đang trên nền tảng SX nhỏ, gắn với thương lái, gắn với hệ thống lưu thông theo kiểu buôn chuyến. "Dưa hấu Tân Thanh" là cái chết theo kiểu buôn chuyến!
Thưa ông, tháng 6/2013 đề án tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp đã thông qua. Và tổng kết năm 2013, nông nghiệp nước ta vẫn được xem là "trụ cột" cho cả nền kinh tế đất nước. Nhưng với hiện trạng ngày càng thê thảm như thế này, liệu nông nghiệp có đủ sức làm "trụ đỡ" nữa hay không?
Tôi nghi ngờ nhận định này. Trong khi nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn và thách thức, mà nói rằng nông nghiệp vẫn tăng trưởng, trở thành "trụ đỡ", là "bình phong" trú ẩn cho cả nền kinh tế đang gặp cơn bão suy thoái sao được? Thật là khó tin.
SX NN không đủ sống, nông dân bỏ ruộng ra thành phố làm bất cứ việc gì, không cần đến kỹ năng mà chỉ cần cơ bắp, vẫn có thu nhập cao hơn dù bấp bênh. Sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn thế giới, họ trở thành nông dân hạng 2 ở các TP lớn.
Còn những người bám trụ ở nông thôn, làm ra sản phẩm không bán được, bỏ cho trâu bò ăn không hết.
Như vậy, nông nghiệp chỉ là "trụ đỡ" cho những thành tích ảo, là "bức bình phong" che khuất những nỗi cơ cực của nông dân...
Đã nhận ra từ lâu nhưng... mới chỉ hô hào!
Xét về chủ trương và chính sách, sản xuất nông nghiệp và nông dân là thành phần được quan tâm nhiều nhất. Vậy thưa ông, tại sao những bế tắc cũ kéo dài vẫn chưa được khai thông?
Ngay từ năm 2008, Ban bí thư đã có Nghị quyết 26 TW về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nghị quyết đã được Chính phủ triển khai, Bộ NN - PTNT là đầu mối quan trọng.
Tuy nhiên, dù nhiều biện pháp đã triển khai song hiệu quả còn kém. Việc tái cơ cấu, từ bỏ mô hình tăng trưởng nhờ tăng đầu tư, khai thác kiệt quệ tài nguyên môi thiên nhiên, sử dụng sức lao động giá rẻ, XK nông sản thô với giá thấp để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều sâu, áp dụng công nghệ mới, làm gia tăng giá trị nông sản, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất và chất lượng nông phẩm, SX thân thiện với môi trường vẫn chỉ là... hô hào nhiều hơn! 
Còn việc tái cơ cấu SXNN, điều này cần phải bàn lại cho rõ ràng, khoa học hơn. Theo tôi, tái cấu trúc không thể giải quyết được những tồn tại yếu kém của nền NN mà phải xây dựng lại.
Nhà tranh vách lá không thể "tái cấu trúc" thành nhà tường hay biệt thự
Cấu trúc lại nền kinh tế kém hiệu quả để có hiệu quả hơn là cách làm phổ biến trên thế giới. Nước ta, do đang là sản xuất nhỏ, kém hiệu quả nên phải tái cấu trúc lại cho có hiệu quả. Có gì chưa ổn chăng mà ông nói cần phải bàn lại?
Trước khi bàn đến những giải pháp cụ thể, cần có sự đồng thuận, nhất quán về những khái niệm và quan điểm khoa học cơ bản để xây dựng lại NN.
Vài nét về PGS.TS.Vũ Trọng Khải
-    Sinh tháng 4/1945, là con út của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta, người đã sát cánh với bác Hồ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Võ Trọng Khánh
-    Tốt nghiệp Đại học kinh tế kế hoạch khóa 1963 – 1967, khoa kinh tế nông nghiệp  (Nay là Đại học kinh tế quốc dân)
-    1967 – 1982: Cán bộ nghiên cứu chính sách của Bộ NN
-    1982 – 2006: Hiệu trưởng trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT2 tại TP.HCM 
     
Cấu trúc hay cơ cấu lại (Restructuring), chỉ là sự sắp xếp hợp lý hơn những yếu tố cấu thành vốn có, đang tồn tại của một chỉnh thể, đây là nền SX NN nước ta, theo một phương thức nào đó để đạt được những mục tiêu cao hơn hiện tại. Vì thế nó không làm thay đổi về chất của thực thể nền NN hiện hữu. Vì nền NN của chúng ta hiện nay đã hết dư địa để tăng trưởng và phát triển, càng không còn "dư địa" để phát triển bền vững và toàn diện. Và cũng không thể khắc phục triệt để và căn bản những yếu kém của nó bộc lộ ngày càng gay gắt như hiện nay.
Xây dựng lại (Reengineering, Perestroika) là tạo ra những yếu tố mới và kết hợp chúng lại với nhau theo một kiểu cấu trúc mới trong một chỉnh thể mới, được vận hành theo một cơ chế quản lý phù hợp với cấu trúc của nó để tạo ra những thuộc tính khác hẳn về chất vốn không tìm thấy ở chỉnh thể cũ.
Chất lượng của chỉnh thể mới sau khi được xây dựng lại được thể hiện bằng các tiêu chí phản ánh mục tiêu của nó. Đó chính là tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về vật chất và văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Có thể ví von cho dễ hiểu thế này. Ta đang ở trong một căn nhà tranh vách lá cũ kỹ dột nát, nắng mưa đều khổ, nay muốn thay đổi thành căn nhà tường hay biệt thự như hàng xóm. Muốn thế chúng ta không thể "tái cấu trúc" căn nhà tranh kia thành nhà tường khang trang hay biệt thự được mà phải đập bỏ căn nhà tranh, xây dựng lại nhà mới. Đơn giản như vậy.
Từ đây để thấy rằng, với nền SX nhỏ cũ kỹ của chúng ta hiện nay thì không thể thay đổi được nếu chỉ "tái cấu trúc" nếu đi vào thực hiện! Không thay đổi những yếu tố cấu thành mà chỉ "tái cấu trúc" là vô nghĩa. Và những căn bệnh của nền SX nhỏ cứ triền miên khởi phát, xuất hiện theo chu kỳ. Quan trọng hơn là khó mà nâng cao đời sống người nông dân khi hiệu quả SX kém cỏi không thể xoay chuyển...
dưa hấu Tân Thanh, nông dân, sản xuất nông nghiệp, biệt thự, nhà tranh, bệnh thành tích, xuất khẩu nông sản, được mùa mất giá
Thảm cảnh dưa hấu Tân Thanh. Ảnh: VOV
Thưa ông, câu chuyện của chúng ta về thực trạng đáng lo ngại hiện nay cần phải đề cập đến việc tìm lối thoát. Phải bắt đầu từ đâu để giải quyết hàng loạt vấn đề nêu trên?
Tồn tại hiện nay là hệ quả của một nền SX hàng hóa nhỏ, tự phát, không có tổ chức.
Sản xuất nông nghiệp không thể hiệu quả nếu mỗi nông dân chỉ có 5 - 7 công đất, chỉ có những DN cò con và thương lái luồn lách vào tận vùng sâu vùng xa thu mua đủ thứ loại lúa chất lên ghe đem về xay xát bán nguyên liệu cho các Công ty XK. Tất cả yếu tố như vậy của hệ thống nền SX hàng hóa nhỏ cần phải thay đổi, chuyển biến về chất để trở thành nền SX hàng hóa lớn.
Cấu trúc của nền SX hàng hóa lớn sẽ như thế nào, thưa ông?
Đó là những yếu tố KT - XH. Ví dụ, về KT, các chủ thể tham gia ở đây phải lớn lên,  nông dân lớn và DN lớn và Nhà nước. Nông dân lớn phải tích tụ được ruộng đất. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu cứ lần khân, lăn tăn chuyện nông dân còn đất hay mất đất, có địa chủ hay không có địa chủ thì chết!
Về DN lớn, cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ để có DN chế biến lớn, DN XK lớn. Họ quản lý theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn và DN phải trở thành xương sống của nền KT.
Tất nhiên, không cần làm tất cả mà chỉ cần cho những mặt hàng chiến lược của đất nước thôi. Có những DN lớn, chế biến sâu, công nghệ hiện đại, có thị trường và có mối liên kết.
Liên kết là gì? DN phải là nhạc trưởng tổ chức lại nền SX nhỏ, cung cấp đầu vào cho nông dân, trước hết là giống xác nhận để nông dân không trồng lung tung như hiện nay. Ngoài Bắc làm toàn giống lúa lai của Trung Quốc, trong Nam nông dân trồng đủ thứ giống theo tín hiệu của thương lái chứ không phải của thị trường. Bộ NN - PTNT khuyến cáo nông dân không trồng giống 504 nhưng thương lái báo cần mua 504, nông dân nghe theo thương lái chứ đâu nghe Bộ NN!
Một chuyện phổ biến rất không bình thường là thương lái chỉ là khâu trung gian, không chế biến sâu, không nắm thị trường nhưng có quyền lực lớn trong lưu thông và chi phối nhiều chuyện. Tôi không phê phán thương lái vì họ có vai trò lịch sử của họ. Nhưng chuyển qua SX lớn, DN lớn lên thì thương lái sẽ tự tiêu vong.
Chúng ta hãy thử xem mô hình tổ chức SX lớn của  Công ty thuốc bảo vệ thực vật An Giang. Cách đây vài năm Công ty tổ chức ký hợp đồng với nông dân được 67.000 ha, năm nay đã được trên 100.000 ha. Công ty cung cấp giống xác nhận và cử hàng nghìn kỹ sư xuống "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân, hướng dẫn họ SX theo quy trình VietGap. Tới vụ thu hoạch, công ty mua toàn bộ sản phẩm đem về sấy và chế biến XK.
Mô hình này đem lại hiệu quả rất cao vì đã giải quyết và xử lý được những tồn tại của kiểu làm nhỏ: chất lượng cao và đồng nhất, số lượng lớn đủ sức cung cấp cho khách hàng, giá cả cao.
Còn vai trò của Nhà nước là xây dựng chính sách khuyến khích và kiến tạo phát triển. Tôi ví dụ đơn giản thế này, nếu như toàn bộ kinh phí khuyến nông Công ty bảo vệ thực vật An Giang chi hết bao nhiêu, Nhà nước sẽ trả thay vì để cho Trung tâm khuyến nông quốc gia. Được quá đi chứ. Đằng nào Nhà nước cũng phải chi, thì chi cho khuyến nông của DN sẽ hiệu quả hơn là chi ở Trung tâm khuyến nông quốc gia. Cơ quan này bị hành chính mất rồi.
Hoặc là chi cho tạm trữ lúa gạo lâu nay, lẽ ra Nhà nước có thể cho những DN chế biến vay đầu tư công nghệ chế biến sâu ở nông thôn, tài trợ lãi suất thì sẽ có hiệu quả hơn và chúng ta sẽ có đội ngũ DN chế biến lớn.
(Còn nữa)
  • Duy Chiến

Nồi cơm 70% dân bị bỏ mặc cho bên ngoài thao túng

Việt Nam chiếm 60% sản lượng hồ tiêu trên thế giới nhưng không hề chủ động được giá mà để cho Singapore thao túng, điều khiển.
"Nắm người có tóc"
Lâu nay các doanh nghiệp thường phàn nàn là nông dân hay "bội tín", "phản kèo" nên không thể liên kết được?
Trong nền sản xuất hàng hóa lớn, một ông nông dân có 10 - 15 ha đất dứt khoát sẽ không dám bẻ kèo, "bội tín" như ông chỉ có vài công đất. Giả sử có ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, nhận giống và vật tư rồi không bán sản phẩm, không lẽ doanh nghiệp đi kiện ông nông dân chỉ có vài công ruộng à? Còn ông nông dân có 10 - 15 ha nếu "bội tín" với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, vụ sau không mua nữa thì thiệt hại sẽ rất là lớn. Phải "nắm người có tóc". Kinh nghiệm này ở Công ty bảo vệ thực vật An Giang áp dụng, họ chỉ ký hợp đồng sản xuất với những hộ nông dân có ít nhất 3 ha đất trở lên,
Trở lại câu chuyện "dưa hấu Tân Thanh", nếu chúng ta có doanh nghiệp lớn thì sẽ không có tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu như vậy. Ta chẳng có ai có kinh nghiệm buôn bán chính ngạch với Trung Quốc, chẳng ai nghiên cứu thị trường, mùa vụ của Trung Quốc. Ở Vân Nam và Quảng Đông họ cũng trồng được dưa hấu. Muốn tiêu thụ được phải đưa vào sâu nội địa, lên vùng phía Bắc và tránh thời điểm thu hoạch của họ. Ai làm việc này?
Cũng giống Việt Nam chiếm 60% sản lượng hồ tiêu trên thế giới nhưng không hề chủ động được giá mà để cho Singapore thao túng, điều khiển.
kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa
Lao động nông nghiệp chiếm tới 58 - 60% và 70% dân cư Việt Nam sống bằng nông nghiệp.
Thưa ông, xây dựng nền sản xuất mới từ nông dân lớn và doanh nghiệp lớn ắt sẽ có nhiều nông dân dôi dư ra từ quá trình tích tụ ruộng đất. Vậy họ sẽ ở đâu sau khi tổ chức lại nền sản xuất mới?
Lâu nay nhiều ông cứ vin vào đấy để ngăn cản hoặc không cho tích tụ ruộng đất, "đất không đẻ ra mà người thì ngày càng nhiều". Như vậy là ngăn cản quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp kéo dài.
Chúng ta phải tạo ra các trung tâm công nghiệp và đô thị rải ra ở các vùng sinh thái để thu hút lao động, tạo ra dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân chứ không phải tạo ra các siêu đô thị như hiện nay.
Không có nước nào mà tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm tới 58 - 60% lực lượng lao động xã hội và 70% dân cư sống bằng nông nghiệp mà có thể gọi là nước công nghiệp được.
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, vừa giảm bớt sức lao động trong nông nghiệp, vừa gia tăng khả năng thu hút lao động dôi dư để phát triển kinh tế nông thôn.
Đô thị hóa nông thôn tạo ra những đô thị nhỏ rộng khắp các vùng nông nghiệp trong cả nước, tạo ra các cơ sở kinh tế. Nhờ đó, hạn chế tối đa quá trình tự phát tạo ra các siêu đô thị lớn với đầy rẫy những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Sai lầm của chúng ta lâu nay là chạy đua xây dựng các khu công nghiệp chỉ có các nhà máy mà không hề có khu dân cư. Người ta đến đó làm vì nghèo đói ở quê nhà, sống trong những khu ổ chuột, cuộc sống tạm bợ. Con cái đẻ ra không nuôi nổi phải gởi về quê, hoặc cho đi. Như vậy không tạo ra kết cấu kinh tế - xã hội và gia đình vững chắc. Khi gặp sự cố như khủng hoảng, doanh nghiệp đóng cửa thì lại chạy về nông thôn như là nơi trú ẩn dù biết là đói nghèo.
Đó là sai lầm về chiến lược phát triển nói chung.
Xây dựng nền sản xuất mới, như ông nói, là xây dựng được nông dân lớn, doanh nghiệp lớn và Nhà nước. Ngoài phát triển và kiến tạo, Nhà nước còn những trách nhiệm nào nữa?
Nhà nước cần phải xây dựng chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, trên từng tiểu vùng nông nghiệp, vùng sinh thái căn cứ vào dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa trên so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia và của từng vùng, không theo đơn vị hành chính.
Trên cơ sở đó xây dựng lại quy hoạch và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng từ thủy lợi, giao thông, kho tàng, bến cảng, các cơ sở hậu cần...trên phạm vi cả nước; xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu đô thị nhỏ ở các vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái; thiết lập chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa
PGS. TS. Vũ Trọng Khải. Ảnh: Duy Chiến

Xóa bỏ mô hình Tổng công ty lương thực?
Ông đã xác định từ đầu là "xây dựng lại" chứ không phải "tái cấu trúc", có nghĩa là phải thiết lập các yêu tố mới. Vậy các yếu tố cũ đang tồn tại cần xử lý ra sao?
Cần phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh không theo luật doanh nghiệp hiện nay như Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) bao gồm hàng chục công ty thành viên, trong đó tổng công ty hay các thành viên, tổ chức nào cũng có đầy đủ quyền tự do kinh doanh.
Mặt khác,  cần xóa bỏ các hình thức có tên gọi bất thường như công ty cổ phần (hay trách nhiệm hữu hạn một thành viên) – tổng công ty X” (Ví dụ như công ty cổ phần – tổng công ty xây dựng thủy lợi 4), hoặc công ty cổ phần (hay trách nhiệm hữu hạn) một thành viên – tập đoàn (ví dụ như công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên – Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.
Tập đoàn là một thực thể kinh tế không có tư cách pháp nhân nhưng lại tồn tại với tư cách là cấp trên của các doanh nghiệp thành viên, do vậy cũng cần xóa bỏ đi.
Hệ thống các loại hiệp hội doanh nghiệp đang tồn tại như cách tay nối dài của các cơ quan quản lý Nhà nước như hiệp hội lương thực Việt Nam, VFA cần phải xóa bỏ sớm. Chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển của Nhà nước chỉ theo ngành hàng và vùng sinh thái chứ tuyệt đối không theo chủ thể kinh doanh.
Các tổ chức kinh doanh dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, hợp tác xã và trang trại đều phải bình đẳng trong kinh doanh, cùng hưởng các ưu đãi của Nhà nước nếu cùng ngành hàng trong cùng một vùng nông nghiệp sinh thái... Nhà nước cần tạo ra khung pháp lý đảm bảo cho việc cạnh tranh lành mạnh.
Để làm được những điều ông vừa nói phải cần một bộ máy năng động. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề nhân sự thế nào, thưa ông?
Những chuyện xảy ra như thời gian vừa qua thật đáng tiếc. Dưa hấu nông dân làm ra phải đổ bỏ ê hề mà cho rằng tại "trúng mùa" thì chết người ta. Nhưng điều này cũng có lý do.
Ông Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã nói một câu rất hay. Tôi cho rằng hay nhất trong cuộc đời làm Bộ trưởng của ông ấy là "bằng giả chỉ có thể chui vào cơ quan Nhà nước"! Có một tình trạng mà không chỉ riêng ở Bộ NN - PTNT mà có tất tần tật ở các cơ quan công quyền là những người khả năng kém chui vào.
Những người có năng lực thì thứ nhất là thành lập doanh nghiệp riêng; Thứ hai, đi làm cho nước ngoài. Thứ ba, làm thuê cho DN trong nước; cuối cùng để chui vào bộ máy nhà nước thì phải hối lộ nên họ phải tìm cách "thu hồi vốn", trở thành quan tham. Làm sao họ lo cho những điều chúng ta đang bàn với nhau?
Với bộ máy quan liêu như vậy, cùng chế độ tiền lương như hiện nay và cơ chế tuyển dụng như thế thì khó có người giỏi vào.
Nói chung, bộ máy công quyền đang rất cần phải "xem lại".
Xin cảm ơn ông!
Vài nét về PGS.TS.Vũ Trọng Khải
-          Sinh tháng 4/1945, là con út của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta, người đã sát cánh với bác Hồ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Vũ Trọng Khánh
-          Tốt nghiệp Đại học kinh tế kế hoạch khóa 1963 - 1967, khoa kinh tế nông nghiệp  (Nay là Đại học kinh tế quốc dân)
-          1967 - 1982: Cán bộ nghiên cứu chính sách của Bộ NN
-          1982 - 2006: Giảng dạy và làm Hiệu trưởng trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT2 tại TP.HCM
Duy Chiến (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét