Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 40/c (Chiến tranh biên giới tây nam)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chuyện kinh hoàng chưa biết về tội ác diệt chủng của Pol Pot ở Tây Ninh

Thứ năm, 10/09/2015, 10:12 (GMT+7) (Xã hội) - Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, lũ ác thú đã cướp đi sinh mạng của hơn 592 người dân vô tội.
Kỳ 1: Ký ức đau thương về cuộc tập kích bất ngờ của tập đoàn ác thú Pol Pot
Mỗi lần trở lại vùng đất biên giới tây nam, nhất là vùng Ba Chúc của An Giang hay Xa Mát, Lò Gò, Ta Nốt, Tân Lập (huyện Tân Biên, Tây Ninh), với những người còn sống sót, không ai không khỏi ám ảnh với những kỷ niệm hãi hùng, bi ai và cả những cảm xúc mãnh liệt, căm thù, không thể quên đối với những hành động dã man, thú tính của tập đoàn diệt chủng Pol Pot.
Vụ thảm sát Ba Chúc gây rúng động cả thế giới loài người. Giờ ở Ba Chúc, đã có cả một khu tưởng niệm khang trang, khu trưng bày xương cốt của đồng bào, rồi nhiều vật chứng, chứng tích tội ác Pol Pot cũng được trưng bày, cho thế hệ sau thấy được sự mất mát, đau thương của thế hệ trước, là cái giá cho những ngày bình yên này.
Nhưng, mảnh đất Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh), không có gì khác ngoài một tấm bia chứng tích và mấy ngôi mộ. Không hình ảnh, không hiện vật. Ở đó, 38 năm trước, một vụ thảm sát kinh hoàng không kém cũng đã diễn ra, mà như một cựu binh đã kể lại: “Gần như toàn bộ dân cư ấp Tân Thành, chỉ một vài người sống sót. Và vì ám ảnh bởi nạn diệt chủng nên sau khi sơ tán, lúc bình yên đã trở lại, nhiều người vẫn không dám về. Mấy năm sau, mảnh đất Tân Lập vẫn còn hoang lạnh, tro tàn”.
Một trong những bức ảnh tổ cáo tội ác diệt chủng của quân Polpot
Một trong những bức ảnh tố cáo tội ác diệt chủng của quân Pol Pot
Đó là vụ thảm sát đêm 24, rạng sáng ngày 25/9/1977. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, lũ ác thú đã cướp đi sinh mạng của hơn 592 người dân vô tội.
“Đau lắm! chúng nó đốt nhà, cướp bóc, hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng, chém giết hàng loạt. Trước khi bị đánh đuổi, chúng còn gài mìn, hoặc lấy lựu đạn mỏ vịt rút chốt sẵn và lấy những xác người nằm đè lên. Khi người sống lấy xác, nhấc thi thể lên thì lựu đạn nổ, thương vong tiếp diễn. Còn người đã chết thì lại bị chết đến lần thứ 2…”, ông Hai Ninh, một lái xe ôm được chúng tôi nhờ chỉ đường cho biết.
Tôi đến Tân Lập vào một buổi chiều. Ở trung tâm xã, nhà cửa san sát, phố xá đông người. Nhưng khi đi đến km 39, nơi trọng điểm của vụ thảm sát 38 năm trước, chỉ thấy cánh rừng cao su bạt ngàn. Tìm mãi mới thấy vài ngôi nhà rải rác dưới tán cao su.
Ông Hai Ninh thở dài: “Chú xem, cao su tươi tốt thế đó, nhưng ở dưới không biết còn bao nhiêu xác người bị vùi lấp, bao nhiêu linh hồn chưa được siêu thoát?”.
Tấm bia chứng tích đặt trên nền Trường tiểu học Tân Thành cũ, với nội dung: “Thật vô cùng man rợ, quân Khmer Đỏ đã chặt đầu, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, chôn sống, tàn sát tập thể, nhiều gia đình, nhiều căn hầm trú ẩn 16,17 người bị giết sạch, 592 người đã bị cướp đi mạng sống”.
Bia chứng tích tội ác diệt chủng của Khơ me đỏ ở Tây Ninh
Bia chứng tích tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ ở Tây Ninh
Ông Ba Hạnh (Nguyễn Văn Hạnh), nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Lập năm 1977, nghĩ lại ký ức, rơm rớm nước mắt, mãi sau mới bình tâm kể lại mọi chuyện.
Giải phóng miền Nam, mới thoát khỏi chế độ Mỹ – Ngụy chưa được bao lâu thì từ bên kia biên giới, quân Khmer Đỏ thỉnh thoảng lại gây ra những vụ xích mích lẻ tẻ. Chính quyền Việt Nam vẫn động viên nhân dân biên giới cố gắng kiềm chế, giữ vững tình đoàn kết hữu nghị.
Nhưng những hành động gây hấn của chúng ngày càng gia tăng. Người dân Tân Lập không còn dám qua bên kia biên giới buôn bán nữa, nhiều người đã bị bắt cóc, thủ tiêu.
Bọn Pol Pot lại xua đuổi dân Campuchia tràn qua biên giới nước mình. Bọn trinh sát, mật thám cũng trà trộn sang. Có những đêm, ông Ba Hạnh cùng dân quân tự vệ đi tuần tra bắt được nhiều trường hợp người Campuchia tìm cách vượt biên lẻ tẻ, rồi cứ thế sục sạo khắp thôn làng ngõ xóm.
Biết chắc là chúng qua thăm dò tình hình, nhưng khi bị bắt lại khai với dân quân là qua Việt Nam thăm bạn và đặt hàng buôn bán, không có cách nào khác, ông Ba Hạnh đành ra lệnh thả về bên kia biên giới.
Thậm chí, có lúc lính Pol Pot còn trang bị vũ khí đầy đủ, kéo theo 1 xe jeep và 2 xe quân sự GMC sang bao vây cả đồn biên phòng Lò Gò –Xa Mát, nói đó là đất của chúng, yêu cầu dời đồn về phía sau,. Tuy nhiên, các chiến sĩ biên phòng đã dứt khoát không nhân nhượng, lăm lăm súng ống, chờ sẵn trong công sự. Không dọa được đối phương, quân Pol Pot hô hào ầm ĩ mấy tiếng rồi kéo về.
Tân Lập hôm nay
Tân Lập hôm nay
Gần 12 giờ đêm 24/9, ông Ba Hạnh mới trở về nhà nghỉ sau chuyến tuần tiễu cùng với các dân quân tự vệ. Trước đó mấy ngày, tình hình ở biên giới Campuchia cách nhà ông mấy cây số khá yên ắng, không thấy có vụ việc xích mích hay gây hấn gì, dân hai phía biên giới đã buôn bán trở lại. Ông Ba Hạnh vẫn nghĩ là Pol Pot không dám đưa quân qua biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ mới đặt lưng nằm xuống, bất ngờ nghe thấy có tiếng hô hào, xôn xao ngay gần nhà, giữa đêm khuya thanh vắng.
Lúc đó chỉ tưởng là dân chúng bắt trộm, ông Hạnh choàng dậy mò ra xem tình hình. Nhưng chỉ mới đi ra đến cổng, thì một viên đạn pháo không biết từ đâu bay tới nổ ngay gần đó, khiến ông ngã dúi dụi. Lúc ông lồm cồm bò dậy, chưa hiểu chuyện gì thì bắt đầu có tiếng súng nổ.
Ông Hạnh thấy rất nhiều người dân ở phía tây bắc Tân Lập chạy ngược về phía mình, vừa chạy vừa kêu khóc. Người bế con, người chỉ mặc mỗi cái quần cộc, người ôm cánh tay đầy máu vì trúng đạn. Bất chợt có một anh thanh niên xung phong chạy qua, thấy ông Ba Hạnh liền kêu lớn: “Quân Khmer Đỏ đang giết người, đốt nhà đầu cây số 39 đó anh, chạy mau đi”.
Ông Ba Hạnh chưa bao giờ quên ký ức kinh hoàng về vụ thảm sát đêm 24 / 9
Ông Ba Hạnh chưa bao giờ quên ký ức kinh hoàng về vụ thảm sát đêm 24/9
Bất chấp nguy hiểm, ông Hạnh chạy ngược về ấp Tân Thạnh, chỗ km 39, bởi ở đó còn rất nhiều bạn bè, anh em của mình.
Giữa màn đêm đen thẫm, chỉ thấy lửa cháy đỏ rực bốc cao ngun ngút. Càng đến gần, ông càng thấy nhiều xác chết của dân thường trúng đạn nằm lăn lóc bên vệ đường. Có người còn sống sót nhưng không đi nổi, kêu khóc thảm thiết, hòa lẫn với tiếng súng nổ, tiếng la hét.
Những âm thanh tàn khốc, quái đản vang lên, vọng khắp đó đây, tạo thành một bản hòa âm vô cùng rùng rợn, cùng với mùi máu tanh hôi, mùi khét của xác chết bị đốt cháy, gió thổi xộc vào mũi đến lợm giọng, nghẹt thở.
Rồi một cơn giông tố bất thần ập đến, sấm chớp đùng đùng xen lẫn tiếng súng, mưa trút xuống rào rào. Trong ánh chớp, thấy thấp thoáng có đám lính Pol Pot võ trang súng máy đang áp giải mấy người dân quần áo xơ xác bắt xếp thành hàng ở cạnh đó, ông Hạnh chỉ kịp lao vào nấp trong bụi mía. Rồi một loạt tiếng súng khô khốc vang lên, không gian bỗng chốc yên ắng chỉ còn tiếng bước chân loạt xoạt.
Biết mình không thể làm gì được trong lúc này, ông Ba Hạnh lặng lẽ men theo luống mía trườn thật nhanh ra ngoài. Đến rừng cao su, ông cứ thế cắm đầu chạy thẳng một mạch, hướng về phía ấp Tha La, sâu trong đất liền, cách biên giới tầm 30km.
Còn tiếp….
(Theo VTC)

Ám ảnh đêm thảm sát man rợ của Khmer Đỏ ở Tây Ninh

Thứ sáu, 11/09/2015, 07:00 (GMT+7)
(Xã hội) - Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế, các kiểu nằm. Xác người nằm lẫn lộn, bầy nhầy không biết của ai với ai.
Kỳ 2: Đêm thảm sát man rợ
Ông Ba Hạnh, cũng như những người dân khác ở xã Tân Lập, vốn từ rất nhiều vùng quê khác nhau, sau khi miền Nam được giải phóng, về đây xây dựng kinh tế mới. Hồi đó, xã Tân Lập gồm 8 ấp, thì chỉ trong đêm 24/9/1977, có 5 ấp gồm Bảy Bàu, Chằng Riệc, Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thành chết gần hết bởi sự thảm sát man rợ của Khmer Đỏ.
Nhắc đến đây, ông Ba Hạnh đưa tay lau nước mắt: “Tôi khẳng định luôn là chúng nó cố ý giết hại dân mình, dã man lắm nhà báo ơi!”.
Ông bảo, quân Khmer Đỏ không đánh trực tiếp các đồn biền phòng, hay doanh trại bộ đội. Chúng chỉ bao vây từ xa rồi nã súng cối vào. Một bộ phận khác đi theo những con đường chúng đã trinh sát từ trước, lẻn vào tàn sát dân lành.
Chỉ trong vòng chưa đến 3 giờ đồng hồ, trước khi quân đội phá vây và tiến vào xã, Tân Lập đã trở thành một mảnh đất hoang tàn, xơ xác.
“Ngay trong đêm mưa gió tàn khốc ấy, chỉ có vài chục người chạy thoát khỏi họng súng của “tập đoàn ác thú”. Mấy ngày sau, con số thiệt mạng lại tăng lên khi một số người dân bất chấp nguy hiểm, bất chấp sự can ngăn quay lại. Phần lớn họ đều chết vì những quả mìn do chúng gài lại dưới những xác chết trước khi bỏ đi.
Về sau, có thêm mấy người nữa phát bệnh, điên loạn vì những ký ức quá đỗi kinh hoàng trong đêm hôm đó. Một số người sợ quá mà bỏ đi biệt xứ. Giờ nhân chứng sống của sự kiện đẫm máu này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, ông Hạnh cho biết.
Ít người hình dung nổi, nơi đây là trung tâm của vụ thảm sát đẫm máu 38 năm trước
Ít người hình dung nổi, nơi đây là trung tâm của vụ thảm sát đẫm máu 38 năm trước
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Tiếp, bà Vũ Thị Phượng ở ấp Tha La, xã Tân Phú (Tân Châu, Tây Ninh), là một trong số ít những người thoát nạn. Đúng vào ngày rằm tháng 7, ngày lễ Vu lan, gia đình bày biện mâm cỗ la liệt, thắp hương khấn vái. Riêng ông Tiếp cứ ngồi thẫn thờ cả buổi, rồi rơm rớm đưa tay quệt nước mắt. Ông bảo, những hình ảnh 38 năm trước cứ hiện ra trước mắt, ám ảnh cả trong giấc ngủ.
Nhiều đêm bất thần ông bật dậy la hét trong hoảng loạn: “Quân Khmer Đỏ nó đang giết dân mình, chạy mau…, cùng là con người với nhau cả, sao chúng mày ác độc đến như vậy…”. Cả nhà phải an ủi mãi ông mới bình tâm trở lại.
Quên sao được khi trong ký ức của vợ chồng ông, đó là đường làng, ngõ xóm, sàn nhà, bờ ao, trường học… nơi nào cũng có xác chết. Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế, các kiểu nằm. Xác người lẫn lộn, bầy nhầy không biết của ai với ai.
Cây cối, vườn tược, đến cái chum đựng nước cũng bị quân Khmer Đỏ phá phách, đập vỡ. Có những em bé chưa đầy tuổi bị đập đầu bằng báng súng. Nhiều thanh niên có lẽ do kháng cự bị chúng cắt cổ, moi mắt, phanh thây, xé xác.
Chưa hết, trong cái đêm bi thảm ấy, chúng còn chơi trò đắp xác người xem nhóm nào làm được cao hơn. Thế là chúng ra sức giết, rồi tấp vào thành một đống, ruột gan phèo phổi hòa với mưa, với máu.
Tội ác diệt chủng của tập đoàn ác thú
Tội ác diệt chủng của tập đoàn ác thú Pol Pot
Có lẽ, ông Tiếp gần như là nhân chứng sống duy nhất chứng kiến đầy đủ những hành vi man rợ của bọn Khmer Đỏ. Cũng chính vì thế mà những hình ảnh đau thương ấy, cứ ám ảnh ông cho đến tận bây giờ.
Ông Tiếp kể, hồi trước, nhà ông ở sát biên giới. Đêm đó là thứ 7, cả nhà đang ngồi nghe chương trình cải lương. Hàng xóm cách nhà ông chừng trăm mét là của vợ chồng ông Tư Cang, lúc nào cũng ngủ sớm và dậy làm bánh bò từ 12h đêm. Vợ ông Tư Cang ra ngoài vườn đi vệ sinh, thì bất ngờ nghe thấy trong vườn chuối cạnh đó có tiếng sột soạt, rồi có tiếng Campuchia thì thầm, tức thì chạy sang nhà ông Tiếp báo tin bởi ông Tư Cang cũng đang xem cải lương ở đó. Nghe vợ bảo sao người Campuchia lại ở trong vườn nhà mình, người hàng xóm tức tốc chạy ra ngoài.
Ông Tiếp đang chuẩn bị đi ngủ, thì nghe tiếng tri hô của ông Tư Cang. Tiếng hô chưa dứt đã tắc nghẹn như bị đâm dao vào cổ, rồi kèm theo đó là loạt đạn khô khốc. Tông Tiếp bảo người nhà nhanh chóng trốn ra ngoài vườn, men theo những bụi mía, rồi ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về hướng đông.
Ký ức kinh hoàng ám ảnh ông Tiếp suốt 38 năm nay
Ký ức kinh hoàng ám ảnh ông Tiếp suốt 38 năm nay
Lát sau, tiếng súng nổ liên hồi, tiếng người kêu khóc thảm thiết. Ông Tiếp ra đến cây số 39, quay lại thì thấy quân lính Khmer Đỏ mặc quần áo màu đen đi đầy ngoài đường, tay cầm đuốc đốt nhà. Một số tên khác cầm dao búa, cứ thấy có ai trúng đạn không chạy được thì chém cho chết hẳn. Chúng hô hào ầm ỹ tiếng Campuchia: “Đốt đi, giết đi, giết cho bằng hết”.
Có một người mẹ ôm 2 đứa con nhỏ, chạy không kịp đành núp vào trong bụi tre. Đứa trẻ không biết gì nghe tiếng súng cứ khóc ré lên. Đám lính Pol Pot đi qua nghe thấy, chúng không bắn, mà ngồi quây xung quanh, chĩa lưỡi lê nhọn hoắt. Mặc cho người đàn bà tội nghiệp lạy lục van xin tha mạng, chúng lạnh lùng mang cả can xăng tưới vào bụi tre, châm lửa đốt, rồi cười sằng sặc bỏ đi.
Lúc đó, ông Tiếp cứ cắm đầu cắm cổ chạy, mặc cho hàng loạt đạn bắn liên tiếp đuổi theo đằng sau. Ra đến bìa rừng cao su, mệt lả, ông mới biết mình còn sống. Thật may mắn là vợ và 2 đứa con của ông cũng chạy thoát. Mọi người gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Đến sáng, sau cơn mưa trắng trời suốt mấy tiếng đồng hồ, tiếng súng chỉ còn lẻ tẻ, tưởng tình hình đã yên, ông Tiếp cùng bà Phượng đánh liều mò ra khỏi bìa rừng, tìm về nhà với hi vọng nhặt nhạnh được ít đồ dùng nào đó, nhưng nhà ông chỉ còn là một đống tro bụi, tất cả đều đã cháy thành than.
Bà Vũ Thị Phượng (vợ ông Tiếp): tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải tận mắt chứng kiến những tội ác man rợ đến như thế
Bà Vũ Thị Phượng (vợ ông Tiếp): “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải tận mắt những tội ác man rợ đến như thế”.
Đi giữa những xác chết, bất chợt, bà Phượng rú lên, rồi ôm mặt bỏ chạy về rừng cao su khi nhìn thấy một bé gái chừng mười hai, mười ba tuổi, không một mảnh vải che thân, nằm ngửa, chết cứng với chiếc cọc tre đâm thẳng vào cửa mình.
Cạnh đó là một phụ nữ trung niên chết trong tư thế nằm sấp xuống mặt đường, đầu cố ngóc lên, bàn tay vẫn chới với. Trên lưng bà là một con dao quắm cắm ngập lút cán, và những vết cắt chi chít. Bà đã bị trúng đạn, nhưng vẫn sống và lê lết bò đi kêu cứu. Thế nhưng, bọn ác thú này gặp, tra tấn bằng cách rạch chi chít trên người và kết liễu bà bằng một cú đâm tàn độc.
Cảnh tượng quá hãi hùng. Bản thân ông Tiếp vốn từ trước đến giờ có tiếng gan dạ cũng cảm thấy quá sợ hãi. Ông quay lại chạy theo vợ, rồi sau đó đưa cả gia đình về sống ở Tân Châu luôn. Từ đó cho đến nay đã 38 năm, ông không bao giờ dám quay trở lại vùng đất đau thương cũ nữa, cho dù hòa bình đã trở lại, cuộc sống đã bình yên.
Còn tiếp…
(Xã hội) - Một tên ác thú Pol Pot thấy đứa bé đang bú người mẹ đã chết, liền cầm mũi giáo chọc thẳng xuống, nhấc bổng lên trời, rồi ném cả ngọn giáo lẫn đứa bé xấu số vào đống lửa đang bùng cháy.
Kỳ 3: Đêm hành quyết man rợ
Trong cái đêm kinh hoàng 24/9/1977 ấy, ở trung tâm vụ thảm sát là cây số 39, lính Pol Pot gần như giết sạch cả ấp Tân Thành, vốn là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất của xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh). Chỉ còn có 3 người sống sót một cách kỳ diệu. Sau khi bộ đội Việt Nam đánh đuổi bọn diệt chủng về bên kia biên giới, thì họ là nhân chứng sống tố cáo những tội ác không tưởng tượng nổi của tập đoàn ác thú Pol Pot.
Lúc chúng tôi tìm đến thì không ai còn biết họ ở đâu nữa, còn sống hay đã chết. Thật may mắn, câu chuyện kinh hoàng mà 3 con người sống sót kể lại lúc chạy sâu vào trong đất liền đã được ông Phạm Văn Cần ở trung tâm xã Tân Lập ghi chép lại cẩn thận. Đó là những bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác chưa từng thấy trong lịch sử loài người của bọn ác thú Pol Pot.
Ông Cần bảo, người phụ nữ sống sót tên là Nguyễn Thị Lán đã mất không lâu sau đó vì suốt ngày ám ảnh bởi những hành vi tàn độc của Khmer Đỏ.
Một bà mẹ trẻ tên Thêm cũng phát điên sau khi được bộ đội Việt Nam cứu sống, vì chị ta đã chính tay giết chết đứa con của mình. Nghe kể, lúc phát điên, Thêm đi lang thang khắp nơi, tay ôm một cái gối nựng nịu, à ơi như đang chăm chút cho đứa con nhỏ đã mất của mình, rồi lại khóc ròng, vật vã bên đường, gặp ai cũng túm lấy rồi kêu gào thảm thiết: “Trời ơi, tao phải bóp mũi con tao để cứu mạng mấy người, nó mới sinh được 4 tháng, sao chúng mày ác thú đến như vậy”. Không ai biết bà mẹ tội nghiệp này còn sống hay đã chết, hay còn lang bạt ở phương trời nào.
Ông Phạm Văn Cần
Ông Phạm Văn Cần
Cũng bởi, đêm hôm đó, cái hầm cạnh nhà mọi người đã ùa nhau chạy vào trốn chật cứng. Thêm cùng bố mẹ và hai người nữa không biết đi đâu giữa bốn bề lửa cháy, đành núp kín trong bụi mía. Lát sau, quân Khmer Đỏ kéo đến đông nghịt sục sạo khắp nơi, đứng cả trên miệng hầm. Nghe có tiếng trẻ con khóc, bọn ác thú lôi từng người một ra bắn.
Điều ghê tởm nhất chính là việc trong khi chúng đang hành hình dân vô tội, thì mấy tên khác lôi người mẹ bế đứa con khóc ré lên khỏi hầm, lột sạch quần áo và hãm hiếp. Hãm hiếp xong, tên chỉ huy cầm cái dùi gỗ đập thẳng vào đỉnh đầu. Chỉ nghe một tiếng “cốp” khô khốc, người phụ nữ nằm yên không cựa quậy.
Đứa bé bị vứt sang một bên cứ kêu khóc cho đến khi mệt lử. Thấy mẹ trần truồng nằm đó, tức thì bò lại ngậm vào ti của mẹ để bú. Một tên lính Pol Pot thấy vậy, liền cầm mũi giáo chọc thẳng xuống, nhấc bổng lên trời, rồi ném cả ngọn giáo lẫn đứa bé xấu số vào đống lửa đang bùng cháy.
Thêm sợ hãi nằm im thin thít, biết rằng, nếu con mình nếu khóc thì những người núp trong bụi mía sẽ chịu chung số phận thảm khốc. Để cứu bố mẹ, cô đành ứa nước mắt bóp mũi cho đứa con trai mới 4 tháng tuổi ngạt thở mà chết. Đổi lại, Thêm cùng bố mẹ và 2 người hàng xóm đêm đó thoát nạn.
Nhưng mấy ngày sau, bố mẹ cô cũng không còn khi quay lại chôn cất những thi thể đã bốc mùi nồng nặc ở miệng hầm của gia đình, bởi họ bị trúng mìn của bọn ác thú gài lại. Trước những nỗi đau liên tiếp ập đến, Thêm trở nên điên loạn.
Bia chứng tích tội ác diệt chủng Pol Pot ở Tây Ninh
Bia chứng tích tội ác diệt chủng Pol Pot ở Tây Ninh
Người đàn ông sống sót còn lại ở trung tâm vụ thảm sát tên là Tiến. Đêm đó, lính Khmer Đỏ bắt cả gia đình ông xếp thành hàng trong đêm đen thẫm, mưa như trút nước, rồi giết từng người một. Ông Tiến bị chúng túm lấy tóc, đưa khẩu súng ngắn kê lên đầu rồi bắn.
Nhưng may mắn, viên đạn chỉ sạt qua bên má, bay mất cái tai phải, ông Tiến nằm im giả chết. Rồi gặp lúc có tiếng sét cực lớn từ trên cao đánh xuống, ông vùng dậy chạy trối chết về phía rừng cao su. Thoát nạn, người thân mất sạch, ông Tiến bỏ ra ngoài bắc sinh sống, giờ cũng không ai biết tung tích.
Những bức ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ
Những bức ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ. Ảnh tư liệu
Ngay đêm vụ thảm sát diễn ra, ông Phạm Văn Cần đang trên rừng cùng với gia đình người em trai là Phạm Văn Đắc, cách ấp Tân Thành chừng 6km, vì vậy ông thoát chết. Nhưng bố mẹ, anh em, những người thân khác trong gia đình của ông từ trước đến giờ vẫn buôn bán ở cây số 39, bọn ác thú giết sạch không còn một ai.
Mấy ngày sau, tình hình yên trở lại, lúc ông Cần quay trở lại tìm người thân, thì không còn nhận ra đâu là bố mẹ, đâu là anh em, đâu là hàng xóm của mình nữa. Mọi người không chạy kịp nên chui vào hầm trú ẩn. Bọn ác thú phát hiện, chúng không bắt từng người một ra bắn mà ném mấy quả lựu đạn xuống. Những con người vô tội ở phía dưới đành nằm yên chịu chết, thịt xương tan nát hết cả.
Lúc sang gia đình ông Ba Đồng ở gần đó, mọi người đều kinh hoàng bỏ chạy vì cảnh tượng quá hãi hùng. Chỉ có ông Cần với hai người nữa đủ can đảm tiến vào thu dọn hiện trường. Cả nhà ông Ba Đồng chết sạch, cũng không biết chôn ở đâu, ông Cần đành đào hố rồi lấp đất xuống, cắm một thanh gỗ cháy dở xuống làm dấu mốc.
Ông Ba Đồng vốn là một thợ rèn giỏi, chuyên rèn dao kéo bán ở biên giới. Hồi tháng 5, tháng 6 năm 1977, thường có những người lạ mặt qua đặt hàng ông làm với số lượng lớn, bảo là để sản xuất nông nghiệp. Ông có biết đâu một ngày lại bị giết bởi những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bi thảm hơn nữa chính là việc bà vợ ông vốn là người Campuchia, đang mang bầu được 6 tháng, cũng không thoát chết.
Nghe kể, lúc mọi người hô hào chạy trốn, ông Ba Đồng vẫn ngồi ở nhà, bảo rằng vợ gần sinh nở không thể chạy được, với lại trong nhà còn mấy triệu tiền Campuchia, sẽ đưa hết cho chúng, van lạy nhằm đổi lấy mạng sống. Hơn nữa, vợ mình là người Campuchia, chắc quân Pol Pot không nỡ giết.
Mảnh đất nơi cả nhà ông Ba Đồng bị giết năm xưa, giờ chỉ còn là rừng cao su xanh tốt, không một dấu tích
Mảnh đất nơi cả nhà ông Ba Đồng bị giết năm xưa, giờ chỉ còn là rừng cao su xanh tốt, không một dấu tích
Thế nhưng mấy ngày sau, lúc ông Phạm Văn Cần cùng mọi người quay lại cây số 39, chỉ thấy xác ông Ba Đồng bị trói cứng vào cây mít trước cửa, ánh mắt mở trừng trừng căm phẫn. Bọn ác thú lấy dao đâm thẳng vào bụng, ghim chặt ông vào cây mít như thể đóng đinh.
Có lẽ, những đau đớn khi bị dao đâm trước khi chết ấy không phẫn uất bằng việc chúng bắt ông Ba Đồng phải chứng kiến việc người vợ lẫn đứa con thân yêu sắp ra đời của mình bị hành quyết. Lúc ông Cần cùng mọi người tìm vào, thấy bà vợ người Campuchia trần truồng nằm sõng soài dưới đất, trên người không hề có vết đạn bắn, chỉ có một vết dao kéo thằng từ ngực rạch xuống dưới bụng. Bọn ác thú lôi cái thai nhi mới thành hình người ra, xé toang ra làm đôi, vứt chỏng chơ ngay bên cạnh xác mẹ.
Cảnh tượng kinh hoàng ấy khiến ông Cần cùng hai người nữa chứng kiến bất thần lặng đi, đứng run lẩy bẩy, rồi ôm mặt gào thét trong đau đớn.
Còn tiếp…
Ám ảnh đêm thảm sát man rợ của Khmer Đỏ ở Tây Ninh

Ám ảnh đêm thảm sát man rợ của Khmer Đỏ ở Tây Ninh

Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế, các kiểu nằm. Xác người nằm lẫn lộn, bầy nhầy không biết của ai với ai. Kỳ 2: Đêm thảm sát man rợ Ông Ba Hạnh, cũng như những...
(Theo VTC)

Căm hận ngút trời ác thú Khmer Đỏ cưỡng hiếp, hành quyết 11 thầy cô giáo

Thứ ba, 15/09/2015, 07:08 (GMT+7) (Xã hội) - Ác thú Khmer Đỏ không dùng súng bắn, mà hành hình bằng cách lấy dao đâm rạch chi chít trên thân thể, rồi sau đó cắt đầu thầy, cô giáo.
Kỳ 4: Cái chết thảm thương của 11 thầy cô giáo trong đêm đẫm máu
Chúng tôi đi tìm những dấu tích của vụ thảm sát đẫm máu 38 năm trước ở Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tất cả chỉ là những câu chuyện tố cáo tội ác của lũ ác thú Khmer Đỏ, không một hình ảnh, không một hiện vật. Thứ duy nhất tìm thấy chỉ là tấm bia chứng tích ghi: “Nơi đây, nền trường tiểu học Tân Thành, 11 thầy cô giáo bị sát hại”.
Bia lập ngày 25/9/1999. Gần đó rải rác mấy ngôi mộ, không ghi tên tuổi. Nghĩa là, phải hơn 20 năm sau sự kiện đẫm máu đó, tấm bia căm thù mới được dựng lên.
Hỏi dân xung quanh về câu chuyện ở trường tiểu học, không một ai biết. Vì họ đều mới chuyển về sinh sống từ những năm đầu thập kỷ 90. Họ kể rằng, lúc mới chuyển về, đây là vùng đất vắng vẻ, chỉ có bạt ngàn cao su. Những người dân chạy loạn 38 năm trước, không một ai dám trở lại biên giới sinh sống. Một phần họ ám ảnh bởi cái đêm kinh hoàng đó, phần khác họ lo sợ rằng một lúc nào đó, quân Pol Pot lại tràn sang, thảm cảnh lại xảy ra một lần nữa.
Nền trường tiểu học Tân Thành cũ, nay là bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ
Nền trường tiểu học Tân Thành cũ, nay là bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ
Hỏi mãi, tôi mới tìm được ông Phạm Văn Đắc là người còn sống sót và chứng kiến những cái chết thảm thương của các thầy cô giáo trường tiểu học Tân Thành. Ông Đắc từng sống cách trung tâm vụ thảm sát 6km. Đêm Khmer Đỏ thảm sát người dân, ông kịp thời chạy thoát. Bản thân ông vì quá khiếp sợ nên đã bỏ hẳn cả nghề buôn bán qua biên giới, chuyển về sinh sống ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu, cách biên giới chừng 40 km.
Tìm đến nhà hỏi chuyện, ông Đắc cứ bần thần, một lúc sau mới bình tĩnh kể lại. Ông bảo, 11 thầy cô giáo còn trẻ lắm, đều là những sinh viên mới ra trường, có cả người đang trong quá trình thực tập. Quê quán các thầy cô ở Sài Gòn.
Thời điểm năm 1973, khi ông Đắc cùng mọi người đến Tân Lập tìm hướng phát triển kinh tế mới, lúc đó Tân Lập còn hoang vu lắm. 2 năm sau, khi 7 ấp hình thành, thì nhu cầu cho con em đi học trở nên bức thiết. Chính vì thế, huyện mới chủ trương xây dựng một trường học ở ngay ấp Tân Thành.
Gọi là trường nhưng chỉ là phên tre vách lá, bàn ghế xập xệ, trời mưa thì không biết trú ở đâu. Thế nhưng, các thầy cô giáo trẻ không ai kêu khổ, chỉ một lòng dạy chữ con em trong vùng. Những lúc rảnh rỗi, họ xắn tay vào phát rẫy, làm nương cùng mọi người, ai cũng yêu quý.
Ông Phạm Văn Đắc luôn bị ám ảnh bởi thảm kịch ở trường tiểu học Tân Thành
Ông Phạm Văn Đắc luôn bị ám ảnh bởi thảm kịch ở trường tiểu học Tân Thành
“Chưa ai quá 22 tuổi, gồm 9 cô và 2 thầy giáo, tất cả đều chưa lập gia đình, thậm chí người yêu còn chưa có. Trước họ ở nhờ trong nhà dân, mãi đến năm 1977, xã có phân cho cái nhà của ngụy quyền Sài Gòn để lại, ngay cạnh trường học. Mới ở được 1 tuần, chưa kịp ổn định cuộc sống thì vụ tàn sát diễn ra, không một ai sống sót.
Trường học cách khá xa khu dân cư. Giữa đêm đen các thầy cô cũng không biết chạy đi đâu, về hướng nào, chỉ nghe giặc vào là trốn, nhưng trốn đâu được khi hầm không có. Người nấp sau giếng, người nằm bẹp dưới gầm bàn, người chạy ra bụi rậm đằng sau… Tất cả đều bị chúng hành hình”, ông Đắc thở dài cho biết.
Đến gần sáng 25/9, bộ đội mới phá vây và tiến vào Tân Lập. Hai bên giao tranh ác liệt. Phải ba ngày sau khi quân Khmer Đỏ bị đánh bật về bên kia biên giới, ông Đắc cùng các chiến sỹ mới tìm được đến trường tiểu học Tân Thành. Lúc đó, chỉ còn lại đống đổ nát, cùng mùi tử khí bốc lên ngạt mũi.
Tội ác Khmer Đỏ Ảnh a href='http://vtc.vn/tu-lieu.23.0.html' tư liệu/a
Tội ác Khmer Đỏ (Ảnh tư liệu)
Ông Đắc kinh hoàng trước những thảm cảnh đang diễn ra trước mắt mình. Ngay trước dãy tập thể, bọn ác thú treo lủng lẳng đầu của 2 thầy giáo, còn thân mình thì nằm tít mãi phía sau dãy tập thể với hàng chục vết chém trên người.
Nghe dân chạy loạn kể lại, thì với những người có ý định chống cự, Khmer Đỏ không dùng súng bắn, mà hành hình bằng cách lấy dao đâm rạch chi chít trên thân thể, rồi sau đó cắt đầu hoặc dùng dùi cui đập đầu cho đến chết. Mục đích của chúng là muốn những người còn sống phải chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp ngay trước mắt mình, họ phải bàng hoàng, đau đớn đến cùng cực, trước khi đến lượt mình.
Bên trong dãy tập thể, cô hiệu trưởng tên Lan cùng 6 cô giáo đều chết trong tình trạng cơ thể lõa lồ, mỗi người nằm vắt vẻo một nơi. Sau khi cưỡng hiếp các cô, bọn ác thú lấy chính cơ thể các cô ra làm trò tiêu khiển. Cô thì cửa mình bị nhét đầy đất đá, vết máu loang ra đầy sàn nhà. Có cô thì bị chúng dùng giáo mác đâm thẳng vào cửa mình, cô thì bị chúng rạch bụng, cô thì bị chặt đầu, chặt tay, vứt lăn lóc cùng với những thi thể khác.
Ông Đắc cùng mọi người thu dọn, chỉ thấy có 9 xác chết. Phải một lúc sau, ông mới phát hiện ra 2 cô nằm chết dưới cái giếng nước phía sau trường học.
Có lẽ, chứng kiến những cảnh tượng mất hết tính người của lũ ác thú, biết trước sau gì cũng chết, 2 người đã vùng chạy rồi lao thẳng xuống giếng tự tử. Quân Khmer Đỏ đã lấy đá ném xuống lấp đầy, rồi đạp đổ miệng giếng.
Ông Phạm Văn Đắc: Khmer Đỏ là lũ ác thú mất hết tính người
Ông Phạm Văn Đắc: “Khmer Đỏ là lũ ác thú mất hết tính người”
Ông Đắc cùng mọi người phải rất vất vả mới đưa được thi thể lên khỏi giếng. Thi thể không còn nguyên vẹn vì những tảng đá lớn đè xuống. Nhìn quần áo thì mọi người đoán đó là cô Trang, cô Huệ.
Sau khi chôn cất 11 thầy cô giáo, ông Đắc, ông Cần, ông Ba Hạnh đã xây một cái bia nhỏ ngay trước nền trường tiểu học Tân Thành, đề dòng chữ: “Hận thù này, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời”.
Đến cuối năm 1977, tuy Khmer Đỏ không dám đánh qua biên giới Việt Nam nữa, nhưng chúng lại câu pháo tới tấp. Một viên đạn pháo bay trúng vào vào tấm bia. Mãi đến năm 1999, bia chứng tích tội ác Pol Pot mới được dựng lại trên những dấu tích cũ.
“Trước tôi có lần đi qua Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), thấy ở đó có cả một khu tưởng niệm hoành tráng lắm, có cả những di vật, những hình ảnh, mới chạnh lòng bảo tại sao Tân Lập lại không có gì ngoài tấm bia chứng tích. Tội ác Khmer Đỏ gây ra ở Tân Lập cũng man rợ không kém, nhưng chỉ có vài người thoát chết, hơn nữa mảnh đất này còn xảy ra chiến sự đằng đẵng hàng tháng trời, nên không ai dám trở lại để chụp ảnh, để thu thập những bằng chứng tố cáo. Bản thân mình trải qua vụ thảm sát, còn sống sót để giờ ngồi đây kể lại mọi việc với nhà báo là đã cảm thấy may mắn lắm rồi ”, ông Phạm Văn Đắc thở dài.
Còn tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét