Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 44

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chiến công trong lòng đất của lính công binh


24 giờ có mặt ở hiện trường, người lính công binh lữ đoàn 29 và tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh đã góp công lớn vào câu chuyện thần kỳ giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn.

Chiến sĩ đầu tiên thấy 12 nạn nhân kể lại phút 'thần kỳ'

"Lúc đầu tôi gọi hỏi bên trong có người không, nhưng không ai trả lời. Gọi khoảng 20 lần thì có người khóc, hoảng loạn kêu cứu", chiến sĩ công binh Hoàng Văn Thảo kể.
Sáng 20/12, những tốp công binh cuối cùng của lữ đoàn 293 và tiểu đoàn 93 đã rời Đà Lạt về đơn vị. Gặp lại những người lính công binh ấy ở bến xe Đà Lạt, trên quân phục của nhiều người vẫn còn lấm những vệt bùn từ Đạ Dâng.
Không được phép sai sót
Ra vào hầm Đạ Dâng trong những thời khắc cam go ấy để tường thuật việc cứu nạn, chúng tôi vẫn nhớ trong tiết trời rét run của cao nguyên Lâm Viên, nhất là những lúc đêm khuya, nhưng những tốp công binh trong hầm thủy điện thì mồ hôi đẫm vai áo, tóc bết bùn đất.
Trong ngách hầm cứu nạn, những người lính khom lưng xúc từng xẻng đất lẫn đá chuyền ra ngoài. Hầm cứu nạn chỉ cao ngang hông, tất cả đều phải cúi gập người và không được phạm sai sót. Bởi đường hầm cứu nạn của các công binh được đào ngay dưới lớp đất, đá vừa đổ ập xuống.
Đào xong, phải gia cố ngay bằng gỗ và thép. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể làm đường hầm cứu nạn sập xuống.
Công binh lữ đoàn 293 đào và gia cố hầm cứu nạn.
Công binh lữ đoàn 293 đào và gia cố hầm cứu nạn.
Trung úy Nguyễn Văn Tiền, đại đội phó công binh, người chui vào đoạn hầm bị sập và đưa cả 12 nạn nhân ra ngoài, khi gặp lại chúng tôi chỉ cười hiền: “Tôi chỉ nhớ nhất là hình ảnh những công nhân nhường nhau ra trước mà xúc động mãi”.
Trung úy Tiền kể khi anh và đồng đội đang đào thì bất ngờ một lỗ hổng từ trên nóc hầm cứu nạn xuất hiện, ánh đèn pin chiếu lên thì xuyên thẳng và rọi thấy rõ cả trần hầm chính.
Anh Tiền di chuyển vào bên trong và bơi qua đoạn nước ngập, tiếp cận chiếc máy đào bị kẹt bên trong khu vực sụp hầm.
“Nước ngập ngang cổ, lạnh lắm không thấy gì cả, tôi lần theo tiếng kêu cứu mà bơi, Nam (công nhân Hoàng Viết Nam - PV) ở gần nhất nên tôi đưa ra trước” - anh Tiền kể lại.
Chạm được vào tay Nam đang đứng gần miệng hầm cứu hộ, Tiền nói anh đã khóc vì quá vui sướng.
Anh kể: “Tôi vừa bơi vừa cõng Nam tới miệng hầm rồi đặt Nam tựa lên chân mình lê từng bước chui qua đường hầm cao khoảng 60cm giao lại cho đồng đội ở miệng hầm cứu hộ phía ngoài. Trong tiếng thở hồi hộp của Nam, tôi nghe cậu ấy nói mọi người đều bình an”.
“Trong lúc nguy cấp mới hiểu tình người khi tôi bảo ai yếu nhất tôi đưa ra trước thì không ai chịu ra hết, cứ nhường. Tôi nóng quá phải gắt lên là đưa phụ nữ ra trước đi, khi đó Ngọc (Đặng Thị Hồng Ngọc) mới để tôi đưa ra”, trung úy Tiền nói.

Nước mắt, nụ cười phút giải cứu 12 công nhân sập hầm

Khoảnh khắc giải cứu 12 công nhân ở hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) đến bất ngờ khiến hàng trăm người vỡ òa sung sướng. Nước mắt tuôn trên má những người thân mỏi mòn chờ đợi.
Bí mật đến phút chót
Theo đại úy Lê Văn Quỳnh - đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 93, cuộc giải cứu thành công còn nhờ vào việc những người lính đã ngăn cảm xúc và giữ bí mật đến phút cuối cùng.
Là người đã lao như tên bắn từ hầm Đạ Dâng ra cấp báo với chỉ huy về thông tin đã giải cứu được 12 công nhân, đại úy Quỳnh tiết lộ: 16h35 mọi người mới vỡ òa khi nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm Đạ Dâng nhưng thực tế từ 15g55, công binh đã tiếp cận được 12 công nhân.
“Biết tin anh em công nhân còn sống và an toàn, chúng tôi chỉ muốn hét lên nhưng lúc này phía bên ngoài là hàng người đang nghẹt thở chờ đợi. Nếu biết tin thì mọi người sẽ khó giữ bình tĩnh, sẽ ùa tới và có thể gây cản trở công tác cứu nạn. Do đó chúng tôi phải bí mật đến phút chót” - đại úy Quỳnh nhớ lại.
Đại úy Quỳnh kể sau khi đồng đội ở lữ đoàn 293 phát hiện các công nhân, bên trong hầm cứu nạn một nhóm công binh thực hiện việc đưa các công nhân ra.
Các tốp cứu nạn khác vẫn không hay biết, tiến hành công việc bình thường. Chỉ đến khi một sĩ quan đề nghị các nhóm cứu nạn khác ngừng việc đào bới, nổ mìn và từ trong hầm cứu nạn từng công nhân được cõng ra thì mọi người trong hầm mới được biết.
Lúc này, các công binh xếp thành hai hàng dài khoảng 50m hai bên vách hầm để ứng cứu, hỗ trợ nhau đưa 12 công nhân qua đoạn hầm bị ngập và lầy lội nhất.
Và phương án giữ bí mật đến phút chót đã làm cuộc giải cứu thêm trọn vẹn. Khi công nhân đầu tiên sắp được đưa ra khỏi hầm thì đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn - từ lều chỉ huy mới phát lệnh cho tất cả lực lượng cứu nạn sẵn sàng tiếp ứng.
Sự bí mật, bất ngờ ấy đã mang lại hiệu quả trọn vẹn. Khi lực lượng cứu nạn bên ngoài cửa hầm nhận lệnh tiếp ứng vừa chạy đến miệng hầm thì cũng là lúc nạn nhân đầu tiên được đưa ra.
Chỉ trong chưa đầy 5 phút, 12 nạn nhân lần lượt được đưa đến lều chăm sóc y tế. Và đến lúc ấy, những người lính công binh biết rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, nhảy cẫng và hò reo bật lên những cảm xúc và niềm vui tột độ sau 40 phút kìm nén, giữ bí mật.
Thành công nhờ phương pháp “hầm trong cát”
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh - vui mừng nói rằng việc lực lượng công binh đào được hầm cứu nạn giải thoát thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng là nhờ áp dụng phương pháp đào hầm truyền thống của quân đội: “hầm trong cát”.
Theo ông, giải pháp này mở ra cơ hội cứu các nạn nhân nhanh nhất nhờ đào được đường hầm ngắn nhất.
“Đương nhiên, đây là phương án rất khó khăn bởi mức độ sụt trượt của cát rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự tinh nhuệ của lực lượng công binh, chúng tôi đã khắc phục mọi khó khăn như tạo khung vào cửa hầm, chống sụt trượt rất tốt nên đã thắng lợi”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết phương pháp “hầm trong cát” đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho triển khai và Ban chỉ đạo cứu nạn thống nhất nên lực lượng công binh mới mạnh dạn thực hiện.

12 công nhân bị sập hầm được giải cứu thế nào?

Nước dâng hơn 1 mét, mũi khoan nhiều lần bị gãy khiến những người theo dõi chiến dịch giải cứu 12 nạn nhân trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) như nghẹt thở.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141221/chien-cong-trong-long-dat-cua-nhung-nguoi-linh-cong-binh/688272.html
Theo Viễn Sự/Tuổi trẻ

Sỹ quan công binh dũng cảm hy sinh khi cứu đồng đội

TPO - Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) vừa cho hay, một đồng chí sỹ quan vừa dũng cảm hy sinh khi cứu đồng đội.
Di ảnh Đại úy Cao Xuân Tú. Di ảnh Đại úy Cao Xuân Tú.
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chính ủy Lữ đoàn cho biết, vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 15/8, trong khi cùng một cán bộ và 2 chiến sỹ đi kiểm tra công trình quốc phòng đang tạm dừng thi công do ảnh hưởng của cơn bão số 2, khi hành quân tới vị trí lối lên xiên cửa C, Đại úy Cao Xuân Tú (sinh ngày 20-9-1983, Phó Tiểu đoàn trưởng Quân sự Tiểu đoàn 25, Chỉ huy trưởng thi công công trình quốc phòng, Lữ đoàn Công binh 543, quê ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) phát hiện một khối lượng đất đá rất lớn có chiều hướng đổ sập xuống vị trí của tổ.
Gần như không kịp suy nghĩ gì, Đại úy Cao Xuân Tú hô to: “Sập hầm, các đồng chí thoát ra khẩn trương!”, đồng thời nhanh tay đẩy mạnh các đồng đội của mình ra khỏi vị trí nguy hiểm. Cùng lúc đó, cả khối lượng đất đá khoảng trên 20m3 đã đổ ập xuống làm Đại úy Cao Xuân Tú anh dũng hy sinh…
“Ngay sau hành động dũng cảm hy sinh khi cứu đồng đội của Đại úy Cao Xuân Tú, suốt hai ngày qua, trong điều kiện mưa lớn kéo dài, số lượng đất đá vẫn tiếp tục xô xuống vị trí đồng chí đã ngã xuống, nhưng công tác cứu hộ vẫn đang được Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Tư lệnh Công binh cùng các cơ quan chức năng và cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Công binh 543 tiến hành khẩn trương, huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện, quyết tâm đưa thi thể đồng chí Tú ra khỏi hầm trong thời gian sớm nhất”. Thiếu tướng Nguyễn Thái Bình, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2, Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hộ khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hiện Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn Công binh 543 đã cử các lực lượng tới hỏi thăm, động viên gia đình Đại úy Cao Xuân Tú, đồng thời tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận liệt sỹ, đề nghị tặng thưởng Huân cương Chiến công hạng Ba, thăng quân hàm trước niên hạn từ Đại úy lên Thiếu tá và phát động phong trào thi đua học tập hành động hy sinh dũng cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ, cứu đồng đội của Đại úy Cao Xuân Tú.
Được biết, con gái đầu lòng của vợ chồng Đại úy Cao Xuân Tú và chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường THPT Diễn Châu 2, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vừa tròn 5 tuổi và chỉ còn ít ngày nữa, anh chị sẽ được đón cháu thứ hai đang sắp ra đời.

Chiến sỹ công binh 3 lần "được" truy điệu sống

(Baonghean) - Gặp ông Nguyễn Văn Tài khi vừa kết thúc hành trình thăm chiến trường xưa. Với ông, kỷ niệm về “một thời hoa lửa” luôn vẹn nguyên trong ký ức…

Sinh ra ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, 18 tuổi, vừa học xong phổ thông chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tài lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông bảo: Lúc đó, tôi vừa nhân giấy báo nhập học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được học ở trường Tổng hợp là niềm tự hào lớn đối với bản thân và gia đình và mở ra tương lai rạng ngời. Nhưng đất nước còn cảnh chiến chinh, mình lại là thanh niên trai tráng nên phải có trách nhiệm lên đường đánh giặc cứu nước. Dù biết chiến trường vô cùng ác liệt, tàn khốc, ra đi chẳng hẹn ngày về, hơn nữa gia đình có 4 anh em trai thì 3 người đã ra trận nhưng tôi vẫn quyết  tâm xung phong đi bộ đội”.
Năm 1967, bố mẹ đành gạt nước mắt tiễn ông lên đường làm nhiệm vụ. Chàng trai trắng trẻo, thư sinh ngày nào sau 3 tháng huấn luyện ở Sư đoàn 338 đóng quân ở Thạch Thành (Thanh Hóa) đã trở nên rắn rỏi, có kỹ năng chiến đấu thuần thục. Ông được điều động về đơn vị Đại đội công binh, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 và cuộc đời của người lính trẻ gắn liền với những trận đánh ác liệt. Trong đó có 3 trận đánh mà với ông là “kỷ niệm không thể quên”, bởi đã xác định khi tham gia thì “1 phần sống 9 phần hy sinh”, vì thế trước mỗi trận đánh ông và đồng đội đều “được” đơn vị làm lễ truy điệu sống theo nghi thức liệt sỹ hy sinh vì đất nước. 
Ông Nguyễn Văn Tài (thứ 5, trái sang) cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa ở TP Huế.
Ông Nguyễn Văn Tài (thứ 5, trái sang) cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa ở TP Huế.
Trận đánh ác liệt nhất đó là sau khi giải phóng Huế vào Tết Mậu Thân năm 1968, các cánh quân của ta buộc phải rút lui để củng cố và bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Lúc đó, trung đội của ông được giao nhiệm vụ đánh chặn hậu để đơn vị rút ra vùng giải phóng an toàn. Trước khi rút về hậu cứ, đơn vị đã tổ chức truy điệu cho những người ở lại, bởi đơn vị xác định đã ở lại cảm tử thì sự hy sinh sẽ không thể tránh khỏi. Khi biết quân ta đã rút, địch huy động 3 tiểu đoàn với đủ các loại hỏa lực hạng nặng và các loại vũ khí bộ binh tiến đánh, cộng với sự yểm trợ từ máy bay B52 đánh bom rải thảm.
Sau mấy ngày chiến đấu quyết liệt, trung đội có 12 người thì 10 người đã hy sinh, chỉ còn lại ông và Trung đội trưởng Song bị thương nặng. Ông rưng rưng nhớ lại: “Trước khi mất, anh Song trườn lại ôm lấy tôi dặn rằng: “Tài ạ, trung đội chúng ta đã hy sinh hết rồi, anh cũng không thể sống được nữa, vì thế em phải cố gắng sống để trở về báo cáo với đơn vị là chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Rồi anh Song hy sinh. Chỉ còn lại mình tôi trong vòng vây bốn bề của địch, lúc đó, tôi nghĩ tới 2 phương án, một là giả chết để hoàn thành nhiệm vụ mà anh Song giao, hai là rút chốt 2 quả lựu đạn rồi lao vào địch. Sau đó vì nhiệm vụ, ông đã chọn cách thứ nhất. Khi thấy tiếng đạn đã dứt hẳn, 3 tiểu đoàn địch xiết chặt vòng vây, tên chỉ huy hô lớn: “Xem thằng nào còn sống không?” rồi lấy xăm sắt xăm lên cơ thể từng người để kiểm tra. Chúng không ngờ rằng trong số 12 đồng chí đã hy sinh có người đang giả chết để trở về đơn vị theo lời trăn trối của đồng đội.
Sau 3 tiếng đồng hồ bao vây, địch rút xuống cắm trại ở bên suối cách trận địa khoảng 200m. Ông Tài đứng dậy lấy hết sức bình sinh vượt qua cơn đói khát để khắc tên từng chiến sỹ lên thắt lưng rồi chôn cất các đồng đội của mình dưới những hố bom. Sau đó, tìm đường trở về đơn vị...
Sau 15 ngày băng rừng, vượt suối và sống nhờ bằng nước suối, lá cây, của mài, củ sắn đào được bằng dao găm cùng sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc Vân Kiều, ông đã tìm được đơn vị khi ấy đóng quân ở xã Hưu Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong niềm xót xa xen lẫn tự hào của đồng đội.
Lần thứ 2 ông “được” truy điệu sống, đó là vào năm 1972 ở cao điểm 367, mặt trận Tây Nam Quảng Trị, đây là cao điểm khét tiếng của địch, chúng án ngữ ở cao điểm này và khống chế mọi con đường tấn công vào phía Nam của quân đội ta với đủ các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất. Bên ngoài cứ điểm chúng giăng trận địa mìn dày đặc như mạng nhện và coi đây là cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Nhiệm vụ của đơn vị công binh là phải gỡ mìn để dọn đường cho quân ta tấn công cứ điểm. Một lần nữa, ông xung phong xông vào trận địa để rà phá bom mìn. Khi nhiệm vụ hoàn thành cũng là lúc bị địch phát hiện, một mặt chúng tấn công bằng súng, một mặt cho kích nổ những quả mìn còn lại. Trận đấu đó, 2 đồng đội của ông đã hy sinh, còn ông bị thương nặng.
Anh Tài (thứ 2, phải sang) và đồng đội trong ngày giải phóng Phan Rang.
Anh Tài (thứ 2, phải sang) và đồng đội trong ngày giải phóng Phan Rang.
Lần thứ 3 ông “được” truy điệu sống là trong trận đánh ở Tây Bắc Huế vào tháng 3/1975. Nhiệm vụ của công binh là phải phá hủy bằng được một cây cầu để chặn đường tiến đánh cũng như rút lui của địch. Trong khi đó, cây cầu hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của địch, chúng bố trí 2 đầu cầu rất nhiều hỏa lực mạnh và một đơn vị thiện chiến. Một lần nữa ông lại phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Với vai trò chỉ huy và là người điểm hỏa cuối cùng ở giữa cầu, ông cùng 10 chiến sỹ được đơn vị làm lễ truy điệu sống.
Bước vào trận đánh, trận địa pháo yểm trợ của ta đã dội cơn mưa đạn pháo xuống 2 đầu cầu, 11 chiến sỹ cảm tử ôm bộc phá xông ra giữa cầu, khi đã đặt được bộc phá cũng là lúc 7 đồng chí ngã xuống trước làn đạn dày đặc của quân thù, 2 đồng chí bị thương rất nặng và hy sinh ngay sau đó, chỉ còn lại ông và một đồng chí nữa ở Hà Tĩnh sống sót. Vì sợ bộc phá không kịp nổ nên ông để dây cháy chậm chỉ vài mm, đến lúc kích nổ, sức ép của khối bộc phá khổng lồ đã đánh văng ông xuống sông. Khi đó không ai có thể nghĩ được ông còn sống, nhưng điều thần kỳ đã đến, ông chỉ bị thương nặng và 3 ngày sau, ông tìm về đơn vị của mình.
Sau khi giải phóng Huế - Đà Nẵng, ông và đồng đội tiếp tục nhận lệnh tiếp tục tiến đánh vào Nam, và khi đơn vị của ông vào đến Phan Rang cũng là lúc quân dân ta đã giành chiến thắng. Sau này, ông còn tiếp tục chiến đấu trên những mặt trận không kém phần cam go, ác liệt khác. Đó là chiến dịch truy quét tàn quân Fulro, sang chiến trường Campuchia chiến đấu và huấn huyện xây dựng lực lượng quân đội cho nước bạn. Với những chiến công của mình, ông đã 19 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, diệt tăng, dũng sỹ giao thông…
Cảnh Nam
  • VẼ BỘ ĐỘI CÔNG BINH VẼ THỜI KỲ CHIẾN TRANH


    Trần Đốc. Đông Hà 1972. Sơn mài


    Ngày 25/3/2016 là ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Binh chủng Công binh.

    Trong kháng chiến chống Pháp, Binh chủng Công Binh được Bác Hồ tặng cờ mở đường thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ, lá cờ đó càng thắm tươi hơn với nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong những ngày chiến đấu ác liệt và hào hùng ấy, Binh chủng Công Binh cũng đã mở đường cho phong trào bộ đội vẽ.
    Nhớ lại, năm 1968 tôi được giao nhiệm vụ mở lớp vẽ phim đèn chiếu trong Ban Tuyên huấn, lúc đó chúng tôi có ba “thợ vẽ” là Trần Đốc, Thành Chương và Nguyễn Tường Huân. Chúng tôi mời các họa sĩ Quân đội và Hội Mỹ thuật hướng dẫn cho các chiến sĩ học viên...


    Trần Đốc - Bến phà Cát Lái - Xuân 1975. Sơn mài
    Vui thay! Kết quả không chỉ dừng lại ở vẽ phim đèn chiếu mà đã bứt lên và đã tổ chức được hẳn một phòng tranh rực rỡ trưng bày các tác phẩm của chiến sĩ Công Binh ở số 10 Hàng Đào, Hà Nội. Nói thế không quá đâu. Trong một cuộc hội thảo, các nghệ sĩ đàn anh (họa sĩ, điêu khắc, lý luận phê bình) khi ấy đã sôi nổi phân tích và đánh giá chất lượng tranh thật tuyệt vời. Bởi sau những tác phẩm để đời của các danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn... là một giai đoạn “định hình nghệ thuật tạo hình XHCN" nghĩa là tranh phải tả thực, dễ hiểu... mà khổ thay, thực chưa ra thực, nghệ thuật như bi bí, nhất là gu màu sắc xam xám như nhau. Nhưng phòng tranh của chiến sĩ Công Binh lại không theo cái quy chuẩn ấy: rất tươi, rất mới, rất hồn nhiên... và trên hết là đẹp. Họa sĩ Văn Đa đã thốt lên: “Các anh em Công binh đã cho nổ quả bom giữa giới Mỹ thuật” (hàm ý Công Binh gắn với bom mìn, tiếng nổ to để mọi người bừng tỉnh). Chính trong phòng triển lãm tranh ở số 10 Hàng Đào ấy, đồng chí Trường Chinh đã đến xem và nói: “Công binh đã mở đường thắng lợi, nay triển lãm tranh lại thắng lợi”. Các đồng chí Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Thiếu tướng Lê Hiến Mai, Thiếu tướng Hồng Cư đến xem, động viên khen ngợi. Đặc biệt là danh họa Nguyễn Phan Chánh rất thích thú, và triển lãm thu hút nhân dân vào xem rất đông.

    Trần Đốc - Các cháu phải thắng Mỹ từng phút. Sơn dầu

    Từ đó, các Quân Binh chủng Phòng không Không quân, Hậu cần, Thông tin, Thiết giáp... bùng nổ một phong trào vẽ tranh, nặn tượng trong toàn quân, đó là phong trào “Bộ đội vẽ”.
    Cho tới năm 1979 chiến tranh biên giới nổ ra, Bộ Tư lệnh Công binh vẫn duy trì cho chiến sĩ Công Binh hoạt động Mỹ thuật.
    Chào mừng Bộ đội Công Binh 70 năm, tôi rất tự hào đã từng là chiến sĩ Công binh, tay cầm súng, tay cầm bút, và đã có ba tác phẩm (hai sơn mài, một sơn dầu) được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về đề tài Bộ đội Công binh. Đặc biệt tác phẩm sơn mài Đông Hà 1972 trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đạt giải A trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Lực lượng Vũ trang – Quân đội Nhân dân Việt Nam.
    Trần Đốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét