Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 40/d (Chiến tranh biên giới tây nam)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cuộc đào thoát khỏi họng súng bọn diệt chủng giữa biển khơi

Thứ năm, 22/10/2015, 08:41 (GMT+7) (Xã hội) - Ông Ảnh đau đớn và căm phẫn khi biết tin ngoài gia đình ông Tư Sĩ, những người còn lại trên đảo Thổ Chu đã bị quân Pol Pot giết sạch.
Kỳ 2: Ký ức những ngày trong tay quân Pol Pot
Ông Tư Sĩ kể lại, lúc quân diệt chủng Pol Pot đặt chân lên đảo, bản thân ông cùng với hơn 500 người trên đảo Thổ Chu bao lâu nay có cuộc sống bình yên, xa rời thế sự, nên cũng không hiểu rõ đám lính mới đổ bộ này là tốt hay xấu. Ông chỉ nghe Danh Thương dịch lại theo lời gã chỉ huy, cho biết chúng ra đảo để tổ chức cho bà con sống, làm việc tập thể và yên ổn làm ăn. Chúng còn nói chúng là “đàn em” của Quân giải phóng Việt Nam đến để giữ đảo vì sợ quân Mỹ sẽ quay trở lại.
Tuy nhiên, mới đặt chân lên đảo, những tên lính Pol Pot đã chia nhau đi sục sạo khắp nơi. Nhìn chúng lăm lăm súng ống, không một ai dám phản ứng. Gã chỉ huy trấn an mọi người rằng chúng chỉ đi tìm kiếm lính cộng hòa, và sẽ không làm gì người dân cả.
Nhưng trên đảo lúc ấy chẳng có cái gì đáng giá, ngoài vật dụng đánh cá và những chiếc ghe của ngư dân. Những đồ đạc có giá trị đã bị đám lính chế độ cũ tẩu tán lúc lên tàu chạy trốn sang Mỹ, chỉ còn mỗi cái sở chỉ huy trống không. Tìm kiếm cả ngày không thu được kết quả gì, chúng rút hết lên 3 con tàu lớn đang neo đậu ngoài bãi Ngự.
Ngày hôm sau, quân Khmer Đỏ lại mang gạo muối vào phát cho dân, và lùa hết đàn ông ra bờ biển xây công sự dài hàng trăm mét, lấy lý do là đề phòng quân Mỹ Ngụy quay lại chiểm đảo.
Công sự xây xong, thì chúng bắt 30 hộ gia đình ở mé tây nam đảo Thổ Chu lên tàu chiến, bảo là đưa về Campuchia để giúp cho họ có một cuộc sống tốt hơn và sau này sẽ trao trả thông qua Đại sứ quán Việt Nam.
Lúc đó một số gia đình chấp hành, số khác giằng co không đi. Nhưng đến chập tối thì chúng dí súng lùa hết số dân còn lại ở mé tây nam ra phía bãi Ngự. Người nào đã bước ra khỏi nhà chúng không cho trở lại. Lúc đó, ông Tư Sĩ và những người còn lại trên đảo đã biết số phận của mình như cá nằm trên thớt.
Ông Tư Sĩ: Lúc đầu cứ tưởng chúng tử tế với dân trên đảo, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra tất cả chỉ là giả dối
Ông Tư Sĩ: “Lúc đầu cứ tưởng chúng tử tế với dân trên đảo, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra tất cả chỉ là giả dối”
“Khi quân Khmer Đỏ chiếm đảo là tôi đã thấy không an tâm rồi. Thổ Chu là của người Việt Nam, quân Sài Gòn có rút thì trước sau gì bộ đội ta cũng ra tiếp quản, việc quân Khmer Đỏ nói rằng giải phóng giúp bộ đội Việt Nam trên hòn đảo đang có hàng trăm hộ dân là chuyện khó tin. Lại thấy chúng bắt dân đi xây hầm hào công sự càng khiến tui nung nấu ý đồ trốn thoát càng sớm càng tốt để về báo cho đất liền biết”, ông Tư Sĩ kể lại.
Mấy lần xin được chạy về đảo Hòn Mấu để đón 2 con về với gia đình đều không được quân Pol Pot đồng ý. Chúng lấy lý do là nếu ông Tư Sĩ không quay trở lại, lỡ sau này Đại sứ quán Việt Nam đòi thì biết lấy dân ở đâu để trả lại cho phía Việt Nam. Chúng còn trấn an: “Dân là cha mẹ nên cứ ở đây, không giết dân đâu mà lo”. Hết cách, ông Sĩ đành bàn tính với người anh em họ hàng của mình là ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh), nhằm tìm cách chạy trốn.
Bãi Ngự, nơi quân PolPot bắt toàn bộ dân Thổ Chu lên tàu và thủ tiêu
Bãi Ngự, nơi quân Pol Pot bắt toàn bộ dân Thổ Chu lên tàu và thủ tiêu. Ảnh internet
Bất chợt như nhớ ra điều gì, ông Sĩ vào trong nhà lấy ra một đầu máy may hiệu Mitsubishi đã hoen gỉ. Ông bảo: “Hồi ấy, nhà tôi có cái máy may này, nên bọn chúng hay đến nhờ vợ tôi vá quần áo. Lại thấy nhà tôi vốn thật thà nên chúng cũng đối xử tương đối tốt. Tôi được cấp 10 cân gạo, rồi mỗi ngày chúng cho 30 lít dầu để chạy ghe chuyển hàng hóa giữa mấy đảo nổi gần đó, dưới sự giám sát của mấy tàu chiến của quân Khmer Đỏ. Xin thêm dầu nó cũng cho. Nhờ tích cóp, sau này người họ hàng với tôi (ông Ba Ảnh) mới đủ nhiên liệu để chạy trốn”.
Rồi ông Tư Sĩ dẫn tôi qua nhà ông Ba Ảnh, cũng ở trên đảo Hòn Mấu. Năm nay hơn 80 tuổi, đôi chân yếu phải ngồi xe lăn, nhưng ông Ảnh có trí nhớ rất tốt. Ông bảo mình đã quá may mắn khi trốn thoát khỏi họng súng Khmer Đỏ.
Một trong những bức ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ Ảnh tư liệu
Một trong những bức ảnh tố cáo tội ác Khmer Đỏ. Ảnh tư liệu
Để chuẩn bị cho kế hoạch chạy trốn về đất liền báo tin, ông Ảnh làm quen với tên chỉ huy Khmer Đỏ và xin đi nhặt trứng nhạn (loại chim to như chim bồ câu và sống nhiều trên quần đảo Thổ Chu) ở mấy hòn đảo lân cận. Tên chỉ huy đồng ý cho ông Ảnh đi lấy trứng chim.
Tối cùng ngày, cảm thấy thời cơ đã đến, ông Ảnh định chạy thì bị phát hiện. Sau loạt súng cảnh cáo, sợ điếng hồn, nhưng Ba Ảnh vẫn bình tĩnh cho ghe chạy thẳng về phía tàu chiến Pol Pot, rồi xúc một rổ trứng cùng mấy món hải sản quý hiếm lên tàu bảo bồi dưỡng cho đám lính ở đó.
Nói chuyện mãi đến tối, ông Ảnh năn nỉ xin được chạy về bãi Ngự nghỉ ngơi để ngày hôm sau tiếp tục đi nhặt trứng nhạn. Tên chỉ huy thấy ông Ảnh thật thà và biết điều nên gật đầu.
“Khi thấy chỉ huy đồng ý, tôi mừng như được bay lên mây. Tranh thủ lúc trời nhập nhoạng tối, tôi cho máy chạy ga nhỏ rồi dùng vải vụn trùm lên ống xẹt-măng để hãm thanh rồi ngắm hướng hòn Mấu (đông bắc hòn Thổ Chu) mà đi. Phải 3 ngày sau tôi mới chạy về tới đảo”, ông Ảnh cho biết.
Ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh)
Ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh)
Về đến Hòn Mấu, ông Ba Ảnh ngay tức khắc báo cho mọi người biết rằng hàng trăm người dân trên đảo Thổ Chu đang bị quân Khmer Đỏ quản thúc. Chúng đã đưa một số dân đi đâu không rõ, và khả năng sẽ tiếp tục đưa toàn bộ dân trên đó đi mất.
Lời cảnh báo của ông Ảnh được ghi nhận, nhưng 40 năm trước, phương tiện thông tin liên lạc chỉ là nhắn gửi qua những chuyến thuyền chạy về đất liền. Trên đảo Thổ Chu, chỉ 2 ngày sau, quân Khmer Đỏ đã nhanh chóng phát hiện ra sự mất tích của Lê Văn Ảnh.
Chúng quản lý chặt chẽ những người dân còn lại trên đảo, rồi tung tin đồn tàn quân Mỹ Ngụy sắp quay trở lại đánh chiếm Thổ Chu, sẽ tàn sát hết không còn một ai. Ông Tư sĩ kể lại, sau ngày Ba Ảnh trốn đi, thỉnh thoảng ông lại thấy có máy bay lượn vè vè gần bờ biển, rồi lại có tiếng súng nổ, lúc đó ông sợ hãi cứ tưởng là sự thật.
Một ngày, Danh Thương qua nói nhỏ với Tư Sĩ: “ Ngày mai chúng sẽ đưa toàn bộ mọi người về bên Campuchia đó, ông cứ chuẩn bị trước đi. Đi còn có cơ may sống sót, chứ tôi nghe chúng bảo sẽ giết những ai chống đối. Với lại ông đừng tiết lộ là tôi nói không thì Khmer Đỏ chặt đầu tôi đó”.
Còn tiếp…

Nỗi đau chưa biết về vụ thảm sát 515 cư dân đảo Thổ Chu

Thứ tư, 21/10/2015, 10:33 (GMT+7)
(Xã hội) - May mắn khó tin đã giúp ông Tư Sĩ cùng gia đình thoát nạn diệt chủng Pol Pot. Giờ có tuổi rồi, ông sợ mọi chuyện sẽ trôi vào quên lãng, không ai biết đến.
Kỳ 1: Gặp nhân chứng sống sót trong bi kịch 40 năm trước
Đúng 12 ngày sau khi thống nhất đất nước, thì trên quần đảo Thổ Chu, cực tây nam của Tổ quốc, quân diệt chủng Pol Pot tranh thủ thời cơ đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt cóc toàn bộ cư dân 515 người đi biệt tích.
4 năm sau, khi đất nước Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng, vẫn không tìm thấy tung tích của bất cứ một ai trong số hơn 500 con người đó. Mãi mãi, họ không thể trở về quê hương khi hòa bình đã lập lại. Và dường như, đó là một vụ thảm sát bí ẩn mà lâu nay còn ít người biết đến.
Manh mối của vụ thảm sát kinh hoàng chỉ được hé lộ vào đầu năm 1979, khi quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng một số hòn đảo trên vịnh Thái Lan thuộc lãnh thổ Campuchia, họ đã tìm thấy rất nhiều xương cốt, quần áo, cũng như căn cước (chứng minh nhân dân) đề tên của dân Việt Nam, kèm một số vật dụng đặc trưng khác của ngư dân.
Cùng với việc toàn bộ cư dân trên đảo Thổ Chu mất tích bí ẩn 4 năm trước, và một số câu chuyện ít ỏi được kể lại, chúng ta đủ căn cứ để khẳng định: hơn 500 con người vô tội ở Thổ Chu đã bị quân Pol Pot lùa lên tàu đưa về những hòn đảo hoang và giết sạch không còn một ai.
Một trong những bức ảnh tố cáo chế độ diệt chủng Pol Pot
Một trong những bức ảnh tố cáo tội ác chế độ diệt chủng Pol Pot. Ảnh tư liệu
Nhân chứng sống sót và tố cáo những tội ác Khmer Đỏ trên đảo Thổ Chu là ai? Điều gì đã xảy ra trong những ngày quân Pol Pot chiếm đóng đảo? Chúng ta đã giải phóng quần đảo này như thế nào?… Những câu hỏi không dễ để có được câu trả lời.
Qua những manh mối ít ỏi, được biết có 2 gia đình đã may mắn trốn thoát trong câu chuyện bi thương ở Thổ Chu 40 năm trước. Họ hiện đang sống một cuộc đời bình dị ở đảo Hòn Mấu, thuộc quần đảo Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang) cách Thổ Chu hơn trăm cây số. Đó là gia đình ông Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh), và gia đình ông Tư Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ). Hai ông đều đã trên 80 tuổi.
Do đã nhờ các chiến sĩ biên phòng liên hệ từ trước, thuyền vừa cập bến đảo Hòn Mấu, tôi đã gặp một cụ ông với mái tóc bạc trắng đang ngồi trầm ngâm bên ly cà phê đen. Ông là Tư Sĩ. Những kỷ niệm về lần thoát chết ở Thổ Chu luôn ám ảnh trong tâm trí ông. Câu chuyện cứ thế tuôn ra như chạm mạch nguồn.
Ông Sĩ bảo, cuộc đời như phim đã khiến ông bất đắc dĩ trở thành người làm chứng của sự kiện này, bởi chẳng ai muốn phải rơi vào những cảnh sống chết trong gang tấc cả. Số phận đã đưa cả gia đình ông ra Thổ Chu và sau đó là thoát nạn nhờ những may mắn khó tin. Giờ cũng lớn tuổi rồi, không kể lại thì sợ câu chuyện về sau sẽ trôi vào quên lãng.
Ông Tư Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ)
Ông Tư Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ)
Những năm 70 của thế kỷ trước, chiến sự giữa hai miền căng thẳng, chế độ ngụy quyền Sài Gòn tăng cường bắt lính. Một viên sĩ quan có quan hệ họ hàng đã bảo với Tư Sĩ là nên đưa cả gia đình trốn đi để bảo toàn tính mạng.
Suy nghĩ mãi, ông Tư Sĩ quyết định gửi 2 đứa con lớn cho bố mẹ mình ở Hòn Mấu nuôi dưỡng, rồi cùng vợ và ba đứa con nhỏ dong thuyền thẳng tiến hướng tây nam. Cả gia tài của gia đình chỉ là chiếc ghe nhỏ, cùng với một ít đồ dùng lặt vặt và vài chỉ vàng phòng thân.
Chạy được 1 ngày rưỡi thì thuyền cập bến Thổ Chu. Thời điểm đó, quần đảo này chỉ có lác đác cư dân sinh sống, và vẫn thuộc quyền quản lý của chế độ ngụy quyền. Tuy nhiên, đám lính ngụy trên đảo cũng không tra cứu kỹ càng lý lịch của gia đình ông, cũng như việc trốn quân dịch mà phải ra đảo.
Biết là người Việt Nam, họ cùng với những người dân thân thiện khác trên đảo nhanh chóng giúp gia đình Tư Sĩ dựng nhà cửa và ổn định cuộc sống.
Nhấp ngụm cà phê, ánh mắt của ông Tư Sĩ như long lanh hơn khi nhớ về miền đất tây nam tổ quốc đã cưu mang cả gia đình mình những ngày đó.
Quẩn đảo Thổ Chu trên bản đồ Việt Nam
Quần đảo Thổ Chu trên bản đồ Việt Nam
“Sống với nhau trên đảo xa nên ai cũng tốt bụng, đùm bọc thương yêu nhau lắm. Họ dạy tôi làm rẫy, đánh bắt cá xa bờ, khuyên nuôi đồi mồi để bán cho các thương lái ở Hà Tiên làm giàu. Chỉ thời gian ngắn, cả gia đình đã khai hoang được 1 ha trồng dừa, đu đủ, nuôi được mấy trăm con đồi mồi. Vợ tôi còn mở thêm được một tiệm may vá cho cư dân trên đảo. Tôi đã tính chuyện đón 2 con về Thổ Chu, rồi tích cực làm giàu trên chính mảnh đất này”, ông tự hào kể lại.
Cuộc sống lẽ ra sẽ bình yên mãi như thế, cho đến một ngày đầu tháng 5/1975. Đảo Thổ Chu xôn xao khi nhận được tin Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Đám lính ngụy trên đảo số thì trở về đất liền trình diện và đoàn tụ với vợ con, số còn lại lục đục tìm cách trốn ra nước ngoài.
Có viên sĩ quan đến rủ ông cùng mọi người dong thuyền ra ngoài biển khơi, sẽ có tàu của Mỹ đón đi. Nhưng ông Tư Sĩ từ chối, bởi ông đã quyết tâm gắn bó với đảo. Gia đình còn 2 đứa con đang sống cùng ông bà nội ở đảo Hòn Mấu đang chờ ngày đoàn tụ. Với lại, ra nước ngoài thì cũng chả biết làm gì để sống.
Một góc quần đảo Thổ Chu hôm nay
Một góc quần đảo Thổ Chu
Không rủ rê được, đám lính ngụy trốn sạch. Bản thân gia đình ông Tư Sĩ cùng với hơn 500 cư dân khác trên đảo quyết tâm ở lại, khó khổ cùng nhau, chờ bộ đội ra tiếp quản. Tuy nhiên, chỉ được 10 ngày thì biến cố đã xảy ra.
“Cả đời này, tôi không bao giờ quên được cái ngày mùng 2 tháng 4 Ất Mão (12/5/1975). Tôi đang gánh nước mặn lên bờ để rửa bồn nuôi đồi mồi thì bỗng thấy 2 chiếc tàu hộ tống PCE cùng với vài cái tàu chiến lượn lờ vòng quanh đảo, rồi một lát sau chúng cập bến. Lúc đầu cứ tưởng là bộ đội Việt Nam, nhưng nhìn kỹ thì trên tàu đầy lính ăn mặc na ná như quân cách mạng: Cổ quấn khăn rằn, tay cầm súng AK, nhưng lại nói toàn tiếng Khmer nên tôi hơi lo.
Ông Danh Thương, thời điểm đó khoảng 30 tuổi, là dân sinh sống trên đảo bằng nghề đốt than. Trước khi ngụy quyền Sài Gòn tan rã, Danh Thương vốn là tay buôn hàng qua lại biên giới như đi chợ nên nói khá sõi tiếng Khmer, về sau cũng trốn quân dịch mà ra Thổ Chu, được gã chỉ huy đám lính quấn khăn rằn ri mời đến phiên dịch. Chúng xưng là “đàn em” của bộ đội Việt Nam, đến để bảo vệ cuộc sống bà con trên đảo… Lúc đó, tôi mới biết chính xác đây là quân Khmer Đỏ”, ông Tư Sĩ cho biết.
Còn tiếp…
(Theo VTC)

Thổ Châu – Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại 

Thứ tư, 20/07/2016, 16:30 (GMT+7)
(An Ninh Quốc Phòng) - Đã có một thỏa thuận lấy tù binh Khmer Đỏ chiếm đảo VN để đổi lấy dân thường VN bị chúng bắt cóc. Thế nhưng, do Khmer Đỏ tráo trở nên không một người dân nào được may mắn trở về. 

Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên phó tư lệnh – tham mưu trưởng QK9, người trực tiếp đưa các tù binh Khmer Đỏ sang Campuchia theo thỏa thuận trao đổi, cho biết ông cực kỳ thất vọng. Nỗi thất vọng này vẫn còn theo ông đằng đẵng hơn 40 năm trời.
Giao tranh ở Poulo Wai
“Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết. Mình chiến thắng nhưng cũng không có người dân nào trở về. Đánh Thổ Châu rồi đánh Poulo Wai cũng vậy. Chúng đã đem dân đi và giết từ trước đó rồi” – trong buổi chiều tháng 6, vị tướng già nói về những điều mà đến giờ ông vẫn canh cánh bên lòng.
*** Error ***
Sơ đồ các mũi hành quân giải phóng quần đảo Poulo Wai – Nguồn: QK9 – Đồ họa: N.KH
Sau trận đánh ba ngày, ngày 27-5-1975, QĐNDVN đã giải cứu được Thổ Châu, diệt gần 200 tên, bắt sống trên 300 quân Khmer Đỏ. Thế nhưng, nhiệm vụ giải cứu trên 500 dân Thổ Châu đã không thành, khi trước đó quân Khmer Đỏ đã bắt cóc toàn bộ cư dân trên đảo dời đi nơi khác.
Lúc này lại có tin quân Khmer Đỏ mang toàn bộ dân Thổ Châu về hướng Poulo Wai.
Poulo Wai là quần đảo với hai đảo lớn, còn được Việt Nam gọi là Hòn Ông và Hòn Bà. Là đảo cực nam Campuchia cách Rạch Giá 220km, cách cảng An Thới (Phú Quốc) 113km về hướng tây. Trước 30-4-1975, quần đảo này do quân đội VNCH và quân đội Cộng hòa Khmer đóng giữ.
Sau 17-4-1975, sau khi đánh thắng quân đội Cộng hòa Khmer, Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm Poulo Wai và tàn sát hết quân của VNCH và Cộng hòa Khmer đóng tại đây. Chúng đưa hai trung đoàn ra đồn trú, được trang bị hỏa lực mạnh, lại được chi viện bởi lực lượng từ đảo Koh Tang gần đó.
Chiều 31-5-1975, các tàu thê đội 1 (tiểu đoàn 309 và các phân đội trực thuộc) rời Phú Quốc hành quân về Poulo Wai. Tuy nhiên, cuộc hành quân đã gặp bất lợi do thời tiết xấu, phải đến bốn ngày sau mới được tiếp tục.
Ngày 5-6-1975, quân Việt Nam nổ súng tấn công quân Khmer Đỏ ở hai đảo Hòn Ông và Hòn Bà. Quân Khmer Đỏ kháng cự quyết liệt. Trong 10 ngày vây đánh, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt hai tiểu đoàn quân Khmer Đỏ, bắt 320 tù binh… Tuy nhiên, để chiếm được Poulo Wai, chúng ta đã hi sinh 18 người, bị thương 84 cán bộ chiến sĩ (nguồn: QK9).
“Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết Thiếu tướng Lê xã Hội
Không tìm thấy dân
Thế nhưng tại Poulo Wai, quân đội của chúng ta đã không tìm thấy bóng dáng người dân VN nào bị chúng bắt cóc.
“Không chỉ có dân ở Thổ Châu, mà dân Việt Nam sinh sống trên đảo ở Poulo Wai cũng biến mất. Trước năm 1975, chính quyền VNCH đã đưa dân ra ở đó. Họ sống bằng nghề đánh cá và di cư theo mùa, theo sườn đông và tây đảo” – tướng Hội nhớ lại qua khai thác tù binh, ông biết chúng đã đem toàn bộ dân đi giết. Tuy nhiên, chừng nào chưa thấy chứng tích thì vẫn chưa nguôi hi vọng.
Là người biết tiếng Khmer, ông Chín Hội kể lại các tù binh Khmer Đỏ khai chính quyền Campuchia dân chủ (Khmer Đỏ) đã rắp tâm đánh chiếm các đảo trên biển Tây từng do VNCH kiểm soát. Sau khi chiếm các đảo này, chúng thủ tiêu toàn bộ dân cư để xóa dấu tích chủ quyền của Việt Nam, ngụy tạo chứng cứ nhằm đối phó khi có đấu tranh pháp lý.
Số tù binh Khmer Đỏ bị bắt ở hai trận đánh Thổ Châu và Poulo Wai tổng cộng trên 600 tên. Ban đầu tất cả được đưa về Phú Quốc. Sau có lệnh di chuyển số tù binh này về thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang).
“Tôi hỏi: tụi bây đem dân đi đâu mất biệt? Chúng khai: đưa sang vùng biển Campuchia. Tôi hỏi chúng bắt đi bao nhiêu dân? Chúng khai trên 500 người… Tất cả đều bị sát hại”, ông Chín Hội trầm giọng.
Trao đổi bất thành
Thiếu tướng Lê Xã Hội
Thiếu tướng Lê Xã Hội
Thời điểm năm 1975, thiếu tướng Lê Xã Hội đang là phó phòng tác chiến QK9. Ông nói lúc ấy việc quân Khmer Đỏ thủ tiêu trên 500 dân Việt Nam chỉ có các hàng binh thừa nhận. Còn nhà cầm quyền cứ lấp lửng về số phận các cư dân này. Cho nên, đã có một thỏa thuận là phía Việt Nam đem 600 tù binh Khmer Đỏ để đổi lấy trên 500 dân Việt Nam bị bắt cóc.
Ban đầu phía Khmer Đỏ đã đồng ý việc trao đổi này. Địa điểm trao đổi được xác định là tại Tứk Mía, thuộc tỉnh Kampot (giáp với thị xã Hà Tiên, 
Kiên Giang).
“Tôi được lệnh đưa các tù binh sang Campuchia để đổi lấy cư dân Thổ Châu. Lệnh là khi nào mình có đủ dân thì mới trao tù binh Khmer Đỏ. Trước đó, tù binh Khmer Đỏ được giáo dục không được gây hấn với Việt Nam, phải coi Việt Nam là bạn. Phía Việt Nam còn cấp quân trang mới, cho thêm một bộ đồ, balô, mùng, giày, võng, một “ruột ngựa” chứa đầy gạo” – ông Chín Hội kể.
Kể đến đây, giọng tướng Hội bỗng rưng rưng: “Nhắc chuyện đó tới giờ tôi vẫn còn thấy đau đớn… Tôi không sao quên được. Buổi sáng mình đưa tù binh đi, hàng ngàn người dân ra đường tiễn. Người ta mong đợi mình đưa thân nhân của họ trở về… Vậy mà” – tướng Hội thở dài.
Khi quân Việt Nam đưa các tù binh đến địa điểm hẹn trước với Khmer Đỏ thì không thấy bóng dáng người dân Việt Nam nào. Lúc này quân Khmer Đỏ chối bay việc bắt cóc dân thường trên đảo Thổ Châu.
“Chúng nói không bắt người dân Việt Nam nào cả – Ông Hội tiếp – Vì vậy chúng tôi tiếp tục đấu tranh, không đồng ý thả tù binh cho chúng”.
Tin Khmer Đỏ tráo trở được báo về Việt Nam. Ông Hội nói Bộ Tư lệnh QK9 không chấp nhận thả tù binh Khmer Đỏ. Phái đoàn Việt Nam ban đầu vẫn giữ các tù binh và tiếp tục đấu tranh với Khmer Đỏ để đòi dân. Nhưng sau ba ngày kỳ kèo, ông Hội nói có lệnh từ trung ương phóng thích toàn bộ số tù binh Khmer Đỏ dù không đưa được người dân nào trở về!
Về lại bên đây biên giới, phái đoàn trao đổi gặp người dân đứng hai bên đường chờ đợi. Khi biết sự thật tất cả người dân Thổ Châu đã bị giết, đoàn người chờ đợi đã tột cùng thất vọng. Họ tức giận đòi đập xe của phái đoàn.
Những lời oán trách tuôn ra: “Dân mình thì bị chúng giết hại. Còn bọn sát nhân thì mình lại phóng thích sau khi cho ăn ngon mặc ấm…”.
Ông Hội nói trong đám tù binh có tên tiểu đoàn trưởng mang tên Việt Nam là Dân. Chúng khai đã giết dân Việt Nam theo lệnh của cấp trên.
Ngày 27-5-1975, Bộ tư lệnh Tiền phương đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn bộ binh 1 (lúc này do ông Phạm Văn Trà làm trung đoàn trưởng) tiến công Poulo Wai, giải cứu dân thường khỏi Khmer Đỏ. Kế hoạch là hợp đồng tác chiến giữa các binh chủng hải – lục – không quân, sẽ đánh chiếm Poulo Wai trong vòng một, hai ngày.
So với trận đánh Thổ Châu, trận Poulo Wai lực lượng của ta đã được trang bị hỏa lực mạnh, được chi viện 12 máy bay ném bom A37, 4 trực thăng vũ trang, 2 máy bay trinh sát L-19, 2 máy bay CH 47, 1 máy bay trực thăng cứu thương; hải quân có 11 tàu PCF, 10 tàu LCM, 3 tàu cao tốc, 3 tàu vận tải
(Theo Tuổi Trẻ)

Tội ác thấu tận trời xanh của tập đoàn ác thú Pol Pot

Thứ tư, 16/09/2015, 06:30 (GMT+7)
(Xã hội) - Trong đêm thảm kịch 38 năm trước, một mình bà Cư chạy thoát, cả gia đình bà 9 người đã bị bọn ác thú Khmer Đỏ giết sạch.
Kỳ 5 (Kỳ cuối): Những nỗi đau còn mãi
Hôm nay, khi cuộc sống đã yên bình, nhưng với nhiều người đã từng trải qua thời khắc ấy, họ không dám quay trở về mảnh đất Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh), nơi ghi hằn tội ác của Khmer Đỏ.
Ông Ba Hạnh kể lại, sau khi bộ đội Việt Nam đánh đuổi tập đoàn ác thú Pol Pot về bên kia biên giới, việc thu gom những thi thể của người dân vô tội mới chính thức được tiến hành. Nhưng ai cũng thấy nghẹt thở, ai cũng muốn ngất xỉu bất kỳ lúc nào. Bởi còn lại chỉ là những đống đổ nát, những xác chết bốc mùi hôi thối nặng nề. Ánh nắng thiêu đốt đã nhanh chóng khiến thể xác của họ bị thối rữa.
Có những gia đình chết sạch cả nhà, không còn người thân thích, ông Ba Hạnh cùng dân làng phải đào hố chôn ngay tại chỗ. Những căn hầm chứa 16,17 người bị bọn ác thú ném mìn, ném lựu đạn xuống cho tan nát, ông Hạnh chỉ còn biết đổ đất lấp kín, rồi đánh dấu ghi nhớ.
Bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ ở Tân Lập
Bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ ở Tân Lập
Suốt những năm sau đó, thỉnh thoảng, ông Hạnh lại thấy có người tìm đến những cánh rừng cao su. Họ mặc đồ trắng, đồ đen cũng có, cứ như mất hồn. Họ đi thất thểu, lúc thì kéo cả người thân về lập đàn thắp nhang khấn vái, lúc kéo nhị, lúc la hét, ai oán cả cánh rừng. Họ đi tìm lại thân nhân của mình, nhưng dấu tích đã bị tàn phá nặng nề bởi những cuộc giao tranh ác liệt giữa bộ đội Việt Nam và bọn ác thú Khmer Đỏ sau cái đêm tàn sát kinh hoàng đấy. Gần như những cuộc tìm kiếm đều diễn ra trong vô vọng.
Tội ác trời đất không dung thứ của ác thú Pol Pot
Tội ác trời đất không dung thứ của ác thú Pol Pot. Ảnh tư liệu
Ở xã Tân Lập, không ai là không biết đến bà Nguyễn Thị Cư. Trong đêm thảm kịch 38 năm trước, một mình bà Cư chạy thoát, cả gia đình bà 9 người đã bị bọn ác thú Pol Pot giết sạch. Một năm sau, bà quay lại dựng nhà ở trung tâm xã, cách địa điểm vụ thảm sát 6km.
Mặc dù sợ hãi quân Pol Pot có thể quay lại bất cứ lúc nào, nhưng bà bất chấp tính mạng những mong tìm lại được di cốt của bố mẹ, anh em. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, cái ước nguyện nhỏ nhoi ấy cũng không thể thực hiện, khi mà người thân của bà vẫn đang nằm hoang lạnh đâu đó dưới những tán rừng cao su xanh ngút ngàn ở cây số 39.
Năm 1977, bà Cư mới 22 tuổi, theo bố mẹ từ miền Bắc vào làm kinh tế. Bà được bố mẹ phân cho miếng đất ngay sát bìa rừng cao su để phát rẫy, với ý định về sau khẩn hoang làm kinh tế lâu dài. Bình thường, bà vẫn sinh hoạt cùng gia đình ở ấp Tân Thành. Nhưng vào ngày 24/9/1977, không hiểu có linh cảm kiểu gì mà lúc ăn cơm tối xong, bà Cư lại nằng nặc đòi lên trông coi nương rẫy, nên bà thoát chết.
Đêm hôm đó, bà Cư dù đang ở xa hàng km nhưng vẫn bật dậy khi nghe thấy những tiếng nổ rất to, như bom. Nghe tiếng súng, bà khiếp đảm vùng dậy bỏ chạy vào rừng. Cũng chả biết là bà chạy được bao xa, đang ở đâu nữa, đến lúc kiệt sức bà bất tỉnh.
Sáng tỉnh dậy, ánh mặt trời đã lên cao, ngồi định thần mới nhớ đến gia đình đang ở cả dưới ấp Tân Thành, bà hoảng hồn tìm đường chạy thoát ra khỏi khu rừng. Mãi đên trưa, thì có du kích của xã chặn lại, bảo bà không được xuống, phía dưới 2 bên đang giao tranh, dễ bị đạn lạc.
Mặc kệ lời can ngăn, bà Cư quên hết nguy hiểm, chỉ biết lo cho số phận của bố mẹ, nên men theo nương lúa bò xuống. Trước mắt bà là ngôi nhà cháy đen thui, dưới hầm chỉ còn toàn là xác người.
Bà Nguyễn Thị Cư
Bà Nguyễn Thị Cư
Sau này nghe mọi người kể lại, bố bà cư thấy quân Khmer Đỏ tràn vào nên tức tốc chạy ra cắt dây cho bò chạy lên núi, xong vào đánh động gia đình tìm chỗ trú ẩn. Một quả đạn pháo rơi ngay đầu nhà, bố bà bị mảnh đạn găm trúng bụng. Ông chấp nhận nằm chờ chết trong đau đớn, chứ không dám bò vào hầm theo mọi người, vì sợ chúng sẽ lần theo vết máu tìm đến.
Thế nhưng, 9 người trong căn hầm đó cũng bị bọn ác thú phát hiện ra. Chỉ duy nhất em gái bà Cư là bà Nguyễn Thị Lán còn sống sót. Bà Lán là một trong 3 trường hợp thoát chết hy hữu trong cái đêm đó.
Lúc bà Cư tìm thấy em gái mình bên miệng giếng, bà Lán thều thào: “Chị ơi, bố mẹ, anh trai, chú bác, không còn ai nữa”, rồi ngất xỉu. Bà Cư tức tốc đưa em mình về trạm xá cứu chữa.
Sở dĩ bà Lán thoát chết một cách kỳ diệu như vậy vì bà nằm ở chính giữa căn hầm. Lúc quân Khmer Đỏ phát hiện ra miệng hầm, gọi không ai dám ra, tức thì chúng cứ đứng trên miệng hầm cầm giáo đâm xuống dưới, rồi xả một tràng súng. Bà Lán cũng bị trúng đạn ở bụng, ở đùi, nhưng xác người thân nằm đè lên trên che chở, nên bà sống sót.
Đến gần sáng, cơ thể khát khô vì mất máu trầm trọng, dù biết quân Khmer Đỏ đang giao tranh với bộ đội Việt Nam, bà Lán vẫn gắng gượng trườn ra khỏi hầm tìm đến giếng nước. Thế nhưng, đến gần giếng thì ngất xỉu, cho đến lúc bà Cư chạy đến.
Lúc đó chiến sự đang ác liệt, bà Cư nhìn thấy trong hầm, xác người lẫn lộn, không phân biệt được ai với ai. Bà Cư đành nhờ người lấp đất hết hầm, rồi mang thi thể của bố chôn cất ở góc vườn, để mấy viên đá làm dấu hiệu nhận biết, rồi đi theo đoàn người chạy loạn vào sâu trong nội địa Việt Nam.
“Một năm sau, lúc tình hình đã tạm yên ổn, bom mìn cũng được tháo gỡ phần lớn, tôi mới dám quay về, tìm lại những dấu tích cũ, thế nhưng tất cả đã thành bình địa, không biết giờ bố mẹ tôi, anh em tôi đang nằm ở đâu nữa. Người ta đã tìm thấy xác mang đi mà không báo lại với tôi, hoặc cũng có thể còn nằm dưới những tán rừng cao su ở đó”, bà Cư bật khóc cho biết.
Bà Cư cùng mọi người tổ chức tìm kiếm hàng trăm lần, đào được nhiều xác chết bị vùi lấp, nhưng không sao tìm lại được di cốt của những người thân trong gia đình mình. Điều đó khiến 38 năm qua, chưa đêm nào bà yên giấc.
Ông Phạm Văn Cần, ông Phạm Văn Đắc, hai anh em ruột trong vụ thảm sát may mắn sống sót, nhưng bố mẹ, người thân mất sạch. Khi tôi hỏi đến, cả hai đau đớn khóc nức nở. Họ bảo rằng biết bố mẹ đang nằm lại ở cây số 39, ở mấy ngôi mộ, nhưng đó toàn là mộ tập thể, không phân biệt được đâu là người thân của mình, đành để nguyên như vậy chứ không dám cất bốc.
“38 năm rồi, cứ đến ngày 24, 25/9, nếu có dịp nhà báo quay lại lần nữa, sẽ thấy suốt dải biên giới Tây Ninh, sâu cả vào trong đất liền, chỗ nào cũng có giỗ. Cả những người mãi về sau mới chuyển về đây làm trang trại, buôn bán, đến ngày đó họ cũng làm lễ tưởng niệm. Đó là ngày ghi nhớ tội ác không đội trời chung của ác thú Pol Pot với nhân dân Tân Lập”, ông Cần cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên chủ tịch xã Tân Lập năm 1977: Tội ác Khmer Đỏ, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời
Ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên chủ tịch xã Tân Lập năm 1977: “Tội ác Khmer Đỏ, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời”
Bản thân ông Cần, ông Ba Hạnh, bà Cư… hay bất cứ những người mà tôi đã gặp ở Tân Lập trong chuyến đi tìm hiểu về vụ thảm sát kinh hoàng đêm 24/9/1977, đều bảo rằng, nhân dân Tân Lập quá căm phẫn với tội ác ghê rợn của bọn ác thú Pol Pot. Đó là cái giá quá đắt cho những ngày bình yên nơi biên giới như hôm nay.
Họ là nhân chứng đanh thép tố cáo tội ác của một trong những chế độ diệt chủng tàn ác khủng khiếp nhất lịch sử loài người.
Chuyện kinh hoàng chưa biết về tội ác diệt chủng của Pol Pot ở Tây Ninh

Chuyện kinh hoàng chưa biết về tội ác diệt chủng của Pol Pot ở Tây Ninh

Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, lũ ác thú đã cướp đi sinh mạng của hơn 592 người dân vô tội. Kỳ 1: Ký ức đau thương về cuộc tập kích bất ngờ của tập đoàn ác thú Pol...
Ám ảnh đêm thảm sát man rợ của Khmer Đỏ ở Tây Ninh

Ám ảnh đêm thảm sát man rợ của Khmer Đỏ ở Tây Ninh

Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế, các kiểu nằm. Xác người nằm lẫn lộn, bầy nhầy không biết của ai với ai. Kỳ 2: Đêm thảm sát man rợ Ông Ba Hạnh, cũng như những...
Những cảnh tượng bi thảm trong đêm hành quyết tập thể của ác thú Pol Pot

Những cảnh tượng bi thảm trong đêm hành quyết tập thể của ác thú Pol Pot

Một tên ác thú Pol Pot thấy đứa bé đang bú người mẹ đã chết, liền cầm mũi giáo chọc thẳng xuống, nhấc bổng lên trời, rồi ném cả ngọn giáo lẫn đứa bé xấu số vào đống lửa...
Căm hận ngút trời ác thú Khmer Đỏ cưỡng hiếp, hành quyết 11 thầy cô giáo

Căm hận ngút trời ác thú Khmer Đỏ cưỡng hiếp, hành quyết 11 thầy cô giáo

Ác thú Khmer Đỏ không dùng súng bắn, mà hành hình bằng cách lấy dao đâm rạch chi chít trên thân thể, rồi sau đó cắt đầu thầy, cô giáo. Kỳ 4: Cái chết thảm thương của 11 thầy...

(Theo VTC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét