Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

CÂU CHUYỆN LICH SỬ h-113

 (ĐC sưu tầm trên NET)


Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Những hình phạt tàn khốc


Phạm nhân thời phong kiến chờ xét xử - tranh tư liệu

Phạm nhân thời phong kiến chờ xét xử - tranh tư liệu

Một trong những nội dung mà nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini (1608 - 1682) quan tâm quan sát và ghi chép đó là hình pháp.
Ngục hình và tử tội
Tại các tỉnh không có nhà ngục, trong nhà quan tỉnh vẫn có đủ dụng cụ để cầm giữ tra khảo: xiềng, xích, khóa tay và những dụng cụ bằng sắt khác nữa. Thông dụng nhất là gông. Gông làm bằng hai thanh gỗ to và dài như một cái thang, có hai miếng gỗ ngang nối thanh nọ với thanh kia, hai miếng gỗ ngang đặt như hai bậc thang kẹp đầu vào giữa không thể nào kéo ra được; phạm nhân phải đeo gông đến ngày tuyên án.
Ở Kẻ Chợ có nhiều ngục thất. Ngục hình thì làm dưới đất, không có cửa, chỉ có ánh sáng từ một ngọn nến viên cai ngục thắp cho và bắt tội nhân đến hạn phải trả tiền. Nếu người khốn nạn này không có tiền thì ngục tốt không ái ngại, đánh cho máu me đầm đìa, thừa sống thiếu chết, tội nhân không có ai để nói chuyện và than khổ bao giờ…
Chỉ có thân quyến mới được phép nói chuyện với tội nhân thôi. Họ đến báo cho tội nhân biết bản án tử hình và tụ họp lại để theo sau khi tội nhân được dẫn ra pháp trường. Ra đến nơi, tội nhân đã thấy có một bữa ăn sắp sẵn. Đến giờ hành hình, đao phủ thủ hoặc một tên lính nào đấy bảo hắn là đến lúc phải tuân vương mệnh; cứ ngồi sệp xuống đất chẳng xê xích đi đâu, hắn đưa tay cho người ta trói gập ra đằng sau. Xong rồi người ta búi tóc hắn lên đỉnh đầu và chẳng cần theo một nghi thức gì khác, đao phủ cầm đao đến gần và hạ thủ.
Các thân vương quý tộc không bị chém đầu như bọn thường dân. Lưu huyết là một điều nhục nhã đối với tôn tộc, người hoàng phái, quý phái. Vì thế nên các quốc thích chỉ bị người ta dùng một cái gậy bằng gỗ hoàng đàn dài ba thước, to vừa phải phang một gậy vào đầu cho chết, còn người quý phái nào bị tử hình thì chỉ bị thắt cổ hay treo cổ chết thôi - một lối chết danh giá nhất, ít nhục nhã nhất.
Bọn trộm cướp trước khi chết bị đem bêu ba ngày giữa một công viên cho công chúng sỉ vả, trên một chiếc xe bò dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời, chẳng có gì che phủ cả. Hình phạt này nhục nhã nhất đối với tội nhân và rất có công hiệu đối với quần chúng.
Một quốc thích nào đã làm loạn hoặc xui dân làm loạn thì bị kẹp cổ vào hai chiếc gậy gỗ như vào giữa hai bậc thang, rồi những kẻ đứng ra hành hình bóp hết sức chặt làm cho phạm nhân nghẹt thở và chết. Muốn thử xem phạm nhân đã chết chưa, người ta đốt hai chiếc đèn, đem hai bàn chân kề sát vào ngọn lửa; nếu tội nhân hơi còn một chút cảm giác thì hai đao phủ kẹp cho đến khi người ấy chết hẳn không cử động được nữa.
Lính đào ngũ bị xẻo mũi; quan binh đào ngũ bị chặt thêm hai bàn chân. Bọn du côn hay sinh sự cãi nhau, đánh nhau bị chặt một, một nửa hay tất cả các ngón tay.
Hình phạt
Nhân dịp này tôi kể một câu chuyện mới xảy ra lúc tiên đế sinh ra đức vua đang tại vị thăng hà. Đức Kim thượng ban chiếu muốn rút nửa lương các võ quan và quân lính. Sự cải cách này không làm vừa ý một quan cận thần của tiên đế đứng vào hàng thứ hai các triều thần, được tiên đế biệt đãi vì tài năng và đức tính. Viên thái giám này phẫn nộ đến nỗi dám cầm xé tờ chiếu trước mặt nhiều người.
Nhiều viên cố vấn được cắt ra để xét tội khi quân. Họ một phần vì ghen ghét địa vị cao sang của viên thái giám nên quyết nghị xin chặt một tay viên thái giám. Thiếu quân muốn tha thứ; ban rằng từ lúc tiên đế thăng hà, hình án này là hình án đầu tiên, ngài không muốn trừng phạt một tín thần của tiên đế, một đại thần lương đống của ngài; hơn nữa tiên đế khuyên ngài trong mọi việc nên độ lượng quảng đại, khoan hồng hơn là nghiêm khắc. Nhưng các quan biết rõ ý vua nhất định xin thi hành bản án và tâu rằng nếu bắt đầu dung túng những kẻ khinh nhờn phép vua tức là một việc nguy hại đến thanh danh của ngài, khi dân chúng đã cảm mến ngài và tin rằng ngài là một vị vua công bình chính trực nhất. Hơn nữa, đem trừng phạt một vị đại thần càng làm vững chắc uy danh ngài. Sau cùng, đức vua cũng không chịu nhận rằng tội ấy đáng phạt, nhưng bảo các quan nể ngài, phạt rút nhẹ đi một nửa. Viên thái giám tưởng chuyện đến lúc này có thể đút lót các án quan, xin đưa cứ mỗi ngón tay là một trăm đồng vàng. Nhưng các quan trót đã xin vua nghiêm phạt lại muốn tỏ rằng mình không vị lợi, cứ y án…
Sát nhân phải giả tử. Kẻ giết người không những phải thường mạng lại còn phải nộp cho ngân khố số tiền thuế người chết phải đóng từ năm hai mươi đến năm sáu mươi: tội nhân không có thì họ hàng phải đóng thay; nếu hắn không có bà con, hoặc họ hàng thì làng mạc phải chịu. Cũng có khi vua giao kẻ sát nhân cho gia đình người bị giết để cho bọn này tự trả thù lấy bằng các thứ hình phạt cho hả cơn giận. Cách đây không lâu đã có người muốn báo thù cho một thân nhân bị chết đã chém bằng búa và băm kẻ sát nhân ra làm nhiều mảnh từ chân lên đến đầu, để hắn chết dần.
Những kẻ gian tham trộm cướp không bị tội chết vì thế nên bọn bất lương rất nhiều; nhưng khi có chứng cớ thì họ bị nghiêm phạt, quan cũng vậy. Những người bình sinh là người can đảm mà mắc tội tử hình thì chẳng những được vua tha tội chết cho mà còn được trọng dụng trong quân đội.
G.F.de Marini  
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Nhà của người Bắc kỳ


Một gia đình Bắc kỳ trong ngày tết - Ảnh: T.L

Một gia đình Bắc kỳ trong ngày tết - Ảnh: T.L
ột số ghi chép dưới đây của nhà truyền giáo G.F.de Marini (1608 - 1682). Ông đã ở Bắc kỳ 14 năm, sau đó cho in cuốn sách về xứ sở này tại Paris năm 1666.
Nhà làm bằng gỗ và rơm
Nhà cửa của người Đàng Ngoài và lối họ xây dựng rất giản dị không được suy nghĩ kỹ càng và không theo một chủ ý gì cả. Bởi thế họ không cần nhờ đến các kiến trúc sư, đến các ông thợ cả vì theo tôi không cần tinh khôn lắm mới dựng được cho mình những cái nhà như thế. Làm gì có những sự chạm trổ tinh vi, những gian nhà đẹp như những lâu đài. Mọi vật đều làm bằng gỗ và rơm. Người dân dựng bốn cái cột hình tròn, được bào đục ít nhiều, lên trên những khối đá tròn và rộng nhiều hay ít dùng làm trụ đỡ vì không thể chôn chân cột xuống đất trừ phi cột ấy làm bằng một thứ gỗ rất hiếm và đắt không mục ngay ở dưới đất. Họ đặt lên trên bốn cái cột đó nhiều miếng gỗ khác; khi nào những người dân túng thiếu này muốn làm nhiều gian nhà, họ dựng thêm nhiều cột, vách, ván hay tre, trát bằng một thứ bột rất nhuyễn màu thiên thanh nhạt.
Nền bằng đất nện kỹ, mái lợp rơm hay rạ. Nhà làm cách xa nhau, xung quanh có hàng rào sậy, có vườn, có ao thả cá - món ăn thường của người nghèo. Giường đặt cách mặt đất chừng hai thước chỉ gồm có một lớp gỗ dài bốn thước lắp với bốn mảnh gỗ, trên đặt giát tre hay một lần lưới đan bằng dây; trên nữa trải chiếu; họ nằm ngủ chẳng có đệm, chẳng có chăn đắp.
Nhà những người giàu có, quan tư cũng ngang mực với đất; nên đến cửa thì ta bước vào nhà ngay. Những nhà này rộng, xây dựng có ngăn nắp và làm bằng vật liệu tốt hơn nhà của thường dân. Trước mặt nhà lối cửa vào có sân rộng nhiều hay ít đủ chứa những người đến nhờ vả hay kêu xin điều gì. Có hành lang lợp và làm theo hình bán nguyệt chạy quanh nhà. Những khung hình tò vò đặt lên những cột gỗ to rất tốt, đối nhau rất đều.
Cửa vào nhà thường dân thấp và bé để bọn trộm cướp khó mang đi những đồ vật chúng lấy được. Cửa ngõ nhà quan thì rộng hơn vì các ngài không sợ gì trộm cướp (chính chúng lại sợ các ngài) và có lính canh giữ luôn luôn. Tuy vậy những nhà quan cũng không có những tấm thảm hay những bức hàng quý giá; chỉ có những thứ chiếu nhỏ bằng cói rất đẹp; nhuộm màu khác nhau, trên có nhiều hình đẹp; của cải để cả vào thóc gạo, người nào có nhiều thưng gạo nhất được coi là giàu có nhất, thành thử khi ta nói ai có nhiều lúa thóc chính ta muốn bảo rằng người ấy rất giàu có, sung túc.
Trong xứ không có đường to, không có phố lát đá và chia ra từng đoạn như bên ta, nhưng nhà cửa cách nhau và rải rác khắp đồng ruộng như tôi đã nói ở trên. Một số đông nhà họp lại thành một làng trong có một nhà công cộng (đình).
Thành Hà Nội
Bây giờ ta sang chuyện hoàng thành để biết sự tráng lệ của kinh kỳ, dù các nước ngoài gọi vắn tắt là kinh đô (La Cour) vì vua thường đóng ở đấy. Dân bản xứ thì đặt tên là Kẻ Chợ, nghĩa là chợ, chợ phiên. Bởi vì, trong xứ có sản vật gì tốt, ngoại quốc có hàng gì đem vào bán, đều đưa đến đây cả, một tháng có hai phiên chợ to, vào ngày mùng một và mười lăm của tuần trăng. Kẻ Chợ chiếm một vùng đồng bằng rất đẹp và rất phì nhiêu, rộng hàng bao nhiêu dặm và đặt trên bờ một con sông phát nguyên từ Trung Quốc. Sông bọc lấy thành thị trong một khuỷu rộng nên việc buôn bán được dễ dàng; thuyền bè luôn đi lại được trên sông; sông còn chia ra nhiều ngành, nhiều sông đào rất có ích cho việc chuyên chở các hàng hóa và làm thuận tiện việc buôn bán các tỉnh ngoài với đô thị.
Người Âu châu nào đến thăm kinh thành (hay Kẻ Chợ tùy theo lối gọi của mỗi người), sẽ thấy nhà cửa ở đấy không phải là những đầu đề để ta ca ngợi, bởi vì nhà cửa cũng không khác nhà cửa những vùng khác trong nước; muốn làm những nhà đẹp hơn, phải tiêu tốn hơn vì đào sâu 2, 3 thước đã thấy nước rồi, muốn tiện lợi mỗi nhà đào một ao nhỏ thả cá, có nước dùng để giặt quần áo, tắm rửa, tưới rau.
Nhà nào cao lắm thì có tầng gác thứ nhất, nhưng trên làm nhiều chỗ cao, phòng khi nước lụt thì rút lên ở. Phố xá không lát đá. Dân gian thiếu chút nữa thì tồng ngồng và bao giờ cũng đi chân không như ở khắp trong xứ. Tuy có chỗ bẩn thỉu và đáng xấu hổ, ta cũng nên công nhận rằng thành này có nhiều chỗ rực rỡ lộng lẫy.
Thành phố có 72 phường phố, mỗi phường rộng bằng một thành phố trung bình bên Ý Đại Lợi ta. 72 phường đầy những thợ cùng người buôn, muốn tránh sự hỗn độn và giúp ta tìm ngay được thức ta cần dùng, ở cửa mỗi phường có một tấm biển đề rõ thứ hàng, tốt hay xấu thành ra ít khi có người (cả người ngoại quốc) bị nhầm về giá hàng, về phẩm hàng tốt hay xấu, về lượng hàng bán đủ hay thiếu. Trên kia tôi đã nói là người ta chở đến đây tất cả các thứ sản vật trong xứ, của ngoại quốc, chở đến nhiều hơn bất cứ nơi nào trong nước. Vì lẽ ấy nên đức vua muốn các hàng hóa ngoại quốc đều ghé lại xứ, và ngài chỉ ưng rằng các tàu bè Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Miên (Campuchia - PV), Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Phi Luật Tân (Philippines - PV), Hà Lan và các nước khác ở Đông phương muốn vào trong xứ phải ngược sông (Nhị Hà), không được đậu bến nào ngoài bến Kẻ Chợ.
G.F.DE MARINI
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Lối chữa bệnh lạ lùng của người Trung kỳ


Tranh vẽ người Đàng Trong thế kỷ 18 - Ảnh: Tư liệu

Tranh vẽ người Đàng Trong thế kỷ 18 - Ảnh: Tư liệu
Cristoforo Borri (1585 - 1632) là một cố đạo người Ý sang Trung kỳ vào khoảng 1618. Về Roma, năm 1631, ông cho xuất bản quyển sách in đầu tiên của châu Âu nói về Trung kỳ của VN.
Về các ông lương y và phép chữa bệnh, tôi phải nói rằng ở Trung kỳ có rất nhiều lương y người Bồ Đào Nha và bản xứ; thường có những bệnh rất lạ, không có thuốc chữa đối với y sĩ Âu châu, thì ở đây các ông lang đã biết rõ căn chứng rồi và chữa được rất dễ dàng. Đã nhiều lần các y sĩ Bồ Đào Nha đã bỏ mặc người bệnh rồi tưởng thế là đi đứt, thì khi với đến ông lang An Nam bệnh khỏi rất nhanh.
Những y sĩ bản xứ
Phương pháp của các y sĩ An Nam là khi bước vào buồng con bệnh, họ đứng lại một lúc để cho hết sự xúc động trong khi đi đường. Đoạn họ bắt mạch rất chủ ý và cẩn thận; xong rồi họ nói rõ căn bệnh cho người ốm biết; nếu bệnh không còn chữa được, cứu được nữa thì họ nói thật; tôi không có thuốc để chữa, tỏ cho con bệnh rõ là không thể nào qua khỏi được; nếu họ đoán rằng nhờ thuốc họ mà người ốm lành mạnh được, họ sẽ bảo cho ta biết là họ có thuốc chữa ta và bao nhiêu lâu thì ta đi đứng được. Xong rồi thì họ tính tiền công, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ. Cũng có khi, họ làm giấy cam kết với gia chủ. Đoạn họ kê đơn và bốc thuốc lấy, không nhờ đến bọn chế thuốc, một là để giữ kín, hết sức kín các đơn thuốc của họ, hai là họ không dám tin và nhờ người khác bốc thuốc thay họ. Nếu đúng hạn khỏi, bệnh nhân phải giả công cho thầy; nếu không khỏi thì thầy uổng công và mất tiền thuốc.
Không như thuốc ta làm cho người uống ghê tởm, “bụng mềm và dãn ra”, thuốc nam dễ uống như nước cháo và rất bổ, uống vào không cần phải ăn cơm (?). Nên một ngày người ốm uống mấy lần như ta uống nước xuýt. Đã không trái với lẽ tự nhiên, thuốc lại còn bồi bổ những bộ phận trong người, làm tiêu các khí độc, mà không hành người ốm.
Vào chỗ này có một chuyện đáng kể: Một người Bồ Đào Nha ốm, nhờ các lương y Âu châu chữa mãi không khỏi; người ta đành bỏ mặc anh ta chết đấy không đến thăm nom nữa; sau vời một ông lang bản xứ đến; ông này cam đoan chữa khỏi cho anh ta trong một kỳ hạn nhất định, nhưng căn dặn anh ta là trong lúc để ông chữa, anh ta phải kiêng khem, sự đi lại với đàn bà cấm ngặt; nếu anh ta trái lời thì không có thuốc nào chữa nữa; phải cữ đàn bà mới sống được. Hai bên đồng ý làm giao kèo và ông lang nói chắc ba mươi ngày thì khỏi. Bệnh nhân uống thuốc, vài ngày thấy khỏe khoắn và không còn sợ cái việc mà ông lang đã cấm ngặt anh ta. Chuyện đến đấy thì ông lang lại thăm anh ta, thấy mạch khác, bảo anh ta sửa soạn việc ma chay đi vì ông không còn hy vọng gì nữa và hết phương để cứu sống rồi; bảo anh ta đừng quên giả tiền công đã hẹn trong giao kèo vì anh ta chết không phải lỗi tự ông ta. Việc đem đến cửa quan, án ra bắt người bệnh cùng ông lang; và án tuyên rồi thì anh Bồ Đào Nha kia hấp hối.
Lá cỏ thần kỳ
Người Trung kỳ còn biết chích huyết nữa; nhưng họ hà tiện máu người ốm hơn ta và họ không dùng những dao chích thông thường đâu: họ có những lông ngỗng trong có lắm “kim” bằng sứ rất sắc có cái to cái nhỏ, hình răng cưa.
Khi phải mở một ống hồi huyết quản nào, họ đặt lên trên ống ấy một chiếc lông ngỗng lớn vừa bằng bề ngang huyết quản, chiếc “kim” vào nông hay sâu đúng với ý muốn. Phải phục họ là sau khi lấy đủ máu rồi, họ chẳng cần đến băng bó, vải thấm và dây buộc gì cả, chỉ đem nước bọt nhấm đầu ngón tay cái rồi đem ấn lên chỗ lỗ thủng, họ làm cho thịt giở lại nguyên chỗ, máu ngừng chảy và vết thương chóng lành. Tôi cho vì họ dùng chiếc “kim” sứ có răng nên mạch máu chóng hàn miệng và đập được ngay.
Người Trung kỳ không thiếu những tay giải phẫu. Tôi chỉ muốn đem cách họ đã chữa tôi và một người bạn ra làm thí dụ.
Từ một chỗ rất cao, tôi bị ngã xuống, dạ dày đập vào một khối đá; tôi thổ huyết và ngực bị tổn thương. Uống thuốc tây chẳng đỡ chút nào. Lúc đó có một ông lang chuyên nghề giải phẫu đến cho tôi một ít cỏ, giống như cỏ mercuriale của ta (hỏa diễm thái), một phần ông ta đem giã và đắp lên dạ dày tôi; một phần đem sắc lấy nước cho tôi uống; và một phần bảo tôi ăn sống. Vài ngày sau, tôi hoàn toàn khỏi. Muốn tự thí nghiệm lấy, tôi bắt một con gà con đem bẻ chân nó gãy thành nhiều đoạn rồi đem cỏ ấy đắp lên những chỗ gãy vài bữa thì con gà nguyên lành.
Một thầy dòng bạn tôi bị bọ cạp đốt - nọc bọ cạp có thể làm chết người ở xứ này - cổ họng sưng bạnh ra và chúng tôi đã nghĩ đến phép sức dầu thánh cho thầy ta thì bỗng có một ông lang ngoại khoa đến, thổi một hồ cơm với nước lã thường. Xong rồi ông ta đặt nồi cơm xuống dưới hai chân thầy dòng, lấy chăn chùm kín thầy ta để hơi cơm và khói nóng không mất đi đâu được. Hơi bốc lên đến chỗ bị thương, thì thầy dòng thấy bớt đau, cổ hết sưng và người khỏe mạnh như không bao giờ bị bệnh cả.
Còn có nhiều việc tương tự như thế, nhưng thuốc dùng ngay tại xứ ấy công hiệu hơn là đem về đây. Riêng tôi, tôi đem về một thùng nhỏ đại hoàng (rhubarbe), lúc xuống tàu còn tốt vào bực nhất nhưng sau hai năm đi đường lúc về đến Âu châu thì đại hoàng biến thể đến nỗi tôi không nhận ra được nữa. Thế mới biết các dược thảo đem từ bên ấy về đây mất hết cả linh nghiệm.
Cristoforo Borri
(Nguyễn Trọng Phấn dịch)

Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Đất kinh kỳ


Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes - Ảnh: T.L

Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes - Ảnh: T.L
Với bút danh Thiện Chân, trên Tạp chí Thanh Nghị, từ số 2 năm 1941 đến số cuối cùng năm 1945, dịch giả Nguyễn Trọng Phấn (1900 - 1996), đã tuyển dịch và giới thiệu những tài liệu về xã hội VN từ thế kỷ XVII do các giáo sĩ phương Tây từng đến VN dưới triều đại vua Lê - chúa Trịnh - chúa Nguyễn ghi chép lại.
Với bút danh Thiện Chân, trên Tạp chí Thanh Nghị, từ số 2 năm 1941 đến số cuối cùng năm 1945, dịch giả Nguyễn Trọng Phấn (1900 - 1996), vốn là cán bộ khoa học của Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp tại VN, đã tuyển dịch và giới thiệu những tài liệu về xã hội VN từ thế kỷ XVII do các giáo sĩ phương Tây từng đến VN dưới triều đại vua Lê - chúa Trịnh - chúa Nguyễn ghi chép lại. Các tài liệu này vừa được tập hợp trong cuốn sách Xã hội VN từ thế kỷ XVII (NXB Tổng hợp TP.HCM). Thanh Niên xin trích giới thiệu với độc giả.
Điều làm cho vua xứ Bắc có thế lực khiến các vua lân cận khiếp sợ, là số dân đông vô kể ở bảy trấn dưới quyền vua cai trị, cứ xem số người thường ở Kẻ Chợ là nơi vua lập triều đình thì đủ biết.
Đi ngả nào cũng thấy vướng
Tuy rằng kinh kỳ dài hơn sáu nghìn bộ (1 bộ = 2,125 m, 6.000 bộ = 12,75 km - PV) ngang cũng chừng bấy nhiêu, phố xá rộng rãi, mười hay mười hai cỗ ngựa có thể ung dung đi ngang nhau được, thế mà mỗi tháng hai kỳ - vào rằm, mùng một là ngày dân nghỉ lễ - ta thấy trong tỉnh đông người qua lại khắp mọi phố đến nỗi đi ngả nào cũng thấy vướng. Thành thử người nào cũng bị xô đẩy, bị cản, bắt buộc mất nhiều thì giờ mà chả đi được mấy bước đường.
Do đấy và căn cứ vào vài điều phỏng đoán khác, người ta thường ước dân số kinh kỳ được một triệu người.
Người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi đã chào nhau rất lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sửa sắm thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; còn thường dân không có kẻ hầu têm sẵn ở nhà thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành.
Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Đất kinh kỳ - ảnh 1
Bìa sách Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII
Nhìn áo lính biết lòng trung thành
Tôi không thấy có gì đáng khen và lạ bằng sự quân lính xứ Bắc đông như thế, đặt dưới quyền lắm tướng như thế, hay hội họp canh gác, xếp hàng ngũ hoặc ở điện nhà vua hoặc ở vùng thôn quê luôn như thế, mà cả giữa những bữa khao nhà vua và các tướng ban cho họ vui cũng không bao giờ ai thấy họ cãi nhau, nói khích nhau, chửi bới khinh miệt nhau mà cũng không bao giờ ai nghe thấy nói đến sự họ đâm chém nhau.
...Tuy ta có thể cho sự điềm đạm ấy là do ở bản tính họ vốn lành, nhưng cũng phải nhận là một phần lớn do ở sự họ tôn kính và sùng bái vua và tướng. Họ gọi vua là thiên tử và sùng bái vua như một đấng thiêng liêng tự trên trời xuống để cai trị họ. Sự sùng bái ấy là căn bản cái tục họ theo hằng năm như sau đây.
Vào quãng tháng sáu nguyệt lịch - thường thường vào tháng tám của ta - vua ban một đạo dụ truyền cho quân tướng đúng ngày đến tuyên thệ tỏ lòng trung thành với vua... Ở các ngả đường chính trong kinh thành người ta thiết lập những hương án bày biện trang hoàng vẫn để thờ thần: Ở chính giữa hương án, đã biên nhời thề bằng chữ to, họ đứng dưới chân hương án cũng nom rõ; hứa sẽ trung với vua và nếu sai lời thì phải trăm nghìn thứ tai nạn... Muốn tránh sự hỗn độn vì lính đến thề rất nhiều và lễ tuyên thệ nội trong một ngày xong, người ta đặt rất nhiều hương án, mỗi hương án dành riêng cho mấy tướng và mấy đội lính, có một quan văn được cử ra thay vua để làm chủ lễ và để sau khi đã tuyên thệ rồi thì phát cho mỗi tên lính một mảnh giấy chứng nhận rằng họ đã thề và đã được nhận vào làm lính nhà vua.
Ai nói tiếng to, rõ ràng, quả quyết thì được chữ minh nghĩa là rõ. Ai nói nhỏ, giọng đục phải chữ bất minh nghĩa không rõ. Còn lại nói giọng vừa phải thì được chữ thuận nghĩa là thường. Những mảnh giấy ấy không phải là vô giá đâu: vì mỗi người lính, đợi lễ tất, đem giấy về cho chủ tướng (ông này thề xong là về ngay) thì được chủ tướng phát cho một chiếc áo vua ban. Ai có chữ minh thì được hạng áo tốt và dài; ai có chữ thuận thì được áo ngắn hơn bằng vải thường; ai phải chữ bất minh thì áo vải xấu và ngắn nữa. Thành ra suốt một năm, người ta trông áo mà biết được người lính nào trung nghĩa, tận tâm và được yêu quý trong hàng ngũ của nhà vua.
Nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp Alexandre de Rhodes (1591 - 1660) tới Trung kỳ năm 1624. Tháng 3.1627 ông được cử ra lập giáo đoàn tại Bắc kỳ; tháng 5.1630 thì bị chúa Trịnh Tráng đuổi ra khỏi xứ Bắc. Alexandre de Rhodes quay về Trung kỳ rồi sang Áo Môn (Ma Cao - Trung Quốc), đầu tháng 2.1639 lại trở về Trung kỳ. Nhưng mấy năm sau chúa Nguyễn Phúc Lan cấm đạo thì Alexandre de Rhodes bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng không bị chém mà chỉ bị trục xuất ra khỏi xứ (tháng 7.1645). Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt - Bồ - La dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Alexandre de Rhodes
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét