Khi các yếu tố và điều kiện đầy đủ để tạo ra một ‘con người’ thì có một ‘con người’, nhưng khi các yếu tố hay điều kiện không còn thì ‘con người’  đó cũng không còn. Đủ duyên thì thành, không đủ duyên thì tan rã.

Cũng giống như một cái máy tính được lắp ráp bằng nhiều bộ phận chức năng khác nhau. Chỉ khi nào các bộ phận được lắp ráp đầy đủ để cùng hoạt động được như thiết kế, thì đó được gọi là “một cái máy tính”. Nhưng khi các bộ phận được tháo ra thì  nó không còn được gọi là một cái “máy tính” nữa. Thật ra, không có một bản-thể, hay một bộ phận cốt lõi nào có thể thực sự được gọi là  một  cái  “máy tính” cả. Phải kết hợp nhiều yếu tố và bộ phận thì mới thành một cái máy tính. Tương tự như vậy,  không có một ‘bản-ngã’ hay một ‘cái gì’ cốt lõi cố định trong chúng ta có thể gọi là một ‘linh hồn anh A’, một bản ngã riêng biệt và không thay đổi.

Nói cách khác, ‘con người’ bao gồm có phần ‘thân’ và phần “tâm”. Phần thân vật chất (sắc) gồm những yếu tố đất (xương, cốt...),  nước  (nước, dịch...), lửa (thân nhiệt...) và gió (hơi thở...). Nó là một cấu trúc rất phức hợp và ‘tuyệt tác’ được hình thành và phát triển thông qua một quá trình tiến hóa rất dài lâu (hàng trăm triệu năm), nhưng nó vẫn  không phải là một guồng máy hoàn hảo, bởi vì nó cũng phụ thuộc vào nhiều điều-kiện, thời-gian và  chắc chắn nó luôn bị “cũ” đi, già đi từng giờ, từng ngày. Rồi đến giai đoạn nó “trục trặc” như bệnh yếu, tàn tạ, và rồi cuối cùng là chết—ngừng hoạt động và phân rã.

Đức Phật đã dạy rằng phần Tâm của chúng ta cũng bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như tâm thức, trí nhớ, cảm nhận và những yếu tố thuộc  về  tâm khác. Khi tất cả những yếu tố thành phần đó cùng hoạt động với nhau, chúng ta có ý nghĩ cho rằng có một cái ‘Ta’ hay một ‘linh hồn’ của ‘Ta’ hoạt động một cách riêng biệt và độc lập. Và do vậy, chúng ta có cảm tưởng (ảo tưởng) rằng đó là một ‘linh hồn’  của ‘Ta’, thể hiện ra bằng cái ‘Ta’. Và mỗi người  đều nhận đó là cái ‘ta’, ‘bản ngã’, hay ‘linh hồn’ của mình.

Theo Phật giáo, tất cả nhân loại đều bị che mờ bởi cái ảo tưởng về một ‘linh hồn’ như vậy. Quan điểm và kiến thức này của Phật giáo giúp chúng ta giải thoát, lìa xa khỏi những ý tưởng, hành động và nhu cầu ích kỷ, tự kỷ và tự đại để phục vụ cho cái ‘Ta’ hay cái ‘linh hồn’ của ‘Ta’.

Nếu chúng ta đã hiểu được rằng cái ‘con người’ của chúng ta chỉ là một sự kết hợp của nhiều yếu tố vật chất và tinh thần, khi chúng kết hợp lại thì có cái ‘con người’, khi chúng không còn kết hợp thì không có cái ‘con người đó nữa. Thậm chí, những yếu tố   đó là luôn-luôn biến-đổi trong từng giây phút, cho nên sau một giây phút cái ‘con người’ đó cũng đã thay đổi thành cái ‘con người khác rồi’.  Như vậy,  bên trong cái ‘con người’ đó không thể có cái gì cố định theo kiểu một cái ‘linh hồn’ bất biến như vậy.

Đúng vậy, Đức Phật đã dạy rằng chính cái ảo- tưởng về một ‘linh hồn’ là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ của người đời. Chức năng tự nhiên và liên  tục của cái ‘Ta’ là luôn muốn kiểm soát. Người mang cái ‘Ta’ hay ‘bản ngã’ lớn thì muốn kiểm soát thế giới, người mang cái ‘Ta’ vừa vừa thì luôn muốn kiểm soát chỉ huy gia đình và nơi làm việc, và tất cả mọi người với cái ‘Ta’ luôn muốn kiểm soát mọi thứ theo ý muốn và nhu cầu của cái ‘Ta’, kiểm soát mọi việc liên quan đến thân-tâm’ của cái ‘Ta’.

Chính cái sự luôn luôn muốn kiểm soát mọi thứ cho nhu cầu “ích kỷ” của cái ‘Ta’ đó đã thể hiện ra ngoài bằng hành vi tham muốn và tranh đấu (tham, sân), và vì vậy không có được sự bình-an bên trong tâm và sự hòa-hợp với mọi người bên ngoài. Tham muốn và tranh đấu sinh ra bất-ổn và  bất-an. Chính  cái ‘Ta’ ích kỷ mong muốn có thêm của cải, khoái  lạc, mong muốn kiểm soát người khác. Chính  cái ‘Ta’ đó luôn tìm kiếm và chạy theo thỏa mãn dục- vọng nó, nhưng cuối cùng nó chỉ tìm được sự không thỏa mãn, sự bất toại nguyện. Dù có tìm ra khoái lạc thì cuối cùng khoái lạc đó cũng biến tành sự bất toạt nguyển và khổ mà thôi.

Những khổ đau của chúng ta có nguyên-nhân sâu xa như vậy thì sẽ không bao giờ được chấm hết, những dục-vọng sẽ không bao giờ được  nhổ  sạch cho đến khi nào chúng ta còn cái ý tưởng sai lầm về một cái ‘Ta’, về cái ‘linh hồn’ của ta. Cái ‘Ta’ theo kiểu một ‘linh hồn’ là không có thực. Chỉ là ảo ảnh,  là do tưởng lầm.

Muốn nhận thấy rõ sự-thật này, hoặc nhận biết đúng thân-tâm chúng ta đíc thực thực là gì, thì chúng ta phải tu tập tâm, theo đạo Phật. Khi nào tâm được trong sạch, không còn chướng ngại tham, sân,  si, được an-định và trí-tuệ, thì tự nó nhìn-thấy được lẽ thật đó một lần và mãi mãi. Đó là phương cách và con đường của đạo Phật.

Nhiều tôn giáo khác cho rằng có linh hồn thường hằng và bất biến trong mỗi con người chúng ta. Vậy thì linh hồn được cấu tạo bằng những thứ gì?. Nếu cho rằng một cái gọi là ‘linh hồn’ có khả năng  thưởng thức hưởng thụ những cảm giác  khoái  lạc của giác quan ở trên thiên đường thì ‘linh hồn’ đó phải được cấu tạo bằng vài yếu tố vật chất nào đó chứ!. Nhưng chúng ta đều biết những yếu tố vật chất luôn có thể bị phân rã, tan rã hay hoại diệt bằng cách này hay cách khác. Nếu như ‘linh hồn’ không phải dạng vật chất nhưng là một dạng năng lượng thì nó cần phải có thể điều khiển được. Dù là dạng nào đi nữa thì vẫn không có được một manh mối hay bằng chứng nào có một thứ như là một ‘linh hồn’ như người đời đã giả định như vậy.

Theo Phật giáo thì sự chết đi và  tái  sinh  vẫn được diễn ra mà không cần có một ‘linh hồn’. Hãy xem xét một ví dụ tương tự như  vầy:  Trong  một ngôi chùa hay thiền viện có một ngọn nến đang cháy và sắp tắt. Một tu sĩ lấy một cây nến mới và bắt mồi lửa từ cây nến cũ đang cháy. Cây nến cũ cháy hết và tắt, còn cây nến mới vẫn tiếp tục cháy sáng. Vậy thì cái gì đã được chuyển từ cây nến cũ sang cây  nến mới khi mồi lửa?. Đó chỉ là quá trình tự nhiên của nguyên nhân và kết quả, chứ không phải là có một ‘cái gì đó’ được di chuyển từ cây nến cũ qua cây nến mới cả!. Nếu nói rằng ngọn lửa nến là một dạng như ‘linh hồn’ của cây nến cũ chuyển qua thân xác mới   là cây nến mới thì cũng vô lý, bởi vì sau khi mồi lửa qua cây nến mới, lửa của ngọn nến cũ vẫn còn cháy sáng cho đến khi tim sáp cháy hết kia mà. Tương tự như vậy, có một sự “kết nối” tự nhiên nhân-quả diễn ra giữ kiếp trước và kiếp sau, giữa lúc chết và lúc tái sinh, nhưng thật sự thì không có một ‘linh hồn’ nào được di chuyển từ kiếp trước  qua  kiếp sau hay từ  xác thân chết qua xác thân mới.

Nếu bạn muốn hiểu thêm về quá trình tái sinh này, mong bạn cũng đọc thêm phần vấn đáp về "Tái Sinh" trong quyển sách này.

Nguồn: Vấn Đáp Phật Giáo - Lê Kim Kha (biên soạn)