Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

KÝ ỨC CHÓI LỌI 58


(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                                      1983 Trận Hà Giang

                                                              Việt Nam giành lại đảo Len Đao

                                                   VN đã cho TQ Bài Học đắt giá tại Trường Sa

 

Xung đột Việt–Trung 1979–1990

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Xung đột biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Thời gian 1979-1990
Địa điểm Biên giới giữa Việt NamTrung Quốc
Kết quả Trung Quốc rút khỏi một số vùng đất mà họ chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam.
Bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 1990.
Thay đổi lãnh thổ Trung Quốc chiếm giữ một số vị trí trên biên giới thuộc Việt Nam rồi rút dần.
Trung Quốc chiếm giữ một số đảo tại quần đảo Trường Sa.
Tham chiến
Flag of the People's Republic of China.svg Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Việt Nam Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ huy
Trung Quốc Dương Đắc Chí
Trung Quốc Hứa Thế Hữu
Việt Nam Văn Tiến Dũng


Lực lượng
~200.000 –400.000 ~600.000 –800.000 (tính cả các đơn vị phi chính quy)
Tổn thất


Hàng ngàn người chết
.
Xung đột Việt Nam – Trung Quốc 1979–1990 là một chuỗi các cuộc đụng độ trên biên giới và hải đảo giữa hai nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt NamCộng hòa Nhân dân Trung Hoa, diễn ra ngay sau cuộc chiến tranh năm 1979 và kéo dài cho đến năm 1990.
Khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979 sau cuộc chiến tranh biên giới, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù "chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam". Trên thực tế, quân Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60 km2 lãnh thổ tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra.  Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan gần Lạng Sơn, quân Trung Quốc chiếm đóng các mảnh đất không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.
Việc Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ biên giới làm cho Việt Nam căm giận, và giữa hai phía nổ ra một loạt trận giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực đó. Xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp diễn cho đến năm 1988, đỉnh điểm là các năm 1984-1985.[7] Tới đầu những năm 1990, cùng với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Liên Xô sụp đổ, quan hệ giữa hai nước dần trở lại bình thường. Với việc ký Hiệp định phân mốc lãnh thổ năm 2009, Trung Quốc dần thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng của Việt Nam trong thời gian trước.

Bối cảnh

Kể từ năm 1979, có ít nhất sáu đợt giao tranh lớn diễn ra tại một số điểm trên biên giới Việt-Trung, là các đợt tháng 6 và tháng 10 năm 1980, tháng 5 năm 1981, tháng 4 năm 1983, tháng 4 năm 1984, tháng 6 năm 1985 và đợt từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 1 năm 1987. Tất cả các cuộc giao tranh trên đều do Trung Quốc khiêu khích hay gây hấn trước, nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị của họ.  Nguy cơ thường trực của một cuộc xâm lăng mới từ nước láng giềng phía bắc buộc Việt Nam phải huy động một lực lượng cực lớn cho việc phòng thủ. Trong thập niên 1980, ước tính phía Việt Nam có khoảng 600.000 –800.000  quân chính quy và bán vũ trang hiện diện tại khu vực biên giới, đối chọi với khoảng 200.000 –400.000  quân Trung Quốc.
Mặt trận Vị Xuyên là mặt trận diễn ra các cuộc chạm trán ác liệt nhất. Tại mặt trận này có gồm nhiều đơn vị quân của cả hai phía luân phiên tham chiến. Theo thống kê chưa đầy đủ, 7 sư đoàn (313, 314, 325, 328, 354, 356 và 411) và 1 trung đoàn (Trung đoàn 266 Sư đoàn 341) của Việt Nam đã từng tham chiến tại mặt trận này trong khoảng giữa những năm 1980.  Về phía Trung Quốc, các lực lượng bao gồm nhiều quân đoàn thuộc 7 đại quân khu cũng được luân chuyển qua mặt trận này để "vuốt đuôi hổ", tức huấn luyện trận mạc, theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình.  Từ năm 1984 đến năm 1989, ít nhất 14 quân đoàn Trung Quốc đã thay nhau tham chiến tại khu vực này (bao gồm các Quân đoàn 1, 12, 13, 14, 16, 20, 23, 26, 27, 38, 41, 42, 47 và 67).
Bên cạnh sử dụng quân chính quy, Trung Quốc còn trang bị và huấn luyện các nhóm vũ trang người thiểu số (đặc biệt là người H'Mông) chống lại chính phủ Việt Nam và Lào.  Từ năm 1985 trở đi, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các lực lượng này mới giảm dần, khi chính phủ Lào khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Năm 1980: Pháo kích Cao Bằng

Từ đầu năm 1980, Việt Nam tiến hành các chiến dịch tấn công mùa khô quy mô nhỏ nhằm càn quét các lực lượng Khmer Đỏ còn nằm rải rác trên biên giới Campuchia - Thái Lan. Để gây sức ép lên Việt Nam nhằm buộc Việt Nam phải rút quân từ Campuchia về, Trung Quốc tăng áp lực lên khu vực biên giới bằng cách triển khai nhiều quân đoàn đối diện với biên giới Việt Nam. Trung Quốc cũng tiến hành huấn luyện quân sự cho khoảng 5.000 quân thuộc các lực lượng người H'Mông chống đối Lào tại tỉnh Vân Nam và sử dụng lực lượng này đánh phá khu vực Muong Sing ở tây bắc Lào gần biên giới Trung Quốc.  Tuy nhiên Việt Nam cũng đã tăng cường lực lượng đồn trú tại biên giới, và Trung Quốc không còn có được ưu thế áp đảo về quân số như khi họ tiến hành chiến dịch tháng 2 năm 1979.
Tháng 6 năm 1980, Quân đội Nhân dân Việt Nam vượt biên giới Thái Lan trong khi truy kích quân Khmer Đỏ tháo chạy.  Dù quân Việt Nam nhanh chóng rút khỏi lãnh thổ Thái Lan sau đó, thì việc này cũng khiến Trung Quốc cảm thấy họ phải hành động để ứng cứu đồng minh Thái Lan và Khmer Đỏ. Trong các ngày từ 28 tháng 6 cho tới 6 tháng 7, bên cạnh lớn tiếng chỉ trích Việt Nam trên mặt ngoại giao, quân Trung Quốc liên tục bắn pháo vào lãnh thổ Việt Nam tại tỉnh Cao Bằng.  Đụng độ ở quy mô nhỏ cũng diễn ra trong thời gian sau đó, với bảy vụ việc xảy ra chỉ riêng trong nửa đầu tháng 10. Trung Quốc tố cáo Việt Nam đã thực hiện nhiều đợt tập kích qua biên giới nhằm vào các vị trí của quân Trung Quốc ở khu vực La Gia Bình, huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam trong các ngày 30 tháng 9 và 1 tháng 10, giết chết ít nhất 5 người Trung Quốc.  Phía Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng một cuộc tấn công vào các vị trí của Việt Nam trên cùng khu vực này vào ngày 15 tháng 10, và tuyên bố đã tiêu diệt 42 lính Việt Nam trong đợt công kích này.
Các cuộc bắn phá của Trung Quốc không nhằm vào một mục tiêu quân sự chiến lược nào cả, không có ảnh hưởng lớn lên Việt Nam và chỉ mang tính tượng trưng. Việt Nam cảm thấy việc tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn trên biên giới nằm ngoài khả năng của Trung Quốc, nên Việt Nam có thể rảnh tay tiến hành các hoạt động quân sự tại Campuchia. Tuy nhiên, các cuộc nã pháo của Trung Quốc cũng định hình kiểu xung đột trên biên giới với Việt Nam trong suốt 10 năm sắp tới.

Năm 1981: Tấn công các cao điểm ở Lạng Sơn và Hà Giang


Vị trí giao tranh tại Cao điểm 400, Lạng Sơn, tháng 5 năm 1981
Ngày 2 tháng 1 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị ngưng bắn để đón năm mới. Đề nghị này bị phía Trung Quốc bác bỏ ngày 20 tháng 1.  Tuy vậy, hai phía vẫn tiến hành trao đổi tù binh. Tình hình mặt trận tương đối yên tĩnh trong mấy tháng tiếp theo.
Tới tháng 5, giao tranh ác liệt đột ngột bùng lên với việc quân Trung Quốc ở cấp trung đoàn tiến công đánh chiếm một dải đất hẹp ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được phía Việt Nam gọi là Cao điểm 400, còn Trung Quốc gọi là Pháp Tạp Sơn (法卡山 hay Fakashan). Trên địa bàn tỉnh Hà Tuyên, Trung Quốc tấn công và đánh chiếm một điểm cao chiến lược khác mang số hiệu 1688 vốn được Trung Quốc gọi là Khấu Lâm Sơn (扣林山 hay Koulinshan) và một số vị trí lân cận. Giao tranh diễn ra hết sức đẫm máu khiến hàng trăm người mỗi bên thiệt mạng.  Hai trận đánh mở màn lần lượt vào các ngày 5 và 7 tháng 5; riêng trận tại Cao điểm 400 kéo dài sang tới ngày 7 tháng 6 với một chuỗi các đợt phản công của phía Việt Nam nhằm giành lại ngọn đồi này.  Để biện minh cho các hoạt động quân sự này, Trung Quốc tuyên bố họ tấn công để đáp trả các hành vi gây hấn của Việt Nam trong thời gian quý 1 năm đó.
Để trả đũa, bộ binh Việt Nam đột kích vào Trung Quốc ở hướng tỉnh Quảng Tây trong các ngày 5 và 6 tháng 5. Một đại đội quân Việt Nam cũng đánh vào khu vực hợp tác xã Mãnh Động, huyện Malipo, tỉnh Vân Nam. Trung Quốc tuyên bố đã đánh lui năm đợt tấn công xuất phát từ Việt Nam và tiêu hao hàng trăm quân Việt Nam tấn công vào Quảng Tây. Tới ngày 22 tháng 5, họ lại tuyên bố tiêu diệt 85 quân Việt Nam đánh vào khu vực Khấu Lâm thuộc tỉnh Vân Nam. Tổng cộng Trung Quốc tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 300 quân Việt Nam trong các cuộc giao chiến qua lại trên biên giới.  Con số này không bao gồm thương vong trong các trận đánh tại Pháp Tạp Sơn và Khấu Lâm Sơn, mà theo phía Trung Quốc ghi nhận đã có tổng cộng hơn 1.700 binh sĩ Việt Nam chết hoặc bị thương.
Dù chiến cuộc bùng phát dữ dội, Trung Quốc thực sự không muốn leo thang và chỉ dùng các lực lượng biên phòng chứ không huy động quân chủ lực cho các trận đánh. Các quan sát viên phương Tây nhận định: "Dù tình hình căng thẳng tại biên giới gia tăng, khó có khả năng diễn ra một 'bài học' của Trung Quốc cho Việt Nam. Cái giá sẽ phải trả bằng nhân mạng, tiền của và uy tín chính trị (của Trung Quốc) là quá đắt, đặc biệt là khi Việt Nam đã tăng cường lực lượng quân chính quy tại biên giới và giành được ưu thế rõ rệt về trang thiết bị". Các nhà phân tích khác chỉ ra rằng mùa mưa sắp tới, và việc Trung Quốc mới cắt giảm ngân sách quốc phòng không cho phép họ tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn.

Năm 1984: Xâm lấn biên giới ở Vị Xuyên

Tập tin:HaGiang1984small.jpg
Chiến sự tại Vị Xuyên, Hà Giang, 1984-1986
Từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 4 năm 1984, để hỗ trợ cho các lực lượng phiến quân tại Campuchia, Trung Quốc tiến hành đợt pháo kích lớn nhất nhằm vào khu vực biên giới Việt Nam kể từ sau năm 1979, với 60.000 quả đạn pháo bắn vào 16 huyện thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên và Hoàng Liên Sơn. Phối hợp với cuộc pháo kích này là hàng loạt đợt tấn công bộ binh ở cấp tiểu đoàn vào các vị trí của Việt Nam trong ngày 6 tháng 4. Cuộc tấn công lớn nhất diễn ra tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, với nhiều tiểu đoàn quân Trung Quốc đánh vào các cao điểm 820 và 636 gần đường tiến quân năm 1979 tại Hữu Nghị Quan. Dù lực lượng hùng hậu, nhưng tới ngày hôm sau, các đợt tấn công của họ đều bị đánh lui hoặc phải bỏ các vị trí đã chiếm được.  Các tài liệu Trung Quốc sau này công bố rằng các đợt tấn công bộ binh này chủ yếu mang ý nghĩa nghi binh, và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với mô tả của nguồn tin phương Tây.
Tại Hà Tuyên, trong tháng 4 đến tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn (老山 hay Laoshan), gần cột mốc biên giới số 13. Lão Sơn thực ra là một dãy đồi chạy từ tây sang đông, từ ngọn đồi ở bình độ 1800 ở phía tây tới đồi bình độ 1200 ở phía đông. Ngọn đồi 1200 này phía Trung Quốc gọi là Đông Sơn (东山 hay Dongshan) hoặc với tên gọi khác là Giả Âm Sơn (者阴山 hay Zheyinshan), và đây cũng là ngọn đồi duy nhất nơi chiến sự xảy ra ở phía đông sông Lô. Tất cả các cuộc giao tranh khác tại Vị Xuyên đều diễn ra ở phía tây của sông Lô chảy vào Việt Nam.
Trung Quốc mở màn cuộc tấn công lúc 5 giờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1984 sau một đợt pháo kích ác liệt. Sư đoàn 40 thuộc Quân đoàn 14 của Trung Quốc vượt biên giới theo bờ tây sông Lô, còn Sư đoàn 49 (có lẽ thuộc Quân đoàn 16 từ Quân khu Nam Kinh), tấn công và đánh chiếm Cao điểm 1200.  Lực lượng phòng ngự Việt Nam bao gồm bộ binh từ Sư đoàn 313 và khẩu đội pháo binh từ Lữ đoàn pháo binh 168 đành rút lui khỏi các ngọn đồi này.
Quân Trung Quốc chiếm được ấp Na La và các cao điểm 226, 685 và 468,  tạo nên một vùng lồi kéo dài khoảng 2,5 km hướng về phía Việt Nam. Vị trí này được bảo vệ bởi vách đá dựng đứng có rừng bao phủ và dòng suối Thanh Thủy ở phía nam, chỉ có thể tiếp cận được bằng cách băng qua khoảng đất trống thung lũng sông Lô ở phía đông, và như vậy rất thuận lợi cho phòng ngự. Tuy nhiên tại các nơi khác, chiến sự diễn ra giằng co từ ngày 28 tháng 4 cho tới 15 tháng 5, và các cao điểm 1509 (tức Núi Đất, Trung Quốc gọi là Lão Sơn ), 772, 233, 1200 (tức Giả Âm Sơn) và 1030 liên tục đổi chủ. Từ ngày 15 tháng 5, chiến sự tạm dừng sau khi phía Trung Quốc bước đầu kiểm soát được các ngọn đồi này; đến ngày 12 tháng 6 và sau đó là 12 tháng 7, giao tranh lại bùng lên khi quân Việt Nam tổ chức phản công tái chiếm các vị trí đã mất.  Sau đó chiến sự dừng hẳn, chỉ có các cuộc chạm trán hoặc đọ pháo lẻ tẻ.
Theo tin tình báo Hoa Kỳ, Việt Nam không thành công trong nỗ lực tái chiếm 8 mỏm núi. Kết quả, quân Trung Quốc chiếm được một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, gồm 29 điểm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong số các vị trí mà quân Trung Quốc chiếm được có các cao điểm 1509, 772 ở phía tây sông Lô và các cao điểm 1250 (Núi Bạc ), 1030 và đỉnh Si Cà Lá ở phía đông sông Lô. Chiến sự diễn ra dọc tuyến biên giới dài khoảng 11 km, và nơi quân Trung Quốc chiếm được sâu nhất trong lãnh thổ Việt Nam là các cao điểm 685 vầ 468, nằm cách biên giới khoảng 2 km.  Giao tranh kéo dài dai dẳng, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5 km, dù quân đông hơn nhiều. Hai bên vẫn tiếp tục giành giật các cao điểm này trong một loạt các đợt xung đột khác diễn ra cho đến sau năm 1986.
Để phòng ngự các khu vực chiếm được, Trung Quốc duy trì hai quân đoàn tại khu vực Vị Xuyên, bao gồm bốn sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn pháo binh và vài trung đoàn xe tăng. Sư đoàn pháo binh Trung Quốc bố trí tại khu vực này gồm pháo 130 mm và bích kích pháo (lựu pháo) 152 mm, cũng như hỏa tiễn 40 nòng. Các trung đoàn bộ binh có pháo 85 mm và súng cối loại 100-D. Trong một số trận đụng độ, Trung Quốc đưa cả xe tăng vào giao chiến.
Theo công bố chính thức của Việt Nam vào tháng 6, họ đã tiêu diệt một trung đoàn và 8 tiểu đoàn quân Trung Quốc, "loại khỏi vòng chiến đấu" 5.500 quân Trung Quốc.  Tới tháng 8, Việt Nam tuyên bố nâng tổng số quân Trung Quốc bị loại ra khỏi vòng chiến đấu lên đến 7.500 quân trong vòng 4 tháng Đổi lại, Trung Quốc tuyên bố loại khỏi vòng chiến khoảng 2.000 quân Việt Nam, còn về phía mình Trung Quốc có 939 lính và 64 dân công chết trong vòng 5 tuần của chiến dịch tiến công Lão Sơn.  Phía Việt Nam xác nhận trong các trận đánh ngày 12 tháng 7, Sư đoàn 356 của họ đã có gần 600 binh sĩ thiệt mạng. Ngoài ra còn có 820 binh sĩ Việt Nam khác bị thương trong đợt xung đột này.

Năm 1986-1987: "Chiến tranh giả"

Nếu như trong năm 1985, Trung Quốc bắn khoảng 800.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, trong tổng số khoảng 1 triệu phát đạn pháo trên toàn biên giới, thì số vụ bắn phá trong năm 1986 cho tới đầu năm 1987 giảm hẳn, chỉ còn chừng vài chục ngàn viên đạn pháo một tháng. Đây có lẽ là kết quả của việc Liên Xô, mà cụ thể là Tổng bí thư Gorbachev kêu gọi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bài diễn văn tại Vladivostok. Tới tháng 10 năm 1986, Trung Quốc cũng thành công trong việc thuyết phục Liên Xô tiến hành đàm phán về vấn đề Campuchia trong vòng đàm phán thứ 9 giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Tuy nhiên, giữa lúc các tín hiệu ngoại giao đang có xu thế trở nên tích cực, thì tình hình biên giới đột nhiên trở lại căng thẳng. Ngày 14 tháng 10 năm 1986, Việt Nam tố cáo Trung Quốc bắn 35.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, và có những hành động lấn chiếm lãnh thổ. Việt Nam cho biết đã đẩy lui ba đợt tấn công của quân Trung Quốc tại Cao điểm 1100 và cầu Thanh Thủy. Đây có thể là phản ứng của Trung Quốc trước việc Liên Xô từ chối gây sức ép đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia,  hoặc để đáp lại các hoạt động quân sự mùa khô mà Việt Nam đang chuẩn bị tại Campuchia. Trong tháng 1 năm 1987, Việt Nam cho biết Trung Quốc tăng cường bắn phá và đưa quân xâm lấn lãnh thổ. Quân Trung Quốc đã bắn hàng chục ngàn phát đạn pháo (60.000 phát pháo riêng trong ngày 8 tháng 1) và mở 15 đợt tấn công với lực lượng tham gia cỡ sư đoàn đánh vào các vị trí quân Việt Nam tại các mỏm 233, 685, 1100 và 1509. Phía Việt Nam cho biết đã gây 1.500 thương vong vào quân Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng tuyên bố đã gây 500 thương vong vào quân Việt Nam, và cho rằng tuyên bố của Việt Nam là phóng đại. Trung Quốc cho biết tổng số thương vong của họ thấp hơn 500. Ngày 5 tháng 10 năm 1987, một máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắn rơi trên lãnh thổ nước này thuộc địa phận huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây.
Theo Carlyle A. Thayer nhận định, giao tranh lần này chỉ mang tính một cuộc "chiến tranh giả".  Dù chiến sự diễn ra kịch liệt tại Vị Xuyên, tình hình tại các tỉnh biên giới khác của Việt Nam khá yên tĩnh, và quân Trung Quốc không huy động các đơn vị quân chủ lực trong suốt thời gian xung đột bùng nổ. Tương quan quân sự của hai nước tại vùng biên giới không thay đổi trong thời gian này.

Năm 1988: Hải chiến Trường Sa

Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa quân chiếm đóng một số đảo, đảo chìm, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa và Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Kết quả thắng lợi thuộc về Trung Quốc, phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải hải quân, 64 thủy thủ Việt Nam đã hy sinh và quan trọng hơn cả là kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng thêm một số lãnh thổ mà Việt Nam luôn cho là chủ quyền của mình. Trong các tài liệu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).

Kết quả

Kể từ tháng 4 năm 1987, quân Trung Quốc giảm quy mô các hoạt động quân sự tại Việt Nam, dù quân của họ tiếp tục tuần tra tại Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Từ tháng 4 năm 1987 tới tháng 10 năm 1989 họ chỉ tiến hành 11 cuộc tấn công, chủ yếu là pháo kích. Tới năm 1992, Trung Quốc chính thức hoàn tất việc rút quân khỏi Lão Sơn và Giả Âm Sơn.
Hàng ngàn người thuộc cả hai phía thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại nghĩa trang quân đội Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang, có hơn 1.600 nấm mộ liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong suốt các giai đoạn cuộc chiến cho tới tận năm 1990.
Trung Quốc dần thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng của Việt Nam trong thời gian trước. Từ năm 1989, Trung Quốc rút khỏi một số điểm ở phía bắc suối Thanh Thủy. Ngày 13 tháng 3 năm 1989, họ rút khỏi 20 vị trí và đến tháng 9 năm 1989, họ rút khỏi 9 điểm còn lại. Tại Cao điểm 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn (lưu ý có 2 cao điểm cùng tên là 1509, 1 mỏm thuộc Việt Nam và 1 thuộc Trung Quốc theo Hiệp ước Pháp - Thanh), họ cho tiến hành xây cất công sự bê tông tại các vị trí thuộc phần lãnh thổ của mình sau khi chiến sự kết thúc, chỉ để lại các công sự đất tại phần thuộc Việt Nam, được trao trả theo hiệp định biên giới năm 2009 giữa hai nước.

Toàn cảnh mặt trận biên giới Vị Xuyên 1984-1989


Trường Sơn

Rạng sáng 12/7/1984, trên cả ba hướng, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công nhưng trận đánh không thành công. Sau đó, BTL Quân khu 2 dùng Sư 313 và 356 mở chiến dịch giành lại điểm cao 685, 300-400
Ngày 26/3/1984, trong khi Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia bắt đầu đợt hoạt động lớn truy quét tàn quân Khmer Đỏ thì ở khu vực biên giới Việt-Trung, Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch tiến công lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang), Trung Quốc tập trung 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh của Đại quân khu Côn Minh trên thê đội một, áp sát hướng Vị Xuyên-Yên Minh.
Chiến sĩ Sư đoàn 325 trên chốt Vị Xuyên năm 1988. (Ảnh tư liệu)
Từ 2/4 đến 27/4/1984, Trung Quốc tiến hành một đợt bắn phá lớn trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới với trên 28.000 viên đạn pháo. Riêng Hà Giang phải chịu hơn 11.000 viên đạn pháo, ngay cả thị xã Hà Giang nằm sâu trong nội địa 18km cũng bị bắn phá.
5 giờ sáng ngày 28/4/1984, trên hướng Vị Xuyên quân Trung Quốc được 12.000 viên đạn pháo chi viện tấn công vào các trận địa phòng ngự của ta ở phía tây sông Lô. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đến hết ngày 30/4/1984, Trung Quốc chiếm được các điểm tựa 1509, 772, 685, bình độ 300-400, 226, 233. Trung đoàn 122 Sư đoàn 313 của ta bị tổn thất, phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để tiếp tục chiến đấu.
Ngày 30/4/1985, trên hướng Yên Minh, quân Trung Quốc đánh chiếm điểm tựa 1250 (Núi Bạc) do Tiểu đoàn 3 huyện Yên Minh bảo vệ.
Ngày 15/5/1984, trên hướng Vị Xuyên quân Trung Quốc tiếp tục mở một đợt tấn công ở phía đông sông Lô, chiếm khu vực Pa Hán, điểm tựa 1030 do Trung đoàn 266 Sư đoàn 313 bảo vệ.
Như vậy, từ 28/4 đến 16/5/1984, Trung Quốc đã lần lượt đánh chiếm và tổ chức chốt giữ phòng ngự, chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm khu vực 1509, 772, 685, 233, 226 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn), 1030 (Trung Quốc gọi là Đông Sơn) thuộc huyện Vị Xuyên và 1250 (Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn) thuộc huyện Yên Minh. Trên hướng Vị Xuyên, đối phương bố trí 1 sư đoàn trên tuyến một, 2 sư đoàn phía sau; hướng Yên Minh 1 trung đoàn phía trước, 2 trung đoàn phía sau.
Trước tình hình trên, ngày 20-5/1984, Bộ tư lệnh Quân khu 2 của ta quyết định nhanh chóng xây dựng trận địa, củng cố lại các đơn vị, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn địch đồng thời từng bước tổ chức đánh lấy lại các điểm cao bị chiếm đóng.
Ngày 11/6/1984, quân ta tổ chức đánh địch ở 233 và 685 nhưng chưa giành lại được các vị trí này.
Tháng 6/1984, Quân khu 2 được giao nhiệm vụ tiến hành tiêu diệt một số vị trí bị chiếm đóng, tiến tới khôi phục các điểm tựa ở Vị Xuyên và Yên Minh. Bộ tư lệnh mặt trận quyết định sử dụng 3 trung đoàn bộ binh trong các đơn vị mới lên tăng cường, được sự chi viện của đặc công và pháo binh tham gia chiến đấu trong chiến dịch mang tên MB84. Ở phía đông sông Lô, Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 đảm nhiệm tiến công điểm tựa 772, Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 tiến công bình độ 300-400, ở phía tây Trung đoàn 141 Sư đoàn 312 tiến công điểm tựa 1030.
Rạng sáng 12/7/1984, trên cả ba hướng các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công. Tuy nhiên “do công tác chuẩn bị chưa chu đáo, nắm tình hình và đánh giá đối phương chưa đúng, quyết tâm và cách đánh chưa phù hợp, biểu hiện sự nóng vội trong chỉ đạo, chỉ huy” nên trận chiến đấu không thành công. Cả ba trung đoàn đều bị tổn thất lớn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, có cả cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn. Chiều 12/7. Bộ tư lệnh mặt trận phải cho các đơn vị chuyển sang phòng ngự.
Gùi nước lên trận địa (Ảnh tư liệu)
Rút kinh nghiệm MB84, Quân khu 2 quyết định dùng Sư đoàn 313 và 356 mở chiến dịch vây lấn nhằm giành lại điểm cao 685 và 300-400 với cách đánh mới “sử dụng bộ binh, kết hợp đặc công, có hoả lực pháo binh chi viện mạnh, từng bước bao vây, chia cắt lấn sát”. Lần này các đơn vị có 4 tháng để chuẩn bị.
Ngày 18/11/1984, pháo binh ta bắt đầu bắn phá hoại vào các điểm tựa bị chiếm đóng ở 685 và 300-400. Sau 5 ngày đêm, Trung đoàn 14 Sư đoàn 313 bắt đầu tổ chức đánh lấn 300-400, Trung đoàn 153 Sư đoàn 356 được tăng cường một tiểu đoàn đặc công tiến hành vây lấn 685. Sau hai tháng liên tục chiến đấu (từ tháng 11/1984 đến tháng 1/1985), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị của ta đã chiếm lại một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát, ngăn chặn địch ở ở  đồi Chuối, đồi Cô Ích, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép, khu C và một phần khu E của điểm cao 685, có những nơi chỉ cách địch 15-20m, cá biệt có nơi 6-8m (chốt Bốn hầm). Ở đây cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mỏm đá đã diễn ra rất quyết liệt. Các chốt ở Bốn hầm, đồi Cô Ích hay điểm tựa 685 hai bên liên tục thay nhau phản kích, giành đi giật lại tới 30-40 lần.
Từ ngày 27/5 đến 30-5/1985, sau khi thay quân, Trung Quốc mở một đợt tiến công lớn vào các điểm tựa của ta ở đồi Đài, đồi Cô Ích, bình độ 1100 ở phía tây sông Lô nhưng bị ta đẩy lui. Ngay sau đó, ngày 31/5/1985 quân ta tổ chức đánh chiếm và chốt giữ lại điểm tựa A6B, sau đó đánh bại 21 đợt phản kích của địch trong 13 ngày, giữ vững vị trí này cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Từ ngày 23 đến 25/9/1985, Trung Quốc mở một đợt tấn công vào các điểm tựa của ta từ đồi Tròn, lũng 840, Pa Hán (đông sông Lô) đến đồi Cô Ích, bình độ 1100 (tây sông Lô). Trừ Pa Hán bị chiếm và ta phản kích lấy lại sau 1 ngày, các trận địa khác đều được giữ vững.
Trong tháng 10 và tháng 11/1986, sau khi thay quân, phía Trung Quốc mở thêm nhiều đợt tiến công lấn chiếm nhằm đẩy quân ta khỏi khu vực bờ bắc suối Thanh Thủy nhưng đều thất bại.
Từ ngày 5 đến 7/1/1987, Trung Quốc sử dụng lực lượng cấp sư đoàn được pháo binh chi viện mở chiến dịch nhằm vào 13 điểm tựa của ta ở cả đông và tây sông Lô mà mục tiêu chủ yếu là đồi Đài và đồi Cô Ích. Mặc dù đối phương bắn tới trên 100.000 quả đạn pháo trong 3 ngày để chi viện bộ binh liên tục tiến công (có ngày tới 7 lần) nhưng đều bị bộ binh và pháo binh ta ngăn chặn ngay trước trận địa.
Từ sau thất bại này, phía Trung Quốc giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm. Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc bắt đầu ngừng bắn phá và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo tổng kết, trong 5 năm chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên mặt trận Vị Xuyên-Yên Minh, các lực lượng vũ trang Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn quân địch, phá hủy 200 khẩu pháo cối, 170 xe vận tải và nhiều kho tàng, trận địa… bắt sống 325 tù binh (bắt 6 tên trong chiến đấu và 319 tên thám báo, trinh sát đột nhập), thu nhiều vũ khí, trang bị…
Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê thăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 312 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên (Ảnh tư liệu)
Trong thời gian 1984-1989, phía Việt Nam đã nhiều lần thay phiên các đơn vị lên chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên-Yên Minh:
Quân khu 1 có Trung đoàn 2 Sư đoàn 3 Quân đoàn 14 (mang phiên hiệu E981/F356) và Trung đoàn 567 Sư đoàn 322 Quân đoàn 26 (mang phiên hiệu E982/F313).
Quân khu 2 có các sư đoàn bộ binh 313, 314, 316, 356, các trung đoàn 247 (Hà Tuyên), 754 (Sơn La) cùng các đơn vị pháo binh, xe tăng, đặc công, công binh, thông tin, vận tải của quân khu.
Đặc khu Quảng Ninh có Trung đoàn 568 Sư đoàn 328 (mang phiên hiệu E983).
Các đơn vị chủ lực Bộ có Sư đoàn 312 Quân đoàn 1, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2, Sư đoàn 31 Quân đoàn 3.
Ngoài ra nhiều đơn vị nhỏ cấp đại đội, tiểu đoàn cũng được điều động lên tham gia trực tiếp hoặc hỗ trợ chiến đấu trong từng giai đoạn ngắn.
Ở phía tây sông Lô từ đầu năm 1984 đến tháng 12/1985: Sư đoàn 313 và 356; Tháng 5/1985: Sư đoàn 313; Tháng 12/1985: Sư đoàn 31; Tháng 6/1986: Sư đoàn 313; Tháng 2/1987: Sư đoàn 356; Tháng 8/1987: Sư đoàn 312; Tháng 1/1988: Sư đoàn 325; Tháng 9/1988: Sư đoàn 316; Tháng 5/1989: Sư đoàn 313.
Ở phía đông sông Lô từ đầu năm 1984: Trung đoàn 266 Sư đoàn 313; Tháng 7/1984: Trung đoàn 141 Sư đoàn 312; Tháng 4/1985: Trung đoàn 983; Tháng 11/1985: Trung đoàn 818 Sư đoàn 314; Tháng 2/1987: Trung đoàn 881 Sư đoàn 314; Tháng 9/1987: Trung đoàn 818 Sư đoàn 314 và Trung đoàn 754 Sơn La; Tháng 6/1988: Trung đoàn 726 Sư đoàn 314; Tháng 10/1988: Trung đoàn 247 Hà Tuyên. 
Về phía Trung Quốc, theo các tài liệu được công bố trên mạng, đã có 17 sư đoàn bộ binh và 5 sư đoàn, lữ đoàn pháo binh thuộc các Đại quân khu Côn Minh, Nam Kinh, Phúc Châu, Tế Nam, Lan Châu, Nam Kinh và Thành Đô lần lượt được huy động vào chiến dịch lấn chiếm biên giới từ 1984/1989.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã bắn vào lãnh thổ Việt Nam thuộc tỉnh Hà Tuyên (mà chủ yếu là Vị Xuyên-Yên Minh) hơn 1,8 triệu quả đạn pháo cối, ngày cao điểm nhất hơn 60.000 quả.
(Bài viết tổng hợp theo lịch sử một số đơn vị và lời kể của các cựu chiến binh)

Đẫm lệ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày giỗ trận Sư 356
2/07/2016 15:11



(NLĐO)- Hôm nay 12-7, ngày được coi là giỗ trận của Sư đoàn 356 khi gần 600 người lính đã anh dũng hi sinh trong trận chiến chống quân Trung Quốc để bảo vệ biên cương Tổ quốc tại Thanh Thuỷ-Vị Xuyên.


Bà Nguyễn Thị Đạo, 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh - chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 - bên bia mộ của con trai mình tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên sáng 12-7. Ảnh: Văn Duẩn
Bà Nguyễn Thị Đạo, 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh - chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 - bên bia mộ của con trai mình tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên sáng 12-7. Ảnh: Văn Duẩn
Hôm nay 12-7, ngày được coi là giỗ trận của Sư đoàn bộ binh 356 khi khi gần 600 người lính của sư đoàn đã anh dũng hi sinh trong trận chiến chống lại quân Trung Quốc để bảo vệ biên cương Tổ quốc lúc mở màn chiến dịch MB84 tại mặt trận Thanh Thuỷ-Vị Xuyên, Hà Giang.
Nghĩa trang Vị Xuyên hôm nay tràn nước mắt, bên những mộ phần liệt sĩ, khi những cựu binh của Sư đoàn 356 trở lại chiến trường để làm lễ tưởng niệm, tri ân những đồng đội đã hi sinh.
Ngày này của 32 năm trước, bộ đội Việt Nam mở màn chiến dịch MB84 giành lại các điểm cao trên biên cương Tổ quốc bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Sư đoàn bộ binh 356 làm nhiệm vụ chủ công, phối hợp với các cánh quân của các Sư đoàn 313, 316 và nhiều đơn vị khác.

Trong ngày 12-7 năm ấy, do tương quan lực lượng và địa hình phức tạp, gần 600 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 đã anh dũng hi sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
32 năm sau trận chiến đấu ác liệt, rất nhiều hài cốt của những người lính hi sinh vì Tổ quốc vẫn còn nằm lại ở chiến trường, chưa thể quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội do mìn còn nhiều, để lại nỗi day dứt, khắc khoải khôn nguôi trong tâm can của những đồng đội còn sống.
Tại đài tưởng niệm, họ hát vang lời bài ca “Về đây đồng đội ơi” của nhạc sĩ Trương Quý Hải - một cựu binh của sư đoàn, ngày ấy là chiến sĩ tuyên văn.
Bên những mộ phần, những cựu binh từng vào sinh, ra tử, tóc đã muối tiêu, khóc rưng rức trước anh linh đồng đội.
Và kia, người mẹ già 83 tuổi vật vã bên mộ và gọi tên con mình - một liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến chống quân Trung Quốc năm 1985 để bảo vệ biên cương.
Những hình ảnh xúc động được phóng viên Báo Người Lao Động ghi tại Lễ tưởng nhớ các liệt sĩ hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên do Sư đoàn 356 tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên sáng nay 12-7:

Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang
Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang

Những người lính sư đoàn 356 làm lễ tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên sáng 12-7
Những người lính sư đoàn 356 làm lễ tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên sáng 12-7
Đẫm lệ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày giỗ trận Sư 356

Và dâng lên những nén tâm hương đến anh linh đồng đội
Và dâng lên những nén tâm hương đến anh linh đồng đội

Những giọt nước mắt của những nữ cựu binh đã tràn bên khoé mắt
Những giọt nước mắt của những nữ cựu binh đã tràn bên khoé mắt

Những người vợ của những cựu binh cũng không kìm nén được cảm xúc khi đứng trước anh linh đồng đội của chồng mình đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc
Những người vợ của những cựu binh cũng không kìm nén được cảm xúc khi đứng trước anh linh đồng đội của chồng mình đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc

Rất nhiều mộ phần liệt sĩ chỉ ghi Liệt sĩ chưa biết tên
Rất nhiều mộ phần liệt sĩ chỉ ghi "Liệt sĩ chưa biết tên"
Đẫm lệ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày giỗ trận Sư 356
Đẫm lệ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày giỗ trận Sư 356

Những cựu binh từng vào sinh, ra tử, trải qua chiến trận khốc liệt, đạn bom quân thù không chùn bước nhưng cũng đã bật khóc trước mộ phần đồng đội
Những cựu binh từng vào sinh, ra tử, trải qua chiến trận khốc liệt, đạn bom quân thù không chùn bước nhưng cũng đã bật khóc trước mộ phần đồng đội
Đẫm lệ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày giỗ trận Sư 356

Không ai có thể kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh bà Nguyễn Thị Đạo - 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh là chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 - khi bà khóc ngất bên bia mộ của con trai mình. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh quê ở phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhập ngũ tháng 3-1983, hi sinh ngày 8-3-1985. Anh hi sinh khi đang bám trụ chiến đấu trên bình độ 1.100 của mặt trận Thanh Thủy-Vị Xuyên
Không ai có thể kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh bà Nguyễn Thị Đạo - 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh là chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 - khi bà khóc ngất bên bia mộ của con trai mình. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh quê ở phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhập ngũ tháng 3-1983, hi sinh ngày 8-3-1985. Anh hi sinh khi đang bám trụ chiến đấu trên bình độ 1.100 của mặt trận Thanh Thủy-Vị Xuyên

Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu binh sư đoàn 356, ôm đàn và bài hát Về đây đồng đội ơi do anh mới sáng tác dịp ngày giỗ của sư đoàn năm 2014 để gọi đồng đội về hội quân trong ngày giỗ trận tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu binh sư đoàn 356, ôm đàn và bài hát "Về đây đồng đội ơi" do anh mới sáng tác dịp ngày giỗ của sư đoàn năm 2014 để gọi đồng đội về hội quân trong ngày giỗ trận tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Phóng sự ảnh: Văn Duẩn

Người Dao, người Mông Vị Xuyên vẫn quyết bám núi, giữ đất biên cương …

Phạm Viết Đào.

Đền tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên tại điểm cao 468
Chiều 18/6/2016, sau khi ghé qua khu đền tưởng niệm được xây dựng tại điểm cao 468, từ khuôn viên ngôi đền, tôi nhìn qua cao điểm 685, được mệnh danh là “ Lò vôi thế kỷ” và cao điểm 772, được mệnh danh là “ Đồi thịt băm”, thấy lác đác mấy chục ngôi nhà sàn nằm rải rác trên sườn núi và những khu ruộng bậc thang xen kẽ; tôi nẩy ra ý định phi xe theo sườn núi theo đường mòn sẵn để đến tận 772, nơi chú em tôi đã ngã xuống và để xem bà con sinh cơ lập nghiệp ra sao…
Nhà đồng bào người Dao trên sườn Cao điểm 772-Đồi thịt băm...

Từ khu vực ngã ba Thanh Thủy, bằng phương tiện xe máy, lên được lên đây tôi luôn phải cài xe số 1 và số 2 vì đường thường dốc 45 độ…
Từ độ cao 468, đường đã được rải bê tông, còn từ 468, con đường men tới cao điểm 772 thì chỉ là đường đất được san ủi, xe máy có thể đi được khi trời nắng ráo.
Ruộng bậc thang dưới chân Cao điểm 685-Lò vôi thế kỷ
Xe đi vòng qua dãy đồi 600, gần cao điểm 772, tôi liếc nhìn đồng hồ báo xăng thì thấy xăng sắp hết, tôi hoảng quá, nếu xe hết xăng tại đây thì làm cách nào mà đẩy xe xuống được. Tôi ước để vượt cung đường vòng muốn tới được khu “đồi thịt băm” phải leo dốc vòng khoảng vài ba km… Tôi đành dừng lại tiếc nuối, không đi tiếp được, đành hẹn lần sau…
Chú em tôi, Ls Phạm Hữu Tạo là Trung đội trưởng của Đại đội 2 tiểu đoàn 1 trung đoàn 876, sư 356, được giao nhiệm vụ đánh chiếm lại Cao điểm 772 trong trận 12/7/1984.
Đầu năm 1985, khi nghe tin chú hy sinh, tôi đã lên thành phố Hà Giang, đến tận tiểu đoàn 1, gặp lại các chiến sĩ từng đánh trận 12/7/1984 để tìm hiểu về chú hy sinh như thế nào. Khi tôi đến đơn vị, lúc đó đóng quân ở khu vực Phương Độ; tại tiểu đoàn 1 khoảng 300-400 người, tôi chỉ gặp được 3 chiến sĩ có tham gia trận đánh 12/7 biết chú em tôi, số còn lại là lính mới điều chuyển tới…
Tôi được biết tiểu đoàn 1của trung đoàn 876 được giao nhiệm vụ vòng sang phía giáp với Trung Quốc để chặn đường rút lui và tiếp viện của lính Trung Quốc…Tiểu đoàn 1 là tiểu đoàn chịu thiệt hại nặng nề nhất; Sau này qua nhiều nguồn tin, trung đoàn 876 thuộc 356 được đưa vào đánh trận này hy sinh mất hơn 600 chiến sĩ…
                    Cao điểm 772-Đồi thịt băm giờ là ruộng bậc thang

Một đồng đội cho biết: khi đơn vị áp sát chiến hào 1 của Trung Quốc cách quãng 300 m thì không tiến lên được vì “ vành đai lửa” của pháo binh Trung Quốc dăng lên dày đặc…
Tạo chỉ huy 1 trung đội của Đại đội 2, là trung đội phía sau, Tạo thấy phía trước không tiến lên được, sốt ruột bò lên, khi sắp lên đến tuyến trên thì anh em thấy một quả ĐK của Trung Quốc nổ trùm nơi Tạo bò lên; khói tan, anh em chỉ thấy còn thấy chiếc mũ cối, chiếc thắt lưng da và khẩu AK bị quăn lại và chiếc hố to; vì 1 quả ĐK có chiều dài 1,2 m khi phát nổ không khác gì bom…
Tôi có ý định lên 772 chủ yếu để tưởng niệm, thực ra đi một mình cũng khó có khả năng tìm được chỗ an nghỉ cuối cùng của chú vì khu đồi mênh mông hiện đã được san làm ruộng bậc thang…
Nhà vợ chồng Trương thị Bìu
Tôi đành ghé thăm một gia đình một vợ chồng trẻ người Dao để hỏi thăm bà con sinh sống làm ăn như thế nào…Trương Thị Bìu, một phụ nữ người Dao, sinh năm 1977, lên đây đã 2 năm, ở trong ngôi nhà còn đơn sơ, Bìu cho biết: trước đây gia đình sống ở vùng này, chiến tranh nổ ra nên đã sơ tán xuống Bắc Mê, bây giờ hòa bình rồi, quay lại làng bản cũ để sinh cơ lập nghiệp…
Trương Thị Bìu cho biết: hiện đã có khoảng 50 hộ các gia đình phần lớn là người dân tộc từng sinh sống ở đây quay lại sinh cơ lập nghiệp sau khi đã được bộ đội rà phá bom mìn. Nhà Bìu đối diện với khu trường học, nhà trẻ mới được chính quyền cho xây dựng trên khuôn viên khoảng 1000 m2 để tạo cơ sở an cư cho dân…
Đối với người miền xuôi: quê hương là cây đa, bến nước, sân đình; Còn đối với người Mèo, người Dao Vị Xuyên-Hà Giang, mảnh đất thiêng của họ là những vách đá tai mèo nơi gửi gắm năm này qua năm khác những hốc ngô; những chân ruộng bậc thang kỳ vĩ, những gốc chè đứng chon von bên sườn núi đá nuôi sống họ…
Đó là những thứ không mang lại nhiều giá trị trao đổi nhưng họ không thể sống thiếu chúng; ngàn đời nay cha ông của họ từng sống thế; họ tiếp tục sống bám núi, bám đá giữ đất.
Những gia đình đi đợt đầu, chính quyền đã cấp cho mỗi gia đình 20 triệu để làm nhà sàn: gỗ chặt tại rừng, phần lớn lợp bằng tấm lợp phibrô xi măng…
Hàng ngày, họ phải phát rẫy để làm lúa nương, trồng chè và nuôi gia súc, lợn gà…Ai có sức làm được bao nhiêu thì làm, không hạn chế. Nhìn qua tôi nhận thấy đất ở đây có vẻ tốt…
Vợ chồng Bìu cho biết, trước khi lên đây, đã được bộ đội cho rà phá bom mìn nhưng chưa hết nên thỉnh thoảng vẫn có người, gia súc bị vướng bom mìn, bị thương…
Vì cuộc sống nên bà con vẫn phải bám núi, bám bản, bám đất để canh giữ đất của cha ông…
Bìu cho biết: Thỉnh thoảng gà, gia súc vẫn lăn đùng ra chết vì ăn phải cây cỏ mọc lên từ đất nhuốm nặng thuốc bom đạn…
Nước thì bà con xuống con suối Thanh Thủy chảy ở dưới chân, dùng máy bơm bơm lên; Bà con dùng thủy điện nhỏ bằng máy móc Trung Quốc để tạo nguồn sáng đủ để thắp và xem được TV…
Tôi hỏi: bà con ở gần Trung Quốc thế này không sợ sao ? Ở đây có nhiều bộ đội hy sinh, đêm có sợ ma không ?
Vợ chồng Bìu đếu nói là không sợ, chỉ sợ bom mìn còn sót lại thôi. Hiện bà con mới làm ruộng làm nương rẫy men men theo 2 ngọn đồi 772 và 685, còn chưa men tới Cao điểm 1509…Đã có một vài bà con vào khu vực 1509 nhưng bị lính Trung Quốc đe dọa, đuổi đi, mặc dù theo hiệp định phân định biên giới mới, mé sường 1509, từ bình độ 1200 là của Việt Nam…
Ngọn núi có mây che phủ là đỉnh của Cao điểm 1509...

Bà con người Dao, người Mông lên đây còn ít, đất rừng còn mênh mông, bà con lên chưa đông vì đường sá đèo dốc và e ngại bom đạn còn sót lại. Theo vợ chồng Bìu cho biết: hiện mà con làm nương rẫy thỉnh thoảng vẫn nhặt được xương cốt của bộ đội ta và cả những khẩu AK còn nguyên…
Tôi hỏi: Thế gia đình có đặc sản gì tự sản xuất ra bán được không? Hai vợ chồng chìa chè ra cho biết: đây là chè họ tự trồng, tự sao; Tôi bảo pha uống thử xem ? Thấy khá ngon, tôi bảo vợ chồng bán cho tôi 1 kg, cả 2 vợ chồng rất mừng?
Tôi gợi ý: vận động bà con trồng nhiều chè và ghi vào nhãn bao bì “Chè 1509” hoặc “Chè Lão Sơn”, “ Chè 772” hoặc “ Chè 685”, chắc chắn sẽ nhiều người mua…Vì những cây chè mọc độ cao trên 1000 m có vị rất đặc trưng và đất tại 772 và 685 có vẻ hợp với đất chè…
Trên đường quay lại Hà Giang, tôi nẩy ra sáng kiến, vả lại xăng trong bình đã cạn: không nổ máy, cài số 0 và cho xe cứ thế lao xuống; Xe từ trên 772 lao tới tận “suối oan hồn” mà không phải nổ máy, thật thú vị…
Suối oan hồn...
Con suối oan hồn nằm ở cửa ngõ vào khu ngã ba Thanh Thủy giáp thôn Nậm Ngặt, thời chiến tranh khu vực ngã ba Thanh Thủy được gọi đây là “ Cối xay thịt”, vì ngày đêm pháo Trung Quốc bắn phá ác liệt để chặn việc tiếp tế từ Hà Giang lên các cao điểm tranh chấp…
Còn suối sở dĩ mang tên là “suối oan hồn” vì thời chiến tranh, bộ đội bị thương trên các cao điểm tranh chấp được cáng về đều phải qua con suối này; nhiều thương binh do khát uống quá nhiều nước nên đã gục chết nhiều tại bờ suối này…

Những người Dao, người Mông Vị Xuyên hiện đang ngày đêm bám trụ để giữ núi, giữ đất quê hương bản quán với bao thách thức, hiểm nguy rình rập thì có bao nhiêu kẻ đem “bờ xôi ruộng mật” của quốc gia bán tống bán tháo cho các tập đoàn cá mập Trung Quốc…
Ngã ba Thanh Thủy-"Cối xay thịt" nhìn từ trên núi

Đồi cô X. một địa điểm giao tranh ác liệt


P.V.Đ.

Đăng bởi

Chiến tranh biên giới, hải đảo sẽ được đưa vào sách giáo khoa

Thứ Ba 0:00 23/02/2016
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ xem xét đưa các cuộc chiến biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa... vào sách giáo khoa sắp biên soạn với dung lượng phù hợp.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sách giáo khoa hiện hành tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Phần kiến thức này được đề cập trong bài học chính, bài tham khảo.

Do hạn chế số trang sách giáo khoa trong khi nội dung cần truyền đạt nhiều nên thông tin sự kiện được viết ngắn gọn, chưa thỏa mãn được cả những nhà viết sách sử, thầy cô giáo và học sinh. "Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà sử học, người dân. Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay.

Trong lúc chưa có bộ sách giáo khoa mới, Bộ khuyến khích các trường học, tổ bộ môn sử đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc có thể là hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, như nhiều trường đã làm. Ví dụ trường học ở TP Đà Nẵng đã tổ chức đưa học sinh đến bảo tàng, lồng ghép nội dung về chủ quyền biển đảo vào bài học và được các em hưởng ứng nhiệt tình.
Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. Ảnh tư liệu.
Trước đó nhắc đến sự kiện 17/2/1979 khi Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, nhiều người bày tỏ bất bình khi thông tin về cuộc chiến chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa.

Đồng chủ biên cuốn sách, GS Vũ Dương Ninh cho biết, ban đầu cuộc chiến được viết chi tiết với 4 trang, nhưng sau đó vì khuôn khổ sách giáo khoa quy định và chủ yếu vì lý do "quan hệ tế nhị" với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều và bị cắt chỉ còn 11 dòng. Những tác giả viết sách lúc bấy giờ cảm thấy không thỏa mãn, nhưng buộc phải chấp nhận.

Độc giả Trần Văn Châu chia sẻ: "Tôi đi lính từ 3/1983 đến 9/1986 (lúc đó lấy người từ 27 tuổi trở xuống) ở mặt trận Hà Tuyên (Hà Giang gồm Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh), đã đánh nhau hơn 50 trận. Sau này, khi có dịp, tôi kể lại cho mọi người nghe nhưng không ai tin, kể cả vợ, con vì sách giáo khoa, đài, báo, tivi... có nói gì đâu. Thật chua xót".

Có độc giả thừa nhận chỉ biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam vì câu này nghe quen trên phương tiện thông tin đại chúng, còn không hề biết rằng Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 vì không có tài liệu chính thống nào nói về việc này.

GS Vũ Dương Ninh cũng như hàng trăm độc giả cho rằng các cuộc chiến tranh cần được đưa vào sách giáo khoa vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và vì đòi hỏi của xã hội. Đó là hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1978 và biên giới phía Bắc năm 1979-1988, trận chiến Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988…

"Không thể nói rằng nếu đưa thông tin lịch sử về các sự kiện như chiến tranh biên giới 1979 sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Đây là sự nguỵ biện. Việc gì phải ra việc ấy. Bản thân cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế nào thì ta phải nói đúng như thế ấy. Còn xây đắp tình hữu nghị thì ta vẫn làm, vẫn phát huy mặt tốt", GS Ninh nói.
Diễn biến cuộc chiến năm 1979.
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Cuộc tấn công của Trung Quốc gây bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.

Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn với khoảng 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và rút quân. Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân.

Tuy nhiên, từ 18/3/1979 đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.

Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại nặng nề. 

 

Xem tiếp...