Trích từ "N-L 3/d"
+Nói thêm và ngắn gọn về tham-sân-si. Bản năng sinh tồn làm xuất hiện
tính tham. Tính tham đã biểu hiện với mức độ mờ-tỏ nào đó ở các giồng
loài sinh vật chưa có tư duy, và rõ nhất là ở những động vật có thần
kinh bậc cao. Ở loài động vật có tư duy trừu tượng (loài người), sự hồi
ức và suy diễn làm cho tính tham trở nên đặc biệt sâu sắc và (tạm gọi
là) cuồng nhiệt, "đeo đẳng" dai dẳng trong tâm hồn con người và luôn hối
thúc "cái tôi" thỏa mãn nó. Có thể dùng thuật ngữ "thèm khát danh lợi"
để nói về cái tham đặc thù, được hình thành nên từ sự "kết hợp" giữa bản
năng với ý thức, có gốc tồn tại sâu trong tiềm thức và do đó, chỉ ở
loài người mới có. Vì có cái tham và ý chí thỏa mãn cái tham ấy mà cũng
"dễ bề" xuất hiện cái "sân" (ích kỷ, ghen ghét, ganh đua, tranh dành...)
ở mỗi con người, và mọi bất công, đau thương, khốn khổ do con người gây
ra cho con người trong xã hội ( nghĩa là trong cả tình cảm máu mủ ruột
thịt, trong cả tình yêu lứa đôi) đều từ đó mà ra cả. Vì tham-sân "dính
líu" đến bản năng (có tính tự phát, mù quáng) nên không thể tiệt trừ
tuyệt đối được, nhưng vì "dính líu" đến cả ý thức (có tính tự giác, tỏ
tường) nên có thể tiêu trừ tương đối được. Tuy nhiên, muốn tiêu trừ
tham-sân hoặc chế ngự tham-sân ở mức độ (nào đó được qui ước là) hợp lý
thì ý thức phải thực sự thông tuệ, thực sự thấu suốt về nhân tình thế
thái (cực khó để đạt được như thế đấy nhé!!!), mà trong Đạo Phật trạng
thái ý thức ấy được gọi là "giác ngộ", hơn nữa là "đại ngộ". Ý thức khó
đạt đến chí lý, chí tình được là vì sự ngăn cản, "quậy phá" (ngay từ
đầu!) của hai yếu tố chính yếu: trình độ nhận thức về tự nhiên-xã
hội-nhân sinh và chính cái tham cố hữu trong lòng người. Một ý thức chưa
thực sự giác ngộ thì có nghĩa vẫn còn mê muội, lầm lạc, hay nói như Đạo
Phật là còn bị "si". Vậy thì cái si cũng là vốn có ở mỗi con người
nhưng nó ở trạng thái "yếu" hay "mạnh" lại là do tình thế cuộc sống và
tinh thần xã hội chi phối. Chẳng hạn, trong xã hội có năng lực chế tác
to lớn, tự do sản xuất hàng hóa (xã hội tư bản), tất yếu dẫn đến cạnh
tranh thị trường với mọi thủ đoạn có thể để tiêu thụ mà phương thức cơ
bản nhất, chính yếu nhất là kích thích tiêu dùng, nghĩa là khuyến dụ ý
thức đã si càng...si hơn nữa (!) bằng quảng cáo (quảng cáo tràn lan rõ
ràng là lợi bất cập hại!). Ý thức như thế nào thì ý chí (chủ đích tự
giác của trí não về chân lý, về đúng-sai, muốn đạt tới) như thế. Nếu
quan niệm lý trí là tư duy đã đạt đến thuần túy khách quan (nghĩa là chí
lý) thì ý chí là lý trí vẫn còn bị lũng đoạn bởi nhận thức còn hạn chế
bởi cảm tính chủ quan, "vướng víu" bản năng đầy bảo thủ của con người.
Mức độ si của ý thức
qui định mức độ tham-sân và khi ý thức lạc đến si cuồng thì tham-sân sẽ
bùng phát vô lối đến cao độ, thậm chí đến...vô độ lượng. Lúc đó, ý chí
sẵn sàng bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng thực hiện mọi thủ đoạn đê
hèn cũng như độc ác nhất. Và một khi ý chí ấy ở địa vị lãnh đạo (nghĩa
là nắm được quyền lực nhất định) thì...thôi rồi!!! Như vậy, qui kết lại,
con người gây ra khốn khổ, đau thương cho đồng loại trong xã hội là tại
tham-sân-si thái quá với vai trò "đầu tàu" là "đồng chí" si - sự mê
muội, lầm lạc, và sự mê lầm này rốt cuộc, theo Đức Phật là do vô minh
(không biết, chưa "đốn ngộ").
Nhận xét
Đăng nhận xét