Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

SÂU THẲM TÌNH QUÊ 8

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những bài thơ hay về quê hương

  

QUÊ HƯƠNG

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được
Chưa đánh roi nào đã khóc
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời…
Đơn vị đi qua tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi
Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
- Chuyện chồng con… (khó nói lắm anh ơi)!
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn, ngậm ngùi
Em để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật:
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xé lòng anh chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
                                                Giang Nam
      

                     NHỚ CON SÔNG QUÊ HƯƠNG

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm của dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió bể
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi ! Lòng tôi cũng như sông
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mong ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương.
                                                  Tế Hanh 

                                                                                   QUÊ HƯƠNG
                 Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
 Quê hương là đêm trăng tỏ
 Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
 
Quê hương là vàng hoa bí
    Là hồng tím giậu mồng tơi
 Là đỏ đôi bờ dâm bụt
         Màu hoa sen trắng tinh khôi
       Quê hương mỗi người chỉ một
       Như là chỉ một mẹ thôi
    Quê hương có ai không nhớ
                      Sẽ không ớn nổi thành người
                                        Đỗ Trung Quân
                  CON SÔNG QUÊ
      Sông quê nước mát ngọt ngào
Trải mềm như giải lụa đào uấn quanh.
      Chảy qua đồng lúa tươi xanh
Làng quê cây trái bức tranh đôi bờ
      Dáng ai nghiêng nón đợi chờ
Gió vờn mái tóc vật vờ lưng ong.
      Con thuyền rẽ nước sang sông
Trời xanh mây trắng bềnh bồng lướt trôi.
      Chiếc diều dảo vá mảnh trời,
Con chuồn chuồn ớt đậu chơi vó bè.
      Cánh cò chới với rặng tre
Bóng chim bói cá rập rè trên không.
      Lộc bình ai thả xuống sông
Để chùm hoa tím bềnh bồng trôi theo.
      Thuyền ai về đậu thả neo
Bâng khuâng làn điệu hát chèo ngân xa!
       Sông quê mang nặng phù sa
Tưới cho đồng ruộng quê nhà tươi xanh.
      Dù cho nay chốn thị thành,
Dấu bao kỷ niệm bức tranh quê nhà.
                                      Trần Thanh Hải
          MÀU ÁO QUÊ HƯƠNG
Tưởng rằng hạnh phúc nơi xứ lạ
Ngày tháng êm đềm lặng lẻ trôi
Từng giọt càfê đen xám sậm
Dòng sông lờ lửng bạt sáng ngời

Ký ức kéo về vùng dĩ vãng
Ba mươi năm dằng vật không ngơi
Làm gì cho hết cuộc đời nhỉ
Chẳng lẻ cho mình sống thảnh thơi!

Gót chân lưu lạc khắp đó đây
Ta phải là ta ở chốn này
Hay là khách lạ khung trời mới
Lặng lẻ chân buồn chỉ đất trời

Khi nào ta được ôm lòng đất
Phản phất bên nương nước cuống bườm
Có lẻ ta buồn hơn nổi buồn
Tự do màu áo của em thương.

                                     NHỚ QUÊ HƯƠNG

Quê hương ơi! Riêng gì “chùm khế ngọt”
Đâu riêng gì những “nón lá nghiêng che”
Quê hương là có cả những đông, hè
Có hôm quà ngọt, có ngày đòn roi

Quê hương ơi! Riêng gì những bãi soi

Những ruộng đồng, thảm cỏ xuân xanh biếc
Quê hương có cả ngày hè oan nghiệt
Cháy trọc đồi, tóc mẹ ngả màu cam

Quê hương là mái tranh chiều khói lam

Chập choạng tối thơm nồng hương mẹ thắp
Đứa em nhỏ cột dây thay cho cặp
Trường làng xa không đuổi kịp mặt trời

Quê hương ơi! Ai cũng có một thời

Rồi “cơ hội” níu ta về lối khác
Bỏ người thân, người thầy vương tóc bạc
Chẳng biết gì nhau, chẳng hay qua đời


Quê hương ơi! Riêng gì “thuở còn thơ”

Riêng gì “hàng tre, con sông xanh biếc”
Quê hương là quãng đời mang luyến tiếc
Nén cả vào một góc của con tim

Quê hương là bức thư tình mực tím

Ngày lại ngày chưa biết cách trao nhau
Chiều tan trường một rừng tuyết phau phau
Chiếc xe đạp, tà áo em hoàng hạc!

Quê hương ơi! Những chiều mây trắng bạc

Thằng em thơ đủng đỉnh lưng trâu về
Cha cuốc ruộng lưng khòm giữa đồng quê
Tối mịt về đèn pin là điếu thuốc

Quê hương ơi! Nhớ từng nét mặt người

Cười rất giòn dù cái vui đơn giản
Luống mạ non hoặc đồi trơ đá sạn
Cũng câu chào, cũng tiếng hỏi thăm nhau

Quê hương ơi! Nhớ cả những thân cau

Mùa bão đó gãy ngang còn khúc gốc
Cây cầu cũ nửa kim liền nửa mộc
Chân Ngoại gầy gồng gánh ngại phải qua
                                              

                                              Ngô Hữu Đoàn

       QUÊ HƯƠNG TÔI
Quê hương tôi là bờ cõi Việt Nam
Nơi sinh tôi con sông dài chảy dốc
Bãi cát trắng những đêm trăng thần thoại
Những mùa bão dông dệt thành tuổi thơ

Quê hương tôi dãi đất dài Miền Trung

Dang đôi tay nối hai miền Nam Bắc
Tuổi thơ tôi những đêm nằm tỉnh giấc
Đếm xe tàu quê hương đi qua.

Quê hương tôi có Sông Trà Núi Ấn

Người quê tôi đã đi khắp mọi miền
Quảng Ngãi ơi! Sao mà thân thương thế
Chiều ba mươi sao chưa thấy anh về?

Quảng Ngãi ơi!

Những đứa con ở hai đầu Nam Bắc
Về chưa con? Mẹ đợi bữa cơm nồng
Về đây xây công trình ngăn giông bão
Xây cho em con thêm một mái trường

Quảng Ngãi ơi!

Những đứa con nhiều năm xa xứ
Về đi con? Nắng úa đồi đã vàng
Về đây xây bình minh cho ngày mới
Xây cho em con thêm một cây cầu

Quê hương tôi mẹ đã may áo mới

Bạn bè tôi đã hứa hẹn ngày về
Tàu sẽ dừng lâu hơn ga Quảng Ngãi
Kịp ấm bàn tay với mẹ với em.


                                   Ngô Hữu Đoàn

           QUÊ HƯƠNG

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm nay, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
                                                           Tế Hanh

 

NHỚ CƠN MƯA QUÊ HƯƠNG

Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.
Ôi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương.
Như những con người biết mấy yêu thương.
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm.
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ
Những tàu chuối bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé
Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên
Mấy tấm mo cau là mấy chiếc thuyền
Mưa cuốn đi rồi.
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội
Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi,
Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời.
Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng
Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống
Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông,
Ôi cơn mưa quê hương.
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát.
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa ơi
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá,
Thầm thì rào rạt vang xa…
Có lúc bỗng phong ba dữ dội
Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối.
Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm,
Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa mưa giông.
Nghe như tiếng của Cha Ông dựng nước,
Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa.
Đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa…
Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trổi
Thấy sánh xanh trên những cành xanh nắng rọi
Mưa ơi mưa, mưa gội sạch những cành non
Mang đến mùa xuân những quả ngọt tươi ngon.
Ôi vui quá không thấy chim đâu cả
Mà bờ tre nghe giọng hót trong lành.
Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rã,
Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh.
                        * * *
Mấy cô gái bên kia sông giặt áo
Tay rẩy nước. Bỗng mưa rào nho nhỏ
Cánh tay cô hay cánh gió nhẹ đưa
Rung cành tre rơi nhỏ một cơn mưa…
Ôi yêu quá mấy hàng dừa trước ngõ
Rễ dừa nâu, muờn mượt gân tơ
Đường tạnh ráo, đất lên màu tươi mởn
Đã yêu rồi sao bổng thấy yêu hơn…
Quê hương ơi, mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi,
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng lại xót đau…
Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…
Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã…
                                                         Lê Anh Xuân

                             NƯỚC VỚI QUÊ

Đêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối mặn nồng ngọt ngào chuyện cũ
Ôi nhớ sao,
Mảnh vườn quê hương ta đó
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ
Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ
Hạt khô giòn trong nắng nhỏ xôn xao
Rồi những ngày ngâu trần chum nước gốc cau
Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ
Bắc ấm nước mưa con ngồi nhóm lửa
Nụ tích mấy mùa mẹ lại xẻ ra pha
Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi
Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi
Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao
Có gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
Trận thuỷ chiến nước dâng lên cuồn cuộn
Cô láng giềng lén sang nghe trộm
Bỗng hỏi dồn:
Sơn Tinh thắng hay không?
Mẹ ơi
Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông
Ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ
Tháng năm rồi vối trong vườn kết nụ
Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?
Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối
Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương
Súng chắc trong tay gạo cuốn bên sườn
Theo bước chân nhau gạt cây băng tới
Đất nước mình còn đạn thù cày xới
Giục giã chúng con nhanh bước trong mưa
Mẹ hãy nói giùm con cô gái tuổi thơ:
- Ta sẽ thắng như Sơn Tinh thuở trước
Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước
Bên ấm vối nồng kể lại mẹ những chiến công
Thoang thoảng đầu nhà nụ vối đưa hương
                                                              Nguyễn Trọng Định

     LÀNG QUAN HỌ

Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng Quan họ
Những cánh buồm nhớ thuơng
Câu ca đầu ngọn gió
Mẹ giặt yếm bên sông
Đêm trăng thanh hát gọi
Con nuớc chảy lơ thơ
Con cò đi lặn lội
Tháng Giêng mùa hát hội
Áo nâu ướp huơng trầm
Nón thúng quai thao rủ
Buông dài nếp xống thâm
Chen nhau sau khóm trúc
Trồng cơm vỗ bập bùng
Mắt như dao cau ấy
Nhìn bên Đoài bên Đông
Cửa đình hồ bán nguyệt
Chị cả tựa mạn thuyền
Anh hai ngồi bẻ lái
Quan họ về trao duyên
Anh dắt em qua cầu
Cởi áo đưa cho nhau
Nhớ về nhà đòi mẹ
Gió bay rồi còn đâu
Làng Quan họ quê tôi
Những ngày bom Mỹ dội
Quán đổ dưới gốc đa
Chín nhịp cầu đứt nối
Pháo lên núi Thiên Thai
Súng truờng lên Quán Dốc
Loan phượng vẫn ăn xoài
Vuờn xoan đào vẫn mọc
Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát
Mẹ mang nuớc lên đồi
Yêu các con mẹ hát
Bao nhiêu máy bay rơi
Sau mái đầu tóc bạc…
Thuyền thúng thuyền thúng ơi
Có ghé về tỉnh Bắc
Nghe tiếng hát quê tôi
Trên tầm bom đạn giặc.
                                        Nguyễn Phan Hách

TRỞ VỀ QUÊ NỘI

 

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.
Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ… thương nhớ lắm
Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
Mẹ lưng còng tóc bạc
Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe
Tám em bé chết vì bom xăng đặc
Trên đường đi học trở về
Giặc giết mười người trong một ấp
Bà con khiêng xác chất đầy ghe
Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
Làng ta mấy lần bom dội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre,
Mẹ dựng tạm mái lêu che mưa che gió.
Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tần tảo sớm hôm
Nuôi các anh ta dười hầm bí mật
Cả đời mẹ hy sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất, giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.
Ta có ngờ đâu em ta đấy
Dưới mái lều kia em đã lớn lên
Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương
Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.
                                                  Lê Anh Xuân

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TA

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Ðất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Ðạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Việt Nam đất nắng chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung
Ðất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ
Nước bâng khuâng những bến đò
Ðêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
Ðói nghèo nên phải chia ly
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường
Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan…
                                       Nguyễn Đình Thi

                  MIỀN QUÊ

Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu
Mùa xuân, là mùa xuân đấy
Thả chim, cỏ nội, hương đồng
Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
Gõ sừng lên mảnh trăng cong
Có gì xôn xao đằm thắm
Bao nhiêu trông đợi chóng chầy
Đàn em tóc dài mười tám
Thương người ra lính hôm mai
Để rồi bao nhiêu gió thổi
Bên giếng làng, ngoài bến sông
Có tiếng hát như con gái
Cao cao như vầng trăng trong…

                          Nguyễn Khoa Điềm

   VÀM CỎ ĐÔNG

Ở tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết:
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!
Đây con sông xuôi dòng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi
Đây con sông như dòng sữa mẹ
Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày
Đây con sông như dòng lịch sử
Sáng ngời tên từ thuở Cha Ông
Đã bao phen đoàn quân cảm tử
Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng
Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông
Nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng
Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ
Giặc đi đời giặc, sông càng trong
Có thể nào quên những đêm thâu
Thức với sao đêm, anh đánh tàu
Má đem cơm nóng ra công sự
Nghe tàu Mỹ rú, giục “ăn mau”
Có thể nào quên cô gái thơ
Bơi xuồng thoăn thoắt dưới trăng mờ
Đưa đoàn “Giải phóng” qua sông sớm
Bên sông, bót giặc đứng sờ sờ
Có thể nào quên những con người
Tóc còn xanh lắm, tuổi đôi mươi
Dám đổi thân mình lấy tàu giặc
Nụ cười khi chết hãy còn tươi
Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm
Từng con người làm nên lịch sử
Và dòng sông trong mát quanh năm
Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng mái nhà nép dưới rặng dừa
Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ
Từng mối tình hò hẹn sớm trưa…
Ở tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!
                                                     Hoài Vũ

                             ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê .
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề .
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au .
Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.
Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.
Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.
                                             Đoàn Văn Cừ

BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp loáng
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu? Về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu? Về đâu?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gãy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống bên dòng sông Đuống
- Con là ai? – Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi… cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu…”
Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
                                      Hoàng Cầm
                                           (Việt Bắc, tháng 4-1948)
Xem tiếp...

AN CHI GIẢI ĐÁP 22

(ĐC sưu tầm trên NET)


Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

52. (KTTN 106, ngày 15-4-1993)
Mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay số 95 đã không giải đáp dứt khoát thành ngữ “mười hai bến nước” mà chỉ mới xác định cách giảng của Huình-Tịnh Paulus Của “hợp lý hơn” cách hiểu do ông Triệu Văn Cẩn nêu lên. Ngoài cách hiểu mà ông Triệu Văn Cẩn đã nêu, còn có thể hiểu “mười hai bến nước” là 12 nghề nghiệp trong xã hội ta ngày xưa: sĩ, nông, công, thương, nho, y, lý, bốc, ngư, tiều, canh, mục hoặc là 12 tuổi tính theo thập nhị chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, v.v…

AN CHI: Trên Kiến thức ngày nay số 95, chúng tôi có nói rằng đây là chuyện do từ nguyên dân gian gây ra nhưng vì vấn đề hơi phức tạp nên chúng tôi có hẹn đến một dịp khác sẽ trình bày rõ. Nay xin nói vắn tắt như sau. Hai danh từ bến và thuyền vẫn được dùng theo ẩn dụ để chỉ người con gái và người con trai trong quan hệ đính ước, hẹn hò. Từ cách dùng này, đi xa thêm một bước, bến lại được dùng để chỉ số phận của cá nhân, thường là phụ nữ, trong quan hệ nhân duyên.

Chữ nhân ở đây viết là 姻 và nhân duyên được Mathews’ Chinese-English Dictionary giảng là “the fate or influence which brings lovers together” nghĩa là “số phận hoặc ảnh hưởng gắn bó (hai) người yêu với nhau”. Bến nước trong thành ngữ mười hai bến nước chính là thứ nhân duyên này.

Nhưng trong tiếng Hán lại còn có một thứ nhân duyên khác, với chữ nhân viết là 因. Đây là nhân duyên của nhà Phật mà cũng quyển từ điển trên đã giảng như sau: “the cause which produces effects in the future life” nghĩa là cái nhân tạo ra những cái quả trong kiếp sau”. Theo điển lý nhà Phật thì có tất cả mười hai nhân duyên, tiếng Hán gọi là thập nhị nhân duyên.

Do cách hiểu theo từ nguyên dân gian – mà vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi không thể nói kỹ tại đây – nên người ta mới đánh tráo thứ nhân duyên của thần Ái tình vào chỗ thứ nhân duyên của nhà Phật mà diễn nôm thập nhị nhân duyên thành muời hai bến nước. Hóa cho nên chỉ có hai bến như Huình-Tịnh Paulus Của đã nói “hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục (…) may thì nhờ, rủi thì chịu” đó mà thôi. Từ điển gia của chúng ta đã không thấy được hiện tượng từ nguyên dân gian nên mới viết rằng “tiếng nói mười hai bến nước là nói cho vần”. Nhưng ông vẫn rất đúng ở chỗ ông không thừa nhận rằng ở đây hai tiếng mười hai có ý nghĩa xác thực như khi chúng được phân bố cho những ngôn cảnh bình thường khác.

Để cho rõ hơn, chúng tôi xin được nhắc đến lý thuyết hữu quan của nhà từ nguyên học tiên phong hiện đại người Pháp là Pierre Guiraud trong cuốn Les locutions françaises (Paris, 1973). Đó là chương V mang tiêu đề “Accidents linguistiques” (Các sự cố ngôn ngữ) trong đó tác giả đã bàn đến những sự đan chéo hình thức (croisements des formes) và những sự lan truyền ý nghĩa (contaminations de sens) giữa các thành ngữ và từ ngữ với nhau. Phàm đối với những thành ngữ hóc búa kiểu mười hai bến nước mà khi nghiên cứu lại không xét đến các hiện tượng trên đây thì khó lòng tìm ra sự thật. Ở đây, nhân duyên của thần Ái tình đã lây nghĩa cho nhân duyên của nhà Phật nên mới tạo ra lối nói oái oăm đó.

Mười hai thành phần đã kể ra chỉ là kết quả của một sự liệt kê trùng lặp cốt tìm cho đủ con số vì nho cũng là sĩ mà canh cũng là nông. Hiểu theo nghĩa rộng, nho, y, lý, bốc, cũng lại là sĩ cả. Mười hai địa chi cũng không liên quan gì đến thành ngữ đang xét.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

53. (KTTN 106, ngày 15-4-1993)
Xin góp ý cho mục Chuyện Đông chuyện Tây ở Kiến thức ngày nay số 98 như sau: Tiếng Pháp Ouïes de poissons và tiếng Anh the gills of a fish là khứu giác của cá. Trừ tác giả Chuyện Đông chuyện Tây, không có ai nói tai con cá là mang của nó cả.

AN CHI: Ouïes de poissons và the gills of a fish chính là mang cá. Riêng tiếng Pháp ouïe thì có nghĩa gốc là thính giác chứ không phải là “khứu giác”. Vẫn biết trừ chúng tôi ra không ai nói tai là mang cá nhưng xin được thưa thêm như sau. Con “cá vức bốn tai” trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mà chúng tôi đã dẫn chính là con cá mà Hán ngữ gọi là tứ tai lô, nghĩa là “cá lô bốn mang”. Ba tiếng tứ tai lô đã được Từ hải giảng như sau: “Môt loại cá lô, dài khoảng bốn, năm tấc (tấc Tàu - AC), miệng rộng đầu to, hai cái mang bành rộng ra, để lộ những đường vân đỏ tía, tựa như là có bốn mang (tứ tai) cho nên gọi là cá lô bốn mang (tứ tai lô), tục gọi là cá bốn mang (tứ tai ngư)”. Từ hải còn dẫn thêm Chính tự thông như sau: “Cá lô ở mọi nơi đều (chỉ có) hai mang, riêng (cá lô) Tùng Giang thì (có) bốn mang”. Trong giới động vật, có một nhóm gọi là nhóm bốn mang, tiếng Pháp là tétrabranche, thì tiếng Hán gọi tứ tai loại. Từ những điều trên đây suy ra, cá vức bốn tai chính là cá vức bốn mang. Không thể nào khác thế được.

Vậy, dù chỉ một mình chúng tôi nói, thì tai ở đây vẫn cứ là mang đó thôi!
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

54. (KTTN 106, ngày 15-4-1993)
Chuyện Đông chuyện tây trên Kiến thức ngày này số 98 có câu giải đáp về câu: “Dán bùa l. mèo. Xin có đôi lời góp ý như sau. Cái đầu hồi nhà, miền Bắc gọi là vỉ ruồi, miền Trung gọi là khu bị, miền Nam có nơi gọi là khu đĩ. Chưa nghe ai gọi đó là cái l. mèo. Câu “Dán bùa l. mèo” bắt nguồn từ một truyện cổ kể rằng họ hàng nhà chuột họp đại hội bàn cách tiêu diệt giống mèo là kẻ thù truyền kiếp của chúng. Một con chuột già bày cách đi tìm một phù thủy cao tay xin một lá bùa triệt sản để dán vào bộ phận sinh dục của con mèo cái cho mèo tịt đẻ. Bùa đem về rồi nhưng chẳng có con chuột nào dám xung phong đi làm cái nhiệm vụ hết sức vinh quang mà nguy hiểm đó nên rốt cuộc họa diệt chủng vẩn còn lơ lửng trên đầu. Vì thế câu “Dán bùa l. mèo” mới chỉ việc làm không đến nơi đến chốn. Còn về việc dám bùa trong nhà thì người dán là chủ nhà và chỗ dán là cây đòn dông chứ không phải là cái đầu hồi.

AN CHI: Vẫn có người gọi đó là cái l. mèo! Chẳng hạn Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ trong Việt Nam tự điển đã ghi và đã giảng như sau: “l. mèo Đầu hồi. Góc giụm hình tam giác nơi hai mái nhà giáp nhau”.

Chính cái dáng “góc giụm hình tam giác” đã gợi ý cho người bình dân gọi nó là cái l. đấy. Người miền Bắc gọi đầu hồi là đầu hồi, còn vỉ ruồi (= đầu hồi) là một hiện tượng lâm thời thuộc về lời nói chứ không phải là một đơn vị từ vựng cố định. Vỉ ruồi theo nghĩa đen xuất hiện trong phong trào vệ sinh yêu nước tại chiến khu Việt Bắc và một số vùng tự do khác thời kháng chiến chống Pháp. Người ta đan những vỉ nhỏ bằng tre, cỡ bàn tay và thường là hình tam giác để đập ruồi nên mới gọi là vỉ ruồi. Một ít người đã dùng lối ẩn dụ mà gọi cái đầu hồi nhà là vỉ ruồi nhưng đây tuyệt nhiên không hề là một cách gọi phổ biến. Đến như khu bị và khu đĩ thì đây lại là hai lối nói trại của thu kỉ (X., chẳng hạn, sđd của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ hoặc Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của) mà lối nói trại này suy cho đến cùng cũng là do ảnh hưởng gián tiếp của l. trong l. mèo (các từ khu, đít, trôn đều có thể dùng theo uyển ngữ để chỉ cái l.)

“Chuyện cổ” mà ông đã kể lại để giải thích sự ra đời của câu “dán bùa l. mèo” không phải là xuất xứ đích thực của thành ngữ này. Đó là lối giải thích mà ngữ học gọi là từ nguyên dân gian. Phàm khi người ta chưa hiểu được xuất xứ đích thực của một hiện tượng từ vựng thì người ta đặt ra một câu chuyện có liên quan đến nghĩa của từng yếu tố cấu thành nó để giải thích nguồn gốc của nó. Câu chuyện thường rất thú vị nhưng nó lại chẳng liên quan gì đến nguồn gốc đích thực của đơn vị từ vựng đang xét cả.

Về vấn đề người dán bùa và chỗ dán bùa mà ông đã nêu, để trả lời, chúng tôi xin trích dẫn Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương như sau: “Cách thức và những phong tục về sự làm nhà thực là bách quang thập sắc; từ nhà nghèo đến nhà giàu, từ miền này sang miền khác, nhất là xứ Bắc so với xứ Trung và xứ Nam, ta thấy khác nhau rất nhiều”. (Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, không ghi năm, tr. 179). Vậy không thể lấy những điều do ông nêu lên mà làm tiêu chuẩn để đánh giá đúng sai được.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

55. (KTTN 107, ngày 01-5-1993)
Tôi có thể tạm hiểu tiếng văn dùng làm chữ lót trong tên của phái nam đại khái là “nho nhã, thanh tao”. Nhưng tiếng thị dùng làm chữ lót trong tên của nhiều người thuộc phái nữ thì xin chịu.

AN CHI: Về vấn đề này, Lê Trung Hoa có cho biết như sau: “Chúng tôi đọc thấy một điểm đáng chú ý trong cuốn Les langages (sic) de l’humanité của Michel Malherbe (…): có lẽ tên đệm Văn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập ben (con trai) và tên đệm Thị cũng có từ tiếng Ả Rập binti (con gái) do các thương nhân Ả Rập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Tuy tác giả không nêu cứ liệu, chúng tôi thấy có khả năng đúng, vì: về ngữ âm ben cho ra văn, binti cho ra thị là có thể chấp nhận; - Việt Nam chịu ảnh hưởng “họ” của người Trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa trước đây và hiện nay không dùng từ đệm văn và thị phổ biến như người Việt Nam (Họ và tên người Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.62, chth.1).

Theo chúng tôi thì nói ben có thể cho ra văn còn binti có thể cho ra thị chẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp petit đã cho ra tiếng Việt bé tí còn colosse thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói tiếng Ý ciao đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha niño thì đã cho ra nhỏ nhí.

Thật ra thị là một từ Việt gốc Hán, chữ Hán viết là 氏. Đây là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Nghĩa này của nó được Từ nguyên và Từ hải ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị) còn Vương Vân Ngũ đại từ điển thì ghi là “phụ nhân” (đàn bà) và Mathews’ Chinese English Dictionary thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ). Từ nguyên còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay thị cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ). Trong tiếng Việt, nó còn có một công dụng mà Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi như sau: “Từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh”. Vậy rõ ràng thị có nghĩa là đàn bà.

Nhưng do đâu mà nó trở nên tiêng lót, tức tên đệm của phụ nữ? Tất nhiên là từ công dụng của nó trong tiếng Hán mà ra, sau một quá trình chuyển biến ngữ nghĩa. Công dụng này đã được Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau: “Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là người đàn bà mà họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu.

Người Việt Nam ngày xưa đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt thị sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là người đàn bà họ X tên Y. Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công (= ông) mà dân Nam bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là ông (được tôn kính) họ Trương tên Định. Hoặc như chính của người Trung Hoa khi họ khắc trên mộ chí của Trương Khiên mấy chữ Trương Công Khiên (chi mộ), có nghĩa là (mộ của) ông (được tôn kính) họ Trương tên Khiên. Vậy cứ như đã phân tích, Nguyễn thị A là người đàn bà họ Nguyễn tên A, Trần thị B là người đàn bà họ Trần tên B, còn Phạm thị C là người đàn bà họ Phạm tên C, v.v…

Cách hiểu nguyên thủy này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì không còn hiểu được công dụng ban đầu của thị nữa nên người ta mới dùng nó làm tiếng lót, nghĩa là tên đệm, cho các bé gái khi chúng vừa mới lọt lòng mẹ. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng thị để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành, và rằng thị chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.

Ý nghĩa và xuất xứ của thị theo chúng tôi đại khái là như thế. Chứ tiếng binti của các chú lái buôn người Ả Rập thì chẳng có liên quan gì với nó cả.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

6. (KTTN 107, ngày 01-5-1993)
Có phải Hằng Nga (vợ của Hậu Nghệ trong thần thoại Trung Hoa) còn có tên là Thường Nga hay không? Tại sao?

AN CHI: Vâng, Hằng Nga còn có tên là Thường Nga. Trước đời Hán Văn Đế (179-156 tr. CN), người ta vẫn gọi nàng tiên đã ăn cắp thuốc trường sinh này là Hằng Nga. Nhưng từ đời Văn Đế nhà Hán thì do kỵ húy mà nàng đã được cải gọi là Thường Nga vì tiếng thứ nhất trong tên của nàng lại trùng với tên húy của Văn Đế. Tên húy của ông vua này chả là Hằng. Chữ viết tuy khác nhau nhưng cách phát âm lại là một, cho nên người ta đã phải tìm cách thay tiếng Hằng trong tên của nàng bằng một tiếng khác. Người ta đã chọn cho tiếng hằng một từ đồng nghĩa là thường vì tiếng sau có chung với tiếng trước một nét nghĩa là “diễn ra hoặc tồn tại lâu dài trong thời gian”. Cứ theo như từ nguyên, Hằng Nga hay Thường Nga đều có nghĩa là sắc đẹp vĩnh cửu hoặc người đẹp trường tồn (nga là người con gái đẹp hoặc sắc đẹp của người con gái).

Chính vì những lẽ trên mà Hằng Nga còn có tên là Thường Nga. Trong tiếng Hán phổ thông hiện nay (tiếng Bắc Kinh) Thường Nga có xu hướng thông dụng hơn Hằng Nga chính cũng là do tục kỵ húy ngày xưa mà ra.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

57. (KTTN 108, ngày 30-4 & 01-5-1993)
Xin gởi lời giải đáp câu hỏi về hai tiếng cù là (Kiến thức ngày nay số 99, mục Chuyện Đông chuyện Tây) như sau. Kẹo chocolat nhập từ Pháp khoảng thập niên 1920 – 30. Người biết đọc tiếng Pháp phát âm là sô-cô-la còn giới bình dân thì đọc trại ra là súc-cù-là. Đa số người sinh sống tại Sài Gòn - Chợ Lớn thường gọi màu nâu là màu sô-cô-la hay súc-cù-là. Bấy giờ, hiệu Nhị Thiên Đường có bào chế loại dầu gió ở dạng sáp mềm có màu súc-cù-là. Loại dầu này ban đầu được gọi là dầu súc-cù-là, về sau gọi gọn là dầu cù là. Khoảng đầu thập niên 60, dầu cù là Mac Phsu được nhập từ Miến Điện, tuy chẳng có màu cù là nhưng cũng được gọi là dầu cù là. Ngôn ngữ là thế!

AN CHI: Người Nam bộ chưa bao giờ phiên âm chocolat thành “súc-cù-là”. Đây là dạng phiên âm của người miền Bắc. Là người sanh ra và lớn lên tại Sài Gòn – Chợ Lớn, từ cha sanh mẹ đẻ, chúng tôi chưa hề nghe dân ở đây gọi chocolat bằng ba cái âm đó. Vì thế họ cũng không hề gọi màu chocolat là màu “súc-cù-là”.
Học giả Vương Hồng Sển, người thông thạo về cổ tích và sinh hoạt của đất Sài Gòn và đất Nam Bộ, đã nghe người bình dân Nam Bộ gọi chocolat là sô-cu-la từ hồi còn bé. Xin chép hiến ông lời của học giả này như sau: “Thuở nhỏ tôi có được nghe đám con nít ở chợ Sóc Trăng hát như sau: “Ac-tap-lách Sô-cu-la Canh-ti-na Bồn-Kèn (…). Về sau khi lên học trường Sài Gòn, tôi mới được nếm mùi tấm tablette de chocolat bán tại góc đường Catinat và Bonard gần Bồn-Kèn tôi mới thấy rõ có lẽ câu này thuở ấy là do một món quà sang trọng hiếm có (món chocolat – AC) được đem về xứ quê, chợ Sóc Trăng yêu mến của tôi, nhưng bởi phát âm không rành nên nghe trại bẹ như vậy chăng? (Sài Gòn năm xưa, Thành Phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.106). Thế là dân “xứ quê Sóc Trăng” đã gọi chocolat thành “sô-cu-la” từ ngót 80 năm nay và nói chung dân Nam Bộ chưa bao giờ gọi chocolat là “súc-cù-là” cả.

Dầu cù là Mac Phsu cũng không nhập vào Sài Gòn hồi thập kỷ 60 như ông nói mà trước đó rất lâu. Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là Nguyễn Trãi, quận Một), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình. Nhưng trước khi dầu cù là Mac Phsu có tổng đại lý tại Sài Gòn thì dân miền tây Nam Bộ đã biết đến nó từ lâu, vì cuối thế kỷ XIX người Cù Là (= Miến Điện) đã đến buôn bán tại đó. Họ đã thành lập xóm gọi là xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số. Xóm Cù Là này nay hãy còn tên (X. Sơn Nam, Việc khẩn hoang vùng Rạch Giá, Tập san Sử Địa, số 19-20, Sài Gòn, 1970, tr.178).

Vậy xin vui lòng tách ba tiếng “súc-cù-là” ra khỏi từ nguyên của danh từ dầu cù là.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

58. (KTTN 109, ngày 15-5-1993)
Theo tôi, ông trả lời về khái niệm “La Hán” (Kiến thức ngày nay 105) như thế rất đúng nhưng tên gọi từng vị thì khác. Theo tư liệu của Vụ bảo tồn bảo tàng thì tên của 16 vị La Hán là : 1. Tuyết Sơn, 2. Di Lặc, 3. Thương Na Hòa Tu, 4. Phú Na Dạ Sa, 5. A Nan Vương, 6. Ba Tu Mật, 7. Phật Đà Nan Đề, 8. Phúc Đa Mật Đa, 9. Hiếp Tôn Giả, 10. Mã Minh Ba La, 11. Già Bi Ma La, 12. Long Thụ Tôn Giả, 13. La Hầu La Đà, 14. Tăng Già Nan Đề, 15. Cưu Ma La Đa, 16. Đồ Da Đà. Đây là 16 vị La Hán ở chùa Tây Phương. Vậy 16 vị này là ai so với 16 vị trong “Pháp trụ ký” của Nan Đề Mật Đà La?

AN CHI: Nếu đúng như ông đã nêu thì tư liệu của Vụ bảo tồn bảo tàng hoàn toàn sai. Tuyết Sơn, tức Himalaya, chỉ là một địa danh liên quan đến sự tích Thích Ca. Di Lặc là tên đức Phật vị lai hiện còn ở trên tầng trời Đâu Suất (theo Phật giáo đại thặng, ngài là một vị Bồ Tát. Còn lại là tên các vị trong 28 vị tổ sư (nhị thập bát tổ) của đạo Phật.

A Nan Vương - Tổ thứ 2
Thương Na Hoà Tu - Tổ thứ 3
Ba Tu Mật - Tổ thứ 7
Phật Đà Nan Đề - Tổ thứ 8
Phúc Ma Mật Đa (chính là Phục Ma Mật Đa) - Tổ thứ 9
Hiếp Tôn Giả - Tổ thứ 10
Phúc Na Dạ Sa - Tổ thứ 11
Mã Minh - Tổ thứ 12
Già Bi La Ma (tức Ca Tỳ Ma La)- Tổ thứ 13
Long Thụ Tôn Giả - Tổ thứ 14
La Hầu La Đà - Tổ thứ 16
Tăng Già Nan Đề - Tổ thứ 17
Cưu Ma La Đa - Tổ thứ 19
Đồ Da Đà (tức Xà Da Đa) - Tổ thứ 20

Dân gian có thể nhầm lẫn mà cho rằng các vị La Hán tuy đã đắc đạo nhưng vẫn còn sống ở cõi trần để tế độ chúng sinh (đây thực ra là đặc điểm của các vị Bồ Tát) chứ cơ quan chức năng như Vụ bảo tồn bảo tàng thì không thể biến 14/28 vị tổ sư của đạo Phật thành các vị La Hán, vì điển tích Phật học đã có ghi rõ danh sách riêng biệt của nhị thập bát tổ và thập lục La Hán.

Danh sách 16 vị La Hán mà chúng tôi đưa ra hoàn toàn thống nhất với danh sách của Đoàn Trung Còn trong Phật học từ điển, có khác là khác ở hình thức phiên âm mà thôi, thí dụ: KTNN Tân Độ La Bạt La Đọa = PHTĐ Tân-đô-la-bạt-ra-đọa-xà, KTNN Già Nặc Già Phạt Sa = PHTĐ Ca-nặc-ca-phạt-sa, KTNN Nhân Kiệt Đà = PHTĐ Nhơn-yết-đà, v.v… Đó là tên của 16 vị La Hán đã được đức Phật phái đi truyền bá đạo Phật ở nước ngoài, làm thành danh sách quen thuộc trong kinh điển xưa nay. Còn số lượng các vị La Hán thì rất nhiều vì tương truyền rằng có đến 1250 đệ tử của Phật đã đắc quả A La Hán.

Cơ quan chức năng mà sai đến như thế thì văn hóa nước nhà còn ra làm sao!
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

59. (KTTN 109, ngày 15-5-1993)
Trên Kiến thức ngày nay số Xuân Quý Dậu (tr.26), Huệ Thiên đã cho rằng hai tiếng gà đồng trong thành ngữ mèo mả gà đồng là con gà hoang chứ không phải con ếch. Những năm học trung học trước giải phóng, thầy dậy Quốc văn có giải thích cho chúng tôi thành ngữ trên như sau: “Nghĩa đen: Đến mùa động dục, họ hàng nhà mèo tìm nơi thanh vắng để làm tình, chẳng hạn như nơi gò mả hoang vắng. Còn họ nhà ếch (gà đồng) bắt từng cặp với nhau ngoài đồng ruộng khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống. Nghĩa bóng: ở đây chỉ bọn thanh niên lêu lổng có tình cảm lăng nhăng bậy bạ”. Vậy gà đồng trong thành ngữ nói trên là con ếch hay con gà hoang như Huệ Thiên đã nói?

AN CHI: Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng giảng như thầy của ông. Nhưng đó là một cách giảng không đúng. Từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập đã đúng khi giảng rằng thành ngữ đang xét đồng nghĩa với mèo đàng, chó điếm, dùng để chỉ “những kẻ điếm đàng, du thủ du thực". Đây cũng là cách giảng của Đào Duy Anh trong Từ điển truyện Kiều mà chính ông cũng đã trích dẫn trong thư: “Mèo ở mả, gà ở đồng, không ở nhà, chỉ những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng”. Nguyễn Thạch Giang cũng giảng: “Mèo hoang sống kiếm cái ăn nơi nghĩa địa, gà hoang sống ở đồng nội, ví như hạng người vô lại, không có sở cứ nhất định (Truyện Kiều, Hà Nội, 1972, tr.438, câu 1731). Còn sau đây là lời của Nguyễn Quảng Tuân: “Giảng “gà đồng” là con ếch thì chẳng có nghĩa gì. Mèo mả gà đồng ở đây được đặt đối nhau: mèo ở mả, gà ở đồng. Mèo ở mả là mèo hoang, sống ở tha ma. Gà ở đồng là gà hoang sống ở đồng nội. Người ta ví hạng vô lại, không có chỗ ở nhất định với loại mèo hoang sống lang thang ngoài nghĩa địa và với loài gà hoang sống lang thang ở ngoài đồng nội. Gà đồng đâu có phải chữ nói lóng mà giảng là con ếch!” (Chữ nghĩa Truyện Kiều, Hà Nội, 1990, tr.58)

Trên đây là cách hiểu của các nhà từ điển và nhà chú giải. Bây giờ đặt thành ngữ đang xét vào câu Kiều thứ 1731 và ngôn cảnh cụ thể của đoạn Kiều 1728-1737 là lời mắng mỏ của Hoạn bà thì thấy lời mắng mỏ này chẳng có liên quan gì đến chuyện “trên Bộc trong dâu”, nghĩa là đến chuyện quan hệ nam nữ lăng nhăng cả. Hoạn bà chỉ mắng kiều là hạng đàn bà con gái bỏ nhà đi hoang mà thôi.

Vậy gà đồng trong thành ngữ đang xét khác với gà đồng là con ếch, dịch từ tiếng Hán điền kê, và đương nhiên là chẳng có liên quan gì đến chuyện ếch bắt cặp khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống cả.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

60. (KTTN 110, ngày 01-6-1993)
Tại sao tiếng Pháp đã có Japon để chỉ nước Nhật Bản mà còn lại có tên là Nippon? Hai tên này có gì khác nhau?

AN CHI: Tiếng Pháp Japon cùng với tiếng Anh Japan, là phiên âm theo tiếng Hán giọng Bắc Kinh rì ben (âm Hán Việt là Nhật Bản) của hai chữ 日本. Còn Nippon là phiên âm thẳng từ tiếng Nhật; chữ Nhật, viết theo lối Romaji (La mã tự) cũng là Nippon. Đây là tên mà chính người Nhật dùng để gọi nước mình. Trong tiếng Pháp, chỉ có dạng phiên âm thứ nhất mới là thông dụng mà thôi. Người Mỹ cũng thâu nhận địa danh Nippon, do đó mà có tính từ Nipponese rồi danh từ Nipponese, nói tắt là Nip.
Khuất Quang Thìn

Default Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người

61. (KTTN 110, ngày 01-6-1993)
Ren, rua là hai tiếng rất quen thuộc trong nữ công. Có phải ren là do tiếng Pháp dentelle còn rua là do tiếng Pháp ajour mà ra không?

AN CHI: Rua thì đúng là do tiếng Pháp jour (hoặc ajour) mà ra, nhưng ren thì chẳng có liên quan gì đến dentelle cả vì nó lại do tiếng Bồ Đào Nha renda mà ra. Tiếng Bồ đã vào Việt Nam trước cả tiếng Pháp nhưng chỉ đem đến cho tiếng Việt có vài từ ít ỏi như:
- xà bông < sabāo (Pháp: savon),
- (dây) cót (dây thiều) < corda (Pháp: ressort hoặc spiral),
- (thêu) ren < renda (Pháp: dentelle),
- câu rút (cây thánh giá) < cruz (Pháp: croix).
Khuất Quang Thìn
Xem tiếp...

ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÂU? 4

 -Định hướng như ... cứt mà đòi lên "Thiên Đường".  
-Rồi đây, lịch sử sẽ chỉ rõ công - tội!

-------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)


Vì sao xuất khẩu nông sản, thực phẩm của ta liên tục bị các nước trả về?

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: internet)
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: internet)
Nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam, đóng góp 40% GPD và đảm bảo việc làm cho 70% số lao động. Thế giới biết đến ô tô của Đức, máy bay của Mỹ, sữa của Hà lan, máy ảnh của Nhật, thì Việt Nam cũng có các sản phẩm nổi tiếng như gạo, trái thanh long, bưởi năm roi, cà phê Trung Nguyên, hạt tiêu Phú Quốc… được thế giới thừa nhận. Nhưng thời gian qua, xuất khẩu nông sản, thực phẩm của ta liên tục giảm sút.
Đại Kỷ Nguyên sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này.
Lo ngại vì xuất khẩu nông sản, thực phẩm liên tục giảm
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2015 đạt 9,13 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, cà phê sụt giảm mạnh nhất cả về sản lượng và giá trị, khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đạt 466.000 tấn và 970 triệu USD, giảm 41% về khối lượng và 39,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm cũng chỉ ước tính đạt 1,95 triệu tấn với giá trị 849 triệu USD; giảm 4,8% về khối lượng và 9,2% về giá trị.
Có những mặt hàng sụt giảm mạnh về giá như cao su. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 259.000 tấn, với giá trị 371 triệu USD, tăng 37,7% về khối lượng nhưng giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong các mặt hàng nông sản chính, chỉ có hạt điều là vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm, khối lượng hạt điều xuất khẩu đạt 85.000 tấn (tăng 14,1%) với 635 triệu USD (tăng 36,3%).
Giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đạt 1,87 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mức giảm trên đã được cải thiện rất nhiều so với con số giảm 20,6% trong quý I. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở các thị trường như Trung Quốc (tăng 17%), Thái Lan (13%), và Hà Lan (gần 11%).
Riêng về tôm, Mỹ, EU và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch, trong quý I/2015, xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 116,3 triệu đô la Mỹ, giảm 55,8% so với cùng kỳ; sang EU đạt trên 108,5 triệu đô la Mỹ, giảm 3,1% và sang Nhật Bản đạt trên 103,7 triệu đô la Mỹ, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân không an toàn vệ sinh
Vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân rất đáng chú ý nhất. Theo tin từ Bộ Công Thương, tháng 5/2015, Bộ đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Hà Nội thông báo về việc một số nông sản phẩm xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út vi phạm các quy định về tiêu chuẩn khi nhập khẩu vào thị trường này.
Các mặt hàng nhập khẩu và hình thức vi phạm cụ thể như sau:
STT Mặt hàng nhập khẩu Hình thức vi phạm
1 Gạo nhài – Không đăng ký thông tin về sản phẩm gạo như: màu sắc, độ dài, tỉ lệ tấm;- Ghi lời quảng bá không được phép như “tuyệt hảo”;- Tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với tên trong chứng từ nhập khẩu;- Không ghi rõ mùa vụ;- Ghi trùng tên sản phẩm và trọng lượng tịnh;- Nhãn dán dễ bóc rời (được dán không đúng vị trí); – Không đăng ký thông tin bằng tiếng Ả-rập.
2 Gạo trắng hạt dài – Tên sản phẩm bằng nhãn dán thay vì phải in trực tiếp trên bao bì;- Tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với trong chứng từ nhập khẩu;- Không ghi rõ tỉ lệ tấm.- Không đăng ký xuất xứ và trọng lượng bằng tiếng Ả-rập.
3 Gạo hạt ngắn – Tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với trong chứng từ nhập khẩu;- Không ghi rõ tỉ lệ tấm;- Tên sản phẩm bằng nhãn dán thay vì phải in trực tiếp trên bao bì.
4 Hạt tiêu đen – Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép.
5 Mì ống, mì sợi trứng – Không có chứng nhận đã xử lý nhiệt đối với các sản phẩm có bột trứng.
6 Mì sợi thẳng – Không ghi trọng lượng tịnh bằng tiếng Ả-rập
7 Mì ăn liền vị bò – Không ghi rõ tên, thành phần bằng tiếng Ả-rập;- Có chứa chất béo không rõ nguồn gốc.
8 Mì ăn liền vị gà – Không ghi rõ tên, thành phần bằng tiếng Ả-rập;- Có chứa chất béo không rõ nguồn gốc.
9 Mì ăn liền vị tôm – Không ghi rõ tên, thành phần bằng tiếng Ả-rập;- Có chứa chất béo không rõ nguồn gốc.
10 Hạt điều – Có chứa vi khuẩn còn sống.
11 Tôm đông lạnh – Có chứa vi khuẩn Phipprobara Imolins
Đáng chú ý là, ngoài các nguyên nhân về tiêu chuẩn kỹ thuật thì vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép; sản phẩm chứa vi khuẩn còn sống, có chứa vi khuẩn độc hại là thuộc về quy trình nuôi trồng chưa đảm bảo an toàn ngay từ đầu.
Tôm xuất khẩu nhiễm chất cấm bị trả về hàng loạt
Tại hội nghị “Tác động của các FTAs đối với thương mại xuất nhập khẩu tôm của Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ ngày 6/5, ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó giám đốc NAFIQAD vùng 5, cho biết 3 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU đã cảnh báo và trả về 36 lô hàng chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, bằng gần 40% so với con số 92 lô của cả năm 2014.
Bốn tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp trong nước bị thị trường EU trả về 4 lô; Nhật Bản trả về 7 lô. Riêng đối với thị trường Mỹ trả về đến 25 lô, bằng hơn 50% số lô bị trả về trong cả năm 2014.


Tôm xuất khẩu nhiễm chất cấm bị trả về hàng loạt. (Ảnh minh họa. Nguồn baocongthuong)

Nguyên nhân số lô tôm bị cảnh báo, trả về nhiều là do việc kiểm soát lưu thông thuốc thú y; chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng chưa được thực hiện liên tục, chặt chẽ nên dẫn đến xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm, tồn dư thuốc thú y vượt mức cho phép.
Hãy sản xuất đảm bảo uy tín, an toàn vệ sinh
Trên đây chỉ là vài trường hợp rất nhỏ cho thấy vì sao xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng mất uy tín, ngày càng giảm. Chúng ta đã phải có biết bao nhiêu cố gắng mới đưa được sản phẩm đến với thế giới. Mà nông sản, thực phẩm của Việt Nam không phải là mặt hàng độc quyền, nhiều nước có các sản phẩm tương tự, vậy nên đã bán được hàng rồi thì cần phải cố gắng hơn nữa, hết sức thận trọng trong việc bảo đảm tiêu chuẩn, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ uy tín cho sản phẩm của Việt Nam.
Thành Long

Sản xuất nông nghiệp đang dậm chân tại chỗ

(Ảnh hoinongdan.org.vn)
(Ảnh hoinongdan.org.vn)
Là một nước nông nghiệp, có 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng sau 30 năm mở cửa, 40 năm độc lập, 70 năm khởi nghĩa Tháng Tám, Nông nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn.
Từ sau khoán 10, tăng trưởng nông nghiệp liên tục sụt giảm
Việt Nam luôn xác định nông nghiệp và nông dân có vai trò quan trọng đối với đất nước nông nghiệp, có 70% dân số làm nông nghiệp, trước đây nông nghiệp còn được coi là mặt trận hàng đầu. Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước trong những năm qua. Khi kinh tế suy thoái, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng, là nơi nương tựa và trở về cho lao động thất nghiệp…
Nhưng mấy chục năm nhìn lại, nông nghiệp, nông dân đang còn có nhiều thiệt thòi và ngày càng thấy đã thua thiệt, sẽ còn thua thiệt, với nhiều tổn thương hơn. Nông nghiệp đã dần suy giảm, hết động lực, năng suất và hiệu quả rất thấp, tiêu thụ sản phẩm ngày một khó. Đời sống nông dân vẫn còn khó khăn, nhiều nơi không có điện; hầu hết là không có nước sạch; đời sống văn hóa tinh thần chưa được cải thiện; y tế, giáo dục chưa được đáp ứng.
Tính từ khi thực hiện “đổi mới” và thực hiện khoán 10 năm 1988 đến nay, có thể chia sự phát triển nông nghiệp thành các giai đoạn sau:
  • Thời kỳ thực hiện khoán 10, từ 1988-2000: Sức lao động, đất đai, cơ chế thị trường được cởi mở, thoát khỏi trói buộc của cơ chế hợp tác xã nên nông nghiệp đã khởi sắc mạnh mẽ. Từ chỗ thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, dân phải ăn hạt mỳ, hạt bo bo, ngô khoai sắn, đến đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thời kỳ này ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt bình quân 4,5%/năm, nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng nông nghiệp diễn biến theo chiều hướng giảm dần.
  • Thời kỳ 2001-2005: Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm còn 3,8%/năm, do các lợi thế của khoán 10 không còn, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp gay gắt ngay tại nội địa với các nước láng giêng như Trung Quốc, Thái Lan.
  • Thời kỳ 2006 – 2010: Tăng trưởng ngành nông nghiệp lại tiếp tục giảm xuống 3,34%/năm và từ năm 2011 đến 2014, tăng trưởng của ngành giảm còn 3,3%/năm”.
Lợi thế so sánh của nông nghiệp giảm thấp


(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Đến nay, các lợi thế của ngành nông nghiệp, thủy sản Việt nam gần như không còn, những vựa lúa gạo, tôm cá của Đồng bằng Sông Cửu Long không còn hấp dẫn, vì giá thành sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất cao, mà năng suất lao động thấp.
Năm 2014, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc.
Tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ở mức cao; chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; doanh nghiệp áp dụng công nghệ thấp và trung bình chiếm phần lớn, trình độ tổ chức quản lý còn yếu, cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp là những nguyên nhân làm cho năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp còn chậm, trong đó, thủy sản đang đi xuống, chăn nuôi chưa trở thành ngành chính, lâm nghiệp tăng trưởng chậm. Chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, chỉ có 1% doanh nghiệp Việt Nam trong ngành nông nghiệp.
Cần thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường
Để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có thể cạnh tranh với khu vực, thế giới thì cần nhiều thay đổi, sản xuất những sản phẩm thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng, từng tỉnh. Trong sản xuất cần phải liên kết theo chuỗi từ giống, quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm, cần tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, liên kết nông hộ với các doanh nghiệp, gắn sản xuất tiêu thụ với chế biến và xuất khẩu.
Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học cần chung tay với nhà nông để cứu vãn nền nông nghiệp, có vậy mới đảm bảo tốt cho cuộc sống của 50 triệu nông dân.
Thành Long

Thu nhập nông dân Việt Nam chỉ hơn Campuchia

(Ảnh: Khin Win/harvestheart.tumblr.com)
(Ảnh: Khin Win/harvestheart.tumblr.com)
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với trường Đại học Copenhagen vừa Hội thảo công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh” (VARHS 2014). Theo đó, thu nhập của nông dân rất thấp, chỉ hơn Campuchia, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều hộ thậm chí còn bị rất nghèo, giá trị gia tăng trên mỗi lao động không tăng suốt một thập kỷ qua.
Kinh tế hộ gia đình quá khó khăn
Những năm gần đây đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, nên đóng góp của nông nghiệp vào GDP đã giảm đi một cách đáng kể, từ 46% năm 1998 xuống chỉ còn 18,1% năm 2014.
Năng suất lao động trong nông nghiệp cũng thấp đi so với lao động trong các khu vực khác. 70% dân số sống ở nông thôn hiện nay là nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất, ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Kinh tế hộ nông dân phần lớn vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự kết nối với các chủ thể kinh tế khác, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, bấp bênh.
Năm 2014, hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 47,9% trong tổng số các hoạt động tạo thu nhập của các hộ nông dân.
Còn thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 40,7% trong tổng thu nhập hộ. Báo cáo cũng ghi nhận, thu nhập cao nhất của hộ ở hầu hết các tỉnh được khảo sát đều thuộc về các hộ có hoạt động phi nông nghiệp với mức trung bình khoảng 61,3 triệu đồng/năm, tương đương 5,1 triệu đồng/tháng. Bình quân 5 người/hộ, thì thu nhập chỉ 1 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, thu nhập của nông dân ở mức thấp nhất trong xã hội, nhưng người dân sống ở nông thôn dường như lại đối mặt với nhiều rủi ro hơn, từ thiên tai, lũ lụt, hạn hán; từ các dịch bệnh đối với người và gia súc, gia cầm; từ biến động của tỷ giá gây tăng giá giống cây, vật nuôi, tăng giá phân bón, vật tư nông nghiệp; từ gánh nặng thuế phí nông nghiệp với hơn 1.000 loại phí đang tồn tại; từ việc thương lái và doanh nghiệp ép giá sản phẩm; từ tăng giá học phí và chi phí bệnh viện;… Thu nhập thấp nhưng lại quá nhiều rủi ro nhiều khiến các biện pháp đối phó với rủi ro của hộ gia đình nông thôn chủ yếu là tự dựa vào bản thân, chấp nhận cắt giảm mạnh chi tiêu hoặc đành mặc kệ không làm gì. Một gia đình bình thường có thể sống được, nhưng rủi ro có người mắc bệnh thì không có chi phí để trang trải tiền viện phí được.
Nền nông nghiệp Việt Nam lâu nay chủ yếu vẫn dựa vào kinh tế hộ gia đình, song kinh tế hộ bộc lộ nhiều hạn chế và dường như đã “tới hạn”.
Nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, manh mún
Theo nhận định của PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự phát triển của ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu mang tính quảng canh, lấy sản lượng, năng suất là chính mà coi nhẹ chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng do đó sản xuất không bền vững, rủi ro cao.
Sản xuất mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thông tin thị trường và các tính toán khoa học, mang tầm chiến lược nên nhiều hộ gia đình chỉ quẩn quanh được với câu chuyện làm sao lo đủ ăn, đủ mặc mà không còn thời gian và tích lũy nguồn lực để vươn lên làm giàu.
Báo cáo VARHS 2014 phần về thương mại hóa cũng chỉ ra, chỉ có khoảng 33% tổng giá trị sản phẩm trồng trọt của các hộ là được bán hoặc trao đổi ra bên ngoài (phần còn lại phục vụ nhu cầu của gia đình). Trong đó, các hộ có quy mô trồng trọt nhỏ nhất chỉ bán ra khoảng 11,2% giá trị sản lượng của họ. Như vậy, câu hỏi đặt ra là phải chăng nông nghiệp Việt Nam vẫn là tự cấp tự túc, chứ chưa phải là sản xuất hàng hóa.
Vì vậy cần có những nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nông nghiệp, tạo môi trường cho kinh tế hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nền nông nghiệp nước ta hiện chưa gắn được với những ngành khác, đặc biệt là công nghiệp để hình thành một hệ thống nhằm bổ sung, tương trợ lẫn nhau. Số lượng DN lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập và gắn kết này còn khá ít ỏi. Bởi vậy, chính sách để thu hút DN, bao gồm cả các DN lớn vào nông nghiệp, nông thôn, cần được coi là một ưu tiên và là bước đột phá trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết: “GDP thấp do năng suất, hiệu quả và trình độ lao động đều thấp. Bức tranh kinh tế khu vực nông thôn đang rất ảm đạm, chưa đạt mục tiêu đặt ra, chưa xứng với tiềm năng vì vậy người nông dân rất khổ”. “Tụt hậu không còn nguy cơ mà nó đang hiện hữu. Đáng báo động!”.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng: “Tỉ lệ người đang làm việc trong nông nghiệp rất đông nhưng các chính sách của nhà nước chưa đến được với họ hoặc chưa phù hợp tình hình thực tế. Tỉ lệ lao động có kĩ năng nhưng thất nghiệp vẫn còn cao là vấn đề trục trặc lớn của nền kinh tế”.
Sản phẩm nông nghiệp đắt, khó cạnh tranh
Thị trường đầu ra là vấn đề cực kỳ quan trọng và nan giải trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để làm. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.
Thực tế, các hộ nông dân chủ yếu buôn bán với thương lái, không có nhiều hình thức ký kết hợp đồng thu mua dài hạn nên rất dễ bị ép giá. Đây cũng là lý do vì sao cảnh được mùa mất giá vẫn thường xuyên tái diễn.
Thực tế, hiện tại đang có hàng loạt sản phẩm nông nghiệp bị ép giá như: quả thanh long bán tại vườn chỉ còn 3.000 đ/kg, bán ở Hà nội 10.000 đ/kg; muối 400 đ/kg-một gánh muối mới bằng 1 bát phở; khoai lang tím 1.000 đ/kg, cà phê, gạo, chanh, ớt…cũng đều bị ép giảm giá.
Nhưng vấn đề đáng lo ngại hơn là câu chuyện giá thành sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam đang bị đắt, cả trong nước và quốc tế. Đó là chuyện gà công nghiệp Mỹ 20.000 đ/kg, gà công nghiệp Việt 35.000 đ/kg; đó là chuyện Bò Úc húc chết Bò Việt trên thị trường nội địa; đó là chuyện rau, củ, quả, nông sản của Trung quốc và của các nước khác đang tràn ngập thị trường nội địa. Do giá thành đắt, nên sản phẩm của nông dân thật sự khó tiêu thụ ngay cả ở thị trường nội địa. Đồng thời giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh là một nguyên nhân làm cho xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam liên tục giảm sút trong suốt 8 tháng qua.
Làm thế nào để sản xuất nông nghiệp bớt nhỏ lẻ, manh mún, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế, từ đó để nông hộ có thu nhập hơn, nông dân đỡ khổ? Đây là một bài toán khó đòi hỏi cả nhà nước, doanh nghiệp cùng hỗ trợ nông dân vượt qua.
Thành Tâm

Nông dân còn rất nghèo, có cần phải có Tháp truyền hình cao nhất thế giới?

Tháp Tokyo Skytree hiện là tháp truyền hình cao nhất thế giới với 634 m (Ảnh: nld.com.vn)
Tháp Tokyo Skytree hiện là tháp truyền hình cao nhất thế giới với 634 m (Ảnh: nld.com.vn)
Theo tin từ cổng thông tin Chính phủ, ngày 3/3, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp cho ý kiến về chủ trương nghiên cứu hợp tác đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.
Văn bản trên nêu rõ, Tháp Truyền hình Việt Nam có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa và được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.
Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án khẩn trương xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó cần làm rõ phương án huy động vốn, thời gian thu hồi vốn, hiệu quả của dự án và những nội dung liên quan khác.
Thủ tướng đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án. Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
Dự kiến, Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.
Dự án Tháp Truyền hình có tầm cỡ quốc tế và thuộc vào loại cao nhất trên thế giới, có tính chất đặc thù, vì thế, trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định về vốn đầu tư, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu nhằm đạt được hiệu quả tối ưu của dự án.
Trước đó, tháng 8-2014, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đại diện VTV đã ký hợp đồng chọn nhà thầu tư vấn thiết kế – Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản làm đơn vị thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư” xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam. Theo nội dung bản thỏa thuận, VTV chọn Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản làm đơn vị thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư” xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam.
Công ty Nikken Sekkei là một trong những công ty thiết kế xây dựng lớn nhất Nhật Bản với hầu hết công trình nổi tiếng nhất tại đất nước này, trong đó có việc thiết kế và giám sát Công trình xây dựng Tháp Tokyo Skytree cao 634 m. Kiến trúc sư trưởng của công ty, ông Shigeru Yoshino bày tỏ mong muốn xây dựng tại Hà Nội một công trình kiến thúc có tầm cỡ tương đương Tháp Tokyo Skytree, đồng thời làm nổi bật các nét văn hóa Việt Nam.
Được biết, hiện tháp truyền hình cao nhất thế giới là Tháp Tokyo Skytree tọa lạc ở phía đông thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ tháng 5- 2012. Tháp Tokyo Skytree được khởi công xây dựng từ tháng 7-2008, với tổng vống đầu tư khoảng 65 tỉ yên Nhật (806 triệu USD) và hoàn thành vào cuối tháng 2-2012.
Với chiều cao 634m, Tháp Tokyo Skytree đã được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là tòa tháp cao nhất hiện nay, cao hơn 34 m so với Tháp Canton ở Quảng Châu (Trung Quốc) cao 600 m. Một trong những mục đích chính của Tháp Tokyo Skytree là tòa tháp truyền hình và đài phát thanh phát sóng. Tháp phát sóng hiện tại ở Tokyo – Tháp Tokyo cao 333m không còn đủ cao để hoàn thành kỹ thuật số phủ sóng phát thanh truyền hình mặt đất bởi vì nó được bao quanh bởi nhiều tòa nhà cao tầng.Bên cạnh đó, Nhật Bản là một cường quốc với nền kinh tế thứ 3 trên thế giới, GDP hàng năm hơn 5.200 tỷ, gấp 28 lần GDP Việt Nam, thì việc họ xây Tháp Tokyo Skytree đã được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là tòa tháp cao nhất hiện nay là một chuyện bình thường.
Còn với một nước như Việt Nam, với GDP bình quân đầu người thuộc diện thấp trên thế giới cũng định xây tháp cao nhất thế giới thì lại là chuyện không bình thường. Cho dù có một phần vốn xã hội hóa đi nữa cũng là chuyện chạy đua theo trào lưu xây trụ sở hoành tráng. Đây là thực sự là một quan ngại trong khi dư nợ công của Việt Nam đang ngày một tăng cao, đến nay, bình quân nợ công 1.224 USD/người (mời xem bài Phần 1 Nhức nhối vấn đề nợ công và bài Đầu tư công lãng phí, trụ sở nhiều tỉnh to như cung điện).
Rút kinh nghiệm từ việc Dự án tòa tháp PVN Tower cao nhất Việt Nam bị cắt ngọn, đổi chủ, nên chăng Đài Truyền hình Việt Nam cần phải xem xét cẩn trọng trước khi đầu tư.
Thành Tâm

Nỗi khổ của nông dân ở Can Lộc bị lạm thu quá nhiều

Ông Nguyễn Huy Lan, thôn Thượng Triều, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bật khóc nói với PV những khoản thu quá nặng và phi lý của chính quyền. (Ảnh: NongNghiep.vn)
Ông Nguyễn Huy Lan, thôn Thượng Triều, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bật khóc nói với PV những khoản thu quá nặng và phi lý của chính quyền. (Ảnh: NongNghiep.vn)
Theo báo Nông Nghiệp, các khoản lạm thu quá nhiều đối với nông dân ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), các khoản đóng góp xây dựng nặng nề, các loại quỹ biến tướng từ tên gọi này sang tên gọi khác, làm cho nông nghèo đã rất khổ, nay lại càng khổ hơn.
UBND huyện Can lộc cho rằng, hàng năm, đều có báo cáo dự toán, kết quả thu, chi ngân sách trình phòng Tài chính Kế hoạch thẩm định và UBND huyện phê duyệt. Từ đó, việc thực hiện thu, chi ở các xã đều đã được cấp trên đồng ý thì dưới cơ sở mới dám làm.
Việc thu chi ở cấp xã thế nào?
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Lộc, đến 30/6/2015, xã nợ các ngân hàng tổng số tiền 25,043 tỷ đồng. Nếu chia đều cho 3.150 khẩu thì mức bình quân mỗi khẩu đang nợ 7,9 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản nợ vay nóng của người dân không thông qua kênh vốn ngân hàng.
Xã Vĩnh Lộc hiện có 11,6% hộ nghèo = 117 hộ và 12% hộ cận nghèo = 121 hộ. Khó khăn còn nhiều, vậy mà ở Vĩnh Lộc, nông dân đang phải đóng góp các khoản trả các công trình xây dựng như trụ sở UBND, trường học, nhà văn hóa… Để có nguồn trả các khoản nợ này, xã đang vận động người dân đóng góp, kể cả hộ nghèo, cận nghèo đều phải góp.
Cũng có nhiều xã ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tiến hành thu hàng tỷ đồng của người dân để xây trụ sở như vậy. Trong khi đó, kinh phí xây trụ sở do 100% vốn Nhà nước đầu tư được quy định cụ thể trong Quyết định 695/QĐ – TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc thu theo khẩu, cộng với thu theo đầu sào để có 850 triệu đồng/năm trả nợ xây dựng trụ sở, UBND xã Gia Hanh (Can Lộc) còn nhiều khoản thu mà các cơ quan chức năng cần làm rõ đúng sai. Theo báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách năm 2014, dự toán năm 2015 của UBND xã Gia Hanh trình HĐND xã tại kỳ họp đầu năm nay:
  1. Thu đóng góp xây dựng hội trường UBND xã: Thu theo khẩu: 5.945 khẩu x 100.000 khẩu/năm = 594 triệu đồng. Thu theo diện tích: 8.500 sào x 30.000 đồng/sào = 255 triệu đồng.
  2. Thu sửa chữa kênh mương: 7.180 sào x 10.000đ/sào = 71,8 triệu đồng
  3. Thu quỹ sửa chữa giao thông: 5.945 khẩu x 10.000đ/khẩu = 59,45 triệu đồng.
  4. Thu quỹ quản lý: Thu theo khẩu: 5.945 khẩu x 15.000 đồng/khẩu = 89,1 triệu đồng. Thu theo diện tích: 8.500 sào x 15.000 đồng/sào = 127,5 triệu đồng.
  5. Thu quỹ văn hóa: 5.945 khẩu x 10.000 đồng/sào = 59,45 triệu đồng.
  6. Thu quỹ đất dự phòng: 6 triệu đồng.
  7. Thu quỹ phát triển sản xuất: 8.500 sào x 10.000 đ/sào = 85 triệu đồng.
  8. Thu quỹ tiêm phòng: 890 hộ x 30.000 đồng/hộ = 26,7 triệu đồng.
  9. Quỹ an ninh quốc phòng: 1.050 hộ x 40.000đ/hộ = 42 triệu đồng.
  10. Quỹ đền ơn đáp nghĩa: 3.500 lao động x 2kg x 5.500đ/kg = 38,5 triệu đồng.
  11. Quỹ phòng chống thiên tai: 3.500 lao động x 1kg x 5.500đ/kg = 19,25 triệu đồng.
  12. Quỹ bảo trợ trẻ em: 3.500 lao động x 2kg x 5.500đ/kg = 38,5 triệu đồng.
  13. Quỹ khuyến học: 3.500 lao động x 1kg x 5.500đ/kg = 19,25 triệu đồng.
Tương tự ở xã Vĩnh Lộc, ngoài việc huy động hơn 1,2 tỷ đồng của người dân để xây trụ sở, từ 2011 – 2014, UBND xã tiến hành thu các loại quỹ với tên gọi là Quỹ Khuyến nông 13kg/sào (có năm ghi là Quỹ Phát triển sản xuất), Quỹ Hành chính 13 kg/sào (có năm ghi là Quỹ Phụ cấp cán bộ). Năm 2015, xuất hiện tên mới là Quỹ Văn hóa xã hội với mức thu 50.000 đồng/khẩu. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND xã khóa XVIII vừa kết thúc, nhiều đại biểu đã lên tiếng về những khoản thu này, trong đó có những khoản thu theo đầu sào là trái với quy định.
Gia đình anh Phạm Đức Oanh là một hộ nghèo ở thôn Thượng Triều. Từ năm 2012 đến 2014, các nhân khẩu trong hộ phải đóng nộp tổng cộng 3.570.000 đồng tiền xây dựng trụ sở UBND xã. Vừa thoát được năm ngoái thì năm nay, trong phương án thu của xã, gia đình anh Oanh phải đóng 500.000 đồng xây dựng nhà văn hóa, 400.000 đồng Quỹ Văn hóa xã hội…

Nhìn vào tập phương án thu của những gia đình nông dân nơi này trong vòng 6-7 năm qua, có quá nhiều vô lý, các khoản đóng góp xây dựng nặng nề, các loại quỹ biến tướng từ tên gọi này sang tên gọi khác.

Quỹ Văn hóa xã hội là thứ quỹ gì mà mỗi người dân trong xã phải bỏ ra 50.000 đồng để đóng? Ông Phạm Đức Hướng – Chủ tịch UBND xã phân tích: “Quỹ Văn hóa xã hội thực ra là quỹ phụ cấp cho những người không chuyên trách”. Theo điều tra của PV, loại quỹ này, những năm trước, nhiều xã ở huyện Can Lộc sử dụng tên gọi Quỹ Hành chính. Sau khi có một số văn bản chỉ đạo về việc ban hành loại quỹ này có vấn đề, các xã lập tức chuyển thành các tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất, khoản thu này nhằm mục đích trả công “cán bộ”.
Trong các báo cáo quyết toán thu chi ngân sách hàng năm của UBND xã Vĩnh Lộc, tổng sản lượng Quỹ Hành chính và Quỹ Phục vụ sản xuất lên đến 40 tấn/năm, song thực tế chi phí cho trả phụ cấp và “công ngoại” hết từ 19 – 20 tấn/năm. Việc không sử dụng hết số thóc thu được UBND xã chuyển sang chi vào những mục đích khác đã không có báo cáo rõ ràng với HĐND nên kỳ họp vừa rồi, rất nhiều đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND xã đề nghị làm rõ.
Chưa thực hiện quy chế dân chủ
Tìm hiểu về các khoản thu, về quy chế dân chủ ở các thôn, theo như lời ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc thì hầu hết các khoản thu đã được đưa ra bàn bạc với người dân, nhưng thực tế không phải như vậy. Bí thư Chi bộ thôn Thượng Triều, ông Nguyễn Quang Thư cũng nói rằng, khoản thu này thực chất là Quỹ Hành chính để trả công cho “cán bộ”. “Năm trước thu 13 kg/sào, sau khi được biết thu thế là sai thì xã lại chuyển sang Quỹ Văn hóa xã hội, năm nay thu 50 ngàn đồng/khẩu. Xã không đưa ra bàn theo quy định của Pháp lệnh 34 về quy chế dân chủ, tức là không xin nhân dân có cho thu hay không. Chỉ thông qua chứ không bàn cụ thể. Cả xã được khoảng 142 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Huy Lan, một lão nông trong thôn Thượng Triều bức xúc: Các khoản thu theo quy định của Nhà nước như Quỹ ANQP, Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học… người dân chúng tôi chấp nhận đóng. Còn các khoản thu như Quỹ Văn hóa xã hội, đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn khi công trình đã đưa vào sử dụng 3 năm rồi mà dân không được biết, không được bàn chi cả thì khó hiểu.
Nhưng nếu nông dân không đóng thì khi con đi học đại học, đi xuất khẩu lao động xã họ không ký, đóng dấu hồ sơ cho, muốn vay ngân hàng cũng không được vì phải nộp các loại phí cho xã trước rồi mới xin được giấy tờ từ ủy ban.
Như vậy ở các xã, huyện vùng sâu xa vẫn đang còn có những khoản thu bất hợp lý nhằm vào người dân. Chính quyền cần phải rà soát, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên để hạn chế những bất công đối với người dân.
Thành Long
 
Xem tiếp...