Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

ONG, BƯỚM VÀ HOA

 
El Condor Pasa - Paul Simon & Garfunkel


ONG, BƯỚM VÀ HOA 
 
Ong bướm về vì hoa xinh 
Vòng quanh chòng ghẹo vì tình yêu hoa
Hoa kia giở giọng mãng xà
Ong này bướm nọ nhìn ra bà chằng! 
 
Bà khoát tay, ong bướm bay sợ hãi
Không dám bon chen châm chích hương hoa
Đời ong bướm biết tìm đâu vui lại 
Đành lân la cho tròn kiếp la cà
 
Không cảm thì thôi, đừng buông cay đắng
Cho ong vui tìm mật ngọt hương hoa
Cho bướm dập dìu, si mê trong nắng
Cho cuộc đời này say đắm tình ca 
 
Có ong bướm vì có hoa
Đó là mặc định, đó là thiên nhiên
Là hoa thì phải có duyên
Phải quen nhẫn nhịn, phải hiền mà xinh! 
 
Trần Hạnh Thu 
 
Simon & Garfunkel - The Sound of Silence - Madison Square Garden, NYC - 2009/10/29&30

Chuyện ong bướm, hoa chim

Huỳnh Văn Ba - Exryu Ohio  (*)


(click vào đây xem toàn tập photo album)

 

Wild sunflower & Honey bee

Xưa kia trong những bài ca vọng cổ miền Nam người ta hay ví "ong bướm" như những chàng Sở khanh đi phá đời "hoa" đẹp (mấy cô gái trinh). Sự thật thì giữa ong bướm và hoa chưa biết ai có tội hơn ai.  

Hoa thơm hay đẹp không phải để thu hút cây cỏ đực hay cái đồng loại. Trong giới sinh vật hoa chẳng qua là một "sinh thực khí" cho loài thực vật có hạt dùng để giao phấn (pollination). Vì là loài "thụ động" tự mình không làm việc nầy nên cây cỏ phải nhờ đến kẻ thứ ba giúp tay. Theo một cách nhìn của xã hội học, hoa chính là kẻ mãi dâm muốn quảng cáo cho thân mình còn ong và bướm là công cụ giúp hoa được thỏa mãn và bù lại sẽ được trả ơn bằng mật hoa thơm ngon.

Ngày nay người ta hiểu vai trò cống hiến của ong bướm cho giới thực vật. Sự liên hệ này được ghi trên fossil từ  hàng trăm triệu năm trước. Trên 90 phần trăm của sự giao phấn phải cần đến mấy anh Sở Khanh "pollinators", trong đó ong và bướm là phần đại đa số.

Eastern Tiger Swallowtail butterfly

 

Cross-pollination vs. Cross-breeding

Sự giao phấn từ cây nầy sang cây khác gọi là "cross-pollination" - nó sẽ giúp cho sự thụ tinh của hạt và làm giàu cho "gene pool" của thế hệ tiếp nối. Từ đó cây cỏ có thể phát triển mạnh hơn, đủ sức để đối phó với bịnh nhược và côn trùng. "Cross-pollination" là một sự cộng-tiến hóa (co-evolution) cần thiết trong giới thực vật.

Khi ong bướm vắng đi sự giao phấn có thể bị gián  đoạn. Hoa không thụ tinh và không cho trái và hạt. Kết quả có thể mang đến sự giảm thu của mùa màng ngũ cốc và theo đó nạn đói cho nhân loại có thể xảy ra. 

Spicebush Swallowtail

Cross-breeding" dùng để chỉ sự lai giống, người Nhật họ gọi tà "Tạp chủng" (雑種), tức là sự tạo ra một "loại" không giống gốc cha hay mẹ. Trong giới thực vật "tạp chủng" còn được gọi là "Hybrid". Khoảng năm 1970 khoa học gia Viên Long Bình (袁隆平) - TQ đã cho ra đời hạt gạo lai giống có năng xuất tạo hạt 30% cao hơn hạt thông thường. Trước 75 ta cũng đã từng nghe hạt giống "Miracle Rice" hay "Thần Nông" do viện nghiên cứu IRRI  (International Rice Research Institute) - Phi Luật Tân mang qua VN. Đây là những hạt giống lai cứu đói cho nhân loại.

Hoa Quỳnh

Hoa "Moonlight beauty" hay hoa quỳnh (cũng gọi là Dutchmans pipe cactus, Queen of the Night - danh pháp khoa học: Epiphyllum oxypetalum) mỗi năm "thường" chỉ nở một lần vào nửa đêm. Ngươi Nhật gọi nó là "Gekka bijin" (月下美人・nguyệt hạ mỹ nhân) và người Hoa gọi là "Đàm hoa" (曇花) - là tiếng gọi tắt của "ưu đàm bà la hoa" (曇婆羅華 - tiếng Phạn "udumbara"). Khoảng 2-3 tiếng đồng hồ trước khi nở hoa sẽ tiết ra một mùi thơm nồng nặc như để báo hiệu cho sự "giáng sinh" của một nàng tiên nữ. Ngoài thiên nhiên hoa nầy sẽ thu hút một loài dơi đến để hút mật rồi giao phấn từ cây hoa nầy sang cây hoa khác. Chỉ có cách như thế hoa "Moonlight beauty" mới cho trái (với hạt - giống như trái thanh long). Thông thường nếu tạo cây qua kỹ thuật "chiếc nhánh" (挿し木,株分け), i.e., "cloning" thì cây hoa nầy sẽ không cho quả. Hoa "Moonlight beauty" có tính "self incompatibility" nên tự mình không dùng phấn hoa của mình để thụ tinh được.

Sự  thích tính hay biến dạng chuyên biệt của hoa để chiều một nhóm khách "quí" đến giúp giao phấn được gọi là "pollination syndrome". Muốn "welcome" con chim "Hummingbird" đến nhà chơi thì hoa phải có noãn sào sâu hay hình cái kèn. Còn muốn rước ruồi thì hoa tạo ra mùi hôi thối.... 

Hummingbird

Trong rừng xứ nhiệt đới có những loài hoa chỉ nở vào đêm sau 5-10 năm. Để giao phấn ông trời cũng cho sinh ra những con ngài hay "bướm bà" chỉ thoát kén đúng vào chu kỳ đó để đến viếng hoa. Mối tình đó nào có khác gì với Lan và Điệp? Nếu có dịp nhìn thấy những cảnh như thế thì chắc nhiều người sẽ nghĩ là "yêu ma" - nhưng  thật ra thì nó chỉ là một hiện tượng của khoa học tự nhiên mà thôi.

Ong bướm, hoa và chim

Ở các nước tiền tiến Âu Mỹ có rất nhiều hội chơi hoa, quan sát côn trùng và chim. Sự tương hỗ của 3 ngành nầy rất khắn khích với nhau. Khi muốn có chim đẹp đến gần nhà ta phải có ong bướm để dụ chim đến. Còn muốn có ong bướm thì ta phải trồng nhiều bông hoa vì mật hoa sẽ là nguồn thức ăn cho loài nầy.  Nữ sĩ Racheal Carson là người đầu tiên đánh thức sự hiểu biết về mối liên đới của ong bướm, hoa và chim (viết trong quyển sách "Silent Spring"/Mùa xuân im lặng). Bà gọi nó là "một sự huyền bí của thế gian" - "Those who dwell among the beauty and  mysteries of the earth are never alone or weary of life". Ta không thể sống trong một hoàn cảnh không còn nghe được tiếng chim hót.                                                                      

Trước đây vì thiếu hiểu biết người ta dùng đủ mọi loại thuốc độc để tiêu diệt côn rùng có hại cho mùa màn như DDT chẳng hạn. Vô tình họ đã giết cả những con sâu con bướm vô hại. Khi chim mẹ ăn côn trùng bị nhiễm thuốc, sinh trứng vỏ sẽ bị mỏng ra không bảo vệ được bào thai chim non. Thuốc độc  đưa đến sự hủy diệt của nhiều loài sinh vật trên mặt đất, chưa kể sự tàn phá của môi sinh con người cũng cùng sống chung trong đó.

 

Con "Hummingbird moth"(một loại ngài)

Sau những năm nhầm lẫn  và bị các hãng bán nông dược lừa dối, ở  những xứ văn minh như Nhật, Mỹ, Tây Âu người ta đã xét lại rồi đổi mới cách bài trùng. Họ không còn dùng những loại thuốc độc hại cho môi sinh nữa. Trong khi đó ở những quốc gia chậm tiến, ý thức về công hại của người dân còn quá kém. Với sự thiếu ý thức của giới lãnh đạo ít học họ vẫn cho lập lại lỗi lầm của kẻ đi trước. Vì thế cần được người trí thức có lương tâm nhắc nhở khuyên can. 

Con người nếu sống gần được thiên nhiên đẹp hoang dã họ sẽ có một tâm hồn thoải mái, óc tưởng tượng phong phú, hiền hòa, ít khi nhờ đến kích thích như rượu chè, ma túy. Hãy nhìn người Thụy Sĩ ở Âu Châu hay người Bhutan ở Á Châu thì biết ngay.

Ngày nay dân ở các nước có nền kinh tế phát triển văn minh thường hướng về với thiên nhiên khi có cơ hội. Nước họ có nhiều công viên ở tất cả các vùng địa lý và có ý chí muốn bảo vệ nó. Trong đó vườn quốc gia "National Parks" là cao trên hết. Như John Muir có nói: "nó là một đại giáo đường của tâm hồn...".

Xứ ta vốn có nhiều thiên nhiên đẹp nếu biết dùng nó một cách thông minh thì có thể mang đến nhiều phúc lợi cho dân chúng. Ở Nam Mỹ một số người thiểu số cũng đã thấy được cái lợi ích của thiên nhiên và thú dã sinh mang đến cho con người. Họ bắt đầu bảo vệ rừng nguyên thủy không còn đốt phá khai hoang như xưa nữa. Có làng tự hào vì có được những con chim con bướm đẹp chưa từng thấy nơi đâu trên thế giới. Du khách "eco-tourism" bỏ ra rất nhiều tiền để đến viếng những nơi như thế. Cả một kỹ nghệ du lịch được bắt đầu từ đó và người làng có thêm công ăn việc làm và không phải lo về việc môi sinh bị ô nhiễm như ta thấy cái gì xảy ra hiện nay ở xứ TQ do kỹ nghệ chế tạo mang đến.  

Xưa kia Trang tử đã có lần nằm mơ thấy mình trở thành bướm (荘周夢胡蝶・Trang chu mộng hồ điệp). Bướm bay lượn thanh thản vui sướng vô cùng. Khi tỉnh mơ Ngài không biết mình là bướm hay là Trang tử: "Có phải Trang tử mơ mình là bướm hay bướm mơ mình là Trang tử?". Muốn có được một giấc mơ như thế thì ta cần phải có một nơi sống có nhiều bướm, hoa (rồi chim nữa...). Chớ không thì giấc mơ đó chỉ có thể thực hiện ở trên thiên đường  của ảo tượng mà thôi.

Naruhodo! 

  

 

 

 

 

 

 

 


 

® "Khi phát hành lại thông tin từ trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả 
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com"

 


* Anh Huỳnh Văn Ba (67, Meisei - Tokyokyouikudai - Todai) không những là một nhiếp ảnh gia trong gia đình Exryu, anh Ba còn là vận động viên về leo núi, xe đạp và nuôi bonsai. Anh Ba và anh Võ Văn Thành (68, Nodai) đã từng dùng xem đạp đi khắp nước Nhật và xuyên lục địa Hoa Kỳ. Qua những lần đi này anh Ba đã có nhiều tác phẩm hình ảnh khắp nơi. Anh H.V. Ba hiện đang làm việc và sinh sống tại Ohio.
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét