Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Tích xưa 04

 
Lời cảnh tỉnh của một vị thiền sư dành cho thế gian trước khi lâm chung | Tinh Hoa TV

 

CỔ HỌC TINH HOA (St)
39. Thầy Tăng Sâm
Thầy Tâng Sâm bừa cỏ ruộng dưa, lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tâng Sâm đau quá, ngã gục xuống điếng đi một lúc mới hồi lại.
Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng: “Lúc nãy con có tội, để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo”.
Nói xong, lùi xuống vừa gẫy đàn vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, biết cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa.
Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.
Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà Ngài giận.
Đức Khổng Tử nói: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, thì ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng là bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá như cha đánh quá tay mà chết mất, thì có phải là làm cho cha mắc tội không, tội bất hiếu còn gì to hơn nữa.”
Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết là nhầm lỗi, đến tạ tội đức Khổng Tử.
(Thuyết Uyển)
Lời Bàn
Người làm con có hiếu thì dẫu vì cha mà phải hy sinh tính mạng cũng không có gì là quá tạm. Song, liều mình mà cứu cha mẹ trong khi nguy cấp là chí hiếu, thì để cha mẹ nhân cơn giận dữ đánh đập, lỡ hại đến tính mạng, thì chẳng những là bất hiếu mà còn mang tiếng là hãm cha mẹ vào tiếng bất từ nữa. Ông Sâm rất hiếu nhưng chưa phải cách, Ông Thuấn cũng hiếu nhưng biết phải trái. Kẻ làm con, khi thấy cha mẹ làm trái còn có chức trách phải liệu đường trốn tránh hay ủy khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.
Chú thích
- Bất từ: Không có lòng thương yêu con.
- Thuyết Uyển: Bộ sách 21 quyển của Lưu Hướng đời Hán soạn, ghi chép những việc đạo đức đáng dạy người ta.
40. Ông Quan Thanh Bạch
Dương Chấn được bổ đi làm thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yến kiến. Rồi đợi đêm khuya, đem vàng đến lễ.
Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư.”
Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết.”
Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết.”
Vương Mật nghe nói, xấu hổ, lùi ra. Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân, việc nước không tham nhũng, không làm giàu cho mình, ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn tiền của ruộng nương lại cho chúng ư?”
(Hậu Hán Thư)
Lời Bàn
Làm quan như ông Dương Chấn, đối với người mình đã đề bạt, không cần ơn, đối với người dân, mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên bạch nhật, cũng là một ông quan thanh liêm, làm gương cho bọn quan gian tham, lại nhũng muôn đời ư!
Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình có chắc đâu sẽ giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thì để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch, thơm tho muôn thuở, chả hơn là cái của phi nghĩa, chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa, dâm dật, rồi đi đến bại vong ư.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét