Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 85

-Ông đúng rồi! Sau này lịch sử sẽ chứng thực điều đó. Nhưng thôi,...hãy an hưởng tuổi già đi ông! Kệ mẹ nó! Nó chỉ có thể tự tiêu trừ nó mà thôi!
-Còn may là nó vẫn không đến nỗi rồ dại, điên cuồng, "sắt máu" như ĐCS Trung Quốc!
-Nó giống Đạo Phật ở chỗ đều dựa trên nhận thức sai lầm mà cứ tưởng chân lý để vẽ ra cõi mộng cho con người, nhưng khác Đạo Phật ở chỗ Đạo Phật chỉ phủ dụ còn nó thì ra sức "phá-xây", do đó nó làm được ít điều đúng thì cũng phạm phải nhiều lầm lỗi, đày đọa không ít sinh linh, dẫn đến ác hơn Đạo Phật!
-Thật là ghê sợ và hoang mang cho những cái đầu "điên điên dở dở", gàn bướng và bảo thủ đến... rùng rợn!
-Cứ tin đi, cũng tuân theo luật quán tính, niềm tin thời đại về chủ nghĩa Mác-Lênin dù dai dẳng, nhưng rồi sẽ phải dừng lại, nhường đường cho nhận thức thời đại mới. Và bánh xe hành trình của lịch sử xã hội loài người vẫn lăn theo đúng hướng phải lăn của nó! Lịch sử Việt Nam cũng thế thôi!

------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Tổng Biên tập của ba tờ báo công đoàn


Lê Thanh Phong thực hiện




Đã ở tuổi 80, nhưng nhà báo Tống Văn Công (ảnh) vẫn miệt mài làm việc. Các bài viết của ông xuất hiện đều đặn trên các trang báo, chạm đến những vấn đề nóng bỏng của thời sự đất nước. Lối viết của ông chừng mực như lối nói của ông, nhưng đằng sau sự từ tốn uyển chuyển của bề mặt con chữ là sự dữ dội của một ngòi bút không dễ thỏa hiệp.
Ở đời thật có nhiều điều để thao thức, nhưng ông nghĩ nhiều về điều gì nhất khi đã có nhiều trải nghiệm của nghề báo cũng như sự từng trải của một đời người?

- Tôi sinh ra trong gia đình cách mạng. Cha tôi tham gia Đảng Cộng sản, bị bắt, tra tấn, sau đó bị quản chế tại nhà. Cha tôi tham gia cướp chính quyền tháng 8.1945, tham gia kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm. Tất cả các em tôi (5 người) đều là đảng viên.

Tôi tham gia cách mạng năm 17 tuổi, tham gia quân đội năm 19 tuổi, vào Đảng trong quân đội, 10 tuổi quân mới chuyển sang làm báo. Do đó cả đời tôi gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và hơn 30 năm công tác báo chí, làm phóng viên sau đó làm tổng biên tập lần lượt 3 tờ báo của công đoàn là Lao Động Mới, Người Lao Động, Lao Động. Do đó, tôi hết sức quan tâm đến “sức khỏe” của Đảng và nền báo chí VN.

Tôi vào Đảng vì “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh).

Tôi vào nghề báo với ý tưởng hoàn toàn tự nguyện làm “cây bút công cụ” tuyệt đối phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.

Trong quá trình làm việc, va chạm với thực tế có những vấn đề nảy sinh đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi, dần dần tích tụ thành những vấn đề buộc phải suy nghĩ. Tôi sớm nhận ra hai căn bệnh đầu tiên của Đảng sau khi cầm quyền là có một bộ phận xa dần dân và tham nhũng. Tôi đã viết để chống lại hai căn bệnh đó. Nổi bật nhất là cùng anh em cơ quan thường trú miền Nam tổ chức 54 tin bài “Cây caosu kêu cứu” trên báo Lao Động năm 1986, lần đầu tiên một quan chức cao cấp, uỷ viên Trung ương Đảng thua công luận, bị kỷ luật.

Công việc làm báo cũng đặt ra cho tôi những vấn đề phải nghĩ lại. Tôi viết bài báo đầu tiên năm 1952 trên báo Nhân Dân miền Nam (ông Trần Bạch Đằng viết trong hồi ký: “Một trưởng trạm giao liên, anh Tống Văn Công gửi bài đến, tôi thấy đạt, đã kết nạp anh vào đội ngũ Báo Nhân Dân”). Lúc ấy cầm bút, tôi đặt lợi ích cách mạng ở vị trí cao tuyệt đối. Sau này, trong xây dựng cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân, tôi nhận ra phải đặt sự thật cao nhất trong lương tâm người viết báo, không thể vì một áp lực nào mà bóp méo sự thật. Tất nhiên bất cứ quốc gia nào cũng có những sự thật chưa được công bố, chẳng hạn như những bí mật quốc phòng, tin tình báo. Có chuyện khiến tôi bứt rứt mãi về công việc làm báo:

Trong thời chống Mỹ, tôi nhận nhiệm vụ thực hiện chỉ thị của Thủ tướng phê bình Công ty vận tải hàng hóa Hà Nội không chịu đưa xe chở phân vào sát cửa kho, khiến cho hợp tác xã lá cờ đầu của Hà Tây phải mất hàng trăm công chuyển phân vào kho giữa ngày mùa. Nhưng sự thật là: Theo quy định thì xe vận tải phải chạy trên đường rải đá, không được phép chạy trên ruộng dù cho đất ruộng đang khô khốc, khô nẻ! Tôi xin nhận lỗi về mình, vì viết bài điều tra phê bình mà không nghe, không hỏi nhiều phía. Tuy nhiên ý kiến đó không được chấp nhận. Ngay ông giám đốc Công ty vận tải hàng hóa Hà Nội cũng cho rằng phía công ty phải tiếp thu phê bình để giữ uy tín của Thủ tướng!

Những bài viết của ông với những vấn đề được nêu ra được nhiều người quan tâm, nhưng cũng có khi chịu áp lực từ phía những người chưa hiểu mình. Ông đã từng bị áp lực đến mức sợ hãi hay nản lòng chưa?

- Một ví dụ điển hình, trong vụ chống tiêu cực ở Tổng cục Caosu, khi phóng viên Trương Đăng Lân viết bài báo đầu tiên, ông Tổng cục trưởng gọi trực tiếp cho Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phạm Thế Duyệt, yêu cầu ra lệnh cho Báo Lao Động phải dừng ngay. Anh Phạm Thế Duyệt chỉ gọi điện cho tôi căn dặn phải nắm tài liệu chứng cứ thật chính xác. Họ còn tổ chức họp báo, chi phí cho các nhà báo đi tham quan, nhằm chống lại sự thật.

Khoảng đầu thập niên 90, có lần trong một tháng Báo Lao Động có 4 bài phê bình 4 bộ của Chính phủ. Tôi được mời lên Ban Tuyên huấn Trung ương để góp ý về chuyện này. Tôi nói tất cả các bài báo của chúng tôi phê bình đều chính xác. Các bộ trưởng nếu không đồng ý thì có bài phản biện, chúng tôi sẽ trả lời đúng theo luật pháp. Anh Hữu Thọ cười, đáp: “Hôm nay ban không mời tổng biên tập mà mời đảng viên Tống Văn Công”.

Rồi anh thân tình nói theo kiểu với bạn bè: “Tao hỏi mày, một Chính phủ mà trong một tháng có 4 bộ bị phê phán như vậy thì còn đâu uy tín trong và ngoài nước?”. Cho tới nay tôi vẫn giữ quan điểm của mình: Nếu Chính phủ tiếp thu và sửa chữa những điều các báo phê bình xác đáng thì uy tín không mất đi mà còn tăng cao và quan trọng hơn là đất nước phát triển thuận lợi.

Tuy nhiên áp lực dữ dội nhất là khi tôi viết bài “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ” với bút danh Thiện Ý. Ngay hôm sau đã có đồng nghiệp phản ứng cho rằng đây là bài viết của một kẻ phản động ở nước ngoài. Tôi nghĩ điều mình tâm huyết xây dựng, bảo vệ Đảng, nếu bị coi là của một tên phản động thì đâu còn giá trị gì. Nếu để yên thân thì tốt nhất là làm thinh, mọi việc sẽ qua, tôi không phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng là một đảng viên vì Đảng mà viết, tôi thấy mình phải công bố tên thật và dám chịu trách nhiệm.

Tôi nói với các đồng chí yêu cầu tôi kiểm điểm việc viết bài: “Khi bức xúc phải viết bài là lúc tôi dám sẵn sàng chết để Đảng sống và vững mạnh trong lòng dân tộc”. Tết năm 2010, tôi có dịp gặp đồng chí Trương Tấn Sang, lúc ấy là Thường trực Ban Bí thư và xin hỏi: “Có tin cho biết, đồng chí đánh giá bài viết đó của tôi là chân thành xây dựng Đảng?”. Đồng chí Trương Tấn Sang vui vẻ đáp: “Đúng vậy! Nhưng khi viết đồng chí cân nhắc sao cho có sức thuyết phục hơn nữa”. Tôi nói, khi viết, tôi luôn đặt quyền lợi của dân tộc, của đất nước lên cao nhất!

Ông đã từng đặt vấn đề về một thảm họa suy đồi đạo đức đang diễn ra, nhưng căn nguyên từ đâu vẫn chưa được tìm ra thật rõ ràng hoặc không thẳng thắn nhận diện nó. Nếu không tìm thấy nguyên nhân thì làm sao trị liệu được?

- Đây là vấn đề rất lớn cần phải có sự nghiên cứu của nhiều người. Nhìn về hiện tượng thì thấy thế này, thời chống Pháp nhân dân ta thật là tốt. Tôi sống trong nhiều vùng giải phóng Nam Bộ, đêm không cài cửa. Người ta đối với nhau đúng tình nghĩa đồng bào, các má ưu tiên chăm sóc cho “mấy đứa Bắc kỳ” nhiều hơn vì tụi nó xa nhà. Năm 1954, tập kết ra Bắc, suốt 3 năm đầu tôi đóng quân ở nhiều vùng khác nhau và nhận thấy đồng bào miền Bắc cũng tốt như miền Nam, lại còn có điều đáng quý hơn là, đang đói nghèo mà không hề tiếc khi cần chăm sóc cho bộ đội miền Nam. Vào Hà Nội tôi cảm nhận đúng là người dân của thủ đô “ngàn năm văn hiến”. Hai mươi năm sau, nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân - tác giả “Sống như anh”) từ Nam ra Bắc bảo tôi: Văn hóa người Hà Nội đã biến mất. Không còn cảnh các học sinh xuống xe đạp giở mũ cúi đầu trước xe tang, mà khắp nơi những lớp trẻ văng tục, chửi thề. Năm 1975, anh em miền Bắc vào tiếp quản đều có chung cảm nhận trẻ con miền Nam rất lễ phép, các cô gái miền Nam dịu dàng. Nay thì cả hai miền đều giống nhau, thuần phong mỹ tục biến mất, hủ tục tăng lên, tệ nạn tăng lên, tội ác tăng lên. Vậy phải có quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật” của Đại hội VI để nhìn nhận tìm nguyên nhân từ thể chế, từ xã hội. Rất tiếc là chúng ta chỉ tìm những nguyên nhân trực tiếp mà lẩn tránh nguyên nhân sâu xa.

Một thói tật nổi bật khác là không dám nói thật, tức là luôn luôn chịu áp lực phải nói dối.

Điều này đã được nhiều người mổ xẻ, trong đó có các đảng viên và là nhà văn nổi tiếng nhất của đất nước miêu tả rất sâu sắc như: Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi... Vì sao sợ nói thật và tìm cách nói dối? Vì không thực hiện tự do tư tưởng, tự do phản biện theo như quan điểm của Hồ Chí Minh: “Tự do tư tưởng hóa ra là tự do phục tùng chân lý”. Sợ sự thật, nói dối, trốn tránh trách nhiệm là mở cửa cho các thói tật tha hóa con người không sợ bị trừng phạt.

Chúng ta thường đổ cho mặt trái của cơ chế thị trường nảy sinh tiêu cực, mà không thấy rằng tất cả các quốc gia tiên tiến văn minh đều từ nền kinh tế thị trường. Cần phải thấy rằng nền kinh tế thị trường của chúng ta chưa hoàn chỉnh, do chúng ta chưa hoàn chỉnh nhà nước pháp quyền và chưa có một xã hội dân sự mạnh mẽ. Cả ba vấn đề đó được xem là ba chân kiềng cho một xã hội lành mạnh, thượng tôn luật pháp, công khai minh bạch, thải loại tham nhũng, tội ác, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã, chủ nghĩa tư bản thân hữu, sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích...

- Xin cảm ơn ông!

Bản kiểm điểm của ông Tống Văn Công

BẢN KIỂM ĐIỂM KHÔNG ĐẠT YÊU CẦU
TỐNG VĂN CÔNG


   Ngày 14-2- 2014, tôi được Đảng ủy mời họp tại văn phòng đảng ủy phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM,  để nghe  chỉ đạo  tự kiểm điểm về những khuyết điểm của mình. Do  không được trao văn bản, tôi đã ghi chép mấy điểm chính: Từ năm 2009 đã viết hơn 30 bài trái quan điểm của Đảng, đưa lên mạng gây tác động xấu; Có 15 cuộc kiểm điểm góp ý mà không sửa chữa. Có những bài chống Trung Quốc,  gây chia rẽ  hai Đảng, hai nước xã hội chủ nghĩa; Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; Tự diễn biến hòa bình suy thoái chính trị: Cổ vũ tam quyền phân lập, đa nguyên, đa đảng, vi phạm 19 điều cấm đảng viên không được làm theo Quyết định 47- QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đồng chí Công phải viết bản tự kiểm điểm và tự nhận một hình thức kỷ luật của Đảng.






VÌ SAO TÔI VIẾT BÀI “ĐỔI MỚI ĐẢNG TRÁNH NGUY CƠ SỤP ĐỔ” ?



 Tháng 9 năm 2009 tôi viết bài trên với mở đầu bằng câu “Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước hai hiểm họa: giặc ngoại xâm và giặc nội xâm”.

 Từ 2005, Trung Quốc bắt đầu bắn giết đuổi bắt ngư dân đòi tiền chuộc. Ngày 9-1-2005, chúng bắn chết 9 ngư dân Hoằng Hóa, Thanh Hóa, bắn bị thương 9 người, bắt sống 9 người đòi tiền chuộc mỗi người hơn 100 triệu đồng. Các hãng tin nước ngoài đưa tin, ta im lặng. Sau 4 ngày, người phát ngôn Trung Quốc Khổng Tuyền tuyên bố “Qua 55 năm quan hệ ngoại giao hai nước đã bước qua giai đoạn phát triển mới vô cùng tốt đẹp”. Tiếp theo Bộ Quốc phòng cử đoàn cán bộ quân sự cao cấp sang Trung Quốc học tập chính trị. Nhưng không vì thế mà Trung quốc giảm bớt các hành động bắn giết, đuổi bắt ngư dân. Tháng 6 năm ngoái (2013), trong khi người dân bức xúc vì liên tiếp 2 tàu cá Quảng Ngãi, bị bắn chìm, một ngư dân chết thỉ báo chí đưa tin ngày 6-6-2013, Bộ Quốc phòng cử 22 cán bộ cao cấp sang Trung Quốc học chính trị, đây là đợt thứ 6.

 Năm 2009 còn có chuyện mở đầu thực hiện với Trung Quốc khai thác bô xit Tây Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi liên tiếp 3 thư yêu cầu ngưng dự án này với 2 lý do: Tây nguyên là địa bàn an ninh quốc phòng, không nên đưa nước ngoài khai thác; Hai là không có hiệu quả kinh tế. Các nhà khoa học tổ chức nhiều cuộc hội thảo và kiến nghị giống như Đại tướng, có nêu thêm cảnh báo sẽ có hàng vạn tấn bùn đỏ trên cao hơn 1000 mét có thể đổ ụp xuống làm miền Đông và Sài Gòn chết khát. Nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn kiên trì thực hiện thông cáo chung đã được TBT Nông Đức Mạnh cam kết với Đảng bạn. Năm 2013, nhà máy Tân Rai đã cho ra sản phẩm. Trung Quốc mua dưới giá thành. Tính ra mỗi năm lỗ khoảng 100 triệu đô la. Những vị có trách nhiệm xin miễn giảm thuế và cam kết từ năm 2020 sẽ lãi to! 

 Về hiểm họa nội xâm: Tham nhũng tỏ ra bất trị, cứ tăng nhanh từng năm, tháng. Tại Hội nghị Trung ương 3, năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu “Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”. Là một đảng viên sao có thể vô cảm trước “sự sống còn” ghê gớm ấy? Tuy nhiên dù rất nhiều cảnh báo góp ý, 6 năm sau, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 sáng ngày 26 tháng 12 năm 2011 có đoạn như sau: “Đặc biệt có một câu hỏi lớn rất day dứt, trăn trở lâu nay, cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là chỗ nào?”

 Như vậy là dù 30 năm với rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, tham nhũng vẫn không lùi nhưng Tổng bí thư vẫn cho rằng Nghị quyết, chỉ thị rất đúng!

Sau một năm thi hành Nghị quyết Trung ương 4, Tổ chức Minh Bạch thế giới xếp hạng Việt Nam tụt 11 bậc về kết quả chống tham nhũng. Nhân loại tiến bộ đã rút ra bài học thực tế rất ngắn gọn về tham nhũng như sau: Tham nhũng là do Nhà cầm quyền độc tài, quyền quyết định của viên chức quá rộng, thiếu công khai minh bạch và quyền tư pháp không độc lập, do đó không kiểm soát được quyền lực.

 Lẽ ra những người lãnh đạo của Đảng cầm quyền sau hàng chục năm với nhiều nghị quyết vẫn không chống được tham nhũng thì phải hiểu rằng các nghị quyết ấy sai, hoặc chưa đầy đủ, phải học cách làm của những quốc gia chống tham nhũng thành công đặt ra cho mình những câu hỏỉ từ bài học của nhân loại.

 Quan liêu, độc quyền đẻ ra tham nhũng, làm suy thoái Đảng cầm quyền, gây ra khủng hoảng chính trị. Lịch sử 84 năm của Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có chuyện Tổng bí thư thay mặt Bộ chính trị đề cử 2 người vào Bộ Chính trị mà bị bác bỏ cả hai và bầu 2 người khác. Chưa bao giờ có tình trạng các nhà lãnh đạo công kích nhau trước nhân dân. Chưa bao giờ trong một cuộc họp báo công khai mà ông nói gà, bà nói vịt. (Họp báo đầu năm ngày 7-2, Đinh Thế Huynh nói, báo chí thông tin, bình luận phải có lương tâm và trách nhiệm tạo ra sự đồng thuận, không được phép nói trái làm phân tâm các véc tơ phát triển. Sau đó, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tạo đồng thuận không phải là khen xuôi chiều mà phải phát hiện phê phán với tinh thần xây dựng”). Chưa bao giờ có tình trạng nhiều đảng viên tuyên bố bỏ Đảng như bây giờ!

 Từ khủng hoảng chính trị đã gây ra khủng hoảng toàn diện cho đất nước. Chỉ xin nêu sơ lược vài nét:

+   Nền kinh tế được hi vọng sẽ sớm xuất hiện “con rồng Việt Nam” đã lâm vào khủng hoảng 2 năm trước khủng hoảng của thế giới, đến nay theo Viện trưởng quản lý kinh tế Trần Đình Thiên, “kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam thì còn ở dưới đáy, bởi nợ xấu, sở hữu chéo, đề án tái cơ cấu tiếp tục nằm trên giấy. “ (Tại Hội thảo mùa Thu ở Huế)

+  Nông dân kéo đi khiếu kiện vượt cấp hàng chục năm, tới lúc dùng súng chống cưỡng chế. Nguyên chủ tịch tỉnh lúa An Giang Nguyễn Minh Nhị nói: “Bao nhiêu năm theo Đảng giành độc lập, có độc lập rồi thì mất quyền sở hữu ruộng đất, dắt díu nhau lên các khu công nghiệp tìm sống với đồng lương bèo bọt” (báo Nông nghiệp Việt Nam Têt Tân Mão).

 +  Giai cấp công nhân được mệnh danh là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng của mình. Nhưng họ đang trong tình trạng cùng khổ chưa từng có. Giống như giai cấp công nhân ở thế kỷ 19 mà Marx – Engels đã mô tả, nhưng còn khổ hơn vì không được phép đình công. Theo Tổng Liên đoàn Lao động lương tối thiểu của họ chỉ đủ cho 60% mức sống tối thiểu, có 94% phải tăng ca, tăng giờ. Họ đã tự tổ chức hơn 5000 cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp vì không được công đoàn lãnh đạo! Trước đây công nhân còn cử ban đại diện ra đối thoại với chủ, nhưng từ 2013 không còn ai dám đứng ra làm đại diện nữa, vì sau khi tình hình ổn định thì người đại diện bị chủ sa thải, hoặc bị bắt về tội kích động đình công.

 + Năm 2013 Công ty tư vấn tài sản WealthX và Ngân hàng Thụy Sĩ UBS thông báo: “Mặc cho kinh tế khó khăn, số người “siêu giàu” ở Việt Nam (có tài sản 30 triệu USD) đã tăng 15%, trong khi đó có 8,1 triệu người nghèo đói”. Có thể nêu tên 2 người nghèo phải tìm cái chết đã được đăng báo là: Chị Lê thị Ngọc Nhãn ở Cà Mau trước khi tự tử đã gửi thư cho Trung tá Diện “Sau khi cháu chết rồi xin chú giúp các con của cháu được vào trại mồ côi. Cháu đội ơn chú đời đời”. Chị Nguyễn thị Mỹ Nhân cũng ở Cà Mau tự tử để được công nhận diện nghèo, đã gửi thư cho Đảng ủy xã: “Xin thấu hiểu hoàn cảnh không lối ra của gia đình tôi, sau khi tôi chết, đồng ý cấp sổ nghèo cho chồng con tôi được sống.”

 + Đạo đức xã hội băng hoại chưa từng thấy. Một dân tộc sống theo phương châm “thương người như thể thương thân”, những năm kháng chiến nhà nhà đêm không gài cửa, ra ngõ gặp anh hùng. Sau 38 năm sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa sao biến đổi ghê gớm như vậy? Con đánh giết cha mẹ, cháu đánh giết ông bà, vợ đốt chồng. Thanh niên ném đá lên ô tô tàu hỏa làm vui. Thợ vá xe rắc đinh bẫy người đi mô tô. Đi lao động nước ngoài thì trộm cắp và bỏ trốn để sống bất hợp pháp. Các báo mới đưa tin thày trò đánh nhau giữa lớp. Chuyện thầy gạ tình cho điểm, ép mua dâm học trò vị thành niên liên tục xảy ra. Điều tra của Trung tâm xã hội học cho hay: Học sinh cấp 1 có tỉ lệ nói dối 22%, cấp 2 tăng lên 50%, cấp 3 64%, đại học 80 %. Chúng ta sắp có lớp trí thức mới nói dối nhất thế giới. Nguyên Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình nói “Giáo dục Việt Nam kém hơn cả Campuchia, Lào” (Trên báo Giáo Dục).

  Cũng chính vì không chịu đổi mới chính trị, khư khư ý thức hệ giáo điều mà không có một sách lược đối ngoại đúng đắn nhất là đối với Trung Quốc, bị họ lòe bịp “16 chữ vàng” và “4 tốt”. Trung Quốc chưa bao giờ là nước xã hội chủ nghĩa, và ngày càng tỏ ra là một nước phát xít. Sau giải phóng họ bắt đầu thôn tính Tây Tạng, Tân Cương, đàn áp, không ghê tay, sau đó tấn công biên giới Ấn Độ, Liên Xô… Họ dùng 2 thủ đoạn xảo trá để buộc chúng ta khuất phục: Một là kể công ơn đã giúp ta; Hai là đề cao cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, phải cùng “chống âm mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch phương Tây. Họ khuyên ta cử cán bộ sang nghe họ giảng dạy về bảo đảm an ninh chính trị, chống âm mưu diễn biến hòa bình và ta đã làm theo.

  Nên biết, ngày xưa họ giúp ta chỉ vì sách lược dùng máu Việt Nam để mặc cả với Mỹ và phương Tây và để có điều kiện thao túng ta. Năm 1954, họ ép ta nhận sự chia đôi đất nước. Năm 1972 họ bắt tay Nixon bán đứng ta, để chiếm trọn Hoàng Sa. Năm 1975 họ nhờ tướng Pháp Vanuxem khuyên Dương Văn Minh lên tiếng cầu cứu, Bắc Kinh sẽ cứu Việt Nam Cộng hòa, bị tướng Minh từ chối. Năm 1979, họ xui Pôn Pốt đánh ta, rồi cho rằng ta bị kẹt ở Campuchia, họ đưa 600.000 quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc, giết hàng vạn dân thường, đập phá từng cái nồi, hãm hiếp, giết chết đàn bà con trẻ ném xuống giếng. Bị thua đau, họ rút quân, nhưng vẫn chiếm giữ nhiều vùng núi hiểm trở. Năm 1988 họ tấn công đảo Gạc Ma và các đảo ở Trường Sa, xả súng giết 74 hải quân ta. Mỗi dịp kỷ niệm ngày hải quân họ đưa phim này ra chiếu. Hiện nay họ vẫn tuyên bố toàn bộ Trường Sa và 80% Biển Đông là của họ, việc đánh chiếm chỉ là chờ thời cơ.

Nhiều đảng viên cộng sản dẫn đầu biểu tình phản đối tội ác của chúng đã bị đuổi bắt. Nhà văn Nguyên Ngọc đi biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn đã bị Đài truyền hình Hà Nội gọi là bọn phản động, ông kiện, tòa trả lại hồ sơ không xử. Tôi và đồng chí giáo sư Tương Lai trên đường đi dự cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc xâm lược tại Nhà hát Thành phố (ngày hôm trước đã báo với ông Lê Minh Trí Phó chủ tịch UBND TP HCM) đã bị hơn chục xe cảnh sát bao vây buộc phải vào đồn.

Quá bức xúc trước tình trạng khốn khổ của ngư dân, anh André Menras tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, người từng treo cờ Mặt trận giải phóng trước Nghị viện Sài Gòn, bị Chính quyền Sài Gòn bỏ tù, đã xin Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cho phép làm bộ phim “Hoàng Sa- Việt Nam, nỗi đau mất mát”. Anh bỏ tiền dành dụm nghỉ hưu đem làm phim. Phim làm xong được duyệt, nhưng cho tới nay vẫn cấm chiếu. Một lần họp mặt với bạn tù thời chống Mỹ ông đem phim ra chiếu đã bị cảnh sát giải tán. Hồ Cương Quyết búc xúc kêu ”Bác Hồ ơi, Bác sống lại mà coi!”

Nhân đây tôi muốn nhắc lại trong cuộc kiểm điểm tôi về bài viết ”Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ”, có chi ủy viên đã nói ”Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa. Ta nói của ta. Trung Quốc nói của Trung Quốc. Đồng chí Công nói vậy là gây chia rẻ hai Đảng và hai nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Lãnh đạo các cấp ủy không ai có ý kiến gì. Tôi không chê trách các đồng chí mà chỉ băn khoăn lo lắng, vì sao Đảng lãnh đạo không quan tâm giáo dục cho đảng viên và nhân dân hiểu lời của đức Trần Nhân Tông “Các ngươi phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay giặc”. Tháng trước, Thủ tướng chỉ đạo phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa, báo vừa đăng lên đã bị gở xuống. Quan hệ với Trung Quốc gây thiệt hại về phía Việt Nam chưa thể lường hết. Qua 20 năm, FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% nhưng Trung Quốc lại trúng thầu hơn 90% các công trình điện, khai khoáng, luyện kim, hóa chất. Họ đưa cho ta thiết bị lỗi thời. Mấy năm qua ngành mía đường cứ kêu bị đường nhập lậu đánh bại là do thiết bị Trung Quốc cũ kĩ, tiêu hao năng lượng, lao động nhiều, giá thành cao, chất lượng kém. Sau đường là xi măng và nhiều thứ khác. Các công trình trúng thầu, họ đưa lao động cơ bắp người Trung Quốc sang xây nhà ở, lập nhà hàng, lấy vợ sinh con, mua đất đứng tên vợ. Các làng Trung Quốc hình thành khắp nơi từ Mông Cái, đến Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Khánh Hòa…. Thương lái Trung Quốc gây khó từ Lạng Sơn tới tận Cà Mau, họ hợp đồng mua rể hồi, móng trâu, khoai lang, đỉa, ốc bưu vàng, lá vải… ít lâu thì họ biến mất.

   Chúng ta đã lập quan hệ hữu nghị hợp tác với những “kẻ thù cũ” Pháp, Mỹ, đặc biệt đã đưa Tổng thống Pháp Mitterand đi thăm chiến trường xưa Điện Biên Phủ nơi họ bị bắt sống 17.000 quân nhục nhã. Suốt hơn nửa thế kỷ chúng ta vẫn long trọng tổ chức những ngày kỷ niệm chiến thắng. Thậm chí hàng ngày báo chí, đài tuyền hình phát thanh còn ra rả chửi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nhưng không vì thế mà họ gây khó khăn cho ta, thậm chí họ vẫn viện trợ, tạo điều kiện cho ta phát triển. Cuộc chiến chống xâm lược biên giới phía Bắc từng được báo Nhân Dân bình luận với tựa đề “Chiến công hiển hách ghi vào lịch sử chống xâm lược của dân tộc”, thế nhưng sau khi lập lại quan hệ bình thường với Trung Quốc thì dường như bị buộc phải quên chiến công hiển hách ấy đi? Tại sao với Trung Quốc chúng ta không dám đòi bình đẳng như các quốc gia khác? Rất tệ hại là chủ trương đục bỏ bia chiến thắng ở Cầu Chánh Khê, bôi xóa tên liệt sĩ Hoàng thị Hồng Chiêm trên tượng đài của chị và đổi tên trường trung học mang tên chị thành trường Bình Ngọc (thuộc Mông Cái). Ở tận núi Quyết, thành phố Vinh Nghệ An, người ta còn đập bỏ tấm bia của Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi Quang Trung vì có hai chữ “giặc tầu”. Bài thơ như sau:

 “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,

 “Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu.

 “Ông đà chí cả, mưu cao,

 “ Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.

 “Cho nên Tàu dẫu làm hung,

 “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”.



Cách xử lý như trên cùng với việc cho cảnh sát đuổi bắt, ném lên xe những đảng viên và nhân dân đi biểu tình mỗi lần Trung Quốc gây hấn vô lý, có phải là sách lược sáng suốt hay không?  Một Đảng trong sạch không tham nhũng, tôn trọng và hết lòng phục vụ nhân dân, đồng thời không khuất phục trước kẻ thù hung bạo là hai điều kiện quyết định để có thể đứng vững và tồn tại.

    Tổng bí thư Lê Duẩn trong bài nói sau ngày chiến thắng biên giới phía Bắc năm 1979 có đại ý: Trung Quốc từ lâu có âm mưu bành trướng xuống phía Nam. Khi chúng có điều kiện thực hiện thì đầu tiên sẽ là xâm lược Việt Nam. Muốn không bị xâm lược chúng ta phải mạnh lên, cả nước đoàn kết một lòng. Chúng ta không thù hằn Trung Quốc, coi nhân dân Trung Quốc là anh em. Bọn phản động cầm quyền chỉ là một bè lũ. Ý kiến của ông vẫn còn nguyên giá trị thời sự!

    Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây khủng hoảng và hèn yếu trước ngoại bang là do Đảng không đổi mới chính trị tương ứng với đổi mới kinh tế. Thế nào là đổi mới chính trị? Nội dung chủ yếu đã có trong hai câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập năm 1945 trích từ Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn nhân quyền 1791 của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Hơn 60 năm qua Liên Hiệp Quốc đã lần lượt ban hành nhiều Tuyên ngôn, Công ước cụ thể hóa các quyền tự do của con người. Nhà nước Việt Nam cũng đã ký cam kêt thực hiện nhiều công ước quan trọng.

Các quyền tự do gồm có: Quyền sở hữu tài sản riêng, quyền tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do đi lại và cư trú, quyền tham gia quản lý đất nước trực tiếp, hoặc thông qua lựa chọn người đại diện bằng cuộc tự do bầu cử thường kỳ, chân thực, bình đẳng, phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín. Các quyền tự do nói trên đều được ghi vào Hiến pháp, nhưng suốt 70 năm chưa được thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức. Cho nên nhân dân có câu “Đảng cử dân bầu”. Quyền lập hội chỉ là vào các hội, đoàn do Đảng lập ra. Quyền tự do báo chí là viết báo của Đảng, nhà nước. Hồ Chủ tịch từng nói, báo nhà nước lập ra không phải là báo chí tự do (sách Hồ Chủ tịch với báo chí, do Hội nhà báo TP HCM xuất bản 1980, trang 9). Đó là trái với các Công ước mà nhà nước ta đã ký kết.

Để các quyền tự do của con người trở thành hiện thực thì phải có một chế độ dân chủ để thực thi. Dân chủ là thể chế hóa các quyền tự do của con người bằng một bản hiến pháp đảm bảo pháp quyền, thể hiện trung thực ý chí chính trị của nhân dân.Theo bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền đã nói ở trên, điêù 16 có nội dung như sau: ”Một xã hội mà trong đó các quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, thì hiến pháp có được ban hành hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Tức là phải có nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập thì mới có thể đảm bảo quyền tự do của con người. ( Nga và các nước Đông Âu ngày nay đều ghi “tam quyền phân lập” trong hiến pháp của họ). Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong thể chế chính trị hiện đại” là có ý nghĩa như vậy. Nhà nước dân chủ phải là nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập. Nhà nước dân chủ phải tôn trọng đời sống của một xã hội dân sự, nội dung phong phú của nó đã được ghi đầy đủ trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” mà nhà nước Việt Nam đã ký cam kết thực hiện từ ngày 24 -9-1982, nhưng sau 30 năm hầu như chưa thực hiện được gì đáng kể!



TẠI SAO TỰ DIỄN BIẾN ?



Cuộc sống luôn luôn biến động. Cái hôm qua cho là đúng hôm nay không còn thích hợp. Cho nên chống “tự diễn biến”, chống “diễn biến hòa bình” tức là chống lại sự thay đổi, chống tinh thần sáng tạo tìm những điều thích hợp trong hoàn cảnh mới, chống trào lưu tiến bộ, cố ôm giữ mớ giáo điều mà ngay những nhà mác xít trước đây cũng không chấp nhận. Phép biện chứng cho rằng, mọi sự vật đều tiệm tiến dần dần đi tới đột biến. Tôi xin ôn lại về sự “tự diễn biến” của chính hai ông tổ khai sáng chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx và F. Engels. 

Năm 1848 Marx và Engels công bố Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, cơ sở lý luận của Quốc tế cộng sản thứ nhất. Trong đó có những luận điểm về đấu tranh giai cấp, cho rằng giai cấp tư sản tạo ra những người đào huyệt chôn chính nó, cách mạng vô sản sẽ lật đổ nhà nước tư sản, thực hiện chuyên chính vô sản, xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ thị trường, xóa bỏ cả tôn giáo… Từ thập niên 60 thế kỷ 19 hai ông bắt đầu thấy có sự biến đổi trong chủ nghĩa tư bản và chủ trương đấu tranh hợp pháp, không làm cách mạng để lật đổ nhà nước tư bản. Sau khủng hoảng kinh tế năm 1866, Các công ty cổ phần và các ngân hàng đầu tư quy mô lớn ra đời làm thay đổi cơ cấu xã hội của chủ nghĩa tư bản. Marx nhận xét, vậy là nhà tư bản “đã từ bỏ sản nghiệp tư hữu của chủ nghĩa tư bản họ chỉ còn là chủ cổ phần của xí nghiệp”. Do đó, phát biểu với quần chúng ngày 8-9-1872 ở Amsterdam (Hà Lan) Marx công nhận các nước như Mỹ, Anh, Hà Lan… công nhân có thể đạt được mục đích của mình bằng biện pháp hòa bình.. Hai ông tán thành quan điểm của Ferdinand Lassalle lãnh tụ Đảng Xã hội – Dân chủ Đức chủ trương hòa bình đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi tan rã quốc tế thứ nhất năm 1876, hai ông không tìm cách khôi phục lại mà bắt đầu soạn thảo Cương lĩnh chuẩn bị ra đời Quốc tế thứ 2. Năm 1883 Marx qua đời, do đó Engels là người chủ trì Đại hội quốc tế của những người lao động xã hội chủ nghĩa tại Pari từ 14 đến 21 tháng 7 năm 1889 thành lập Quốc tế thứ 2 mà nội dung của nó hoàn toàn khác với Tuyên ngôn cộng sản năm 1948 ở những điểm lớn sau đây:  

-  Đảng và công đoàn đấu tranh bênh vực,bảo vệ quyền lợi mọi mặt của công nhân lao động.

-  Không dùng bạo lực cách mạng lật đổ nhà nước tư sản mà đấu tranh nghị trường đa nguyên đa đảng, chấp nhận thể chế đại nghị, cử đại diện tham gia bầu cử, nếu thắng cử thì nắm quyền chính trị thực hiện chế độ xã hội - dân chủ.

- Trong Đảng không lấy lập trường, quan điểm ý thức hệ sát phạt nhau mà tự do tư tưởng, và tất cả thượng tôn pháp luật.

 Ngày 6-3-1895, Engels viết lời tựa cho quyển sách “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, trong đó có đoạn như sau: “Lịch sử chứng tỏ chúng ta mắc sai lầm. Quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là một ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn, không những xóa bỏ những mê muội của chúng ta mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 đã lỗi thời về mọi mặt”.

 Lê nin không chấp nhận đường lối của Quốc tế thứ 2. Do đó không thể xem ông là người kế tục Marx và Engels. Ông kế thừa chủ nghĩa Blanqui, phái bạo lực trong Quốc tế thứ 1, cho rằng, chỉ cần dựa vào cách mạng bạo lực là có thể sáng tạo được một thế giới mới không có bóc lột và áp bức.

Do Lê nin chống Quốc tế 2, Đảng Xã hội Dân chủ Nga chia ra thành 2 phái đối lập nhau, phái theo Lê nin chiếm đa số nên gọi là bonsevich. Trái với dự đoán của Marx – Engels là cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ thành công ở nước tư bản phát triển nhất như Đức, Lê nin lãnh đạo Cách mạng tháng mười thành công ở nước Nga nông nghiệp lạc hậu. Điều này đã làm cho ông tự tin rằng mình không kém Marx, mà còn đúng hơn Marx! Ông đề ra các nguyên lý về chuyên chính vô sản không phải là chuyên chính của cả giai cấp mà là chuyên chính của Đảng độc quyền, không còn bảo đảm “sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản), ông đề ra nguyên tắc tập trung dân chủ, …

Ngay sau cách mạng Tháng 10 thắng lợi đã có nhiều nhà cách mạng Nga và thế giới không đồng ý với các quan điểm của Lê nin như Plekhanov, Kausky, Rosa Luxemburg … Trong đó, bà Luxemburg được Franz Mehring người viết tiểu sử của Marx cho là “khối óc tốt nhất đứng sau Marx”, bà nhân định “chuyên chính vô sản của Lê nin đối lập với dân chủ”.

Các ý kiến phản đối cho rằng Lê nin sẽ làm chế độ cách mạng Liên Xô đi tới chỗ sụp đổ đã được nhà nghiên cứu xã hội John Reed ghi lại trong quyển “Mười ngày rung chuyển thế giới” (Việt Nam đã dịch và xuất bản 2 lần năm 1960 và 1977). Lê nin đọc sách này một cách hứng thú, ông đã viết thư cỗ vũ nhà xuất bản in sách, chấp nhận công khai các lời chỉ trích nói trên đối với ông. Do đó, sau khi Liên Xô sụp đổ nhiều nhà bình luận cho rằng chính Lê nin mới là người gieo mầm cho Liên Xô bị tan rả 70 năm sau.

 Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu có uy tín đều cho rằng chính các Đảng xã hội - dân chủ mới là những Đảng thừa kế đúng đắn tư tưởng của Marx và Engel. Nhiều nước Bắc Âu vận dụng tư tưởng này đã giành thắng lợi lớn, thực hiện đa nguyên, đa đảng, nhưng luôn giành thắng lợi trên nghị trường, xây dựng nhà nước phúc lợi, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là công nhân lao động, khoảng cách giàu nghèo không đáng kể, tham nhũng hầu như không có.

Đảng xã hội - dân chủ Thụy Điển, chấp nhận đa nguyên, dựa vào người lao động, đấu tranh nghị trường;. Có thời gian rất dài Đảng liên tục cầm quyền 44 năm, đưa nước Thụy Điển nghèo nàn, lạc hậu trở thành nước giàu bật nhất, khoảng cách giàu nghèo không đáng kể, hầu như không có tham nhũng, ổn định nhất thế giới. Năm 2013 Cộng hòa Liên Bang Đức nước giàu mạnh nhất Châu Âu kỷ niệm 150 năm Đảng dân chủ - xã hội Đức, một Đảng theo đường lối của Quốc tế 2 lâu đời và vững mạnh vào bậc nhất. Nhân dịp này Tổng thống Joachim Gauck có bài diễn văn ca ngợi Đảng có lịch sử lâu dài dám xả thân vì niềm tin của mình: “Đó là bầu cử tự do, bình đẳng trong cả nước, bất chấp sự khác biệt xã hội của những người tham gia bầu cử, là cấm lao động trẻ em, là các tòa án phải độc lập”. Quan điểm đúng đắn đã thắng thế trong Đảng, đó là: Không thiết lập một đặc quyền giai cấp mới nào”, “dân chủ phải vừa là phương tiện vừa là mục tiêu”, “đấu tranh cho cải cách chứ không phải cho việc làm cách mạng”, ” can đảm phấn đấu cho sự hợp tác chính trị với những lực lượng to lớn khác của các đảng phái tư sản”; “cải thiện từng bước cụ thể đời sống con người, thay vì công bố những mục tiêu xa vời không tưởng”. Do đó, Đảng kế thừa tư tưởng của Marx, Engels, Lassalle vững mạnh suốt 150 năm làm choTây Đức có thu nhập cao gấp 4 lần Đông Đức xã hội chủ nghĩa theo chuyên chính vô sản của Lê nin khi thống nhất!

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam cũng tỏ rõ một quá trình tự diễn biến rất gian nan, có lúc nhanh, lúc chậm, có lúc đúng, lúc sai và nhiều lần sai rất nghiêm trọng và kéo dài.  Khoảng 1930- 1931 khẩu hiệu vang dội của Đảng là “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rể”. Năm 1945 đảo ngược lại hoàn toàn: Đoàn kết mọi người yêu nước, không phân biệt, đảng phái, giai cấp… Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Khoảng năm 1950 bắt đầu nói “Đoàn kết công, nông, binh”. Còn hiện nay thì nói “ Liên minh công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng”.

Sau năm 1975, Đại hội 4, Đại hội 5 đều đặt nhiệm vụ lớn nhất là “Thiết lập hệ thống chuyên chính vô sản trong cả nước” và “Nắm vững chuyên chính vô sản là nắm vững đường lối của Đảng”. Nội dung của nó là tiếp tục đấu tranh giai cấp, tiêu diệt mầm móng bóc lột, giải quyết triệt để “vấn đề ai thắng ai”. Ngày nay hầu như những chữ “chuyên chính vô sản” và “ai thắng ai” đã biến mất mà Nghị quyết bắt đầu nói “ con người là trung tâm”, và “phải thực hiện quyền con người”. Nghị quyết Đại hội 4 và 5 đều có chủ trương lớn là cải tạo xã hội chủ nghĩa về công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp. Về công nghiệp không để một xí nghiệp tư nhân nào. Nông dân phải vào hợp tác xã. Cửa hàng tạp hóa của tiểu thương cũng không còn. Nghị quyết Đại hội 4 ghi “Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thành công thông qua xây dựng có ý thức, có kế hoạch. Vì vậy kế hoạch là công cụ chính để quản lý và điều khiển quá trình từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.” Hiện nay, nghị quyết bảo phải vận dụng đầy đủ quy luật thị trường. Đại hội 4 và Đại hội 5 đều quyết định “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Năm 1976, Tổng bí thư Lê Duẩn nói “thời kỳ quá độ kéo dài khoảng 20 năm”. Năm 2013, tại Quốc hội Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chưa biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa. Đại hội 6 nhận định nền kinh tế đạt kết quả không tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra. Nguyên nhân là do “Mười năm qua đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, về cải tạo xã hội chủ nghĩa và về quản lý kinh tế”. Đại hội 6 cho sai lầm là do “duy ý chí” không nhìn đúng sự thật và đưa ra khẩu hiệu “Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đại hội quyết định Đổi mới toàn diện, bắt đầu là đổi mới kinh tế. Đại hội 9 cho phép doanh nhân (tên mới của nhà tư sản) được thuê công nhân với số lượng không hạn chế. Đại hội 11 chủ trương kết nạp doanh nhân vào Đảng cộng sản, tức là nhà tư sản được đứng vào đội tham mưu của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. (Điều này ông Nguyễn Đức Bình nguyên ủy viên Bộ chính trị, giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc kiên trì cực lực phản đối vì cho rằng như vậy không còn gì là chủ nghĩa xã hội!).

    Lược qua ở trên đã cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn tự diễn biến hòa bình. Nhờ đó mà Đảng thoát khỏi những tai ương cho mình và tai họa cho dân tộc như: cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, bỏ tù hàng loạt cán bộ cao cấp gọi là “ nhóm chống Đảng”. Diễn biến hòa bình lớn nhất là Đổi mới của Đại hội 6, quyết định bỏ một nửa, nhưng là một nửa quan trọng nhất lý thuyết xã hội chủ nghĩa của Lê nin, Stalin. Quan trọng nhất là nói theo Marx: cơ sở kinh tế quyết định đối với thượng tầng kiến trúc. Nhờ đó mà dư luận quốc tế hi vọng sẽ sớm xuất hiện “ Con rồng Việt Nam”. Nhưng sau gần 30 năm đã làm người ta thất vọng. Thành tích đổi mới kinh tế đã làm cho những người lãnh đạo chủ quan cho rằng có thể không cần đổi mới chính trị. Thực ra những người lãnh đạo sợ rằng đổi mới chính trị sẽ đe dọa sự tồn tại vị trí cầm quyền của Đảng. Những người sáng suốt nhất, dũng cảm nhất của Đảng như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ …đề nghị đổi mới chính trị đều bị sa thảỉ.



TẠI SAO TÁN THÀNH TAM QUYỀN PHÂN LẬP?



Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lê nin đều không có nhà nước pháp quyền mà chỉ có nhà nước chuyên chính vô sản. Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập là của nền dân chủ phương Tây. Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp 1946 là nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập. Các Hiến pháp sau này khác Hiến pháp 1946 chính là ở đó. Sau Đổi mới, đến Đại Hội 7 TBT Đỗ Mười là người có sáng kiến đưa ra khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, có định nghĩa như hiện nay.

 Các nhà tuyên huấn của Đảng giải thích: Quyền lực nhà nước là thống nhất. Bởi vì quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nhân dân thì không thể chia cắt ( chuyên viên cao cấp của Ban tuyên giáo Trung ương giảng về Hiến pháp 2013 ở đảng bộ phường Tân Kiểng). Lý lẽ đó không chính xác. Nhà nước là công cụ của nhân dân. Nhân dân có quyền phân chia các quyền tư pháp, hành pháp, tư pháp như thế nào để có hiệu quả nhất cho phát triển và chống tham nhũng. Phân quyền của nhà nước pháp quyền, chứ đâu phải là phân chia nhân dân! Còn có lý lẽ thứ 2, “tam quyền phân lập” là của phương Tây của tư sản không thích hợp cho phương Đông và nước xã hội chủ nghĩa. Về điều này có thể lấy ý kiến của Tôn Trung Sơn nhà cách mạng vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cao. Ông nói trong bài phát biểu năm 1927 trước quốc dân: “Dân chủ dân quyền thì phải học Phương Tây. Bởi vì Phương Đông và Trung Quốc suốt 4000 năm lịch sử chìm đắm trong quân quyền”. Việt Nam ta cũng theo “quân quyền” cho đến 1945.

Xin trích hai ý kiến cách nhau hơn 2000 năm về ‘tam quyền phân lập” mà cho đến nay vẫn được cả nhân loại truyền tụng làm theo.

Triết gia vĩ đại thời cổ đại, Aristote nói “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó. Còn nơi nào pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì ở đó tôi thấy sự cứu thoát của nhà nước”.

Một triết gia Pháp vĩ đại của thế kỷ 19 là Montesquieu nói: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện nguyên lão thì không còn gì là tự do nữa. Người ta sợ rằng chính ông ấy hoặc Viện ấy, chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền hành pháp và lập pháp. Nếu như quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do cuả công dân. Quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập với quyền hành pháp thì quan tòa có sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức nắm cả ba quyền thì tất cả đều mất hết”.

Ngày nay các nước dân chủ đều thực hiện nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập để: Xã hội được tự do khi nhà nước bị kiểm soát bởi luật pháp mà mục đích là để bảo vệ quyền con người. Xã hội được quản lý bởi một chính phủ của luật pháp. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có câu “Người dân có quyền làm tất cả những điều gì luật pháp không cấm và sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”

Đó là những ý kiến rất đúng đắn nhưng không thể thực hiện được nếu như không có nhà nước pháp quyền, với tam quyền phân lập! Vì sao? Bởi vì ở Điều 2 của Hiến pháp ghi ”Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện cá quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Quốc hội là cơ quan lập pháp, nhưng thực ra gồm có đủ mặt những người của hành pháp và tư pháp. Điều đó gây hậu quả đúng như Montesquieu cảnh báo như trên. Quyền tư pháp độc lập không thể thực hiện theo “sự phân công phối hợp” được. Do đó nó đẻ ra điều người gọi là “án bỏ túi”. Án oan sai nhiều không kể xiết, rất đáng lo là nhiếu oan sai tới mức án tử hình. Rất nhiều vụ án xét xử kéo dài hàng chục năm như vụ án “vườn đào”, vụ án “ăn trộm dê”… Nghị quyết 49/TW của Bộ chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020 không có đề ra việc thực hiện quyền Tư pháp độc lập. Do đó, mỗi năm đều họp bàn mà suốt 10 năm vẫn không có nền Tư pháp trong sạch vững mạnh như mục tiêu đề ra!

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến quyền tư pháp không thể độc lập là do Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy “quyền lực nhà nước là thống nhất…” nhưng cuối cùng cả 3 quyền đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tức là Đảng có quyền đứng trên quyền tư pháp, đứng trên pháp luật.

Một số nhà nghiên cứu pháp luật là đảng viên đã hơn chục năm nay kiên trì góp ý rằng: Đảng đã lãnh đạo xây dựng Hiến pháp cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng rồi thì không nên trực tiếp lãnh đạo quyền tư pháp. Phải để quyền tư pháp đứng trên thì mới ngăn chặn được tham nhũng. Đảng đang lâm vào tình trạng tham nhũng suốt hơn 30 năm, càng ngày càng nghiêm trọng, nếu không dũng cảm chấp nhận tư pháp độc lập thì không khác nào người bị bệnh nặng mà cứ giành quyền chỉ đạo thầy thuốc!



TẠI SAO ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN LẠI TÁN THÀNH ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG?



Như vậy là tạo điều kiện cho các đảng đối lập giành quyền lãnh đạo của Đảng mình? Hậu thuẩn cho câu hỏi này là lập luận: Trong thời kháng chiến gian khổ, tại sao các đảng đối lập không nhảy ra tranh với Đảng cộng sản về sự hi sinh, nay sau khi đất nước hòa bình phát triển lại muốn nhảy ra tranh phần? Cách nghĩ như vậy giống như đòi chia “quả thực” trong cải cách ruộng đất, ai “đấu tố” mạnh thì phải được chia phần nhiều hơn; hoặc giống như một Công ty cổ phần bàn chuyện chia lãi, chứ không giống một Đảng cách mạng từng tuyên bố “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân” (giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh của Bộ Giáo dục - Đào tạo). Trong hạnh phúc của nhân dân có quyền tự do, mà chủ tịch Hồ Chí Minh có câu thơ rất hay “Trên đời nghìn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do”. Trong các quyền tự do có quyền tự do chính trị. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam ký kết từ 24-9-1982 ở Lời nói đầu có ghi “Chỉ có thể đạt được lý tưởng của con người tự do được tận hưởng tự do về dân sự và chính trị không bị sợ hãi…” và ở Điều 1 ghi nhận “quyền quyết định thể chế chính trị”. Hiến pháp 1946 ghi nhận quyền:” Tự do tổ chức và hội họp”. Các Hiến Pháp sau này đều có ghi nhận tất cả các quyền tự do, trong đó có quyền lập hội, nhưng đã mắc nợ nhân dân suốt 70 năm không được thực hiện. Mặc dù Hiến pháp và Luật đều không điều nào cấm lập đảng, lập hội, nhưng thực tế thì không cho phép. Và như phần trên đã nói, từ 1866 Marx và Engels đã chấp nhận đa đảng. Thật ra ngay từ 1848, trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ở chương 4 về “Thái độ đối với các đảng đối lập” (trang 99) hai ông đã dạy những người cộng sản cách sống chung với các đảng tư sản. Không chấp nhận đa nguyên chính trị, cứ tưởng sẽ tốt, có lợi cho Đảng cầm quyền, bởi vì không sợ ai tranh giành với mình. Nhưng theo bài học rất sơ đẳng thì chính đó lại là tự giết mình. Đó là bài học từ sự sụp đổ của các Đảng cộng sản Liên Xô, Đông Âu. Bởi vì độc quyền thì sinh ra quan liêu, quan liêu sinh tham nhũng, tham nhũng lũng đoạn mọi mặt sẽ làm bại hoại mục ruỗng cả Đảng và cả dân tộc. Chấp nhận đa nguyên đa đảng là học bài học trường tồn một cách đường đường chính chính của các Đảng xã hội - dân chủ Thụy Điển, Na Uy, Đức …Nguyên ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong bài nói ngày 7-12-2010 trên Tuần Việt Nam, cho rằng tình trạng suy thoái của Đảng như hiện nay, “không phải là do bị diễn biến hòa bình … Chính những đảng viên cộng sản chân chính, liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức cách mạng, cũng không muốn bảo vệ sự độc quyền của một Đảng biến chất, thoái hóa, tham nhũng. Đảng đã thành vua tập thể”. Ông vua phong kiến thì chẳng sao, dù cho ông ta có 3000 cung nữ, dù cho đất đai cả nước là của vua. Nhưng Đảng thì lại khác, bởi Đảng phải nói và làm theo chủ tịch Hồ Chí Minh “ Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là nhân dân, vì dân là chủ”. Và người dân luôn luôn so sánh lời nói với việc làm của đảng viên có đi đôi hay không.



TẠI SAO VI PHẠM 19 ĐIỀU CẤM THEO QUYẾT ĐỊNH 47/QĐ/TW?



Mấy mươi năm trước đảng viên chỉ thực hịên Điều lệ, Nghị quyết Đảng và pháp luật mà nói chung rất tốt. Hơn 10 năm qua có thêm quy định các điều cấm không được làm, nhưng tình hình cứ xấu đi. Quyết định 47/ QĐ/TW ghi là “Căn cứ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Nhưng Hiến pháp Việt Nam có ghi các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, biểu tình thì Quyết định 47/QĐ/TW ở Điều 6 cấm “biểu tình tập trung đông người gây mất an ninh trật tự”. Quy định này không rõ, bao nhiêu người thì gọi là đông người, và nếu đông người mà không gây mất trật tự thì có được phép hay không? Như trên tôi đã kể, chúng tôi mới trên đường đi thì đã bị vây bắt rồi, làm gì đã gây ra mất an ninh!

Và nói trái nghị quyết cũng là một khái niệm rất khó xác định. Mọi đảng viên đều phải bình đẳng, vậy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ở Vĩnh Phú, phê phán các đảng viên đi biểu tình phản đối Trung Quốc là suy thoái chính trị có đúng Nghị quyết Đảng và Hiến pháp không? Ông nói “hết thế kỷ này cũng chưa chắc có chủ nghĩa xã hội” có đúng Nghị quyết không? Ông nói Hồ Chủ tịch viết trong Di chúc “Đảng ta là Đảng cầm quyền là hơi hẹp, đúng ra phải nói Đảng ta là Đảng lãnh đạo có đúng nghị quyết không? Có xúc phạm lãnh tụ không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều phát biểu rất đúng, nhưng tôi e rằng nếu là người khác nói thì rất có thể sẽ bị quy là trái Nghị quyết: Ví như ông lên tiếng giữa Quốc hội đòi Hoàng Sa, phê phán Trung Quốc ở Shangri-la làm cho họ cáu giận, và Thông điệp đầu năm 2014 của ông đưa ra nhiều khái niệm đúng đắn về dân chủ giống như của phương Tây mà các Nghị quyết của Đảng đều chưa hề ghi nhận? Chẳng lẽ trong Đảng không có bình đẳng về phát ngôn? Cấp trên muốn nói gì cũng được còn cấp dưới thì không?

 Tôi cho rằng Quyết định 47/QĐ/TW hoàn toàn trái ngược với Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rổi kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. “Nghị quyết gì mà người dân nói là không đúng thì để họ để nghị sửa lại”

 “Quyền tự do tư tưởng hóa ra là quyền tự do phục tùng chân lý” và “Dân chủ là người dân được mở mồm ra nói”. Chẳng lẽ đảng viên cũng là công dân lại không được mở mồm như người dân? Cách quy định những điều cấm như thế qua hơn 10 năm đã chứng tỏ nó không làm Đảng mạnh và tốt lên, trái lại, bêu riếu sự lạc hậu trong thời đại bùng nổ thông tin. Thời đại ngày nay các đảng chính trị đều thực hiện dân chủ nội bộ và thực hiện công khai minh bạch không chỉ trong nội bộ mà trước toàn dân. Chỉ có như vậy mới không tái diễn chuyện “khoán chui” và “xé rào”. Tuy vậy, tôi cũng đã nhiều lần định không đưa bài góp ý lên mạng mà chỉ gửi cho Đảng và các báo, các mạng của Đảng, nhưng các báo đều không đăng, Đảng thì không bao giờ hồi âm!

 Thưa các đồng chí nhiều khi tôi quá bức xúc, đau lòng, cảm thấý dường như Đảng ngày nay không phải là Đảng mà ngày xưa mà tôi giơ tay thề hi sinh đến giọt máu cuối cùng vì Đảng ấy “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm trọn nhiệm vụ giải phóng dân tộc làm cho Tổ quốc giàu mạnh đồng bào sung sướng.” Hình như có những kẻ muốn biến Đảng thành công cụ của các “nhóm lợi ích” giúp họ giữ ghế và làm giàu! Là một nhà báo có 35 năm theo dõi phong trào công nhân lao động, cho nên bức xúc nhất của tôi là nhìn thân phận khốn cùng của giai cấp công nhân hôm nay.Tôi vô cùng bức xúc khi cảm nhận rằng hai giai cấp lớn nhất, có công đóng góp lớn nhất cho thắng lợi của cách mạng và kháng chiến là công nhân và nông dân đã bị phản bội bằng nhiều chính sách quá bất công đối với họ. 

 Có lẽ bản kiểm điểm của tôi không đáp ứng được yêu cầu của các đồng chí chỉ đạo cuộc kiểm điểm. Nhưng biết làm sao, khi đó là nhận thức thành thật của tôi, một đảng viên sau hơn 55 năm đứng trong hàng ngũ Đảng, sống thanh bạch, ngoài 80 tuổi còn ký kết hợp đồng viết bài cho báo Lao Động và lúc nào cũng nghĩ về vận nước và sự suy thoái của Đảng, lại là kẻ suy thoái chính trị ư? Không! Tôi cho rằng chính những người bảo thủ, giáo điều, không sáng suốt chấp nhận đổi mới chính trị, khiến cho một Đảng cách mạng, anh hùng, trở thành một Đảng suy thoái tham nhũng, họ mới chính là kẻ suy thoái chính trị. Do đó, tôi không nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào có tên gọi là suy thoái tư tưởng chính trị. Nhưng tôi không muốn tuyên bố từ bỏ Đảng mà xin nhường cho Đảng quyền khai trừ mình. Bởi vì như vậy, tôi sẽ được yên lòng rằng, Đảng khai trừ tôi không phải là Đảng mà tôi từng tha thiết xin được gia nhập và thề phục vụ suốt đời. Và có lẽ nhờ đó từ ngày mai tôi sẽ không còn quá băn khoăn về trách nhiệm đối với Đảng, không còn bức xúc cứ muốn viết bài góp ý, xây dựng Đảng.

                                                                Ngày 22-2-2014

                                                                Tống Văn Công

Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động tuyên bố bỏ đảng

Thứ sáu, 28/02/2014, 04:07 - Nguồn: Vietgiaitri.com Yêu cầu xóa tin
Trong bản tự kiểm điểm ngày 22-2, ở phần “tự nhận một hình thức kỷ luật”, tôi đã viết: 
Là một đảng viên hơn 55 năm đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, sống thanh bạch, 82 tuổi còn làm việc hợp đồng, lúc nào cũng nghĩ về vận nước và sự suy thoái của Đảng, tôi nghĩ rằng, tôi không phải thuộc số không nhỏ đảng viên thoái hóa chính trị mà chính những người bảo thủ, giáo điều không sáng suốt chấp nhận đổi mới chính trị, khiến cho một Đảng cách mạng, anh hùng trong sự nghiệp giải phóng, nay trở thành một Đảng độc đoán, tham nhũng mới đúng là những kẻ suy thoái chính trị. Do đó tôi không thể nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào có tên là suy thoái tư tưởng chính trị.

Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động tuyên bố bỏ đảng
Ảnh: Ông Tống Văn Công, nguyên tổng biên tập báo Lao động
Tuy vậy, tôi không muốn tuyên bố từ bỏ Đảng mà xin nhường cho Đảng quyền khai trừ mình. Bởi vì làm như vậy, tôi sẽ yên lòng rằng, Đảng khai trừ tôi không phải là Đảng mà tôi từng tha thiết xin được gia nhập và thề phục vụ suốt đời. Và có lẽ nhờ đó mà mai kia tôi sẽ không còn quá băn khoăn về trách nhiệm đối với Đảng, không còn quá bức xúc cứ muốn góp ý xây dựng.
Ngày 24 tháng 2 năm 2014, tôi nhận được văn thư của đảng ủy cho rằng tự kiểm điểm của tôi “chưa đạt yêu cầu”, phải “nghiêm túc viết lại bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật“. Cùng với văn thư trên, có bản gợi ý nêu ra ba trường hợp mà theo Quyết định 47 -QĐ/TW là phải khai trừ: “Có quan điểm ủng hộ hoặc tán thành đa nguyên chính trị, đa đảng; công khai phê phán bác bỏ chủ nghĩa Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.”
Tôi hiểu, Ban chỉ đạo muốn bảo rằng: Khuyết điểm của tôi là phải tự nhận hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Không làm như vậy thì tôi gây khó cho tổ chức Đảng. Nhưng làm như vậy thì thật là khó cho tôi. Bởi vì cho đến nay, tôi vẫn tự hào về cái ngày là anh lính vệ quốc đoàn, viết đơn xin vào Đảng để được noi gương các đảng viên trong giờ phút gay go của chiến dịch Cầu Kè năm 1950 (Trà Vinh) đã hô to “Các đảng viên cộng sản! Xung phong!” Tôi vẫn tự hào ngày được vào Đảng, giơ tay thề hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất, dân chủ cho nhân dân. Còn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là gì thì, thú thật không chỉ tôi mà cả các bậc đàn anh cũng chẳng hiểu!
Càng tự hào về lý tưởng cao cả mà mình đã bỏ cả đời để phục vụ, tôi càng day dứt, xấu hổ vì sự thoái hóa, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ những người trong guồng máy lãnh đạo, khiến Đảng cầm quyền phạm nhiều sai lầm, làm mất hết niềm tin của nhân dân, làm khoảng cách tụt hậu của đất nước càng ngày càng xa so với các nước khu vực. Những người lúc nào cũng hô hào kiên trì ý thức hệ lỗi thời, cấm không được tự diễn biến, thực ra, họ chỉ nhằm duy trì quyền lực, khai thác “lợi ích nhóm”, làm giàu cho bản thân, bất chấp thiệt hại của nhân dân lao động và đất nước. Giặc “nội xâm” bao giờ cũng là chỗ dựạ của giặc “ngoại xâm”. Bất kể bọn bành trướng hung hăng ra rả khẳng định toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa, cả “lưỡi bò” biển Đông là của Trung Quốc, lời họ đáp lại chủ yếu vẫn là kiên trì “16 chữ vàng” và “bốn tốt”, vì đây là “đồng chí cùng chung ý thức hệ”, cùng chống lại các thế lực thù địch phương Tây. Truyền thống bất khuất, lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nghiêm trọng, làm mất dần sự đồng thuận xã hội trước hiểm họa đe dọa sự tồn vong của dân tộc, mà thực ra cũng là sự tồn vong của chính Đảng cộng sản Việt Nam.
Vì những lẽ đó mà thời gian qua, tôi hết sức tự kiềm chế, cố gắng tiếp tục đứng trong hàng ngũ Đảng để cùng với các đảng viên chân chính trực tiếp đấu tranh, góp ý xây dựng Đảng, hi vọng những người lãnh đạo nhận ra sai lầm, vứt bỏ ý thức hệ lạc hậu, tiến tới một Đại hội Đảng đổi mới lần 2: Đổi mới chính trị, thực hiện nhà nước pháp quyền đúng như các thể chế chính trị hiện đại. Từ đó mà vực dậy niềm tin đang cùng kiệt của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh mà đảng viên và nhân dân giao cho.
Hôm nay, con đường ấy đã bị chặn lại. Đau lòng lắm, nhưng phải đành vậy thôi! Từ giờ phút này, từ ngày hôm nay, 25-2-2014, tôi xin nói lời chia tay với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 25 tháng 2 năm 2014
© Tống Văn Công
Theo Đất Việt

10.866. Hồi ký của nhà báo Tống Văn Công: Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo Cộng đến chống Cộng

Posted by adminbasam on 27/11/2016
Cao Trí

27-11-2016
Ảnh bìa hồi ký Tống Văn Công
Ảnh bìa hồi ký Tống Văn Công
Về tác giả Tống Văn Công: Được xem như một trong những nhà báo lão thành của nền “báo chí cách mạng”, ông Tống Văn Công đã trở thành “kẻ thù” của đảng chỉ vì nhìn ra chân tướng chế độ và mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi cải cách dân chủ. Ông bị quy chụp là “phần tử chống đảng điên cuồng”, chỉ vì ông bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Ông Tống Văn Công vừa cho ra mắt quyển hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo cộng đến chống cộng”. Ông thuật lại đời làm báo của mình. Ông cũng nhắc lại nhiều chuyện oái oăm khác trong chế độ mà ông từng phục vụ và từng tung hô để rồi nhận ra rằng chế độ ấy chỉ được dựng lên bằng dối trá. Dưới đây là vài trích đoạn trong hồi ký trên.
Kỳ 1: TÔN ĐỨC THẮNG, PHẠM VĂN ĐỒNG VÀ VỤ ÁN ĐƯỜNG BARBIER
Năm 1949 anh Lê Văn Chánh (hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam) bạn đồng hương của tôi được kết nạp vào Đảng, sau đó được học một khóa chính trị, chương trình học gồm có: Chủ nghĩa xã hội khoa học; Cách mạng dân chủ mới; Lịch sử Đảng. Trong giáo trình lịch sử Đảng, có một bài về tổ chức tiền thân của Đảng là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Chủ tịch Kỳ ủy của tổ chức này (cấp lãnh đạo Nam Kỳ) là Tôn Đức Thắng.
Năm 1928 ông Tôn Đức Thắng chủ trì “tòa án cách mạng” xử tử hội viên Lê Văn Phát (người xã Mỹ Chánh, Ba Tri, Bến Tre) về tội yêu đương. Các hội viên thực hiện bản án bằng cách bóp cổ Lê Văn Phát đến chết, rồi đổ xăng đốt để không thể nhận diện. Anh Chánh và tôi vô cùng kinh ngạc, rồi tự an ủi “đó là một thời ấu trĩ đã qua”. Hàng chục năm sau, nhà thơ Hoàng Hưng trong dịp đi Pháp về kể, anh được đọc quyển hồi ký “Passion, Betrayal and Revolution in Colonial Saigon” của bà Nguyễn Trung Nguyệt, một trong bốn người thực hiện bản án nói trên kể lại chuyện xưa. (Ba người kia là Trần Trương, Ngô Thiêm, Nguyễn Văn Thinh bị tòa án Pháp xử tử, bà Nguyệt là phụ nữ nên được hạ mức án xuống tù chung thân, đày ra Côn Đảo).
Mãi gần đây tôi mới biết hồi ấy Tuần báo Phụ Nữ Tân văn (trụ sở ở số 42 đường Catinat, trước năm 1975 là đường Tự Do, nay là Đồng Khởi) số 14, xuất bản ngày Một tháng 8 năm 1929 đã có bài tường thuật như sau: “Trong đêm mùng 8 rạng ngày 9 tháng 12 năm 1928 xảy ra vụ giết người quá tàn bạo và dã man tại căn nhà số 5, đường Barbier mà hung thủ là những người trong Phân bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Nam Kỳ. Nạn nhơn là Lê Văn Phát, bí danh là Mỹ, Lang, bị đồng chí kết án tử hình vì tội phản bội theo điều lệ của đảng: Lê văn Phát ve vãn người chị em của chúng ta là Thị Nhứt”. Và tội phản bội theo điều lệ đảng được các đồng chí của Phát giải thích: “Phát không gạt bỏ tình riêng để toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng”. Ba đồng chí trẻ tuổi hơn hết trong tổ chức của Phát (23, 24, và 26 tuổi) thi hành bản án đã được tòa án cách mạng phán quyết.
Tôn Đức Thắng, 40 tuổi chủ trì tòa án vì ông là Chủ tịch Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Tòa án Pháp xử Tôn Đức Thắng 20 năm khổ sai. Phạm Văn Đồng 10 năm cấm cố vì “đồng ý bản án tử hình” nói trên. Bốn tên ra tay giết người, bị xử tử hình là Trần Trương, Ngô Thiêm, Nguyễn văn Thinh, cô Nguyễn Trung Nguyệt bị đày ra Côn Đảo.” Sau này các giáo trình Lịch sử Đảng viết lại vụ án đường Barbier: Bác Tôn bị thực dân Pháp gán vào tội chủ mưu giết người trong vụ ám sát một người hợp tác với chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tên là Phát. Họ cho rằng, các đồng chí của ông thực hiện vụ giết người ở đường Barbier. Nhờ một đồng chí trẻ đứng ra nhận mình là chủ mưu và nhờ sự vận động của một số nhân sĩ trí thức như bà Trần Thị Cừu, đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo, nên ông chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án 20 năm chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo.
Lịch sử Đảng cho rằng trước đó cụ Tôn bị bắt lính năm 1914 và bị đưa sang Pháp, sung vào hải quân phục vụ cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Khi Cách mạng Tháng 10 Nga nổ ra, Pháp đưa hạm đội đi đàn áp. Cụ Tôn đã làm binh biến kéo cờ đỏ trên thiết giáp hạm ở Hắc Hải. Sau đó Cụ về nước thành lập Công hội đỏ ở Xưởng Ba Son năm 1920. Năm 1925, Cụ Tôn lãnh đạo cuộc đình công ở Xưởng Ba Son giam chân chiến hạm Pháp khiến chúng không kịp đi tham gia đàn áp cách mạng Trung Quốc. Về các sự kiện nói trên, giáo sư sử học Christoph Giebel của Đại học Washington tác giả quyển sách “Tiền bối tưởng tượng của những nhà cộng sản Việt Nam: Tôn Đức Thắng và chính trị của lịch sử và ký ức” (Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) đã cho rằng: “Không có bằng chứng cho thấy ngay từ thời rất trẻ, thậm chí trước cả thời thế chiến thứ nhất, ông Tôn đã hoạt động rất tích cực trong các tổ chức cách mạng tại Sài Gòn. Ông Tôn không bị bắt lính mà được tuyển mộ. Và ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên bất kỳ con tàu nào của Pháp liên quan vụ binh biến ở Hắc Hải. Bộ máy tuyên truyền đã dùng hình ảnh ông Tôn cắm cờ trên con tàu ở Hắc Hải để kết nối cách mạng Việt Nam với Cách mạng tháng Mười Nga.” Theo Giebel, “cuộc đình công ở Ba Son không phải là đình công chính trị với mục đích chống đế quốc, và cũng không giam chân được chiến hạm Pháp trên đường sang Trung Quốc.”

…….
Kỳ 2: “Cụ Hồ bày ra Đảng Dân Chủ với Đảng Xã Hội để dụ khị mấy thằng trí thức đang lớ ngớ, gom vào hai cái đảng này để tiện việc quản lý, giáo dục đó thôi!”
Ngày Chủ nhật, tôi thường từ Cầu Diễn đi bộ ra Cầu Giấy rồi lên tàu điện ra Hà Nội tìm mua sách báo. Do không có nhiều tiền, tôi vào hiệu sách báo xem vài tờ báo rồi mua một quyển sách, sau đó tới cửa hàng sách báo khác, cũng lặp lại như thế. Tôi đã đọc theo cách đó tất cả các số báo Trăm Hoa và Nhân Văn Giai phẩm mà không phải bỏ tiền mua. Một hôm, vừa rời hàng sách bước ra đường thì tôi gặp bác hai Trần Trung Trực, nguyên Phó ty giáo dục Bến tre thời chống Pháp. Thấy tôi mặc quân phục bác rất vui: “Tao không ngờ ốm yếu như mày mà vẫn còn ở bộ đội. Mấy thằng con tao chuyển ngành hết rồi!”. Bác đâu ngờ tôi chỉ là chú lính gánh gạch, trộn vữa, học xây nhà! Bác đưa tôi đến Sở Giáo dục Hà Nội cơ quan của bác hiện nay, để bác cháu tâm tình. Bác nói bác đang là bí thư chi bộ, tôi hỏi: “Là bí thư chi bộ Đảng Dân Chủ hở bác Hai”?
Bác xua tay: “Bậy mày! Bí thư chi bộ Đảng Lao động chứ, tức là Cộng sản chứ”. Tôi nhắc lại chuyện bác giải thích với tôi về Đảng Dân Chủ hay hơn Đảng Cộng Sản ở chỗ ôn hòa, đi chậm mà chắc. Bác cười lớn: “Hồi đó tao có biết gì đâu. Sau này thằng Hiếu con tao làm con rể bác Năm Hưỡn trưởng ty, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre! Là thông gia với nhau, bác Năm không ngại nói thẳng cho tao biết: Đảng Dân Chủ là do Bác Hồ thành lập để thu nạp những anh trí thức lơ tơ mơ, tạch tạch xè (những từ nói lóng để chỉ thành phần tiểu tư sản mà Đảng cộng sản cho là có quan điểm, lập trường bấp bênh cần phải kèm cặp, giáo dục không ngừng) mới tham gia cách mạng, còn e ngại cộng sản. Người trí thức vô đảng Dân Chủ thì coi như đã chịu đi theo con đường của Đảng cộng sản rồi. Bác Năm đứng ra giới thiệu tao vào Đảng cộng sản”.
Tôi hỏi thăm hai người con “mác xít” của bác. Bác cho là mình rất bất hạnh khi có đứa con thứ hai là Trần Trung Tín hư đốn. Tín rời bộ đội làm diễn viên điện ảnh, nhưng thích làm thơ. Bất ngờ có người cùng cơ quan phát hiện anh có những câu thơ: “Trái tim tôi không phải quả táo Tàu. Không thể dùng dao cắt chia ba phần to nhỏ” và “Chân lý không thể bị hành hình. Cái đẹp không thể vùi chôn”. Tín bị đưa ra chi bộ kiểm điểm. Người ta cho rằng anh công kích Tố Hữu, cũng tức là chống lại quan điểm văn nghệ của Đảng. Trần Trung Tín khẳng định mình hoàn toàn đúng.
Trước sự o ép liên tục của chi bộ, Tín xé thẻ Đảng vứt vào sọt rác, rồi định tìm đến cái chết. Trong giây phút tuyệt vọng, may thay anh bắt gặp niềm yêu say hội họa. Hội họa đã cứu sống anh. Anh ngồi vẽ suốt ngày bằng mực Cửu Long trên giấy báo Nhân Dân. Lúc ấy bác hai Trực và cả tôi nữa chỉ biết tin vào Đảng. Ông không thể ngờ con trai mình được họa sĩ Bùi Xuân Phái coi là “một thiên tài bẩm sinh”. (Bùi Xuân Phái cũng là người không được Đảng coi trọng). Sau khi bác Hai Trực qua đời, tranh của Trần Trung Tín được triển lãm ở nhiều quốc gia có nền mỹ thuật cao như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Thái, Singapore… Tờ báo có uy tín The Independent đánh giá: “Trần Trung Tín là họa sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam” và báo Time nhận xét tranh của Trần Trung Tín “bi thiết với màu sắc rực rỡ”.
Sau lần gặp bác Hai Trực, trong một dịp họp đồng hương tôi được gặp anh Lê Nguyên, ủy viên Ban chấp hành Đảng Dân chủ tỉnh Bến Tre thời chống Pháp. Năm 1945 anh thi tú tài xong thì Cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến bùng nổ. Anh rời Sài Gòn về Bến Tre, lập tức được mời vào Đảng Dân Chủ, ít lâu trở thành cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh của Đảng này. Tập kết ra Bắc anh bắt đầu làm báo. Tôi hỏi, có phải anh làm báo Độc Lập do ông Nguyễn Việt Nam nguyên Ủy viên Ban thường vụ Kỳ ủy Đảng Dân Chủ ở Nam Bộ đang là tổng biên tập. Anh cười, rỉ tai tôi: “Cậu không biết Đảng Dân chủ chỉ là cái đảng dỏm à? Cụ Hồ bày ra Đảng Dân Chủ với Đảng Xã Hội để dụ khị mấy thằng trí thức đang lớ ngớ, gom vào hai cái đảng này để tiện việc quản lý, giáo dục đó thôi! Sau khi biết rõ như vậy, mình đã làm đơn xin ra Đảng Dân Chủ, rồi cố gắng “phấn đấu” và đã được kết nạp vô Đảng Lao Động hơn ba năm rồi”.
Chuyện của bác Hai Trực và anh Lê Nguyên làm tôi bùi ngùi nhớ cô giáo Thiệp đảng viên Dân Chủ ở trường trung học Huỳnh Phan Hộ tôi học thời chống Pháp. Thời ấy, các đảng viên Dân Chủ như bác Hai Trực rất tự hào về sự khác nhau – không muốn nói là ưu việt – của đảng mình so với Đảng Cộng Sản. Do đó những đảng viên cộng sản trẻ, đặc biệt là những đoàn viên thanh niên “cảm tình” Đảng cộng sản luôn muốn tỏ “lập trường cách mạng vô sản” đã coi Đảng Dân Chủ như là một bọn thù địch! Những buổi cô giáo Thiệp giảng bài, bọn học sinh chúng tôi bỏ học gần một phần ba, còn hai phần ba có mặt thì trò chuyện râm ran.
Năm 1965, tôi được tin cô giáo Thiệp bị bắt đã từ chối ly khai cộng sản, chấp nhận vào chuồng cọp ở Côn Đảo. Trong khi đó thày Triết bí thư chi bộ Đảng cộng sản của trường Nguyễn Công Mỹ lên đài Sài Gòn tuyên bố ly khai cộng sản! Năm 1981, tôi được bầu vào Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa 2. Trước khi biểu quyết những nghị quyết có thể phiếu bị phân tán, các đảng viên cộng sản được Đảng đoàn ở Hội đồng Nhân dân mời họp riêng để “quan triệt sự chỉ đạo của Thành ủy”. Ông Nguyễn Việt Nam chủ tịch Hội đồng Nhân dân là bí thư Đảng đoàn Đảng cộng sản, người mà thời chống Pháp đã được công khai là Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ ở Nam Bộ, sau khi tập kết ra Bắc làm Tổng biên tập báo Độc lập cùa Đảng Dân Chủ Việt Nam. Dù đã biết nhiều sự thật, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông Nguyễn Việt Nam công khai nhân danh bí thư Đảng đoàn của Đảng Cộng Sản trong Hội đồng Nhân dân, chỉ đạo các đại biểu là đảng viên việc bỏ phiếu theo nghị quyết của Đảng! Đảng Dân Chủ “hữu danh vô thực” ngay khi thành lập. Đảng Xã Hội cũng thế. Phải trong tình trạng bối rối, sợ hãi đến mất khôn (Liên xô, Đông Âu xụp đổ), ông Nguyễn Văn Linh mới quyết định buộc họ phải “hoàn thành nhiệm vụ”.
…………
Kỳ 3: VỤ PHONG THÁNH 117 CHÂN PHÚC TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Ngày 22–6–1987 Giáo Hoàng Gioan – Phao lô II chủ trì cuộc họp tại Roma (Italia) quyết định phong Hiển thánh cho 117 Á thánh chết vì đạo ở Việt Nam từ 1625 đến 1861 và ấn định năm sau, ngày 19–6–1988 sẽ tổ chức lễ phong thánh tại Roma. Ngày 12–10–1987 Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam gửi công văn cho Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành, đặc khu cả nước, nhận định: “Quyết định của Vatican là một việc làm có dụng ý chính trị xấu và xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, kích động tâm lý cuồng tín “tử vì đạo” trong một bộ phận giáo dân và giáo sĩ Việt Nam; gây chia rẽ giáo, lương; làm tổn hại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đảng và Nhà nước ta đang ra sức thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo, tăng cường đoàn kết toàn dân vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
“Trước tình hình đó, ngày 18–9–1987, thừa lệnh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã triệu tập các giám mục trong Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam để vạch rõ tính nghiêm trọng của sự kiện nói trên, nghiêm khắc phê phán việc làm sai trái này của một số giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, của Vatican và bàn biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình”. Sau đó nhiều cuộc hội thảo được tổ chức khắp cả nước, nhiều cây bút sắc bén nhất của chế độ như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện… viết bài theo quan điểm nói trên.
Bài viết của ông Nguyễn Khắc Viện có tựa đề “Chết vì đạo, chết cho ai”? Mở đầu ông cho rằng “Tôi vẫn cảnh giác cao độ với những mưu đồ xuất phát từ phương Tây mong lợi dụng đạo Ki tô để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta.” Ông cho rằng không thể biết chính xác tất cả những người được nêu tên đã chết trong hoàn cảnh nào, họa chăng tư liệu còn lại cho biết rõ trường hợp một vài người. Ông nhấn mạnh hai sự kiện: – Một là chuyện giám mục Adran đưa Hoàng tử Cảnh bái yết vua Pháp Louis 16 năm 1787, với kế hoạch tấn công Đà Nẵng. – Hai là chuyện người Công Giáo đã giúp Pháp tiêu diệt phong trào Văn Thân (Văn Thân có khẩu hiệu “bình Tây sát tả”, có nghĩa là dẹp tây, diệt đạo).
Nguyễn Khắc Viện nhận định Lễ Phong Thánh sẽ gây ra: “Rồi nhiều người trên thế giới, đặc biệt trong giáo dân, đâm ra thương hại cho Giáo hội Việt Nam đang sống trong cảnh bị áp bức, rồi một số người Việt Nam ngoại đạo, một số cán bộ sẵn có định kiến lại thốt lên: Đã bảo mà, tin sao được bên đạo, bao giờ họ cũng hướng về phương Tây. Rõ ràng việc phong thánh này là một đòn hiểm đối với khối đoàn kết dân tộc của chúng ta.” Thật là “thần hồn nát thần tính”, Đảng cộng sản Việt Nam cứ nghĩ là các thế lực thù địch lúc nào cũng đang âm mưu đánh phá mình, phong thánh chắc phải là đòn hiểm(!)
Thực ra tất cả 117 vị tử đạo không có người nào bị giết vì dính líu với thực dân Pháp, họ chỉ bị giết vì là “tả đạo”, trái với đạo Nho mà triều đình nhà Nguyễn tôn thờ. Các vị đều có lý lịch rõ ràng về quê quán, chức sắc, ngày bị giết, hình thức bị giết (xử trảm, xử giảo, hay chết trong tù). Những người công giáo chân chính có nhiều bài viết cho rằng chuyện phong thánh là việc riêng của giáo hội và việc này hoàn toàn đúng đắn bởi mục đích tôn vinh những giáo dân dám từ chối đạp lên thập giá, chịu chết vì đạo Chúa. Các Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ngô văn Ân, Thanh Lãng có những bài viết, tham luận bác bỏ những lập luận không đúng sự thật lịch sử. Đặc biệt hai ông Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan đã từng hoạt động chống chiến tranh, chống sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam, đòi trả tự do cho tù chính trị, những người bị giam ở Côn Đảo, do đó họ đã bị chế độ miền Nam cho là thân cộng.
Sau 1975, hai ông được nhà nước cộng sản mời tục bản Đối Diện với tên mới là Đứng Dậy, nhưng chẳng bao lâu đã bị đóng cửa. Giờ đây với việc bảo vệ vụ Phong thánh, hai ông bị nhà nước cộng sản cho là phá bỉnh, đã dùng biện pháp “bịt mồm”, rồi một người bị quản chế tại gia, một người được mời rời khỏi xứ đạo, an trí ở Cần Giờ. Bài “Nói chuyện Tử đạo với ông Nguyễn Khắc Viện” của linh mục Nguyễn Ngọc Lan (Bài có gửi cho báo Công Giáo Và Dân Tộc do linh mục Trương Bá Cần làm Tổng biên tập nhưng không được đăng) có đoạn: “… Ông muốn dạy dỗ chúng tôi, những người công giáo Việt Nam ‘nên nghĩ thế nào’ về việc phong 117 vị thánh liên hệ trực tiếp và trước tiên đến chúng tôi. Đó là quyền của ông, quyền hiểu theo nghĩa tự do chủ nghĩa (libéralisme) tạm gọi là của thế giới tư bản. Còn nếu “quyền” được hiểu với một chút màu sắc đạo đức nào đó thì thưa ông, tại sao ông không tự đặt cho mình một số câu hỏi tương tự như: Bài của ông là bài thứ mấy viết về vấn đề này? Ông có thể tính bằng đầu ngón tay thì phải…” Tại sao chỉ có giám mục Bùi Tuần có tiếng nói về vấn đề này trên tờ Công Giáo Và Dân Tộc? Các giám mục Việt Nam khác ở đâu? Các người Công Giáo khác ở đâu? Họ không biết nghĩ thế nào cả sao? Họ không biết viết thành câu cú những điều họ nghĩ sao?
Tại sao mấy trang góp ý của linh mục Chân Tín một người quen thuộc với cả báo chí trong nước và ngoài nước không hề được đăng trên báo Công Giáo Và Dân Tộc, khi mà những trang góp ý ấy đã được đọc lên trong buổi họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở quận 3 chiều ngày 18 tháng 1 năm 1988 và đã được giới Công Giáo chú ý đến nhiều? Tại sao ngay cả trong tập “Tài liệu tham khảo” về “Việc phong thánh các Chân phúc tử đạo Việt Nam” do Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh in ronéo tháng 2 – 1988 trong phần II dành cho “một số bài viết liên quan đến việc phong thánh” người ta đăng 9 bài viết ở Việt Nam, trong số đó có bài của ông, hai bài của linh mục Thiện Cẩm ba bài của giám mục Bùi Tuần, nhưng vẫn không có bài của Chân Tín để rộng đường dư luận? Chúng ta đang sống ở thời nào đây? Thời Staline hay thời Gorbatchev? Thời báo Etudes Vietnamiennes của ông ngày trước hay thời tờ Đoàn Kết của Việt kiều ta bây giờ ở Pháp”?
Nguyễn Ngọc Lan phê bình cái tựa đề “Chết vì đạo, chết cho ai” là “lớn lối”. Ông Lan hỏi, giả sử “học giả nào đó viết mấy chữ ‘chết vì nước chết cho ai’ trên tấm bia liệt sĩ thì liệu có tờ báo nào vô ý thức, thiếu tự trọng đến mức có thể đăng lên một cái tựa đề như vậy? Còn nội dung bài thì cũn cỡn mà lại lạc đề, bởi vì 117 vị tử đạo không có ai bị giết bởi phong trào Văn Thân cả!” Linh mục Chân Tín kể: Ông bị ông đại tá Nguyễn văn Tòng giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chất vấn vì sao báo nước ngoài đăng bài tham luận của ông ở Mặt Trận Tổ Quốc? Linh mục Chân Tín đáp: “Lẽ ra đó là điều tôi hỏi ông chứ không phải ông hỏi tôi! Bởi vì sau khi đọc xong, tôi nộp bản tham luận cho các ông”. Ông giám đốc Sở Văn hóa Nguyễn Văn Tòng đe dọa nếu gửi bài viết sai trái chủ trương chính sách của nhà nước ta ra nước ngoài thì có thể bị trừng trị. Chân Tín bảo mình đã bị chế độ Sài Gòn đe dọa như vậy nhiều rồi, nhưng mình đâu có ngán, lúc nào cũng vẫn hành động theo hai câu thơ Nguyễn Trãi: “Ung dung ta nói điều ta nghĩ, Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo” Giám đốc Tòng nói, chính quyền Sài Gòn bắt ông là vinh dự cho ông, còn đây là nhà nước cách mạng bắt ông thì đó là ô nhục cho ông. Linh mục Chân Tín đáp: “Tôi thấy không có gì khác nhau cả, đều là quyền lực chống lại con người dám nói thẳng nói thật đó thôi”.
Tháng 5 năm 1990, linh mục Chân Tín bị trục xuất khỏi nội thành, lưu đày ra Cần Giờ. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã xuất tu và lập gia đình với bà Thanh Vân biên tập viên tờ Tin Quận 5. Ông Lan bị quản chế tại gia, bà Thanh Vân bị buộc thôi việc. Ông Lan qua đời năm 2007. Linh mục Chân Tín mãn hạn lưu đày trở về Dòng Chúa Cứu Thế năm 1993. Năm 2006 ông chủ trương tờ báo chui “Tự do ngôn luận” đòi quyền tự do căn bản cho người dân Việt Nam. Linh mục Chân Tín từ trần ngày 1 tháng 12 năm 2012. Cái “định kiến” mà ông Viện nêu ra vẫn còn cho tới hôm nay. Nguồn gốc của nó từ đâu? Vì quan điểm “tôn giáo là thuốc phiện của dân nghèo”, hay là vì “Công Giáo là đạo giáo được người Pháp ưu đãi”?
Trong quyển sách “Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay” của giáo sư, tiến sĩ Dương Phú Hiệp chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2010 nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay, những thế lực chống đối trong và ngoài nước chưa từ bỏ việc lợi dụng tôn giáo để làm mất ổn định chính trị, gây hoang mang chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy cần giải quyết vấn đề tôn giáo dưới góc độ văn hóa và phải xem giáo dục tôn giáo là vấn đề quan trọng.”
Thật ra chẳng có thế lực trong ngoài nước nào gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cả. Xin nêu một chuyện xảy ra ở Nhà thờ Thuận Phát, phường Tân Kiểng, quận 7, nơi tôi cư ngụ nhiều năm. Sau 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Cách mạng yêu cầu nhà thờ giao 3 phòng họp trong khuôn viên của Nhà thờ. Từ đó, 3 phòng này được dùng để hội họp dân phố. Mấy năm gần đây, Nhà thờ Thuận Phát gửi đơn lên Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận 7 xin được trả lại 3 phòng họp này để sinh hoạt tôn giáo. Quận ủy chủ trương không trả lại. Đảng viên lão thành Lê Ngọc Tưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Nhà Bè (thời 1975 – 1980, vùng đất này thuộc quận 7 còn nằm trong Nhà Bè) gửi thư góp ý: Quận ủy nên đồng ý cho Ủy ban Nhân dân quận 7 trả 3 phòng họp lại cho Nhà thờ Thuận Phát dùng làm nơi sinh hoạt hội họp giáo dân. Ông Tưởng viết: “Giáo dân cũng là công dân, Đảng có trách nhiệm giúp họ có nơi hội họp, học tập. Làm được như vậy giáo dân sẽ gắn bó với chế độ do Đảng lãnh đạo”. Ông Tưởng không được những người kế nhiệm mình cầm quyền sau 40 năm (lúc ông cầm quyền, họ còn là những đứa trẻ, được ông đưa vô nhà trường xã hội chủ nghĩa) trả lời.
Họ phái một đại úy công an đến nhà ông Tưởng chất vấn: “Tại sao ông khuyến khích giáo dân ở giáo xứ Thuận Phát vùng dậy đòi phải trả 3 phòng họp”? Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo, trong báo cáo tổng kết tình hình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2015 nhận xét: “Cả năm 2015 các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam đã có 50 vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Các Giáo hội đều bị Nhà nước khống chế, lũng đoạn và xâm nhập. Các quyền tự do tôn giáo chính yếu đều bị cấm cản: – Mọi tôn giáo không được độc lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm và thuyên chuyển hàng ngũ chức sắc lãnh đạo. – Mọi tôn giáo không được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các sinh hoạt này chỉ được thực hiện trong những nơi thừa tự đã được nhà nước công nhận. Các lễ nghi hay lễ hội lớn đều phải xin phép nhà cầm quyền.
– Mọi tôn giáo không được truyền bá giáo lý bên ngoài các cơ sở của mình ra xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lên mạng thông tin toàn cầu.
– Mọi tôn giáo không được góp phần giáo dục giới trẻ qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học. Hiện thời các giáo hội chỉ được mở trường mẫu giáo, nhưng vẫn dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ.
– Mọi tôn giáo không được có tín đồ giữ các chức vụ cao trong bộ máy cai trị (quốc hội và chính quyền), trong hàng ngũ công an, quân đội cũng như trong hệ thống giáo dục. – Mọi tôn giáo đều bị chính quyền tước đoạt đất đai và cơ sở thừa tự trước đó, nhưng không được trả lại. Hiện nay các giáo hội đều không có sở hữu đất đai và không dễ dàng mở rộng cơ sở.
……….
Kỳ 4: HẦU BAN TUYÊN HUẤN
Làm báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa ngán nhất là phải hầu Ban tuyên huấn. Lâu nay khi bàn về tự do báo chí, người ta thường cho rằng vấn đề chủ yếu là được phép ra báo tư nhân. Không đúng! Sau tháng 4 năm 1975, Đảng cộng sản đã từng cho phép Tin Sáng và Đứng Dậy (Đối Diện của Chân Tín Nguyễn Ngọc Lan trước 1975) tái xuất bản. Nhưng cả hai tờ báo này hoàn toàn không có quyền tự do ngôn luân, tự do báo chí. Bởi vì hàng tuần họ phải đến nghe đại diện Ban Tuyên huấn của Đảng chỉ đạo: Việc nào được phép nói, và nói to hay nói nhỏ; việc nào tuyệt đối không được đụng tới, không được nói bóng nói gió. Đó là biện pháp “siêu kiểm duyệt”. Vậy mà cuối cùng Đảng vẫn không yên tâm, đã cho họ “hoàn thành nhiệm vụ”. Do đó, tự do báo chí trước hết là không bị Đảng cầm quyền chỉ đạo. Suốt đời “làm báo cách mạng” tôi phải chịu sự chỉ đạo và nhiều lần phải đi “hầu ban tuyên huấn”. Xin kể vài chuyện. Báo Xuân năm 1990, Hội Nhà báo tổ chức chấm giải báo đẹp có thưởng.
Báo Lao Động được giải B, không có giải A. Ban tổ chức cho biết lẽ ra Lao Động được giải A, nhưng vì đăng quảng cáo ở trang bìa, dù là bìa phụ, làm mất tính trang nghiêm nên bị hạ xuống giải B. Tôi nói, nếu vì lý do đó thì tôi không nhận giải, vì không chấp nhận cái gọi là mất tính trang nghiêm ở đây. Sau chuyện này, phó ban Tuyên huấn Hữu Thọ đưa ra góp ý trong cuộc họp đầu năm, lấy báo Nhân Dân để so sánh, coi đăng quảng cáo như dấu hiệu chạy theo thương mại.
Khi lên Trưởng ban Tuyên huấn, Hữu Thọ nhiều lần góp ý với tôi là nên đưa hai mục “Nói hay đừng” do Ba Thợ Tiện viết và “Tranh biếm liên hoàn” của Chóe ở trang nhất vào bên trong, với lý do là “phải giữ cho trang nhất một không khí trang nghiêm”. Tôi trả lời ông, bạn đọc cần nghiêm túc, chính xác, bổ ích chứ không cần trang nghiêm. Sau vụ tố cáo âm mưu diễn biến hòa bình, tôi bị cho về hưu, Hữu Thọ lại nhắc nhở Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn điều này, hai mục trên được đưa vào trong cho tới nay. Năm 1992 nhà báo Lưu Trọng Văn đặt câu hỏi với nhạc sĩ Trần Kiết Tường rằng “bài hát ‘Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người’ ông sáng tác trong hoàn cảnh nào?”.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường trả lời: “Sở dĩ sáng tác được bài này là nhờ tôi ở ngoài Đảng.” Đọc câu này tổng thư ký tòa soạn Lý Quý Chung và phó tổng biên tập Hồng Đăng đều ngạc nhiên và thích thú, nhưng lại sợ bị quy “quan điểm, lập trường” nên chờ tôi đọc và yêu cầu, nếu tổng biên tập đồng ý thì xin cho một chữ ký dưới hai chữ “đã duyệt”. Đọc câu trả lời của nhạc sĩ Trần Kiết Tường tôi nhớ ngay đến chuyện Ban giám khảo văn nghệ Nam Bộ thời chống Pháp do ông Hà Huy Giáp phó bí thư kiêm Trưởng ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam phê phán bài “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí đảng viên, đại đội phó, trưởng ban quân nhạc khu 8 là một bài hát lai căng cả nhạc và lời.
Ý kiến phê bình vô lý đó đã khiến Nguyễn Hữu Trí rời bỏ quân ngũ về ở ẩn tại Cần Thơ quê nhà, còn Nguyễn Bính thì ra bờ sông ven Huyện Sử, mở quán bán sách báo. Ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1967,tại cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ trong tỉnh, ông Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy đã to tiếng phê bình một bức tranh vẽ cây cổ thụ cành lá quấn quýt xum xuê: “Tác giả bức tranh này không quán triệt nhiệm vụ phát triển ngành than, nền kinh tế chủ yếu của tỉnh nhà. Nếu trồng toàn những cây có cành lá uốn éo cong queo thế này thì làm sao có gỗ ngay thẳng để chống lò? Tất cả các mỏ hầm lò chắc chắn phải ngừng khai thác?”. Ý kiến trên đã được tờ báo địa phương in chữ đậm và tác giả của nó được suy tôn là “vị Các– mác của tỉnh nhà!”. Nhà văn Sơn Nam, người đã từng được Ban giám khảo do Hà Huy Giáp lãnh đạo chấm giải nhất những tác phẩm “Bên rừng Cù lao Dung” và “Tây đầu đỏ”, nhưng sau 20 năm “sống trong lòng địch” đã bị “tự diễn biến” cho nên nhiều lần “nói lén” với tôi: “Ông Công này, bao giờ còn dưới sự lãnh đạo của Đảng các ông thì không thể có tác phẩm ‘ra hồn’ được đâu”.
Do đó, tôi quyết định phải công bố ý kiến của Trần Kiết Tường. Quả nhiên báo in bài này vừa phát hành đã bị Bộ Văn hóa Thông tin phê bình trong Bản thông báo hằng tuần, tiếp theo là Ban Tư tưởng– Văn hóa chất vấn trong cuộc họp với các  Tổng biên tập do Trưởng ban Trần Trọng Tân chủ trì. Trả lời câu hỏi tại sao lại cho đăng “ý kiến oái oăm này”, tôi đáp: Theo tôi được biết, bản nhạc này vừa ra đời đã bị Tố Hữu phê bình là ủy mị không thể hiện đúng đắn tình cảm lành mạnh của nhân dân anh hùng ca ngợi lãnh tụ anh minh của mình. Trước nguy cơ bản nhạc sắp bị cấm, một số người đã đưa nó vào đêm nhạc giải trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Hồ nghe bài hát ca tụng mình, đã rưng rưng xúc động. Một lúc sau, Cụ hỏi “chú nào là tác giả bài hát này?”. Câu hỏi ấy đã cứu bài hát khỏi bị bức tử và sau đó được xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc nhiều hơn hẳn so với các bài ca ngợi Cụ Hồ trước kia. Tôi đã trả lời chất vấn của Ban văn hóa Tư tưởng rằng, đăng ý kiến trung thực của nhạc sĩ Trần Kiết Tường tác giả bài hát là để ngăn chặn những người lãnh đạo bảo thủ dùng quyền lực giết chết sự sáng tạo của nghệ sĩ đã từng xảy ra nhiều lần.
Tôi kể từ bài “Tiểu đoàn 307” thời chống Pháp đến tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, tiểu thuyết “Mùa hoa giẻ” của Văn Linh, thơ “Trò chuyện với Thúy Kiều” của Lý Phương Liên… đã bị bức tử ở thời xã hội chủ nghĩa. Ông Trần Trọng Tân im lặng hồi lâu rồi nói: “Tuy vậy những ý kiến này chỉ nên trao đổi trong nội bộ, chưa nên phổ biến trên truyền thông đại chúng gây những suy diễn không có lợi cho sự lãnh đạo của Đảng ta trên mặt trận văn hóa văn nghệ vốn rất phức tạp đã từng xẩy ra Nhân văn Giai phẩm”. Sau đó ông chuyển sang vấn đề khác. Năm 1991 trong vòng một tháng báo Lao Động có 4 bài phê bình 4 vị Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song lem nhem giành nhà cửa; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm không nghiêm túc thực hiện sắc lệnh đổi mới ngân hàng; Bộ trưởng Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt phá rừng mà không trồng rừng bù lại; Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải chậm xây dựng nhà máy điện).
Tôi được Ban Tư tưởng Văn hóa mời riêng để góp ý. Lúc này ông Trần Trọng Tân đã vào Sài Gòn làm Phó bí thư Thành ủy. Ông Hữu Thọ lên Trưởng ban. Tôi nói, tất cả các bài báo đều rất chính xác. Nếu các Bộ trưởng không đồng ý thì xin cứ gửi bài phản biện, chúng tôi sẽ trả lời đúng quy định của pháp luật. Trưởng ban Hữu Thọ cười đáp: “Hôm nay Ban không mời Tổng Biên tập Tống Văn Công mà mời đảng viên Tống Văn Công, cho nên chúng ta không nói chuyện pháp luật mà chỉ nói về ý thức trách nhiệm của đảng viên đối với Chính phủ do Đảng mình lãnh đạo”. Tôi nói, dù chỉ xét về trách nhiệm đảng viên cũng vẫn phải căn cứ theo luật pháp chứ anh. Hữu Thọ cười, rồi thân tình nói bỗ bã theo kiểu bạn bè: “Tao hỏi mày, một Chính phủ mà chỉ trong một tháng bị mày phê phán te tua tới bốn vị Bộ trưởng thì còn đâu uy tín với trong, ngoài nước?” Tôi đáp, nếu Chính phủ chân thành tiếp thu phê bình và có cách sửa chữa tốt thì uy tín không hề giảm mà càng tăng cao, và quan trọng hơn là đất nước phát triển, nhân dân được lợi. Trong số báo 96–97–98 năm 2012 báo Lao Động tôi có kể lại câu chuyện trên. Trong dịp gặp nhau ở Hà Nội, Hữu Thọ vui vẻ nói “Tao có đọc bài mày chửi tao. Thù dai thế!”
Xem tiếp...

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 515

(ĐC sưu tầm trên NET)

Bộ Tư pháp tuýt còi quy định không đổi giấy phép lái xe phải thi lại lý thuyết

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định Thông tư 58 của Bộ Giao thông quy định người dân phải thi lại lý thuyết nếu không đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang vật liệu PET là "không có cơ sở pháp lý, không hợp pháp".

Chiều 30/11, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp, cho hay vừa ra văn bản tuýt còi Thông tư 58/2015 quy định về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo điều 57 Thông tư 58, giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang loại mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: Giấy phép lái ôtô và giấy phép lái xe hạng A4 trước ngày 31/12/2016; giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước 31/12/2020. Sau 6 tháng, người không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.
Qua rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định Thông tư 58 của Bộ Giao thông không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp. 
bo-tu-phap-tuyt-coi-quy-dinh-khong-doi-giay-phep-lai-xe-phai-thi-lai-ly-thuyet
Người dân đổi giấy phép lái xe tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Ảnh: Xuân Hoa
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Điều 57 dẫn đến cách hiểu việc chuyển đổi giấy phép lái xe, kể cả trường hợp giấy phép lái xe không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng, từ giấy bìa sang vật liệu PET là bắt buộc. Giấy phép lái xe bằng bìa giấy không chuyển đổi sang vật liệu PET theo quy định sẽ không còn giá trị sử dụng và người dân sẽ phải sát hạch lại lý thuyết nếu muốn cấp lại.  
Điều này không phù hợp với pháp luật hiện hành. Giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới. Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi có nhu cầu.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: “Trường hợp thật sự cần thiết phải chuyển đổi những giấy phép lái xe không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET để thuận lợi cho quản lý thì Nhà nước chỉ nên khuyến khích và cần có cơ chế hỗ trợ thủ tục, chi phí chuyển đổi cho người dân”.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị Bộ Giao thông rà soát quá trình thực hiện Thông tư 58 để có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản này. 
Chiều 30/11, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Tư pháp và sẽ có văn bản phản hồi. Bộ Giao thông đang soạn thảo thông tư mới sửa đổi Thông tư 58, trong đó giữ nguyên lộ trình yêu cầu người dân đổi giấy phép lái xe ôtô, môtô từ giấy bìa sang vật liệu PET, song bãi bỏ nội dung không đổi giấy phép lái xe PET sẽ phải thi lại lý thuyết. Thông tư mới dự kiến ban hành trong tháng 12 này. 
Theo ông Huyện, trước đây Bộ Giao thông khuyến khích người dân đổi giấy bìa sang vật liệu PET, mục đích chống làm giả, thuận tiện cho quản lý nhà nước. Sau nhiều năm đặt ra lộ trình, phần lớn người dân không chấp hành nên cơ quan này đưa ra quy định phải thi lại lý thuyết nhằm mang tính răn đe hơn. 
"Hiện trên 90% người dân cả nước đã đổi giấy phép lái xe ôtô giấy bìa sang vật liệu PET. Với những người không đổi thì giấy phép lái xe giấy bìa vẫn có giá trị lưu hành, không bị xử phạt", ông Huyện nói. 
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, thời gian qua tình trạng ùn tắc tại các điểm đổi giấy phép lái xe phần lớn diễn ra tại Hà Nội và TP HCM, trong đó nhiều người đã đi đổi giấy phép lái xe môtô giấy bìa trong khi lộ trình đổi loại giấy này đến cuối năm 2020.
Đoàn Loan - Bảo Hà

Beo lửa trên xe cứu thương chạy xuyên Việt

Thứ Tư, ngày 30/11/2016 21:00 PM (GMT+7)
Hai con Beo lửa và 8 chân Gấu ngựa, được các đối tượng vận chuyển trên xe cứu thương, gắn đèn ưu tiên chạy từ Hà Tĩnh đến TP.HCM thì… bị bắt giữ.
Beo lửa trên xe cứu thương chạy xuyên Việt - 1
Hai bị cáo tại tòa ngày 30/11. Ảnh: Tân Châu
Ngày 30/11, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Hữu Tiến (37 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) 2 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”.
Đồng phạm với Tiến chung vụ là Võ Thị Hóa (ngụ TP.Hà Tĩnh) cũng bị tuyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội danh.
Theo cáo trạng, vào lúc 17 giờ ngày 11/1/2015, Tiến điều khiển xe ô tô cứu thương, gắn biển số giả để vận chuyển số động vật hoang dã đã chết được đông lạnh gồm 2 con Beo Lửa, 8 chi Gấu Ngựa từ Hà Tĩnh vào TP.HCM.
Khi đến QL22, Phường Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM  thì bị Đội 3 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – công an TP.HCM bắt quả tang.
Tại phiên tòa, Tiến khai nhận vào ngày 10/1/2015, Tiến thỏa thuận vận chuyển số động vật hoang dã trên cho Võ Thị Hóa với giá 12 triệu đồng, giao tới nơi ở của Hóa tại TP.HCM.
Trước đó, Tiến đã nhiều lần nhận vận chuyển động vật hoang dã cho Hóa. Từ tháng 10/2014 đến khi bị phát hiện, Tiến đã vận chuyển trót lọt 6 lần mặt hàng tê tê Java cho Hóa.
Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra đã khám xét nơi ở của Hóa tại huyện Hóc Môn phát hiện 30 con tê tê Java đang được nuôi nhốt tại đây.
Ngoài số động vật hoang dã trên, cơ quan chức năng còn phát hiện và thu giữ trên xe 11 biển xe ô tô các loại.
Trước đó, bị cáo Tiến đã bị TAND TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 30 tháng tù treo cùng về tội danh trên nên.
Theo Tân Châu (Tiền phong)

'Điên đầu' đi tìm đường ở ngoại thành Sài Gòn

  
Đường Trần Khắc Chân ở quận Phú Nhuận phải viết đúng là Trần Khát Chân. Ảnh: Phước Tuần.
Đường Trần Khắc Chân ở quận Phú Nhuận phải viết đúng là Trần Khát Chân. Ảnh: Phước Tuần.
Hay là đường Lê Thánh Tôn (quận 1) thì đúng ra phải là Lê Thánh Tông, đường Hoàng Đức Tương (quận 11) đúng ra là Hoàng Đức Lương, Tôn Thất Đạm (quận 1) thì đúng ra là Tôn Thất Đàm, còn Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) thì đúng ra là Trương Quốc Dụng.
Chẳng hạn, con đường mang tên Ngô Thời Nhiệm (quận 3) được biết đến là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh nhưng tên thật của ông phải là Ngô Thì Nhậm.
Còn đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) thì đúng ra là Kha Vạng Cân, đây là tên một kỹ sư yêu nước sinh ra ở Thủ Đức. Ông được xem là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Nam Bộ đầu thế kỷ XX, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp.
Ngoài ra, hiện nay TP.HCM có rất nhiều tên danh nhân được nhiều quận dùng đặt tên đường gây ra sự trùng lặp. Ví dụ đường Hoàng Hoa Thám có cả ở quận Bình Thạnh, Tân Bình; đường Lê Lợi có cả ở quận 1, 9, Gò Vấp; đường Lý Thường Kiệt có ở quận 10, 6 và huyện Hóc Môn...
TP.HCM rà soát lại tên đường
Vừa qua, UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch TP Nguyễn Thị Thu về đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”.
Theo đó, Phó chủ tịch TP đề nghị rà soát, khảo sát các con đường, cây cầu, quảng trường, công viên, công trình công cộng xem có tên nào không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ hoặc trùng tên. Từ đó, đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao đề xuất giải pháp điều chỉnh theo lộ trình phù hợp, tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân.
Theo Phước Tuần - Lê Trai
Zing News

TP Hồ Chí Minh: Nhức nhối vì những dự án “treo”


Thứ Tư, 30/11/2016, 15:18:08
 Font Size:     |        Print
NDĐT- Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 1.200 dự án đang còn hiệu lực triển khai. Tuy nhiên, có đến gần 500 dự án chưa được khởi công. Hàng trăm dự án khác tuy đang thực hiện nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vấn đề đặt ra đối với thành phố Hồ Chí Minh là làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án này, khi năm 2016 sắp hết.
Hàng loạt dự án có quy mô lớn tại thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch từ 7-8 năm, thậm chí đến hơn 20 năm nay chưa được triển khai có thể kể đến như: Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa, thuộc phường 28, quận Bình Thạnh rộng hơn 426 ha do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Đại học quốc tế tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn do Tập đoàn Berjaya Việt Nam làm chủ đầu tư rộng 900 ha; dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi với diện tích hơn 485 ha do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư; dự án ga Bình Triệu do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư rộng hơn 47 ha tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng với quy mô thu hồi đất gần 500 ha do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư; gần 200 ha thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá tại quận 9 nhiều năm chưa triển khai.
Ông Trần Văn Trai, người dân ở Ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: “Tôi đề nghị thành phố cần làm cho thực tế, sớm nhất. Chứ cứ kéo dài như vậy thì đất người dân không có để sản xuất mà bỏ hoang thế này thì rất lãng phí. Dự án mà không khả thi thì đề nghị trả lại cho người dân để sản xuất, phát triển kinh tế. Cuộc sống của người dân đang ổn định, phát triển kinh tế đang ổn định, giờ thì bị kéo xuống đến đói nghèo”.
Việc chậm triển khai hàng nghìn ha đất trong các dự án đã được quy hoạch tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường 28, quận Bình Thạnh cho biết: “Hiện nay, cái khó khăn của người dân là liên quan đến xây dựng, sửa chữa nhà. Cũng do quy hoạch mà người dân bị vướng trong việc tách thửa, cấp quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Về phía phường thì cũng giống như người dân ở địa phương, mong mỏi quy hoạch sớm được triển khai thực hiện để bà con sớm ổn định và an tâm trong cuộc sống”.
Trong số 325 dự án đã khởi công trong thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh, có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng hoạt động vì thiếu vốn. Với quyết tâm xóa quy hoạch “treo”, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi hàng loạt dự án chậm không triển khai theo đúng kế hoạch. Trong đó, ba khu công nghiệp tại huyện Củ Chi và Hóc Môn đã bị xóa bỏ để điều chỉnh theo hướng điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp. Đó là các khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, Phước Hiệp và Bàu Đưng. Tuy xóa bỏ ba khu công nghiệp nhưng thành phố Hồ Chí minh vẫn giữ nguyên quỹ đất công nghiệp là 7.000 ha. Đối với các dự án kéo dài, UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát và có hai hướng xử lý. Dự án nào kéo dài mà có lý do chính đáng thì bổ sung hồ sơ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Dự án nào kéo dài mà không hiệu quả, ảnh hưởng người dân sẽ bị thu hồi. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta xử lý các dự án chậm triển khai nhưng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại khu vực đó, tại vị trí có dự án đó vẫn tồn tại”.
Việc chậm triển khai các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài nguyên nhân là do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, còn có một nguyên nhân khác là do vướng mắc trong khâu giải tỏa, đền bù.
Tại huyện Nhà Bè, trong 60 dự án đang còn hiệu lực triển khai thì có đến 26 dự án chưa khởi công, 28 đang thực hiện các khâu giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình. Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ còn thời hạn đến hết năm 2016 và sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ. Thậm chí, có những dự án đang triển khai, dù đã giải tỏa đền bù được 80-90% nhưng vẫn chưa thể triển khai như: Dự án khu đô thị do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư rộng 92 ha tại xã Phước Kiển; khu đô thị tại xã Phước Lộc do Công ty Tân Hải – Đại Nhân làm chủ đầu tư rộng 70 ha.
Theo ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thì chính quyền địa phương chỉ làm cầu nối giữa chủ đầu tư và người dân, cung cấp cho chủ đầu tư thông tin về quy hoạch và vận động người dân chấp thuận chủ trương giải tỏa, đền bù của huyện để dự án được triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, kết quả của công tác vận động, tuyên truyền nói trên còn rất hạn chế: “Sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa đạt được kết quả. Đây là khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ chung đối với các dự án tại huyện Nhà Bè. Huyện sẽ cùng các ngành, trong đó chỉ đạo các xã ở mức độ vận động, tuyên truyền và kết nối để làm sao kết quả thỏa thuận bồi thường giữa người dân và doanh nghiệp đạt kết quả cao hơn”.
Theo chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh, những dự án mà chủ đầu tư không có năng lực sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, vị trí quy hoạch không thay đổi mà vẫn giữ nguyên. Trong khi thành phố chưa thu hút được các nhà đầu tư mới đối với các dự án đã bị thu hồi, người dân ở trong vùng quy hoạch vẫn bị hạn chế nhiều quyền lợi mà lẽ ra họ được hưởng.
ĐĂNG QUÂN

Dân mạng vừa phục vừa thương chủ nhà cứu vợ con thoát chết như phim hành động

(iHay) Dân mạng bày tỏ vừa nể phục vừa thương người chủ cửa hàng bán lốp xe ở Đồng Nai đã nhanh trí cứu vợ con thoát khỏi hỏa hoạn táo bạo như phim hành động.

>> Tranh cãi clip công nhân đường sắt liều chết cứu người trước mũi tàu
Dân mạng vừa phục vừa thương chủ nhà cứu vợ con thoát chết như phim hành động - ảnh 1Hiện trường vụ cháy - Ảnh: CTV

Như tin Thanh Niên đã đưa, vào khoảng 1 giờ 30 ngày 30.11, cửa hàng mua bán lốp xe ô tô Quốc Phong (thuộc X.Hố Nai 3, H.Trảng Bom, Đồng Nai), do anh Đinh Quốc Phong (47 tuổi) làm chủ, bất ngờ bốc cháy. Trong tích tắc, anh Phong đã nhanh trí kéo vợ con lên ô tô tải của gia đình rồi lái xe tông thẳng vào cửa cuốn, chạy thoát ra ngoài.
Câu chuyện của gia đình anh Phong đã khiến dân mạng vừa nể phục gọi đó là pha "thoát nạn táo bạo như phim hành động" vừa cảm thương cho chủ nhà khi tài sản bị thiêu trụi. 
"Dũng cảm và mưu trí quá. Đó là cách thoát nạn khó ai nghĩ tới trong lúc nguy cấp", "Mừng thay có bác chồng bình tĩnh cứu cả gia đình", "Lấy chồng thông minh luôn được nương nhờ mọi lúc mọi nơi"... là những lời có cánh của cộng đồng mạng dành cho anh Phong.
Nickname Doan Hoang viết: "Quá hay chú Phong ơi, nhờ sự mưu trí mà chú Phong và vợ con đã thoát nạn. Trong cái rủi có cái may, tiền của có thể kiếm lại được, quan trọng nhất là mạng sống cả nhà chú. Thật ngưỡng mộ chú".
Đoàn Hữu Khánh bày tỏ: "Quá tuyệt vời chú ạ, trong lúc cấp bách như thế mà chú vẫn nghĩ ra được cách thoát hiểm cho cả gia đình".
"Giống phim hành động quá. May mà chú nhanh trí, dũng cảm mà cứu được gia đình", một bạn đọc viết.
Nhiều người cho rằng rất may là chủ nhà đã giữ được bình tĩnh để xử lý tình huống bởi đó là một trong những yêu cầu hàng đầu trong kỹ năng thoát hiểm khi có cháy lớn. "Khi gặp sự cố, đặc biệt là hỏa hoạn cần phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết tốt nhất có thể. Bản thân mình phải bình tĩnh và phải trấn an những người xung quanh (nếu có)", nickname Th.Huong chia sẻ.
Dân mạng vừa phục vừa thương chủ nhà cứu vợ con thoát chết như phim hành động - ảnh 2Cộng đồng mạng nể phục chủ nhà - Ảnh chụp màn hình Facebook
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng đã chia buồn với gia đình anh Phong vì tài sản không may bị ngọn lửa thiêu trụi, trong đó có 2 chú chó bẹc-giê nuôi nhốt trong chuồng sắt bị chết cháy vì không thoát kịp. 
Bạn Nguyễn Tự Cường bày tỏ sự cảm thông: "Chia buồn với anh vì tài sản đã mất. Thôi thì của đi thay người. Tôi đã thay lốp xe ở nhà anh 2 lần". 
"Công nhận bác chủ nhà giỏi. Chúc mừng mọi người trong gia đình bác an toàn nhưng cũng xin chia buồn vì tài sản bị mất mát nặng nề!", một bạn đọc khác nhắn nhủ.
Trần Ka (tổng hợp)

Kỷ luật năm cán bộ liên quan vụ cháy quán ka-ra-ô-kê ở Hà Nội


Thứ Năm, 01/12/2016, 02:26:58
 Font Size:     |        Print
Ngày 30-11, UBND quận Cầu Giấy công bố kết quả kiểm điểm, kỷ luật các cá nhân liên quan việc để xảy ra vụ cháy quán ka-ra-ô-kê số 68 đường Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu) làm 13 người chết vào chiều 1-11. UBND quận Cầu Giấy đã quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung; cách chức Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy đối với bà Nguyễn Thị Xuân Nữ; cách chức Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh; cảnh cáo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quan Thắng, khiển trách ông Nguyễn Tiến Huy, công chức phường Dịch Vọng Hậu.
Y án sơ thẩm đối với bị cáo Cấn Thị Thêu
TTXVN - Ngày 30-11, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Cấn Thị Thêu (SN 1962, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245, Bộ luật Hình sự. Trước đó, ngày 20-9, TAND quận Đống Đa (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 20 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Thị Thêu về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo Cấn Thị Thêu đã làm đơn kháng cáo, đề nghị TAND thành phố Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Cấn Thị Thêu không thành khẩn khai báo nhằm mục đích trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, lý do kháng cáo của bị cáo kêu oan và quan điểm bào chữa của luật sư là không có căn cứ để chấp nhận. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định bác kháng cáo của bị cáo Cấn Thị Thêu và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Làm giả hồ sơ gỗ rừng tự nhiên thành gỗ rừng trồng
Chiều 30-11, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đác Lắc cho biết, đơn vị đang phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thanh Tùng ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp làm giả hồ sơ biến gỗ rừng tự nhiên thành gỗ rừng trồng để qua mặt các cơ quan chức năng đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trước đó, công an phát hiện xe công-ten-nơ BKS 51C-786.53 do tài xế Phan Văn Tuấn, SN 1988, ở tỉnh Bình Định điều khiển chở 30 m3 gỗ từ nhóm IV đến nhóm VI đã được bóc thành ván. Hồ sơ số gỗ nêu trên khai là gỗ keo rừng trồng, tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy đây là gỗ dầu rừng tự nhiên. Đại diện công ty nêu trên cũng khai nhận, chuyên thu mua gỗ rừng tự nhiên rồi làm hồ sơ giả là gỗ keo rừng trồng để mang đi tiêu thụ.
86 người bị ngộ độc thực phẩm
Chiều 30-11, UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, sau khi ăn bánh mì mua từ tiệm bánh mì Anh Thi ở chợ An Lỗ, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền), nhiều người dân phải nhập viện cấp cứu điều trị với các triệu chứng nôn ói, nhức đầu. Tổng cộng có 86 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì do cơ sở Anh Thi sản xuất, trong đó vào cấp cứu điều trị nhiều nhất tại Bệnh viện T.Ư Huế (cơ sở 2) với 55 người. Đến chiều tối cùng ngày vẫn chưa có trường hợp nào được xuất viện. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thừa Thiên - Huế đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh mì này để xét nghiệm. UBND huyện Phong Điền cũng đã đình chỉ hoạt động cơ sở bánh mì Anh Thi trong thời gian chờ xét nghiệm và làm rõ nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.
Làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan, tổ chức
Ngày 30-11, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, đã phối hợp Phòng PC64, Phòng PA71 Công an tỉnh phá vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan, tổ chức, bắt giữ bốn đối tượng, gồm: Phùng Bá Toàn, 28 tuổi; Trần Thị Như Mỹ, 61 tuổi; Trần Thị Hương, 62 tuổi và Đặng Xuân Huyền, 54 tuổi. Tang vật thu giữ hai CMND giả, một bằng tốt nghiệp giả, ba bản sao bằng tốt nghiệp giả và một số tang vật liên quan. Công an huyện Nghi Lộc đang tiếp tục điều tra mở rộng án.
Tiền giả
Ngày 30-11, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt tạm giam Trương Trung Kỳ để điều tra về hành vi vận chuyển tiền giả. Tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam, Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh bắt quả tang Trương Trung Kỳ, 18 tuổi, trú xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) đang vận chuyển tiền Việt Nam giả. Tang vật thu giữ 99,2 triệu đồng, loại mệnh giá 200 nghìn đồng/tờ.

Giảm 42kg/10 tháng: Nàng 1 tạ giờ là mỹ nhân

Thứ Tư, ngày 30/11/2016 19:05 PM (GMT+7)
Sự kiện: Muôn màu thể thao
Nhờ ăn uống hợp lý và luyện tập đều đặn, nàng béo đã lột xác thành mỹ nhân.
10 tháng trước nữ y tá Harshi Suraweera (Australia) là một cô gái ục ịch, béo tròn với trọng lượng cơ thể đạt 107kg, rất thiếu tự tin mỗi khi ra đường, cô cũng rất dị ứng với những lời chê bai.
Giảm 42kg/10 tháng: Nàng 1 tạ giờ là mỹ nhân - 1
Nàng béo 107kg "lột xác" thành mỹ nhân 64kg
Một lần khi phải nhận lời nhận xét tiêu cực của một người bạn trên Facebook, cô gái 29 tuổi đã quyết tâm thay đổi bản thân. "Một người bạn đã đăng tải bức anh của tôi lên một nhóm, tôi đã đọc được những lời bình luận tiêu cực, tôi bị tàn phá, chán nản. Nhưng cũng kể từ đó tôi quyết tâm thay đổi bản thân". Harshi Suraweera nhớ lại.
Cô gái người gốc Sri Lanka thay đổi thực đơn ăn uống hàng ngày: "Tôi ăn nhiều cơm và cari, đồ ăn nhanh, tôi có thể ăn cùng lúc 2 cái bánh pizza và uống hết 1 lít sữa. Nhưng giờ đây thực đơn của tôi chỉ gồm xà lách và protein, tránh tất cả các loại đường và thực phẩm nhiều mỡ". Harshi chia sẻ.
Giảm 42kg/10 tháng: Nàng 1 tạ giờ là mỹ nhân - 2
Sự "chuyển mình" quá nhanh của cô nàng sau có 10 tháng
Giảm 42kg/10 tháng: Nàng 1 tạ giờ là mỹ nhân - 3
Giờ không ai dám gọi cô là nàng béo
Kết hợp cùng với Cardio phương pháp tập luyện phổ biến nhất để giảm cân trên toàn thế giới, nàng béo người Australia đã "lột xác" trở thành một cô gái thon gọn duyên dáng với gương mặt tuyệt đẹp.
10 tháng giảm 42 kg dễ hiểu vì sao hiện tại trang Instagram của Harshi lại có tới 70.000 lượt theo dõi. Có rất nhiều người hâm mộ muốn kết bạn và học hỏi kinh nghiệm từ cô nàng béo Harshi, giờ là mỹ nhân xinh đẹp.
Cardio (Cardiovascular) là bất kỳ bài tập thể dục nào làm tăng nhịp tim giúp hệ thống tim mạch khỏe mạnh, cung cấp nhiều oxy đến các tế bào trong cơ bắp cho phép các tế bào đốt cháy chất béo nhanh hơn trong quá trình tập luyện và cả khi không hoạt động.
Theo Q.H (Tổng hợp Daillymail) (Khám phá)

Truyền nhân Lý Tiểu Long: 6 tuổi bụng 6 múi

Thứ Ba, ngày 29/11/2016 18:48 PM (GMT+7)
Sự kiện: Khám phá võ thuật
Bé 6 tuổi Nhật Bản, dù mới 6 tuổi nhưng sở hữu khối cơ bắp săn chắc tuyệt đẹp.
Thần tượng huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, có khả năng múa côn và thực hiện những kỹ thuật võ thuật cực khó, cậu nhóc người Nhật Bản, Ryusei được mệnh danh là "truyền nhân Lý Tiểu Long".
Biểu diễn động tác múa công y hệt thần tượng, cậu bé 6 tuổi còn ngày ngày tập luyện để có được cơ thể chuẩn Lý Tiểu Long. Những hình ảnh mới nhất mà cậu bé mới "khoe" trên Facebook khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi bé quá giống Lý Tiểu Long, từ bắp tay, cơ vai cho tới "6 múi" bụng.
Truyền nhân Lý Tiểu Long: 6 tuổi bụng 6 múi - 1
Cậu nhóc luyện tập chăm chỉ để giống thần tượng Lý Tiểu Long
Truyền nhân Lý Tiểu Long: 6 tuổi bụng 6 múi - 2
Những gì nhóc Ryusei đạt được thật ấn tượng
Truyền nhân Lý Tiểu Long: 6 tuổi bụng 6 múi - 3
Thể hình quá đẹp với một cậu bé 6 tuổi
Truyền nhân Lý Tiểu Long: 6 tuổi bụng 6 múi - 4
Tạo dáng như lực sĩ
Truyền nhân Lý Tiểu Long: 6 tuổi bụng 6 múi - 5
Ryusei và cha, người đã phát hiện ra khả năng võ thuật thiên bẩm của con trai mình
Theo Q.H (Tổng hợp) (Khám phá)

Chapecoense được làng bóng Brazil hỗ trợ vô điều kiện

30/11/2016 16:24

(NLĐO) – Sau khi CLB Atletico Nacional kêu gọi LĐBĐ Nam Mỹ trao luôn danh hiệu vô địch Copa Sudamericana cho Chapecoense, các đội bóng ở Brazil cũng bày tỏ tinh thần tương thân tương ái với đội bóng đồng hương vừa gặp tai nạn thảm khốc.

Chuyến bay BEA 146 gặp nạn ở vùng ngoại ô Medellin, Colombia đêm 28-11 đã cướp đi sinh mạng của 75 hành khách, trong đó có gần như toàn bộ thành viên CLB bóng đá Chapecoense Atletico đang trên đường tham dự trận chung kết lượt đi Copa Sudamericana với CLB Atletico Nacional tại Colombia.


Chiếc máy bay này vừa chuyên chở đội tuyển Argentina 2 tuần trước từ Brazil về nước
Chiếc máy bay này vừa chuyên chở đội tuyển Argentina 2 tuần trước từ Brazil về nước

Ba cầu thủ có tên trong số 6 người được cứu sống nhưng sau khi được đưa cấp cứu tại bệnh viện, thủ môn 33 tuổi Marcos ‘Danilo’ Padilha đã qua đời do chấn thương quá nặng, chỉ còn hậu vệ Alan Ruschel và thủ môn dự bị Jackson Follman hiện được các bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng đa chấn thương.

Chiếc máy bay gặp nạn ở vùng núi Cerro Gordo
Chiếc máy bay gặp nạn ở vùng núi Cerro Gordo

Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân lên máy bay
Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân lên máy bay

Tiếc thương những đồng nghiệp vắn số phải bỏ dở ước mơ đem vinh quang về cho bóng đá Brazil, các CLB hàng đầu đang chơi ở giải Serie A lập tức đề xuất với LĐBĐ Brazil miễn trừ việc rớt hạng (nếu có) trong 3 mùa bóng tiếp theo cho CLB Chapecoense. Không những thế, các CLB này còn cho biết sẵn sàng cho mượn đủ số cầu thủ không kèm theo bất cứ khoản chi phí nào để giúp Chapecoense có được lực lượng tham gia trọn vẹn mùa giải 2017 trước khi tính toán các phương án duy trì đội bóng trong tương lai.


HLV Caio Junior và cầu thủ Chapecoense vào chung kết Copa Sudamericana
HLV Caio Junior và cầu thủ Chapecoense vào chung kết Copa Sudamericana

Đó là nội dung chính trong bản thông cáo chung mà các CLB hàng đầu Brazil như Santos, Corinthians, Sao Paulo và cả đương kim vô địch Palmeiras công bố ngay trong ngày 29-11. Bản thông cáo còn nêu rõ: “… Các đội bóng chúng tôi đồng ý với giải pháp, nếu Chapecoense rơi vào nhóm 4 đội phải rớt hạng, họ vẫn sẽ giữ được hạng và thay vào đó, đội xếp hạng 16 sẽ phải xuống chơi ở Serie B. Đây mới chỉ là ý tưởng nhỏ bé để thể hiện tình đoàn kết tương trợ giữa các đội bóng mà chúng tôi có thể đưa ra ngay lúc này, hy vọng đóng góp một phần nào vào quá trình khắc phục sự cố đáng tiếc hôm nay, bớt đi nỗi buồn đau về mất mát quá lớn của cả nền bóng đá Brazil”.


Đông đảo CĐV trước trụ sở CLB Chapecoense sau tai nạn
Đông đảo CĐV trước trụ sở CLB Chapecoense sau tai nạn

Hoa, lời chia buồn bên cửa sân vận động của đội bóng
Hoa, lời chia buồn bên cửa sân vận động của đội bóng

Ngóng tin người thân sau khi máy bay rơi
Ngóng tin người thân sau khi máy bay rơi

Các hoạt động bóng đá tại Nam Mỹ đã được lệnh tạm dừng chưa rõ thời hạn. Brazil tuyên bố quốc tang trong 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn máy bay thảm khốc này.
Đông Linh (theo Independent, SportMail)


Nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh kêu oan khi làm thất thoát 10 tỉ




Tại phiên xét xử sáng nay, bị cáo Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho rằng mình bị oan.
Tin liên quan
Nguyễn Văn Bổng- nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nói rằng bị oan trong phiên xét xử.
Sáng 30/11, TAND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa sáng nay, tiếp tục phần xét hỏi và tranh tụng. Trong phần xét hỏi, bị can Nguyễn Văn Bổng- nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh tiếp tục cho rằng về việc làm sai dẫn đến vi phạm của bị cáo là do bị ép tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án lớn. Trong 4 tháng, bị cáo phải thực hiện GPMB 1.600 ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, số lượng cán bộ tham gia công tác GPMB ít nên không kiểm soát được. Hơn nữa việc sai phạm này nguyên nhân chủ yếu là do sức ép thời gian quá ngắn để GPMB. Bị cáo Bổng kính đề nghị quý tòa, cơ quan báo chí xem xét yếu tố dẫn đến vi phạm là do yếu tố khách quan mới dẫn đến việc phạm tội.
Trong vụ án này, bị cáo Bổng và thuộc cấp bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị can Lê Hữu Diện (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã qua đời vì sức khỏe yếu trước ngày xét xử.
Bị cáo Bổng và đồng phạm trong phiên tranh tụng tại TAND tỉnh Hà Tĩnh
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến 2009, trong quá trình thực hiện chủ trương đền bù GPMB để thực hiện dự án Formosa, dù biết rõ 72,78 ha đất công không thuộc diện được bồi thường, tuy nhiên bị can Bổng và đồng phạm đã hợp thức hóa số đất này thành đất “tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân để hưởng 100% tiền bồi thường. Hành vi trên đã gây thất thoát cho ngân sách bồi thường của dự án hơn 10,4 tỉ đồng.
Sau khi vụ án xảy ra, UBND xã Kỳ Phương đã nộp tại Kho bạc Nhà nước huyện Kỳ Anh số tiền hơn 270 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo Bổng và các bị can trên cho rằng số tiền trên đã phát hết cho dân và đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã Kỳ Phương, Kỳ Long nên không thu hồi được.
Tại phiên tòa sáng nay, bị can Bổng liên tục kêu oan, đồng thời cho rằng tổng số tiền thất thoát không phải hơn 10 tỷ đồng mà chỉ là 450 triệu đồng. Bị can Bổng mong muốn xem xét lại 61.39 ha đất tại xã Kỳ Long vì cho rằng đây là đất nông nghiệp chứ không phải đất công.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã bác bỏ những luận cứ bị cáo đưa ra. Theo Viện Kiếm sát, xã Kỳ Long có 5% đất công ích, hàng năm chính quyền địa phương có phương án sử dụng. Đối với những diện tích cho dân sử dụng về mặt nguyên tắc không được bồi thường mà theo Nghị định 33, mức hỗ trợ tối đa 100% đất nông nghiệp. Nếu tất cả đất có tranh chấp, chưa có ai sử dụng, cá nhân đến khai hoang, khi nhà nước thu hồi thì được nhà nước áp giá hỗ trợ 30%. Nếu với 61,39 ha đất tại xã Kỳ Long được áp giá “cào bằng” là không đúng.

Người phụ nữ ở Vĩnh Long nhận 55 tỉ đồng tiền trúng số

Thứ Tư, 30/11/2016 20:20
(NLĐO) - Chiều 30-11, tại TP Cần Thơ, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đã tổ chức trao giải Jackpot – Mega 6/45 của kỳ quay số mở thưởng 57 ngày 27-11 trị giá 54.886.916.500 đồng cho một khách hàng từ Vĩnh Long.
    Trước đó, người này đã đến Vietlott tại Chi nhánh TP Cần Thơ yêu cầu thực hiện thủ tục trả thưởng. Qua xác minh trên hệ thống và giấy tờ kèm theo, Vietlott xác định chiếc vé của khách hàng mang đến hợp lệ. Vé trúng thưởng giải Jackpot trị giá 54.886.916.500 đồng (chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật) được phát hành ở một điểm bán hàng tại quận 5, TP HCM. Đây là lần thứ năm, Vietlott tổ chức trao giải Jackpot xổ số tự chọn Mega 6/45.
    Để đảm bảo có chứng kiến của các bên có liên quan về việc trao giải thưởng, ngoài đại diện của Vietlott, tham gia buổi trao giải có: Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc TP Cần Thơ, Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Ông Lê Đình Tứ - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Đại diện Đại lý, Điểm bán hàng, Đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương và người trúng thưởng.


    
Đại diện Vietlott và các sở, ban, ngành TP Cần Thơ chứng kiến lễ trao thưởng cho bà H. ngụ tỉnh Vĩnh Long
    Đại diện Vietlott và các sở, ban, ngành TP Cần Thơ chứng kiến lễ trao thưởng cho bà H. ngụ tỉnh Vĩnh Long

    Tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Vietlott Nguyễn Thanh Đạm chúc mừng người trúng thưởng bà N.T.H.H. đã may mắn trúng thưởng giải Jackpot kỳ quay số 57 với trị giá 54.886.916.500 đồng. Theo quy định Nhà nước, bà N.T.H.H. có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân 5.487.691.650 đồng vào ngân sách. Bà N.T.H.H đã nhận giải thưởng với số tiền 49.399.224.850 đồng qua hình thức chuyển khoản.
    Tối cùng ngày, Vietlott tổ chức đợt quay số kỳ 58 nhưng chưa tìm ra được người trúng giải đặc biệt. Do đó, giá trị giải thưởng được cộng dồn lên hơn 21,72 tỉ đồng.
    Theo kế hoạch, trong tháng 12/2016, Vietlott tiếp tục triển khai kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; sau đó tiến mở rộng trên toàn quốc.
    T.Nguyễn-T.Thơ

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị Quân ủy Trung ương


    Thứ Năm, 01/12/2016, 01:11:52

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)
    Sáng 30-11, tại Hà Nội, Quân ủy T.Ư tổ chức hội nghị phiên cuối năm 2016 nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2016; phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2017. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy T.Ư, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, có các đồng chí: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư.
    Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, phức tạp, song Quân ủy T.Ư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt, toàn diện các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là, đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chủ động nắm, dự báo tình hình, phối hợp, xử lý kịp thời các tình huống không để bị động, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại quốc phòng được tăng cường và đạt hiệu quả thiết thực. Quân ủy T.Ư đã lãnh đạo, chỉ đạo quân đội tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả chiến tranh. Chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội được nâng lên; trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội được giữ vững và tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện; nội bộ đoàn kết thống nhất cao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên. Toàn quân luôn vững vàng, kiên định, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
    Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Tổng Bí thư nêu rõ, năm 2017, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Vì vậy, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xử lý thắng lợi các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, xây dựng lòng tin chiến lược, góp phần nâng cao vị thế quân đội và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
    Tổng Bí thư lưu ý, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
    PV

    Ukraine sắp thử tên lửa, Nga báo động lực lượng ở Crimea

    Lực lượng phòng không của Nga tại Crimea được đặt trong trạng thái báo động cao trước khi Ukraine thử tên lửa.

    ukraine-sap-thu-ten-lua-nga-bao-dong-luc-luong-o-crimea
    Trực thăng quân sự Nga tham gia một cuộc tập trận ở Crimea hồi tháng 9. Ảnh: AFP
    Moscow đã phản đối việc Ukraine có kế hoạch thực hiện vụ thử tên lửa vào ngày 1 và 2/12 ở gần Crimea, nơi sáp nhập vào Nga năm 2014. Trong khi đó, Ukraine nhấn mạnh vụ thử nghiệm là hợp pháp và được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp và hiệp ước quốc tế, theo Reuters.
    "Vụ thử nghiệm của Ukraine là thủ đoạn quan hệ công chúng nhằm tạo ra một tình huống căng thẳng, nhưng trong mọi trường hợp, quân đội đều cần phải coi đây như mối đe dọa thực sự và tiềm tàng. Các lực lượng phòng không Nga tại Crimea do đó được đặt vào trạng thái báo động cao", một nguồn tin quân sự Crimea nói với TASS.
    "Chúng tôi không chỉ đề cập đến các đơn vị trên đất liền mà cả lực lượng phòng không đóng trên biển, vì các tàu của hạm đội Biển Đen có thể độc lập đẩy lùi các mối đe dọa như vậy", nguồn tin nói thêm.
    Phương Vũ


    Quân đội Syria giành quyền kiểm soát khu vực phía Nam Aleppo

    (TTXVN/Vietnam+) Bản in

    Lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria làm nhiệm vụ tại khu vực Masaken Hanano trong chiến dịch giành lại thành phố Aleppo ngày 27/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

    Một nguồn tin quân đội Syria cho biết, ngày 30/11, các binh sỹ chính phủ nước này và lực lượng đồng minh đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn quận Sheikh Saeed ở phía Đông Nam thành phố Aleppo từ tay phiến quân.

    Trong khi đó, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, các nhóm phiến quân vẫn kiểm soát 1/3 diện tích quận Sheikh Saeed, trong khi các lực lượng chính phủ và đồng minh kiểm soát phần còn lại.

    Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẵn sàng hộ tống các cơ quan viện trợ nhân đạo vào những khu vực ở phía Đông thành phố Aleppo đã được "quét sạch" phiến quân trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bộ này cho biết, đến nay họ vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào từ Liên hợp quốc hoặc bất kỳ cá nhân nào.

    Phát biểu với các phóng viên, ông Sergei Rudskoi, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, các lực lượng Chính phủ Syria đã hoàn toàn "quét sạch" phiến quân trên tuyến đường Castello, có nghĩa là hiện nay đây là tuyến đường không có trở ngại đối với các hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo. Ông Rudskoi cũng khẳng định rằng lực lượng không quân Nga đã không đánh bom các mục tiêu bên trong thành phố Aleppo trong suốt 44 ngày qua./.

    Ukraine "chôn" Chernobyl trong "quan tài" khổng lồ

      30/11/2016 16:45

      (NLĐO) - Lò phản ứng số 4 tại Chernobyl, hiện trường thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, vừa được bao phủ bằng một mái vòm thép để ngăn chặn phóng xạ rò rỉ.

      Báo The Guardian ví mái vòm này giống như một “cỗ quan tài”, cao 108 m và dài 162 m. Kim loại sử dụng để xây vòm nặng hơn loại được dùng xây tháp Eiffel 3,5 lần. 500.000 bu lông đặc biệt được dùng để cố định khung thép rộng 250 m và nặng 25.000 tấn với nhau.
      Mái vòm có thể di động và được đánh giá là cấu trúc có thể di chuyển được lớn nhất từ trước đến nay từng xây dựng trên đất liền.
      Chính phủ Ukraine mất 6 năm để hoàn tất công trình với chi phí khoảng 1,6 tỉ USD, do 40 nước tài trợ. Tổng cộng hơn 1.200 công nhân đã chung tay xây dựng nên mái vòm đặc biệt này.

      Ukraine "chôn" Chernobyl trong "quan tài" khổng lồ

      
Vòm thép bao phủ lò phản ứng ở Chernobyl. Ảnh: AP, DAILY MIRROR
      Vòm thép bao phủ lò phản ứng ở Chernobyl. Ảnh: AP, DAILY MIRROR
      Trước khi khởi công, hàng chục ngàn tấn đất nhiễm phóng xạ được thay bằng đất sạch. Phần lớn máy móc và thiết bị kỹ thuật được thiết kế riêng, bao gồm những tấm ốp đặc biệt và một hệ thống cần cẩu khổng lồ. Vòm thép lúc đầu được lắp ráp cách lò phản ứng vài trăm mét, sau đó mất 2 tuần mới được kéo đúng vào vị trí.
      Trong thời gian tới, công nhân sẽ tiếp tục sử dụng cần cẩu điều khiển từ xa bên trong mái vòm để làm nó kín hơn, đảm bảo khi hoàn công vào tháng 11-2017, cấu trúc sẽ “chôn” lò phản ứng trong ít nhất 100 năm.
      Một buổi lễ được tổ chức hôm 29-11 với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các nhà ngoại giao và công nhân để chào đón sự ra mắt công trình mới.
      Tại buổi lễ, ông Poroshenko vinh danh những công nhân Chernobyl đã không quản ngại nguy hiểm (mức độ bức xạ cao tại hiện trường) để hoàn tất công trình.

      Lò phản ứng số 4 sau thảm họa. Ảnh: REUTERS
      Lò phản ứng số 4 sau thảm họa. Ảnh: REUTERS
      Vụ nổ tại lò phản ứng số 4 tại Chernobyl xảy ra vào tối 26-4-1986, đến nay đã được hơn 30 năm. Khoảng 50 người thiệt mạng do hậu quả trực tiếp từ việc rò rỉ phóng xạ nhưng đáng sợ hơn, các chuyên gia y tế cảnh báo ít nhất 4.000 người sẽ chết sớm do nhiễm xạ. Thêm vào đó, hơn 200.000 người đã được sơ tán sau khi vụ nổ xảy ra.
      Hàng ngàn người dân sống quanh khu vực hiện vẫn bị ảnh hưởng. Trong phạm vi 32 km tính từ hiện trường đã bị cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
      Giám đốc bộ phận hạt nhân của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Vince Novak cho biết vòm thép mới sẽ loại bỏ những rủi ro còn tồn tại sau thảm họa vì hàng tấn uranium vẫn còn ở hiện trường. Ngoài ra, chất lỏng phóng xạ có thể thấm vào nguồn nước nhưng vòm thép với khả năng chống thấm sẽ loại bỏ nguy cơ này.
      P.Nghĩa (Theo The Guardian, Mirror, CBS News)

      Hố to trên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều xe máy bị nạn

      30/11/2016 23:26

      (NLĐO) – Đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM) bỗng xuất hiện 1 vị trí bị sụp lún khiến nhiều người đi xe máy ngã nhào.

      Vị trí sụt lún nằm sát công viên Hoàng Văn Thụ, đoạn gần giao lộ Phan Đình Giót – Phổ Quang, được người dân phát hiện vào chiều tối 30-11.
      Diện tích vị trí sụt lún rộng gần 1 m2 và sâu khoảng 20 cm nhưng nằm ở nút giao thông chính ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất – nơi có lượng xe lưu thông dày đặc đã khiến nhiều xe di chuyển khó khăn. Dù vậy, miệng hố cũng chỉ được che chắn tạm bằng vài nhánh cây khiến nhiều người chạy xe máy qua bị trượt ngã, may mắn không có người bị thương.
      
Miệng hố che chắn tạm bằng vài nhánh cây
      Miệng hố che chắn tạm bằng vài nhánh cây
      Theo một số người dân sống tại khu vực này, vị trí sụt lún đã xuất hiện từ ngày 29-11 nhưng bắt đầu xói mòn rồi bong tróc nham nhở sau cơn mưa chiều 30-11. Nhiều người lo ngại nếu không nhanh chóng khắc phục, đoạn lún có thể tiếp tục bị khoét rộng do lượng xe dày đặc lưu thông qua.
      
Sát đoạn sụt lún là một nắp hố ga, xung quanh bị nứt nham nhở
      Sát đoạn sụt lún là một nắp hố ga, xung quanh bị nứt nham nhở
      
Nhiều phương tiện lưu thông qua đều phải né đoạn sụt lún
      Nhiều phương tiện lưu thông qua đều phải né đoạn sụt lún
      Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP HCM)- đại diện diện quản lý tuyến đường- cho biết sau khi nhận được thông tin, đơn vị này đang huy động người đến kiểm tra và khắc phục. Dự kiến trong tối 30-11 sẽ tái lập lại mặt đường như hiện trạng ban đầu.
      Tin-ảnh: G.Minh

      Ủy ban Kiểm tra TW tiến hành kiểm tra trách nhiệm của ông Võ Kim Cự

      Chính trị | 22:34 Thứ Tư ngày 30/11/2016
      Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đắk Lắk, Lạng Sơn và Vĩnh Long đã tiếp xúc cử tri để thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh.
      Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh trả lời ý kiến cử tri tại phường Hải Châu 2. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

      Ngày 30/11, các đại biểu: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Thị Kim Thúy, Ngô Thị Kim Yến, Võ Thị Như Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng đã có các buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, quận Thanh Khê.

      Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tới cử tri thành phố.

      Đông đảo cử tri bày tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khi thông qua những quyết định quan trọng; trong đó, chủ trương dừng triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận được cử tri rất đồng tình.

      Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ ngày càng được nâng cao, mang lại niềm tin mới vào hoạt động của Quốc hội khóa XIV.

      Cử tri đề nghị khi Quốc hội xây dựng luật, cần đề ra chế tài xử lý mạnh hơn đối với những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; mong muốn Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn.

      Một số ý kiến cử tri cho rằng những nội dung chất vấn được đổi mới và trọng tâm hơn. Cử tri đề nghị bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc lời hứa, không để đến cuối nhiệm kỳ lời hứa chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả; đồng thời kiến nghị Quốc hội quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm.

      Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tiếp thu và chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp và đề xuất tâm huyết của cử tri gửi đến Quốc hội.

      Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là thực hiện chức năng giám sát tối cao, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tăng cường thực hiện giám sát trách nhiệm và thực hiện các lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành.

      Liên quan đến kiến nghị về trách nhiệm cá nhân của ông Võ Kim Cự, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, khi có kết quả sẽ công bố.

      Về công tác phòng, chống tham nhũng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh khẳng định Đảng, Nhà nước luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhất là quy định hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ, không để kẽ hở để cán bộ tham nhũng. Bên cạnh đó, tăng cường xử lý các vụ án tham nhũng và giám sát các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

      Chính phủ đã và đang tăng cường kiểm soát việc xây dựng, thẩm định việc xả thải đối với các dự án nhà máy sản xuất thép, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng.

      Thời gian tới, trên cơ sở kiến nghị của cử tri thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương về thẩm định, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của nhà máy thép trên đầu nguồn sông Vu Gia.

      Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đề nghị thành phố kiểm tra và trả lời ý kiến của cử tri về tiến độ tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Hải Vân. Liên quan đến bảo vệ chủ quyền đất nước, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

      Trong 2 ngày 29, 30/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đắk, Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ niềm tin, phấn khởi trước những kết quả mà kỳ họp của Quốc hội đã đạt được đồng thời kiến nghị với tỉnh Đắk Lắk cũng như Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa tới các gia đình chính sách, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

      Cử tri kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, nâng cấp hệ thống điện lưới quốc gia tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, quản lý tốt hơn nữa tài nguyên khoáng sản, xử lý nghiêm đối với các đối tượng khai thác cát bừa bãi.

      Cử tri đề nghị tỉnh Đắk Lắk cũng như các Bộ, ngành Trung ương cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với việc hàng kém chất lượng, hàng giả, phân bón giả… Cử tri của các huyện Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn, Lắk cũng kiến nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, có chính sách hợp lý giải quyết viêc làm cho sinh viên mới ra trường…

      Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn do ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn làm Trưởng đoàn đã tiếp xúc cử tri xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn và xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn trong 2 ngày 29 và 30/11.

      Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nêu lên những ý kiến, nguyện vọng như: đề nghị Đảng, Nhà nước nghiêm khắc hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, đưa những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn; giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng…

      Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cần quan tâm hơn nữa việc sớm hoàn thiện hệ thống lưới điện trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; có những chính sách thiết thực hơn đối với các hộ nghèo; tăng mức phụ cấp, ưu đãi đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã; đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục nâng cao trình độ y, bác sĩ tuyến xã, góp phần đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

      Từ ngày 28-30/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức tiếp xúc cử tri tại 15 xã, phường, thị trấn của 8 huyện thị, thành phố của tỉnh. Cử tri tỉnh Vĩnh Long bày tỏ niềm tin, phấn khởi trước những kết quả mà kỳ họp của Quốc hội đã đạt được. Cử tri ấn tượng với phần chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu với các thành viên của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đánh giá đây một trong những đổi mới, tiến bộ của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần dành nhiều thời gian hơn cho nội dung này, nhất là phần trả lời những vấn đề đang được đại biểu và nhân dân quan tâm.

      Tại các buổi tiếp xúc, cử tri quan tâm nhiều về tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường biển cần được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ hơn; thực hiện tinh giảm biên chế bộ máy nhà nước để không cồng kềnh, chồng chéo; xem xét, giải quyết những bất cập trong xét hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; đẩy mạnh tạo việc làm cho người lao động để thoát nghèo bền vững…

      Cử tri mong muốn các bộ, ngành có liên quan và địa phương quan tâm hơn nữa việc xây dựng thương hiệu lúa gạo, đảm bảo đầu ra cho nông sản với giá cả ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống hàng gian, hàng giả, thực phẩm bẩn; có biện pháp xử lý triệt để tình trạng phân bón, vật tư kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân. Cử tri tỉnh Vĩnh Long đề nghị Đảng, Nhà nước có biện pháp mạnh mẽ, đủ sức răn đe và xử lý triệt để nạn tham nhũng.
      Theo Việt Nam plus

      Đôi nam nữ bốc cháy như đuốc trong phòng trọ

      Dân trí Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân chạy lại thì thấy đôi nam nữ bốc cháy như đuốc trong phòng trọ nên vội dập lửa rồi chuyển cả 2 vào bệnh viện cấp cứu.

      Ngày 30/11, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết vẫn đang điều tra làm rõ vụ cháy phòng trọ số 2 thuộc nhà trọ không số ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM vào rạng sáng 28/11 khiến 2 người bị bỏng.
      Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, 2 nạn nhân bị bỏng là anh Trương Văn N. (37 tuổi, quê Cà Mau) và vợ là chị Phan Thị Kim T. (25 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh). Hiện anh N. đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy với vết bỏng 73% cơ thể, đang rất nguy kịch, riêng chị T. bị bỏng 17% và đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Chánh.
      Điều tra bước đầu của Công an huyện Bình Chánh cho biết, vợ chồng anh N. – chị T. thuê phòng trọ sinh sống tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh hơn 1 năm nay. Trong quá trình sống chung, 2 người thường xuyên phát sinh mâu thuẫn, cự cãi gay gắt vì anh N. nghi vợ ngoại tình.
      Anh N. đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
      Anh N. đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
      Cũng theo thông tin từ công an, khoảng 20h đêm 27/11, vợ chồng anh N. tiếp tục cự cãi lớn tiếng với nhau, sau cuộc cãi vã, anh N. bỏ đi ra ngoài. Đến rạng sáng 28/11, anh N. trở về phòng thì xảy ra vụ cháy.
      Theo người dân địa phương, thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, 2 vợ chồng anh N. bị cháy như đuốc trong phòng trọ và kêu la cầu cứu.
      Nghe tiếng truy hô, hàng xóm xung quanh đã chạy đến ứng cứu, dập lửa, đưa 2 vợ chồng anh N. vào Bệnh viện huyện Bình Chánh cấp cứu. Do vết bỏng khá nặng nên Bệnh viện huyện Bình Chánh đã chuyển anh N. lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM để tiếp tục điều trị.
      Ngay khi nhận tin báo, Công an huyện Bình Chánh đã có mặt phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân. Công an nghi vấn vụ cháy có thể do anh N. đổ xăng đốt.
      Hiện công an đang mở rộng điều tra.
      Thảo Trần


      Hương Giang Idol: "Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm"

      NHẬT DUY - CLIP: MEDIA TEAM; ẢNH KIM ĐIỀN & LEE ZU |
      Hương Giang Idol: "Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm"

      Hai nữ ca sĩ Hương Giang Idol và Hòa Minzy đều thẳng thắn bày tỏ ý kiến của riêng mình về các vấn đề được quan tâm ở góc nhìn khác nhau.




      Gần đây, việc chia tay Công Phượng khiến Hòa Minzy nhận được nhiều quan tâm từ khán giả.
      Bởi trước đó, chuyện tình cảm của họ nhận khá nhiều ý kiến trái chiều bởi nhiều người cho rằng nữ ca sĩ dựa hơi cầu thủ trẻ để ăn theo sự nổi tiếng, hay PR cho bản thân.
      Bên cạnh đó, việc cô xăm tên người yêu lên ngực bị đánh giá là hành động thiếu suy nghĩ, và đa phần đặt câu hỏi rằng cô sẽ "xử lý" hình xăm này thế nào sau chia tay.
      Hương Giang Idol - một người chị khá thân thiết trong nghề của Hòa Minzy đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về việc yêu cầu thủ trẻ, hay những câu chuyện xoay quanh hình xăm "Nguyễn Công Phượng".
      Song song đó, Hòa Minzy cũng đua ra những ý kiến đồng tình và đối lập với đàn chị về vấn đề này.
      Ngoài ra, những chủ đề về "chèn ép show", "thủ đoạn trong showbiz", "mâu thuẫn với công ty cũ"... cũng được cả hai bàn luận.
      Hương Giang Idol
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 2.
      Đối với Hòa Minzy, Hương Giang Idol là một người chị vô cùng thông minh và khiến cô rất khâm phục.
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 3.
      Hương Giang Idol lại nhận định đàn em là người sống khá thoải mái, hồn nhiên và hay nghĩ mình là... thành viên của nhóm 2NE1 (Minzy).
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 4.
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 5.
      Hòa Minzy rất yêu quý Hương Giang vì luôn chia sẻ và đến bên cạnh cô những lúc cần thiết trong cuộc sống.
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 6.
      Nhắc về kỷ niệm với Hòa Minzy, Hương Giang cho biết đàn em từng "truy sát" đuổi theo mình "80 vòng" để tặng quà sinh nhật. Cô rất yêu quý người em đồng nghiệp này trong công việc lẫn cuộc sống.
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 7.
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 8.
      Hương Giang Idol: Hoà Minzy nên tìm cách quay lại với Công Phượng để khỏi phải xóa hình xăm - Ảnh 9.
      theo Trí Thức Trẻ

      180 triệu, và Neymar sẽ đến Manchester United?

      19:54 Thứ tư 30/11/2016

      (TinTheThao.com.vn) - Trong cơn vật vã trở lại đỉnh cao, Manchester United sẵn sàng làm mọi điều điên rồ nhất trên thị trường chuyển nhượng.





      CygmpwyWgAA_Hp6

       Neymar sẽ đến Manchester United?

      Phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng thế giới vì Paul Pogba, nhưng lúc này tình hình ở Manchester United vẫn không sáng sủa mấy. Trận hòa cuối tuần qua ở Ngoại hạng Anh trước West Ham United khiến thầy trò Jose Mourinho bị bỏ xa trên bảng xếp hạng, và tham vọng vô địch đang xa dần.
      Đó có lẽ là lý do, một câu lạc bộ với tầm vóc và tiềm lực tài chính hùng mạnh như Manchester United, cần làm tất cả để có thể trở lại đỉnh cao. Dễ dàng và tạo hiệu ứng lớn nhất, chắc chắn vẫn là trên thị trường chuyển nhượng. Jose Mourinho, trong một cuộc nói chuyện với phó giám đốc điều hành Ed Woodward, (được tờ Daily Record dẫn lại) tin rằng "hầu hết cầu thủ hiện tại trong đội hình Manchester United đều không thể đáp ứng nhu cầu của ông".
      Huấn luyện viên người Bồ Đào Nha muốn BLĐ Manchester United tập trung vào việc "mua những cầu thủ đẳng cấp thế giới", để giúp CLB trở lại đỉnh cao. "Chúng ta không thể mua 4 hay 5 cầu thủ đẳng cấp thế giới chỉ trong một kỳ chuyển nhượng. Cần ít nhất là vài kỳ," Mourinho cam đoan.
      Video những skill đỉnh nhất của Neymar trong màu áo ĐTQG Brazil:
      Đó có thể là Antoine Griezmann, Edinson Cavani,.. hay đặc biệt là Neymar. Theo các nguồn tin mới nhất mà tờ Daily Record số ra hôm nay (30/11) có được, ban lãnh đạo Manchester United sẵn sàng chi tổng cộng tới 180 triệu bảng (tương đương 212 triệu euro) để trả phí chuyển nhượng và lương cho thương vụ này.
      Bất chấp việc Neymar vừa ký hợp đồng mới với Barcelona vào tháng 7 vừa qua, các nguồn tin của Daily Record khẳng định Neymar và cha mình đang muốn rời Tây Ban Nha. Nhất là trong bối cảnh Neymar đang đứng trước nguy cơ bị phạt tới 2 năm tù.
      Video tất cả 50 bàn thắng của Neymar cho ĐTQG Brazil:
      Cơ quan Công tố Tây Ban Nha, trong cuộc họp diễn ra vào ngày 23/11, đã quyết định truy tố ngôi sao của bóng đá Brazil và CLB Barcelona, Neymar về tội gian lận với mức án đề nghị lên tới 2 năm tù. Còn nhớ năm ngoái, cha Neymar từng bóng gió nói về việc có thể rời La Liga nếu bị nhà chức trách Tây Ban Nha tiếp tục làm khó.
      Việc Manchester United theo dõi Neymar là điều không có gì mới. Với tài năng của mình, cầu thủ người Brazil càng chơi càng hay trong màu áo Barcelona và Đội tuyển quốc gia Brazil. Thương vụ Neymar sẽ tốt cho cả khía cạnh chuyên môn lẫn thương hiệu của CLB Anh Quốc.
      Phí giải phóng hợp đồng của Neymar lúc này rơi vào khoảng 200 triệu euro (tương đương 167 triệu bảng) ở giai đoạn đầu hợp đồng, và có thể lên tới 222 rồi 250 triệu euro trong các giai đoạn tiếp theo. Tiết lộ từ BBC.
      Rõ ràng, nếu BLĐ Manchester United thực sự quyết tâm, cộng tác động từ người cha, việc Neymar có thể đến Manchester United với một mức phí kỷ lục thế giới là hoàn toàn có thể xảy ra.
      Video tài năng của Neymar ở mùa giải năm nay:
      NT - Thể Thao Việt Nam | 19:07 30/11/2016

      Xem tiếp...