TUNG CÁNH GIANG HỒ 3/ Ba Cụt
TUNG CÁNH GIANG HỒ 3/ Ba Cụt
1- “Ba Cụt” Lê Quang Vinh (Kỳ 1): Gieo rắc tội ác khắp vùng An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ
Tàn ác và cuồng vỹ, Ba Cụt gây nhiều oan nghiệt với nhân dân suốt hơn 11 năm. Ác giả ác báo, cuối cùng Ba Cụt chết không toàn thây dưới thời Ngô Đình Diệm.
Hỗn danh Ba Cụt
Ba Cụt sinh năm 1923, tại Băng Tăng, Ô Môn, Cần Thơ (nay là phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Tên khai sinh là Lê Quang Vinh.
Huỳnh Thạnh Mậu - Một trong 3 người được Yoyo chọn làm thủ lĩnh "nghĩa quân nội ứng" cho quân đội Nhật.
Những cụ già cao niên tại phường Thới Long đều khẳng định, gia đình Ba Cụt rất nghèo chứ không phải khá giả như một số tài liệu ghi chép lại. Vì nghèo, cha mẹ không cho con đi học mà gởi đi ở đợ cho điền chủ Vàng (Hội đồng Vàng) ở cù lao Cát (ngày nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Khi ấy, Ba Cụt chỉ mới 12 tuổi. Cho đến lúc chết, Ba Cụt vẫn mù chữ.
Mùa khô, địa chủ Vàng cho Ba Cụt theo đám trẻ mục đồng cùng nghiệp ở đợ đi chăn trâu, mùa mưa đi chăn vịt.
Cha Ba Cụt là người mê truyện Tàu, thuộc làu bộ Thủy Hử. Khi trò chuyện với bất kỳ ai, ông đều đem điển tích trong Thủy Hử ra ví von. Mê nghĩa khí kiểu truyện Tàu nhưng ông lại thường dạy dỗ con trai bằng gậy gộc. Ba Cụt thuộc tạng người hiếu động, quậy phá nên ăn đòn roi của cha hàng ngày. Có lần, Ba Cụt ăn cắp vịt của Hội đồng Vàng. Ông Hội đồng Vàng cho người qua nhà cha Ba Cụt mắng và đòi kiện ra tòa. Người cha lôi cổ con trai ra đánh. Ba Cụt dùng dao thái chuối chặt đứt 1 ngón tay rồi bỏ nhà đi bụi.
Từ đó mới sinh ra hỗn danh Ba Cụt.
Sau này, khi trở thành đầu lĩnh đội quân ô hợp, Ba Cụt lại thường tự đề cao mình là "người yêu nước, muốn ly khai gia đình để kháng chiến chống Pháp". Và "bởi vì cha không cho ông tham gia kháng chiến nên đã chặt ngón tay thề: "Nếu ngón tay nầy mọc lại, sẽ an phận về làm ruộng cho vui lòng cha!"
Sau khi từ cha, Ba Cụt đi thẳng đến nhà người cậu ruột là ông Huỳnh Kim Hoành ở Chắc Cà Đao (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Lúc này Ba Cụt 16 tuổi.
"Ông giáo Hoành", "võ sư Ba Kim", Huỳnh Kim Hoành hay Huỳnh Kim Thành đều là bí danh của ông Huỳnh Văn Hoành. Ông cư ngụ ở Bằng Tăng, Ô Môn - quê ngoại của Ba Cụt.
Ông Hoành dạy chữ quốc ngữ tại một ngôi trường của chính phủ Thực dân ở Thốt Nốt. Không ai biết ông học võ từ khi nào. Bỗng dưng, ông bỏ dạy học về quê vợ ở Chắc Cà Đao tự xưng là võ sư Sáu Kim, mở lò chiêu sinh dạy võ.
Nhiều giai thoại kể rằng, võ sư Sáu Kim học võ bằng tâm linh. Chỉ cần 1 đêm bái sư trên núi Cấm là đã được hấp thụ hết mọi tinh hoa võ học.
Thật ra, ông Huỳnh Kim Hoành chưa từng là võ sư.
Năm 1939, ông Huỳnh Kim Hoành được Yoyo - Thủ lĩnh Hắc Long Đảng ở Việt Nam giao nhiệm vụ về Chắc Cà Đao tập họp thanh niên huấn luyện quân sự, chuẩn bị cho quân đội Nhật tiến chiếm Nam Việt Nam. Yoyo có tên Việt là Võ Du - một võ sư thượng đẳng Hiệp Khí Đạo.
Hắc Long Đảng và phong trào Cường Để
Trong hồ sơ tình báo từ năm 1931 đến năm 1932 của Kempeitei mang tiêu đề "Zai-Shi Chôsenjin oyobi zaihonpô Annanjin ni kansuru Nichi Futsu jôhô kôkan kankei ikken" (Được dịch là Hồ sơ trao đổi tin tình báo giữa Nhật và Pháp về người Triều Tiên ở Trung Hoa và người Việt Nam ở Nhật Bản) cho thấy Nhật đã nuôi dưỡng Cường Để như một lá bài chính trị cho cuộc xâm lược quân sự Đông Dương năm 1940.
Một báo cáo mật về sự hiện diện Hắc Long Đảng tại miền Nam gửi Nguyễn Khánh.
Cơ quan Tình báo Kempeitei của Nhật thông qua đảng Hắc Long mượn nhân vật Kỳ ngoại hầu Cường Để đang tá túc chính trị tại Tokyo để tuyên truyền đề cao chủ nghĩa "Đông Á của người Á Đông", "Việt Nam độc lập trong khối thịnh vượng Đại Đông Á" để kích động dân Việt từ năm 1930.
Trước khi Nhật đảo chính Pháp, tại miền Nam đã có sẵn rất nhiều lực lượng quân sự, chính trị sẵn sàng tiếp rước quân Nhật. Nhật chọn miền Nam Việt Nam làm nơi "dọn cỗ chính trị" vì vùng đất này trù phú có thể làm nơi trú đóng quân để tiến chiếm toàn cõi Đông Dương, sau đó tiếp tục xâm lược về phía Tây Đông Dương. Đầu năm 1946, trong bản phúc trình có tiêu đề "Notes sur le Phat Giao Hoa Hao" gởi Jean Cédile - Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam, ông Savani (thời điểm 1946 mang hàm Thiếu tá - Trưởng phòng tình báo quân đội Pháp khu vực miền Tây Nam Bộ) đã viết: "Mục đích của Nhật lúc đó là lợi dụng tín đồ Hòa Hảo để chống lại thế lực Pháp.
Từ thành quả của Hắc Long, một số địa phương ở miền Nam manh nha thành lập đảng Nghĩa Sỹ - mật danh mới của Hắc Long Đảng tại Việt Nam. "Nghĩa sỹ Đảng" tại Cần Thơ do một thông ngôn tiếng Nhật tên là Huỳnh Khai, con trai một địa chủ, hội đồng họ Huỳnh ở quận Châu Thành (Cần Thơ) làm lãnh tụ. Huỳnh Khai là "học sinh Đông Du". Huỳnh Khai đã được tình báo Nhật đào tạo từ khi còn là du học sinh".
Năm 1937, một số nhân sỹ như Huỳnh Khai, Huỳnh Thạnh Mậu, Huỳnh Kim Hoành được một nhân vật có tên Yoyo đưa về Sài Gòn bí mật tham gia học một lớp chính trị núp dưới danh nghĩa khuyến nông. Yoyo chính là thủ lĩnh Hắc Long tại Việt Nam. Sau đó, nhóm người này được huấn luyện "rèn luyện thể lực" do Kimura và Mochizuki - Sỹ quan quân báo Nhật kèm cặp. Thật ra là học đội ngũ chiến đấu.
Sau khóa huấn luyện, Huỳnh Khai, Huỳnh Thạnh Mậu và Huỳnh Kim Hoành được Yoyo yêu cầu trở về miền Tây Nam Bộ chuẩn bị cướp chính quyền từ tay Pháp.
Bộ ba họ Huỳnh mở lò dạy võ để quy tựu nhân sự. Đến đầu năm 1940, họ đã tuyển được 500 "nghĩa sĩ Hắc Long Đảng" chuẩn bị làm nội ứng cho quân đội Nhật, trong đó có Ba Cụt. Sau đó 500 người này được đưa về Sài Gòn huấn luyện quân sự tại Trường vẽ Gia Định (Nay là Trường Đại học mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh). Chỉ huy 500 học viên này là Cai Tri, từng là cai đội trong hàng ngũ lính Pháp.
Tuy mù chữ nhưng máu đánh đấm trong người Ba Cụt đã được dịp phát huy tác dụng. Ba Cụt trở nên nổi bật trong số tân binh "nghĩa sỹ Hắc Long Đảng".
Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, Huỳnh Khai đưa một số "nghĩa sĩ" về Châu Thành (Cần Thơ) phân tán vào lực lượng lao động bình dân đồng thời chiêu nạp thêm nhân sự cho "Hắc Long Đảng".
Vỏ bọc ban đầu
Lấy lý do phòng chống trộm, cướp cho xóm làng, Ba Cụt và những "học trò" của Huỳnh Kim Hoành được đưa về làng Hòa Hảo lập đội "Bảo An". Đội "Bảo An" thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Giác Ngộ. Huỳnh Thạnh Mậu và Huỳnh Kim Hoành đảm nhiệm vai trò cố vấn chính trị.
Ba Cụt (trong ô tròn) thời kỳ cận vệ của Năm Lửa.
Nguyễn Giác Ngộ có tên khai sinh là Nguyễn Văn Ngượt, sinh năm 1897, ở Long Xuyên (An Giang). Xuất thân là một trung đội trưởng lính Partisan của quân Pháp nên đảm nhiệm vai trò chỉ huy chiến đấu đội "Bảo An".
Sau khi ổn định lực lượng, Nguyễn Giác Ngộ kéo hết đội "Bảo An" về Thốt Nốt (Cần Thơ) chờ lệnh người Nhật.
Đầu năm 1940, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ tổ chức thuyết giảng đạo pháp tại sân vận động Thốt Nốt. Trần Văn Soái chỉ huy tổ "xung phong" có nhiệm vụ giữ gìn trật tự.
Trần Văn Soái có hỗn danh là Năm Lửa, sinh năm 1889 tại Mỹ Thuận, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long) xuất thân là dân anh chị ở bến phà Mỹ Thuận. Khi phong trào Hắc Long Đảng tràn về Cần Thơ, Năm Lửa lôi kéo dân anh chị gia nhập. Khi lập đội "Bảo An Hòa Hảo", Năm Lửa được giao chỉ huy nhóm thuộc hạ gốc anh chị, gọi là tổ "xung phong". Ba Cụt thuộc tổ này.
Trong một lần thuyết giảng tại Thốt Nốt (Ngày nay thuộc TP Cần Thơ) Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã bảo Năm Lửa chọn Ba Cụt làm "cận vệ quân"
Từ đó, Năm Lửa rút Ba Cụt lên làm lính cận vệ cho mình. Ba Cụt gọi Năm Lửa bằng tía, xưng con. Vì vậy, có một số người lầm tưởng Ba Cụt là con nuôi của Năm Lửa.
Gọi là cận vệ cho oai chứ thật ra, Ba Cụt cũng chỉ là lính hầu, suốt ngày nấu nước, pha trà và chèo ghe cho Trần Văn Soái.
Thời điểm này, lính "Bảo An Hòa Hảo" chưa được trang bị súng, chỉ sử dụng giáo mác nhưng Ba Cụt đã có đến hai cây súng mousqueton kiểu Anh và một súng ngắn 7 ly. Ba Cụt mặc bộ bà ba đen, cột thắt lưng vải, lưng đeo chéo 2 cây mousqueton như hiệp khách đeo gươm. Khẩu súng ngắn cột dây bện bằng bẹ chuối khô treo lủng lẳng trước ngực.
Ngày 22/9/1940, Sư đoàn 5 thuộc quân đoàn 21 Nhật Hoàng đã tiến vào miền Bắc Việt Nam trước sự bất lực của quân Pháp. Trước uy thế của quân Nhật, lực lượng Bảo An của Nguyễn Giác Ngộ công khai hoạt động.
Một nhân chứng kể: "Hồi đó tôi đồng thời là lính của ông Năm Lửa nên biết rõ lai lịch 3 cây súng của Ba Cụt. Hồi đó, khoảng cuối năm 1942, đói quá, Ba Cụt lân la đến nhà ông Bảy Mía ở làng Nhơn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) xin cơm. Khi đến nơi thì thấy 3 lính Tây đang nằm ngủ ở đó. Ba Cụt xông vô đâm chết 3 lính Tây lấy được ba cây súng mousqueton đem về. Năm Lửa lúc ấy đã có 2 cây ruleu, thưởng cho Ba Cụt 1 cây. Đổi lại, ông Năm thu 1 cây mousqueton giao cho tôi. Trước đó, vũ khí của tôi là cây mác. Khi lực lượng Nghĩa sỹ Hòa Hảo bắt tay với Pháp, tôi bỏ ngũ về quê làm ruộng".
Từ khi còn là lính cận vệ, Ba Cụt đã thể hiện tính hiếu sát. Gọi là bảo vệ trị an cho dân nhưng suốt ngày Ba Cụt chỉ biết đi từng nhà dân thu gom lúa gạo, gia súc. Ba Cụt giải thích, đó là "thu thuế" để nuôi quân. Gọi là "thu thuế" nhưng đội quân này xông thẳng vào nhà dân dùng vũ khí đe dọa chủ nhà rồi tự tiện hốt hết phân nửa số lúa gạo hoặc gia súc. Người nào chống đối, liền bị chặt đầu thả xác trôi sông. Lo sợ, người dân trong vùng phải chôn giấu lúa gạo dưới nền nhà.
Khi vào nhà nào không có bồ lúa, Ba Cụt trói chủ nhà vào cột rồi dùng cây đinh sắt 1 tấc đút vào lỗ tai. Cứ sau 1 câu: "Chôn giấu lúa ở đâu?", Ba Cụt lại dùng bá súng gõ nhẹ vào đầu cây đinh một phát. Nếu chủ nhà chỉ nơi chôn giấu lúa thì được tha. Vô phúc cho những gia đình nghèo không có lúa, bị Ba Cụt gõ cây đinh dần sâu vào lỗ tai. Nạn nhân không chết ngay mà đau đớn vật vã, điên loạn đến mấy tháng sau mới chết.
(Còn tiếp)
2- “Ba Cụt” Lê Quang Vinh - Giải mã những giai thoại (kỳ 2)
Vốn là người ít học, Ba Cụt đã biến đội quân của mình thành một nhóm thổ phỉ ẩn dưới danh nghĩa “quân đội Hòa Hảo”.
Rõ là thời thế tạo “anh hùng”
Rất gai mắt nhưng quân đội Pháp không dám đụng chạm đến những đội quân “Nghĩa sĩ”. Họ biết rõ những nhóm vũ trang này được người Nhật bảo hộ.
Ngày 9-3-1945, quân Nhật phát lệnh đảo chính Pháp. Ngày 10-3-1945, quân Nhật do Phó Tư lệnh Sa To chỉ huy kết hợp với Huỳnh Khai chiếm Cần Thơ. Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận: “Lúc đó, “Nghĩa sĩ đảng” do thông ngôn tiếng Nhật là Huỳnh Khai, con của một địa chủ hội đồng ở quận Châu Thành (Cần Thơ) cầm đầu tuyên truyền “Người da vàng của người da vàng”. Huỳnh Khai tự nhận là “chí sĩ chống Tây”. Huỳnh Khai cùng các thuộc hạ chiếm lĩnh các nhà buôn và văn phòng của Tây để lại”.
![]() |
Nguyễn Giác Ngộ. |
Đảo chính Pháp thành công, Nhật không đưa Cường Để làm vua như kỳ vọng của rất nhiều nhóm “nghĩa sĩ” mà lại thành lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Tại Cần Thơ, viên Chánh biện Pháp De Montaigut được thay thế bởi tỉnh trưởng Lưu Văn Tào - một đốc phủ sứ của Pháp nhưng ngầm ủng hộ Nhật. Lực lượng “nghĩa sĩ” ở Cần Thơ, Long Xuyên bị gạt ra ngoài.
Bất mãn, những nhóm “nghĩa sĩ” đã từng ủng hộ Nhật tự tách ra khỏi vòng kiềm tỏa của Hắc Long Đảng để thành lập một tổ chức quân sự ly khai mới có tên gọi là “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” gọi tắt là “Chi đội Nguyễn Trung Trực”. Mục đích của lực lượng quân sự ly khai này là thành lập một quốc gia riêng, lấy miền Tây Nam Bộ làm lãnh thổ.
Võ sư Kim chán ngán binh đao, trở về làm thầy giáo tiểu học.
Nguyễn Giác Ngộ tự phong là Chi đội trưởng kéo hết nhóm “nghĩa sĩ bị quân Nhật bỏ rơi” về núi Dài (An Giang) lập căn cứ tuyển mộ tân binh.
Ông Hồ Văn Ch. (81 tuổi, cư ngụ ở Thốt Nốt, Cần Thơ) đã từng là tân binh của “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” trong giai đoạn này. Ông kể: “Tôi thấy đội quân này không có chủ trương nhất quán. Khi kêu gọi gia nhập, họ bảo với chúng tôi là tập quân sự để đánh Pháp. Tôi cũng nô nức vào núi Dài tòng quân. Nhưng khi bắt đầu học quân sự thì tôi thấy sỹ quan Pháp hướng dẫn. Tôi hỏi thì họ bảo, thời thế đã thay đổi, bây giờ Pháp trang bị võ khí để nghĩa quân chuẩn bị giúp Pháp trở lại Việt Nam. Thế là tôi bỏ trốn về nhà làm ruộng”.
![]() |
Binh lính của Ba Cụt. |
Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng ly khai tuyển mộ được hơn 10.000 tân binh. Thế là hầu hết những người đã từng tham gia nhóm Huỳnh Khai đều được “đôn” lên thành sỹ quan chỉ huy đám lính mới.
Từ một chú lính hầu, Ba Cụt được giao chỉ huy một phân đội quân khoảng 200 người. Khi ấy, Ba Cụt chỉ mới 22 tuổi.
Sau khi nhận ra lực lượng “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” là đội quân thiếu tôn chỉ, mục đích, rất nhiều tân binh đào ngũ trở về quê cày cuốc. Từ con số 10.000 quân, chỉ sau 1 tuần lễ chỉ còn hơn 500 quân. Có những phân đội chỉ còn duy nhất phân đội trưởng. Chỉ mỗi phân đội của Ba Cụt còn gần như nguyên vẹn quân số. Để giữ được quân số đó, Ba Cụt đã phải dùng dao rựa khất nhượng thị uy vài người bỏ trốn.
Nhờ thiếu hụt quân số, Ba Cụt lại được “đôn” lên thành Phó chi đội. Ba Cụt được giao chỉ huy một đại đội gồm các thành phần đầu gấu trong xã hội. Vùng trách nhiệm của Ba Cụt trải dài từ Ô Môn (Cần Thơ) đến Long Xuyên, sang Tri Tôn (bây giờ là tỉnh An Giang). Khu vực Tà Đét, núi Bà Đội Om nằm trong vùng trách nhiệm của Ba Cụt.
Ngày 9-5-1945, Phát xít Đức đầu hàng quân đồng minh, quân Nhật ở Việt Nam bắt đầu co cụm lại. Ngày 15-8-1945, Nhật chính thức đầu hàng, Pháp tái chiếm Nam Bộ. Nguyễn Giác Ngộ lập tức bắt tay với quân Pháp để giải giáp quân Nhật ở khu vực Tây Nam Bộ.
Nhờ biết xuôi theo chiều gió, ngày 18-12-1946 lực lượng “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” được quân Pháp sát nhập vào lực lượng quân phụ lực (Forces supplétives) của họ. Lực lượng này được giữ lại số vũ khí tước được từ tay quân Nhật và được quân Pháp cấp thêm 1 lượng vũ khí mới.
Đề phòng lực lượng này phản trắc, quân Pháp chia “liên đội” thành 4 chi đội, bố trí đóng quân ở 4 khu vực khác nhau. Chi đội 1 do Năm Lửa chỉ huy, hoạt động tại vùng Cần Thơ. Chi đội 2 do Lê Minh Điểu (tức xã Nhiễu) chỉ huy, hoạt động tại vùng Long Xuyên. Chi đội 3 do Lê Phát Khuynh chỉ huy, hoạt động vùng Châu Đốc. Phân đội 4 do Phan Hà chỉ huy, hoạt động ở vùng Rạch Giá. Nhiệm vụ của 4 chi đội này là giúp Pháp tiêu diệt Việt Minh và ủng hộ cái gọi là chính phủ Nam Kỳ tự trị thuộc Pháp.
Làm “vua” một cõi
Sau khi nhận được vũ khí của Pháp, Năm Lửa bắt đầu bất phục tùng Nguyễn Giác Ngộ. Để tỏ rõ sự bất phục tùng, Năm Lửa giao Ba Cụt dẫn quân đi phục kích những toán quân Pháp đi lẻ tẻ, thậm chí đánh luôn quân của Nguyễn Giác Ngộ.
Khi đó, nhằm tập trung trí lực đối phó với lực lượng cách mạng của ta, quân Pháp cần thâu tóm những toán quân không có tôn chỉ hoạt động như Năm Lửa. Đại tá Cluzet - Tư lệnh Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp phải nhờ Savani (lúc này đã mang hàm Trung tá tình báo) tìm gặp Năm Lửa để tìm nguyên nhân “phản bội”. Sau khi biết Năm Lửa không muốn thuộc quyền Nguyễn Giác Ngộ, ngày 18-5-1947, Đại tá Cluzet chấp nhận ký kết một hiệp định. Theo đó, quân của Năm Lửa là một chi đội trực thuộc lực lượng quân sự Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp chứ không thuộc quyền Nguyễn Giác Ngộ. Dù chỉ là “rượu cũ trong bình mới” nhưng Năm Lửa lại đồng ý.
![]() |
Năm Lửa. |
Thấy Năm Lửa được Pháp ưu ái nhờ chiêu ly khai, Ba Cụt cũng thực hiện kế sách đó.
Mượn cớ Năm Lửa đầu hàng Pháp, Ba Cụt rút 2/3 quân số chạy về Bằng Tăng (Ô Môn, Cần Thơ) đóng doanh trại rồi tuyên bố ly khai. Ba Cụt đặt tên mới cho lực lượng quân sự của mình là “nghĩa quân Cách mạng” và tự phong hàm đại tá, chỉ huy trưởng. Không ai biết lực lượng “nghĩa quân” của Ba Cụt hoạt động với mục đích gì, phục vụ cho ai, bởi ông ta chống lại tất cả mọi lực lượng quân sự khác, từ quân đội của Nguyễn Giác Ngộ, Năm Lửa cho đến Pháp, kể cả Việt Minh…
Ba Cụt cứ thế cát cứ một cõi theo kiểu thổ phỉ và trở thành nỗi khiếp hãi của nhân dân địa phương.
Để có thêm quân số, Ba Cụt cho thuộc hạ đi lùng sục bắt thanh niên ghi tên gia nhập.
Nhớ lại giai đoạn đó, những bậc kỳ lão vẫn còn hãi hùng. Một nhân chứng cư ngụ gần ngôi mộ gió của Ba Cụt ở Thới Long, cho biết: “Nửa đêm lính Ba Cụt gõ cửa bảo, chúng tôi là Việt Minh, hãy cho chúng tôi cơm ăn. Chủ nhà mở cửa là chúng đè ra chặt đầu về tội giúp đỡ Việt Minh. Nếu chủ nhà không mở cửa, sáng hôm sau chúng quay trở lại khen ngợi là người ủng hộ Ba Cụt. Khen xong, chúng lôi về đồn, nhét súng vào tay bắt tập quân sự. Ai trì hoãn không đi, chúng trói giật cánh khuỷu. Khi gom được 5 - 6 người chống lệnh, chúng xỏ cây tre vào các khuỷu tay thành chùm người rồi thả xuống sông Hậu. Các nạn nhân không chìm ngay mà vùng vẫy đến đuối sức rồi chết”.
Ngoài ra, Ba Cụt còn buộc người dân trong vùng phải đóng “nguyệt liễm” hàng tháng, tương đương 20 giạ lúa.
Đặc biệt, Ba Cụt tỏ ra rất căm ghét lực lượng cách mạng của ta. Có lời truyền lại khi thuộc hạ bắt được một chiến sỹ cách mạng, Ba Cụt đã dùng dao bầu mổ bụng người ấy.
Hung hăng với dân lành nhưng mỗi khi nghe tin quân Pháp càn quét, trong tích tắc, bản doanh của Ba Cụt vắng hoe. Chính Ba Cụt đã làm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vạ lây tai tiếng về tính cuồng sát. Hầu hết những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thật tâm tu đạo đều xem Ba Cụt chỉ là người mượn danh giáo phái để mưu lợi cá nhân.
Sau nhiều động thái chuẩn bị, tháng 7-1949, Pháp đưa Bảo Đại (vị vua đã thoái vị trao ấn kiếm cho chính quyền Cách mạng) từ sòng bài Macau về nước đặt ngồi vào ghế “Quốc trưởng” để lập một ván cờ chính trị mới có tên gọi là “Quốc gia Việt Nam” hòng tiếp tục thống trị Việt Nam. Pháp lập luận rằng “Quốc gia Việt Nam” là chính thể độc lập nhưng người Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính, thương mại, chính sách đối ngoại, kể cả quân sự.
Từ chính sách đó, Pháp cần tuyển mộ nhiều binh lính người Việt để trấn áp người Việt. Trong nhiều thao tác mua chuộc, người Pháp đã lôi kéo được toàn bộ lực lượng vũ trang tự xưng là “quân đội Hòa Hảo”.
Lúc này, Nguyễn Giác Ngộ cát cứ ở Chợ Mới (nay thuộc An Giang), Năm Lửa cát cứ tại Cái Vồn (nay thuộc Vĩnh Long); Hai Ngoán tức Lâm Thành Nguyên cát cứ ở Cái Dầu (nay thuộc An Giang). Ba Cụt tách khỏi Năm Lửa, biến thành lực lượng phỉ cát cứ một cõi riêng tại quê nhà ở Bằng Tăng, Ô Môn.
Để mua chuộc lực lượng “quân đội Hòa Hảo”, Đại tá Cluzet - Tư lệnh miền Tây đã ký một loạt các “hiệp định liên quân Pháp - Hòa Hảo” vào ngày 18-5-1947. Theo đó, Pháp trao hàm Thiếu tướng cho Nguyễn Giác Ngộ và Trần Văn Soái (Năm Lửa), trao hàm Đại tá cho Lâm Thành Nguyên.
Mặc dù đã ly khai, thấy “ông tía” Năm Lửa đeo lon Thiếu tướng, Ba Cụt tự phong mình là Thiếu tá rồi sai lính đi lùng kiếm một bộ sắc phục sỹ quan Pháp có lon Thiếu tá mặc vào. Đám lính lùng sục hàng tuần vẫn không tìm đâu ra bộ sắc phục cho “ông Ba”.
Cuối cùng, một thuộc hạ của Ba Cụt nảy sáng kiến, thưa rằng: “Thiếu tá Ba không còn là lính của cụ Năm Lửa thì hà tất phải mặc sắc phục đúng y chang lính Pháp. Thiếu tá Ba là người của nhà trời thì phải có đồ trận riêng”. Vị “quân sư quạt mo” này trình cho Ba Cụt một bộ đồ mới may. Đó là bộ áo bà ba màu dà (y phục của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo) nhưng trên vai lại có đính cầu vai hàm Thiếu tá Pháp. Ba Cụt mặc vào trông rất buồn cười.
Cho rằng vị “quân sư” chơi xỏ mình, Ba Cụt sai lính lôi ra đánh 20 gậy. Tuy giận vị “quân sư” nhưng Ba Cụt nảy ra ý mới: Không lùng tìm sắc phục sỹ quan Pháp mà đặt may nhái kiểu. Đó là một bộ lễ phục cấp tướng của quân đội Pháp nhưng mang hàm Thiếu tá. Khoác bên ngoài là chiếc áo pardessuers dài đến nửa ống quyển chân.
(Còn nữa)
Nhận xét
Đăng nhận xét