XUYÊN KHÔNG

 

 
DÒNG MÁU LẠC HỒNG || ĐAN TRƯỜNG | LIVE CONCERT 2002 - GIỮ MÃI NIỀM TIN

Thần Trụ Trời [Truyện thần thoại Việt Nam] - Thế giới cổ tích

XUYÊN KHÔNG*
 
Ước gì bỗng ta có phép xuyên không
Như ông trời cho ta biết thần thông
Để đến tương lai tham quan cảnh lạ
Để về quá khứ cho thỏa nhớ trông
 
Ta sẽ về thời tiền sử, tổ tông
Cùng đắp nước non phụ giúp Ông Đùng**
Theo Lạc Long Quân - Âu Cơ mở đất
Tận mắt thấy thời lập quốc Văn Lang
 
Sau đó ta về thăm thời Hùng Vương
Bái phục dưới cờ của Hai Bà Trưng
Vái lạy Phùng Hưng, Đại Vương Bố Cái
Thăm trống đồng thuở văn hóa Đông Sơn
 
Chứng kiến Ngô Quyền phục kích Bạch Đằng
Lý Thường Kiệt đến Ung Châu vây hàng
Đọc tuyên ngôn bên dòng Như Nguyệt 
Tự hào muôn đời khí phách nước Nam

Xem Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên
"Hịch tướng sĩ" rền vang mọi miền 
Hội Nghị Diên Hồng một lòng bất khuất
"Sát Thát" Bạch Đằng, oan liệt chiến công

Ta lần tìm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Đến núi Chí Linh lúc "Lê Lai cứu chúa"
Gặp Lê Lợi trong buổi hoàn gươm báu
Nguyên nhân nào giáng họa Lệ Chi Viên

Ta lưu lại thời Đất Nước điêu linh
Huynh đệ tương tàn, dày vò Tổ Quốc
Trịnh - Nguyễn phân tranh, dân tình cùng cực
Ôi buồn biết bao, máu chảy ruột mềm
 
Vui sướng nào bằng được theo Quang Trung
Tham gia những trận chiến thắng oai hùng
Thần tốc đánh tan tành Tôn Sĩ Nghị
Quân Thanh ôm nỗi nhục nhã ngàn năm 

Chán lũ vua bạc nhược trước ngoại xâm
Chẳng xứng danh dòng giống Lạc Hồng
Nguyễn Ánh rước voi về giày mả tổ
Tự Đức ươn hèn bán nước, bỏ dân

Ta sẽ bước theo đoàn Giải Phóng Quân
Gieo chiến thắng đầu Phay Khắt, Nà Ngần
Chín năm bền lòng, trường kỳ kháng chiến
Làm nên trận Điện Biên Phủ lẫy lừng

Theo Bác chỉ, đoàn quân lại trùng trùng
Nhằm miền Nam, ra trận, vượt Trường Sơn
Tiến thẳng tới ngày nước nhà thống nhất
Chói lọi năm châu, rực rỡ Sao Vàng

Rồi ta xuyên không đi tắt thời gian
Về phía tương lai phi thực miên man
Đến những miền chưa cấu thành lịch sử
Những miền hoang mang, bất định hoàn toàn...

***

Giật mình tỉnh giấc giữa đêm trường
Bồng bềnh tâm trí, hồn lâng lâng
Cứ ngỡ lang thang ngoài Vũ Trụ
Đang trong hành trình vượt thời gian!

Hóa ra chỉ là chuyện mơ mòng
Thế giới này làm gì có thần thông
Nhớ thương khắc khoải trong suy tưởng
Rồi mộng mơ thành chuyện xuyên không!
 
Ta thương em thương sâu tận đáy lòng
Lưu lạc từ lâu, nay nhớ vô cùng
Ước gì có được phép xuyên không ấy
Ta quyết tìm em, làm cuộc trùng phùng!

Trần Hạnh Thu

CT:  *Xuyên không là đi xuyên thời gian, hành trình sang một chiều không gian khác hoặc đến một khoảng thời gian khác, cách rất xa thời đại mà mình đang sống.
        **Thuở trời đất còn hỗn mang, có một số vị thần khổng lồ dời non lấp biển, tạo nên hình thế đất đai khắp đất Việt cổ. Câu chuyện phổ biến nhất là về Thần Trụ Trời, có người cho Thần Trụ Trời là Ông Đùng
 
Hào Khí Việt Nam - Phan Đinh Tùng

Thần Trụ Trời [Truyện thần thoại Việt Nam]

Thần Trụ Trời

Thần Trụ Trời

Thần Trụ Trời là truyện thần thoại được lưu truyền khá sớm trong dân gian Việt Nam, giải thích sự hình thành trời đất tự nhiên: biển, hồ, sông, núi,…

Thuở ấy, chưa có thế gian, cũng như chưa sinh ra muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn[1], tối tăm và lạnh lẽo. Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện, chân thần cao không thể tả xiết. Thần bước một bước là có thể qua từ vùng này hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.

Thần ở trong đám mờ mọt hỗn độn kia không biết từ bao lâu. Bỗng có một lúc, thần đứng dậy ngẩng đầu đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời. Hễ cột được thần đắp cao lên chừng nào, thì trời dường như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy.

Lủi thủi một mình, thần hì hục vừa đào vừa đắp: chẳng bao lâu, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù mịt.

Từ đó, trời đát mới phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp[2], chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.

Truyện thần thoại Thần Trụ Trời
Truyện thần thoại Thần Trụ Trời

Khi trời đã cao và đã khô cứng, không hiểu tại sao thần lại phá tan cột, lấy đá và đất ném tung đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi, biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, thành đống, thành những dãy đồi cao. Vì thế mặt đất ngày nay không bằng phẳng, mà có chỗ lồi chỗ lõm. Chỗ thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng.

Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Sau này, người trần gian thường nói rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn[4]) vùng Hải Dương. Người ta cũng gọi là cột chống trời (Kinh thiên trụ). Vị thần Trụ Trời đó sau này người ta cũng gọi là Trời hay Ngọc Hoàng[4], bao trùm tất cả, trông coi mọi việc trên trời, dưới đất.

Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có một số thần khác, nối tiếp công việc còn dở dang, để xây dựng nên thế gian. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Biển,…

Vì vậy, dân gian có câu truyền đến ngày nay:

Ông đếm cát
Ông tát bể (biển)
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng câu
Ông xây rú (núi)
Ông trụ trời…[5]

Chú thích trong truyện thần thoại Thần Trụ Trời

  1. Hỗn độn: chỉ trạng thái của sự vật chưa được phân định rõ ràng.
  2. Mâm vuông và bát úp: người xưa quan niệm trời tròn, đất vuông có cạnh. (Xem thêm Bánh chưng, bánh dày).
  3. Núi Thạch Môn: còn gọi là động Kinh Chủ ở huyện Kinh Môn, Hải Dương.
  4. Ngọc Hoàng: còn gọi là Ngọc Hoàng thượng đế, có nghĩa là vua trên trời. Những chữ này do giai cấp phong kiến đặt ra, trong quá trình thần Trụ Trời được tôn giao hóa.
  5. Đây là một bài về ba chữ. Cũng có sách chép làm bè bốn chữ và thêm số thứ tự nhất, nhì, ba, …, bảy… vào đằng trước:
    Nhất ông đếm cát
    Nhì ông tát bể
    Ba ông kể sao…

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH