Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

DANH BẤT HƯ TRUYỀN 9

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Nỗi khiếp sợ cho mọi cờ thủ khi gặp thế cờ giang hồ hiểm độc này

Kỳ thủ Trần Quốc Việt: Ông xích lô từng cầm hòa 3 đại kiện tướng thế giới

Trí Lâm |
Kỳ thủ Trần Quốc Việt: Ông xích lô từng cầm hòa 3 đại kiện tướng thế giới

Nói về cờ tướng, người Hoa luôn thống lĩnh kỳ đàn thế giới trong bất cứ cuộc chơi nào họ góp mặt. Tuy nhiên, trong lần tranh cúp Phương Trang IV - 2010 tại TP.HCM, cả 3 kỳ vương người Hoa từ Trung Quốc (đại lục), Đài Loan và Hồng Kông đã không thể nào đánh bại một anh xích lô người Việt Nam tên Trần Quốc Việt.

“Sát nhân vô ảnh”
Thoạt trông kỳ thủ Trần Quốc Việt già hơn tuổi 61 rất nhiều với mái tóc bạc sớm, cặp kính dày cộm ngang mắt. Tuy nhiên, kỳ thủ này vẫn giữ được nụ cười rất hóm và sự minh mẫn của tư duy như minh chứng chống lại sự lão hóa theo thời gian.
Ông bảo rằng, cuộc đời dẫn ông đến với cờ tướng, rồi từ cờ tướng ông hiểu thêm chính mình. Những tháng ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời luôn gắn bó với quân cờ tướng, ngày nào không chơi là ông cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Sinh ra tại đất Vũng Liêm, Vĩnh Long, từ năm 9 tuổi ông đã học chơi cờ từ người cha vốn là kỳ thủ nổi danh. Dù sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng trong thời kỳ gian khó chung của đất nước, ông cũng sớm phải quen với sóng gió mưu sinh.
Trong thời gian đạp xích lô ngót 20 năm trời tại Sài Gòn, ông đem vốn liếng chơi cờ từ cha ra những bàn cờ vỉa hè thi thố và phát triển. Đả bại hầu hết các đối thủ, Trần Quốc Việt hay “Việt xích lô” nổi tiếng từ đó.

Kỳ thủ Trần Quốc Việt khoác áo Bình Dương trong giải đấu Tăng Giai Nguyên - ảnh nhân vật cung cấp.
Kỳ thủ Trần Quốc Việt khoác áo Bình Dương trong giải đấu Tăng Giai Nguyên - ảnh nhân vật cung cấp.
Cứ nghe ở đâu có cao thủ là ông Việt lân la tìm đến đọ tài, thử sức. Các cuộc đấu khép lại, thắng nhiều, bại cũng không ít. Tuy nhiên lần nào ông cũng học hỏi thêm được kiến thức về chơi cờ bởi những nước đi cứ ám ảnh ông đến từng giấc ngủ.
Cờ tướng phát triển, cờ độ vỉa hè theo đó mà lên cao, đem lại vinh quang cho nhiều người nhưng cũng lấy đi không ít gia sản của kỳ thủ. Mải mê với những ván cờ, nhiều lần ông Việt quên cả việc đạp xích lô.
Vào năm 1979, ông thua độ mất chiếc xe đạp Cửu Long có giá 180 đồng mà thời đó là tài sản rất giá trị, bằng gần 5 tháng lương y tá của vợ ông. Ông phải bịa ra lý do bị mất trộm để vợ khỏi trách, sau này thắng độ lại ông mới dám nói thật.
Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ đến khi ông giành thứ hạng cao và được phong kiện tướng vào năm 1999 trong giải cờ tướng đồng đội toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Năm 2000, 2008, 2009… ông tiếp tục được phong kiện tướng.
Với 6 lần ở ngôi kiện tướng, ông đạp xích lô trở thành thần tượng của giới chơi cờ vỉa hè thời đó. Cũng dịp này, ông Việt gặp được “Võ lâm nhất sát” Lê Thiên Vị, người được coi là cao thủ trong giới cờ độ Sài Gòn.
Khi đó, ông Lê Thiên Vị đang là HLV trưởng đội cờ tướng TP.HCM. Chính ông Vị là người đưa ông Trần Quốc Việt ra biển lớn thi thố.
Biệt hiệu “Sát nhân vô ảnh” (Giết người không thấy hình bóng) cũng được ông Vị đặt cho ông trong thời gian này bởi ông Việt dùng nước Phản cung mã rất điêu luyện.
Biệt hiệu này ý nói sức cờ của ông vừa mạnh mẽ vừa linh hoạt, biến ảo khó lường, đặc biệt là tàn cuộc hay nghĩ ra những sát chiêu rất tuyệt diệu, bất ngờ. Ông Vị cũng là người đặt tên cho rất nhiều danh thủ Sài Gòn với những biệt danh như “Bạch mi ưng vương”, “Diệt tuyệt sư thái”…
Sau gần 10 năm khoác áo đội tuyển TP.HCM, Trần Quốc Việt chuyển sang đầu quân cho đội Bình Dương. Từ khi về khoác áo cho đội Bình Dương, kỳ thủ Trần Quốc Việt quyết định “treo” xe xích lô sau gần 20 năm trời nhọc nhằn mưu sinh.
Phần vì chế độ đãi ngộ ở Bình Dương đủ để ông yên tâm chuyên chú vào cờ tướng, phần vì ông muốn dành thời gian đi đây đi đó giao lưu với các cao thủ cờ.
Suốt một năm chuyên tâm mài giũa, khả năng chơi cờ của “Sát nhân vô ảnh” điêu luyện hơn nhiều và ông cũng rèn cho mình được sự chủ động trong tâm lý, tránh được “tâm lý chiến” của đối thủ.
Chính nhờ vậy, trong giải đấu Phương Trang IV, ông đã bức hòa “tam vương” của cờ tướng Trung Hoa.
Hòa với tam kỳ vương thế giới
Năm 2010, ông Trần Quốc Việt tham dự giải các danh thủ cờ tướng mở rộng - Cup Phương Trang lần IV được tổ chức tại TP.HCM với tư cách kiện tướng quốc gia.
Theo giới chuyên môn nhận đinh, cúp Phương Trang năm 2010 là một giải đấu chất lượng, quy tụ 26 kỳ thủ, trong đó có 6 danh thủ nước ngoài đến từ các nước mạnh nhất thế giới về cờ tướng. Tất cả đều đạt đẳng cấp Quốc tế Đại sư (tương đương kiện tướng quốc tế).
“Lúc đó, việc được so tài với những cao thủ cờ tướng đẳng cấp thế giới khiến tôi phấn chấn hẳn. Tiếng là thi đấu nhưng qua những ván cờ, mỗi kỳ thủ đều tích lũy được cho mình thêm nhiều kinh nghiệm quý báu và có sự quý trọng tài nghệ của nhau. Thi đấu cờ tướng không có chỗ cho sự háo thắng, cay cú hơn thua”, ông Việt chia sẻ.
Bước vào cuộc thi với tâm thế thoải mái, bình tĩnh, ngay vòng một, ông Việt chạm trán Vu Ấu Hoa – Kỳ vương Trung Hoa. Kỳ thủ này vô địch toàn Trung Hoa năm 2002, được giới phân tích đánh giá mạnh nhất giải.
Bắt đầu trận đấu, ông Việt đi trước, dùng trận “Phi tượng cục” (đây là cách chơi ngay ở nước đầu, bên đi trước lên tượng).
Theo ông Việt, ngày xưa người ta cho rằng điều này rất vô lý, vì người ta chưa công đã thủ. Tuy nhiên thời thế thay đổi, nhiều huyền cơ hé mở và các thế cờ cũng biến hóa đa dạng, khôn lường. Đối lại với “Phi tượng cục”, Vu Ấu Hoa dùng trận “Quá cung pháo”.
Ông Việt cũng cho hay, mỗi thế trận đều có thế đối tương ứng. “Quá Cung Pháo” là trận thức khởi đầu bằng việc di chuyển pháo sang ngang, dừng ở đầu Sĩ 6.
Trận thế này mang tính chính nhu, thủ trước công sau rất được các kỳ thủ ưa dùng. Tuy ngày nay có nhiều biến tấu nhưng công dụng không vì thế mà giảm đi.

Giải đấu Vô địch cờ tướng đấu thủ mạnh toàn quốc năm 2015 với sự góp mặt của kỳ thủ Trần Quốc Việt (bên phải) - ảnh nhân vật cung cấp.
Giải đấu Vô địch cờ tướng đấu thủ mạnh toàn quốc năm 2015 với sự góp mặt của kỳ thủ Trần Quốc Việt (bên phải) - ảnh nhân vật cung cấp.
Cứ như thế, hai kỳ thủ đắn đo từng nước đi, dàn trận, đưa nhau vào thế với nhiều biến hóa của chiến thuật, ứng biến lanh trí với sự đổi chiêu của đối phương.
Ông Việt công nhận sức cờ của Vu Ấu Hoa có phần nhỉnh hơn, luôn chiếm thế thượng phong so với mình. Tuy nhiên, để đánh bại thế cờ của ông Việt cũng không phải dễ. Vu Ấu Hoa tung đủ chiêu, đến tàn cuộc mà đối thủ vẫn giằng co với mình thì biết chiến thắng không dễ.
Bước vào tàn cuộc, bên Vu Ấu Hoa còn một Pháo, hai Tốt, bên ông Việt còn một Mã, một Tốt. Vu Ấu Hoa hơn hẳn một con Tốt nên tấn công dồn dập mong kết thúc trận đấu.
Thế nhưng, đến nước thứ 80, nhờ dùng quái chiêu độc đáo, ông Việt ăn được một con Tốt của Vu Ấu Hoa, không hổ danh “Sát nhân vô ảnh”.
Thế cờ hai bên thu về cân bằng và cuộc chơi khó khăn hơn rất nhiều. Suy nghĩ mãi không ra được nước đánh, Vu Ấu Hoa giơ hai ngón tay lên đan chéo vào nhau xin hòa.
Lúc này, Vu Ấu Hoa chỉ còn 2 phút, trong khi ông Việt còn 10 phút, nếu cứ đánh, ông Việt có thể sẽ thắng vì lợi thế thời gian. Tuy nhiên, ông Việt đã bằng lòng cho Vu Ấu Hoa hòa vì cho rằng thủ thắng nhờ hơn thời gian là không đẹp.
Ván cờ kết lại sau 82 nước đi, Kỳ vương Vu Ấu Hoa phải chia điểm trong thế thua trước Trần Quốc Việt.
Ván thứ hai, ông Việt đối đầu với Kỳ vương Đài Loan Ngô Quý Lâm. Đây là danh thủ 4 lần đoạt Quý quân thế giới, 1 lần Á quân. Vì lẽ đó, ông ta thống trị làng cờ Đài Loan mấy chục năm nay.
Đối đầu Trần Quốc Việt, một kỳ thủ thua kém về tầm vóc, lại được đi trước, Ngô Quý Lâm tự tin sử dụng thế pháo đầu rồi nhanh chóng biến thành trận “Ngũ lục pháo”.
Đáp lại, Trần Quốc Việt dùng “Khởi mã cục” (mã nhị tiến tam - Mã 2 tấn 3 ) rồi biến trận thành “Tả sĩ giác pháo”.
Hai bên ăn miếng trả miếng hơn 60 nước với sự ngang bằng. Đến tàn cuộc, Ngô Quý Lâm còn Xe - Pháo - Sĩ Tượng bền, Trần Quốc Việt còn Xe - Pháo - đơn Sĩ.
Lợi hơn đối tượng nhưng kỳ thủ xứ Đài không thể nào chiếu hết được Trần Quốc Việt. Như vậy, sau 74 nước đi, hai kỳ thủ hòa nhau trong sự bất ngờ của danh thủ tầm cỡ thế giới này.
Ván thứ ba, Trần Quốc Việt so cờ cùng Triệu Nhữ Quyền, Kỳ vương Hồng Kông. Triệu Nhữ Quyền là nhà vô địch giải Hồng Kông mở rộng năm 2006 và đạt đẳng cấp Đặc cấp Quốc tế Đại sư, ngồi chiếu trên trong làng cờ thế giới.
Lần đối đầu này, Triệu Nhữ Quyền sử dụng đòn “Tiên nhân chỉ lộ” (binh thất tiến nhất – Tốt 7 tấn 1 ) khai cuộc để thăm dò, tiếp đó mới sử dụng pháo đầu để công kích đối phương.
Về phần mình, Trần Quốc Việt cũng sử dụng “Tiên nhân chỉ lộ” như một hư chiêu, một phép thử rồi dùng phi tượng để lập thế. Ở cuộc đấu này, hai bên đấu ngang ngửa nhau,Trần Quốc Việt cũng không hề núng thế hay bị động.
Tàn cục, Triệu Nhữ Quyền còn một Xe, một Mã, một Tốt, bền Sĩ Tượng, Trần Quốc Việt còn một Xe, một Pháo, song Sĩ khuyết Tượng. Lại một lần nữa, Triệu Nhữ Quyền chia điểm với Trần Quốc Việt sau 76 nước đi.
Sau giải này, việc Trần Quốc Việt khiến cho 3 đối thủ sừng sỏ thế giới không thể chiến thắng đã khiến tên tuổi ông càng thêm lừng lẫy trong làng cờ. Tin này chấn động đối với làng cờ Việt Nam thời điểm đó cũng như gây sửng sốt cho 3 kỳ vương thế giới.

Kỳ Thủ Trần Quốc Việt giao lưu cờ tướng tại hội quán của mình.
Kỳ Thủ Trần Quốc Việt giao lưu cờ tướng tại hội quán của mình.
Chắc chắn rằng, nếu biết ông Việt xuất thân là một ông xích lô, mải mê với nghiệp mưu sinh mà không thể có điều kiện đào tạo và rèn luyện bài bản như mình, các danh thủ cờ thế giới còn khiếp hơn nữa.
Giải đó, ông Việt xếp thứ 4 và với việc thủ hòa trước các kỳ vương, ông Việt đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các đồng đội của mình xếp hạng cao hơn trong giải đấu.
“Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Một vài ván cờ thủ hòa cũng không nói lên được điều gì. So sánh thì trình độ cờ của chúng ta chưa thể ngang hàng với những kỳ thủ ở đẳng cấp thế giới được.
Hy vọng trong tương lai, cờ tướng Việt Nam có thể nổi danh, giành được vị trí cao trong làng cờ thế giới”, ông Việt cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, HLV trưởng đội cờ tướng Bình Dương, nhận xét ông Trần Quốc Việt là người già nhất đội khi nói về tuổi tác, thế nhưng ông Việt vẫn rất mực minh mẫn và liên tục thi đấu.
Ông Việt phát huy được sở trường trong những ván cờ tàn, không nóng vội, không nhanh chóng hơn thua. Do đó, những cao thủ muốn thắng được ông Trần Quốc Việt trong những cuộc chơi này rất khó.
Ngoài ra, ông Việt còn là người rất thẳng thắn, vui tính trong đời thường. Quán cà phê cờ tướng của ông là địa chỉ quen thuộc của giới chơi cờ đến giao lưu.
theo Một thế giới

Giang hồ kỳ thủ – Câu chuyện về các kỳ thủ cờ tướng trong giang hồ

Cờ tướng là môn thể thao cân não xuất phát từ Trung Quốc và rất phổ biến ở Việt Nam. Không ít kỳ thủ của làng cờ Việt Nam nổi danh thế giới với những ván cờ kỳ ảo. Tùy theo ngoại hình, tính cách, thói quen, quái chiêu, tuyệt kỹ… của từng danh thủ mà họ được quần hùng tặng những biệt danh thú vị, dựa vào những nhân vật nổi tiếng trong các pho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Chánh và tà trong cờ tướng

Không phải ngẫu nhiên mà người xưa thường ví một ván cờ như một trận chiến, mỗi chiêu mỗi thức trong cờ tướng được ví như các chiêu thức trong võ lâm. Không ít bậc cao nhân, tiền bối vì mê cờ mà kết giao bằng hữu, huynh đệ…
Sài Gòn trước 1975, xuất hiện nhóm “Võ Đang thất hiệp” vang danh tứ hải. Các cao thủ này là những bậc trí thức với những nghề danh giá. Họ thường luận cờ để giải khuây và hay hành hiệp trượng nghĩa bằng cách chỉ bảo cho các hậu bối. Theo thứ bậc về tuổi tác cũng như tuyệt nghệ mà họ được phân chia ngôi thứ. Người được quần hùng tôn sùng gọi là đại ca Tống Viễn Kiều chính là nhà giáo Lê Văn Đặng, ông là danh thủ cờ tướng có nhiều chiêu thức biến hóa nên được các huynh đệ nể trọng. Nhị ca Nguyễn Hữu Quang cũng kiếm sống bằng nghề gõ đầu trẻ. Người thứ 3 là bác sĩ Nguyễn Minh Nhật, tứ ca Châu Diễm Diệu, lão ngũ là “tiểu tướng” Quách Anh Tú – hiện là Chủ tịch Liên đoàn Cờ TP.HCM, còn quý tử của nhà văn Bình Nguyên Lộc – giáo sư Tô Hòa Dương xếp hàng thứ 6. Nhưng thành công hơn cả về nghiệp cờ tướng lại là thất đệ Lê Thiên Vị – hiện là Ủy viên BCH Hiệp hội Cờ tướng châu Á, HLV trưởng đội tuyển cờ tướng Việt Nam. Nhóm “Võ Đang thất hiệp” thường tập họp và bàn luận về cờ tại “sơn trang” thầy giáo Đặng và những buổi luận cờ này chỉ ngưng khi danh thủ Trương Thúy Sơn Quách Anh Tú lên đường tham gia cách mạng năm 1968.
Nhờ thường xuyên luyện công, nên công lực của Mộc Thanh Cốc Lê Thiên Vị ngày càng thăng tiến. Trong những lần xuống núi, Lê Thiên Vị từng lập các chiến công hiển hách như: vô địch Sài Gòn năm 1970, đạt đẳng cấp Quốc tế đại sư tại Giải vô địch thế giới lần 4 – 1995 với tấm HCB Phi Hoa Duệ. Thời đó Lê Thiên Vị tung hoành ngang dọc chốn giang hồ và trăm trận trăm thắng ở các ván cờ độ tại các kỳ đài nổi tiếng ở đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Không cần dùng hết khoảng thời gian đốt cháy một nén nhang, kỳ thủ cờ tướng Lê Thiên Vị đã dễ dàng triệt hạ đối thủ. Lúc đó, mỗi khi gặp công tử họ Lê, người giang hồ thường hỏi, hôm nay thắng được bao nhiêu, chứ ít ai hỏi thắng nhiều hay ít. Vì thường xuyên triệt hạ đối thủ bằng các chiêu độc nên biệt danh “Thiên hạ đệ nhất sát” đã làm chết tên thất đệ Mộc Thanh Cốc Lê Thiên Vị. Đã có nhất sát thì phải có nhị sát, tam sát. Hai người bạn thân Trần Quới và Lê Nhị Trí đã đồng ý cùng hội cùng thuyền với Lê Thiên Vị để chấp nhận hỗn danh “Giang hồ tam ác”.

Hai kỳ thủ cờ tướng số một Việt Nam


Thành công nhất trong làng cờ VN phải kể đến “Tứ liên bá” (4 lần vô địch liên tiếp) Mai Thanh Minh. Khuôn mặt khắc khổ và nước da tai tái là đặc điểm chung của những người từng tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Chính vì đặc điểm này, nên mọi người thường gọi anh là Minh “rét” mỗi khi anh xuất hiện ở các làng cờ độ. Sau khi được tập luyện dưới sự huấn luyện bài bản của cố danh thủ Phạm Thanh Mai, công lực của Mai Thanh Minh trở nên thâm hậu. Chính anh là người đã làm rạng danh làng cờ VN với giải hạng 3 thế giới tranh cúp Phật thừa (Hawaii 1999). Anh cũng là người đầu tiên của VN vinh dự được phong Quốc tế đại sư. Cùng với các đồng đội của mình, Mai Thanh Minh từng đoạt HCĐ giải hạng 3 đồng đội thế giới 2000, 2 HCB đồng đội châu Á 1994, 1998. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mai Thanh Minh bật mí: “Tôi thường thi đấu theo kinh nghiệm và thường dùng “vô chiêu để thắng hữu chiêu”. Điều này phù hợp với nhân vật Lệnh Hồ Xung trong “Tiếu ngạo giang hồ” nên người đời đặt cho anh biệt danh “Độc cô cửu kiếm”.
Một kỳ thủ cờ tướng khác cũng danh nổi như cồn chính là “Túy kỳ tiên” Trềnh A Sáng. Không hổ danh là đệ tử lưu linh, Trềnh A Sáng uống rượu chẳng thua gì Tiêu Phong. Hễ gặp chiến hữu là uống, có người mời là OK. Có một giải đấu vì cả nể bằng hữu mà “Túy kỳ tiên” uống say bí tỉ nên phong độ giảm sút, may nhờ nội lực thâm hậu mà anh dần lấy lại phong độ ở các ván sau và xuất sắc đoạt huy chương tại giải. Thành tích của Trềnh A Sáng cũng rất đáng nể với 4 lần vô địch quốc gia cùng tấm HCV Giải vô địch ĐNA 1996, HCĐ cá nhân Giải vô địch châu Á 2001. Trềnh A Sáng cũng là kỳ thủ cờ tướng đầu tiên của VN đạt chuẩn Đặc cấp quốc tế đại sư. Như các nhân vật chính của Kim Dung, Trềnh A Sáng xuất thân nghèo khổ với nghề bán giày dép. Nhưng ít ai ngờ “hài chảy” đã đạt đến “tầng thứ 9” của môn cờ tướng bằng sự đam mê của mình. Trong các kỳ đài ở TP.HCM, những ván đấu giữa “Độc cô cửu kiếm” Mai Thanh Minh và “Túy kỳ tiên” Trềnh A Sáng luôn thu hút đông đảo quần hùng và những ván đấu này thường được giang hồ bàn luận suốt một khoảng thời gian dài sau đó. Các hội cờ người ở các ngày lễ, Tết do kỳ thủ cờ tướng này làm thống soái cũng luôn thu hút đông đảo người xem bởi những cách điều quân, khiển tướng kỳ diệu.

Những lữ khách cờ tướng trong giang hồ


Tác phẩm võ hiệp thường xoay quanh các môn phái, bang hội, các gia đình thế gia vọng tộc với những tuyệt chiêu riêng thì trong làng cờ VN cũng có những gia đình nổi tiếng vì tuyệt kỹ chơi cờ. Nổi bật trong số đó là 4 anh em ruột mà người đời thường gọi là “Diệp gia tứ hổ”, gồm: Diệp Khai Nguyên, Diệp Khai Dương, Diệp Khai Hằng và Diệp Khai Hồng. Cả 4 đều là những cao thủ hàng đầu trong giới kỳ thủ cờ tướng . Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện chỉ còn mỗi mình Đại hổ Quốc tế đại sư Diệp Khai Nguyên là vẫn còn bám trụ với cờ. Từng nổi tiếng châu lục với 2 ván cờ hòa trước đại danh thủ Hồ Vinh Hoa của Trung Quốc, Diệp Khai Nguyên cũng chính là sư phụ của 2 kỳ thủ nổi tiếng Ngô Lan Hương và Trương Lê Hoàng.
Một kỳ thủ tài hoa xuất chúng khi còn rất trẻ chính là kỳ thủ Trần Văn Ninh. Mới ở độ tuổi 18, Ninh đã làm dậy sóng giang hồ và làm điên đảo nhiều danh kỳ từ Nam chí Bắc trên bước đường hành tẩu. Giọng nói nhỏ nhẹ, tính cách thâm trầm, lại hùng cứ một vùng duyên hải miền Trung nên giang hồ phong cho anh biệt danh “Đông phương bất bại”. “Không giống ai”, lại là một hiện tượng khác của “Phong trần quái khách” Hoàng Đình Hồng. Với kỳ tài của mình, ông đã một mình chu du khắp chốn giang hồ, biết tất cả các tụ điểm, bang giao với hầu hết kỳ tài trong thiên hạ. Nhưng đi thi đấu cờ độ lại cứ thích đi một mình, nên biệt danh “Độc hành đại đạo” âu cũng xuất phát từ đó. Quốc tế đại sư Mong Nhi cũng nổi bật không kém khi được báo chí nước ngoài phong tặng là “Việt Nam hắc hiệp” khi ông xuất thần đánh bại Đặc cấp quốc tế đại sư của Hồng Kông Triệu Nhữ Quyền.
Trong giới nữ, VN cũng có lắm hảo thủ mà mỗi lần nhắc tên các danh kỳ nam cũng đôi phần nể trọng. Chuyên thách đấu cờ độ khắp hang cùng ngõ hẻm với các đấng mày râu là “Diệt tuyệt sư thái” Lê Thị Hương. Rất nhiều người vì xem thường nữ giới mà bị sư thái móc đến cháy túi. Thường sử dụng những chiêu thức giang hồ, nhưng các nước cờ của Hương lại biến hóa khôn lường khiến bao phen làm đối thủ ôm hận. Khi tiếng tăm của Hương đã bay xa khỏi khu vực Tân Định, Đa Kao thì Hương được “Độc hành đại đạo” Hoàng Đình Hồng giới thiệu cô về đầu quân cho CLB cờ quận 4 và cô nhanh chóng chiếm một suất chính thức của đội tuyển quốc gia. Sư thái Lê Thị Hương đã đem về cho VN 2 HCB, 2 HCĐ châu Á và trở thành nữ kỳ thủ cờ tướng đầu tiên của VN được phong Đặc cấp quốc tế đại sư.
Ngoài ra các tên tuổi như: “Bạch mi Ưng vương” Trương Á Minh, “Sát nhân vô ảnh” Trần Quốc Việt, “Khô Mộc Thiền sư” Dương Thanh Danh, “Tía Sam Long vương” Trần Thị Ngọc Thơ, “Thiết chưởng lão nhân” Trịnh Mỹ Linh, “Thiếu lâm Không Kiến thần tăng” Phạm Tấn Hòa… cũng đều được xem là những kỳ tài của VN với những tuyệt chiêu riêng biệt.

1001 chuyện đánh cờ của người xưa: Cao Bá Quát ngông chẳng nể vua, Từ Hy Thái Hậu giận giết người

Cờ tướng đã có hơn 2.000 năm lịch sử. Từ cổ chí kim cũng có rất nhiều danh nhân thích chơi cờ, đã lưu truyền lại cho hậu thế nhiều giai thoại thú vị.
Chơi cờ là một hoạt động giải trí cao cấp. Cờ tướng 32 quân, bàn cờ nho nhỏ, Sở hà Hán giới, đỏ đen đối đầu, gió giật mây vần, khó mà đoán định, ẩn chứa bên trong là đạo lý tiến thoái tồn vong, lại có biết bao huyền diệu âm dương, dài ngắn.
Văn Thiên Tường đời Bắc Tống chơi cờ theo phong cách rất độc đáo. Khi ông làm Tri châu Cám Châu, Giang Tây, thường với cao thủ cờ nổi tiếng vùng Giang Nam là Chu Tử Thiện đến giữa sông đấu cờ. Họ để bàn cờ làm bằng gỗ trên mặt nước, vừa du ngoạn vừa đấu cờ, đến khi hoàng hôn mới khoan khoái trở về.
Từ Hy Thái Hậu cũng rất thích chơi cờ, mà lại muốn mình phải là người “bách chiến bách thắng”. Thực ra, những đối thủ chơi cờ với bà, đều vì sợ bà mà nhường nước. Thế nhưng Từ Hy lại cho rằng “Ta đây là thiên hạ đệ nhất”.

Một lần, bà gọi Liên Kỳ, thái giám trong cung có cờ nghệ cao siêu, tới hầu cờ. Ngay khi khai cuộc, Liên Kỳ liên tiếp tấn công, Từ Hy phải lùi bước. Lúc này, Liên Kỳ cầm một quân tốt chắp tay bái, cười nói: “Thần giết một con mã của Lão Phật gia”.
Từ Hy thấy thất bại đã định, cầm quân cờ ném mạnh, bừng bừng nổi giận: “Ta giết cả nhà ngươi!”. Đáng thương cho Liên Kỳ chỉ vì một ván cờ mà gây ra cái họa diệt mộn, cả nhà phải chết
Nội hàm của cờ tướng là rất phong phú. Những câu chuyện về cờ có thể kể mãi không hết.
Kỳ liên (câu đối cờ)
Gia Cát Lượng thời Tam Quốc có viết: “Trời cao như lọng tròn, đất rộng như cuộc cờ“. Tả Tông Đường đời Thanh dẫn quân đánh A Cổ Bách phía Tây, có người soạn một câu đối cờ: “Đại Soái dùng Binh, Sỹ Tốt nghe lệnh, Xe ầm ầm, Mã vù vù, khí Tượng lồng lộng, nhìn phen này, một Pháo công, mới xứng danh xuất Tướng nhập Tượng”. Vế đối này đã đưa tất cả các quân cờ vào trong đó.
Học sỹ Đinh Lượng đã dùng “Bài cửu” để đối lại, ngụ ý chuyện liên quân 8 nước chiếm kinh thành, nhà Thanh bỏ chạy. Vế đối chan chát, chặt chẽ: “Chí tôn thôn dã, tốt xấu đừng bàn, văn tiu nghỉu, võ thẫn thờ, thừa tướng lảo đảo, đến sau này, vạn người thất vọng, bị gục ngã than trời vãn đất”.
Kỳ thi (Thơ cờ)

Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. Nổi tiếng hơn cả có bài “Khốc tượng kỳ thi” (Thơ khóc cờ tướng) của Vương Thủ Nhân (Vương Dương Minh), một nhà triết học đời Minh.
Khi Vương Thủ Nhân còn nhỏ, một lần chơi cờ trên bờ sông với bạn, mải chơi quên ăn, mẹ gọi nhiều lần, cậu đều không thưa. Mẹ cậu giận quá, bèn bước đến ném các quân cờ xuống sông.
Vương Thủ Nhân tiếc nuối khôn nguôi, bất giác ngâm luôn một bài thơ làm mọi người phải vỗ bàn khen ngợi:
“Tượng kỳ tại thủ nhạc du du,
Khổ bị nghiêm thân nhất đán đâu.
Binh tốt trụy hà giai bất cứu,
Tương quân nịch thủy nhất tề hưu.
Mã hành thiên lý tùy ba khứ,
Sĩ nhập tam xuyên trục lãng lưu.
Pháo hưởng nhất thanh thiên địa chấn,
Tượng nhược tâm đầu vi nhân thu”.
Tạm dịch:
“Cờ tướng trên tay lạc thú thay
Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay
Binh tốt rớt sông không thể cứu
Tướng quân đuối nước cũng đành thôi
Mã phi ngàn dặm theo dòng nước
Sỹ chốn ba sông sóng cuốn trôi
Pháo gầm một tiếng long trời đất
Tượng kia gục ngã ruột gan rơi.
Những câu thơ tỏ rõ ý chí của một đại tướng, nhìn thấy quân sĩ “chết” mà lòng đau đớn khôn cùng. Quả đúng vậy, sau này Vương Dương Minh trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là cột trụ của triều Minh, đánh dẹp và chấn chỉnh khắp nơi, mãi đến tận đã ngoài 80 tuổi vẫn cầm quân ra trận.
Kỳ ngữ (ngôn ngữ cờ)
Rất nhiều ngôn ngữ trong cờ tướng thường được dùng trong đời sống hàng ngày, như “Mã hậu pháo” (Mã trước pháo sau), “Kỳ phùng đối thủ” (Kỳ phùng địch thủ), “Cử kỳ bất định” (Cầm quân cờ phân vân), “Tinh la kỳ bố” (La liệt như bàn cờ), “Đâu xa mã bảo tướng soái” (Bỏ xe ngựa, giữ tướng soái), “Kỳ thác nhất bộ, mãn bàn giai thâu” (Cờ sai một nước, thua cả ván)…
Kỳ phổ (Cờ phổ)
Có rất nhiều kỳ phổ, sách dạy đánh cờ, nghiên cứu cờ được lưu truyền lại trong lịch sử rất nhiều, nổi tiếng nhất trong đó có “Thất quốc tượng hý đồ” (Tranh trò chơi cờ tướng 7 nước) của Tư Mã Quang, “Quảng tượng hý tự” (Thứ tự trò chơi cờ tướng) của Hoảng Lợi Chi đời Bắc Tống, “Kỳ kinh luận” (Kinh luận về cờ) của Hồng Mại đời Nam Tống, “Bách biến tượng kỳ phổ” (Kỳ phổ cờ tướng trăm biến) đời Minh, “Thao lược chi cơ” (Tính toán thao lược) đời Thanh…
Lưu hành rộng rãi nhất, có thành công nhất phải kể đến “Kết trung bí” (Bí mật trong con quay), “Mai hoa phổ” (Kỳ phổ mai hoa) và “Trúc hương trai” (Nhà hương trúc).
Giai thoại Cao Bá Quát chơi cờ với Tự Đức
Ở Việt Nam, cờ tướng cũng là một môn khá phổ biến, được nhiều người yêu thích, thường gặp nhất là những bàn cờ vỉa hè, nơi có rất nhiều người cùng vây quanh bàn cờ, bình luận, mách nước, không khí thực náo nhiệt, rôm rả.
Chuyện xưa kể lại rằng, có lần Chu Thần Cao Bá Quát chơi cờ với vua Tự Đức. Thấy cờ mình đang ưu, đôi ngựa nhảy tung tăng, vua bèn đắc ý đọc:
“Lưỡng Mã trì khu thiên lý địa” (tức là: Đôi ngựa tung tăng muôn dặm đất).
Cao Bá Quát vốn tính ngông, thẳng thắn, cũng không chịu lép. Thấy cặp xe của mình đang uy hiếp quân tướng của nhà vua bèn đối trả lại rằng:
“Song Xa truy kích cửu trùng thiên” (tức là: Cặp xe đuổi đến chín tầng trời).
Vua giận tái mặt vì câu đối khá “hỗn” này. Cao Bá Quát dám khoe đôi xe của mình truy đuổi “cửu trùng”. Cửu trùng là từ dùng để chỉ các bậc hoàng đế, quân vương.
***
Người giỏi chơi cờ tướng không phải là ở những việc hãm tướng, vây thành, bắt xe, giết mã mà là ở tầm nhìn, trí tuệ, định liệu được đại cục, rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ.
Thắng thua trong cờ tướng chỉ là chuyện thứ yếu. Người chơi cờ chỉ với mục đích sát phạt, thắng thua thì cổ nhân không hề coi trọng. Trái lại, chơi cờ chính là rèn trí lực, tu tâm tính, vừa là thưởng thức một nét văn hóa, vừa là giải trí giải khuây. Đối thủ trên bàn cờ không phải kẻ thù mà chính là tri kỷ.
Chúng ta thường thấy những bậc cao cờ dù thắng dù thua, kết thúc ván cờ vẫn là tay bắt mặt mừng, cung kính lễ nghĩa, xem nhau như tri kỷ. Ngày nay, sau hàng nghìn năm lưu truyền, cờ tướng đã dần mất đi vẻ đẹp thuần thiện ban đầu. Người ta đấu cờ là để so tài cao thấp, tranh đua giải thưởng, thể hiện cái tôi, tranh đấu không ngừng. Những điều đó vốn không có trong đạo đánh cờ.
Vậy mới nói, đánh cờ cũng là tấm gương phản ánh của đạo làm người vậy. Kẻ hiếu thắng thì nước đi mạnh bạo, chỉ thích sát phạt, ăn quân, tham bát bỏ mâm, không nhìn đại cuộc. Người quân tử đánh cờ là nhìn trước nhìn sau, phân tích thế trận, ứng đối khôn khéo, điềm đạm, thanh thản, thắng không kiêu, bại không nản, từ chuyện đánh cờ mà ngẫm về đạo tu thân, làm người. Ấy mới là người cao cờ thực sự vậy!

Giai thoại cờ “giang hồ”

Chơi cờ, đặc biệt là cờ tướng, một cái thú từ ngàn xưa của người Việt nói riêng và các nước châu Á nói chung. Thú chơi ấy muôn màu muôn vẻ từ tao nhã, lịch lãm cho đến giang hồ tứ chiếng. Trong làng cờ Việt Nam đang tồn tại một làng cờ “giang hồ” với nhiều giai thoại kỳ thú, trong bài viết này, chúng tôi xin kể lại một vài trong hàng ngàn giai thoại ấy.
  • Giang hồ tam ác ngày xưa...
Nhắc đến cờ giang hồ, không thể bỏ qua nhóm “Giang hồ Tam ác”. Trước khi lập nhóm, cả ba đã “đụng” nhau nẩy lửa bằng cách mà về sau họ đã áp dụng cho mọi đối thủ trong giang hồ.
Đánh cờ là một thú chơi của nhiều người và được thể hiện theo nhiều hình thức, từ tao nhã đến giang hồ tứ chiến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lê Nhị Trí sinh năm 1949, quê ở Nha Mân (Sa Đéc). Nhờ đam mê và chịu khó học hỏi nên trình độ cậu Trí mau chóng được khẳng định khi dễ dàng hạ hết bạn bè đồng tuổi, còn so với các cao thủ trong xóm thì ngang ngửa chứ chẳng chơi. Có lần ra chợ, thấy người ta bày cờ thế ăn tiền, Trí dốc hết tiền học phí mà bố mẹ đưa để thử thách vận may. Ông kể: “Tuổi trẻ bồng bột, thế là bị mấy tay lão luyện dụ lấy sạch túi. Từ nỗi nhục  này, tôi thề với lòng phải lấy cho bằng được những gì đã mất”. Năm đó, Trí đang học Đệ Thất (lớp 6). Có ngờ đâu, lời thề đó đã đưa ông trở thành Nhị Ác...

Sau ngày thống nhất đất nước, ông sống bằng nghề chơi cờ độ. Năm 1976, ông gặp một người tự nhận là Bảy, có trình độ ngang ngửa với ông, thắng-thua qua lại nhiều lần, nói chung là huề vốn. Một ngày nọ, Bảy bất ngờ tăng tiền độ lên đến 1 chỉ vàng/ván. Sinh nghi, ông Trí tìm kế “hoãn binh”. Về nhà, ông nghiên cứu các ván đấu với đối thủ và phát hiện nhiều điều lạ. Có những ván tưởng thắng dễ, nhưng lại hòa, tưởng thua chắc nhưng rốt cuộc ăn. Rõ ràng tay Bảy trên cơ, nhưng cố tình thua để “nhử mồi”. Ông quyết định tìm hiểu thân thế của tay Bảy này. Trước ngày tỉ thí, một thông tin đắt giá chuyển đến: “Có lẽ tay Bảy là Lê Thiên Vị. Đặc điểm nhận dạng là ngón tay cái có tật. Nếu là tay quái kiệt này thì trình độ phải hơn ông đến 3 nước tiên”.
Y hẹn, ông Trí đến nơi hội ngộ và phát hiện đây chính thật là Lê Thiên Vị. Chẳng nói chẳng rằng, ông lôi bàn cờ ra và đi liền 3 nước tiên. Đối thủ ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu, phì cười mà rằng: “Biết tui là ai rồi hả?”. Hai người kết nghĩa từ đó. Nhất Ác Lê Thiên Vị nổi danh với việc đánh hay, nhưng giả dạng trí thức để lấy tiền thiên hạ. Về sau,  Trần Quới (tức Lác Chảy, vô địch 11 năm liên tục) góp mặt, dĩ nhiên cũng phải qua hàng chục ván đấu cờ độ cùng với nhóm của Vị–Trí, họ kết nghĩa huynh đệ và biệt danh Giang hồ Tam ác ra đời từ đấy. Ông Trí cho biết: “Thật ra ngôi thứ chỉ là phân cấp theo tuổi tác chứ về đẳng cấp thì Trần Quới đứng đầu, nhì là anh Vị. Tôi thì được anh em nể ở tài mưu lược và chiến thuật... gài độ”. Ông Trí thừa nhận đó là thời điểm sống không lý tưởng, nhưng tình nghĩa anh em quả là “tình thân như thủ túc”.
Năm 1988, Trần Quới vượt biên và mất tích. Tam Ác chỉ còn lại hai. Niềm đam mê cờ độ của họ cũng tan biến dần. “Những ngày đó, lên công đài hay ra đánh độ, chúng tôi thấy trống vắng ghê lắm, thấy thiếu mất một người hiểu mình” - ông Trí tâm sự. Rồi từ đó, Nhị Ác gác kiếm, vĩnh biệt cờ giang hồ luôn.
Giờ ông Trí là một người sưu tầm và kinh doanh lan kiểng có tiếng trên toàn quốc. Còn ông Lê Thiên Vị chính là HLV trưởng đội cờ tướng TPHCM hiện nay.   
  • ... Và chuyện nhà vô địch quốc gia ngày nay

Kỳ Đài - điểm sáng văn hóa của thế giới cờ tướng
Tại Việt Nam, kỳ đài có từ những năm 1930, trong các tửu lầu do người Hoa sáng lập. Họ dùng KĐ để thu hút thêm khách và phần thưởng khi ấy là những chai rượu Martin hảo hạng. Nổi bật trong thời điểm ấy là KĐ Đại Thế Giới (Trung tâm VH Q.5 bây giờ).
Năm 1956, KĐ chính thức được lập tại Giải trí trường Thị Nghè. Đặc biệt là cùng lúc có đến 2 người công đài vì có đến 4 cao thủ thay nhau làm đài chủ là Lý Anh Mậu, Phạm Thanh Mai, Tất Kiên Dương và Lê Bỉnh Hy. Ba năm sau, do thua lỗ, KĐ này tự giải tán. Về sau thỉnh thoảng cũng có vài cuộc tỉ thí kỳ đài nhưng chẳng kéo dài được bao lâu…
Sau này, KĐ được duy trì lâu nhất là tại Trung tâm VH Q.11 (từ 1996 đến cuối 2002). Người giữ đài chủ lâu nhất là Trương Á Minh với 55 tuần tại Trung tâm VH Q.11, và 37 ngày liên tiếp bất bại tại Vọng Các (về nữ là Ngô Lan Hương: 5 kỳ liên tục). Cũng cần nói thêm, Đặc cấp quốc tế Đại sư Trềnh A Sáng lại không có duyên với kỳ đài, giỏi như ông mà chẳng bao giờ giữ đài chủ quá 2 tuần (2 lần).
H.D 
Cách đây hơn 6 năm, công an cửa khẩu Lào Cai từng bắt giữ một người vượt biên sang Trung Quốc. Bị tình nghi là buôn lậu, người đàn ông tên Bảo có dáng cao dong dỏng và khuôn mặt khá... giang hồ một mực kêu oan: “Tôi chỉ muốn sang đánh cờ tướng… độ thôi”. Dĩ nhiên là chẳng ai tin. Đồn trưởng công an ra điều kiện: “Nếu chấp tui 2 xe mà thắng thì coi như anh đúng”. Dĩ nhiên là chỉ dưới 30 nước, ông phải xin hàng bởi ông đâu biết vừa tỉ thí cùng Nguyễn Thành Bảo, khi ấy là vô địch  U-20 châu Á và nay là ĐKVĐ quốc gia, một cao thủ cờ giang hồ.
Thời đó, Thành Bảo chuyên đi đánh độ từ Móng Cái đến mũi Cà Mau (không kỳ đài nào hiện hữu ở VN mà anh chưa đặt chân đến) lẫn sang Trung Quốc...  để kiếm tiền khi đã nghiên cứu rất kỹ các đối thủ. Anh không sang Quảng Đông, nơi xuất thân của những cao thủ TQ mà qua cửa khẩu Lào Cai để đến Côn Minh (Vân Nam) - vùng đất có nhiều tay máu mê, nhưng trình độ có hạn. Mỗi lần sang TQ, anh lưu lại khoảng 3-5 ngày, tùy theo số lượng “giang hồ” mà anh “bắt” được. Thậm chí, Bảo còn thuê cả thông dịch viên (50 nhân dân tệ/đêm) và nhờ họ bắt mối đối thủ giùm...
Bảo kể: “Tôi chọn loại khách sạn trung bình để nghỉ ngơi, đồng thời làm địa điểm “kiếm sống”. Nói chung, do biết định lượng đối thủ nên tôi thắng nhiều hơn thua. Mỗi chuyến đi như vậy phải ăn độ hơn 10 triệu đồng thì mới có lời, bởi chi phí sinh hoạt trong thời gian lưu lại TQ cũng đã bằng ngần ấy tiền rồi”.
Thời điểm “đánh độ” của Bảo gắn liền với hàng loạt những vụ lùm xùm tai tiếng không hay. Sau thời gian “tu tâm dưỡng tính”, Bảo tiếp cận internet và tham gia đều hơn các giải trong nước và quốc tế để bây giờ  trở thành chủ lực của đội tuyển Việt Nam. Bảo thừa nhận: “Nếu cho lời khuyên, tôi mong các bạn trẻ đừng đi vào con đường này. Khi có tiền bạc vào, tính ăn thua đẩy lên rất cao, lúc đó bạn rất khó “đi” bài bản được. Mặt khác, chơi cờ độ rất dễ ghiền, đánh luôn một lèo từ sáng đến khuya, rất hại sức khỏe. Đó là chưa kể đến khả năng tán gia bại sản khi bị các cao thủ lừa đảo bằng mọi cách...”. 
HOÀNG VĂN

NHỮNG BIẾN TẤU CỦA CỜ GIANG HỒ
Trong làng cờ tướng có 3 dạng cờ: cờ sáng, cờ úp và cờ mù, tuy nhiên giới cờ giang hồ thường sử dụng 2 loại cờ úp và cờ mù để “phục vụ” cho việc kiếm tiền của họ. Cờ úp khởi đầu bằng việc các quân cờ được úp lại và sắp xếp theo vị trí y như cờ sáng (cờ tướng thông thường). Bước đi đầu tiên của quân (bị úp) tương ứng với vị trí ban đầu trên bàn cờ của nó (quân bị úp ở vị trí con Pháo sẽ đi nước đầu như Pháo). Sau bước đi đầu tiên, quân cờ sẽ được mở ra. Lúc này, mở ra con nào thì nước đi y như con đó (chẳng hạn sau khi bạn mở con Pháo (giả) ra con Sĩ, thì từ đó về sau, con Sĩ sẽ đi đúng nước con Sĩ). Chính vì lý do này mà Sĩ, Tượng được phép qua sông, chỉ bằng một nước đi... Vì vậy, cờ úp có nhiều biến hóa hơn cờ sáng, nhưng yếu tố may rủi chiếm đến 30%.
Cờ mù được phổ biến vào những năm 60 và trên thế giới rất chuộng. Kỳ thủ thi đấu cờ mù sẽ bị bịt mắt và khi đi sẽ báo nước với nhau (thi đấu bằng trí nhớ và… công lực như người khiếm thị). Trong lịch sử VN, Thái Sanh Bính được xem là người tiên phong thi đấu loại cờ này tại Giải trí trường Thị Nghè (nay là Thảo cầm viên) những năm 57-58, “hậu duệ” có Trần Quới… Trên thế giới, Đặc cấp Quốc tế đại sư Liễu Đại Hoa (TQ) từng đạt kỷ lục Guinness khi đấu cờ mù cùng 19 kỳ thủ xuất sắc (được đánh cờ sáng). Kết quả, ông thắng 14, hòa 4 và chỉ thua 1. Vì trí nhớ và công lực kinh hồn, ông còn có biệt danh Đông Phương Điện Não. Theo HLV Lê Thiên Vị, cờ úp hiện rất phát triển tại các nước châu Á (chủ yếu trong cộng đồng người Hoa) nhưng chỉ mang tính phong trào. Còn ở VN, do may rủi mang tính quyết định nên nhìn chung cờ úp được các cao thủ dùng để đánh… độ (có vậy dân nghiệp dư mới dám chơi). 
H.V
NGƯỜI TRỒNG HOA VÀ CHÀNG TU SĨ
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Ván Cờ Sinh Tử
Lời vào truyện.
Có bao giờ chúng ta nghe từ miệng một vị thiền sư dạy Đạo cho môn sinh như thế này chưa:
“- Này chư tử! Thuở còn trai trẻ, làm kiếm khách áo trắng, ta ít khi rút kiếm ra khỏi bao, rút ra là phải chém. Hàng tục sĩ gọi ta là Kiếm vương.
Này chư tử! Thuở còn trai trẻ, làm giang hồ kỳ thủ, ta ít khi chơi cờ. Khi đã chơi, một quân cờ đặt xuống - trọng lượng một quả núi - sẽ kết thành định mệnh. Định mệnh không lặp lại hai lần. Dòng sông đã chảy, vậy thì những quân cờ kế tục đi đến chung quyết. Không do dự. Không ngập ngừng. Người đời gọi ta là Kỳ vương.
Này chư tử! Kiếm vương ta cũng bỏ. Kỳ thủ ta cũng lìa, khoác tay nải, dép cỏ, nón mê lang thang học Đạo. Ba mươi năm chí thú tinh cần mới thấy được cửa vào. Mười năm lên núi sâu thiền tu, tịch mặc. Sở chướng đã trừ. Mê lầm đã tuyệt. Núi cũng là núi. Sông cũng là sông thôi. Kiếm vương kia thành Kiếm đạo. Kỳ vương kia thành Kỳ đạo. Tại sao như thế?
Này chư tử! Nay ta có mấy lời tâm huyết, như dao chém đá, như kiếm xuyên mây. Hãy nghe mà lập tâm lập hạnh. Đốt cháy kiến hoặc, dội tắt nghi tình, vào chốn ngũ trầnthong dong tự tại.
Hãy nghe đây! Phàm người tu Phật, một niệm phóng đi, tác thành nghiệp báo. Vậy hãy như tay Kiếm vương kia, chớ có khinh suất mà ra chiêu, đừng cho ý tưởng tự do khởi động. Khi ngưng tụ sinh lực. Lúc buông xả nghỉ ngơi. Hãy xuất niệm như xuất kiếm. Đã xuất là phải đạt.
Này chư tử! Phàm người tu Phật, phải tinh luyện tư duy, khổ hạnh tư duy. Một tư duy đặt trên đối tượng. Một tư duy dẫn dắt hành động. Phải như tên Kỳ thủ kia, một quân cờ đặt xuống, trọng lượng một quả núi. Dòng sông không chảy hai lần. Đừng do dự. Đừng ngập ngừng. Quân cờ đặt xuống là tác thành định mệnh, tác thành nhân quả, nghiệp báo.
Này chư tử! Hãy xuất cờ! Hãy xuất niệm! Hãy xuất kiếm! Bước tới! Không ngoảnh đầu! Không có sinh tử giữa dòng chảy trôi liên lỉ! Không có sau trước giữa vòng tròn vô thỉ, vô chung!”
Bài giảng kia đã từ một tu viện thâm u trên núi cao, đâm xuyên qua mấy đỉnh mây mù, băng tuyết, rơi xuống, cắm vào giữa lòng các đô thị. Người ta tỉnh giấc, bàng hoàng. Ngàn năm Phật giáo kinh điển, từ chương, thụ động, tiêu cực, đắm say bùa chú, hương khói vật vờ; chơt đứng dậy, vươn cao, nắm định mệnh mình bước đi như thớt voi lâm trận, hùng dũng ho to, cánh sát cánh, vai sát vai...; ánh lửa trí tuệ bùng lên, thổi sinh khí, đem cái đẹp, sức mạnhtự do tối thượng cho con người.
Phật giáo từ thời Khâm Minh Thiên Hoàng, đến đây, hậu bán thế kỷ XV, sống lại, mang cơ thể mới, tinh thần mới, dẫn Nhật Bản đi vào thời đại phú cường. Công lao ấy có ai ngờ rằng, có sự đóng góp từ trí tuệ của một người: thiền sư Dai-so-kim! Ngài tịch năm 1491, nơi một am thất nhỏ ở Keti phía nam Tây hải đạo.
Truyện ngắn sau đây thuật lại một trường hợp dạy Đạo của người. Thanh niên Ka-jo-ju sau khi thất vọng về đường công danh, tình yêu, sự nghiệp bèn tìm đến một tu viện trên non cao và thưa với Tu viện trưởng:
- Thưa ngài! Con đã thấy rõ bộ mặt thật của cuộc đời nên mong muốn giải thoát khỏi những đau khổ. Thế nhưng, con không có khả năng hành trì một thứ gì lâu dài. Không bao giờ con có thể sống nhiều năm trong thiền định, học tập, giới luật hay cái gì nghiêm túc tương tự như vậy. Con sẽ thối chí và rơi trở vào cuộc đời, dẫu biết rằng mình không còn chịu đựng được. Quyên sinh là biện pháp hay nhất, có lẽ... Thưa ngài! Vậy thì còn có con đường nào ngắn nhất, dễ dàng nhất dành cho những kẻ như con hay không?
- Có chứ! Tu viện trưởng một thoáng lạ lùng nhìn người thanh niên rồi trả lời - nếu con trung thực! Nhưng hãy cho ta biết là con đã học những thứ gì? Sở tri ra sao? Có thể có những khả năng như thế nào? Thảng hoặc, con thường hay tập trung tâm ý nhiều nhất vào chuyện gì?
Ka-jo-ju có vẻ nghĩ ngợi, sau đó, y thở dài thườn thượt:
- Ôi! Thực sự thì không có thứ gì! Con chưa nghĩ là mình phải nên như thế này hoặc nên như thế nọ! Vả chăng, mục đích của sự học cũng chỉ đưa đến hư vô và phù phiếm! Công danh, sự nghiệp giữa cuộc đời này cũng chỉ là giấc mộng đầu hôm. Hiện giờ gia đình con lại khá giả nên con không cần phải làm việc. Riêng về sở thích thì... tuyệt, con thích đánh cờ nhất! Cả đời dường như tâm trí con chỉ tập trung vào đó thôi. Trong vài cuộc tranh giải gồm những kỳ thủ già dặn bốn phương, thỉnh thoảng con cũng giật được phần thưởng ưu hạng.
- Rất tốt! Tu viện trưởng gật đầu - chưa đến nỗi phải bỏ đi. Nhưng mà điều này mới thật là quan trọng, con có niềm tin nào nơi ta không chứ?
- Con đã chọn lựa.
- Thế nào?
- Ngài là Kiếm vương - Thanh niên Ka-jo-ju chợt nói lớn - lại là Kỳ vương nữa. Ngài đã dùng sức mạnh của đạo đứctrí tuệ để thu phục nơi tu viện này những con ngựa hung hăng nhất, những tay giang hồ kiêu ngạo và bạc hãnh nhất... Không cần phải nói rằng người ta tín phục ngài như thế nào, ngài Tu viện trưởng ạ!
- Hỡi con, này Ka-jo-ju! Ta muốn hiểu cường độ tín phục ấy ở nơi riêng con thôi.
Nghe gọi đúng tên mình, Ka-jo-ju rúng động cả châu thân. Bất giác, thanh niên đưa mắt nhìn Tu viện trưởng, và y cảm thấy một sức thu hút kỳ lạ không cưỡng được.
Ka-jo-ju gật:
- Tín phục. Con hoàn toàn tín phục.
Tu viện trưởng chậm rãi quay qua bảo thị giả:
- Vậy hãy cho gọi tu sĩ Mu-ju đến đây cùng với bàn cờ của y.
Người được gọi là một tu sĩ trẻ, rất trẻ, vóc người tầm thước, dáng dấp nho nhã, khuôn mặt sáng rỡ, tròn trặn đầy phúc hậu.
- Mu-ju con!
- Bạch thầy, con nghe.
- Bao nhiêu năm con theo ta để học Đạo. Con mời cơm, ta ăn. Ta gọi, con dạ. Ta giẫy cỏ, con cuốc đất... Tình thầy trò giữa chúng ta thật không có gì đáng phải phàn nàn cả chứ?
- Dạ, quả thế thật.
- Ta còn muốn hỏi rõ hơn nữa. Từ trước đến nay, con không hề mảy may nghi ngờ gì nơi ta đấy chứ?
- Phải nói ngược lại, bạch Thầy - giọng tu sĩ trẻ chợt như viên đá nặng ngàn cân - phải nói là con tín phục Thầy một cách tuyệt đối.
- Rất tốt! Vậy này Mu-ju! Ngay bây giờ ta yêu cầu ở nơi con sự tín phục “kim cương bất hoại” đó.
- Xin vâng.
Tu viện trưởng - chính là vị thiền sư Dai-so-kim - chợt đứng dậy, bước tới bức tường phía đông. Ở đó có treo một thanh kiếm cổ, vỏ nạm bạc khảm xà cừ, nhưng tuế nguyệt đã phủ lên đấy một lớp bụi đục. Gần nửa thế kỷ nay, ngài không đụng đến thanh kiếm ấy. Cái thời Kiếm vương trai tráng oanh liệt dường như mới hôm qua đây thôi. Ngài thò tay. Một tiếng động khẽ vang lên. Kiếm đã ra khỏi vỏ. Mũi kiếm sắc lạnh ngời ánh thép xanh biếc.
Thiền sư Dai-so-kim quay lại, đứng thẳng như một cỗi tùng gân guốc.
- Này Mu-ju! Ngài nói chậm rãi - con hãy chơi cờ với chàng thanh niên này. Và nghe đây! Nếu con thua, ta sẽ chém đầu con, nhưng ta hứa là con sẽ được tái sanh vào cõi phúc lạc. Nếu con thắng, ta sẽ chém đầu chàng thanh niên. Suốt đời anh ta mê mải ham thích trò chơi đó, nếu để thua thì chém đầu y chẳng oan tí nào.
Hai người lạnh toát sống lưng nhìn Tu viện trưởng; và trong thoáng giây đó, họ đều hiểu rằng ngài nói thật.
Thanh niên Ka-jo-ju đứng trân, bất động, loáng thoáng theo hơi gió buốt lạnh câu nói xa xưa của Kiếm Vương: “Ta ít khi rút kiếm ra khỏi bao, rút ra là phải chém!” Bất giác, thanh niên đưa tay sờ lên cổ mình, mồ hôi lấm tấm, gai lạnh. Tu sĩ Mu-ju chỉ thoáng một giây sợ hãi như tí gợn trên mặt hồ rồi mất. Trọn đời bằng vào đức tin tuyệt đối nơi đức thầy, nên việc giao phó định mệnh không phải là điều đáng suy nghĩ lâu.
Giữa thiền đường, lư trầm nghi ngút. Cơn gió lạnh lẽo lùa qua liếp cửa. Thiền sư Dai-so-kim ngồi xuống sau làn khói lung linh mờ ảo, tay nắm chặt đốc kiếm trịnh trọng với phong độ của một bậc tôn sư. Không khí đọng lại, trang nghiêm và tĩnh mịch đến ghê người.
Cả hai người hoàn toàn bị khiếp phục. Họ bắt đầu bước vào ván cờ sinh tử.
Ván cờ không còn là trò chơi nữa. Là cái gì nghiêm trọng nhất trên đời này. Ván cờ chính là cuộc đời. Ván cờ chính là sinh tử. Và cả hai hoàn toàn tập trung tâm ý vào đó không một mảy may dám xao lãng.
Chỉ vài nước khởi đầu, thanh niên đã sớm hiểu là mình đang đối đương với một địch thủ kỳ tài và già dặn. Tu sĩ trẻ lại un đúc được đức trầm tĩnh của thiền môn. Đó là những yếu tố đáng ngại. Mồ hôi từ tráng chàng thanh niên chảy dài xuống ngực. Tu sĩ Mu-ju đã chiếm ưu thế mất rồi. Và như một lão ngựa tự tin, sung sức - chỉ cần sải từng bước đều đặn giữ khoảng cách đầu ngựa.
Chiến thắng chỉ còn là thời gian.
Ka-jo-ju quên ngoại cảnh, quên bản thân, quên cả việc sống chết. Ngay giây phút này - tình yêu, công danh, sự nghiệp, ưu hận - là những đám mây đen bị xua tan một cách nhanh chóng. Tâm trí Ka-jo-ju hoàn toàn chú mục vào cái đam mê duy nhất của đời mình. Phong độ, sinh lực, thiện xảo, sự thông minh dễ dàng trở lại với chàng. Thế là Ka-jo-ju khôn khéo gỡ từng thế một. Tuy nhiên, tu sĩ Mu-ju vẫn tranh tiên. Rất chậm, vững chãi, từng bước vây hãm thành trì, không một sơ hở tối thiểu để cho chàng thanh niên lập lại thế quân bình.
Đột nhiên, thanh niên Ka-jo-ju bỏ thủ, bỏ thành trì, hy sinh quân mã, tung những đòn chớp giật. Lớp chết, lớp khác xông lên với khí thế quyết tử. Lấy công làm thủ là chiến thuật bình thường, nhưng tự hy sinh quá đột ngột, liều lĩnh và táo bạo như vậy thì quả là Mu-ju mới thấy lần đầu. Đến lượt tu sĩ trẻ toát mồ hôi, từng giọt, từng giọt rỏ xuống bàn cờ. Ka-jo-ju chỉ chờ có thế. Chỉ cần một thoáng bối rối, lưỡng lự của đối thủ là y chém đông, chém tây những thế táo bạo - nhưng chỉ là hư chiêu - rồi rút về an toàn, bình chân như vại.
- Đệ tử vây Ngụy, cứu Triệu, hao tổn tâm cơ là chỉ mong cái thế bảo toàn - Ka-jo-ju thở phào nói - Thật ra, nếu đệ tử không thất vọng tình đời thì không đi những thế tuyệt mạng như vậy. Vì từ bi, vì trung hậu và chơn chất mà tiểu sư phụ mất thế thượng phong. Hiện giờ tiểu sư phụ dẫu hơn quân nhưng chuyện thắng bại khó biết phần ai.
Lợi dụng khi quân mã của tu sĩ đang tản mác đó đây, thanh niên kéo đôi pháo giăng về giữ trung quân. Binh lính và ngựa chặn ở ven sông. Một xa chợt đông, chợt tây, chợt tấn, chợt thoái xông xáo giữa chốn thiên binh vạn mã. Tu sĩ trẻ bắt đầu thấy mình yếu thế. Tự tin một thoáng lay động là phía tả tiền đã bị viên hổ tướng của địch phá vỡ. Lão ngựa già của đối phương được hai chốt hộ vệ chặt chẽ, hờm sẵn đã lâu, bây giờ hung hăng nhảy đến thí mạng. Thế là đôi pháo bất khuất kiên cường của tu sĩ bị loại khỏi vòng chiến.
Mu-ju đã rơi vào thế thủ. Thỉnh thoảng vẫn đánh trả những đòn đầy trầm tĩnh và nội lực nhưng thanh niên vẫn đón đỡ dễ dàng. Vào phút bất ngờ nhất, thanh niên Ka-jo-ju tung quân dự bị. Hai pháo giữ nhà đồng loạt vọt qua sông, tung đòn tối hậu.
Tu sĩ đã nguy cơ thập tử nhất sinh.
Thanh niên len lén đưa mắt nhìn vị sư. Đấy là một khuôn mặt trong sáng đầy trí tuệ do bao năm tinh cần giới luật. Ôi! Một chân dung thật đẹp ở trong một tinh thần cao khiết. Thanh niên nghĩ. Vị tu sĩ này từ hòa và đôn hậu hết mực, mang linh hồn trong sáng như viên bạch ngọc không tỳ vết nhiễm ô; đâu có hắc ám, bụi bặm, hiếu chiến, táo tợn và đa sát như ta? Ôi! Một nhân cách như vậy mà bị kết liễu cuộc đời thật uổng lắm thay! Ta là gì? Một kẻ du thủ du thực, vô tích sự, ăn bám mẹ cha và xã hội; nếp sống dơ dáy, hư hỏng, nội tâm đầy dẫy những ham muốn bất chánh và hèn hạ. Giá trị đời ta chỉ có thế thôi. Rơm rác còn có ích hơn ta.
Thanh niên nhè nhẹ thở dài. Và lòng từ bi khởi lên dịu dàng xâm chiếm lòng chàng. Ôi! Cuộc đời vô giá trị của ta nên hy sinh cho cuộc đờigiá trị.
Nghĩ thế xong, thanh niên khôn khéo tạo những sơ hở, chỉ những kỳ thủ trứ danh mới biết được. Một thế, hai thế. Vậy là quá đủ cho tu sĩ lấy lại quân bình rồi chiếm luôn ưu thế tấn công.
Thanh niên Ka-jo-ju biết mình sẽ thua, lát nữa thôi, nhưng chàng không đổ mồ hôi, không lạnh lưng, không lạnh gáy. Một an tĩnh mênh mông, thân thiết vây phủ tâm hồn chàng. Chưa bao giờ mà chàng chờ đợi cái thua - nghĩa là chờ đợi cái chết - một cách dịu dàng, trong sáng, bình lặng và thanh khiết như vậy.
Tu sĩ trẻ ngần ngại. Ngón tay vừa thò xuống quân cờ định mệnh, vội rút lui... Cũng vì lòng từ bi mà tu sĩ không nỡ hạ thủ.
Bàn cờ bất động giữa hai người.
Đối với những tay cờ ưu hạng, không có thế cuối cùng, Ka-jo-ju hiểu vậy, và vì đã nguyện hy sinh nên bỏ tay xuống...
Bỗng một làn khí lạnh lướt qua. Tu sĩ Mu-ju thoáng thấy thiền sư Dai-so-kim đứng dậy chập chờn sau làn khói hương. Và một tia chớp phủ chụp xuống đầu chàng thanh niên. Tu sĩ nhắm mắt lại, khẽ tuyên Phật hiệu...
Thiền đường lặng ngắt như tờ. Tu sĩ trẻ định thần mở mắt ra. Mắt y chợt tròn vo, kinh ngạc. Cái đầu với tóc tai rối bù của chàng thanh niên đã bị cạo nhẵn thín. Và giọng thiền sư Dai-so-kim trầm ấm, mồn một bên tai:
- Chỉ cần có hai điều, Ka-jo-ju con hỡi! Ây là sự hoàn toàn tập trung tâm ý và lòng từ bi. Hai yếu tố quan trọng của Đạo Giác Ngộ. Thế mà hôm nay con đã học được cả hai. Con đã tập trung tâm ý có hiệu quả vào ván cờ. Sau đó vì lòng từ bi mà con nguyện hy sinh mạng sống mình. Thôi, hãy ở lại đây, áp dụng kỷ luật của chúng ta trong tinh thần đó. Giải thoát sẽ là kết quả đương nhiên như mũi tên đến tiêu điểm theo đường nhắm đúng.
Thanh niên Ka-jo-ju đưa tay lên sờ đầu mình, chàng mỉm cười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét