Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG 35

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
LẦN THEO DẤU VẾT ★ Ba xác chết bí ẩn

Lấy dấu vân tay để truy tìm tội phạm như thế nào?

Những vụ thảm án, các vụ giết người, cướp ngân hàng hay trọng án... tuỳ theo trình độ mà thủ phạm có thể vô tình "để quên" những bằng cớ tố cáo thân phận của mình. Dấu vân tay là một trong những chứng cứ sắt đá ấy.
Vân tay là "chữ ký" sinh học riêng của mọi người
Dấu vân tay (finger print) là một trong các "chữ ký" sinh học mà bất kỳ người bình thường nào cũng có. Chúng luôn là duy nhất, bất kể bạn có anh chị em song sinh hay không, DNA có giống nhau hay không. Vì thế, vân tay là một công cụ tốt dùng để nhận dạng từng cá nhân trong cộng đồng. Đối với khoa học hình sự, đấy là công cụ để lần ra kẻ phạm tội, nhất là trong những vụ trọng án khi mà hung thủ đã trốn thoát khỏi hiện trường.
Nhưng cảnh sát đã làm thế nào để có được dấu vân tay nghi phạm? Hay nói cách khác, các chuyên gia hình sự làm những gì? Bởi vì không phải lúc nào "chữ ký" sinh học trên cũng thể hiện rõ ràng và dứt khoát. Trong nhiều trường hợp, gần như không thể truy ra được mẫu vân tay gốc.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra một số phương pháp mà các nhà điều tra hình sự thường dùng để lấy mẫu vân tay và thậm chí cả những loại vân khác của con người. Bạn cũng chú ý rằng ngoài việc điều tra tội phạm, các phương pháp trên còn có thể giúp ích trong việc tìm kiếm người bị hại, nạn nhân của các vụ thiên tai thảm hoạ vì đôi khi chúng ta không thể biết chắc một ai đó còn sống hay đã chết hoặc cái xác đang bị phân huỷ ấy có thể là ai...
Dấu vân tay có thể tìm thấy ở đâu?
Chúng có thể tìm thấy ở mọi nơi, miễn là một bề mặt rắn, bao gồm cả trên cơ thể người. Các nhà phân tích chia ra 3 loại vân tay tuỳ theo nơi mà chúng được tìm thấy. Trước hết là dấu vân trên những bề mặt mềm như xà phòng, sáp nến, khăn ướt... còn được gọi là vân "mềm" 3 chiều. 2 loại còn lại là vân trên bề mặt cứng và chia thành vân nhìn thấy (hay vân nổi - patent print) hoặc không nhìn thấy (hay vân chìm - latent print).
Hầu hết mọi bề mặt đều có thể lưu lại vân tay
Vân nổi có thể dễ dàng tìm thấy được vì chúng nổi lên trên các bề mặt khi máu, bụi đất, mực, sơn, dầu... mà hung thủ để lại trên bề mặt. Còn vân chìm rất khó nhận thấy bằng mắt thường, chúng được hình thành khi dầu và mồ hôi của hung thủ bám lên một bề mặt khác. Để tìm thấy vân chìm, các nhà điều tra phải dùng đến nhiều công cụ khác nhau để làm nổi bật chúng lên.
Vân tay được thu thập như thế nào?
Tuỳ theo loại vân, cách thu thập sẽ khác nhau. Dĩ nhiên với loại vân "mềm", chúng biến mất theo thời gian khi bề mặt vật chất thay đổi nên gần như rất khó thu thập. Thường các nhà điều tra thu thập 2 loại vân "cứng" còn lại.
Thu thập vân nổi 
Đây là kiểu vân dễ thu thập nhất. Cách thu thập cũng rất đơn giản - máy ảnh. Nhà điều tra sẽ chụp lại ảnh vân tay ở độ phân giải cao rồi từ đó dùng các công cụ đo đạc hình sự để trích xuất ra thông tin. Họ có thể cải thiện chất lượng hình ảnh bằng cách thay đổi hướng ánh sáng khi chụp hoặc sử dụng những loại ánh sáng khác (alternate) hoặc một số hoá chất khác. Song thông thường thì việc này không cần thiết lắm.
Thu thập vân chìm
Không phải lúc nào mọi thứ cũng dễ dàng như vân nổi. Nếu hung thủ ranh ma, hắn sẽ không để lại mẫu vân nổi nào lại hiện trường. Song đôi khi vì "lơ đãng", một số vân chìm có thể sẽ tố cáo chính hắn. Hung thủ càng tiếp xúc với nhiều đồ vật thì rủi ro "rơi rớt" dấu vết càng cao. Giả định như lúc rửa tay hay đi toilet, kẻ phạm tội bỏ găng tay và để lại đâu đó xung quanh khu vực gây án.
Bột lưu vân tay
Một phương pháp phổ biến nhất để lấy vân chìm là phủ bụi lên khu vực có dấu vân bằng các loại bột lưu vân tay. Chúng sẽ bám lên các vị trí có vân tay và biến vân chìm thành vân nổi. Tiếp đấy các nhà điều tra sẽ chụp hình lại y như cách thu thập vân nổi. Sau đó, chúng còn được lưu mẫu bằng cách áp băng dính để lưu trữ về sau này.
Tuy nhiên, các loại bột này có thể làm hư hại đến các bằng chứng liên quan khác có ở hiện trường khiến cho công tác điều tra bị ảnh hưởng. Vì thế, trước khi sử dụng loại bột trên, nhà điều tra có thể sẽ dùng các phương pháp lấy vân chìm khác để hỗ trợ.
Nguồn ánh sáng khác

Phá vụ án bằng dấu vân tay đầu tiên trong lịch sử Tòa án Anh

Vào tháng 4-1905, khi Thanh tra thám tử Collins nhận 2 bộ dấu vân tay của anh em nhà Stratton, ông đã so sánh chúng với bằng chứng trong hộp đựng tiền và kết luận chúng ăn khớp với dấu in ngón tay cái của hung thủ Alfred Stratton...
"Trên ngón tay của bạn và của tôi lúc sinh ra đều có những dòng nhất định. Và không có người nào giống hệt nhau - thật kỳ diệu. Cũng như không có 2 khuôn mặt giống y khuôn, không có 2 con cừu như nhau trong cùng một đàn". Đó là lời giải thích của Tòa án hình sự trung ương Anh (Old Bailey) đối với thẩm phán trong một phiên xét xử 2 anh em kẻ thủ ác Albert và Alfred Stratton trong vụ sát hại một cặp vợ chồng già tháng 5-1905, cách đây hơn 100 năm.
Lời giải thích đơn giản này vào thời kỳ đó nghe có vẻ xa lạ, nhưng ngày nay lại là chuyện đương nhiên khi đã được khoa học chứng minh. Đây là vụ án đầu tiên mà thẩm phán có sử dụng bằng chứng của dấu vân tay.
2 tháng trước đó, hai vợ chồng ông Thomas Farrow, 71 tuổi và bà xã Ann, 65 tuổi, bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa hàng sơn màu mà họ buôn bán đặt dưới tầng trệt ngôi nhà. Ngôi nhà này nằm ở High Street, Deptford (phía Nam thủ đô London). Khoảng 6 giờ sáng, 2 gã đàn ông tiếp cận cửa hàng nhỏ này. Chúng đã đột nhập vào trong nhà cướp đi 13 bảng Anh (tương đương 1500 bảng Anh bây giờ).
Chiếc hộp tiền bằng thiếc có in dấu ngón tay cái của hung thủ Alfred Stratton.
Cú tấn công của hai tên cướp đã khiến ông Farrow thiệt mạng, vợ ông bị thương nặng và không thể bình phục. 2 tên sát nhân để lại 2 manh mối là mặt nạ làm từ vớ phụ nữ và có một dấu vân tay ngón cái in trong một cái hộp kim loại đựng tiền có váng dầu. Ngoài cửa hàng, cậu bé giao sữa Alfred Russell, 11 tuổi, đã kịp theo dõi hành vi 2 kẻ lạ mặt khi chúng rời cửa hàng.
Được báo The Daily Mirror mô tả là một "cậu bé thông minh", rất nhanh chóng nhân chứng Alfred Russell đã mô tả về 2 kẻ tình nghi với cảnh sát. Chỉ trong vòng 1 tuần 2 anh em nhà Stratton là Alfred, 22 tuổi và Albert, 20 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ khi có thêm một nhân chứng khác nhìn thấy 2 gã này đi qua con đường gần hiện trường vụ án.
Tuy nhiên tầm quan trọng của dấu ngón tay cái trong chiếc hộp thiếc đựng tiền đã bắt đầu nổi lên. Dấu vân tay được phục hồi bởi ông Melville MacNaghten, Trợ lý Ủy viên của lực lượng cảnh sát Đô Thành London.
Luật sư truy tố Richard Muir từng phát biểu trước cuộc điều trần rằng: "Thực tế này (dấu ngón tay cái) là hết sức quan trọng. Trong cái hộp đựng tiền tại nhà nạn nhân Farrows, kẻ sát nhân để lại dấu ngón tay". Một bức ảnh chụp dấu ngón tay đã được gửi tới cho thanh tra viên Collins, người phụ trách Phòng dấu vân tay của Sở chỉ huy cảnh sát London (Scotland Yard). Thanh tra Collins đã so sánh dấu ngón tay cái trong bức ảnh với ngón tay cái của tay phải kẻ tình nghi Alfred Stratton. Nó giống nhau như khuôn".
Hung thủ Albert Stratton.
Cả 2 tên hung thủ vẫn khăng khăng phủ nhận chúng có tham gia vào vụ án ở nhà nạn nhân Farrow, nhưng ngay sau đó đã có những kịch tính xảy ra đến từ người mẹ của hung thủ. 2 tên bật khóc khi mẹ chúng bước vào phòng làm chứng. Người phụ nữ quay sang 2 đứa con tội lỗi khóc nức nở. Trong khi Alfred Stratton nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, thì người em trai vẫn tiếp tục khóc, hắn úp mặt vào lòng bàn tay.
Bà Stratton khai rằng ngay cái đêm xảy ra vụ giết người thì Albert gọi cho bà và rời đi, nói rằng hắn ta đến nhà hát Empire. Người mẹ khai: "Albert mới rời khỏi Hải quân từ 2 năm trước, nó bị đuổi vì bất tuân mệnh lệnh. Tôi giữ 2 đứa nó trong nhà một số lần". Lúc rời khỏi tòa án, người mẹ quay sang 2 đứa con trai và lại khóc nức nở. Bà Stratton thảng thốt: "Alfred ơi, nếu con đã làm chuyện đó, thì con hại mẹ rồi!".
Có đủ những bằng chứng đáng tin cậy, vị thẩm phán tòa án quyết định mở phiên tòa xét xử, nơi những dấu vân tay sẽ buộc phải lên tiếng. Công nghệ dấu vân tay khi đó thường được dùng trong các hồ sơ hình sự lớn và vụ án đã đến tay Thanh tra thám tử Charles Stockley Collins, ông được xem là chuyên gia dấu vân tay hàng đầu nước Anh lúc đó. Collins đã xét nghiệm dấu ngón tay cái trong hộp đựng tiền, và quyết định rằng dấu tay đã hình thành bởi mồ hôi và ngón tay cái có lẽ là đến từ tay phải.
Collins đã lấy dấu vân tay đáng ngờ và so sánh nó với hai vợ chồng nạn nhân Farrow và cả Hạ sĩ cảnh sát thám tử Albert Atkinson - sĩ quan cảnh sát duy nhất chạm tay vào hộp đựng tiền, và hoàn toàn yên tâm vì không có ai trong số này phù hợp với dấu ngón tay trong hộp thiếc. Mặc dù Nha dấu vân tay đang lưu giữ từ 80.000 đến 90.000 bộ dấu vân tay trong kho lưu trữ, thế nhưng không có bộ dấu vân tay nào ở đây trùng khớp với thứ mà Thanh tra Collins muốn.
May mắn chỉ đến khi 2 anh em nhà Stratton bị bắt giữ và chúng được đưa đi lấy dấu vân tay vào ngày 2- 4-1905. Khi Thanh tra thám tử Collins nhận 2 bộ dấu vân tay của anh em nhà Stratton, ông đã so sánh chúng với bằng chứng trong hộp đựng tiền và kết luận chúng ăn khớp với dấu in ngón tay cái của hung thủ Alfred Stratton.
Công nghệ phá án bằng dấu vân tay đã được truyền thông thời kỳ đó tung hô nhiệt liệt, tờ The Daily Mirror viết dòng tựa: "Sự nhanh chóng được mang lại bởi phương pháp in dấu vân tay là cách xác định danh tính hoàn toàn đúng đắn, nó phải được xem là "kẻ thù nguy hiểm" của các thế lực tội phạm, phương pháp này rất hấp dẫn và còn nhiều thứ khó hiểu rõ về nó. Nói cách khác, lý thuyết xác định danh tính dựa trên những dấu vết nhỏ trên da là không thể giống nhau ở bất kỳ 2 cá nhân nào trên 10 ngón tay".
Hai anh em hung thủ nhà Stratton đã bị hành quyết vào ngày 23-5-1905.
Hải Thanh (tổng hợp)

Dấu vân tay giải mã những vụ án 'độc nhất, vô nhị'

Kiên trì lần theo dấu vết hung thủ, sau 3 ngày, trinh sát đã bắt được Tuyên dù hắn đã cạo đầu, mặc quần áo nâu sồng trong vai chú tiểu đi “chắp tác” tại một ngôi chùa.
Giải mã những vụ án tình “độc nhất, vô nhị”
Ngày 16/4/2011, tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã phát hiện một vụ án mạng kinh hoàng nhằm cướp tài sản. Nạn nhân là ông Nguyễn B. (58 tuổi), sống độc thân, đã bị sát hại trước đó chừng 3-4 ngày. Ông B tử vong do bị tấn công bằng những nhát dao ác hiểm vào vùng đầu, cổ và gáy gây chấn thương sọ não, mất máu cấp.
Hung thủ gây án hầu như không để lại dấu vết tại hiện trường, cảnh sát ví hệt như là hắn “đi không dấu, nấu không khói” dù tối hôm trước khi xảy ra vụ án, có bằng chứng cho thấy hung thủ và nạn nhân đã có mặt tại ngôi nhà này và nấu ăn bữa tối cùng nhau.
Nạn nhân là người đồng tính, sống độc thân, khép kín, ít giao lưu quan hệ với mọi người chung quanh. Sinh thời, nạn nhân có một số mối tình đồng giới nhưng đã là một quy tắc bất thành văn trong giới của họ, danh tính những người tình đồng giới luôn là một ẩn số vì được giữ bí mật. Đó chính là khó khăn và thách thức lớn trong công tác điều tra phá án, để trả lại công bằng cho phía bị hại và trấn an dư luận.
Sự tỉ mỉ và thận trọng của lực lượng điều tra đã có kết quả bằng việc phát hiện được đôi giầy mà ở đó còn lưu dấu vân tay của hung thủ. Kết quả truy nguyên dấu vân tay tại hiện trường cho thấy chủ nhân dấu vân tay là Đàm Văn Tuyên (SN 1988, thôn Lọng Nghè, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Tuy nhiên, khi cảnh sát tìm về quê hắn thì được biết Tuyên đã vắng nhà từ vài tháng trước.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, kiên trì lần theo dấu vết hung thủ, chỉ 3 ngày sau, trinh sát đã “bắt sống” tên Đàm Văn Tuyên mặc dù hắn đã cạo đầu trọc lóc, mặc quần áo nâu sồng trong vai chú tiểu đi “chắp tác” tại một ngôi chùa thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội).
Phát hiện ra “khách lễ chùa”, “tiểu” Tuyên lập tức co cẳng chạy vào trai phòng và chui tọt vào gầm giường lẩn trốn khiến trinh sát phải “móc” hắn ra ngoài, còng tay dẫn giải hắn đi theo lệnh bắt khẩn cấp về tội Giết người, Cướp tài sản. Sau đó không lâu, Đàm Văn Tuyên bị tuyên án tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản.
Một vụ án rúng động dư luận cũng được lực lượng cảnh sát điều tra phá án thần kỳ nhờ công nghệ truy nguyên dấu vân tay tự động đó là vụ Phạm Trường Pha (21 tuổi, trú tại Đăk Lăk) sát hại người tình già U70 để cướp tài sản xảy ra tại TP Buôn Mê Thuột vào năm 2011.
Dau van tay giai ma nhung vu an 'doc nhat, vo nhi' hinh anh 1
Việc ứng dụng công nghệ nhận dạng và truy nguyên vân tay tự động là một bước đột phá trong công tác quản lý tàng thư căn cước can phạm, tàng thư căn cước công dân và truy nguyên dấu vết vân tay hiện trường.
Một bà già 68 tuổi, chủ một thẩm mỹ viện đã bị sát hại bằng những nhát dao chí mạng vào vùng ngực và cổ. Ngoài ra, kẻ thủ ác còn cướp đi điện thoại di động và 8 triệu đồng. Vụ trọng án này có tính chất hy hữu ở chỗ, mặc dù nạn nhân tuổi đã vào hàng “xưa nay hiếm” nhưng khả năng về “chuyện ấy” cũng xưa nay “cực hiếm” luôn khi bà ta có tới vài chục người tình là những trai trẻ U20, và những gã trai này luôn phải vất vả luân phiên nhau “phục vụ” tình già. Căn cứ vào dấu vân tay lạ trên cánh tủ lạnh nhà nạn nhân, lực lượng phá án đã nhanh chóng xác định hung thủ chính là Nguyễn Trường Pha, một sinh viên kém bà B gần 50 tuổi!
Khi bị bắt, Pha thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Hắn khai, sau khi đã làm cho người tình già thỏa mãn nhưng hôm đó bà B không cho tiền Pha như thường lệ mà còn tỏ ra giận hờn rồi bắt Pha phải hôn tạm biệt. Pha cảm thấy tức giận và ghê tởm nên bỏ vào bếp lấy nước lọc trong tủ lạnh uống, chính vì thế hắn đã để lại dấu vân tay trên cánh tủ.
Trong lúc uống nước, nhìn thấy con dao trên bếp nên hắn đã bột phát nảy ý định sát hại bà B, rồi tiện tay lấy luôn điện thoại và tiền của nạn nhân, sau đó còn kịp xóa dấu vết hiện trường. Trả giá cho hành vi trên, bị cáo Nguyễn Trường Pha đã bị kết án tù chung thân về tội Giết người.
“Bảo bối” trong công tác điều tra hình sự  
Hai vụ án trên chỉ là ví dụ điển hình trong số hàng ngàn vụ án được khám phá bằng công nghệ hiện đại. Bằng công nghệ nhận dạng vân tay tự động, lực lượng cảnh sát đã tra cứu, xác định chính xác hàng ngàn đối tượng, phá hàng ngàn vụ án qua dấu vết thu được tại hiện trường.
Công nghệ nhận dạng vân tay tự động cũng “khai tử” luôn tình trạng các đối tượng truy nã thay hình đổi dạng, thay tên đổi họ để làm chứng minh nhân dân khác hoặc định “qua mặt” cơ quan chức năng trong việc tuyển dụng, xuất cảnh.  Đồng thời, đó cũng là công cụ “bịt” kẽ hở trong công tác quản lý, giám sát đối tượng bị án, bị truy nã và phát huy tác dụng hữu hiệu trong công tác quản lý tàng thư, căn cước can phạm.
Với công nghệ nhận dạng vân tay tự động thì máy tính sẽ tự động hóa hầu hết các công đoạn thủ công với tốc độ tra cứu cực nhanh, thời gian chỉ tính bằng phút, bằng giây; tỷ lệ phát hiện đúng đạt 99,7%; tốc độ tra cứu trung bình một yêu cầu đạt được 30 - 45 giây trên cơ sở dữ liệu 200.000 chỉ bản 10 ngón...
Với tính năng hiện đại và ưu việt trên, công nghệ này vừa ứng dụng để tra cứu dấu vết vân tay trên hiện trường phục vụ công tác điều tra hình sự, vừa là phương tiện để xây dựng các hệ thống căn cước can phạm và căn cước công dân tự động hóa, được xem là bước đột phá ấn tượng trong cải cách tư pháp, trong công tác quản lý và nghiệp vụ của ngành cảnh sát nói chung.
Theo Pháp Luật Việt Nam

Vì sao dấu vân tay được dùng trong giải mã tội phạm?

Dấu vân tay của mỗi người là duy nhất, không có sự trùng lặp kể cả trong một cặp song sinh. 
Dấu vân tay là phương pháp xác định danh tính cá nhân đã được áp dụng từ rất lâu bởi độ chính xác cao. Vì thế, lần ra tội phạm từ dấu vân tay được cơ quan công an áp dụng rất phổ biển trong việc điều tra danh tính tội phạm.
Mỗi dấu vân tay được tạo thành từ các dãy và các điểm gờ cùng với sự sắp xếp rất đặc trưng. Nếu đem so sánh hai dấu vân tay với nhau, và có một điểm nhỏ không được nhìn thấy tại bên còn lại thì hai dấu vân tay này được xem là khác nhau. Sự khác nhau càng lớn sẽ giúp sự nhận dạng càng trở nên dễ dàng.
Dấu vân tay có thể được nhìn thấy bằng mắt thường nhưng cũng có trường hợp phải cần đến tia cực tím đặc biệt để chúng hiện ra. Người ta gọi đây là dấu vân tay tiềm ẩn. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay các điều tra viên còn có thể sử dụng bột vân tay hoặc hóa chất để lấy được dấu vân tay tiềm ẩn tại hiện trường vụ án.
Hầu hết các cơ quan điều tra đều có riêng một hệ thống lưu trữ các mẫu vân tay và chỉ cần quét mẫu vân tay tìm được ở hiện trường vào hệ thống, sẽ cho kết quả về kẻ phạm tội ngay lập tức.
vi-sao-dau-van-tay-duoc-dung-trong-giai-ma-toi-pham
Ảnh minh họa: Thedenverchannel
Vân tay được cảnh sát sử dụng từ bao giờ?
Dưới thời Babylon cổ đại và Trung Quốc, dấu vân tay, đặc biệt là ngón cái, được sử dụng tương tự chữ ký ngày nay. Từ thế kỷ thứ 14, con người đã bắt đầu hiểu được sự đặc trưng riêng biệt và duy nhất của dấu vân tay.
Người tiên phong trong việc định dạng danh tính thông qua dấu vân tay là ông Francis Galton, một nhà nhân loại học, cũng là anh họ của nhà bác học Charles Darwin. Ông đã thực hiện cuộc nghiên cứu khoa học ứng dụng dấu vân tay trong xác định danh tính cá nhân. Từ những năm 1880, ông tìm ra đặc điểm di truyền và đã phát hiện ra dấu vân tay mỗi cá nhân chỉ có một không hai và không đổi trong suốt cuộc đời con người. Năm 1892, ông xuất bản cuốn sách viết về những nghiên cứu này của mình, liệt kê ra ba loại dấu vân tay phổ biến nhất là: vòng lặp, xoắn và vòm. Cách phân loại này vẫn được áp dụng cho tới ngày nay.
Với bằng chứng nghiên cứu thuyết phục, các cơ quan điều tra đã không ngần ngại công nhận và áp dụng giá trị của bằng chứng vân tay vào công việc chuyên môn. Ở Argentina, Juan Vucetich, một cảnh sát địa phương cũng sử dụng kết quả nghiên cứu của ông Galton để tạo ra hệ thống dấu vân tay và đã xác định thành công lần đầu tiên dấu vết của một kẻ giết người vào năm 1892.
Vào đầu thế kỷ 20, trung tâm lưu trữ dấu vân tay đã được xây dựng nhằm mục đích phục vụ điều tra ở Scotland. Năm 1903 tại Mỹ, Sở cảnh sát New York, Hệ thống nhà tù New York, Cục kiểm soát Liên bang đã đã thiệt lập một hệ thống vân tay và năm 1905 hệ thống này bắt đầu được triển khai, áp dụng kỹ thuật nhận dạng bằng vân tay.
Phương Thảo (theo Criminal)

Tan sự nghiệp, mất gia đình vì dấu vân tay oan nghiệt

Bị cho là hung thủ giết người vì có một dấu vân tay ở hiện trường, ông Nhàn bị giam hơn 4 năm. Thêm 7 năm từ ngày được đình chỉ điều tra do cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ buộc tội, ông vẫn chưa tìm lại được công lý.
Theo nội dung vụ án, 12h ngày 12/12/2001, bà Hoàng Thị Kim A (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) được phát hiện chết trong phòng ngủ với nhiều vết thương ở đầu và mặt, các vật dụng trong nhà bị lục tung. Người nhà cho biết bị mất 60-80 triệu đồng và 5-6 lượng vàng. Công an TP HCM thu được dấu vân tay được cho là của hung thủ tại mặt trong hộc tủ.
Sau khi lấy mẫu vân tay của nhiều người, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự Công an TP HCM kết luận: "Dấu vân tay phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở phòng ngủ nạn nhân với dấu tay ngón “nhẫn phải” trên chỗ bản mẫu so sánh mang tên Trương Bá Nhàn là do ngón tay của cùng một người in ra”. Cho rằng ông Nhàn là hung thủ, đầu tháng 1/2002, cảnh sát đã bắt giam ông này.
Ông Trương Bá Nhàn. Ảnh: T. T.
Ông Trương Bá Nhàn. Ảnh: T. T.
Quá trình điều tra, ông Nhàn kêu oan, giải thích là anh em bà con với chồng nạn nhân, thường qua lại như người một nhà. Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ án, ông vào phòng ngủ kê giùm tủ cho bà A, chắc có đụng tay vào hộc tủ đựng tiền nên để lại dấu vân tay. Buổi sáng hôm xảy ra vụ án, ông cùng người bạn đi bỏ mối khẩu trang ở khu vực quận Bình Thạnh đến 10h15' thì về. Khoảng 11h30' ông đến phòng khám ở quận Thủ Đức chờ đến 12h để khám răng. Khoảng thời gian ngoại phạm này, ông đều có nhân chứng xác minh.  
Cơ quan điều tra không chấp nhận việc ngoại phạm của ông Nhàn từ 10h15' đến 11h30 trong khi dấu vân tay của ông này để lại tại hộc tủ đựng tiền nhà nạn nhân. Cơ quan điều tra kết luận ông Nhàn là hung thủ giết người và cướp tài sản. VKSND TP HCM truy tố ông Nhàn đến mức hình phạt tử hình và chuyển sang TAND TP HCM để xét xử.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, người thụ lý vụ án này cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, ông nhận thấy có "nhiều tình tiết mâu thuẫn, chứng cứ buộc tội bị cáo chưa thuyết phục" nên đã yêu cầu điều tra bổ sung. "Muốn chạy từ nhà ông Nhàn ở quận Bình Thạnh đến nhà nạn nhân ở quận Tân Bình đã gần hết một tiếng. Như vậy khoảng thời gian từ 10h15' đến 11h30 ông Nhàn có thể vừa đến nhà nạn nhân, vừa gây án và trốn khỏi đó không, chưa được làm rõ. Kể từ khi trả hồ sơ để điều tra lại, chúng tôi không thấy VKS chuyển lại tòa", thẩm phán Nghĩa nói.
Đến ngày 8/6/2006, cho rằng “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đình chỉ điều tra bị can với ông Nhàn. 3 tháng sau, ông Nhàn gửi đơn đến VKSND TP HCM yêu cầu được xin lỗi công khai tại nơi cư trú, đăng cải chính trên báo và được bồi thường gần 900 triệu đồng gồm các khoản về tổn thất tinh thần, sức khỏe, mất thu nhập...
Sau 6 năm chờ đợi, cuối tháng 12/2012, ông Nhàn tiếp tục gửi hồ sơ đến VKSND TP HCM đòi bồi thường. Đồng thời, ông cũng gửi đơn đến Cục Bồi thường Nhà nước nhờ xem xét. Gần 2 tháng sau, cơ quan này đã có văn bản trả lời "trường hợp này được bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật" và cơ quan phải giải quyết là VKSND TP HCM. Cục cũng gửi công văn đến VKSND Tối cao để kiểm tra, xem xét nhằm có hướng chỉ đạo giải.
Giọng chậm chạp, ông Nhàn kể, từ ngày bị vướng lao lý, cuộc sống gia đình ông đảo lộn hoàn toàn. Ngày ông bị bắt, người vợ đang mang thai 6 tháng bị suy sụp, mấy héc ta cà phê đang vào mùa thu hoạch cũng bỏ bê. Sau này, bố mẹ ông phải bán non để lấy tiền thăm nuôi. Còn khi được trả tự do, ông mang mặc cảm của người không còn tiền bạc, tài sản, lại bị gia đình vợ hiểu lầm nên hạnh phúc từ đó đổ vỡ. Ông lang thang lên Bình Phước tá túc ở nhà người quen rồi làm nhiều nghề kiếm sống. Sau này, ông lại chuyển lên Đăk Lăk đi làm rẫy thuê cho đến bây giờ.
"Bao nhiêu năm nay, tôi chờ đợi ngày mình được minh oan, được nhận một lời xin lỗi chân thành và được khôi phục những quyền lợi chính đáng được hưởng nhưng cơ quan chức năng mãi không đoái hoài", ông Nhàn nói.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo VKSND TP HCM cho biết vừa nhận được đơn của ông Nhàn, sắp tới sẽ mời ông này lên giải quyết. Giải thích lý do Viện chậm trễ giải quyết đơn, vị này bảo "do tính chất phức tạp của vụ án".
Hải Duyên

Dấu vân tay trên lưỡi dao gãy cán tố cáo hung thủ giết người

Truy tìm nghi phạm giết bà cụ ở con phố trung tâm Hà Nội, cảnh sát xét hỏi 200 người quen nạn nhân, tận thu toàn bộ dấu vết.
4h ngày 16/2/2006, chị Hoàng Thùy Dung bất ngờ nhận được điện thoại của người giúp việc Hoàng Thị Lý báo tin lên tầng hai ngay vì mẹ đang bị đau nặng. Hốt hoảng chạy lên gác căn nhà ở phố Quán Sứ (Hà Nội), chị còn bất ngờ hơn khi thấy cửa nhà bị khóa, gọi không có ai trả lời. Điện thoại và cầu dao điện đều bị cắt. Chị Dung cùng một số người phải phá cửa, phát hiện mẹ là bà Xuân tử vong trên giường, miệng bị nhét giẻ.
Khai với công an, Lý kể đêm 15/2/2006 sau tiếng lạch cạch, chị tỉnh dậy đi ra ngoài kiểm tra thì bị một người thanh niên khống chế, doạ giết nếu kêu lên. Thấy có tiếng động lớn, bà Xuân tỉnh giấc cất tiếng hỏi thì bị kẻ này cầm chiếc khăn len ở cửa lao vào bịt miệng.
“Đó là người đàn ông còn trẻ”, chị Lý nhớ lại và khẳng định còn có kẻ thứ hai tham gia vụ việc. Khi bà Xuân bất tỉnh, kẻ thứ hai đã lấy chìa khóa trên cổ bà Xuân mở tủ, lục lấy tài sản. Nam thanh niên khống chế bà Xuân cũng lấy dây chuyền, hoa tai của bà.
Chị Lý nói bị chúng ép phải rời nhà đi về quê. Ra đến xe Giáp Bát, thấy thương bà Xuân, Lý đã gọi điện cho chị Dung báo tin.
Điều tra vụ việc, trinh sát thấy nghi ngờ có phải người giúp việc Lý bị ép rời hiện trường hay thực sự là bỏ trốn? Nếu có hai người sát hại bà Xuân, tại sao gây án xong, chúng không đi ra bằng lối cửa chính mà lại đi theo lối cửa sổ nhà vệ sinh rất bất tiện. Căn hộ của bà Xuân ở tầng hai, nhảy xuống đất nếu không cẩn thận sẽ bị chấn thương...
Để chứng minh những dấu vết để lại hiện trường có phù hợp với lời khai hay không, cán bộ khám nghiệm hiện trường tận thu toàn bộ dấu vết.
Kết quả đã tìm thấy dấu vân tay khác với dấu vân tay của Lý trên một lưỡi dao thu được được gần nơi nạn nhân nằm. Lưỡi dao này khớp với một chuôi dao bấm màu đỏ thu được ở gần chiếc tủ khu vực phòng khách. Dấu vết vân tay trên lưỡi dao được khẳng định là dấu vết của người liên quan đến vụ án, có khả năng truy nguyên thủ phạm. Điều đó có nghĩa rằng lời khai của chị Lý là đúng. Kẻ gây nên cái chết cho bà Xuân là thanh niên và hỗ trợ anh ta là một phụ nữ.
Phân tích vụ án, cảnh sát nhận định nạn nhân đã già, sống một mình, con gái ở tầng dưới, có khá nhiều người quen biết, đặc biệt là liên tục thay người giúp việc. Bởi vậy 200 người có mối quan hệ nghi vấn với bà Xuân đã được đưa vào tầm ngắm.
Sau hai tuần so sánh dấu vết đường vân thu được tại hiện trường, cảnh sát tìm ra hai nghi phạm tình nghi có dấu vân tay trùng khớp với dấu vân tay thu được trên lưỡi dao và cán dao tại nhà nạn nhân là Đinh Thị Hoa (lúc đó 20 tuổi) và Đinh Sỹ Dần (lúc đó 19 tuổi) - hai chị em ruột. Hoa từng có hai lần làm giúp việc tại nhà bà Xuân.
Nửa tháng sau vụ án, cảnh sát đã bắt Dần. Khám xét nơi của chị em Dần, cảnh sát thu được 1,6 triệu đồng, một đôi giày của Dần. Bốn ngày sau Hoa bị bắt đang trốn tại nhà người quen ở tỉnh Nghệ An.
Theo cáo buộc, Hoa là cháu họ của chồng chị Dung, con gái bà Xuân. Trong khoảng thời gian từ năm 2004-2005, Hoa đã hai lần đến nhà bà Xuân làm người giúp việc. Do làm giúp việc trong một thời gian dài nên Hoa khá thông thạo đường ngang lối tắt trong nhà bà Xuân, phát hiện gia chủ giàu có.
Năm 2005, Hoa về quê lấy chồng. Do thiếu thốn về kinh tế, dù đang có thai, Hoa vẫn quyết định quay lại nhà bà Xuân để trộm cắp tài sản. Dần dù mới 19 tuổi nhưng có một tiền án.
Ngày 15/2/2006, trước khi đi, Dần còn thủ sẵn con dao trong người. Khoảng 19h30 cùng ngày, cả hai đột nhập nhà bà Xuân qua cửa sau nằm trên phố Lý Thường Kiệt vào nhà và nằm sẵn dưới gầm giường.
Đến 1h ngày 16/2/2006, Dần dùng dao khoét tủ của bà Xuân lấy ra một túi vải lục soát nhưng trong túi không có tiền. Trong quá trình khoét tủ, con dao bị gãy cán và vì thế Dần đã để lại hiện trường. Dần không ngờ đó là dấu vết duy nhất khiến Dần và chị gái bị cơ quan công an phát hiện.
Theo An ninh thủ đô

Đột phá làm dấu vân tay phát sáng sẽ giúp điều tra tội phạm nhanh hơn

Tùng Phạm , Theo Trí Thức Trẻ 3 năm trước

1 loại vật liệu mới làm cho vân tay có khả năng phát sáng.

Trong thời gian tới, quy trình phá án của cảnh sát có thể sẽ thuận lợi hơn nhờ 1 đột phá công nghệ cho phép dấu vân tay phát sáng. Khám phá khoa học này hứa hẹn sẽ thay thế công nghệ lấy dấu vân tay truyền thống đã tồn tại từ hơn 1 thế kỷ qua và được áp dụng trong quá trình phá án.
Bắt nguồn từ việc nhà riêng của tiến sĩ khoa học người Úc Kang Liang bị trộm "viếng thăm". Cảnh sát đã thực hiện lấy dấu vân tay bằng bột truyền thống lên hiện trường ngôi nhà của ông nhưng không tìm ra được dấu vết quan trọng nào. Từ đó, tiến sĩ người Úc này bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu có cách nào để đẩy nhanh quá trình điều tra được nhanh hơn hay không. Qua nghiên cứu, ông đã tạo ra 1 loại vật liệu mới làm cho vân tay có khả năng phát sáng.
Cùng với nhón làm việc của mình tại trung tâm nghiên cứu CSIRO của Úc, Liang đã phát triển thành công loại chất lỏng có thể sử dụng được trên các bề mặt không quá xốp để làm dấu vân tay phát sáng trong môi trường bóng tối trong vòng chưa tới 30 giây.
Chất lỏng này có chứa nhiều hạt hữu cơ kim loại có khả năng liên kết với những dấu vết mà vân tay để lại bao gồm axit béo, protein, peptide hay muối. Theo trung tâm CSIRO, những tinh thể trong chất lỏng này tạo ra "một lớp áo phủ siêu mỏng và chính xác lên bề mặt mà dấu vân tay để lại" . Từ đó, nó sẽ hỗ trợ nhiều cho công tác điều tra các vụ án. Bên cạnh đó, màu của vân tay hiện lên có thể được thay đổi tùy theo cách pha chế.
Sau khi theo dõi quá trình lấy dấu vân tay truyền thống ở ngay tại ngôi nhà của mình, Liang cho biết, phương pháp của ông nhanh hơn và có thể áp dụng được ở những bề mặt mà phương pháp phủ bụi truyền thống không thích hợp. Ông chia sẻ về công nghệ mới của mình như sau:
"Trong khi cảnh sát và các chuyên gia pháp y phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để lấy dấu vân tay đối với những vụ trọng án có tính phức tạp cao. Những kết quả này còn phải được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích trong môi trường nhiệt và chân không. Phương pháp của chúng tôi giảm bớt được các bước này. Chúng ta sẽ chỉ cần 1 thiết bị điện tử để ghi hình ảnh từ dấu vân tay phát sáng rồi phân tích dữ liệu ở chế độ thời gian thực. Ngoài ra, cảnh sát cũng sẽ không hít phải bụi như cách lấy vân tay trước kia".
Liang cũng cho hay vật liệu của ông được ứng dụng lần đầu tiên trong lĩnh vực pháp y. Ông và nhóm làm việc của mình hy vọng rằng nó sẽ sớm phổ biến trong công tác phá án tương lai gần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét