Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/4

(ĐC sưu tầm trên NET)
[​IMG]
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 4:  NICOLAI IVANOVICH EJOV
Ezhov.PNG 
Dân uỷ Nội vụ (9/1936 - 11/1938)
Nhà văn nổi tiếng Lev Emanuilovich Razgon là người đã từng quen biết N.I.Ejov. Razgon đã từng bị đi cải tạo nhưng sống sót. Ông là con rể của I.M.Moskvin - một cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng, cuối những năm 30 phụ trách công tác cán bộ, và Ejov làm trợ 1ý cho ông.
Nhà văn L.E.Razgon kể:
- I.M.Moskvin đã từng công tác ở Lêningrad thời kỳ Zinoviev làm Bí thư Tỉnh ủy, không kính trọng Zinoviev lắm và là một trong những cán bộ dám lên tiếng phản đối thủ trưởng của mình. Thế là Moskvin liền lọt vào mắt xanh của Stalin và được chuyển về Matxcơva.
Nhưng mối quan hệ giữa ông với Stalin không trở nên thân thiết, vì họ thuộc hai tạng người khác nhau.
Nhà Moskvin luôn có nhiều bạn bè, khách khứa, một phần vì bà chủ - vợ ông là một người phụ nữ phúc hậu, hiếu khách. Buổi trưa Moskvin thường về nhà ăn cơm và có lần dẫn Ejov về cùng - người mà ông rất quý mến.
Ejov người nhỏ bé và do đó gây cho người ta một sự thương hại, muốn chở che. Ông ăn mặc lúc nào cũng một kiểu: thường là một áo sơmi lụa màu xanh và bên ngoài là chiếc áo vét giản dị, nhàu nhĩ; rất ít nói, gầy gò, khiến bà chủ - Sofia Alexandrovna phúc hậu - lúc nào cũng phải lo lắng, chăm sóc. "Chú phải ăn nhiều vào - bà bảo". "Chú" gật đầu: "Vâng!", rồi lại ngồi im lặng.
Có lần tôi (Razgon - ND) hỏi Moskvin:
- Thế Ejov là một cán bộ giỏi lắm à? Ba đánh giá cao anh ấy lắm phải không?
Moskvin đáp:
- Ejov có lẽ là cán bộ xuất sắc nhất mà ba từng gặp (mà ông thì đã gặp khá nhiều - tôi nghĩ. Là một cán bộ hiếm có ở chỗ đã giao cho anh ta việc gì, thì có thể không cần phải kiểm tra. Cứ yên tâm, đã giao nhiệm vụ là anh ấy chắc chắn sẽ hoàn thành không cần phải nhắc. Song anh ấy chỉ có một nhược điểm, do vậy mà vẫn cần phải kiểm tra.
- Tức là anh ấy vẫn sẽ làm cái gì đấy không đúng với nhiệm vụ được giao?
- Không phải, anh ấy sẽ làm mọi thứ đúng như yêu cầu. Chỉ có điều anh ấy sẽ không dừng lại ở đó. Trong bất cứ công việc gì cũng có cái giới hạn của nó, cần phải biết dừng. Ejov không dừng lại bao giờ. . .
- Cả hai ông bà Moskvin đều bị bắt. - Razgon kể tiếp - Khi vợ chồng tôi đến phòng tiếp khách của Cơ quan dân ủy Nội vụ hỏi, thì được trả lời: "10 năm cải tạo xa, không được phép viết thư". Lúc đó chúng tôi không biết rằng như thế tức là bị xử bắn. Chúng tôi cứ tưởng rằng đấy là những trại cải tạo nằm ở xa, khác với các nhà tù thường, dành cho các cán bộ cao cấp. Chúng tôi thật chẳng hiểu gì.
Moskvin bị xử bắn năm 1937. Còn vợ ông - bà Sofia Alexandrovna, thì Razgon đinh ninh rằng đã chết trong tù ở Mordovia, nơi giam giữ vợ của các tù chính trị.
Trong hồ sơ của Cơ quan dân ủy Nội vụ, lệnh bắt bà được ban hành ngay trong tờ lệnh bắt ông. Bên dưới có chữ ký của Chánh công tố Vyshinsky: "Đồng ý", và ý kiến của Dân ủy nội vụ Ejov: "Thi hành lệnh bắt", và ghi thêm: "Cả vợ nữa".
Trong hồ sơ về Sofia Alexandrovna, Razgon tìm thấy hai biên bản: một biên bản, trong đó bị cáo không thú nhận gì cả, còn biên bản thứ hai sau đó ba tháng, trong đó bà nhận lỗi về tất cả mọi việc, từ việc bà biết về những việc làm tội lỗi của Moskvin đến việc bà mưu toan đầu độc Ejov (?)... 

 
Vợ của Yezhov Yevgenia với con gái nuôi của họ
 Tại sao Ejov lại nhẫn tâm xử bắn một người phụ nữ đã đối xử tốt với ông ta như thế? Đó cũng là một điều bí ẩn của một tâm hồn lạ lùng, sâu kín.
Các nhà viết tiểu sử Ejov là B.Brukhanov và E.Shoskov đã tìm được nhiều tư liệu về Ejov, tuy vậy trong lý lịch của một người nắm rất vững lý lịch của người khác vẫn còn nhiều vùng tối. Chẳng hạn, người ta không làm rõ được cha mẹ ông là ai. Nhưng thôi, điều đó cũng không quan trọng lắm. Về bản thân ông, người ta được biết ông rất ít học - đâu chỉ lớp 3 - lớp 4, nhưng chữ viết đẹp và rõ ràng. Ejov khai trong lý lịch là đã từng làm công nhân nhà máy Putilov (cơ sở công nghiệp hàng đầu trên địa bàn Peterbua - ND). Đối với một cán bộ xuất thân từ thành phần cơ bản, điểm này là rất vinh dự. Nhưng hồ sơ lao động trong giai đoạn này của ông không thấy lưu lại. Ông đi bộ đội mấy năm, nhưng dường như không ra mặt trận. Trong thời gian ông đang lên cao, người ta viết là ông đã từng hoạt động cách mạng - điều mà dường như cũng không rõ rệt lắm. Tuy vậy, trước cách mạng tháng Mười ít lâu - tháng năm năm 1917, ông gia nhập Đảng Bônsêvích. Trong thời gian nội chiến, ông làm chính trị viên một cơ sở đào tạo kỹ thuật viên cơ điện và vô tuyến điện của quân đội. Chức vụ này được Cục trưởng Cục chính trị của Hội đồng quân sự cách mạng phê duyệt, cho nên tên ông được đưa vào danh sách cán bộ do Trung ương quản lý.
Ejov lấy vợ là một phụ nữ có học thức tên là Antonina Alexeevna Titova, không những tốt nghiệp trung học, mà còn học Đại học tổng hợp Kazan. Bà lên Matxcơva làm Trưởng ban văn hoá của Liên hiệp công đoàn ngành hoá chất. Và Ejov sau đó một thời gian cũng chuyển về Matxcơva theo vợ. Trung ương Đảng để ý đến anh cán bộ Đảng trẻ tuổi, và nửa năm sau (2/1922) cử anh về tỉnh tự trị Mariskaya làm Bí thư Đảng bộ. Các nhà sử học cố tìm xem ai là người đỡ đầu Ejov lên các chức vụ như vậy và lọt vào hàng ngũ cán bộ cấp cao, nhưng không tìm ra. Có lẽ trong những năm đó Đảng đang thiếu cán bộ, rất cần những người có hiểu biết để làm nhiệm vụ Bí thư Đảng. Mà Nicolai Ivanovich Ejov nổi lên là một cán bộ có triển vọng, một người rất có hiểu biết. Theo đánh giá của giáo sư V.F.Nekrasov, những ưu điểm nổi bật của Ejov là trí thông minh bẩm sinh mang tính thực tiễn của người công nhân, đầu óc biết định hướng, và sau này là lòng trung thành với Stalin, không phải làm ra bộ trung thành mà trung thành thật sự.
Tháng 3 năm 1922, Ejov và vợ đi đến thành phố Ioskar Ola, vợ ông phụ trách công tác lịch sử Đảng ở tỉnh ủy này. Bà đã viết hai ba bài báo cho chồng mang tên ở tạp chí của địa phương. Nhưng quan hệ của Ejov với các cán bộ Đảng địa phương trong chuyến đi đó không thành công, vì Ejov xử sự thô lỗ và ngạo mạn, nên uy tín bị ảnh hưởng. Một năm sau, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Semipalatinsk. Do đó ông bị chuyển sang Orenburg với chức vụ thấp hơn: trưởng ban của tỉnh ủy. Nhưng rồi sau đó ông lại được làm Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh xa là Kzyl-Orde. Rõ ràng Ejov là một cán bộ Đảng dày dạn kinh nghiệm và cũng có năng khiếu tổ chức.
Mùa hè năm 1927, Ejov được gọi lên Matxcơva nhận công tác. Trưởng ban Tổ chức phân phối Trung ương Đảng là I.M.Moskvin phân công cho ông làm chuyên viên. Chức vụ thấp nhất đó trong bộ máy Trung ương Đảng trở thành cầu nhảy đối với Ejov. Từ đó ông liên tục lên cao. Một thời gian sau Moskvin cho ông làm trợ lý của mình, rồi làm Phó ban. Ejov bắt đầu trở nên đắt giá: Trung ương chú ý đến ông, phái ông đi làm Bí thư Tỉnh ủy Tacta có vấn đề dân tộc, rồi làm Thứ trưởng phụ trách cán bộ của Bộ Nông nghiệp năm 1929 - tức là khi bắt đầu chiến dịch tập thể hoá nông nghiệp và đấu tranh chống Ku lắc.
Rồi cuộc sống riêng cũng được tổ chức lại: Ejov chia tay với Antonina Titova (chính điều này lại là may mắn đối với bà vì nhờ thế mà bà giữ được mạng sống), và kết hôn với một phụ nữ khác.
Năm 1930, Ejov về Hội đồng kinh tế quốc dân làm phó cho Ord-jinikitze, phụ trách tổ chức. Tháng 11 năm 1930, Ejov được đề bạt làm Trưởng Ban tổ chức - phân phối Trung ương Đảng - tức là nắm toàn bộ công tác tổ chức cán bộ của Đảng, và trực tiếp trực thuộc Stalin.
Theo hồi ức của nhiều người, thời gian này Ejov là một con người khiêm tốn, cởi mở, gần gũi quần chúng, cũng thích nâng cốc, vui vẻ, hát hò. Nhà văn Iu Dombrovsky có thời gian bị cải tạo ở Kazakhstan, viết rằng những người quen của ông không ai phàn nàn gì về Ejov.
Năm 1933, Ejov làm Trưởng ban làm trong sạch Đảng, tại đại hội 17 được bầu làm Phó Chủ tịch ủy ban kiểm tra Đảng. Năm 1935 Ejov làm Bí thư Trung ương Đảng, và thay Kaganovich làm Chủ tịch ủy ban kiểm tra Đảng.
Bí thư Trung ương Đảng, ngoài Stalin ra, chỉ có ba người: Jdanov kiêm Bí thư Tỉnh ủy Lêningrad, Kaganovich kiêm nhiệm công tác ở Bộ Giao thông vận tải và Ejov, thực tế là điều hành toàn bộ công tác của Trung ương Đảng. Stalin gặp Ejov thường xuyên hơn những người khác trong ban lãnh đạo. Chỉ có một người nữa Stalin hay gọi đến gặp là Molotov - Thủ tướng Chính phủ và là người thứ hai sau Stalin. 

 
Yezhov (trái) và Stalin
 Theo chỉ thị của Stalin, Ejov dần dần tìm hiểu công việc của Cơ quan dân ủy Nội vụ. Vốn tác phong thận trọng, Stalin không thích giao những nhiệm vụ nào đó trực tiếp cho cơ quan an ninh, mà thích thông qua một người nào đó giải thích và hướng dẫn cho an ninh phải làm gì và làm thế nào. Trong những năm cuối đời Stalin, người đó sẽ là Beria, còn giữa những năm 30, đó là Ejov.

Sau khi nhận được bức điện của Stalin gửi từ Sochi ngày 26/9/1936, Matxcơva hiểu ý lãnh tụ và bắt đầu làm các thủ tục ra quyết định. Ejov vẫn giữ nguyên các chức vụ Đảng (Bí thư Trung ương và Chủ tịch Ban kiểm tra), nhưng Bộ Chính trị yêu cầu ông phải dành "90% thời gian cho công tác ở Cơ quan dân ủy Nội vụ".
Lazar Kaganovich viết trong thư gửi cho Sergo Ordjinikidze: "Việc đề bạt Ejov làm Dân ủy Nội vụ là quyết định sáng suốt của lãnh tụ - cha của chúng ta đã được trong Đảng và trong nước nhất trí đón nhận. Với Ejov, công việc chắc sẽ chạy tốt". Trong một bức thư sau đó ông lại viết: "Tôi muốn nói thêm là công việc của đồng chí Ejov vẫn tốt đẹp. Đồng chí ấy đã bắt tay vào việc một cách kiên quyết, theo kiểu Stalin".
Việc bổ nhiệm Dân ủy Nội vụ chỉ là giao thêm chức cho Ejov chứ không phải thăng chức (các chức vụ Đảng của ông cao hơn nhiều). Nhưng Stalin tìm thấy ở Ejov một người thừa hành siêu hạng. Ông là người từ ngoài được cử về lãnh đạo Cơ quan dân ủy Nội vụ, không dính líu với ai, không hàm ơn ai, khác với Yagoda đã bám rễ quá sâu vào mảnh đất an ninh, cho nên chắc sẽ phải hành động tích cực hơn gấp trăm lần so với Yagoda. Còn để lãnh đạo công việc của bộ máy Đảng, Stalin tìm được một người thông thái hơn: đó là Georgi Maximilianovich Malenkov.
Tại hội nghị Trung ương cuối tháng 2 năm 1937, Ejov phát biểu:
"Đã mấy tháng rồi, không thấy có lần nào có đồng chí lãnh đạo Bộ Kinh tế hoặc đơn vị sản xuất nào gọi điện bảo: "Này đồng chí Ejov, tôi thấy người này người kia đáng khả nghi hoặc việc này việc kia không ổn, đồng chí hãy tìm hiểu xem thế nào. Không có bao giờ! Trái lại, khi đặt vấn đề bắt một người nào đó là phản động, Trôtkít, một số đồng chí lại còn tìm cách bảo vệ".
Stalin có bài phát biểu "Về một số thiếu sót của công tác Đảng và những biện pháp đấu tranh chống Trôtkít và những kẻ hoạt động hai mặt". ông gọi Trôtkít là "một băng đảng hiếu chiến và vô nguyên tắc của những kẻ phản động, biệt kích, gián điệp và giết người, hoạt động theo chỉ thị của các cơ quan an ninh nước ngoài".
Hội nghị ra Nghị quyết "Tiếp tục và hoàn thiện việc tổ chức lại bộ máy Cơ quan dân ủy Nội vụ, đặc biệt là Tổng cục An ninh quốc gia, làm cho nó trở thành một cơ quan thực sự chiến đấu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ Liên Xô giao cho là bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội".
Tại cuộc họp với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ, Ejov nói: "Các đồng chí đừng thấy tôi bé thế này mà tưởng nhầm. Tay tôi rắn lắm đấy - và vươn hai tay ra phía trước. - Tôi có đủ sức lực để tiêu diệt tất cả những bọn Trôtkít và bọn theo Zinoviev, Bukharin...".
Tiếp đó, nhìn chăm chú vào mặt những người có mặt ở cuộc họp, ông nói tiếp:
- Thế nhưng trước hết chúng ta cần phải làm trong sạch bộ máy của chúng ta để không có những phần tử mà theo thông tin tôi có được, cố tình kìm hãm cuộc đấu tranh của chúng ta với những kẻ thù của nhân dân. Xin nói là tôi sẽ bỏ tù và bắn bỏ tất cả những ai cản trở sự nghiệp đấu tranh của chúng ta - bất kể chức vụ và cấp bậc nào.
Ejov đã thay 5 nghìn cán bộ trong số 25 nghìn cán bộ cơ quan an ninh.
Trong một bức điện của Ban chấp hành Trung ương tháng 6/1937 do Stalin ký, gửi các tỉnh ủy và nước cộng hoà, có nói rằng "Những Ku lắc sau khi đi cải tạo về là những thủ phạm chính của các hoạt động phản kháng chống chính quyền Xô viết, và đề nghị giám sát chặt chẽ họ, những kẻ ngoan cố nhất trong số đó thì bắt và xử bắn theo trình tự vụ việc của họ và do "bộ ba" quyết định. "Bộ ba" bao gồm Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ và Trưởng cơ quan Kiểm sát".
Trong mấy tháng này, Ejov có mặt ở phòng làm việc của Stalin liên tục, nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác. Và cuộc khủng bố lớn bắt đầu.
Stalin, Ejov, Vyshinsky ký văn bản tháng 7 năm 1937 chỉ đạo "việc thủ tiêu tàn tích của các giai cấp thù địch: cựu Ku lắc , các phần tử chống chính quyền Xô viết và các tên tội phạm hình sự".
Ejov ký lệnh số 00447 về việc bắt đầu một chiến dịch bốn tháng kể từ đầu tháng 8 năm 1937, giao chỉ tiêu bắt người cho các tỉnh, vùng, không cần tuân thủ đầy đủ các thủ tục tố tụng và không cần báo trước. Dự kiến xử bắn 76 nghìn người trong toàn quốc và bắt đi cải tạo 200 nghìn người.
Ngoài ra, Ejov còn lập các danh sách những cán bộ là "kẻ thù của nhân dân" đưa lên Stalin, Molotov và các Ủy viên Bộ Chính trị duyệt. Những người này phải đưa ra toà án binh, và bản án đã được tuyên trước: tử hình! Đã có 383 bản danh sách như thế.
Ngày 15/8, Ejov ký lệnh số 00486 về việc bắt vợ những kẻ phản quốc, các thành viên tổ chức phản động, trốt-kít. Đối với con họ, lớn thì vào trại cải tạo, bé thì vào trại trẻ mồ côi.
Tôi hỏi cháu nội của Molotov là V.A.Nikonov (V.M.Molotov họ thật Nikonov): liệu V.M.Molotov sau này có ân hận về các cuộc thanh trừng ấy không?
V A.Nikonov trả lời:
- Họ sợ nguy cơ của một cuộc can thiệp và nội chiến mới, nên cho rằng cần phải loại trừ nguy cơ từ bên trong, cần phải loại bỏ tất cả những ai có vẻ nghi ngờ.
Một khi guồng máy thanh trừng bắt đầu chạy, thì kiểm tra mức độ phạm tội của từng người là điều không làm được.
Stalin giải thích về mối đe doạ bên trong này giản dị và dễ hiểu: "Để xây dựng Nhà máy thủy điện Dnieproges, cần huy động hàng vạn công nhân. Thế mà để phá nó, chỉ cần vài chục người, không hơn. Để thắng một trận trong chiến tranh, cần vài quân đoàn Hồng quân. Thế mà để làm thất bại trận đánh, chỉ cần vài tên gián điệp ở đâu đó trong Bộ tham mưu thậm chí ở cấp sư đoàn lấy cắp kế hoạch tác chiến đem cho địch là đủ".
Vì thế mà phải dọn dẹp nguy cơ của "đội quân thứ năm" trước chiến tranh. Stalin và Bộ Chính trị nhớ rằng trong thời gian nội chiến, chính quyền Xô viết đã ngàn cân treo trên sợi tóc như thế nào, do vậy mà phải lo trước. Nội chiến, thanh đảng, đấu tranh với phe đối lập diệt Ku lắc, tập thể hoá, toàn bộ những quá trình đó động chạm số phận hàng chục triệu con người.
Trong tù, những người bị bắt sợ nói chuyện với bạn tù, vì đa số ai cũng cho rằng mình vô tội, sợ bắt chuyện phải kẻ có tội thật hoặc kẻ trà trộn để chỉ điểm. Đa số cho rằng mình bị bắt oan, và tin rằng sẽ có ngày Stalin biết được và sẽ giải oan cho họ. Nhiều người xin giấy bút để viết đơn, thư.
Những cố gắng để tìm cách cứu vớt ai đó đều rất ít khi thành công. I.M.Gronski - Tổng Biên tập báo "Tin Tức" và tạp chí "Thế giới mới", Tổng Thư ký Hội nhà văn và quan trọng hơn, có mối liên hệ với Stalin, đã tìm cách cứu nhà thơ tài năng Pavel Nicolaevich Vassiliev bị bắt năm 1937. Ông kể: "Khi Vassiliev bị bắt, tôi gọi điện hai ba lần cho Ejov, cuối cùng cãi nhau. Tôi gọi cho Stalin. Đã diễn ra một cuộc nói chuyện gay gắt. Cũng không kết quả gì. Thế là tôi đi gặp Kalinin, Mikoian, Molotov. Tất cả đều muốn cứu Vassiliev, nhất là Mikoian. Nhưng đều không làm gì được cả. Và nhà thơ xuất sắc đầy tài năng, có lẽ là lỗi lạc nhất sau Maiakovski đã bị hy sinh oan uổng".
Stalin chắc phải ngán ngẩm lắm với những lời thỉnh cầu tha cho người này, thả người kia. Tại sao cấp dưới thân cận của ông không hiểu được rằng cần phải làm như thế? Rằng toàn bộ ý nghĩa của việc thanh trừng là ở tính chất toàn thể và đại trà? Không có ngoại lệ! Hồ sơ được lập đối với tất cả mọi người, kể cả các ủy viên Bộ Chính trị, và nếu cần, bất kỳ ai trong số họ, bất cứ lúc nào, cũng có thể bị bắt và đặt câu hỏi: tại sao ông ta lại bị bắt? - chỉ là thừa.
V.V. Ulrich, Chánh án Tòa quân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô báo cáo rằng qua hai năm Ejov làm Dân ủy Nội vụ, Toà đã tuyên án tử hình 36.514 người, bỏ tù 5.643 người - tổng cộng 42.157 người. Mỗi hồ sơ họ thường xem không quá 10 - 15 phút, nếu không thì không thể kịp giải quyết được tất cả các vụ việc.
Năm 1937, trong cả nước có 936.000 người bị bắt vì các tội phản cách mạng, và xử bắn 353.074 người (tức là cứ 3 người thì tử hình hơn 1 người); năm 1938 bắt 638.509 người, xử bắn 328.618 (tức là cứ 2 người thì bắn 1 người). Một triệu ba trăm nghìn người tiếp tục ngồi trong các nhà tù. Năm 1937, riêng về tội làm gián điệp, Bộ nội vụ đã kết án 93 nghìn người. Đất nước có nhiều gián điệp đến như thế!
 NGUYÊN SOÁI TUKHACHEVSKI
Dưới sự lãnh đạo của Stalin, Ejov đã tiến hành thanh lọc Hồng quân. Bắt đầu bằng việc tử hình Nguyên soái Tukhachevski và bảy tướng lĩnh cao cấp khác. 

Tukhachevsky in winter uniform.jpg
Tukhachevsky trong quân phục mùa đông với cấp bậc Tư lệnh quân khu (Командующий войсками военного округа).
Tiểu sử
Sinh 16 tháng 2, 1893
Smolensk, tỉnh Smolensk, Nga
Mất 12 tháng 6, 1937 (44 tuổi)
Moskva, Liên Xô

Tukhachevski là một Nguyên soái tài năng, và vụ án Tukhachevski rất không đơn giản. Có những người đến nay vẫn cho rằng Tukhachevski đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Trotxki sau khi Trotxki bị trục xuất, và chuẩn bị đảo chính quân sự để lật đổ Stalin. Những tài liệu của Tòa chống lại Nguyên soái và các đồng chí của ông được họ cho là thật. Trong số những người bất bình với việc tử hình Tukhachevski cũng còn có những người cho rằng không có lửa làm sao có khói, chắc là vị Nguyên soái đầy tham vọng đã ấp ủ những kế hoạch chính trị nào đó.
Trên thực tế, tên tuổi Tukhachevski xuất hiện trong hồ sơ của cơ quan an ninh từ lâu trước khi diễn ra vụ án.
Tiến sĩ sử học Oleg Khlevnhuk tìm thấy trong các hồ sơ lưu trữ đã được công khai hóa những tài liệu cho biết lần đầu tiên cơ quan an ninh đã đề nghị bắt Tukhachevski là vào năm 1930. Các cán bộ của Cục Chính trị quốc gia (ủy ban đặc biệt) đã khám phá một "vụ âm mưu thông thường ở Học viện Quân sự, và những người bị bắt và bị hỏi cung đã khai ra đầu sỏ của vụ này là Tukhachevski."
Ngày 10/9/1930, Chủ tịch ủy ban đặc biệt Menjinski báo cáo với Stalin lúc đó đang nghỉ ở miền Nam:
"Việc bắt từng người một dễ hỏng việc. Có thể có hai cách: hoặc là lập tức bắt tất cả những thành viên chủ chốt của nhóm; hoặc là tạm thời tiến hành những biện pháp phòng ngừa và đợi đồng chí về. Song cần phải báo cáo với đồng chí rằng hiện tại các nhóm phiến loạn đang hoạt động tích cực, cho nên cách thứ hai là tương đối mạo hiểm. Stalin không vội trả lời bức điện của Chủ tịch ủy ban đặc biệt. Ông điện cho Ordjonikidze: "Thế nghĩa là: Tukhachevski là tù nhân của các phần tử chống chính quyền Xô viết và bị tiêm nhiễm bởi các tài liệu chống Xô viết của phái hữu. Theo các tài liệu thì như thế. Liệu điều đó là có thể chăng? Tất nhiên là có thể, một khi nó không bị loại trừ".
Thật là một phản ứng bất ngờ? Nghĩa là Stalin công nhận rằng những tài liệu và kết luận của cơ quan an ninh có thể đúng, mà cũng có thể là không đúng. Thành ra họ khám phá vụ này là uổng công hay sao? Mùa thu năm ấy, Stalin, Ordjonikidze và Vorosilov gọi Tukhachevski đến "cạo" cho một trận, rồi cho thả những người bị bắt.
Đáng chú ý là các cán bộ đã khám phá hay "tạo dựng" ra vụ đó không ai bị nhắc nhở gì cả. Mà nhắc nhở gì mới được? Họ đã làm đúng bài bản lấy khẩu cung về mọi người để lập hồ sơ.
Còn Stalin thì lựa chọn cái ông cần, còn cái gì chưa cần thì cứ để đấy.
Mà Stalin đang cần Tukhachevski, biết rõ giá của Tukhachevski. Nhà lãnh đạo quân sự tài năng trở thành Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, được phong hàm Nguyên soái và được bầu vào dự khuyết Trung ương Đảng.
Nhưng năm 1937 đến lượt quân đội.
Một số nhà nghiên cứu lịch sử tin rằng nếu không phải là Tukhachevski làm gián điệp cho Đức, thì chắc chắn ông cũng là nạn nhân của phản gián Đức - chúng đã dúi cho tình báo Liên Xô những tài liệu giả để làm cho Stalin loại bỏ Tukhachevski... Song, Stalin đâu phải người dễ tin!


Andrey Bubnov, Maksim Gorky và Mikhail Tukhachevsky tại triển lãm nghệ thuật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga năm 1933
Nguyên soái Tukhachevski tất nhiên không làm gián điệp cho Đức, nhưng là người có xu hướng thiên Đức, ngưỡng mộ và học tập quân đội Đức, cũng như hầu hết cán bộ lãnh đạo Hồng quân vào thời gian đó. Khi xe tăng và máy bay Đức tấn công Liên Xô năm 1941, thì các sĩ quan chỉ huy Liên Xô trước đó không ngờ rằng vũ khí quân Đức sử dụng để đánh họ là do người Nga làm ra, và các tướng chỉ huy các binh chủng không quân, xe tăng và bộ binh Đức tấn công họ đã từng học các trường huấn luyện quân sự ở Liên Xô.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, hoà ước Vec-xay tước của nước Đức bại trận quyền sáng chế và sản xuất vũ khí hiện đại. Năm 1922, Liên Xô ký hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên giữa Hồng quân Liên Xô với quân đội Đức. Bộ Chính trị cho phép Đức xây dựng một số cơ sở quân sự trên lãnh thổ Liên Xô để tiến hành thử vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại và đào tạo đội ngũ. Đổi lại Đức chia xẻ với Liên Xô những thành tựu quân sự tiên tiến của mình. Trên tình thân đó, ở Lipetsk đã mở một trường đào tạo phi công cho Đức trên cơ sở trường dạy bay của hồng quân. Nhiều phi công cự phách của Đức sau này chính là đã qua trường này. Ở Kazan thì mở trường tăng, và người học sinh nổi tiếng nhất là Hains Guderian sau này là tướng chỉ huy binh đoàn xe tăng tấn công Liên Xô mùa hè 1941. Còn ở Samara thì đào tạo chuyên gia chiến tranh hoá học cho Đức, may thay, đã không được Đức sử dụng trong chiến tranh thế giới II. Không ít tướng lĩnh Đức đã từng học ở Liên Xô. Mười năm sau, tên tuổi của họ đã được cả thế giới biết đến ở Nuremberg. Đó là Thống chế Keitel - Tổng Tư lệnh quân đội, Thống chế Brauchich - Tư lệnh lục quân, thống chế Manstein đã chỉ huy chiến dịch chiếm Sevastopol và tàn phá Lêningrad.
Trong những năm đó, giới quân sự Liên Xô rất chú ý nghiên cứu kinh nghiệm quân sự của Đức. M.V.Frunze - người thay thế Trotski làm Dân ủy Quốc phòng, viết:
"Cho đến nay, Đức là quốc gia có hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất và hoàn thiện nhất".
Các tướng lĩnh Liên Xô thích phong cách thiên mạnh về tấn công của quân đội Đức.
Thậm chí năm 1933, khi Đức có Chính phủ mới do A.Hitler đứng đầu, sự hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn tiếp tục. Tháng 5 năm 1933, tại một cuộc chiêu đãi khách Đức, Thứ trưởng Quốc phòng Tukhachevski nói:
"Cái chia rẽ chúng ta là chính sách, chứ không phải là tình cảm - tình cảm hữu nghị giữa hai quân đội chúng ta. Chúng tôi với các ngài - Liên Xô với Đức - có thể đặt những điều kiện của chúng ta cho toàn thế giới, nếu chúng ta cùng đứng bên nhau".
Stalin tâm đắc với công thức ấy của Tukhachevski.
Bởi vì ông cũng là người chủ trương hợp tác chiến lược với Đức M.N.Tukhachevski đã từng phục vụ trong quân đội Nga hoàng. Trong thời gian nội chiến đã chỉ huy quân đoàn và các mặt trận, trong đó có mặt trận phía tây chống Ba Lan năm 1920.
Năm 1935, khi lập ra quân hàm Nguyên soái, năm người đầu tiên được phong Nguyên soái là Dân ủy quốc phòng Voroshilov, tư lệnh quân đoàn đặc biệt Viễn đông - V K.Bliukher, chỉ huy kỳ binh đoàn - S.M.Budionưi, Tổng tham mưu trưởng Quân đội - A.I.Egorov, và M.N.Tukhachevski. Trong năm Nguyên soái đó, ba người sẽ bị giết, Stalin chỉ giữ lại Voroshilov và Budionưi. 

5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô. M. N. Tukhachevsky ngồi hàng đầu, bên trái
Tukhachevski là nhà chiến lược cao hơn hẳn những người khác một cái đầu. Ông là người đầy tham vọng, khao khát thắng lợi và vinh quang, ở đâu cũng muốn là người đứng đầu. Người ta gọi ông là Bonapart (tức Napoléon) trẻ tuổi. Có thể tham vọng của ông là đứng đầu nước Nga Xô viết, và lo ngại của Stalin không phải là vô cớ!
Trong ban lãnh đạo Hồng quân thực sự có hai trường phái: Trường phái thứ nhất do đội cận vệ già đứng đầu: Voroshilov, Egorov, Budionưi, Bliukher, quen chiến đấu như đã chiến đấu trong nội chiến - chủ yếu bằng súng và gươm, và quen dùng kỵ binh thay vì xe tăng. Trường phái thứ hai gồm Tukhachevski, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng - Ia.B.Gamarnik, và Tư lệnh Quân khu Kiev - I.E.Yakir, chủ trương đưa kỹ thuật quân sự mới vào quân đội theo dõi tư tưởng quân sự hiện đại và sử dụng xe tăng, máy bay, thành lập các binh đoàn cơ giới và đổ bộ bằng không quân. Nhưng sự bất đồng giữa họ không mang tính chất chính trị, chỉ là sự khác biệt và tranh luận mang tính nghề nghiệp. Nhiều lắm, thì chỉ là Tukhachevski và các đồng minh của ông cho rằng ông già Voroshilov - người chưa từng đi học cái gì ở đâu cứ bám giữ mãi kinh nghiệm vẻ vang của quân đoàn kỵ binh trong cuộc nội chiến và cho thế là đủ để đối phó với một cuộc chiến tranh mới, một người có tư duy như thế không xứng làm Dân ủy Quốc phòng. Ba năm sau, chính bản thân Stalin cũng đi đến kết luận như thế. Đó là sau cuộc chiến tranh Phần Lan vụng về và kém cỏi, Stalin bãi chức Dân ủy Quốc phòng của Voroshilov, còn sau này, trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại sẽ chỉ cử ông lãnh đạo phong trào du kích.
Nghiên cứu các thông tin và tài liệu có được, ta có thể thấy rằng những suy nghĩ và kế hoạch của Tukhachevski hoàn toàn gắn với công tác quân sự.
Những tham vọng của ông mang tính chất binh nghiệp chứ không phải chính trị. Dân ủy Quốc phòng thì ông muốn làm và sẵn sàng làm, nhưng làm người đứng đầu đất nước thì không.
Thế thì tại sao Stalin lại quyết định diệt ông?
Nikita Sergeevich Khrushov là người đầu tiên nói tại phiên bế mạc Đại hội 20 rằng trong khi chuẩn bị tấn công Liên Xô, Hitler đã tung tin giả về việc Tukhachevski và một số tướng lĩnh cao cấp của Hồng quân là điệp viên của Bộ Tổng tham mưu Đức.
Tukhachevski đã sang Đức sáu lần, không kể lần bị bắt làm tù binh hồi chiến tranh thế giới thứ nhất. Người Đức còn giữ lại một số giấy tờ có ký tên ông. Cơ quan mật vụ Đức đã dựa vào những chữ ký đó để làm giả cặp hồ sơ mật trình cho Stalin.
Giả thuyết đó đã được người lãnh đạo cơ quan tình báo Đức là Walter Shelenberg xác nhận. Shelenberg dẫn lời Reihard Heidrich - Giám đốc Tổng cục An ninh quốc gia Đức nói rằng: "Giữa tháng 6 năm 1936, Skoblin, nguyên là Tướng của quân đội Sa hoàng, làm việc cho cả tình báo Liên Xô và tình báo Đức, thông báo rằng một nhóm tướng lĩnh cao cấp của Hồng quân đứng đầu là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên soái Tukhachevski có quan hệ chặt chẽ với Bộ Tổng tham mưu Đức và đang chuẩn bị một vụ đảo chính chống Stalin".
Đức quyết định ủng hộ Stalin chứ không phải Tukhachevski, và làm một hồ sơ giả tố cáo Tukhachevski để chuyển cho Matxcơva. Hồ sơ do Tổng thống Tiệp Khắc lúc đó là Benesh chuyển.
W. Shelenherg là một nhà tình báo có tên tuổi, ai cũng thừa nhận. Nhưng trong trường hợp này, ông ta kể sự việc theo lời người khác. Hồ sơ về Tukhachevski mà Shelenberg kể, người ta không tìm thấy cả trong kho lưu trữ của Liên Xô cũng như của Đức. Còn tướng Bạch vệ Skoblin không tham gia gì vào vụ này.
Thời Yeltsin, một ủy ban của Tổng thống về vấn đề phục hồi các nạn nhân chính trị đã nghiên cứu kỹ lưỡng "vụ án Tukhachevski". Lục lại hồ sơ nhiều tập của vụ án, không có trang nào, chỗ nào nói đến việc cơ quan điều tra có trong tay một chứng cứ quan trọng là "hồ sơ về Tukhachevski" của Bộ Tổng tham mưu Đức.
Bản thân việc đặt vấn đề là bộ máy thanh trừng cần đến chứng cứ và bằng chứng đã chứng tỏ sự không hiểu biết đầy đủ về Stalin. Để tiến hành cuộc thanh lọc khổng lồ đối với quân đội, ông không cần đến các hồ sơ của Đức. Ông có các chứng cứ sắc bén hơn để kết án họ.
Một khi Stalin đã cho rằng Tukhachevski âm mưu đảo chính, thì nhiệm vụ của các cán bộ điều tra là tìm kiếm những bằng cứ giống với sự thật và khai thác lời khai và thú tội của các bị cáo để chứng minh điều đó.
Tukhachevski quả đã là nạn nhân của tình báo, nhưng không phải là tình báo Đức, mà tình báo của ta!
Bộ phim truyền hình nhiều tập "Chiến dịch Trest" đã phản ánh một trong những chiến công bất hủ của tình báo Liên Xô. Trong chiến dịch này, các chiến sĩ tình báo Liên Xô đã tung sang phương Tây các thông tin giả về Hồng quân. Chính các sĩ quan ở bộ tham mưu và các chiến sĩ quân báo là người soạn thảo các thông tin giả này. Công việc này được sự đồng ý ở cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng là Thứ trưởng Tukhachevski. Sau này, khi xét xử ông, người ta buộc tội ông đã cung cấp thông tin về Hồng quân cho kẻ thù. Ngoài ra, để làm tăng thêm tính hấp dẫn của tổ chức chống đối bí mật trong nước nhằm nhử Bạch vệ Nga kiều, các chiến sĩ tình báo còn cho biết là cả Tukhachevski cũng tham gia tổ chức đó. Sau đó họ chợt nghĩ lại rằng như thế là đi quá xa.
Tên Tukhachevski cho đến cuối chiến dịch không được nhắc đến nữa. Nhưng cũng đã muộn.
Mặt khác, phương Tây tin rằng Nguyên soái trẻ tuổi Tukhachevski là người cầm đầu phái quân sự đối lập Với Stalin. Báo chí phương Tây cũng viết nhiều về vấn đề này, và tình báo Liên Xô phản ánh lại cho Stalin.
Những điều đó lại càng củng cố ý kiến rằng Tukhachevski là một mối nguy hiểm.
Trên phố Nikolskaia gần điện Kremli hiện vẫn còn ngôi nhà nhỏ ba tầng. Tại đây, ngày 11/5/1937 đã diễn ra phiên toà xét xử "tổ chức quân sự trốt-kít chống chính quyền Xô viết", không có luật sư bào chữa, không có nhân chứng. Chủ toạ phiên toà là luật sư quân đội V.V. Ulrich. Tám tướng lĩnh cao cấp của Hồng quân đứng đầu là Tukhachevski bị xử tội phản quốc.
Ngày 11/6 cả tám người bị tuyên án tử hình và bị bắn ngay dưới tầng hầm của ngôi nhà trên phố Nilcolskaia - nơi đã diễn ra phiên toà.
Tháng 7/1937, Ejov trình lên Stalin một danh sách 138 cán bộ cao cấp của quân đội để xử bắn, tháng 9 trình một danh sách nữa gồm 292 người. Ba trong số năm Nguyên soái Liên Xô đã bị xử bắn trước chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tại cuộc họp Hội đồng quốc phòng ngày 29/11/1938, Đảng ủy Quốc phòng Voroshilov báo cáo về kết quả chiến dịch thanh lọc quân đội 1937 - 1938: "Thời gian qua, chúng ta đã loại bỏ hơn bốn mươi ngàn người. Đây là một số lớn. Nhưng chính vì chúng ta đã loại bỏ không thương tiếc như vậy, mà chúng ta có thể nói rằng hàng ngũ của chúng ta vững mạnh, và thành phần Hồng quân giờ đây bao gồm những cán bộ chỉ huy tuyệt đối trung thành".

Stalin gọi đùa Ejov là "nhím con" (họ Ejov từ chữ "ej" tiếng Nga là con nhím - ND). N.I. Ejov chỉ cao có một mét sáu, gầy nhỏ - di chứng của một tuổi thơ vất vả và thiếu thốn. Thể trạng của Ejov cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý con người đòi hỏi một cái gì đó bù lại - có lẽ ở sự tàn nhẫn đối với người khác, nhất là kẻ dưới quyền. Stalin thích Ejov ở điểm Ejov thừa hành một cách tuyệt đối trung thành và chính xác ý chí của Thủ trưởng và không nề hà xắn tay làm bất kỳ công việc gì dù nhỏ và khó đến đâu, kể cả việc của cán bộ cấp dưới.
Ngày 27/1/1937, Ejov được phong hàm Tổng cao ủy An ninh quốc gia, ngày 17/7/1937 được tặng Huân chương Lê nin. Chủ tịch Xô viết tối cao Kalinin khi trao huân chương đã ca ngợi Ejov về những thành tích xuất sắc trong việc lãnh đạo công tác của Cơ quan dân ủy nội vụ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao". Nhận Huân chương từ tay Kalinin, Ejov phát biểu: "Người cán bộ làm việc ở các cơ quan an ninh - có nghĩa là một người Bônsêvích trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Chính phủ, với Đảng và lãnh tụ là đồng chí Stalin".
Ejov đang ở đỉnh cao danh vọng. Ông là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch ủy ban kiểm tra Đảng, ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Ông được bầu làm đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô và Xô viết tối cao một loạt nước cộng hoà tự trị.
Dưới thời Ejov, những người phụ trách công tác an ninh ở các nước cộng hoà, các Trưởng ty và Giám đốc Sở Nội vụ trở thành một trong những nhân vật "thét ra lửa" ở địa phương. S.F.Redens, phụ trách công tác nội vụ ở Karakhstan kể: có một lần trong khi uống rượu ở nhà nghỉ ngoại ô, Ejov bảo với mọi người:
- Các cậu sợ gì mới được? Toàn bộ quyền hành trong tay chúng ta - muốn bắt ai thì bắt, tha ai thì tha. Các cậu là Giám đốc Sở, mà lại sợ một anh Bí thư Tỉnh. Phải biết làm việc. Phải làm sao cho mọi người, từ anh Bí thư Tỉnh trở xuống, phải ở trong tay các cậu.
Nếu Ejov thực sự có nói như thế, thì Stalin lập tức được thông báo ngay, và chắc hẳn Stalin sẽ cho rằng Ejov không phải là khôn một khi nói ra những điều đó.
Không ai, kể cả Bộ Nội vụ có thể cao hơn Đảng!
Đến đầu năm 1938, Stalin hẳn cho rằng Eỉov đã hoàn thành sứ mạng của mình. Con đường thăng tiến của Ejov dừng lại ở chức ủy viên dự khuyết, mà không được vào chính thức Bộ Chính trị.
Ejov hoàn thành một công trình nhan đề: "Từ bè phái đến phản cách mạng " viết về cuộc đấu tranh chống phái Zinoviev, và gửi cho Stalin để xin ý kiến. Stalin tỏ ra không thích, vì ông nghĩ rằng làm Dân ủy thì cứ làm, còn sách đã có người khác viết. Trong động tác của Ejov, rất cần mẫn và đúng đắn đó, Stalin thấy ràng có vẻ Ejov đã bắt đầu nghĩ về vị trí và tên tuổi của mình.
Năm 1938, Ejov viết một công văn gửi Ban chấp hành Trung ương, Xô viết tối cao Liên Xô và Xô viết tối cao Cộng hoà liên bang Nga đề nghị đổi tên Matxcơva thành Stalinodar, muốn bằng việc đó nịnh Thủ trưởng. Nhưng Stalin không thích nữa rồi, vì ông cảm nhận được rằng điều đó sẽ không hay. Thế và giận dữ trách Eiov.
Có một người thừa hành ngoan ngoãn đúng là tốt, nhưng quá mức nhiều khi gây khó chịu. Stalin nghĩ đến việc cần một người mới, cũng cứng rắn, khắc nghiệt như thế, nhưng khôn hơn.
Ngày 21/1/1938, Bí thư Trung ương Đảng A.A.Jdanov đọc diễn văn kỷ niệm ngày mất của Lênin tại Nhà hát Lớn, nói: "Năm 1937 sẽ đi vào lịch sử như một năm mà Đảng ta đã giáng một đòn chí mạng vào những kẻ thù các loại và đội ngũ của Đảng trở nên vững mạnh hơn.
Điều đó một phần quan trọng là nhờ vào công tác tình báo Xô viết đứng đầu là đồng chí N.I.Ejov".
Và đấy là những lời ca ngợi cuối cùng đối với Ejov.
Trong tháng năm 1938, Trung ương Đảng ra hai nghị quyết: một nghị quyết "Về những vụ cho thôi việc không đúng đối với những người nhà của những người bị bắt vì tội phản cách mạng", và một nghị quyết nữa "Về khuyết điểm của các tổ chức Đảng trong việc khai trừ đảng viên và thái độ hình thức , quan liêu đối với việc giải quyết các đơn từ của các đảng viên bị khai trừ ". Trình bày báo cáo về hai nghị quyết trên là G.M.Malenkov -người thay thế Ejov trên một trong những chức vụ của ông là Trưởng ban Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng. Đối với những người theo dõi tình hình, thì điều này có nghĩa là mọi người không hài lòng với công tác của Ejov, thời của ông ta sắp hết, và ông sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những việc làm sai trái bấy lây nay.
Bộ Nội vụ lại tiến hành bắt bớ, nhưng lần này là bắt những người mà Ejov đã cất nhắc: các phó của ông ta và Cục trưởng các cục tác chiến, bộ máy Bộ Nội vụ thì được tăng cường thêm những cán bộ ở Ban phụ trách cán bộ lãnh đạo của Trung ương Đảng.
Tháng tám, Ejov có thêm một người phó thứ nhất hoàn toàn mới: đó là L.P.Beria. Đối với Beria, một Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Gruzia, thì việc được điều về làm Thứ trưởng thứ nhất rõ ràng là một sự giáng chức. Đến tháng 11 , các quyết định và các lệnh của Bộ Nội vụ có hai chữ ký: của Ejov và của Beria - điều trước nay chưa từng có.
Ngày 17/11/1938, Trung ương Đảng và Chính phủ ra một nghị quyết nữa "Về các vụ bắt bớ, về việc điều tra và giám sát pháp luật", phê phán những khuyết điểm nghiêm trọng của Bộ Nội vụ, quyết định hủy bỏ cơ chế "bộ ba", mà tiến hành bắt người chỉ với quyết định của Toà án hoặc Viện kiểm sát. Nghị quyết này được đón nhận như tín hiệu dừng các cuộc thanh trừng hàng loạt lại. Nhưng không phải. Khủng bố vẫn được tiếp tục dưới thời Beria. Nghị quyết lại còn giúp tìm thêm các kẻ thù của nhân dân ở bên trong Bộ Nội vụ. Hiện tại, nghị quyết chỉ như là bản án tử hình đối với Ejov.
Và đương sự, lẽ dĩ nhiên, hiểu điều này.
Ngày 8/4/1938 Ejov được cử kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Vận tải đường sông. Với Yagoda cũng đã hệt như thế.
Tháng mười, vợ Ejov - Evghenia bị stress, phải đưa đi dưỡng bệnh ở nhà an dưỡng ngoại ô mang tên Vorovski. Người ta cũng đã "may" xong hồ sơ cho bà.
Mấy tuần dưỡng bệnh và điều trị không mang lại kết quả gì. Bà uống một số lượng lớn thuốc ngủ lumioral và qua đời ngày 21/11. Bà được chôn ở nghĩa địa Donskoi.
Tại lễ mai táng, Ejov không có mặt (ông còn lòng dạ đâu để làm điều đó). Những ngày cuối cùng của ông ngoài tự do đang tính từng ngày. Đây là một đoạn thư của vợ Ejov trước khi chết viết cho chồng:
"Em khẩn thiết đề nghị anh, anh Cô-li-a, hãy kiểm điểm lại toàn bộ cuộc đời em, toàn bộ con người em, xem em có phải là con người hai mặt và tham gia vào các tội ác nào đó như người ta buộc tội cho em không?
Em không có tội trước đất nước và trước Đảng. Vì tội gì anh Cô-li-a, mà em phải chịu những đau khổ mà con người ta khó có thể nghĩ ra được như vậy? Nằm trong tù một mình và lý lịch bị hoen ố, trong đầu cứ xói mãi một ý nghĩ: Sống làm gì? Để chuộc tội lỗi gì mà tôi phải chịu đựng những đau khổ trên cả mức chịu đựng của con người?" Stalin gọi Ejov lên, khuyên cắt đứt với vợ vì chị ta có những mối quan hệ đáng nghi. (Evghenia là một phụ nữ trẻ, duyên dáng, không sâu sắc, sự thật cũng thích giao du với giới văn nghệ sĩ, trong đó gần gũi với E.Babel, O. Shmidt và M.Sholokhov. Sau này Babel bị xử bắn, còn Shmidt và Sholokhov thì may mắn không bị).
Còn sau đó thì các nhân vật điều tra sáng tác thêm ra rằng vợ Ejov được tình báo Anh đặt vấn đề hợp tác từ năm 1926, sau đó với cả Ejov nữa. Do đó Ejov phải đầu độc vợ để khỏi bị khai ra.
Tháng Mười năm đó, Dân ủy Nội vụ Ucraina là A.I.Uspenski sau khi nói chuyện điện thoại với Ejov, qua giọng nói của Ejov hiểu rằng tình hình xấu, đã quyết định bỏ trốn. Ông để lại một mảnh giấy: "Tôi từ giã cuộc đời" ở trên bàn làm việc. Người ta tìm thấy quần áo của ông trên bờ sông Dniepr, nhưng thợ lặn không tìm thấy xác ông. Trong khi đó ông ẩn náu ở các nơi trong nước. Nhưng một tháng sau người ta vẫn tìm thấy ông, và một năm sau thì bị bắn.
Còn Ejov thuộc số những người không hề tìm cách chạy trốn cái chết. Trong những tháng cuối cùng, ông uống rượu nhiều và không làm chủ được bản thân.
Hai tuần trước khi bỏ tù Ejov, Stalin bắt Ejov viết tay ra xem những ai trong các lãnh đạo cao cấp kể cả ủy viên Bộ Chính trị bị tố cáo và tố cáo về tội gì, Bộ Nội vụ kiến nghị xử lý thế nào. Được một danh sách khá dài. Phải viết tay, vì Stalin cho rằng bản đánh máy có thể làm giả. Stalin giữ tài liệu này trong tủ hồ sơ lưu trữ của mình cho đến tận khi chết. Nội dung những lời tố cáo các ủy viên Bộ Chính trị không có gì đặc sắc lắm: có trích dẫn một số phát biểu có hàm ý hoặc có vấn đề, một số trường hợp nâng đỡ người quen biết v.v... Nhưng quan trọng là bản thân việc có và lưu giữ tài liệu đó. Nó cho thấy rằng trong trường hợp cần thiết cũng có thể có những tài liệu như thế đối với những người khác.
Cái cớ để bắt Ejov là bức thư của Giám đốc Sở nội vụ tỉnh Ivanovo là V.Juravlev, về việc Ejov đỡ đầu cho một số phần tử đáng ngờ. Chỉ có thể viết bức thư như thế khi tác giả của nó biết chắc rằng số phận Ejov đã được định đoạt. Juravlev được Stalin ngợi khen và chuyển lên Matxcơva, đến thời Beria thì bị xử bắn.
Ngày 23/11/1938 Stalin gọi Ejov lên làm việc. Ejov ngồi trong phòng làm việc của Tổng Bí thư gần bốn tiếng đồng hồ: từ 9 giờ 15 tối đến một giờ đêm. Cùng dự có Molotov và Voroshilov.
Sau khi ra về, ngay trong đêm đó, Ejov viết bản tự kiểm điểm, nhận sai lầm, khuyết điểm trong công tác, xin từ chức và hứa sửa chữa khuyết điểm, chuộc lại lỗi lầm trong bất kỳ nhiệm vụ nào khác mà Đảng giao phó.
Kể cả một người như Ejov mà cũng có phần ngây thơ, biết rằng sẽ bị mất hết chức (ừ thì sẽ bị bắt, nhưng không thể bị bắn - vì tội gì mà bắn kia chứ?), mà không hiểu rằng Ejov và ê kíp của ông ta đã trở thành đồ bỏ đi.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ bây giờ là một ê kíp mới đứng đầu là Beria. Họ tìm cách giũ bỏ lãnh đạo cũ. 

Trong phiên bản gốc của ảnh này (trên cùng), Yezhov hiển thị rõ bên phải bức ảnh. Phiên bản sau (dưới cùng) đã được thay đổi bởi kiểm duyệt, loại bỏ tất cả các dấu vết của sự hiện diện của ông.

Việc thay đổi lãnh đạo Bộ Nội vụ có lợi về mặt dư luận, để có thể đổ mọi trách nhiệm và những sai lầm trong thời gian qua lên đầu Ejov và ban lãnh đạo cũ, để thấy rằng Đảng đã nghiêm khắc trừng trị những kẻ vượt quá quyền hạn, vi phạm pháp luật.
Sau buổi làm việc với Ejov, Stalin ký một quyết định của Bộ Chính trị, tương đối ôn hoà, cho Ejov thôi chức Dân ủy Nội vụ, vẫn giữ chức Bí thư Trung ương Đảng và Dân ủy Vận tải đường sông.
Ngày hôm sau, 25/11, Beria được bổ nhiệm chức Dân ủy Nội vụ.
Ejov vẫn không được yên. Ngày 10/1/1939, Thủ tướng Chính phủ Molotov ký một quyết định:
l. Cảnh cáo đồng chí Ejov về việc thường xuyên đi làm muộn hoặc vắng mặt ở Bộ Vận tải đường sông, không quán xuyến được công tác của Bộ.
2. Đồng chí Ejov phải sửa chữa thiếu sót và lãnh đạo một cách bình thường công tác của Bộ Vận tải đường sông.
Sau đó, Bộ Vận tải đường sông bị tách ra làm hai bộ: Bộ Hàng hải và Bộ Đường sông. Ejov trở thành mất chức, vì bộ mà ông ta lãnh đạo không còn.
Ngày 10/4/1939, Georghi Maximilianovich Malenkov, vừa mới được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban phụ trách cán bộ lãnh đạo - chức vụ mà Ejov lúc đang sung sức và đang lên đã đảm nhiệm - mời Ejov lên gặp.
Tại phòng làm việc của Malenkov, nguyên Dân ủy Nội vụ đã bị bắt. Lệnh bắt do Dân ủy Nội vụ mới - Lavrenti Pavlovich Beria ký.
Ở trong tù, Ejov bị ốm - ông bị lao và người ta đưa ông vào bệnh viện nhà tù, ở đó ông được điều trị dưới biệt danh "bệnh nhân số l".
Ejov bị buộc tội "có liên lạc với tình báo Ba Lan và Đức và với một số nhóm cầm quyền Ba Lan, Đức, Anh, Nhật, có âm mưu đảo chính dự định tiến hành vào ngày 7/11/1938". Bản thân Ejov công nhận là tình báo Đức đã đặt vấn đề hợp tác với ông vào năm 1930, rằng ông "đã nhiều năm tiến hành hoạt động hai mặt, đấu tranh ngầm chống lại Đảng và nhân dân Liên Xô". Ông cũng nhận là có quan hệ với các phần tử Trotxki và tình báo nước ngoài. Tóm lại là Ejov nhận tất cả.
Trước khi diễn ra phiên toà, Beria đã vào tù gặp Ejov. Beria đã nói gì với Ejov? Có lẽ, như thông thường, ông ta khuyên Ejov nên thành khẩn thú nhận tội lỗi thì sẽ có thể được khoan hồng. Bởi vì tại phiên toà, khi phát biểu lời cuối cùng, Ejov nói: "Beria vừa gặp tôi hôm qua và có bảo tôi rằng, nếu tôi trình bày mọi việc một cách trung thực, thành khẩn, thì sự sống của tôi sẽ được bảo đảm".
Thực chất là tại phiên tòa, ông đã bác bỏ tất cả những lời buộc tội, và kết thúc lời cuối cùng của mình tại phiên toà như sau:
1 Số phận tôi đã được định đoạt rồi: chắc chắn là người ta không cho tôi sống. Tôi đề nghị một điều: hãy bắn tôi nhanh gọn, đừng làm tôi đau đớn thêm nữa.
2. Cả Tòa án, cả Trung ương đều không tin là tôi vô tội. Tôi đề nghị, nếu mẹ tôi còn sống, hãy trợ cấp cho tuổi già của bà và nuôi dưỡng đứa con gái nhỏ của tôi.
3. Đề nghị không bắt những người họ hàng của tôi vì họ hoàn toàn không có tội gì cả.
4. Đề nghị Tòa xem xét kỹ vụ Jurbenko, bởi vì tôi cho đấy là một con người trung thực và trung thành với sự nghiệp của Lênin - Stalin.
5. Tôi đề nghị nói với Stalin rằng trong cuộc đời chính trị của tôi, tôi chưa bao giờ lừa dối Đảng cả - hàng nghìn người biết rõ điều này. Những gì xảy ra là do sự đan xen của một loạt hoàn cảnh và không loại trừ có bàn tay kẻ địch. Hãy nói với đồng chí Stalin rằng tôi sẽ chết nhưng môi vẫn nhắc tên Stalin".
Phiên toà diễn ra trong một ngày 4/2/1940, kết án tử hình Ejov về tội "phản quốc, phản động, gián điệp, chuẩn bị tiến hành hoạt động khủng bố và giết hại những nhân vật đối lập".
Sau này con gái Ejov, mà khi ông bị xử bắn mới có sáu tuổi, có viết đơn đề nghị phục hồi danh dự cho bố vì - trong đơn viết - ông "là sản phẩm của chế độ độc tài đẫm máu thống trị khi đó. Lỗi của ông trước nhân dân Liên Xô cũng không nặng hơn lỗi của Stalin, Molotov, Kaganovich, Voroshilov, Vyshinski".
Nhưng Tòa quân sự của Tòa án tối cao tháng 6 năm 1998 đã ra quyết định bác bỏ đề nghị phục hồi danh dự cho N.I.Ejov.
Xem tiếp...

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 750

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                                        Tin tức Đông Tây - 1/8/2017
                                                   Tổng hợp tin nóng ngày 31-7-2017
                                                      Thời Sự Biển Đông Sáng 1-8-2017
                                                                           tin quân sự
 
Hàng loạt cán bộ cao cấp bị UBKTTW đề nghị xử lý kỷ luật
   
Thanh niên bị lưỡi cưa cắt nửa người tử vong khi xẻ gỗ

Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú

Dân trí Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
 >> Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu tẩu tán tài sản từ sớm
 >> Vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy hiện tượng bao che sai phạm?
 >> Truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, trong thời gian Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng các đồng phạm Vũ Đức Thuận, nguyên Uỷ viên HĐQT, cựu Tổng GĐ PVC và 3 thuộc cấp Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng Giám đốc; 
Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC, đã để công ty này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.


Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau một năm trốn truy nã
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau một năm trốn truy nã

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam” và các đơn vị thành viên; đồng thời ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng, Phạm Tiến Đạt.
Với tội danh tương tự của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, cùng ngày Bộ Công an cũng tiến hành khởi tố đối với đối tượng này.
Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn nên ngày 16/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Năm 2007, Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng...
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, Bộ Công an đã điều tra mở rộng và bắt giữ thêm bị can Đỗ Văn Hồng (SN 12/03/1967, 
trú tại đường Trần Hưng Đạo, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC- KB; Nguyễn Mạnh Tiến, (SN 18/8/1966, trú tại Tòa nhà CT5 Khu đô thị Mỹ Đình, Mễ Trì, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nguyên là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Cả 2 bị can trên đều bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong khi Trịnh Xuân Thanh đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế, chiều 15/3/2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), về hành vi “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Cùng bị khởi tố tại tòa về tội danh trên còn có các bị can: Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do); Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5; Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5; Thái Kiều Hương, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan.

Con đường thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Trước thực trạng PVC thua lỗ, nhưng vào tháng 9/2013 Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi vị trí “thuyền trưởng” PVC và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Sau đó không lâu, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Đến tháng 5/2015, Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 22/5/2016, Trịnh Xuân Thanh trúng cử Đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bầu cử ở tỉnh Hậu Giang.
Cuối tháng 5/2016, dư luận trong nước xôn xao về chiếc xe ô tô Lexus LX570 có giá trị gần 6 tỷ đồng gắn biển kiểm soát công vụ 95A-0699 lưu thông trên nhiều khu phố của Cần Thơ.
Cơ quan chức năng xác định, chiếc ô tô Lexus LX570 nói trên là phương tiện đi lại của ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ngày 9/6/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố, ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.
Cũng trong ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao UB Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Công an; Ban cán sự đảng các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tỉnh uỷ Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí, dư luận đã nêu về Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15/7/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với ông Trịnh Xuân Thanh.
Tại kỳ họp lần thứ 6 từ ngày 6-8/9, UB Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ban Bí thư sau đó đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Tuấn Hợp

Bình Dương: Xe hơi mở cửa, cô gái bị xe buýt cán chết

Chiếc xe hơi dừng theo chiều bị cấm và mở cửa khiến cô gái chạy xe máy phía sau loạng choạng, ngã ra đường, rồi bị xe buýt cán chết.

Lực lượng chức năng thị xã Thuận An phong tỏa hiện trường điều tra nguyên nhân vụ tai nạn - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG
Lực lượng chức năng thị xã Thuận An phong tỏa hiện trường điều tra nguyên nhân vụ tai nạn - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 14g, ngày 31/7 tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nạn nhân là chị  Huỳnh Bảo Ngọc (26 tuổi, ngụ Bình Dương)
Theo người dân tại hiện trường, vào thời điểm trên chị Ngọc chạy xe máy trên đường Phan Đình Phùng hướng từ thị xã Thuận An về TP. Thủ Dầu Một.
Khi đến phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, thấy xe hơi ở phía trước đang mở cửa thì loạng choạng tay lái rồi ngã ra đường. Đúng lúc này, xe buýt chạy theo chiều ngược lại không thắng kịp, đã cán qua người khiến chị Ngọc chết tại chỗ.
Được biết, đường Phan Đình Phùng cho phép xe máy chạy hai chiều và chỉ cho ôtô chạy một chiều. Khi xảy ra tai nạn, xe hơi đang dừng theo chiều cấm lưu thông.
Theo Đình Trọng - Tuổi trẻ

Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa

Thứ Ba, ngày 01/08/2017 07:55 AM (GMT+7)
Sự kiện:

Tin nóng

Lửa kèm theo khói đen bốc dữ dội tại nhà xưởng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM vào rạng sáng 1.8.

Clip: Khói lửa bao trùm xưởng sản xuất cao su ở Sài Gòn
5h sáng nay, người dân trên đường Võ Văn Vân (ấp 2A,xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nghe nhiều tiếng nổ lớn tại xưởng sản xuất cao su nên chạy đi kiểm tra thì tá hỏa phát hiện nhà xưởng đang bốc cháy. Phía trong xưởng nhiều người tháo chạy ra ngoài cầu cứu.
Lực lượng bảo vệ dân phố cùng người dân địa phương dùng nước, bình chữa cháy mini dập lửa nhưng bất thành do ngạt khói.
Chỉ trong tích tắc, lửa lan nhanh bao trùm nhà xưởng kèm theo cột khói đen bốc cao cả trăm mét. Đứng xa khu vực cháy 5km vẫn có thể nhìn thấy cột khói đen ngòm.
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 1
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 2
Lửa lan nhanh kèm theo cột khói đen khổng lồ
Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng PCCC huy động nhiều xe nước cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên do xưởng chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên việc khống chế đám cháy gặp nhiều khó khăn.
Đến 7h20 lửa cùng khói đen vẫn tỏa ra nghi nghút. Nhiều nhà dân xung quanh khu vực nhà xưởng đang di tản tài sản trong nhà ra ngoài.
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 3
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 4
Đám cháy đang uy hiếp cả chục nhà dân khu vực xung quanh
Đến 8h30, ngọn lửa đã được khống chế không cho cháy lan. Tuy nhiên khói vẫn còn bốc âm ỉ, lính cứu hỏa phải liên tục xịt nước vào bên trong.
Vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người nhưng làm nhà xưởng rộng cả ngàn mét vuông bị đổ sập, nhiều tài sản máy móc bị thiêu rụi.
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 5
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 6
Xưởng cao su ở SG cháy dữ dội, nhiều người lao ra từ biển lửa - 7
Một số hình ảnh tại hiện trường vụ cháy.
HN: Cháy lớn ở xưởng sản xuất bánh kẹo, 8 người tử vong
Ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở một khu xưởng sản xuất bánh kẹo, khiến nhiều công nhân gặp nạn.
Theo Dương Thanh (Dân Việt)

“Trịnh Xuân Thanh đầu thú đã mở ra cánh cửa giải quyết các vụ án”

Dân trí TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú đã mở ra cánh cửa để làm rõ những vụ án và thắc mắc mà dư luận râm ran bấy lâu nay. Việc ông Thanh ra đầu thú chưa thể được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vào lúc này...
 >> Trịnh Xuân Thanh đầu thú, kết thúc hành trình hơn 300 ngày lẩn trốn
 >> Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu tẩu tán tài sản từ sớm



TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao.
TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao.

-Thưa ông, sự việc Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - ra đầu thú sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt nào đang gặp phải trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án?
Có thể khẳng định rằng việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú đã mở ra những cánh cửa, khả năng rất lớn để làm rõ những vụ việc liên quan đến Thanh trong suốt thời gian vừa qua mà báo chí đã phản ánh và dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.
Chúng ta đã biết rằng, vào tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam” và khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh cùng rất nhiều đồng phạm khác liên quan đến việc lãnh đạo, điều hành gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Đến ngày 15/3/2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về hành vi “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Việc thứ ba sẽ làm rõ được khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, việc này cũng rất quan trọng, là tại sao Thanh điều hành PVC yếu kém mà lại được thăng quan tiến chức nhanh như vậy. Cụ thể, tháng 9/2013, khi Trịnh Xuân Thanh đang điều hành PVC, thua lỗ trầm trọng lại được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Sau đó ít lâu, Thanh tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương và đến tháng 5/2015, Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Đến ngày 22/5/2016 thì trúng cử Đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bầu cử ở tỉnh Hậu Giang.
Đó là một quá trình thăng tiến thần tốc và có thể coi sự việc của Trịnh Xuân Thanh là yếu kém trong công tác quy hoạch cán bộ. Việc xây dựng quy hoạch cán bộ đã được quy định rất cụ thể và được tiến hành theo trình tự chặt chẽ, thận trọng, kỹ lưỡng nhưng tại sao lại để xảy ra chuyện này? Thiết nghĩ những cơ quan, cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Thanh cần phải được các cơ chức năng làm rõ và theo tôi cũng phải được xử lý nghiêm minh.
Tôi hy vọng rằng Trịnh Xuân Thanh sẽ phải có trách nhiệm khai báo thành khẩn trước cơ quan điều tra Bộ Công an tất cả những việc đó.
Qua sự việc này tôi thấy cũng cần phải cảm ơn báo chí rất nhiều. Trong buổi đồng chí Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri mới đây, tôi rất may mắn được dự và phát biểu rằng: Quốc hội cần phát huy hơn nữa sự giám sát của nhân dân, các cơ quan báo chí. Đây là kênh thông tin rất quan trọng giúp Quốc hội phát hiện và ngăn ngừa vi phạm. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào phát huy tốt sự tham gia giám sát của nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng thì nơi đó sẽ làm tốt công tác tuyên truyền và chấp hành pháp luật.
Ví dụ, chỉ từ việc người dân phát hiện và báo đài vạch ra “cái biển xanh” của Trịnh Xuân Thanh và dưới sự chỉ đạo kiên quyết của đồng chí Tổng Bí thư, đã phát hiện cả một loạt cán bộ từ cấp Bộ đến cấp tỉnh có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Nếu người dân, báo chí không lên tiếng, đồng chí Tổng Bí thư không kiên quyết chỉ đạo thì rất có thể vụ việc này sẽ “chìm xuồng”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.

-Dư luận cho rằng nếu không có "ô dù" đủ mạnh thì Trịnh Xuân Thanh khó có thể làm được những việc như vậy?. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi cơ quan điều tra làm rõ trong thời gian tới?
Dư luận có quyền đặt ra những câu hỏi như vậy và trách nhiệm của cơ quan chức năng phải điều tra phải làm rõ vấn đề: Tại sao Trịnh Xuân Thanh làm ăn thua lỗ, đã được phát hiện rồi nhưng vẫn thăng tiến thần tốc như vậy?. Những ai đã nâng đỡ, che chắn cho Thanh?.
Tôi cho rằng nếu Trịnh Xuân Thanh khai báo thành khẩn những vấn đề trên này thì đây là căn cứ được cơ quan pháp luật nghiên cứu, xem xét khi quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự.
-Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú như vậy có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Pháp luật hiện hành quy định để được giảm án có mấy điều kiện như tự thú, khai báo thành khẩn, chủ động khắc phục hậu quả,... Tuy nhiên tôi đọc thông tin trên báo mới đây thấy nói Trịnh Xuân Thanh đã chủ động tẩu tán rất nhiều tài sản trước khi bị khởi tố.
Chính vì thế, để đạt được điều kiện xem xét giảm nhẹ, Trịnh Xuân Thanh phải khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm và phải tích cực khắc phục hậu quả.
Thanh là một nhân vật được dư luận quan tâm “đặc biệt”, vụ việc của Thanh đang được điều tra nên lúc này đặt vấn đề xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hinh sự, giảm án là quá sớm.
Như trên đã nói, nếu Thanh muốn được xem xét giảm nhẹ thì không có cách nào khác là phải khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra làm rõ được trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc nghiêm trọng này và chủ động khắc phục hậu quả.
-Việc tại sao Trịnh Xuân Thanh có thể bỏ trốn ra nước ngoài ngay trước thời điểm bị khởi tố cũng là vấn đề cần được làm rõ thời gian tới, thưa ông?
Hiện nay luật quy định mọi công dân có quyền xuất nhập cảnh nếu không bị hạn chế gì. Nếu khi chạy trốn Trịnh Xuân Thanh chưa bị hạn chế, chưa bị khởi tố, cấm xuất cảnh thì Thanh vẫn có quyền xuất cảnh bình thường.
Còn nếu đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc cấm xuất cảnh rồi mà Trịnh Xuân Thanh vẫn trốn ra nước ngoài được thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên tôi cho rằng đây cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm, thiết nghĩ trong thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này.
-Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)

Trịnh Xuân Thanh đầu thú: Ai vui, ai lo?

(Dân trí) - Đêm nay và nhiều đêm nữa, khi cả nước vui thì ở đâu đó, chắc chắn có người đang “tim đập, chân run”. Song, họ càng run sợ bao nhiêu thì nhân dân càng phấn khởi bấy nhiêu bởi niềm tin đang trỗi dậy.
 >> “Trịnh Xuân Thanh đầu thú đã mở ra cánh cửa giải quyết các vụ án”
 >> Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
 >> Đề nghị miễn nhiệm các chức vụ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa



Thông tin mới nhất và cũng nóng bỏng nhất, đó là ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Theo TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú đã mở ra cánh cửa để làm rõ những vụ án và thắc mắc mà dư luận râm ran bấy lâu nay.
Đây là một tin làm nức lòng với nhân dân cả nước bởi cuối cùng, nghi phạm đã phải trình diện trước cơ quan pháp luật. Song, có lẽ phấn khởi nhất chính là lực lượng công an mà cụ thể, những người trong ban chuyên án.
Việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt hay đầu thú, về bản chất không khác nhau nhiều bởi chỉ khi bị truy lùng gắt gao và biết mình không thể thoát được “lưới trời lồng lộng” thì một con người như Trịnh Xuân Thanh mới chịu đầu thú.
Thế là sau Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, giờ đây một lần nữa, Công an Nhân dân lại tiếp tục lập chiến công, thể hiện tài năng và bản lĩnh của mình.
Giống như lần bắt được Dương Chí Dũng, việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú tiếp tục xóa tan sự nghi ngờ lộ thông tin trong quần chúng nhân dân và ngay tại nghị trường, đã có đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi có hay không sự lộ bí mật, bao che từ phía lực lượng an ninh?
Giờ đây, các câu hỏi sẽ có câu trả lời. Việc có lộ thông tin hay không và nếu lộ thì ai để lộ? Không thể con sâu làm rầu nồi canh. Không để nhân dân nghi ngờ về cả một lực lượng an ninh sau những sự việc như thế này. Câu trả lời rồi đây chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ khi Trịnh Xuân Thanh khai báo.
Song, có một điều còn to lớn hơn, đó là không chỉ một tên tội phạm bị bắt mà quần chúng nhân dân đã thấy được quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Việc Dương Chí Dũng rồi Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ít nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân về công cuộc chống tham nhũng.
Cũng phái công bằng, công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng phát động và Luật phòng chống tham nhũng sau nhiều năm thực hiện đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Những vụ tham nhũng ngày càng nhiều, tinh vi và nghiêm trọng hơn với số tài sản ngày càng lớn.
Điều đó khiến quần chúng nhân dân thiếu niềm tin, thậm chí hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng. Đó là điều đau xót mà Đảng không thể chấp nhận bởi Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu thành lập cho đến nay luôn luôn lấy niềm tin và hạnh phúc của nhân dân làm nhiệm vụ tối thượng.
Việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú còn làm sáng tỏ nhiều điều. Từ có hay không việc tiết lộ thông tin đến ai đã bao che cho Thanh và những hành vi tham nhũng như thế nào sẽ được phơi bày ra ánh sáng pháp luật và để nhân dân được biết.
Tuy nhiên, trong cái vui chung, có lẽ không khỏi có người lo, thậm chí rất lo
Đó là những ai là đồng phạm của Trịnh Xuân Thanh trên con đường tha hóa và cả những ai o bế, tiếp tay cho Thanh trên con đường thăng tiến và phạm tội.
Không có họ, làm sao có Trịnh Xuân Thanh và không có họ, Trịnh Xuân Thanh cũng không thể tác yêu, tác quái.
Đêm nay và nhiều đêm nữa, khi cả nước vui thì ở đâu đó, chắc chắn có người đang “tim đập, chân run”. Song, họ càng run sợ bao nhiêu thì nhân dân càng phấn khởi bấy nhiêu bởi niềm tin đang trỗi dậy.
Có lẽ chưa bao giờ, công cuộc phòng chống tham nhũng được tiến hành bài bản, khoa học và mạnh mẽ như giờ đây với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều lực lượng. Mới đây, UBKT TW cũng vừa xem xét kỷ luật, đề nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật trong đó, có Thứ trường Hồ Thị Kim Thoa.
Xin một lần nữa, xin gửi lời chúc mừng đến lực lượng Công an Nhân dân, chúc mừng các cán bộ, chiến sĩ trong ban chuyên án.
Trịnh Xuân Thanh đầu thú – Ai vui, ai lo…?
Bùi Hoàng Tám

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên


Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới hôm 28/7.
Khi được hỏi về chiến lược đối với Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump nói rằng chính quyền của ông đủ khả năng để giải quyết vấn về Triều Tiên, song không đề cập cụ thể về kế hoạch của Nhà Trắng.
“Chúng tôi sẽ xử lý Triều Tiên. Chúng tôi có khả năng xử lý Triều Tiên. Vấn đề này sẽ được giải quyết. Chúng tôi sẽ xử lý tất cả mọi thứ", CNN dẫn lời ông Trump phát biểu với báo giới trước một phiên họp nội các.
Tong thong Trump tuyen bo se xu ly van de Trieu Tien hinh anh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Trước đó, tổng thống Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc không hành động trong vấn đề Triều Tiên, thể hiện sự thất vọng khi Bắc Kinh "chỉ nói" mà không làm.
"Họ (Trung Quốc) không làm gì cho chúng ta trong vấn đề Triều Tiên, chỉ nói suông thôi. Chúng ta không thể để điều này tiếp diễn", ông Trump viết trên Twitter ngày 30/7. Theo ông, "Trung Quốc có thể dễ dàng xử lý vấn đề này".
"Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Thế mà các nhà lãnh đạo ngờ nghệch trước đây của chúng ta đã để cho họ kiếm hàng trăm tỷ USD một năm từ trao đổi thương mại...", tổng thống Mỹ phê phán.
Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố tiến hành thành công vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ hai vào ngày 28/7.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói tên lửa bay được khoảng 45 phút trước khi rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), bay được khoảng 1.000 km, đạt độ cao 3.700 km, xa hơn và cao hơn ICBM đầu tiên.
Ông Trump ngày 28/7 lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Bình Nhưỡng là hành động "liều lĩnh và nguy hiểm", đe dọa cả thế giới. "Mỹ sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước và bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực", ông Trump cho biết.


Tên lửa đạn đạo Triều Tiên thử lúc nửa đêm Truyền hình nhà nước Triều Tiên vừa công bố đoạn video quay lại vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào đêm 28/7.


ICBM của Triều Tiên có thể đã vỡ trong lúc hồi quyển

Đó là nhận định của chuyên gia về Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công toàn bộ nước Mỹ.

Trung Quốc: Mỹ nên phân biệt thương mại khác vấn đề Triều Tiên

Ngày 31/7, Trung Quốc đề nghị Mỹ nên phân biệt rõ ràng giữa hợp tác thương mại Trung - Mỹ với các cuộc thảo luận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bởi chúng không có sự liên quan.
Ngụy An

Hiện tượng Putin trong lòng người Nga: Mỹ nhìn sự thật

Sự nổi tiếng của Tổng thống Putin tại Nga là điều bí ẩn với Mỹ và luôn tìm cách để lý giải.
 >> Tổng thống Putin thề đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ
 >> Ông Putin “duyệt” cho quân đội Nga hoạt động tại Syria trong nửa thế kỷ
 >> Tiết lộ sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc đời Tổng thống Putin

Đối với nhiều người Mỹ, sự nổi tiếng của Tổng thống Vladimir Putin là một điều bí ẩn bởi nước Nga chỉ có ấn tượng với họ từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tạp chí Stratfor của Mỹ mới đây đã tìm cách lý giải về "hiện tượng Putin" trong lòng nước Nga.

Tổng thống Putin được người dân Nga và người dân thế giới yêu mến.
Tổng thống Putin được người dân Nga và người dân thế giới yêu mến.
Đó không chỉ là việc nhà lãnh đạo này đã tìm được cách kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng suy thoái kéo dài suốt 2 năm do kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt và giá dầu thấp mà còn bởi việc ông đã mang lại sự ổn định kinh tế cho người dân Nga từ những năm 90.
"Nếu xét rằng đất nước hầu như mới ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài hai năm do sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt và giá dầu thấp, người ta tưởng rằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Putin sẽ suy giảm. Nhưng không. Chỉ số đánh giá uy tín của ông Putin vẫn còn cực kỳ cao, tùy theo các thăm dò dư luận và ngày tháng, nhưng thường vượt quá 80%. Tại sao lại như vậy" - tờ báo viết.
Theo tạp chí này, sự ấn tượng của ông Putin phải kể đến tình hình những năm 90, khi đất nước Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Tổng thống Putin khi đó đã giúp tình hình kinh tế ổn định trở lại, mang lại cho đất nước Nga "ánh sáng hưng thịnh dân chủ" và trong suốt 14 năm, thu nhập thực tế của người Nga đã tăng gấp 7 lần.
Tới nay, với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để mơ về vị trí siêu cường như trước đây.
"Đó là lý do tại sao, khi ông Putin sáp nhập Crimea, đa số người Nga rất vui mừng" - tạp chí Mỹ bình luận.

 Người dân Nga tự hào vì Tổng thống Putin.
Người dân Nga tự hào vì Tổng thống Putin.
Tờ tạp chí Mỹ cho rằng, hình ảnh ông Putin và nước Nga đã bị truyền thông bóp méo, mang động cơ xấu và điều đó buộc họ phản kháng. Nếu không, nước Nga và Tổng thống Putin sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trên thế giới.
"Cùng với các nước khác, Nga có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, cho dù đó là môi trường, cuộc chiến chống khủng bố, hoặc nền kinh tế toàn cầu. Nhưng bi kịch của tình hình là chúng ta đang ở dưới một đống động cơ mơ hồ, truyền thông xấu và những cơ hội bị bỏ lỡ" - Stratfor viết.
Trên thực tế, không chỉ người dân Nga mà những người dân trên thế giới và cả người Mỹ cũng yêu mến Tổng thống Putin.
Mới năm ngoái, nhân ngày sinh nhật của Tổng thống Nga, một tấm băng-rôn lớn in ảnh ông và dòng chữ "Sứ giả hòa bình" (Peace Maker) được treo trên cây cầu nối Mahattan và Brooklyn vào khoảng 13h45 ngày 6/10/2016.
Người dân nhanh tay chụp được bức ảnh tấm chân dung ông Putin và lời ca ngợi này, đăng tải trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Nhiều người bình luận: "Chúc mừng sinh nhật, ngài Putin".

Tổng thống Putin có tầm nhìn của nhà lãnh đạo có thể thay đổi thế giới.
Tổng thống Putin có tầm nhìn của nhà lãnh đạo có thể thay đổi thế giới.
Hồi tháng 11/2015, ông Putin cũng được tạp chí uy tín nhất thế giới Forbes của Mỹ bình chọn là "Người quyền lực nhất thế giới" 3 năm liên tiếp.
Forbes đã lựa chọn trong hàng trăm ứng cử viên cho 73 nhân vật quyền lực nhất theo 4 tiêu chí khác nhau bao gồm, mức độ ảnh hưởng lên người dân toàn cầu, nguồn lực tài chính mà những người này sở hữu, những nhân vật này có sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực hay không và họ có sử dụng quyền lực của mình một cách chủ động hay không.
Forbes cho biết, họ lựa chọn ông Putin là nhân vật của năm bởi ông “vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì”.
"Những người trong danh sách sử dụng thứ quyền lực có thể định hình hoặc bẻ cong thế giới, tác động đến con người, thị trường, quân đội và tư duy", Forbes cho hay.
Forbes đánh giá nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin "không thể tiên đoán" và "không bị ràng buộc bởi dư luận thế giới trong việc theo đuổi những mục đích riêng".
Thậm chí, CNN dẫn số liệu từ Levada Center (một công ty Nga thăm dò độc lập) cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin vẫn giữ ở mức cao từ 85% đến 90%.
Tỷ lệ dư luận ủng hộ lên tới 90% là một kỷ lục từ trước đến nay không có chính khách nào đạt được, kể cả bà Angela Merkel – người nhiều năm được bình chọn là người đàn bà quyền lực nhất thế giới.
Việc bình chọn Tổng thống Putin là người quyền lực nhất thế giới cũng được các nhà báo của Tạp chí Forbes cân nhắc đến hoạt động không kích của Nga vào các mục tiêu của Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS ở Syria, chỉ ra sự yếu kém của Mỹ và NATO trong khu vực, đồng thời ghi nhận những ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, dưới sự lãnh đạo của ông Putin ở nước ngoài.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng khen ngợi Tổng thống Putin và vai trò của Nga trong việc mang lại thành công cho đàm phán hạt nhân với Iran, dù Nga bị xem là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ.
Theo Huy Vũ
Báo Đất việt

5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay

Thứ Ba, ngày 01/08/2017 00:30 AM (GMT+7)

Báo Nga mới đây đã đăng tải bài phân tích của chuyên gia quân sự, đánh giá về 5 loại tàu ngầm có sức mạnh tối thượng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.

5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay - 1
Tàu ngầm lớp Akula của Nga có lượng giãn nước tương đương tàu sân bay cỡ trung.
Nhà máy đóng tàu ở Severodvinsk mới đây đã làm lễ đóng tàu ngầm Ulyanovsk, chiếc thứ 7 thuộc lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen. Tàu dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023 và chuyển giao cho hải quân Nga năm 2024.
Nhân dịp này, nhà quan sát quân sự Nga Andrei Kotz đã đánh giá 5 mẫu tàu ngầm mạnh nhất hiện nay theo nhiều tiêu chí khác nhau.
Tàu ngầm lớn nhất
5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay - 2
Dmitry Donskoy hiện là tàu tàu ngầm lớn nhất thế giới thuộc hải quân Nga.
Tàu ngầm lớp Akula của Nga (NATO định danh Typhoon), thuộc Đề án 941 là mẫu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớn nhất từng được chế tạo.
Mẫu tàu ngầm này được đóng trong giai đoạn năm 1976-1986, tương đương kích thước của một tòa nhà 9 tầng và ngang với một tàu sân bay. Tàu ngầm lớp Akula dài 175 mét, rộng 23 mét, lượng giãn nước 50.000 tấn.
Hoạt động liên tục trong 120 ngày, Akula là xương sống của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Liên Xô đã chế tạo và triển khai tổng cộng 6 tàu ngầm loại này. Mỗi “quái vật” Akula có khả năng mang theo tới 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa R-39, sức công phá 200kt, đủ sức san phẳng cả một quốc gia. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga dần loại bỏ các tàu ngầm này và chỉ còn lại tàu Dmitry Donskoy thuộc lớp Akula.
Con tàu ngày nay là một phòng thí nghiệm di động và chuyên dùng để phóng thử tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava.
Ngày 30.7, Dmitry Donskoy nằm trong số hơn 100 tàu chiến và tàu ngầm Nga tham gia lễ kỷ niệm ngày hải quân ở St. Petersburg.

Tàu ngầm vũ trang mạnh nhất
5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay - 3
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ.
Theo tác giả Andrei Kotz, tàu ngầm tên lửa chiến lược lớp Ohio của Mỹ là phiên bản trang bị vũ khí đa dạng và mạnh mẽ nhất. Mỹ hiện đang vận hành 18 tàu ngầm Ohio. Mỗi chiếc mang theo 24 tên lửa đạn đạo Trident I hoặc 14 tên lửa Trident II.
Sức công phá lên tới 475kt, bao gồm 8 đầu đạn cho mỗi tên lửa Trident II đã khẳng định sức mạnh tối thượng của tàu ngầm lớp Ohio.
“Tàu ngầm lớp Ohio là vũ khí chiến lược quan trọng của hải quân Mỹ. Hơn một nửa năng lực tấn công hạt nhân của Washington nằm bên trong các ống phóng của Ohio”, tá giả Kotz viết.
Một điểm mạnh khác của tàu ngầm Ohio là động cơ hạt nhân cho phép tàu đạt tốc độ di chuyển dưới nước tới 25 hải lý/giờ và lặn sâu tối đa 550m.
Tàu ngầm hoạt động êm nhất 
5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay - 4
Tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga.
Trong những năm 1980, hải quân Liên Xô nhận mẫu tàu ngầm diesel-điện huyền thoại thuộc Đề án 877 Paltus. Trải qua nhiều năm, hàng chục tàu ngầm này được chế tạo và chuyển giao cho các quốc gia khác như Ba Lan, Romania, Ấn Độ, Algeria, Iran và Trung Quốc.
Trong giai đoạn 1990-2000, Nga đã nâng cấp tàu ngầm này thành phiên bản nổi tiếng mang tên Kilo, thuộc Đề án 636. 3 quốc gia đầu tiên mua tàu ngầm Kilo của Nga bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Algeria.
Hải quân Nga cũng đặt mua 6 chiếc và sẽ tiếp nhận thêm 2 chiếc nữa trong thời gian tới. Theo tác giả Kotz, một trong những điểm mạnh của tàu ngầm Kilo là “khả năng hoạt động hoàn toàn tĩnh lặng ở tốc độ thấp”.
NATO thừa nhận sức mạnh của tàu ngầm Kilo và gọi các tàu này là “hố đen đại dương”.
Theo các chuyên gia, hiện nay, mới chỉ có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Triomphant của Pháp mới có thể đọ được với tàu ngầm Kilo về khả năng chạy êm.
Mỗi tàu ngầm loại này được trang bị 18 ngư lôi 533mm, 8 tên lửa. Tàu có thể khai hỏa liên tục sau mỗi 15 giây. Một đội tàu Kilo cũng đủ để tấn công đội tàu sân bay đối phương, phóng hết vũ khí và rút trở về căn cứ một cách nhanh nhất.
Chỉ cần một trong số 18 ngư lôi đánh trúng tàu sân bay đối phương cũng là đủ để vô hiệu hóa, thậm chí đánh chìm siêu chiến hạm có kích thước lớn gấp hàng chục lần.
Tàu ngầm nhỏ gọn nhất
5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay - 5
6 tàu ngầm siêu nhỏ của Pháp đặt vừa kích thước của một sân bóng đá.
Danh hiệu tàu ngầm gọn nhẹ nhất thuộc về lớp tàu Rubis của Pháp. Tàu dài 73,6 mét, rộng 8 mét, lượng giãn nước 2.600 tấn. Tàu ngầm lớp Rubis nhỏ hơn tàu ngầm Akula lớn nhất của Nga tới 20 lần và 6 tàu loại này có thể đặt vừa vặn trong một sân bóng đá.
Nếu nhìn qua, tàu ngầm Pháp tưởng chừng như vô hại, nhưng ấn tượng đó là hoàn toàn sai lầm. “Mỗi tàu ngầm lớp Rubis trang bị 14 ngư lôi 550mm để tấn công tàu nổi. Lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ giúp tàu hoạt động liên tục trong 45-60 ngày. Số lượng thủy thủ đoàn tối đa là 57 người.
Tàu ngầm bí ẩn nhất
5 tàu ngầm có sức mạnh tối thượng trên thế giới hiện nay - 6
Tàu ngầm Status-6 bí ẩn chưa từng lộ diện của Nga.
Một bức ảnh về dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân không người lái Status-6 của Nga được giới truyền thông ghi hình tình cờ vào tháng 11.2015, trong một cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các quan chức Bộ Quốc phòng.
Kể từ đó, con tàu đã kéo theo làn sóng đồn đoán, tranh luận sôi nổi trên truyền thông phương Tây, đặc biệt là giới chuyên gia quân sự.
Theo các nguồn tin, con tàu sẽ được phát triển theo hướng tàu tàng hình, tốc độ di chuyển nhanh và khả năng tự động hóa ở mức cao. Nhiệm vụ chính của con tàu này là bắn đầu đạn hạt nhân vào các khu vực ven biển của đối phương.
“Nói cách khác, tàu ngầm này chính là ngư lôi khổng lồ, đủ sức phá hủy hải cảng đối phương, tạo ra sóng thần”, tác giả Kotz viết.
Tháng 3.2016, công ty đóng tàu Nga xác nhận về dự án chế tạo một tàu ngầm không người lái đủ lớn để mang theo ngư lôi. Giới chuyên gia đồn đoán rằng, đây chính là Status-6 với cả khả năng mang theo nhiều tàu ngầm mini khác.
Siêu tàu ngầm hạt nhân Nga đủ sức hủy diệt cả quốc gia
Tàu ngầm lớn nhất trên thế giới do Liên Xô chế tạo được trang bị vũ khí hạt nhân mạnh gấp 6 lần quả bom nguyên tử...
Theo Đăng Nguyễn - Sputnik (Dân Việt)

Thiếu 18.000 tỉ đồng bồi thường, tái định cư dự án sân bay Long Thành

Chiều 31.7, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự án sân bay Long Thành.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, số tiền dự kiến chi cho công tác này khoảng 23.000 tỉ đồng. Tỉnh Đồng Nai mong muốn Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đồng thời cho cơ chế chỉ định thầu thay vì đấu thầu (phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư - PV).
Ông Vũ Hồng Thanh đồng tình với kiến nghị của Đồng Nai. Đoàn công tác cho biết hiện tại ngân sách nhà nước chỉ mới bố trí được 5.000 tỉ đồng. Nên 18.000 tỉ đồng chưa biết kiếm ở đâu, nguồn vốn ODA thì không được. Do đó, đề nghị Đồng Nai nên đề xuất phương án bố trí vốn lên Quốc hội xem xét. Ngoài ra, đoàn công tác cũng quan tâm đến tính chính xác của các con số mà Đồng Nai đưa ra, như diện tích dự án, số hộ và số dân bị ảnh hưởng, đặc biệt kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư.
“Tại sao ban đầu chỉ 12.000 tỉ đồng, đến Quốc hội khóa 13 tăng lên 18.000 tỉ đồng, hiện tại là 23.000 tỉ đồng... Đề nghị Đồng Nai làm rõ”, ông Thanh nhấn mạnh.
Lê Lâm

Trúng không kích của máy bay Nga, đoàn xe IS biến thành tro bụi

Ngày 30-7, lực lượng không quân Nga đã không kích trúng đoàn xe dài chở nhiên liệu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), khi chúng đang di chuyển trên vùng nông thôn, phía đông tỉnh Hama của Syria.
 >> Ông Putin “duyệt” cho quân đội Nga hoạt động tại Syria trong nửa thế kỷ
 >> Hai tháng ra đòn dồn dập, Nga phá hủy nhiều mục tiêu IS ở Syria


Trúng không kích của máy bay Nga, đoàn xe IS biến thành tro bụi
Trúng không kích của máy bay Nga, đoàn xe IS biến thành tro bụi
Theo nguồn tin, một đoàn xe tải dài gồm 12 chiếc chở nhiên liệu của nhóm khủng bố IS đang di chuyển gần thị trấn chiến lược Uqayrbat, trên vùng nông thôn phía đông tỉnh Hama, để đến căn cứ của chúng, thì bị các máy bay chiến đấu Nga dội bom. Toàn bộ phương tiện vận chuyển này đều bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài ra, một số lượng lớn phiến quân cũng đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này của quân đội Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, một đơn vị pháo binh quân đội Syria đã tiến hành đợt tập kích hỏa lực dữ dội vào chiến tuyến của lực lượng khủng bố IS trên vùng nông thôn phía đông tỉnh Hama.
Nhiều loại pháo binh như: pháo tầm xa 130 mm M-46, pháo phản lực tự hành BM-21 122 mm, lựu pháo tầm gần 122 mm, pháo tự hành 2S1 Gvozdika và súng phòng không tự hành ZSU-23-2 23 mm, cùng với các xe bán tải gắn súng phòng không 23 mm đã được huy động tham gia vào cuộc tấn công.
Trong khi đó, một số lượng lớn binh sĩ của lực lượng vũ trang Damascus đã được huy động từ phía tây nam Syria để tăng cường cho chiến dịch phía đông Hama.
Đây được cho là động thái chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực truy quét lực lượng khủng bố IS trên chiến trường này.
Theo Hoàng Nguyễn
An ninh thủ đô
UBKT Trung ương kiến nghị miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa.
Từ ngày 25 đến 27-7-2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 16. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Theo Thông cáo báo chí kỳ họp thứ 16 vừa được phát đi, UBKT Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010) như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 15 của UBKT Trung ương.
UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Hồ Thị Kim Thoa.
Căn cứ Quy định số 260-QĐ/TW của Bộ Chính trị, UBKT Trung ương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa.
Trước đó, ngày 3/7, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Theo thông báo nội dung kiểm tra, bà Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Cụ thể, bà Thoa được cho đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.
Bà cũng đã không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản (TP HCM); đã mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ công ty.
"Những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật", cơ quan kiểm tra nêu.
Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho thấy, các thành viên gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu gần 35% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Mã CK: DQC), tương đương khoảng 574,6 tỷ đồng theo thị giá hiện tại. Trong đó, riêng bà Thoa nắm gần 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương gần 81 tỷ đồng.
Hoàng Nam

Bầu Đức bán trái cây mỗi ngày lãi hơn 2 tỷ đồng

Bầu Đức bán trái cây mỗi ngày lãi hơn 2 tỷ đồng

Doanh thu bán các loại trái cây như chanh dây, chuối, thanh long… trong nửa đầu năm nay của HAGL Agrico đạt 808 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã CK: HNG) công bố, doanh nghiệp này ghi nhận 1.274 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II năm nay. Luỹ kế doanh thu từ đầu năm đạt 1.744 tỷ, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn thu từ các mảng kinh doanh chủ lực trước đây giảm đáng kể. Điển hình như doanh thu bán bò giảm hơn 4 lần, chỉ xấp xỉ 436 tỷ đồng; hoặc doanh thu bán bắp không còn.
Bù lại, trái cây – mảng đầu tư mới của công ty nhằm tạo ra dòng tiền nhanh để lấy ngắn nuôi dài, bước đầu đã cho những tín hiệu tích cực. Theo đó, mảng trái cây mang về hơn 808 tỷ đồng và vươn lên dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu phân theo sản phẩm giai đoạn nửa đầu năm nay. Sau khi trừ giá vốn bán hàng hơn 383 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận gộp bình quân mỗi ngày công ty thu về từ trái cây khoảng 2,3 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 6, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ, do lượng tiền lưu động của công ty không nhiều nên làm gì cũng khó. Công ty không còn đường nào ngoài việc thay đổi ngành kinh doanh cốt lõi bằng cách dịch chuyển từ chăn nuôi sang trồng 17 loại cây ăn trái.
Bầu Đức cho biết, ông có niềm tin mảng trái cây còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Điều này sẽ được kiểm chứng khi nhiều loại cây ăn quả như chanh dây, chuối, thanh long… lần lượt chào hàng ra thị trường và đưa doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu mảng trái cây ngay trong năm đầu tiên đạt 2.578 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ đóng góp 41% vào tổng doanh thu. Sản phẩm sau khi thu hoạch dự kiến được xuất khẩu sang Trung Quốc và cung cấp cho chuỗi cửa hàng Bách hoá xanh theo hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp với Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động.
Trái cây đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico trong giai đoạn đầu năm.
Trái cây đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico trong giai đoạn đầu năm.
Cùng với trái cây, mảng cao su cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn đầu năm 2017 với doanh thu thuần hơn 212 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 16 tỷ đồng. Kết quả này góp phần kéo lợi nhuận gộp lên mức 569 tỷ đồng, tăng gần 66% so với năm ngoái.
Đối với hoạt động tài chính, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu quý II đạt 1.015 tỷ đồng và nâng luỹ kế lên mức 1.176 tỷ, tăng gần 9 lần so với năm ngoái. Trong đó, thu nhập từ thanh lý khoản đầu tư sau khi hoàn tất hồ sơ pháp lý liên quan đến nghiệp vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn sở hữu và chấm dứt quyền kiểm soát tại Công ty cổ phần Mía đường Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu chiếm đến 978 tỷ đồng. Số ít còn lại là chênh lệch tỷ giá hối đoái và lãi cho vay.
Sau khi thương vụ này kết thúc vào ngày 22/5, công ty đã điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016. Nghiệp vụ này khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm ngoái giảm 750 tỷ đồng, khiến khoản lỗ tăng từ 984 tỷ đồng lên 1.734 tỷ đồng.
Nhờ nguồn thu “bất ngờ” mà lợi nhuận sau thuế quý II của HAGL Agrico tăng vọt lên mức 1.038 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 654 tỷ do lãi vay và đánh giá lại các tài sản không hiệu quả. Luỹ kế lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay đạt 1.048 tỷ đồng.
Do các khoản phải thu về dài hạn, tài sản cố định hữu hình và dở dang sụt giảm mạnh nên tổng tài sản của công ty hiện còn 34.288 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là vườn cây cao su, vườn cây cọ dầu, trang trại bò và nhà máy chế biến được liệt kê trong danh mục tài sản dài hạn. Nguồn tiền mặt của công ty có dấu hiệu dồi dào trở lại khi giá trị tăng hơn 1.082 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và gần như toàn bộ được gửi ngân hàng.
Tổng nợ phải trả là 23.766 tỷ đồng, giảm khoảng 1.522 tỷ nhờ thanh toán một số khoản vay dài hạn. Chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu phải trả trong nửa đầu năm nay xấp xỉ 400 tỷ đồng.
Theo Phương Đông
VnExpress

Neymar: Từ đói nghèo đến lòng tham vô độ

Ngọc Huy |
Neymar: Từ đói nghèo đến lòng tham vô độ

Rời Barca để sang PSG, mục tiêu lớn nhất của Neymar là tiền bạc. Điều này càng thể hiện rõ hơn lòng tham không đáy của gia đình Neymar.



Từ những người nghèo đến mức không có nhà riêng, gia đình Neymar sống với lòng tham để được tận hưởng sự xa xỉ của cuộc sống.
Tuổi thơ nghèo đói
Neymar da Silva Santos từng là một cầu thủ, nhưng không bao giờ bước chân được lên chuyên nghiệp. Vì thế, ông chuyển sang làm thợ cơ khí với hy vọng có đủ thu nhập nuôi gia đình.
Công việc của một thợ cơ khí cũng không suôn sẻ. Ông Neymar Santos cùng vợ Nadine gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi mà họ không có nhà riêng, lại còn nuôi con nhỏ.
Họ có hai người con. Con trai lớn được đặt theo tên cha, được phân biệt là Neymar Jr.. Người con gái nhỏ là Rafaella.
Neymar: Từ đói nghèo đến lòng tham vô độ - Ảnh 1.
Neymar thời thơ ấu.
Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, sau cùng cả gia đình chuyển đến ở nhờ nhà bà ngoại tại Sao Vicente, một đô thị ven biển nằm phía Nam bang Sao Paulo. Đây cũng là nơi định cư đầu tiên của những người Bồ Đào Nha khi đến châu Mỹ.
Nhờ căn phòng nhỏ của bà ngoại, chi phí sinh hoạt của gia đình được giảm bớt đáng kể. Nhờ vậy, gần như toàn bộ thu nhập ít ỏi được ông Neymar Santos tập trung đầu tư cho con trai.
Ngay từ rất nhỏ, Neymar Jr. đã thể hiện tài năng bóng đá tuyệt vời. Đã từng chơi bóng, nên ông Neymar Santos nhận thấy cơ hội của con trai, và rất hy vọng một ngày mới tươi sáng đến với cả gia đình.
"Cha tôi là một người tuyệt vời. Ông đã lo chu đáo mọi thứ để chúng tôi có cuộc sống tốt nhất. Ông cũng chính là những giá trị trong cuộc sống mà tôi muốn hướng đến", Neymar từng tâm sự cách nay khá lâu.
Tận hưởng cuộc sống
Năm lên 6 tuổi, với những kỹ năng chơi bóng tuyệt vời, Neymar Jr. được cha gửi đến trung tâm bóng đá trẻ của CLB địa phương Portuguesa Santista.
Tại đây, tài năng của Neymar càng được khẳng định hơn nữa, khi được chỉ dạy một cách bài bản. Nhiều đề nghị được gửi đến, nhưng ông Neymar Santos luôn từ chối vì cho rằng con trai mình còn quá nhỏ để thay đổi cuộc sống.
Neymar: Từ đói nghèo đến lòng tham vô độ - Ảnh 2.
Trên thực tế, ông Neymar Santos nhận biết tài năng và cơ hội của Neymar Jr., nên không để cậu con trai mình ra đi dễ dàng.
Một cuộc "đấu giá" diễn ra. Sau cùng, Santos là đội có được Neymar năm 2003. Tất nhiên, Santos đã tốn không ít. Để thuyết phục ông Neymar Santos và gia đình, CLB đã phải trả riêng cho họ 1 triệu real (tiền tệ Brazil).
Với khoản tiền ấy, gia đình đầu tư vào bất động sản. Họ mua một căn hộ ở Vila Belmiro và sinh lãi rất cao.
Neymar Jr. kiếm đươc thu nhập từ khi còn là thiếu niên, và thu nhập của gia đình cải thiện từng ngày. 15 tuổi thu nhập của anh là 10.000 real mỗi tháng (khoảng 3.190 USD). Lên 16 tuổi, Neymar kiếm mỗi tháng 25.000 real.
Khi 17 tuổi, Neymar ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên cùng Santos, và hàng loạt nhãn hàng nhảy vào tài trợ hình ảnh. Khi ấy, chàng trai trẻ được ví von Hoàng tử bóng đá Brazil, đã bỏ ra 4 triệu real mua cho gia đình căn biệt thự.
Đồ hiệu sang trọng, những đôi bông tai đắt tiền, kiểu tóc thay đổi mỗi tuần, phụ nữ trẻ, Porsche, Ferrari và biệt thự, đó là những thứ được thấy ở Neymar khi 20 tuổi. Một cuộc sống xa hoa.
Neymar tận hưởng những thứ mà tuổi thơ không có.
Neymar: Từ đói nghèo đến lòng tham vô độ - Ảnh 3.
Neymar làm quen với cuộc sống xa hoa từ khi còn rất trẻ.
Lòng tham không đáy
Từ nghèo đói đến cuộc sống xa hoa, Neymar và gia đình không có giới hạn. Khi đã kiếm được nhiều tiền, họ muốn hơn nữa.
Năm 2013, Barca phải trả những cái giá không rẻ để đưa Neymar sang châu Âu. 57,1 triệu euro tiền phí chuyển nhượng cho Santos và DIS - công ty giữ 45% bản quyền Neymar. Đồng thời, gia đình cầu thủ này nhận riêng 40 triệu euro lót tay.
Vụ việc bị phanh phui khiến Sandro Rosell phải từ chức chủ tịch Barca, và hiện vẫn chưa hết kiện cáo. Chỉ gia đình Neymar thì hưởng lợi. Tháng 10/2016, để thuyết phục cầu thủ sinh năm 1992 gia hạn hợp đồng, có lương 15 triệu euro, Barca phải trả cho cha anh 26 triệu euro lót tay.
Chỉ 10 tháng sau khi gia hạn hợp đồng, và liên tục nói về tình yêu với Barca, Neymar đang tìm cách sang PSG. Sang Pháp, anh sẽ nhận lương gấp đôi hiện tại, lên đến 30 triệu euro sau thuế. PSG cũng phải trả 60 triệu euro cho ông Neymar Santos và gia đình.
Neymar: Từ đói nghèo đến lòng tham vô độ - Ảnh 4.
Với Neymar và bố - ông Neymar Santos, giờ đây chẳng có gì quan trọng hơn tiền bạc.
Neymar nói về tham vọng giành vinh quang, nâng tầm đẳng cấp và sự nghiệp, giấc mơ Quả bóng Vàng. Tuy nhiên, bất kỳ ai am hiểu về bóng đá đều biết, PSG không thể trao cơ hội để Neymar đạt được những mục đích này.
Suy nghĩ của Neymar về PSG không gì khác ngoài tiền bạc. Đang là cầu thủ độ tuổi U25 có thu nhập cao nhất thế giới (37 triệu USD, theo đánh giá của tạp chí Forbes), Neymar càng muốn nhiều hơn nữa.
Neymar hoàn toàn có thể lật kèo PSG vào phút cuối, vì Barca là nơi phù hợp nhất cho sự nghiệp chuyên nghiệp của anh. Nhưng điều đó chỉ diễn ra với một điều kiện: Neymar nhận lương mới, và ông Neymar Santos có thêm một khoản lót tay.
theo Trí Thức Trẻ

Giáo sư Nobel Vật lý nói chuyện với sinh viên Việt Nam về 'lỗ đen'

Sinh viên và những người yêu khoa học có cơ hội trao đổi với GS. Gerard't Hooft các vấn đề liên quan đến vật lý, khoa học thiên văn. 

Chiều 31/7, giáo sư Hà Lan Gerard't Hooft (71 tuổi, Đại học Utrecht Hà Lan) - nhà vật lý lý thuyết đoạt Nobel Vật lý năm 1999 đã có cuộc nói chuyện tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
giao-su-nobel-vat-ly-noi-chuyen-voi-sinh-vien-viet-nam-ve-lo-den
GS. Gerard't Hooft giảng về vai trò của các lỗ đen. Ảnh: Thùy Linh
Ông mang đến cho sinh viên và những người yêu khoa học Việt Nam bài giảng "Vai trò của các lỗ đen trong sự hiểu biết của chúng ta về thế giới vật lý". Trong đó, ông giải thích về sự hình thành, tính chất của lỗ đen, giới thiệu kiến thức mới về không gian, thời gian và vật chất...
Bài giảng này là một trong những vấn đề giáo sư tập trung nghiên cứu, bao gồm lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử và các khía cạnh cơ bản của cơ học lượng tử.
giao-su-nobel-vat-ly-noi-chuyen-voi-sinh-vien-viet-nam-ve-lo-den-1
GS cùng phu nhân Albertha Hooft chụp ảnh kỷ niệm cùng sinh viên Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh
Sinh viên, các nhà khoa học có mặt tại sự kiện đã nhờ giáo sư giải đáp định nghĩa về vũ trụ độc lập, lý do lực hấp dẫn tương tác yếu đối với các vật trong khoảng cách nhỏ...
Trước đó, GS Gerard't Hooft nhận lời mời của GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội khoa học gặp gỡ Việt Nam, sang làm việc và giao lưu. Ông có buổi nói chuyện với công chúng tại Đại học Quốc gia TP HCM ngày 22/7; tham dự lễ khai mạc sự kiện khoa học "Khám phá vũ trụ tối" ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày 24/7.
Năm 1999, GS Gerard't Hooft đoạt giải Nobel với công trình "làm sáng tỏ cấu trúc lượng tử của các tương tác điện tử trong vật lý". 
Ông bắt đầu nghiên cứu đề tài này cùng thầy hướng dẫn từ khi là nghiên cứu sinh vào những năm 60-70 thế kỷ trước. Ngoài ra, ông từng được trao giải Wolf năm 1981, huân chương Lorentz năm 1986, giải Spinozapremie dành cho các nhà khoa học Hà Lan năm 1995. 
Thùy Linh 
Xem tiếp...