Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 104

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

                                                       Thảm sát Katyn năm 1940

                                                          

HỒI TƯỞNG CỦA SIMONOV VỀ STALIN (Phần 1)

Thứ sáu - 18/11/2005 23:05

(NCTG) “Các đồng chí có nhận ra bao nhiêu người đứng gác ngoài kia không? Con người ta đi ngoài hành lang và luôn luôn phải suy nghĩ: Chẳng biết đứa nào đây? Nếu là tay này, hắn sẽ bắn vào lưng, nếu anh ngoặt ở góc hành lang, kẻ khác sẽ nổ súng vào trán anh. Người ta đi cạnh bọn chúng ngoài hành lang và có những ý nghĩ như thế đấy...”.


Nhà văn Konstantin Simonov và nữ tài tử Valentina Serova - Ảnh tư liệu

Lời giới thiệu: Nhà văn, nhà thơ Konstantin Simonov (1915-1979) là một văn nghệ sĩ - chiến sĩ rất được ưa chung ở Liên Xô (cũ). Ông là tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết đồ sộ về chiến tranh, về nhân sinh... như “Ngày và đêm” (1944), “Những người sống và những kẻ chết” (1959), “Không sinh ra để làm chiến sĩ” (1965), “Mùa hạ cuối cùng” (1971)...

Độc giả Việt Nam chủ yếu biết đến Simonov qua bài thơ “Đợi anh về” nổi tiếng, được coi là một lời tỏ tình nồng nhiệt, một khẩn cầu tha thiết, một biểu tượng sắt son, một lòng chung thủy không gì lay chuyển giữa các chàng trai và các cô gái trong thời kỳ chinh chiến. Bài thơ này được tác giả sáng tác vào cuối hè 1941, khi phát-xít Đức khởi cuộc tấn công Liên Xô, để tặng một người đàn bà mà ông say đắm: nữ tài tử điện ảnh và sân khấu lừng danh của Liên Xô (cũ), bà Valentina Serova, người được tôn vinh là “người phụ nữ hấp dẫn nhất của nền điện ảnh Xô-viết”.

“Đợi anh về” đã được dựng thành phim (do chính Serova thủ vai), được in thành hàng triệu ấn bản để phân phát cho các quân nhân Xô-viết ngoài mặt trận; ở Việt Nam, nó được Văn Chung phổ nhạc và theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, đó là một “ca khúc tuyệt vời” mà ông đã cùng gia đình nhà vợ (ban hợp ca “Thăng Long”) trình diễn ngay tại Sài Gòn thời trước 1954.

Mặc dù thuộc số văn nghệ sĩ được Stalin và chính quyền rất sủng ái nhưng trong thời gian về sau, khi nhận ra bản chất độc đoán của “Ông chủ”, Simonov đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để trở thành một con người cương trực. Trên cương vị TBT tờ “Novy Mir” (Thế giới mới), ông đã cho đăng tải nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận vào cuối thập niên 50. Cũng vì thế mà trong một thời gian, Simonov phải tự lưu đày ở Tashkent, xa lánh mọi sự kiện ở Moscow.

Vào những năm cuối đời, Simonov đã khởi công viết những hồi tưởng về Stalin (dưới tiêu đề “Stalin dưới con mắt thế hệ chúng tôi”) nhưng ông không có thời gian để kết thúc. Gần mười năm sau ngày nhà văn qua đời, bản thảo dang dở của tập hồi ký mới được nguyệt san văn học “Znamya” hiệu chỉnh và đăng tải vào mùa xuân 1988. Trong thời kỳ cải tổ ở Liên Xô, đây là cuốn hồi ký về Stalin được giới phê bình đánh giá rất cao, mặc dù trong sách Simonov vẫn chưa có điều kiện nói thẳng ý kiến của ông về nhà độc tài (nhiều người trách ông vì thái độ “mập mờ” này).

Dù sao đi nữa, cuốn sách cũng đưa ra được nhiều tấm “chân dung văn học” muôn màu muôn vẻ, sắc sảo và chân thực về một con người có tính cách vô cùng đa dạng, phức tạp và đầy mâu thuẫn: Stalin. Tựu trung, “Stalin dưới con mắt thế hệ chúng tôi” là một tác phẩm rất có giá trị về văn học và sử liệu.

NCTG xin trích dịch một số đoạn trong tập hồi tưởng nổi tiếng đó, ngõ hầu giúp độc giả một số thông tin hữu ích về tính cách và con người - cũng như về những bộ mặt khác nhau - của nhà độc tài Stalin. Các chú thích trong bài là của người dịch.
 
*

Trong trích đoạn sau đây, Simonov thuật lại cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hải quân Isakov, người lãnh đạo hạm đội Xô-viết, từng có nhiều dịp gần gũi Stalin. Qua đó, chúng ta có thể thấy phần nào một số mặt trong tính cách đa dạng của Stalin.


Stalin trong tranh cổ động của Liên Xô: “Bữa trước mẹ cho con xem ảnh - Ông Xít-ta-lin bên cạnh nhi đồng - Áo Ông trắng giữa mây hồng - Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười” (Tố Hữu)

Tôi nghĩ rằng mẩu chuyện này xảy ra trước khi Kirov (1) bị ám sát. Tôi là thành viên một ủy ban chịu trách nhiệm về các công trình xây dựng quân sự lớn. Ủy ban đó họp hành đều đặn hàng tuần, lúc thì tại văn phòng của Stalin, lúc ở chỗ khác. Sau những phiên họp như thế, đôi lúc, có một nhóm nhỏ, phạm vi khá hẹp, cùng nhau ở lại ăn bữa tối, hoặc chúng tôi xem phim, cũng trong phạm vi hẹp. Trong lúc coi chiếu bóng, chúng tôi cũng uống và ăn lai rai.

Khi sự kiện tôi muốn nói đến sau đây diễn ra, chúng tôi ăn bữa tối trong một căn phòng ở tầng dưới: đó là một buồng tương đối nhỏ, thấp, bốn bề là những kệ sách. Từ phòng làm việc, có những hành lang rất dài và khúc khuỷu dẫn đến căn phòng này. Ở mọi hành làng và chỗ ngoặt đều có lính gác, thực ra không phải các vệ sĩ mà là các sĩ quan trực ban của NKVD (2).

Tôi còn nhớ ngay sau phiên họp, chúng tôi đi qua căn phòng đó và trước khi ngồi vào bàn, Stalin đột nhiên nói: “Các đồng chí có nhận ra bao nhiêu người đứng gác ngoài kia không? Con người ta đi ngoài hành lang và luôn luôn phải suy nghĩ: Chẳng biết đứa nào đây? Nếu là tay này, hắn sẽ bắn vào lưng, nếu anh ngoặt ở góc hành lang, kẻ khác sẽ nổ súng vào trán anh. Người ta đi cạnh bọn chúng ngoài hành lang và có những ý nghĩ như thế đấy...”.

Như mọi người khác, tôi cũng im lặng lắng nghe những lời lẽ đó. Câu chuyện làm tôi bàng hoàng. Giờ đây, sau nhiều năm, trường hợp này giải thích được nhiều điều - cố nhiên không phải tất cả, nhưng chắc chắn được một số điểm - về cuộc đời và cung cách cư xử của Stalin.

Một chuyện khác. Tôi trở về sau một chuyến đi miền Bắc. Có một cơ sở quân sự, một nhà máy khổng lồ được xây dựng ở đó. Nhưng không làm sao chúng tôi xây được đường xá phù hợp với căn cứ này. Thoạt đầu, người ta làm đường thông qua một đầm lầy, nhưng nó mềm như một chiếc gối khiến mọi thứ điều nghiêng ngả khi một chiếc xe chạy qua.

Sau khi công việc được thúc đẩy trước khi xây dựng tuyến đường sắt, đơn thuần người ta đặt gỗ ván và đường ray lên con đường này. Phải vượt một phần của đoạn đường đó bằng xe hơi, phần kia bằng thứ xe lửa mở nóc, tức là một đoàn tàu chỉ vỏn vẹn có hai toa chở hàng. Nghĩa là tất cả chỉ là điều ngu xuẩn, ai cũng biết điều đó: không thể làm nên trò trống gì với cung cách này.

Trong ủy ban mà tôi là thành viên, có cả các đại diện của nhiều ban ngành. Vị chủ tịch ủy ban không dính dáng gì đến Bộ Dân ủy Giao thông, vì thế ông ta hoàn toàn không để tâm đến con đường. Tôi phản đối nhưng vô ích: ông ta báo cáo với Stalin rằng mọi việc tiến triển tốt đẹp và thành tựu ở mức cao nhất - về hình thức ông ta cũng có lý bởi quả thực, ở cơ quan thuộc thẩm quyền của ông, mọi việc đều ổn thỏa; ngoài ra, ông ta không hề nhắc đến một lời về con đường.

Thấy vậy, tôi xin được phát biểu và tôi buồn rầu báo cáo về trạng thái thứ đường sắt này, tôi nói giải pháp đó hoàn toàn tệ hại, như thế chúng ta không thể xây dựng được bất cứ nhà máy nào và nói chung, việc đưa tuyến đường sắt ra đường cái, thậm chí ra một con đường duy nhất, chính là phá hoại chứ không phải gì khác. Thời ấy, “phá hoại” là một cách diễn đạt hợp mốt và tôi cũng sử dụng nó vì nó hợp với ngoại cảnh.

Stalin lắng nghe rồi nói bằng giọng điềm đạm: “Đồng chí (ông gọi tôi bằng bằng tên họ) đã đánh giá tình hình một cách rất thuyết phục. Cố nhiên, nếu khách quan, con đường ở trạng thái hiện nay đúng là phá hoại chứ không phải gì khác. Nhưng trước tiên, hãy xem ai là người phá hoại? Kẻ phá hoại dĩ nhiên là tôi. Tôi đã ra chỉ thị xây dựng con đường này.

Người ta thuyết phục tôi rằng không còn giải pháp nào khác, rằng điều này sẽ thúc đẩy tiến trình công việc; họ chỉ nhắc đến một cách đại để, hoặc nói chung họ chẳng báo cáo chi tiết cho tôi. Tôi đã đồng ý cho thúc đẩy công trình xây dựng. Nghĩa là trong trường hợp này, chính tôi là kẻ phá hoại. Chúng ta sẽ xem ai có lý. Nhưng bây giờ hãy quyết định những biện pháp tiếp tới.


Đây là một trong số những trường hợp khi Stalin cũng tỏ ra có khiếu hài hước. Bởi lẽ ông ta có khiếu hài hước rất phát triển, đó là một thứ hài hước rất đặc thù, và thường thường Stalin có thể nói về những sai sót, lầm lẫn của mình, nhận chúng về phần mình. (...)

Xem tiếp Phần 2.

Ghi chú:

(1) Lãnh tụ cộng sản Kirov - từng được coi là đối thủ của Stalin trong đảng - bị ám sát cuối năm 1934. Có nhiều bằng chứng cho thấy Stalin đã hãm hại ông.

(2) Viết tắt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, trong thực tế là một cơ quan mật vụ chính trị.
Trần Lê dịch và giới thiệu - Còn tiếp

HỒI TƯỞNG CỦA SIMONOV VỀ STALIN (Phần 2)

Thứ sáu - 25/11/2005 23:35

(NCTG) “Stalin đứng tại chỗ một hồi rồi tiếp tục đi dạo bên cạnh chiếc ghế, cũng theo hướng mà trước đó ông đã đi. Ông làm một vòng quanh chiếc bàn họp, quay lại và đi dọc căn phòng trong bầu không khí lặng như tờ, rồi ông lại quay lại, rút chiếc tẩu khỏi miệng và chậm rãi nói, không hề cao giọng: - Lẽ ra không cần nói câu đó!”.

 Xem Phần 1 của loạt bài.


Quân xâm lược và xe tăng Liên Xô bị phục kích và tiêu diệt trên Con đường chết Raate trong cuộc chiến Phần Lan - Ảnh tư liệu

Trong trích đoạn sau đây, Simonov thuật lại cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hải quân Isakov, người lãnh đạo hạm đội Xô-viết, từng có nhiều dịp gần gũi Stalin. Isakov thuật lại một mẩu chuyện rất đặc thù cho bản tính tự phụ của Stalin; đụng chạm đến nó là giáp mặt với tử thần.

Điều này không chỉ đúng đối với các thường dân mà còn ứng cả với những tư lệnh quân đội cao cấp, được thăng cấp vào cuối thập niên 30 để bù đắp vào khoảng trống để lại bởi thế hệ tướng lĩnh bị Stalin sát hại. Trong số đó, có đôi người quá trẻ, hay quá trọng danh dự cá nhân và do đó, không thần phục vô điều kiện nhà độc tài.


(...) Sự việc xảy ra trong Hội đồng Quân sự, ít lâu trước cuộc chiến tranh.

Mọi người bàn về nguy cơ tai nạn rất lớn trong ngành không quân. Stalin, theo thói quen của ông trong các phiên họp như thế, rít chiếc tẩu và phì khói vào những người tham dự cuộc họp trong khi ông đi dạo dọc bàn họp. Đôi khi ông nhìn vào mắt họ, đôi khi ông quan sát họ từ phía sau lưng.

Người ta lên tiếng giải thích tại sao nguy cơ tai nạn ở binh chủng không quân lại cao, đến khi Richagov, Tư lệnh Không quân hồi đó, đến lượt phát biểu. Tôi nhớ anh mang hàm trung tướng, còn trẻ và trông anh trẻ hơn tuổi rất nhiều, hệt như một cậu bé. Khi đến lượt, đột nhiên anh nói:

- Nguy cơ tai nạn sẽ vẫn còn cao bởi chúng tôi bị buộc phải bay trong những chiếc quan tài!

Lời tuyên bố đó khiến mọi người bất ngờ, ai nấy đỏ mặt, người cứng đờ, bầu không khí lặng như tờ bao trùm căn phòng. Chỉ có Richagov vẫn đứng, chưa hoàn hồn sau cú nổ của chính mình, mặt mày đỏ lựng và nóng nảy; Stalin đứng cách anh vài bước. Đúng ra là ông ta đi lại, nhưng ông dừng lại ngay sau khi nghe lời tuyên bố của Richagov.

Xin được nêu ý kiến riêng của tôi. Theo cái cách thức như đã được nêu ra, lời tuyên bố nói trên không có chỗ đứng trong Hội đồng Quân sự. Stalin đã làm nhiều việc cho binh chủng không quân, ông quan tâm nhiều đến ngành và có hiểu biết tương đối kỹ càng trong các vấn đề liên quan đến ngành; dù sao đi nữa, ông cũng am hiểu hơn nhiều so với những người đứng đầu Bộ Dân ủy Quốc phòng hồi đó.

Stalin hiểu rõ về binh chủng không quân hơn họ nhiều. Chắc chắn ông coi lời đáp của Richagov - ở dạng được đưa ra - như một sự xúc phạm đến cá nhân ông và mọi người đều hiểu điều đó.

Stalin đứng tại chỗ một hồi rồi tiếp tục đi dạo bên cạnh chiếc ghế, cũng theo hướng mà trước đó ông đã đi. Ông làm một vòng quanh chiếc bàn họp, quay lại và đi dọc căn phòng trong bầu không khí lặng như tờ, rồi ông lại quay lại, rút chiếc tẩu khỏi miệng và chậm rãi nói, không hề cao giọng:

- Lẽ ra không cần nói câu đó!

Rồi ông lại bước tiếp. Ông đi dạo quanh chiếc bàn, quay lại, đi dọc phòng họp, lại quay lại và hầu như ông dừng ở đúng chỗ mà trước đó ông đã đứng, và nói bằng một giọng cũng nho nhỏ như thế:

- Lẽ ra không cần nói câu đó! - và sau một chút nghỉ, ông nói thêm: - Phiên họp kết thúc!

Stalin ra khỏi phòng họp đầu tiên. Mọi người lục đục sửa soạn hành lý, xách cặp giấy, túi tắm ra về và chờ xem điều gì sẽ xảy ra sau đó. Ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư, nhưng đến ngày thứ năm vẫn chưa có gì xảy ra. Một tuần sau, Richago bị bắt và anh mất tích vĩnh viễn.

*

Trong trích đoạn sau đây, Simonov thuật lại lời kể của Nguyên soái Aleksandr Vasilyevsky, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân trong Thế chiến thứ hai, một người có dịp tiếp xúc thường xuyên với Stalin và thấu hiểu tính cách nhà độc tài.

Đề tài được nhắc đến là cuộc chiến Phần Lan, vốn bị coi là “cấm kỵ” ở Liên Xô (cũ) trong nhiều thập niên dài. Năm 1939, nhằm củng cố biên giới phía Bắc, chính phủ Xô-viết đề nghị Phần Lan nhượng lại cho Liên Xô eo đất Karelia; bù lại, Liên Xô sẵn sàng trao cho Phần Lan một khoảng đất lớn hơn: bán đảo Kola.

Đọc đoạn trích, độc giả có thể thấy ý kiến của Vasilyevsky: ngay từ thời điểm trước Đệ nhị Thế chiến, Stalin đã tỏ ra là một chiến lược gia tồi, bản tính tự cao tự đại và những sai lầm của ông đã khiến hàng vạn binh lính Xô-viết phải thiệt mạng một cách oan uổng trong cuộc chiến xâm lược Phần Lan.

Những ý kiến thẳng thắn và trung thực này đã không được đưa vào cuốn hồi ký nổi tiếng “Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh” của Vasilyevsky, từng được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Lý do rất dễ hiểu: bộ máy kiểm duyệt và thời kỳ đình trệ dưới “triều đại” Brezhnev...



Lính trượt tuyết Phần Lan tại mặt trận phía Bắc chống Hồng quân xâm lược (ngày 12-1-1940) - Ảnh tư liệu

Cuộc chiến Phần Lan bắt đầu như thế nào? Chính phủ ta mở những cuộc đàm phán với Phần Lan nhằm chuyển dịch đường biên giới và đề nghị họ nhượng lại eo đất Karelia cho Liên Xô, vùng đất này cần thiết để đảm bảo an toàn vùng Leningrad; chúng ta cũng đề nghị bồi hoàn xứng đáng cho họ.

Khi những cuộc đàm phán ấy tỏ ra thất bại hoàn toàn, Stalin triệu tập Hội đồng Quân sự và đặt vấn đề: nếu mọi sự diễn tiến như thế thì chúng ta phải mở một cuộc chiến tranh với Phần Lan. Tổng tham mưu trưởng quân đi Shaposhnikov được mời đến để thảo luận kế hoạch tác chiến. Cố nhiên, kế hoạch chiến sự cho cuộc chiến Phần Lan đã được bàn định xong xuôi và Shaposhnikov đệ trình nó lên Stalin.

Kế hoạch này xuất phát từ sự đánh giá thực tế sức mạnh quân sự của Phần Lan, cạnh đó, nó còn căn cứ vào trạng thái hệ thống chiến lũy phòng thủ của Phần Lan. Do đó, Shaposhnikov đòi hỏi sự tập trung của những lực lượng quân sự và vũ khí đáng kể, ông cho rằng đó là các yếu tố không thể thiếu được để thực hiện thành công kế hoạch nói trên.

Khi Shaposhnikov kê khai tất cả những lực lượng và phương tiện quân sự mà ông cho rằng Bộ Tổng tham mưu phải tập trung trước khi khởi sự, Stalin biến kế hoạch đó thành một trò hề. Ông nói đại loại như sau: Shaposhnikov đòi hỏi những lực lượng và phương tiện quân sự quá lớn để đánh Phần Lan, không thể cần đến những nhu cầu quá lớn như thế được.

Sau đó, Stalin quay sang phía Meretskov, Tư lệnh Quân khu Leningrad, và hỏi ông ta: “Quả thực các anh cần đến những lực lượng quân sự khổng lồ đến thế để đánh Phần Lan? Quả thực cần nhiều đến thế ư?”. Meretskov đáp: “Thưa đồng chí Stalin, phải tính toán, phải cân nhắc về chuyện này. Chúng tôi cần sự hỗ trợ, nhưng có lẽ không theo chiều hướng đã được nói ở đây”.

Như vậy, từ đầu, Stalin đã loại trừ Bộ Tổng tham mưu khỏi chiến sự sắp tới. Thậm chí, ngay tức khắc, ông còn bảo Shaposhnikov cần nghỉ ngơi, ông phân cho vị chỉ huy quân sự một nhà nghỉ ở Shochi và cho Shaposhnikov nghỉ phép. Tất cả các cộng sự của Shaposhnikov đều bị phân tán, Stalin cử họ đi làm đủ mọi thứ công tác “giám sát” ở mọi nơi. Ví dụ: ông tìm được một cớ gì đó để thuyên chuyển tôi đến giới tuyến ở Lithuania.

Ai cũng biết những gì xảy ra sau đó. Thiếu chuẩn bị, mặt trận Leningrad bước vào cuộc chiến trong tình trạng thiếu lực lượng quân sự cần thiết và thiếu phương tiện vũ khí, họ dậm chân tại chỗ trọn một tháng trời ở eo đất Karelia, bị thiệt hại nặng nề và về thực chất, họ chỉ vượt qua được chặng đầu của tuyến phòng thủ.

Chỉ sau tháng đầu, họ mới đến được phòng tuyến thực sự của Mannerheim, nhưng lúc đó binh lính đã quá mệt mỏi và không còn sức lực để chiếm các thành quách của đối phương. Khi ấy, Stalin cho triệu hồi Shaposhnikov (đang nghỉ phép) và Hội đồng Quân sự lại thảo luận kế hoạch tiếp tục cuc chiến Phần Lan. Về đại thể, Shaposhnikov đệ trình một kế hoạch giống như kế hoạch của ông trước đó một tháng.

Bây giờ, kế hoạch đó được thông qua. Vấn đề được đặt ra là ai sẽ chỉ đạo chiến sự vùng eo đất Karelia? Stalin tuyên bố Meretskov bất lực trước nhiệm vụ, vì thế ông ta không được ủy nhiệm. Stalin hỏi:

- Vậy ai chịu nhận nhiệm vụ lãnh đạo các lực lượng quân sự chiến đấu ở eo đất Karelia?

Mọi người lặng thinh, một sự im lặng kéo dài và khó xử. Cuối cùng, Timoshenko đứng dậy và nói:

- Nếu nhận được mọi thứ đã nói đến ở đây, tôi xin nhận nhiệm vụ chỉ huy và tôi hy vọng sẽ không gây thất vọng.

Timoshenko đã được bổ nhiệm như thế.

Ngoài mặt trận, cuộc chiến tạm ngừng trong một tháng. Thực chất chiến sự chỉ tái diễn vào tháng Hai. Trong tháng ấy, người ta khởi thảo kỹ lưỡng các kế hoạch tác chiến, điều đng các đơn vị quân đi, đào tạo họ và chuyên chở vũ khí đến vị trí cần thiết. Timoshenko điều khiển tất cả những công việc này tại vùng eo đất Karelia.

Phải công nhận quả thực ông quan tâm đến công việc một cách rất năng đng: ông huấn luyện, giảng dạy, chuẩn bị cho các đơn vị quân đi vào chiến trận. Các lực lượng không quân, chiến xa và trọng pháo được tập trung. Cuối cùng, khi các cuộc hành quân diễn ra, khi đó đã đầy đủ lực lượng quân sự và khí cụ cần thiết, thành công là điều tất yếu: Hồng quân nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến Mannerheim.

Xem tiếp Phần 3.
Trần Lê dịch - Còn tiếp

HỒI TƯỞNG CỦA SIMONOV VỀ STALIN (Phần 3)

Thứ sáu - 02/12/2005 23:52

(NCTG) “Fadeyev nói về một nhà văn đang trong cảnh rất nghèo khó. - Phải giúp đỡ hắn - Stalin nói và nhắc lại: - Phải giúp đỡ hắn. Cho hắn ta tiền. Và các anh hãy nhận những gì hắn viết, cho in rồi giả tiền hắn. Việc gì hắn ta phải ăn đồ bố thí? In bài rồi giả tiền cho hắn!”.

Xem Phần 1Phần 2 của loại bài viết.


Simonov (ngoài cùng, bên phải) cùng các bạn văn nghệ trong chiến tranh (năm 1943) - Ảnh tư liệu

Trích đoạn sau đây nhắc đến những kỷ niệm cá nhân của nhà văn đối với nhà độc tài Stalin. Simonov kể về lần gặp gỡ đầu tiên của ông với Stalin năm 1946, khi đó, ông còn là một nhà văn trẻ được Stalin ưa thích. Trên cương vị TBT tờ tạp chí “Novy Mir” (Thế giới mới), nhà văn tận dụng cơ hội đặc biệt này để xin tăng số trang cho báo.
Cạnh đó, Simonov cũng tranh thủ xin được đăng tải các truyện ngắn của Zoshchenko (1), một nhà văn Nga nổi tiếng bị trù dập trong nhiều năm. Qua mẩu chuyện này, chúng ta có thể thấy dưới thời Stalin, số phận một nhà văn, một tác phẩm, một tờ tạp chí... hoàn toàn phụ thuộc vào tính khí nhất thời, thất thường như mưa nắng... của nhà độc tài!
 
- Và nếu chúng ta tăng số trang, sẽ có đủ bài vở chứ? - Stalin hỏi.

Tôi nói trước kia không phải chúng tôi không phạm sai lầm, khi mỗi số báo chỉ dày 12 “tay sách” (2) chúng tôi cũng có thể sai sót, trong tương lai cũng vẫn có thể có những sai lầm và khuyết điểm, nhưng tôi tin rằng sẽ có đủ bài vở và tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm một tờ tạp chí dày 18 “tay sách” có giá trị toàn diện.

Tôi đề nghị: dù có thể làm một tờ tạp chí giá trị hay không với số trang như thế, hãy cho tôi thử và nếu tôi đảm đương được việc này trong nửa cuối của năm 47 thì có thể đặt vấn đề tăng trang hơn nữa cho tạp chí, bằng không, lúc đó vẫn có thể giảm số trang và trở về khuôn khổ hiện tại.

- Đúng vậy - Stalin nói - tờ tạp chí khá hơn thật. Này, tờ “Zvezda” (Ngôi sao) cũng đăng nhiều bài lý thú, những bài về triết học, khoa học, lắm khi còn hay hơn tờ “Bolshevik” (Người bôn-sê-vích). Rõ ràng là tờ “Zvezda” và “Novy Mir” đã khá hơn trước nhiều. Nhưng, ngộ nhỡ không có đủ bài vở thì sao? - Stalin kiên trì nhắc lại câu hỏi đó, giờ đã là lần thứ ba.

Và tôi lại nói rằng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

- Thế thì chúng tôi phải cho phép thôi, cần phải thử xem sao - Stalin nói. - Nhưng nếu chúng tôi cho phép anh thì các tạp chí khác họ cũng cãi vã ầm ĩ lên. Vậy phải làm thế nào?

Tôi đề nghị đầu tiên hãy để chúng tôi thử nghiệm với tờ “Novy Mir” và dựa trên kinh nghiệm của đó, sau này có thể đưa ra những quyết định tiếp tới. Fadeyev (3) đứng về phía tôi, ông bảo quả thực, cho đến cuối năm nay phải thử nghiệm ở một tờ tạp chí rồi sau hãng hay.

- Được - Stalin đồng ý. - Thử xem nào. Chúng ta sẽ tăng độ dày tờ “Noviy Mir”. Các anh cần bao nhiêu “tay sách”?

Tôi nhắc lại con số đã nói lúc trước: 18.

- Chúng ta hãy cho họ 17 - Stalin nói.

Tôi nhắc ông: vì tờ tạp chí có thêm mục Khoa học và Quốc tế nên về sau còn phải tăng biên chế. Tôi cần hai người phụ trách các chuyên mục đó.

Stalin mỉm cười:

- Thôi được, các anh cứ đệ đơn lên ủy ban đi.

Zhdanov (4) nhận xét: lá đơn của tôi nhằm xin lương cho các cng sự, hiện đang ở chỗ ông ta.

- Chúng ta không tiếc tiền - Stalin nói và nhắc lại: - Chúng ta không tiếc tiền.

Tôi giải thích cho ông biết: ở tòa báo chúng tôi, người phụ trách mỗi chuyên mục chỉ được nhận có 1.200 rúp thôi [cố nhiên, tính theo tiền hồi ấy].

- Hãy để ủy ban thông qua quyết định này - Stalin nói và lặp lại lần thứ ba: - Chúng ta không tiếc tiền.

Sau đó, Fadeyev nói về một nhà văn đang trong cảnh rất nghèo khó.

- Phải giúp đỡ hắn - Stalin nói và nhắc lại: - Phải giúp đỡ hắn. Cho hắn ta tiền. Và các anh hãy nhận những gì hắn viết, cho in rồi giả tiền hắn. Việc gì hắn ta phải ăn đồ bố thí? In bài rồi giả tiền cho hắn!

Zhdanov kể rằng cách đây ít lâu, ông ta nhận được từ nhà văn ấy một lá thư chứa chất nhiều tình cảm sâu sắc. Stalin nhếch mép cười.

- Zhdanov, đồng chí đừng tin vào những lá thư có tình cảm sâu nặng.

Chúng tôi đều cười. [...]

Đột nhiên tôi đâm bạo dạn và làm một việc mà trước đây tôi chưa làm bao giờ làm, mặc dù tôi đã nghĩ đến nó: tôi bắt đầu nói về Zoshchenko. Tôi nói về những truyện ngắn đề tài du kích của ông, thực sự được viết dựa trên những mẩu chuyện của các du kích, tôi nói tôi đã lựa chọn vài truyện trong số này, tôi muốn đăng tải chúng trên tờ “Novy Mir” và xin Stalin cho phép.

- Này, thế đồng chí đã đọc những truyện ngắn đó của Zoshchenko chưa? - Stalin quay sang hỏi Zhdanov.

- Thưa, chưa - Zhdanov đáp -, tôi chưa đọc.

- Nhưng anh thì anh đọc rồi chứ? - Stalin quay về phía tôi.

- Tôi đọc rồi - tôi đáp và giải thích: Zoshchenko có tổng cộng khoảng hai mươi truyện ngắn, nhưng tôi chỉ lựa chọn mười truyện, những truyện mà tôi coi là hay nhất.

- Nghĩa là trên cương vị tổng biên tập, anh cho rằng đó là những truyện ngắn tốt? Rằng có thể đăng tải chúng?

- Vâng - tôi đáp.

- Vậy thì thế này: nếu trên cương vị tổng biên tập, anh cho rằng có thể đăng tải chúng thì anh cứ đăng. Và nếu anh cho đăng thì chúng tôi sẽ đọc.

Bây giờ, sau từng ấy năm, tôi tin rằng trong câu nói cuối cùng của Stalin có một chút sắc thái gì đó của thứ hài hước mà người ta vẫn gán cho ông, thứ hài hước tiềm ẩn và có thể nguy hiểm cho người đang nói chuyện với ông; nhưng tất nhiên tôi không thể đảm bảo điều đó.

Thời đó, những giả thuyết của tôi hiện nay không hề xuất hiện trong óc tôi: tôi quá hồi hộp, thứ nhất là vì tôi đã dám đả động đến Zoshchenko, thứ nhì, bởi Zhdanov, người mà tôi cứ nghĩ chắc chắn phải đọc nhũng truyện ngắn của Zoshchenko, lại nói là chưa đọc và điều này bất ngờ đối với tôi, cuối cùng, vì Stalin đã cho phép đăng tải chúng.

Chú giải:
(1) Mikhail Zoshchenko (1895-1958): bậc thày của dòng văn học châm biếm Nga. Năm 1946, theo chỉ thị của Stalin, ông đã bị cấm sáng tác và cấm in các tác phẩm trong một thời gian dài.

(2) Đơn vị và thuật ngữ được sử dụng trong công nghệ in ấn: 1 “tay sách” = 8-16-32 trang.

(3) Aleksander Fadeyev (1901-1956): nhà văn Liên Xô, tác giả “Đi cận vệ thanh niên”, được coi là người mở đường trường phái văn học hiện thực xã hi chủ nghĩa. Tổng thư ký Hi Nhà văn Liên Xô trong thập niên 50. Tự sát vì khủng hoảng lý tưởng sau khi những ti ác của Stalin bị phanh phui đầu năm 1956.

(4) Andrei Zhdanov (1896-1948): Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách văn hóa và tư tưởng, thuộc giới lãnh đạo thân cận nhất của Stalin; nổi tiếng như người đặt nền móng và đại diện cho đường lối văn hóa giáo điều, ngự trị ở Liên Xô suốt mấy thập niên liền. Khét tiếng trong vụ đàn áp hai nhà văn lớn của nước Nga - Xô-viết là Zoshchenko và Akhmatova năm 1946.
Trần Lê dịch

Về cái gọi là “thiên tài quân sự” của Stalin


stalin.
Trần Lê  tổng hợp
I. 
Cách đây gần 64 năm, vào mờ sáng một ngày cuối tháng 6-1941, phát-xít Đức đã mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới của Liên bang Xô-viết.
Cố sử gia Nga Dmitri Volkogonov, người từng giữ chức giám đốc kho lưu trữ các tài liệu mật của Đảng Cộng sản Liên Xô, trong tác phẩm lớn “Thắng lợi và tấn thảm kịch” (Moscow, 1989), đã tái họa một cách sinh động hình ảnh Stalin, “người cha của các dân tộc“, trong khoảnh khắc sinh tử ấy:
Stalin ngả lưng trên chiếc ghế dài trong phòng làm việc ở nhà nghỉ của ông. Tại đó, ông thường làm việc và nghỉ ngơi, và ông đã hơi chợp mắt khi có người rón rén gõ cửa. Nghe tiếng gõ cửa, Stalin đau nhói nơi trái tim: chưa bao giờ ông bị đánh thức như thế. Hay điều xấu nhất đã xảy ra? Chẳng lẽ ông đã tính nhầm ư?
Stalin sửa lại bộ quần áo ngủ và ra ngoài phòng. Người chỉ huy đội cảnh vệ báo cáo:
– Thưa đồng chí Stalin, đại tướng Zhukov xin đồng chí ra nghe điện thoại vì một việc không thể trì hoãn.
Vị tổng bí thư tiến đến máy nghe.
– Tôi đây…
Zhukov – như lời ông thuật lại sau cuộc chiến – đã báo cáo với Stalin: không lực kẻ thù đang oanh tạc Kyev, Minsk, Sevastopol, Vilnius và nhiều thành phố khác. Sau khi dứt lời, tổng tham mưu trưởng quân đội Xô-viết hỏi lại:
– Đồng chí Stalin, đồng chí có hiểu những gì tôi vừa nói không?
Vị tổng bí thư thở dài thật to trong ống nghe và không trả lời. Ông cảm thấy một gánh nặng khổng lồ đang đè trên vai ông, khiến ông tê liệt, và câu hỏi của Zhukov không ngấm được mấy vào tâm khảm ông. Có lẽ ông đang nhớ lại trong óc bức điện tín Hitler gửi ông nhân sinh nhật 60 tuổi:
“Gửi ngài Joseph Stalin,
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh, xin ngài nhận ở nơi tôi lời chúc mừng chân thành nhất, và kèm đó, những lời chúc lành. Xin chúc ngài luôn mạnh giỏi, chúc nhân dân Xô-viết có một tương lai hạnh phúc…”
Stalin lặng thinh.
– Đồng chí Stalin, đồng chí có hiểu những gì tôi vừa nói không?
Rốt cục, ông đã hiểu. Những thiên thần hạ giới cũng có thể phạm sai lầm, và cái giá phải trả cho những sai lầm của họ là vô cùng lớn.
Đó là hồi 4 giờ sáng ngày 22-6-1941“.
*
Trong nhiều năm liền, song song với huyền thoại về một Stalin hiền từ, nhân hậu, bao dung độ lượng kiểu “Ông Stalin bên cạnh nhi đồng – Áo Ông trắng giữa mây hồng – Mặt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười” (“Đời đời nhớ ông” – Tố Hữu, 5-1953), là một huyền thoại về Stalin “thiên tài quân sự”.
Một thời, trí thức thiên tả phương Tây đã nhất loạt coi Stalin là người “cứu rỗi nhân loại“: mặc dù biết đến những tội ác khủng khiếp của nhà độc tài đỏ, vẫn không ít người cho rằng nếu không có Stalin, ắt Liên Xô đã thua phát-xít Đức trong Đệ nhị Thế chiến và loài người đã không tránh khỏi “bệnh dịch hạch nâu” trên phạm vi toàn thế giới.
Để bác lại lập luận đó, giới sử học quốc tế đã đưa ra nhiều bằng chứng không thể chối cãi về “tài” cầm quân của Stalin. Cố nhiên, những người không đồng ý có thể cho rằng giới sử học phương Tây đã không khách quan khi họ vạch ra những bất cập trong sự lãnh đạo quân sự của Stalin.
Nhưng, chỉ cần đọc lại một số tư liệu, văn kiện của chính các đồng sự của Stalin, những người đã cùng Stalin lãnh đạo Hồng quân trong Đệ nhị Thế chiến, cũng có thể thấy cái “sở trường quân sự” của nhà độc tài chỉ là một huyền thoại.
Tháng 8-1939: Stalin, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov và Ngoại trưởng Đức Ribbetrop ký kết Hiệp ước bất tương xâm Liên Xô - Đức để chia cắt Ba Lan và khiến Liên Xô có thể
Tháng 8-1939: Stalin, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov và Ngoại trưởng Đức Ribbetrop ký kết Hiệp ước bất tương xâm Liên Xô – Đức để chia cắt Ba Lan và khiến Liên Xô có thể “sát nhập” ba nước vùng vịnh Baltic – Ảnh tư liệu
Trong những ngày này, khi cả thế giới kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát-xít Đức, vai trò của Stalin trong cuộc Đệ nhị Thế chiến một lần nữa được coi là một đề tài chính trị nóng bỏng. Tượng của ông lại được dựng lên ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Những hành động quân sự của Stalin trong thời gian trước khi Liên Xô bị Đức tấn công (tháng 6-1941) – như ký Hiệp ước bất tương xâm với Đức để chia đôi Ba Lan và giúp Liên Xô chiếm ba nước Baltic; khởi binh đánh chiếm Phần Lan, v.v… – mới đây đã được tổng thống Nga Vladimir Putin coi là hợp pháp, bởi lẽ, theo ông, Liên bang Xô-viết hoàn toàn có quyền thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm “an ninh biên giới phía Tây của mình”, như thể việc xâm lược các nước có chủ quyền là một trong những biện pháp bảo vệ biên giới hợp pháp (*)
Trong bối cảnh ấy, thì việc xem xét lại cái gọi là “thiên tài quân sự” của Stalin cũng là một vấn đề cấp thời. Chẳng hạn, thông qua những hồi tưởng của của một số cộng sự gần gũi, trước hết là nguyên soái huyền thoại Zhukov, người được phương Tây mệnh danh là “vị thống chế vĩ đại nhất của Thế chiến thứ Hai”. Trên cương vị ấy, hẳn ông có thẩm quyền để nói về “tài cầm quân” của Stalin.
(*) “Sự thật lịch sử hay tôn vinh chiến thắng?” – Anne Applebaum, Phạm Minh Ngọc dịch (talawas ngày 9-5-2005).
II. 
Nguyên soái Georghi Zukov (1896-1974)
Nguyên soái Georghi Zukov (1896-1974)
Trong số các tướng lĩnh Xô-viết có công lao hàng đầu trong cuộc chiến tranh, phải kể đến Nguyên soái Zhukov, người từng được coi là “vị thống chế vĩ đại nhất của Thế chiến thứ Hai“.
Diễn tiến của Đệ nhị Thế chiến đã được Zhukov thuật lại một cách tỉ mỉ và xác thực trong cuốn hồi ký nổi tiếng “Hồi tưởng và suy nghĩ”. Đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, đây là một cuốn sách đồ sộ, dày đến tám, chín trăm trang, khá nặng nề và khô khan vì chứa chất nhiều sự kiện quân sự thuần túy. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến lịch sử Liên Xô và biết rõ mối quan hệ đầy sóng gió và mâu thuẫn giữa Stalin và Zhukov, đều phải tự đặt câu hỏi: trong “Hồi tưởng và suy nghĩ”, Zhukov nhận định ra sao về “thiên tài quân sự” của “đại nguyên soái” Stalin?
Lần giở những trang có cái tên Stalin, độc giả có thể ngạc nhiên vì nhìn chung, Zhukov rất khen ngợi Stalin về mặt quân sự. Không phải ngẫu nhiên mà trong một thời gian dài dưới triều đại Brezhnev, người ta đã viện dẫn rất nhiều vào cuốn hồi ký để tiếp tục tung hô Stalin. Cần biết rằng Zhukov viết “Hồi tưởng và suy nghĩ” trong thời gian 1963-67 và sách được ấn hành lần đầu năm 1969, nghĩa là sau khi vị tổng bí thư (có tư tưởng cởi mở và do đó, bị coi là “xét lại”) Khrushchev bị hạ bệ trong một cuộc “đảo chính cung đình” và  Liên Xô sa vào tình trạng đình trệ toàn diện.
Phe nhóm của Brezhnev tìm mọi cách để “phục hồi” từng bước Stalin về mặt chính trị, khiến ít ai dám phê bình ông ta một cách mạnh mẽ như một thập niên trước đó. Và Zhukov cũng không thuộc ngoại lệ: bằng không, cuốn hồi tưởng sẽ không bao giờ được ra đời. Nhiều đoạn trong bản thảo của “Hồi tưởng và suy nghĩ” đã bị cơ quan kiểm duyệt gạch bỏ thẳng thừng và bản thân Zhukov cũng có ý “tự kiểm duyệt” khi ông không nói thẳng mọi ý kiến “có vấn đề” của mình về Stalin.
Nhà quân sự đại tài Zhukov trong bộ đại lễ phục dành cho vị nguyên soái lớn nhất của Đệ nhị Thế chiến
Nhà quân sự đại tài Zhukov trong bộ đại lễ phục dành cho vị nguyên soái lớn nhất của Đệ nhị Thế chiến
Tuy nhiên, một số đoạn mấu chốt trong bản thảo cuốn sách đã được sử gia – viện sĩ hàn lâm Aleksander Samsonov công bố trên tờ “Sovietskaya Kultura” (Văn hóa Xô-viết) năm 1988. Nhiều năm về trước, chính Samsonov là người đã chép lại những lời bình luận của Zhukov. Cần nói thêm, viện sĩ Samsonov là thành viên Phân ban Lịch sử của Viện Hàn lâm Khoa học Xô-viết. Vào thời “cải tổ” cuối thập niên 80, phân ban này được giao nhiệm vụ khởi thảo một bộ sử gồm 10 tập nhằm “bạch hóa” những sự kiện vốn bị xuyên tạc, giấu giếm trong quá khứ. Theo kế hoạch, bộ sách phải được ra mắt vào năm 1995. Không rõ số phận của công trình này ra sao sau khi Liên Xô sụp đổ.
Sử gia Samsonov đã có một bài viết mang tựa đề “Cần biết và cần nhớ lại” cho thấy một phần sự thực “thiên tài quân sự” của Stalin, thông qua đánh giá thực sự của nguyên soái Zhukov. Ông cho biết:
Trong tác phẩm “Hồi tưởng và suy nghĩ”, nguyên soái Zhukov đã nói nhiều điều, nhưng lẽ ra ông còn có thể nói thêm nhiều điều nữa. Khi cuốn sách được ấn hành lần đầu tiên, một phong trào làm sống lại sự sùng bái cá nhân Stalin được khởi động một cách có ý thức từ trên xuống, chủ nghĩa giáo điều được áp dụng rộng rãi, việc phê bình những hiện tượng tiêu cực của quá khứ bị bóp nghẹt. Cá nhân Brezhnev, vốn không có công lao gì thật đáng kể, cũng được phóng đại lên: chẳng những được nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa”, ông ta còn được phong danh hiệu “Anh hùng Liên Xô” bốn lần trong thời bình (1) và được nhận huân chương “Chiến thắng”, phần thưởng lớn nhất ở Liên Xô dành cho quân đội (2).
Trong hồi ký, Zhukov ghi lại một mẩu chuyển nhỏ: ngày 18 tháng Tư 1943, ông đến mặt trận phía Bắc Caucasus, thay thế vị trí của tướng K.N.Lesidze, chỉ huy quân đoàn thứ 18. Sau đó ông viết: “… Chúng tôi muốn bàn bạc với L.I.Brezhnev, trưởng phòng chính trị quân đoàn 18, nhưng lúc đó ông đang ở Đất nhỏ (3), nơi xảy ra chiến sự ác liệt”… Phải chăng giai thoại mang tính tiếu lâm sau đây đã xuất phát từ đó: Zhukov xin phép Stalin cho tấn công Berlin, nhưng Stalin đáp: “Tôi còn phải bàn bạc với đại tá Brezhnev đã”?
Những nhận định về “tài năng” của Stalin trong quân sự đã được sử gia Aleksander Samsonov ghi lại, trong cuộc gặp mặt nguyên soái Zhukov tại nhà điều dưỡng mang tên Frunze tại Krym, ngày 18-9-1966:
Trên phương diện quân sự, cố nhiên Stalin không đến nỗi ngu dốt như về sau này Khrushchev nói. Nhưng ông không có hiểu biết đúng mức trong việc lập kế hoạch cho những chiến dịch mang tính chiến lược, ông không hiểu biết đầy đủ một số nhân tố trong đó. Những phác họa của ông về chiến lược đa phần xuất phát từ những kinh nghiệm thời nội chiến. Sự can thiệp của Stalin vào công việc chỉ đạo chiến tranh vũ trang thường là sai lầm và gây thiệt hại. Ông không chịu được khi người khác dám có ý kiến trái ngược với ông.
Chẳng hạn, tôi bị truất khỏi chức tổng tham mưu trưởng chính vì tôi phản đối những sự can thiệp như thế. Mặt khác, đối với những chỉ huy quân sự không có đủ khả năng quyết định một mình, những chỉ thị dứt khoát của Stalin lại rất phù hợp với họ. Stalin là người thông minh, từng bước ông tự tìm cho mình những kiến thức và kinh nghiệm quân sự cần thiết. Như vậy, sau trận Stalingrad và đặc biệt là sau trận Kursk, tầm lãnh đạo tác chiến của Stalin tăng tiến rõ rệt“.
Tấm ảnh nổi tiếng: Stalin cùng thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt tại Hội nghị Yalta - Vai trò của Stalin trong Thế chiến thứ Hai cần phải được đánh giá lại!
Tấm ảnh nổi tiếng: Stalin cùng thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt tại Hội nghị Yalta – Vai trò của Stalin trong Thế chiến thứ Hai cần phải được đánh giá lại!
 Theo Samsonov, chúng ta có thể đánh giá được sự phức tạp trong mối quan hệ giữa Stalin và Zhukov không chỉ qua tập hồi ký của Zhukov. Tập bản thảo đánh máy của Georghi Konstantinovich (4), mang tựa đề “Nói ngắn gọn về Stalin” (có thể đọc tư liệu này tại Kho lưu trữ Học viện Lịch sử trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô…), tuy không có chữ ký, nhưng những đoạn sửa chữa bằng tay của Zhukov đã chứng tỏ tính xác thực của văn bản.
Tôi cố gắng một cách kiên trì để thấu hiểu con người Stalin. Nhưng rất khó đoán được tính khí của ông. Stalin ít nói và ông thể hiện những suy nghĩ của mình một cách ngắn ngủi. Tôi có cảm giác Stalin, do không có quan hệ trực tiếp với nhân dân, với công việc thường ngày, với hoàn cảnh sống, với suy tư và tình cảm của họ, nên ông chỉ biết đời sống nhân dân thông qua các báo cáo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Người ta thường “tô hồng” các vấn đề khi báo cáo cho Stalin, vì thế, lẽ dĩ nhiên là ông không thấu hiểu tình thế thực sự diễn ra trong đất nước, cũng như ông không thể biết rõ hoàn cảnh sống của nhân dân.
Khi chiến tranh lên đến cực điểm, Stalin cảm thấy việc tổ chức các chiến dịch không phải là sở trường của ông, hơn nữa, dưới tác động những thất bại lớn ở vùng phía Nam đất nước năm 1942, Stalin đề nghị tôi giữ chức vụ phó tổng tư lệnh tối cao. Và tôi phải nói rằng từ giờ phút đó trở đi, hầu như Stalin không tự đưa ra một quyết định gì liên quan đến vấn đề tổ chức các chiến dịch, bao giờ ông cũng thảo luận với tôi. Hầu như trong suốt chiến tranh, tôi được hưởng sự tôn trọng và thiện cảm của Stalin và điều này đã khiến chúng tôi có được những thành công trong việc tổ chức và tiến hành các chiến dịch. Thời gian cuối chiến tranh và đặc biệt là sau cuộc đụng độ ở lòng chảo Kursk, Stalin đã hoàn toàn thông thạo trong các vấn đề quân sự.
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng khi các chiến dịch lớn được tiến hành và đạt thắng lợi, Stalin thường tìm cách đẩy những người tổ chức [thực sự] vào sau hậu trường và đưa cá nhân ông lên vị trí hàng đầu. Để làm việc đó, ông hay dùng “mẹo” sau đây. Khi nhận được những báo cáo đầu tiên về tiến trình của chiến dịch đã mở màn, Stalin bắt đầu gọi điện thoại cho Bộ Tham mưu và ban chỉ huy mặt trận, cho Bộ Tư lệnh tập đoàn quân, đôi khi ông còn liên lạc với hạ cấp như Bộ Tư lệnh quân đoàn, và lợi dụng những dữ liệu cuối cùng – về tình hình chiến sự – nhận được từ Bộ Tổng tham mưu, ông hỏi han các thuộc hạ về chiến dịch, ông đưa ra những chỉ dẫn, ông hỏi quân đội cần gì và hứa hẹn, tóm lại Stalin làm ra vẻ như vị tổng tư lệnh tối cao vẫn đứng vững trên vị trí của mình và nắm chắc trong tay quyền điều khiển chiến sự.
Tôi và [nguyên soái] A.M. Vasilyevsky chỉ được biết về những cú điện thoại của vị tổng tư lệnh (5) khi chúng tôi bắt liên lạc với các Bộ Tham mưu mặt trận; Stalin không cho chúng tôi biết và như thế ông đã với tay qua đầu chúng tôi. Và khi chúng tôi đã đánh đuổi quân thù khỏi lãnh thổ đất nước và các chiến dịch được mở ra tại Ba Lan, Hung, phần Đông nước Phổ, Tiệp Khắc và vùng Bessarabia, Stalin ra lệnh giải tán Hội đồng Đại biểu Quân sự, một cơ quan hoạt động ở Đại bản doanh Bộ Tư lệnh Tối cao, tại đó chúng tôi thống nhất việc thực hiện các chiến dịch ở từng trận tuyến. Rồi Stalin hạ lệnh phải chuyển ngay việc chỉ đạo của tất cả các mặt trận vào tay Đại bản doanh.
… Ý định ấy rất rõ ràng. Stalin chủ định chiến thắng vẻ vang trước quân thù phải là chiến thắng của Bộ Tư lệnh do chính ông chỉ đạo. Nghĩa là Stalin muốn lặp lại điều mà Nga hoàng đã làm năm 1813 đối với Kutuzov: vị tướng bị cách chức tổng chỉ huy và Nga hoàng tự lên nắm chức tổng tư lệnh tối cao để có thể phóng ngựa vào Paris, đứng đầu đạo quân chiến thắng đã đập tan quân đội của Napoleon“…
Chú thích – Tham khảo:
(1) Tức là không thua kém gì nguyên soái Zhukov!
(2) Chưa hết, Brezhnev còn là hội viên Hội Nhà văn Liên Xô, mặc dù như nhiều người biết, ông không thể nói mấy câu chúc tụng các đồng sự nhân ngày lễ, ngày sinh nhật… nếu không được thư ký viết sẵn cho trên giấy. Thậm chí, Brezhnev còn được tặng Giải thưởng Lenin (1979) (giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật ở Liên Xô ngày trước) cho ba cuốn sách “Malaya Zemlia” (Đất nhỏ), “Vozrozh-deniye” (Phục sinh) và “Tselia” (Đất hoang), dĩ nhiên không phải do ông ta viết, trong đó chứa chất đầy rẫy những giả mạo lịch sử (Việt Nam đã dịch và ấn hành bộ sách này). 
(3) Đất nhỏ (Malaya Zemlia) là nơi xảy ra một trận đánh ác liệt thời kỳ Thế chiến thứ Hai. Brezhnev là chính trị viên đơn vị quân đội Xô-viết ở đây.
(4) Tức nguyên soái Zhukov. 
(5) Trong thời gian chiến tranh, Stalin giữ chức tổng tư lệnh tối cao của quân đội Liên Xô.
III.
Nguyên soái vĩ đại Mikhail Tukhachevsky (1893-1937), một trong 5 nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô (được tấn phong năm 1935), bị kết án tử hình với tội danh ngụy tạo “làm gián điệp cho Đức” - Ảnh tư liệu
Nguyên soái vĩ đại Mikhail Tukhachevsky (1893-1937), một trong 5 nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô (được tấn phong năm 1935), bị kết án tử hình với tội danh ngụy tạo “làm gián điệp cho Đức” – Ảnh tư liệu
Stalin đã có vai trò như thế nào trong cuộc chiến Vệ quốc, dưới cái nhìn của Khrushchev, trước hết là thời kỳ khi Đức chưa và mới tấn công Liên Xô?
Khrushchev bác bỏ huyền thoại mà giới tuyên truyền Liên Xô thời chiến tranh – chiều theo tệ “sùng bái cá nhân” – cho rằng Stalin có vai trò quyết định trong chiến thắng của Hồng quân Liên Xô: Stalin đã tiên đoán trước tất cả, đã vạch ra chiến lược chống Đức theo kiểu “phòng ngự tác chiến” (cho phép lính Đức tràn vào tận Moscow và Stalingrad rồi chuyển thế thủ thành thế công và đánh bại quân thù).
Sự thực, sau khi ký Hiệp ước bất tương xâm với Đức (năm 1939) để chia vùng ảnh hưởng, mặc dù phát-xít Đức đã không giấu giếm ý đồ bá quyền và thôn tính Châu Âu, nhưng Stalin vẫn tỏ ra rất chủ quan, “mũ ni che tai” và sau này, ông ta lại làm như thể Liên Xô đã bị tấn công bất ngờ một cách bội tín.
Stalin đã không hề cảnh giác khi:
– Hitler thiết lập đủ các loại hiệp ước và khối trục, chuẩn bị ráo riết cuộc tấn công chống Liên Xô và tập trung những lực lượng quân sự lớn (trong đó có các quân đoàn thiết giáp) ở dọc biên giới Liên bang Xô-viết.
– Từ đầu tháng 4-1941, thủ tướng Anh Churchill đã cảnh báo Stalin về việc nước Đức Quốc xã chuẩn bị tấn công Liên Xô. sau đó, Churchill còn gửi nhiều điện tín cho Stalin để nhấn mạnh hiểm họa này, nhưng Stalin không hề để ý, thậm chí còn hạ lệnh cho mọi người đừng tin vào những thông tin kiểu ấy để tránh “gây ra những cuộc hành quân”.
– Ngay trước khi quân Đức xâm chiếm lãnh thổ Liên Xô, một công dân Đức đã vượt biên giới và báo tin Đức được lệnh tấn công Liên Xô vào lúc 3 giờ sáng ngày 22-6. Tin này được thông báo ngay cho Stalin nhưng Stalin vẫn hoàn toàn bỏ qua!
– Nhiều nguồn tin quân sự và ngoại giao của Liên Xô (chẳng hạn, từ Berlin, London) cũng đã đưa ra những thông tin tương tự, nhưng ban lãnh đạo đã nhận được lệnh… không được tin vào những nguồn tin đó.
Khrushchev thừa nhận rằng trong những ngày đầu chiến tranh, quân lực Liên Xô được vũ trang tồi tệ, không đủ đại bác, chiến xa và phi cơ để đẩy lùi quân Đức, cho dù trước Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô đã có các loại chiến xa và đại bác tuyệt diệu. Có điều, trong thời gian ngắn ngủi, kỹ thuật quân sự Đức đã tiến bộ vượt bậc và Liên Xô thì ở vào trạng thái “ù lỳ” do Stalin chủ trương án binh bất động: vũ khí cũ đã bị loại bỏ, nhưng vũ khí loại mới lại chưa được sản xuất.
Đến nỗi, thời kỳ đầu Thế chiến, chẳng những Liên Xô thiếu chiến xa, pháo binh và phi cơ, mà còn không đủ cả súng trường để cung cấp cho số binh lính mới được điều động.
Chẳng những thế, trước nguy cơ rõ ràng từ phía phát-xít Đức, Stalin còn bỏ qua đề nghị của các tướng lĩnh quân sự Liên Xô – như thiết lập hệ thống đại phòng thủ, di tản cư dân sự khỏi các vùng giáp biên giới, xây dựng những đầu mối phòng ngự… – vì cho rằng những biện pháp như thế chẳng khác gì khiêu khích Đức, khiến quân Đức có cớ tấn công Liên bang Xô-viết.
Ngay cả khi phát-xít Đức thực sự xâm lấn lãnh thổ Xô-viết (qua những tuyến biên giới hầu như bỏ ngỏ), Stalin vẫn ra lệnh không được bắn trả vì tưởng chiến tranh chưa xảy ra, và đây chỉ là hành động khiêu khích của vài đơn vị vô kỷ luật của quân đội Đức, nhằm kiếm cớ tấn công Liên Xô nếu Liên Xô chống trả!
Nguyên soái Konstantin Rokossovsky (1896-1968) bị bắt năm 1937, bị tra tấn và cầm tù tới năm 1941 mới được thả. Năm 1956 được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan - Ảnh tư liệu
Nguyên soái Konstantin Rokossovsky (1896-1968) bị bắt năm 1937, bị tra tấn và cầm tù tới năm 1941 mới được thả. Năm 1956 được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan – Ảnh tư liệu
Thái độ thản nhiên, coi thường những sự kiện rành rành ấy” của Stalin, theo Khrushchev, đã đem lại hậu quả thảm khốc: ngay trong những ngày giờ đầu cuộc chiến, ở các vùng biên giới, quân Đức đã phá hủy phần lớn không quân, pháo binh và các trang bị quân sự khác của Liên Xô, đã sát hại một phần đáng kể các cán bộ quân sự và phá hoại Bộ Tham mưu Quân sự của ta.
Liên Xô đã không ngăn nổi quân thù tiến sâu vào nội địa đất nước, chứ không hề có chuyện là Stalin “sáng suốt” theo chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” mà Kutuzov đã dùng để đánh bại quân Napoleon ngày xưa, để nhử Đức vào sâu trong lãnh thổ Liên Xô rồi mới tiêu diệt.
Đặc biệt, trong văn kiện này, Đảng Cộng sản Liên Xô – thông qua Khrushchev – đã chính thức thú nhận về những vụ thanh trừng đẫm máu trong quân đội vào cuối thập niên 30, khiến Hồng quân suy yếu tột độ và không còn sức chiến đấu khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô. Khrushchev cho rằng thời kỳ 1937-1941, do bản tính đa nghi và dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, Stalin đã thủ tiêu nhiều cán bộ lãnh đạo quân sự và chính trị: các cuộc đàn áp đã triệt hạ nhiều tầng lớp cán bộ quân sự từ cấp đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng đến những lãnh đạo quân sự cấp cao nhất.
Các nhà lãnh đạo quân sự từng kinh qua chiến trận ở Tây Ban Nha và Viễn Đông đã bị thủ tiêu gần hết; người ta đã gợi ý sĩ quan các cấp, thậm chí cả binh lính trong đảng và trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol phải “vạch mặt’’ chỉ huy của họ như kẻ thù giấu mặt, khiến kỷ luật quân đội hoàn toàn tan vỡ. Nhiều tướng lĩnh lỗi lạc đã bị giết hại hoặc thiệt mạng trong nhà tù hoặc các trại lao động khổ sai; nhiều người khác, sau này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, như các nguyên soái Rokossovky, Maretskov, đại tướng Gorbatov… thì bị tù tội và tra tấn dã man.
Khrushchev kết luận: “Tình trạng ấy đã diễn ra vào đầu cuộc chiến và tạo nên mối hiểm họa lớn cho tổ quốc chúng ta!”.
Ghi chú:
(1) “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” (bản tiếng Hung được NXB Kossuth ấn hành năm 1988).
(2) Hiệp ước này, trong thực tế, chia đôi Ba Lan với Đức và nghiễm nhiên cho phép Liên Xô thôn tính Phần Lan, ba nước vùng vịnh Baltic và vùng Bessarabia của Romania; ngược lại, phát-xít Đức được rảnh tay ở phía Tây. Dạo đó, Dân ủy Ngoại giao Liên Xô Molotov từng công khai chào mừng những chiến thắng của Hitler ở Pháp.
(2) Trong hai năm 1937-1038, ba nguyên soái Tukhachevsky, Blucher, Egorov (trên tổng số 5 nguyên soái của Liên Xô); các đại tướng Yakir, Alksnis, Belov, Kachirine, Kork, Uborevich, Eideman, Feldman, Primakov, Putna; các thủy sư đô đốc Orlov, Victorov, Sivkov… đã bị thanh trừng.
Trong năm 1938, tới 98 (trên tổng số 108) thành viên Hội đồng Quân sự (thành lập năm 1934) và nhiều tướng tá khác bị giết hại. Ước tính, có tới 30.000 thượng và hạ sĩ quan bị xử bắn, khoảng 70.000 tư lệnh quân đội bị sa thải và tù đày.
IV.
Stalin và Nguyên soái Boris Shaposhnikov - trong thâm tâm, vị đại nguyên soái luôn đố kỵ và ghen ghét cái tướng lĩnh tài năng - Ảnh tư liệu
Stalin và Nguyên soái Boris Shaposhnikov – trong thâm tâm, vị đại nguyên soái luôn đố kỵ và ghen ghét cái tướng lĩnh tài năng – Ảnh tư liệu
Ngay ở đoạn mở đầu, Khrushchev đã cải chính huyền thoại cho rằng Stalin cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng và do đó, đã củng cố được tinh thần quân đội và nhân dân (Huyền thoại này cũng đã được chính con gái Stalin cải chính và về sau, để không ai biết đến việc mình mất lòng tin, Stalin đã tìm cách thủ tiêu tất cả những nhân chứng từng chứng kiến sự thật ngày đó).
Như lời Khrushchev, sau những thất bại và những tổn thất khốc hại đầu tiên ở chiến trường, Stalin đã mất lòng tin và tưởng rằng Liên Xô đã lâm vào đường cùng: “Trong một bài diễn văn hồi đó, Stalin tuyên bố: “Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn tất cả những gì Lenin tạo ra”. Cũng theo Khrushchev, “trong một thời gian dài, trong thực tế Stalin không điều khiển các cuộc hành quân, nói chung đồng chí ấy không làm gì cả.
Stalin chỉ nắm lại quyền chỉ huy quân sự sau khi một số Ủy viên Bộ Chính trị tới gặp đồng chí ấy, yêu cầu thi hành cấp tốc một số biện pháp để cải thiện tình hình ngoài trận tuyến. Như thế, mối nguy hiểm khôn lường đe dọa tổ quốc chúng ta trong thời kỳ đầu chiến tranh, phần lớn bởi Stalin đã thực hiện những phương pháp sai lầm trong việc điều khiển đảng và nhà nước”.
Tuy nhiên, Khrushchev cho rằng cá nhân Stalin không chỉ “phá hủy trầm trọng quân đội và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề” khi cuộc chiến tranh mới nổ ra: theo ông, về sau này, “sự mất bình tĩnh và chuyện Stalin can thiệp loạn xạ vào công việc chỉ đạo quân sự cũng làm quân đội ta bị thiệt hại nhiều”. Một số yếu kém của Stalin trong quân sự được Khrushchev nêu ra, như sau:
– Stalin hoàn toàn không hiểu những sự kiện diễn ra ở trận tuyến vì một lý do đơn giản: “trong suốt thời kỳ chiến tranh vệ quốc, Stalin không hề đi kinh lý một trận tuyến nào, hay một thành phố nào vừa được giải phóng, ngoại trừ một cuộc thăm viếng đoạn đường ngắn trên quốc lộ Mojaisk, khi tình thế đã ổn định trên trận tuyến”. (Khrushchev còn phê phán giới văn nghệ sĩ “cung đình” Liên Xô thời ấy, đã “thêm thắt mọi thứ chuyện bịa đặt” và tốn nhiều giấy mực để “tụng ca” cho chuyến đi duy nhất ấy).
– Stalin can thiệp vào việc thực hiện những cuộc hành quân, đưa ra các mệnh lệnh không căn cứ vào tình hình thực tế của trận tuyến, đem lại rất nhiều tổn thất không thể tránh khỏi cho quân đội Liên Xô. (Trong phiên họp, Khrushchev đã kể lại một trường hợp – với sự chứng thực của các nguyên soái lừng danh như Nguyên soái Bagramian (chỉ huy các cuộc hành quân ở Tổng hành dinh mặt trận phía Tây Nam) và Vasilyevsky (một yếu nhân của Bộ tổng chỉ huy quân đội Xô-viết trong chiến tranh) – mà sự can thiệp vô lý của Stalin (không cho phép quân đội Liên Xô, khi đó đang bị đe dọa bao vây và tiêu diệt, được rút quân), bất chấp sự can ngăn của các lãnh đạo quân sự, đã khiến hàng ngàn người lính thiệt mạng oan uổng).
– Stalin “vốn không hề để tâm đến những vấn đề căn bản của nghệ thuật lãnh đạo quân sự”, nên các sách lược của ông đã khiến Liên Xô “hao tổn nhiều xương máu, cho đến lúc chúng ta ngăn chặn được quân thù và chuyển sang phản công”. Khrushchev đưa ví dụ: ngay từ cuối năm 1941, đáng lý phải đẩy mạnh cuộc tổng hành quân đánh chặn ngang quân địch để tiến vào hậu tuyến của chúng, Stalin lại ra lệnh đánh trực diện để chiếm từ vùng này sang vùng nọ, khiến quân đội Liên Xô chịu nhiều tổn hại nặng nề, “cho đến khi các đại tướng của ta – hai vai mang mọi gánh nặng của chiến tranh – đã biến đổi tình hình và chuyển sang những cuộc hành quân mềm dẻo hơn, mang lại những thay đổi lớn tức thì, có lợi cho chúng ta”.
– Stalin, với bản tính đố kỵ và ghen ghét người tài, “sau những chiến thắng lớn, phải trả bằng giá rất đắt”, “lại đặt dấu hỏi về công trạng của nhiều nhà chỉ huy quân sự, những người đã có công đánh bại quân thù” vì ông “không thể chấp nhận việc những công lao ở mặt trận lại có thể do người khác làm nên”, theo lời Khrushchev.
Chẳng hạn, như về Nguyên soái Zhkov, vị thống chế vĩ đại nhất của Đệ nhị Thế chiến, Stalin luôn đố kỵ và gieo tắc những tiếng xấu nực cười, như bảo Zhukov, trước mỗi cuộc hành quân, lại vớ một nắm đất, đưa lên mũi ngửi rồi nói: “Chúng ta có thể tấn công” hoặc ngược lại: “Chưa thể thực hiện kế hoạch dự định!”. Khruschev cho rằng “có thể chính Stalin đã bịa đặt ra những chuyện kiểu ấy để hạ thấp vai trò và tài năng quân sự của Nguyên soái Zhukov”.
– Đồng thời, theo Khrushchev, Stalin đã chủ tâm tăng cường sự sùng bái cá nhân ông ta bằng cách “rất sốt sắng tự tỏ ra mình là một tướng lĩnh giỏi”: “Bằng những phương cách khác nhau, Stalin đã gieo rắc trong đầu óc quần chúng ý nghĩ rằng mọi chiến thắng của đất nước Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đều do lòng quả cảm, sự can đảm và thiên tài lỗi lạc của Stalin”.
Một lần nữa, Khrushchev phê phán thái độ xu nịnh của một số văn nghệ sĩ Xô-viết, đã sáng tác vô số phim ảnh lịch sử và quân sự, cũng như các tác phẩm văn học, để tụng ca thiên tài quân sự của Stalin. Điển hình của “thể loại” “nghệ thuật” cung đình ấy là bộ phim “Berlin thất thủ” (*) mà trong đó, “không thèm để tâm đến thực tế và sự thực lịch sử, người ta muốn bao bọc Stalin trong vầng hào quang”.
Khrushchev châm biếm: “Trong đó, Stalin là nhân vật duy nhất hành động; đồng chí ấy ra lệnh trong một gian phòng có nhiều ghế bỏ trống, chỉ có một người đến gần Stalin và báo cáo gì đó. Người đó là Poskrebyshev, kẻ hầu cận trung thành của Stalin (**)”.
Kết luận, Khrushchev nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, chiến thắng không phải là sản phẩm của Stalin, nó thuộc về toàn đảng, toàn chính phủ Liên Xô, thuộc về quân đội anh hùng, thuộc những tướng lĩnh tài ba và những người lính quả cảm, thuộc về toàn thể nhân dân Xô-viết”.
 
*
Qua bốn kỳ báo, chúng tôi đã tổng hợp những ý kiến của hai cộng sự của Stalin, là Nguyên soái Zhukov và người kế nghiệp ông, Nikita Khrushchev về “thiên tài quân sự” của vị “đại nguyên soái” (danh hiệu Stalin tự tấn phong cho mình).
Sau khi Liên Xô chủ trương cải tổ vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, và nhất là sau những biến cố 1991-1993, các kho lưu trữ mật ở Moscow được phần nào rộng mở, chúng ta đã có thể tiếp cận những nguồn thông tin chính xác và khả tín hơn về nhân vật lèo lái Liên bang Xô-viết trong vòng 30 năm.
Là một gương mặt lớn của lịch sử nước Nga – Xô-viết, nhưng sinh thời, Stalin đã phạm phải vô số sai lầm khủng khiếp mà việc đánh giá chúng một cách toàn diện và rốt ráo, hơn 50 năm sau ngày ông mất, vẫn là nhiệm vụ của giới sử học thế giới.
Ghi chú:
(*) Của đạo diễn Michel Chiaureli, quay năm 1949. Trong phim, Nguyên soái Zhukov – người lãnh đạo Hồng quân chinh phục Berlin – chỉ xuất hiện một vài phút để nhận mệnh lệnh của Stalin.
(**) Poskrebyshev là thư ký riêng của Stalin.
Trần Lê – Tổng hợp theo các tài liệu tiếng Hung

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ STALIN (1)

Thứ tư - 12/09/2007 21:20

(NCTG) Từ khi đế chế Liên Xô sụp đổ, thông qua những hồi tưởng, những công trình sử học, thế giới được biết rõ hơn về tính cách và con người nhà độc tài Stalin. Rất nhiều mẩu chuyện nhỏ, tưởng chừng vụn vặt, đều góp phần vào một chân dung Stalin hoàn thiện hơn, đa dạng hơn, ngõ hầu giúp độc giả tìm được phần nào lời giải đáp cho câu hỏi về bản chất của nhà độc tài và cơ chế của thứ chủ nghĩa mang tên ông ta. Một vài hồi tưởng sau đây cũng nhằm trong loạt tư liệu hữu ích đó.

Nhà độc tài Joseph Stalin
Nhà độc tài Joseph Stalin
Được tiếp cận với nhiều tài liệu về những tội ác khó tưởng tượng của vị tổng bí thư trong gần ba chục năm, từ khi Lenin qua đời (1924) đến ngày Stalin chết (1953), không ít người đặt câu hỏi: tại sao, trong ngần ấy năm ròng, không có ai chống lại Stalin? Không ai có ý phải loại trừ nhà độc tài bằng vũ lực?
Trên tờ tuần báo "Nedelya" (Tuần lễ), nhà nghiên cứu văn học Dmitri Zatonsky đã có ý kiến đáng chú ý về câu hỏi này. Không chỉ nổi tiếng trên cương vị một chuyên gia văn học mà ít nhiều, Zatonsky còn là người trong cuộc: ông là con trai của Vladimir Zatonsky, thủ tướng Ukraina, từng là nạn nhân của thể chế độc tài Stalin.
TÙ NHÂN CỦA THỜI CUỘC
Ngày 13-5-1956, Aleksandr Aleksandrovich Fadeyev (1) tự vẫn bằng súng lục. [Lúc đó] chúng ta đã qua Đại hội XX [khi lãnh tụ Khrushchev đọc bản báo cáo mật vạch trần một phần những tội ác của Stalin], các nhà văn còn sống sót (số này không nhiều) bắt đầu được phóng thích khỏi các trại tập trung. Đó là những người mà khi trước, Fadeyev phải "chứng thực" sự bắt bớ nhằm vào họ (2). Có thể giả thiết rằng nhà văn không dám nhìn vào con mắt họ. Fadeyev còn có cảm giác về đạo đức, bằng không ông đã chẳng đụng đến vũ khí.
Mặc dù, về căn bản, chẳng có gì đe dọa nhà văn: ông không sợ bị trả thù, bị "qui trách nhiệm", thậm chí, cũng không lo bị bãi chức.
Tuy nhiên, trong những năm 30, cũng đã xảy ra những vụ tự sát theo một chiều hướng khác. Những kẻ tự tử đều là tù nhân của thời cuộc. Để tránh chạm trán với các nhân viên NKVD, thà họ chọn cái chết tự nguyện; ít nhất, như thế, trước khi từ giã cõi đời, họ đỡ bị hành hạ và lăng nhục. Thời ấy, Mikhail Tomsky, Sergo Ordzhonikidze, Nicolas Skripnik, Yan Gamarnik, Afanasy Lyubchenko (3) đã làm như thế. (Lyubchenko tự sát ngay trong giờ giải lao của phiên họp Bộ Chính trị đảng [Cộng sản] Ukraina. Tại cuộc họp này, người ta đã nêu các "tội trạng" giả định của ông. Lyubchenko đã bắn chết vợ và sau đó, tự sát trong chiếc xe hơi của ông. [Trước đó] ông còn tìm người con trai, lúc đó mới 16 tuổi, may mà - hay bất hạnh thay, ai biết? - anh này không xuất hiện).
Cố nhiên, danh sách những kẻ tự tử không hoàn chỉnh, nhưng nó cũng đủ "uy tín" để chúng ta phải tìm lời giải đáp cho một câu hỏi: những con người ấy, tại sao lại chĩa vũ khí vào bản thân, và tại sao họ không tìm cách hướng nòng súng vào kẻ đã gây nên biết bao tai họa thảm khốc cho họ?
Năm 1938, chú tôi đã nói trong gia đình (có lẽ ngay giữa những người thân, đáng ra chú cũng không được nói như thế): "Budyonny (4) hẳn có thể rút kiếm và chém một nhát thẳng tay...!" Ông chú tôi, vốn là một người đàn ông mơ mộng và không am hiểu chính trị, chắc chắn đã lầm: Budyonny rất phù hợp với Stalin và như thế, Stalin cũng rất hợp với vị nguyên soái này.
Nếu chỉ xét trên phương diện lý thuyết, một vụ mưu sát không đến nỗi hoàn toàn bất khả thi: tựu trung, Tomsky hay Ordzhonikidze là ủy viên Bộ Chính trị và họ có thể tiếp xúc với vị tổng bí thư mà hầu như không bị ai ngăn cản... Và dường như Stalin cũng nhận thấy khả năng này. Giáo sư P.B.Gannushkin, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về cái gọi là "trạng thái cận tử", khẳng định rằng người nào tự dùng vũ khí để tự sát, kẻ ấy đều có thể bị coi là mắc bệnh tâm thần, bất kể những nguyên nhân dẫn họ đến điều đó. Do vậy, vào thời Stalin, những kẻ tự sát không thành đều bị giam giữ vĩnh viễn trong viện tâm thần. Không chắc uy tín của Gannushkin, mà có lẽ là suy nghĩ tỉnh táo của ông thì đúng hơn, đã có vai trò trong việc này. Có thể giả thiết một cách hợp lý rằng một cá nhân đã dám giương súng với mình, thì anh ta cũng không sợ gì mà không trả thù kẻ đã đẩy anh ta vào tình cảnh đó. Và nếu anh ta lại coi vị lãnh tụ chính là kẻ có lỗi, thì sao?
Nhưng những lãnh tụ như Tomsky, Gamarnik, Skripnik... không hề nghĩ đến việc mưu sát Stalin. Lời giải thích đầu tiên và hiển nhiên nhất là: họ là những người theo chủ nghĩa Marx - Lenin và do đó, họ bác bỏ thẳng thừng sự khủng bố cá nhân. Ngoài ra, người ta đã chơi trò "mèo vờn chuột" với họ trước khi tiêu diệt họ, và đến lúc ai đó vỡ ra rằng điều gì xảy ra quanh anh ta thì đã quá muộn để có thể hành động.
Ghi chú:
(1) Aleksandr Fadeyev (1901-1956), chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô, ủy viên Ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, tác giả tiểu thuyết "Đội cận về thanh niên" (1945) rất được ưa chuộng tại miền Bắc Việt Nam trước 1975. (Sau năm 1946, Fadeyev đã sửa lại nhiều đoạn trong tác phẩm này để chiều ý Stalin).
(2) Theo các tư liệu mới được "bạch hóa" gần đây, tháng 2-1949, Fadeyev còn thảo một văn kiện (sau này, văn kiện đó được Stalin ký nhận và "phong" thành nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô) đề nghị giải thể Hội các nhà văn Do Thái ở Moscow. Hành động này được coi như khởi đầu của một chiến dịch qui mô bài xích người Do Thái ở Liên Xô, trước hết nhằm vào các văn nghệ sĩ và nhân sĩ Do Thái, chỉ được chấm dứt năm 1953 bởi cái chết đột ngột của nhà độc tài.
Điều đáng nói ở đây là trước đó, chính Fadeyev đã đề xuất việc thành lập Hội các nhà văn Do Thái ở Moscow!
(3) Các lãnh tụ cao cấp của đảng và chính phủ Xô-viết. Trong số này, Ordzhonikidze là bạn thân của Stalin trong một thời gian dài.
(4) Semyon Budyonny (1883-1973), một trong 5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô, được tấn phong năm 1935. Trong số đó, Budyonny (cùng Voroshilov) là sủng thần của Stalin (3 người kia - Tukhachevsky, Yegorov và Blyucher - bị hành hạ đến chết, hoặc bị tử hình trong các phiên tòa ngụy tạo cuối thập niên 30 ở Moscow).
Trần Lê giới thiệu, chuyển ngữ và chú giải - Còn tiếp

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ STALIN (2)

Thứ tư - 12/09/2007 21:31

(NCTG) Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng "Gulag - Quần đảo ngục tù", văn hào Solzhenitsyn đã dùng một chương sách dài để mô tả các kiểu bắt bớ vô cùng đa dạng của cơ quan mật vụ chính trị Xô-viết, từ lén lút đến trắng trợn, từ "hiền hòa" đến thô bạo. Nhưng, có một nét rất đặc trưng cho "thủ pháp" của NKVD - GPU: bao giờ họ cũng sử dụng những phương cách bất ngờ và gây chấn động đến tinh thần người bị bắt, cũng như môi trường xung quanh "đương sự".

Huy hiệu của các thành viên Komsomol - lãnh tụ của tổ chức thanh niên cộng sản này cũng không thoát khỏi các cuộc thanh trừng của Stalin
Huy hiệu của các thành viên Komsomol - lãnh tụ của tổ chức thanh niên cộng sản này cũng không thoát khỏi các cuộc thanh trừng của Stalin
Trích đoạn sau đây - kể về vụ bắt giam Bubekin, TBT tờ "Komsomolskaya Pravda" (Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản) -, được đăng trên tờ "Znamya" (Ngọn cờ) số tháng 7&8-1988. Tác giả những dòng này,  Aleksei Adzhubei, vốn là con rể lãnh tụ Nikita Khrushchev và từng giữ chức TBT tờ "Izvestia" (Tin tức). Hè 1988, ông bắt đầu cho đăng tải các hồi tưởng đặc sắc của mình.
MƯỜI NĂM ẤY
Các cán bộ đoàn Thanh niên Cộng sản và các cộng tác viên báo thanh niên cũng không tránh khỏi những cuộc đàn áp cuối thập niên 30. Ngay vào năm 1938, trước khi tổng thư ký Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Aleksandr Kosarev (1) bị bắt giữ (anh bị xử tử tháng 2-1939), bạn của anh, Nicolas Bubekin, tổng biên tập tờ "Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản" cũng bị bắt và đưa đi. Khi giữ chức TBT tờ báo, tôi làm việc tại văn phòng của Bubekin. Khó nhận ra cánh cửa chìm trong tường ngay sau lưng tôi. Bất giác, tôi nghĩ lại cái ngày Bubekin biến mất khỏi BBT.
Các tòa nhà của Nhà xuất bản Pravda (Sự thật) - tòa soạn "Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản" cũng đặt trụ sở ở đây - được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư P. Golosov. Tại mỗi tầng, các thang máy nhỏ đặt ở cuối các tòa nhà đều mở thẳng vào phòng biên tập. Chưa ai sử dụng các thang máy này bao giờ, nhiều người còn không biết là chúng tồn tại. Ở phòng của Bubekin, cành hạt dẻ um tùm còn che khuất, khiến không ai nhận ra cánh cửa thang máy.
Một tối nọ, nữ thư ký của TBT, chị Dusya Mikheyeva - về sau chị vẫn giữ chức này khi người khác làm TBT - mang một trang báo vào phòng để lấy chữ ký của Bubekin (sau khi ký, tờ báo sẽ được đưa lên bản đúc chữ ở nhà in), nhưng chị không tìm thấy vị sếp trong phòng. Mọi người nhào đi kiếm Bubekin, nhưng vô hiệu. Ai nấy hoảng hốt vì phải có Bubekin thì báo mới được lên khuôn. Mikheyeva đoan chắc là chị không rời vị trí một giây và thủ trưởng của chị cũng không đi đâu khỏi phòng cả. Các nhân viên trực ban gọi điện đi khắp nơi và khi đó, tại bàn của tổng biên tập, chuông điện thoại reo. Người ta báo: "Đừng tìm nữa, Bubekin đang ở chỗ chúng tôi". [Thì ra] từ cái thang máy khó nhận ra ấy, người ta đã ập vào bắt anh.
Ngoài Bubekin, hầu như tất cả thành viên của BBT và nhiều ký giả xuất sắc đều bị gom "ở chỗ họ". Chỉ đến giữa thập niên 50, tên tuổi của họ mới được phục hồi và người ta mới bắt đầu sử dụng những kinh nghiệm của họ. Quá chậm trễ...
Ghi chú:
(1) Aleksandr Kosarev (1903-1939) là một lãnh tụ nổi tiếng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô, "con cưng" của Stalin trong những năm 1929-1938.
Năm 1938, trong quá trình thanh trừng toàn bộ ban lãnh đạo Komsomol, Kosarev bị bắt giữ vì đã không chịu hùa vào chiến dịch "tìm và diệt kẻ thù" mà Stalin đề xướng năm 1937, với dụng ý loại trừ mọi đối thủ chính trị (thực sự và "tiềm ẩn") trong bộ máy đảng & nhà nước.
Năm 1988, bà quả phụ Kosarev đã thuật lại những sự kiện bi thảm diễn ra với chồng bà trước đó 50 năm:
"[Lễ kỷ niệm cách mạng tháng Mười vào ngày 7-11-1938] quả là kỳ vĩ. Tôi và Sasha [tức Kosarev] cũng được nhận giấy mời. Chúng tôi ngồi ở hai bàn khác nhau... Vì một lý do nào đó, Molotov nói lời chúc rượu. Được Vyacheslav Mikhailovich [Molotov] khen ngợi chẳng những là một vinh dự tột bực mà còn như thể được rửa tội... Theo nghi thức được thông qua từ trước, sau lời chúc rượu, mọi người đều đến chỗ Stalin và chạm cốc với ông ta. Tôi còn nhớ Semyon Mikhailovich Budyony đã hồi hộp như thế nào khi Molotov cất lời nói về ông, bởi trong những ngày đó ở Moscow, người ta dai dẳng loan tin vị nguyên soái bị bắt. Rồi đột ngột đến lượt Kosarev! Tôi ngạc nhiên vì lúc đó, nhiều đồng chí của Sasha trong Đoàn Thanh niên Cộng sản đã bị giam trong tù... Vậy mà, có lẽ Molotov đã dành những lời lẽ nồng hậu nhất cho Kosarev: "Người đồng chí tài năng và nhiều hứa hẹn nhất của chúng ta..." Sasha cũng đến chỗ Stalin và hai người chạm cốc. Stalin ôm hôn chồng tôi. Anh trở về chỗ ngồi giữa những tràng pháo tay vang dội. Lạy Chúa, nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày ấy, nhưng giờ đây khuôn mặt anh vẫn hiện lên trước mắt tôi: nhợt nhạt, lo lắng... Anh đến chỗ tôi và bảo: "Masha, mình về nhà thôi!" Ở nhà (...) Sasha nói: "Em biết Stalin nói thầm gì vào tai anh không?" - "Nếu anh phản bội, tôi sẽ giết anh!" Phải công nhận là lúc đó, tôi không cho câu nói đó là nghiêm trọng, mà còn tìm cách pha trò: "Sasha, đúng là anh không định phản bội Stalin chứ? Vậy thì anh nghĩ ngợi làm gì?" Kosarev không còn đầu óc đâu để bỡn cợt, anh nói, giọng đầy lo âu: "Em biết đấy, Masha, NKVD không khó gì nếu họ muốn biến bí thư thứ nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành một kẻ phản bội".
Dự cảm của Kosarev sau "nụ hôn Judas" là rất chính xác: ngày 23-11-1938, tờ "Pravda" (Sự thật) đăng tải bản thông báo về việc bãi chức Ban lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản. Trước đó, đích thân Stalin tìm cách khuyên bảo các đồng sự của Kosarev hãy "vạch mặt" người đồng chí của họ, nhưng nhà độc tài đã không thành công. Kosarev bị xử tử (không xét xử) ngày 23-2-1939.
(2) Trong tác phẩm lớn "Cuộc đời và số phận", văn hào Vasily Grossman đã thuật lại một giai thoại về tính "khôi hài đen" tàn ác của Stalin, khi Bubekin mới là phó TBT tờ "Sự thật Đoàn Thanh niên Cộng sản":
"Họ còn kể chuyện Stalin gọi điện đến BBT tờ báo thanh niên và người phó TBT cầm máy:
- Bubekin đây.
Stalin hỏi:
- Thế Bubekin là ai vậy?
Bubekin đáp:
- Đáng ra ông phải biết chứ - và anh ta dập máy.
Stalin lại quay số máy tòa soạn và nói như sau:
- Đồng chí Bubekin, tôi là Stalin và xin đồng chí cho biết đồng chí là ai?
Người ta bảo sau vụ đó, Bubekin ốm liệt giường hai tuần lễ trong viện: anh ta bị suy nhược thần kinh."
Trần Lê giới thiệu, chuyển ngữ và chú giải - Còn tiếp

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ STALIN (3)

Thứ tư - 12/09/2007 21:45

(NCTG) Tính khí bất thường của Stalin là một "mô-típ" hay xuất hiện trong các hồi tưởng về nhà độc tài (trong "Di chúc chính trị" viết trước khi mất, Lenin cũng từng nhắc đến điều này khi ông đề nghị thay thế Stalin bằng một người khác trên cương vị tổng bí thư). Người ta bảo Stalin có thể tống giam một người, đồng thời hạ lệnh phóng thích một người khác từ trại cải tạo Siberia! Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng sự "thất thường" đó không hề vô cớ và ngẫu nhiên; thông thường, ẩn sau nó là những nguyên nhân chính trị đóng vai trò lớn.

Mikhail Bulgakov (1891-1940), văn hào Nga
Mikhail Bulgakov (1891-1940), văn hào Nga

Hồi tưởng sau đây - được nhà văn nổi tiếng Yulian Semyonov ghi lại - về buổi trình duyệt vở kịch "Những ngày tàn của gia đình Turbin" của văn hào Bulgakov (1), cho thấy sự thật đằng sau cái gọi là "thất thường" của Stalin. Tư liệu cũng cho thấy rằng vào năm 1926, Stalin đã có uy quyền rất lớn trong các vấn đề văn hóa.
 *
Stalin đến dự buổi trình diễn nội bộ của Nhà hát Nghệ thuật, ông ngồi ở lô sang trọng nhất, cạnh Stanislavsky, Nemirovich-Danchenko (2), Bubnov (3)... Dân ủy Văn hóa Lunacharsky, Krupskaya, Ulyanova (4) không được mời. Nhưng Mekhlis lại cho gọi Stetsky, trưởng phòng tuyên truyền Ban Trung ương, Kaganovich và Nicolas Yezhov (5). Stalin nhìn quanh trong phòng: toàn là những gương mặt quen biết; dễ thấy là thủ hạ của ông đã lựa chọn rất khéo.
Chấm dứt hồi một, màn hạ, ánh điện tắt dần, cử tọa hướng về phía lô của Stalin, cố tìm phản ứng của ông. Khi hiểu mọi người chờ gì ở mình, Stalin nghiêm mặt để giấu nụ cười tự phụ... và chậm rãi ra khỏi phòng... Nhận thấy ánh mắt tìm kiếm và hơi bối rối của Stanislavsky, ông mệt mỏi ngồi xuống bàn và xin một cốc chè. Nemirovich-Danchenko đặt một câu hỏi nực cười: "Sao, vở kịch hay chứ, đồng chí Stalin?" Stalin không buồn trả lời, ông chỉ hơi nhún vai.
Sau hồi hai, Stalin lại thấy những cái nhìn hướng về ông từ phía cử tọa: vỗ tay hay huýt sáo chê bai đây? Và ông lại nhẹ nhàng đứng lên và bước ra ngoài, không để ai hiểu dụng ý của ông...
Buổi diễn kết thúc, Stalin lại chậm rãi đứng lên, đi về phía ban-công và phóng tầm nhìn bao quát khắp căn phòng đang im lặng như tờ... Trên nét mặt các khán giả, ông nhận thấy vẻ bối rối, sự chờ đợi, niềm phấn khởi hay bực tức... Stalin dừng lại một lúc, rồi ông vỗ bàn tay nhỏ và khô rạn đôi ba lần. Lập tức, cử tọa vỗ theo ào ào. Stalin dừng tay, cầu trường lập tức im ắng; ông không thèm giấu giếm nụ cười nhạo báng và lại vỗ tay, lần này thì toàn thể công chúng cùng vỗ tay như sấm dậy, màn được kéo lên, các diễn viên ra cúi chào, mắt đẫm lệ vì hạnh phúc.
Stalin quay về phía Stanislavsky, tay trái vẫn chầm chậm vỗ vào bàn tay phải cử động khó nhọc, và nói: "Cám ơn đồng chí vì buổi diễn, Konstantin Sergeyevich..."
Trong căn phòng dành cho chính phủ ở cạnh lô sang trọng, bàn tiệc đã được trải sẵn, bao nhiêu hoa quả, rượu, kẹo bánh được Pauker (6) - chỉ huy đội cấm vệ điện Kremlin - mang đến. Bầu không khí căng thẳng không còn nữa. Nemirovich-Danchenko vừa vuốt chòm râu cằm vừa nhắc đi nhắc lại: "Tôi hiểu ngay là Josif Vissarionovich đã bị vở diễn chinh phục! Tôi cảm thấy ngay điều đó! Như mọi nhà chính khách lỗi lạc - ông nhấn mạnh - đồng chí Stalin cũng có tài năng của một diễn viên thượng thặng".
Hầu như Nemirovich Danchenko đã nói lên sự thật với vẻ thơ ngây của một đứa trẻ trong cung đình. Trong trường hợp này, dù là một lời khen nhưng Stalin vẫn không thích nếu ông bị "phát giác", nếu người ta thấu hiểu tính cách và những động lực nhất định thúc đẩy các hành động của ông.
Ghi chú:
(1) Stalin rất ưa thích vở kịch này (được coi là tác phẩm sân khấu Xô-viết thành công nhất: dù bị cấm đoán và phê phán triền miên; tính đến năm 1941, "Những ngày tàn của gia đình Turbin" được công diễn hơn 1.000 lần), ông ta đã xem nó hơn chục lần và trước khi kịch được trình diễn chính thức, Stalin muốn là người nói lời cuối cùng trong quyết định cho (hay cấm) vở kịch.
(2) Stanislavsky và Nemirovich-Danchenko là các bậy thày của nền kịch nghệ Nga - Xô-viết, những người sáng lập Nhà hát Nghệ thuật Moscow.
(3) Một đảng viên bôn-sê-vích cựu trào, thời đó giữ chức dân ủy Văn hóa.
(4) Krupskaya và Ulyanova là vợ và em gái của Lenin.
(5) Kaganovich và Yezhov là những thủ hạ trung thành bậc nhất của Stalin.
(6) Pauker Károly là một tù binh người Hung, từng được Stalin rất tin cẩn. Tuy nhiên, năm 1938, ông ta đã bị kết tội "chuẩn bị các hành động khủng bố" rồi bị xử tử.
Trần Lê giới thiệu, chuyển ngữ và chú giải

BẢN CÁO TRẠNG DÀI 4 GIỜ BUỘC TỘI STALIN

Chủ nhật - 05/04/2009 01:39

(NCTG) Cách đây tròn 20 năm, vào ngày 5-4-1989, chương trình “Vremya” của Đài Truyền hình Liên Xô đã đưa ra một tuyên bố đặc biệt: lần đầu tiên, khán giả Liên bang Xô-viết được thấy bản báo cáo “mật” nổi tiếng của lãnh tụ cộng sản Nikita Khrushchev tại phiên họp kín Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX (tháng 2-1956).

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô - Ảnh tư liệu (1956)
Trong tinh thần “công khai hóa” (glasnost), tờ “Izvestia” - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô – đã đăng tải toàn văn bài phát biểu này trong số thứ Ba, năm 1989. Mang tựa đề “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, sự hiện diện của bản báo cáo “mật” 33 năm sau ngày nó ra đời được coi là một ví dụ mới của sự trực diện với lịch sử CNCS thế kỷ XX, cùng những đề tài “nhạy cảm”, mang tính "cấm kỵ" của nó, như Hiệp ước bất tương xâm Molotov-Ribbentrop (1939), vụ thảm sát Katyn (1940), các sự kiện ở Hungary (1956) và ở Tiệp Khắc (1968), v.v...
*
Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô khai mạc ngày 14-2-1956 tại Moscow. Khi đó, Stalin – “Người cha của các dân tộc” – đã qua đời được 3 năm và một số biện pháp đáng kể đã được tiến hành để hạn chế tệ sùng bái cá nhân gắn liền với tên tuổi ông. Tháng 7-1953, một nhóm các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - thuộc “ê-kíp” của Khrushchev – đã ngăn chặn Lavrenty Beria, cánh tay phải của Stalin, người đứng đầu bộ máy Nội vụ - An ninh Quốc gia, khi ông này muốn giành quyền lực tối cao. Tháng 9-1953, Nikita Khrushchev trở thành bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Trong thời gian đó, việc xem xét lại những vụ án ngụy tạo trước đây, phục hồi cho các nạn nhân của tệ bạo hành Stalinist được tiến hành từng bước, sự tập trung ở mức cao độ của hoạt động Nhà nước và Đảng Cộng sản được giảm. Tuy nhiên, hệ thống của trại tập trung (Gulag) vẫn tồn tại trên toàn thể lãnh thổ Liên Xô, trong Ban lãnh đạo thượng đỉnh Xô-viết vẫn còn sự ngự trị của các cộng sự gần gũi nhất của Stalin (Molotov, Voroshilov, Kaganovich), những kẻ đã có vai trò tích cực trong sự vận hành của bộ máy Stalinist.
Tại Đại hội XX, có sự tham dự của 1.436 đại biểu (đại diện cho 7,2 triệu đảng viên và “cảm tình đảng”), cùng 55 phái đoàn của các Đảng Cộng sản ngoại quốc. Trong 12 ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận và thông qua “những nguyên tắc chỉ đạo của Kế hoạch 5 năm lần thứ 6”, cũng như, đã đưa ra những luận đề mang tính “lịch sử”, theo đó CNXH đã vượt khỏi khuôn khổ một quốc gia duy nhất, trở thành một hệ thống thế giới, và vị thế của CNTB quốc tế đã suy yếu một cách đáng kể!
Các đại biểu tham dự Đại hội XX tái khẳng định luận đề của Lenin về việc các quốc gia có thể chế xã hội khác nhau vẫn có thể cùng “chung sống hòa bình”, bác bỏ ý tưởng “xuất khẩu cách mạng” (thông qua bạo lực), và tuyên bố rằng giai đoạn chuyển tiếp lên CNXH ở các quốc gia khác nhau có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Đại hội XX đặt mục tiêu “đuổi kịp và vượt” các nước tư bản phát triển nhất trong giai đoạn lịch sử ngắn nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ gồm những nội dung nhiều khi “ba vạ” và “vô thưởng vô phạt” như trên, thì Đại hội XX không có gì khác biệt đáng kể so với những kỳ đại hội khác của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính việc trong phiên họp kín vào ngày cuối của Đại hội (25-2-1965), Khrushchev đưa bản báo cáo “mật” kéo dài 4 tiếng vạch trần tệ sùng bái cá nhân Stalinsit và những hiện tượng, hậu quả đi kèm của nó, để khiến Đại hội XX mang tính lịch sử.
Các đại biểu sững sờ và kinh ngạc khi lần đầu tiên, họ được nghe từ miệng một lãnh tụ cộng sản danh sách những tội ác khủng khiếp của Stalin: những đợt thanh trừng phi pháp, những biện pháp nhục hình về tinh thần và thể xác do chính Stalin thông qua, việc Stalin đã sát hại già nửa số đại biểu của Đại hội XVII, đã tự làm suy yếu mình trước chiến tranh với Đức bằng cách tiêu diệt đại đa số Ban lãnh đạo Hồng quân. Khrushchev còn nhắc đến những phong cách lãnh đạo méo mó của “Ông chủ”, đến chứng đa nghi ở mức cuồng, bệnh hoạn, “nhìn đâu cũng thấy địch”, khiến hàng triệu người thiệt mạng oan uổng, và đến sự thần thánh hóa lãnh tụ đến mức lố bịch xung quanh Stalin.
Sau bài phát biểu, không có phần thảo luận công khai, các đoàn đại biểu ngoại quốc được htông báo riêng. Tuy nhiên, bản báo cáo “mật” vẫn được lọt sang Phương Tây khá nhanh chóng, và được in lần đầu tại Washington. (Một số ý kiến cho rằng Khrushchev và “ê-kíp” của ông có thể cố tình cho rò rỉ những thông tin này vì một bài phát biểu “mật” thực sự, trong một cuộc họp kín, không thể đạt được hiệu quả như mong muốn).
Tại Liên Xô, sau đó, bài phát biểu đã được “phổ biến” tại các cơ sở đảng địa phương, tuy nhiên, nguyên văn báo cáo “mật” không được ấn hành trước thời điểm tháng 4-1989.
Theo sử gia Roy Medvedev, người đã viết một cuốn tiểu sử Nikita Khrushchev, vị lãnh tụ cộng sản này “đã viết tên mình vào lịch sử thế giới, chủ yếu nhờ lòng dũng cảm vô song tại Đại hội lần thứ XX”, và với hành động quả cảm đó, ông đã “khiến chúng ta quên đi tất cả sai lầm trước và sau đó” (cần nhớ là vài tháng sau, Khrushchev đã hạ lệnh cho quân đội Liên Xô và các nước thành viên Hiệp ước Warsaw đưa quân vào Hungary để dập tắt những ước vọng dân chủ của người dân xứ này).
Khrushchev đã rất mạo hiểm khi đọc bản báo cáo “mật”, cũng khư trước đó đã quyết định bắt giữ và xét xử Beria, bởi trong những thời khắc đó, ông chỉ có thể tính đến sự ủng hộ của một vài cộng sự thân tín nhất và không thể biết trước được rằng, vạch mặt Stalin có là một động thái “phản tác dụng” với chính bản thân ông hay không? Vì, theo một số lời kể, trong phiên họp Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (tổ chức trước Đại hội), phe nhóm Molotov tìm cách khiến Khrushchev lùi bước: “Thế đồng chí sẽ nói gì về bản thân đồng chí, Nikita? Tất cả chúng ta đều cùng một giuộc cả…
Cho dù báo cáo “mật” chưa đề cập và lên án tất cả những hành vi khủng bố của bộ máy đàn áp Stalinist (như sự thanh trừng với phe đối lập trong đảng), nhưng bản cáo trạng dài 4 tiếng ấy đã khởi đầu quá trình phân hủy của mô hình CNCS “chính thống” (kiểu Stalinist). Tại Liên Xô, thời kỳ hòa dịu diễn ra và dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng cánh cửa những nhà tù đã được mở, hệ thống trại tập trung Gulag bị giải thể, nhiều nạn nhân của các phiên tòa ngụy tạo trước kia được phục hồi và cư dân Xô-viết được sống trong một bầu không khí có phần dễ chịu hơn.
Vị thế của Khrushchev cũng được củng cố: tháng 6-1957, phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã khai trừ “nhóm chống đảng” (gồm các lãnh tụ cộng sản bảo thủ và tín điều như Molotov, Malenkov, Kaganovich và Sepilov) khỏi Trung ương đảng và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương, saui đó, vào năm 1958, Khrushchev còn được giữ chức thủ tướng Liên Xô.
Tấm bia mộ đầu tiên (năm 1973) của Khrushchev tại Nghĩa trang danh nhân Novodevichy (Moscow)
Có thể nói, cũng chính sự hòa dịu do Khrushchev mang đến đã khiến ông được sống sót qua biến cố tháng 10-1964, khi các địch thủ chính trị làm một cuộc “đảo chính cung đình” để loại trừ ông. Kể từ đó, cho đến khi qua đời vào năm 1971, cho dù bị quản thúc tại gia, nhưng Khrushchev đã hơn tất cả những đồng chí bị thất sủng trước kia của mình, là đã không bị sát hại mà được sống như một đảng viên hồi hưu…
Trần Lê
Xem tiếp...