TẬP ĐÁNH ĐU
Chơi đu trong hội xuân
![]() |
Chơi đu trong Lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang). |
Chơi đu thường diễn ra tại các lễ hội mùa xuân. Ở các làng có truyền thống chơi đu, từ nhiều ngày trước Tết (khoảng 26- 28 tháng Chạp) làng cử một nhóm trai đinh tìm tre làm cây đu dựng ở bãi đất rộng trước sân đình, chùa. Trên mỗi cây đu gắn một chiếc khăn đỏ hoặc phần thưởng, người tham gia phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn hay phần thưởng đó mới được xem là thắng cuộc. Theo quan niệm dân gian, người nào giật được khăn và quà tức là năm đó sẽ gặp nhiều may mắn nên ai cũng rất hào hứng đua tài, quyết giành được vận may đầu năm.
Ở lễ hội làng Đọ, xã Cương Sơn hay lễ hội Nội Đông, xã Yên Sơn (Lục Nam), từ lâu chơi đu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu. Ông Nguyễn Công Dương (55 tuổi), xã Yên Sơn cho hay: Lễ hội Nội Đông thuộc ba làng (Nội Chùa, Nội Đình và Trại Hai) diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Từ ngày còn trẻ, ông Dương và nhóm bạn cùng trang lứa đã tham gia trò chơi này. Vào ngày làng mở hội, nhân dân trong vùng về dự rất đông, ngoài thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh thì chơi đu luôn là tâm điểm cuốn hút người xem. Có nhiều cách đu nhưng phổ biến là đu đơn và đu đôi. Trong đó vui nhộn, hấp dẫn hơn cả là đu đôi nam nữ. Hai người quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức từ đôi chân đẩy cho đu bay cao. Người tham gia chơi đu phải thật bình tĩnh, có sức khoẻ và cả sự dũng cảm, nếu không dễ gặp nguy hiểm như ngã, trượt đu.
Không chỉ ở vùng nông thôn, vài năm trở lại đây, chơi đu còn xuất hiện ở các thị trấn, thị tứ, khu đô thị. Ai đã từng tham dự lễ hội Xương Giang hay hội làng Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) hẳn khó thể quên hình ảnh từng đôi nam nữ vui nhộn bên cây đu. Không chỉ nam thanh, nữ tú, một số người cao tuổi cũng thử sức đua tài. Ngày 26 tháng Chạp vừa qua, một cây đu lớn đã được trồng trong không gian tổ chức lễ hội Xương Giang. Ông Đỗ Quang Tỷ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Xương Giang cho biết: Trước đây các lễ hội trong vùng thường tổ chức thi đánh đu nhưng cũng có giai đoạn trò chơi này bị mai một. Khoảng chục năm gần đây, địa phương đã khôi phục trò chơi đu. Năm nay, phường giao nhiệm vụ cho Hội Cựu chiến binh về xã Xuân Hương (Lạng Giang) chọn những cây tre to, đẹp, không bị sâu bệnh, các đốt đều nhau để trồng cây đu phục vụ người dân, du khách đi lễ hội giải trí, vui chơi. Cũng tại TP Bắc Giang, tuy là năm đầu tiên mở hội song từ trước Tết nửa tháng, tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế đã dựng cây đu cạnh sân đình. Dù chưa đến ngày lễ hội nhưng mỗi buổi chiều, trẻ em, người lớn lại tập trung chơi đu tạo nên bầu không khí sôi động, vui tươi.
Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bắc Giang là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời nên các trò chơi dân gian cũng rất phong phú. Chơi đu là phong tục có từ xa xưa được nhiều làng quê bảo tồn, phát huy. Đây là trò chơi mang tính phổ biến, thu hút nhiều người tham gia. Chủ trương của ngành văn hóa là luôn khuyến khích các địa phương gìn giữ, khôi phục trò chơi dân gian truyền thống. Trước mùa lễ hội, Sở yêu cầu các địa phương chú trọng phục dựng, tổ chức các trò chơi dân gian mang bản sắc địa phương trong đó có chơi đu nhằm tạo cho lễ hội không khí vui tươi, lành mạnh, hấp dẫn. Thông qua đó, mọi người có thể thi tài, rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, đồng thời góp phần tạo ra sân chơi bổ ích giúp nhân dân và du khách tránh xa những trò chơi tiêu cực.
Nguyễn Hưởng
Nhận xét
Đăng nhận xét