Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

LỠ LÀNG

 

 
PBN 24 | Ái Vân - Trăng Sáng Vườn Chè


LỠ LÀNG
 
Thương anh, không quản nề hà
Cơm bưng nước rót, việc nhà để em
Ruộng vườn quần quật ngày đêm
Mong anh nấu sử xôi kinh, thỏa nguyền 

                          ***
 
Mai kia anh đậu trạng nguyên
Bảng vàng, võng lọng anh quên cơm nhà 
Anh thèm những tô phở bò
Nước lèo béo ngậy, hành ngò đê mê
Lúc nào no xôi, chán chè
Tàn canh khoái lạc mới về với em!...
 
*** 
 
Chém cha phận gái thuyền quyên
Chàng hiền không lấy, lấy tên bạc lòng!
Thế là xôi hỏng bỏng không
Công thành công cốc, tình nồng lửa rơm! 
 
*** 
 
Bao giờ chán phở, thèm cơm 
Đàn ông mới hết thòm thèm trăng hoa 
 
Trần Hạnh Thu 
---------------------
LÊ MINH QUỐC: Nấu sử xôi kinh :
Trong truyện thơ Lục Vân Tiên, cụ Đồ Chiểu viết: “Theo thầy nấu sử xôi kinh/ Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao”. Thành ngữ “Nấu sử xôi kinh” cũng được ghi nhận “Xôi kinh nấu sử”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Thuần: “Nguyên nghĩa, sử là Bắc sử, tức sử Trung Hoa, kinh là những tác phẩm cùa Nho học. Về sau, tuy không phải chỉ học kinh và sử, thậm chí không học kinh và sử nữa, người ta vẫn dùng thành ngữ Nấu sử xôi kinh để chỉ sự cần mẫn học hành” (Từ điển truyện Lục Vân Tiên, NXB TP.HCM-1989, tr. 221).
Tuy nhiên, thành ngữ trên khi khảo sát qua nhiều văn bản, ta thấy cách ghi “xôi/sôi” không thống nhất.
Khi đun nóng đến một nhiệt độ nhất định, chất lỏng có biểu hiện sủi bọt và bốc hơi, gọi là sôi/ nước sôi. Đại từ điển tiếng Việt ghi nhận Nấu sử sôi kinh là hiểu theo nghĩa trên. Theo chúng tôi, phải là “xôi” thì mới đúng theo ngữ cảnh đang bàn.
Xôi là gì? Hoàn toàn không liên quan gì đến từ đồng âm trong các thành ngữ, tục ngữ Xôi hỏng bỏng không, Ăn mày đòi xôi gấc, Cố đấm ăn xôi… Nó còn có thêm nghĩa khác, Tầm nguyên tự điển của Lê Ngọc Trụ, giải thích: “Xôi: nấu nếp cách thủy”. Với nghĩa này, theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “Lấy hơi nước sôi mà làm cho chín; nếp đã nấu chín bằng cách ấy”. Ca dao có câu: “Em đang vút nếp xôi xôi/ Nghe anh có vợ, thúng trôi nếp chìm”. “Xôi” còn gọi là “đồ” theo cách nói của người miền Bắc.
Xét về cấu trúc của Nấu sử xôi kinh, ta thấy đây là một câu tiểu đối: Nấu - xôi (động từ) và sử - kinh (danh từ) cùng chỉ một động tác/ thao tác cho cả một quá trình đang diễn ra. Cấu trúc ngữ pháp này tương tự Mưa thuận, gió hòa; Mũi tên, hòn đạn; Ngậm đắng, nuốt cay; Chó treo, mèo đậy; Sống tết, chết giỗ v.v… Ở đây, nấu sử và xôi kinh cũng đều là nấu/ đồ/ thổi/ xôi từ trạng thái đang “sống” chuyển qua “chín”. Hiểu theo nghĩa bóng là đang i tờ it, ù ù cạc cạc, nhớ nhớ quên quên, “Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá” chuyển qua học thuộc/ thuộc làu làu, thông thạo kinh sử, tức sức học đã “chín”.
Cấu trúc Nấu sử sôi kinh không hợp lý ở chỗ: “nấu sử” chỉ mới là động tác, chưa rõ kết quả, chẳng hạn, Tú Xương có câu thơ: “Học đã xôi kinh nhưng chửa chín”, dứt khoác nó không thể đối xứng với “sôi kinh” là trạng thái đã hoàn thành. Xin nhớ rằng, còn có câu đồng nghĩa với Nấu sử xôi kinh là Dùi mài kinh sử. Dùi và mài cùng chỉ một động tác làm cho thủng (dùi), làm cho nhẵn, cho mòn (mài); hiểu theo nghĩa bóng là miệt mài, cần cù, cần mẫn, chăm chỉ, kiên nhẫn học hành cho tinh thông.
Từ “xôi” nhảy phắt một phát qua “sôi” cũng là điều dễ hiểu. Do từ “xôi” trải theo thời gian đã mờ nghĩa, do đó, khi sử dụng người ta có thói quen thay thế bằng từ khác - từ “sôi” đang quen thuộc mà cũng phổ biến hơn. Có thể nêu thêm dẫn chứng, chẳng hạn Giả mù pha mưa/ Giả mù sa mưa; trả nủa/ trả đũa; Bầu dục chấm mắm cáy/ Dùi đục chấm mắm cáy; Ra môn ra khoai/ Ra ngô ra khoai v.v...
Cùng âm “sờ/ xờ” nhưng có trường hợp không dễ phân biệt.
Ví dụ, từ xới và sới. "Bỏ xới mà đi” theo nghĩa xưa là do nói trạnh từ “xứ” nhằm chỉ nơi chốn, cũng ngụ ý quê hương. Ngoài ra, Từ điển chính tả tiếng Việt (NXB Giáo Dục - 1977) của Nguyển Như Ý - Nguyễn Việt Hùng còn liệt kê: xới cơm, xới gốc, xới xáo/ bán xới, bỏ xới, cuốc xới, đào xới, vun xới (tr.301).
Nhưng sới là gì? Từ thập niên 1970, khi viết Phong lưu cũ mới (NXB TP.HCM tái bản năm 1991), nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã phân vân khi trong Nam gọi nơi chọi gà/ đá gà là trường gà thì ngoài Bắc dùng từ xới/ sới. “Cả hai danh từ, tôi tra từ điển không gặp và không biết từ nào đúng” (tr.183). Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã ghi nhận và giải thích: “Sới khoảng đất làm nơi đấu vật, chọi gà trong ngày hội - thả gà chọi ra giữa sới”. Cái sới này, tức trường gà, theo cụ Sển: “Đây là cuộc đất dọn thật kỹ, nện dẽ khắt, bằng phẳng còn hơn mặt ván gõ, chung quanh có chỗ cũng sắp ghế ngồi, có chỗ xính xái” (SĐD, tr.206).

L.M.Q
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.8.2018) 
 
 
Giot Nang Ben Them Tuan Anh

 

Sự thật ngược đời về khoa cử Trung Hoa: Sĩ tử mong đỗ Thám hoa hơn cả đỗ Trạng nguyên, xuất phát từ 1 nguyên nhân đặc biệt

Trần Quỳnh, 19:06 03/06/2021

Có 1 nguyên nhân đặc biệt khiến các sĩ tử Trung Hoa khao khát vị trí Thám hoa hơn cả việc đỗ đầu.

Tại Trung Hoa vào thời phong kiến, phương thức tuyển chọn nhân tài được biết tới nhiều nhất chính là thông qua chế độ khoa cử.

Theo đó, vào thời bấy giờ, nếu một người không có xuất thân tốt hay không có được người tiến cử, cách duy nhất để họ có thể tiến vào chốn quan trường chỉ có thể là thông qua con đường thi cử.

Dựa vào chế độ khoa cử của Trung Hoa xưa, vị trí dành cho ba người đứng đầu trong vòng thi cuối cùng lần lượt là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.

Thế nhưng có một sự thật là so với hai vị trí đầu bảng, nhiều sĩ tử càng hy vọng có cơ hội được đỗ Thám hoa hơn. Vì sao lại có chuyện ngược đời như vậy?

Nguồn gốc của danh hiệu "Thám hoa": Từng chỉ là nhân vật làm nền cho Trạng Nguyên

Sự thật ngược đời về khoa cử Trung Hoa: Sĩ tử mong đỗ Thám hoa hơn cả đỗ Trạng nguyên, xuất phát từ 1 nguyên nhân đặc biệt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Đa số chúng ta đều biết rằng Thám hoa là người đỗ ở vị trí thứ ba trong vòng thi cuối cùng vào thời xưa.

Thế nhưng ít ai biết, danh hiệu này thực chất lại ẩn chứa không ít ý nghĩa, thậm chí còn có liên quan tới cả… nhan sắc của người đỗ.

Cách gọi "Thám hoa" xuất hiện từ thời nhà Đường. Vào lúc bấy giờ, những sĩ tử lọt vào vòng thi Đình sẽ được mời tham gia một buổi yến tiệc long trọng, cử hành tại vườn hoa trong cung, gọi là "Thám hoa yến".

Trong bữa tiệc đó, hai người sở hữu vẻ bề ngoài anh tuấn nhất sẽ được chọn làm "Thám hoa sứ" (hay có tư liệu còn gọi là "Thám hoa lang").

Công việc của họ cũng rất đơn giản, đó là phụ trách hái các loại hoa đẹp trong vườn, sau đó viết một bài thơ với ngụ ý chúc phúc hoặc biểu đạt tâm tình.

Sau khi màn mở đầu này hoàn thành, người đỗ đầu cũng tức là Trạng nguyên năm đó sẽ chính thức ra mắt tại yến tiệc.

Vì vậy vào thời Đường, những người mang danh Thám hoa thực chất chỉ đóng vai trò làm nền, sau khi nhân vật chính lên sàn diễn thì nhiệm vụ của họ cũng kết thúc.

Sự thật ngược đời về khoa cử Trung Hoa: Sĩ tử mong đỗ Thám hoa hơn cả đỗ Trạng nguyên, xuất phát từ 1 nguyên nhân đặc biệt - Ảnh 2.

Tranh minh họa: Nguồn Baidu

Thế nhưng điều ít ai ngờ tới còn nằm ở chỗ, được chọn làm Thám hoa cũng chính là khởi đầu may mắn cho cuộc đời của những sĩ tử anh tuấn này.

Bởi lẽ lúc bấy giờ, chức danh Thám hoa vốn là dựa vào ngoại hình để tuyển chọn. Hơn nữa những người được chọn đều đã lọt vào vòng thi Đình.

Như vậy xét một cách khách quan, họ vốn là những thanh niên vừa có tài năng lại vừa có ngoại hình nổi bật.

Sau khi trở thành Thám hoa, tên tuổi của những người này càng nhanh chóng vang xa. Họ nghiễm nhiên trở thành đối tượng được săn đón hàng đầu của những tiểu thư nổi tiếng thời bấy giờ.

Và có lẽ cũng vì vậy nên hằng năm mỗi khi yến tiệc này kết thúc, kinh thành lại bắt đầu diễn ra không ít những màn cướp rể của các tiểu thư với mong muốn được cùng Thám hoa kết tóc xe duyên.

Tới thời nhà Tống, chế độ khoa cử được tiến hành cải cách, Thám hoa dần trở thành cách gọi của người đỗ vị trí thứ ba trong Tam giáp.

Tuy nhiên danh hiệu này vẫn thường có "luật ngầm" là mặc định dành cho những người vừa có tài, đồng thời cũng vừa có ngoại hình anh tuấn nhất trong số các sĩ tử.

Cơ hội đổi đời có 1-0-2 dành cho các Thám hoa: Tiền đồ hoàn toàn có thể xán lạn hơn cả Trạng nguyên, Bảng nhãn

Bên cạnh việc có được tiếng tăm và danh vọng nhất định, nhiều Thám hoa còn nắm trong tay cơ hội đổi đời có 1-0-2. Đó là trở thành Phò mã của Hoàng tộc.

Vào thời phong kiến, xuất phát từ quan niệm trọng nam khinh nữ, các công chúa của hoàng gia thường không được coi trọng bằng các hoàng tử.

Thế nhưng điều này cũng không thể thay đổi được sự thật rằng họ cũng mang trong mình huyết mạch của hoàng tộc. Do đó, việc tùy tiện cưới gả gần như là chuyện không thể nào.

Tuy nhiên số lượng công chúa trong hậu cung thường không hề ít. Vậy nhà vua nên làm thế nào để an bài cho họ những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối?

Vừa vặn thay, sự xuất hiện của những Thám hoa vừa có tài lại vừa anh tuấn đã giúp nhà vua giải quyết triệt để mối âu lo này.

Sự thật ngược đời về khoa cử Trung Hoa: Sĩ tử mong đỗ Thám hoa hơn cả đỗ Trạng nguyên, xuất phát từ 1 nguyên nhân đặc biệt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Cũng bởi vậy cho nên vào thời phong kiến, không ít Thám hoa đã có may mắn trở thành Phò mã. Những người đỗ danh hiệu này cũng thường xuyên trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí con rể của nhà hoàng tộc.

Một khi có thể trở thành Phò mã đương triều, con đường quan lộ của họ ắt sẽ càng thuận buồm xuôi gió, thậm chí tiền đồ có khi còn xán lạn hơn cả Trạng nguyên, Bảng nhãn.

Cho nên sự thật khó tin nói trên cũng chính là lý do giải thích cho câu hỏi vì sao các sĩ tử thời xưa lại khao khát vị trí Thám hoa hơn cả việc đỗ đầu.

Thế nhưng trên thực tế, do Thám hoa còn có yêu cầu nhất định về ngoại hình, cho nên thực chất độ khó và mức độ cạnh tranh có khi còn cao hơn cả vị trí Trạng nguyên.

Bởi vậy nên dù cho đây có là danh hiệu trong mơ thì muốn vượt qua vô số đối thủ để đỗ được Thám hoa cũng chưa bao giờ là một việc dễ dàng.

*Dịch từ tư liệu nước ngoài.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét