Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 67

(ĐC sưu tầm trên NET)


41. Về bài văn sách của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (TBHNH 1996)

12/12/2007
VỀ BÀI VĂN SÁCH CỦA TRẠNG NGUYÊN VŨ TUẤN CHIÊU
PHẠM THỊ THOA
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu hay còn gọi là Trạng Chiêu, tên tự là Đôn Hối, tên thụy là Phúc Thành. Ông sinh ra tại thôn Xuân Lôi, xã Cổ Da, tổng Cổ Da, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Năm lên 6 tuổi về sinh sống ở quê mẹ thuộc xã Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Sau đó ông lại về nguyên quán mở mang đất đai, làm ăn sinh sống. Năm 50 tuổi ông đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475). Trải làm quan đến Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tả thị lang bộ Lại. Ông mất ngày 29 tháng 8, phần mộ táng tại xứ Đồng Xù, xã Phú Xá, huyện Từ Liêm (Nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Căn cứ vào gia phả thì dòng dõi của ông hiện còn ở nhiều nơi. Chi trưởng sống ở phường Nhật Tân, một chi thứ sống ở nguyên quán, còn một chi, khoảng niên hiệu Gia Long (1802-1819) một hậu duệ của ông đi lính được cấp bằng Đội trưởng, gặp lúc thôn làng lưu tán bốn phương, ông này đã đem cha và chú đến trụ ngụ ở Thanh Hóa. Con cháu đến nay vẫn còn ở đó. Hiện nay tại nhà thờ chính của ông ở xã Nam Hùng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định còn có bia ghi hành trạng và 17 đôi câu đối ca ngợi sự thành đạt và công lao của ông đối với dân với nước.
Trong bài viết này chúng tôi không đi sâu trình bầy sự nghiệp quan trường của Vũ Tuấn Chiêu mà chủ yếu giới thiệu bài văn sách đỗ Trạng nguyên của ông. Chúng tôi cũng chỉ nêu những ý chính của bài văn sách để giúp chúng ta hiểu được phần nào kiến giải của ông về vấn đề mà nhà vua đã hỏi.
Bài văn sách của Vũ Tuấn Chiêu được chép trong cuốn gia phả của dòng họ Vũ ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ do ông Vũ Văn Sự cất giữ. Bài văn sách gồm 23 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng từ 4 đến 31 chữ.
Đề bài văn sách do vua Lê Thánh Tông đưa ra như sau: Phiên âm:… “Trẫm nhập thừa đại thống vu tư hữu lục niên. Vi trị chi tiên; đồ trị chi yếu. Cái thường dịch sư Ngu nhi thi chi chính sự. Hữu hưng hữu phế khởi vô khả nghị diệc lạc văn yên. Cường binh chi thuật, phú dân chi phương. Dũ phù tỳ vu nhị nhi vi năng; đồng vu loạn nhi vị cách, vô đồ phiếm phiếm kỳ tất phu trần nguyện trị chi thân, trẫm thành thân trạch
Dịch nghĩa: … “Trẫm kế nối ngôi chính thống đến nay đã được 6 năm. Lo việc trị bình là đầu tiên, coi việc trị bình là chính yếu. Trẫm thường noi theo chính sự thời Đường Ngu. Việc chính sự khi thành công, khi thất bại há lại không đem ra bàn. Phương kế làm cho binh mạnh, biện pháp làm cho dân giàu, cũng như trẫm muốn giúp nền trị bình mà chưa thể, thấy việc rối mà chưa sửa, lòng luôn trăn trở, điều đó nên trình bày hết ra đây, chỉ mong vì việc trị bình mà suy nghĩ cho thấu đáo. Trẫm sẽ tự mình tuyển lựa.
Có thể nhận thấy đề bào văm sách mà vua Lê Thánh Tông đưa ra không ngoài mục đích tuyển lựa hiền tài để dùng vào việc trị bình. Cụ thể nhà vua muốn hỏi phương kế làm cho binh mạnh và biện pháp khiến cho dân giàu. Chúng tôi trích dịch những kiến giải chủ yếu giúp nền trị bình trong bài văn sách của Vũ Tuấn Chiêu như sau:
Theo quan niệm của ông việc lớn nhất của người đứng đầu nhà nước là phải lo cho dân giàu nước mạnh. Ông trả lời: “Việc lớn của chính sự là phải làm cho binh mạnh dân giàu. Bởi vì dân là gốc của nước, binh có quan hệ tới sự mạnh yếu của nước. Cho nên bậc thánh phải lo nghĩ điều đó… Than ôi! Binh mạnh thì trong nước yên ổn, bên ngoài thần phục, nước sẽ vững như bàn thạch. Dân giàu thì lễ nghĩa được thi hành, giáo hóa cũng theo đó trở nên tốt đẹp. Thần kính nghĩ: Phế bỏ một việc, chấn hưng một việc cần phải hợp lòng dân. Nếu phế bỏ một việc nào đó mà nước nhà không có lợi, khôi phục một việc nào đó dân nghi ngờ không yên, há không lo lắng sao”.
Về kế sách làm cho binh mạnh, ông trả lời: “Kế sách làm cho binh mạnh là việc làm. Kinh Dịch nói: “Bậc quân tử diệt trừ mọi rợ, việc khí giới không thể không lo”. Sử nhà Hán có chép: “Binh sĩ không tinh thì đem tướng cho kẻ thù, nhà vua không chọn tướng giỏi thì ném quân cho kẻ địch”. Ông mạnh dạn xin nhà vua dùng nhà Nho để cai quản việc quân. Ông viết: “Thần cúi xin bệ hạ hãy dùng nhà Nho để cai quản việc quân thì quân sẽ mạnh”. Ông quan niệm nhà Nho ở đây rất rộng. Không phải chỉ những người học rộng văn hay mà cả những người biết quên mình vì nước, yêu dân như con: “Thần cho rằng nhà Nho không phải chỉ học rộng văn hay, thông kinh bác sử mà thôi. Những người đối với thân huân có lòng dũng khí, cố gắng quên mình, dẫu không học rộng cũng vẫn là nhà Nho chân chính. Không chỉ đòi hỏi, yêu dân như con dẫu không giỏi văn cũng là nhà Nho nhân nghĩa. Trong bọn võ thần có kẻ giữ mình trong sạch, chăm chỉ luyện tập, dù không xuất thân từ kinh sử cũgn là nhà Nho vậy. Biết mình biết người, gặp sự quyết đoán, tuy không phải kẻ học hành vẫn là bậc trí nho. Việc lựa chọn bảo cử nên công minh. Mọi việc nên ủy thác cho bậc quân tử có học thức. Lại ban lệnh mở mang việc học tập, nghiêm việc truất giáng. Công dẫu nhỏ cũng nên ban khen, kẻ phạm tội dù có công cũng không tha thứ. Như vậy chọn đúng tướng soái, quân lữ có lệnh, sĩ tốt được thư nhàn, la gì việc binh không mạnh.
Về biện pháp lo cho dân giàu ông viết: “Ôi! Binh mạnh là để giữ nước, phương kế làm cho dân giàu cũng là việc cần nêu. Hán sử chép: “Việc tích lũy là mạng sống của đất nước” Kinh Thi có câu: “Hãy tiết kiệm, hãy làm nhà kho, hãy tích lương thực”, nếu làm được như thế, nước không thể không giàu”. Sự giàu có là để nuôi dân, kho đụn của nhà nước chứa đầy, việc hiến cống của nơi phên dậu được chất đống. Ngày lại ngày như thế thì nước sẽ giàu có. Thần cúi xin bệ hạ dùng Nho để chăn dân, nhưng phải dùng kẻ Nho có phẩm chất, có tác dụng. Giảm bỏ kẻ ăn không bớt chi tiêu phung phí, thực hành chế độ tiết kiệm để của cải sinh sôi, muôn họ giàu có . Vậy lo gì nước không giàu.
Vậy muốn cho dân giầu nước mạnh, người đứng đầu nhà nước phải không quên cảnh giác. Ông viết: “Tuy nhiên thuyền bị lật không phải do đường rộng mà lo lúc cập bến, xe đổ không phải nơi độc đạo mà thường ở chỗ đường bằng. Loạn nảy sinh không phải ở lúc đang lo dẹp loạn mà ở yên bình. Các bậc đế vương quân thần phải cùng nhau cảnh giới khi lời rèm còn chưa nảy sinh. Thần mong muốn bệ hạ chăm lo sửa sang giềng mối tôn sùng nho thuật, xét soi mọi việc. Như vậy mầm mống gây loạn tất bị ngăn chặn, người dám nói thẳng hướng theo. Dùng hiền tài chớ có hai lòng, vứt bỏ bọn sàm nịnh, không đắn đo, như thế thì bệ hạ sẽ có bề tôi giỏi, có tướng hiền tài, chính sự phấn phát, muôn dân được chăm lo, bốn phương yên ổn, vậy còn lo gì nền trị bình không được thực thi, lo gì mầm loạn không được dẹp bỏ…”.
Trên đây chúng tôi mới chỉ nêu ra một phần kiến giải của Vũ Tuấn Chiêu đối với việc trị bình. Những kiến giải đó được vua Lê Thánh Tông chấp nhận. Chúng toio nghĩ đây là một tư liệu quí góp phần nghiên cứu một giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, và sẽ cố gắng công bố toàn văn vào một dịp gần đây.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.384-388 )

Phạm Thị Thoa

Giai thoại Việt Nam

Vị trạng nguyên nhờ vợ mà đỗ đạt


Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (1423 - ?) còn có tên khác là Vũ Tuấn Thiều, người làng Nhật Thiên, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội). Trong sử sách ông được biết đến là người may mắn nhờ vợ mà đỗ đạt.
Vũ Tuấn Chiêu còn có quê gốc ở làng Xuân Lôi, xã Cổ Ra (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, Nam Định). Tuy ông có mặt mũi khôi ngô nhưng học hành tối dạ, hơn 10 năm đèn sách, tuổi đã ngoài tứ tuần mà học vẫn không tiến bộ, ngày ngày vẫn cắp sách đến lớp, ngồi học cùng đám hậu sinh tóc còn để chỏm nên có lúc lấy làm chán nản. Vợ ông là bà Trần Thị Chìa biết chồng học hành kém cỏi nhưng vẫn kiên trì khuyên nhủ chồng cố gắng dùi mài kinh sử. Có lần thầy giáo gọi bà đến trả chồng về, không cho học nữa vì kém quá, để làm ruộng còn hơn; bà Chìa đã lấy hình ảnh nước chảy làm mòn cột chống cây cầu đá bắc qua con nước gần làng để động viên chồng kiên trì, chăm chỉ sẽ làm nên.


Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Internet) 

Nghe lời vợ, Vũ Tuấn Chiêu xin thầy cho ở lại học tiếp, quyết chí học hành để không phụ công ơn dạy dỗ của thầy, của vợ. Từ đó, trong vòng 5 năm, bà Chìa tuy tóc đã hoa râm, lưng còng vì gánh nặng việc đời vẫn đều đặn gồng gánh đem gạo, mang dầu thắp đèn từ nhà đến nơi trọ học cho chồng cho đến khi lâm bệnh mất, năm đó Vũ Tuấn Chiêu đã gần 50 tuổi. Sự thành đạt của ông sau này có đóng góp không nhỏ của người vợ hiền.

Trong lịch sử Việt Nam, Vũ Tuấn Chiêu cũng là một trong ba vị trạng nguyên già nhất, những người này đều đỗ khi đã 50 tuổi. Ngoài ông ra còn có Nguyễn Đức Lượng, người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Giáp Tuất (1514) đời Lê Tương Dực và  Nguyễn Xuân Chính, quê ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (này là Tiên Sơn, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên  khoa thi năm Đinh Sửu (1637) đời Lê Thần Tông.
(Theo Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét