Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 66

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trạng nguyên Vũ Kiệt và bài văn sách thi đình của ông 02/04/2013 9:51:46 SA

(BNP) - Trạng Nguyên Vũ Kiệt là người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc ninh. Ông thi đình đỗ trạng nguyên (tức Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ, đệ nhất danh) khoa thi năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ ba đời vua Lê Thánh Tông – năm 1472, năm ông vừa tròn hai mươi tuổi. Ông được Lê Thánh Tông giao các chức quan Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư và được người đương thời khen là bậc hiền tài. Con cháu ông cũng tiếp nhiều đời khoa hoạn.


Các sĩ tử xưa đỗ cao (trúng cách trong kỳ thi Hương rồi thi Hội mới được vào thi Đình) đây là kỳ thi đặc biệt để xếp hạng các tiến sỹ theo giáp đệ, kỳ thi này tổ chức ngay trong sân điện nhà vua vì vậy gọi là thi Đình (Đình thí) hay thi Điện (Điện thí) khác với thi hội và thi Hương thí sinh phải qua bốn kỳ, thi Đình chỉ thi một bài văn sách nên gọi là Đình đối sách văn (Văn sách thi Đình) và gọi tắt là đối sách hay Đình đình đối. Bài văn sách thi Đình do vua trực tiếp ra đề và vua cũng trực tiếp phê duyệt, lấy đỗ và xếp hạng.
Để đạt cao trong kỳ thi Đình mà cao nhất là trạng nguyên, sĩ tử có cần phải có vốn kiến thức và tài năng về Hán học, sử học và văn học (đó cũng là điều kiện để vượt qua hai kỳ thi Hương, thi Hội) mà còn đòi hỏi phải có sự hiểu biết tình hình của đất nước và vận dụng tri thức của mình để lý giải, để đề ra kế sách giải quyết những vấn đề của thực tế, đó là phần thời vụ sách của bài văn sách thi Đình. Vũ Kiệt đã vượt qua kỳ Đình đối với bài văn sách dài hơn chục nghìn chữ, vượt xa mức quy định tối thiểu (là ba nghìn chữ) nhiều lần, tất nhiên trong phạm vi thời gian một ngày, lại bị cắt đoạn bằng nhiều nghi thức, và bị khống chế ở những câu hỏi, bài Đình đối sách văn không thể phản ánh đầy đủ tư tưởng trí tuệ của người thi nhưng trong phạm vi một bài văn, Vũ Kiệt đã tạo đến đỉnh cao nhất của khoa cử, thể hiện tài năng “kinh bang tế thế” của ông.
Mở đầu bài văn sách Đình đối, Vũ Kiệt đã đề cập đến những vấn đề chung nhưng theo ông đó là cái “cốt lõi của việc thịnh trị đất nước”.
“Thần nghe: Muốn tìm hiểu đường lối chính trị nước cần phải tìm cái cốt yếu của việc trị nước. Muốn tìm cách thức của việc cứu tế cần xem xét nguyên nhân của việc cứu tế. Bởi vì việc võ là để uy hiếp kẻ địch bên ngoài, ổn định đất nước, nên thánh nhân dùng nộ khí để răn đe. Nho thuật để ngợi ca việc giáo hóa, điểm tô nền thái bình, nên bậc vua giỏi dùng mừng vui để tu đức. Cái tốt, cái xấu không phân biệt, tất thiện ác lẫn lộn. Người trung, kẻ tà không phân biệt thì người hiền tài chẳng vui khi được sử dụng. Phong tục không thuần hậu thì luân thường đổ nát, khiến cho nhân dân tâm bất chính, mà đạo đời không thuần nhất”.
Từ phần chung này, bài văn sách của Vũ Kiệt đã đề cập đến nhiều vấn đề lớn của xã hội mà đầu bài thi đặt ra. Trong phạm vi bài này, xin đề cập đến hai phần có nội dung về giáo dục và về quan lại.
“Trẫm lo cho Nho thuật chưa thịnh đạt nên chú trọng việc tuyển chọn học trò vào Quốc Tử giám, để nêu khuôn phép, kính trọng học quan, để dựng khuôn mẫu. Sách xưa có câu: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính”. Nhưng hiện tại nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may, hoặc qua tuần qua tháng lại đổi thầy. Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được…”
Vũ Kiệt trả lời (đối sách)
“…Thần nghe: Cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, các nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng khôn thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho? Bệ hạ thường lo nghĩ Nho thuật không được xem trọng, thì giáo hóa không được sáng sủa, nhân tài không phát triển, không lấy gì là chỗ dựa cho cương thường, dẫn dắt theo nguyên khí của quốc gia… ngoài ra còn kính trọng học quan và việc nêu khuôn mẫu của người thày lại càng trọng hơn.
Là kẻ sĩ phải thấy rằng mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Trong lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh. Không để mất phẩm chất riêng của mình. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình hằng mong muốn, như thế mới có thể được”.
“… Không thể không có những con người ngồi đúng chỗ, dung mạo đoan trang, sáng rõ nghĩa lý sách vở, tu chỉnh nết na…”
“… Tất cả đều bởi cái đạo làm thầy được đứng vững nên người tốt được nhìn ra”.
Vũ Kiệt cũng nêu những tồn tại của giáo dục lúc bấy giờ cả phía thầy dạy và học: “… Nhưng cũng có khá nhiều người làm thày, tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà người học trò cần có là sự uyên bác, nhưng người thày lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển. Đạo làm thầy không vững vàng như thế thì còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học?
“… Hiện tại việc học của nho sinh hẳn đều như việc học của cổ nhân chứ? Sự trình bày của họ chẳng qua là sự rườm rà theo cách cắt gọt vẽ vời, sách vở chứa đầy trên án nhưng phần nhiều là hình trạng của gió mây…”
“… Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn tìm sao được cái tiết tháo và phong độ của họ…”
“Cái thói quen bị kẻ sĩ buông trôi theo dòng tệ tục như thế thì còn gì khi họ đạt được danh vị ở triều đình nên ít người thuận theo lễ nghĩa…”
Vũ Kiệt cũng vạch ra hướng để khắc phục những tồn tại ấy:
“Thần mong bệ hạ: Đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải được nghiêm nghị đúng hướng”.
“… Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa…”
“Nếu như dùng lời gian dối để trau truốt thì dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng… thì có thể thu nhận…
“Khoa mục tuy có thể trọng dụng, nhưng dựa vào cái danh tiến sĩ mà phụ họa theo kẻ xấu, nhiều mánh lới như bè lũ Tô Nguyên thì bỏ hẳn”.
“Nho thuật tuy có dùng, nhưng tự phụ cho rằng mình đã đọc hết sách vở, dùng văn học để đưa nước đến chỗ sai lầm như bọn Vương An Thạch thì trừ đuổi không thể gần gũi họ được…”
Về việc chống quan lại tham nhũng, sách vấn của nhà vua hỏi:
“Trẫm lo lắng cho cái thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích họ làm những việc tốt. Thế nhưng người có chức vị vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo. Bọn viên chức nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng lan tràn. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm mà kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm. Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này.
Hãy nêu lên cái nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy và bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không?”.
Vũ Kiệt trả lời:
“Thần cho rằng: câu hỏi của bệ hạ là muốn để tâm làm trong sạch mọi giòng vẩn đục, và mong muốn các quan noi theo đó để làm chuẩn mực. Thần nghe lời giải thích trong kinh Xuân Thu “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”.
“Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được…”
Vũ Kiệt cũng chỉ ra nguyên nhân có tính chất rất chung của cái xấu ở con người:
“Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn”.
Và trong điều kiện lúc bấy giờ:
“Vả lại gần đây, trong thời Thái Hòa Diên Minh trị vì, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ xuất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hàng ngày. Trong khi làm việc công thì thường quan hệ tới việc quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hàng ngày, giầy dép quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường…”
Vũ Kiệt vạch ra những cách khắc phục.
“Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân được…”
“Thần thấy trong Kinh lễ có câu: “Đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo…”
“Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, bọm trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giao hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ thuộc lại đối với các bậc quan trên”.
Một trong những chỗ cần khắc phục chính đó là hệ thống quan cấp cao, nắm giữ quyền binh, nguồn của cải của triều đình:
“Nhưng phép thuật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh,, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch… khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn… Hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công làm của tư, họ dám đùa bỡn với báu vật…”
Và cách khắc phục:
“Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách.
“Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trường cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được…”
Vũ Kiệt nêu trách nhiệm của quan cấp trên và sự gương mẫu của cấp trên như một nguyên lý tự nhiên cho toàn bộ hệ thống quan lại”
“Nêu như các bập trưởng quan chẳng phải là người tốt mà là muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho giòng trong.”
Bài văn sách Đình đối của trạng nguyên Vũ Kiệt còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của đời sống xã hội về phong tục và thuần hóa phong tục, về “lễ - hệ thống quy chế lễ nghi, thứ bậc… như những quy phạm, những chuẩn mực về đạo đức, pháp độ…
Đọc bài văn sách Đình đối của Vũ Kiệt, cũng như một số bài văn sách đình đối của các trạng nguyên khác, chúng ta có thêm được một số nhận định.
- Các trạng nguyên đã bộc lộ tri thức toàn diện: Về Hán học, về văn học, sử học và chính trị kể cả nghị lực và dũng khí của bậc sĩ quân tử.
- Từ thành tựu cao vọi của sự học hành khoa cử, Vũ Kiệt cũng như các trạng nguyên khác đã trở thành những vị quan tài đức toàn vẹn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp “Kinh bang tế thế” mà ngày nay chúng ta vẫn dồi dào sức cổ vũ sáng soi.



Tổng hợp : St

Cô gái đẹp khiến quan trạng Vũ Kiệt hoàn tục

(Đời sống) - Nổi tiếng nhờ bài văn về kế sách trị nướcHọc vị Trạng nguyên xuất hiện lần đầu tiên trong khoa cử Nho học nước ta vào năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông (1225 - 1258). Năm đó vua mở khoa thi Thái học sinh và lấy đỗ theo Tam giáp (Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp), người đỗ đầu nhận học vị Trạng nguyên, đỗ thứ hai nhận học vị Bảng nhãn, đỗ thứ ba nhận học vị Thám hoa. Sau này, Trạng nguyên thuộc bảng Tam khôi với vị trí đứng đầu.

Có thể hiểu khái quát, học vị Trạng nguyên là học vị dành cho những người đỗ đầu trong Tam khôi bậc nhất giáp của kỳ thi Thái học sinh đời Trần và đỗ đầu trong kỳ thi Đình ở các triều đại sau này (trừ đời Nguyễn vì không có lệ lấy Trạng nguyên, do đó người đỗ đầu thi Đình nhận học vị Bảng nhãn).
Do chia làm 3 loại học vị, nên danh sách những người đỗ thi Đình được viết vào 3 cái bảng gọi là Giáp (đây chính là xuất xứ của từ khoa giáp, khoa bảng). Đệ nhất giáp chỉ ghi tên 3 người giỏi nhất gọi chung là Tiến sĩ cập đệ, nhưng xếp theo thứ tự thì có tên gọi khác nhau là:
Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất giáp, đệ nhất danh (Trạng nguyên). Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất giáp, đệ nhị danh (Bảng nhãn) và Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất giáp, đệ tam danh (Thám hoa).
Đến thời trị vì của hoàng đế Lê Thánh Tông, để tôn vinh những người tài năng kiệt xuất, cổ vũ việc học tập, vua đã đặt ra nhiều hình thức vinh danh. Đầu tiên các tân khoa đỗ trong kỳ thi Đình, được vua ban yến tiệc, cấp mũ áo, cân đai và cho vào vườn thượng uyển du ngoạn, ngắm cảnh.Sau đó họ được cưỡi ngựa, cùng quân hầu mang võng lọng, cờ trướng đi thăm kinh đô đồng thời cũng là dịp để người dân chiêm ngưỡng dung nhan các anh tài khoa cử. Năm Bính Tuất (1466), vua đặt thêm lệ xướng danh tức là đọc tên những người đỗ đạt để cho tất cả đều biết, mục đích nhằm khuyến khích các sĩ tử.
Đến năm Giáp Thìn (1484), Lê Thánh Tông cho dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám bia đá khắc tên những người đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), từ đó, các đời vua sau đều cho dựng bia Tiến sĩ sau mỗi khoa thi để tỏ ý danh tiếng của người đỗ đạt được lưu truyền mãi và là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo.
Tiếp đó, vua ban “sắc tứ vinh quy” cho rước tân khoa về làng một cách vẻ vang, tuỳ theo bậc đỗ mà quy định cách đón rước tân khoa vinh quy có khác nhau, nếu người nào đỗ Trạng nguyên (đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ cập đệ) thì cả nước đón rước, đi đến đâu nơi đó phải rước, cứ thế cho đến khi về tới quê hương.
Đi đầu đoàn rước một người lính cầm loa dẹp đường vừa thông báo cho mọi người biết tân khoa sắp đi qua, theo sau là những người lính cầm cờ, biển, tiếp đó là tân khoa mang mũ áo, cân đai vua ban cưỡi ngựa, tiếp sau là lính cầm lọng che cho tân khoa, cùng đoàn người tuỳ tùng.
Khi về đến quê hương, chức sắc và dân làng phải ra tận nơi nghênh đón, rước tân khoa về nhà thờ họ làm lễ tế cáo với tổ tiên, sau đó là lạy tạ thầy học. Tiếp đó, tân khoa mở tiệc chiêu đãi, khao dân cả làng, còn làng chia đất dựng nhà cho tân khoa ở gọi là Nghè.
Một thời gian sau đó, tân khoa sẽ nhận chiếu chỉ của vua bổ nhiệm giữ chức quan nhất định và bắt đầu bước vào con đường chính trị, đem tài năng ra phục sự triều đình và nhân dân.
Trong số những người đỗ Trạng nguyên dưới thời Lê Thánh Tông, nổi tiếng có Vũ Kiệt (1453 - ?), ông là Trạng nguyên thứ 4 của nhà Hậu Lê và là Trạng nguyên đứng thứ 13 trong danh sách 48 vị Trạng nguyên của nước ta.
Theo sử liệu, Vũ Kiệt quê ở làng Cửu Yên, xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Cửu Yên thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông. Do ngôi làng quê ông có tên Nôm là làng Vít nên dân gian quen gọi Vũ Kiệt là Trạng Vít (Trạng làng Vít).
Ngày mồng 7 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1472), tại kỳ thi Đình, vua Lê Thánh Tông ra đề thi hỏi về sách lược đế vương trị nước. Bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt được chấm xuất sắc và được triều đình coi như một kiệt tác nói về sách lược để trị nước, an dân và bài văn sách được lưu truyền làm mẫu mực cho các sĩ tử sau này học tập.
Như về vấn đề giáo dục để đào tạo và sử dụng nhân tài, ông cho rằng: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mời được tôn kính. Tâm thuật đã mất trước khi làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn làm sao có được cái tiết tháo và phong độ.
Tranh khắc gỗ: Quan trạng vinh quy.
Cái thói quen bị kẻ sĩ buông trôi theo dòng tục lệ như thế, thì còn gì khi họ đạt được danh vị ở triều đình, nên ít người chịu theo lễ nghĩa”, đây là một quan điểm rất đáng chú ý, muốn quan lại có tư cách, phẩm chất thì phải chú ý ngay từ khi họ còn là học trò.
Vũ Kiệt vạch ra thói hư của quan lại và nhấn mạnh “sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”, để khắc phục những thói hư tật xấu, ông đề xuất như sau:
“Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị trao cho trọng trách. Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết của họ.
Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ để điều trần, tâu lệnh chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng, ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng.
Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và quan trưởng cũng tuỳ theo đó mà xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được. Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được”…
Trạng nguyên Vũ Kiệt được ca ngợi là “bậc thiên tài kiệt xuất, đức độ vẹn toàn”, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, tên tuổi của ông không chỉ được khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long mà còn được khắc trên bia đá dựng ở Văn Miếu Bắc Ninh. Cô gái đẹp khiến quan Trạng đi tu quyết tâm hoàn tụcĐỗ Trạng nguyên là một niềm vinh dự tột bậc mà các nho sinh, học trò thời xưa mơ ước, dồn tâm sức, trí lực "sôi kinh nấu sử" mong có ngày được ghi tên trên bảng vàng, thế nhưng đã đỗ Trạng rồi mà lại từ bỏ con đường quan lộ để đi làm một nhà sư..., đó là câu chuyện lạ của Trạng nguyên Vũ Kiệt.
Qua bài “Đối đình sách” của mình, Vũ Kiệt như một tiếng trống thức tỉnh triều đình. Vua Lê Thánh Tông khi đó đang tiến hành chỉnh đốn bộ máy nhà nước, cải cách hành chính đã nhận thấy Vũ Kiệt chính là người mình đang cần để giúp việc trị nước, an dân.
Nhà vua đã bổ ông vào làm ở Viện hàn lâm với chức Hàn lâm thị thư, sau thăng lên chức Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư. Người đương thời khen Vũ Kiệt là bậc hiền tài, cần mẫn, thanh liêm mẫu mực.
Tuy nhiên, có một câu chuyện mà ít người biết, sau khi làm quan một thời gian, Vũ Kiệt vì buồn chán đã treo ấn từ quan về quê xuất gia tu hành tại chùa Kênh (nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh).
Ý định xuất gia đầu Phật, xa lánh việc thị phi ở chốn quan trường cùng những ganh đua danh lợi của người đời tưởng chừng đã đạt được, thế nhưng, thực tế trong tâm trí của Vũ Kiệt vẫn không dứt hẳn được những trăn trở, mong muốn cống hiến cho dân, cho nước của mình.
Ở làng Mèn (nay là làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có một cô gái xinh đẹp, giỏi giang biết được tâm sự ấy đã tìm cách tiếp cận nhà sư Vũ Kiệt. Một hôm, nhân lúc vắng vẻ cô gái đọc vế đối thăm dò:
- “Con công đi qua chùa Kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại”.
Biết ý cô gái khuyên mình đừng nên xa lánh cuộc đời, nhưng Vũ Kiệt từ chối, tỏ vẻ không còn tha thiết với cuộc đời trần tục:
- “Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già”.
Câu đối của hai người sau này trở thành một trong những câu đối hay trong kho tàng câu đối Việt Nam. Sự độc đáo của nó được thể hiện ở nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa. Câu đối của cô gái có bốn chữ công, kênh, cồng, kềnh thì ở vế đáp của mình, Vũ Kiệt dùng bốn chữ cóc, cách, cọc, cạch để đối lại.
Mặc dù bị khước từ, nhưng cô gái vẫn không chịu bỏ cuộc, vào một hôm rằm cô mang lễ lên chùa cúng Phật sau đó nhìn nhà sư rồi đọc mấy vần thơ:
Tội gì ở chốn dưa rau,Về nhà trên trướng dưới lầu thảnh thơi.Đêm nằm có thiếp sánh đôi,Chồng loan, vợ phượng hơn đời Hán gia.Tu hành chi đến cõi già,Đường sang Tây Trúc biết là có không?
Người ta thường có câu “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, trước tình cảm của cô gái làng Mèn, trái tim của Vũ Kiệt đã rung động, sau đó ông từ giã đường tu tiếp tục dấn thân, góp sức vào việc dân, việc nước và làm lễ hỏi cưới cô gái kia, sống đời hạnh phúc bên người vợ yêu của mình:
Nghe lời nàng nói vừa lòng,Trời xuân thắt chặt chữ đồng cả hai.Đẹp đôi gái sắc, trai tài,Gương soi in bóng, phấn trời điểm trang.Xuân hè khéo nở một hàng,Gái trai đầy đủ rộn ràng đình vi.
Về chuyện này, đời sau có câu thơ rằng:
Chùa Kênh sư bác - thần thôngThảo lư lai vãng, bỏ không phí mà!
Sau khi hoàn tục, Vũ Kiệt làm quan trải nhiều chức vụ dần dần được thăng tới chức Hàn lâm viện thị thư, Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư.
Trong số các Trạng nguyên nước ta, có người ít nhiều gắn bó, liên hệ với chốn tu hành, như trường hợp Lê Ích Mộc (đỗ năm Nhâm Tuất 1502) vốn xuất thân là một đạo sĩ tu theo đạo Lão nhưng rất thông hiểu kinh Phật; hay như Nguyễn Kỳ (đỗ năm Tân Sửu 1541) nhờ nhà chùa cưu mang giúp đỡ mà thành tài…
Còn với Vũ Kiệt, câu chuyện về ông, vị Trạng nguyên duy nhất đi tu đã trở thành một giai thoại độc đáo trong kho tàng chuyện kể về các ông Trạng nước Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét