Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 72

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu – Dày công đào tạo nhân tài 25/04/2013 3:29:17 CH

(BNP) - Ngô Miễn Thiệu quê làng Tam Sơn – một làng nổi tiếng hiếu học và khoa bảng, nơi duy nhất có đủ “tam khôi” (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) mà chính ông là một trong hai người đoạt học vị Trạng Nguyên (Nguyễn Quán Quang và Ngô Miễn Thiệu) và cha ông là Ngô Thầm, đoạt học vị Bảng Nhỡn khoa thi Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493).
Ngô Miễn Thiệu nổi tiếng thông minh mẫn tiệp, là người hội tụ được truyền thống hiếu học và khoa bảng của dòng họ Ngô. Năm hai mươi tuổi, Ngô Miễn Thiệu đỗ Trạng nguyên khoa thi Mậu Dần năm Quang Thiệu thứ ba (1518) đời Lê Chiêu Tống. Ông làm quan dưới triều mạc, thăng tới chức Thượng thư kiêm Đô ngự sử chưởng hàm lâm viện sự nhập Thị kinh diên, tước Lý Khê Bá.
Ngô Miễn Thiệu không chỉ là bậc quan tài năng mẫn cán, mà còn là người thày giỏi giang mẫu mực về trí tuệ và đức độ, vì vậy đã đào tạo nên nhiều bậc nhân tài cho đất nước, ngay trong lúc cư quan nhậm chức, cũng như lúc nghỉ hưu, mở trường dạy học tại quê nhà. Với sự dạy dỗ rèn cặp trực tiếp của ông, hai người con trai đều đỗ tiến sĩ: Ngô Diễn đỗ tiến sỹ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ ba (1550); ngô Dịch đỗ Tiến sỹ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo thứ ba (1556).
Đặc biệt thầy giáo Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu chính là người đã dạy dỗ Nguyễn Gia Mưu đoạt học vị Tiến sĩ, và trở thành ngoại tổ của dòng họ Ngô Nguyễn ở Tam Sơn – một trong ba dòng họ nối đời khoa bảng ở làng quê nổi tiếng này.
Nguyễn Gia Mưu, quê làng Nghĩa Lập, nay thuộc xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh) – một dòng họ lớn và có truyền thống hiếu học. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Gia Mưu đã nổi tiếng thông minh và ham học, song vì nhà nghèo và bố mất sớm, nên không có tiền ăn học. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của người chú ruột – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thường, và lòng thương con hết mực, khát vọng mong con thành đạt của người mẹ, đã khiến Nguyễn Gia Mưu đến với thầy học – Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu.
Truyền rằng khi đỗ Tiến sĩ vinh quy về làng, ông nghè Nguyễn Hữu Thường đã bắt người cháu ruột của mình là Nguyễn Gia Mưu ra đường cái quan cáng võng bà quan nghè về quê bái tổ. Uất ức vì sự đối xử của người chú ruột, Nguyễn Gia Mưu cáng vọng người thím ruột – vợ quan nghè Nguyễn Hữu Thường, về đến đầu làng, rồi bỏ quê về Tam Sơn, xin học thày Ngô Miễn Thiệu. Thấy người học trò đã cao tuổi (bấy giờ Nguyễn Gia Mưu đã 28 tuổi), thầy Ngô Miễn Thiệu liền thử ý chí và tinh thần hiếu học của Nguyễn Gia Mưu bằng việc gia điều kiện: Phải mang xôi trâu, nén bạc đến nộp cho thày, thì mới được theo học. Không còn cách nào khác, Gia mưu lẻn về nhà thưa với mẹ. Thương con, người mẹ bèn đem việc này bàn với quan nghè Nguyễn Hữu Thường. Thấy người cháu ruột quyết chí tiến thủ bằng con đường hoạn lộ, người chú ruột nhận lời giúp đỡ tận tình, nhưng giấu kín không cho cháu biết, để nuôi dưỡng lòng quyết tâm học tập của Nguyễn Gia Mưu. Với sự giúp đỡ trực tiếp của thày Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Gia Mưu thực sự bộc lộ được đức tính của người học trò thông minh, chăm học và hiếu thảo. Chính vì vậy thày càng yêu quý, tin tưởng vào tài năng của người học trò chắc chắn sẽ thành đạt, đi tới thuận lòng gả con gái của mình cho người học trò yêu: Nguyễn Gia Mưu. Thế là thày học, đồng thời là bố vợ - Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu đã ngày đêm dạy dỗ, chỉ bảo, cho người con rể của mình, đợi ngày đoạt chiếm bảng vàng. Nhưng lạ thay, thày Ngô Miễn Thiệu thấy từ ngày có vợ, Nguyễn Gia Mưu học hành có phần chểnh mảng. Ông liền hỏi con rể sự tình ra sao, thì được biết việc chăm sóc của con gái mình với chồng chưa được tận tình chu đáo. Thầy Ngô Miễn Thiệu đã khuyên bảo và yêu cầu con gái phải chuyên tâm trợ giúp chồng ăn học và đồng thời là bố vợ - Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu đã được trả giá thật xứng đáng. Năm năm miệt mài kinh sử, văn sách, Nguyễn Gia Mưu đỗ hương cống khi ông 33 tuổi, và đến năm 37 tuổi ông đỗ Tiến sĩ.
Ngày vinh quy bái tổ, Nguyễn Gia Mưu đã không về nơi sinh quán là làng Nghĩa Lập, mà về quê vợ - nơi mà ông đã ăn học dưới sự dạy dỗ của người bố vợ Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu. Cũng bắt đầu từ đó Nguyễn Gia Mưu đã sinh cơ lập nghiệp tại làng Tam Sơn. Từ đây, nảy sinh một dòng họ nối đời khoa bảng, mà ngoại tổ chính là Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Mưu sinh ra Tiền đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân cấm y vệ, đô chỉ huy sứ ty, đô chỉ huy sứ, triều lộc hầu Ngô Tướng công tự Cường Nghị. Ông Cường Nghị sinh ra Ngô Tướng công tự Tính Thiện. Ông Tính Thiện sinh ra Ngô Sách Thí. Ngô Sách Thí đỗ Tiến sĩ năm 28 tuổi khoa Kỷ hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) làm quan sát sứ. Đây là ông tổ khoa bảng dòng họ Ngô Sách ở Tam Sơn, mà gốc chính là dòng họ Nguyễn làng Nghĩa Lập. Chính là bắt đầu từ cụ Cường Nghị, tuân theo lời di huấn của người cha là Nguyễn Gia Mưu, dòng họ Nguyễn ở đây đã chuyển sang dòng họ mẹ, để đời đời nhớ ơn và di tồn truyền thống thông minh, hiếu học và khoa bảng của vị ngoại tổ: Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, người thày tài giỏi và đã góp phần đào tạo nhiều danh nhân cho quê hương Tam Sơn – Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Tổng hợp: ST

Bài thơ họa thơ Vịnh Bèo là của Ngô Miễn Thiệu

           Vào đầu thế kỷ XVI nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, đặt quan lại ngụy chiếm giữ Kinh thành, ngăn trở đường tiến cống... bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ thượng thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang đánh nước ta. Đến biên giới Mao Bá Ôn gửi điệp văn hỏi tội họ Mạc kèm theo bài thơ Vịnh Bèo, hàm ý dọa nạt và miệt thị đân tộc Việt Nam như đám bèo trôi nổi, lúc “tụ” lúc “tán”, gặp giông bão quét ra hồ, ra biển sẽ “sạch bong bong”!
           Bài thơ họa lại thơ Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn:
           Tạm dịch: Vẩy gấm ken dày kim khó lọt
                            Lá cành liền rễ chẳng cần sâu
                            Không cho mặt nước mây lồng xuống
                            Há để lòng sâu nắng lọt vào
                            Ngàn lớp sóng cồn không phá nổi
                            Muôn cơn gió táp chẳng chìm đâu
                            Thuồng luồng tôm cá nằm trong đó
                            Lã Vọng không đường thả lưỡi câu
                                                                   (Thạch Can dịch thơ)



           Bá Ôn xem thơ, biết là “Nam quốc hữu nhân”, nghĩa là nước Nam còn có người tài giỏi chửa có thể đánh được, lại lui quân về. Người đời coi bài thơ có sức mạnh không kém gì “tàu bay trái phá”... sánh với áng hùng văn “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang động đêm nào trên sông Như Nguyệt, khiến quân Tống phải rút chạy về nước; hay những bức thư trong “Quân trung từ mệnh tập” của Nguyễn Trãi làm rã rời hồn vía Vương Thông!
           Cho tới nay chưa ngã ngũ tác giả của bài thơ họa này là của Ngô Miễn Thiệu hay của Giáp Hải? Muốn làm sáng tỏ điều này chúng ta phải lần tra vào sử sách, văn, bia có liên quan đến hai vị trạng nguyên.
           Theo báo Nam phong và tập Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên, tạp chí Nam phong tháng 2 năm 1925 của Nguyễn Hữu Tiến cho rằng Mạc Đang Dung sai Trạng Nguyên Giáp Hải họa bài thơ đó.
           Theo “Các nhà khoa bảng VN, NXB Văn học Hà Nội 1993” lại ghi như sau: “Ngô Miễn Thiệu (1499-?) người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc. 20 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên), khoa Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông. làm quan nhà Mạc đến chức Lại bộ thượng thư kiêm Đô ngự sử, Chương Hàn lâm viện sự, Nhập thị kinh diên, tước Lý Khê bá, ông từng được Mạc Đăng Dung triệu vời để họa bài thơ Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn nhà Minh (1534), sau đó ở lại làm quan triều Mạc...”
           “Giác Hải (1507-1586), người xã Dĩnh Kế, huyện Phương Nhân, nay thuộc xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc. 32 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa Mậu Tuất, niên hiệp Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Từng đi sứ nhà Minh. Làm quan trải Lục bộ thượng thư kiêm Đông các, Nhập thị diên, Thái bảo, tước Sách quốc công, về trí sỹ. Thọ 79 tuổi.”
           Khi Giáp Hải mất Bảng nhãn Đỗ Uông (1523-?), có bài văn tế ca ngợi thân thế sự nghiệp của ông. Phần nói về sự nghiệp văn thơ cũng chỉ vẻn vẹn một câu: “Nhớ lại các bài thơ, toàn là những phẩm đề tuyệt tác” thôi, không hề nói gì đến bài thơ Vịnh Bèo...
           Nếu đối chiếu với thời gian, năm 1534, nhà Minh dập rình xâm chiếm nước ta, Mao Bá Ôn dọa nạt bằng bài thơ Vịnh Bèo; lúc này Ngô Miễn Thiệu đã là Trạng nguyên từ năm 1518 lại đã là một học sỹ, đại thần nhà Lê về ở ẩn, Giáp Hải còn đang “lôi thôi sỹ tử”, mãi đến năm 1538 mới đỗ Trạng nguyên; lúc ấy vua nhà Mạc phải tìm đến Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu chứ khó có thể tìm người chưa đỗ đạt gì như Giáp Hải. Việc này “Phả hệ dòng họ Ngô Tam Sơn” còn ghi: Lúc đất nước lâm nguy, Mạc Đăng Dung rất sợ hãi “bèn sai sứ đem lễ vật về Tam Sơn, mời quan trạng lên Kinh bàn việc nước”. Nhận được “lời mời”, Ngô Miễn Thiệu băn khoăn: ra lúc này với nhà Mạc khác nào “cứu cái tôi nghịch thần”, nhưng ông đã đặt vận nước lên trên, hiểu chữ trung theo một tầm cao rộng lớn...
           Vào triều, Mạc Đăng Dung nói: “Nay việc nước như thế, nên làm thế nào?”. Chỉ trong giây lát, Ngô Miễn Thiệu thảo xong bản điệp văn và làm bài thơ họa lại bài Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn; không ngồi, ông đứng mà đọc. Triều thần theo đó mà chép... Đương thời trong triều nhà Mạc có câu: “Lập thi thoái lộ” – đứng làm thơ mà lui được giặc, để ca ngợi tài Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu.
           Ghi lại công lao ấy của quan Trạng, ở cột đồng trụ trước từ đường họ Ngô Tam Sơn có câu:
               Bắc quốc ban sư huy hào điện nhất thời vũ trụ - Nước Bắc lui quân vẫy bút vững một thời bờ cõi.
           Theo Bộ Thi Lâm của Tàu thì chỉ thấy ghi (bài thơ họa thơ Vịnh Bèo) là của một người Giao Chỉ chứ không nói rõ là của ai.
           Vậy sự sai lạc từ Trần Trung Viên, Nguyễn Hữu Tiến trên kia đến một số tác giả sau này do đâu, hay chỉ là suy luận...
           Việc đưa tác phẩm họa thơ Vịnh Bèo có tầm cỡ ấy về đúng tác giả của nó là nghĩa vụ của hậu thế. Cũng chỉ dám mạo muội xới xáo đôi dòng; nhưng thâm tâm thì tôi tin bài họa thơ Vịnh Bèo ấy là của quan Trạng Tam Sơn Ngô Miễn Thiệu.                                    

            Phạm Ngọc Khảnh

Trạng Nguyên Hoàng Văn Tán 18/04/2013 2:04:16 CH

(BNP) – Hoàng Văn Tán người xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng (nay là xã thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Ông xuất thân từ chân giám sinh, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (đình nguyên trạng nguyên) tại khoa thi quý mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 3 (Cung đế). Khoa thi này lấy đỗ 36 người, trong đó có 3 tiến sĩ cập đệ, 8 tiến sĩ xuất thân, 25 đồng tiến sĩ xuất thân.
Ông được giao cùng với Nguyễn Văn Thái thảo tờ chiếu của Lê Cung Hoàng (còn gọi là Cung Đế) nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung. Sau đó, ông làm quan nhà mạc đến chức Tả thị lang bộ lễ.


Tổng hợp: ST

Giai thoại Trạng nguyên Hoàng Văn Tán
Vào cuối thời Lê Sơ (đầu thế kỷ XVI) ở làng Xuân Lôi, huyện Vũ Ninh, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Xuân Bình, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có cậu bé tên là Hoàng Văn Tán gia cảnh tuy nghèo túng nhưng rất thông minh và giỏi đối đáp.
Một hôm, mẹ Tán đi chợ ở làng Thị Cầu thấy đám rước “Vinh quy bái tổ” của một vị Tiến sĩ về làng Kim Đôi rất đông vui, trang trọng, lộng lẫy, bà ao ước con trai mình cũng được học hành đỗ đạt như vậy. Về nhà nhìn vào hoàn cảnh gia đình mình bà chỉ biết than thở rồi kể lại chuyện đó với người con trai. Cậu bé Tán bèn sà vào lòng mẹ và nói “như đinh đóng cột” rằng: con mà được đi học thời con sẽ đỗ cao hơn!
Thấy Tán còn nhỏ mà ăn nói khảng khái khác thường, bà mẹ quyết tâm đưa con tìm thầy học chữ. Nghe tiếng thầy đồ làng Vị (nay thuộc làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) nổi tiếng hay chữ bà đưa Tán đến xin “nhập môn”. Ngắm đi ngắm lại tướng mạo cậu bé, thầy đồ vui vẻ nhận lời.
Lớp học có hơn chục nho sinh nhưng thầy chưa cho Hoàng Văn Tán được học chữ ngay, cậu chỉ được giao làm những việc vặt như quét nhà, dọn dẹp, nước nôi, điếu đóm phục vụ lớp học. Cậu bé Tán chỉ đứng ở bên ngoài học lỏm, nhưng với trí thông minh bẩm sinh nên cậu “nhập tâm” và thuộc bài làu làu còn giỏi hơn các nho sinh ở trong lớp.
Một hôm có cụ Chánh mang lễ và dẫn con trai đến nhập học. Nhìn lên mâm lễ lớn vừa đặt trên hương án, thầy đồ tức thì ra một vế đối có ý thử tài trò mới và các nho sinh:
“Ruồi đỗ mâm xôi, mâm xôi đỗ”.
Vì thầy chơi chữ nên vế ra này rất khó đối, cả đám học trò ngơ ngác nhíu mày im lặng, thầy đồ lắc đầu, hết hy vọng. Bất ngờ cậu bé Tán từ bếp chạy lên, tay vẫn sách siêu nước bốc hơi nghi ngút, cậu kính cẩn xin phép thầy được đối lại, thầy gật đầu bằng lòng. Cụ Chánh và đám nho sinh đứng ngây như phỗng nhìn cậu bé Tán với vẻ ngờ vực. Tán dõng dạc đọc:
“Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò”.
Thầy đồ giật mình vì vế đối của Tán chữ và nghĩa rất chỉnh. Còn cánh nho sinh thì phục lắm! Từ hôm đó thầy cho cậu “nhập môn” chính thức. Với bản chất con nhà nghèo vốn cần cù chịu khó cộng với sự thông minh sẵn có học một biết mười, Hoàng Văn Tán miệt mài ngày đêm luyện bút, rèn văn dùi mài kinh sử. Năm sau nhà vua mở khoa thi lớp học thì đông, thầy đồ muốn chọn những môn sinh đã học lâu năm có nhiều học vấn, kinh nghiệm để lên kinh đô ứng thí, vì vậy Hoàng Văn Tán không được xếp trong diện đó. Khi chuẩn bị “lều chõng” lên đường đi thi thì trời nổi cơn mưa, thầy đồ muốn khảo thí các môn sinh lần cuối bèn ra một vế đối:
“Lác đác mưa sa làng Vị Vũ”.
(Vị Vũ tức làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh ngày nay - quê thầy đồ).
Một lần nữa cả môn trường im lặng, thầy trầm tư vẻ mặt không vui. Bỗng nhiên có tiếng xin thầy được đối vang lên từ phía sau, thầy ngoảnh lại chính là Hoàng Văn Tán nói, thấy vậy thầy vui vẻ đồng ý nhận lời, Tán đáp lại rằng:
“Ầm ầm sấm động đất Xuân Lôi”.(Xuân Lôi là quê của Hoàng Văn Tán).
Tán vừa đọc dứt vế đối thì trên trời lóe chớp và tiếp theo là một tiếng sấm rất lớn. Thầy đồ sung sướng reo lên:
 Trạng nguyên của ta đây rồi!
Quả nhiên, khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523)  đời vua Lê Cung Hoàng, Hoàng Văn Tán đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh Trạng nguyên (khoa này lấy đỗ 36 người, trong đó có 3 Tiến sĩ cập đệ, 8 Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 25 đồng Tiến sĩ xuất thân). Sau này ông được giao cùng với Đông các đại học sĩ Đạo nguyện Bá Nguyễn Văn Thái thảo tờ chiếu của vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho Mặc Đăng Dung và làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang bộ Lễ.
Nguyễn Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét