Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

ĐIA LINH NHÂN KIỆT 69

(ĐC sưu thầm trên NET)

Hoàng Công Chất (? - 1769)

VietnamDefence - "Mãnh thiên hang thẳm, núi cùng, / Hãy còn Hoàng Chất lâm tùng dấn thân" - Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca).
  • Nơi chôn nhau cắt rốn
Hoàng Công Chất còn có tên khác là Hoàng Công Thư và trong thư tịch cổ, đôi khi tên ông còn được chép là Hoàng Văn Chất. Hiện chưa rõ Hoàng Công Chất chào đời vào năm nào. Cũng có tài liệu nói rằng, Hoàng Công Chất người làng Vân Hoàng, huyện Phú Xuyên (nay thuộc Hà Nội), lại cũng có tài liệu nói ông người huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nhưng phần lớn các tài liệu xưa đều nói Hoàng Công Chất người làng Đại Lan, huyện Đông Yên (nay là xã Đại Quán, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên).
Xưa Đông Yên là một trong số bốn huyện (Đông Yên, Kim Động, Phù Cừ và Thiên Thi) của phủ Khoái Châu. “Đất này đời Hán và đời Đường thuộc Châu Diên, mãi đến đời Trần mới đổi là Đông Kết, sang đời Lê, khoảng niên hiệu Hồng Đức (tức là khoảng từ năm 1470-1497) thì đổi gọi như hiện nay” (Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hưng Yên). Phủ Khoái Châu nói chung và huyện Đông Yên nói riêng là vùng đồng bằng sông nước, dân nơi đây rất giỏi nghề chài lưới và bơi lội. Đây là nơi gặp gỡ kỳ thú giữa Công chúa Tiên Dung với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử (Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp. Lĩnh Nam Chích quái), nơi có những tên đất rất cổ như đầm Dạ Trạch, bãi Tự Nhiên, bãi Mạn Trù... Đây cũng là đất có truyền thống bất khuất lâu đời mà một trong những biểu tượng tuyệt vời của truyền thống đó chính là Dạ Trạch Vương Triệu Quang phục (? - 571):
“Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên (tướng của nhà Lương), thế chưa phân thắng bại. Thấy quân của Trần Bá Tiên quá đông, (Triệu) Quang Phục liệu thấy chưa thể phá nổi, bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu là dặm, cây cỏ mọc um tùm, bụi rậm che kín mọi chỗ. Giữa đầm có một nền đất cao có thể ở được, bốn phía là bùn lầy, người và ngựa đều khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt trên cỏ và nước mới đi được. Nếu không quen rất dễ bị lạc, chẳng thể tìm được lối về. Nếu lỡ rơi xuống nước là lập tức bị rắn độc cắn chết. (Triệu) Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn binh sĩ vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày thì tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm thì dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của Trần Bá Tiên, giết và bắt sống được rất nhiều tên, lại còn lấy được lương thực dùng cho kế cầm cự lâu dài. (Trần) Bá Tiên theo đánh mãi mà không sao đánh được. Người trong nước gọi (Triệu Quang Phục) là Dạ Trạch Vương” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 17 a-b).
Khi Hoàng Công Chất lớn lên, mâu thuẫn của xã hội Đàng Ngoài đã trở nên rất gay gắt. Hàng loạt những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã liên tiếp nổ ra (Tham khảo thêm phần I - Đàng Ngoài ở đầu thế kỷ thứ XVIII. Danh tướng Việt Nam, Tập 3. Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005). Một trong những trung tâm sôi động của cuộc chiến đấu quyết liệt đương thời chính là quê hương ông. Hoàng Công Chất đã tham gia một cách rất tự nhiên vào phong trào chung ấy.
  • Bốn năm chiến đấu quyết liệt đầu tiên (1739-1743)
Năm 1739, khi Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ khởi nghĩa ở Ninh Xá (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ), Vũ Trác Oánh khởi nghĩa ở Mộ Trạch (Tham khảo Bốn phương rầm rộ khởi binh, phần I - Đàng Ngoài ở đầu thế kỷ thứ XVIII. Danh tướng Việt Nam, Tập 3. Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005) thì Hoàng Công Chất cũng dựng cờ xướng nghĩa ở Đông Yên. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ảnh hưởng của Hoàng Công Chất đã lan rộng khắp vùng Sơn Nam (đại để tương ứng với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình ngày nay). Phát huy khả năng giỏi thủy chiến của các nghĩa sĩ, bám chặt và triệt để tận dụng địa hình lợi hại của vùng đầm lầy sông nước, Hoàng Công Chất đã khôn khéo tổ chức nhiều trận tấn công hiểm hóc gây cho tập đoàn thống trị họ Trịnh nhiều tổn thất rất nặng nề.
Tháng 1 năm 1740, ngay sau khi giành được ngôi Chúa một cách khá êm thấm từ tay anh ruột là Trịnh Giang, Trịnh Doanh đã hạ lệnh thẳng tay đàn áp tất cả các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ. Binh lính được cấp tốc tuyển thêm. Những nhân vật thân tín nhanh chóng được đưa tới các vùng trọng yếu:
  1. Trần Đình Miên (tức là Trần Đình Cẩm) được bổ làm Đốc lãnh, cùng với quan Bồi tụng Nguyễn Bá Lân đem quân đi đánh Sơn Tây (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 24).
  2. Hoàng Kim Trảo (người làng Đơn Dương Hạ, huyện Bạch Hạc, nay thuộc Phú Thọ), đỗ Tạo sĩ (tức Tiến sĩ võ) được bổ làm Đốc lãnh, cùng với một số tướng lĩnh khác như Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán,... cầm quân đi đàn áp vùng Hải Dương và Hưng Yên (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 25).
  3. Ngô Đình Thạc (người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oải, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1700. Là anh của Ngô Đình Oánh (tức Ngô Đình Chất), đỗ Tiến sĩ năm 1721)) được bổ làm Tổng phủ cầm quân lên Lạng Sơn.
  4. Nguyễn Trọng Uông (người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương, nay thuộc Bắc Ninh, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ)) được bổ làm Thống lãnh, đưa quân đi trấn áp vùng Hải Dương.
  5. Võ Tá Lý (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được bổ làm Chinh Tây Đại tướng quân, đi Sơn Tây phụ giúp cho Trần Đình Miên.
  6. Ngay sau khi Võ Tá Lý xuất quân, Hoàng Công Kỳ (người làng Trình Xá, huyện Thần Khê) là hoạn quan cũng được bổ làm Chinh Tây Đại tướng quân, sẵn sàng tiếp ứng cho Trần Đình Miên và Võ Tá Lý bất cứ lúc nào
  7. .....
Đại để một vòng vây quân sự hùng mạnh đã được thiết lập và ngày càng xiết chặt. Các lãnh tụ nghĩa quân đương thời như Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu), Nguyễn Danh Phương (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Danh Phương), Hoàng Công Chất... gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình thế đó, họ quyết định liên minh với nhau nhằm tăng cường sức mạnh cho mình và làm phân tán, làm suy yếu bớt lực lượng của quân đội Chúa Trịnh. Năm 1741, khi cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ lãnh đạo đã bị thất bại, Hoàng Công Chất đã liên kết với nghĩa quân do Nguyễn Hữu Cầu cầm đầu. Điều này khiến cho Trịnh Doanh thực sự lo ngại. Hoàng Ngũ Phúc được cử làm tướng chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội Chúa Trịnh đi đàn áp ở vùng Đông Bắc, quyết bình định cho được miền đất trọng yếu này. Tháng 3 năm 1743, quan Tham tụng Nguyễn Công Thái (1684-1758) (người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, nay là thôn Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1715) được Trịnh Doanh điều đi làm Trấn thủ Sơn Nam nhằm tăng cường thêm sức mạnh cho guồng máy chính quyền thống trị ở đây.
Tháng 11 năm 1743, do thấy mức độ ác chiến ngày một căng thẳng, lại cũng do muốn mở thêm những mặt trận tấn công mới hơn, Hoàng Công Chất đã chủ động dâng thư xin hàng lên Chúa Trịnh. Bức thư đó đã khiến cho nội bộ Phủ Chúa Trịnh bị phân hóa khá gay gắt. Bấy giờ Phủ Chúa chia làm hai phe. Phe thứ nhất chủ trương quyết đánh đến cùng chứ không chịu nhượng bộ. Phe này gồm tuyệt đại đa số các quan cả văn lẫn võ. Phe thứ hai chủ trương chấp nhận để rồi tìm cách dụ dỗ, mua chuộc và dần dần sẽ thủ tiêu. Phe này có Nguyễn Đình Hoàn (người làng Hương Duệ, huyện Kỳ Anh, nay thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là võ quan cao cấp, khác với Nguyễn Đình Hoàn người Thăng Long, đỗ Tiến sĩ năm 1688), Trần Huy Mật (Hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết ông là võ quan cao cấp) và cả chính Chúa Trịnh Doanh nữa. Tất nhiên, phe thắng thế là phe của Trịnh Doanh. Trịnh Doanh hạ lệnh cho Hoàng Công chất (và các lãnh tụ nông dân khác) ở yên tại chỗ, được chính thức trao cho quan chức để cai trị dân trong vùng đã chiếm đóng của mình:
“Trịnh Doanh cũng đã chán nản việc dùng binh đánh dẹp lâu năm, bèn nhân đấy, trao cho chúng được quan chức và cho chiếu theo từng vùng chiếm đóng mà cai quản lấy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 35).
Hoàng Công Chất có dâng thư xin hàng nhưng trong thực tế, ông chưa bao giờ hàng. Giữa nghĩa quân Hoàng Công Chất với Trịnh Doanh cũng gần như chưa bao giờ có được một khoảng thời gian hòa hoãn đáng kể nào. 
  • Chiếm Khoái Châu (1743), liên tục tấn công khiến cho chúa Trịnh Doanh nổi giận, bãi chức Nguyễn Đình Hoàn
Cuối năm 1743, ngay sau khi dâng thư xin hàng, do thấy sức ép quân sự của chúa Trịnh vẫn không giảm, Hoàng Công Chất chủ trương phá thế bị bao vây bằng cách bất ngờ cho quân tấn công. Và Hoàng Công Chất đã hoàn toàn đúng. Các tướng của chúa Trịnh bị thua liên tiếp mấy trận liền, đất Khoái Châu bị nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh chiếm, đồng thời trở thành sào huyệt tin cậy của Hoàng Công Chất. Từ Khoái Châu, một loạt những cuộc tấn công lớn nhỏ đến các vùng chung quanh dồn dập được tổ chức. Điều này khiến cho Trịnh Doanh rất tức tối.

Bấy giờ, các tướng Đinh Văn Giai và Nguyễn Đình Hoàn có thắng được một trận nhỏ ở Đỗ Xá (Tên xã thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Nhưng thắng lợi đó không đủ để vực dậy tinh thần chung của đông đảo quân sĩ Chúa Trịnh, càng không đủ để làm nhụt chí Hoàng Công Chất. Nhân thấy nước sông Hồng bỗng dưng lên cao, Nguyễn Đình Hoàn tâu với Trịnh Doanh, xin phá đê sông Hồng để nhận chìm lực lượng của Hoàng Công Chất. Nhưng lời tâu ấy không được Trịnh Doanh chấp thuận, “lấy cớ rằng nếu làm như thế sẽ gây hại cho nhân dân ở các huyện lân cận” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 35).
Để đàn áp nghĩa quân Hoàng Công Chất, các tướng lĩnh của Chúa Trịnh mà đặc biệt là Nguyễn Đình Hoàn đã ra sức tình đủ mọi cách để bắt lính và vơ vét tài sản của nhân dân. Khắp nơi náo loạn bởi hành vi này của Nguyễn Đình Hoàn. Nhân dân biểu lộ sự phản kháng bằng nhiều hình thức khác nhau, hoặc đùm bọc chở che, hoặc góp tiền góp của, hoặc trực tiếp cầm vũ khí tham gia vào lực lượng chiến đấu của nghĩa quân Hoàng Công Chất. Biết được điều này, Trịnh Doanh rất tức tối. Sử cũ viết:
“Nguyễn Đình Hoàn tự cho mình có trách nhiệm chuyên lo khống chế mặt Nam (kinh thành) cho nên đã thiện tiện bắt dân phu đi đánh giặc, làm náo động khắp vùng. Nghe tin này, Trịnh Doanh giận lắm, vừa xuống lệnh nghiêm trách, vừa lập tức bãi chức Nguyễn Đình Hoàn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 36).
Cùng với việc nghiêm trách và bãi chức của Nguyễn Đình Hoàn, Trịnh Doanh còn ra lệnh triệu Đinh Văn Giai về kinh tâu trình rõ mọi điều. Sau đó không bao lâu, Đinh Văn Giai lại được lệnh trở lại vùng đồng bằng sông Hồng, đốc thúc các đạo quân đi đàn áp Hoàng Công Chất. Không may cho Đinh Văn Giai, mọi cố gắng lúc này hầu như không mang lại hiệu quả đáng nói nào:
“Giặc cỏ (chỉ nghĩa quân Hoàng Công Chất - NKT) tung hoành bạo ngược, càng ngày càng dữ. Dân vùng Hải Dương và Kinh Bắc không ngày nào được yên” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 36).
Để cứu vãn tình hình, Trịnh Doanh sai hoạn quan Hoàng Công Kỳ đi làm Trấn thủ trấn Sơn Nam. Hoàng Công Kỳ còn được kiêm giữ chức Thống lãnh, chỉ huy cuộc đàn áp ở vùng này. Tuy xuất thân là hoạn quan nhưng Hoàng Công Kỳ rất được Trịnh Doanh tin cậy, ủy thác nhiều trọng trách ở triều đình và nhiều phen giao việc cầm quân. Chính Hoàng Công Kỳ là kẻ đã dàn áp khốc liệt nghĩa quân của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và Nguyễn Hữu Cầu. Cùng với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và một loạt tướng lĩnh cao cấp khác như Đinh Văn Giai, Phạm Đình Trọng... Hoàng Công Kỳ là một trong những chỗ dựa quan trọng của Trịnh Doanh. Cũng do từng trải nhiều năm cầm quân đi trấn áp, Hoàng Công Kỳ rất thông thạo địa hình vùng đồng bằng sông Hồng. Tóm lại, đối mặt với một tướng sừng sỏ như Hoàng Công Kỳ là khó khăn không nhỏ của nghĩa quân Hoàng Công Chất.
  • Bắt giết Hoàng Công Kỳ (1745), đánh cho Đinh Văn Thản hoảng sợ mà chết (1761)
Tháng 12 năm 1745, Hoàng Công Kỳ lấy danh nghĩa là quan Trấn thủ kiêm Thống lãnh, trực tiếp đi kiểm tra việc xây dựng đồn lũy và kế hoạch bố phòng của các địa phương trong trấn Sơn Nam. Cứ như nhận xét của sử cũ thì Hoàng Công Kỳ tuy là tướng có tài nhưng bản tính rất chủ quan. Hoàng Công Chất cũng biết rất rõ điều đó cho nên đã khôn khéo bố trí một trận mai phục, quyết trừng trị đích đáng viên tướng đầu sỏ này. Và cơ hội tốt đã đến với Hoàng Công Chất vào tháng 12 năm 1745.
Bấy giờ, nhận được tin Hoàng Công Kỳ cưỡi voi đi kiểm tra các địa phương, lính theo hầu chỉ có độ vài chục tên, Hoàng Công Chất lập tức cho quân bất ngờ tấn công. Hoàng Công Kỳ không sao chống đỡ nổi, bị thua và bị bắt, sau đó bị giết. Một trong những viên tướng cao cấp nhất của Trịnh Doanh bị thiệt mạng! Tin đó nhanh chóng lan đi khắp nơi, khiến cho các lực lượng nổi dậy chống họ Trịnh rất hồ hởi. Thắng lợi này của Hoàng Công Chất có ý nghĩa rất lớn lao. Sau cái chết của Hoàng Công Kỳ, bẵng đi một thời gian khá dài, tướng sĩ của họ Trịnh không dám mạo hiểm đánh vào Khoái Châu nữa. Nghĩa quân Hoàng Công Chất có cơ hội để không ngừng củng cố và phát triển.
Năm 1748, Trịnh Doanh tổ chức một cuộc càn quét có quy mô rất lớn vào Khoái Châu. Các đạo quân thủy bộ do nhiều tướng lĩnh cao cấp của Trịnh Doanh chỉ huy cùng tiến vào khu căn cứ của Hoàng Công Chất. Các trận ác chiến liên tiếp xảy ra. Cuối cùng, do tương quan thế và lực hoàn toàn không cân xứng, để bảo toàn lực lượng, Hoàng Công Chất đã quyết định rút vào Thanh Hóa rồi từ đó rút lên Hưng Hóa.
Gắn liền với cuộc rút lui này, địa bàn hoạt động và phương thức hoạt động của nghĩa quân Hoàng Công Chất cũng buộc phải thay đổi theo. Từ thói quen tổ chức những trận chiến đấu ở vùng đồng bằng sông nước, đến đây, Hoàng Công Chất phải xây dựng kế hoạch tấn công và phòng thủ sao cho thật phù hợp với điều kiện địa hình của vùng rừng núi Tây Bắc. Và một khi đã đến với vùng Tây Bắc, vùng cư ngụ của đồng bào các dân tộc ít người, muốn tồn tại, trước hết phải lo thiết lập và củng cố khối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc anh em. Điều rất bất ngờ là Hoàng Công Chất đã thành công rất nhanh chóng. Tại Hưng Hóa, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã được sự ủng hộ mãnh liệt của nhân dân, đặc biệt là sự hợp tác chiến đấu chống kẻ thù chung của các nghĩa sĩ Tây Bắc do một vị thủ lĩnh tên là Thành (chưa rõ họ) chỉ huy. Theo ghi chép của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 8, thì thủ lĩnh Thành là người đã phát động và lãnh đạo một cuộc nổi dậy khá lớn ở vùng Hưng Hóa. Nghĩa quân của thủ lĩnh Thành đã có lần đánh sang cả đất Trung Quốc. Quan Tổng đốc Vân Nam phải hợp lực với Đinh Văn Thản đánh dẹp rất vất vả mà vẫn không sao thắng nổi.
Để đối phó với tình hình này, Trịnh Doanh hạ lệnh cho quan Trấn thủ ở Hưng Hóa là Đinh Văn Thản (người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Bình, nay thuộc tỉnh Hải Dương, là dòng dõi của võ quan lừng danh Đinh Văn Tả) phải lập tức đem quân đi trấn áp. Sử cũ chép:
“Trấn thủ Đinh Văn Thản được lệnh đem quân tiến đánh nhưng (Đinh Văn) Thản có ý sợ, đóng quân ở nơi rừng sâu nước độc lâu ngày, nhiều người nhiễm chướng khí, mắc bệnh sốt rét rồi chết. (Đinh Văn) Thản bị triều đình vặn hỏi, quở trách nhiều lần, vì thế hắn sợ đến phát chết. Triều đình hạ lệnh truy lột hết quan chức, tước vị của hắn, lại còn sai người đánh vào áo quan” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 42, tờ 10).
Một cuộc đàn áp mới hơn, nguy hiểm hơn được gấp rút tổ chức. Lần này, Trịnh Doanh giao trách nhiệm cho các tướng lĩnh sau đây:
  1. Lê Đình Châu (người làng Liên Hồ, huyện Ngọc Sơn, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) được giao chức Đốc dhiến.
  2. Nguyễn Quốc Khuê (người làng Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1748, làm quan được thăng dần lên đến chức Giám sát Ngự sử) được giao chức Tham mưu.
  3. Phan Cảnh (tức là Phan Kính, người làng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Thám Hoa năm 1743, làm quan trải được phong dần đến chức Đốc đồng) lúc bấy giờ đang là Đốc đồng ở Tuyên Quang có nhiệm vụ đem quân bản bộ từ Tuyên Quang tới để phối hợp chiến đấu.
Cuộc tấn công đàn áp ác liệt này đã gây cho nghĩa quân Hoàng Công Chất không ít khó khăn. Thủ lĩnh Thành bị bắt và bị giết. Hoàng Công Chất buộc phải cho toàn bộ lực lượng của mình rút lui. Tuy nhiên, tướng sĩ của chúa Trịnh cũng bị tiêu hao không ít. Đốc đồng Phan Cảnh vì quá mệt mỏi với những cuộc hành quân, đã lâm bệnh và chết ở Hưng Hóa.
  • Xây căn cứ Mãnh Thiên và từ Mãnh Thiên, liên tục tấn cỏng đến khắp các vùng lân cận
Thủ lĩnh Thành bị giết hại nhưng lực lượng của Hoàng Công Chất về cơ bản vẫn được bảo toàn. Ông rút về Mãnh Thiên (Tên động, thuộc châu Ninh Biên, trấn Hưng Hóa. Nay động Mãnh Thiên thuộc địa phận tỉnh Lai Châu) và nhanh chóng biến Mãnh Thiên thành một khu căn cứ rất lợi hại. Sự kiện này xảy ra vào khoảng đầu năm 1761. Tại Mãnh Thiên, Hoàng Công Chất cho xây dựng thành lũy rất kiên cố, trong đó, lớn nhất là Tam Vạn Thành (có nghĩa là thành chứa được 3 vạn quân). “Hiện nay ở xã Ba Man phía nam Lai Châu, trên thượng lưu sông Đà còn có dấu vết một thành lũy xưa của Hoàng Công Chất gọi là Tam Vạn Thành” (Hoàng Bình Chính. Hưng Hóa phong thổ lục. Dẫn lại của Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Đinh Xuân Lâm trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III).H.: Giáo dục, 1960.-Tr.233).
Từ Mãnh Thiên, Hoàng Công Chất liên tục tổ chức những trận đánh vào các địa phương lân cận. Tháng 10 năm 1767, nhân cơ hội Chúa Trịnh Doanh vừa mới qua đời (Trịnh Doanh mất vào tháng 1 năm 1767. Chúa kế vị là Trịnh Sâm, ở ngôi Chúa từ năm 1767-1782), Chúa Trịnh Sâm mới lên nối nghiệp và đang chú tâm lo củng cố địa vị của mình, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã đánh 7 trận lớn (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 14. Tư liệu ở đây là tư liệu tổng hợp, không phải là trích lục từ nguyên tác). Cụ thể như sau:
  1. Trận đánh vào Mai Châu (nay thuộc tỉnh Hòa Bình, khu vực nằm sát với Mộc Châu của tỉnh Sơn La).
  2. Trận đánh vào Mộc Châu (nay thuộc tỉnh Sơn La, khu vực nằm sát với Mai Châu của Hòa Bình).
  3. Trận đánh vào Quan Gia (nay thuộc Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
  4. Trận đánh Cổ Lũng (nay thuộc Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).
  5. Trận đánh Thiết Úng (nay thuộc Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).
  6. Trận đánh Ái Chử (nay thuộc Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
  7. Trận đánh Bất Một (nay thuộc Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).
Tin cáo cấp liên tiếp đưa về, bá quan văn võ ai cũng lấy làm lo ngại. Trịnh Sâm vội vã hạ lệnh thành lập một guồng máy chỉ huy cuộc trấn áp gồm các nhân vật chủ chốt như sau:
- Thiếu phó Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương (Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 14, thì Trịnh Phương là người thuộc dòng họ của chúa Trịnh. Các chi tiết khác về lai lịch cuộc đời Trịnh Phương hiện vẫn chưa rõ) làm tổng chỉ huy, đồng thời, trực tiếp cầm đầu đạo quân đi càn quét ở Hưng Hóa.
- Điển Vũ hầu Nguyễn Trọng Điển (còn có tên Nguyễn Trọng Thân, người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương, nay thuộc Bắc Ninh, con của Tạo sĩ Nguyễn Trọng Uông) chỉ huy đạo quân đi càn quét ở Thanh Hóa.
- Trấn thủ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn (người làng Nội Duệ, huyện Tiên Du cũ, nay thuộc Bắc Ninh, xuất thân là hoạn quan) có nhiệm vụ đem hết quân bản bộ ra hợp sức chiến đấu với đạo quân của Nguyễn Trọng Điển.
Thực hiện chủ trương lánh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, Hoàng Công Chất đã nhanh chóng cho rút hầu hết lực lượng của mình khỏi đất Thanh Hóa và Hòa Bình ngày nay. Nhưng một loạt các cuộc tấn công ồ ạt khác lại nhất loạt được tổ chức. Tháng giêng năm 1768, Hoàng Công Chất đã chiếm được đất của 10 châu (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 48, tờ 16 chú thích rằng: “10 châu đó gồm có Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ. Nay 4 châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Ninh Biên đều thuộc Hưng Hóa. 2 châu Quảng Lăng và Hoàng Nham đều thuộc Vân Nam (Trung Quốc - NKT). Còn 4 châu Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ không khảo cứu được”). Điều này khiến cho Trịnh Sâm vô cùng tức tối. Một bộ chỉ huy đàn áp mới hơn được thành lập, gồm có:
- Nguyễn Đình Huấn (người làng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, nay thuộc Bắc Ninh, xuất thân là hoạn quan) làm Chánh Thống lãnh.
- Phạm Ngô Cầu (Hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết về sau được phong tới tước Quận công. Năm 1786, bị Tây Sơn bắt giết) làm Hiệp Thống lãnh.
- Hoàng Phùng Cơ (quê ở Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Lúc này, Hoàng Phùng Cơ đang giữ chức Lưu thủ Sơn Tây) làm Hiệp Thống lãnh.
- Phan Lê Phiên (1735-1809) (người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1757. Phan Lê Phiên chỉ giữ chức Tán Lý từ tháng giêng đến tháng 6 năm 1768. Từ tháng 7 năm 1768, Đốc trấn Cao Bằng Nguyễn Trọng Hoành (người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc Thanh Hóa) được cử đến thay Phan Lê Phiên làm Tán lý.
- Nguyễn Xuân Huyên (còn có tên Nguyễn Diêu, người làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, nay là làng Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1752) làm Hiệp Tán lý.
Đến tháng 8 năm 1768, Đoàn Nguyễn Thục (còn có tên Đoàn Duy Tĩnh (1728 - 1783), người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đỗ Hoàng giáp năm 1752) được điều động tới giữ chức Giám quân và tăng cường cho bộ chỉ huy cuộc đàn áp này. Tam Vạn Thành và căn cứ Mãnh Thiên phải chịu đựng một sức ép ngày càng dữ dội. Đúng vào lúc căng thẳng nhất ấy, nghĩa quân Hoàng Công Chất lại phải chịu một tổn thất rất nặng nề: Hoàng Công Chất qua đời vì lâm bệnh nặng tại Mãnh Thiên. Người kế tục sự nghiệp của Hoàng Công Chất là con trai ông: Hoàng Công Toản. Hoàng Công Toản tuy là người có chí lớn, nhưng xét về kinh nghiệm trận mạc thì chưa thể sánh với Hoàng Công Chất. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa này.
  • Tam Vạn Thành bị phá vỡ, Mãnh Thiên nhuộm đỏ máu anh hùng
Nguyễn Đình Huấn là Thống lãnh, nhưng chính Thống lãnh Nguyễn Đình Huấn lại luôn tỏ ra dè dặt, thậm chí là có phần lo sợ khi cầm quân đánh vào các địa phương ở Hưng Hóa. Sai quân đi thu lương thực trong dân không được, hạ lệnh bắt thêm lính cũng không xong, Nguyễn Đình Huấn biết là lòng người đều đã hướng về căn cứ Mãnh Thiên, vì thế cố sức nghĩ kế để rút quân. Các tướng dưới quyền, đặc biệt là Phạm Ngô Cầu, rất ủng hộ Nguyễn Đình Huấn, chỉ có Giám quân Đoàn Nguyễn Thục là phản đối mà thôi. Sử cũ chép:
“Bọn (Nguyễn) Đình Huấn cho người phi ngựa về kinh đô, đệ tờ khải, đại ý nói rằng: Lương ăn của quân không được đầy đủ, tiến thoái đều khó cả. Vả chăng, quân sĩ có nhiều người mắc bệnh, vậy xin cho thêm thuốc thang để chữa.
Lúc ấy, (Đoàn) Nguyễn Thục cũng làm tờ khải trình lên theo, nói là (Nguyễn) Đình Huấn hiệu lệnh không nghiêm, đã thế lại còn khinh rẻ và lấn át chư tướng, thả lỏng cho binh lính đi cướp bóc, chần chừ không chịu tiến quân. Tóm lại có 10 việc sai trái.
Nhận được tờ khải của (Nguyễn) Đình Huấn, đang đêm mà Trịnh Sâm cũng không bằng lòng, liền cho triệu các quan vào phủ để bàn định. (Trịnh Sâm) nghiêm trách Nguyễn Đình Huấn. Kế đó lại nhận được tờ khải của (Đoàn) Nguyễn Thục, Trịnh Sâm nổi giận nói:
- Ta vẫn biết (Nguyễn) Đình Huấn không thể dùng được, nay quả nhiên là đúng như thế.
(Nói rồi), lập tức hạ lệnh triệu (Nguyễn) Đình Huấn về và bổ (Đoàn) Nguyễn Thục kiêm chức Thống lãnh các đạo, thay (Nguyễn) Đình Huấn. Vũ Huy Đĩnh (1730-1789) (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1754, làm quan được thăng dần lên đến chức Lễ Bộ Hữu Thị lang, tước Hồng Trạch hầu) được bổ làm Giám quân và Nguyễn Trọng Hoành (người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc Thanh Hóa) được bổ làm Tán lý” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 43, tờ 21).
Tháng giêng năm 1769, Đoàn Nguyễn Thục dốc toàn lực ra đánh trận quyết định với Hoàng Công Toản. Trước khi xuất quân, Đoàn Nguyễn Thục tuốt gươm ra nói với quân sĩ rằng: “Kẻ nào không tuân theo mệnh lệnh thì hãy trông vào thanh kiếm này”.
Hoàng Công Toản đã chủ động bố trí nhiều trận mai phục rất lợi hại, nhưng quân ít chẳng thể chống nổi đối thủ mạnh, nghĩa quân bị thua liên tiếp mấy trận liền. Cuối cùng, Hoàng Công Toản đành phải chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Số phận Hoàng Công Toản về sau ra sao thì không thấy thư tịch cổ ghi chép gì. Các tướng lĩnh và nghĩa sĩ của Hoàng Công Toản cũng mỗi người tản mác một nơi, không chịu đầu hàng, khuất phục.
Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Công Chất phát động và chỉ huy, sau 30 năm chiến đấu ngoan cường, đến đó là chấm dứt. Hoàng Công Chất là biểu tượng của khí phách hiên ngang, của ý chí chiến đấu dẻo dai phi thường, của tài chỉ huy chiến đấu ở nhiều địa hình rất khác nhau. Hiện nay, ở Điện Biên Phủ vẫn còn đền thờ Hoàng Công Chất do nhân dân địa phương dựng lên.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Nguyễn Hữu Cầu (? - 1751)

VietnamDefence - “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán / Phá vòng vây bạn với kim ô. /
Giang sơn khách diệc tri hồ” - Nguyễn Hữu Cầu. Chim trong lồng (Thơ viết trong ngục trước ngày bị xử tử).
  • Đôi lời về lai lịch
Nguyễn Hữu Cầu là con một gia đình nông dân nghèo, quê ở làng Lôi Dương, huyện Thanh Hà (nay thuộc Hải Dương). Ông sinh vào năm nào chưa rõ, tuy nhiên, thư tịch cùng truyền thuyết dân gian đều nói rằng, ông là bạn học của Phạm Đình Trọng (1714 - 1754). Kết hợp với sự cân nhắc thêm vài chi tiết trong hành trạng cuộc đời của ông, chúng ta cũng có thể ước đoán rằng, Nguyễn Hữu Cầu sinh cùng hoặc muộn hơn Phạm Đình Trọng một chút.
Cuối năm 1739, khi Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cùng với cháu là Nguyễn Diên dựng cờ khởi nghĩa ở Ninh Xá, Nguyễn Hữu Cầu là một trong những người hăng hái hưởng ứng đầu tiên. Ông là con rể của Nguyễn Cừ và cũng là một trong những bộ tướng tin cậy của Nguyễn Cừ. Nhờ những năm tháng anh dũng chiến đấu và lập được khá nhiều công lao, góp phần đáng kể vào những thắng lợi quan trọng của nghĩa quân Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, uy tín của Nguyễn Hữu Cầu đã được khẳng định.
Khi Nguyễn Tuyển qua đời còn Nguyễn Cừ thì chạy lên Lạng Sơn, Nguyễn Hữu Cầu vẫn kiên trì ở lại, cố gắng bảo toàn lực lượng còn lại để chờ thời. Hay tin này, từ đất Lạng Sơn, Nguyễn Cừ đã tìm đường trở về, dự tính sẽ cùng với con rể gây dựng lại phong trào.
Khi Nguyễn Cừ bị bắt ở Ngọa Vân Sơn để rồi sau đó không bao lâu thì bị xử tử, Nguyễn Hữu Cầu nghiễm nhiên trở thành lãnh tụ mới của nông dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Như vậy, về quan hệ họ hàng, Nguyễn Hữu Cầu là con rể của Nguyễn Cừ, còn về quan hệ sự nghiệp thì khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu chính là sự tiếp nối dưới một dạng thức đặc biệt của khởi nghĩa Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ.
  • Chiếm Đồ Sơn và đánh mạnh vào các vùng lân cận (1742)
Ngay sau khi Nguyễn Cừ bị bắt và bị giết hại, Nguyễn Hữu Cầu liền đem lực lượng của mình đánh thẳng xuống Đồ Sơn. Cuộc tấn công này tuy gặp không ít khó khăn, nhưng cuối cùng, Đồ Sơn cũng lọt vào tay nghĩa quân của ông. Từ đầu năm 1743, Đồ Sơn đã trở thành căn cứ vững chắc của Nguyễn Hữu Cầu. Bấy giờ, đồng thời với Nguyễn Hữu Cầu, ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng còn có khởi nghĩa do Hoàng Công Chất (Tham khảo thêm phần viết về Hoàng Công Chất (? - 1769)) lãnh đạo. Tuy không hợp nhất, nhưng Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất đã liên minh khá chặt chẽ với nhau. Điều này khiến cho Trịnh Doanh rất lo sợ:
“Vùng Đông Nam là nơi sản sinh ra của cải, là nguồn thu thuế lớn của quốc gia, vậy mà bị (Nguyễn) Hữu Cầu và (Hoàng) Công Chất liên kết với nhau, mặc sức ngày ngày đánh phá, cướp bóc. Vậy, trước hết phải làm sao để quét cho sạch vùng Đông Nam, gỡ mối lo nguy cấp” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 28).
Ngoài ra, với những hoạt động táo bạo và thông minh của mình, nghĩa quân của Nguyễn Danh Phương (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Danh Phương (? - 1751)) ở vùng Sơn Tây cũng đã khiến cho Trịnh Doanh không thể an tâm. Đấy là chưa kể đến cuộc khởi nghĩa do Lê Duy Mật (Tham khảo thêm phần viết về Lê Duy Mật (?-1770)) lãnh đạo, hoạt động rất mạnh mẽ ở vùng Thanh Hóa ngày nay. Tất cả những điều kiện thuận lợi này đã được Nguyễn Hữu Cầu triệt để tận dụng. Từ Đồ Sơn, những cuộc tấn công ra các vùng lân cận liên tiếp được tổ chức.
Tại Đồ Sơn, để có danh nghĩa tập hợp nhân dân, Nguyễn Hữu Cầu xưng là Đông Đạo Tổng quốc Bảo dân Đại tướng quân. Trận đánh có quy mô lớn đầu tiên do đích thân Đông Đạo Tổng quốc Bảo dân Đại tướng quân chỉ huy là trận đánh vào Lão Phong (Lão Phong là tên xã xưa thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay thuộc địa phận Hải Phòng). Tướng chỉ huy thủy quân của Trịnh Doanh ở vùng này là Trịnh Bảng vội đem chiến thuyền tới đàn áp. Nguyễn Hữu Cầu cho quân đem thuyền chiến loại nhỏ ra khiêu chiến rồi vờ thua và bỏ chạy. Trịnh Bảng hung hăng cho quân đuổi theo. Đuổi mãi đến Giai Môn (Tên cửa biển thuộc huyện Nghi Dương, nay thuộc Hải Phòng) thì gặp lúc thủy triều lên. Chiến thuyền của Trịnh Bảng to lớn cồng kềnh, ngược dòng thủy triều lên rất vất vả. Trước tình hình đó, Trịnh Bảng liền cho quân tạm nghỉ. Đúng lúc đó Nguyễn Hữu Cầu liền cho hơn 100 chiến thuyền bất ngờ từ bến Cát Bạc (Tên bến thuộc khu vực cửa Giai Môn) đổ ra tấn công. Thủy quân Trịnh Bảng nhanh chóng tan vỡ, bị giết và bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Bản thân Trịnh Bảng cũng bị hơn mười vết thương, bị bắt và sau đó là bị giết.
Chiến thắng này đã khiến cho thanh thế của Nguyễn Hữu Cầu trở nên rất lừng lẫy. Ông mở rộng phạm vi tấn công và chẳng bao lâu sau đó thì chiếm được cả một vùng rộng lớn, tương ứng với Hải Phòng và phần lớn Quảng Ninh ngày nay.
  • Chống trả cuộc đàn áp của Hoàng Công Kỳ và Hoàng Ngũ Phúc từ tháng 2-6 năm Quý Hợi (1743)
Hoàng Công Kỳ xuất thân là hoạn quan. Sử cũ cho biết, viên hoạn quan này vốn người làng Trình Xá, huyện Thần Khê (Tác giả chưa xác định được vị trí cụ thể của làng Trình Xá trên bản đồ hiện nay). Đầu năm 1740, Hoàng Công Kỳ đã được lệnh cầm quân đi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở Sơn Nam (Tham khảo thêm phần viết về Hoàng Công Chất (?-1769)). Cuối năm 1742, Hoàng Công Kỳ được thăng chức Thống tướng Chánh Đạo, chỉ huy cuộc đánh dẹp phong trào nổi dậy của nhân dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hoàng Công Kỳ đã cố sức hoàn thành phận sự, nhưng không sao có thể hoàn thành được.
Trong lúc Hoàng Công Kỳ đang lúng túng và sa lầy thì viên hoạn quan thứ hai của Phủ Chúa là Hoàng Ngũ Phúc lại dâng sớ lên Chúa Trịnh Doanh, trình bày 12 điều về binh pháp. Hoàng Ngũ Phúc người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Là một trong những tay chân thân tín của Trịnh Doanh, Hoàng Ngũ Phúc được thăng quan tiến chức rất nhanh. Đầu năm 1740, Hoàng Ngũ Phúc được trao chức Tả Thiếu giám, sau đó không bao lâu lại được sung chức Nội sai của Hình Phiên. 12 điều binh pháp của Hoàng Ngũ Phúc được Trịnh Doanh tán thưởng, vì thế Trịnh Doanh vừa hạ lệnh thi hành, vừa phong cho Hoàng Ngũ Phúc chức Thống lĩnh đạo kỳ binh (Đạo binh chuyên lo việc bất ngờ đánh úp ở phía sau, khác với chính binh là đạo quân chuyên lo đánh trực diện với đối phương), cùng với Hoàng Công Kỳ đi đánh Nguyễn Hữu Cầu. Sử cũ chép rằng:
“Lúc (Hoàng) Ngũ Phúc mới nghe được mệnh lệnh (của Chúa) thì rất lấy làm lo sợ, vì từ trước đến đó, (Hoàng Ngũ Phúc) chưa từng ra chiến trận bao giờ. Khi ấy, có một người khách (chỉ người Trung Quốc - NKT) đến khuyên:
- Tướng công nên vay 1 vạn quan tiền trong kho công của nhà nước để dùng mà mộ tráng sĩ cho mình.
Hoàng Ngũ Phúc nói:
- Nay nếu vay tiền trong kho công của nhà nước thì đến một ngày nào đó cũng phải trả, mà trả thì lấy đâu ra.
Người khách ấy nói tiếp:
- Tục ngữ có câu rằng “Tướng vô tài, sĩ bất lai”, nghĩa là người làm tướng mà không có của cải thì dũng sĩ chẳng bao giờ tìm đến cả. Nếu như tướng công thật lòng nghe kế sách của tôi, thì tráng sĩ đều hết sức vì tướng công và quyết thắng địch. Thắng rồi thì tướng công đã sang lại còn giàu, lo gì khoản nợ 1 vạn quan tiền? Còn như nếu lỡ bị sa cơ đến chỗ không thể nói được nữa (ý nói là nếu có chết - NKT) thì còn ai nỡ trách cứ món nợ? Mà trách cứ vào đâu được chứ?
Hoàng Ngũ Phúc cho là phải, bèn làm theo lời ấy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 29).
Trong lúc Hoàng Ngũ Phúc đang lo bỏ tiền để chiêu mộ quân sĩ thì Hoàng Công Kỳ được lệnh đem quân đến đàn áp Nguyễn Hữu Cầu trước. Lần này, Hoàng Công Kỳ trực tiếp chỉ huy bộ binh. Lực lượng thủy binh tham gia vào cuộc đàn áp có quy mô lớn này được giao cho tướng Trần Cảnh (Trần Cảnh người làng Điền Trì, huyện Chí Linh, nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1718) cầm đầu. Ngoài ra, một đạo quân khác của tướng Võ Tá Liễn (Võ Tá Liễn người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Võ Tá ở Hà Hoàng là dòng võ tướng nổi tiếng, với nhiều nhân vật được sử ghi tên như Võ Tá Sắt, Võ Tá Kiên, Võ Tá Lý, Võ Tá Quán, Võ Tá Đoan...) cũng được huy động.
Người trực tiếp cầm quân đi đánh Nguyễn Hữu Cầu là Hoàng Công Kỳ, nhưng người trực tiếp vạch kế hoạch cho cuộc tấn công đàn áp này lại là Chúa Trịnh Doanh. Sử cũ xác nhận rằng: “Trước lúc ra đi, Trịnh Doanh thân hành trao mưu kế và phương pháp” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 32). Tuy lực lượng thủy bộ đã rất hùng hậu, nhưng Hoàng Công Kỳ vẫn chưa yên tâm nên cố nài Trịnh Doanh cho thêm một đạo thủy binh nữa:
“Hoàng Công Kỳ dâng tờ khải, nói rằng: giặc (chỉ quân của Nguyễn Hữu Cầu - NKT) bám vào núi và nương vào biển để làm chỗ dựa kiên cố, mà nước biển lên xuống không nhất định, cho nên, muốn phá Đồ Sơn mà ta không tranh chiếm địa lợi trước là không thể được. Muốn tranh chiếm địa lợi thì phải dùng thủy binh. Vậy, xin giữ đạo thủy quân Tứ Trạch lại để phòng bị” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 32).
Trịnh Doanh chuẩn y lời đề nghị ấy. Bấy giờ, tướng chỉ huy đạo thủy quân Tứ Trạch là Nguyễn Đăng Hiển. Chính viên tướng này đã từng tham gia đàn áp nghĩa quân Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ. Ngay sau khi có thêm đạo thủy binh của Nguyễn Đăng Hiển, Hoàng Công Kỳ hạ lệnh đánh thẳng vào Đồ Sơn. Trước thế mạnh của đối phương như vậy, Nguyễn Hữu Cầu chủ động rút lui, do đó, Hoàng Công Kỳ không thể nào đánh theo cách đánh của mình. Về phần mình, Nguyễn Đăng Hiển tự cho là đã hoàn tất phận sự, kéo đạo thủy binh của mình về thẳng Thăng Long.
Nguyễn Đăng Hiển đi rồi, Nguyễn Hữu Cầu lập tức cho quân quay lại bao vây Hoàng Công Kỳ ở Thanh Hà. Tình thế rất nguy cấp, Hoàng Công Kỳ buộc phải cho quân cảm tử mở đường máu về xin quân cứu viện. Bấy giờ, Hoàng Ngũ Phúc cũng vừa chiêu mộ xong lực lượng, liền tiến đến giải vây cho Hoàng Công Kỳ. Nhưng, đến khu vực Vĩnh Lại, quân của Hoàng Ngũ Phúc bị Nguyễn Hữu Cầu đánh chẹn lại, không sao vượt qua được.
Đang lúc khốn quẫn, Hoàng Công Kỳ được quan Tán lý Vũ Khâm Lân (tức Vũ Khâm Thận (1703 -?) người làng Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, nay là thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1727) bàn mưu tính kế giúp. Sử cũ (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 33) cho biết, đại để, Vũ Khâm Lân đã nói với Hoàng Công Kỳ rằng:
- Quân từ kinh sư (chỉ quân Hoàng Ngũ Phúc - NKT) thì chưa thể tới ngay được mà nếu cứ ngồi đợi, ắt khó kịp, chi bằng, nhân khi giặc (chỉ quân Nguyễn Hữu Cầu - NKT) đang lo đối phó với đạo kỳ binh (chỉ đạo quân của Hoàng Ngũ Phúc - NKT), ta hãy nhanh tay cướp lấy mặt sau, cùng với đạo kỳ binh phối hợp trước sau đánh tới, thế nào cũng sẽ phá được.
Hoàng Công Kỳ nghe theo kế ấy, kéo quân ra cửa Ngư Đại (Tên cửa sông thuộc xã Ngư Đại, huyện Thanh Hà, nay thuộc Hải Dương), thấy lực lượng của Nguyễn Hữu Cầu ở đây không nhiều, liền tung quân vừa đánh vừa tìm đường tiến về khu vực sông Tranh (Tên sông ở huyện Vĩnh Lại xưa, nay thuộc Hải Dương) để hội quân với quân Hoàng Ngũ Phúc. Trong trận kịch chiến với quân của Hoàng Ngũ Phúc và Hoàng Công Kỳ, nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu đã giết được một viên tì tướng của họ Trịnh là Trịnh Bá Khâm (Hiện chưa rõ lai lịch) cùng nhiều binh sĩ của hắn.
  • Bất ngờ đánh chiếm Kinh Bắc, khiến cả Thăng Long phải một phen hoảng loạn (5-1744)
Mưu kế của Vũ Khâm Lân kể cũng khá hiểm, chỉ tiếc cho Vũ Khâm Lân là Nguyễn Hữu Cầu còn có mưu kế hiểm hơn. Sau khi giết được Trịnh Bá Khâm, Nguyễn Hữu Cầu vừa bí mật bố trí nghi binh ở khu vực cửa Ngư Đại, vừa lặng lẽ kéo quân về Kinh Bắc (trên đại thể tương ứng với hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu đã chiếm được sông Thọ Xương (Tên sông ở xã Thọ Xương, huyện Bảo Lộc xưa. Hạ lưu của sông này thông với sông Lục Đầu). Tại đây, ông gấp rút cho đắp lữy để chống cự, đồng thời, bày chiến thuyền theo thế trận rất sẵn sàng.
Bấy giờ, Kinh Bắc là một trong những trọng trấn, vì thế vào năm 1741, Chúa Trịnh Doanh đã cho hai võ quan cao cấp là Nguyễn Huy Nhuận và Trần Đình Cẩm làm Chưởng đốc, chỉ huy lực lượng quân sự ở trấn này. Đến tháng 5 năm 1744, không rõ vì lý do gì, trấn Kinh Bắc chỉ còn một Chưởng đốc là Trần Đình Cẩm (tức Trần Đình Miên. Hiện chưa rõ lai lịch) nữa mà thôi. Nghe tin nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu mới kéo tới, Trần Đình Cẩm lập tức giành thế chủ động tấn công. Từ đất Thiết Sơn (Nay thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang), Trần Đình Cẩm tiến đến Trai Thị (Nay thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang) và tại đây, một trận kịch chiến đã xảy ra. Trần Đình Cẩm đại bại, phải lui về Thị Cầu (Thị Cầu nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) còn nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu thì nhân đà thắng lợi đã đánh đuổi rất gấp. Cùng đường, Trần Đình Cẩm phải rút quân vào thành Kinh Bắc, nhưng một lần nữa, Nguyễn Hữu Cầu cho quân quyết đánh đến cùng. Thành Kinh Bắc bị hạ. Quan Đốc đồng Kinh Bắc là Vũ Phương Đề (Vũ Phương Đề (1698 - ?) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1736. Làm quan được thăng tới Đông các Đại Học sĩ, là tác giá của Công dư tiệp ký) cùng với Trần Đình Cẩm đã phải hoảng hốt vất bỏ cả ấn tín mà tháo chạy. Tất cả dinh trại của quân đội chúa Trịnh ở đây đều bị thiêu trụi.

Tin Kinh Bắc thất thủ chẳng mấy chốc mà bay vào Thăng Long. Đang lúc nửa đêm mà nhân dân trong khắp kinh thành đều nhốn nháo sợ hãi, dắt díu nhau chạy trốn tán loạn. Do đại binh đã điều đi xa, Chúa Trịnh Doanh bèn hạ lệnh chia mấy đội vệ binh còn lại, cấp tốc đi trấn giữ ở bốn vị trí hiểm yếu, đó là khu trường bắn (nay là khu Giảng Võ, Hà Nội), xã Vân Canh (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội), xã Nhân Mục (nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội) và cầu Yên Quyết (tức là khu Cầu Giấy, Hà Nội). Mặt khác, Trịnh Doanh cũng gấp sai người đi triệu Hoàng Ngũ Phúc. Nghe tin Kinh Bắc thất thủ, Hoàng Ngũ Phúc cũng kinh hoàng, liền bỏ Vĩnh Lại, đưa quân về chiếm giữ Võ Giàng (vùng đất tiếp giáp giữa Hà Nội với Bắc Ninh ngày nay).
  • Chống trả cuộc tấn công đàn áp đại quy mô của quân đội Chúa Trịnh vào Kinh Bắc (từ tháng 7-11 năm 1744)
Sự lúng túng và bị động của Hoàng Ngũ Phúc khiến cho Trịnh Doanh rất bực tức. Vừa được tin Hoàng Ngũ Phúc kéo quân về Võ Giàng, Trịnh Doanh đã sai người đến quở trách Hoàng Ngũ Phúc rất thậm tệ. Sử cũ chép:
“Vừa đem quân đến Võ Giàng, (Hoàng) Ngũ Phúc đã bị Trịnh Doanh sai người tới quở trách rằng:
- Các ngươi đi đánh dẹp đã hơn một năm, đã tiến sát đến Đồ Sơn những 5-6 tháng mà sao lại phòng bị sơ hở, khiến cho tên giặc hung hãn kia (chỉ Nguyễn Hữu Cầu - NKT) có thể rời khỏi sào huyệt của chúng? Tại sao giặc bỏ đi được những 7-8 ngày rồi mới đuổi theo, khiến cho đồ đảng của chúng có thể đột ngột xâm phạm (Kinh Bắc), gây náo động cả lòng người? Thử hỏi, như thế có đáng là đã làm được phận sự của tướng trấn giữ ngoài cõi hay không. Ngươi phải cố sức lên mới mong chuộc được lỗi lầm.
(Hoàng) Ngũ Phúc dâng tờ khải, nói rằng:
- (Nguyễn) Hữu Cầu sau khi bị thua, phải trốn tránh đó đây, quân đã ít mà phải phân tán... thiết nghĩ, việc đánh dẹp cũng dễ dàng. Nay nếu tôi có thêm voi chiến trợ uy thì tôi sẽ dùng voi chia cắt lực lượng chúng, khiến chúng trước sau không tiếp ứng cho nhau được, tất sẽ toàn thắng thôi. Vả chăng, chúng bất quá chỉ có ý định liên kết với các đám giặc cỏ khác nên mới tiến lên quấy phá vùng sông Nhị. Nay, tôi đóng giữ Võ Giàng, nếu chúng đem hết quân ra mặt trước thì sợ tôi đánh mặt sau, cho nên, nhiều lắm thì chúng cũng chỉ dám liều chết cố thủ, không làm gì hơn được cả.
Nhận tờ khải của Hoàng Ngũ Phúc, Trịnh Doanh mừng lắm, lòng người bấy giờ mới tạm yên” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 5).
Một cuộc đàn áp đại quy mô được gấp rút tổ chức. Trịnh Doanh quyết định cử Cổn Quận công Trương Khuông đem binh lực lớn tới hỗ trợ cho Hoàng Ngũ Phúc. Mục tiêu hàng đầu của cả Hoàng Ngũ Phúc và Trương Khuông là phải làm sao nhanh chóng chiếm lại cho bằng được thành Kinh Bắc. Về phần mình, Nguyễn Hữu Cầu lại thấy rằng, nếu cố thủ trong thành Kinh Bắc là mắc mưu của đối phương, cũng là tự giam mình vào chỗ chết, vì thế đã khôn khéo rút ra ngoài, linh hoạt bám giữ vùng đồng bằng phì nhiêu, giàu sức người và sức của.
Sau khi lấy lại được thành Kinh Bắc, Hoàng Ngũ Phúc và Trương Khuông rất hí hửng. Chúng dốc toàn lực, quyết tiêu diệt cho bằng được nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu. Sử cũ cho hay, 64 hiệu quân gồm 12.700 người do 10 đại tướng chỉ huy (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 6) đã được điều động vào cuộc truy quét này. Tất cả quân số nói trên được chia làm 5 đạo, cùng đánh vào khu vực Yên Dũng. Năm đạo đó cụ thể như sau:
  1. Đạo thứ nhất đánh thẳng vào phía trước, do Trương Khuông cầm đầu.
  2. Đạo thứ hai đánh vào phía trái, do Nguyễn Trọng Thận chỉ huy.
  3. Đạo thứ ba đánh vào phía phải, do Lê Lệ quản lĩnh.
  4. Đạo thứ tư đánh vào mặt sau, do Võ Tá Liễn thống suất.
  5. Đạo thứ năm do chính Hoàng Ngũ Phúc điều hành, chặn hết các ngả đường sông dẫn ra biển để đề phòng nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu trốn thoát (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 6. Lịch triều tạp kỷ, quyển 4).
Cuộc càn quét mang ý nghĩa quyết định này bắt đầu từ tháng 4 năm 1744, nhưng liên tục trong hơn nửa năm trời, nghĩa quân Nguyễn Hữu Cấu chẳng những không hề bị tiêu diệt mà còn hiên ngang bám trụ được ngay giữa vùng đồng bằng Kinh Bắc. Trong lúc đó, nhân cơ hội xuất chinh, quân sĩ của chúa Trịnh tìm đủ mọi cách để sách nhiễu nhân dân, khiến cho ai ai cũng oán giận. Bấy giờ, chỉ có đạo quân do Lê Lệ quản lĩnh là ít xâm phạm đến tài sản của dân hơn cả (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 6), còn 4 đạo quân khác, hễ tiến tới đâu là của cải nhà dân tan hoang tới đó.
Khi quân sĩ của chúa Trịnh đã mệt mỏi, khi lòng căm giận của nhân dân đã lên cao, Nguyễn Hữu Cầu quyết định chủ động tấn công để phá thế bị bao vây. Trong 5 đạo quân nói trên, Nguyễn Hữu Cầu quyết định chọn đạo quân do Trương Khuông cầm đầu làm đối tượng tiêu diệt và xã Ngọc Lâm (Ngọc Lâm nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) được chọn làm địa điểm của trận đánh quan trọng này. Sử cũ chép rằng:

“Khi ấy, (Trương) Khuông tự mình dẫn quân bản bộ đánh thẳng vào mặt trước. Tướng Trịnh Phương được cử làm tiên phong. (Về phần mình, Nguyễn) Hữu Cầu giữ nơi hiểm trở rồi đặt quân mai phục, bề ngoài thì phô trương quân gầy ốm để vờ làm thế yếu khiến cho Trương Khuông tưởng thật, hăm hở cho quân tiến lên. (Nguyễn) Hữu Cầu giả vờ thua, bỏ hết cả đồn lũy mà chạy, cốt nhử quân Trương Khuông vào chỗ hiểm. Tướng sĩ của (Trương) Khuông sau trước bám chặt lấy nhau, xa trông như những xâu cá, đang tiến thì thình lình thấy quân mai phục nổi dậy. (Nguyễn) Hữu Cầu tự mình chỉ huy sĩ tốt, liều chết đánh rất hăng. Quân của (Trương) Khuông thua to. Nghe tin ấy, quan quân 4 đạo khác không bị đánh cũng hoảng hốt mà tự tan vỡ. Thế giặc (chỉ quân Nguyễn Hữu Cầu - NKT) lại lên cao ngất. Lính ở các hỏa đài (những đài cao trên núi xa, hễ có biến thì nổi khói đen vào ban ngày hoặc nổi lửa vào ban đêm để cấp báo - NKT) hun khói và đốt lửa cả ngày lẫn đêm để truyền tin. Từ bên này sông Nhị (tức Thăng Long), Trịnh Doanh hay được, giận dữ gửi thư quở trách Trương Khuông, đồng thời, hạ lệnh triệu hồi Trương Khuông về kinh thành” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 9. Lịch triều tạp kỷ, quyển 4).
Như vậy là, chỉ với một trận mai phục, Nguyễn Hữu Cầu đã khiến cho đạo quân lớn, do viên võ quan thuộc hàng cao cấp nhất của triều đình chỉ huy, phải nếm mùi thất bại nhục nhã. Thất bại của Cổn Quận công Trương Khuông - phó tổng chỉ huy cuộc càn quét đại quy mô này - đã lập tức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần chung của trên 1 vạn quân ở tất cả các đạo khác. Sự hoảng hốt của quân sĩ cộng với tin cấp báo của các hỏa đài, một lần nữa đã gây nhốn nháo kinh thành Thăng Long.
Để mong cứu vãn tình hình, Trịnh Doanh liền bổ dụng Thượng tướng Đinh Văn Giai (người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc Hải Dương) làm Thống suất, quan giữ chức Bồi tụng là Ngô Đình Oánh (nguyên tên là Ngô Đình Chất, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1721. Sau khi đỗ, ông mới đổi tên là Ngô Đình Oánh. Ông là em của Tiến sĩ Ngô Đình Thạc, đỗ Tiến sĩ năm 1700) làm Tán lý, tổng chỉ huy cả 4 đạo quân, quyết đánh bại Nguyễn Hữu Cầu.
Thượng tướng Đinh Văn Giai đã quyết định kế sách mới như thế nào? Sử cũ chép:
“Đinh Văn Giai đến nơi, đóng quân một chỗ chứ không dám tiến, nhiều người lấy làm ngờ. Hay tin đó, Nguyễn Hữu Cầu liền tính kế như sau: đêm đến, sai người khiêng một cái kiệu không từ ở ngoài vào, lát sau lại khiêng ra. Xong, Nguyễn Hữu Cầu giả vờ mừng rỡ, nói phao lên với thủ hạ của mình rằng:
- Đinh Văn Giai đã ước hẹn xin hàng, nhưng nếu đến đây công khai xin đầu hàng thì sợ liên lụy đến gia quyến, vì thế mới bí mật đến hẹn trước là ngày sau ra trận sẽ giả vờ để cho bị bắt, cốt che lấp miệng thế gian ở ngoài. Nay mai giao chiến, các ngươi cứ theo hướng chỉ của ta mà cố bắt lấy hắn, được vậy thì việc bình định thiên hạ lo gì mà không xong?
Đồ đảng của (Nguyễn) Hữu Cầu ai cũng tin lời ấy là thật. Kịp khi giao chiến, quân giặc (chỉ quân Nguyễn Hữu Cầu - NKT) cứ tranh nhau nhằm chỗ con voi trên có hiệu cờ của Đinh Văn Giai mà xông tới, hăng hái đến độ tưởng như một người có thể địch nổi cả trăm người. Quân của Đinh Văn Giai chẳng mấy chốc mà tan vỡ” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 9).
Được tin đại bại của Đinh Văn Giai, Trịnh Doanh nổi giận, xuống lệnh quở trách nghiêm khắc, đồng thời, triệu hồi Đinh Văn Giai về. Cả Đinh Văn Giai và Ngô Đình Oánh đều bị giáng chức. Quyền tổng chỉ huy lực lượng quân sĩ đi đàn áp Nguyễn Hữu Cầu một lần nữa lại được trao cho Hoàng Ngũ Phúc. Phụ tá cho Hoàng Ngũ phúc còn có một số tướng lĩnh cao cấp khác, như Đàm Xuân Vực, Nguyễn Danh Lệ, Phạm Đình Trọng (Đàm Xuân Vực là hoạn quan, người làng Tương Trúc, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội). Nguyễn Danh Lệ thì chưa rõ lai lịch. Phạm Đình Trọng người làng Khinh Dao, huyện An Hải, nay thuộc Hải Phòng, vốn từng là bạn học của Nguyễn Hữu Cầu)...  Một kế hoạch đàn áp tàn bạo mới lại được xây dựng.

Từ Xương Giang rút về Hạc Động. Bình tĩnh đối phó với âm mưu vừa đàn áp vừa mua chuộc của Trịnh Doanh (mùa thu 1745 đến mùa thu năm 1746)
Tháng 8 năm 1745, Trịnh Doanh lại hối thúc các tướng Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đàn áp nghĩa binh của Nguyễn Hữu Cầu. Một trận ác chiến đã diễn ra tại Xương Giang (nay thuộc Bắc Giang). Tại đây, lực lượng của Nguyễn Hữu Cầu bị tổn thất khá nặng nề, vì thế Nguyễn Hữu Cầu lại quyết định lui quân về vùng đồng bằng duyên hải Đông Bắc. Dọc đường rút lui, một vị tướng thân cận và giàu tài năng của ông tên là Thông (Hiện chưa rõ họ) cùng với hơn mười thuộc hạ đã bị Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng bắt giết. Đây là một tổn thất lớn đối với Nguyễn Hữu Cầu bởi “Thông là người nhanh nhẹn, có cơ mưu, được (Nguyễn) Hữu Cầu coi như là người ruột thịt” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 16). Tuy nhiên, cuối cùng thì gần như toàn bộ nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu cũng đã an toàn đến được nơi họ cần đến. Nguyễn Hữu Cầu quyết định đặt đại bản doanh mới của mình tại Hạc Động (xưa thuộc huyện Nghiêu Phong, nay là vùng giáp giới giữa Hải Phòng với Quảng Ninh). Bám vào thế lợi hại của địa hình sông nước vùng duyên hải, nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu chẳng những khôn khéo tránh được những đòn tấn công hiểm hóc của Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng, mà còn tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ, gây kinh hoàng cho hai viên tướng sừng sỏ này.
Tháng 3 năm 1746, để góp phần phân hóa, chia rẽ nội bộ kẻ thù, cũng là để có cơ hội củng cố lực lượng, Nguyễn Hữu Cầu đã bí mật sai người đến liên lạc với hai viên đại thần của Trịnh Doanh là Đỗ Thế Giai và Nguyễn Phương Đĩnh để nhờ hai viên đại thần này nói lời “cầu hòa” của mình. Và Trịnh Doanh đã chấp thuận. Nguyễn Hữu Cầu được Trịnh Doanh phong cho chức Ninh Đông Tướng quân, tước Hương Nghĩa hầu. Tất cả các tướng của Nguyễn Hữu Cầu cũng đều được Trịnh Doanh phong cho quan chức. Ngay sau đó, Trịnh Doanh hạ lệnh triệu Nguyễn Hữu Cầu về kinh thành Thăng Long!
Biết rõ đó là kế “điệu hổ ly sơn” của Trịnh Doanh, cho nên Nguyễn Hữu Cầu quyết không về Thăng Long, lấy cớ là bị Phạm Đình Trọng đánh chặn đường đi. Sử cũ chép:
“Trịnh Doanh sai quan Thiêm tri là Nguyễn Phi Sảng đem lệnh chỉ đến phủ dụ và triệu (Nguyễn Hữu Cầu) về, mặt khác, khuyên (Phạm) Đình Trọng hoãn lại, chớ đánh (Nguyễn Hữu Cầu) vội.
Trước đó, (Nguyễn) Hữu Cầu nhiều lần bị (Phạm) Đình Trọng đánh nên tức giận mà đào mả mẹ (Phạm) Đình Trọng, lấy hài cốt vất xuống sông. (Phạm) Đình Trọng khóc lóc tố cáo việc đó với Trịnh Doanh, thề quyết chí giết Nguyễn Hữu Cầu. Trịnh Doanh rất khen ý chí của (Phạm) Đình Trọng. Nay, thấy (Nguyễn) Phi Sảng đem lời phủ dụ đến, (Phạm) Đình Trọng nói:
- Người làm tướng ở ngoài chiến trường, có khi không chịu nhận mệnh lệnh của vua. Tôi đã nói trước Chúa Thượng là thề không đội trời chung với (Nguyễn) Hữu Cầu. Nay, ông nhận mệnh đi chiêu dụ, tôi nhận mệnh đi đánh giết, nếu gặp tình thế có thể đánh được thì tôi cũng chẳng thể vì cớ có ông đến mà ngần ngại.
(Nguyễn) Phi Sảng và những người cùng đi nghe vậy thì thất sắc, liền từ giã đi ngay. Đến dinh cơ của Nguyễn Hữu Cầu, nói rõ lời phủ dụ của Chúa Trịnh, lại cũng nhân đó nói luôn cả những lời của Phạm Đình Trọng cho (Nguyễn) Hữu Cầu hay. Chuyện chưa dứt thì (Phạm) Đình Trọng đã đem quân đến đánh úp. (Nguyễn) Hữu Cầu sai người dẫn (Nguyễn) Phi Sảng theo đường tắt trở về rồi đưa quân ra đánh trả (Phạm) Đình Trọng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 19 và 20).).
Cuộc tấn công bất ngờ này có gây cho Nguyễn Hữu Cầu một số thiệt hại, nhưng nhìn chung, lực lượng của ông vẫn được giữ vững. Trong lúc đó, để mong có thế lực áp đảo, Phạm Đình Trọng đã phải liên tiếp mộ thêm quân sĩ. Điều này khiến cho Đỗ Thế Giai (người nhận chuyển đạt lời cầu hòa của Nguyễn Hữu Cầu lên Trịnh Doanh) khó chịu. Đỗ Thế Giai mật tâu với Trịnh Doanh rằng: “Phạm Đình Trọng cầm quân ở ngoài, tự ý đặt cơ ngũ riêng, sợ là sẽ có ý khác” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 20). May cho Phạm Đình Trọng là Trịnh Doanh không tin lời ấy.
  • Lại táo bạo đánh vào Bồ Đề (Nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Kinh thành Thăng Long thêm một phen hoảng loạn (từ 9/1748 đến 10/1749)
Đầu tháng 9 năm 1748, Trịnh Doanh lại sai người đến dụ hàng Nguyễn Hữu Cầu. Lần này, người đi chiêu dụ là Nguyễn Thế Khải (người làng Nhân Lý, huyện Thanh Lâm, nay là thôn Nhân Lý, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1736. Lúc này, ông đang giữ chức Hiệu lý). Nguyễn Hữu Cầu chẳng những không chịu nhận lời phủ dụ mà còn cho quân băng qua Duyên Hà (Nay thuộc tỉnh Thái Bình), đánh mạnh vào Sơn Nam (Trấn này xưa rất lớn, nhưng khu vực Nguyễn Hữu Cầu đem quân tới đánh lần này ở vào khoảng Nam Định và Hà Nam ngày nay). Tướng của Chúa Trịnh nắm chức Trấn thủ ở đây là Võ Tá Sắt đánh trả rất quyết liệt nhưng vẫn không sao dập tắt được. Trịnh Doanh buộc phải điều Phạm Đình Trọng đến Sơn Nam cứu nguy cho Võ Tá Sắt. Phạm Đình Trọng cất quân đi rồi, Trịnh Doanh vẫn thấy chưa yên tâm, vì thế, ra lệnh cho Hoàng Ngũ Phúc phải sẵn sàng phối hợp.
Sử cũ chép rằng:
“Trịnh Doanh dụ bảo (Hoàng) Ngũ Phúc rằng:
- Sơn Nam Hạ là vùng dân cư đông đúc, sản vật phong phú, cũng có thể ví là đất Quan Trung (vùng Thiểm Tây của Trung Quốc ngày nay - NKT) và Hà Nội (vùng phía Bắc sông Hoàng Hà của Trung Quốc ngày nay - NKT) của nước nhà vậy. Nay, bè đảng giặc đầy rẫy ở đấy, thế đang rất nguy cấp. Nếu Sơn Đông (vùng Hưng Yên và Hải Dương ngày nay - NKT) đã tạm ổn thì ngươi nên cùng (Phạm) Đình Trọng hợp sức thúc quân càn quét để giữ cho bằng được vùng đất chẳng khác gì Quan Trung và Hà Nội ấy của nước nhà” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 27).
Tất nhiên, với ưu thế áp đảo về quân số, Phạm Đình Trọng đã giành được một số thắng lợi nhất định. Điều này khiến cho Trịnh Doanh lại một lần nữa tỏ ra chủ quan. Và Nguyễn Hữu Cầu đã không bỏ qua cơ hội đó. Ông nói với các tướng của mình rằng:
- “Ta mới thua vài trận nhỏ, tin ấy đưa về tất nhiên sẽ khiến cho việc phòng bị kinh sư trở nên lơ là. Nhân cơ hội này mà đánh úp thì thế nào phần thắng cũng về ta” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 28).
Nói là làm. Ông hạ lệnh cho quân sĩ nhân đêm tối, tìm đường tiến gấp về Bồ Đề, hẹn đến khoảng canh năm thì sẽ từ bến Bồ Đề, vượt sông đánh thẳng vào Thăng Long. Nhưng rất tiếc là cuộc chuyển quân này có phần chậm trễ hơn so với kế hoạch đã định. Quân của Nguyễn Hữu Cầu tập kết ở bến Bồ Đề không phải là canh năm (tương ứng với khoảng từ 3-5 giờ sáng) mà là vào lúc trời đã sáng rõ. Được tin cấp báo, Trịnh Doanh một mặt thì sai người đi triệu Phạm Đình Trọng về cứu nguy, mặt khác thì tự mình làm tướng, cầm quân ra đối địch với Nguyễn Hữu Cầu. Nguyễn Hữu Cầu buộc phải lui quân nhưng kinh thành Thăng Long lại thêm một lần hoảng loạn.
Bấy giờ, do thấy Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng từng có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp cầm quân đi đàn áp, tuy thắng lợi thu được chưa đáng là bao nhưng sự am tường địa hình vùng đồng bằng Đông Bắc thì khó ai sánh kịp, vì thế Trịnh Doanh quyết định phong Hoàng Ngũ Phúc làm Thống lãnh và Phạm Đình Trọng làm Hiệp Thống lãnh, được quyền tùy ý điều động binh mã đi càn quét khắp nơi. Hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trước.
  • Từ Mã Não và Hương Nhi đến Lộng Khê và Quang Dực, anh hùng lỡ vận vẫn hiên ngang
Sau khi rút lui khỏi Bồ Đề, Nguyễn Hữu Cầu về hoạt động tại các huyện Thần Khê và Thanh Quan (Đất hai huyện Thần Khê và Thanh Quan nay đều thuộc tỉnh Thái Bình). Tại đây, ông liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất để vừa tăng cường sức mạnh cho mình, vừa phân tán đội quân đàn áp hung hãn của Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng. Bấy giờ, hễ Nguyễn Hữu Cầu đi tới đâu là tướng sĩ của chúa Trịnh hoảng sợ tới đó. Sử cũ chép rằng:
“Nguyễn Hữu Cầu là người mạnh khỏe, nhanh nhẹn và rất hăng hái, cơ mưu trăm nẻo khó ai lường. Nhiều phen bị vây đến mấy vòng, (Nguyễn Hữu Cầu) chỉ một mình một ngựa vượt được ra ngoài, thế mà chỉ vài hôm sau đã có quân đông đến hàng vạn. Khi ra trận, (Nguyễn Hữu Cầu) cưỡi ngựa, cầm siêu đao, tiến như bay, quân sĩ ai ai cũng phải sợ mà chạy dạt, đến cả các tướng cũng phải tránh uy phong của hắn. Khi ấy chỉ có (Phạm) Đình Trọng là thề quyết chí giết Nguyễn Hữu Cầu cho bằng được. Triều đình do vậy đã đặt hết niềm tin ở (Phạm) Đình Trọng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 41, tờ 5).
Nhưng, do việc phối hợp với Hoàng Công Chất chưa thật chặt chẽ, lại cũng do đạo quân trấn áp của Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng quá mạnh, Nguyễn Hữu Cầu bị thua liên tiếp mấy trận liền. Ông cho nghĩa quân rút lui về Nam Xang (Huyện Nam Xang xưa thuộc phủ Lý Nhân, nay đất đai của huyện này trên đại thể tương ứng với huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) và Bình Lục (Huyện Bình Lục nay cũng đại thể tương ứng với huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).
Tháng 2 năm 1751, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng tiến quân dọc theo dòng Hoàng Giang (tên của khúc sông Hồng chảy qua huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đánh tới tấp vào khu căn cứ mới của Nguyễn Hữu Cầu ở Nam Xang và Bình Lục. Tại Mã Não (tên xã thuộc huyện Bình Lục) và Hương Nhi (tên xã thuộc huyện Bình Lục), Nguyễn Hữu Cầu thua to, phải chạy về Quang Dực (tên xã thuộc huyện Vĩnh Lại của Hải Dương xưa. Nay, tác giả chưa xác định được vị trí cụ thể trên bản đồ mới) và Lộng Khê (tên xã thuộc huyện Phụ Dực, nay thuộc tỉnh Thái Bình). Và tại Quang Dực cũng như Lộng Khê, một lần nữa, Nguyễn Hữu Cầu lại bị thua trận. Ông đem tàn quân chạy vào Nghệ An.
Bấy giờ, Nghệ An là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Diên (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ). Là người cùng chí hướng, lại cũng là chỗ thân tình, Nguyễn Diên đã giúp cho Nguyễn Hữu Cầu một ít lương thực, thực phẩm và quân lính. Ông tạm đóng quân tại Hương Lãm (tên xã, nay thuộc huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An) để chờ thời.
Cũng trong tháng 2 năm 1751, Phạm Đình Trọng đem đại quân đánh gấp vào Hương Lãm. Ở đây, sau nhiều năm chiến đấu mệt mỏi, thế đã cùng, lực đã kiệt, Nguyễn Hữu Cầu không sao chống đỡ nổi. Ông bí mật cho quân lui ra vùng cửa biển, dùng thuyền men theo duyên hải mà tiến ra Bắc. Nhưng thật không may cho Nguyễn Hữu Cầu, ông và các nghĩa sĩ kiên trung vừa ra đi chưa được bao lâu thì bão biển nổi lên, thuyền vỡ chìm gần hết. Không còn cách nào khác hơn được nữa, Nguyễn Hữu Cầu và tàn quân đành dắt nhau vào ẩn náu tạm trong dãy Hoàng Mai (ở xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Chưa kịp dựng trại thì đã bị tướng của Phạm Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ (Lai lịch Phạm Đình Sĩ hiện chưa sưu tầm được) bất ngờ dẫn quân đánh ập vào. Nguyễn Hữu Cầu thua trận, bị bắt và bị đóng cũi giải về Thăng Long.
Trong những ngày bị giam cầm tại Thăng Long, Nguyễn Hữu Cầu đã có ý định tổ chức vượt ngục nhưng không thành. Anh hùng lỡ vận vẫn hiên ngang! Nơi ngục tối, Nguyễn Hữu Cầu vẫn giữ vững khí phách quật cường của mình. Ông có để lại cho đời bài thơ Chim trong lồng với lời lẽ rất cảm động.
Tháng 3 năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu bị Trịnh Doanh xử tử cùng một lần với Nguyễn Danh Phương (Tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Danh Phương). Ông được coi là vị anh hùng nông dân Đàng Ngoài lớn nhất thế kỷ thứ XVIII. Trong ký ức bất diệt của nhân dân, tên tuổi của Nguyễn Hữu Cầu mãi mãi tỏa sáng. Ông được các thế hệ nhân dân yêu nước trìu mến gọi với tên gọi thật thân thương là Quận He.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét