Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 49

(ĐC sưu tầm tên NET)


Cuộc vượt ngục lịch sử của IRA

VietnamDefence - Ngày 25/9/1983, 38 thành viên Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đang chịu án tại nhà tù Maze ở Bắc Ireland đã tổ chức cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử Anh quốc.
Hình vẽ trên một ngôi nhà ở Belfast, Bắc Ireland tưởng niệm cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Maze (Viajante / Flickr)

Nhà tù Maze mà đa số tù nhân của nó là thành viên của tổ chức khủng bố giải phóng dân tộc Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đã trở nên nổi tiếng vào năm 1981. Hồi đó, nhà hoạt động Bobby Sands đã tuyên bố tuyệt thực vì việc hủy bỏ quy chế đặc biệt dành cho các phạm nhân IRA, đánh đồng chính trị phạm với thường phạm. Thủ tướng ANh Margaret Thatcher đã không nhượng bộ người Ireland nên trong vòng 7 tháng mà các thành viên IRA tuyệt thực, đã có 10 người tuyệt thực chết.

Ngày 25/9/1983, trong khi đợt tiếp nhận đồ ăn mới mà theo lịch sẽ diễn ra vào lúc 16 giờ 30, các tù nhân đang làm công việc hàng ngày mà ban giám thị nhà tù giao cho. Gần 14 giờ 30, 5 người dọn vệ sinh rời khỏi sân nhà tù và bắt tay vào chuẩn bị cuộc vượt ngục. Nhiệm vụ của họ là tìm cách dẫn dụ các nhân viên bảo vệ rời xa các phương tiện liên lạc và ngăn không để họ phát tín hiệu báo động.

Mấy nhân viên bảo vệ kháng cự đã bị các tù nhân vô hiệu hóa nhanh chóng: một trong số đó bị đánh gục bằng cú đánh vào đầu, người thứ hai bị đâm bị thương bằng một con dao tự chế, người thứ ba bị thương do đạn bắn vào đầu, nhưng vẫn sống sót. Vào lúc 14 giờ 50, khu trại hoàn toàn lọt vào tay các thành viên IRA. Ngoài 5 khẩu súng ngắn, họ còn có 5 chiếc búa, 10 chiếc đục và 3 chiếc tuốc nơ vít.

Các nhân viên nhà tù bị trói, trùm gối vào đầu và nhốt trong 2 phòng giải trí. Mấy người trong số đó bị các thành viên IRA lấy đi chìa khóa ô tô để phòng khi cần đến xe lúc chạy trốn. Nhiều nhân viên bảo vệ đã phải đưa cả quần áo của mình cho các tù nhân và nhận lấy các tấm vải trải giường. Hai giám thị bị buộc phải trả lời các cuộc gọi điện thoại một cách bình thường, như không có chuyện gì xảy ra.

Lễ tang Bobby Sands, tù nhân chết trong cuộc tuyệt thực ở nhà tù Maze (Dave Caulkin / AP)

Các tù nhân cải trang bằng đồng phục của bảo vệ nhà tù đã đứng bên cổng chờ chiếc xe tải chở đồ ăn. Các tù nhân còn lại trong lúc đó đang tiêu hủy các hồ sơ có ảnh để gây khó khăn cho những người truy lùng họ sau này. Chiếc xe tải đến gần khu trại vào lúc 15 giờ 25, trong buồng lái có một sĩ quan và một trợ thủ là tù nhân có họ là Amstrong. Viên sĩ quan không hề nghi ngờ gì nên bắt đầu cùng người trợ thủ bốc dỡ các hộp thịt bò muối, thịt lợn, trứng, pho mát, bánh mì và trà, khi một khẩu súng ngắn chĩa vào ông ta. Người lái xe được thông báo rằng, chiếc xe của sẽ được sử dụng cho cuộc vượt ngục và được giải thích chi tiết tuyến đường đi.

Lúc 15 giờ 50, viên sĩ quan được đưa trở lại lên xe tải, chân trái ông ta bị trói vào chân côn, còn cửa xe thì bị khóa lại. Để làm ông này khiếp sợ, những tù nhân đang chịu án giết người và nổ bom dọa ông ta là sợi dây bên dưới ghế lái được nối với một quả lựu đạn mặc dù trên thực tế nó được buộc vào khung ghế. Một trong những kẻ cầm đầu tổ chức vượt ngục cải trang bằng đồng phục bảo vệ nằm dưới sàn xe, dưới ghế hàng khách và chĩa súng ngắn vào lái xe. Sau đó, 37 tù nhân, trong đó có Armstrong, leo lên thùng xe tải và chiếc xe chuyển bánh.

Các tù nhân vượt ngục đã bố trí lực lượng yểm trợ chạy trốn là các tù nhân khác được trang bị đục và tuốc nơ vít, tiếp tục theo dõi các nhân viên trại giam và không cho họ bấm nút báo động. Sau khoảng thời gian đủ để đồng bọn đã bỏ trốn thoát được đi xa, các tù nhân yểm trợ tự giải tán về các buồng giam. Những tù nhân kém kỷ luật hơn thì nhân lúc không có lực lượng bảo vệ liền ra tay đập phá nội thất, đồ đạc, đốt cháy quần áo và giấy tờ, sau đó cũng tự giải tán về các buồng giam. Khi tất cả yên ắng lại, các nhân viên nhà tù đã tự giúp nhau giải thoát.

Nhà tù Maze (Crispin Rodwel / Reuters)

Trong khi đó, chiếc xe tải đã tiến gần cổng chính, nơi các nhân viên bảo vệ ít ỏi đã nhanh chóng hiểu được điều gì đang xảy ra và tìm cách bắt giữ các thành viên IRA. Lối ra bị chặn bằng 2 ô tô nên để chạy thoát, các tù nhân vượt ngục đã buộc phải chuyển sang các ô tô đậu gần cổng. Ba thành viên IRA đã bị bắt lại, nhưng 35 tên còn lại đã chạy thoát. Trong vòng 1,5 giờ kể từ khi bắt đầu chiến dịch vượt ngục, đã có 4 nhân viên nhà tù bị thương vì dao, 2 bị thương vì đạn bắn, 13 người bị đánh đập và 42 người khác đã bị choáng váng với chuyển xảy ra đến mức phải bỏ việc. Một người chết là sĩ quan James Ferris bị 3 vết thương ở ngực, nhưng theo khám nghiệm pháp y, ông chết không phải vì các vết thương mà vì nhồi máu cơ tim.

Lúc gần 16 giờ 18, người ta đã khóa kín được cổng chính nhà tù, sau đó quân đội Anh và Cảnh sát Hoàng gia Ulster đã cấp tốc lập các trạm kiểm soát ô tô trên toàn Bắc Ireland. Hàng ngàn cảnh sát và binh lính trong vòng một tuần đã chặn các con đường, lùng sục các cánh đồng và lục soát các ngôi nhà, nơi những tên khủng bố bỏ trốn có thể ẩn náu. Đồng thời, chính quyền Ireland ở Dublin cũng hạ lệnh tăng cường bảo vệ dọc tuyến biên giới để các tù nhân chạy trốn không thể ẩn trốn tại các tỉnh ven biên Donegal, Sligo, Monaghan, Leitrim và Louth.

Ban công Margaret Thatcher của khách sạn Grand Hotel ở Brighton sau vụ nổ (Getty Images / Fotobank.ru)
Những tù nhân trốn thoát ra khỏi hàng rào nhà tù đã hành động không thật khôn ngoan - họ chủ yếu chặn dừng các xe ô tô đi ngang qua và đuổi lái xe xuống. Một số người đã tìm cách chuồn bằng taxi.

Trong ngày ruồng bố đầu tiên, cảnh sát đã tìm được và đưa trở lại nhà tù 12 người, không tính 3 người bị tóm ngay ở cổng nhà tù trước đó. Bốn tù nhân chạy trốn bị phát hiện trên sông Lagan - tất cả đều không mặc quần áo hoặc chỉ mặc quần lót và lặn trốn dưới nước, thở bằng các ống sậy. Trong hai ngày tiếp theo, đã tóm được thêm 4 người. Theo một giả thiết, đa số trong 19 tù nhân chạy trốn quay lại nhà tù đã không cố tìm cách trốn tránh để tạo cơ hội cho những tên khủng bố khét tiếng nhất của IRA trốn thoát.

Những người ủng hộ các phần tử ly khai đã gọi cuộc vượt ngục đáng kinh ngạc này là Cuộc đại vượt ngục (The Great Escape) và điều đó cũng có những lý do của nó. Nhà tù Maze hồi đó được xem là trại giam được bảo vệ cẩn mật nhất ở châu Âu: ngoài hàng rào cao 4,6 m, mỗi khu trại trong 8 khu trại đều được vây quanh bằng tường bê tông cao 5,5 mm chăng dây thép gai, còn tất cả các cổng đều làm bằng thép cứng. Cuộc vượt ngục của 35 sát thủ, chuyên gia về chất nổ và những kẻ bắt cóc thuộc PIRA (Provisional Irish Republican Army - Quân đội Cộng hòa Ireland lâm thời) - cánh vũ trang cực đoan của tổ chức giải phóng dân tộc IRA, là vụ vượt ngục lớn nhất trong lịch sử Anh quốc.

Sau cuộc chạy trốn, các phần tử ly khai IRA tiếp tục tổ chức các vụ khủng bố lớn. Tháng 10/1984, bà Margaret Thatcher đã sống sót thần kỳ trong vụ nổ tại khách sạn Grand Hotel ở Brighton, nơi đang diễn ra đại hội của đảng Bảo thủ Anh. Nước Anh chỉ đạt được thỏa hiệp nào đó với các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ireland sau khi chấp nhận đàm phán với đảng Sinn Féin, cánh chính trị của IRA, vốn đấu tranh cho một nước Ireland thống nhất. Năm 1999, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu ủng hộ trao một phần quyền lực cho Hội đồng Lập pháp Bắc Ireland.

Hiện nay, các đại diện của Sinn Féin có mặt trong các quan lập pháp của Anh, Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, còn thành viên Gerry Kelly là một trong những chính khách Bắc Ireland nổi tiếng nhất. Ông Kelly cũng là cựu thành viên của PIRA và là người đã trực tiếp tham gia cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Maze; chính ông là người chĩa súng vào tài xế xe tải khi ông ta lái xe ra cổng chính nhà tù.

Nguồn: Rusplt, 25.9.2014.


Tình báo Mỹ và những sai lầm chết người

VietnamDefence - Trình độ chuyên môn của tình báo Mỹ được cho là đã bị suy thoái thảm hại.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tại Quốc hội Mỹ (Itar-tass/EPA)
Các cơ quan tình báo Mỹ liên tục mắc sai lầm. Chủ nhật vừa qua, hôm 28/9/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS đã thú nhận là cho đến phút cuối cùng, tình báo Mỹ vẫn coi thường sức mạnh của lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria. Trước đó, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng thừa nhận điều đó.

Tổ chức khủng bố IS có quan hệ vững chắc với al Qaeda mà theo thừa nhận của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là do tình báo Mỹ lập ra để chống Liên Xô ở Afghanistan và Nhà Trắng đã đầu tư vào dự án này “hàng ngàn tỷ đô la”. Nay thì do những sai lầm của các sĩ quan chỉ đạo của CIA, bọn khủng bố đã thoát khỏi vòng kiểm soát, còn do sai lầm của tình báo Mỹ mà chúng đã không bị đánh trả đích đáng. Cái giá của những sai lầm này hàng ngàn người chết trong các cuộc tàn sát của IS: các vụ tàn sát sắc tộc, cướp phá và hành quyết hàng loạt binh sĩ và dân thường Syria và Iraq.

”Coi thường” IS chỉ là một trường hợp trong cả chuỗi sai lầm của tình báo Mỹ gần đây, đã dẫn đến việc thông qua các quyết định chính trị toàn cầu sai lầm. Ví dụ, tình báo Mỹ rõ ràng là đã tính toán sai các hậu quả của phong trào Euromaidan ủng hộ liên kết với EU ở Ukraine - chắc chắn họ đã tiên liệu được rằng, câu chuyện kết thúc bằng việc mất bán đảo Crimea và cuộc nội chiến ở Đông Nam Ukraine.

Họ cũng đã không tính đến hành vi của các đồng minh, nếu không thì Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA đã không hành động láo xược như thế ở châu Âu, nơi người Mỹ đã tổ chức theo dõi ráo riết các quan chức cao cấp, kể cả nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Khi vụ bê bối nghe lén bùng nổ, nó đã dẫn đến sự lạnh lẽo đáng kể trong quan hệ giữa Mỹ và EU, và chút nữa thì châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức. Đó cũng là cái giá cho sai lầm của các tình báo viên Mỹ.

Tình báo Mỹ cũng bỏ lọt Edward Snowden, cựu nhân viên CIA và cựu phân tích gia của NSA, người mà theo báo cáo nội bộ của Lầu Năm góc đã đánh cắp 1,7 file dữ liệu mật, đa số liên quan đến “các chiến dịch có tầm quan trọng sống còn của Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ”. Snowden đã chạy trốn an toàn khỏi nước Mỹ và mới đây đã nhận được thẻ cư trú 3 năm ở Nga.

Tất cả những điều nêu trên khiến người ta có ý nghĩ rằng, tình báo Mỹ đã bị suy thoái nghiêm tọng kể từ thời chiến tranh lạnh. Có lẽ, điều đó có liên quan đến việc trong 20 năm gần dây, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tình báo Mỹ đã có sự thay đổi, mà các nhân viên mới lại có trình độ đào tạo thấp hơn.

Nhưng liệu tình báo Mỹ có cố tình mắc sai lầm hay không?

Kết quả của những “sai sót” gần như luôn là các cuộc xung đột vũ trang, trong đó các công ty quân sự tư nhân Mỹ thường được huy động tham gia. Trong ban lãnh đạo các công ty này thường có các tình báo viên cao cấp về hưu. Ví dụ, giám đốc một ban của công ty quân sự tư nhân đầy tai tiếng Blackwater là Robert Richer, Trợ lý Phó Giám đốc về Hoạt động của CIA, Phó Giám đốc Cục Hoạt động (Directorate of Operations), nay là Cục Hoạt động ngầm quốc gia (National Clandestine Service) của CIA Mỹ đến năm 2007. Còn Joseph Cofer Black, người từng giữ chức Phó giám đốc Blackwater, trước đó là điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ và Giám đốc Trung tâm chống khủng bố của CIA.

Mà ta biết là trên đời không có các cựu tình báo viên, tất cả họ đều là thành viên của một hội đoàn nghề nghiệp cấu kết chặt chẽ với nhau. Vậy là “những sai lầm” của những tình báo viên này lại giúp các đồng nghiệp của họ nay là lãnh đạo các công ty quân sự tư nhân kiếm những khoản tiền lớn.

Điều gì trên thực tế ở sau những sai sót của Tình báo quốc gia, NSA và CIA, liệu chúng có nghĩa là các cơ quan tình báo Mỹ đang bị suy thoái?

- Trong những năm gầy đây, quả thực đã xảy ra sự suy thoái mạnh mẽ của các cơ quan tình báo Mỹ. Suy giảm trước hết là trình độ phân tích. Kết quả là CIA chẳng hạn liên tục rơi vào tâm chấn của những vụ bê bối liên quan đến những sai lầm cực kỳ ngớ ngẩn trong hoạt động của họ, Thiếu tướng Cơ quan An ninh liên bang Nga FSB, cựu Cục trưởng Cục Hoạt động liên ngành và thông tin của Cơ quan liên bang về kiểm soát buôn bán ma túy FSKN của Nga, ông Aleksandr Mikhailov.

Có mấy nguyên nhân gây ra sự suy thoái đó. Nguyên nhân chủ yếu là tình báo Mỹ bị chính trị hóa rất cao: trong hoạt động của mình, họ trước hết tuân theo sự chỉ đạo của các chính trị gia. Thường thì Tổng thống Mỹ công bố về các quyết định nào đó, còn tình báo thì bắt đầu đẽo gọt thông tin cho phù hợp với các quyết định này. Hậu quả là trong 20 năm qua, tình báo Mỹ liên tục chịu những thất bại rất thê thảm.

Những tính toán sai lầm liên quan đến Iraq, Afghanistan, Libya chính là hậu quả của việc lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ để đơn đặt hàng chính trị lên trên hết.

SP: Các sự kiện ở Ukraine có thể được coi là tính toán sai lầm của tình báo Mỹ không?

- Đương nhiên. Theo tôi, các cơ quan tình báo Mỹ đã hoàn toàn không tiến hành công tác phân tích nghiêm túc về Ukraine. Cũng không có nỗ lực tìm hiểu cán cân lực lượng, cũng không có nỗ lực kiềm chế lãnh đạo nước Mỹ tránh các quyết định đã dẫn đến những hậu quả không thể tiên liệu, kể cả đối với nước Mỹ. Hôm nay chẳng hạn, rõ ràng là các tình báo viên Mỹ đã không có thông tin về Crimea.

Theo tôi, Mỹ đã cố bù đắp thất bại của mình Ukraine bằng cách hướng sự chú ý của công luận sang đối tượng khác. Họ vừa để lọt vụ Crimea thì lập tức bắt đấu đánh bom Cận Đông. Đó là một ví dụ kinh điển khi mà người ta cố che chắn thất bại bằng một cái cớ thông tin khác.

Bởi vậy, tôi không thể coi tình báo Mỹ hiện nay thực sự hùng mạnh. Tôi sẽ nói thêm. Những khoản tiền mà nước Mỹ chi cho các cơ quan tình báo của mình, các tình báo viên Mỹ đơn giản là không những không bù đắp được những chi phí bỏ ra mà bằng các hành động của mình thường gây tổn thất cho uy tín của nước Mỹ.

SP: Ý ông nói đến vụ bê bối nghe lén các nhà lãnh đạo châu Âu chăng?

- Đúng, mặc dù ở đây cần nói thêm: một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của một quốc gia sẽ không bao giờ sử dụng kênh liên lạc công khai để giải quyết các vấn đề mật.

Nhìn chung, câu chuyện với Snowden mà nhờ anh ta, thông tin về chuyện nghe lén bị tiết lộ, cho thấy rằng, tình báo Mỹ với mọi khả năng về mặt bảo vệ thông tin, lại khá bất lực, và không có khả năng ngăn chặn những vụ rò rỉ thông tin tiềm tàng.

SP: “Sự coi thường” của tình báo Mỹ đối với tổ chức IS nghiêm trọng đến mức nào?

- Các nhà lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ thời chiến tranh lạnh đã làm việc một cách hiệu quả chống các kẻ thù của mình. Họ thường mua chuộc các nhà lãnh đạo, các tù trưởng, các tổng thống. Chính bằng cách đó, họ đã kiểm soát được tổ chức al Qaeda.

Nhưng trong những năm gần đây, chính quyền Mỹ đã đặt nặng vào sức mạnh thô thiển, kể cả ở thế giới Hồi giáo. Kết quả của cách tiếp cận đó là Mỹ đã không chỉ tạo ra một lò lửa căng thẳng khổng lồ ở Cận Đông, mà còn tạo ra những điều kiện chưa từng có để hình thành các tổ chức khủng bố Hồi giáo hùng mạnh. Các tổ chức này sẽ còn tấn công lâu dài không chỉ nước Mỹ, mà cả toàn bộ Tây Âu.

Yếu tố Hồi giáo đã luôn là một yếu tố có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Nhưng bâu giờ, nhờ những hành động vụng về của Washington, đã xuất hiện một cấu trúc thượng tầng bên trên nhà nước gồm các nhóm khủng bố thống nhất. Quả đấm này sẽ thực hiện những cú đấm tấn công khắp thế giới, trước hết là bằng các vụ khủng bố. Cần nói rằng, các phần tử khủng bố Hồi giáo có tinh thần hy sinh cao, nên điều đó loại trừ khả năng phát hiện sớm các ý đồ của chúng.

Tất nhiên hoạt động này sẽ đụng chạm đến cả nước Nga. Về bản chất, bằng cách khuấy động bọn khủng bố, người Mỹ đã thả quỷ khỏi xích khóa và gây tổn hại to lớn cho an ninh của cả thế giới.

SP: Trong ban lãnh đạo của các công ty quân sự tư nhân Mỹ ta thường gặp các cựu nhân viên tình báo. Liệu ta có thể phỏng đoán rằng, một phần những sai lầm tình báo Mỹ đã cố tình làm ra để tạo cơ hội kiếm tiền cho các công ty quân sự tư nhân không?

- Tôi không nghĩ vậy. Hơn nữa, nhiều cựu nhân viên tình báo hiện đang lãnh đạo các công ty quân sự tư nhân đang lo lắng quan sát hoạt động của CIA và NSA hiện nay. Đúng là những con người này đang kiếm tiền từ chiến tranh, nhưng tôi sẽ không nói là có sự liên hệ trực tiếp giữa các công ty quân sự tư nhân và các cơ quan tình báo Mỹ.

SP: Những kết luận nào cần rút ra từ tình hình này, chúng ta trông chờ gì từ các cơ quan tình báo Mỹ?
- Tôi nghĩ sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng mạng mẽ mối đe dọa khủng bố - ngay trên lãnh thổ Mỹ và các đồng minh của họ. Nhiều tổ chức khủng bố nay đã nằm trong “vùng chết” của tầm nhìn của tình báo Mỹ và có lẽ sẽ lợi dụng điều đó.

Nếu nói về an ninh của Nga, chúng ta cần làm việc nghiêm túc đối với các nhóm cấp tiến của mình. Cần thận trọng với sự di cư của người Hồi giáo đến lãnh thổ Nga, cũng như cần cắt đứt các đường dây được thiết lập để huấn luyện người Nga ở các trung tâm Hồi giáo ở nước ngoài. Nhưng điều chủ yếu nhất, chúng ta phải xác định thái độ cực kỳ rõ ràng đối với các sự kiện đang diễn ra ở Cận Đông. Nhiều người Nga, trong đó có những người từ khu vực Bắc Kavkaz, nay đang chiến đấu bên phía phe đối lập ở Syria. Chúng đang được huấn luyện quân sự và khi trở về nước, có thể tham gia vào các cuộc xung đột mới nhưng là trên lãnh thổ Nga.

- Nguyên nhân suy thoái của các cơ quan tình báo Mỹ nằm ở chỗ vào thời Liên Xô được xác định rõ là địch thủ của Mỹ, và đây đã là một địch thủ mạnh. Có thể nói, các cơ quan tình báo Mỹ đã được tôi luyện trong hoạt động chống Liên Xô. Còn nay, người Mỹ không có một chiến lược địa-chính trị rõ ràng, có thể thấy rõ sự mờ nhạt về các mục tiêu. Tuy nhiên, các cơ quan đặc vụ, đặc biệt là tình báo, luôn “được rèn luyện” tài nghệ chống kẻ thù chính, Viện sĩ Viện các vấn đề địa-chính trị Nga, Thượng tướng dự bị Leonid Ivashov.

Khủng bố Hồi giáo vốn bị tuyên bố là kẻ thù số 1 của nước Mỹ sau sự kiện 11/9/2001 phần nhiều đã được tạo ra bởi chính người Mỹ và các đồng minh người Anh của họ. Bởi vậy, các chính trị gia Mỹ ở mức độ nào đó một cách không công khai đang cho rằng, bọn khủng bố là những đồng minh chiến thuật tạm thời. Tình thế đó chỉ có làm cho tình báo mất phương hướng.

Theo tôi, tình báo Mỹ không có lỗi trong việc Mỹ mắc sai lầm trong các quyết định địa-chính trị của mình. Có lỗi là các chính trị gia khi không đặt ra các nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan tình báo, và các nhà phân tích khi không thể đưa ra dự báo đúng trong tình thế hỗn độn này.

Nguồn: SP, 29.9.2014.

Sau Ukraine, Mỹ quyết xử lý Trung Quốc

VietnamDefence - Hoạt động biểu tình ở Hongkong mà báo chí phương Tây gọi là “hòa bình và dân chủ”, là do CIA tài trợ.
Sau Ukraine, Mỹ đã quyết định xử lý Hongkong, nhà bình luận của OpEdNews Jeff Brown nhận định.

“Mỹ đến nay vẫn tin tưởng vào hiệu quả của các cuộc cách mạng màu. Không có những khả năng khác để đấu tranh với các địch thủ địa-chính trị, Washington đang trông cậy vào các hoạt động bạo loạn được tài trợ từ bên ngoài. Chiến thuật này đã có tác dụng ở Nam Tư, Gruzia, Ukraine và hàng loạt quốc gia Cận Đông. Tuy nhiên, họ đã không khai triển được thủ đoạn này ở Nga, Belarus và Venezuela. Rõ ràng là lúc này, CIA đã quyết định làm suy yếu Trung Quốc”, ông Brown đánh giá.

Các báo chí hàng đầu của phương Tây đã “mù quáng” chấp nhận “sự nhất trí” của Washington, London và Paris về hoạt động biểu tình ở Hongkong. Họ cam đoan rằng, những người tham gia phong trào đơn giản là “đói khát nền dân chủ kiểu phương Tây”.

Nhưng tại sao lại là Hongkong? Brown cho rằng, các cuộc biểu tình hiện nay có liên hệ trực tiếp với Quỹ quốc gia vì dân chủ NED (National Endowment for Democracy), vốn là một bình phong của CIA Mỹ. Tổ chức này đã hoạt động từ lâu ở Hongkong.
Những “tổ chức phi chính phủ giả hiệu” như thế từng hoạt động ở tất cả những nơi từng nổ ra “các cuộc cách mạng màu”.

Để hiểu “những mặt nạ sắt của CIA” này phổ biến đến đâu, ta chỉ cần nhìn vào danh sách dài dằng dặc các tổ chức phi thương mại được Mỹ tài trợ đã hoạt động ở Nga.

“Độ dài của nó “vượt xa mọi sự tưởng tượng”, tuy vậy, “hủy diệt nước Nga - đó là mục tiêu của nước Mỹ, vì thế mà tiền đặt cược cũng cao”, ông Brown viết.

Tuy nhiên, từ khi Quốc hội Nga thông qua các biện pháp cương quyết đối với các tổ chức như vậy, các nước khác cũng quyết định không tụt hậu và tỏ ra ngày càng cảnh giác. Nhưng nếu cho Mỹ có cơ hội thì họ sẽ nhấn chìm một quốc gia bằng hàng triệu, còn trong trường hợp Ukraine là hàng tỷ đô la, chỉ để lật đổ chính phủ mà họ không ưa và dựng lên “các nhà lãnh đạo bù nhìn” của họ.

“Những nhà lãnh đạo bù nhìn này” vốn đã bị mua đứt sẽ nhanh chóng biến đất nước mình thành “con đĩ tài nguyên” cho Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB.

Ở Hongkong, CIA đã cố tìm kẽ nứt trong vỏ thép Trung Quốc. Dân chúng địa phương, hơn nữa là ở khắp nơi đều có sự bất mãn đối với tệ nạn tham nhũng của các quan chức. Giới trẻ cho rằng, có thể đấu tranh với nạn tham ô bằng các cuộc cách mạng, nhưng kinh nghiệm của Ukraine cho thấy không phải như thế.

“Các khía cạnh kinh tế, giáo dục và nghề nghiệp của cuộc sống ở Hongkong trong vòng thế hệ gần đây quả thực đã suy thoái nghiêm trọng”, ông Brown nói và CIA đang lợi dụng điều đó cho ý đồ của mình.

Ở Ukraine, những kẻ đạo diễn cuộc đảo chính đã buộc được những người trên quảng trường trung tâm ở Kiev không giải tán. Đồng thời, CIA đã tuyển mộ những phần tử cấp tiến vốn là những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Hàng ngày, CIA trả tiền cho chúng để chúng “tạo ra địa ngục”, mang đến sự hủy hoại và chết chóc. Tất cả những điều đó chính là một phần của kế hoạch trị giá 5 tỷ đô la mà bà Victoria Nuland, hiện là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, từng khoe khoang, Jeff Brown viết.

Ở Hongkong, họ đã thuận lợi tiến hành những hành động đó vì chính quyền Trung Quốc đã cam kết “không thay đổi lối sống” và hệ thống cai trị cựu thuộc địa Anh này cho đến năm 2047. Những tài phiệt xứ này cũng đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng lãnh thổ này. Ở đây, ta cũng thấy nét tương đồng với Ukraine.

“Hiển nhiên, Trung Quốc đang tiến hành trò chơi ngầm của mình ở thành phố này. Và mặc dù Bắc Kinh gần như mất khả năng gây ảnh hưởng đến tư bản của các tỷ phú Hongkong được duy trì ở ngay thành phố này, nhưng tất cả số này đều đầu tư một phần tiền bạc của mình vào lãnh thổ còn lại của Trung Quốc”, nhà bình luận của OpEdNews lập luận.

Theo Jeff Brown, nếu như chính quyền Trung Quốc không gây áp lực với các tỷ phú Hongkong và không buộc họ chia xẻ “sự giàu có của vùng lãnh thổ” với người nghèo và giai cấp lao động sở tại thì thành phố này, hiện vốn chỉ là một cái bia thuận tiện trên vỏ giáp Trung Quốc, sẽ bị Mỹ biến thành “một vết thương chảy máu toang hoác”.

Nếu như CIA sẽ có thể buộc được ban lãnh đạo Trung Quốc phải có “hành động thái quá”, chẳng hạn như tuyên bố thiết quân luật ở Hongkong hay phái quân đội Trung Quốc đến đây thì đối với phương Tây, đây sẽ là “một thắng lợi tuyên truyền to lớn” như với trường hợp vụ Thiên An Môn. Bởi lẽ đến nay, năm nào Trung Quốc cũng bị cáo buộc về cuộc tàn sát này.

Theo ông Brown, chính điều này người Mỹ đang tìm cách có được từ Vladimir Putin và vùng lãnh thổ ly khai Novorussia (ở miền đông Ukraine) - cái có thể là “một thắng lợi tuyên truyền thế kỷ” đối với phương Tây. Việc đó được làm để phá hủy các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Nga và châu Âu, và như vậy là bảo đảm rằng, châu Âu vẫn sẽ là một chư hầu vô định hình và ngoan ngoãn của Mỹ.

Đồng thời, các chuyên gia cũng nghi ngờ khả năng các cuộc biểu tình hiện nay ở cựu thuộc địa Anh ảnh hưởng thế nào đó đến sự ổn định của Trung Quốc.

Nguồn: Ruposters, 3.10.2014

Putin ủng hộ ý tưởng chủ quyền thông tin của Nga

VietnamDefence - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Nilolai Nikiforov.
Ông Nikiforov đã báo cáo về dự án quy mô lớn xây dựng các kênh liên lạc cáp quang và các biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất Nga phần mềm Nga.

Theo ông Nikiforov, Nga dự định xây dựng đến 200.000 km cáp quang. Dự án khởi động vào năm 2015, hiện nay công tác chuẩn bị đang được thực hiện. Khi được thực hiện, dự án sẽ giúp kết nối tất cả cá khu dân cư nhỏ với Internet. Nga dự định chi gần 15 tỷ rúp/năm cho các mục đích này.

Ông Bộ trưởng cũng tỏ ra lo ngại với tình hình trong lĩnh vực công nghệ thông tin. “Điều đó, trước hết là sự độc quyền của những nước riêng lẻ và những công ty riêng lẻ, đúng ra chỉ có vài nước và vài công ty, có thể đếm trên đầu ngón tay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, ông Nikiforov nói.


Ông cũng nói đến việc phát giác các vụ tình báo nước ngoài thu thập bất hợp pháp thông tin của hàng trăm triệu người dùng Internet. “Các khách hàng quả thực đã trở nên rất rõ ràng, họ đang tìm các phương án thay thế, trong đó họ muốn mua các sản phẩm của Nga”, ông Nikiforov nói.

Ông Putin hỏi: “Những hàng thay thế đó chúng ta có gì để chào bán không?”. Ông Nikiforov nói rằng, ngày nay trên toàn thế giới không thể có các giải pháp thay thế thực sự. Ông cho rằng, “cần soạn thảo một chương trình tổ hợp, cho phép hỗ trợ cả các nhà sản xuất phần mềm Nga và từng bước, mỗi năm một ít nghiên cứu phát triển toàn bộ các sản phẩm cần thiết để bảo đảm chủ quyền thông tin của Nga”.

“Chúng ta đã đầu tư về phần mềm cho gần 10 loại sản phẩm thiết yếu nhất. Để phát triển chúng có thể cần đến nỗ lực của tới 20 ngàn kỹ sư lập trình”, ông Bộ trưởng cho biết thêm.

“Tôi dĩ nhiên là ủng hộ điều đó. Chỉ cần tổ chức bàn bạc trong Chính phủ, trao đổi với các đồng nghiệp ở Bộ Phát triển kinh tế, Bộ Tài chính”, Tổng thống Putin kết luận.

Nguồn: kremlin, Politikus, 29.9.2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét