Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

BẠN BIẾT CHƯA? 17

(ĐC sưu tầm yrên NET)


"Điềm lành" và những "kiêng kỵ" trong dịp Tết nguyên đán

Trong tâm thức của người Việt, Tết Nguyên đán là khởi đầu một năm mới. Ông cha ta cũng đã đúc kết và chiêm nghiệm những "điềm lành" và kiêng kỵ trong những ngày Tết như sau, mời quý độc giả tham khảo:

- Hoa mai, đào nở sau Giao thừa: Nếu hoa mai, hoa đào nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may mắn đối với gia đình của bạn, báo hiệu một năm nhiều phúc lộc, đặc biệt là những bông hoa mai có nhiều cánh, hay những bông đào có nhiều cánh kép.

Một vài bông hoa mai 5 cánh nở thêm 1 cánh là điềm may mắn đối với gia đình bạn

Đặc biệt là sau Giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may, mọi người ai cũng cầu mong, vì sách có câu “Hoa khai phú quý”. Vì vậy từ sau giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, nếu có hoa nở là điềm may mắn cho năm mới. May mắn nhất là có một hoặc vài bông hoa 6 cánh xuất hiện bất ngờ.

- Cây quất: Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân là lẽ tự nhiên, nên nếu nhà bạn có thứ cây xanh nhiều lộc nhiều lá như thế này trong nhà thì hãy để ý đến cành lá của chúng nhé, nếu cây có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc. Nếu có đủ Tứ quý: Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn và thành đạt cả năm. Nếu cây có một hoặc nhiều hoa nở sau giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, hoặc chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc.
- Xuất hiện chó lạ vào nhà, tục ngữ xưa có câu: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang". Bởi tiếng mèo kêu là ngheo ngheo tức là nghèo nghèo, còn tiếng chó sủa gâu gâu thức là giầu giầu.

Một chú chó lạ vào nhà đầu năm sẽ là điềm may mắn đối với gia đình bạn trong cả năm

Những điểm sau bạn cần phải kiêng kỵ trong dịp Tết nguyên đán:
- Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.

Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm.

Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.

- Kiêng quét rác ra khỏi nhà trong 3 ngày Tết: Người Việt cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không đến được với gia đình, và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn. Thế nên ngày 30, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
- Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen: Năm mới là thời điểm mà mọi người mong muốn những điều tốt lành nhất đến với bản thân, gia đình. Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm thì phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ và thu hút sự chú ý, tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới, như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh…

Ngày Tết nên mặc những bộ quần áo sặc sỡ như thế này

- Kiêng khóc lóc, buồn tủi, nói những điều không vui và kiêng nói to, cãi nhau, nói xấu hay mắng người khác: Đây là những việc tạo ra sự ồn ào hỗn loạn và đem lại nỗi buồn cho người khác.
- Kiêng làm vỡ các đồ vật: Ông bà ta quan niệm, vỡ, bể là tạo nên sự chia cắt, đứt lìa. Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén.
- Kiêng cho nước, lửa: Thật không may cho nhà ai mùng một Tết có người đến nhà xin lửa, xin nước. Ngày mùng một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa có màu đỏ - là màu may mắn đầu năm mới, cho người khác cái đỏ trong ngày mùng một Tết thì sẽ khiến cho gia đình không giữ được tiền bạc, may mắn trong cả năm.

Kiêng cho lửa những ngày đầu năm mới

Nước - vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc “Tiền vô như nước”. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
- Kiêng đi chúc Tết khi trong gia đình có tang. Nếu nhà có đại tang thì kiêng đi chúc Tết đầu năm. Các cụ xư quan niệm nếu những người có tang đến chúc Tết gia đình ai thì sẽ mang nỗi buồn chia sẻ cho gia đình đó. Ngược lại, bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.
- Kiêng xuất hành ngày mùng 5: Mùng 5 tháng Giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành. Ngoài ra trong ngày Tết, một số gia đình người Việt cũng kiêng ăn một số loại thực phẩm: thịt chó, cá mè, thịt vịt... Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ không được may mắn.
Một số tục kiêng kỵ từ ngày xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay cũng tạo nên những nét riêng cho ngày Tết. Song, những tập tục mê tín, những quan niệm không có tính khoa học cũng nên được loại bỏ./.

Chuyện chưa biết về Phong tục đưa ông Táo về trời

Theo Phong tục cổ truyền, Táo quân bao gồm 2 ông và 1 bà, cũng là tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt ngày xưa. Cứ ngày 23 tháng Chạp là Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo công việc của gia chủ với Ngọc Hoàng.

Ông Táo còn gọi là Vua Bếp vì đây là vị thần bảo vệ nơi cư ngụ của gia đình, cai quản việc bếp núc. Công việc chủ yếu của Táo quân là thay trời giám sát việc thiện ác tại mỗi gia đình, hàng năm vào dịp 23 tháng chạp ông Táo về thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc. Ngoài ra Táo quân còn là Thần hộ trạch (giữ nhà), không cho tà ma vào nhà gây rối cho gia đình.

Lễ vật cúng Táo quân

Để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều may  mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiền đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể.
Lễ vật cúng Táo quân gồm có: mũ ông công 3 chiếc (2 mũ cho 2 Táo ông và 1mũ Táo bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn.
Những mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Thí dụ:
 Năm hành kim thì dùng màu vàng
 Năm hành mộc thì dùng màu trắng
 Năm hành thủy thì dùng màu xanh
 Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ
 Năm hành thổ thì dùng màu đen
Những đồ “vàng mã” này (mũ, áo, hia, và một số vàng thỏi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo  vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó ngưòị ta lập bài vị mới cho Táo quân.
Với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ỷ nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang.
Ngoài ra, để các ông và bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép hãy còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Gon cá chép này sẽ được “phóng sinh” (thả ra ao họ hay ra sông) sau khi cúng. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Lễ vật cúng Táo quân

Theo truyền thuyết, xưa có 2 vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Sau người vợ lấy chồng mới, còn người chồng cũ vẫn nghèo khó. Trong một lần đi xin ăn, tình cờ người chồng cũ ta gặp lại người vợ cũ và được hậu đã. Đúng lúc đó, người chồng mới về bắt gặp và sinh lòng nghi ngờ. Người vợ uất ức đâm đầu vào đống lửa chết, ngưòi chồng cũ cảm thương chết theo. Người chồng mới sau cũng nhảy vào lửa chết. Ngọc hoàng cảm kích phong cho ba người làm Táo quân – Vua Bếp. Vào ngày 23  tháng Chạp hàng năm, các gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà và ba con cá chép để cúng với quan niệm rằng, Táo quân cưỡi cá chép về chầu trời, tâu với Ngọc hoàng mọi việc trong năm, cầu may mắn.
Phương pháp đặt bàn thờ Táo quân:

Quan niệm xưa cho rằng thần Táo cai quản việc bếp núc. Công việc chủ yếu của Táo quân là thay trời giám sát việc thiện ác tại mỗi gia đình, hàng năm vào dịp 23 tháng chạp ông Táo về thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc. Ngoài ra Táo quân còn là Thần hộ trạch (giữ nhà), không cho tà ma vào nhà gây rối cho gia đình.
Trên thực tế, bếp là nơi nấu nướng phục vụ ăn uống, nếu không chú ý thì khó đảm bảo bình an cho gia đình. Bếp là nguồn nuôi sống con người, vạn vật sống được là nhờ ăn uống, vì thế rất coi trọng bếp nấu. 
Vì thế khu bếp cần có một số điều kiêng kị như:
- Bếp không quay ra cửa chính (có nghĩa là người nấu không quay lưng ra cửa).
- Cửa bếp không hướng ra cửa, tránh tà khí xông thẳng vào.
- Phía sau bếp phải là tường kín, không nên đặt ở cửa sổ.
- Đặt bếp tránh "Thủy hỏa xung khắc", không đối diện vòi nước hay tủ lạnh.
- Cửa bếp không đối diện phòng ngủ, bếp không gần phòng ngủ đặc biệt là đặt giường gần bếp.
- Cửa bếp không đối diện khu vệ sinh.
Vị trí đặt bàn thờ Táo quân
Đặt bàn thờ Táo quân thường là ở bên trên bếp nấu (gọi là trang thờ), trên vách bàn thờ có câu liễn "Định phúc Táo quân".

Bàn thờ Táo quân

Việc bài trí, sắp xếp của khu bếp ngăn nắp, đúng phong thủy sẽ làm cuộc sống nâng cao. Khu bếp trong một gia đình phản ánh toàn bộ sinh hoạt, văn hóa của ngôi nhà đó. Khi nhìn vào vào khu bếp ta có thể đánh giá được tính cách của chủ nhân. Dù việc bài trí có như thế nào, có đúng phong thủy hay không, thì làm đẹp cho khu bếp phản ánh nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội hiện đại.
Có người thờ cúng nhưng để khu vực nhà bếp quá dơ bẩn cũng không tốt, vì chỗ nấu ăn là nơi rất cần sự sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm.


Những điều cực thú vị có thể bạn chưa biết về Tết Táo quân

Tết Ông Táo đã khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên có những điều thú vị có thể bạn chưa biết về ngày lễ truyền thống này.

Sự tích Táo quân 

Sự tích Táo quân của người Việt là sự tích về "2 ông, 1 bà" nhưng sự tích thần Bếp của Trung Quốc  lại là "2 bà, 1 ông".

Các nước đều đón vị thần bếp 

Không chỉ người Việt mà người Trung Quốc, Đài Loan, Singapore cũng cùng gia đình đón ngày 23 tháng Chạp với ý nghĩa là ngày cúng các vị thần Bếp và cũng là ngày Tết đầu tiên để chào đón năm mới.

Táo lên chầu bằng cá chép

Ở Việt Nam, các Táo sẽ lên chầu trời bằng cá chép, nhưng ở các nước Trung Quốc, Đài Loan thì thần Bếp sẽ cưỡi một con ngựa giấy.

Đồ cúng cho vị thần

Đồ cúng của người Việt gồm mũ, áo, hài Táo quân và đồ cúng là hoa quả, lễ mặn. Đồ cúng của người Trung Quốc lại là nước, bánh kẹo, đậu nành và thức ăn gia súc (dành cho ngựa của các vị thần Bếp).

Lễ cúng thường có kẹo ngọt

Lễ cúng thần Bếp (hay cúng ông Táo ở Việt Nam) của cộng đồng các quốc gia Hoa ngữ đều có một loại kẹo kéo (hoặc mạch nha) cực kỳ ngọt, với ý nghĩa thần Bếp sẽ nói những điều tốt đẹp nhất về gia đình. Thậm chí người Trung Quốc còn đặt chiếc kẹo này vào miệng của thần Bếp (giấy).

Đặc điểm thần

Bếp Điểm chung của các thần Bếp (Táo quân) trong văn hóa của nhiều quốc gia nói tiếng Trung đều là họ có trách nhiệm bảo vệ cho gia đình và quán xuyến nhà bếp, lắng nghe mọi hành động tốt xấu của mọi người trong gia đình để cuối năm báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ dựa vào đó mà quyết định phúc lộc, may mắn hay trừng phạt đối với từng gia đình trong năm mới.

Chuẩn bị đồ cúng 23 tháng chạp 

Ở Việt Nam, người ta thường cùng gia đình sắm sửa lễ cúng vào ngày 23/12 Âm lịch và phóng sinh cá chép. Còn ở Trung Quốc cũng cùng gia đình chuẩn bị đồ cúng, dọn dẹp nhà cửa và ăn kẹo mạch nha.

Tục dựng câu nêu 

Trước đây, người Việt còn có tục dựng cây nêu ngày Tết vào đúng 23 tháng Chạp. Vì kể từ ngày này Táo quân về trời và vắng mặt cho tới tận đêm Giao thừa thì ma quỷ sẽ lẻn về quấy nhiễu nhà cửa nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Hiện giờ, một số vùng miền vẫn giữ truyền thống này đấy.   

Mở cửa bếp đón thần Bếp 

Các Táo quân, thần Bếp sẽ cùng ăn Tết với các gia đình: Đêm 30, người Việt thường cùng gia đình xem chương trình Gala cười thú vị của các Táo quân, người Trung thì phải nhớ mở cửa bếp để đón thần Bếp trở về nhà vì theo truyền thống thần Bếp sẽ về ăn Tết cùng gia đình cùng với tất cả các vị thần khác. 

Ý nghĩa của tục phóng sinh

Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng. Cũng vì cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa ông Công ông Táo về trời nên vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, với ý nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn.

Ngoài việc làm phương tiện cho Táo Quân về trời thì trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì để đạt được thành công trong học vấn.

Chính vì thế, tục phóng sinh cá chép là một nét văn hóa đẹp của con người Việt Nam và vẫn luôn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét