Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

CHUYỆN VỤ ÁN 25

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cuộc nổi dậy Ninh Thạnh Lợi

Pháp luật TPHCM - 

Vụ Ninh Thạnh Lợi khởi nguồn từ tranh chấp đất đai dẫn tới bạo động đẫm máu. Người dân khẩn đất đã đứng dậy chống lại cường hào, thực dân...

Làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) trước kia là vùng đất thấp và phèn, cỏ mọc hoang vu. Nhà Nguyễn cho người Khmer và lưu dân người Việt được quyền tự do canh tác nơi nào họ muốn, thậm chí còn cấp lúa giống, lương thực cho người khẩn hoang. Khi nào đất bỏ hoang trong ba năm liên tiếp, kẻ khác mới được chiếm hữu.
Thua pháp quyền nhờ đến thần quyền
Con kênh gần ngã tư Phó Sinh thuộc vùng Ninh Thạnh Lợi. Ảnh tư liệu.
Chính quyền thực Pháp ban hành luật lệ khẩn đất, thủ tục phức tạp, người dân địa phương không thể thực hiện, nhiều chủ điền Pháp thừa cơ hội lập sổ bộ mới để chiếm đoạt đất của dân địa phương. Năm 1922, một người Pháp là Beauville Eynaud nhờ người khác đứng tên xin khẩn đất, sau đó Eynaud “mua lại” biên lai xin khẩn ấy. Bằng cách này, Eynaud chiếm đến 9/10 diện tích của làng Ninh Thạnh Lợi.
Dân làng khiếu kiện tới thống đốc Nam kỳ và Hội đồng quản hạt, Eynaud phải trả đất lại. Nhưng cai tổng Tr. và xã trưởng làm giấy tờ trưng khẩn khống, chiếm đất của dân trong đó phần lớn là đất của chủ Chọt (người Khmer lai Hoa, tên thật là Trần Kim Túc). Chủ Chọt có 300 mẫu đất ruộng là người có tài vật lực ở đây.
Thưa kiện nhiều lần nhưng không thắng, đầu tháng 5-1927, chủ Chọt tổ chức tụ họp chừng 40 người, trong đó thầy bùa tên là Cồ Cui làm lễ cúng, phát bùa, khoe rằng hễ đeo vào người là súng bắn không lủng. Đàn em mặc quần áo trắng, người chỉ huy mang cờ xí nhiều màu. Họ làm lễ trong làng và ở làng giáp ranh để lôi cuốn người khác và phô trương thanh thế.
Bùng phát bạo lực
Khi chủ Chọt làm lễ trên phần đất của Mézin (điền chủ Pháp chuyên khai thác tràm), cai điền của Mézin cầm súng hăm dọa buộc chủ Chọt phải giải tán (cai điền của Pháp được quyền giữ súng). Chủ Chọt không giải tán mà còn bắt sống bốn tá điền của Mézin.
Chủ Chọt quay về căn nhà lớn của ông ta, tổ chức một cuộc lễ khác. Cồ Cui làm phép, cầu khẩn với thần linh. Chủ Chọt cho giăng chung quanh điền đất của ông ta sợi chỉ màu trắng, cấm ngặt không cho ai bước qua. Nhận điện báo của cai điền, chiều 6-5-1927, chủ quận Phước Long đi ghe đến công sở làng Ninh Thạnh Lợi, ra lịnh gọi những người Khmer đứng lảng vảng gần đó nhưng họ không thèm trả lời và chạy về phía chủ quận. Chủ quận hoảng sợ, chạy xuống ghe rút lui.
Ninh Thạnh Lợi ngày nay êm đềm với những ngôi chùa của người Khmer soi bóng nước. Ảnh tư liệu.
Hôm sau, theo lệnh chủ quận, viên cai tổng dẫn sáu người lính mang súng đến nhà chủ Chọt. Gặp đàn em của chủ Chọt, lính nổ súng nhưng những người này không sợ mà dùng dao mác phản công. Lính mã tà hoảng sợ chạy lui về dinh quận. Đêm ấy, chủ Chọt bao vây nhà cai tổng Tr. và nhà xã trưởng. Cai tổng và xã trưởng trốn mất. Họ rút lui, không phá hại gì trong nhà nhưng giết chết cha của xã trưởng. Uy thế của chủ Chọt càng lẫy lừng, bọn đàn em càng tin rằng với bùa phép thì súng bắn không lủng, như lần bị bắn hôm trước.
Cướp súng, bắn cò Tây
Ngày 8-5-1927, chủ tỉnh Rạch Giá dẫn quân vào Phước Long để đàn áp. Cùng đi có viên thanh tra mật thám và một số lính mã tà. Cò cảnh sát Bouchet dùng chiếc tàu của Ty Kiểm lâm đi thành mũi khác. Khi tàu chạy ngang vùng cấm địa của chủ Chọt, Bouchet ra lịnh dừng ghe, cho 10 mã tà mang súng tìm bắt phiến loạn. Dọc đường, lính mã tà gặp đàn em của chủ Chọt thuyết phục họ đi theo để gặp mặt Bouchet kêu nài, trình bày nỗi oan ức.
Đàn em của chủ Chọt nhận lời với điều kiện là họ đi phía sau, lính phải đi phía trước. Khi cách chiếc tàu 120 m, theo hiệu lịnh bằng tiếng Khmer, tay đàn em của chủ Chọt xông tới, đâm lính mã tà từ phía sau lưng. Lính mã tà bắn trả lại, làm đàn em chủ chọt chết và bị thương sáu người. Một viên mã tà và hai người lính bị giết tại trận. Bouchet đang đứng trên bờ, hoảng sợ chạy lên tàu trốn. Quân của chủ Chọt giựt súng bắn Bouchet và cai mã tà bị thương, một tên lính mã tà khác bị chém đứt ba ngón tay. Chủ Chọt cướp được bốn khẩu súng.
Chủ tỉnh gặp toán quân của Bouchet, lính mã tà của hai bên cộng lại cỡ 30 người, có đủ súng ống, đủ sức trấn áp nhưng chủ tỉnh không dám quay lại Phước Long mà quay về Rạch Giá. Sự kiện chủ quận, chủ tỉnh đồng loạt rút lui, cò Bouchet bị thương làm dân trong vùng hoảng sợ, vội tản cư. Chủ Chọt treo bảng không cho bất cứ tàu bè nào qua lại khu vực của ông ta kiểm soát, mấy tiệm buôn phải mua bán như thường. Chủ tỉnh Rạch Giá đánh điện cầu cứu với tỉnh Cần Thơ và soái phủ Sài Gòn.
Trung úy cảnh sát Turcot dẫn 30 lính mã tà từ Cần Thơ đến Phước Long. Toán lính Turcot bao vây, nổ súng tấn công chủ Chọt. Nhóm chủ Chọt dùng bốn khẩu súng cướp được hôm trước bắn đến viên đạn cuối cùng. Chủ Chọt và 13 người khác bị giết chết, khoảng 20 người bị thương, bị bắt giam.
Thường phạm hay yêu nước?
Vụ việc xảy ra làm chính quyền thực dân bối rối. Báo chí Sài Gòn xôn xao một thời gian dài. Báo L’Écho Annamite (Tiếng vọng người An Nam), số ra ngày 19-5-1927 đã đăng một bài điều tra dài. Cuối tháng 11-1927, thực dân Pháp đưa vụ này ra xét xử, một số báo khác như Đông Pháp Thời Báo, Công Luận… đua nhau tường thuật. Báo chí Pháp ngữ né tránh tính chất chính trị của sự kiện đưa ra “khảo cứu chủng tộc” cho rằng người Khmer vào mùa nắng thường nổi cơn “say máu ngà” giống như trường hợp người Mã Lai say nắng, nổi cơn khùng (tên khoa học là bệnh là Amok) trở nên cuồng dại.
Ngày 28-5-1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse có bản phúc trình trần tình với toàn quyền Đông Dương rằng mục tiêu của chủ Chọt chỉ là ăn thua với cường hào địa phương (xã trưởng và cai tổng) vì hai cá nhân này lấn đất của ông ta. Đây chỉ là vụ thường phạm không phải là vụ khởi loạn có tính chất chính trị.
Đa số báo tiếng Việt cho đây là cuộc khủng hoảng của chánh sách điền địa bất công của người Pháp; viên chức địa phương tham nhũng, giành đất của dân.
Tuy nhiên, cũng có tờ báo xem đây là phong trào yêu nước. Pháp Việt Nhựt Báo - 17-5-1927 ghi nhận: “Trong thời gian nổi dậy, nhóm người này đã không lấy bất cứ món gì của dân làng và cũng không làm hại bất cứ ai, ngược lại, họ cứng rắn với kẻ thù. Khi đến nhà việc Ninh Thạnh Lợi, họ đốt bỏ nhiều giấy tờ, sổ sách, đồng thời tiêu diệt một số tên gian ác tay sai thực dân”. Báo này dành cho những người chết oan lời thương cảm: “Uổng thay mấy mạng sinh linh, thương vì giống, thống vì nòi, mắc phải mũi súng vô tình mà xác phải chôn nơi chiến địa… Thà chết như vậy cho xong một kiếp nô lệ ở trần, vậy cũng trọn cái phận làm người đối với nước”.
Theo Nghị định 29-10-1871 và 22-8-1882, phần đất nào không ghi vào địa bộ với sở hữu chủ rõ rệt thì phải theo quy chế đất công thổ. Chỉ có thống đốc Nam kỳ mới có quyền cho phép trưng khẩn, bán hoặc đổi đất công. Chỉ có tham biện chủ tỉnh, thừa ủy quyền của thống đốc Nam Kỳ mới được phép quy định ranh giới công thổ. (Theo Sơn Nam - Lịch sử khẩn hoang miền Nam)
- Trong triều Nguyễn, Nam Bộ chỉ mới đo đạc đất đai lập bộ một lần duy nhất trước năm 1865, đất khai hoang sau thời gian này đều không có sổ bộ và bị xem là đất công. Với đồng bào Khmer hay lưu dân Nam Bộ nói chung thời ấy, trình độ hạn chế, không biết chữ quốc ngữ, việc đăng bộ đất đai phải làm thủ tục nhiêu khê, phải lên tỉnh thuê người vẽ họa đồ, họ vô phương thực hiện. Thời ấy, tỉnh Rạch Giá bao gồm cả Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay, chưa có đường bộ từ Bạc Liêu đến Rạch Giá, nhiều người dân đến chết chưa lên đến huyện thì việc lên tỉnh xin khẩn đất càng bất khả thi.
LÊ ĐẠI ANH KIỆT


Vụ án Nọc Nạn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vụ án Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) - tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan chức thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều[1]. Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với thực dân Pháp.

Diễn tiến vụ việc

Nhà Hương chánh Luông khai phá đất

Trước 1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn, được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Luông. Khi khai phá, Bạc Liêu còn hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất, lập bản đồ đất đai chậm so với các tỉnh khác ở Nam Kỳ.
Năm 1910, Hương chánh Luông chính thức làm đơn xin khẩn 20 ha đất, chịu đóng thuế trên diện tích này, được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, gia đình Luông lại làm đơn xin đo đạc và cấp bằng khoán (giấy chứng nhận sở hữu đất) chính thức cho toàn bộ diện tích đất canh tác 73 ha. Chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, trao cho Luông bản đồ phần đất.
Năm 1916, Tăng Văn Đ. kiện lên chủ tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu không cấp đất cho Luông, với lý do Đ. cũng góp sức khẩn hoang. Nhà chức trách xử Đ. thua kiện, vẫn cấp giấy tờ đất cho Luông, nhưng cắt 4,5 ha cho Đ.. Luông được cấp tờ bằng khoán tạm số 303 đề ngày 7 tháng 8 năm 1916.

Âm mưu của Hoa kiều Mã Ngân

Luông qua đời, người con trai cả là Biện Toại thừa kế phần đất trên. Năm 1917, Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu là Mã Ngân, thường gọi là Bang Tắc, muốn tranh chiếm đất đai nhà Biện Toại. Là người tinh ranh luật lệ, Bang Tắc mua lại phần đất giáp ranh Biện Toại của bà Nguyễn Thị Dương, nhưng trong hợp đồng ghi bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất anh em Biện Toại đang sử dụng. Bang Tắc biết đất của nhà Biện Toại mới chỉ có bằng khoán tạm.
Tranh chấp đất nổ ra, hai phía thưa kiện nhau bốn lần lên chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, lên cả Toàn quyền Đông Dương. Năm 1919, Bang Tắc sai tá điền đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu của Biện Toại để dằn mặt. Anh em Biện Toại không phản kháng, chờ nhà chức trách phân xử. Viên quan phủ H. ở quận Giá Rai, theo dư luận nghi ngờ, đã nhận tiền của Bang Tắc, yêu cầu chia đôi phần đất: Biện Toại một nửa, Bang Tắc một nửa.
Cũng năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Phái viên (commission administrative), có trách nhiệm khảo sát đất đai, chính thức cấp bằng khoán đất ở làng Phong Thạnh. Hội đồng này xác nhận phần đất của gia đình Biện Toại thuộc về Nguyễn Thị Dương, và nay là của Bang Tắc.
Ngày 13 tháng 4 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định bán lô đất 50 ha trên phần đất của Biện Toại với giá 5.000 đồng cho Bang Tắc. Đến đây, chính quyền chính thức công nhận phần đất mà gia đình Biện Toại đã hai đời khai thác và sử dụng là của Bang Tắc. Anh em Biện Toại vô cùng căm phẫn, chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện, bèn bán lô đất 50 ha cho một người rất quyền lực là bà Hà Thị Tr., mẹ vợ anh ruột quan phủ H.

Bà Tr (mẹ vợ anh ruột quan phủ H) vào cuộc

Bà Tr. bắt đầu đòi anh em Biện Toại phải nộp địa tô, coi họ như tá điền trên chính phần đất họ đã khai khẩn. Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà Tr. xin được án lệnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại. Ngày 13 tháng 2 năm 1928, lính mã tà gặp anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa, anh em Biện Toại kháng cự. Ngày hôm sau, mã tà lại tới, anh em Biện Toại lại kháng cự, mã tà phải rút.
Trước thái độ cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng liền tự ý bắt giữ bà Hương chánh Luông (mẹ Biện Toại) trong 24 giờ. Thương mẹ, Biện Toại hứa không kháng cự. Bà Luông được thả. Tối 14 tháng 2 năm 1928, anh em nhà Biện Toại họp, làm lễ lạy ông bà tổ tiên và bà Luông, gọi là báo hiếu lần chót. Họ trích huyết thề ăn thua, không sợ chết, rút thăm để ông bà chỉ định ai là người hy sinh đầu tiên. Lần đầu, cô em gái tên Út Trong (tức Nguyễn Thị Trong) rút được thăm. Anh em yêu cầu bốc lại. Lần thứ hai, Út Trong vẫn rút được thăm. Cô nói: "Ông bà đã dạy, em xin liều chết!"

Thảm kịch đồng Nọc Nạn

Sáng 16 tháng 2 năm 1928, khoảng 7 giờ, hai viên cảnh sát Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Mười lăm phút sau, cô Nguyễn Thị Trong, em gái Biện Toại đi ra, dắt theo một bé gái 14 tuổi, tên là Tư. Tournier đuổi Trong, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Trong không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận.
Tournier từ chối, tát tai Trong. Cô lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm cô ngất đi. Bouzou tước dao khỏi tay Trong. Trong lúc lấy dao, ông này bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Họ chia thành hai tốp, tốp đầu do Mười Chức, em ruột Biện Toại, dẫn đầu. Tốp thứ nhì do bà Nghĩa (vợ Mười Chức) dẫn đầu. Tổng cộng năm đàn ông, năm phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng Mười Chức không dừng lại. Tournier bèn bắn Mười Chức. Bị thương nặng, nhưng Mười Chức vẫn gắng nhào đến, đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới ngã xuống.
Bạo lực trở nên không thể kiểm soát. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng bốn người phía Biện Toại. Hết đạn, Bouzou lại lấy súng của Tournier, bắn tiếp, làm nhiều người thương vong. Sáng hôm đó, Mười Chức và vợ đang mang thai (bà Nghĩa), một người anh tên Nhẫn, đều chết. Nhịn, Liễu (hai em Mười Chức) bị thương nặng. Ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng ngày 17 tháng 2 tại bệnh viện Bạc Liêu.

Phiên tòa

Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa.

Diễn biến phiên tòa

Ông phủ Tâm, viên chức phụ trách đất đai tỉnh Bạc Liêu, nói giấy tờ lưu trong sổ bộ của nhà chức trách về tờ biên lai cấp đất cho hương chánh Luông năm 1910 đã bị mất cắp. Điều này gây ra nghi ngờ có khả năng hồ sơ trong văn khố cũ bị thủ tiêu, có lợi cho những kẻ cường hào.
Hương thân làng Phong Thạnh Hồ Văn Hi xác nhận Tournier nổ súng trước. Mười Chức đâm Tournier sau khi trúng đạn.
Lâm Văn Kiết, thành viên Hội đồng phái viên, xác nhận phần đất do Hương chánh Luông và con là Biện Toại khai khẩn trước. Công tố viên nói ông Kiết không dám cãi cấp trên của mình là Tri phủ H., người theo phe Bang Tắc và là Chủ tịch Hội đồng phái viên.
Tri phủ Ngô Văn H. cho rằng vấn đề đất đai quá phức tạp, mất thì giờ, nên ông đã buông xuôi. Công tố viên rất giận dữ, cho rằng lề lối làm việc của ông H. quá bừa bãi, không thể viện lý do mất thì giờ mà không phân xử rạch ròi. Bị luật sư chất vấn, ông H. thú nhận anh ruột của ông có hùn vốn làm ăn với Bang Tắc. Sau vụ án, ông H. bị bãi chức tri phủ.
Bang Tắc ra làm chứng, nói không hối hận gì. Viên hội thẩm bức xúc: "Dân chúng nói đáng lý ra ông phải chết thay cho viên cò Tournier".
Trước khi buộc tội, công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Ông cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia tăng hết sức nghiêm trọng. Ông nói tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Ông đề nghị tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trong và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).

Biện hộ của luật sư

Luật sư Tricon nhận định nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng Phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo. Ông ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý, nói: Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).. Ông cũng ca ngợi lập luận của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Ông nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc - Tri phủ H. đã dẫn đến tấn thảm kịch Nọc Nạn. Ông xin tòa tha thứ cho các bị can, nói: Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.

Án tuyên

Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.

Làn sóng công luận

Báo chí Sài Gòn bấy giờ đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn. Nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ chịu bất công quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đẩy họ đến đường cùng.
Các phong trào yêu nước bấy giờ đang sôi nổi. Hai năm trước (1926) vừa xảy ra đám tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Đảng Lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu cũng vừa ra đời. Dù chủ trương Pháp-Việt đề huề, ông Bùi Quang Chiêu chính là người lập tờ báo tiếng Pháp La Tribune Indochinoise. Phóng viên báo này - Lê Trung Nghĩa - đã nhờ hai luật sư Tricon và Zévacon biện hộ cho gia đình Biện Toại.
Tại tòa, trừ tờ La Dépâche l’Indochine, tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt: L’Écho Annamite, Đông Pháp thời báo, L’Impartial, l’Opinion, Le Courrier Saigonnais, Le Phare, La Tribune Indochinoise.
Sau phiên tòa, các nhân sĩ và người dân ở Phong Thạnh như các ông Huỳnh Minh Trí, Nguyễn Duy Biện, Nguyễn Viết Trọng ở Giá Rai, Bùi Văn Túc ở Long Điền, làm tiệc cảm ơn hai vị luật sư và các nhà báo Pháp và Việt, theo truyền thống trung hậu và hào hoa cố hữu của người Bạc Liêu. Bà Hương chánh Luông cũng tham dự buổi tiệc này.

Dư âm Nọc Nạn

Trong các tác phẩm văn nghệ

Vụ án Nọc Nạn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn nghệ sau này
  • Bài vè Nọc Nạn, được dân gian sáng tác sau vụ án không lâu
  • Vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạn của tác giả Phạm Ngọc Truyền
  • Phim truyền hình năm tập Đồng Nọc Nạn, đạo diễn Trần Vịnh, kịch bản Chu Lai, nhà sản xuất Đài truyền hình Bạc Liêu năm 2004
  • Bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam, do TFS sản xuất năm 1997, cũng có đề cập đến vụ án Nọc Nạn trong một tập phim.

Di tích cấp quốc gia Nọc Nạn

Di tích Nọc Nạn, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Di tích gồm hai phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông (Hương chánh Luông), cách nhau khoảng 300 m. Sau khi song thân mất, anh em ông Biện Toại đắp một nền mộ rộng khoảng 700 m2, cao 50 cm để an táng và xây nhà mồ. Sau sự kiện Nọc Nạn, những người thiệt mạng được chôn rải rác gần đó, đến năm 1963 được quy tập về khu mộ. Những người anh em ông Mười Chức mất sau này cũng được an táng tại đó.
Hiện nay, Bảo tàng Bạc Liêu còn lưu giữ ảnh những người đã bị giết trong vụ Nọc Nạn và những người tham gia cuộc đấu tranh của anh em Biện Toại. Ngoài ra còn có ảnh chân dung các luật sư biện hộ cho gia đình nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư trùng tu và mở rộng khu di tích lên khoảng 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và binh lính chính quyền, với kích thước người thật.

Vụ án cưỡng chế đất ở Tiên Lãng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Địa điểm Vinh Quang, huyện Tiên Lãng,
thành phố Hải Phòng, Việt Nam
Thời gian 5 tháng 1, 2012
Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một tổn thất chính trị to lớn. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức 

Bối cảnh

Đoàn Văn Vươn (1963) sinh sống tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ năm 1993, ông Vươn thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. Ông khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, bao gồm cái chết của con gái đầu 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm. Gia đình ông theo đạo Công giáo thuộc giáo phận Hải Phòng.
Cụ thể, năm 1993, huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho Đoàn Văn Vươn diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm. Trong quá trình sử dụng ông đã đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao.
Từ năm 1995, ông đã xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng. Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống.
Tháng 3 năm 1997, ông Vươn làm đơn xin được giao bổ sung phần diện tích đất đã lấn chiếm ngoài diện tích được giao. Tháng 4 năm 1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm tính từ thời điểm giao 21ha năm 1993. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản đến năm 2007.
Đê lấn biển của ông còn được cho rằng đã góp phần giúp nhân dân trong vùng không phải lo vỡ đê mỗi khi bão lũ. Ông Vươn đã đắp được một số đoạn đê để bảo vệ đầm thủy sản của mình, ví dụ như đoạn đê công vụ. Chính quyền huyện sau này cũng đắp thêm được một số đoạn nhỏ của đê công vụ, nhưng lại nhận rằng chính quyền đã có công đắp đê chứ không phải ông Vươn. Việc này đã bị người dân địa phương phản đối.

Diễn biến

Đến thời điểm hết hạn giao đất, năm 2009, huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi 19,3ha đất giao bổ sung lên huyện, sau đó không đồng tình quyết định của huyện, ông khởi kiện lên Tòa án.
Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tòa án huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên quyết định thu hồi. Đoàn Văn Vươn tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tóa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ và tiến hành "hòa giải" bằng "Biên bản thỏa thuận": nếu ông rút đơn thì ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất.
Sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 19 tháng 4 năm 2010, ông Vươn rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Ba ngày sau, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này. Sau đó, huyện Tiên Lãng đã nhiều lần gửi thông báo làm việc với ông Vươn về việc thu hồi đất đã hết thời hạn sử dụng. Ông Vươn vẫn yêu cầu huyện tiếp tục giao đất để ông nuôi trồng thủy sản.
Sáng 5 tháng 1 năm 2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế nhưng đã bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Vào thời điểm đó ông Đoàn Văn Vươn không trực tiếp có mặt nhưng đã chỉ đạo gia đình dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương.

Kết quả

Sau vụ cưỡng chế bất thành ngày 5 tháng 1, quyết định thu hồi đất bị tạm hoãn, 4 người thuộc ngành công an và 2 thuộc ngành quân đội nhân dân bị thương. Cơ quan công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng tham gia liên quan, các ông Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974), ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn dùng cố thủ bị phá hủy, mà Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho là do "nhân dân bất bình nên vào phá" và người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế này. Cơ quan công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn) và đang truy tìm hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977).
Tuy nhiên việc thu hồi đất đã bị hủy bỏ,  chủ tịch ủy ban nhân dân và Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang cũng bị đình chỉ chức vụ. Ngày 10 tháng 2, thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất. Chiều ngày 23 tháng 2 năm 2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng bị cách chức. 

Kết luận vụ phá nhà ông Vươn

Sau cuộc điều tra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn, Công an thành phố Hải Phòng đã có kết luận vào ngày 18 tháng 12 năm 2012, cáo buộc Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông Nguyễn Văn Khanh, có vai trò đứng đầu, như làm trưởng ban chỉ đạo, trực tiếp có mặt tại hiên trường, chỉ đạo phá nhà ông Vươn, trực tiếp gọi máy xúc phá nhà. Cơ quan công an Hải Phòng nói ông Khanh "biết rõ nhà của ông Quý (em ông Vươn) nằm ngoài khu vực cưỡng chế" nhưng vẫn ra lệnh phá, nên "phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tài sản". Ngoài ra, công an nói 3 người khác, Phạm Xuân Hoa (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tiên Lãng), Lê Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng), và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) cũng bị đề nghị truy tố tội Hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 3 điều 143 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng thì quyết định này: "không khách quan và cố tình bỏ lọt tội phạm". Ông Luân cho biết, ông Khanh từng phản đối việc cưỡng chế hồi năm 2010: "Ông Khanh bị chỉ đạo từ ông Hiền (Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Tiên Lãng), và huyện ủy (Bùi Thế Nghĩa, Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng), tại sao lại đổ cho ông Khanh?"
Ngày 21/12, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có công văn gửi các cơ quan tố tụng về việc không đồng tình với kết luận điều tra vụ hủy hoại tài sản tại nhà ông Đoàn Văn Vươn với 3 lý do.
  • Cơ quan điều tra xác định 19 người trong đoàn cưỡng chế trực tiếp đốt, phá nhà ông Vươn và ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) nhưng không công bố danh tính, không truy cứu trách nhiệm hình sự là "bỏ lọt tội phạm".
  • Bản kết luận của CATP Hải Phòng khẳng định đã xác định được các thành viên trong ban chỉ đạo nhưng không truy tố mà chỉ đề nghị xử lí hành chính như vậy là không khách quan. Đó là cố tình bao che, cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội.
  • Công an Hải Phòng quy kết ông Nguyễn Văn Khanh phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tải sản được liên chi hội cho là hoàn toàn không chính xác. Theo họ, ông Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch huyện Tiên Lãng) và ông Bùi Thế Nghĩa (Bí thư huyện ủy Tiên Lãng) mới là thủ phạm chính và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Phản ứng

Chính quyền địa phương

Đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng, việc thu hồi đất của Tiên Lãng là căn cứ theo quyết định của huyện.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng:"Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Hơn nữa, theo quy định, đất chỉ được giao cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải người ở xã Vinh Quang".
Ngày 7 tháng 2 năm 2012, Thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông báo quyết định kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng; đình chỉ công tác ông Lê Văn Hiền, Phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, và Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Các chính khách Việt Nam

Các báo ở Việt Nam đã dẫn lời nhiều chính khách của Việt Nam bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng có thể sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này.
Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, Lê Đức Anh nói, trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Ông cũng cho rằng "Thành ủy Hải Phòng và ủy ban nhân dân TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được" và "sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai"
Quan điểm của GS Đặng Hùng Võ là: Một mặt, chính quyền huyện Tiên Lãng đã giao đất cho ông Vươn là sai luật. Mặt khác, chính quyền huyện không có đủ thẩm quyền để quyết định thời gian giao đất là bao nhiêu năm và đất giao cho ông Vươn phải gọi là đất nông nghiệp. Bài báo cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn.

Các luật sư và trí thức Việt Nam

Luật sư Trần Vũ Hải, gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn cũng sai vì "xuất phát từ quyết định thu hồi sai" và "Phải xác định xem chính quyền (Tiên Lãng) sai thế nào mới dẫn đến ông Vươn quá bức xúc và có hành động quá khích".

Dư luận xã hội

Theo bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Đoàn Văn Vươn: "Họ dồn đến đường cùng, nên anh tôi bảo là phải giữ, chứ cũng không dám nổ súng đâu... Bây giờ nợ hơn chục tỷ thì gọi là lên bờ chỉ có chết thôi, không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có. Nên phải giữ lấy đất, chứ không phải chống trả đâu".
Sau khi một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác hay bị cách chức, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến đồng tình với việc cách chức này.
Một số dư luận trái chiều khác như theo một nhóm phóng viên thuộc báo Công an nhân dân, Đoàn Văn Vươn được mô tả là con người có hàng loạt sai phạm trong quá trình sử dụng đất. Theo báo này, ông Vươn được cho là lấn chiếm đất nhà nước với diện tích 19,3 ha để "khai hoang".

Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 10 tháng 2 năm 2012 đã họp với các bộ ngành và cơ quan chức năng địa phương về vụ cưỡng chế đầm và phá nhà ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng. Sau đó Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cho biết kết luận của thủ tướng,: 
  • Về quyết định giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, quyết định thứ nhất giao 21 ha đất là đúng, nhưng quyết định thứ hai giao thêm 19,3 ha (thời hạn 14 năm) là chưa đúng với quy định Luật đất đai.
  • Quyết định thu hồi đất của ông Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng cũng trái luật. Luật đất đai quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên.
  • Huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng.
  • Công tác tổ chức thực hiện cưỡng chế cũng có nhiều sai sót, gây thương vong cho lực lượng tham gia. Việc phá nhà có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương.

Vụ án phá nhà ông Vươn

Ngày 02/01/2013 cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hải Phòng khởi tố trong vụ án phá nhà Đoàn Văn Vươn, xử lý về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 của Bộ Luật Hình sự, nhưng được tại ngoại. Ngoài ra bốn cựu quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang khác cũng bị truy tố. Cựu Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh được xác định có vai trò chỉ đạo trong vụ phá nhà của gia đình ông Vươn. Ông Khanh cùng các bị can Phạm Xuân Hoa (cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) và Lê Thanh Liêm (cựu Chủ tịch xã Vinh Quang) có hành vi phạm tội "Hủy hoại tài sản" qui định tại khoản 3, Điều 143 BLHS. Riêng, cựu Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đặng Hoan vi phạm khoản 2, Điều 143 BLHS.
Ngày 8/4, 5 quan chức huyện Tiên Lãng, mà đã chỉ đạo phá dỡ nhà của anh em ông Vươn, bị Tòa án Hải Phòng đưa ra xét xử. Ông Lê Văn Hiền bị đề nghị mức án treo từ 15-18 tháng, tương tự như ông Phạm Đăng Hoan. Bị cáo duy nhất bị đề nghị mức án tù là ông Nguyễn Văn Khanh, với mức án đề xuất là từ 30 tháng đến ba năm. Các bị cáo còn lại, ông Phạm Xuân Hoa và ông Lê Thanh Liêm bị đề nghị mức án treo là 24-30 tháng. Viện công tố xác định thiệt hại của gia đình hai ông Vươn và Quý là 295 triệu đồng mà bốn bị cáo bị cáo buộc ‘hủy hoại tài sản’ phải bồi thường.

Nhận xét

Theo luật sư Trần Vũ Hải, làm việc tại Hà Nội,: "Số tiền vài trăm triệu không đáp ứng được tổn hại phát sinh từ cuộc cưỡng chế trái phép.", " Phải xử vụ thu hồi đất và cưỡng chế trái phép thì gia đình ông Vươn mới đòi bồi thường thiệt hại một cách đầy đủ được." Ông nhận định, tội "Hủy tài sản" mà các cựu quan chức bị xử trong vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là tội phụ. Phiên tòa, theo ông, "chỉ nhằm xoa dịu dư luận".

Vụ án Đoàn Văn Vươn

Ngày 2/4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn xảy ra tại đầm tôm của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5/1/2012 chính thức được đưa ra xét xử công khai. 6 bị cáo bao gồm Đoàn Văn Vươn (chủ đầm tôm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn. Phiên tòa sẽ có sự tham dự của 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Trong đó, có 11 luật sư đăng ký tham dự để bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm; có duy nhất một luật sư đăng ký bào chữa cho các bị hại trong vụ án này là Luật sư Dương Văn Thành (Đoàn luật sư Hải Phòng). 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957), Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị đề nghị truy tố trước tòa tội danh "Giết người" được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS, có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình. 2 bị cáo nữ trong vụ án này là Nguyễn Thị Thương, SN 1970, (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý SN 1982) bị đề nghị truy tố ra trước tòa tội danh "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Dư luận

  • Luật sư Trần Vũ Hải nói với BBC hôm 30/03,so sánh vụ án ở Cống Rộc, Tiên Lãng này với Bấm vụ án Nọc Nạn xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu từ thời Pháp thuộc mà trong đó các bị cáo chính, là nông dân người Việt đã phản kháng đàn áp, cưỡng bức ruộng đất và giết chết năm người của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến ở Nam Kỳ, đã được tha bổng:
"Trong phiên xử này, nhân dân hy vọng rằng tòa án của Việt Nam, nhà nước công nông Việt Nam, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của nông dân so với tòa án thực dân Pháp hoặc ít nhất là bằng."
" Đây là phiên xử thể hiện tính công minh của hệ thống tư pháp Việt Nam và là dịp để so sánh với hệ thống tư pháp của chế độ cũ"
  • Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook về điều ông gọi là "tội và công" của anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn:
"Về tội, anh Vươn chỉ làm "trầy da, tróc vảy" mấy cán bộ công an. Về công, anh thức tỉnh được ở tầm cao nhất. Tòa nên chiếu theo khoản 4, điều 8 của Bộ Luật Hình sự (Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác) để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các thành viên trong gia đình anh."
"Rồi lịch sử sẽ còn nhắc lại vụ Đoàn Văn Vươn. Bản án là sự lựa chọn để lại tiếng thơm hay để lại vết nhơ trăm năm cho Chế độ"
  • Ông Hồng Ngọc, cựu nhà báo của VietnamNet và Văn hóa - Thể thao đưa ra quan điểm:
"Dù ai cũng biết gia đình ông Vươn phạm pháp trong cuộc đáp trả ấy, thì phản kháng tuyệt vọng ấy cần phải được nhìn nhận theo hướng gia đình ông Vươn là nạn nhân, trước khi bị nhìn nhận như thủ phạm."
"Nếu phiên tòa xử gia đình ông Vươn tới đây được sử dụng như là cách thức để chính quyền trả thù những kẻ phản kháng, niềm tin ít ỏi còn lại vào công lý ở Việt Nam sẽ bị chà đạp, và bạo lực ở nơi này hay nơi khác sẽ lại tiếp diễn, nghiêm trọng hơn."
  • Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Châu Á, cũng đã lên tiếng về phiên xử trong thông cáo mới nhất gửi đến báo ngày 4/4:
"Sự liên quan giữa việc cưỡng chế đất với các quan chức tham nhũng, kết hợp với sự thiếu vắng của thủ tục tố tụng hợp pháp cũng như pháp luật là điều đang khiến vụ việc vang dội trong tâm trí những người dân Việt Nam,"

Bản án

Tòa án TP Hải Phòng đã tuyên án với ông Đoàn Văn Vươn và người thân vào ngày 5 tháng 4 năm 2013.
ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù; ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội Giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.

Tòa phúc thẩm

Đã có quyết định của tòa phúc thẩm là sẽ xem lại vụ án này vào ngày 29 tháng 7. Tuy nhiên cho tới bây giờ ngày 12 tháng 7 tòa án vẫn chưa cấp giấy để các luật sư vào tiếp xúc với các bị cáo, hiện đang bị giam giữ.

Đoàn Văn Vươn kiện ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng

Tháng 8-2009, ông Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện ra tòa yêu cầu ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định 461 về việc thu hồi diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình.Ngày 27-1-2010, TAND huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm bác đơn khởi kiện của ông Vươn. Ông Vươn kháng cáo bản án. Ngày 19-4-2010, ông Vươn có "đơn xin rút kháng cáo để ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tiếp tục giao đất" nên TAND TP Hải Phòng ra quyết định đình chỉ vụ án. Ngày 15-2-2012, Tòa hành chính TAND Tối cao xử tái thẩm, tuyên hủy quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, giao vụ án cho TAND huyện Tiên Lãng giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Sáng 30 tháng 10 năm 2013, HĐXX TAND huyện Tiên Lãng đã quyết định bác toàn bộ các yêu cầu đòi bồi thường của gia đình ông Vươn. Theo quan điểm của HĐXX, nhận thấy mặc dù quyết định thu hồi đất của ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng là không đúng quy định của pháp luật nhưng không gây thiệt hại về tài sản của gia đình ông Vươn. Theo HĐXX, diện tích, tài sản trên khu đầm của gia đình ông Vươn vẫn còn nguyên trạng, không bị phá hủy đến trước khi diễn ra cuộc cưỡng chế vào ngày 5-1-2012. Việc tài sản bị thiệt hại trong cuộc cưỡng chế đã được xét xử trong một vụ án hình sự trước đó nên không xem xét trong vụ án này. Kể từ khi ra quyết định thu hồi đất đến nay gia đình ông Vươn vẫn sử dụng diện tích đất này. Vì vậy HĐXX tuyên không có căn cứ để gia đình ông Vươn đòi bồi thường thiệt hại giá trị sử dụng đất và bác yêu cầu này.

Trần Ngọc Sương

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Ngọc Sương (sinh 1949) là một nữ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn là Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002. Cha của bà là ông Trần Ngọc Hoằng, người được xem là có công tổ chức khai hoang gần 7.000 ha đất ở vùng Hậu Giang. Cả hai cha con lần lượt giữ chức giám đốc Nông trường Sông Hậu, đã góp công lớn trong việc đưa Nông trường Sông Hậu trở thành một trong những đơn vị kinh tế Nhà nước nổi bật ở thời kỳ đổi mới và đều được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thân thế

Bà sinh ngày 17 tháng 8 năm 1949 tại Bạc Liêu. Cha của bà là ông Trần Ngọc Hoằng, còn gọi là Năm Hoằng, là một nông dân thoát ly gia đình làm sĩ quan Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà là con thứ 2 trong gia đình, nên theo thông lệ vùng Nam Bộ, bà còn có tên thân mật là Ba Sương.
Thuở nhỏ, bà đi học tại Bạc Liêu, trong khi cha bà thoát ly hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1965, bà đoạt giải nhất cuộc thi nữ công gia chánh tỉnh Bạc Liêu, khi mới 16 tuổi. Do thành tích này, bà được nhận vào học tại Trường Cao đẳng nữ công gia chánh Bạc Liêu. Sau khi ra trường, bà làm nghề giáo viên ở nhiều nơi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Góp sức với Nông trường Sông Hậu

Sau khi chiến tranh kết thúc, cha bà giải ngũ với cấp bậc Thiếu tá, trở về công tác tại địa phương với chức vụ Phó giám đốc Ty Nông nghiệp Hậu Giang. Do ảnh hưởng của cha, bà bỏ nghề giáo viên để theo nghề nông, theo học khóa I Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ. Tháng 4 năm 1979, cha bà được cử làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu vừa mới thành lập, cùng với 16 cán bộ trẻ, với nhiệm vụ khai hoang một vùng đất rộng lớn còn hoang hóa ở vùng Hậu Giang.
Sau khi ra trường năm 1981, bà về công tác tại Nông trường Sông Hậu một thời gian trước khi được cử đi làm nghiên cứu sinh về quản lý kinh tế trên đại học ở Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp và về nước, bà tiếp tục về công tác tại Nông trường Sông Hậu và trở thành một phụ tá đắc lực cho cha mình.
Nhờ sự nỗ lực của cha con bà và các cộng sự, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đất hoang hóa thời chiến tranh đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú. Trong những năm kinh tế khó khăn của thời bao cấp, Nông trường Sông Hậu là một trong số ít đơn vị mà đời sống nhân viên cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Chính vì thành tích này, năm 1985, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nông trường Sông Hậu và Giám đốc Trần Ngọc Hoằng chỉ sau 6 năm xây dựng.
Bước vào thời kỳ đổi mới với kiến thức có được, bà đã tham gia vạch ra những kế hoạch, chiến lược để biến vùng đất Sông Hậu bị thiên tai ngập lụt thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lo được đời sống cho hàng chục ngàn nông dân tại đây. Năm 1990, bà được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ngày 31 tháng 10 năm 1992, Nông trường Sông Hậu được chuyển đổi trở thành doanh nghiệp Nhà nước và bắt đầu thu hút nhiều nông dân vào làm ăn và cũng nhiều lần được đón tiếp các đoàn lãnh đạo đến thăm trong đó có Tổng bí thư Đỗ Mười. Năm 1995, bà được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bốn năm sau, bà được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2000, cha bà qua đời. Để kỷ niệm công lao của ông, một ngôi trường Trung học dành cho con em nhân viên nông trường được đặt tên ông. Bà được bổ nhiệm kế vị cha mình trong chức vụ Giám đốc. Cũng trong năm này, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là trường hợp hiếm hoi trong cả nước mà trong một gia đình cả cha và con cùng được phong danh hiệu cao quý này.
Năm 2002 bà được trao tặng danh hiệu Người Phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là một danh hiệu cao quý của thế giới dành cho người phụ nữ Việt Nam với giải thưởng 10.000 USD. Bà đã tặng số tiền này cho Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Thành phố Cần Thơ.
Năm 2007, Nông trường Sông Hậu là một trong số những doanh nghiệp tiêu biểu cả nước được trao "Giải thương hiệu mạnh Việt Nam". Trong dịp này, bà cũng được tặng danh hiệu "Người phụ nữ tài năng toàn quốc".
Trong suốt 28 năm gắn bó với Nông trường Sông Hậu, 21 năm liền bà là Chiến sĩ thi đua các cấp, nhận được nhiều bằng khen ở các cấp Trung ương - địa phương và các tổ chức Đoàn - Đội, 11 Huy chương Vì sự nghiệp của các tổ chức Đoàn Hội các Bộ. Bà cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong 10 năm liền qua 2 nhiệm kỳ khóa V và khóa VI.
Là lãnh đạo của một doanh nghiệp thành đạt, nhưng cho đến khi nghỉ hưu, bà vẫn không có nhà riêng cũng như không có một gia đình của riêng mình. Dù vậy, hàng nghìn nhân viên nông trường đều xem cha con bà là những ân nhân và là những người trong gia đình mình.

Vụ án Nông trường sông Hậu

Ngay từ năm 2005, Thành ủy Cần Thơ ra chỉ đạo chuyển toàn bộ đất của 2 Nông trường Cờ Đỏ và Sông Hậu sang đất công nghiệp. Chủ trương tước đoạt đất sản xuất và tác động trực tiếp tới đời sống của 3000 nông dân nông trường. Là lãnh đạo của Nông trường Sông Hậu, bà tỏ ý không tán thành chỉ đạo này. Quan điểm của bà được dư luận và một số chính khách có tên tuổi ủng hộ. Ngày 5 tháng 8 năm 2008, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thành ủy Cần Thơ về việc không tán thành chủ trương của Thành ủy. Do áp lực dư luận, Thành ủy Cần Thơ buộc phải ngưng thực hiện chỉ đạo này.
Từ giữa năm 2006, Nông trường Sông Hậu thường xuyên bị thanh tra và kết tội quản lý lỏng lẻo gây thất thoát tài chính. Dù sau đó, bà và các lãnh đạo Nông trường đã tìm cách khắc phục, Đầu 2008, bà được "gợi ý" nghỉ hưu với lý do quá tuổi (tuổi nghỉ hưu theo quy định của nữ công chức là 55 tuổi) và nhường vai trò lãnh đạo cho lớp trẻ.
Sự việc không ngừng lại ở đó. Ngày 9 tháng 9 năm 2008, bà bị khởi tố về hành vi lập quỹ đen trái phép nhiều tỷ đồng. Ngày 11 tháng 8 năm 2009, bà mới bị đưa ra xét xử tại tòa sơ thẩm, TAND huyện Cờ Đỏ đã xử phạt bà Sương 8 năm tù tội "lập quỹ trái phép", buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỉ đồng  , tuy nhiên bà đã kháng cáo. Đến ngày 19 tháng 11 phiên phúc thẩm diễn ra giữ nguyên bản án từ phiên sơ thẩm. Trong lần xét xử thứ hai, phiên tòa đã thu hút nhiều dư luận, trong đó có cả cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Bên cạnh đó đã xuất hiện đơn của hơn 100 nông trường viên xin ở tù giùm cho bà. Bản thân bà luôn kêu oan và cho rằng mình là nạn nhân của vụ việc. Luật sư của bà cho biết vụ án này là vi phạm nghiêm trọng bộ luật Tố tụng hình sự. Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nêu quan điểm đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh "lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu, đồng thời xử lý các sai sót của bà Trần Ngọc Sương trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.
Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận, ngày 19 tháng 1 năm 2012, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án Nông trường Sông Hậu và đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với từng bị can 
Ngày 09/02/2012 bà Sương đã được khôi phục sinh hoạt Đảng.

Trở lại thương trường

Ngày 25/7/2013, bà thành lập công ty TNHH chế biến hàng nông sản mang tên Ba Sương ở TP.HCM.
Ngày 13/8, bà được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm quyền giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu (cơ sở mà bà và cha đã lập ra), sau khi chủ tịch HĐQT cũ đã từ chức và ông giám đốc bị đình chỉ chức vụ, khi công ty gặp khó khăn.

Hơn 100 chữ ký 'xin ở tù thay' bà Trần Ngọc Sương

Sáng nay, với tình trạng sức khỏe ổn định, bà Trần Ngọc Sương đã có mặt tại tòa án. Trước đó, 110 người ở Nông trường Sông Hậu đã ký đơn xin ở tù thay vị nữ giám đốc từng nhận danh hiệu Người phụ nữ ấn tượng châu Á này.
 
Sau 2 lần hoãn xử, ngày 19/11, TAND TP Cần Thơ đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ "lập quỹ trái phép" xảy ra tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) theo đơn kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc Sương (nguyên giám đốc) cùng các thuộc cấp gồm: Trương Hồng Nhung (nguyên phó giám đốc), Đặng Thế Quốc Hưng, (nguyên kế toán) và Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ).
Trước đó, ngày 15/8, tòa án huyện Cờ Đỏ đã tuyên phạt bà Sương 8 năm tù, bà Nhung 6 năm, ông Hưng 4 năm và ông Sơn 3 năm cùng về tội "lập quỹ trái phép".
Không đồng tình với mức án tòa sơ thẩm đã tuyên, 110 nông trường viên đã ký vào một lá đơn “xin được ở tù thay” cho nguyên giám đốc Sương, gửi đến Thường trực - Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ, Chánh án, Viện trưởng VKS TP.
fdg
Bà Sương tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Tố Nhi.
Trong đơn, những người nhận có mặt từ những năm NTSH thành lập cho đến nay (ít nhất cũng gần 30 năm) cho rằng, mức án 8 năm tù và phải đền bù thiệt hại với số tiền hơn 4 tỷ đồng đối với bà Sương là quá khắt khe. "Một vị giám đốc suốt đời chỉ biết hy sinh lặn lội khắp nơi để tìm giống cây tốt, kỹ thuật chế biến, tìm kiếm khách hàng để có đầu vào và đầu ra nhằm mang lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho bà con nông dân chúng tôi", lá đơn nêu.
Những nông trường viên trên cũng bày tỏ sự biết ơn cha con bà Sương. "Chúng tôi xin được ở tù thay cho cô Ba Sương nếu tòa quyết đưa cô vào tù. Mỗi người xin ở tù thay cho cô Sương một tháng vì tội của cô là tội chỉ lo cho mọi người chứ không có động cơ vụ lợi cho cá nhân…”, các nông trường viên đề xuất.
Bản thân bị cáo Trần Ngọc Sương cũng làm đơn kháng cáo cho rằng mức án trên là thiếu công bằng, không đúng pháp luật và phiên tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Việc buộc bị cáo bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng là suy diễn không đúng pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo.
Theo cáo buộc của tòa cấp sơ thẩm, trong quá trình giữ chức vụ giám đốc NTSH từ năm 2001 đến năm 2007, bị cáo Trần Ngọc Sương đã móc nối với cấp dưới gồm tự ý thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách kế toán một số khoản thu từ: bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn, chi tiếp khách... Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện xảy ra tại NTSH đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn đề nghị VKS cùng cấp khởi tố vụ án, điều tra làm rõ hành vi “tham ô tài sản” đối với bị cáo Sương trong việc chi tùy tiện hơn 1,1 tỷ đồng.
Tố Nhi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét