Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

BÍ ẨN KHẢO CỔ 29

(ĐC sưu tầm trên NET)

Phát hiện mộ đại thi hào Cervantes

Các nhà khoa học Tây Ban Nha hôm qua khẳng định đã thấy nơi chôn cất đại thi hào Cervantes, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển "Don Quixote".

Tìm thấy quan tài của đại thi hào Cervantes

Phát hiện mộ đại thi hào Cervantes
Các chuyên gia đang kiểm tra những vật liệu được tìm thấy tại hầm mộ tu viện Trinitarians. (Ảnh: EPA)
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, nhóm nghiên cứu do Francisco Etxeberria dẫn đầu tự tin thông báo rằng họ đã tìm thấy quan tài của Cervantes trong hầm mộ của tu viện Trinitarians, gần 400 năm sau khi nhà văn qua đời. Các ghi chép lịch sử chỉ ra rằng Cervantes được chôn cất tại khu vực này, nhưng thi thể ông bị thất lạc khi xây dựng tu viện.
"Chúng tôi đã tìm thấy Cervantes. Nhưng không may xương cốt đã bị phân mảnh và phân hủy", CNN dẫn lời phát biểu của Etxeberria trên truyền hình quốc gia. Hiện chưa có bằng chứng chính xác hoặc thử nghiệm ADN để xác minh các kết quả này, nhưng có "nhiều điểm trùng hợp và không có yếu tố thiếu nhất quán" khi xác định Osario 32, một ngôi mộ chung trong hầm mộ chứa hài cốt của 16 người.
Theo Etxeberria, quá trình tìm kiếm bắt đầu từ năm ngoái. Nhờ áp dụng công nghệ radar, camera hồng ngoại và máy quét 3D, họ định hình khoảng 30 hốc chôn trên các bức tường và vị trí cách mặt sàn nhà thờ khoảng 5 m.
Cervantes sinh năm 1547 tại Madrid. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển Don Quixote of La Mancha (Don Quixote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha) và được coi là cha đẻ của tiểu thuyết hiện đại. Đại thi hào qua đời vào ngày 23/4/1616.
Trước đó, các nhà khoa học từng hy vọng công việc của họ sẽ hoàn thành trước năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của hai đại văn hào thế giới là Cervantes và Shakespeare.
Theo VnExpress

Phát hiện gây sốc: Châu Á mới là cái nôi của nghệ thuật

Các nhà khoa học vừa xác định những bức vẽ trong một hang động ở đảo Sulawesi (Indonesia) có tuổi đời lên đến 40.000 năm.

Phát hiện trên cho thấy châu Á, chứ không phải châu Âu, mới là nơi nghệ thuật trừu tượng ra đời.
Theo AFP, các bức vẽ trong hang động ở vùng Maros thuộc miền nam Sulawesi đã được phát hiện từ 50 năm trước đây. Tuy nhiên đến tận bây giờ các nhà khoa học thuộc ĐH Griffith và ĐH Wollongong ở Úc mới xác định được chúng có niên đại lên tới 40.000 năm.
Phát hiện gây sốc: Châu Á mới là cái nôi của nghệ thuật
Phát hiện gây sốc: Châu Á mới là cái nôi của nghệ thuật
Các bức tranh có tuổi đời từ 35.400 - 40.000 năm trong hang động ở Sulawesi, Indonesia - (Ảnh: Nature)
Các bức tranh trong hang động vẽ thú vật hoang dã, hình người và cả dấu tay người. Tiến sĩ Maxime Aubert thuộc ĐH Griffith cho biết hình các bàn tay trên tường đá có niên đại 39.900 năm. Hình một chú heo có niên đại ít nhất 35.400 năm.
Một số hình vẽ khác có niên đại 27.000 năm. Điều đó có nghĩa là các cư dân ở Maros đã liên tục vẽ tranh trong hang động suốt 13.000 năm. Các chuyên gia cũng phát hiện nhiều tranh vẽ trong một hang động khác ở Bone, cách Maros khoảng 100km.
Các bức tranh ở Bone cũng có cùng phong cách nghệ thuật với tranh ở Maros và có thể được vẽ trong cùng thời kỳ.
Giáo sư Chris Stringer thuộc Viện Bảo tàng tự nhiên London (Anh) nhận định phát hiện ở Indonesia cực kỳ quan trọng bởi nó cho thấy quan điểm rằng sự sáng tạo nghệ thuật có nguồn gốc sơ khai ở châu Âu và chỉ phát triển ở các khu vực khác rất lâu sau đó là hoàn toàn sai lầm.
Học giả Will Roebroeks thuộc ĐH Leiden nhận định phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, với sự phát triển của loài người. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng có đủ bằng chứng cho thấy con người đã biết sáng tạo nghệ thuật từ châu Phi 60.000 năm trước và đi khắp thế giới.
Theo Tuổi Trẻ

Phát hiện cách khắc họa "ông Trời" của người cổ đại

Bức họa được các nhà khoa học phát hiện trong hang động này cho thấy góc nhìn về bầu trời và vũ trụ của những người xưa...
Mới đây, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra một loạt những bản khắc và hình vẽ được đặt có chủ ý ở ngoài trời và trong hang của nhóm người tiền sử Mỹ bản địa miêu tả sự hiểu biết của họ về bầu trời, vũ trụ và thế giới xung quanh.
Jan Simek - nhà khảo cổ học tại Đại học Tennessee cho biết: "Đối tượng chính của các tác phẩm này mà những người tiền sử Mỹ bản địa muốn thể hiện thuộc loại vũ trụ thần thoại. Họ vẽ những bức tranh về người chim - vốn là nhân vật quan trọng trong nhiều câu chuyện và anh hùng thần thoại. Vì vậy, chúng tôi biết rằng, nó thuộc về tín ngưỡng. Điều này cho chúng ta biết đến một vũ trụ đa tầng hơn - nền tảng của vũ trụ học".
Phát hiện cách khắc họa "ông Trời" của người cổ đại
Tranh vẽ bằng than chì đen tại một hang ở Tennessee.
Simek và các đồng sự còn nghiên cứu 44 điểm lộ thiên và 50 hang khác. Ông nhận thấy, những phác họa sớm nhất về loại phân tầng vũ trụ này cách đây khoảng 6.000 năm trước, nhưng hầu hết là có khoảng thời gian từ thế kỷ XI - XVII.
Những nhà nghiên cứu còn nhận thấy, có một số loại bản vẽ được phát hiện ở những điểm lộ thiên trên vùng cao - nơi được Mặt trời chiếu sáng. Chúng sẽ được coi là "thế giới bên trên" - nhằm phác họa sức mạnh của thời tiết, hay miêu tả những "người trời" có ảnh hưởng mạnh tới con người.
Bức họa và tranh khắc "thế giới bên dưới" được tìm thấy ở vùng tối như trong hang động. Thường thì tầng lớp này của thế giới được liên hệ với cái chết, bóng tối và hiểm nguy.
Thế giới ở tầng trung - hay còn được gọi là "trần gian" tượng trưng cho những gì diễn ra xung quanh người tiền sử. Những bức họa được tìm thấy trong môi trường cả ngoài trời và trong hang. Simek cho rằng: "Lớp vũ trụ này là một sân khấu dành cho các diễn viên đa dạng bao gồm các anh hùng, quái vật và những sinh vật có thể qua lại giữa các lớp".
Simek nói thêm: "Cho dù những khắc họa của nhiều diễn viên được nhìn thấy trong khu vực có độ cao thấp, trung bình, cao khác nhau nhưng màu sắc đều liên quan tới cấu trúc vũ trụ". Các nhân vật được vẽ bằng màu đỏ thể hiện màu của sự sống - được tìm thấy trong các khu vực cao hơn, trong khi màu đen được dùng để vẽ những hình ở tầng lớp dưới thấp hơn. Theo Simek, những bản khắc họa này về vũ trụ sẽ là nguồn cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu về thế giới hiện đại.
Theo Trithuctre, Livescience

Bí ẩn dấu tay trong hang động xa xưa


Các bức tranh nghệ thuật trong hang động thời xa xưa với hình ảnh bàn tay vốn được cho là sản phẩm của các thợ săn nam. Nhưng, một nghiên cứu mới đây cho thấy đó là dấu bàn tay của những phụ nữ thời ấy.

Bí ẩn dấu tay trong hang động xa xưa
Ảnh: tierraspatagonicas.com
Những phát hiện này làm thay đổi lý thuyết khảo cổ học cho rằng các nghệ sĩ cổ đại là đàn ông, họ ghi lại các chiến tích và hình họa của các loài thú như bò rừng, tuần lộc, ngựa và voi ma mút… Nhà khảo cổ học Dean Snow tại Đại học bang Pennsylvania đã thực hiện nghiên cứu của mình từ một thập niên trước, nối tiếp công trình của John Manning, nhà sinh vật học người Anh cho rằng ngón tay của đàn ông và phụ nữ có độ dài tương đối khác nhau.
Hình ảnh bàn tay đầy màu sắc được tìm thấy trong hang động nổi tiếng Pech Merle ở miền nam nước Pháp. Snow nói với tạp chí National Geographic rằng thoạt đầu nhìn vào ông cho rằng đó là bàn tay đàn ông, nhưng qua nghiên cứu của Manning thì đó chắc chắn là dấu bàn tay phụ nữ. Một thuật toán qua máy tính với dữ liệu về bàn tay của người châu Âu đã chỉ ra 75% những bàn tay nghệ thuật in trên hang động là giới nữ. Phát hiện này cho thấy vai trò phụ nữ trong xã hội thời tiền sử là lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Theo Daily Mail thì hình ảnh các dấu tay trong hang động có cách đây 12.000 - 40.000 năm; không chỉ được tìm thấy ở Pháp mà còn có ở Tây Ban Nha, châu Phi, Úc, Argentina và Borneo. Tuy nhiên phát hiện này vẫn còn gây tranh cãi vì Giáo sư R.Dale Guthrie thực hiện nghiên cứu tương tự lại cho rằng đó là dấu tay của trẻ vị thành niên.
Theo Thanh Niên

Người cổ đại biết làm trang sức từ 130.000 năm trước

Người Neanderthal ở châu Âu đã biết sử dụng móng vuốt đại bàng làm đồ trang sức từ cách đây 130.000 năm.

Từ 130.000 năm trước con người đã có nhu cầu làm đẹp

Các nhà khoa học thuộc Đại học Kansas, Mỹ, phát hiện 8 móng vuốt đại bàng đuôi trắng, trong đó 4 cái có vết khía hình chữ V và nhiều vết cắt. Vị trí tìm kiếm là hang động của người Neanderthal ở Krapina, Croatia. Họ cho biết những móng vuốt này từng được gắn với nhau, tạo thành vòng cổ hoặc vòng đeo tay.
Người cổ đại biết làm trang sức từ 130.000 năm trước
Tám móng vuốt đại bàng khai quật tại Krapina, Croatia. (Ảnh: Luka Mjeda, Zagreb)
"Khám phá thực sự rất tuyệt vời. Nó phù hợp với thực tế là người Neanderthal có nhiều yếu tố hiện đại hơn trong hành vi của họ", Live Science dẫn lời David Frayer, tác giả nghiên cứu, cho hay.
Bề mặt của móng vuốt trông khá bóng mịn, có lẽ là do được bọc trong một số loại sợi, hoặc cọ xát vào bề mặt của móng vuốt khác. Theo Frayer, móng vuốt chim đại bàng không dễ tìm.
Tại địa điểm khảo cổ, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy hơn 900 chiếc xương của người Neanderthal, có niên đại từ 120.000 đến 130.000 năm. Họ phát hiện nhiều công cụ đá, lò sưởi, xương tê giác, xương gấu, và không có dấu hiệu cư ngụ của người hiện đại Homo sapiens.
Theo VnExpress

Vỏ sò niên đại 80.000 năm – đồ trang sức cổ xưa nhất trên trái đất

Gần đây, người ta khai quật được vỏ sò tại bốn địa điểm thuộc Morroco. Điều này củng cố giả thuyết cho rằng từ 80.000 năm trước, con người không chỉ đeo đồ trang sức biểu tượng mà còn đem chúng làm vật trao đổi. Những vỏ sò này góp thêm vào bộ sưu tập vỏ sò 110.000 năm tuổi được tìm thấy tại Algeria, Morocco, Israel và Nam Phi, chứng tỏ rằng đây là hình thức trang sức cổ xưa nhất trái đất. Thông tin này được báo cáo tại Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.
Trong một phần của chương trình “Nguồn gốc loài người, ngôn ngữ và các ngôn ngữ” do Quỹ khoa học Châu Âu thực hiện, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 25 vỏ sò biển có niên đại từ 70.000 tới 85.000 năm tại Morroco. Những vỏ sò này có lỗ ở giữa. Vài chiếc có dấu vết chất nhuộm màu và có vẻ như đã được đeo khá lâu. Điều này cho phép đưa ra giả thuyết chúng có thể đã được dùng như đồ trang sức.
Vỏ sò được tìm thấy ở tất cả các địa điểm trên đều có cùng niên đại và cùng thuộc loài sò Nassarius. Việc những vỏ sò này được dùng với công năng tương tự nhau ở nhiều khu vực gợi ý rằng đây là một hiện tượng văn hoá, một truyền thống lan truyền trong các nền văn hoá suốt hàng ngàn năm. Một số địa đỉểm mà ngừơi ta tìm thấy vỏ sò ở rất sâu trong đất liền. Do đó, chắc hẳn vỏ sò đã được mang từ nơi khác đến một cách có chủ đích.
Francesco d’Errico, tác giả chính và là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho biết “Có hai giả thiết lý giải điều này. Một là người ta đã đi ra biển và thu thập vỏ sò. Hai là những vỏ sò này đã giúp hình thành và duy trì mạng lưới trao đổi giữa cư dân vùng biển và cư dân trong đất liền. Mạng lưới này cũng góp phần vào trao đổi các đồ vật khác, cũng như giao lưu về văn hoá và giống nòi. Vì thế, những vỏ sò này giúp hé lộ mối liên hệ giữa nhận thức và văn hoá.”
Đối với giới khoa học, vỏ sò không đơn giản chỉ là vật làm đẹp. Chúng đại diện cho một công nghệ cụ thể truyền tải thông tin thông qua một ngôn ngữ đã được mã hoá. Điều này phản ánh tư duy tiến bộ và sự phát triển của các dòng văn hoá hiện đại, cung cấp chứng cứ cho thấy hành động đột phá này có thể liên quan tới sự phát tán cư dân ra ngoài Châu Phi.
Vỏ sò đục lỗ trong tầng khảo cổ có niên đại từ 73.400 đến 91.500 năm tại Taforalt. (Ảnh: d'Errico/Vanhaeren)
‘d Errico cho biết thêm “Phát minh ra đồ trang sức cá nhân là một trong các cuộc thử nghiệm văn hoá thú vị nhất trong lịch sử loài người. Thành phần chung giữa các đồ trang sức chính là thông điệp mà người cổ xưa muốn gửi tới nhau. Chúng truyền tải hình ảnh của con người chứ không chỉ là một vật thể sinh học bình thường.”
Tới gần đây, người ta vẫn cho rằng sự phát minh ra đồ trang sức cá nhân trùng hợp với tiến trình thực dân hoá Châu Âu vào 40.000 năm trước, là kết quả của tư duy tiến bộ và sự phân tán dân cư. Quan điểm này bị bác bỏ bởi phát hiện năm 2006. Người ta đã tìm thấy vỏ sò ở Châu Phi và Cận Đông có niên đại khoảng 35.000 năm. Điều này chứng tỏ lối tư duy thể hiện bằng biểu tượng xuất hiện từng bước trong quá trình tiến hoá của con người.
Điều đáng ngạc nhiên là, vỏ sò không có mặt trong các tài liệu khảo cổ ghi chép tại Châu Phi và Cận Đông vào 70.000 năm trước - thời điểm xuất hiện các đột phá về văn hoá như việc khắc trên đất hoàng thổ, sử dụng dụng cụ làm từ xương động vật và chế tạo ra vật để lao, phóng. 30.000 năm sau, đồ trang sức cá nhân lại tái xuất hiện tại Châu Phi và Cận Đông và lần đầu có mặt tại Châu Âu và Châu Á. Điều này phản ánh một giai đoạn độc lập khác trong sự phát triển của cư dân.
Những đột phá văn hoá biến mất tạm thời có thể liên quan tới việc dân số giảm sút trong suốt thời kì khí hậu khắc nghiệt khoảng từ 60.000 tới 73.000 năm trước. Môi trường tự nhiên khắc nghiệt đã chia tách cư dân và làm gián đoạn mạng lưới trao đổi và giao lưu xã hội.
Trong nghiên cứu này, 21 dự án và 44 nhóm nghiên cứu độc lập từ 12 quốc gia Châu Âu đã cùng thành lập Qũy khoa học Châu Âu EUROCORES và điều hành chương trình “Nguồn gốc loài người, ngôn ngữ và các ngôn ngữ”. Sự hợp tác này quy tụ nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó phải kể đến ngành công nghệ gen, ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học, thần kinh học và khoa học nhận thức.
Tiến sỹ Eva Hoogland, điều phối ngành khoa học nhận thức của EUROCORES cho biết “Nghiên cứu này là một ví dụ hay về môi trường làm việc có sự tham gia của nhiều ngành khoa học. Một số vấn đề, ví dụ như mối liên hệ giữa nhận thức con người và văn hoá chỉ có thể được giải quyết nếu có sự hợp tác của các nhà khoa học thuộc các chuyên môn khác nhau.”
Nghiên cứu này cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ Hội đồng nghiên cứu môi trường thiên nhiên, Viện Hàn lâm Anh, Đại học Oxford, Anh; Hội Max Planck, Đức.
G2V Star (Theo ScienceDaily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét