Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 76

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ai là vị trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt?

Ai la vi trang nguyen dau tien cua Dai Viet?

- Nhân dịp kỷ niệm 765 năm (1246 - 2011) nước ta có học vị Trạng nguyên, xin trân trọng giới thiệu đôi nét về vị Trạng nguyên đầu tiên đầy tài năng và ân đức của nước Đại Việt - ông Nguyễn Quan Quang.

Trong lịch sử khoa cử nho học Việt Nam, kể từ khoa thi đầu tiên, gọi là thi nho học tam trường vào năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông, trải qua hơn 100 năm, năm 1239, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 đời vua Trần Thái Tông, đã có 5 kỳ thi đại khoa, nhưng triều Lý và đầu triều Trần đều chưa lấy đậu trạng nguyên.
Các vị đỗ đầu như Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích, Bùi Quốc Khái, Trương Hanh và Lưu Miễn chỉ được lấy đỗ đầu nhất giáp... Phải tới khoa thi thứ 6 (khoa Đại tỉ thủ sĩ) vào năm Bính Ngọ (1246), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15, đời vua Trần Thái Tông mới đặt danh hiệu Tam khôi (Trạng nguyên - Bảng nhãn - Thám hoa) và Nguyễn Quan Quang đã đậu Trạng nguyên, Phạm Văn Tuấn đậu Bảng nhãn, Vương Hữu Phùng đậu Thám hoa (theo Các nhà khoa bảng Việt Nam).
Như vậy, ông Nguyễn Quan Quang là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta. Ông người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
"Thần đồng" học lỏm
Trong cuốn Văn hiến Kinh Bắc, có truyện kể về Nguyễn Quan Quang như sau: Ông sinh trong một gia đình nghèo không có tiền gạo theo học, lúc bé thường phải lân la ngoài cửa lớp nghe thầy dạy bọn học trò trong làng học sách Tam tự kinh, rồi ngồi ngay trước sân dùng gạch non viết chữ xuống nền gạch. Một hôm tan học, thầy chợt để ý thấy sân nhà có nhiều chữ, nét chữ như phượng múa rồng bay. Thầy kinh ngạc nói rằng: " Đây mới chính là trò giỏi!". Nói rồi, thầy gọi Quan Quang đến và cho vào học.
Quan Quang nổi tiếng thông minh học một biết mười. Chẳng bao lâu, ông đã lầu thông kinh sử, ứng khẩu thành thơ, luận bàn việc đời thông thái uyên thâm. Gặp khoa thi Hương, ông ứng thi đậu Giải nguyên. Đến thi Hội lại đậu Hội nguyên, khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại Tỉ thủ sĩ, ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên).
Người đương thời cũng như người đời sau đều gọi ông là "ông Tam nguyên".
Chỉ một hành động mà làm tướng giặc tái mặt
Sau khi vinh quy bái tổ, ông vào chầu vua để được ra xuất chính. Bấy giờ quân xâm lược Mông Cổ tiến đến biên giới, lăm le đợi ngày xâm chiếm nước ta. Vua ra chiếu cử Nguyễn Quan Quang sang thương nghị với giặc. Tên tướng giặc nổi tiếng là kiêu hùng và thâm thúy cho rằng, Quan Quang đến là để mang ba tấc lưỡi thuyết khách, hắn bèn nghĩ cách dùng uy để chế áp ông.
Nhân đi qua ao bèo, hắn vớt một cây bèo lên, nắm gọn trong lòng bàn tay rồi bóp chặt. Lát sau, hắn mở ra chìa cho Quan Quang xem: Cây bèo đã nát vụn, thế rồi hắn cười sằng sặc ra chiều đắc ý lắm. Quan Quang hiểu rằng tướng giặc tỏ ý coi nước Việt như những cánh bèo non yếu chỉ cần khẽ đánh là tan. Ông liền nhặt một hòn đá rất to, rồi ném xuống giữa ao. Bèo dạt ra một khoảng trống, nhưng chỉ giây lát sau những cánh bèo tụ lại kín mặt ao. Tướng giặc tái mặt hiểu thâm ý của Quan Quang: Người Việt bao giờ cũng đoàn kết toàn dân để bảo vệ giang sơn, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được. Sau đó, tướng giặc đã hoãn binh mà không dám tiến quân sang xâm lược nước ta ngay.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258), Nguyễn Quan Quang có nhiều cống hiến nên được nhà vua thăng đến chức Bộc xạ (tương đương Tể tướng). Khi làm quan ông hết lòng vì dân vì nước, thanh liêm, trung thực, được trong triều ngoài dân mến phục cả về tài lẫn về đức. Khi tuổi già, ông về quê hương mở trường dạy học, sống một cuộc đời thanh đạm. Người dân Tam Sơn cho rằng, ông là người khai sáng nền Hán học của quê hương, mở đường cho đất "Ba Gò" sau này có "một kho nhân tài"... Nơi Nguyễn Quan Quang dạy học về sau dân dựng lên một ngôi chùa để tưởng nhớ đến người "sống như tu", gọi là chùa Linh Khánh.
Ngôi chùa ấy nay không còn nữa, nhưng vẫn còn một cây hương đá tạc vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697), trong đó ghi công đức của Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang với dân làng. Sau khi Nguyễn Quan Quang mất, dân làng lập đền trên núi Viềng, để thờ ông làm Thành hoàng, gọi là Bản thổ thành hoàng, đại vương phúc thần. Triều đình cũng truy phong ông là Đại tư không.
Hằng năm cứ vào dịp 22 tháng chạp âm lịch, dân làng lại tổ chức "Tế phong mã" để tưởng nhớ tới vị trạng nguyên tài năng và đầy ân đức, cũng là để nhắc nhở các thế hệ con cháu nối tiếp truyền thống hiếu học, yêu dân, yêu nước của tổ tiên.
Hồng Đức

NGUYỄN HIỀN - TRẠNG NGUYÊN TRẺ NHẤT VIỆT NAM
Nguyễn Hiền vốn quê làng Hà Dương (tỉnh Nam Định).
Cậu bé Hiền mồ côi cha, phải cùng mẹ sống trong một túp lều thuộc khuôn viên chùa làng. Nương nhờ cửa Phật, nhà sư dạy cho cậu bé chữ thánh hiền, mỗi buổi phải học xong mười tờ giấy.
Khi đọc sách, chỉ cần liếc qua, Nguyễn Hiền đã thuộc làu. Ban đêm, không có tiền mua dầu thắp, chú tiểu Nguyễn Hiền bắt đom đóm, bỏ vào vỏ trứng làm đèn, nấu sử sôi kinh. Năm 11 tuổi, Nguyễn Hiền đã đọc hết pho sách của nhà chùa.
Nguyễn Hiền thi đình, đỗ trạng nguyên (tiến sĩ thứ nhất) lúc mới 13 tuổi. Tại lễ triều kiến các vị tân khoa, nhà vua Trần Thái Tông (1225-1258) thấy trạng quá nhỏ tuổi, bèn hỏi:
- Trạng nguyên học với ai?
- Thưa, tự học, chỗ nào không biết thì hỏi sư ông.
Thấy trạng chưa biết cách xưng hô, nhà vua lệnh cho trạng về quê quán, hẹn ba năm sau sẽ cho vào triều và được phong quan.
Cậu "trạng non" - dân làng quen gọi một cách thân mật - về quê, vẫn ở chùa và làm ruộng. Được ít lâu, sứ thần Tàu sang tấu trình nhà vua một bài thơ, thách nhân tài nước Nam giải.
Bài thơ 4 câu, 5 chữ, như sau:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành giang.
Vua và cả triều đình không ai giải nổi nghĩa. Vua phải sai quân quan đưa kiệu lọng cờ quạt vời Trạng Hiền vào triều. Vừa đến Thăng Long, Trạng Hiền vào chầu ngay. Chỉ liếc qua bài thơ, cậu trạng non liền nói:
- Câu đầu có hai chữ nhật (ngày). Đọc xuôi, đọc ngược, hai chữ đó đều bằng đầu nhau. Câu thứ hai, đọc ngược, đọc xuôi, đọc ngang, đọc dọc gì đi nữa thì cũng do bốn chữ sơn (núi) ghép lại mà thành. Câu thứ ba là hai chữ vương (vua). Hai chữ vương, đọc dọc và đọc ngang đều ở trong bốn cạnh. Bốn cạnh dính liền nhau tượng trưng biên giới của một nước. Câu thứ tư là bốn chữ khẩu (miệng), đọc ngang, đọc dọc cũng giống nhau. Bốn chữ khẩu dính vào nhau.
Tóm lại cả bốn câu thơ chỉ tả một chữ điền (ruộng).
Lời giải của ông trạng non làm cho cả triều đình mát mặt, còn sứ thần chỉ đành bái phục sự thông minh của người dân đất Việt.

Người họ Trương nổi tiếng khoa bảng thời Trần



Căn cứ vào “Đại Việt sử ký toàn thư” và một số thư tịch (gia phả, thần phả, văn bia...) thời Trần dòng họ Trương có sự thăng hoa rực rỡ về đường học hành thi cử. Trong các kỳ thi Đình, họ Trương đã có 4 người đỗ đạt cao (2 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 1 Tiến sĩ) và đều giữ trọng trách đặc biệt trong triều chính (Hàn lâm học sĩ, Thượng thư, Ngự sử đại phu):

Bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
1. Trạng nguyên Trương Hanh:  đỗ đệ nhất giáp kỳ thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 (Nhâm Thìn, 1232), đời vua Trần Thái Tông. Đỗ đệ nhị giáp khoa thi này là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu. còn đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.
Cụ là người làng Mạnh Tân (Yên Tân), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, Hải Dương (nay là xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), làm Hàn lâm học sĩ (là chủ quan của Hàn lâm viện có trình độ học vấn uyên thâm, chuyên nắm việc chế cáo, sử sách, văn hàn, làm cố vấn cho vua Trần Thái Tông trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông) rồi thăng đến chức Thượng Thư (Bộ trưởng của một trong bốn Bộ của Triều đình lúc bấy giờ). Ngài là người đỗ Đại Khoa (Tiến Sĩ) sớm nhất của vùng Gia Lộc thời đó và cũng là người họ Trương đỗ đạt khoa cử sớm nhất được ghi chép lại trong sử sách.Khi cụ  mất, người dân lập đền miếu thờ tại quê nhà và  coi cụ là Thành hoàng làng.

2. Trạng nguyên Trương Xán :
Thời Trần, nếu ai quê từ Ninh Bình trở ra đỗ Trạng thì gọi là Kinh Trạng Nguyên, còn từ Thanh Hóa trở vào gọi là Trại Trạng Nguyên.
Khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256 Tống Bảo Hựu năm thứ 4) đời vua Trần Thái Tông, Trương Xán – người xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch,  châu Bố Chính (Quảng Bình) đỗ Trại Trạng Nguyên  cùng với Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc và  Chu Hinh đỗ  Bảng nhãn, Trần Uyên đỗ Thám hoa lang. Kỳ thi Thái học sinh này lấy đỗ 43 người trong đó Kinh 42 người, Trại 1 người. Tài năng của Trương Xán được  dân gian truyền tụng: người đồng khoa là Trần Quốc Lặc thường đặt cho mình một cái lệ đệm nào cũng thắp cạn 3 đĩa dầu lạc rồi mới đi ngủ. Ai nấy cho rằng Trần Quốc Lặc thế nào cũng đỗ Trngj nguyên nhưng riêng ông vẫn lo vì nghe tiếng Trương Xán là người học một biết mười, nổi danh trong đám sĩ tử tham dự Đại khoa.
Sinh thời Trương Xán rất say mê vẻ đẹp của thiên nhiên và thường tìm thấy trong các hiện tượng thiên nhiên những triết lý nhân sinh - xã hội sâu sắc:  “Con người cũng giống như những hòn đảo, phía trên mặt nước có thể đứng tách riêng, nhưng phía dưới thì chân những hòn đảo chắc chắn sẽ liền vào nhau. Và cùng liền vào đất dưới đáy biển. Đáy biển ấy liền thành một khối không rời đối với bờ. Khi nào nước biển lui xuống, các đảo kia trơ ra chúng ta dễ dàng nhìn thấy điều ấy. Con người cũng như những hòn đảo riêng rẽ kia. Mỗi người có thể có cuộc sống khác nhau nhưng tất cả luôn gắn bó với nhau và gắn bó với cuộc sống chung của dân chúng trong thế gian này. Không ai có thể sống tách rời khỏi cộng đồng của mình được’’.
Cụ làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ. Khi cụ tạ thế, một số làng chài đã lập đền thờ  coi cụ như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.


Tái hiện lại cảnh thi Đình xưa
Tái hiện lại cảnh thi Đình xưa
3. Thám hoa Trương Phóng (Trương Tích):
Đại Việt sử ký toàn thư “ (trang 88) ghi rằng: Tháng 3 Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long năm thứ 12 (1304) (Nguyên Đại Đức năm thứ  8), đời vua Trần Anh Tông thi kẻ sĩ trong nước. Về phép thi: trước hết thi ám tả thiên Y Quốc và truyện Mục Thiên tử để loại bớt. Thứ đến Kinh nghi (những điều nghi vấn trong kinh điển Nho gia), kinh nghĩa (bàn về nghĩa lý trong kinh điển Nho gia), đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) , hỏi về “Vương độ khoan mãnh” (chế độ rộng, ngặt), theo luật “tài nan xạ trĩ” (tài khó bắn trĩ) , về phú thì dùng thể 8 vần “đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm” (đức độ đế vương vốn ưa sự sống hợp lòng dân). Kỳ thứ 3 thi chế, chiếu,  biểu,. Kỳ thứ 4 thi đối sách.  Kỳ thi Thái học sinh này lấy đỗ 44 người.
Ngay sau khi đỗ Đại khoa vua đã đặc ân cho 3 người đỗ cao nhất được lên kiệu dạo xem khắp kinh thành và ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (quê Chí Linh – Hải Dương) chức Thái Học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; Bảng nhãn Bùi Mộ (quê Thanh Oai – Hà Tây)  chức Chi hậu bạ thư mạo  sam, sung làm nội lệnh thư gia. Thám hoa lang Trương Phóng (quê Thanh Hóa) chức Hiệu thư quyền miện sung làm nhị tư (đứng thứ 2 trong 4 người ở  Tập hiền viện hiệu lý , giữ việc chỉnh đốn thư tịch).

4. Tiến sĩ Trương Đỗ
Trương Đỗ quê gốc ở làng Phù Đái, huyện Đồng Lại (nay là thôn Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), ra ngụ ở phường Cơ Xá và Nghi Tàm, thành Thăng Long. Sau khi đậu Tiến sĩ,  Trương Đỗ giữ chức Ngự sử Đại phu đứng đầu ngự sử đài, cụ còn được vua vua tin cậy giao kiêm nhiệm chức Đình uý tự khanh (đứng đầu cơ quan chuyên tra xét các hình án) và Trung đô phủ tổng quản (Quản lý an ninh và mọi mặt của kinh thành Thăng Long).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), năm Bính Thìn (1376) vua chiêm thành gửi dâng cho vua Trần 10 mâm vàng, nhưng viên quan tham ô là Đỗ Tử Bình biển thủ rồi trí trá tâu vua rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, kích động vua đem quân sang hỏi tội. Trương Đỗ ba lần dâng “Bãi chiến sớ”  can vua Duệ Tông:  “ … Chiêm Thành ở tận cõi Tây, xa xôi hẻo lánh, núi sông hiểm trở. Nay Bệ hạ mới lên ngôi, đức chính giáo hoá chưa thấm nhuần tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó phải tự đến thần phục. Sau này nếu nó không nghe theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì” .
Vì không nghe lời can tâm huyết của Ngự sử đại phu Trương Đỗ mà vua Trần Duệ Tông  đem 12 vạn quân sang đánh Chiêm Thành đã sa vào bẫy phục kích của đối phương nên bị  thua, vua và nhiều tướng sĩ tử trận.
Tài đức của  quan Ngự sử đại phu - Trung Đô tổng quản Trương Đỗ được người đương thời hết lời ca ngợi:
Thiếu niên xuất chúng tướng quân phục
Tráng tuế tằng thừa Ngự sử thông
Tam gián bất tòng thân tự thoái
Gia đình thanh bạch túc môn phong
          Tạm dịch:
Tuổi trẻ khác người, tướng phải phục
Lớn lên làm tới Ngự sử quan
Ba lần can, vua không nghe, từ chức
Trong sạch nhà nghèo tạo nếp quen

Sử gia Ngô Sỹ Liên viết: “Trương Đỗ khi làm quan thì không ngại lời nói thẳng, thế là xứng đáng với chức vụ của mình. Khi can dâng sơ tới ban lần, thế là dám chạm đến cả vua. Mà vua không nghe thế là tâm trí vua đã lẫn rồi. Người có trách nhiệm phải nói không được nghe theo thì bỏ đi thế là sự tiến lui của Trương Đỗ đều hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lợi cho thân vua. Việc này có thể nêu lên làm gương được”.
”Đại Việt sử ký toàn thư” đề cao phẩm chất đạo đức của cụ: “ Trương Đỗ là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn … Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng là nghèo mà trong sạch”.
Sách Kiến văn tiểu lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn trong tập II, trang 257, có tôn vinh 5 vị cao sỹ đời Trần, trong đó Trương Đỗ đứng sau Chu Văn An: “ Đây là những người trong trẻo, cương trực, cao thượng, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải những người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi, không bó buộc, hoà nhã, có lễ độ cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng, vượt ra ngoài thói tầm thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ thẹn với Trời, dưới không thẹn với Đất. Ôi như thế người đời sau còn theo kịp thế nào được! Từ Bản triều về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa”.
                                                      
Tác giả bài viết: Nhà thơ - Nhà báo Trương Thị Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét