Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 65

(ĐC sưu tầm trên NET)

Lão võ sư và bài quyền trứ danh "Mèo rửa mặt"

Lão võ sư và bài quyền trứ danh "Mèo rửa mặt"

GiadinhNet - Võ sư Lý Xuân Hỷ (SN 1940, Phó chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định) là dậu duệ đời thứ 6 của môn phái Lý Gia võ đạo.

Ông được giới võ đạo đặt biệt danh "võ sư mèo" và nổi tiếng với bài quyền lừng danh "Miêu tẩy diện" (mèo rửa mặt). Đây là bài quyền với những tuyệt chiêu độc nhất vô nhị, hội đủ được các yếu tố nhanh nhẹn, linh hoạt và cũng đầy sức mạnh của chú mèo.
Lão võ sư Lý Xuân Hỷ cùng các môn đệ của mình.
Lý Gia võ đạo khai sinh  "Miêu tẩy diện"

Đến đất võ Bình Định, hỏi võ sư Lý Xuân Hỷ, ai cũng trầm trồ thán phục. Võ đường của ông nằm gọn trong mảnh vườn ở thôn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn). Đây chính là nơi xuất xứ của phái võ Lý Gia, là mảnh đất ươm mầm biết bao tài năng xuất chúng tỏa khắp bốn phương.
Theo gia phả, ông Hỷ là đời thứ 6 của môn phái Lý Gia. Thời trước, Cao tổ của Lý Gia ở đất Bắc, sau đó vào Nam khai hoang mở đất. Đến vùng đất mới, từng thế hệ sống rất đoàn kết, ưa chuộng võ học, tạo thành những tập đoàn võ đạo, khi nhà vua cần thì xung phong lên đường ra chiến trận. Cao tổ của ông từng tham gia đội quân của Quang Trung - Nguyễn Huệ, góp công không nhỏ trong những chiến thắng như chẻ tre của đại quân Tây Sơn. Đến sau này, thời nào Lý Gia võ đạo cũng thịnh vượng và phát huy tinh thần võ học, tương thân tương ái.
Nói về nguồn gốc ra đời bài quyền "Miêu tẩy diện" (MTD), ông Hỷ cho hay, cận chiến là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi. Nó có tác dụng khi đối thủ dùng binh trường (binh khí dài) thì mình dùng đoản (cùi tay hoặc đoản đao, song kiếm). Người Việt với thân hình nhỏ con, nhanh nhẹn nên phát huy lợi thế cận chiến - áp sát, khống chế đòn dài của đối thủ và ra đòn một cách bất ngờ. Từ những yếu tố đó, các bậc tiền bối của võ sư Lý Xuân Hỷ đã đúc kết, sáng tạo ra bài quyền MTD, khiến Lý Gia võ đạo ngày càng thăng hoa.
Những đường quyền tuyệt chiêu

Võ sư Lý Xuân Hỷ cho rằng, cái hay của bài quyền MTD ở những bộ trửu (chỏ) thuộc bộ thủ (tay), phát huy thế mạnh khi cận chiến. MTD sử dụng trong lúc đánh chỏ, lấy thế của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công. Bài quyền mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của mèo. MTD phát huy được thế mạnh ở sự kết hợp nhuần nhuyễn trong bộ tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, bông pháp (tay múa)... để có được sự tập trung cao độ, đồng thời kết hợp nhẹ nhàng, linh động, mạnh mẽ tạo nên phản xạ tự nhiên. Từ đó có được sự công phá bằng nắm đấm và đòn chỉ (điểm huyệt). Theo ông Hỷ, cái ưu thế của bài quyền này là luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, gài đòn, tấn công...
Nhập môn từ năm lên 10, đến năm 12 tuổi, ông Hỷ mới được cha truyền lại bài này. Ông cho biết để học thuộc nó chỉ mất khoảng 2 ngày nhưng để đánh cho "ra ngô ra khoai", mất rất nhiều thời gian và người học phải có khiếu võ, đam mê. Theo ông, khó nhất là tập thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu mới coi là đạt.
Võ sư Lý Xuân Hỷ chỉ vào con mèo, hào hứng: "MTD tha thướt, nhẹ nhàng, ít gây tiếng động... nhưng cũng mạnh lắm. Bài này thật ra là mô tả sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của con mèo. Chúng ta để ý con mèo khi ngủ dậy, nó "rửa mặt" bằng cách lấy đôi chân trước vuốt mắt thật điêu luyện, chính đó cũng là một trong những tuyệt chiêu". Nghiên cứu con mèo cũng thú vị lắm! Con mèo kia có cặp chân trước rất lanh, y như cọp vậy. Tập MTD là phải tập cho được đôi tay. Đôi tay phải nhanh nhẹn. Bởi thế trong võ học nhanh nhẹn nhất, nguy hiểm nhất là cặp tay con cọp và mèo; bộ chân không đáng sợ bằng bộ tay vì chân ít khi đánh được huyệt đạo, còn tay thì biến hóa khôn lường...
Ông Hỷ cho rằng, trong bài quyền MTD thì tuyệt chiêu của ông là đánh bằng chỏ. Đây là chiêu lợi hại nhất, biến hóa khôn lường. Cái chỏ hạ nốc ao đối phương. Trong lúc đối phương công, chỉ cần luồn lách nhẹ nhàng như con mèo là có cơ hội phản công, đánh chỏ. Suốt đời, ông vẫn luôn miệt mài luyện tập đòn này. Thế đánh chỏ được gia đình ông rút ra từ sự lợi hại của cặp sừng động vật. Chỏ của ông giống như sừng trâu. Chỏ còn có tên gọi là ô du. Nhắc đến ông là người ta nhớ đến ô du. Bởi thế mới có thơ rằng: "Ô du là ngọn trâu dằn/ Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình/ Trung bình là miếng hiểm tâm/ Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình".
Đạo của võ học

Một điều mà võ sư Lý Xuân Hỷ luôn dạy các thế hệ theo nghiệp võ đạo, đó là học võ để tu thân chứ không phải học võ để dương oai. Gọi võ đạo là vì vậy. Ông luôn dạy các môn đệ của mình, không bao giờ coi thường đối thủ. Cái đạo trong bài quyền MTD cũng như Lý Gia là không nóng giận, lấy sự nhẫn nhịn của con mèo làm phương châm sống, không lấy võ làm việc thị phi, chỉ lấy võ dùng vào việc trừ gian diệt bạo, kẻ mạnh lấn át người yếu...
Ông Hỷ nhớ lại, năm 1990, ông đi Nga hơn 2 tháng dự Festival võ thuật cổ truyền quốc tế (16 nước tham gia). Việt Nam có 3 đoàn, đi 3 nơi khác nhau. Đoàn Bình Định đã đạt giải Nhất toàn đoàn cả về đối kháng lẫn biểu diễn, trong đó chỉ có mỗi mình ông là võ sư. Trước lúc chia tay về nước, Chủ tịch Hội võ thuật phương Đông (người Nga) đã hỏi võ sư Lý Xuân Hỷ một câu đại ý là võ Việt Nam, muốn có nhiều người học võ, có phương pháp nào để mọi người tập võ? Ông liền đáp, người Việt Nam nhà nhà đều luyện võ (Võ gia ngũ luyện pháp). Tức là: Phong dạ đăng sơn/ Hắc dạ đả quyền/ Nguyệt dạ luyện kiếm/ Vũ dạ cán binh/ Trí dạ tọa tĩnh (Buổi tối trời gió lên núi/ Đêm tối đánh quyền/ Trăng sáng luyện kiếm/ Đêm trời mưa đọc kinh/ Dùng trí ngồi luyện thiền). Ông Chủ tịch Hội võ thuật phương Đông nghe xong, rất thẩm thấu và cảm nhận ra cái đạo ở võ học Việt Nam: Học võ để tu thân.
Bây giờ võ sư Lý Xuân Hỷ đã giao võ đường lại cho người con trai đầu của mình là võ sư Lý Xuân Vân (SN 1965) nối dõi, đào tạo các thế hệ trẻ. Lý Xuân Hợp, cháu nội ông cũng đã trở thành một môn đệ ngày đêm đam mê võ học. Hàng chục năm theo nghiệp võ, ông đã đào tạo hàng nghìn môn đệ, trong đó nhiều người đã thành danh.
Nhưng điều mà lão võ sư Lý Xuân Hỷ cũng như võ sư Lý Xuân Vân trăn trở đó là sự thất truyền võ cổ truyền ngày càng lộ rõ trên bản đồ võ học Việt Nam (một phần là vì thời cuộc, những quy định mới hiện nay). Điều đó rất cần các nhà quản lý cũng như các môn phái võ cổ truyền ngồi lại để cùng chung tay mang lại những đợt sóng trào võ cổ truyền thịnh hành, thăng hoa như những năm 50- 70 của thế kỷ trước!
Nhờ bài quyền "Miêu tẩy diện", võ sư Lý Xuân Hỷ được coi là "con hùm xám Cao nguyên Trung phần". Ông đã từng vô địch võ cổ truyền năm 1968, nằm trong đội tuyển đi thi đấu quốc tế. Trong giới võ đạo những năm 60 - 75 của thế kỷ trước, danh tiếng của võ sư Lý Xuân Hỷ thật đáng nể. Trong khoảng 300 lần thượng đài, từ năm 18 tuổi đến năm 35 tuổi, ông chỉ thua có một trận.
Năm 1969, ở Gia Lai, võ sư Lý Xuân Hỷ (khi đó là vô địch Cao nguyên Trung phần) bị một võ sư Thái cực đạo tên Long khiêu chiến. Võ sư này tứ đẳng huyền đai, lợi thế 68kg, còn ông Hỷ chỉ 55kg. Ngoài sự tưởng tượng, khi thượng đài mới hiệp thứ hai thì võ sư Long bị Lý Xuân Hỷ hạ gục với thương tích gãy răng và "xé toạc" hàng chân mày.
Có một lần thượng đài bị thua khiến ông Hỷ nhớ mãi, nhưng ông cho rằng, trận thua đó là trận đánh hay nhất của ông. Đó là năm 1970, cũng tại Gia Lai, ông đánh với võ sư Lê Thanh T. (người Sài Gòn), cùng tuổi, cùng hạng cân 55kg. Ông này là võ sĩ võ cổ truyền cấp quốc gia, còn ông Hỷ thì chỉ mới cấp tỉnh. Võ sư T cũng chơi chỏ nhưng chỉ có độc một cách đánh. Với những đòn đánh đẹp mắt, ông Hỷ đã thu phục được khán giả, nhưng cuối cùng ông Hỷ bị xử thua (vì vấn đề trọng tài). Tuy thắng, nhưng võ sư T bị thương rất nặng, bị chỏ của ông Hỷ đánh trúng vào thượng bộ, trung bộ. Hôm sau ông T đến gặp ông Hỷ và nói duy nhất một câu: "Trong đời tôi chơi chỏ nhưng chưa gặp ai có chỏ hay như anh".

Bình Gianh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét