Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 24

()

Lật lại vụ lừa đảo khoa học đình đám nhất lịch sử

Đây là câu chuyện trinh thám về một vụ án đã có từ trăm năm trước: việc giả mạo “mắt xích thất lạc” trong quá trình tiến hóa của con người đã không bị phát giác trong nhiều thập kỷ.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ nhận diện được những thủ phạm đã qua đời từ lâu của trò lừa đảo “Người Piltdown” nổi tiếng và lật tẩy các động cơ của họ.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Nature tuần này, chuyên gia Chris Stringer đến từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Anh ở London đã lý giải tại sao ông và các đồng nghiệp vẫn đang điều tra về một bí mật đã có từ cách đây 1 thếkỷ.
“Về khía cạnh cá nhân, tôi bị thôi thúc bởi câu hỏi liệu trò chơi khăm này bắt nguồn từ tham vọng khoa học hay các động cơ hài hước hoặc mang tính trả thù?”, ông Stringer viết. Ông và các cộng sự đã lên kế hoạch kiểm nghiệm các xương giả mạo thu được trong vụ Người Piltdown bằng các phương pháp hiện đại, nhằm khám phá ai nhiều khả năng nhất đã tạo ra chúng và tại sao.
Bản sao hộp sọ “Người Piltdown. Ảnh: Telegraph
Lịch sử một vụ lừa đảo tinh vi
Trò chơi khăm Người Piltdown là một trong những vụ lừa đảo khoa học thành công nhất trong lịch sử.
Sau khi Charles Darwin xuất bản cuốn "Về nguồn gốc của các loài" vào năm 1859, các nhà khoa học đã ra sức tìm bằng chứng hóa thạch của tổ tiên con người đã tuyệt chủng. Họ tìm kiếm những cái được gọi là "mắt xích thất lạc" để lấp vào các khoảng trống trên biểu đồ thời gian quá trình tiến hóa của con người.
Tháng 12/1912, nhà cổ sinh vật học người Anh Arthur Smith Woodward và nhà sưu tập đồ cổ nghiệp dư Charles Dawson tuyên bố với thế giới rằng, họ đã phát hiện một hóa thạch người thời kỳ đầu rất đáng kinh ngạc ở Piltdown, Anh. Mẫu vật lạ sở hữu một hộp sọ giống người với một xương hàm giống khỉ. Nó được đặt tên khoa học là Eoanthropus dawsoni, nhưng thường được biết đến với tên Người Piltdown.
Dawson và Woodward cũng thông báo, ngoài Người Piltdown, họ còn tìm thấy vô số thứ thú vị khác như các công cụ bằng đá, hóa thạch động vật có vú và thậm chí cả một bộ xương voi. Năm 1916, Dawson tuyên bố đã phát hiện thêm nhiều cổ vật nữa ở một địa điểm thứ hai gần đó.
Theo chuyên gia Stringer, một số nhà khoa học từng đặt ra nhiều nghi vấn đối phát hiện Người Piltdown. Họ không ngay lập tức la ó đó là trò dối trá, nhưng nghi ngờ các mẫu hóa thạch đơn giản đã bị trộn lẫn theo thời gian, cụ thể là hàm khỉ và hộp sọ giống người thực tế không liên quan đến nhau.
Tuy nhiên, mãi tới những năm 1950, “Người Piltdown” mới bị phát giác chân tướng. Các nghiên cứu hóa học cho thấy, hóa thạch không đầy 50.000 năm tuổi, không phải 1 triệu năm tuổi như Dawson và Woodward từng tuyên bố. Các kiểm nghiệm tiếp theo phát hiện, hộp sọ nhiều khả năng là của một người hiện đại và quai hàm có thể thuộc về một con tinh tinh thời hiện đại.
Ai là thủ phạm?
Câu hỏi đặt ra là, ai đã làm biến màu các xương để chúng khớp với nhau và mài dũa bộ răng trông cho giống con người hơn?
Đó là bí mật mà ông Stringer và các cộng sự hy vọng sẽ giải đáp được bằng phương pháp xác định niên đại nhờ các-bon phóng xạ, kiểm tra ADN và các nghiên cứu phân tử khác. Nếu các nhà nghiên cứu có thể xác định nguồn gốc của các xương được sử dụng để tạo hóa thạch giả, họ có thể nhận diện nhà khảo cổ học nào thuộc dự án là kẻ dàn dựng mọi việc.
Chẳng hạn như, nếu các hóa thạch giả mạo đến từ khu Piltdown và khu thứ 2 mà Dawson phát hiện trùng khớp nhau, nhà sưu tập đồ cổ nghiệp dư có thể là thủ phạm vì ông là người duy nhất phát hiện ra địa điểm thứ hai, chuyên gia Stringer viết. Động cơ của ông Dawson nhiều khả năng bắt nguồn từ tham vọng khoa học và mong muốn tạo dựng tiếng tăm.
Bức ảnh chân dung này cho thấy rất nhiều nhân vật quan trọng trong phát hiện “NgườiPiltdown”. Hàng phía sau gồm F. O. Barlow, G. Elliot Smith, Charles Dawson, Arthur Smith Woodward. Hàng trước gồm A. S. Underwood, Arthur Keith, W. P. Pycraft và Sir Ray Lankester. Ảnh: Live Science.
Mặc dù tổng cộng có 12 nghi phạm bị buộc tội trong vụ lừa đảo, có 3 người đặc biệt khả nghi, ngoài Dawson. Một trong số đó là Woodward, vì trợ lý của Woodward là Martin Hinton, sau khi chết, được phát hiện sở hữu một bộ sưu tập các mảnh xương đã bị thay đổi và làm biến màu. Một thầy tu có tên Teilhard de Chardin, người đã phát hiện ra một cái răng ở Piltdown, có thể cũng dính líu đến vụ việc.
Ngay cả người nổi tiếng cũng không thoát khỏi việc bị nghi ngờ. Hãng BBC đưa tin, nhà văn Anh, Sir Arthur Conan Doyle, cây bút nổi tiếng với loạt truyện trinh thám Sherlock Holmes, cũng bị cáo buộc gây rối trong vụ lừa đảo. Ông Doyle sống gần Piltdown và là một thành viên của hiệp hội khảo cổ. Ông đã viết về các con khỉ cổ đại trong cuốn tiểu thuyết “The Lost World" của mình và có thể đã bị kích động lừa dối cộng đồng khoa học vì sự nhạo báng của họ đối với một trong những niềm say mê lớn nhất của ông. Điểm đáng chú ý nữa là, ông Doyle cũng tin vào sự tồn tại của các chuyện hư cấu.
Bí mật 100 năm tuổi không phải là điều gì đó mới mẻ, nhưng chuyên gia Stringer coi vụ việc là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử khoa học. Trò chơi khăm Piltdown dường như khiến các nhà khoa học ít sẵn sàng chấp nhận các hóa thạch người sơ khai hơn như Astralopithecus africanus (hay còn gọi là “Lucy”), ông Stringer viết.
Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định, vụ lừa dối cũng cho thấy, ngay cả khi mất rất nhiều thời gian, khoa học rốt cuộc cũng sẽ khám phá ra sự thật.
Tuấn Anh
http://vietnamnet.vn

Vụ lừa đảo khai khoáng lớn nhất mọi thời đại
1:00, 08/07/2008


David Walsh- Chủ tịch công ty Bre-X, John Felderhof- Phó chủ tịch công ty Bre-X và kỹ sư Michael De Guzmen.


Vào ngày 17/10/1995, tại Tp Calgary của Canada đã diễn ra một sự kiện được giới kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng mong đợi, đó là việc Công ty Bre-X tổ chức họp báo để thông báo rằng đã phát hiện tại vùng Busang trên đảo Borneo của Indonesia một mỏ vàng có trữ lượng lên đến gần 2.000 tấn (tương đương 70 triệu ounces).
Đây là một mỏ vàng lộ thiên mà Công ty Bre-X đã bỏ tiền mua từ năm 1993 rồi tổ chức thăm dò, khảo sát và phải mất đến hai năm mới đánh giá hết được trữ lượng vàng của mỏ này. Để chứng minh, ngay trong buổi họp báo, David Walsh, Chủ tịch Công ty Bre-X còn trưng ra hồ sơ xác nhận của Kilborn Engineering, một công ty chuyên thăm dò và đánh giá trữ lượng khoáng sản có trụ sở đặt tại thành phố Chicago của Mỹ.
Thông tin về việc Công ty Bre-X đã phát hiện ra một mỏ vàng có giá trị trữ lượng lên đến 4,4 tỉ USD và chuẩn bị đưa vào khai thác đã khiến giới đầu tư Canada quan tâm. Trên thị trường chứng khoán Canada, giá trị cổ phiếu của Công ty Bre-X tăng vùn vụt lên đến mức cao kỷ lục 286,50 đôla Canada/cổ phiếu và đã khiến tổng nguồn vốn của Công ty Bre-X tăng đến mức 6 tỉ đôla Canada.
Do nguồn lợi thu được từ việc khai thác vàng ở mỏ Busang quá lớn, nhiều công ty, quỹ tài chính chấp thuận bỏ vốn hợp tác với Bre-X để cùng nhau chia chác nguồn lợi lớn này, trong đó phải kể đến một số quỹ hưu trí ở Canada, Công ty kinh doanh vàng Barrick của Canada mà bà Siti Rukamana, con gái của Tổng thống Indonesia vào thời kỳ đó là Suharto, có cổ phần, Công ty khai thác và kinh doanh khoáng sản Freeport-McMoRan Copper & Gold do Bob Hasan, một bạn thân của Tổng thống Suharto làm chủ tịch. Những hợp đồng hợp tác kinh doanh này được ký kết từ tháng 10/1995 đến tháng 2/1997, là thời điểm Công ty Bre-X chuẩn bị khai thác vàng tại mỏ Busang.
Thế nhưng, đến tháng 3/1997, dấu hiệu của một vụ lừa đảo lớn nhất trong ngành khai khoáng xuất hiện khi xảy ra cái chết bí ẩn của Michael de Guzmen, một kỹ sư địa chất làm việc cho Công ty Bre-X.
Vào ngày 19/3/1997, trên đường từ mỏ vàng Busang trở về lại trụ sở của Công ty Bre-X đặt tại thủ đô Jakarta của Indonesia bằng máy bay trực thăng, Guzmen đã ngã rơi xuống một vùng rừng rậm và chết ngay sau đó. Điểm đáng lưu ý là Guzmen có mang theo hồ sơ kiểm tra đánh giá thực tế trữ lượng và chất lượng vàng của mỏ Busang, công trình mà viên kỹ sư người Philippines mất 16 tháng để khảo sát.
Các cuộc điều tra của cảnh sát xác định đây không phải là một vụ tai nạn mà là một vụ cố sát. Nạn nhân đã bị đẩy ngã xuống mặt đất từ trực thăng khi đang bay ngang một khu rừng già trên đảo Borneo. Phi hành đoàn chiếc trực thăng khi bị tạm giữ để điều tra, đã thú nhận xô ngã kỹ sư Guzmen từ trực thăng đang bay xuống đất theo lệnh của John Felderhof, Phó chủ tịch Công ty Bre-X. Bị thẩm vấn, Felderhof khai chính David Walsh, Chủ tịch công ty, là kẻ chủ mưu.
Việc điều tra về cái chết của kỹ sư Guzmen còn giúp cảnh sát thu giữ được hồ sơ kiểm tra, đánh giá thực tế trữ lượng và chất lượng vàng của mỏ Busang. Theo hồ sơ này thì thực tế trữ lượng vàng có thể khai thác tại mỏ Busang chỉ vào khoảng 50 tấn, là loại vàng chất lượng thấp, có nhiều tạp chất và rất khó khai thác.
Và kết quả kiểm tra của kỹ sư Guzmen khi được công bố đã làm choáng váng không chỉ giới kinh doanh vàng thế giới mà còn cả thị trường tài chính Canada. Tại Canada, giá trị cổ phiếu của Công ty Bre-X sụt giảm chỉ còn 32 đôla Canada/cổ phiếu. Khiến những đơn vị đã góp vốn vào Bre-X đã khai thác vàng mất hàng triệu đôla trở  nên điêu đứng.
Trước tình hình này, cả Chính phủ Canada và Chính phủ Indonesia quyết định thành lập một ủy ban hỗn hợp để điều tra về vụ lừa đảo khai khoáng lớn nhất mọi thời  đại của Công ty Bre-X.
Bị bắt giữ vào ngày 27/5/1997, trước khi kịp bỏ trốn đến đảo quốc Bahamas ở Trung Mỹ, David Walsh đành thú nhận hành vi lừa đảo có tổ chức của Bre-X. Theo đó, vào năm 1993, khi phát hiện tại vùng Busang trên đảo Borneo có mỏ vàng, Công ty Bre-X liền bỏ 5 triệu USD ra mua.
Tuy nhiên, khi thăm dò và phát hiện đây chỉ là một mỏ vàng có trữ lượng thấp và vàng kém chất lượng nên Walsh bàn với Felderhof, Phó chủ tịch công ty, tổ chức lừa đảo. Walsh giao nhiệm vụ cho Felderhof tìm cách mua chuộc Joseph Groia, Chủ tịch công ty thăm dò và đánh giá trữ lượng khoáng sản Kilborn Engineering, làm giả hồ sơ khảo sát thăm dò đánh giá chất lượng và trữ lượng vàng tại mỏ Busang.
Thực ra, từ năm 1995 đến năm 1997, Công ty Bre-X chẳng tổ chức khai thác vàng ở Busang mà chủ yếu khuếch trương thanh thế để bằng mọi cách huy động vốn. Riêng việc quản lý mỏ vàng, Walsh giao nhiệm vụ cho kỹ sư Guzmen. Là một người chân chính, Guzmen đã bí mật tiến hành khảo sát lại toàn bộ trữ lượng và chất lượng vàng tại mỏ Busang để lật mặt Công ty Bre-X. Và khi bị phát hiện, Guzmen đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Vào ngày 19/8/1998, chỉ 5 ngày trước khi mở phiên tòa xét xử vụ lừa đảo khai khoáng của Công ty Bre-X, Walsh được phát hiện nằm chết trong căn hộ của y mà kiểm tra pháp y sau đó xác định Walsh đột ngột qua đời vì đột quị.
Trong phiên tòa mở ra vào ngày 24/8/1998 tại Tp Calgary, John Felderhof bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội lừa đảo. John Groia, Chủ tịch Công ty Kilborn Engineering bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội làm giả hồ sơ thăm dò trữ lượng mỏ vàng Busang.
Đến năm 2004, Felderhof còn bị Ủy ban An ninh tài chính Canada truy tố về tội tổ chức lường gạt hàng trăm triệu USD của các quỹ hưu trí ở Canada
  H.P (Theo Crimes Magazine)
 cand.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét