Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 49

(ĐC sưu tầm tên NET)

Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Sự khởi đầu - Chiến tranh thế giới thứ I (1)

VietnamDefence - Lịch sử thai nghén, hình thành và phát triển của ngành tình báo vô tuyến điện tử Nga đầy những khoảng trắng. Các hồ sơ lưu trữ mật kín bưng còn đang đợi các nhà nghiên cứu hiếu kỳ. Hiện tại, mới chỉ có rất ít, rất ít được đưa rộng rãi trên báo chí.
Hãy tìm sự bắt đầu cho tất cả,
và bạn sẽ hiểu được nhiều điều.

K. Prutkov. "Những trước tác"


Lịch sử thai nghén, hình thành và phát triển của ngành tình báo vô tuyến điện tử Nga đầy những khoảng trắng. Các hồ sơ lưu trữ mật kín bưng còn đang đợi các nhà nghiên cứu hiếu kỳ. Hiện tại, mới chỉ có rất ít, rất ít được đưa rộng rãi trên báo chí.

Ta đều biết trong suốt thời kỳ cầm quyền trước chiến tranh của sa hoàng Nikolai II, Nga cùng với Pháp giữ vị trí dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực chặn thu và đọc điện tín mật mã ngoại giao. Anh, Đức, Mỹ và đa số các nước kém thế lực hơn cho đến tận chiến tranh thế giới thứ I hoàn toàn không có cơ quan mã thám như của Nga, còn đế quốc áo-Hung thì chủ yếu chỉ chặn thu điện tín quân sự của các cường quốc giáp giới.

Trong các chiến dịch được thực hiện thành công phục vụ tình báo vô tuyến điện tử Nga trong thời bình có thể nêu vụ đánh cắp quyển mã mà đại sứ Mỹ ở Rumani luôn giấu kỹ dưới ga trải giường. Nói chung, mật mã phải được cất giữ trong két sắt sứ quán ở Bucharest. Nhưng sử dụng két sắt có ổ khoá bí mật không phải là mặt mạnh của vị đại sứ nên ông thấy tiện hơn là đổi chỗ cất quyển mã. Sau khi phát hiện mất quyển mã, vị đại sứ đã tìm ra một giải pháp rất láu cá cho tình thế nảy sinh. Lượng điện tín mật mã ông ta nhận được không nhiều lắm. Khi nào tích được chừng khoảng nửa tá điện mật mã thì ông ta liền lên tàu hoả sang gặp vị đại sứ Mỹ ở Viên.

Trong lúc hàn huyên, vị khách không may từ Bucharest liền nhân tiện nói rằng, ngay trước khi lên đường, người ta mang đến mấy bức điện mật mã nên ông ta không kịp giải mã. Liệu vị đồng nghiệp có thể cho mượn quyển mã của mình không? Vào cái thời hiền lành xa xưa ấy, các quyển mã giống nhau được gửi gần như cho tất cả các phái bộ ngoại giao Mỹ. Sau khi mượn được quyển mã, vị đại sứ giải mã các điện của mình, soạn và mã hoá điện trả lời, rồi quay về Bucharest và cứ cách quãng thích hợp gửi các điện trả lời này về Mỹ. Mọi sự đều trót lọt một thời gian. Vụ mất cắp mật mã vẫn chưa bị khám phá cho đến khi chiến tranh thế giới bùng nổ. Các bức điện mật mã từ Washington gửi đến ồ ạt và các chuyến đi Viên đã không còn có thể cứu giúp nổi vị đại sứ nữa. Ông ta thú nhận tội lỗi của mình và bị triệu hồi khẩn cấp từ Rumani về nước.

Sau khi Nga tham chiến vào chiến tranh thế giới thứ I, luồn điện tín ngoại giao chặn thu được của địch đã giảm đột biến. Điều đó xảy ra trước hết là vì áo-Hung và Đức cắt giảm lượng điện tín trao đổi qua vô tuyến điện với các phái bộ ở nước ngoài của họ. Ngoài ra, sự thiếu thốn về trang bị kỹ thuật của các đơn vị chặn thu Nga và việc đối phương liên tục thay đổi mật mã do sợ bị lộ nhanh trong điều kiện thời chiến cũng đã có những tác động tiêu cực.

Khi chiến tranh mở màn, Bộ Chiến tranh Nga đã thành lập các đơn vị mã thám trong tất cả các bộ tham mưu quân đội và hạm đội. Những hoạt động chiến sự đầu tiên đã khiến bộ chỉ huy quân Nga thấy cần phải thành lập các trạm chặn thu, trang bị máy móc thiết bị phù hợp, biên chế các báo vụ viên và chuyên gia mã thám cho chúng. Hoạt động này được triển khai mạnh nhất ở Baltic. Ngay trong tháng 8 năm 1914, Nga đã lập một số trạm chặn thu trên bờ biển Baltic. Tuy nhiên, công tác hệ thống hoá và xử lý thông tin chặn thu lại thuộc quyền các trạm trung ương phụ trách khu vực. Chính tại đó, các bức điện mật mã thường bị ách tắc lại và không được xử lý kịp thời do thiếu cán bộ có trình độ.

Nha Cảnh sát Nga, cơ quan mật thám chính trị chủ yếu, cũng có cơ quan mã thám riêng. Điện tín mật mã chặn thu đã được chuyển từ mặt trận đến Nha Cảnh sát ngay từ tháng 8 năm 1914. Ngày 25 tháng 8, thống đốc quân sự tỉnh Arkhalgelsk đã gửi đến một bức điện hoả tốc, trong đó thông báo ở Arkhalgelsk đang tạm giữ một chiếc tàu thuỷ Đức có trang bị trạm điện báo vô tuyến, bên cạnh đó còn phát hiện ra một bức điện mật mã trong buồng báo vụ viên. Bức điện mật mã này được gửi cùng bức điện hoả tốc về Nha Cảnh sát để giải mã. Chỉ nửa năm sau, Arkhalgelsk đã nhận được câu trả lời từ Nha Cảnh sát: "Một chuyên gia đã kết luận bức điện đó được viết bằng mật ngữ (tức là được mã hoá) nên không thể đọc (dịch) được nếu không có khoá mã".

Trong số các sự kiện đáng chú ý khác trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử Nga trong chiến tranh thế giới thứ I có việc thuỷ binh Nga thu được một quyển mã trên tàu tuần dương Đức Magdeburg vào tháng 8 năm 1914 và thành lập trường huấn luyện chặn thu ở thành phố Nikolayev vào giữa năm 1916. Tuy nhiên, mọi  nỗ lực mà Nga tiến hành nhằm đuổi kịp các cường quốc tham chiến khác trong lĩnh vực chặn thu vô tuyến đều quá muộn để những yếu tố mới này có thể có ảnh hưởng lớn nào đó đến diễn biến chiến sự.


Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Sự khởi đầu - Tình báo điện tử của bạch vệ (2)

VietnamDefence - Trong những năm đầu tồn tại của mình, Nhà nước Xô-viết chỉ có các phương tiện kỹ thuật và cán bộ chuyên môn còn lại từ ngành tình báo vô tuyến điện tử sa hoàng.
Mà số còn lại cho những người bôn-sê-vic này cũng cực kỳ ít ỏi vì nhiều trạm chặn thu, cơ sở vật chất, cùng nhân sự của chúng đã nằm hoàn toàn hoặc một phần trong tay bọn bạch vệ. Trong bối cảnh cuộc nội chiến đã mở màn lúc đó thì trên thực tế, nước Nga Xô-viết không thể giành sự chú ý cần thiết cho việc thành lập các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử của mình.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi hoạt động mã thám điện tín ngoại giao nước ngoài của nước Nga Xô-viết ở tình trạng rất tồi tệ, trong Hồng Quân cũng hoàn toàn không có lấy một cơ quan mã thám có tổ chức nào.

Khác với những người bôn-sê-vic, bọn bạch vệ đã sử dụng rất tích cực và khá hiệu quả tình báo vô tuyến điện tử. Nhiều khi chỉ tình báo vô tuyến điện tử mới cung cấp được cho bộ chỉ huy quân bạch vệ những tin tức tin cậy về tình hình ở các vùng của nước Nga. Chẳng hạn như bức điện mà Đô đốc Kolchak, thủ lĩnh bạch vệ đã giành được chính quyền ở Siberia, Ural và Viễn Đông năm 1918, gửi cho sứ giả của Nga ở Hy Lạp ngày 5 tháng 4 năm 1919. Trong đó nói rằng: "Từ lâu chúng tôi không được tin của ông về tình hình miền Nam nước Nga. Những tin tức mới nhất có liên quan đến giữa tháng 2. Nguồn tin duy nhất của chúng tôi là các đài vô tuyến điện của bọn bôn-sê-vic".

Bọn bạch vệ trước hết rất quan tâm đến các thông tin tình báo vô tuyến điện tử mang tính chính trị. Chúng cần mẫn thu thập chi tiết và sử dụng các thông tin đó để đưa ra các quyết định phù hợp. Chúng cũng thường dựa vào các thông tin này để viết các báo cáo phân tích và tổng hợp. Tình báo vô tuyến điện tử của bạch vệ theo dõi rất sát sao các điện tín ngoại giao. Nhờ thế, chúng dã chặn thu và giải mã được các bức điện liên quan đến việc đàm phán ký kết hiệp ước đình chiến Brest đang được Nhà nước Xô-viết và các đoàn đàm phán Liên Xô tích cực tiến hành.

Nhờ chặn thu vô tuyến, bọn cầm đầu bạch vệ đã kiểm soát được các chiến dịch mà Hồng Quân dự định tiến hành ở các mặt trận phía Đông và Turkestan, theo dõi được hoạt động liên lạc của bộ chỉ huy các mặt trận này với Moskva.

Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Sự khởi đầu - Phòng Đặc biệt (3)

VietnamDefence - Đầu thập niên 1920, chính quyền Xô-viết được củng cố đã cho phép chính phủ nghiêm túc tiến hành khôi phục cơ quan cơ yếu của Nga đã bị phá huỷ hoàn toàn sau các sự kiện cách mạng năm 1917.
Chúng ta đã biết ghi chép của Lenin năm 1922: "Người ta đã nói về phát minh của người Anh trong lĩnh vực điện báo vô tuyến có thể bí mật phát đi các bức điện vô tuyến. Nếu mua được phát minh này thì liên lạc điện báo vô tuyến và điện thoại vô tuyến sẽ có ý nghĩa lớn hơn nữa đối với quân sự".

Đồng thời với việc hoàn thiện mật mã, Liên Xô bắt đầu tích cực tiến hành nghiên cứu mã thám ứng dụng. Mối quan tâm này của Nhà nước Xô-viết đối với các hệ mã nước ngoài đã được thể hiện rõ nhất trong hoạt động bất hợp pháp của Uỷ ban Đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống phản cách mạng và phá hoại VChK (tiền thân của KGB sau này) được thành lập vào năm 1918. Ban đầu, trong các chức năng của cơ quan này có chức năng kiểm soát điện tín liên lạc của nước ngoài. Ngay vào nửa đầu thập niên 1920, tại Moskva đã có các sứ quán và phái bộ thương mại của Anh, Afghanistan, Đức, Iran, Italia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Pribaltic. Bản sao các bức điện mật mã mà nhân viên các sứ quán và phái bộ này gửi đi từ trung tâm điện báo Moskva nhất định được đưa đến VChK. Một phần điện tín mật mã ngoại giao, cũng như các bức điện vô tuyến mật mã của bạch vệ được chặn thu tại trạm vô tuyến điện quân sự ở ngoại ô Moskva và trạm vô tuyến điện Shabolovskaya ở Moskva.

Các bức điện mật mã chặn thu được gửi đến VChK để giải mã. Ngày 5 tháng 5 năm 1921, theo nghị định của chính phủ Xô-viết, một cơ quan cơ yếu được gọi là Phòng Đặc biệt đã được thành lập trong VChK. Do vai trò đặc biệt của Phòng Đặc biệt, cũng như ảnh hưởng rất lớn trong lãnh đạo đảng của vị trưởng phòng nên đơn vị này trên thực tế không trực thuộc ban lãnh đạo các cơ quan an ninh nhà nước, mà thuộc quyền chỉ đạo của đảng. Nhờ thế mà dù có nhiều cuộc cải tổ trước chiến tranh đối với các cơ quan này, nhưng Phòng Đặc biệt vẫn nằm ngoài các bộ ngành, tức là có sự độc lập. Nhân viên các đơn vị Cheka khác có thái độ ngờ vực đối với Phòng Đặc biệt bởi vì "ở đó, người ta không bắt giữ và thẩm vấn một ai".

Cùng với việc thành lập Phòng Đặc biệt, ngày 25 tháng 8 năm 1921, VChK đã ban hành mệnh lệnh yêu cầu tất cả các đơn vị ở trung ương và địa phương phải gửi mọi loại mật mã, khoá mã và điện mật mã phát hiện được trong các cuộc lục soát và bắt giữ, cũng như thu được qua điệp viên hay thu được tình cờ đều phải gửi cho Phòng Đặc biệt.

Phòng Đặc biệt bắt đầu hoạt động từ việc nghiên cứu chi tiết hồ sơ lưu trữ của các cơ quan mã thám của nước Nga trước cách mạng, trong đó còn lưu giữ các mật mã và tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết, mô tả các phương pháp giải mã và các tài liệu chặn thu. Trong số các tài liệu lưu trữ đó có cả bản sao và bản thật các loại mật mã của Bulgaria, Đức, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, các báo cáo về hoạt động giải phá chúng, các loại giáo trình. Các nhân viên của Phòng Đặc biệt nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu này và thấy hết được tầm quan trọng của công việc này. Trong thời kỳ này, điều có ý nghĩa quan trọng là các kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia mật mã lâu năm. Với sự tham gia tích cực của họ, Phòng Đặc biệt đã tổ chức các khoá học nửa năm để giảng dạy kiến thức mật mã căn bản, học các bài học mã thám. Tham dự các khoá học là những người có năng lực và trình độ. Số học viên tốt nghiệp đầu tiên các khoá học là 14 người, gần như một nửa số đó chuyển đến làm việc cho Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt, số còn lại được tăng cường cho các đơn vị của nó.

Ngoài những khó khăn mà Phòng Đặc biệt gặp phải trong những năm hoạt động đầu tiên do mặt bằng đào tạo khá thấp của các nhân viên và thiếu người, còn những khó khăn do tài liệu để mã thám thiếu và chất lượng thấp. Máy thu vô tuyến điện không hoàn thiện, máy móc thiếu và quá cũ không thể bảo đảm độ chính xác cao cho điện văn của các bức điện mật mã chặn thu được. Nhiệm vụ tổ chức và thu xếp hoạt động của tất cả các bộ phận của cơ quan mã thám, kể cả thu thập các tài liệu mật mã và trang bị kỹ thuật cho các trạm chặn thu được đặt ra trước lãnh đạo Phòng Đặc biệt.

Bất chấp khó khăn, ngày từ những tháng tồn tại đầu tiên của mình, Phòng Đặc biệt đã bắt đầu tiến hành mã thám thành công các mật mã của nước ngoài. Họ giành được thành công đầu tiên khi "nghiên cứu" loại mật mã ngoại giao của Đức mà đại diện toàn quyền của chính phủ Đức ở Moskva sử dụng. Kể từ tháng 6 năm 1921, toàn bộ điện tín liên lạc mật mã trên kênh Moskva-Berlin đã bị giải mã tại Phòng Đặc biệt. Trong tháng 8 cùng năm, họ đã giải mã được các bức điện ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc giải phá các mật mã của Ba Lan đã có các kết quả thực tiễn vào năm 1924, ba năm sau Phòng Đặc biệt bắt đầu đọc được các điện tín mật mã của Nhật Bản, còn sau ba năm nữa đến lượt điện tín mật mã của Mỹ.

Cuối thập niên 1920, các nhân viên của Phòng Đặc biệt đã tham gia tích cực vào việc tổ chức hoạt động mã thám trong Hồng Quân. Nhờ các nỗ lực này, một đơn vị tình báo vô tuyến điện tử kết hợp của OGPU (một trong những tên gọi viết tắt của KGB) và Cục 4 - Bộ Tổng tham mưu Hồng Quân đã được thành lập trong Phòng Đặc biệt vào đầu thập niên 1930.

Từ năm 1921 đến 1937, Trưởng Phòng Đặc biệt là Gleb Ivanovich Boky. Boky sinh năm 1879 trong gia đình một nhà giáo Ucraina. Là đảng viên từ năm 1900, tham gia các cuộc cách mạng năm 1905 và 1917, ông đã 12 lần chịu án trong các nhà tù sa hoàng và hai lần bị đi đày ở Siberia. Năm 1896, Boky vào học Đại học Mỏ ở St. Petersbourg. Do nhiều lần bị bắt và đi đày, Boky không được nhận bằng sau khi chỉ hoàn thành bốn năm học ở trường này. Tuy nhiên, nhờ trình độ giảng dạy cao của các môn học ở Đại học Mỏ, đặc biệt là toán và lý, nên ông đã thu lượm được những kiến thức sâu sắc. Ngoài ra, là một trong những nhà lãnh đạo của lực lượng bí mật ở Peterbourg trong 20 năm nên Boky có nhiều kinh nghiệm tổ chức, tập hợp quanh mình một nhóm những người tin cậy và hiểu biết.

Boky vào làm việc ở VChK theo lời mời riêng của chủ tịch VChK  đầu tiên Dzerzhinsky. Cuối tháng 8 năm 1919, theo lệnh của Dzerzhinsky, Boky đã lãnh đạo lực lượng Cheka ở Petrograd (tên khác của St. Peterbourg) thay cho M.S. Uritsky bị giết.

Người ta đánh giá khác nhau về con người này. Một số trong đó phác hoạ Boky như một người u sầu và bị giày vò bởi những dục vọng tội lỗi. Một số khác tuy không phủ nhận Boky có những điểm yếu và khuyết điểm, nhưng lại tin vào sự trung thực, thẳng thắn, điều đã khiến Boky nằm trong lực lượng đối lập với Stalin ngay từ giữa thập niên 1920 và nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của các cuộc thanh trừng đối với các cơ quan an ninh.

Phòng Đặc biệt còn đảm nhiệm các vấn đề mã hoá, cũng như mã thám. Năm 1933, các nhân vien cơ yếu làm việc trong một phòng lớn ở tầng 4 của toà nhà ở Lubyanka, trụ sở của OGPU. Các nhân viên mã thám chiếm giữ tầng cao nhất của toà nhà cũ của Bộ Dân uỷ Ngoại giao ở góc ngã tư các phố Bolshaya Lubyanka và Kuznetsky Most. Các hộ tư nhân được bố trí ở tầng dưới của toà nhà để làm bình phong cho Phòng Đặc biệt. Năm 1935, cả các nhân viên cơ yếu lẫn các các chuyên gia mã thám đều chuyển sang toà nhà mới của NKVD trên phố Bolshaya Lubyanka, lúc đó đã được đổi tên là phố Dzerzhinsky.

Quân số của Phòng Đặc biệt gồm quân số chính thức và mật. Quân số mật là các chuyên gia mật mã và phiên dịch viên mà Phòng Đặc biệt gọi là "chuyên viên" và "phiên dịch viên". Quân số công khai là các thư ký, giao thông viên và nữ nhân viên đánh máy. Năm 1933, quân số công khai của Phòng Đặc biệt là 100 người, quân số bí mật là 89.

Trong thập niên 1930, Phòng Đặc biệt trở thành một trong các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử được trang bị kỹ thuật lớn nhất thế giới. Phòng Đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với OGPU và Cục 4-Bộ Tổng tham mưu - hai cơ quan này đã theo gương cơ quan mật thám sa hoàng coi việc thu thập điện tín mật mã là một trong những ưu tiên chính của mình.

Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt được chia theo nguyên tắc địa lý và ngôn ngữ thành các phân ban: Trung Quốc, Anh-Mỹ... Ban này hoạt động khá hiệu quả vì thế các nhân viên của Ban thường được công nhận là chiến sĩ thi đua xã hội chủ nghĩa trong OGPU.

Nổi bật trong Ban mã thám là Ivan Kalinin. Ông thỉnh thoảng đến chỗ các các chuyên gia mã thám để bàn bạc với họ và vị giáo sư già nhưng đầy sức lực Shungsky, người từng phục vụ trong quân đội sa hoàng và là chuyên gia ngôn ngữ chính của phân ban Nhật Bản. Ngoài họ, Phòng Đặc biệt còn có nhiều người thú vị và phi thường khác, trong đó có một người Đức để râu dài chấm đất, một phụ nữ rất yêu những gì là Nhật Bản đến mức cứ ở nhà là mặc kimono. Tổ công đoàn của Phòng Đặc biệt do một cựu chuyên gia mã thám của Nha Cảnh sát sa hoàng, người từng đọc điện tín mật mã của Lenin thời trước cách mạng, lãnh đạo. Ngoài ra, còn có con gái một giáo sư về Nhật Bản, người đã bị bắt trong thập niên 1930 vì bị buộc tội là tổ trưởng một lưới tình báo Nhật trong nhiều năm ở Moskva. Trong số cán bộ của Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt còn có nhiều quý tộc Nga, trong đó có các các cựu bá tước và nam tước. Sở dĩ, người ta có thái độ bao dung trái hẳn với thái độ chung đối với "những kẻ thuộc chế độ cũ" thời đó như thế là do quá thiếu các nhà ngôn ngữ cần cho công tác mã thám. Còn người có chuyên môn mã thám hiếm đến nỗi kể cả khi họ bị vào tù cũng được huy động làm việc theo chuyên môn. Chẳng hạn Vladimir Krivosh-Nemanich, người một thời từng giữ cương vị khá cao trong cơ quan mã thám của Nha Cảnh sát sa hoàng. Thời Xô-viết, ông đã nhiều lần bị bắt vì từng là nhân viên cơ quan ác ôn của kẻ thù là mật vụ sa hoàng Okhrana. Nhưng khi ở tù tại nhà tù Butyrskaya, ông đã thực hiện nhiệm vụ của Phòng Đặc biệt và một vị trưởng phân ban của Ban mã thám đã đem việc làm "tại nhà" đến cho ông ngay tại phòng giam. (ít ra người ta không phải lo vấn đề bảo mật khi sử dụng các tù nhân-chuyên gia mã thám). Nhưng đối với những người còn lại thì vấn đề này luôn là rất cấp thiết. Các nhân viên Phòng Đặc biệt bị cấm nói về cơ quan mình đang làm việc và vị trí của nó. Thậm chí, họ không được phép đến các nhà hàng vì gián điệp nước ngoài nghe lén có thể các cuộc trò chuyện của họ ở đó.

Trước cách mạng, Krivosh-Nemanich nhiều lần được cử đi công tác nước ngoài với nhiệm vụ thu thập tin tức về hoạt động của các cơ quan cơ yếu nước ngoài. Khi trở về từ các chuyến công tác đó, ông ta viết báo cáo cho lãnh đạo, viết các báo cáo đặc biệt, đưa ra các đề xuất hoàn thiện hoạt động của cơ quan mã thám của Nha Cảnh sát sa hoàng. Người ta không tận dụng mọi thứ ông quan sát được, hay chấp nhận tất cả những lời khuyên và khuyến nghị. Boky không chỉ phân tích kỹ lưỡng tất cả những tin tức Krivosh-Nemanich cung cấp, mà còn cố sử dụng chúng trên thực tế. Chẳng hạn, Boky coi kinh nghiệm thu thập thông tin cần thiết bằng các phương pháp khác nhau của các cơ quan mã thám Pháp là rất có ích. Các nguồn tin đó là bản sao tất cả các bức điện mà các sứ quán nước ngoài gửi hoặc nhận, các loại thư tín ngoại giao khác, cũng như các tin tức có thể thu thập bằng cách mua chuộc, hăm doạ các nhân viên sứ quán. Nhiều kênh cũng cung cấp những tin tức như nhau, hoặc dưới dạng bản nháp bị xé, một bức điện mật mã hay một câu chuyện nghe lén được. Phương pháp thu tin từ nhiều kênh này lập tức được Boky đưa vào sử dụng.

Thời trước chiến tranh, Phòng Đặc biệt nhiều lần cho thành lập các nhóm đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Các nhóm này gồm các chuyên gia mã thám giàu kinh nghiệm và được cử đến các vùng chiến sự. Mà những nơi như thế có không ít trong thập niên 1930.

Năm 1936, một số chuyên gia mã thám của Phòng Đặc biệt đã cùng đơn vị chặn thu đi tàu thuỷ sang Tây Ban Nha và vừa đến nơi họ bắt đầu làm việc ngay trong Bộ Tổng tham mưu quân đội cộng hoà. Trước hết, họ tổ chức chặn thu điện tín của quân nổi loạn Franco và quân đoàn Italia đến cứu viện chúng. Ban đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn như không biết tiếng và đặc điểm trao đổi điện tín nên các thành tựu đầu tiên của họ là rất khiêm tốn. Nhưng dần dần công việc diễn biến tốt đẹp nên bộ chỉ huy quân đội cộng hoà cùng các cố vấn quân sự Liên Xô bắt đầu nhận được ngày càng nhiều thông tin giá trị.

Các chuyên gia mã thám thuộc nhóm tác chiến đặc biệt ở Tây Ban Nha được các đồng nghiệp của họ ở Moskva giúp đỡ. Chẳng hạn, họ đã giải mã được bức điện của bọn Franco báo tin sẽ có một chiếc tàu chở quân tiếp viện cho quân cộng hoà từ Marseille đến Barcelona. Bức điện có chứa mệnh lệnh đánh đắm con tàu bất kể nó treo cờ nước nào. Thông tin này lập tức được Moskva thông báo đến Marseille trước khi con tàu ra khơi chở theo nhiều phi công, bộ đội xe tăng Liên Xô và binh sĩ các lữ đoàn quốc tế đang vội đến giúp đỡ phe cộng hoà Tây Ban Nha. Nhờ được cảnh báo kịp thời, họ đã được cứu sống. Ngoài các điện tín liên lạc quân sự, nhóm tác chiến đặc biệt còn đọc các bức điện của lưới điệp báo của bọn Franco vốn đang theo dõi sát tàu bè cập các cảng của Cộng hoà Tây Ban Nha.

Một nhóm tác chiến đặc biệt khác gồm các nhân viên Phòng Đặc biệt đã được cử đến Trung Quốc để hỗ trợ cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống Nhật. Hàng tháng, nhóm này giải mã được gần 200 bức điện mật mã của Nhật và trong tổng cộng 1,5 năm hoạt động ở Trung Quốc, nhóm đã giải phá 10 loại mật mã quân sự của Nhật.

Làn sóng thanh trừng đã không bỏ qua ngành tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô, cũng giống như các cơ quan khác của NKVD. Hơn 40 chuyên gia mật mã Xô-viết đã trở thành nạn nhân. Cuối năm 1937, Boky và vị phó của ông P.Kh. Kharkevich đã bị xử bắn. Người kế nhiệm của Boky cũng làm việc không lâu trên cương vị của mình và ông bị bắt sau đó một tháng. Tuy vậy, ở cấp thấp hơn, các chuyên gia mã thám cấp thấp không bị tổn thất nhiều vì thanh trừng như các cán bộ của cơ quan điệp báo. S. Tolstoi, trưởng phân ban Nhật của Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt, có lẽ là phân ban hiệu quả nhất của ban, đã làm việc trên cương vị này cả trong thời kỳ thanh trừng và chiến tranh thế giới thứ II. Thành công của Tolstoi đã được đánh giá cao hơn thành tích của bất kỳ chuyên gia mã thám mã thám Xô-viết thời chiến nào khác và ông đã được tặng thưởng hai huân chương Lenin.

Trong thập niên 1920-1930, Hồng Quân không có truyền thống và lực lượng có thể so sánh về thành tích với của các cán bộ Cheka trong lĩnh vực mã thám. Việc nhóm tình báo vô tuyến điện tử quân sự được đưa vào biên chế của Phòng Đặc biệt vào năm 1933 chứng tỏ nhóm này thuộc quyền của Phòng Đặc biệt. Dù sao chăng nữa thì người ta biết đến lịch sử của nó ít hơn nhiều so với Phòng Đặc biệt. Có thể đó là vì mỗi quân chủng Lực lượng vũ trang Xô-viết chỉ mã thám điện tín liên lạc của quân chủng tương ứng của quân đội nước ngoài. Chẳng hạn, các chuyên gia mã thám của Hồng Quân thì hoạt động nhằm vào lục quân Anh, Đức, Mỹ, Nhật và các nước khác. Hải quân và Không quân Liên Xô cũng hoạt động như thế.

Các chuyên gia mật mã Liên Xô học nghề tại một loạt cơ sở đào tạo. Ví dụ, khoá đào tạo cơ yếu tại Trường Thuỷ lôi điện của Hải quân ở Kronshtadt có cả môn mã thám. Phó giám đốc học viện (không phải về mật mã mà là về công tác chính trị) của Học viện Công binh mang tên Kuibyshev nguyên là một chuyên gia cơ yếu giàu kinh nghiệm Maslennikov có biệt danh Kriptus. Ông là một nhà thông thái về cơ yếu và nổi danh là giảng viên xuất sắc về mật mã.

Năm 1938, khi Beria còn lãnh đạo NKVD, đơn vị hỗn hợp của ngành tình báo vô tuyến điện tử của NKVD và của Cục 4 trong cơ cấu Phòng Đặc biệt đã bị giải thể. Hoạt động mã thám đối với các bức điện mật mã quân sự được chuyển giao cho tình báo quân sự và nhằm mục đích đó vào tháng 2 năm 1941, Cục 4-Bộ Tổng tham mưu, nay là Tổng cục Tình báo GRU, đã thành lập một cơ quan tình báo vô tuyến điện tử thực sự của riêng mình. Còn Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt thì thuộc biên chế một cục của NKVD.

Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Sự khởi đầu - Chẳng phải quý tộc, cũng chẳng phải tiểu thị dân (4)

VietnamDefence - Trong thập niên 1920, sứ quán Trung Quốc trở thành cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đầu tiên ở Moskva bị "cướp mật mã".
Tất cả bắt đầu từ việc đại sứ Trung Quốc đề nghị huy động Piotr Leonidovich Popov tham gia chuẩn bị hiệp định thương mại Nga-Trung với tư cách chuyên viên về quan hệ quốc tế. Vị đại sứ lựa chọn Popov không phải là tình cờ vì đây là một con người có số phận dị thường.

Năm 1910, Piotr Popov, một thợ máy tàu đã được phép rời chiếc tàu bảo vệ nghề cá và nghề săn thú lấy lông ở vùng Kamchatka đến thủ đô để thi vào trường cao đẳng kỹ thuật đóng tàu. Ông đỗ thứ ba tại kỳ thi, nhưng hiệu trưởng trường cao đẳng đã phê lên đơn của Popov: "Không thể nhận vào học vì chẳng phải là quý tộc, cũng chẳng phải tiểu thị dân". Quay về Vladivostok, Piotr đã chuyển từ việc tuần biển sang nghề buôn bán. Khi chiến tranh thế giới nổ ra, Popov bị động viên vào phục vụ tại giang đội sông Amur. Tháng 7 năm 1917, ông đi Mãn Châu Lý. Tại đây, dựa vào các quan hệ buôn bán cũ, ông đã đứng đầu phân khu đường sắt Harbin của tuyến đường sắt Hoa Đông.

Sau cách mạng, con đường từ Mãn Châu Lý đi ra nước ngoài, trên đó có phân khu đường sắt Hoa Đông, đã bị phong toả. Một phái đoàn kinh doanh của Mãn Châu Lý đã được cử đi đàm phán với những người bôn-sê-vic thuộc Xô-viết nhân dân Vladivostok đang quản lý các bến cảng ở vịnh Zolotoi Rog (Sừng Vàng), nơi hàng hoá từ Mãn Châu Lý đưa ra nước ngoài bị mắc kẹt. Phía Trung Quốc đã mời Popov tham gia vào đoàn của mình. Cuộc đàm phán thành công, còn bản thân Popov, cùng các văn bản bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá từ Mãn Châu Lý đến Vladivostok, đã trở về Harbin.

Thật dễ hiểu khi uy tín của ông tăng mạnh ở Mãn Châu Lý. Giới làm ăn ở phân khu đường sắt Hoa Đông ngày càng coi trọng doanh nhân Nga tài ba này. Tuy vậy, ít ai biết là chính trong thời gian đó, Popov đã móc nối với lực lượng bí mật bôn-sê-vic và trở thành tình báo viên chuyên nghiệp. Ông đã thực hiện thành công một số chiến dịch vận chuyển bất hợp pháp những hàng hoá rất cần thiết từ Mãn Châu Lý đến vùng Ngoại Baikal của Liên Xô, trong đó các phụ tùng cho đoàn tàu hoả cơ động trị giá hơn 10 triệu rúp vàng.

Tháng 10 năm 1922, nội chiến ở Viễn Đông chấm dứt. Không lâu sau, Popov với tư cách chuyên gia về quan hệ thương mại với Nga đã được mời vào phái đoàn Mỹ đến Chita để đàm phán với chính phủ Cộng hoà Viễn Đông. Sau các cuộc gặp sơ bộ ở Chita, các cuộc đàm phán đã được tiếp tục ở Moskva. Thế là, Piotr Popov, thành viên phái đoàn thương mại Mỹ và là tình báo viên Liên Xô, đã có mặt ở Moskva và ở đây ông cũng được mời tham gia các cuộc đàm phán Xô-Trung. Piotr Leonidovich đã nhận lời. Thế là ông có được quyền tự do ra vào sứ quán Trung Quốc.

Sau khi quen với tình thế, Popov quyết định dập trộm mẫu các chìa khoá két chứa mật mã của sứ quán. Chiến dịch này đã được cân nhắc đến từng chi tiết nhỏ nhất và tính đến từng giây. Vào ngày đã định, ông đã ngắt lò sưởi trong toà nhà sứ quán. Chủ nhân định mời thợ sửa chữa đến, nhưng đúng lúc đó Popov lại đến sứ quán vì việc gì đó và nói là ông am hiểu các hệ thống sưởi nên có thể sửa giúp. Người ta đồng ý cho ông đi khắp các phòng của sứ quán. Đến lúc đó, Popov đã biết được là hàng sáng, các chìa khoá chiếc két mà ông quan tâm thường nằm trên chiếc bàn đầu giường nhỏ trong phòng nhân viên cơ yếu.

Sáng sớm hôm sau, Popov bắt đầu từ chính phòng này đi một vòng ra vẻ để kiểm tra hệ thống sưởi. Nhân viên cơ yếu đã để cho ông vào phòng khách, còn anh ta nói xin lỗi, rồi vẫn tiếp tục vệ sinh buổi sáng mà không đóng cửa sau lưng mình. Đợi cho nhân viên cơ yếu kia bôi xà phòng cạo râu lên mặt, Popov liền đi nhanh từ phòng khách vào phòng anh ta, cầm lấy các chìa khoá két trên bàn, rồi quay lưng lại lò sưởi trung tâm để dập trộm mẫu chìa khoá. Sau đó, Popov trả các chìa khoá về chỗ và ra ngoài. Phải một phút sau, phản ứng đối với nguy hiểm vừa trải qua mới ập đến với ông. Ông cảm thấy năng lượng trong cơ thể nhân đôi và nếu không tạo lối thoát cho nó thì cơ thể sẽ nổ tung. Piotr Leonidovich mặc độc bộ quần áo bước ra sân và đứng mấy phút dưới trời lạnh âm 20 độ mà hoàn toàn không thấy lạnh. Lịch sử tình báo vô tuyến điện tử không nói gì về ứng dụng của các mẫu chìa khoá két trong sứ quán Trung Quốc mà Popov lấy được.

Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Sự khởi đầu - Chiếc mũ nhỏ (5)

VietnamDefence - Đầu thập niên 1920, GPU (một tên viết tắt cũ của KGB sau này) có cơ hội tuyển mộ vị lãnh sự Afghanistan ở Tashkent.
Điệp viên mật đã tiến hành điều tra sơ bộ để tuyển mộ vị lãnh sự đã đặt cho ông ta biệt hiệu Shapochka (chiếc mũ nhỏ) bởi vì người Afghanistan này đội chiếc mũ lông cừu non màu đen cùng bộ đồ Âu, kể cả khi ở nhà. GPU rất quan tâm đến vị lãnh sự Afghanistan vì nhiều lý do.

Một là lãnh sự quán Afghanistan ở Tashkent luôn nắm được toàn bộ chính sách của nước này đối với Turkestan. Hai là Afghanistan là nước thực hiện chính sách của Anh ở khu vực này. Ba là người ta ở Kabul lắng nghe tiếng nói của vị lãnh sự khi đưa ra các quyết định chính trị quan trọng có liên quan đến Turkestan.

Vị lãnh sự Afghanistan đồng ý cung cấp tin về những ý kiến chỉ đạo không thân thiện đối với nhà nước Xô-viết của chính phủ Afghanistan mà ông biết được nhờ chức trách. Ông đề nghị đổi quyền tiếp cận điện tín mật của lãnh sự quán và khoá mã của mật mã liên lạc giữa ông ta và Kabul đổi lấy quyền tị nạn trong trường hợp ông từ chối trở về nước, cộng thêm 10 ngàn rúp vàng. Vấn đề tế nhị về quyền tị nạn chính trị lẫn vấn đề khoản tiền lớn đòi hỏi phải có sự thống nhất của Uỷ ban Trung ương Đảng và Bộ Dân uỷ Ngoại giao.

Ban lãnh đạo đảng đã cho phép xuất ra tổng cộng chỉ 1 ngàn rúp, còn cơ quan ngoại giao Xô-viết gọi đề nghị của "Chiếc mũ nhỏ" là sự phiêu lưu có thể phá hỏng hẳn quan hệ với chính phủ Kabul.

Bởi vậy, GPU đã quyết định sử dụng cách khác, tin cậy hơn để tiếp cận các tài liệu mật của lãnh sự quán Afghanistan. Họ biết rằng, xâm nhập vào toà nhà lãnh sự quán là dễ dàng vì ở đó có ít người, còn tài liệu của lãnh sự quán thì được cất giữ trong một tủ chống cháy, mà chìa khoá thì tổng lãnh luôn treo ở cổ. Cần bí mật đánh cắp chìa khoá này, rồi dùng nó để xâm nhập vào toà nhà lãnh sự quán lúc không người, lấy tài liệu khỏi tủ, chụp ảnh tài liệu và trả về chỗ cũ. Sau đó thì bí mật trả lại chìa khoá cho chủ nhân nó.

Chiến dịch đã diễn ra thuận buồm xuôi gió. Viên thư ký có tuổi của lãnh sự quán ít khi ở chỗ làm mà để giành toàn bộ thời gian tại căn hộ của một phụ nữ Nga. Người phụ nữ này đã được GPU gọi đến và được lệnh làm sao phải giữ cho được gã bạn trai nước ngoài của cô ta nghỉ lại trong buổi tối sắp tới. Vào ngày đó, trong một căn hộ xa hoa do GPU giao cho, bên chiếc bàn nhỏ đã diễn ra một tối vui có sự tham gia thoải mái của vị tổng lãnh sự Afghanistan.

Gần nửa đêm, ông tổng lãnh sự đã sừng sừng vì rượu còn bị nhồi thêm thuốc ngủ vào cốc. Khoảng 10 phút sau, các nhân viên Cheka đã có trong tay chiếc chìa khoá hằng mơ ước kia để đột nhập vào nơi đó trước 5 giờ sáng, chụp ảnh mật mã và các tài liệu cất trong két. Và chỉ vào 10 giờ sáng, mật mã lấy cắp được đã được dùng để giải mã bản sao các điện mật mã của Afghanistan thu được trước đó.

Một thập niên sau, nhiệm vụ lấy trộm mẫu các chìa khoá của sứ quán Afghanistan ở Moskva đã được giao cho nữ quản gia và bảo mẫu Ye.Ya. Shevtsova làm việc ở đó. Để tăng sức nặng cho yêu cầu làm việc này, người ta còn đe doạ trừng phạt nếu từ chối và hứa cho con trai bà Shevtsova đi điều trị tại bệnh viện trung ương.

Rõ ràng là cây gậy chính trị và củ cà rốt đã có tác dụng vì không lâu sau Shevtsova đã được chuyển sang làm việc ở sứ quán Italia. Người phụ nữ này đã phải thường xuyên sống trong sợ hãi và một lần đã kể hết cho người em gái khiến cô ta rất lo lắng vì điều đó có thể cản trở đường binh nghiệp đang tốt đẹp của con trai cô ta là Oleg Vladimirovich Penkovsky (Sau này là đại tá tình báo GRU, tên phản bội tồi tệ nhất trong lịch sử tình báo Liên Xô và Nga, bị xử bắn vì tội phản quốc - ND).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét