Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 73

(ĐC sưu tầm trên NET)
TRẠNG NGUYÊN TRẦN TẤT VĂN
TRẠNG NGUYÊN TRẦN TẤT VĂN

Tác giả bài biểu Lui vạn binh nổi tiếng trong lịch sử bang giao Đại Việt
                                                                                        Trần Phương

Trạng nguyên Trần Tất Văn, người làng Nguyệt Áng, tổng Đại Hoàng, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Nguyệt Áng, x. Thái Sơn, h. An Lão, TP. Hải Phòng) thi đỗ Đình nguyên, Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526) đời vua Lê Cung Hoàng. Ông là tác giả bài biểu Lui vạn binh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên...
Trạng nguyên Trần Tất Văn được người đời tôn vinh, nể trọng chủ yếu do đức độ, dốc lòng làm việc thiện “khuyến học, lo đời”, sống thanh bạch, không màng công danh, phú quý. Đặc biệt, người đương thời rất khâm phục bài biểu của vương triều Mạc (1527 - 1592) do ông trực tiếp soạn gửi nhà Minh. Ngày ấy, nhân lúc Mạc Đăng Dung mới khai lập nên vương triều Mạc lòng người còn chưa yên, nhà Minh giở chiêu bài “Phù Lê” nhăm nhe xâm lược nước ta, sai viên tướng có tiếng là thao lược Mao Bá Ôn đem đại quân áp sát biên giới gây áp lực, đòi cống nạp, cướp đất, đòi nộp con tin, đòi cống thợ giỏi, đòi tìm con cháu nhà Lê lập ngôi vua... Biết được nhân cách, tài năng và tư tưởng tiến bộ của Trạng nguyên Trần Tất Văn, Mạc Đăng Dung đã giao cho ông, một mệnh quan của triều đình cũ, chuyên lo việc bang giao với nhà Minh, tìm mọi cách để đất nước tránh được cuộc can qua binh lửa. Đó chính là bối cảnh mà Trạng nguyên Trần Tất Văn đã dốc hết tâm lực, trí tuệ, sự hiểu biết, tài ngoại giao ứng đối của mình cho việc soạn bài biểu nhân danh “Sơn hà xã tắc” gửi triều đình nhà Minh. Sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề chép lại bài biểu này với cái tên “Một bài biểu lui vạn binh”, trong đó có câu rất nổi tiếng như:
- Vị tiểu quốc bất học vô nhân, lễ nghĩa hà túc thâm trách.
- Mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhận nhẫn sử hoành la.
Có nghĩa là: Cho nước tôi là vô nhân ít học thì lễ nghĩa sao đáng trách móc? Bảo thương dân An Nam vô tội, nỡ nào đem gươm giáo đâm chém?
Tương truyền, Mao Bá Ôn đọc biểu rơi nước mắt rồi quyết định lui quân.
Trong lịch sử bang giao thời quốc gia Đại Việt, lời lẽ và sức mạnh của bài biểu “Lui vạn binh” của Trạng nguyên Trần Tất Văn có thể được sánh ngang với lời đối đanh thép “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” của sứ thần Giang Văn Minh.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, trong số 47 trạng nguyên của nước nhà, Trần Tất Văn là trạng nguyên thứ 30 của các triều đại Lý - Trần - Hậu Lê và là trạng nguyên thứ 21 cũng là trạng nguyên cuối cùng của nhà Hậu Lê nổi tiếng trong lịch sử phát triển giáo dục, đào tạo hiền tài của nước ta thời Trung Đại. Khoa thi Đình năm Thống Nguyên thứ 5 (1526) này, do tình hình loạn lạc nên không dựng bia tiến sỹ ở Văn Miếu Thăng Long, nhưng tên Trạng nguyên Trần Tất Văn được ghi ở tất cả các sách Đăng khoa lục. Tất cả các sách Đăng khoa lục đều ghi rõ Trần Tất Văn người làng Nguyệt Áng, huyện An Lão đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh khoa Bính Tuất niên hiệu Thống Nguyên 5, làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Hàn Xuyên Bá, từng được cử đi sứ nhà Minh. Con ông là Trần Tảo đỗ đồng tiến sỹ khoa Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 4 triều Mạc, làm quan đến chức Thừa chánh sứ. Trong lịch sử khoa bảng nước ta thời quân chủ chuyên chế, gia đình có cha đỗ Trạng, con đỗ Nghè chỉ có 7 gia đình mà thôi, trong đó có gia đình Trạng nguyên Trần Tất Văn.
Làng Nguyệt Áng - nơi Trạng nguyên Trần Tất Văn sinh ra và lớn lên có mạch núi cao, sông Cửu Biều lượn quanh, đất đai tươi tốt, khí tinh hoa tụ họp lại. Bởi thế, dân làng còn mãi truyền tụng câu đối ca ngợi truyền thống hiếu học của quê hương do cha con Trạng nguyên Trần Tất Văn là người đắp móng, xây nền: “Một áng văn chương, dò đâu đó, nền tể tướng, đất trạng nguyên, làng Nguyệt Áng địa linh nhân kiệt - Mấy hàng chữ, đáng là bao, của Thương Thư nhà An Sát, đất Cổ Am, nguyện lộng phong lâu”. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Nguyệt Áng vẫn đang là một làng quê nghèo, dù rất hiếm cơ may để được học hành thi cử, nhưng bù lại, thời nào làng Nguyệt Áng nói riêng, xã Thái Sơn nói chung cũng xuất hiện những người sáng dạ, ham học hành. Việc học hành đã trở thành nỗi ao ước cháy bỏng trong mỗi người dân Thái Sơn, An Lão. Khắp trong xã, ngoài làng đi đâu cũng thấy cảnh dòng họ này thi đua với dòng họ khác, ông dậy cha, chay dạy con để cùng nhau tạo nên truyền thống: ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà. Tấm gương hiếu học, suốt đời mang nghĩa nặng, tình sâu với quê hương, gia đình, dòng tộc của Trạng nguyên Trần Tất Văn từ ngàn xưa vẫn được lưu truyền như ngọn tuệ đăng rọi tới ngày nay. Chẳng thế mà trên mảnh đất Thái Sơn bây giờ vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích gắn với việc học hành của Trạng nguyên Trần Tất Văn như: núi Chồng sách, đường Bút nghiên, đường Đống Đế, lăng Nghè, Từ Chỉ (văn miếu hàng huyện)...
Đời truyền rằng, năm nào ông cũng dành phần lớn bổng lộc vua ban để gây quỹ khuyến học giúp đỡ các học trò nghèo ở quê hương, chăm ngoan học giỏi... Trong khuôn khổ một bài báo khó có thể nói hết những tình cảm và việc làm đầy ân nghĩa của Trạng nguyên Trần Tất Văn đối với quê hương Thái Sơn, An Lão. Nhưng tiếc thay, những di sản văn hoá mà Trạng nguyên Trần Tất Văn để lại cho quê hương, đất nước đã bị mai một, thất lạc, mất mát gần hết. Một phần lớn là do khi nhà Lê Trung Hưng giành được ngôi báu, với chính sách trả thù tàn khốc, toàn bộ “Trần Gia Trang” ở làng Nguyệt Áng bị san thành bình địa, những công trình kiến trúc - nghệ thuật gắn với công tích Trần Văn Tất, Trần Tảo đều bị phá huỷ, gia tộc họ Trần ở làng Nguyệt Áng, người bị giết, bị đi đày hay phải trốn tránh khắp nơi, gia phả dòng tộc bị thất truyền. Theo Lê triều thông sử, ngày 14-1 năm Quý Mùi (1593), con trai Quan Trạng là Thừa chính sứ Trần Tảo bị quân Lê - Trịnh bắt cùng với nhiều quan lại cao cấp khác của nhà Mạc. Tục truyền, cả gia đình Trạng nguyên Trần Tất Văn bị tàn sát ở bến Thanh Lâm (Cẩm Giàng, Hải Dương).
Dẫu di sản văn hoá của Trạng nguyên Trần Tất Văn còn lại không nhiều, nhân dân Nguyệt Áng, Thái Sơn chỉ còn lưu giữ được phế tích đền thờ Quan Trạng do tiền nhân xây dựng, phế tích Từ chỉ (văn miếu hàng huyện) và hậu cung chùa Vĩnh Khoát đều do Quan Trạng bỏ tiền của xây dựng. Tất cả các công trình này đều nằm trên khu đất thuộc “Trần Gia Trang” thuở trước và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Để tôn vinh và nối dài công tích và đức độ của Trạng nguyên Trần Tất Văn, UBND TP đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo và phục dựng khu di tích tưởng niệm Quan Trạng Áng; đồng thời mở đợt phát hành xổ số từ ngày 1-10 đến 7-11-2007 nhằm huy động từ những tấm lòng “hằng tâm, hằng sản” của người Hải Phòng, của dân đất gạch, giọt đồng, giúp nhân dân Nguyệt Áng, Thái Sơn hoàn thành tâm nguyện tri ân Trạng nguyên Trần Tất Văn.

Trạng nguyên Trần Tất Văn- niềm tự hào của nhân dân An Lão
Cập nhật lúc 07:50, Thứ Tư, 10/10/2007 (GMT+7)
Sự nghiệp nhiều thăng trầm

Từ đời vua Lê Uy Mục, đến Tương Dực trở đi, các vua Lê đều sa vào con đường xa hoa vô độ. Triều đình đổ nát, quan lại tham nhũng, lộng hành, nội bộ triều đình lục đục, lập bè phái chém giết lẫn nhau, tranh giành quyền lực. Đời sống nhân dân cực khổ trăm bề. Theo lệ thường, người đỗ Trạng nguyên sẽ được dựng bia tiến sĩ ở Văn miếu. Nhưng khoa thi năm đó, do tình hình loạn lạc nên Trạng nguyên Trần Tất Văn không được vinh dự đó. Nhiều quan lại chán ghét triều đình đương đại và muốn thay đổi triều chính, Trần Tất Văn cũng ở trong số đó. Ngay sau khi thi đỗ, Trạng nguyên Trần Tất Văn được nhà Lê bổ nhiệm làm quan hàng tứ phẩm. Với hy vọng nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước thống nhất cường thịnh, ông và nhiều quan lại cùng chí hướng ủng hộ Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê lập nên triều Mạc; trở thành một trong những người có đóng góp lớn trong việc lập nên vương triều mới. Ông được Mạc Đăng Dung kính trọng, bổ nhiệm phụ trách 5 toà đô đốc và sảnh viện. Ông hết lòng phò tá vua Mạc ổn định tình hình đất nước. Khi Mạc Đăng Doanh, con trai của Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông vẫn tiếp tục được trọng dụng và được phong đến chức Thượng thư, tước Hàn Xuyên bá, phụ trách việc soạn thảo văn thư giữa nhà Mạc với nhà Minh, ông từng được cử đi sứ nhà Minh.

Dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp chính trị, văn chương và được nhắc nhiều trong sử sách về Trạng nguyên Trần Tất Văn là lần đi sứ nhà Minh với bài biểu lui vạn binh. Sử sách ghi rằng: Sau khi nhà Mạc lên ngôi, tàn dư nhà Lê cầu cứu nhà Minh. Viện cớ diệt Mạc để khôi phục Lê, nhà Minh xâm lược nước ta. Trạng nguyên được vua Mạc Đăng Doanh cử đi sứ. Bằng tài ngoại giao và sự lập luận sâu sắc, ông khiến âm mưu, thủ đoạn của nhà Minh bị vạch trần. Với bài biểu, Trang nguyên khiến 2 tướng nhà Minh là Mao Bá Ôn và Cừu Loạn quyết định lui quân, tránh cho nước nhà một cuộc chiến tranh.  39 năm sau, nối nghiệp cha, con trai Trạng nguyên Trần Tất Văn là Trần Tảo đỗ Đồng tiến sĩ khoa Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc 4, triều Mạc, phụng sự triều Mạc. Trần Tảo được làm quan đến chức Thừa Chánh sứ.

Nhưng mong muốn xây dựng triều đại cường thịnh, nhân dân ấm no của Trạng nguyên không thành hiện thực. Năm 1592, nhà Mạc bị lật đổ, Trần Tảo bị bắt và bị giết ở Thảo Tân, gia đình Trạng nguyên bị hoạ “tru di tam tộc” dòng họ Trần làng Nguyệt Áng bị trả thù thảm khốc, dòng dõi Trần Tất Văn không còn ai. Những dấu tích của Trạng nguyên Trần Tất Văn hầu như không còn. Điều này lý giải tại sao sử sách, tài liệu ghi chép về ông không nhiều; phải mất rất nhiều năm, trải qua nhiều cuộc hội thảo mới xác định phần nào về thân thế và sự nghiệp của ông. Đến nay, năm sinh, năm mất của ông vẫn chưa xác định cụ thể. Cây cầu đá 7 nhịp tương truyền Trạng nguyên dựng cho dân làng nay cũng chỉ còn dấu vết 2 trụ đá đặt trong sân chùa và trong những câu chuyện kể của dân làng Nguyệt Áng. Dẫu vậy, tên tuổi của ông vẫn được các sách Đăng khoa lục ghi lại, như sách Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục của Nguyễn Sư Hoàng, Thiên Nam lịch triệu liệt huyện đăng khoa bị khảo do Phan Hào Phủ (Phan Huy Ôn) soạn; Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lịch do Vũ Miên, Phan Trọng Phiên biên soạn và Nguyễn Hoàn hiệu đính…Các sách Đăng khoa lục khẳng định truyền thống khoa bảng, đức hiếu học của Trạng nguyên.

Khẳng định truyền thống hiếu học quê hương

Các sách đều ghi rõ Trần Tất Văn người làng Nguyệt Áng, huyện An Lão; xuất thân trong gia đình Nho học. Qua nhiều năm miệt mài đèn sách, ông lần lượt vượt qua và đỗ đầu trong các kỳ thi hương (đỗ Giải nguyên), thi Hội (đỗ Hội nguyên) và thi Đình (Trạng nguyên). Tại Hội thảo khoa học về Trạng nguyên Trần Tất Văn, Nhà nghiên cứu sử học Ngô Đăng Lợi nói: Với 800 năm Hán học, nước ta đào tạo được gần 3000 tiến sĩ, trong đó chỉ có 47 người giành học vị Trạng nguyên, còn gọi là “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh”. Số lượng Trạng nguyên ít ỏi càng khẳng định sự tuyển chọn khắt khe, nghiêm cẩn; nếu không có thực tài khó có thể đạt tới. Việc huyện An Lão có một vị Trạng nguyên là niềm tự hào truyền thống hiếu học. Hơn nữa, con trai Trạng nguyên Trần Tất Văn là Trần Tảo cũng thi đỗ quan Nghè. Truyền thống khoa cử nước nhà ghi nhận: mới có 19/47 trạng nguyên có cha, chú, anh em cùng đỗ đại khoa. Một gia đình có cha đỗ Trạng, con đỗ Nghè thì chỉ có 7. Việc một gia đình có cha đỗ Trạng, con đỗ Nghè chứng tỏ truyền thống hiếu học, con nối nghiệp cha, giữ được nếp nhà. Tài văn chương, chính trị của Trạng nguyên được tác giả cuốn Công dư tiệp ký ghi lại chuyện “Một bài biểu lui vạn binh”: Với lời lẽ vô cùng đanh thép, mạch văn chặt chẽ, ý tứ sâu sắc như đoạn “Coi nước tôi võ nhân, ít học, thì lễ nghĩa sao đáng trách móc? Bảo thương dân An Nam vô tội nỡ nào đem gươm giáo chém giết dân làng”,  bài biểu khiến tướng Minh là Mao Bá Ôn xúc động rồi quyết định lui quân. Bài biểu của ông để lại dấu ấn sâu sắc. Ngoài ra, Cục lưu trữ Nhà nước hiện còn lưu giữ bản Tiểu chí tỉnh Kiến An, trong đó có đoạn viết: “Trong lĩnh vực văn học đáng nêu lên là ông Trần Tất Văn làng Nguyệt Áng (An Lão), ông Trạng Lang làng Hạnh Thị (An Lão) là những người dân hiếm có của tỉnh Kiến An đã đạt tới đỉnh cao của khoa cử đỗ Trạng nguyên và Hoàng Giáp. Nhưng những nhà nho này không để lại một sự nghiệp nào cho hậu thế nên dân chúng ít biết đến…” Những quan điểm, lời nhận xét của tác giả này chưa đầy đủ và cả đến nay, tài liệu sử sách ghi về ông chưa thật nhiều nhưng cho thấy dù ở thời kỳ nào, tên tuổi của Trạng nguyên Trần Tất Văn cũng được nhân dân nhắc nhở, tự hào.
Nguyên Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét