Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 68

(ĐC sưu tầm trên NET)

Phạm Đôn Lễ - ông tổ nghề chiếu

Ở khu đất Đồng Cời thuộc thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) có lăng mộ thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1454-1531) - người được mệnh danh là ông tổ nghề chiếu Việt Nam...


Toàn cảnh khu lăng mộ thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ ở thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) (ảnh trên)

Người đầu tiên đỗ tam nguyên

Theo cuốn “Tóm tắt tiểu sử Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ” do dòng họ Phạm ở thôn Mỹ Xá sưu tầm và biên soạn năm Ất Hợi 1995, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ có tên tự là Lư Khanh, sinh ra tại thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Mẹ của ông bán nước, còn cha làm nghề chài lưới tại bến đò Cà ven sông Luộc. Ngay khi ông còn rất nhỏ thì người cha đã qua đời. Năm lên 3 tuổi, Phạm Đôn Lễ bị lạc trong một lần dạo chơi ven sông. Một chủ thuyền buôn (sử sách ghi lại là người xã Thanh Nhã, huyện Kim Hoa, tức Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) khi đi qua đây thấy đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú nên đã đưa về nuôi và cho ăn học. Phạm Đôn Lễ càng lớn càng tỏ ra thông minh, học một biết mười. Năm Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Đức 12, triều vua Lê Thánh Tông mở khoa thi kén chọn nhân tài cho đất nước. Phạm Đôn Lễ dự thi ở cả ba khoa thi hương, thi hội, thi đình và đều đỗ thủ khoa. Ông là người đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam đỗ tam nguyên, được khắc bia đá dựng tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Sau khi thi đỗ, ông được nhà vua phong tước, bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm thừa chí. Trong lần vinh quy bái tổ, ông được cha nuôi kể cho sự thật về quê hương, bản quán của mình. Phạm Đôn Lễ tức khắc trở về làng Hải Triều tìm mẹ. Hai mẹ con gặp nhau trong vỡ òa nước mắt.
  
Vị quan thương dân


Trong những năm tháng làm quan trong triều đình, Phạm Đôn Lễ không chỉ được biết đến là người tận tâm với công việc, thương dân như con, mà ông còn là người thẳng thắn, cương trực, nhất là với những quan thần nhu nhược, tham nhũng, lãng phí. Năm Tân Tỵ (1485), ông tâu với vua lập sổ đồn điền, ổn định dân cư, khai thác tiềm lực của nghề nông để mở rộng nguồn tích trữ cho Nhà nước. Năm Đinh Mùi (1487), nhận thấy nhiều quan viên trong triều tiêu pha lãng phí, ông đã tâu với vua ra chiếu thu thuế đối với những quan viên và những người thường xuyên được hưởng bổng lộc. Những quan viên nào đã từng phạm tội ăn hối lộ, tham nhũng, lãng phí từ 10 năm trở lên mà vẫn giữ chức vụ thì phải buộc thôi việc. Năm Mậu Thân 1488, ông tiếp tục dâng sớ đề nghị vua trừ bỏ những quan lại không làm hết trách nhiệm công việc, nhu nhược, gây nỗi bất hòa để dân chúng oán than. Cùng năm đó, ông tiếp tục tâu vua xin gia ân giảm thuế ngạch, tạo điều kiện thuận lợi cho dân nghèo được buôn bán tự do nơi kinh thành như những tiểu thương khác. Tất cả nội dung sớ tâu của ông đều được nhà vua chấp thuận và ban chiếu chỉ thi hành trong cả nước.

Ông tổ nghề chiếu

Vốn là người có tài ăn nói, đối đáp giỏi, trong các năm 1488 và 1505, ông 2 lần được nhà vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã học được bí quyết dệt chiếu ở Quế Lâm, sau đó về truyền nghề cho dân làng Hải Triều và những vùng lân cận. Sử sách ghi lại, Hải Triều có nghề dệt chiếu cói từ lâu đời, nhưng dệt bằng khung đứng, vừa chậm, chiếu lại không đẹp. Phạm Đôn Lễ đã giúp dân mở mang nghề trồng cói, cải tiến cách dệt chiếu bằng khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay luồn cói, chao cói nhanh hơn, sợi đan đều hơn, năng suất cao, chiếu lại đẹp. Ông còn hướng dẫn cho dân làng cách trồng cói, dệt chiếu cải chữ hoa và nhuộm cói vừa hồng, vừa bền, vừa đẹp, lại không bị mốc, dùng được 5 - 7 năm mới phải thay chiếu khác. Làng Hải Triều có chợ Hới chuyên bán chiếu nên tục vẫn quen gọi là chiếu Hới. Chiếu ở đây đẹp nổi tiếng khắp nơi, được người dân ưa dùng. Xưa kia vẫn truyền câu ca: “Ăn cho hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. 



Tấm bia đá cổ được tạc vào thời vua Thành Thái thứ 7, năm Ất Mùi (1895) ghi lại thân thế,
 sự nghiệp và công trạng của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ

  Thời vua Lê Huy Mục (1498-1504) và Lê Trương Dực (1505-1509), quan lại tham ô, thối nát, kết bè, kết phái đấu đá lẫn nhau. Phạm Đôn Lễ là người ngay thẳng nên bị bọn gian thần ghen ghét, tìm cách hãm hại. Truyền thuyết và tư liệu điền dã cho biết, khi đê cửa sông Luộc bị vỡ, Phạm Đôn Lễ giúp nhân dân kè lại cửa sông, trong thời gian này không may công chúa bị ốm nặng. Bọn gian thần đã tấu với nhà vua: “Công chúa bị ốm là do Phạm Đôn Lễ đào đắp đê cửa sông Luộc đã bị phạm đến long mạch”. Vua nghe theo lời gièm pha, khép tội cho Phạm Đôn Lễ. Vốn là người ngay thẳng, khi biết được tin, ông đã xin từ quan, đưa vợ (sử sách không ghi lại) và 4 người con trai gồm: Phạm Quý Công tự Phúc Tâm, Phạm Quý Công tự Phúc Dương, Phạm Quý Công tự Phúc Phú và Phạm Quý Công tự Phúc Hưng về ở ẩn khi chưa có lệnh của vua. Ông đưa gia đình đi đến nhiều địa phương, dạy chữ, truyền nghề dệt chiếu và hướng dẫn nhân dân làm ăn, cải thiện cuộc sống. Trong lần về thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn ông đã định cư ở đây và làm nghề dạy học. Năm 1531 ông qua đời, thi hài được an táng trong lăng mộ tại khu Đồng Cời.

Đề nghị cấp bằng xếp hạng di tích khu lăng mộ

Trong khu lăng mộ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ hiện nay, ngoài phần mộ chính của ông còn có các mộ phần của 4 người con trai. Đặc biệt, cũng trong khu lăng mộ này còn có 1 bia đá cổ được tạc vào thời vua Thành Thái thứ 7, năm Ất Mùi (1895), ghi lại thân thế, sự nghiệp và công trạng của ông. Ông Phạm Văn Vao, Trưởng tộc họ Phạm ở thôn Mỹ Xá cho biết: "Gia tộc đã cử người về quê hương của cụ ở làng Hải Triều và được biết nhân dân ở đây đã lập đền thờ cụ tổ từ thời Tự Đức Tứ Niên (1851). Đền thờ này đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Vào ngày 6 tháng giêng hằng năm, nhân dân làng Hải Triều và các thôn lân cận đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Tại đền thờ còn lưu giữ được các đạo sắc phong, nhiều câu đối ca ngợi công lao của Thị lang thượng thư Phạm Đôn Lễ. Thần phả triều Nguyễn còn ghi, Trạng nguyên khoa Tân Sửu Phạm Đôn Lễ thi hương, thi hội, thi đình đều đỗ đầu, làm quan tới chức thị lang, phụng mệnh đi sứ Bắc Quốc, học được nghề dệt, về dạy người bản xã và trong tổng. Nhiều người nhờ nghề ấy làm kế sinh nhai, sau khi chết dân nhớ công ơn lập đền thờ...

Nhiều năm nay, vào dịp Tết hoặc ngày giỗ của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, đại diện lãnh đạo làng Hải Triều đều sang gặp gỡ, phối hợp với dòng họ Phạm ở thôn Mỹ Xá dâng hương tưởng nhớ công ơn cụ tổ. Ông Trần Xuân Oanh, cán bộ văn hóa xã Ngọc Sơn cho biết: Thể theo nguyện vọng và đề nghị của dòng tộc họ Phạm, vừa qua, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hải Dương đã về khảo sát, tra cứu thông tin và làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích cho lăng mộ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ ở thôn Mỹ Xá.

Theo Báo Hải Dương

Thứ Tư, 20/02/2013 - 09:21
Tưởng niệm Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật
Danh nhân khoa bảng Nguyễn Quang Bật sinh năm 1464, đỗ Trạng nguyên khoa thi Giáp Thìn đời Lê Thánh Tông (1484), trải các chức quan ở Hàn lâm viện, bộ Lại và Ngự sử đài. Khi ở Hàn lâm viện ông đươc dự hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông là chủ súy.
Tác phẩm còn lại của ông không nhiều, gồm bài văn Đối đình sách, 9 bài thơ vâng họa thơ vua, bài văn bia chùa Hành Lạc… Năm 1505 ông phụng mệnh vua Lê Hiến Tông cùng Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ phò lập Lê Túc Tông. Vua Túc Tông ở ngôi 3 tháng thì bị mất đột ngột, hoàng tử Tuấn kế ngôi, tức vua Lê Uy Mục.
Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ bị biếm chức vào Quảng Nam, nhưng trên đường đi lại bị vua bắt tội chết. Con cháu ở quê sợ bị liên lụy đã đổi sang họ Đỗ đến tận ngày nay. Đây là dòng họ có nhiều người thành đạt trải từ thời Lê đến nay, tiêu biểu như các tên tuổi Đỗ Hi Liễu, Đỗ Trọng Dư, Đỗ Trọng Vĩ, Lê Minh Nghĩa, Trần Dực…
Ngày nay dòng họ Đỗ có Giải thưởng trạng nguyên Nguyễn Quang Bật dành cho trường tiểu học mang tên ông ở quê hương An Bình, huyện Thuận Thành Quỹ khuyến học dành cho con cháu học giỏi và Quỹ trạng nguyên Nguyễn Quang Bật dành cho những học sinh đỗ đại học, mức 3 triệu đồng/người, đỗ thủ khoa đại học đầu vào mức 2 nghìn USD, đỗ thủ khoa đại học đầu ra mức 3 nghìn USD.
Phạm Thuận Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét