NỖI NHỚ
NỖI NHỚ
Nỗi nhớ là gì, em gái biết không? Mà khi yêu ai cũng rằng nhớ nhung Mà cứ chăm chăm hướng về quá khứ Mà kể lể hoài về thuở trẻ trung?
Nỗi nhớ là gì em gái biết không? Mà tình yêu thường ôm nó vào lòng Con người lớn khôn là nhờ có nó Nỗi nhớ nhắc đời có thủy có chung!
Nỗi nhớ níu cho gần lại muôn trùng Là những đợi chờ khắc khoải trông mong Là mơ về nhau những khuya trằn trọc Mọng đến vỡ òa loan phượng tương phùng!
Nỗi nhớ là gì, em nói anh xem Có phải hai đầu: tình anh, tình em Cứ ngóng về nhau nguyện thầm tơ tưởng Ước vọng bên nhau, thổn thức đêm đêm?
Trần Hạnh Thu
Tết ở hai đầu nỗi nhớ
Khi quê nhà tưng bừng đón Tết, họ vẫn cặm cụi làm việc và gửi nhớ thương đến người thân qua điện thoại.
25 tuổi, Nguyễn Thị Mai
Ly (quê xã Phổ Cường, thị xã Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đến nước Nhật
cùng 10 người Việt tham gia xuất khẩu lao động, làm việc tại một công ty
ở tỉnh Nara - cố đô một thời của xứ Phù Tang.
Công việc bận rộn, ngày trôi nhanh. Ban giám đốc thông báo được nghỉ 1 tuần để đón Tết dương lịch. Chị Ly đón tàu đến tỉnh Aichi thăm gia đình người chị con dì. Ðường vừa xa vừa lạ, vốn tiếng Nhật ít ỏi khiến chị Ly lo lắng nhưng chị đã vượt qua.
Chị Huỳnh Thị Kim Liêu với tà áo dài Việt Nam trên con đường đầy hoa anh đào của Nhật Bản
Gia đình bên chồng chị liêu sum họp trong ngày đầu năm mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau hơn 4 giờ với 2 lần đổi tàu, niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy chị họ đứng đợi ở ga. Rồi căn nhà của chị họ đầy ắp tiếng cười. Chuyện quê hương, gia đình cùng kỷ niệm thời thơ ấu đưa họ trở về ngày xuân xa. Món ăn Việt trong bữa cơm đoàn viên khiến chị Ly càng nhớ Tết quê nhà.
Vài ngày vui sum họp tựa giấc mơ đối với những người con xa xứ. Rồi Tết Nguyên đán cận kề khiến chị Ly da diết nhớ quê. Ðêm giao thừa, chị gọi điện thoại về nhà để được nghe giọng nói thương yêu của mẹ, chuyện xóm làng đón xuân. "Ngày Tết ở Việt Nam thì bên này vẫn đi làm nên đến tối tôi mới gọi điện cho mẹ. Qua lời mẹ kể, tôi như được sống trong khung cảnh Tết ở quê mình. Nhớ nhà lắm!" - chị Ly tâm sự.
16 năm trước, chị Huỳnh Thị Kim Liêu cùng những đồng hương Quảng Ngãi cũng sang lao động tại tỉnh Aichi với bao niềm hy vọng. Tết dương lịch đầu tiên, họ được ông chủ người Nhật mời dự bữa cơm thân mật với những món ăn Việt.
Ba năm sau, chị Liêu sánh duyên cùng chàng trai xứ sở hoa anh đào. Cuộc sống với bao lo toan khi 2 con chào đời. Ðêm cuối năm dương lịch, vợ chồng và các con về nhà cha mẹ chồng cùng ăn mì trường thọ rồi đến đền thần xin lộc đầu năm. Sáng mùng 1 Tết, phụ nữ trong gia đình lo việc bếp núc cho bữa cơm đoàn viên. Chị chuẩn bị sẵn những món ngon quê Việt: bánh tét, bánh chưng, nộm bắp cải trộn thịt gà, chả giò... để chiêu đãi nhà chồng. "Không khí gia đình đầm ấm lắm. Mọi người chúc nhau may mắn trong năm mới, quây quần bên lò sưởi xem tivi, chuyện trò" - chị Liêu cho biết.
Ðêm giao thừa Tết Nguyên đán, chị Liêu sửa soạn mâm cỗ với những món ăn Việt rồi thắp hương khấn nguyện. "Nhà tôi bên này cũng có bàn thờ nên tôi sửa soạn mâm cỗ cúng vào lúc giao thừa, khoảng 10 giờ đêm ở Việt Nam. Tôi biết ở quê nhà mẹ đang sửa soạn cúng nhưng vẫn gọi điện thoại về hỏi thăm không khí đón xuân. Dẫu đoán trước mọi việc diễn ra như thế nhưng nghe mẹ kể vẫn háo hức vô cùng. Mở Facebook thấy những người bạn ở Việt Nam đăng hình phụ nữ mặc áo dài đi lễ chùa, dạo chợ hoa khiến tôi nhớ những ngày Tết quá" - chị tâm sự.
Gần nơi chị Ly trọ có siêu thị bán lương thực, thực phẩm cho người Việt xa quê nên chị thường mua và nấu những món ngon dịp Tết mẹ nấu. Nhớ mẹ lui cui nấu nướng để dâng cúng tổ tiên, rồi con cháu sẽ quây quần bên mâm cỗ. Ngày Tết, mẹ luôn sửa soạn những món ăn ngon hơn hẳn thường ngày. "Ở bên này có những thứ để chế biến món ăn Việt Nam nhưng không ngon bằng mẹ nấu. Cũng có bánh tét, bánh chưng, cũng nếp, đậu xanh và tiêu xay nhưng sao vẫn thấy bánh mẹ làm ngon vô cùng" - chị tâm sự.
Những ngày sắp sửa tiễn ông Táo về trời, ở quê nhà Quảng Ngãi, mẹ chị Ly là bà Võ Thị Liên sẽ tất bật chăm mấy sào ruộng khi mùa lũ đi qua. Thửa đậu phộng trồng bên chân núi đã trổ bông vàng rực trong nắng mới. Dăm con gà trống thả nuôi nửa năm nay vỗ cánh gáy vang. Sớm mai, bà sẽ ra chợ mua ít thịt heo cùng gia vị, hoa quả... để sửa soạn đón Tết.
Với bà Liên, Ly là đứa con út bé bỏng lúc nào cũng xúng xính áo mới theo mẹ về nhà nội ngoại thắp hương cho ông bà vào những ngày Tết. Hình ảnh ấy khiến bà rưng rưng khi biết xuân này con không về. Dịch giã mà. "Nó út ít đi xa nhớ lắm, nhất là những ngày Tết. May mà con thường gọi điện về. Mong cho hết thời hạn làm việc để con về đón Tết cùng gia đình" - bà tâm sự.
Bà Võ Thị Thắng - mẹ chị Liêu - cũng trong tâm trạng như vậy. Giáp Tết, bà mua nhiều thứ để sửa soạn mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, rồi chế biến những món mà "con Liêu thích": Gà chiên, gà rán, ram tôm, chả giò, bánh cuốn. Dù thường gọi điện chuyện trò nhưng bà vẫn bồi hồi khi xuân này con ở tận nơi xa. Nhớ ngày con thơ bé, gương mặt rạng ngời nhận tiền lì xì ngày đầu năm từ ba mẹ. Nhớ những bữa cơm sum họp gia đình thuở xuân xa.
Xuân đã về. Ngàn hoa khoe sắc thắm. Bà Thắng, bà Liên lại thắt ruột nhớ con.
Nhận xét
Đăng nhận xét