Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 39/a

(ĐC sưu tầm tên NET)

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Mật mã từ dưới đáy biển (1)

VietnamDefence - Ngay từ đầu chiến tranh thế giới thứ I, Bộ Hải quân Anh đã lập tức, cương quyết, tước bỏ của Đức khả năng sử dụng các kênh liên lạc xuyên Đại Tây Dương.
Người Anh không thích thịt ôi

K. Prutkov. "Những trước tác"




Ngay từ đầu chiến tranh thế giới thứ I, Bộ Hải quân Anh đã lập tức, cương quyết, tước bỏ của Đức khả năng sử dụng các kênh liên lạc xuyên Đại Tây Dương. Ngày thứ năm của chiến tranh, chiếc tàu Anh Telconia đã được phái đến biển Bắc và khi ở cách không xa Emden, nơi bờ biển Hà Lan tiếp giáp bờ biển Đức, đã thả xuống biển một thiết bị gì đó. Không lâu sau, từ dưới sâu đáy nước đã xuất hiện những "quái vật" dài như con rắn che phủ bởi rong tảo. Những giọng nói xì xào, tiếng va đập - và không lâu sau vật đó được kéo lên, cắt làm đôi và lúc này đã trở nên vô ích nó lại bị vứt xuống biển. Uỷ ban quốc phòng đế quốc Anh ngay từ năm 1912 đã dự tính bước đi này. Chiến dịch tấn công đầu tiên của Anh do Telconia thực hiện đã giúp nước Anh cùng các đồng minh giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ I.

Không lâu sau đó, các đài vô tuyến điện của Đức ở châu Phi, trên đảo Samoa và ở Trung Quốc đều bị tiêu diệt. Kết quả là để liên lạc với thế giới bên ngoài ở bên ngoài khối đồng minh ba nước Anh-Pháp-Nga sa hoàng, nước Đức chỉ có thể sử dụng các đường điện báo của các nước trung lập Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hà Lan, cũng như các kênh liên lạc của các nước đồng minh của mình là áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ. Liên lạc qua bưu điện và liên lạc vô tuyến điện vẫn còn. Tất cả những điều đó đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho người Anh tiến hành chặn thu: các kế hoạch bí mật nhất của Đức phải đi qua tay các đồng minh của Đức thông qua các kênh liên lạc nên có thể biết ngay bản gốc của chúng, nhưng chỉ với điều kiện giải phá được mật mã bảo vệ các thông tin đó. Đó là cơ hội mà nước Anh chưa chuẩn bị cho nó nhưng đã nhanh chóng biết cách tận dụng. Do khối lượng tin tức chặn thu gia tăng nên phải tuyển các chuyên gia về mật mã. Bộ Hải quân Anh đã nhận vào làm việc ba người tình nguyện biết tiếng Đức. Họ cũng nghiên cứu trước hết các loại mật mã của Đức. Giúp cho thành công trong công việc của họ là một số sự kiện trong hai năm đầu đại chiến thế giới.

Ngày 30 tháng 8 năm 1914, bị hai chiến hạm Nga truy đuổi trên biển Baltic, tuần dương hạm Magdeburg của Đức đã bị mắc cạn, sau đó bị đắm. Mấy giờ sau, các thuỷ binh Nga đã vớt được xác một sĩ quan sơ cấp Đức. Người chết dùng đôi tay cứng đờ ghì chặt vào ngực một quyển mã. Trước hết, bộ chỉ huy Nga đã áp dụng mọi biện pháp để không cho người Đức biết mật mã của họ đã bị lộ. Cụ thể, với mục đích đó, các thợ lặn đã tham gia lục soát tàu Magdeburg đã bị cảnh cáo nghiêm khắc vì làm việc chểnh mảng, không đem lại kết quả giá trị nào. Thông tin này cũng đã được truyền đến tai vị thuyền trưởng chiếc tuần dương hạm Đức và các thuỷ thủ bị bắt làm tù binh. Kết quả là Đức đã không kịp thời thay đổi mật mã. Một tháng sau, mật mã này được chuyển cho Bộ Hải quân Anh và trở thành một tư liệu cực kỳ quý giá đối với hoạt động giải mã của người Anh. Họ đã tận dụng cực kỳ thành công "món quà" của người Nga.

Ngày 17 tháng 10 năm đó, thuyền trưởng một chiến hạm Đức nữa, sau khi tàu ông ta lâm vào trận đánh không cân sức với các tuần dương hạm Anh và biết chắc tàu mình sẽ bị đánh đắm, đã vứt chiếc hòm tài liệu xuống biển. Ngày 30 tháng 11, chiếc hòm không ngấm nước này đã được một chiếc tàu đánh cá của Anh vớt lên từ đáy biển và trong đó đã tìm thấy một cuốn sách mã và đây là cuốn thứ ba Anh có được. Bản sao cuốn sách thứ hai được gửi đến từ Australia sau khi thu được nó từ một chiếc tàu buôn Đức ở gần bờ biển Australia ngay vào đầu chiến tranh.

Nhờ ba cuốn sách mã này, các chuyên gia mã thám Anh đã phát hiện ra các nguyên tắc mà Đức áp dụng để thay đổi các khoá mã cho các hệ mã của họ. Người ta đã lập được danh mục các thuật ngữ hàng hải thường dùng. Tương ứng với mỗi thuật ngữ trong danh mục này, người ta đặt ra các tổ hợp 5 chữ cái khác nhau có thể thay thế cho thuật ngữ này khi mã hoá. Người Anh đã biết khá chính xác từng thuật ngữ hàng hải trong bức điện nào đó được thay thế bằng tổ hợp chữ nào. Lúc đó, sự phù hợp tương ứng giữa các thuật ngữ còn lại và các tổ hợp 5 chữ cái đã trở nên rõ ràng và có thể giải mã được toàn bộ phần còn lại của bức điện mật mã.

Chắc mẩm là chỉ có thể thu được tín hiệu của các đài vô tuyến điện công suất nhỏ trên các tàu của mình ở khoảng cách gần nên người Đức không hề nghĩ tới những thành tựu này của người Anh. Tuy vậy, các nỗ lực sử dụng thông tin thu được nhờ tình báo vô tuyến điện tử đã không mang lại thành công mong muốn cho hạm đội tàu nổi của Anh. Họ gặp phải những khó khăn khi cố gắng thiết lập kênh liên lạc linh hoạt giữa hạm đội và đơn vị làm công tác giải mã các bức điện chặn thu được đóng ở London.

Nhưng tình báo vô tuyến điện tử đã đóng góp phần đáng kể vào việc tiêu diệt hạm đội tàu ngầm Đức. Trong chiến tranh thế giới thứ I, hàng chục tàu ngầm Đức đã bị đánh đắm. Tất cả các tàu này, trừ một vài ngoại lệ, đều được thợ lặn Anh tài ba E.S. Miller thám sát. Một đơn vị hải quân đặc biệt có nhiệm vụ đưa Miller cùng trang bị lặn của anh ta tới những địa điểm tàu ngầm Đức bị đánh đắm. Các mật mã mà Miller lấy được từ đáy biển đã trở thành vũ khí phòng thủ mạnh mẽ trong cuộc chiến của Anh chống sự phong toả bằng tàu ngầm của Đức. Các bức điện mật mã của Bộ Hải quân Đức gửi cho các tàu ngầm thường xuyên bị chặn thu và giải mã. Các thuyền trưởng tàu ngầm Đức đã đi đến chỗ chết mà không hề biết các mệnh lệnh của cấp trên của họ bị người Anh biết một cách dễ dàng đến thế nào.

Ngày 14 tháng 4 năm 1916, chiếc tàu ngầm Đức UB-16 bị bắt làm tù binh. Do người Anh rải nhiều bãi thuỷ lôi để bảo vệ chống tàu ngầm, người Đức đã buộc phải cho các tàu quét lôi đi hộ tống tàu ngầm. Việc liên lạc giữa các tàu ngầm và tàu quét lôi Đức được duy trì bởi các máy phát vô tuyến điện. Để bảo mật thông tin về di chuyển của các tàu ngầm, người Đức đã trang bị các bản đồ cho thuỷ thủ đoàn các tàu ngầm. Trên các bản đồ, người ta kẻ ô lưới chia khu vực chiến sự ra các ô vuông. Khi đó bức điện từ tàu ngầm Đức có dạng như sau: UB72-1-2-8-027A. Điều đó có nghĩa là tàu UB-72 đã đánh đắm một tàu địch có lượng giãn nước 2 ngàn tấn ở ô vuông A-027, và tàu ngầm hiện còn 8 ngư lôi. Trên tàu ngầm UB-16 bị đánh đắm, đã tìm thấy một bộ đầy đủ những bản đồ như vậy của khu vực eo biển La Manche với các ô lưới kẻ sẵn, nhờ vậy người Anh đã tổ chức đối phó hiệu quả với hạm đội tàu ngầm Đức tại khu vực này.

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Trò chơi phụ hoạ (2)

VietnamDefence - Trong chiến tranh thế giới thứ I, người Anh đã không chỉ đọc được các bức điện mật mã quý giá của đối phương, mà còn giả danh bộ chỉ huy Đức ở Berlin gửi đi những bức điện mã giả cho hạm đội Đức. Một trong những bức mật điện đó đã dẫn tới chiến thắng lẫy lừng trên biển...
Trong chiến tranh thế giới thứ I, người Anh đã không chỉ đọc được các bức điện mật mã quý giá của đối phương, mà còn giả danh bộ chỉ huy Đức ở Berlin gửi đi những bức điện mã giả cho hạm đội Đức. Một trong những bức mật điện đó đã dẫn tới chiến thắng lẫy lừng  trên biển: mùa thu năm 1914, cách không xa Nam Mỹ, Hải quân Anh đã tiêu diệt cả một binh đoàn tàu Đức, trong đó có cả các tuần dương hạm trang bị pháo tầm xa hiện đại nhất. Bằng mệnh lệnh giả gửi cho tư lệnh binh đoàn tàu này, người Anh đã buộc các tàu của binh đoàn hành quân từ cảng Valparaiso của Chile tới quần đảo Falklands (Manvinat), nơi các tuần dương hạm và pháo hạm thiết giáp của Anh đã bắn trực diện vào quân Đức. Mệnh lệnh này đã được một điệp viên Anh gửi đi từ trung tâm điện báo Berlin. Anh ta đã lấy được các mẫu sau đó tự đóng các con dấu giả của Bộ Hải quân Đức và bộ phận kiểm duyệt quân sự của cơ quan này. Bức điện được viết trên các mẫu này và được củng cố bằng các con dấu cần thiết và được mã hoá theo đúng mọi quy tắc của công văn hoả tốc nên đã được trung tâm điện báo tiếp nhận mà không hề nghi ngờ gì và gửi đi theo địa chỉ - đến Valparaiso cho tư lệnh binh đoàn tàu Đức. Thực hiện mệnh lệnh trong công văn hoả tốc, binh đoàn tàu Đức đã tự dẫn xác đến chỗ chết.

Có ý nghĩa lớn hơn là việc đẩy cho người Đức loại mật mã giả của Anh dường như được sử dụng để mã hoá các bức điện cực kỳ quan trọng và khẩn cấp. Người Anh sẽ thỉnh thoảng gửi qua vô tuyến điện các mệnh lệnh giả được mã bằng mật mã này. Các thuyền trưởng Anh không thể biết nội dung các mệnh lệnh này vì họ không được trang bị loại mã giả này. Tính toán của người Anh rất đơn giản: chỉ việc thảy cho đối phương loại mã sao cho đối phương không nghi ngờ gì về tính chân thật của nó.

Người Anh thường hay nghỉ lại một khách sạn ở thành phố Rotterdam của Hà Lan nên nó luôn bị các gián điệp Đức theo dõi sát sao. Người Đức có tay trong là một gã gác cửa tại khách sạn này. Người Đức phát hiện ra quy luật: nếu có ai đó đến từ Anh mà gã gác cửa cho là đáng chú ý thì hôm sau lại có một quý bà tóc vàng lại đến trọ ở khách sạn và thuê phòng cách không xa phòng của người khách mới đến.

Ngày 22 tháng 5 năm 1915, một quan chức Anh nào đó có hộ chiếu công vụ đặc biệt đã đến Rotterdam. Vị khách Anh rõ ràng là một giao thông viên ngoại giao cực kỳ tin cậy. Trong đồ đạc của ông ta có một cái túi đi đường mà ông ta không bao giờ rời ra. Rõ ràng cái túi này dùng để chuyển tài liệu.

Ngày 22 tháng 5 đúng là ngày thứ bảy. Lãnh sự quán Anh đóng cửa cho đến thứ hai. Điều đó có nghĩa là cái túi này cùng tài liệu sẽ ở lại phòng cùng ông khách.

Ngày chủ nhật, sau buổi trưa, quý bà tóc vàng đã đến khách sạn và thuê phòng ở cạnh phòng của quý ông người Anh. Còn ông này thì buồn bực chân tay chả biết làm gì để giết thời gian ở một thành phố xa lạ. Gã gác cửa khách sạn nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp ông khách trọ. Gã ta tin tưởng tiết lộ nơi có thể giết thời gian buổi tối. Vị khách vội vã nghe theo lời khuyên và mấy phút sau đã rời khỏi khách sạn. Ông ta vội vã đến mức quên cầm theo túi đựng tài liệu.

Dĩ nhiên tay người Anh chẳng đến chỗ mà gã gác cửa khách sạn chỉ cho. Rẽ vào góc, ông ta làm một vòng, rồi trở về một góc kín đáo đối diện khách sạn, từ đó có thể quan sát cửa sổ phòng mình. Vấn đề là ở chỗ, đó không phải là một giao thông viên ngoại giao bình thường mà là Guy Locock, thư ký của một nghị sĩ Anh, được mời riêng để vào vai một giao thông viên. Locock đã làm việc một số năm ở Bộ Ngoại giao Anh nên biết rõ lối cư xử điển hình của các nhà ngoại giao Anh ở nước ngoài. Trong túi đi đường của ông ta, ngoài các tài liệu khác, còn có một bản sao loại mật mã giả.

Locock đợi không lâu. Một giờ rưỡi sau, phòng ông ta lại sáng đèn, trên cửa sổ có mấy cái bóng, sau đó lại tối đen: người Đức đã tìm thấy cái cần tìm. Theo họ, Locock chắc sẽ vắng mặt ít ra là 3 giờ, một thời gian quá đủ để chụp tất cả các trang của quyển mã. Locock buộc phải đợi cho đến khi đèn phòng mình bật sáng.

Gần 1 giờ đêm, đèn lại bật lên trong vài phút. Nửa giờ sau, Locock "vui tươi" trở về khách sạn. Gã gác cửa khách sạn tận tuỵ giúp đỡ cho vị khách đã ngà ngà say lên đến phòng. Cả hai bên đều quá hài lòng về nhau. Còn một năm sau, chính ông Locock này đã được phái đến Brussels cùng với những thay đổi cho loại mã đã ném cho người Đức trước đó: nó phải làm cho người Đức tin là người Anh vẫn không hề nghĩ rằng mã của họ đã bị lộ.

Nhờ loại mật mã giả này, người Anh đã nhiều lần đánh lừa được bộ chỉ huy quân sự Đức. Ví dụ, tháng 9 năm 1916, một "mệnh lệnh" được gửi cho nhiều chiến hạm Anh, theo đó chúng phải nhanh chóng tham gia vào các chiến dịch đổ bộ. Người ta còn tổ chức bổ sung bằng cách cho "rò rỉ" qua các kênh khác thông tin cho thấy cuộc đổ bộ đang được chuẩn bị. Thời đó, do thám từ trên không chưa được phát triển nên việc thu nhanh tin tức về việc tập trung tàu Anh là không thể, nhưng các bằng chứng thu được đủ để bộ chỉ huy Đức vội vàng rút lực lượng dự bị từ mặt trận về để phản kích một cuộc tiến công tưởng tượng của Anh.

Một mật mã khác của Anh lọt vào tay quân Đức một cách tình cờ, nhưng người Anh đã nhanh chóng phát hiện ra và đã tìm cách lợi dụng được tình thế. Đây là mật mã người Anh dùng để mã các bức điện của mình về hoạt động thu dọn các bãi thuỷ lôi do tàu ngầm Đức rải. Một bức điện vô tuyến đã được gửi đi nói rằng, ở lối vào một cảng trên bờ biển Ireland đã vớt được nhiều thuỷ lôi của Đức. Một tàu ngầm Đức nhanh chóng xuất hiện ở đó để rải thêm những quả thuỷ lôi mới và đã bị nổ tung do vấp phải một quả thuỷ lôi cũ của mình mà người Anh không hề định rà phá.

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Cơn sốt gián điệp (3)

VietnamDefence - Năm 1915, đại uý Rupert Stanley (trước là một giáo sư Đại học tổng hợp Belfast, tác giả của cuốn sách giáo khoa nổi tiếng thời đó "Sách giáo khoa về điện báo không dây" đã thiết kế một thiết bị gồm một anten nối đất và một máy thu ba bóng. ở khoảng cách dưới 100 mét một chút, máy này bằng cách sử dụng cảm ứng của các dây dẫn có thể chặn thu các cuộc gọi điện thoại của địch.
Sự hân hoan ban đầu của người Anh khi sử dụng máy thu của Stanley đã nhanh chóng tắt phụt khi họ biết rằng, người Đức cũng đã thiết kế được một loại máy thu tương tự. Kết quả là người Anh bị cấm gọi điện thoại ở khoảng cách dưới 2 kilômet so với chiến tuyến. Chiếc máy được cải tiến cho đến lúc đó đã cho phép Anh chặn thu tín hiệu của các kênh điện báo Đức ở khoảng cách tới 3 kilômet tính từ nguồn phát.

Nhà hoạt động nhà nước Anh đầu tiên đánh giá được đầy đủ tầm quan trọng và lợi ích của tình báo vô tuyến điện tử là Winston Churchill. Với tư cách là Bộ trưởng Hải quân Anh, mùa thu năm 1914, ông đã, theo lời ông, "có trách nhiệm nào đó" đối với việc khôi phục cơ quan mã thám Anh mà người ta đã dẹp bỏ ở Anh vào năm 1844 do có những phản đối ở nghị viện chống bóc trộm thư tín. Sự tham gia vào việc xây dựng kế hoạch các chiến dịch nhử hạm đội Đức sập bẫy ở biển Bắc bằng cách sử dụng dữ liệu thu được bằng các phương tiện tình báo vô tuyến điện tử vào tháng 12 năm 1914-tháng 1 năm 1915 đã gây ấn tượng mạnh đối với Churchill.

Mười năm sau, trong hồi kỳ về chiến tranh của mình, ông đã viết: "Tất cả những năm tôi giữ cương vị trong chính phủ kể từ mùa thu năm 1914, tôi đã đọc từng bản dịch các bức điện mật mã và với tư cách một phương tiện để đưa ra quyết định đúng đắn trong lĩnh vực chính sách xã hội, tôi đã đánh giá cao vai trò của chúng hơn bất kỳ nguồn tin tức nào có trong tay của nhà nước".

ở cương vị đứng đầu Bộ Hải quân Anh, Churchill đã "nhúng tay" vào việc thành lập trong Hải quân Anh một nhóm mã thám bố trí tại phòng số 40 của toà nhà Bộ Hải quân và nó đã đi vào lịch sử ngành tình báo vô tuyến điện tử với tên gọi "Phòng 40" (Room 40). Từ tháng 5 năm 1916, các chuyên gia mã thám của "Phòng 40" đã chuyển sang trực thuộc trực tiếp cục trưởng Cục Tình báo Hải quân Anh Reginald Hall. Trong tay ông, những tin tức thu được từ các kênh liên lạc của Đức đã trở thành vũ khí khủng khiếp chống lại gián điệp của đối phương.

Đầu năm 1916, Berlin và các cơ quan đại diện ngoại giao Đức ở Mỹ đã trao đổi với nhau nhiều bức điện mật mã mà "Phòng 40" đọc được. Trong một bức điện đó có yêu cầu kiên trì ủng hộ Đức "bằng sinh lực được trang bị vũ khí" gửi Roger David Casement (1864-1916), cựu lãnh sự Anh. Sau nỗ lực bất thành chiêu tập người tình nguyện vào một tiểu đoàn chống Anh từ các tù binh Ireland đang ở Đức, Casement đã chuẩn bị một cuộc nổi dậy ở Ireland. Trong một bức điện mật mã khác bị người Anh chặn thu có nói thời gian chiếc tàu ngầm Đức chở Casement khởi hành đi Ireland đang đến gần và đã xác định được rằng, sẽ phát từ lóng "lúa kiều mạch" nếu tàu ngầm chở Casement lên đường đúng theo dự định. Nếu nảy sinh khó khăn nào đó thì từ lóng "cỏ khô" sẽ được sử dụng. Ngày 12 tháng 4 năm 1916, trong dòng thác điện mật mã của Đức mà Anh được được có bức điện có chứa từ "lúa kiều mạch".

Còn 10 ngày sau, Casement đã đổ bộ lên Ireland và lập tức bị cảnh sát Anh phục sẵn bắt giữ. Ông ta vẫn tỏ ra bình tĩnh, khai tên giả và nói mình là nhà văn. Tuy vậy, trên đường đi, Casement đã cố vứt bỏ một mẩu giấy có những đoạn tiếng lóng ghi sẵn mà ông ta có thể cần đến như "hãy gửi thêm thuốc nổ". Cảnh sát đã phát hiện ra và tịch thu mẩu giấy làm bằng chứng. Casement đã bị xét xử và kết án về tội phản bội tổ quốc. Và mặc dù công luận Anh đã tích cực đấu tranh đòi huỷ bỏ bản án tử hình mà toà đã tuyên, Hall đã làm giảm được áp lực này bằng cách bí mật phát tán thông qua các câu lạc bộ ở London và Hạ viện Anh một số trang nhật ký của Casement cho thấy ông ta bị bệnh đồng tính ái. Ngày 3 tháng 8, Casement bị treo cổ.

Cơn sốt gián điệp ngự trị Anh quốc thời kỳ này đã trở nên cuồng loạn đến mức chỉ cần một con chim vỗ cánh bay lên thì một nhân chứng điên rồ trông thấy chuyện hoàn toàn vô hại này nhiều khi cũng gọi đến cảnh sát. Người đó hoàn toàn tin là mình đã trông thấy một điệp viên nước ngoài gửi báo cáo về "trung ương tình báo" bằng bồ câu đưa thư. Một lần, Hall đã tiếp một nhân viên hạt tài chính London tự xưng là "chuyên gia về viết liên lạc mật mã" và thông báo rằng đã đọc được các bức điện mật mã của các gián điệp Đức có liên quan đến sự di chuyển của quân Anh. Các bức điện này, theo ông ta, được gửi đi dưới dạng những tin cá nhân trên báo.

Hall lắng nghe ông ta và yêu cầu ông ta ghé lại khi có thêm các bằng chứng mới. Sau khi tiễn khách, Hall quyết định dạy cho ông ta bài học: Hall lập tức soạn một tin có vẻ khả nghi và đăng trên mục tin vắn tư nhân của báo Times. Hôm sau, "chuyên gia về liên lạc mật mã" quá cảnh giác kia liền đến gặp Hall với bức điện đã "giải mã". Theo cách diễn giải của ông ta thì tin vắn mà Hall sáng tác ra kia có nội dung nói rằng, các chủ lực hạm Anh đang chuẩn bị ra khơi từ các quân cảng Portsmouth và Plymouth. Người ta không biết "chuyên gia" kia phản ứng thế nào khi Hall thú nhận  mẩu tin đáng ngờ trên báo Times chẳng hề là việc làm của gián điệp Đức. Chắc là ông ta chỉ không tin mà thôi.

Tiếp sau "chuyên gia về liên lạc mật mã" đó, Hall còn muốn nói chuyện riêng với một chuyên gia lạ thường nữa - đó là một thuyền trưởng của hạm đội Đức Franz Reinthelen. Các nhân viên cơ quan phản gián hải quân Anh đã đưa Reinthelen tới gặp Hall ngay sau khi tóm được ông ta từ chiếc tàu thuỷ xuyên Đại Tây Dương tuyến Hà Lan-Mỹ. Reinthelen là người tổ chức chiến dịch phá hoại nổi danh của Đức chống Mỹ. Đó thực sự là một trận hải chiến với những cuộc tấn công nhằm vào tàu bè thuộc mọi quốc tịch chở hàng hoá ít nhiều phục vụ mục đích quân sự.

Hoạt động của Reinthelen đã chấm dứt do tính không chuyên nghiệp của tuỳ viên quân sự Đức ở Washington là von Papen. Qua các bức mật điện vụng về của ông này mà người Anh chặn thu và giải mã dễ dàng, Anh biết trước dự kiến về nước của Reinthelen. Vấn đề còn lại, như người ta nói, là việc mang tính kỹ thuật. Điều thật trớ trêu là không lâu trước khi rời Mỹ, Reinthelen đã báo về cho các chỉ huy của mình rằng, theo nguồn tin từ các điệp viên người Mỹ của mình, người Anh đang đọc được điện tín mật mã ngoại giao của Đức và đã yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, ở Berlin người ta đã không nghe theo lời cảnh báo này và không tranh thủ thay đổi các mật mã đã bị lộ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét