Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

ĐIA LINH NHÂN KIỆT 49

(ĐC sưu thầm trên NET)

Trần Nhật Duật (1255 - 1330)

VietnamDefence - "Ông là đấng thân vương quý hiển, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Tử Nghi đời nhà Đường (của Trung Quốc) vậy” - Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí)
“Ông là người nhã nhặn và độ lượng vui buồn chẳng hề lộ ra nét mặt, được người đương thời khen là bậc uyên bác. Những văn thư của triều đình lúc bấy giờ đều do tay ông thảo ra cả. Ông lại thông thuộc tiếng nói của các giống phiên và khi tiếp người Tống thì có thể ngồi nói chuyện cả ngày. Sứ giả từ Chiêm Thành, từ Sánh Mã Tích (tên một đảo quốc cổ ở vùng Nam Dương - NKT) hay từ các giống người man đến nước ta, ông đều có thể nói chuyện và tiếp đãi theo tục của họ. Vua Trần Nhân Tông thường nói rằng ông là hậu thân của các bộ tộc phiên di.
Ông là đấng thân vương quý hiển, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Tử Nghi đời nhà Đường (của Trung Quốc) vậy”.
Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí)
Trần Nhật Duật là Hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em cùng cha nhưng khác mẹ của vua Trần Thánh Tông và danh tướng Trần Quang Khải. Ông sinh vào tháng 4 năm Ất Mão (1255). Thân mẫu của ông là ai thì chưa rõ. Sử cũ chép về sự kiện ông chào đời như sau:
“Trước đó, có viên Đạo sĩ ở cung Thái Thanh, tên là Thậm, đi cầu tự cho Nhà vua. Sau khi đọc sớ xong, (Đạo sĩ) liền tâu Vua rằng:
- Thượng đế đã y lời sớ tâu, sắp sai Chiêu Văn Đồng Tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ (tức 48 năm - NKT).
Thế rồi Hậu Cung có thai, sau quả nhiên sinh con trai, trên hai cánh tay của người con ấy có rành rành bốn chữ Chiêu Văn Đồng Tử, nét rất rõ, vì thế, Nhà vua mới cho đặt hiệu là Chiêu Văn. Lớn lên, những nét chữ ấy mới mất hẳn đi” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 20-b). 
  • Năm Đinh Mão (1267), Trần Nhật Duật được phong tước Chiêu Văn Vương.
  • Năm Nhâm Dần (1302), tức là hai năm sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, Trần Nhật Duật được phong làm Thái uý Quốc công (Quý tộc họ Trần đồng thời được ban hai tước vị khác nhau, đó là tước vị quý tộc và tước vị triều đình. Với hệ thống tước vị quý tộc, Trần Nhật Duật được phong tới Đại Vương, nhưng với hệ thống tước vị triều đình, ông chỉ được phong tới mức cao nhất là Quốc công).
  • Năm Kỷ Tỵ (1329), ông lại được gia phong là Chiêu Văn Đại Vương.
Ông mất vì bệnh vào năm Canh Ngọ (1330), hưởng thọ 75 tuổi (Năm sinh và năm mất của Trần Nhật Duật, các bộ sử cũ đều chép giống nhau, nhưng khi tính tuổi, sử cũ lại nói ông thọ 78 tuổi. Cho dẫu là tính theo tuổi ta thì con số 78 cũng không đúng).
Đền thờ Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật
trên bờ sông Hồng, Phú Thọ
Sinh thời, Trần Nhật Duật là bậc văn võ toàn tài. Như trên đã nói, ngoài kiến thức Nho học uyên bác, Trần Nhật Duật còn hiểu biết một cách sâu sắc về phong tục tập quán và đặc biệt là tiếng nói của nhiều dân tộc khác nhau. Ngoài chuyện tiếp sứ giả của nhiều nước và nhiều bộ tộc chung quanh mà không cần người thông dịch, sử cũ còn chép chuyện Trần Nhật Duật đi dẹp loạn Trịnh Giác Mật bằng một biện pháp rất độc đáo như sau:
“Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang (vùng Tuyên Quang ngày nay - NKT) làm phản, vua sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, (Trần) Nhật Duật coi giữ đạo Đà Giang, vì thế, ông liền ngầm đem thuộc hạ đến. Trịnh Giác Mật hay tin, liền sai người đến doanh trại (của Trần Nhật Duật) bày tỏ lòng thành và nói rằng:
- Mật này không dám trái mệnh. Nếu ân chúa đây dám một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng.
(Trần) Nhật Duật nhận lời, chỉ đem theo năm sáu người hầu nhỏ tuổi mà thôi. Quân sĩ thấy vậy liền ngăn lại, ông nói:
- Nếu chúng tráo trở với ta (rồi làm hại ta) thì ắt là triều đình sẽ cử bậc vương tước khác tới thay.
Khi ông đến dinh trại (của Trịnh Giác Mật), người Man liền vây kín ông, đông đến mấy chục lớp, gươm dao đều nhất loạt chĩa thẳng về phía ông. (Trần) Nhật Duật cứ đi thẳng vào, trèo lên trại chúng. (Trịnh Gíác) Mật liền mời ông ngồi. (Trần) Nhật Duật biết tiếng nói và am hiểu tập tục của nhiều nước. Ông cùng ăn bốc và uống bằng mũi với (Trịnh Giác) Mật. Người Man thấy vậy thì thích lắm. Khi (Trần) Nhật Duật trở về, (Trịnh Giác) Mật liền đem gia thuộc tới xin hàng. Mọi người thấy thế thì vui mừng và kính phục, vì không hề mất một mũi tên mà vẫn dẹp yên được đất Đà Giang. Khi trở về kinh sư, (Trần Nhật Duật) đem (Trịnh Giác) Mật và vợ con hắn vào chầu. Vua khen ngợi ông mãi. Sau, Vua cho (Trịnh Giác) Mật về nhà, giữ vợ con hắn lại ở kinh đô. (Trần) Nhật Duật thương yêu và nuôi nấng họ hết lòng, lại còn xin triều đình ban cho họ tước Thượng phẩm, sai trông coi ao cá một thời gian mới đưa về quê nhà” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 40 a-b).
Sự kiện trên xẩy ra vào cuối năm 1280, tức là năm mà Trần Nhật Duật mới 25 tuổi. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, một chàng trai 25 tuổi của thế kỷ XIII lại dũng cảm và tự tin, tài hoa và bản lĩnh cao cường đến thế. Trần Nhật Duật trị dân bằng cách tự mình khiến cho dân tin và kính phục mà vui theo chứ không bằng cách thị uy sức mạnh của người nắm trong tay quyền lực, khiến cho dân phải khiếp sợ mà vâng lời.

Tài năng của Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông là người rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm. Tuy nhiên, tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật vẫn thuộc về lĩnh vực quân sự.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Nhật Duật chỉ mới là một cậu bé 3 tuổi chưa thể có đóng góp gì. Nhưng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thực sự là một vị danh tướng kiệt xuất.
Năm 1285, Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn của nhà Trần, đóng giữ ở vùng Tuyên Quang ngày nay, đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của đạo quân Mông-Nguyên khổng lồ do Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu. Ông và tướng sĩ dưới quyền đã đánh nhiều trận xuất sắc, gây cho giặc nhiều tổn thất lớn.
Trước sức mạnh áp đảo của quân Mông-Nguyên, để tránh những thiệt hại không cần thiết, theo lệnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông đã đem lực lượng tiến vào Nam chi viện cho cánh quân của hai cha con Trần Quốc Khang và Trần Kiện đang đóng giữ ở vùng thuộc Thanh Hóa và Nghệ An ngày nay. Nhưng ông chưa tới nơi thì Trần Kiện đã đầu hàng giặc. Tình hình vùng này trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Trần Nhật Duật phải tìm đủ mọi cách chống đỡ, sau nhờ có thêm sự chi viện của cánh quân do anh ông là Trần Quang Khải chỉ huy, cục diện chiến trường mới thay đổi dần theo chiều hướng có lợi cho ta. Đạo quân giặc đông ngót mười vạn tên do viên tướng khét tiếng tàn bạo và thiện chiến là Toa Đô chỉ huy đã bị sa lầy tại vùng đất này. Hoạt động phối hợp của đạo quân Toa Đô đối với đại binh của Thoát Hoan kể như đã bị vô hiệu hóa.
Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công. Trong 5 chiến dịch lớn nhất của cuộc phản công chiến lược này (gồm có: chiến dịch Tây Kết lần thứ nhất, chiến dịch Chương Dương, chiến dịch Hàm Tử, chiến dịch Tây Kết lần thứ hai và chiến dịch Thăng Long), Trần Nhật Duật có vinh dự được cử làm tướng chỉ huy một chiến dịch, đó là chiến dịch Hàm Tử. Bấy giờ, ngoài lực lượng vốn có của mình, Trần Nhật Duật đã quy tụ được không ít những người Trung Quốc lưu vong. Họ bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên nên đã chạy sang lánh nạn ở nước ta (Công cuộc thôn tính Trung Quốc của quân Mông-Nguyên hoàn tất vào năm 1278, tức là trước cuộc xâm lăng này 7 năm. Nhà Tống (960-1278) đến đó là dứt). Họ kính trọng tài năng quân sự và đặc biệt là tài thông thạo tiếng Trung Quốc của Trần Nhật Duật nên đã tình nguyện chiến đấu dưới trướng của Trần Nhật Duật. Vua Trần Nhân Tông gọi họ là “quân Thát của Chiêu Văn” (Thát là Thát-đát, tức giặc Nguyên. Vua Trần sợ quân sĩ của mình nhầm họ với số người Trung Quốc trong lực lượng của quân Nguyên để rồi có thể giết nhầm nên mới gọi như vậy). Điều này đã khiến cho quân Mông-Nguyên rất bất ngờ. Có kẻ hốt hoảng vì nghĩ rằng đó là đội liên quân của nhà Tống với ta.
Đại chiến Hàm Tử Quan
Một chiến dịch lớn nhưng lại được tiến hành một cách rất táo bạo và bất ngờ, khiến cho quân Mông-Nguyên lúng túng, trở tay không kịp. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn Trần Nhật Duật đã cả phá được quân giặc ở Hàm Tử. Lực lượng của chúng nhanh chóng bị chia cắt, bị tấn công tiêu diệt bởi sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều chiến dịch khác nhau. Chiến thắng của đạo quân do Trần Nhật Duật chỉ huy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến lần thứ hai. Thật đúng là:
"Trần Hưng Đạo đã anh hùng,
Mà Trần Nhật Duật kể công cũng nhiều


(Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Đại Nam Quốc sử diễn ca).
Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật (lúc này đã 33 tuổi) lại một lần nữa, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc ta. Ông có vinh dự được chia sẻ trách nhiệm với vị tổng chỉ huy thiên tài của quân đội ta lúc bấy giờ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng cũng chính vì luôn ở bên cạnh nguồn sáng kì diệu này mà tên tuổi của ông có phần bị mờ nhạt đi.
Bàn thờ Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật
Sau ngày đại thắng, Trần Nhật Duật tiếp tục làm quan và được triều đình nhà Trần tin cậy trao phó những chức vụ rất quan trọng. Bình sinh, ông là người tài hoa nhưng xét việc rất cẩn trọng, nghiêm nghị nhưng rất dễ gần, liêm khiết và nhân hậu khó ai sánh kịp. Ông là cha nuôi của Hoàng Tử Trần Mạnh (người về sau lên ngôi vua, miếu hiệu là Trần Minh Tông: 1314 - 1329).

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 1 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.


Mai Thúc Loan (? - 722) với cuộc quyết chí đại định đầu thế kỷ VIII

VietnamDefence - "Mai Thúc Loan ở Hoan Châu / Quân ba mươi vạn ruổi vào ải xa / Hiệu cờ Hắc Đế mở ra / Cũng toan quét dẹp sơn hà một phương" - Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca).
Bộ chính sử đầu tiên của nước ta có đề cập tới nhân vật Mai Thúc Loan (xem thêm Khởi nghĩa Mai Thúc Loan) là Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4-b), nhưng tất cả cũng chỉ gồm vỏn vẹn chừng độ ba bốn chục chữ và tất nhiên là số lượng những thông tin quan trọng hầu như không có gì đáng kể. Mấy thế kỷ sau, các sử gia trong Quốc Sử Quán Triều Nguyễn với việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 4, tờ 21), đành là có cố gắng sưu tầm thêm tư liệu và ghi chép về nhân vật Mai Thúc Loan tương đối dài hơn, song mức độ cũng chỉ rất giản lược.
Ở Trung Quốc, từ góc độ chủ yếu là ghi nhận hoạt động của đội ngũ quan lại trực tiếp nắm quyền đô hộ tại nước ta, một vài tác phẩm sử học mà đặc biệt hơn cả là Tân Đường Thư (do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn), cũng có viết về Mai Thúc Loan. Tất nhiên là bức chân dung Mai Thúc Loan trong sử sách của Trung Quốc luôn luôn bị bóp méo, hành trạng của Mai Thúc Loan trở nên xa lạ với chính ông và bối cảnh lịch sử của thời đại ông.
Tóm lại, thông tin về Mai Thúc Loan trong kho thư tịch cổ là rất rời rạc và nghèo nàn. Mặc dù vậy, nếu cẩn trọng tổng kết những ghi chép tản mạn trong các bộ sử cũ của ta và của Trung Quốc, đồng thời, cố gắng đối chiếu thật tỉ mỉ với nội dung các thần tích và lời kể của truyền thuyết dân gian (nhất là thần tích và truyền thuyết dân gian ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), chúng ta cũng có thể bước đầu phác hoạ được vài nét về lý lịch cuộc đời và sự nghiệp của Mai Thúc Loan.
1. QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ THỜI ĐẠI
Đền thờ Mai Hắc Đế - Nam Đàn, Nghệ An
Mai Thúc Loan người làng Mai Phụ, thuộc Hoan Châu. Làng Mai Phụ (tên Nôm là Kẻ Mỏm) nguyên xưa thuộc huyện Thiên Lộc, sau là huyện Can Lộc, nay thuộc xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (Thư lịch cổ Trung Quốc luôn chép sai tên của Mai Thúc Loan, có khi chép là Mai Huyền Thành, có khi chép là Mai Lập Thành, lại có khi chép là Mai Thúc An... Và cũng trong thư tịch cổ của Trung Quốc, sự nghiệp của Mai Thúc Loan luôn được thổi phồng lên mà lý do chủ yếu là bởi chính quyền đô hộ của nhà Đường ở nước ta muốn đề cao công đánh dẹp của mình).

Truyền thuyết dân gian ở vùng huyện Thạch Hà cho hay rằng, họ Mai chính là họ của thân mẫu Mai Thúc Loan còn như thân sinh của ông họ tên gì thì chưa rõ. Mai Thúc Loan phải chịu cảnh mồ côi cha từ lúc còn rất nhỏ tuổi, gia đình ông thuộc vào hàng nghèo khó nhất vùng Kẻ Mỏm đương thời. Tài sản quý giá nhất của Mai Thúc Loan chính là sức khoẻ mà ông may mắn được trời ban cho.

Đời truyền rằng, Mai Thúc Loan người cao to, tay buông dài quá gối còn làn da thì rất đen. Ông rất giỏi võ nghệ, lại có tiếng là sáng dạ và đặc biệt là rất có... duyên! Năm Mai Thúc Loan chưa đầy 10 tuổi thì thân mẫu ông dời nhà ra định cư ở vùng rừng núi Ngọc Trừng (vùng này nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Tại đây Mai Thúc Loan đã phải làm đủ mọi việc nặng nhọc nhất để kiếm sống: vào rừng lấy củi về bán, chăn trâu, đi cày thuê cuốc mướn, ở đợ...Tuy phải sống rất cơ cực và vất vả phải chịu đựng thiếu thốn trăm bề, nhưng ông luôn luôn yêu đời. Hai mẹ con ông lúc nào cũng biết thương yêu đùm bọc và che chở cho nhau. Bấy giờ, Mai Thúc Loan lại có tiếng là người rất giàu lòng hiếu thảo nên dân trong vùng ai cũng đều quý mến gia đình Mai Thúc Loan.
Mai Thúc Loan lớn lên trong cảnh non sông bị chìm đắm bởi ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường (618-907), trăm họ phải chịu đựng không biết bao nhiêu nỗi thống khổ. Bấy giờ ở Trung Quốc, phe cánh của Vũ Tắc Thiên (họ và tên thật là Vũ Chiếu, sinh năm 624, mất năm 705, hưởng thọ 81 tuổi. Vũ Tắc Thiên nguyên là hoàng dậu của Đường Cao Tông (649-683) và được Đường Cao Tông rất sủng ái, từng cùng với Đường Cao Tông xưng là Nhị Thánh, đồng thời tham gia giải quyết những việc lớn của triều đình. Năm 683, Đường Cao Tông qua đời, con là Lý Hiển (Đường Trung Tông) được đưa lên nối ngôi nhưng Vũ Tắc Thiên lại nắm quyền Giám triều. Năm 684, Vũ Tắc Thiên phế Đường Trung Tông rồi lập Lý Đán (tức Đường Duệ Tông, em ruột của Đường Trung Tông), nhưng chẳng bao lâu sau Đường Duệ Tông cũng bị Vũ Tắc Thiên phế bỏ. Năm 690, Vũ Chiếu chính thức lên ngôi hoàng đế, xưng là Thánh Thần Hoàng đế, đổi quốc hiệu là nhà Chu và dời kinh đô từ Trường An về Lạc Dương. Sử Trung Quốc gọi đó là thời Vũ Chu (690-705)) đã bị lật đổ, hoàng đế mới của nhà Đường là Đường Huyền Tông (712-756) (tên là Lý Long Cơ, hoàng đế thứ bảy của nhà Đường, con thứ của Đường Duệ Tông, sinh năm 685, lên ngôi năm 712, ở ngôi hoàng đế 44 năm (712-756), ở ngôi thượng hoàng 6 năm (756-762), mất năm 762, hưởng thọ 77 tuổi) ra sức tìm đủ mọi cách để củng cố ngôi vị và quyền lực của mình. Ách thống trị của nhà Đường đối với nước ta vì thế mà càng thêm tàn bạo. Lợi dụng việc trấn trị ở nơi quá cách xa triều đình trung ương, bọn quan lại đô hộ tự cho mình quyền được tự tung tự tác. Nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng, viên quan nào muốn được cử đi An Nam Đô hộ phủ cũng đều phải bỏ tiền ra hối lộ, ấy gọi là tiền gạo tiến thân (Âu Dương Tu, Tống Kỳ (Trung Quốc). Tân Đường Thư - Sách đã dẫn). Để bù lại số tiền gạo tiến thân đã bỏ ra và quan trọng hơn nữa, để làm giàu cho riêng mình, chúng tìm đủ cách để vơ vét. Lúc này, Tô-Dung-Điệu tuy đã được đặt ra nhưng chế độ cống nạp vẫn được áp dụng một cách rất phổ biến và ráo riết. Mượn danh nghĩa thu cống phẩm cho triều đình, bọn quan lại nhà Đường ngang nhiên tước đoạt của nhân dân ta tất cả những gì mà chúng xếp vào loại đặc sản, tất cả những gì mà chúng cho là quý nhất, tốt nhất, đẹp nhất và lạ nhất, tất cả những gì chúng muốn có và tất cả những gì mà chúng không muốn dân ta có. Phần tài sản của nhân dân ta mà chúng ngang nhiên tước đoạt một cách trắng trợn này được gọi là ngoại suất (Nhạc Sử (Trung Quốc). Thái bình Hoàn vũ ký. Kim Lăng ấn bản.). Với xã hội đương thời, ngoại suất luôn luôn là nỗi ám ảnh nặng nề. Điều đáng nói là hầu hết các khoản ngoại suất đều được chính quyền đô hộ nhà Đường quy ra lụa và cứ mỗi lần quy đổi là thêm một lần thiệt hại cho dân.

2. ĐẤT BẰNG NỔI SÓNG
Năm 722, Mai Thúc Loan lại phải đi phu. Bấy giờ, chính quyền đô hộ của nhà Đường quy định dân đinh mỗi năm phải đi phu từ 20-50 ngày. Tất nhiên, đó chỉ là quy định trên giấy tờ chứ trong thực tế thì mọi dân đinh nghèo khổ đều phải quanh năm đi lao động không công để phục dịch cho giai cấp thống trị. Lần này, Mai Thúc Loan phải làm phu đi gánh quả vải (Gần đây có người đặt vấn đề nghi ngờ việc Mai Thúc Loan đi gánh quả vải với lý do là ở vùng Nghệ An và Hà Tĩnh hầu như không có quả vải. Chúng tôi rất đồng ý rằng vùng Nghệ An và Hà Tinh hầu như không có quả vải, nhưng Mai Thúc Loan là người phải đi làm phu gánh quả vải ở các địa phương khác theo lệnh bắt buộc của chính quyền đô hộ nhà Đường chứ không phải là làm phu gánh quả vải từ Nghệ An hay Hà Tĩnh nên việc nghi ngờ như vậy là không có căn cứ vững chắc). Đường xa, gánh nặng, cực nhọc trăm bề, cho nên hễ nghe tới chuyện phải đi làm phu gánh quả vải là ai cũng ngao ngán. Lời một bài hát chầu văn ở vùng Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) có câu:
Nhớ khi nội thuộc Đường triều.
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai.
Sâu quả vải vì ai vạch lá.
Ngựa hồng trần kể đã héo hon.

 (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Lịch sử Việt Nam.
Tập 1.-H.: Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983.-Tr.446)
Đền thờ và lăng mộ Vua Mai tại chân Rú Đụn
- xã Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An
Không thể tiếp tục chịu đựng mãi cảnh bị áp bức bất công được nữa, Mai Thúc Loan đã dõng dạc kêu gọi toàn thể đoàn phu gánh quả vải đồng lòng vùng dậy chống ách đô hộ của nhà Đường. Ngay lập tức, lời kêu gọi của ông đã được toàn thể đoàn phu nhất tề hưởng ứng. Dân khắp cõi cũng nồng nhiệt ủng hộ lực lượng nghĩa sĩ do Mai Thúc Loan vừa mới thành lập và lãnh đạo. Quan quân đô hộ nhà Đường phải thực sự đối đầu với một cuộc đấu tranh vũ trang rất mạnh mẽ.
Địa bàn hoạt động đầu tiên cũng là địa bàn hoạt động chủ yếu và lâu dài nhất của nghĩa quân Mai Thúc Loan chính là vùng Châu Hoan, Châu Diễn và Châu Ái. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ngày dựng cờ xướng nghĩa, theo ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc thì Mai Thúc Loan đã nhanh chóng liên kết và tập hợp được dân chúng của 32 châu (Theo chúng tôi, con số 32 châu ở đây rất đáng ngờ, có lẽ là do bọn quan quân nhà Đường đi đàn áp Mai Thúc Loan vì muốn được định công to và được ban thưởng lớn nên đã nói phao lên như thế). Hơn thế nữa, cũng theo ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc thì Mai Thúc Loan còn nhận được sự hưởng ứng mãnh liệt của nhân dân một số nước chung quanh. Sử cũ chép rằng, Mai Thúc Loan đã “liên kết với dân các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vững Nam Hải, quân số lên đến 40 vạn người” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 4, tờ 21). Các tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4-b) không chép gì về nước Kim Lân. Xin chú thích thêm: Lâm Ấp về sau là một phần của Chiêm Thành, còn Chân Lạp lúc bấy giờ có lãnh thổ đại để tương ứng với vùng Nam bộ của nước ta cộng với Campuchia và một phần Đông Bắc của Thái Lan ngày nay. Kim Lân còn có tên khác là Kim Trần tức là Malaysia. Quân số của Mai Thúc Loan không thể đông tới 40 vạn. Một lần nữa đây là cách thổi phồng của quan quân nhà Đường, cốt để mong được định công to và ban thưởng lớn).

Nhờ có lực lượng khá đông đảo lại còn được nhân dân các địa phương đồng lòng ủng hộ. từ quê nhà là đất Nghệ An, Mai Thúc Loan đã cho đại quân rầm rộ tiến thẳng ra Bắc mà mục tiêu quan trọng hàng đầu chính là thành Tống Bình (vùng Hà Nội ngày nay). Quân Mai Thúc Loan tiến đến đâu là chính quyền của giặc tan rã tới đó. Viên quan đứng đầu cơ quan đô hộ của nhà Đường ở An Nam Đô hộ phủ lúc bấy giờ là Quang Sở Khách (Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4- b) chép nhầm thành Nguyên Sở Khách, có lẽ là bởi trong Hán tự, mặt chữ Nguyên và mặt chữ Quang gần giống nhau nên rất dễ nhầm. Quang Sở Khách người Giang Lăng (Trung Quốc), sang nhận chức An Nam Đô hộ phủ vào đầu năm 714 (năm Khai Nguyên thứ hai, đời Đường Huyền Tông: 712-756)) vì khiếp đảm trước những cuộc tấn công ồ ạt của nghĩa quân Mai Thúc Loan nên đã nhanh chân tháo chạy về Trung Quốc.

Lăng Mai Hắc Đế
Ngay lập tức, Mai Thúc Loan thành lập một chính quyền độc lập và tự chủ do ông đứng đầu. Ông xưng là Mai Hắc Đế và thay vì đóng đô ở thành Tống Bình thì Mai Hắc Đế lại quay về quê nhà và đóng đô tại thành Vạn An (thành này nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thành Vạn An nằm giữa khu căn cứ Sa Nam. Khu căn cứ này từng được một số nhà nghiên cứu khảo sát và mô tả khá chi tiết như sau: “Đấy là vùng núi rừng rậm rạp nằm cạnh sông Lam ở khúc hiểm sâu. Ông lấy Vệ Sơn làm trung tâm, đóng đại bản doanh của nghĩa quân. Dọc bờ sông Lam, nghĩa quân đắp một chiến lũy dài hơn nghìn mét. Đấy là thành Vạn An nổi tiếng, có núi Đụn (Hùng Sơn) làm chỗ dựa ; phía trong núi là dải thung lũng rộng vài chục mẫu, dùng làm nơi trữ lương thực, vũ khí ; phía ngoài núi, có nhiều đồn trại đóng ở cạnh sườn ; chung quanh núi, sông Lam vây bọc như con hào tự nhiên. Bao quanh trung tâm (Vệ Sơn), nghĩa quân xây dưng một hệ thống đồn trại nương tựa lẫn nhau: Biều Sơn (hình quả bầu) bảo vệ cánh tả, Liêu Sơn bảo vệ mặt trước, Ngọc Đái Sơn (hình đai ngọc) cạnh thành Vạn An, là đồn tổng chỉ huy, thống lĩnh cả hai đạo quân thuỷ bộ” (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Lịch sử Việt Nam. Tập 1.-H.: Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983.-Tr.446-447). Như vậy là chỉ trong vòng hơn 30 năm (từ năm Lý Tự Tiên và Đinh Kiến dõng dạc cất lời hiệu triệu bốn phương cầm vũ khí để vùng dậy khởi nghĩa cho đến năm Mai Thúc Loan vung gươm quyết chí đại định), chính quyền đô hộ của nhà Đường đã hai lần bị đánh đổ. Thắng lợi của Mai Thúc Loan là đòn cảnh cáo rất nghiêm khắc đối với mưu đồ chung của chủ nghĩa bành trướng đại Hán và là một dự báo rất tốt đẹp cho khả năng giành được trọn vẹn độc lập và tự chủ của nhân dân ta.
Tuy nhiên, bình đẳng như mọi nhân vật lịch sử khác, Mai Thúc Loan cũng có những hạn chế tất yếu của ông. Xem cách Mai Thúc Loan chọn đất đóng đô và đặc biệt là cách bố phòng chung quanh thành Vạn An, điều mà bất cứ ai cũng đều có thể dễ dàng nhận ra là tư tưởng phòng ngự đã xuất hiện quá sớm và đã chi phối khá mạnh đối với suy nghĩ cũng như hành động của ông. Khi mà bọn quan quân đô hộ chỉ mới tháo chạy chứ chưa hoàn toàn bị tiêu diệt, việc trấn áp tay chân của phong kiến phương Bắc tiến hành chưa triệt để và chính quyền mới chưa được xây dựng một cách chắc chắn và hoàn chỉnh thì việc lui về phòng thủ tại thành Vạn An ngay trong năm 722 quả là một quyết định vội vàng và điều này đã bị kẻ thù nhanh chóng phát hiện rồi tìm cách lợi dụng.

3. NGHĨA KHÍ VĨNH TỒN VỚI NÚI SÔNG
Lăng mộ Vua Mai
Về phía quân đô hộ, Quang Sở Khách tuy đã hốt hoảng tháo chạy về Trung Quốc nhưng tiềm lực chung của nhà Đường lại đang ở vào thời cường thịnh nhất, vì thế Đường Huyền Tông (712-756) đã lập tức hạ chiếu sai quân đi đàn áp Mai Thúc Loan. Tổng chỉ huy quân đội nhà Đường trong cuộc tấn công đàn áp có quy mô rất lớn này là Dương Tư Húc (Theo Âu Dương Tu, Tống Kỳ (Trung Quốc). Tân Đường Thư - Sách đã dẫn, thì Dương Tư Húc vốn người họ Tô, quê ở huyện Thạch Thành, thuộc La Châu, tuy xuất thân là hoạn quan nhưng lại chuyên nghề võ. Dưới thời Đường Huyền Tông, Dương Tư Húc được xếp vào hàng những võ tướng có tiếng tăm nổi bật nhất) - một trong những viên dũng tướng khét tiếng dày dạn kinh nghiệm của triều đình Đường Huyền Tông. Viên bại tướng là Quang Sở Khách được đi cùng với Dương Tư Húc để làm hướng đạo và cũng để có cơ hội lập công chuộc tội. Quân số của Dương Tư Húc là 10 vạn tên gồm đủ cả bộ binh và thuỷ binh. So với lực lượng nghĩa sĩ mới nhóm họp của Mai Thúc Loan thì đó thực sự là một quân số áp đảo. Đó là chưa kể đến một số quan lại nhà Đường vì phạm tội nên bị đày đến An Nam, do mong sớm được phục chức nên bọn này đã ra sức tìm đủ mọi cách để chiêu mộ quân lính, tình nguyện theo Dương Tư Húc đi đàn áp Mai Thúc Loan (Theo Âu Dương Tu, Tống Kỳ (Trung Quốc). Tân Đường Thư - Sách đã dẫn, thì nhân vật Tống Chi Đễ là đại diện tiêu biểu nhất của bọn quan lại thuộc loại này).
Quân nhà Đường đã men theo lối xưa của Mã Viện để tiến, tức là từ phía Nam của Khâm Châu (Trung Quốc), vượt qua biển vịnh Hạ Long mà tràn vào An Nam. Nhân lúc nhuệ khí đang hăng, Dương Tư Húc và Quang Sở Khách đã hạ lệnh cho quân sĩ tấn công cấp tập vào lực lượng của Mai Thúc Loan ở vùng duyên hải Đông Bắc rồi ồ ạt đánh vào vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nghĩa quân Mai Thúc Loan tuy đã chiến đấu rất anh dũng nhưng do thiếu kinh nghiệm trận mạc và trang bị lại quá thô sơ nên đã liên tiếp bị thất bại, Mai Thúc Loan liền lui quân về cố thủ tại khu vực thành Vạn An.
Từ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Dương Tư Húc lập tức cho quân tiến vào Nghệ An, chặn đứng mọi ngả đường liên lạc với thành Vạn An, đồng thời, vạch kế hoạch cho trận đánh có ý nghĩa quyết định thắng bại cuối cùng. Đúng lúc tình hình đang diễn tiến theo chiều hướng hết sức bất lợi cho nghĩa quân thì Mai Thúc Loan lại lâm bệnh mà qua đời (Tất cả thư tịch cổ của ta đều nói Mai Thúc Loan mất năm 722 mà không nói rõ là mất vì lý do gì, nhưng truyền thuyết dân gian vùng Nam Đàn (Nghệ An) thì nói Mai Thúc Loan mất vì bệnh. Sau khi ông mất, con trai ông lên nôi ngôi, đó là Mai Thiếu Đế. Hiện nay, ở Hùng Sơn (núi Đụn), còn có hai ngôi mộ được xác định là mộ của Mai Hắc Đế (tức Mai Thúc Loan) và mộ của Mai Thiếu Đế). Tổn thất nghiêm trọng đó đã khiến cho không ít nghĩa sĩ phải tìm đường tạm lánh để chờ thời. Chớp lấy cơ hội đó, Dương Tư Húc đã cho đại quân xông vào thành Vạn An và toàn bộ khu căn cứ của nghĩa quân ở vùng Sa Nam. Một cuộc đàn áp đẫm máu chưa từng thấy đã diễn ra. Hàng ngàn nghĩa sĩ và nhân dân địa phương đã bị giặc giết hại, tất cả được chôn chung vào một ngôi mộ tập thể rất lớn được gọi là Kình Quán.
 
 
 
Lễ hội Đền Vua Mai - Nam Đàn, Nghệ An
Cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường do Mai Thúc Loan phát động và lãnh đạo tuy đã nhanh chóng bị thất bại nhưng ý chí quật cường và tấm gương dám xả thân cứu nước của tất cả nghĩa sĩ tập hợp dưới ngọn cờ của Mai Thúc Loan thì mãi mãi ngời sáng trong sử sách. Trong tâm khảm bất diệt của các thế hệ nhân dân ta, Mai Thúc Loan là niềm kiêu hãnh rất lớn lao, là một trong những đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước. Trải hơn ngàn năm, ngôi mộ và đền thờ Mai Thúc Loan vẫn còn đó, tên ông vẫn vĩnh tồn với Hùng Sơn, Vệ Sơn, Ngọc Đái Sơn, Biều Sơn, Liêu Sơn... với thành Vạn An, với sông Lam và với muôn đời đất nước này.
Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780) từng có lời rằng: "Đang khi bị nội thuộc, Mai Hắc Đế vì không chịu nổi sự kiềm thúc của bọn quan lại tàn ác nên đã vùng lên, quả đúng là bậc xuất chúng trong đám thổ hào vậy”. Ngô Thì Sĩ đã không chính xác khi xếp Mai Thúc Loan vào hàng “thổ hào”, nhưng ông cũng đã hoàn toàn đúng khi đánh giá Mai Thúc Loan là "bậc xuất chúng”. Tuy xuất thân là hàng cố cùng của xã hội, tuy chưa một lần được huấn luyện về binh pháp và về những nguyên tắc cầm quân, nhưng, lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc cộng với niềm tin mãnh liệt vào toàn thể những người cùng cảnh ngộ bị áp bức đoạ đày như mình, Mai Thúc Loan đã khiến cho cả đương thời lẫn hậu thế cảm phục về tài tập hợp, tổ chức và chỉ huy nghĩa sĩ của ông. Mai Thúc Loan là biểu hiện sinh động của nghệ thuật bố trí những trận đánh rất bất ngờ vào lực lượng của đối phương.
Quang Sở Khách được triều đình nhà Đường và Đường Huyền Tông xếp vào hàng những viên tướng giàu tài năng nên mới tin cậy uỷ thác việc trấn trị tại An Nam Đô hộ phủ. Trước khi phát động khởi nghĩa, Mai Thúc Loan chỉ là một dân phu rất bình thường chứ chưa bao giờ là tướng trực tiếp cầm quân cả, nhưng đã đánh cho chính viên tướng được triều đình phong kiến Trung Quốc xếp vào hàng giàu tài năng - hơn thế nữa, còn là kẻ đang có thành cao, hào sâu, quân đông và trang bị đầy đủ - rốt cuộc cũng phải hốt hoảng bỏ chạy thì rõ ràng là Mai Thúc Loan rất xứng đáng được đời công bằng và trân trọng coi là một trong những bậc danh tướng.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 4 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1802)

VietnamDefence - “Ngọc tốt giấu kín nơi sâu, / Rồng thần lặn không kẻ thấy. / Chờ khi người biết đến mình, / Chí lớn nọ đem ra vùng vẫy. / Giúp tám cực mà chuyển xoay, / Vỗ chín cõi yên rường mối” - Ngô Thì Nhậm (Mộng Thiên Thai phú. Lời dịch của Ngô Linh Ngọc. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 2.-H.: KHXH, Hà Nội, 1978.-Tr.41)
Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (1746) tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ông là con trai của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780).
TIỂU DẪN
Cơn bão quật khởi của phong trào Tây Sơn đã thực sự tạo nên sức mạnh rung trời chuyển đất. Sức mạnh vĩ đại đó đã cuốn hút sự tham gia của hàng chục vạn nông dân khắp cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Sức mạnh vĩ đại đó đã lần lượt đè bẹp tất cả thù trong lẫn giặc ngoài, làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và bất khuất của tổ tiên ta. Và cũng chính sức mạnh vĩ đại đó đã có tác dụng phân hóa sâu sắc đối với đội ngũ giai cấp phong kiến thống trị đương thời. Không ít sĩ phu yêu nước và thức thời đã hiên ngang đứng hẳn về phía Tây Sơn, có nhiều cống hiến lớn lao đối với Tây Sơn, cũng là cống hiến lớn lao cho lịch sử dân tộc. Tuy đến với Tây Sơn sớm muộn có khác nhau và tuy mức độ cống hiến cũng không đồng nhất, nhưng, hình ảnh của tất cả những sĩ phu yêu nước và thức thời ấy đều được sử sách ghi lại một cách rất trân trọng. Ba gương mặt tiêu biểu của những sĩ phu yêu nước và thức thời này là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích Nguyễn Thiếp. Ba nhân vật đặc biệt này tuy chưa bao giờ trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, nhưng, với tầm nhìn và phép ứng xử tuyệt vời của mình, họ đã có ảnh hưởng rất quan trọng đối với hoạt động và thắng lợi chung của phong trào Tây Sơn.
Thuở thiếu thời, Ngô Thì Nhậm được ông nội là Ngô Trân nuôi dạy. Khi ông nội qua đời, Ngô Thì Nhậm được cha là Ngô Thì Sĩ trực tiếp kèm cặp. Vốn hiếu học lại thông minh, Ngô Thì Nhậm tiến tới rất nhanh. Năm mới 16 tuổi, được cha tận tình dìu dắt, Ngô Thì Nhậm đã hoàn tất tác phẩm đầu đời của mình là Nhị thập tứ sử toát yếu (Sách này nay đã thất truyền). Năm 1765 (năm 19 tuổi), Ngô Thì Nhậm đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu ở trường thi Hương) và năm sau (năm 1766, năm tròn 20 tuổi), Ngô Thì Nhậm đã hoàn tất cuốn sách thứ hai của ông: Tứ gia thuyết phả (Sách này nay đã thất truyền). Trong đội ngũ các bậc danh nho thuở trước, đỗ đạt sớm như Ngô Thì Nhậm vốn dĩ đã rất ít, để chí lập ngôn sớm như Ngô Thì Nhậm lại càng ít hơn.
Năm 1769 (năm 23 tuổi), Ngô Thì Nhậm đỗ trong khoa Sĩ vọng, nhờ đó, được bổ làm Hiến sát sứ ở Hải Dương, hưởng chức hàm Chánh thất phẩm (Quan lại xưa được chia làm 9 phẩm cấp, mỗi phẩm cấp lại còn được chia làm 2 bậc cao thấp khác nhau là Chánh và Tòng, cộng là 18 bậc. Như vậy, Ngô Thì Nhậm thuộc bậc 13/18). Ông chính thức bước vào hoạn lộ kể từ đó. Năm 1771 (năm 25 tuổi), do cha là Ngô Thì Sĩ bị Hoàng Ngũ Phúc vu oan và bị Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) cách chức, Ngô Thì Nhậm xin từ quan để trở về quê. Năm 1772 (năm 26 tuổi), Ngô Thì Nhậm dự kỳ khảo thí ở Quốc Tử Giám và đỗ hạng ưu. Cũng vào năm này, ông hoàn tất cuốn Hải Đông chí lược. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú (1782-1840) cho hay, sách này gồm 4 quyển, “chép về núi sông, phong tục và nhân vật cùng các lệ thuế và số đinh suất của xứ Hải Dương khá rõ ràng” (Văn tịch chí (Loại truyện kí)). Năm 1775 (năm 29 tuổi), Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ (Khoa này chỉ lấy đỗ cao nhất là Tiến sĩ, tổng cộng có 18 người đỗ, Ngô Thì Nhậm đỗ thứ năm. Em rể của ông là Phan Huy Ích (1751-1822) cũng đỗ trong khoa này) và sau đó được bổ làm Hộ khoa Cấp sự trung. Năm 1776 (năm tròn 30 tuổi), ông được thăng làm Giám sát Ngự sử rồi Đốc đồng Kinh Bắc (vùng tương ứng với Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay). Năm 1778 (năm 32 tuổi), ông được kiêm luôn cả Đốc đồng Thái Nguyên. Bấy giờ, Ngô Thì Sĩ cũng đang làm Đốc đồng Lạng Sơn, thật đúng là:
"Nhất gia binh tượng liên tam trấn,
Vạn lý phong cương khống nhị thùy"


(Ngô Thì Nhậm. Hạ tôn thiều phó hùng trấn
(tức Mừng cha đi trấn giữ ở trấn quan trọng)).
Nghĩa là:
"Một nhà chỉ huy cả ba trấn
Muôn dặm trông coi bờ cõi hai biên thùy"
 
Cũng trong thời gian làm Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, Ngô Thì Nhậm đã viết Thánh triều hội giám (Sách này nay đã thất truyền).
Ngô Thì Nhậm

Năm 1780 (năm 34 tuổi), trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế cuộc, bỗng dưng, Ngô Thì Nhậm phải mang tiếng xấu với đời. Chuyện này mỗi sách chép một kiểu, tuy nhiên, tổng hợp và phân tích những tài liệu tin cậy nhất, chúng ta có thể tóm lược như sau:
Trước đó, chúa Trịnh Sâm đã lập con trưởng là Trịnh Khải (tức Trịnh Tông (mẹ người họ Dương, sinh năm 1763, sau làm Chúa 4 năm (1782-1786)) làm Thế tử, nhưng rồi đến tháng 9 năm 1780, do quá si mê với Tuyên phi Đặng Thị Huệ (tức Bà Chúa Chè vì bà vốn người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, mà làng này lại có tục danh là làng Chè), Trịnh Sâm đã truất ngôi Thế tử của Trịnh Khải và lập con trai thứ do Đặng Thị Huệ sinh hạ là Trịnh Cán (lúc này còn rất nhỏ) lên thay.

Trịnh Khải tức giận, liền cùng với quan giữ chức Trấn thủ ở Sơn Tây là Nguyễn Khản và quan giữ chức Trấn thủ ở Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân (con nuôi của Nguyễn Phương Đĩnh, xuất thân võ quan, trước đó từng có mối quan hệ khá thân mật với Trịnh Khải), bàn mưu chuẩn bị lực lượng để chờ khi Trịnh Sâm qua đời (Lúc này, Trịnh Sâm đang lâm bệnh nặng) là giết Quận Huy (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, còn có tên khác là Hoàng Tố Lý. Ông người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Quận Huy là cháu của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, xuất thân là quan võ. Lúc này, Quận Huy và Đặng Thị Huệ có mối quan hệ rất gắn bó với nhau. Sau Quận Huy bị kiêu binh giết chết), bắt Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán rồi giành lấy ngôi chúa cho Trịnh Khải.

Biết chuyện, Ngô Thì Nhậm đã có lời can ngăn, nhưng, việc chưa đâu vào đâu thì Ngô Thì Sĩ qua đời, ông phải về nhà chịu tang cha. Và cũng đúng lúc ấy, cơ mưu của Trịnh Khải bị bại lộ, Trịnh Sâm hạ lệnh bắt giam Trịnh Khải, đồng thời, xử tội rất nặng một loạt đại thần: giết chết Đàm Xuân Thụ (hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết đó là người rất được Trịnh Khải tin cậy), bắt giam Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Phương Đĩnh (cha nuôi của Nguyễn Khắc Tuân, Trấn thủ Kinh Bắc. Lúc này, Nguyễn Phương Đĩnh được chúa Trịnh là Trịnh Sâm giao việc nuôi dạy Trịnh Khải) và Chu Xuân Hán (hoạn quan, người huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Sau Trịnh Sâm cho là Nguyễn Phương Đĩnh nuôi dạy Trịnh Khải mà không làm được công trạng gì, bèn lột hết chức tước rồi đuổi về quê (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 45, tờ 22 ). Trong ngục tối, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đã vì uất ức mà uống thuốc độc tự tử (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 45, tờ 22 ), riêng Nguyễn Khản thì khi Trịnh Khải lên ngôi Chúa liền được tha và đến tháng 7 năm 1783 lại được thăng làm Lại bộ Thượng thư, quyền Tham tụng.

Bấy giờ, Huy Quận công Hoàng Đình Bảo vốn có tư thù với Ngô Thì Nhậm, bèn tìm mọi cách để xin cho Ngô Thì Nhậm được làm Công bộ Hữu Thị lang, tạo cớ cho thiên hạ phao tin rằng Ngô Thì Nhậm là “sát tứ phụ nhi Thị lang” nghĩa là giết bốn người cha để làm Thị lang (4 người cha đó, có sách nói là Trịnh Khải (quân phụ), Ngô Thì Sĩ (thân phụ), Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán (phụ chấp: bạn của cha). Tuy nhiên, cũng có sách nói là Ngô Thì Sĩ (thân phụ), Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán (phụ chấp)). Ngô Thì Nhậm biết là sự chẳng lành sẽ đến nên cố từ chối, nhưng gia đình lại có người bàn rằng, cần phải mềm dẻo mới mong tránh được những sự thù oán tiếp theo, vì thế, Ngô Thì Nhậm buộc phải nhận chức, nhưng lấy cớ là đang chịu tang cha cho nên không dâng biểu tạ ơn (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ nhất).
Sự kiện trên xảy ra vào năm 1780, năm Canh Tý, vì thế, sử thường gọi đó là vụ án năm Canh Tý. Trong vụ án này, Ngô Thì Nhậm là người vô tội. Lúc đầu, ông có ý định can ngăn đối với những người ủng hộ mưu đồ của Trịnh Khải, nhưng, việc chưa tiến hành thì ông đã phải về chịu tang cha. Việc Ngô Thì Sĩ qua đời lúc ấy chỉ hoàn toàn là tình cờ, không phải là bởi uất ức vì chuyện Ngô Thì Nhậm phát giác mưu mô của những người ủng hộ Trịnh Khải (trong đó có mình) như một vài tài liệu đã viết.
Năm 1782 (năm 36 tuổi), do những biến cố dồn dập trong Phủ Chúa, Ngô Thì Nhậm phải về quê vợ ở một thời gian khá dài. Năm đó, Trịnh Sâm qua đời, chưa được bao lâu thì kiêu binh nổi lên, phế Trịnh Cán (con thứ của Trịnh Sâm do bà Đặng Thị Huệ sinh hạ. Tháng 10 năm 1781, Trịnh Cán được lập làm Thế tử và tháng 9 năm 1782 thì được lập làm Chúa. Tháng 10 năm 1782, Trịnh Cán bị phế truất và mất vào cuối năm 1782 vì bệnh), giết Huy Quận công và tôn lập Trịnh Khải lên ngôi Chúa. Ngay khi vừa được tôn lên ngôi Chúa, Trịnh Khải đã tìm đủ mọi cách để báo ân báo oán. Nhân cơ hội đó, có kẻ đề nghị Trịnh Khải bắt Ngô Thì Nhậm nhưng Trịnh Khải không trả lời. Ngô Thì Nhậm thấy thật khó mà được bình an, bèn trốn về quê vợ (ở Vũ Thư, Thái Bình) như đã nói ở trên.

Năm 1786 (năm 40 tuổi), Ngô Thì Nhậm được chứng kiến tận mắt biến cố lớn lao của lịch sử nước nhà: quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tiến thẳng ra Thăng Long, tiêu diệt họ Trịnh, tôn phù nhà Lê. Chỉ với một cuộc tấn công chớp nhoáng, Nguyễn Huệ đã đập tan toàn bộ lực lượng của họ Trịnh (Trịnh Khải chạy trốn nhưng sau đó bị bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Khải đã tự tử), dựng lại cơ đồ của họ Lê vốn dĩ đã đổ nát trước đó hàng trăm năm. Chính biến cố này đã có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nhận thức của Ngô Thì Nhậm. Ông đã âm thầm theo dõi với tất cả thiện chí của mình.
Năm 1788 (năm 42 tuổi), hưởng ứng lời cầu hiền của Nguyễn Huệ, cùng với một số cựu thần khoa bảng khác như Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch..., Ngô Thì Nhậm đã ra nhận chức với chính quyền Tây Sơn, ông được phong làm Lại bộ Tả Thị lang, tước Tình Phái hầu, được cùng với một trọng thần của Tây Sơn là Võ Văn Ước trông coi mọi việc quan hệ đến quan lại của nhà Lê.
Cứ như ghi chép của sử cũ thì cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ngô Thì Nhậm với Võ Văn Ước cũng có một giai thoại khá đặc biệt. Chuyện kể rằng, người đến sớm nhất trong ngày quan lại nhà Lê yết kiến Nguyễn Huệ là Ngô Thì Nhậm. Hôm ấy, Võ Văn Ước được Nguyễn Huệ giao trách nhiệm tổ chức đón tiếp. Thấy Ngô Thì Nhậm, Võ Văn Ước cứ tưởng là Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn, vì thế, vội vã mời lên ngồi ngang hàng với mình. Một lúc sau, quan lại nhà Lê lục tục kéo đến và tề tựu ở ngay dưới sân. Không còn cách nào hơn, Ngô Thì Nhậm đành đứng dậy và lặng lẽ đi ra nơi khác, bấy giờ, Võ Văn Ước mới biết rằng đó không phải là Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn mà là Ngô Thì Nhậm! Giận vì cho là Ngô Thì Nhậm vô lễ, lập tức, Võ Văn Ước sai người đi bắt. Ngô Thì Nhậm bèn chạy đến tìm gặp Trần Văn Kỷ nhờ giúp đỡ. Trần Văn Kỷ từng ra Thăng Long dự thi Hội (nhưng không đỗ), từng được gặp và do đó rất phục tài của Ngô Thì Nhậm. Lúc này, Trần Văn Kỷ đang được Nguyễn Huệ trọng dụng, cho nên Ngô Thì Nhậm rất tin là có thể che chở cho mình được. Gặp Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm được thông báo rằng, chính Nguyễn Huệ cũng đã biết tiếng của Ngô Thì Nhậm, tin là có thể giao cho Ngô Thì Nhậm trọng trách của chính quyền mới, vì thế, đã giao cho Trần Văn Kỷ đi tìm Ngô Thì Nhậm. Ngay lập tức, Trần Văn Kỷ dẫn Ngô Thì Nhậm vào yết kiến Nguyễn Huệ. Đó là một cuộc gặp gỡ cảm động và tương đắc giữa đấng anh hùng cái thế là Nguyễn Huệ với bậc văn tài xuất chúng là Ngô Thì Nhậm. Và Nguyễn Huệ đã phong chức ban tước cho Ngô Thì Nhậm như đã nói ở trên.
Chỉ ít ngày sau đó, Nguyễn Huệ trở lại Phú Xuân. Để cai quản lực lượng của mình ở Bắc Hà, đồng thời, để phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, Nguyễn Huệ đã thành lập một Bộ chỉ huy Tây Sơn đặt đại bản dinh ngay tại Thăng Long. Bộ chỉ huy này do Đại Tư mã Ngô Văn Sở đứng đầu và sát cánh với Ngô Văn Sở là một số tướng lĩnh như Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết... Ngoài ra, nhiều văn thần cũ của nhà Lê, trong đó có Ngô Thì Nhậm, cũng được Nguyễn Huệ tin cậy cho tham gia vào Bộ chỉ huy. Trước khi rời Thăng Long, Nguyễn Huệ đã ân cần dặn dò:
"(Ngô Văn) Sở, (Phan Văn) Lân là nanh vuốt của ta, (Võ Văn) Dũng và Ngôn (chưa rõ họ - NKT) là tâm phúc của ta, còn (Ngô Thì) Nhậm là bề tôi mới của ta. Ngày nay, ta giao việc quân quốc của 11 trấn Bắc Hà cho các ngươi, vì thế, các ngươi phải lo toan liệu mà làm việc. Điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ. Lòng ta chỉ mong như vậy mà thôi" (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30).
Lời ấy là lời thực sự tin cậy của Nguyễn Huệ đối với Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Nhậm cũng đã hoàn toàn xứng đáng với lòng tin cậy lớn lao ấy của Nguyễn Huệ.
Cuối năm 1788, 29 vạn quân Mãn Thanh mượn cớ có Lê Chiêu Thống cầu cứu, đã giương ngọn cờ chính trị giả hiệu là “phù Lê diệt Tây Sơn” để tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy Tây Sơn đã họp để bàn kế sách đối phó. Ngô Thì Nhậm là một trong số những thành viên tham sự cuộc họp quan trọng này. Lúc đầu, ý kiến của các thành viên không nhất trí với nhau. Đại để có hai loại hình ý kiến chính như sau:
1) Loại hình ý kiến thứ nhất cho rằng, họ được Nguyễn Huệ giao trách nhiệm ở lại giữ thành và giữ đất, vậy thì hễ giặc đến là phải liều chết mà đánh, không cần phải bàn luận gì nhiều. Chủ xướng loại hình ý kiến này là Đại Tư mã Ngô Văn Sở. Rõ ràng, đây là loại hình ý kiến thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng đó là thứ tinh thần trách nhiệm cứng nhắc, không tính toán đến kết quả cuối cùng sẽ ra sao.
2) Loại hình ý kiến thứ hai cũng có điểm tương đồng với loại hình ý kiến thứ nhất, đó là phải quyết đánh quân xâm lăng, nhưng khác hẳn về phương thức đánh. Họ cho rằng, muốn đánh và đánh thắng quân Mãn Thanh, trước hết phải đem quân lên biên ải, kế thừa kinh nghiệm mai phục của Lê Lợi thuở trước, đánh phủ đầu bằng nhiều trận lớn nhỏ ngay khi chúng vừa đặt chân lên lãnh thổ nước ta, thì mới có thể giữ yên được bờ cõi. Chủ xướng loại hình ý kiến này là Võ Văn Dũng và Phan Văn Lân. Đây là ý kiến tỏ rõ sự hiểu biết khá sâu về truyền thống và kinh nghiệm chống xâm lăng của tổ tiên, nhưng lại cũng bộc lộ sự đánh giá chưa chính xác về tình hình cụ thể của Bắc Hà lúc bấy giờ. Gần 400 năm trước khi quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, sở dĩ Lê Lợi có thể liên tiếp tổ chức nhiều trận mai phục kéo dài từ Chi Lăng đến Xương Giang là vì lúc đó, lòng dân đã hoàn toàn hướng về Lam Sơn. Đến đây, nhân tâm ly tán, và trong điều kiện đó, không một kế hoạch mai phục nào lại có thể thành công được.
Đúng lúc đó, Ngô Thì Nhậm đã nêu ra một loại hình ý kiến khác hẳn. Ông nói với Ngô Văn Sở, cũng là nói với các tướng trong Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà rằng:
“Xưa nay, phép dụng binh chỉ thấy nói hoặc đánh hoặc giữ mà thôi. Nay quân Thanh đến đây, tiếng tăm rất lớn, đã thế bọn cam tâm làm nội ứng cho chúng ở trong nước đem phao tin đồn nhảm, khiến cho thanh thế của chúng càng trở nên to lớn thêm và cũng khiến cho lòng người sợ hãi. Quân ta giá thử có ai được sai phái đi đâu, thì vừa ra khỏi thành đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà trong sổ quân của ta, hễ gặp dịp là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy đi mà đánh thì nào có khác gì xua bầy dê đi săn cọp dữ, bảo không thua thế nào được? Đến như việc đóng chặt cửa thành để cố thủ, thì khi lòng người đã không vững, chắc chắn thế nào cũng sẽ sinh ra mối lo ở bên trong. Đến lúc đó, dẫu cho Tôn, Ngô (chỉ Tôn Tử và Ngô Khởi, hai nhà binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại - NKT) có sống lại cũng đành phải chịu bó tay, không làm gì hơn được nữa. Việc này chẳng khác gì đem chạch bỏ vào giỏ cua, xin hãy nghĩ kĩ lại. Nay đánh cũng chẳng được, giữ cũng không xong, vậy thì cả đánh lẫn giữ đều không phải là kế hay, rốt cuộc có lẽ chỉ còn một cách, đó là nhanh chóng sai thủy quân chở lương thực, giương buồm thuận gió mà ra biển rồi tiến vào cửa Biện Sơn (nằm giáp giới giữa Ninh Bình với Thanh Hóa ngày nay - NKT) mà đóng. Còn như bộ binh thì hãy sửa soạn khí giới mà gióng trống lên đường, lui về giữ miền Tam Điệp (cũng nằm giáp giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay - NKT). Hai mặt thủy bộ cùng liên hệ với nhau, giữ chỗ hiểm yếu rồi cho người chạy về bẩm với Chúa công (chỉ Nguyễn Huệ - NKT). Ta cứ thử xem quân Thanh đến và xếp đặt việc của nhà Lê như thế nào, vua Lê Chiêu Thống sau khi phục quốc sẽ thu xếp việc quân việc nước ra sao, chờ đến khi Chúa công ra rồi quyết chiến một phen cũng không muộn gì” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13).
Ý kiến xuất sắc này của Ngô Thì Nhậm đã nhanh chóng thuyết phục được Bộ chỉ huy Tây Sơn. Cuộc rút lui về Tam Điệp và Biện Sơn của quân Tây Sơn cuối năm 1788 chính là bởi sự nhất trí với ý kiến của Ngô Thì Nhậm. Ông còn nói thêm với chủ tướng là Đại Tư Mã Ngô Văn Sở rằng:
“Tướng giỏi ngày xưa thường lường trước thế giặc rồi mới đánh, cân nhắc để nắm chắc phần thắng rồi mới hành động, nghĩa là phải tùy theo tình thế đổi thay mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước phải nhường người một nước rồi sau mới thắng người một nước, không được đổi vị trí nước trước ra nước sau, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà lui, không bỏ mất một mũi tên nào cả. Hãy cho giặc được ngủ trọ một đêm rồi đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn thuở xưa sau vẫn nguyên lành chớ có mất gì (Ở Trung Quốc thời Xuân Thu, nước Tấn muốn đánh cả nước Ngu lẫn nước Quắc. Lúc đầu, Tấn hay lấy ngựa tốt và ngọc quý đem đút lót cho vua nước Ngu để mượn đường nước Ngu đi đánh Quắc. Vua nước Ngu dại dột nghe theo. Đến khi diệt được Quắc rồi, Tấn liền đem quân diệt luôn cả Ngu. Nước Ngu thua trận, bao nhiêu ngọc quý trước đó Tấn đem đút lót cho vua nước Ngu đều bị Tấn thu hồi lại). Nếu có vì thế mà mắc lỗi, tôi sẽ xin bộc bạch với Chúa công, thế nào cũng được lượng xét, xin ông chớ có nghi ngại gì” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 13).).
Khi đem đại quân tiến ra Tam Điệp và Biện Sơn nhằm chuẩn bị cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các tướng lĩnh và văn thần cao cấp của mình, Quang Trung Nguyễn Huệ khẳng định:
“Các ngươi đóng quân ở nơi trơ trọi, giặc Thanh kéo sang, người trong kinh kỳ làm nội ứng cho chúng, các ngươi làm sao mà cử động được? Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu, sau hỏi (Nguyễn) Văn Tuyết thì quả đúng như vậy” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).
Chưa bao giờ là võ tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, nhưng ý kiến của Ngô Thì Nhậm về đối sách tạm thời của quân đội Tây Sơn quả là rất xuất sắc. Thắng lợi vang dội của Tây Sơn trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa sau đó gắn chặt với công lao khởi xướng ý kiến đúng đắn này của Ngô Thì Nhậm.
Khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lăng, Ngô Thì Nhậm được Quang Trung thăng làm Binh bộ Thượng thư. Đó là một sự tưởng thưởng xứng đáng, thể hiện niềm tin cậy ngày một vững chắc và lớn lao của Quang Trung đối với ông. Đáp lại, Ngô Thì Nhậm cũng đã không ngừng có thêm những đóng góp to lớn cho chính quyền của Quang Trung. Tổng kết những ghi chép tản mạn của sử cũ, chúng ta có thể khái quát các cống hiến của Ngô Thì Nhậm từ năm 1789 (năm 43 tuổi) trở về sau như sau:
Một là, bằng tiếng nói sắc bén, thấu lý và đạt tình, Ngô Thì Nhậm đã lôi kéo được không ít trí thức khoa bảng từng phục vụ cho Vua Lê và Chúa Trịnh, trút bỏ mặc cảm để hợp tác đắc lực và rất có hiệu quả đối với guồng máy chính quyền của Quang Trung. Trong số những người được Ngô Thì Nhậm cảm hóa, giới thiệu và tiến cử, chúng ta thấy nổi bật lên những tên tuổi như: Phan Huy Ích (1751-1822) (người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Tiến sĩ năm 1775. Ông là con của Tiến sĩ Phan Huy Cận (tức Phan Huy Áng), anh của Tiến sĩ Phan Huy Ôn và là cha của nhà bác học Phan Huy Chú), Trần Bá Lãm (1758-1815) (người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội; đỗ Chế khoa (tương đương Tiến sĩ) năm 1787), Ninh Tốn (1744-1790) (người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; đỗ Tiến sĩ năm 1778), Vũ Huy Tấn (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Ông là con của Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh), Đoàn Nguyễn Tuấn (người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ông là con của Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục)... Tuy mức độ cao thấp có khác nhau, nhưng tất cả họ đều có những cống hiến rất đáng được trân trọng.
Hai là,  thay mặt Hoàng Đế Quang Trung, soạn thảo kế hoạch và trực tiếp chỉ huy việc thực hiện chủ trương thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với triều đình Mãn Thanh. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi lẽ sau thất bại thảm hại ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa, triều đình Mãn Thanh đang muốn quyết chí đánh báo thù. Nhưng, bằng tất cả sự uyển chuyển và khôn khéo, Ngô Thì Nhậm đã buộc triều đình Mãn Thanh phải từ bỏ ý định đánh báo thù, công nhận nền độc lập và tự chủ của nước ta, công nhận chính quyền do Quang Trung đứng đầu, đồng thời, từ bỏ âm mưu lợi dụng tập đoàn Lê Chiêu Thống lưu vong. Công lao của Ngô Thì Nhậm trong lĩnh vực này là vô cùng to lớn: Không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải hoàn toàn là tán dương một cách vô lối, khi người đương thời cũng như hậu thế vẫn thường nói “Ngô Thì Nhậm là Quang Trung thời bình”. Cuối năm 1788, khi chuẩn bị cho trận đại phá quân Thanh, trong một cuộc gặp gỡ các tướng lĩnh và văn thần cao cấp tại Tam Điệp và Biện Sơn, chính Quang Trung đã khẳng định vai trò của Ngô Thì Nhậm trong cuộc đấu trí ngoại giao ác liệt này:
“Nay ta thân hành cầm quân ra, phương lược tiến đánh đều đã được tính toán sẵn, chẳng qua chỉ độ mươi ngày là đã có thể đánh được người Thanh. Nhưng, chúng là nước lớn gấp 10 nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt sẽ lấy làm hổ thẹn mà dốc chí đánh báo thù, như thế thì họa binh đao sẽ chẳng bao giờ dứt, đó không phải là điều phúc cho dân, ai nỡ lòng nào mà làm được? Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới mong dập tắt được binh đao, nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được” (Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).
  
Xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Quang Trung, Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc việc mà Quang Trung cho là “nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được”. Ông là tác giả của kịch bản cho người đóng giả Quang Trung (Theo ghi chép của Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30, người được cử đóng giả là Quang Trung là Phạm Công Trị) sang chầu và dự lễ bát tuần khánh thọ (lễ mừng thọ 80 tuổi) của Hoàng đế Mãn Thanh Càn Long.
Ngày 16 tháng 9 năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, hưởng thọ 39 tuổi! Đó là tổn thất lớn nhất của Tây Sơn. Con của Quang Trung là Quang Toản lên nối ngôi. Cuối năm ấy (năm 46 tuổi), Ngô Thì Nhậm được cử làm Chánh sứ sang Mãn Thanh để vừa báo tang vừa cầu phong cho Quang Toản. Và ông đã hoàn thành tốt đẹp chuyến đi sứ đó.
Tiếc thay, sau cái chết của Quang Trung, cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ Tây Sơn diễn ra ngày một trầm trọng khiến cho sức mạnh ngỡ như “bất khả chiến bại” của Tây Sơn nhanh chóng bị tiêu hao. Là nhà khoa bảng và là bậc đại thần giàu lòng “ưu thời mẫn thế, Ngô Thì Nhậm theo dõi những biến đổi của thời cuộc với bao nỗi lo lắng không nguôi. Trên danh nghĩa, Quang Toản vẫn trọng dụng ông, nhưng, sự chia bè kết cánh của triều đình khiến cho ông không sao có thể tiếp tục phát huy được tài năng của mình. Ngô Thì Nhậm dành phần nhiệt huyết còn lại của mình cho việc cầm bút và nghiên cứu về Thiền học. Chính ông là người đã lập ra Trúc Lâm Thiền viện tại phường Bích Câu (nay thuộc Hà Nội) và cũng chính ông là tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Đương thời cũng như hậu thế có thể có những ý kiến về thiền khác hẳn với Ngô Thì Nhậm, nhưng điều quan trọng đáng nói hơn lại là ở chỗ, giữa nhiễu nhương của cuộc đời Ngô Thì Nhậm đã tìm cho mình một lối sống tao nhã, không chút vướng bận đến vụ lợi và đua tranh.
Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta và chính thức khai sinh ra triều Nguyễn. Một cuộc trả thù rất tàn bạo với tất cả những ai từng theo hoặc từng ủng hộ Tây Sơn bắt đầu. Ngô Thì Nhậm là một trong số những người bị trả thù đó. Đầu năm Quý Hợi (1803), Ngô Thì Nhậm cùng với Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan cùng bị đem ra Văn Miếu để đánh đòn. Riêng Ngô Thì Nhậm vì chịu không nổi đau đớn, đã mất vào ngày 16 tháng 2 (ngày 9/3/1803), hưởng thọ 57 tuổi. Vì sao cả ba người cùng bị đòn roi mà chỉ có một mình Ngô Thì Nhậm chết? Cắt nghĩa điều này, đời có khá nhiều giai thoại, đại để cho rằng Ngô Thì Nhậm có mối hiềm khích đối với bạn học là Đặng Trần Thường. Sau Đặng Trần Thường trở thành tướng cao cấp của Nguyễn Ánh cho nên cũng là đánh roi, nhưng roi dùng để đánh Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường sai cột thêm móc sắt. Giai thoại còn nói đến cuộc đối đáp giữa Ngô Thì Nhậm với Đặng Trần Thường khi Ngô Thì Nhậm bị đem ra Văn Miếu để đánh. Nhưng, giai thoại bao giờ cũng là... giai thoại, vì thế, xin được miễn nhắc lại ở đây.
Cuộc đời của Ngô Thì Nhậm là cuộc đời của một nhà yêu nước tầm vóc lớn, của một bậc khoa bảng thức thời, của một cây đại bút để lại cho đời rất nhiều tác phẩm quý, góp phần làm rạng rỡ cho văn hiến của nước nhà. Phần lớn các tác phẩm của Ngô Thì Nhậm đã được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội giới thiệu trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (2 quyển), năm 1978.
Thời Tự Đức (1848-1883), vì Nhà vua có họ và tên thật là Nguyễn Phúc Thì, lại có tên khác là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, cho nên để tránh hai chữ húy là Thì và Nhậm, Ngô Thì Nhậm bị đọc thành Ngô Thời Nhiệm. Tên ông bị đọc khác đi nhưng ánh sáng tỏa ra từ cuộc đời và sự nghiệp của ông thì vẫn mãi mãi không đổi. Ngàn năm, còn đó... tên ông.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét