Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

ĐIA LINH NHÂN KIỆT 56 (Thượng tướng Trần Văn Trà)

(ĐC sưu thầm trên NET)

Trần Văn Trà (tên thật là Nguyễn Chấn; 19191996) là Thượng tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam

Tiểu sử

Trần Văn Trà quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, sau vào cư ngụ tại Sài Gòn. Ông còn có bí danhTư Chi, Tư Nguyễn, Ba Trà. Xuất thân trong một gia đình làm nghề nông, thời trẻ học tiểu học tại Quảng Ngãi, năm 1936, ông tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế khi còn đang học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế; năm 1938 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam hai lần.

Lãnh đạo quân sự Nam Bộ

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Ủy viên Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ. Khi chiến tranh Đông Dương nổ ra tại Nam Bộ, ông tham gia công tác quân sự, giữ chức Chi đội trưởng Chi đội (tương đương trung đoàn) 14, Khu trưởng Khu 8, xứ ủy viên Nam Bộ (1946-1948); Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tư lệnh Khu 7 (1949-1950); Phó Tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Phân khu Miền Đông Nam Bộ (1951-1954).

Tướng Trần Văn Trà trong hội nghị bốn bên.
Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1955-1962), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn (1958), Giám đốc Học viện quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương (1961).
Từ năm 1963, ông được cử vào Nam làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1963-19671973-1975), Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1968-1972), Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng Miền Nam.
Sau Hiệp định Paris 1973, ông làm Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hiệp đình chiến bốn bên ở Sài Gòn.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7.
Từ năm 1978 đến năm 1982, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Từ năm 1992 ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự khuyết khóa 3, chính thức khóa 4). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1959 , Thượng tướng năm 1974. Được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.

Đời tư

Ông lập gia đình với tiến sĩ sinh hóa nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Thoa, con gái luật sư Lê Đình Chi (1912-1949), Trưởng ban Quân pháp Nam Bộ. Sau khi nghỉ hưu, ông tập trung viết hồi ký và tham gia nhiều hoạt động xã hội
Năm 1982, ông cho in cuốn Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, trong đó có ghi những nhận định chủ quan của nhiều lãnh đạo Cộng sản, khi đã đánh giá quá cao khả năng quân sự của mình và đánh giá quá thấp khả năng của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trước và trong dịp Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Sách mới in đến tập 5 thì bị thu hồi do quan điểm bị coi là không chính thống, nên các tập sau không được xuất bản.
Ông qua đời ngày 20 tháng 4 năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tên ông hiện được đặt cho một con phố ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh

Tác phẩm

Không chỉ là một tướng lãnh, ông còn trước tác một số sách.
  • Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm (gồm nhiều tập, mới in tập 5 thì bị thu hồi do quan điểm bị coi là không chính thống, nên các tập sau không được xuất bản)
  • Gởi người đang sống (1996)
  • Mùa thu lịch sử (1996)
  • Cảm nhận về xuân Mậu Thân (1968) (1998)
 
Tấm lòng của gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà
QĐND - Thứ năm, 19/04/2012 | 19:5 GMT+7
QĐND Online - Ra đi hai bàn tay trắng/Trở về một dải giang san/“Trăng xưa, hạc cũ”, dòng sông lặng/ Mây nước yên bình, thiên mã thăng”. Bài thơ này của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh... được khắc trên bệ đá, dưới chân con ngựa tạc bằng đá trắng nguyên khối đang trong tư thế chuẩn bị bay lên cứ ngân vang hào sảng …
Cảm giác ông đến với cuộc đời tựa như thiên mã, rất thanh thản, chân thành, làm tròn nhiệm vụ của anh Bộ đội Cụ Hồ, rồi vụt đi như một ánh sao băng. Ông mất ngày 20-4-1996.
Nhớ lúc còn khỏe, đi công tác khắp các tỉnh, thành phố miền Nam, thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ về, ông nói với vợ: “Có đi thăm mới biết nhiều anh em chiến sĩ, đồng bào mình còn nghèo lắm. Họ đã đem thân mình che chở nuôi giấu cách mạng, sau bao nhiêu năm chiến tranh vẫn còn nghèo khổ. Bây giờ và cả sau này, khi tôi không còn, em và các con phải nhớ để chia sẻ với anh em, trong khả năng của mình giúp đỡ cho đồng chí, đồng bào mình”.
Nỗi lòng ông luôn dành cho những con người đã từng dũng cảm lao vào chỗ chết để tìm đường sống cho dân tộc: “Chúng tôi không đếm những gian lao đi qua/ Cái chết và cái sống/ Để làm người chân chính/ Có một/ Chỗ đứng/ Dưới Mặt Trời” (Nguyễn Hoa). Ông thường dặn dò vợ con: “Phải luôn nhớ đến anh em cựu chiến binh. Chiến tranh qua rồi, nhưng nhiều người vẫn còn nghèo lắm, nhà mình có gì ăn thì phải san sẻ bớt cho anh em liệt sĩ, thương binh. Nhờ người ta, mình mới có cuộc sống này. Nếu không có những sự hy sinh to lớn của họ thì làm gì đất nước được thống nhất, làm gì tôi được làm tướng như ngày hôm nay”.
Người vợ thảo hiền của Thượng tướng Trần Văn Trà là bà Lê Thị Thoa năm nay bước sang tuổi 80. Bà nói tiếng Bắc, nghe vẫn trong trẻo:
- “Từ ngày ông mất, mười sáu năm nay, bác theo hội họa, chuyên vẽ hoa lá cỏ cây. Mắt mờ nên tranh vẽ ảo mờ thấy đẹp. Bác đang phải vẽ 10 bức tranh cho con gái Xuân Hồng kịp cùng các bạn sắp khai trương Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Bác đã vẽ được sáu, bảy bức. Khi nào có dịp cháu vào đấy, xem tranh bác vẽ nhé. Bác đã làm xong phận sự của mình, không có gì phải áy náy, còn việc nhà tình thương, tình nghĩa thì con làm, tới cháu làm … Bác giao việc đó cho con trai bác, hai con gái lớn”.
Vợ chồng Thượng tướng Trần Văn Trà. Ảnh: internet
Tôi thưa: - Bác ơi, cháu nghĩ đấy là cách thể hiện tình yêu sâu sắc của bác đối với bác trai. Hôm tới giỗ, bác thắp giùm cháu nén hương …
Chưa kịp để tôi nói hết câu, bà Lê Thị Thoa hồn hậu:
- Nhà bác không làm giỗ gì hết. Bác trai dặn đến ngày ấy, mẹ con, bà cháu ra mộ bày hoa quả thắp hương, ngồi quây quần bên mộ. Thế thôi.     
Ngôi mộ Thượng tướng Trần Văn Trà có khắc thanh gươm Bác Hồ tín cẩn trao cho Ông (10/1948): - “Bác trao cho chú thanh gươm quý giá này, đưa về cho đồng bào Nam bộ để diệt thù. Chú báo cáo với đồng bào rằng, trong lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta sẽ thắng!”
Anh Mai Thành Phú phụ trách văn thư ở cơ quan Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh vẻ người ốm nhom, cười tươi, giọng ấm áp:
- Bác Trần Văn Trà có tác phong của một vị Tướng, nhưng cũng rất ân cần, gần gũi, hay thăm hỏi anh em trong cơ quan. Ai biếu cái gì, bác cũng để lại hết ở trong phòng, để chia cho anh em mỗi người một chút. Đến nhà, bác gái tìm gói bánh, gói kẹo, trái cây gì đó bảo tôi mang về chia cho anh em cơ quan. Cứ nói đến Mai Thành Phú là bác gái nhớ liền à. Bác gái còn bảo tôi cứ cưới vợ đi rồi bác lo cho.
Năm 2004, khi bán ngôi nhà gia đình đang ở, phu nhân cố Thượng tướng Trần Văn Trà – bà Lê Thị Thoa đã mua cho ba con mỗi người một căn nhà để ở, phần ít còn lại, bà giữ làm kinh phí lo cho đời sống của anh em cựu chiến binh như lời ông đã dặn. Phần kinh phí ấy lúc đầu không nhiều, nhưng sau này, các con ông làm ăn được nên góp thêm vào để xây nhà tình nghĩa, lo cơ sở vật chất học đường ở trường Trung học cơ sở Trần Văn Trà (Quảng Ngãi) như: học bổng, máy tính, tập vở, tiền tu bổ nhà trường hàng năm, học bổng cho các học sinh nghèo con bộ đội …
Bà đã giao trọng trách nghĩa tình đó cho người con trai Nguyễn Việt Chi. Nguyễn Việt Chi thông qua Hội Cựu chiến binh Thành phố để khảo sát xem xét hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Đều đặn hàng tháng, Nguyễn Việt Chi lặn lội về các căn cứ kháng chiến cũ của các tỉnh để giúp đỡ gia đình chính sách. Có lần, đi ngang qua một túp lều lá mục của hai mẹ con đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Trà Vinh), Nguyễn Việt Chi hội ý ngay với các cán bộ địa phương cùng đi, rồi trao ngay 17 triệu đồng (năm 2006) cho địa phương xây nhà mới cho hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Tính từ năm 2004 đến năm 2010, quà tặng của gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà gửi tới các gia đình chính sách đã lên tới 3,850 tỷ đồng, xây dựng được 164 căn nhà tình nghĩa.
Còn tiền học bổng, máy vi tính, tập vở, quà tặng của gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà từ năm 2004 đến năm 2010 đã chi 474 triệu đồng cho 440 suất (theo “Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” của Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh).
Trung bình mỗi tháng Nguyễn Việt Chi xây hai căn nhà. Các tỉnh về gặp riêng Nguyễn Việt Chi xin tiền xây nhà được chi 25 triệu đồng/căn; còn ở Thành phố thì được chi 30 triệu đồng/căn. Khi gặp anh Nguyễn Việt Chi vừa đi Quảng Ngãi để tặng 41 triệu đồng mua máy tính, dụng cụ học tập, học bổng cho trường Trung học cơ sở Trần Văn Trà, ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh. Nguyễn Việt Chi có gương mặt rất giống cha, đôi mắt to sáng trong, sống mũi thẳng ngay trung hậu, nét miệng hồng tươi đầy đặn:
- “Em chỉ cần là người công dân tốt để thực hiện được ý nguyện của ba em là đủ”.
Câu nói giản dị mà hàm chứa tấm lòng, ý nguyện lớn lao của Nguyễn Việt Chi - tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn” của anh.
Năm 2011 vừa qua, khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu diện rộng nên tôi hỏi: - Liệu có ảnh hưởng đến việc xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa không?
Nguyễn Việt Chi hồ hởi:
- Em vẫn làm thường xuyên. Mỗi tháng xây đều hai căn nhà, mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Còn tiền mua máy tính, tập vở, học bổng, nâng cấp trường lớp, em vẫn làm đều …
Tôi mừng vui, coi đây như một nén tâm hương tưởng nhớ Thượng tướng Trần Văn Trà nhân ngày giỗ của Ông.
Trần Minh Thu
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét