Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 42/a

(ĐC sưu tầm tên NET)

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Trên khắp hành tinh (1)

VietnamDefence - Mạng lưới các trạm chặn thu toàn cầu của tình báo vô tuyến điện tử phương Tây đã được thành lập không lâu sau chiến tranh thế giới thứ II khi Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand vào năm 1947 bắt đầu phối hợp hoạt động tình báo vô tuyến điện tử sau khi phân chia thế giới thành nhiều khu vực (theo hiệp định UKUSA).
Mùa hè, dưới bóng râm của cây keo,
Thật dễ chịu mơ màng về sự biến vị.

K. Prutkov. “Những trước tác”
Mạng lưới các trạm chặn thu toàn cầu của tình báo vô tuyến điện tử phương Tây đã được thành lập không lâu sau chiến tranh thế giới thứ II khi Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand vào năm 1947 bắt đầu phối hợp hoạt động tình báo vô tuyến điện tử sau khi phân chia thế giới thành nhiều khu vực (theo hiệp định UKUSA).

Trước đó, trong lịch sử nhân loại, chưa từng có ai làm được điều gì đó tương tự như việc phổ biến các phương tiện nghe lén ra khắp trái đất. Chính phủ Mỹ hàng năm đã chi nhiều tỷ đô la để không bỏ sót một tín hiệu, một mệnh lệnh và một cuộc nói chuyện nào trên đại dương mênh mông của sóng điện dù là chúng chỉ mơ hồ dính dáng đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong số nhiều căn cứ tình báo vô tuyến điện tử lớn nhất thế giới, căn cứ Menwis Hill (tỉnh Yorkshire, Vương quốc Anh), nằm trên diện tích hơn 200 hecta, đã và đang giữ một vị trí quan trọng. Hơn một chục chiếc anten parabol đang hướng tới các quỹ đạo địa tĩnh của các hệ thống vệ tinh thông tin. Phục vụ cho các trang bị kỹ thuật tối tân này là hơn 1200 chuyên gia, 2/3 là người Mỹ. Để điều khiển các phương tiện kỹ thuật chặn thu vô tuyến, chọn lọc và giải mã tin tức thu thập được, người ta sử dụng hơn một chục chiếc siêu máy tính. Các máy tính này tự động phân tích tất cả cuộc gọi điện thoại và bức điện báo, cũng như dữ liệu lưu hành trong các mạng máy tính để chọn ra những thông tin đáng quan tâm. Tại căn cứ còn có một mạng lưới trạm kiểm soát để thu nhận dữ liệu chặn thu vô tuyến của các vệ tinh do thám Mỹ. Nhưng rõ ràng điều đó là chưa đủ. Theo các kế hoạch hiện đại hoá căn cứ, tại khu vực căn cứ sẽ lắp đặt thêm 4 tháp vô tuyến cao 30 mét và 7 anten che bằng nắp rẽ dòng, 3 trong số đó cao gần 30 mét. Căn cứ sẽ được trang bị nhiều máy tính hơn. Cho đến năm 1993, riêng tiền chi cho hiện đại hoá căn cứ đã là hơn 40 triệu đô la.

NSA cũng coi khu sa mạc ở Australia, thị trấn Pine Gap là địa điểm lý tưởng để chặn thu. Căn cứ này chủ yếu dùng để chặn thu các cuộc điện đàm và thông tin viễn trắc có nguồn gốc là các trường thử quân sự của Liên Xô ở khu vực biển Caspi. Cho đến nay, dữ liệu từ các vệ tinh do thám bay trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc vẫn được gửi tới đó.

Không nước phương Tây nào khác thích hợp hơn Tây Đức để tiến hành nghe lén các nước Đông Âu. Và ở đâu mạng lưới gián điệp Mỹ lại dày đặc như ở CHLB Đức và Tây Berlin. Tại đây có hơn 350 trung tâm của các cơ quan tình báo, các bộ tham mưu và chi nhánh các cơ quan khác nhau của Mỹ. Các gián điệp Mỹ ngồi trong các sứ quán và lãnh sự quán, ở các kho quân cụ và doanh trại. Trong khi chỉ có 60 người trong số đó làm việc cho CIA, thì số người làm cho NSA là hơn 600. Những người đàn ông và phụ nữ là nhân viên của các cơ quan gián điệp và phản gián của quân đội Mỹ, ngồi sau các máy ghi âm và máy thu vô tuyến trên núi Thaufelsberg ở Tây Berlin, cũng như ở các doanh trại Sheridan ở Augsburg. Binh sĩ của phi đội số 7406 được triển khai ở căn cứ không quân Rhein-Mein gần Frankfurt-am-Mein trực chiến trên khoang các máy bay C-130 Hercules lèn chặt máy móc nghe lén. Các trạm chặn thu trên không này có khả năng chặn thu toàn bộ những thông tin được truyền đi bên trên và bên dưới mặt đất dưới dạng các sóng điện từ đi qua các vệ tinh và các kênh liên lạc vô tuyến điện định hướng, qua các kênh dây đồng và sợi quang. “Cái tai” điện tử khổng lồ của Mỹ hoạt động hiệu quả và rộng khắp đến mức có thể thu được những tiếng động nằm ở xa ngoài phạm vi nhu cầu bảo đảm an ninh của Mỹ. Từ lãnh thổ CHLB Đức, Mỹ không chỉ chặn thu tín hiệu của các đài radar phòng không Liên Xô. Các anten và máy thu dù là ở Tây Berlin, Braunlag hay ở Bahd-Eibling rất dễ chỉnh vào bất kỳ tần số nào của các kênh liên lạc tiếp sức mà qua đó ngành bưu điện liên bang Đức chuyển đi gần như 1/3 số cuộc gọi điện thoại ở CHLB Đức.

Nhân viên các cơ quan tình báo Đức thừa hiểu bí mật các cuộc gọi điện thoại vốn được pháp luật bảo đảm thực ra không bao giờ tồn tại ở Đức. Bất kỳ ai nhấc máy điện thoại trên lãnh thổ Đức, từ biển Bắc đến dãy Alpơ không nên ngạc nhiên khi trên đường dây, ngoài người đối thoại của mình, còn có cả NSA. Chẳng hạn, Herman Herschell, ngoại trưởng CHLB Đức trong nội các Adenauer, biết rõ việc làm này của người Mỹ. “Người ta nghe lén ư? Người Đức chúng tôi ư? Nhưng chúng tôi đâu có cần làm chuyện đó, Herschell nói. - Nếu chúng tôi muốn biết cái gì thì chúng tôi có thể hỏi người Mỹ mà”. Và trong thập niên 1990, cả Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang BfV (Bundensamt für Verfassungsschutz), lẫn Cảnh sát Hình sự Liên bang BKA (Bundeskriminalalmt) vẫn tiếp tục tận dụng hệ thống nghe lén hùng hậu này của Mỹ đang giống như một máy hút bụi khổng lồ “hút” mọi thông tin từ các kênh liên lạc vô tuyến điện của Bưu điện Liên bang Đức. Thông tin thư từ về các âm mưu và kế hoạch khủng bố thường được gửi tới Cologne và Wiesbaden. Tại đó, người ta nhận được từ NSA các băng ghi, nhưng chúng không bao giờ chứa đựng nội dung nguyên văn các cuộc đàm thoại mà chỉ là những câu nói dạng gián tiếp. Chỉ người trong cuộc mới biết dòng chữ ghi chú kèm theo “nguồn tin tuyệt đối tin cậy” là chỉ các cuộc gọi điện thoại nghe lén.

Nhưng dĩ nhiên là từ khi ra đời, NSA đã tập trung chú ý chủ yếu vào việc tạo lập hệ thống chặn thu nhằm vào Liên Xô. ở gần lãnh thổ Liên Xô nhất là các trạm chặn thu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có vẻ như Mỹ có thể chặn thu thoải mái! Nhưng không phải mọi thứ đều đơn giản như thế trong quan hệ của Mỹ với nước đồng minh NATO này. Năm 1975, sau các sự kiện ở Sip, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ cấm người Mỹ tiến hành chặn thu từ lãnh thổ của mình. Năm 1978, lệnh cấm vận của Mỹ bị bãi bỏ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ cho phép Mỹ nối lại hoạt động tình báo vô tuyến điện tử với điều kiện họ phải được tiếp cận các thông tin Mỹ chặn thu được. Mỹ đã phải miễn cưỡng đồng ý. Các nước giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ thừa hiểu rằng, tiềm năng tình báo vô tuyến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ đã lớn mạnh thế nào.

Tháng 6 năm 1993, khi Tổng thống Azerbaijan chạy khỏi Baku vì nguy cơ thực sự đối với ông ta khi các đơn vị vũ trang đối lập tiến về thủ đô Baku, toàn quyền của tổng thống đã được chuyển cho quốc hội. Một trong các nguyên nhân của việc chuyển giao là do không thể bảo đảm an toàn chống nghe lén cho kênh liên lạc giữa Baku và ngôi làng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan, nơi tổng thống đang trú tạm. Trong các cuộc tranh luận ở nghị viện Azerbeijan về vấn đề phế truất tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ không bị nêu thẳng ra là nước tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến điện tử thực sự đe doạ Azerbaijan, nhưng sự ám chỉ tới sự tò mò quá mức của nước láng giềng phía Nam nêu ra trong các cuộc tranh luận này là rất rõ ràng.

Thêm một khu vực giá trị nữa để lập các trạm chặn thu là Iran. Sau khi quốc vương Pahlevi bị lật đổ vào năm 1979 và biết chắc là Mỹ đã tháo dỡ tất cả các trạm chặn thu của mình ở Iran, tổng tham mưu trưởng quân đội Iran đã vội vàng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn báo chí rằng, nước ông ta không chấp nhận các sào huyệt gián điệp Mỹ trên lãnh thổ của mình. Hậu quả của tuyên bố hoàn toàn nhằm mục đích tuyên truyền này lập tức xuất hiện. Những người Iran cấp tiến từng làm việc với các công dân Mỹ ở trạm chặn thu mà người Mỹ đã “quên” sơ tán đã bắt giữ các chuyên gia Mỹ làm con tin. Trong 8 tháng trước khi chính họ trở thành tù binh, các nhân viên sứ quán Mỹ ở Tehran đã trả 200 ngàn đô la để giải thoát cho những người đồng bào đó của mình.

Ngoài các trạm nghe lén bố trí trên mặt đất, trên không, trên biển và trên vũ trụ, làm công việc chặn thu cho NSA còn có nhiều nghị sĩ Mỹ. Họ luôn thông báo cho NSA đầy đủ chi tiết nội dung các cuộc trao đổi của mình với các nhà hoạt động nhà nước và các nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm Washington. Đối với NSA, thông tin này có tầm quan trọng hàng đầu bởi vì thông tin này rất có thể sẽ được truyền qua các kênh liên lạc bảo mật của các sứ quán nước ngoài sau các cuộc gặp gỡ của các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động nhà nước của các nước này với các nghị sĩ Mỹ.

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Dùng mặt trăng làm anten do thám (2)

VietnamDefence - Trong số tất cả các chiến dịch chặn thu mà NSA từng tiến hành hoặc dự định tiến hành, có lẽ có ấn tượng nhất là dự án xây dựng một trạm chặn thu ở một vùng của bang Virginia.
Vùng này hấp dẫn ở chỗ nó ở xa các vùng đông dân của Mỹ. Theo luật thông qua ở Mỹ năm 1956, tại vùng này đã thiết lập vùng im lặng vô tuyến rộng 600 kilômet vuông. Điều đó đã cho phép các chuyên gia NSA xúc tiến một dự án quy mô lớn nhằm biến mặt trăng thành thiết bị tiếp phát các tin tức thu được từ các kênh thông tin liên lạc của Liên Xô mà tín hiệu bị phản xạ từ bề mặt của mặt trăng.

Năm 1959, NSA đã chi 18 triệu USD để xây dựng trạm chặn thu ở Virginia, nhưng đến năm 1961, việc xây dựng vẫn không tiến triển mấy. NSA đã đề nghị quốc hội Mỹ bổ sung kinh phí. Quốc hội Mỹ đã chấp thuận đề nghị này, nhưng quy định giới hạn tổng kinh phí là 135 triệu USD. Mấy tháng sau, thực tế đòi hỏi phải có thêm 65 triệu USD để hoàn tất xây dựng. Điều đó đã làm tràn cốc nước kiên nhẫn của giới quân sự.

Năm 1962, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ký “án tử hình” đối với dự án và năm 1969 tất cả những gì người ta kịp xây dựng cho NSA ở Virginia được chuyển giao cho Hải quân Mỹ.

Cuối thập niên 1970, một số quan chức cao cấp của NSA, trong đó có chỉ huy nhóm “G” của đơn vị “sản xuất”, đã thăm vùng này.

Mối quan tâm của nhóm “G” là dễ hiểu nếu biết rằng, chỉ cách địa điểm này vẻn vẹn 100 kilômet là trung tâm liên lạc vệ tinh thương mại quốc tế mà đi qua đó có hơn 1/2 toàn bộ số điện tín do người Mỹ truyền đi bằng vệ tinh.

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Nhà thiêu xác nổi (3)

VietnamDefence - Ngay đầu thập niên 1960, sau khi cải tổ đơn vị “sản xuất”, nhóm “A” đã thâu tóm toàn quyền chỉ huy một hệ thống các trạm chặn thu bao vây Liên Xô và các nước đồng minh của Liên Xô từ mọi phía.
Khác với nhóm “A”, nhóm “G” được trang bị hai trặm chặn thu đóng ở châu Phi (Marôc và Ethiopia). NSA đã quyết định bù đắp nhược điểm này bằng cách sử dụng các tàu do thám.

Số phận con tàu do thám điện tử Liberty của Mỹ đã trở nên nổi tiếng một cách đáng buồn. Năm 1967, máy bay và xuồng ngư lôi Israel đã biến tàu Liberty thành nhà thiêu xác nổi đối với mấy chục chuyên gia giỏi của Mỹ. Nguyên nhân của sự tàn bạo đó thật là đơn giản. Trong cuộc chiến ngắn ngủi năm 1967, người Israel rất quan tâm sao cho việc mức độ xâm nhập của họ vào lãnh thổ Arập được giữ kín càng lâu càng tốt. Chừng nào các siêu cường không xác định rõ phạm vi chiếm đóng của Israel thì họ sẽ không thể áp đặt giải pháp ngừng bắn cho Israel. Vì vậy, Israel đâu cần có một tên gián điệp của một siêu cường ở gần khu vực chiến sự?

Tham gia tiêu diệt tàu Liberty ban đầu là các máy bay Israel, sau đó có thêm các xuồng ngư lôi. Khi xảy ra cuộc tấn công, các báo vụ viên của tàu Liberty dù sao cũng vẫn kịp thu nhặt các mảnh vụn của máy phát vô tuyến điện để gửi đi tín hiệu cầu cứu cho Hạm đội 6 của Mỹ. ở cách xa tàu Liberty 800 kilômet là tàu sân bay America, nhưng các máy bay “Con Ma” (F-4 Phantom) trên boong tàu chỉ có vũ khí hạt nhân.

Trong khi các máy bay trên tàu sân bay đang được thay vũ khí thì người Israel nhận thấy các cuộc đàm thoại vô tuyến giữa các tàu của Hạm đội 6 Mỹ gia tăng đột biến và đã lập tức tổ chức một cuộc tấn công ngoại giao để làm cho người Mỹ tin rằng, tàu Liberty bị tấn công là do nhầm lẫn. Phía Israel nói rằng, họ nghĩ đó là tàu vận tải quân sự Ai Cập. Nhưng điều đó thật khó tin bởi vì trong vòng 6 giờ trước cuộc tấn công, máy bay Israel đã theo dõi và chụp ảnh tàu Liberty.

Những người Mỹ bị bỏng, bị thương dồn cục lại ở đuôi tàu Liberty chìm một nửa đã bị sốc khi thấy các xuồng chiến đấu Israel thực hiện lần vào công kích mới. Bất ngờ, một chiếc xuồng phát tín hiệu hỏi: “Các anh có cần giúp đỡ không?” Người Israel nhận được tín hiệu trả lời vốn không có trong các giáo trình, sách giáo khoa về tổ chức liên lạc tín hiệu hàng hải, nhưng việc họ hiểu điều đó thì là điều không cần bình luận. Người Israel cố liên lạc lần thứ hai với những người Mỹ trên tàu Liberty sau đó một giờ. Từ một chiếc trực thăng, người ta quăng cho họ một túi có mảnh giấy trong đó tuỳ viên quân sự Mỹ ở Tel Aviv hỏi: “Các anh có người bị thương không?” Câu hỏi này bị những người trên chiếc Liberty coi là đầy nhạo báng.

Mặc dù 32 người trong thuỷ thủ đoàn đã bị giết, 2/3 số người sống sót bị thương, và tuy bị hỏng nghiêm trọng, tàu Liberty vẫn tiến về phía trước cho đến khi gặp hai chiến hạm Mỹ.

Không thể nói là trùng hợp ngẫu nhiên khi mà sau khi chế áp hoả điểm trên tàu Liberty, những chiếc anten đã trở thành mục tiêu chính của người Israel, còn quả ngư lôi đầu tiên của Israel đã tấn công đúng vào nơi bố trí máy móc chặn thu. Phản ứng của Mỹ cũng rất lạ lùng. Những công dân tay không của họ đang thực hiện công vụ ở vùng hải phận quốc tế bị xả súng máy và dội napalm, sau đó được lịch sự xin lỗi: xin thứ lỗi, đó là do sai lầm nhỏ, chúng tôi sẵn sàng bồi thường các tổn thất! Và nước Mỹ đã làm ra vẻ như chẳng có điều gì đặc biệt xảy ra cả.

Gần 3,5 triệu đô la đã được trả cho những người bị thương trên tàu Liberty và hơn 3 triệu đô la cho gia đình những người bị thiệt mạng như khoản bồi thường của chính phủ Israel. Phần lớn các khoản tiền này phải dùng để trả thù lao cho các luật sư bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân.

Ban đầu, Mỹ đòi Israel bồi thường 7,6 triệu đô la thiệt hại vật chất. Lấy đâu ra con số đó thì không rõ, bởi vì Mỹ đã phải chi tới 20 triệu đô la để cải tạo tàu Liberty thành tàu do thám và thêm 10 triệu đô la nữa để chế tạo thiết bị điện tử cho tàu. Nhưng thậm chí cả khoản tiền giảm bớt này Israel cũng không chịu trả. Năm 1980, Tổng thống Carter đã đồng ý giảm số tiền Israel phải bồi thường cho Mỹ xuống còn 6 triệu đô la và Israel trả khoản tiền này từng phần.

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Lloyd và thuỷ thủ đoàn của mình (4)

VietnamDefence - Ngày 23 tháng 1 năm 1968, 3 xuồng tuần tiễu của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tiếp cận tàu gián điệp Pueblo của Mỹ. Tàu này đang ở trong hải phận Bắc Triều Tiên.
Thuyền trưởng Pueblo là Lloyd Butcher đã nhận được qua vô tuyến điện mệnh lệnh từ một xuồng tuần tiễu Triều Tiên bắt phải đi theo tàu đó. Butcher báo cáo tình hình về căn cứ của NSA ở ngoại ô Tokyo thông qua trạm chặn thu ở Kamisi. Ông ta nhận được lệnh không được đầu hàng trong mọi tình huống. Butcher liền hạ lệnh quay mũi ra khơi, đồng thời bắn trả từ một vũ khí có trên tàu.

Để đáp lại, dĩ nhiên, các xuồng Triều Tiên đã bắn xối xả vào tàu Pueblo bằng mọi loại vũ khí của họ. Lần này, Butcher quyết định chấp hành lệnh của người Triều Tiên. Trong suốt một giờ trên đường vào một cảng của Triều Tiên, các thuộc cấp của Butcher vội vã thiêu huỷ giấy tờ mật. Vốn đã được bài học cay đắng từ mưu toan dùng hoả lực đáp lại hoả lực nên thuỷ thủ đoàn của tàu Pueblo không hề kháng cự.

Báo cáo cuối cùng mà căn cứ của NSA nhận được từ tàu Pueblo có nội dung: “Tàu bị tấn công. 4 người bị thương, 1 bị thương nặng. Chúng tôi rút khỏi làn sóng và phá huỷ máy phát”.

Trong 11 tháng tiếp theo sự kiện này, cả Butcher và thuỷ thủ đoàn của ông ta, cùng con tàu đã phải làm “khách” của người Triều Tiên. Thời gian thừa đủ để người ta thẩm vấn các chuyên gia mã thám tù binh hoạt động , những người đã lên tàu dưới vỏ bọc các nhà hải dương học vào tháng 12 năm 1967, và để nghiên cứu trang thiết bị do thám vô tuyến điện thu được. Người Triều Tiên đã buộc phải di rời khỏi vị trí lắp đặt ban đầu trên tàu một phần thiết bị nặng cả tấn.

Trong số các bộ phận chính của trang thiết bị điện tử trên tàu Pueblo và các tàu do thám tương tự là những chiếc anten đôi lớn (để xác định các tín hiệu thu được từ đâu đến, sau đó máy thu của tàu được chỉnh sóng theo các tín hiệu này), các anten tần số thấp (độ sâu hoạt động ngầm dưới nước là tới 15 mét để liên lạc với tàu ngầm), thiết bị định vị (để thu các tín hiệu vô tuyến điện bị phản xạ từ các tầng khí quyển dày đặc), các anten hình cầu (phương tiện chính để nghe lén các cuộc đàm thoại của phi công các máy bay) và ống nghe dưới nước (để nghe các tín hiệu riêng của “âm thanh” tàu ngầm đi ngang qua các tàu).

Tất cả các tín hiệu của các máy thu trên tàu Pueblo được tự động ghi lại, các chuyên gia trên tàu lọc ra những tín hiệu mà họ cho là quan trọng nhất và nạp các tham số của chúng vào máy tính trên tàu để so sánh với các tham số đã biết, cũng như gửi chúng cùng các thông tin do thám vô tuyến khác về bản doanh NSA ở Fort Meade. ở đó, người ta tiếp tục phân tích chúng, nhưng ở cấp độ cao hơn. Trong khi các chuyên gia mã thám nát óc để giải phá các mật mã mà nước đối tượng do thám vô tuyến sử dụng để bảo vệ các bí mật của mình chống xâm nhập thì các chuyên gia phân tích khác của NSA cố phát hiện trong các thông tin thu được những dữ liệu về cơ cấu phòng thủ của nước đó, vị trí triển khai và mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội.

Butcher và thuỷ thủ đoàn của ông ta đã khai viết rằng, tàu của họ đã xâm nhập lãnh hải của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để tiến hành các hoạt động do thám vô tuyến. Các chiến dịch này bao gồm việc do thám vô tuyến điện tử đối với các mục tiêu quân sự ở vùng duyên hải Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, xác định toạ độ bố trí các đài radar và mọi loại thiết bị phát tín hiệu điện tử khác, sức chứa của các cảng, số lượng tàu vào ra, cũng như tiến hành các nghiên cứu hải dương học dọc theo bờ biển.

Tổng thống Johnson công khai xác nhận tàu Pueblo đã nhiều lần xâm nhập vào lãnh hải Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để săn tìm các bí mật quân sự và bí mật nhà nước của nước này. Nếu Mỹ không đưa ra những lời thừa nhận này, các quan chức Bắc Triều Tiên từ chối làm bất cứ cái gì để giải phóng các công dân Mỹ bị bắt trên tàu Pueblo.

Không lâu sau, thuỷ thủ đoàn của tàu Pueblo đã có được sự tự do mong đợi lâu nay, còn trên báo chí Mỹ thì xuất những tin tức nói rằng, tàu Liberty và tàu Pueblo vào những thời điểm khác nhau đã được sử dụng để tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến điện tử đối với lãnh thổ Mozambic, Tanzania và Angola.

Thông tin nhận được đã được gửi tới các chi nhánh của NSA ở châu Âu và bởi lẽ nó không có tầm quan trọng hàng đầu đối với Mỹ nên còn được chuyển cho NATO. Như vậy, Bồ Đào Nha là một thành viên NATO, chẳng cần phải nỗ lực lắm cũng vẫn có được các tin tức quân sự quan trọng về các phong trào giành độc lập ở các nước mà Bồ Đào Nha đang tiến hành cuộc chiến tranh thực dân chống lại họ.

Tất cả điều này không làm chương trình phát triển hạm đội do thám của NSA được soạn thảo trong thập niên 1960 thêm nổi tiếng. Theo chương trình này, ban đầu dự định sử dụng một tàu do thám ở Tây Thái Bình Dương, còn năm sau đó đóng thêm hai tàu như vậy. Nếu hoạt động của các tàu mà thành công thì tiếp đó sẽ đóng cả một tiểu hạm đội tàu do thám.

Sau những tổn thất mà hạm đội do thám Mỹ chịu đựng trong các vụ Pueblo và Liberty, do áp lực của công luận phẫn nộ, các quan chức ở Washington đã công khai tuyên bố rằng, các thiết bị điện tử sẽ bị tháo dỡ khỏi tất cả các tàu do thám vô tuyến, còn các tàu sẽ bị cắt làm sắt vụn và Mỹ sẽ không đóng các tàu do thám mới. Tuy vậy, đó thực ra là tin giả có chủ đích. Các tàu do thám Mỹ tiếp tục lãng du trên các các vùng biển của đại dương thế giới.

Vậy số phận cuối cùng của tàu Pueblo là thế nào? Về chính thức, sau sự kiện ngày 23 tháng 1, nó vẫn thuộc hạm đội 7 Mỹ, nhưng trên thực tế nó nằm trong tay người Triều Tiên và họ đã buộc tàu Pueblo từ bỏ mãi mãi các hoạt động do thám bằng cách giữ lại nó để bồi thường cho các chi phí cho việc bắt giữ tàu này. Họ đã nã đại bác ư? Đã nã. Các xuồng tuần tiễu Triều Tiên đã đốt nhà tắm nắng ư? Họ đã đốt. Nhưng ai sẽ trả tiền? Chú ấy ư? Tất nhiên là “ông chú” có tên là Sam. Vậy là chiếc tàu Pueblo trước kia nay phải cần mẫn chở hàng hoá dân sự dọc theo bờ biển Triều Tiên.

Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên còn có vinh dự xử lý cả “Pueblo bay”, tên lóng do chính người Mỹ đặt cho loại máy bay do thám hải quân EC-121. Ngày 21 tháng 4 năm 1969, chiếc máy bay này đã xâm nhập không phận Bắc Triều Tiên và bị một máy bay đánh chặn của Không quân Bắc Triều Tiên bắn rơi. Một lần nữa, giống như sau vụ xì căng đan với tàu Pueblo, tiếp sau lại là những lời thú nhận bắt buộc của phía Mỹ. Cụ thể, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, phía Mỹ đã xác nhận là trong vòng 20 năm, họ đã và đang tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến điện tử từ trên không ở gần Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và chỉ từ đầu năm 1969 đã thực hiện gần 200 chuyến bay như vậy.

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Binh chủng cơ yếu (5)

VietnamDefence - Trong hai thập kỷ đầu tồn tại của NSA, lãnh đạo cơ quan này không bao giờ từ bỏ ý định thành lập một binh chủng đặc biệt là binh chủng cơ yếu.
Các chuyên gia cơ yếu quân sự tuỳ thuộc vào việc họ làm cho NSA ở trên bộ, trên biển hay trên không sẽ mang quân phục của lục quân, hải quân hay không quân. Nhưng họ sẽ không thuộc quyền tư lệnh các quân chủng này mà trực thuộc trực tiếp giám đốc NSA.

Do áp lực của giới quân sự, ý tưởng của lãnh đạo NSA thành lập binh chủng cơ yếu đặt dưới sự chỉ huy riêng của mình đã không thọ lâu. Thay cho điều đó, người ta đã phối hợp tìm ta một giải pháp thoả hiệp - thành lập cái gọi là Cơ quan An ninh Trung ương CSS (Central Security Service). Được Bộ Quốc phòng Mỹ xào xáo vội vã miễn là “chôn vùi” được nhanh chóng ý tưởng lập binh chủng cơ yếu, CSS, theo diễn đạt của một chỉ huy có trọng trách của nó, đã trở thành “tháp Babilon ngay sau khi nó bị phá huỷ”.

Cơ quan An ninh Trung ương CSS được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Nixon vào năm 1972. Quân số biên chế của nó là 45 ngàn người thuộc quyền giám đốc NSA. Quyền kiểm soát của NSA đối với CSS ngay từ ngày đầu tồn tại là hoàn toàn hiện thực.

Theo sắc lệnh của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 17 tháng 2 năm 1972, do Tổng thống Mỹ ký, Giám đốc NSA được quyền điều khiển lực lượng nhân viên của bất kỳ đơn vị quân đội nào tham gia bảo vệ các kênh liên lạc của Mỹ và thu thập tin từ các kênh liên lạc nước ngoài. Chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới có quyền bác bỏ những thẩm quyền đó của giám đốc NSA.

Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Sự non dại (6)

VietnamDefence - Cho đến giữa thập niên 1970, giới chuyên gia kỹ thuật NSA vốn quá tự mãn về năng lực của mình trong lĩnh vực chặn thu chỉ bĩu môi khinh bỉ khi nghe những lời khẳng định rằng nước nào đó có thể che giấu hay lừa dối họ về những ý đồ của mình.
Tuy vậy, vào nửa cuối thập niên 1970, họ đã buộc phải thay đổi chút ít ý kiến của mình. Hoá ra là trong tình báo vô tuyến điện tử cũng có những phương pháp bóp méo mà tin giả trong lĩnh vực điệp báo chỉ là trò trẻ con khi so với nó.

Trong nhiều năm, NSA ngày đêm chặn thu kết quả các vụ thử tên lửa đường đạn của Liên Xô. Cơ quan này thường xuyên báo cáo cho những người dùng tin này về bán kính hoạt động và độ chính xác dẫn của các tên lửa này. Dựa trên những thông tin này, vào cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970, Mỹ đã đưa ra những quyết định rất quan trọng về số lượng, địa điểm triển khai và các hệ thống bảo vệ cho các tên lửa Mỹ. Tuy vậy, mấy năm sau, người ta đã phát hiện ra là dữ liệu mà NSA thu được có những sai sót nghiêm trọng.

Chỉ sau khi các phương tiện hiện đại hơn để theo dõi các vụ thử tên lửa Liên Xô xuất hiện vào giữa thập niên 1970, người ta mới hiểu bản chất của những sai lầm này. Liên Xô đã khôn khéo làm giả các kết quả thử nghiệm tên lửa của mình. Khi biết các vệ tinh và các anten của Mỹ nhăm nhe chặn thu mọi bức xạ từ các tên lửa được thử nghiệm, các chuyên gia Liên Xô đã tìm ra cách đánh lừa kỹ thuật Mỹ để khiến nó thông báo rằng, các tên lửa Liên Xô kém chính xác hơn trên thực tế.

Người ta thừa hiểu là trong thế giới gián điệp thì những thất bại giúp cho các cơ quan tình báo trưởng thành hơn. Bởi vậy, tại các sào huyệt của cộng đồng tình báo Mỹ lập tức xuất hiện một nhóm người nói rằng, cần thành lập một đơn vị chống gián điệp đặc biệt để ngăn ngừa những thất bại như thế trong tương lai.

Đơn vị này có nhiệm vụ theo dõi toàn bộ hoạt động tình báo vô tuyến điện tử và nghiên cứu xem tại sao các phương tiện kỹ thuật theo dõi của NSA rơi vào tầm kiểm soát của Liên Xô. Những người ủng hộ ý tưởng này khẳng định chỉ có thể chế ngự được những thông tin giả mà Liên Xô loan truyền thông qua các vệ tinh “bị tuyển lại” để và qua việc phát các tín hiệu vô tuyến giả bằng đơn vị đặc biệt đó với quyền tiếp cận mọi nguồn thông tin mà NSA thu được.

Chống lại ý tưởng thành lập một đơn vị như vậy là những nhân viên NSA tin tưởng hệ thống theo dõi của NSA hoàn toàn không thể bị đánh lừa. Về phe với họ còn có những người về nguyên tắc tuy thừa nhận khả năng đánh lừa, nhưng khẳng định việc thành lập một tổ chức chống gián điệp rộng lớn sẽ gây ra thái độ chế giễu từ phía công luận rộng rãi: “Ra thế đấy! Họ lại còn truy tìm điệp viên Liên Xô trong số các vệ tinh của chúng ta nữa cơ đấy”.

Trong cộng đồng gián điệp Mỹ đã xuất hiện những bất đồng quan điểm sâu sắc. Bất ngờ cựu giám đốc NSA B. Inman từ chức phó giám đốc CIA. Kết quả là đã không có quyết định cho phép thành lập tổ chức chống gián điệp đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét