Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 54

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nguyễn Chích (1382 - 1448)

VietnamDefence - “Lập Chí rất bền, thấy việc rất sớm, tính mưu rất kỹ, ứng biến rất nhanh, công đầy biên quận” - Trịnh Thuấn Du (Văn bia Thần Đạo)
“Lập Chí rất bền, thấy việc rất sớm, tính mưu rất kỹ, ứng biến rất nhanh, công đầy biên quận”.
Trịnh Thuấn Du (Văn bia Thần Đạo)
Nguyễn Chích người thôn Mạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm Nhâm Tuất (1382), mất năm Mậu Thìn (1448), thọ 66 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, cho nên, thuở ấu thơ đã phải đi ở đợ làm nghề chăn trâu ở vùng Hoàng Sơn và Nghiêu Sơn.
Khi quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến do nhà Hồ (1400 - 1407) lãnh đạo bị thất bại, Nguyễn Chích đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa khá lớn ở ngay vùng Hoàng Sơn và Nghiêu Sơn. Ông đã lập nên một khu căn cứ rất lợi hại tại vùng này sử gọi là khu căn cứ Hoàng-Nghiêu. Ở đấy, lực lượng của Nguyễn Chích đã có lúc lên tới hơn một ngàn người và ông đã từng cho quân đi đánh phá khắp các vùng Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn... khiến cho quân Minh phải nhiều phen chống đỡ rất vất vả. 
Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam  Sơn, Nguyễn Chích rất lấy làm hồ hởi. Nghĩa quân Lê Lợi và nghĩa quân Nguyễn Chích đã nhanh chóng phối hợp với nhau để cùng chống kẻ thù chung. Cuối năm 1420, khi Lê Lợi đóng quân tại Mường Nhanh, Nguyễn Chích đã đem toàn bộ lực lượng của mình về với Lê Lợi và tự nguyện đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lê Lợi. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết Đột Hữu vệ, Đồng Tổng đốc Chư quân và trực tiếp chỉ huy một đạo quân quan trọng của Lam Sơn. Sau đó chẳng bao lâu, ông được thăng chức Nhập nội Thiếu úy là một trong những chức võ quan cao cấp nhất lúc bấy giờ. Sự hội nhập của lực lượng Nguyễn Chích với lực lượng của Lê Lợi là một bước tiến quan trọng cua phong trào Lam Sơn nói riêng và của sự nghiệp chống quân Minh đô hộ nói chung.
Đối với Bộ chỉ huy Lam Sơn, thêm Nguyễn Chích không phải chỉ đơn giản là thêm một người giàu nghĩa khí, mà thực là thêm một dũng tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, thêm một bộ óc chiến lược tài ba. Chính Nguyễn Chích là người đã có công tạo ra bước ngoặt lịch sử cho phong trào Lam Sơn vào cuối năm 1424. Tháng 10 năm 1424, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã có một cuộc hội nghi quân sự rất quan trọng. Hội nghị đã quyết định chấm dứt thời kỳ hòa hoãn với quân Minh và chủ động tấn công để từng bước làm thay đổi tương quan thế và lực của đôi bên. Tại hội nghị này, Nguyễn Chích đã trình bày một ý kiến rất xuất sắc, được Bộ chỉ huy Lam Sơn nhiệt liệt tán thành. Sử gọi đó là chiến lược Nguyễn Chích
Nội dung ý kiến của Nguyễn Chích là: Lam Sơn phải nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động, phải chiếm cho kỳ được một vùng đồng bằng rộng lớn mới có thể huy động được sức người và sức của cho cuộc chiến đấu lâu dài. Vùng đồng bằng rộng lớn mà Nguyễn Chích đề nghị chính là Nghệ An. Về mặt lý luận, Nguyễn Chích cho rằng, Nghệ An là nơi xa, lực lượng của quân Minh vừa ít lại vừa yếu, khả năng chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn rất rõ ràng. Nghệ An là nơi tiếp giáp với Thanh Hóa, rất tiện lợi cho cuộc tấn công của Lam Sơn. Về mặt thực tiễn, Nguyễn Chích cũng nói rõ, ông từng có dịp qua lại vùng này, nắm vững đường đi lối lại và do đó, có thể làm người dẫn đường và làm tướng tiên phong cho Lam Sơn. Trên cơ sở ý kiến của Nguyễn Chích, cuối năm 1424, cuộc tấn công bất ngờ của Lam Sơn vào Nghệ An bắt đầu.
Trong vòng một thời gian rất ngắn, Lam Sơn đã liên tiếp giành được nhiều thắng lợi vang dội. Nguyễn Trãi đã viết về cuộc tấn công này với những lời rất hùng tráng:
“Trận Bồ Đằng: Sấm vang chớp giật,
Trận Trà Lân: Trúc chẻ tro bay”.
Chiếm được Nghệ An, nói theo cách nói của Nguyễn Chích là tìm được đất đứng chân, và từ đất đứng chân đặc biệt này, nghĩa quân Lam Sơn đã liên tiếp làm nên những kỳ tích:
- Buộc thành Nghệ An phải tồn tại chơ vơ như một ốc đảo giữa một vùng giải phóng rộng lớn. Trong lúc đó, Bộ chỉ huy Lam Sơn lại đường đường đóng ngay ở núi Thiên Nhẫn - một vị trí cách thành Nghệ An không xa. Tại đây, Lê Lợi cho xây thành để đặt đại bản doanh. Thành ấy, dân gian thường gọi là thành Lục Niên.
- Mùa thu năm 1425, Lam Sơn tiến quân ra giải phóng vùng đồng bằng Diễn Châu. Và cũng chỉ sau một vài trận giao tranh, Lam Sơn đã hoàn toàn giành được ưu thế. Thành Diễn Châu cũng lâm vào hình trạng bị cô lập, không khác gì thành Nghệ An. 
- Cũng ngay trong mùa thu năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đã nhân đà thắng lợi, tiến gấp ra giải phóng đất Thanh Hóa. Giặc phải hốt hoảng co về cố thủ trong thành Tây Đô.
- Đầu mùa đông năm 1425, quân Lam Sơn tấn công vào Tân Bình và Thuận Hóa (bấy giờ, vùng này tương ứng với miền đất từ phía Nam tỉnh Hà Tĩnh vào đến Quảng Ngãi ngày nay). 
Từ đây, Lam Sơn thực sự là chủ nhân của một vùng đất giải phóng rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam. Tương quan thế và lực giữa Lam Sơn với quân Minh đã thay đổi một cách thật nhanh chóng. Ở một chừng mực nhất định nào đó, chúng ta cùng có thể nói rằng, những thắng lợi nói trêu đều nảy sinh từ sự đúng đắn của chiến lược Nguyễn Chích. Và tất cả những thắng lợi sau đó của phong trào Lam Sơn đều không thể tách rời ảnh hưởng to lớn của chiến lược Nguyễn Chích. Nhiều nhà nghiên cứu đã xếp vị trí và tầm vóc của Nguyễn Chích trong khởi nghĩa Lam Sơn chỉ sau Lê Lợi và Nguyễn Trãi mà thôi.
Từ tháng 10 năm 1424 trở đi, Nguyễn Chích thường luôn được hầu cận bên cạnh Lê Lợi và đóng góp cho Lê Lợi cũng như Bộ chỉ huy Lam Sơn nhiều ý kiến xuất sắc. Vì lẽ này, hầu như ông không trực tiếp cầm quân tham gia các trận đánh nữa. Tuy nhiên, vai trò của ông cũng không hề vì thế mà trở nên mờ nhạt. Ông có mặt thường xuyên trong Bộ chỉ huy Lam Sơn và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của phong trào Lam Sơn.
Khi Lê Lợi lên ngôi, Nguyễn Chích được phong tước Đình Thượng Hầu. Suốt thời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và những năm đầu đời Lê Nhân Tông, Nguyễn Chích là tướng cầm quân trấn giữ vùng phía Nam của đất nước ta.
Tháng 12 năm 1448, Nguyễn Chích qua đời vì bệnh, khi đang còn giữ chức Nhập nội Đô đốc. Triều đình truy tặng ông là Nhập nội Tư không, Bình Chương sự, đồng thời, ban cho ông tên thụy là Trinh Vũ.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Lê Khôi (? - 1446)

VietnamDefence - “Ông là người độ lượng, nhân hậu và nhã nhặn, ít nói, ít cười, từng theo vua Thái Tổ đi đánh dẹp, lập được nhiều công lao” - Đại Nam Nhất thống chí (Tỉnh Thanh Hóa - Tập hạ - mục Nhân vật)
Lê Khôi người Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con trai của Lê Trừ, mà Lê Trừ là người anh thứ hai của Lê Lợi (Về gia đình và dòng họ của Lê Khôi, tham khảo thêm mục I - Thuở hàn vi trong phần viết về Lê Lợi). Nói khác hơn, Lê Khôi là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Hiện vẫn chưa rõ Lê Khôi chào đời vào năm nào, chỉ biết là đến năm 1418, khi Lê Lợi phát lệnh khởi nghĩa, ông đã là một người trưởng thành và được Lê Lợi nhận làm nghĩa sĩ. 
 
Tượng thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi - Đền Lê Khôi Thạch Hà, Hà Tĩnh̀
Từ năm 1418 trở đi, Lê Khôi luôn sát cánh bên cạnh Lê Lợi, cùng chia ngọt xẻ bùi, một lòng một dạ chiến đấu vì nghĩa cả thiêng liêng là lật nhào ách đô hộ của quân Minh, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Khôi được ghi nhận chủ yếu qua mấy sự kiện nổi bật sau đây:
  • Năm 1424: Lam Sơn cho quân ồ ạt tấn công vào Nghệ An, mở đầu một thời kỳ quyết tâm xoay chuyển tình thế bằng cách mở rộng địa bàn hoạt động, tìm “đất đứng chân” ở ngay giữa vùng đồng bằng. Bấy giờ, Lê Khôi chỉ mới là một vị tướng nhỏ, nhưng tư thế lại rất hiên ngang: “Mình đeo bên trái một túi tên, bên phải cũng một túi tên, theo Vua ra trận” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí). Trong trận đánh lớn ở Khả Lưu, Lê Khôi được lệnh cầm một đội quân nhỏ, đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lê Sát và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, quyết trừng trị đích đáng lực lượng to lớn và hung hãn của giặc đang cả gan tràn lên đánh vào Lam Sơn ở Trà Lân. Và, Lê Khôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của tướng sĩ Lam Sơn tại Khả Lưu:
“Trong trận Khả Lưu, ông cùng bọn Lê Sát xông lên trước, vây đánh và phá tan quân Minh, bắt sống được Đô đốc giặc là Chu Kiệt, chém tướng tiên phong của giặc là Hoàng Thành, lại còn bắt được sĩ tốt của chúng nhiều không kể hết” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
Sau trận Khả Lưu, tên tuổi của Lê Khôi bắt đầu trở nên nổi bật, được Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy và được các binh sĩ dưới quyền yêu quý.
  • Năm 1427: Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh tại Chi Lăng-Xương Giang.  Lúc này, sau nhiều năm dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Lê Khôi đã được cùng với Phạm Vấn, chỉ huy một đơn vị đông tới hơn hai ngàn người. Và một lần nữa, ông được lệnh làm tướng trợ thủ cho Lê Sát. Với hơn hai ngàn quân trong tay, Phạm Vấn và Lê Khôi đã khiến cho những viên tướng.khét tiếng của nhà Minh như Đô đốc Thôi Tụ và Thượng thư Hoàng Phúc phải khiếp đảm. Lê Khôi đã góp phần rất đáng kể vào thắng lợi chung của quân Lam Sơn trong trận bao vây tiêu diệt cuối cùng tại Xương Giang:
“Ông cùng Phạm Vấn đem hơn hai ngàn quân đi trợ chiến cho Lê Sát, đánh tan và bắt sống bọn tướng giặc là Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng mấy vạn tên giặc, quét sạch quân Ngô và khôi phục Đông Đô“ (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí)
Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Lê Khôi được ban chức Kỳ Lân Hổ vệ Thượng tướng quân, quyền Hành quân Tổng quản, hàm Nhập nội Thiếu úy, sau thăng lên hàm Tư mã, được đem Kim Phù.
  • Năm 1430: Lê Khôi được trao chức Trấn thủ Hóa Châu. Bấy giờ Hóa Châu là vùng giáp giới với Chiêm Thành, tình hình chung chưa thực sự được yên ổn, cho nên chức Trấn thủ vùng này phải trao cho một người thật tin cẩn, đủ uy và đủ đức:
“Vua thấy nước nhà mới định, người Man chưa hoàn toàn thuận theo, mà đất Hóa Châu lại giáp với Chiêm Thành, cho nên, muốn sai một chức quan lớn đi làm Trấn thủ. Ông đến nơi, bãi bỏ trạm gác và sự xét hỏi nghiêm ngặt, chỉ lo đi chiêu mộ dân lưu tán về làm ăn, khuyên bảo dân chăm làm ruộng, trồng dâu, huấn luyện sĩ tốt để giữ yên bờ cõi. Ông xử việc nghiêm trang và giữ chữ tín nên được dân rất yêu kính  (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
Cũng trong năm 1430, vùng Thái Nguyên có cuộc nổi loạn của Bế Khắc Thiệu. Nhà vua vừa thân đem quân đi đánh, vừa triệu ông từ Hóa Châu gấp đem quân ra tiếp ứng. Ông đã có mặt kịp thời và đã lập công xuất sắc, được Vua trọng thưởng.
Năm 1437, vua Lê Thái Tông phong cho ông làm Nhập nội Tư mã, Tham tri Chính sự, kiêm quản các việc ở Tây Đạo. Năm 1440, ông được thăng làm Nhập nội Đô đốc. Sau đó chưa rõ vì lý do gì, ông bị cách chức, về quê vui thú ruộng vườn một thời gian.  
 
Đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi - Thạch Hà, Hà Tĩnh
Năm 1443, triều đình khôi phục chức tước cho ông, cho ông được làm Nhập nội Thiếu úy và sai đi Trấn thủ Nghệ An. Sử cũ chép chuyện ông đi nhận chức ở Nghệ An rất cảm động như sau:
“Lúc mới đến (Nghệ An), sĩ phu và dân chúng vùng này đứng chật hai bên đường chào đón, đưa hai tay lên ngang trán mừng reo và nói rằng:
- Chúng tôi mong ông đã lâu, sao nay trời mới giáng phúc ban ơn cho chúng tôi” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
 
Lăng mộ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi
Năm 1445, nhà Lê sai một loạt tướng lĩnh đem quân đi đánh Chiêm Thành, Lê Khôi được lệnh đem quân Nghệ An đi tiếp ứng. Sử cũ chép:
“Ông đem quân xông lên phía trước, phá tan trại giặc ở cửa ải, băng qua Ly Giang mà đến Thị Nại rồi tiến sâu vào đất Chiêm Thành. Tướng giặc biết là quân của ông, bèn bắc loa hỏi:
- Có phải ông Tư mã (chỉ Lê Khôi NKT) đó không? 
Ông liền cởi bỏ mũ trận ra cho chúng thấy mặt. Giặc nhận ra, liền xuống ngựa mà sụp lạy, mang sản vật đến để biếu tặng cho ông, không dám đánh quân ông nữa” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí; Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Thanh Hóa, mục Nhân vật)).
Sau trận đánh Chiêm Thành, ông trở về, dọc đường thì lâm bệnh nặng mà mất tại khu vực núi Nam Giới (gần cửa Sót, Hà Tĩnh). Triều đình thương xót, truy tặng ông làm Nhập nội Đại Hành khiển, đồng thời, sai quan vào tận nơi ông mất để làm lễ an táng và cúng tế.
 
Hằng năm người dân lại về xã Thạch Bàn, Thạch Ha, Hà Tĩnh tham gia Lễ hội Đền Lê Khô

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Đinh Liệt (? - 1471)

VietnamDefence - “Vận nước gặp cơn nguy biến, đại họa thật khó lường. Kẻ thần tử lập được công cao thì việc báo đáp phải càng thêm hậu. Đó là công luận, nào phải ơn riêng" - Lê Thánh Tông (1460 - 1497)
Đinh Liệt người sách Thúy Cối (Lam Sơn, Thanh Hóa) em ruột của danh tướng Đinh Lễ. Hiện vẫn chưa rõ ông sinh vào năm nào.  Đinh Liệt là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu. Khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị dựng cờ cứu nước cứu dân, cùng với anh là Đinh Lễ và Đinh Bồ, ông đã nhiệt liệt hưởng ứng một cách rất tích cực. Đinh Liệt là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, và kể từ đó, ông là tướng tâm phúc của Lê Lợi.
Đi với Lê Lợi suốt cuộc trường chinh rộng rã đến hơn mười năm, Đinh Liệt đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối của mình, gian nan không quản ngại, thất bại chẳng sờn lòng, và càng chiến đấu, tài năng quân sự của ông càng không ngừng nảy nở, Đinh Liệt là một trong số rất ít những người dự Hội thề Lũng Nhai có may mắn được chứng kiến ngày đại thắng và đặc biệt là được chứng kiến ngày non nước thịnh trị, thái bình suốt nửa chặng đầu của thời Lê sơ. 
Trước năm 1428, tên tuổi của Đinh Liệt nổi bật lên bởi hai trận đánh lớn. Một là trận Khả Lưu và hai là trận Chi Lăng-Xương Giang. 
Từ cuối năm 1424, thực hiện chiến lược do tướng Nguyễn Chích khởi xướng, Lam Sơn bắt đầu tấn công vào Nghệ An. Để có thể chiếm được cả một vùng đất rộng dân đông như Nghệ An, hẳn nhiên là các nghĩa sĩ Lam Sơn phải chiến đấu rất nhiều trận quyết liệt mà một trong những trận ấy là trận Khả Lưu.
Bấy giờ, Lam Sơn đã chiếm được châu Trà Lân và đang gấp rút chuẩn bị cho quân vây đánh thành Nghệ An. Nhưng cũng đúng vào lúc ấy thì quân Minh bất ngờ kéo đến phản công. Trước tình thế đó, Lê Lợi quyết định đánh một trận thật lớn bằng cách mai phục ở đất hiểm. Tướng Đinh Lễ được phân công dẫn quân đến ém trước tại Khả Lưu. Tướng Đinh Liệt (em của Đinh Lễ) thì đem hơn một ngàn quân, bí mật luồn xuống phía Đỗ Gia (nay là đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) để từ đó mà vòng lên đánh tập hậu, hỗ trợ cho Đinh Lễ. Quả nhiên, giặc bị sa vào ổ mai phục. Đang lúc bối rối thì chúng lại bị tướng Đinh Liệt cho quân đánh ồ ạt từ phía sau. Giặc đại bại. 
Cuối năm 1427, Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược với lực lượng viện binh hùng hậu của nhà Minh do Liễu Thăng cùng một loạt tướng lĩnh cao cấp của nhà Minh cầm đầu. Hai địa điểm quan trọng nhất của trận đánh lịch sử này là Chi Lăng và Xương Giang, cho nên, sử gọi đó là trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang. Trong trận đánh này, tướng Đinh Liệt có vinh dự được cùng với tướng Lê Sát, đem quân lên sát biên giới vùng Lạng Sơn để trực tiếp đánh những trận đầu tiên với đạo viện binh của nhà Minh gồm 10 vạn tên. Chính lực lượng Lam Sơn do Đinh Liệt chỉ huy đã có công lớn trong trận tập kích tại núi Mã Yên, chém chủ tướng cao cấp nhất của giặc là Liễu Thắng tại trận. Thắng lợi vang dội của trận tập kích này đã kích động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ Lam Sơn, tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn cho những trận đánh quan trọng sau đó.
Bởi những công lao nói trên, năm Thuận Thiên thứ nhất (năm 1428), Lê Lợi (bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế) ban cho Đinh Liệt chức Thứ thủ (tức là chức Phó Chỉ huy) của vệ quân Thiết Đột, được xếp vào hạng cao nhất trong số các Khai quốc Công thần từng có mặt từ Hội thề Lũng Nhai, được ban hàm Suy Trung Tán Trị, Hiệp mưu Bảo chính Công thần, Vinh Lộc Đại phu, Tả Kim Ngô Đại tướng quân và được ban tước Thượng Trí Tự. Tháng 5 năm 1429, được gia phong tước Đình Thượng Hầu. Năm 1432, ông được gia hàm Nhập nội Tư mã, được tham dự triều chính.
Dưới thời trị vì của vua Lê Thái Tông (1433 - 1442), ông lại nổi danh bởi cuộc tấn công vào Chiêm Thành năm 1434. Trên đường từ Chiêm Thành trở ra, ông còn có công dẹp loạn ở Hóa Châu (vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày nay).
Tháng 7 năm 1444, bởi có kẻ gièm pha, Đinh Liệt bị Thái hậu (Nguyễn Thị Anh - thân mẫu của vua Lê Nhân Tông) bắt giam dưới hầm kín. Cả gia quyến ông đều bị bắt và bị cầm tù. Sau, nhờ người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và Công chúa Ngọc Lan nài nỉ xin cho, bà Thái hậu mới chịu thả ông ra vào tháng 6 năm 1448, tức là sau bốn năm bị cầm tù. Gia quyến ông thì phải mãi đến tháng 3 năm 1450 mới được tha.
Năm 1454, ông được phục chức, được ban hàm Thái Bảo. Năm 1460, ông là người có công cùng với các tướng Lê Lăng và Nguyễn Xí giết chết tên hôn quân bạo chúa là Lê Nghi Dân rồi cùng nhau tôn phò Hoàng tử Lê Tư Thành (con của vua Lê Thái Tông, do bà Ngô Thi Ngọc Dao sinh hạ) lên ngôi Hoàng đế. Đó là vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Bởi có công lao này, ông được ban chức Khai Phủ Nghi Đồng Tam ty, Bình Chương Quân quốc Trọng Sự, Nhập nội Thái Phó, tước Á Quận Hầu. Chỉ ít lâu sau đó, ông được tiến phong tước Lân Tường Hầu và khi bàn định công lao tôn phò, ông được tiến phong tước Lân Quận Công. Cuối năm 1460, ông cùng tướng Lê Lăng được sai đi dẹp loạn Cầm Man. Khi thắng trận trở về, ông được gia phong tới hàm Thái Sư Phụ chính.
Năm 1465, khi Nguyễn Xí qua đời, ông là Tể tướng, nắm quyền quyết định nhiều việc lớn của nước nhà. Cuối năm 1470, đầu năm 1471, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông là lão tướng, được sung chức Chinh Lỗ Tướng quân, cùng tướng Lê Niệm (con của Lê Lâm, cháu nội của Lê Lai) cầm quân đi trước. Trận ấy quân ta đại thắng, vua Chiêm Thành là Trà Toàn bị bắt. Nhưng, khi về đến nơi thì Đinh Liệt đã lâm bệnh mà mất. Vì chưa rõ năm sinh nên chưa rõ khi mất, ông đã hưởng thọ bao nhiêu.
Con cháu của Đinh Liệt cũng đời đời là võ tướng cao cấp. Xin lược kể một vài nhân vật tiêu biểu như sau:
  1. Đinh Công Nhiếp, con của Đinh Liệt: Thượng thư Bộ Binh, tước Văn Thắng Hầu thời vua Lê Thánh Tông.
  2. Đinh Phúc Vận,  con của Đinh Công Nhiếp: Thái tể Nam Quận Công thời vua Lê Anh Tông.
  3. Đinh Thừa Cận, con của Đinh Phúc Vận: Thái tể Thúy Quận Công thời Lê Thế Tông.
  4. Đinh Phúc Diên, con của Đinh Thừa Cận: Đông Quân Tả Đô đốc Thiếu úy Dương Quận Công thời vua Lê Thế Tông.
  5. Đinh Phúc Tiến, con của Đinh Phúc Diên: Khuông Cầu Hầu thời vua Lê Thế Tông.
  6. Đinh Phúc Đạt, con của Đinh Phúc Tiến: Phan Lộc Hầu thời vua Lê Kính Tông.
Nói theo cách nói của người xưa, dòng họ Đinh Liệt đúng là dòng “hổ phụ sinh hổ tử”!

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Đinh Lễ (? - 1427)

VietnamDefence - Ông là cháu ngoại, gọi vua Lê Thái Tổ bằng cậu, tính cương nghị và quả cảm giàu mưu lược và có võ nghệ rất cao cường” - Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)
Đinh Lễ người sách Thúy Cối (Lam Sơn, Thanh Hóa), hiện chưa rõ ông sinh vào năm nào. Khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ba anh em Đinh Lễ (Ba anh em của Đinh Lễ là: Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Tuy nhiên, sách Đại Nam Nhất thống chí thì chỉ chép có hai người là Đinh Lễ và Đinh Liệt mà thôi) là những người hăng hái hưởng ứng đầu tiên. Em út của ông là Đinh Liệt từng có tên trong danh sách 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai.
 
Là người quả cảm lại có võ nghệ cao cường, công việc đầu tiên mà Đinh Liệt được giao là luôn đi hộ vệ và hầu cận Lê Lợi. Trải nhiều năm vào sinh ra tử, Đinh Lễ được phong dần tới chức Tư không.  Ông là một trong những vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc và liên tiếp lập được nhiều công lao.
Sử cũ chép về ông như sau:
“Năm Giáp Thìn (1424), Vua đánh nhau với quân Minh ở Khả Lưu, ông cùng tướng Lê Sát xông tới kìm hãm trận địa giặc, tạo điều kiện cho quân sĩ ào ạt tràn lên. Giặc thua to. Ta bắt được tướng giặc là Chu Kiệt, chém được tướng giặc là Hoàng Thành, đuổi cho Trần Trí và Sơn Thọ phải chạy dài. Ta bắt sống được sĩ tốt của giặc không biết bao nhiêu mà kể. Nhờ công ấy, ông được phong là Tư không. 
Mùa xuân năm Ất Tị (1425), Vua cho quân bao vây bọn Lý An và Phương Chính ở thành Nghệ An. Tháng 5 của năm này, ông được sai đi tuần ở Diễn Châu. Khi ấy, ông cho quân mai phục ở phía ngoài thành. Giặc không hề hay biết. Thế rồi viên Đô ty của nhà Minh là Trương Hùng, dẫn hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ thành Đông Quan tới. Quân giặc trong thành (Diễn Châu) mừng rỡ, liền mở cửa ra để đón. Bất ngờ, Đinh Lễ cho quân mai phục trỗi dậy đánh quyết liệt.
Ta chém được viên Thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân lính của giặc. Trương Hùng phải bỏ chạy. Ông thu được hết thuyền lương và nhân đà thắng lợi, đuổi dài bọn chúng đến tận Tây Đô. Vua nghe tin, sai các tướng Lê Sát và Lý Triện đem quân gấp rút theo đường tắt đến tiếp ứng. Ta chém thêm được hơn 500 tên, khiến giặc phải hốt hoảng mà chạy vào thành.
Ông phủ dụ dân cư, đồng thời, thu nạp những người khỏe mạnh để vây thành (Tây Đô)” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện). 
Tháng 9 năm 1426, khi Lê Lợi cho ba đạo quân luồn sâu vào vùng tạm bị quân Minh chiếm đóng, tìm cách khuấy động khu vực chung quanh thành Đông Quan, nhằm chuẩn bị cho những cuộc tấn công của Lam Sơn, Đinh Lễ và Nguyễn Xí được Lê Lợi sai cầm quân tinh nhuệ đi sau để sẵn sàng tiếp ứng. Và Đinh Lễ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Tháng 11 năm 1426, Lam Sơn đã đánh trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời với quân Minh tại Tốt Động-Chúc Động. Tướng Đinh Lễ đã có vinh dự tham gia và đã góp công lớn. Bấy giờ, Đinh Lễ cùng với Trương Chiến và Nguyễn Xí đem quân mai phục sẵn ở Thanh Đàm để bí mật đón đánh Vương Thông khi hắn dẫn đại binh đến đấy. Tại đây, chính ông là một trong những người đã bắt được khá nhiều quân do thám và nhờ khéo khai thác, ông đã nắm được toàn bộ mưu đồ của Vương Thông. Kế hoạch tác chiến của quân Lam Sơn trong trận đánh lịch sử này chủ yếu dựa trên những thông tin vô giá mà ông lấy được, đồng thời cũng là dựa trên những ý kiến xuất sắc của ông.
Sau trận Tốt Động - Chúc Động, Đinh Lễ liền viết thư báo tin đại thắng cho Lê Lợi, đồng thời, hăng hái cùng các tướng tổ chức bao vây thành Đông Quan.
Khi Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tiến quân ra Bắc và đóng đại bản doanh tại Bồ Đề (Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ngày nay), kế hoạch bao vây thành Đông Quan càng được thực hiện một cách ráo riết hơn. Bấy giờ, việc án ngữ cửa Bắc thành Đông Quan được giao cho tướng Lý Triện, còn việc chặn đứng cửa Nam thành Đông Quan thì Lê Lợi giao cho ông. Vòng vây càng xiết chặt, Vương Thông trong thành Đông Quan càng tức tối.
Tháng 3 năm 1427, Vương Thông đem hết quân tinh nhuệ trong thành Đông Quan ra đánh nhau với quân Lam Sơn tại Tây Phù Liệt do Thái giám Lê Nguyễn chỉ huy. Cuộc tấn công bất ngờ này khiến cho Lê Nguyễn rất lúng túng, buộc phải cố thủ để chờ viện binh. Lê Lợi lập tức sai Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân Thiết Đột tới cứu. Vương Thông thua to. Đinh Lễ và Nguyễn Xí lập tức cho quân truy đuổi. Giặc chạy đến Mỹ Động (nay là đất Hoàng Mai, ngoại thành Hà Nội) thì thấy quân Lam Sơn không nhiều, bèn quay lại dốc sức mà đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng vì quân ít, voi lại chẳng may bị sa lầy, nên cả hai đều bị bắt. Đinh Lễ bị kẻ thù giết hại, còn Nguyễn Xí thì sau đó trốn thoát được. 
Về cái chết của ông, sử cũ viết:
“Trước đây, mỗi lần ông ra trận, Nhà vua thường căn dặn rằng chớ khinh địch. Khi thắng Tốt Động-Chúc Động, ai ai cũng khen ông giỏi, nhưng Nhà vua vẫn nói:
- Trăm trận trăm thắng chưa hẳn là hay đâu. Nếu cứ cậy nhanh, cậy giỏi quen mãi với chiến thắng, thì thất bại có thể trông thấy ngay đó thôi.
Đến đây, quả nhiên là thế. Người đương thời không ai không thương tiếc ông. Nhà vua vô cùng thương xót, cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập nội Thiếu úy, tước Á Hầu. Các vợ lẽ của ông là bọn Hà Ngọc Dung, tất cả năm người đều được làm Tông Cơ (tương đương với Quận Chúa - NKT).
Năm Thuận Thiên thứ nhất (tức năm 1428 - NKT), Vua truy tặng ông hàm Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ. Năm Hồng Đức thứ 15 (tức là năm 1484 - NKT), Vua (Lê Thánh Tông) truy tặng thêm cho ông hàm Thái Sư, tước Bân Quốc Công. Sau, lại được truy phong là Hiển Khánh Vương” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).
Trong Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 10, tờ 30-b), Ngô Sĩ Liên có lời bàn thật đáng lưu ý như sau:
“Khuất Hà quen với trận thắng ở Bồ Tao mà đến nỗi bại vong.  Nhưng (quân Khuất Hà) là quân đi cướp nước nhỏ, tàn bạo và bị cô lập (nên mới như thế). Lê Lễ (tức Đinh Lễ, ông được mang quốc tính là họ Lê nên sử mới chép như vậy - NKT) quen với trận thắng ở Tốt Động nên cũng vì thế mà bị bại vong. Nhưng (quân của Lê Lễ) là đội quân khảng khái đánh phục thù. Tuy hai người đều bại vong như nhau, nhưng xem ra ý nghĩa lại mỗi người một khác. Tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện là những người xứng đáng đứng đầu” (Khuất Hà là tướng của Lỗ Hoàn Công. Khuất Hà từng cầm quân đi dành nước Vân ở Bồ Tao, thắng lớn nên tự cho mình là giỏi. Sau, Khuất Hà lại được đem quân đi đánh nước La là một nước rất nhỏ bé. Chẳng dè, bị quân nước La đánh cho đại  bại, phải tự tử. (Tích lấy từ Sách Tả truyện - NKT).

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét