Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

CÂU CHUYỆN TÍNH BÁO 41

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Nhà văn, tên gián điệp và nhà ngoại giao

VietnamDefence - Các kho tư liệu tình báo vẫn nhớ đến những gián điệp thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau, trong đó có các quân nhân, kỹ sư, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thiết kế, các tướng lĩnh, diễn viên. Nhưng không ai có thể nhớ ra có một điệp viên viết những tiểu thuyết trinh thám ly kỳ.
Sớm hay muộn thì câu chuyện về cuộc đời của con người này nhất định sẽ là cốt truyện của một tác phẩm bán chạy nào đó. Bất kể đó là một cuốn sách hay là một phim truyện dựng khéo thì thành công của nó vẫn được đảm bảm chắc chắn như nhau.

Các kho tư liệu tình báo vẫn nhớ đến những gián điệp thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau, trong đó có các quân nhân, kỹ sư, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thiết kế, các tướng lĩnh, diễn viên. Nhưng không ai có thể nhớ ra có một điệp viên viết những tiểu thuyết trinh thám ly kỳ.

Platon Alekseyevich Obukhov sinh năm 1969 trong gia đình một nhà ngoại giao thành đạt. Cha anh ta bắt đầu sự nghiệp ở Thái Lan, sau đó làm cho đến khi lên đến cương vị thứ trưởng ngoại giao. Trong những năm gần đây, ông đã giữ chức vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga ở Đan Mạch.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Platon quyết định tiếp tục “nghề nghiệp gia truyền”. Những giọng lưỡi cay độc ở quảng trường Smolensk còn khẳng định chả cần cái ô của ông bố thì Obukhov vẫn có thể leo cao vùn vụt như thế.

Chưa đầy 28 tuổi, nhân vật của chúng ta đã tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moskva (MGIMO), đã kịp làm việc tại lãnh sự quán ở Spitzbergen (nơi mà hắn rất mê săn gấu trắng), tại sứ quán Liên Xô ở Nauy. Cha hắn cũng yểm trợ để hắn được chuyển từ vùng vĩ độ Bắc đến bán đảo Sandinavơ phồn vinh.

Nhưng thật là đáng ngạc nhiên với nhiều người, cái đem lại sự thoả mãn thực sự cho nhà ngoại giao này chẳng phải là công việc chuyên môn. Hắn thích viết.

Các phóng viên báo “Thể thao xôviết” nhớ lại là Obukhov khi còn công tác ở Nauy, gần như ngày nào cũng gửi tới toà soạn những bài báo đồ sộ. “Tài viết” của hắn khiến cho tất cả phải kinh ngạc. Thậm chí có người còn cho là Platon là người chập cheng.

Thời đó, báo “Thể thao xôviết” không có đại diện thường trú chính thức của mình ở nước ngoài nên ban lãnh đạo báo quyết định tổ chức các bộ phận đó. Về hình thức, theo thông tin của chúng tôi, Obukhov cũng được coi là một phóng viên của một bộ phận đại diện đó.

Khi trở về Moskva, nhà ngoại giao trẻ không muốn dừng lại ở những gì đã đạt được. Hắn bắt đầu sáng tác các tiểu thuyết trinh thám và cho đến thời điểm bị bắt, hắn đã đưa in được những 4 cuốn sách. Điều thú vị là cuốn đầu tiên, “Cuộc gặp gỡ bất thành....” lại hoàn toàn viết về hoạt động của các cơ quan tình báo Xôviết và cuộc đấu tranh chống gián điệp nước ngoài.

Platon đã không kịp nhìn thấy bản in của tác phẩm cuối cùng, tiểu thuyết “Trong vòng tay của con nhện” vì ngày 27 tháng 4, Obukhov đã bị các nhân viên của Cục Hành động phản gián UKRO thuộc FSB bắt giữ. Theo tiết lộ của FSB, Obukhov đã bắt đầu hợp tác với Cục Tình báo Anh SIS khoảng một năm rưỡi trước khi bị bại lộ. Với tư cách một bí thư thứ hai Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề giải trừ quân bị, tất nhiên hắn rất có giá trị đối với các ông chủ phương Tây.

Hắn có giá trị đến nỗi vào những thời gian khác nhau có tới... 9 nhân viên của trung tâm tình báo Anh ở Moskva đã tham gia liên lạc với hắn. Đây là con số khó tưởng tượng theo chuẩn mực của các cơ quan tình báo.
Không lâu trước khi bị bắt, tại chỗ làm của Obukhov đã xảy ra một chuyện không hay. Trong tiểu thuyết tiếp theo, hắn đã xấu chơi vạch mặt trưởng phòng của mình. Do hắn viết rõ đến mức (gần như viết tên thật), người ta không ngại ngần gì ông bố đại sứ của hắn mà kỷ luật thẳng cánh nhà văn không may bằng cách tống vào lực lượng dự bị của Bộ Ngoại giao.

Nhưng giá trị của tên gián điệp đã không vì thế mà giảm đi. Hàng tháng hắn vẫn nhận được tiền công 2.000 đô la. Toàn bộ tiền được hắn gửi ở tài khoản cá nhân trong một nhà băng nước ngoài. Thêm vào đó, Obukhov còn nhận được các khoản nhuận bút viết sách không nhỏ. Nghĩa là hắn sống không tồi tí nào.

Mà nói chung thì không phải cái nghèo đã thúc đẩy con trai một vị đại sứ đi đến sự phản bội. Bản thân hắn trong những buổi hỏi cung đầu tiên đã cố giải thích sự phản bội là do sự tò mò thuần tuý. Nghe nói hắn lý luận rằng vì là một nhà văn thể loại trinh thám nên hắn cần phải thử cái cảm giác làm gián điệp lên chính mình.

Lý do đó không ổn. Lúc đó, Obukhov bắt đầu giả điên. Có thể đúng là hắn hoàn toàn không bình thường về mặt tâm lý. Nhưng các nhân viên phản gián cho rằng, hắn đã được tuyển làm gián điệp một cách hoàn toàn có ý thức.

Theo giả thiết của uỷ ban điều tra, nhà ngoại giao này đã bị tuyển mộ bằng biện pháp hăm doạ tố giác. Quả thực, tình báo Anh đã “bẫy” được hắn cụ thể là bằng cái gì thì chúng tôi vẫn chưa biết. Không loại trừ hắn đã bị cài bẫy bằng một nữ điệp viên. Nhiều người thừa biết Obukhov hoàn toàn không hề thờ ơ với phái yếu. Biết làm sao được, một anh chàng trẻ trung, đầy triển vọng, độc thân. Có gì là trái tự nhiên ở đây chứ?

Bọn Anh đã “xích” được Platon sau một quá trình nghiên cứu, điều tra dài và khôn khéo. Các nhân viên Cheka sau khi nhận được, bằng cách nào cho đến nay vẫn chưa rõ, những tín hiệu báo động, đã tiến hành theo dõi ngoài hắn. Hắn bị phản gián dùng máy ảnh bí mật chụp ảnh, các cuộc gọi điện thoại bị ghi âm.

Tại bản doanh cơ quan tình báo Anh, người ta thực sự bàng hoàng khi biết FSB thậm chí đã định vị và ghi được toàn bộ các báo cáo tin tình báo mà tên gián điệp “bắn lên” làn sóng điện. Thật là những kẻ đáng thương. Chắc là họ cứ tưởng là các cơ quan tình báo Nga đang ở trình độ của thời kỳ đồ đá!

Sự tinh ma của người Anh là ở chỗ không bao giờ có một nhân viên tình báo Anh nào ở Moskva liên lạc trực tiếp với Obukhov. Hắn được cung cấp một thiết bị vô tuyến đặc biệt để truy cập làn sóng điện. Kẻ nào đó trong số các nhân viên của trung tâm tình báo Anh ở trong bán kính mấy kilômet vào thời điểm tiến hành phiên liên lạc đã lặng lẽ dùng máy thu nhận lấy các báo cáo đã mã hoá (nhân đây cũng nói thêm là nhiều tình báo viên Anh thậm chí không hề biết mình đang liên lạc với ai).

Cho đến thời điểm bắt giữ Obukhov, FSB đã có đủ chứng cứ về hoạt động gián điệp của hắn. Cuộc khám xét căn hộ của hắn ngay sau khi bắt đã xác nhận nhận định đúng dắn của các nhân viên Cheka: họ đã thu được các thiết bị gián điệp, sổ mật mã.

Bản thân Obukhov cũng đã không to mồm chối cãi. Ngay trong buổi hỏi cung đầu tiên, hắn đã thú tội là điệp viên nước ngoài (theo điều 64, khoản a - tội này có thể bị mức án cao nhất).

Việc chặn thu các bức điện cũng có tác dụng lớn. Không lâu sau, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi cho đại sứ Anh Andrew Wood yêu cầu trục xuất khỏi Moskva 9 nhân viên sứ quán đã có những hành động không phù hợp với quy chế ngoại giao.

Thực tế, chỉ có 4 người Anh rời khỏi Nga. Đáp lại, Foreign Office (Bộ Ngoại giao Anh) yêu cầu 4 “nhà ngoại giao” Nga rời khỏi London.

Như sự xếp đặt của lịch sử mà quan hệ Xô-Anh phát triển không phải lúc nào xuôi chèo mát mái. Chính nước Anh đã là vô địch tuyệt đối về số lượng công dân Xôviết bị họ trục xuất. Kỷ lục này được lập vào năm 1971 khi mà sau khi nhân viên KGB Oleg Lyapin phản bội, Anh quốc đã tuyên bố coi... 105 người là persona non grata. Tiếp đó thì đường cong “những người bị từ chối” đã đi xuống. Vào năm 1985, bị buộc phải tạm biệt xứ sở Albion sương mù là 31 công dân Liên Xô. Vào năm 1989 - 14 người.

Từ khi Liên Xô tan rã, chỉ có 1 công dân Nga bị trục xuất là trưởng trung tâm tình báo đối ngoại Nga, mà cũng là để trả đũa việc trục xuất trưởng trung tâm tình báo Anh, ngài John Scarlett (năm 1994). Còn một người, phóng viên thường trú của đài truyền hình Ostankino Aleksandr Malikov đã buộc phải tự rời Anh vào đầu năm 1995...

Như ta thấy, bâu giờ thì bánh lái đã xoay về hướng ngược lại. Tuy nhiên điều đó chắc là chẳng quan trọng gì đối với tên Obukhov đã bị xích.

Hiện nay, hắn đang tiếp tục ngồi tù tại Lefortovo và bị thẩm vấn. Cha hắn bị triệu hồi từ Đan Mạch. Việc sửa chữa căn hộ của Platon (hắn “bị tóm” đúng vào đang rất bận rộn với việc dán giấy bồi tường) đã phải đình lại.

Chắc chắn là chỗ ở của nhà văn, gián điệp kiêm nhà ngoại giao này còn lâu mới có dịp làm các khách khứa kinh ngạc thán phục vì sự sạch sẽ và tiện nghi.

Điệp viên thế kỷ XX: Pháp luật che chở bọn phản bội

VietnamDefence - Trên thực tế, đại tá tình báo Nga Vladimir Konoplev là kẻ đã khai trương “tài khoản Hamburg” của những tên đào ngũ từ cơ quan tình báo Nga.
Giống như Oshchenko, Konoplev giữ chức vụ phó trung tâm tình báo phụ trách về tình báo khoa học kỹ thuật (hắn đã làm việc ở Bỉ sau thời gian hoạt động tình báo ở Thuỵ Sĩ). Cũng giống như Oshchenko, hắn đã bắt đầu cộng tác với đối phương không lâu trước khi chạy trốn. Theo ý kiến của một cán bộ công tác tại Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR thì hắn đã bị CIA tuyển vào khoảng cuối năm 1991-đầu năm 1992 và tháng 3 năm 1992 đã chạy sang Mỹ. Cùng với hắn “lựa chọn thế giới tự do” còn có vợ hắn Lyudmila và đứa con gái út. Cô con gái lớn không hề biết gì đã ở lại nước Nga.

Giống như Oshchenko, Konoplev không bao giờ khiến ai nghi ngờ. Hắn không dính vào rượu chè, không máu gái, không mua vàng trang sức cho vợ. Với dáng người không cao, chỉnh tề và chững chạc, đi giày đế cao, luôn quàng khăn cổ thay cho cà vạt, tên đại tá này không có gì nổi bật trong cộng đồng Xô kiều. Cùng với mọi người, hắn sôi nổi bàn luận về cuộc chạy trốn của tình báo viên Igor Cherpinsky của trung tâm tình báo ở Brussels vào năm 1990 và còn tỏ ra phẫn nộ. Thế mà chỉ đúng hai năm sau, hắn đã đi theo vết xe đổ của đồng chí trẻ tuổi ấy.

Nguyên nhân chạy trốn cũng vậy: lo sợ cho ngày mai. Theo các nguồn tin nghiệp vụ, tên đại tá đào ngũ 46 tuổi này đã nhận được một khoản ngoại tệ lớn cho những thông tin hắn trao cho CIA. Mà cũng là đáng đồng tiền bát gạo vì Konoplev đã bán cho Mỹ lưới tình báo khoa học kỹ thuật của Nga ở Tây Âu. Trong số đó có 5 công dân Bỉ (Guido Clindt, bình luận viên của tờ báo Standaard; Francois Collart, nhân viên hãng Union Chemics Belgie; Rene Moonens, thanh tra giáo dục; và Emile Eliar, người hầu của Gianfranco Calcinini) cộng tác với KGB đã bị phản gián Bỉ bắt. Để nói lên giá trị của lưới tình báo này, ta có thể đơn cử phóng viên Clindt thậm chí đã được tặng thưởng huân chương chiến công của Liên Xô vì hoạt động tích cực.

Dưới thời xã hội chủ nghĩa, tất cả các sĩ quan đào ngũ hiện thực đều bị xử vắng mặt. Khoảng trước năm 1985, chúng đều bị nhất loạt bị kết án tử hình. Sau đó thì các vụ án bị tạm hoãn vì vắng mặt bị can. Thực ra thì thanh gươm công lý như vậy là vẫn chưa bổ xuống một cái đầu phản bội nào. Nhưng sống trong sự nơm nớp chờ đợi trả thù của KGB cũng chả phải dễ chịu gì.

Những tên đào ngũ ngày nay cảm thấy khá thoải mái. Chúng đã không còn sợ những viên gạch táng vào đầu, không còn sợ những nhát đâm bằng kim tẩm độc giấy trong những chiếc ô và những sát thủ giết thuê nữa. Mà chúng cũng chẳng còn bị kết án tử hình vắng mặt nữa. Vladimir Konoplev và Viktor Oshchenko là bằng chứng hùng hồn cho điều đó.

Dưới đây là đoạn trích cuộc nói chuyện với thượng tướng Vyacheslav Vyacheslav Trubnikov, Giám đốc SVR của Nga:

- Ông có nắm được có bao nhiêu nhân viên đã đào ngũ trong suốt thời gian tồn tại của SVR không?

- Tôi nghĩ đâu đó quãng một chục tên. Chủ yếu là vào năm 92-93. Aimes  (Aldrich Ames, nguyên là trưởng ban phản gián của phòng Liên Xô-Đông Âu của CIA trong những năm 1983-1985. bị FBI bắt và xử tù chung thân năm 1994 vì tội làm gián điệp cho Liên Xô, sau đó là Nga, và tội trốn thuế. Vợ chồng Ames bị kết tội đã bán cho Liên Xô/Nga đổi lấy 1,5 triệu USD) đã công khai cho biết những nỗ lực chính của CIA là nhằm vào việc tố giác bôi nhọ, bóp chết và huỷ diệt tình báo Xôviết, kể cả bằng cách mượn tay các nhà lập pháp Nga. Nhân thể cũng phải nói rằng, thời đó báo chí nước nhà viết về các cơ quan tình báo của chúng ta còn ác độc hơn cả báo chí nước ngoài. Nhiều khi, việc làm đó thậm chí là thực hiện theo đơn đặt hàng của nước ngoài.

Thông tin để suy ngẫm:

Từ ngày 20 tháng 12 năm 1995, việc chạy trốn ra nước ngoài và từ chối trở về Nga không còn coi bị đánh giá như là tội phản bội tổ quốc nữa. Theo quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga thì khoản a, điều 64 của Bộ luật hình sự đã mất hiệu lực pháp lý và những người phạm tội này sẽ không bị truy tố theo luật.

Điệp viên thế kỷ XX: Đồng tiền cao hơn tổ quốc

VietnamDefence - Báo chí phương Tây khẳng định ngoài Smith, Oshchenko còn giao nộp cho đối phương toàn bộ lưới tình báo khoa học kỹ thuật của Nga ở Pháp.
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy tham tán kinh tế sứ quán Liên bang Nga ở Paris vào buổi tối thứ sáu ngày 24 tháng 7 năm 1992. Anh ta cùng với vợ Natalia và cô con gái Olga 14 tuổi đang thong thả đi dạo gần toà nhà sứ quán trên phố Decamps.

Cô con gái lớn của vị tham tán, đang sống ở St. Petersburg là người đầu tiên lên tiếng báo động. Cô ta đã cố gắng tìm ông bố một cách vô vọng để biết phải làm gì với chiếc xe Volga mà Oshchenko mua ở Bỉ và gửi bằng tàu thuỷ về St. Petersburg. Đó là ngày 26 tháng 7. Sau những cuộc truy tìm ngắn, ngày 28 tháng 7, các đại diện của sứ quán đã báo cảnh sát.

Mãi ngày 5 tháng 8, người ta mới tìm thấy chiếc Wolkswagen mang biển số ngoại giao của Oshchenko. Chiếc xe đứng trơ trọi trên bãi xe sân bay ở Orly, còn ông chủ của nó cùng với gia đình đã ở rất xa - bên Anh quốc. Hắn đã xin cư trú chính trị ở đó.

Tất nhiên, Viktor Oshchenko chả phải là nhà ngoại giao ngoại giếc gì hết, anh ta đích thị là một hiệp sĩ của áo choàng và dao găm. Sống ở Paris từ năm 1985, hắn giữ cương vị phó chỉ huy hướng tình báo khoa học kỹ thuật. Trước đó, tên đại tá này đã kịp ở Anh, nơi hắn cũng hoạt động trên hướng tình báo khoa học kỹ thuật.

Các đồng nghiệp trong trung tâm tình báo khẳng định hắn là một kẻ cực kỳ xu nịnh và loè bịp. Vì lý do đó, lãnh đạo đã đánh giá khá cao nhân viên tình báo này. Hoạt động xã hội của hắn cũng được tán thưởng. Hắn tham gia nhiều uỷ ban và có tiếng là một kẻ bảo thủ. Nhiều người không thích Oshchenko. Nhưng họ không thể tưởng tượng nhà hùng biện bốc lửa ấy lại là một tên phản bội.

Dưới đây là đoạn trích cuộc nói chuyện với thượng tướng Vyacheslav Trubnikov, Giám đốc Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR:

- Chúng tôi chẳng hề có ảo tưởng nào về ý đồ của CIA, SIS hoặc là của BND. Những ý đồ đó được theo dõi rất chặt chẽ, chúng tôi theo dõi những lần tiếp cận tuyển mộ, những hành động phối hợp.

Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật. Đại tá Oshchenko đã được tuyển mộ một thời gian trước khi chạy trốn. Các nguồn tin của chúng tôi ở Yasenevo cho rằng, điều đó đã xảy ra ở Pháp. Thực ra thì cũng không ai biết hắn đã làm việc cho địch được bao lâu. Bản thân Oshchenko, sau khi biến mất, đã kiên quyết không chịu thú nhận. Hắn đã không trả lời một cuộc phỏng vấn nào và thậm chí còn không muốn có mặt tại phiên toà xử người mà hắn đã “tố giác” là một điệp viên KGB (chút nữa chúng ta sẽ nói về việc này).

Liên quan đến nguyên nhân đã thúc đẩy nhân viên Cheka này đến hành động phản bội thì ở đây tất cả đều rất đơn giản. Oshchenko đã phải trở về Nga (trong tay hắn đã có vé chuyến bay 252 của hãng Aeroflot). Chờ đợi hắn ở phía trước là một tương lai hoàn toàn vô định. Ngành tình báo Nga đang trải qua những thời khắc tồi tệ nhất, biên chế bị cắt giảm mạnh (chẳng hạn, quân số các trung tâm tình báo bị giảm biên 40%), báo chí và “các nhà dân chủ” thì liên tiếp công kích. Đối với một người đã đạt đến một địa vị nhất định và đã bao nhiêu lần xuống chó để được lên voi thì bước ngoặt như vậy là điều không thể chấp nhận được.

Ở nước Anh, hắn sẽ nhận được những đồng tiền chắc chắn, có chỗ nương thân và sự bảo vệ nào đó thay vì một tương lai ảm đạm, bấp bênh và cuộc sống đói rách. Việc cô con gái cả đang sống ở Leningrad sẽ trở nên đứa con mồ côi cũng ngăn được bước chân phản bội của hắn.

Dưới đây là đoạn trích cuộc nói chuyện với thiếu tướng Yuri Kobaladze, trưởng phòng báo chí FSB:

- Vào năm 1992, số lượng đề nghị tuyển mộ đã gia tăng. Đối phương đã lợi dụng tình trạng nghèo khổ của ngành tình báo Nga. Nhưng với danh dự của các cán bộ tình báo, phải nói rằng, những trường hợp như Oshchenko là chỉ là những vụ đơn lẻ.

Hậu quả mà cuộc chạy trốn của tên đại tá đào ngũ đã nhanh chóng thể hiện. Ngày 8 tháng 8 năm 1992, chính quyền Anh đã bắt giữ kỹ sư điện tử Smith, người trước đó đã làm ở một loạt các công ty lớn và tham gia vào các chương trình quân sự tuyệt mật. Qua điều tra, người Anh xác định được Smith (cựu đảng viên cộng sản) đã được tuyển mộ vào năm 1976... bởi Viktor Oshchenko. Như các bạn đã đoán ra, chính tên đào ngũ đã tố giác điệp viên của mình. Gần hai thập kỷ, Smith đã chuyển cho KGB những thông tin chiến lược. Trong đó, có những tin tức về việc Anh đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử rơi tự do, về các tên lửa không đối đất có điều khiển. Toà đã kết án viên kỹ sư 25 năm tù giam. Oshchenko không có mặt tại phiên toà. Phát biểu trong vai trò một chuyên viên là một tên đào ngũ khác, cựu đại tá Oleg Gordievski. Hiển nhiên là Oshchenko hiểu toàn bộ trái khoáy của hoàn cảnh vì nếu như việc tuyển mộ đã được thực hiện theo đúng các nguyên tắc và các tài liệu do Smith cung cấp đã được chuyển trót lọt về Trung ương thì người trước hết phải xét xử phải là chính Oshchenko chứ không phải là viên kỹ sư điện tử. Hơn nữa, dù sao chính hắn cũng là kẻ chủ động.

Tuy nhiên, công lý phương Tây tiếp nhận cái logic ấy một cách rất hoài nghi. Tại Old Bailey (Tên lóng chỉ Toà án Hình sự Trung ương của Anh - ND), người ta cho rằng tống giam một kẻ thù cũ, nay đã là người bạn tốt dù sao cũng như bôi bẩn lên bộ quân phục của mình. Huống hồ đã có sẵn có một con dê tế thần tuyệt vời khác rồi.

Báo chí phương Tây khẳng định ngoài Smith, Oshchenko còn giao nộp cho  đối phương toàn bộ lưới tình báo khoa học kỹ thuật của Nga ở Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét