Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

BÍ ẨN LỊCH SỬ 74

(ĐC sưu tầm trên NET)

MI6 giết Patrice Lumumba

VietnamDefence - Cựu chỉ huy tình báo Anh MI6 tại Hà Nội thú nhận tổ chức giết hại Thủ tướng Congo Patrice Lumumba.
Vụ ám sát vị Thủ tướng được bầu một cách dân chủ đầu tiên của Congo vào năm 1961 do Cục Tình báo Anh MI-6 tổ chức.
“Nữ hoàng gián điệp”, nữ nam tước Daphne Park thú tội trước khi chết. Trước đó, Bỉ cũng đã hối hận về sự dính líu đến cái chết của Lumumba.

Vụ giết hại Lumumba do “nữ hoàng gián điệp”, nhân viên tình báo Anh MI6 Daphne Park, người qua đời vào năm 2010, tổ chức.

“Đây là những gì Daphne Park thú nhận: “Chúng tôi đã làm việc đó. Tôi đã tổ chức việc đó”.

Lời thú nhận trên được đảng viên Công đảng, Lord Lea đưa ra.

Trở thành Thủ tướng vào tháng 5/1960 sau thắng lợi của đảng mình tại cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên ở Congo, Patrice Lumumba đã bị giết vào tháng 1/1961. Không lâu sau khi Lumumba nhận chức Thủ tướng, vị lãnh đạo thân phương Tây của tỉnh Katanga là Moise Tshombe đã tuyên bố độc lập của tỉnh này và chỉ cam kết ngừng cuộc nổi loạn nếu Lumumba từ chức. Kết quả là Lumumba đã bị cách chức và quản chế tại gia. Đáp lại, Lumumba tuyên bố việc cách chức ông là phi pháp, còn các thủ lĩnh các đảng chính trong quốc hội đứng về phía ông đã phục chức cho ông. Bất chấp lập trường của quốc hội, các lực lượng Liên Hiệp Quốc đến Congo đã phớt lờ quyết định này và tìm cách bắt giữ Lumumba.

Không lâu sau, Lumumba bị bắt và đưa đến Katanga, nơi ông đã bị tra tấn và bị hành quyết không xét xử và điều tra vào tháng 1/1961. Bản án do các binh lính Katanga dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Bỉ thực thi. Ban đầu, xác chết được chôn tại chỗ hành quyết, nhưng sau đó đã bị quật lên để che giấu tội ác. Xác Lumumba đã bị cắt thành nhiều mảnh, quẳng vào acid và sau đó, những phần còn lại bị thiêu cháy.

Trong một thời gian dài, hoàn cảnh cái chết của Lumumba là bí mật cho đến khi con trai ông Francois gửi yêu cầu đến Bỉ. Cuối cùng, vào năm 2002, một ủy ban của quốc hội đã tái dựng diễn biến sự kiện và kết luận rằng, Vua Bỉ Baudouin I từng biết kế hoạch giết hại Lumumba, Bỉ thực tế đã trả gần 6 triệu euro để thủ tiêu Lumumba và chịu “trách nhiệm đạo đức” về cái chết này. Cuối cùng, Thủ tướng Bỉ khi đó Guy Verhofstadt đã chính thức xin lỗi Congo.

Vô số các cuộc điều tra còn chỉ ra rằng, lệnh thủ tiêu Lumumba đã được Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đưa ra từ năm 1960.

Nhưng theo báo chí Anh, cả người Anh cũng dính líu vào vụ giết hại Lumumba.

"Nữ hoàng gián điệp" Daphne Margaret Sybil Désirée Park, nữ nam nước, nhà ngoại giao, sĩ quan tình báo Anh MI6 (1.9.1921-24.3.2010). Từng là chỉ huy tình báo của MI6 ở Hà Nội (Tổng lãnh sự, 1969-1970), Moskva, Congo và Zambia
Huân tước Lea khẳng định, không lâu trước khi chết, nữ nam tước Daphne Park, người đã làm việc cho MI6 gần 30 năm, khi nói chuyện với ông, đã thú nhận chính bà ta đã tổ chức vụ giết người này.

“Tôi đã nhắc đến sự ồn ào xung quanh vụ bắt cóc Lumumba và giết hại ông ấy và cũng nói đến thuyết, theo đó MI6 có thể đã có liên quan nào đó đến việc này”, ông Lea kể lại.

“Đây là những gì Daphne Park thú nhận: “Chúng tôi đã làm việc đó. Tôi đã tổ chức việc đó”.

Ông Lea nói rằng, việc Lumumba là cộng sản và có thể đã xích lại quá gần Liên Xô, quốc gia đang ở tình trạng chiến tranh lạnh với phương Tây, chính là nguyên nhân đưa ra quyết định thủ tiêu ông.

Trước khi được phái sang châu Phi, nữ tình báo huyền thoại Anh đã hoạt động một năm ở Moskva. Từ năm 1957, bà ta được chuyển đến châu Phi đang sôi sục trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, và đã tiếp cận các chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập của Congo và Zambia. Park đã thiết lập được các quan hệ thân thiết với nhiều lãnh tụ Phi châu thời đó đến mức, họ đã bàn bạc với bà khi đưa ra những quyết định trọng yếu đối với quốc gia. Chính hồi đó, bà đã được MI6 đặt biệt danh kính trọng “nữ hoàng của những gián điệp”.

Sự nghiệp tình báo của Park chỉ được biết đến vào giữa thập niên 1990, gần 20 sau khi bà rời ngành tình báo. Người ta biết được rằng, vào đầu những năm 1960, Park đã giúp chở trong khoang chở đồ ô tô của mình thư ký riêng của Patrice Lumumba khỏi Congo. Đầu thập kỷ 1990, vì công tích đối với quốc gia, bà đã được tặng thưởng danh hiệu nữ nam tước trọn đời.


Nguồn: Guardian, Telegraph,VZ, 2.4.2013.

Tiết lộ mới về cái chết của Gaius Julius Caesar

VietnamDefence - Nhà khảo cổ Tây Ban Nha Antonio Monterroso đã tìm ra địa điểm, nơi Caesar bị giết hại vào năm 44 TCN.
Quảng trường Torre Argentina, Roma (Gabriele Venditti)
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đang tiến hành khai quật trên quảng trường Torre Argentina ở Roma, Italia, đã xác định được địa điểm Gaius Julius Caesar bị giết hại. Nhà độc tài La Mã cổ đại bị những kẻ âm mưu giết chết vào năm 44 TCN.

Website của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha CSIC đưa tin, nhà khảo cổ Tây Ban Nha Antonio Monterroso cùng với một nhóm nhà khảo cổ đã phát hiện trên quảng trường Torre Argentina (Largo di Torre Argentina) ở Roma một tấm bê tông.

Tấm bê tông này rộng 3 m, cao 2 m được tìm thấy bên trong di tích tòa nhà Curia Pompei, nơi tổ chức các phiên họp của Viện Nguyên lão thời La Mã cổ đại.

Theo ông Monterroso, tấm bê tông này được Octavianus Augustus, người cháu của Caesar và được nhận làm con nuôi theo di chúc của Caesar, cho dựng lên đúng tại địa điểm từng đặt chiếc ghế của Caesar trong các phiên họp và nơi mà theo các sử gia cổ đại, nhà độc tài huyền thoại của Cộng hòa La Mã đã bị những kẻ âm mưu giết hại vào ngày 15/3/44 TCN,
 
Khám phá này, theo các nhà khảo cổ Tây Ban Nha, khẳng định việc Caesar đã bị những kẻ âm mưu giết chết ở giữa phần thấp hơn của tòa nhà Curia Pompei, khi ông đang ngồi ở ghế Chủ tịch Viện Nguyên lão. Curia Pompei là nơi đôi khi diễn ra các phiên họp của Viện Nguyên lão, nằm gần nhà hát bằng đá đầu tiên là Nhà hát Pompei. Hiện nay, khu này nằm trong vùng khai quật khảo cổ trên quảng trường Torre Argentina.


Tượng Gaius Julius Caesar (trái) và cháu, con nuôi ông Octavianus, tức Hoàng đế La Mã Augustus

“Chúng ta luôn biết rằng, Julius Caesar đã bị giết trong Curia Pompei vào ngày 15/3/44 TCN,... các văn bản kinh điển đều viết về chuyện đó, nhưng đến nay, chúng ta không hề có các vật chứng nhận sự kiện vốn đã được miêu tả rất nhiều trong hội họa và điện ảnh”, ông Monterroso giải thích ý nghĩa của phát hiện này.

Ông Monterroso cho rằng, vài năm sau vụ giết hại, theo lệnh của Octavianus (cháu trai và là con nuôi của Caesar, người sáng lập và Hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã), Curia đã bị đóng cửa và tại vị trí đặt chiếc ghế của Caesar, người ta đã đặt tấm bia bê tông mà các nhà khảo cổ vừa tìm được.

Những kẻ âm mưu vây quanh Caesar... Bức tranh "Vụ giết hại Caesar" của Karl von Piloty (Wikipedia)
...xông vào đâm chém Caesar. Bức tranh "Cái chết của Julius Caesar" của Vincenzo Camuccini (Wikipedia)
và đắc thắng bên xác chết của Caesar. Bức tranh "Cái chết của Caesar" của Jean-Léon Gérôme (Wikipedia)

Địa điểm từng tọa lạc Curia Pompei nay nằm ở trung tâm của thành phố Roma hiện đại, trên quảng trường Torre Argentina, cách không xa khu tượng đài Altare della Patria (Bàn thờ Tổ quốc) và Đồi Capitoline.

Ở giữa quảng trường có một khu lịch sử gọi là Area Sacra, một địa điểm khai quật mở, nơi đã từng phát hiện ra những di tích của Nhà hát Pompei và 4 ngôi đền thời Cộng hòa La Mã. Trong vở kịch “Julius Caesar” của Shakespeare, vụ giết hại nhà độc tài được chuyển từ Curia Pompei sang Nhà hát Pompei, nhưng điều đó không đúng với các tư liệu lịch sử.

Chính quyền thủ đô Italia đã quyết định năm 2013 mở cửa cho khách du lịch tham quan khu lịch sử trong khu vực quảng trường Torre Argentina mà hôm 10/10/2012, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tấm bê tông được cho là được dựng đúng ở nơi Gaius Julius Caesar bị giết chết.

Khu lịch sử trong khu vực quảng trường Torre Argentina được nhà khảo cổ Italia là Giuseppe Marchetti Longhi phát hiện vào năm 1926, nhưng nhanh chóng bị lãng quên và trong mấy thập kỷ đã mất đi ý nghĩa của một địa điểm đáng quan tâm từ góc độ khảo cổ học.


Khu tượng đài Altare della Patria, tức tượng đài Vittorio Emanuele II
Năm 2008, các thợ lặn Pháp đã tìm thấy một bức tượng bán thân Julius Caesar ở dưới đáy sông Rhône ở Provence. Đây là bức tượng cổ nhất trong tất cả các bức tượng mà khoa học đã từng biết.
Gaius Julius Caesar,
sinh ngày 12 hoặc 13/7/100 hoặc 102 TCN, nhà hoạt động nhà nước và chính trị gia, nhà văn và là một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại.

Bằng những cuộc chinh phục của mình, Caesar đã mở rộng lãnh thổ La Mã đến tận bờ bắc Đại Tây Dương và đưa khu vực nước Pháp hiện đại vào vòng ảnh hưởng của La Mã, cũng như bắt đầu xâm lăng quần đảo Anh.

Là chiến lược gia và chiến thuật gia quân sự thiên tài, Caesar đã giành chiến thắng trong các trận đánh của cuộc nội chiến và trở thành nhà cai trị độc tài của Pax Romana.

Cùng với Gnaeus Pompeius Magnu (tức Pompey), ông đã bắt đầu cuộc cải cách xã hội và nhà nước La Mã mà sau khi ông chết, đã dẫn tới sự hình thành của Đế chế La Mã.

Caesar muốn xây dựng một thể chế trung ương tập quyền điều hành nước cộng hòa. Những kẻ độc mồm nói ông muốn tự lập làm hoàng đế. Hiểu rõ ký ức xấu xa về 7 hoàng đế đầu tiên mà vì thế, người dân La Mã không thể chấp nhận chế độ quân chủ, Caesar đã đi theo con đường khác là trở thành nhà độc tài suốt đời. Ông cũng cương quyết yêu cầu người ta gọi ông đơn giản là Caesar.

Caesar bị giết ngày 15/3/44 TCN tại một phiên họp Viện Nguyên lão mà chính ông là người đứng đầu. Những kẻ âm mưu đã đâm ông nhiều lần.

Có truyền thuyết nói rằng, mỗi thành viên của nhóm âm mưu đều phải đâm Caesar ít nhất một nhát để sau này phải giữ kín bí mật kinh hoàng. Đến nay, vẫn chưa biết chính xác Caesar đã chết tại nơi bị ám sát hay sau này do mất máu.

Trong số những kẻ sát nhân có cả nghị viên Viện Nguyên lão Brutus, người mà Caesar coi như con (cũng có những ý kiến cho rằng, Brutus là con trai ruột của Caesar).

Theo một giả thuyết nói rằng, khi nhìn thấy Brutus muốn ông chết, Caesar đã ngừng chống cự bọn sát nhân. Chính Gaius Julius Caesar đã có câu nói nổi tiếng: “Thà chết một lần còn hơn là luôn phải chờ đợi cái chết”.

Cái chết của ông đã dẫn đến sự tái diễn nội chiến, sự suy tàn của Cộng hòa La Mã và sự ra đời của một đế chế do con nuôi ông Octavianus Augustus đứng đầu.


Nguồn: Lenta, Dni, Newsru, 11.10.2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét