Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

AN CHI GIẢI ĐÁP 7

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Vũ trụ" và "thế giới"

(Petrotimes) - Bạn đọc: Kính gửi bác An Chi! Xin bác cho biết nguồn gốc của từ “vũ trụ” và tại sao lại gọi là “thế giới”? Xuân Lan (Viện Dầu khí)  
Học giả An Chi: Ở bên Tàu, người ta cho rằng, có thể hai chữ “vũ trụ” [宇宙] kết hợp với nhau để chỉ khái niệm triết học xuất hiện lần đầu tiên trong thiên “Tề vật luận” của sách Trang Tử. Quả nhiên, nếu đọc bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn hóa - Thông tin, 1994), ta sẽ thấy nó xuất hiện ở nhiều chỗ trong thiên này, đặc biệt là ở đoạn:
“Một người bảo rằng, vũ trụ có khởi thủy; một người khác bảo không có khởi thủy, một người nữa bác thuyết người thứ nhì dùng để bảo vũ trụ không có khởi thủy. Nói cách khác: một người bảo mới đầu vũ trụ có cái gì đó (hữu), một người khác bảo mới đầu vũ trụ không có cái gì cả (vô); một người nữa bác thuyết lúc đầu vũ trụ không có cái gì cả; lại một người thứ tư khác nữa bác cái thuyết người thứ ba dùng để bác cái thuyết mới đầu vũ trụ không có cái gì cả. Khi thì là có (hữu), khi thì là không (vô). Mà không biết cái “có”, cái “không” đó có thực là “có”, có thực là “không” không” (tr.167).
Tuy nhiên, trên đây dù sao cũng lại là chuyện cao sâu về nguồn gốc của chính vũ trụ, còn điều bạn muốn biết thì lại là nguồn gốc của hai chữ/tiếng dùng để diễn đạt khái niệm phức tạp đó. Xin phân tích từng chữ như sau:
Chữ “vũ” [宇] có nghĩa gốc là mái nhà, thềm nhà, chái nhà; rồi nghĩa phái sinh là buồng, phòng và nghĩa rộng hơn nữa là chỗ ở; rồi lại là cương vực, lãnh thổ và cuối cùng là “không gian” mà các từ điển xưa thường hay giảng là “tứ phương thượng hạ vị chi vũ” [四方上下 谓 之宇] (bốn hướng và trên dưới gọi là vũ). Chữ “trụ” [宙] vốn có nghĩa là “cột, rường” (đống lương), như đã giảng trong Thuyết văn giải tự Đoàn (Ngọc Tài) chú. Vì vậy nên chúng tôi cho rằng, nó là đồng nguyên tự của chữ “trụ” [柱] là cột (nhà) nhưng đã bị “hình nhi thượng hóa” để chỉ “thời gian” mà các từ điển xưa giảng là “cổ vãng kim lai viết trụ” [古往今来曰宙] (xưa qua nay đến gọi là trụ).
Còn “thế giới” [世界] thì, nói chung, trong tiếng Hán, nó vốn đồng nghĩa với “thiên địa”, “thiên hạ”, “nhân gian”, “thế gian”, v.v… Trong ngôn ngữ chính trị hiện đại thì nó đồng nghĩa với “toàn cầu”, “hoàn cầu”, “hoàn vũ”, rồi trong nhiều trường hợp, cũng đồng nghĩa với “quốc tế”. Chữ “thế” [世] vốn có nghĩa là “đời” với cái nghĩa khá rộng rãi mà ta sử dụng trong tiếng Việt như trong “suốt đời”, “đời cha, đời con”, “đời vua, đời tổng thống”, “đời Lý, đời Trần”, v.v... Chữ “giới” [界] có một hệ nghĩa khá phong phú mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho như sau: – ranh giới đất đai (nghĩa 1); – giới hạn (nghĩa 2); – tiếp giáp (nghĩa 3); – phân ranh (nghĩa 4); – chia cắt (nghĩa 5); – phạm vi nhất định (nghĩa 6); – tầng lớp những người cùng chức nghiệp hoặc loại hình hoạt động trong xã hội (nghĩa 7); v.v...
Riêng chữ này lại có duyên nợ đặc biệt với tiếng Việt liên quan đến từ “kẻ” đứng trước địa danh mà nhiều người cho là “thuần Việt” còn chúng tôi thì luôn luôn duy trì quan điểm cho rằng, nó là một từ gốc Hán, như chúng tôi đã trình bày vài lần, chẳng hạn tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tạp chí Kiến thức Ngày nay số 229 (1/12/1996), với đoạn sau đây:
“Kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “giới”, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là “giái” còn âm Hán Việt chính thống hiện đại thì lại là “cái” vì thiết âm của nó trong Quảng vận là “cổ bái thiết”. “Giới/cái” có nghĩa gốc là lằn ranh giữa hai (hoặc nhiều) vùng đất, rồi có nghĩa phái sinh theo hoán dụ là vùng đất giới hạn trong lằn ranh đó; cuối cùng mới có cái nghĩa rộng là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của từ “cái” trong thành ngữ “lạ nước lạ cái” (= lạ nơi lạ chốn) và nghĩa của từ “kẻ” trong “kẻ Chợ”, “kẻ Noi”, “kẻ Sặt”, v.v...
“Giới/cái” 界 là một chữ thuộc vận bộ “quái” 怪, tức vận –ai [aj] mà cách đọc xưa là “e” [ɛ], không có âm cuối vần [Viết thêm ngày 15/1/2013: Âm Hán Việt xưa của chữ này là “qué” trong “mách qué” - Thêm xong], giống với vận bộ “quái” 卦 mà âm xưa là “quẻ”, như Vương Lực đã chứng minh trong Hán ngữ sử luận văn tập (Bắc Kinh, 1958, tr.365-367). Vậy “kẻ” (vùng đất nhất định) ~ giới/cái 界 cũng giống như: – quẻ (bói) ~ (bát) quái; – khỏe (mạnh) ~ khoái (hoạt); – ghẻ (chốc) ~ giới/cái 疥 (= ghẻ), – đặc biệt hoàn toàn giống như kẻ (trong kẻ ở người đi) ~ giới/cái 介 (= người. Từ hải: 一介á nhất giới/cái = 一人 nhất nhân). Nhưng đặc biệt hơn hết là liên quan đến chữ “giới” 界 đang xét, chúng ta còn có: (thước) kẻ ~ giới/cái (xích) vì “giới/cái” còn có nghĩa là kẻ hàng, gạch hàng nữa: “giới xích” là thước kẻ, “giới chỉ” là giấy có kẻ hàng, v.v…”
Lần này, xin nói thêm rằng, “giới/cái” và “kẻ” còn có một điệp thức (doublet) nữa là “cõi” trong “bờ cõi”, “cõi trần”, v.v... Và với điệp thức vẫn thông dụng trong tiếng Việt hiện đại này, ta có thể dịch hai tiếng “thế giới” [世界] theo nghĩa đen thành “cõi đời”; rồi từ đây ta có thể suy diễn một cách hoàn toàn tự nhiên, vì hoàn toàn hợp luận lý, theo phái sinh bằng ẩn dụ: “cõi đời” → “cõi người” → “cõi con người trên trái đất” → “thế giới”, là cái tương ứng với tiếng Pháp “monde” và tiếng Anh “world”, tức khái niệm mà bạn đã hỏi.
A.C

Lương y như từ mẫu

(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin cho biết nghĩa của hai chữ "từ mẫu" và tại sao nói "lương y như từ mẫu"?
Học giả An Chi: Về hình thức cú pháp thì từ mẫu là danh ngữ; chỉ xin chú ý rằng, hiện nay, tiếng Hán có hai danh ngữ từ mẫu đồng âm, tạm ghi là từ mẫu 1 và từ mẫu 2. Cách đây 17 năm, trên Kiến thức Ngày nay số 128 (1/1/1994), trả lời câu hỏi về “tam phụ bát mẫu”, chúng tôi đã viết:
Bát mẫu (tám mẹ) là: đích mẫu (mẹ ruột), kế mẫu (mẹ ghẻ), dưỡng mẫu (mẹ nuôi), từ mẫu (mẹ là vợ lẽ của cha nhận nuôi mình như con ruột theo ý của cha; đây không phải là “mẹ hiền”), giá mẫu (mẹ đi lấy chồng khác), xuất mẫu (mẹ bỏ nhà đi hoặc bị đuổi ra khỏi nhà), thứ mẫu (mẹ là vợ lẽ của cha) và nhũ mẫu (mẹ cho bú = vú nuôi).
Luật nhà Thanh đã phân biệt (tam phụ) bát mẫu như trên để quy định tang phục cho người con hoặc người được coi là con. Chú ý: Xét theo từ nguyên thì kế mẫu là mẹ kế sau khi mẹ ruột đã chết hoặc không còn ở với cha, còn thứ mẫu là vợ lẽ của cha ngay cả khi mẹ ruột còn sống hoặc còn ở với cha. Ngày nay người ta vẫn nói kế mẫu thay vì thứ mẫu”.
Khái niệm “mẹ” mà chúng tôi nói đến trong câu trả lời trên đây là từ mẫu 1. Câu trả lời này phụ thuộc vào câu hỏi chung về tam phụ bát mẫu nên chúng tôi mới liên hệ đến luật nhà Thanh chứ thực ra thì từ mẫu 1 là một danh ngữ đã có từ rất lâu đời, như sẽ thấy bên dưới. Cách hiểu theo từ nguyên dân gian đã sản sinh thêm từ mẫu 2 là một danh ngữ được hiểu chung chung là mẹ, dĩ nhiên là mẹ ruột. Người ta cứ ngỡ rằng, từ trong từ mẫu 1 cũng chính là chữ từ trong thành ngữ phụ nghiêm mẫu từ (cha gắt mẹ hiền) nên cứ nghĩ rằng từ mẫu có nghĩa là “mẹ hiền”. Chính vì lối hiểu dân dã, thông tục này mà nhiều khi ta gặp những cách giảng rất đơn giản: “Cổ vị phụ nghiêm mẫu từ, cố xưng mẫu vi từ mẫu” (xưa nói cha gắt mẹ hiền, do đó gọi mẹ là từ mẫu), hoặc “Từ mẫu tựu thị từ tường đích mẫu thân” (từ mẫu chính là người mẹ hiền lành [của mình]). Sự mở rộng nghĩa này làm cho danh ngữ từ mẫu 1 đi rất xa với nghĩa gốc của nó mà trở thành từ mẫu 2. Hiện tượng này đã là đề tài cho một bài viết rất thú vị của Quách Xán Kim (郭灿金) trên Báo “Trung Quốc Giáo dục” nhan đề “Hán ngữ trung ngộ dụng suất tối cao đích từ: từ mẫu bất thị sinh mẫu, thị dưỡng mẫu” (từ dùng sai có tần suất cao nhất trong tiếng Hán: Từ mẫu không phải mẹ ruột [mà] là mẹ nuôi).
Quách Xán Kim cho biết sách Nghi lễ đã giảng như sau: “Cái (khái niệm) gọi là “từ mẫu” là gì? Dạy rằng: Người thiếp không có con, con của (một) người thiếp không (còn) mẹ, người chồng dặn người thiếp (rằng) nàng hãy nhận đứa bé này làm con, lại dặn đứa con (rằng) mày hãy nhận (người [thiếp] đó) làm mẹ”.
Rồi tác giả viết tiếp: “Do đó mà biết rằng, không phải bất cứ người đàn bà nào cũng có thể trở thành từ mẫu, cũng như không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có thể có từ mẫu. Để trở thành từ mẫu, phải có những điều kiện sau đây, thiếu một cũng không được: – phải có người chịu thân phận làm thiếp; – (người thiếp này) không có con hoặc không có khả năng sinh sản (ít nhất cũng là không sinh được con trai); – quan trọng hơn nữa là người chồng còn phải có một người thiếp khác mà người thiếp này khi qua đời có để lại một đứa con trai. Khi đã đủ những điều kiện đó rồi, lại còn cần người chồng dặn dò (người thiếp kia): “Này cưng, nàng hãy nhận đứa trẻ chết mẹ này làm con của chính mình mà nuôi dạy đi!”.
Thế là ta có hai danh ngữ từ mẫu: từ mẫu 1 từ mẫu 2, mà từ mẫu 2 thì bắt nguồn từ từ mẫu 1. Tuy vẫn còn được bảo lưu, nhất là trong thư tịch, nhưng cái nghĩa của từ mẫu 1 cũng có phai mờ dần theo thời gian, đặc biệt là từ đời Đường trở đi. Vì vậy cho nên trong bài thơ “Du tử ngâm” của Mạnh Giao đời Đường, trong hồi thứ 12 của Nhi nữ anh hùng truyện, hoặc trong bài “Đáp Vương Thập Nhị “Hàn dạ độc chước hữu hoài”” của Lý Bạch, v.v…, thì danh ngữ từ mẫu chỉ còn là từ mẫu 2 mà thôi. Danh ngữ từ mẫu 2 đồng nghĩa với danh từ mẫu (= mẹ [ruột]), có khi còn nói tắt thành từ như trong bài thơ “Ký Kiền Châu, Giang Âm nhị muội” của Vương An Thạch đời Tống hoặc bài “Thân ngâm sàng đệ văn gia từ bệnh” của Chu Lượng Công đời Thanh, v.v... Cái xu hướng này đã chiếm ưu thế từ lâu và cái bằng chứng thuộc loại mới nhất mà chúng tôi lấy được ở trên mạng là vụ án gây xôn xao tại huyện Đông Quán, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với hàng tít “Từ mẫu nịch tử án” (Vụ án mẹ ruột dìm [chết] con đẻ) trên các tờ báo (tin ngày 3/6/2011).
Vậy thì từ mẫu trong câu “Lương y như từ mẫu” là từ mẫu 1 hay từ mẫu 2. Chúng tôi cho rằng, đây là từ mẫu 2 vì cái lý do chủ yếu là không thấy nó được dẫn ra từ một tác phẩm kinh điển nào cả, đồng thời vì lý do nó ra đời sau khi từ mẫu 1 đã lui vào hậu trường để nhường sân khấu cho từ mẫu 2. Đây là “Thầy thuốc như mẹ hiền (= ruột)”, một phương châm để khuyến cáo và khích lệ người thầy thuốc chăm sóc người bệnh với một tinh thần tận tụy như của một người mẹ ruột chăm lo cho con cái của mình. Chúng tôi tin ở cách hiểu này còn vì một lý do nữa: Câu “Lương y như từ mẫu” cũng gần nghĩa với câu “Y giả phụ mẫu tâm” (thầy thuốc [có] tấm lòng của cha mẹ), đều có ý so sánh sự quan tâm của người thầy thuốc với người bệnh như tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái.
A.C

Cao lầu là nhà hàng hay món ăn?

Bạn đọc: Xin ông cho biết cao lầu là món ăn hay nhà hàng, hay cả hai. Nếu là cả hai thì đó là do đồng âm ngẫu nhiên hay có quan hệ gì với nhau? Rồi lại còn cao lâu nữa, thưa ông! (Bảo Sơn)
Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói về hai tiếng cao lâu. Đây là một danh ngữ tiếng Hán mà chữ Hán là ¸高樓, ngày xưa chỉ đơn giản có nghĩa là “lầu cao”. Còn trong tiếng Hán hiện đại thì nó có cái nghĩa tân thời là “nhà rất nhiều tầng”, mà ta cũng có một danh ngữ tân thời để chỉ là “cao ốc”. Với nghĩa này, tiếng Hán hiện đại gọi tòa cao ốc Dubai, tức Đổ Bái Tháp (818m), là Thế giới Đệ nhất Cao lâu, tức tòa nhà nhiều tầng cao nhất thế giới. Còn tòa tháp Thượng Hải Trung tâm Đại hạ là Trung Quốc đệ nhất cao lâu, tức tòa nhà nhiều tầng cao nhất Trung Quốc hiện nay. Sắp tới, sẽ có Bắc Kinh đệ nhất cao lâu, tức tòa nhà nhiều tầng cao nhất Bắc Kinh, được đặt tên là Trung Quốc Tôn, vì nó có hình dáng của cái tôn, một thứ cốc vuông miệng bằng đồng hoặc bằng ngọc ngày xưa của Trung Quốc, dùng để đựng rượu.
Còn ở Việt Nam thì cao lâu tuy vẫn được hiểu là “lầu cao” nhưng có kèm theo nét nghĩa đặc biệt “là nơi kinh doanh ẩm thực”. Phù hợp với nghĩa này, “Việt Nam tự điển” của Khai Trí Tiến Đức đã giảng là “lầu cao”, thường nói về cửa hàng cơm. Quyển từ điển cùng tên của Lê Văn Đức cũng giảng theo nghĩa dùng trong Hán văn là “lầu cao” và nghĩa lưu hành trong tiếng Việt là “hàng - cơm có lầu, cơm Tàu”. Đây là nơi, mà theo thơ tự vịnh, thì Tú Xương thường lui tới:
Vị Xuyên có Tú Xương,
Dở dở lại ương ương.
Cao lâu thường ăn quỵt,
Thổ đĩ lại chơi lường.
Cao lâu là như thế còn cao lầu là cách nói của tiếng Việt miền Nam tương ứng với cao lâu trong đó lầu là điệp thức (doublet) xưa hơn của lâu. Phàm đối với hai yếu tố Hán Việt cùng gốc bắt đầu bằng “l-“ thì yếu tố mang thanh điệu 2 (dấu huyền) xưa hơn yếu tố mang thanh điệu 1 (không dấu): – là (trong lụa là) xưa hơn (xh) la (trong la ỷ); – làn (trong làn gió) xh lan (= làn sóng to); – Lào xh Lao (trong Ai Lao); – liềm xh liêm (trong câu liêm); – liền (trong nối liền) xh liên (trong liên bang); v.v.. Đã đành là như thế nhưng tại sao ngoài Bắc nói cao lâu mà trong Nam lại là cao lầu?
Thực ra thì thời xưa ngoài Bắc cũng nói thành “cao lầu” như trong Nam. Bằng chứng là những danh ngữ đẳng lập có yếu tố “lâu” như lâu các, lâu đài thì ngày xưa ngoài Bắc vẫn phát âm thành lầu các, lầu đài như đã được ghi nhận trong “Từ điển Việt - Bồ - La” của A. de Rhodes (Roma, 1651). Đây là một quyển từ điển lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng nên sự ghi nhận này của nó chứng tỏ rằng trước kia Nam Bắc phát âm hai tiếng cao lầu như nhau. Nhưng về sau thì xảy ra Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Ranh (“Gianh”) làm ranh giới; sự thông thương giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong không thuận lợi. Vì thế cho nên khi ở ngoài Bắc, một số tiếng (âm tiết) có các phụ âm đầu l-, m-, n-, v.v..., vốn mang thanh điệu 2 (dấu huyền) chuyển dần sang thanh điệu 1 (không dấu) thì ở trong Nam không hề hay biết. Đó là còn chưa kể các chúa Nguyễn ở Đàng Trong muốn làm cho lãnh thổ do mình cai trị khác với Đàng Ngoài về nhiều mặt sinh hoạt, từ vật chất đến tinh thần. Vì vậy cho nên việc ngoài Bắc đã đổi lầu thành lâu mà trong Nam vẫn giữ nguyên không phải là chuyện lạ.
Vậy thì cao lầu trong Nam chính là cao lâu ngoài Bắc, do đó, nói chung đặc điểm về kiến trúc và kinh doanh cũng giống nhau, ít nhất cũng là cho đến trước giữa thế kỷ XIX, nghĩa là trước khi Pháp cướp nước ta làm thuộc địa. Theo tư liệu có thể biết được thì cao lâu hay cao lầu chỉ là nhà gác, mà gác cũng không cao, thậm chí có khi chỉ bằng gỗ, tại đó các món ăn cũng không nhất thiết đều là thật sang trọng. Vì thế nên “Việt Nam tự điển” của cả Khai Trí Tiến Đức lẫn Lê Văn Đức mới đều giảng một cách khá nôm na là “hàng cơm”. Nhưng đến thời Pháp thuộc thì đã có khác: kiến trúc đã theo lối mới của thành phố kiểu phương Tây (mặc dù phong cách trang trí có thể là Tàu), phục vụ là phục vụ kiểu Tây, món ăn có thể là Tây hay là Tàu, còn chủ nhân thì là… Tàu. Giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, Sài Gòn không có cao lầu.
Continental Palace là nhà hàng, La Pagode là nhà hàng, Brodard và Givral cũng không phải là cao lầu. Chợ Lớn thì chính xác chỉ có hai nơi được xem một cách xác đáng là cao lầu: Ái Huê và Ngọc Lan Đình (Palais de Jade), đều nằm trên Rue des Marins (đường thủy binh), đoạn từ bót Chợ Lớn đến Đèn năm ngọn. Arc-en-Ciel là vũ trường kiểu Tây, Băng Gia (Quảng Đông: Pính Ká) thì sang mà không có lầu, Soái Kình Lâm thì tuy có lầu nhưng chất sang lại không rõ rệt. Sau này mới có Á Đông, Đồng Khánh xứng danh cao lầu.
Đại loại, cao lầu là như thế và ở trong Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước đây, hễ nói “đi ăn cao lầu” thì lẽ ra phải đến Ngọc Lan Đình hay Ái Huê để tận hưởng món ngon, nhưng người ta đã mở rộng nghĩa của lối nói này để chỉ việc đi ăn nhà hàng sang trọng, mà nói chung là của… Tàu. Nhưng cao lầu còn có một nghĩa khác nữa vì đây còn là một danh từ chỉ món ăn. Đây là một món đặc sản của Phố cổ Hội An, xưa là nơi tập trung làm ăn, buôn bán của thương nhân nước ngoài, kể cả phương Tây, nhưng đông nhất vẫn là Tàu và Nhật.
Theo BACSI.com thì:
“Mới nhìn thoáng qua, cao lầu trông giống như mì Quảng, nhưng khi thưởng thức mới ngộ ra không phải là mì, lại càng không giống phở. Thật ra nguyên liệu chính làm nên sợi cao lầu là gạo, được chế biến công phu. Gạo ngâm với tro lấy từ củi tràm ở Cù Lao Chàm. Nước hòa cùng với tro phải lấy từ giếng cổ Bá Lễ, thứ nước vừa ngọt lành vừa trong vắt. Chính vì ngâm với nước tro nên gạo sẽ có màu vàng nhạt như pha nghệ. Gạo được xay thành bột, để ráo nước, nhồi cho mịn. Cao lầu không tráng như mì, người ta cán bột thành miếng dày 3-4mm rồi đem hấp cách thủy, sau đó cắt bột thành sợi to bằng sợi mì.
“Cao lầu ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước xốt (địa phương gọi là nước nhưn). Các bà nội trợ thường chọn thịt heo đùi vừa mỏng da vừa nhiều thịt, để nguyên khổ ướp nước mắm, ngũ vị hương, gia vị cho thật thấm. Sau đó xíu thịt với lửa đỏ vừa phải. Khi thịt chuyển sang màu vàng ươm, bốc mùi thơm ngây ngất, vớt thịt ra chỉ để nước xíu lại. Cuối cùng khử cà chua, hành tây đã xay nhỏ với dầu, đổ hỗn hợp này cùng nước thịt xíu để làm nước xốt. Cao lầu là món trộn, chứ không phải món chan. Cao lầu không phải là món ăn nóng mà ăn nguội. Khi ăn phải trộn thật đều. Cao lầu mà cho nước vào thì vứt đi. Mất hết vị của cao lầu.
Còn gì thú vị bằng khi được thưởng thức món cao lầu ngay trên đất Hội An. Những sợi cao lầu đã chần qua nước sôi được cho vào chiếc tô nhỏ, thêm một ít giá trụng vừa chín tới và không thể thiếu rau sống thơm ngon của làng Trà Quế. Đặt những lát thịt xíu thái mỏng vào giữa, rưới nước xốt lên, điểm thêm một ít cao lầu khô hình vuông đã chiên, vài cọng rau thơm, quả ớt xanh, lát chanh mỏng... để tăng thêm phần hấp dẫn. Ai cần đậm đà thì thêm nước mắm hoặc nước tương”.
Trên Dân trí, Đức Trung có cho biết ông Dương Hứa Xương, người gốc Phúc Kiến, chủ tiệm cao lầu Hoàng Hà ở Hội An, đã khẳng định món cao lầu không có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng chẳng phải của Nhật, mà cũng chẳng phải của Việt Nam. Nó có thể là món ăn tổng hợp của nhiều dân tộc, do những thế kỷ trước, Hội An là thương cảng của rất nhiều nước đến buôn bán, sinh sống. Chúng tôi tán thành ý kiến này.
Còn về tên gọi của món này thì xin chú ý đến lời ghi nhận của Đức Trung: “Đặc điểm của các quán cao lầu ở Hội An là thường có hai tầng, không máy lạnh và treo rất nhiều đèn xanh đỏ. Khách có thể ngồi ăn ở tầng hai và ngắm nhìn dòng người bên dưới”. Rồi ở đoạn cuối: “Các tiệm cao lầu chủ yếu được làm ở các ngôi nhà cổ, bằng gỗ nên dù nóng nhễ nhại cũng không thể chạy máy lạnh”. Một tác giả khác cũng lưu ý: “Một đặc trưng của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.
Cứ như trên thì cao lầu vốn là món ăn đặc sản của Hội An:
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm,
Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà.
Ở Hội An, nó lại hầu như chỉ được bán tại các hàng ăn có lầu, các cao lầu. Chỉ được bán tại các cao lầu đã trở thành một đặc trưng của món ăn này nên người ta mới dùng luôn danh ngữ cao lầu mà làm tên cho nó theo hoán dụ. Vậy, cứ theo diễn tiến ngữ nghĩa của danh ngữ đang xét trong tiếng Việt miền Nam, ta có:
Cao lầu (= lầu cao)  cao lầu (= hiệu ăn có lầu)  cao lầu (= món ăn vốn là đặc sản của các cao lầu ở Hội An).
A.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét