Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 39/b

(ĐC sưu tầm tên NET)

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Flora đánh cắp mật mã (4)

VietnamDefence - Trong trận hải chiến nổi tiếng Jutland giữa Anh và Đức, như ta đã biết, cả hai bên đối kháng đều tuyên bố giành chiến thắng. Trận đánh này có hai khía cạnh đáng quan tâm từ góc độ lịch sử tình báo vô tuyến điện tử.
Một là không lâu trước trận đánh, tư lệnh hạm đội Anh đã nhận được thông báo từ Bộ Hải quân Anh về sự trì hoãn các chiến dịch quân sự đã sắp sửa bắt đầu của hạm đội Đức. Vị tư lệnh nghĩ rằng còn lâu trận đánh mới bắt đầu. Trên thực tế, vào lúc đó hạm đội Đức áp dụng chế độ im lặng vô tuyến đã chạy hết tốc lực đón đánh hạm đội Anh. Tiếp sau đó chuyện đã xảy ra như sau.

Một sĩ quan nào đó của quân đội Đức có sở thích giải mã các tín hiệu mã hoá luôn thay đổi của Hải quân Anh. Anh ta được sự giúp đỡ của một vài chuyên gia mã thám dang làm việc tại một đài vô tuyến điện Đức ở bờ biển Baltic. Họ đã giải phá được mật mã mà người Anh dùng để bảo vệ các kênh liên lạc giá trị thấp của mình. Viên sĩ quan Đức nêu trên đã viết một báo cáo gửi bộ chỉ huy của mình.

Trong báo cáo, dựa trên cơ sở phân tích các bức điện vô tuyến của Hải quân Anh chặn thu được, anh ta khuyến nghị Bộ Hải quân Đức thỉnh thoảng thay đổi tín hiệu gọi của các chiến hạm của mình. Không lâu trước trận đánh Jutland, việc thay đổi đó đã được thực hiện: chiếc kỳ hạm của hạm đội Đức đã tráo đổi tín hiệu gọi với một đài vô tuyến điện trên bờ. Ngay trước trận đánh, Bộ Hải quân Anh sau khi chặn thu được tín hiệu của đài vô tuyến điện này đã nghĩ rằng nó thuộc về chiếc kỳ hạm Đức nên đã kết luận sai rằng, người Đức trì hoãn mở cuộc tấn công trên biển.

Hai là trong trận đánh, khi bắt đầu rút lui, hạm đội Đức chọn tuyến đường ngắn nhất trong bốn tuyến có thể. Trong lúc đó, hạm đội Anh lại khoá chặt đường lui của binh đoàn tàu Đức ở một tuyến đường hoàn toàn khác, mặc dù các chuyên gia mã thám của "Phòng 40" đã có thông tin chính xác. Giữa 21 giờ 55 phút theo giờ GMT, ngày 31 tháng 5 và 03 giờ 00 phút, ngày 1 tháng 6 năm 1916, họ đã chặn thu và giải mã được 16 bức điện có liên quan đến trận Jutland. Bản rõ của ba bức điện trong số đó đã được chuyển cho tư lệnh hạm đội Anh. Tiếc là trong một bức điện có thông tin không chính xác.

Toạ độ của chiếc tàu đoạn hậu của binh đoàn tàu Đức đã được nêu ra sai 20 kilômet, điều đó có thể chứng minh khi quan sát bằng mắt thường từ các tàu Anh. Đơn giản là các hoa tiêu của chiếc tàu đoạn hậu Đức đã xác định sai vị trí của tàu mình. Thế là lòng tin đối với thông tin chính xác thu được bằng cách giải mã hai bức điện kia đã bị phá vỡ và bộ chỉ huy Anh đã không sử dụng thông tin này.

Loại mật mã hải quân này của Đức mà dù biết nó nhưng người Anh cũng chẳng thu được lợi lộc gì ở giai đoạn cuối của trận Jutland là do nữ gián điệp Anh được biết với cái tên Flora đánh cắp được. Trong giai đoạn cao trào của chiến tranh, Flora tự do đi lại khắp nước Đức với hộ chiếu Hà Lan.

Bằng cách dan díu quan hệ tình ái với một số sĩ quan hải quân, Flora đã đánh cắp được của một trong các sĩ quan này loại mật mã bí mật của Hải quân Đức, còn chàng nhân tình ngớ ngẩn nọ thì sợ không dám báo cáo cấp trên về vụ mất cắp.

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Chiến lợi phẩm lạ lùng (5)

VietnamDefence - Năm thứ ba của cuộc chiến được đánh dấu bởi những thắng lợi của ngành tình báo vô tuyến điện tử Anh trong cuộc đấu tranh chống hạm đội hàng không Đức.
Ngày 24 tháng 9 năm 1916, người Anh đã bắn rơi chiếc khinh khí cầu (Zeppelin) L-32 đang trở về sau khi tập kích London. Trong các mảnh vụn, đã tìm thấy một quyển mã và nhờ vậy, người Anh đã xác định được đường bay của các khinh khí cầu Đức và bắn hạ chúng.

Tháng 10 năm 1917, Đức đã tiến hành một trong những cuộc tập kích lớn nhất bằng khinh khí cầu vào nước Anh. Nhưng trên đường về, hạm đội hàng không Đức đã bị thất tán do cơn bão mạnh. Hai chiếc khinh khí cầu L-49 và L-51 đã bị rơi xuống đất Pháp, cách không xa bản doanh bộ chỉ huy quân Mỹ ở Tây Âu.

Chiếc L-49 bị người Pháp thu được nguyên lành, còn chiếc L-51 thì bay lơ lửng trên mặt đất cho đến khi khoang lái của nó bị đứt rời và treo lơ lửng trên ngọn cây. Người ta không tìm được bản đồ hay tài liệu gì trên L-49 và L-51. Tuy nhiên, một sĩ quan Mỹ tham gia khám xét đã quyết định lần theo dấu vết của chiếc L-51 và đã được tưởng thưởng vì sự kiên nhẫn của mình - anh ta đã tìm thấy một mảnh bản đồ Đức vẽ khu vực biển Bắc và biển Ireland.

Anh ta đi tiếp để tìm các mảnh bản đồ khác. Phát hiện của anh ta hiển nhiên có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến mà Đức đang tiến hành chống Anh ở bên dưới mặt nước và trên không, nhưng không biết các ký hiệu mã hoá mà Đức sử dụng cho các tàu của mình thì không thể sử dụng tấm bản đồ tìm được.

Sáng hôm sau, người ta mới hiểu tại sao lại không tìm thấy gì ở chiếc khinh khí cầu L-49 mà người Pháp thu được. Hai sĩ quan Mỹ trẻ đã ở gần chiếc khinh khí cầu ngay sau khi nó tiếp đất và đầu hàng. Họ đã chui vào một cabin và lấy từ đó ra một cuốn album có in chữ và ảnh các tàu biển và phi thuyền Đức làm chiến lợi phẩm. Khi nghiên cứu kỹ hơn cuốn sách, người ta phát hiện ra cuốn sách có chứa một loại mật mã cho phép nhận dạng các tàu biển và phi thuyền qua hình ảnh bên ngoài.

Không lâu sau, cuốn sách và tấm bản đồ đã được chuyển cho Hall. Bằng cách thường xuyên chặn thu và giải mã các bức điện của Đức, người Anh đã gây bất ngờ không ít tàu ngầm "do thám" Đức. Đó là một ví dụ kỳ lạ về hành động phối hợp của các đồng minh: người Pháp đã buộc chiếc khinh khí cầu L-49 nguyên vẹn đầu hàng, người Mỹ tìm ra tấm bản đồ bí mật và cuốn sách mã, còn người Anh đã khai thác toàn bộ lợi ích từ tình hình đó.


Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Xảo thuật đặc chất Anh (6)

VietnamDefence - Năm 1917, bộ chỉ huy quân đội Anh quyết định sử dụng các phương pháp tình báo vô tuyến điện tử đã được kiểm nghiệm trong cuộc chiến chống nước Đức ở Cận Đông, nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ do các sĩ quan Đức chỉ huy đã kiên cường kháng cự các mưu toan của quân đội Anh từ Ai Cập xâm nhập vào Palestine.
Để giành thắng lợi, người Anh phải tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ nếu không thì quân Thổ với hệ thống đường sá tốt ở phía sau các trận địa của mình, sẽ có thể đưa nhanh quân tăng viện đến để chặn đứng cuộc tấn công. Nhưng làm thế nào để giữ bí mật cho sự di chuyển của mấy chục ngàn lạc đà thồ tạo ra những đám mây cát bụi?

Người Anh đã vận dụng khéo léo thủ đoạn tung tin giả. Bằng các thủ đoạn khác nhau, người Anh đã để quân Thổ biết được mật mã của Anh và họ dùng mã này để gửi đi các bức điện giả. Cùng với thông tin công vụ, các báo vụ viên Anh còn gửi lên làn sóng cả những tin tức mang tính cá nhân.

Các đơn vị quân Anh hoạt động dường như dựa vào những mệnh lệnh chuyển cho họ qua vô tuyến điện và được mã hoá bằng loại mật mã đã được cố ý để lộ kia. Còn để làm cho bộ chỉ huy Đức-Thổ tin chắc rằng thông tin họ nhận được là đúng, quân Anh quyết định "thảy" cho quân Anh một chiếc xà cột sĩ quan.

Trước hết, người ta bỏ vào đó 200 bảng Anh. Tính toán này dựa trên suy tính cho rằng các sĩ quan Thổ tham nhũng sẽ nghĩ là không có ai lại tình nguyện vứt bỏ một khoản tiền lớn đến thế. Tiền được kẹp trong cuốn sổ ghi chép quân đội, trong đó ngoài thông tin giả còn có một loạt những ghi chép thật. Cuối cùng, trong xà cột còn có một số bản chép nháp - chúng không chứa tin "rởm" mà là để giúp quân Thổ đọc được các tài liệu mã hoá giả khác.

Không lâu sau, khi chạm phải một toán tuần tiễu Thổ, một sĩ quan Anh  đã bắn vào họ. Để thoát khỏi sự truy đuổi, anh ta đã tháo bỏ chiếc đai yên ngựa buộc chiếc xà cột, ống nhòm và một của quý trên sa mạc là bầu đựng nước. Sau khi giàn cảnh bỏ chạy vội vàng, anh ta vứt bỏ khẩu súng trường được bôi đẫm máu ngựa và lảo đảo trên yên cứ như đã bị trúng đạn và trốn khỏi sự truy đuổi.

Sau khi anh ta trở về doanh trại, quân Anh vội vã phát đi khắp nơi các bức điện vô tuyến thông báo mất các tài liệu quan trọng và phái đi các đội kỵ binh tuần tiễu đông đảo để tìm kiếm.

Kết quả của chiến dịch được thực hiện là đã làm cho kẻ thù hoàn toàn bị đánh lừa. Khi khai thác thông tin từ các bức điện của Anh được giải mã và hoàn toàn tin vào chúng, kẻ thù đã không hề ngờ rằng, quân Anh đang ráo riết chuẩn bị tấn công. Sau một thời gian, mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chọc thủng. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn đối với Londonn không chỉ về mặt quân sự mà cả về mặt chính trị trong bối cảnh khối đồng minh Anh-Pháp-Nga chịu những thất bại trên mặt trận phía Tây.

Còn bây giờ, chúng ta chuyển từ Cận Đông sang Đông Phi, nơi quân Anh tuy có ưu thế lớn đối với quân địch, nhưng trong mấy năm không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đội quân của viên trung tá Đức Paul von Lettow-Vorbeck (1870-1964). Quân Anh thường xuyên chặn thu và giải mã các bức điện mà Lettow-Vorbeck và cấp trên của ông ta ở Berlin trao đổi với nhau.

Tháng 11 năm 1917, Lettow-Vorbeck đã xin tiếp tế vũ khí trang bị để tiếp tục cuộc chiến bán du kích của mình đang cầm chân gần 300 ngàn quân đồng minh ở Đông Phi. Thông qua điệp viên ở Bulgaria, người Anh đã biết người Đức đưa đến từng bộ phận và lắp ráp tại đó một khinh khí cầu định dùng để chở đạn được và thuốc men sang Đông Phi.

Ngày 16 tháng 11, chiếc khinh khí cầu đã cất cánh từ Bulgaria về hướng châu Phi. Nhưng khi đến biên giới thuộc địa Đức ở Đông Phi, nó đã quần đảo vô vọng để chờ đợi tín hiệu quy ước từ mặt đất để hạ cánh: viên trung tá Đức lúc đó đang tiến hành một cuộc tập kích chống quân Anh.

Cũng trong lúc đó, từ Berlin gửi đến một bức điện nói rằng, Lettow-Vorbeck đang bị bao vây và chiếc khinh khí cầu phải quay về nhà. Sau khi khinh khí cầu quay về, người ta mới phát hiện ra bức điện gửi từ Berlin mà thuyền trưởng chiếc khinh khí cầu nhận được là do có bức điện hoả tốc của trung tá Lettow-Vorbeck gửi bằng vô tuyến điện.

Trên thực tế, bức điện này không phải do Lettow-Vorbeck gửi mà là do quân Anh vì họ đã biết cả vị trí của Lettow-Vorbeck và loại mật mã mà ông ta sử dụng để liên lạc với bộ chỉ huy ở thủ đô nước Đức.

Tuy vậy, những thắng lợi này của người Anh bị lu mờ so với đại thắng của họ trong lĩnh vực đọc điện tín ngoại giao mã hoá của Đức.


Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Bức điện mã của Zimmermann (7)

VietnamDefence -
Như đã nói ở trên, ngay từ đầu chiến tranh, Đức đã bị cách ly với thế giới bên ngoài: trong tay nước Đức chỉ còn lại hai kênh liên lạc bằng cáp xuyên Đại Tây Dương - từ Stockholm đến Buenos Aires thuộc về Thuỵ Điển và từ Copenhagen đến Washington là tài sản của Mỹ.
Cả hai kênh đều không tin cậy vì phải thông qua một đài tiếp phát do người Anh kiểm soát. Và các chuyên gia mã thám Anh đã không bỏ qua cơ hội tận dụng điều đó.

Thông tin mà Anh thu được rất có giá. Giá trị nhất là bức điện mật mã được giải mã một phần ngày 17 tháng 1 năm 1917 do ngoại trưởng Đức Zimmermann gửi cho phái viên Đức ở Mêhicô. Trong phần bức điện mà các chuyên gia mã thám Anh đọc được nói rằng, từ ngày 1 tháng 2 sẽ bắt đầu cuộc chiến không hạn chế trên biển có sử dụng hạm đội tàu ngầm Đức. Người Anh đã giữ kín nội dung bức điện mật của Zimmermann vì sợ làm lộ nguồn tin. Lúc đó, Đức đã kịp thực hiện thành công một số bước thực tiễn nhằm hiện thực hoá các kế hoạch mở màn cuộc chiến tàu ngầm của mình.

Một trong các bước đó là việc trao công hàm ngày 31 tháng 1 năm 1917 tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tàu ngầm tàn bạo vào ngày 1 tháng 2 cho đại sứ Mỹ ở Berlin. Cuộc chiến tàu ngầm đã trực tiếp động chạm đến quyền lợi và thể diện của Mỹ, bởi vậy ngày 3 tháng 2, Tổng thống Mỹ Wilson đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Dù sao thì sau khi quan hệ Đức-Mỹ bị cắt đứt, cùng với phong trào ủng hộ chiến tranh với Đức mạnh lên ở Mỹ, còn có ý kiến khá vững chắc cho rằng, tiếp tục duy trì lập trường trung lập cũng có những cái lợi. Tuy vậy, sai lầm chết người đối với nước Đức của ngành ngoại giao Đức trong những ngày này đã giáng đòn quyết định cuối cùng vào tất cả những người Mỹ ủng hộ trung lập và tạo điều kiện khá dễ dàng cho trò chơi của những kẻ chủ chiến.

Đến giữa tháng 2 năm 1917, người Anh đã đọc được bức điện mật mã của Zimmermann và phát hiện ra là trong đó, ngoài những thứ khác, Đức còn đề nghị Mêhicô tham chiến chống Mỹ nhằm lấy lại những lãnh thổ đã mất vào tay Mỹ. Khó mà tưởng tượng một đề nghị nào từ phía Đức với một ai khác lại có thể làm người Mỹ tức giận đến thế. Ngày 20 tháng 2, nội dung bức điện mật mã này đã được thông báo cho đại sứ Mỹ ở London Page.

Người ta đã kể một "chuyện cổ tích" rằng, họ lấy được bản sao bức điện mật mã của Zimmermann ở Mêhicô và chuyển đến London để giải mã nên bản rõ của nó được chuyển cho đại sứ Mỹ hơi chậm - phải đến ngày 20 tháng 2. Page đã tin điều đó và người Anh rất lấy làm hài lòng khi biết thế sau khi giải mã được bức điện của ông ta gửi Tổng thống Wilson. Và ngày 1 tháng 3 năm 1917, bản rõ bức điện mật mã của Zimmermann đã được đăng toàn văn trên báo chí Anh.

Tuy nhiên, đa số phe cánh hữu ở Mỹ ban đầu tỏ ra rất nghi ngờ về tính chân thực của thông tin này. Một là Wilson không nói rõ làm thế nào bản rõ bức điện mật mã của Zimmermann lại lọt vào tay ông, - có nghĩa là có thể phỏng đoán rằng tổng thống là nạn nhân của một trò bịp bợm nào đó. Hai là nội dung của tài liệu có vẻ quá vô lý. Đề nghị Mêhicô, nước có số dân ít hơn 8 lần dân số Mỹ, lại yếu và nghèo hơn Mỹ cả trăm lần, tấn công nước láng giềng hùng mạnh để lấy lại phần lãnh thổ bằng cả nước Mêhicô nghe ra thật vô lý.

Việc bản sao bức điện mật mã của Zimmermann được gửi qua Washington và bản sao của nó vẫn được lưu ở đây đã góp phần xoá tan nghi ngờ. Bản sao này đã được chuyển từ thủ đô Mỹ đến London để các chuyên gia mã thám Anh, với sự hiện diện của Page, thể hiện tài nghệ của mình. Thêm vào đó, họ đã nhanh chóng giải mã một loạt các chỉ dẫn từ Berlin làm rõ nội dung bức điện hoả tốc của vị ngoại trưởng Đức và chuyển chúng cho chính phủ Mỹ. Và điều đáng ngạc nhiên là Zimmermann, thay vì phủ nhận tính chân thực của văn bản bức điện của mình mà báo chí Anh đăng tải, lại đi thừa nhận nó.

Chuyện bức điện mật mã của Zimmermann đã khiến một tờ báo Đức đưa ra nhận xét rất sắc sảo rằng "mọi người chúng ta đều nói ngành ngoại giao của chúng ta đang bị lèn cứng bởi các nhà quý tộc bất tài và đã đến lúc nhường đường cho những tài năng từ giai cấp tư sản", thế mà đại diện đầu tiên của giai cấp tư sản đã làm những điều mà hàng chục nhà quý tộc bất tài nhất không hề nghĩ.

Tất nhiên là bức điện rủi ro của Zimmermann đã định đoạt quyết định của Wilson tuyên chiến với Đức. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ bị lôi cuốn tham gia chiến tranh thế giới thứ I bởi chính những lợi ích vụ lợi của nó. Tuy nhiên, để biện minh cho quyết định của Mỹ đứng về phía phe đồng minh trong con mắt công luận, bức điện mật mã của Zimmermann đã đóng vai trò quyết định. Điều đáng lưu ý là người Đức nhất quyết từ chối thừa nhận sự kém cỏi về mật mã của họ mà lại đoán rằng các gián điệp của kẻ thù đã tiếp cận được bản rõ bức mật điện của Zimmermann.

Sau chiến tranh, đã xuất hiện nhiều phương án về việc bằng cách nào người Anh đã láy được loại mật mã ngoại giao của Đức cho phép họ đọc bức điện của Zimmermann. Chính người Đức khẳng định mật mã này là do kỹ sư vô tuyến điện trẻ người áo Alexander Czeck cung cấp. Anh ta được quyền đến đài vô tuyến điện ở Brusells, nơi thường gửi đi các bức điện vô tuyến của chính phủ cho các nhà ngoại giao Đức ở nước ngoài. Mẹ của Czeck là người Anh.

Chính thông qua bà ta, Czeck đã được hứa một khoản tiền lớn nếu như anh ta kiếm được mật mã bí mật của Đức. Theo giả thiết của Đức, Czeck chạy sang Anh với mật mã mà người Anh khao khát trong tay. Sau đó, người ta đã mất dấu vết anh ta. Khi chiến tranh kết thúc, cha của Czeck đã cố tìm kiếm con trai, nhưng chính phủ Anh đã kiên quyết chối từ yêu cầu cung cấp tin tức có thể soi sáng số phận Czeck.

Theo Churchill, đóng vai trò quyết định trong việc đọc được bức điện của Zimmermann là các quyển mã lấy được từ tuần dương hạm Đức Magdeburg. Chính nhờ chúng mà các chuyên gia mã thám Anh đã tìm được cách giải phá các mật mã của chính phủ Đức.

Giả thiết thứ ba có liên quan đến tên tuổi của vị lãnh sự Đức ở Iran Karl Wasmus, người đã tiến hành hoạt động phá hoại tích cực chống quân Anh. Chẳng hạn như ông ta đã định cho nổ đường ống dẫn dầu. Tuy nhiên, người Anh đã đánh đòn phủ đầu vào đơn vị phá hoại đang nghỉ ngơi của Wasmus. Vị lãnh sự thức dậy trong bộ pijama đã kịp nhảy lên ngựa và phi đi mất, nhưng ông ta không kịp mang theo hành lý. Đồ đạc của Wasmus đã được đưa về London và được cất giữ ở tầng hầm một toà nhà hành chính ở thủ đô. Sau này, khi tình cờ nói chuyện với một sĩ quan đến từ Iran, Hall được biết về số đồ đạc của Wasmus và đã hạ lệnh lập tức mang đến cho mình.

Trong số hành lý có một quyển mã mà sau đó đã đi vào lịch sử tình báo vô tuyến điện tử với tên gọi "mật mã 13040". Sau đó đã xảy ra việc kỹ sư trưởng đài vô tuyến điện Đức ở Constantinople mời chiêu đãi sau kỳ nghỉ phép ở nước Đức trở về. Sau bữa ăn, ông ta vui mừng gửi 6 bức điện giống nhau cho các đồng nghiệp ở các đài vô tuyến điện của các lãnh sự quán Đức trên khắp thế giới, mỗi thư đều dùng loại mã thích hợp với lãnh sự quán đó. Sau khi biết được "mật mã 13040", người Anh đã chả khó khăn lắm để phá giải mật mã của 5 lãnh sự quán khác của Đức trên thế giới. Điều đó cũng đã giúp họ nắm được nội dung bức điện mật mã của Zimmermann.

Cuối cùng, theo một giả thiết nữa, mật mã ngoại giao Đức mà nhờ nó có thể đọc được bức điện này là do gián điệp nào đó của phe đồng minh có biệt danh Smith lấy được. Anh ta được phái tới Brusells với nhiệm vụ đánh cắp các mật mã của Đức. Tại thủ đô Bỉ, Smith đã tìm ra một nữ trợ thủ giá trị có vỏ bọc là một nữ hầu bàn quán cà phê Ivonna mà một sĩ quan Đức làm việc tại đài vô tuyến điện đang yêu mê mệt. Với cớ học vô tuyến điện, Smith đã moi được từ anh ta tin tức về các yếu tố chủ yếu của mật mã ngoại giao Đức và đã vượt thoát qua giới tuyến theo hướng ngược lại. Lập tức sau khi Smith thoát đi, quân Đức đã bắt giữ Ivonna vì họ đã theo dõi từ lâu các chuyến viếng thăm đáng ngờ của một báo vụ viên Đức trẻ, nhưng họ đã không thể lần ra ý nghĩa thực sự của các "bài học vô tuyến điện".

Những giả thiết nêu ra ở trên không nhất thiết mâu thuẫn với nhau bởi vì người ta có thể lấy được cùng loại mật mã bí mật bằng những cách thức khác nhau, còn bản rõ của bức điện của Zimmermann lấy được là nhờ nỗ lực phối hợp của các chuyên gia mã thám và các điệp viên. Tuy nhiên, màn bí mật che phủ việc này đã nhiều năm đang buộc người ta phỏng đoán rằng, chân lý vẫn còn chưa được khám phá.

Để tổng kết những điều đã nêu về vai trò của tình báo vô tuyến điện tử Anh trong chiến tranh thế giới thứ I, cần nhận xét rằng trước khi tham chiến, quân đội Anh đã tính đến việc tiến hành chiến tranh bằng các phương tiện thông thường. Theo người Anh, sử dụng kỵ binh sẽ làm cho liên lạc vô tuyến điện trở nên thừa. Tuy nhiên, những trông đợi đã không được thoả mãn: thay vì các hoạt động tác chiến linh hoạt, chiến tranh để sống còn đã diễn ra. ỷ vào hạm đội mạnh nhất thế giới, nước Anh coi mình là bất khả xâm phạm và coi thường việc Đức sử dụng các thành tựu kỹ thuật mới là tàu ngầm và khinh khí cầu. Những khó khăn xuất hiện đã được người Anh khắc phục phần lớn nhờ tình báo vô tuyến điện tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét