BINH PHÁP TÔN TỬ - 36 KẾ 3/17 (Kế sách thứ mười bảy: PHAO CHUYÊN DẪN NGỌC )

(ĐC sưu tầm trên NET)

Kế thứ 17:
PHAO CHUYÊN DẪN NGỌC
(Tung gạch hứng ngọc)

Phao chuyên dẫn ngọc hứng tung vào
Điển cố thời Đường tỏ xiết bao
Họ Triệu hay từ ngu giấu diếm
Nhà Thường kém ngữ giỏi khơi mào(*)
Gieo nhân gặt quả cần ghi khắc
Theo đóm ăn tàn phải tránh lao
Ngẫm thấy nên từ bi hỉ xả
Phao chuyên dẫn ngọc hứng tung vào

 
36 kế - Kế Thứ 17: Thả con xăng xắc bắt con cá rô

Kế số 17: PHAO CHUYÊN DẪN NGỌC
Diệu kế này có nghĩa là “ném gạch đi, đưa ngọc quí về”. Đưa một miếng nhỏ, giá trị thấp ra để dụ đối thủ nhằm đạt cái lợi lớn hơn. Nôm na cũng có câu, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Trước hết phải đầu tư, sau đó mới mong mang lợi nhuận về.
Diệu kế nầy phát xuất từ một câu chuyện đời nhà Đường. Nhà thơ Thường Kiến nghe tin đại thi hào Triệu Hổ sẽ đến Tô Châu. Ông đoán rằng Triệu đại nhân sẽ dạo cảnh Linh Nam tự, bèn đến viết hai câu thơ trước cửa chùa. Quả nhiên, khi đứng trước hai câu thơ dang dở, đại thi hào Triệu Hổ không chịu được bèn viết tiếp hai câu sau, trở thành bài thơ tứ tuyệt bóng bảy. Mà hai câu sau lại hay hơn hẳn hai câu đầu. Người đời sau gọi cách làm này của Thường Kiến là “phao chuyên dẫn ngọc”.
BẦY NGỰA THẦN CỦA NGUYỄN NHẠC
Trước khi khởi nghiệp, anh em nhà Nguyễn đã dùng dãy núi Tây Sơn làm căn cứ địa. Từ đây họ chiêu binh mãi mã, kết hơp anh hùng hào kiệt. Đạo tiên phong của họ hầu hết là các sắc tộc Tây nguyên như Ra-đê, Sê-đăng, Gia-Rai v.v…Những người sắc tộc nầy có tài bắn ná và gan dạ, trung thành. Nguyễn Nhạc dùng đủ mọi cách thu phục nhân tâm, làm cho các sắc tộc kính sợ đến nỗi họ tôn ông là Vua Trời. Duy chỉ còn một sắc dân Sê-đăng là chưa tòng phục. Tộc trưởng người Sê-đăng cho rằng Nguyễn Nhạc không thể là Vua Trời được, vì nếu là người của Trời thi phải thu phục được bầy ngựa thần trên núi Hiển Hách. Bấy giờ tại An Khê, trên núi Hiển Hách có một bầy ngựa rừng rất khôn ngoan, do con ngựa bạch làm đầu đàn. Con bạch mã nầy rất đẹp, đuôi dài, lông mềm và óng mượt như tơ lụa. Tiếng hí của nó vang xa nhiều dặm. Nó còn là lãnh chúa khôn ngoan, không bao giờ cho bầy mình đến gần con người. Nguyễn Nhạc rất muốn thu phục, nhưng nghĩ mãi chưa biết bằng cách nào.
Cuối cùng ông bàn bạc với thuộc hạ, dùng kế sách “Phao Chuyên Dẫn Ngọc”, nghĩa là ném cục gạch đi đem về hòn ngọc quí. Nguyễn Nhạc cho tìm mua một con ngựa cái thật đẹp, ngày đêm huấn luyện, dạy nó khôn ngoan, biết nghe lời, và hễ nghe tiếng hú của Nguyễn Nhạc, thì dù ở đâu cũng chạy đến. Sau đó ông thả nó vào núi, cho theo bầy ngựa rứng. Con ngựa cái tuyệt đẹp làm cho bầy ngựa xúm lại ve vãn, ngay cả con bạch mã cũng bị nó hớp hồn. Tiếng hí dậy vang từ lúc có con ngựa cái nhập bầy. Một hôm Nguyễn Nhạc vào rừng, cất tiếng hú, ngựa cái nghe tiếng chạy đến, cả bầy ngựa cũng nối gót chạy theo. Nhưng vừa trông thấy bóng người, chúng quày quả tháo lui. Từ một khoảng xa, nhìn lại thấy ngựa cái đứng với người cách thân mật. Nguyễn Nhạc lấy cỏ cho ngựa ăn rồi ra về. Bầy ngựa đến cùng ăn cỏ. Hôm sau và nhiều hôm nữa, Nguyễn Nhạc cứ đến hú và lấy cỏ cho ngựa ăn. Bầy ngựa hoang thấy người không có ý làm hại mình, dần dần trở nên dạn dĩ, làm quen cùng Nguyễn Nhạc, không còn sợ hãi nữa.
Khi thời cơ chin mùi, Nguyễn Nhạc mời tộc trưởng Sê-đăng đến xem mình chinh phục bầy ngựa trên núi Hiển Hách. Trước sự kinh ngạc cách thán phục của tộc trưởng, Nguyễn Nhạc oai nghi hú vang ba tiếng, tức thời bạch mã và cả bầy chạy đến để được ăn cỏ và vuốt ve như một người thân. Tộc trưởng và cả dân tộc bản thượng Sê-đăng chịu thần phục. Về sau con ngựa trắng đầu đàn trở thành chiến mã của Nguyễn Nhạc trong những cuộc thân chinh. Khi ông chết nó bỏ đi, người ta nói bạch mã trở về núi. Đó chính là sự thăng hoa trong nghệ thuật “Phao chuyên dẫn ngọc”. Biết dụng tâm, kiên trì huấn luyện, nhẫn nhục thực hành kế sách, thì mới thành công. Và khi mưu lược kết trái, là lúc thu về bao ngọc quí tử một cục gạch đã quăng ra.
Theo: ustraliafriendshipchess.org
YÊN CHIÊU VƯƠNG CẦU HIỀN
Năm 318 trước Công nguyên, nước Yên xảy ra nổi loạn, nước Tề đã thừa cơ tiến đánh nước Yên, giết chết Yên Vương. Ít lâu sau, Yên Chiêu Vương lên ngôi. Để lấy lại đất đai bị mất, ông đã đích thân đến gõ cửa hiền sĩ nước Yên là Quách Hoè thỉnh giáo, mưu cầu kế sách tìm người hiền tài.
Quách Hoè nói:
Vua một nước muốn thành đế nghiệp phải đối đãi với người hiền như thầy giáo; vua một nước muốn thành vương nghiệp, phải đối đãi với người hiền như bè bạn, người muốn thành nghiệp bá thì đối đãi với người hiền như đại thần; còn vua mà nước cung không giữ được thì đối với người hiền như nô lệ. Nếu đại vương khiêm tốn lắng nghe lời chỉ giáo của bậc hiền nhân, cung cung kính kính bái ông tá làm thầy thì người hiền trong thiên hạ sẽ theo về với nước Yên hết.
Yên Chiêu Vương nói:
- Quả thật ta muốn học tập tất cả các bậc hiền nhân, chỉ có điều không biết nên triệu kiến ai trước cho phù hợp nhất?
Quách hoè không trả lời trực tiếp mà kể ra ra một câu chuyện như thế này...
Ngày xưa có một quốc vương muốn dùng ngàn vàng để mua một con ngựa thiên lý mã nhưng ba năm đã trôi qua mà vẫn chưa mua được.
Có đại thần nói với quốc vương:
Để thần làm thay đại vương!
Ba tháng sau vị đại thần kia tìm thấy một con ngựa thiên lý nhưng nó đã chết liền bỏ năm trăm lạng vàng ra mua lấy bộ xương ngựa đem về.
Quốc vương giận dữ nói:
- Ai bảo ngươi dùng bao nhiêu vàng đi mua xương ngựa đó!
Vị đại thần nói:
- Bộ xương của một con ngựa thiên lý còn mua mất năm trăm lạng vàng, huống hồ là thiên lý mã còn sống? Người thiên hạ tất sẽ cho rằng đại vương là người thành tâm muốn mua thiên lý mã, chắc chắn họ sẽ đưa thiên lý mã đến tận nơi.
Quả nhiên chưa đầy một năm đã có được ba con ngựa thiên lý.
Quách Hoè kể xong liền nói:
- Nay nếu đại vương thật sự muốn tìm người hiền làm thầy thì hãy bắt đầu từ thần đi. Đến Quách Hoè thần mà cũng được trọng dụng nữa là những người tài năng hơn thần? Họ nhất định sẽ từ xa ngàn dặm kéo đến đó.
Yên Chiêu Vương thấy rất có lý liền dựng cho Quách Hoè một toà cung thất và đối đãi với ông như thầy dạy. Sau khi sự việc này truyền đi, rất nhiều người hiền tài từ các nước đều kéo đến cậy nhờ Yên Chiêu Vương, người biết nghe lẽ phải. Dựa vào những nhân tài này, cuối cùng Yên Chiêu Vương đã đánh bại được nước Tề.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH