Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN 21 (Nhà lao Tân hiệp,Lao Thừa Phủ-Huế)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Nhà lao Tân Hiệp

Đăng ngày: 02/01/2013
​Nhà lao Tân Hiệp (Trung tâm Huấn chính Biên Hòa), xưa kia thuộc thôn Tân Phong, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, nay tọa lạc trên Quốc lộ 1, phường Tân Tiến, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 1km về hướng tây.
​ Là một trong sáu nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam và là nhà tù lớn nhất Đông Nam Bộ, được xây dựng ở vị trí quân sự quan trọng, án ngữ phía Đông Bắc Biên Hòa. Phía trước là quốc lộ 1; phía sau là đường xe lửa Bắc - Nam. Đây là vị trí biệt lập, thuận tiện trong giao thông , dễ dàng cho việc bảo vệ, canh gác, nhận tù từ nơi khác đến và chuyển tù đi Côn Đảo, Phú Quốc.
Nhà lao Tân Hiệp tọa lạc trên khu đất trũng pha cát có diện tích 36.000m2, được bao bọc bởi hai lớp dây kẽm gai bùng nhùng và một hệ thống tháp canh (lô cốt) kiên cố. Các tháp canh số 1, 3, 5, 7 được trang bị súng trung liên, một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Nhà lao có 7 trại giam được gọi theo chữ cái A, B, C, D, E, G và trại giam phụ nữ (trại ngoại). Trong đó, trại D, E, G và trại ngoại là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, đảng viên Cộng sản trung kiên và đồng bào yêu nước, các trại này được quản lý và đối xử chặt chẽ, hà khắc hơn các trại khác. Được mang tên "Trung tâm cải huấn" nhưng thực chất đây là phòng xét hỏi, tra tấn với những dụng cụ hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Mỗi trại giam có diện tích gần 200m2 nhưng giam giữ từ 300 - 400 người, có lúc lên đến cả ngàn người.
th2.jpg
Ngày 02/12/1956, được sự nhất trí của liên Tỉnh ủy miền Đông, những chiến sĩ cộng sản trong nhà lao Tân hiệp dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (Bảy tâm) - Phụ trách Đảng ủy nhà tù và một số đồng chí khác đã bất thần làm một cuộc phá xiềng tập thể giải thoát các đồng chí, đồng bào yêu nước, sự kiện này đã làm xôn xao cả Lầu Năm góc.
Tự nổi dậy, phá khám cướp súng địch, trở về với Đảng, với nhân dân sẽ là một cuộc chiến đấu vô cùng cam go, gian khổ và ác liệt, không thể tránh khỏi sự hy sinh, mất mát. Nhưng mọi người đều quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng giải phóng quê hương đất nước, giải phóng đồng bào ra khỏi bàn tay độc ác của Mỹ - ngụy.
Đúng 17 giờ 45 phút, khi tên lính trực đánh hồi kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô xung phong vang dội khắp trại giam. Đội xung kích chia làm 4 mũi đồng loạt đánh vào các mục tiêu đã định trước.
Mũi thứ nhất, do đồng chí Tạ Quang Huy chỉ huy đánh thẳng vào kho súng, mở đường cắt ngang qua Quốc lộ 1.
Mũi thứ 2, do đồng chí Mìn và đồng chí Lem chỉ huy đánh vào kho súng, cướp súng của địch trao cho các chiến sĩ xung kích khác và cùng chạy về phía sau chạy giam khống chế địch ở các lô cốt số 2, 3, 4, 5, để anh em từ các trại giam chạy ra cổng an toàn.
Mũi thứ 3, do đồng chí Nguyễn Văn Lũy (tức đồng chí Hai Thông) và đồng chí Phan Văn Rô chỉ huy từ trại E đồng loạt đánh vào kho súng và văn phòng làm việc của ban giám đốc trại giam.
Mũi thứ 4, do đồng chí Phạm Văn Còn và đồng chí Sỏi chỉ huy đánh vào nhà các tên chỉ huy trại, cùng lúc đồng chí Hồ Phước Nhơn (Hồ Thảo) và đồng chí Tám Thạnh đã dùng xẻng chặt đứt mọi đường dây điện thoại trong nhà tù không cho chúng liên lạc với bên ngoài xin chi viện. Đồng thời đồng chí Trần Văn Lực (Năm lực), có nhiệm vụ mở cửa trại giam, đoàn người từ các trại chạy ào ra cổng đông như nước vỡ bờ, chạy qua Quốc lộ 1, tiến về sân vận động, Dưỡng trí viện, vượt rạch Đồng Tràm tỏa về các hướng.
Địch ở hai lô cốt số 1 và số 7 đã dùng trung liên bắn xối xả ra hướng cổng trại và ngoài sân banh, hướng các chính trị phạm đang chạy. Dưới làn đạn dày đặc của kẻ thù, số anh em ra sau trúng đạn bị thương và hy sinh gần 30 người, nằm rải rác trước cổng trại, bên sân banh và ven bờ suối. Đồng chí Phan Văn Rô vừa là người chỉ huy tài tình vừa là một chiến sỹ xung kích dũng cảm, đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở sau cùng. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã cố sức gượng dậy nói với đồng đội của mình: “Nhờ các đồng chí nhắn lại với Đảng, với nhân dân, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Nhà thơ, nhà báo, người đảng viên Cộng sản trung kiên Dương Tử Giang cũng bị thương nặng và hy sinh.
Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 02/12/1956 diễn ra trong vòng 40 phút, đã giải thoát được 462 cán bộ, thu được hơn 40 khẩu súng các loại là nguồn nhân lực và vật lực quý báu bổ sung cho phong trào Đồng khởi sau này.
Nhà lao Tân hiệp nay đã trở thành một di tích lịch sử đánh dấu sự nổi dậy, quyết tâm thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về với Đảng với nhân dân để tiếp tục chiến đấu, giải phóng dân tộc.
Nhà lao Tân Hiệp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994.
 th1.jpg
<>
Nơi lửa thử vàng
Những câu chuyện đầy máu và nước mắt của các cựu tù từng bị giam giữ ở nhà lao Tân Hiệp là bản cáo trạng tố cáo tội ác tày trời của chế độ Mỹ - ngụy. Vì thế, bán đất nhà lao này là mắc tội với lịch sử, với nhân dân.
Mỗi khi nghe đến “nhà lao Tân Hiệp” (thuộc phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), vợ chồng bà Lê Thị Sên - ông Nguyễn Văn Thắng, hai cựu tù chính trị từng bị giam cầm hàng chục năm tại đây, lại giật mình như vừa trải qua cơn ác mộng. Hiện ông bà mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo – hậu quả của những trận đòn tra khảo trong thời gian bị tù đày.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu được vài phút đã phải kết thúc vì bà Sên - ông Thắng cứ khóc nấc mỗi khi nhắc lại những năm tháng ở nhà lao Tân Hiệp. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của đôi vợ chồng già này và những câu chuyện đau đớn của họ như viết lại bản cáo trạng tố cáo tội ác tày trời của Mỹ - ngụy ở nhà lao này.
Địa ngục trần gian
Bà Lê Thị Sên nhờn nhợn cổ khi kể lại cảnh tù nhân nhà lao Tân Hiệp lén lút bứt cỏ, nhặt lá cây, bắt côn trùng, thằn lằn để ăn. Những thứ này được xem là dinh dưỡng mà người tù tự “bồi bổ” cho mình ngoài khẩu phần chính được nhà tù phát là lưng bát cơm nấu bằng gạo mục lẫn đất cát và chút mắm thối đầy dòi bọ.
Không gian nhà giam trong trí nhớ bà Sên là căn phòng khoảng 200 m2, bốn bề bịt kín, không đủ không khí cho tù nhân thở. Ở góc phòng giam có đặt một thùng tôn để tù nhân đại, tiểu tiện. Mùi xú uế luôn nồng nặc cả phòng. Dù vậy, những lúc khát quá, tù nhân đành phải uống nước tiểu.
“Nếu tù nhân không chịu khai báo, bọn cai ngục cột chặt chân tay và bắt họ uống nước đái lâu ngày, nước xà phòng... qua miệng và lỗ mũi. Khi tù nhân đã no, chúng nhảy lên bụng họ đạp cho nước phụt ra đường miệng và mũi cho đến lã đi ”, đó là lời kể của ông Võ Thế Đại - cựu tù chính trị bị giam ở nhà lao Tân Hiệp - được Ban chỉ đạo Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai trích đăng trong sách "Tội ác Mỹ ngụy tại nhà lao Tân Hiệp - Biên Hòa" xuất bản năm 1995.
Trong hồi ký của mình, bà Lưu Thị Na, sinh năm 1937, cựu tù chính trị đang sống ở TP Biên Hòa, viết: “Ngày 30-12-1970, chúng (bọn cai ngục - PV) đưa cảnh sát dã chiến về ném lựu đạn hơi cay vào các phòng, riêng phòng 11 bị ném 24 trái, toàn phòng 51 người ngất xỉu, phỏng toàn thân, rồi chúng dùng thuốc xịt kiến DDT bơm vào mặt tất cả chị em, mọi người bất tỉnh nhân sự, sau đó bị kéo bừa ra phơi nắng. Trong đợt này, chị Phan Thị Chính, quê ở Vĩnh Long, bị nhiễm độc nặng mà chết. Còn chị Thanh, hiện sống ở TPHCM, sinh hai cháu, một cháu lên 8 tuổi đi học về tự nhiên lăn đùng ra chết, bác sĩ pháp y khám nghiệm và kết luận cháu tử vong do nhiễm độc ở mẹ”.
Mặc dù nhiều lần bị tra khảo bởi những đòn dã man nhưng tù nhân chính trị ở nhà lao Tân Hiệp vẫn luôn động viên nhau nêu cao lý tưởng cách mạng. Để hủy diệt sinh mệnh chính trị của những người tù cộng sản, tại đây, địch mở ba lớp tố cộng. Ai vào học những lớp này coi như được “tẩy não”. Không chỉ hăm dọa, chúng còn dụ dỗ tù nhân bằng cách vào từng trại giam, hỏi ai đi học thì ghi danh, ký tên, sau đó sẽ được chuyển qua trại khác, dễ thở hơn.
Một cựu chiến binh già kể lại: Mỗi ngày, một người chỉ được cấp 3 lon nước để uống và tắm giặt. Do mất vệ sinh nên tù nhân nào cũng lở loét khắp mình. Nhiều lần họ đấu tranh đòi nước uống, thuốc chữa bệnh, đòi ăn rau xanh, tăng khẩu phần..., bị bọn chúng dùng vôi bột rải xuống, làm ngộp thở. Sau đó, vôi thấm vào các vết thương gây phồng da, thúi thịt khiến nhiều tù nhân lâm trọng bệnh mà chết.
Một trong sáu nhà lao lớn nhất miền Nam
Theo Ban Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai, từ năm 1964 trở đi, bọn cố vấn Mỹ và CIA thường xuyên lui tới nhà lao Tân Hiệp để chỉ đạo công tác thẩm vấn, đồng thời cung cấp trang thiết bị để tra tấn, khủng bố tù nhân. Trong 21 năm nhà lao này hoạt động, hàng trăm chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước của ta đã bị giết hại hoặc đánh đập, tra tấn đến tàn phế.
Sau khi liên tục được mở rộng, đến giữa năm 1956, nhà lao Tân Hiệp cơ bản hoàn chỉnh. Nói về lý do cơi nới nhà tù, trong một văn bản gửi Tòa Đại biểu của chính quyền cũ ở Nam phần, Sở Nghiên cứu Pháp chế Sài Gòn viết: “Trung tâm này trở thành một trại giam rất quan trọng mà trước đây ít ai ngờ. Người ta dự định chỗ để giam giữ tới 500 phạm nhân, can phạm mà thôi, không dè đến ngày nay (24-2-1956), số phạm nhân thu nhận đã trên 800, trong đó có hơn 600 Việt cộng, phần nhiều là thứ dữ. Song chưa hết, trung tâm này còn phải thâu nhận thêm nữa”.
Theo tài liệu của các tổ chức điều tra tội ác của Mỹ - ngụy ở các nhà lao trên toàn miền Nam, sau Hiệp định Paris (1973), ở miền Nam có khoảng 1.000 nhà lao và trại giam, giam giữ khoảng 200.000 tù chính trị.
Cùng với 5 nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Thủ Đức và Phú Lợi, Tân Hiệp được xem là nhà lao lớn nhất miền Nam với khoảng 8.000 - 10.000 tù nhân. Từ năm 1957-1975, tại nhà lao Tân Hiệp, Mỹ - ngụy đã giam giữ hơn 5 vạn lượt tù nhân, đại bộ phận là cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước ở khắp các tỉnh Nam Bộ.
KIM CƯƠNG - NHƯ PHÚ (Báo Người Lao Động)

Động thổ công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp
Sáng 24-12, tại Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã tổ chức lễ động thổ công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp.
Đến dự có các đồng chí: Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Vy Văn Vũ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy...
Nhà lao Tân Hiệp là địa điểm diễn ra cuộc nổi dậy phá khám vào ngày 2-12-1956. Năm 1994, nơi đây được công nhận là di tích cấp quốc gia và năm 1997, di tích được Nhà nước đầu tư, trùng tu thành địa điểm tham quan, sinh hoạt truyền thống. Năm 2006, UBND tỉnh quyết định mở rộng di tích từ 1.908m2 lên 6.034m2, là cơ sở để ngành văn hóa xây dựng dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp.
Dự án bảo tồn, tôn tạo được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa (trong đó chi phí xây lắp khoảng trên 21 tỷ đồng). Dự án được triển khai trong 2 năm (2013-2014). Trong đó, năm 2013 dự án tập trung vào việc nâng cấp tu bổ các hạng mục, như: cổng chính, nhà kho súng, nhà ở, tháp canh, tượng đài tưởng niệm, miếu thờ liệt sĩ và san lấp, nâng nền toàn bộ mặt bằng di tích. Các hạng mục còn lại, như: nhà trưng bày, nhà sinh hoạt truyền thống, sân đường nội bộ... sẽ được thi công trong năm 2014.
N.Tuyết
Link: http://www.dongnai.gov.vn/Pages/glp-dongthocongtrinhbaotontontaodi-glpnd-54644-glpnc-0-glpsite-1.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét