Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

THƠ CÓC 5

   

(ĐC sưu tầm trên NET)

Thơ Nguyễn Quang Thiều

Bùi Công Thuấn - 29-04-2014 09:14:27 AM
“Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác”*                                                                                                                                                           (Nguyễn Quang Thiều)

Đọc cảm tính:
Đọc một mạch hơn 140 bài thơ của Nguyễn Quang Thiều (NQT), tôi lâm vào trạng thái như người bị stress. Cái đầu nặng như chì, âm âm u u. Cứ đọc vài bài, tôi lại phải đứng lên, vuốt mặt, hít thở nhiều lần, để mạch máu não đừng trương nở quá mức. Tôi chìm vào trạng thái chao đảo, không biết là tỉnh hay mê. Khi thì bị bật tung lên thinh không chói lòa ánh sáng với thiên thần bay lượn, khi lại rơi xuống vực thẳm không cùng, sống chung với hồn những người chết trở về, lúc lại lạc vào vườn cây, tung tăng với lũ trẻ chơi đùa, lúc lại ngồi nhìn đàn kiến bò, hay chịu đựng cho đàn kiến cắn vào mình. Bóng tối, ánh sáng, giông bão, đâm chém, nhà tù, nhà tù, cái chết thối rữa và nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi … Tôi như ” ai đó vẫn lần mò trong căn phòng nặng nề bóng tối /để kiếm tìm tiếng hót từ con chim sặc sỡ nhồi bông”(NQT)

Đọc không cảm tính:
1. Hành trình nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhiều tham luận và ý kiến đã được trình bày trong Hội thảo khoa học: "Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều", tôi xin không nhắc lại. Tôi chỉ trình bày góc nhìn chủ quan của mình.
NQT đi từ thơ truyền thống sang kiểu thơ Lãng Mạn rồi thơ suy tưởng và sau cùng là thơ Siêu Thực. Tiến trình này Thơ Mới đã hoàn tất trong giai đoạn 1930-1945. Sau đó nhiều nhà thơ đã nỗ lực cách tân thơ Việt. Thanh Tâm Tuyền đã làm thơ theo dòng ý thức của văn chương Hiện Sinh, Phạm Thiên Thư đã làm thơ Thiền, Lê Đạt làm thơ “bóng chữ”, Trần Dần cũng đã làm thơ có bè nền sử dụng nhiều từ rỗng, Hoàng Cầm tiếp tục khai phá thơ Siêu Thực, và Chế Lan Viên đã đạt đến đỉnh cao của thơ suy tưởng. Nếu cần nói thơ NQT góp phần cách tân thơ Việt thì phải xét ở bình diện khác. Thơ NQT khó hiểu vì đa phần thơ NQT là thơ Siêu Thực.
Bạn đọc có thể dõi theo tiến trình thơ NQT qua 4 bài : Bây Giờ Đang Cuối Mùa Đông (Thơ Lục Bát dân dã), Đôi Bờ (Kiểu thi pháp thơ Lãng Mạn), Thay Lời Cầu Nguyện (Thơ suy tưởng kiểu Chế Lan Viên), Linh Hồn Những Con Bò (Thi pháp siêu thực)

2. “Bẻ khóa” thơ Nguyễn Quang Thiều
Thơ NQT chỉ có một giọng là giọng buồn, giọng kể chuyện tự tình. Mỗi bài thơ là một truyện ngắn, được kể không có khởi đầu không kết thúc. Có khi tác giả trực tiếp kể, có khi hóa thân vào nhân vật để kể, và hầu hết những câu chuyện ấy là những dụ ngôn, những ẩn dụ, tìm kiếm tư tưởng. Thơ NQT là thơ tư tưởng.
Cái hay trong thơ của NQT là cái hay của truyện được kể, không phải ở câu chữ hay thủ pháp so sánh, liên tưởng trùng trùng điệp điệp làm rối trí người đọc. Giá trị thơ NQT là ở phần tư tưởng anh khám phá và cách anh thể hiện, không phải ở giá trị phản ánh hiện thực. Nhiều người đã ngộ nhận về đặc điểm thi pháp này của thơ NQT. Đọc thơ NQT là đọc truyện tư tưởng. Cách tân của NQT là ở đặc điểm này. Nếu sa vào câu chữ, sa vào các liên tưởng siêu thực, sa vào các thủ pháp của NQT, người đọc sẽ sa vào mê trận chữ và lạc mất lối ra. Bởi thơ Siêu Thực sử dụng những yếu tố hoang tưởng, phủ định triệt để tính logic của nhận thức lý tính.
Xin đọc:
BẦY CỪU
Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối
Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng
Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức
Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo.
Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó
Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi

Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất
Những mảnh thân xác tản mát đâu đó
Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng
đi từ chân đồi lên đỉnh đồi,
                  những ngọn đồi…
                                        những ngọn đồi…
                                                              những ngọn đồi…
                                                                                         bất tận.
NQT kể chuyện đàn cừu ở Achill.
Cốt truyện đơn giản : Những con cừu vùng Achill im lặng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, thi thoảng kêu lên. Mỗi ngày lại mất một con. Các con khác vẫn im lặng tiếp tục…
Nếu bỏ đi phần cốt truyện, bài thơ còn lại là những suy tư, võ đoán của tác giả: Những con cừu không hề than thở, chúng thực hiện sứ mệnh, kêu lên tiếng buồn bã. Tác giả nhận ra mỗi ban mai lại mất một con và nghĩ rằng thân xác cừu tản mát đâu đó. Cái tiến trình ấy là không đảo ngược, bất tận
Bỏ nội dung trực tiếp kể chuyện đàn cừu đi, người đọc nhận ra NQT suy tư về Hiện Sinh. Tồn tại là tồn tại quy tử. Sống là đi về cái chết, không cưỡng lại được, như mỗi ngày lại mất một con cừu (bị người ta làm thịt). Nỗi buồn đọng rất sâu về lẽ tử sinh. Chuyện đàn cửu chỉ là cái vỏ để chuyển tải tư tưởng.
NQT có rất nhiều bài thể hiện suy tư Hiện Sinh. Đọc những bài thơ như thế, bất giác tôi nghĩ đến những câu chuyện của Kafka., tôi cũng thử so sánh kỹ thuật viết “dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh trong thơ thơ NQT với Tĩnh Vật của Thanh Tâm Tuyền (TTT).Tôi nhận ra NQT chưa vượt qua được người đi trước.
Xin đọc truyện của Kafka:
Một ngụ ngôn nho nhỏ-F.Kafka
Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.”
Câu chuyện này chỉ cần ngắt câu xuống dòng, thêm thắt vào vài hình ảnh sa sánh liên tưởng, là thành bài thơ kiểu NQT. Kafka chỉ ra rằng, cái tất yếu con chuột là phải chết, không thể khác được, đổi hướng cũng là chết (Hiện sinh quy tử). Chiều sâu của Kafka là sự tố cáo kẻ chỉ đường (con mèo) chính là kẻ bất nhân. Kỹ thuật viết của Kafka là nhập thân vào nhân vật con chuột và con mèo, để nhận thức, để lên tiếng nói. Câu chuyện là một ẩn dụ. Để hiểu điều Kafka muốn nói, người đọc phải giải mã ẩn dụ, không sa vào nội dung câu chuyện, hay lạc trong các chi tiết, thủ pháp, ngôn ngữ, bởi đó chỉ là giả định.
Thơ NQT cũng cần được đọc như thế.
Về tư tưởng, tôi còn nhận ra NQTcó cảm thức quy hướng về Thượng Đế như trong Thơ Dâng của R. Tagore. Hay nói cách khác, NQT suy tư về hiện thực bằng tư tưởng Hiện Sinh và ông bế tắc. Ông tìm thấy sự thăng hoa trong tôn giáo, mà R.Tagore đã mở lối. Hơn ai hết R. Tagore đã viết những lời ngợi ca tuyệt hay về Người (Thượng đế). Ánh sáng tư tưởng ấy của R.Tagore lấp lánh trong thơ Nguyễn Quang Thiều.
Xin đọc Thơ Dâng của R. Tagore (đoạn I và 12) và so sánh với thơ NQT
Dưới Cái Cây Ánh Sáng
(NQT-trích đọan 2)
“Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ
Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận
Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này …

Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất 

Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người
Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian
Con đã cười vang, tiếng cười trong như ban mai khi chơi trò đuổi bắt cùng những thiên thần của Người 

Con đã từng nằm trong vòng tay ấm như hơi lửa để các thiên thần dắt con vào cơn mơ và kể cho con câu 
Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian 

Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con

Con đã đến nơi ấy xa xôi
trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người 

Giờ con nhận ra chính trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người …”

Có rất nhiều hình ảnh, tứ thơ, ý tưởng của R.Tagore trong thơ NQT, chẳng hạn, về sự ra đi, một cuộc hành trình trong ruổi qua bao thế giới, cuối cùng trở về với miền sâu thẳm bên trong, ý niệm về thời gian (Bàn Tay Của Thời Gian), hình ảnh đồi núi, ban mai, tinh tú, giấc mơ và đặc biệt là ánh sáng cứu rỗi…

Như vậy để hiểu NQT, bạn đọc cần đọc Kafka, đọc Tagore và cả Thiền nữa (Lễ Tạ). Ở góc nhìn này, bạn đọc sẽ thấy đâu là sáng tạo của NQT. Lễ Tạ là một bài thơ có khí vị Thiền rất hay.

LỄ TẠ
“.   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .
Ngẩng mặt một vầng mây đỏ
Nỗ vang tiếng sấm của trời
Cúi đầu một miền cỏ trắng
Nở xoè bên cõi sen tươi

Ra đi từ hồ nước cũ
Con đường
        Con đường
                 Con đường.”

3. Những điều băn khoăn
Tôi đã dõi theo những ý kiến trao đổi về thơ NQT, tất cả đều khẳng định  NQT là nhà thơ cách tân thơ Việt, nhưng tôi lại không tìm thấy những ý kiến xác lập xem đâu là giá trị của thơ NQT. Phải chăng giá trị thơ NQT là ở sự cách tân.
Người ta đánh giá cao tập thơ Sự Mất Ngủ Của Lửa và chọn bài thơ Những Người Đàn Bà Gánh Nước Sông như là bài thơ hay nhất của NQT. Điều này có lý của nó, bởi đa số những bài thơ trong tập thơ này dễ đọc, đề cập đến những cảnh những người gần gũi và thắm thiến những tình cảm quê hương, tình gia đình (với cha, mẹ, con gái) với dòng sông Đáy, làng Chùa, với những người đàn bà lam lũ…và cả những cảnh xô bồ thực tại. Nó mang đến một cái nhìn mới lạ và chứa định những tình cảm giàu phẩm chất nhân văn.
Tuy vậy, ở những tập thơ mà phần thơ Siêu thực, thơ tư tưởng lá chính, thì đâu là giá trị của thơ NQT.
Trước hết nhiều bài thơ có những liên tưởng đứt đọan khiến người đọc không thể lần ra được manh mối điều NQT suy nghĩ. Nhiều hình ảnh so sánh liên tưởng chỉ để làm dáng câu chữ, làm rập rạp phân tán câu chuyện, không thực sự biểu hiện tư tưởng. Nhưng điều làm cho thơ NQT thiếu sự sống trong những bài thơ suy tưởng Siêu Thực ấy là sự vắng bóng đời sống hiện thực và thái độ tích cực của tác giả. Khi thơ chỉ là những ẩn dụ không thực, né tránh sự đối mặt với hiện thực, hẳn nhiên những bài thơ ấy không đem đến cho độc giả một giá trị nào cả. Thí dụ bài : Linh Hồn Những Con Bò(2). Chẳng ai mất thì giờ, căng đầu để giải mã những hình ảnh ẩn dụ khi không thể liên tưởng được với hiện thực Việt Nam. Đàn bò bóng tối, đi hết đường cày cuối, tan vào ánh sáng ban mainhững đám mây phiên bản của đàn bò là gì? Suy nghĩ thực của nhà thơ về hiện thực Việt Nam là gì? Khi thơ không thể hiểu thì khó đọng lại được trong lòng người đọc!

4. Nỗi sợ hãi, bóng tối và ánh sáng
Ra đi... đó là ánh sáng / Dựng lên tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa “.
…”Bóng tối phủ lên người tấm vải đen, người vẫn không thức dậy
Phải chăng chính nọc độc của kẻ trong cuộc đã tìm cách giải thoát cả hai
khỏi sự trống rỗng, dối lừa từng nhân danh những điều huyền diệu
.”
                                        (Người Thổi Kèn Rắn-Gửi một nhà thơ)

Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm
và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động
Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời,
một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh 
                        (sự chuyển động của cái đẹp)

Trong thơ NQT, “bóng tối” là một ý niệm xuyên suốt hành trình sáng tạo, như một ám ảnh sợ hãi, như một ẩn dụ chứa đựng nhiều ý tưởng của NQT. “Bóng tối” luôn đi với đêm và nỗi sợ hãi. Nhưng “bóng tối” ấy là gì.
Có thể là bóng tối hiện thực Việt Nam (Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Những Ngôi sao đổi Ngôi, à Nộ, Buồn Hơn Cái Chết, Bữa Tiệc Trong Bóng Tối,..).
Bóng tối là quãng đời thăng trầm, lưu lạc nghèo khó của tác giả?
Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối
Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ” 
(Thánh Ca Nhỏ)

“Bóng tối” là ý niệm hiện sinh về cái chết ?
           nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi 
                               (Những con quạ thành phố Karachi).

Nhưng rõ nhất là “bóng tối” mang cảm thức tôn giáo. Thực ra đây là tư tưởng, sự khám phá tư tưởng, trải nghiệm tư tưởng Nhân Văn trong Tân Ước về con đường đau khổ và Phục Sinh. Đây không phải niềm tin tôn giáo như có người ngộ nhận. Điều này không mới, bởi Nikos Kazantzakis (1883-1957) đã từng khám phá tư tưởng này trong Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ) (1951) và R.Tagore (1861-1941) đã thi hóa trong Lời Dâng (Gitanjadi), nhưng ở Việt Nam, thì sự khám phá tư tưởng nhân văn trong Tân Ước là điều thật mới mẻ và táo bạo. Có người đã nhận xét thơ NQT phương Tây hơn phương Đông chính là ở đặc điểm tư tưởng này.
Tân Ước nói đến bóng tối tội lỗi, sự chết, tương phản với ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Đức Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”.. “ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng…”(Ga. 8.12 và 3.19).

“Bóng tối” là tội lỗi, sự chết. Sợ hãi bóng tối là sợ hãi tội lỗi mà con người đã gây ra  đầy mặt đất, sợ hãi nỗi thống khổ phải tự mình vác lấy thập tự, tự mình đóng đi và treo lên. Chính đức Giêsu trong giờ phút cầu nguyện tại vườn ôliu trước lúc bị người Do Thái bắt đóng đinh, Người cũng đã xao xuyến và sợ hãi trong nỗi cô độc đến cùng cực. Luca thuật lại: Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (luc.22.41-44). Tôi nghĩ rằng con người trần gian không biết có ai đã trải nghiệm hiện sinh đến tận cùng thân phận làm người như Giêsu?

NQT đã khám phá tư tưởng ấy của Tân Ước
Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ
Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận
Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này 
…”(Cây Ánh Sáng-đoạn 2)

Có thể coi Cây Ánh sáng là một khúc ca hay nhất của thơ NQT, một khúc ca hùng vĩ tư tưởng nhân văn của Tân Ước về Hiện sinh.

“Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian

Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con …

…Hãy để những giọt máu chảy từ hai bàn tay bị đóng đinh của Người rửa sạch tâm hồn con
Để ánh sáng của Người xua tan trong lòng con bóng tối của kiếp sợ, của tội lỗi, của tuyệt vọng “

5. Cách tân có phải là giá trị của thơ ca?
Trong thơ NQT có bóng dáng của Kafka, R.Tagore, Thanh Tâm Tuyền, Chế Lan Viên, và hồn cốt thơ truyền thống, thơ Lãng Mạn… NQT góp phần cách tân ở thủ pháp ngôn từ. Đó là kiểu thơ kể chuyện, thơ văn xuôi, thơ suy tưởng, dùng nhiều so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngắt quãng, sử dụng một vài thủ pháp của Tượng Trưng và Siêu thực. Nói NQT cách tân là NQT đã thoát hẳn chủ nghĩa Hiện Thực XHCN của thơ 45-75, thoát hẳn kiểu thơ thời kháng chiến chống Mỹ, kể người kể việc, với giọng thơ điệu nói bỗ bã, cho ra vẻ quần chúng. NQT đem vào thơ yếu tố tư tưởng, hình thành kiểu thơ tư tưởng mà trước đó thơ miền Bắc XHCN chưa có. Ở miền Nam (54-75) Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng đã làm kiểu thơ này. Cái mới của NQT là kết hợp thi ca với kiểu truyện tư tưởng của Kafka.
Thơ NQT có nhiều bài hay (tùy theo góc nhìn, cách cảm thụ). Những bài thơ Lục Bát của NQT rất có duyên và có thể tiếp nối lục bát Nguyễn Bính. Tôi đặc biệt thích bài thơ Lễ Tạ ở cái khí vị thơ Thiền mà hiện nay khá hiếm. Những bài thơ tư tưởng của NQT đôi khi cũng lóe lên những ánh sáng riêng có thể ghi được dấu ấn của NQT (Dưới Cái Cây Ánh Sáng, Bầy Cừu, Bầy Trẻ Di Cư, Chiếc Gương, Gửi Một Ông Vua, Lịch Sử Tấm Thảm Thổ Nhĩ Kỳ, Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Thánh Ca Nhỏ, Hồi Tưởng Tháng Ba, Hồi Tưởng Tháng Bảy, Thanh Minh, Bầy Chó Của Tôi, Khúc cảm V,  Thư của một nhà thơ Việt thế kỷ 21 gửi những nhà thơ đời Đường…). Điều có thể nhận thấy rõ là NQT là một nhà thơ có tài, sức sáng tạo của anh thật mạnh mẽ. Ẩn rất sâu bên dưới những câu chuyện ẩn dụ Siêu Thực, nhập nhòa bóng tối và chói lòa ánh sáng, là một tấm lòng yêu thương nhân hậu của một nhà thơ rất đỗi hiền lành và sâu sắc.

1. Đây là bài rút gọn. Xin đọc bài đầy đủ trên Văn Chương Việt:
2. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết :” Bài thơ Linh hồn những con bò là bài thơ đã được đánh giá rất cao ở các nước mà nó xuất hiện. Nó được chọn là 1 trong những bài thơ xuất sắc trong tuyển thơ thế giới do những nhà xuất bản uy tin nhất của nước Anh tuyển chọn. Có thể nó là một cái gì đó đáng giá với cách nhìn của những con mắt khác. Âu đó cũng là lẽ thường tình phải không anh. Nhưng mọi điều chúng ta viết, chúng ta làm đã là của quá khứ rồi. Ngày mai sẽ đến với những câu chuyện khác. Cám ơn anh đã viết một cách kỹ lưỡng và vô cùng nghiêm túc.Kính. NQThieu”(Email của NQT)
(Chép từ http://vanvn.net)

Thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn từ Mẫu gốc - Hồ Thế Hà



Mỗi nhà thơ đích thực, có thân phận và số phận của riêng mình khi bị ám ảnh bởi những hình tượng từ trong hiện thực – nhưng là những hình tượng đã trở thành hữu thức và vô thức, có cả vô thức tập thể mà mình không hay biết để trở thành thi giới lung linh, huyền ảo, làm thành bản mệnh thơ và bản mệnh người, đồng nghĩa với phong cách cá nhân, thi pháp cá nhân – điều mà nhà thi pháp ngữ học Roman Jakobson gọi là chất thơ (poétique) cần phải có ở mỗi thi sĩ. Có thể quy chiếu trường hợp Nguyễn Quang Thiều, theo cách khái quát của chúng tôi, đó là những mẫu gốc (hay còn gọi là cổ mẫu – archétypes) mà nhà thơ cảm nhận và hóa thân thành máu thịt từ thuở ấu thơ cho đến cả hành trình sống, bỗng một ngày chúng bừng thức, cựa quậy trong suy nghĩ, trong những thao thức đêm của anh. Và rồi cuối cùng, chúng hiện lên thành hình hài những con chữ chập chờn, hư ảo – thành tiếng vọng thi ca, thành những hình tượng nổi trội (dominant) của vô thức và hữu thức sáng tạo.
***
Là nhà thơ hiện đại, Nguyễn Quang Thiều đã chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi một thế giới bất an và đầy ám ảnh đối với mỗi hiện sinh đời người, trong đó, nhà thơ là chủ thể thẩm mỹ nhạy cảm nhất, muốn nói lên thành tiếng nói cũng ám ảnh và tổn thương, làm thành vết sẹo trong tâm hồn và tạo thành chấn tích thi ca về một khách thể thẩm mỹ riêng, có sức lay động và day dứt, như là chứng chỉ khai sinh của anh khi trái tim anh lặn sâu vào đáy vực tâm hồn.
Hình tượng mẫu gốc ám gợi nhất trong thơ Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa – nơi chôn nhau cắt rốn của anh, nơi mà anh – với tư cách một nhà thơ đã tự cho phép mình phải tuyên ngôn về nó như một tình cảm và mệnh lệnh tối thượng mà anh gọi là Bản tuyên ngôn của giấc mơ. Tuyên ngôn của anh là bài hát trong đêm lặng thầm chỉ riêng anh đối diện với chính mình dưới “những vì sao ướt đẫm” để được nghe tiếng vọng từ xa lắc của “Những ngọn gió hoang mê dại tìm về”. Cũng lúc ấy, mọi hiện thực đồng hiện, tương giao:
Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức một mình
Và đặc biệt là dưới ngọn đèn dầu có sức ám gợi tuổi thơ anh – ngọn đèn do ông bà anh, cha mẹ anh để lại mà anh gọi là: “Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn/ Thuở tôi vừa sinh ra/ Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi/ Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc”. Lửa đèn, ngọn lửa như G. Bachelard đã ám ảnh và mộng mơ, giờ xao động trong tâm tưởng Nguyễn Quang Thiều. Lửa đèn leo lét gợi nhắc niềm mộng mị, sự cô đơn, khắc khoải. Lửa đèn tự do nhưng quầng tụ thành ngọn, thành một cái gì đó cố định, để chóng lại sự rét mướt và xua tàn bóng tối. Đó là ngọn lửa của làng Chùa - một phần bản mệnh cuộc đời anh. Mẫu số chung của thơ Nguyễn Quang Thiều chính là cái làng Chùa – mẫu gốc của sáng tạo thơ, bừng ngộ thơ nơi anh. Làng Chùa trở thành niềm sầu xứ (nostalgie) khôn nguôi, cứ kéo dài mãi trên hành trình yêu thương và hoài vọng. Cố hương là bài ca bất tận, là báu vật có tên gọi nỗi buồn đồng hiện trong thơ:
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy ròng ròng
Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi.
(Bài hát về cố hương)
Mẫu số chung làng Chùa lặp đi lặp lại thành những ám ảnh thơ, hình tượng thơ đa phân trong thi giới Nguyễn Quang Thiều. Đó là những cánh đồng, khu vườn, là ông bà và bố mẹ, là thế giới của côn trùng và loài vật, cỏ cây hoa lá, là những người đàn bà quê tần tảo và những đứa trẻ dáng nâu, là dòng sông Đáy dạt dào trong tâm thức, là những bãi tha ma và nấm mồ hoang lạnh,… Đó chính là thế giới hiện thực hiển minh và trầm tích, làm thành văn hóa, phong tục trong thơ Nguyễn Quang Thiều để bật lên thành tiếng gọi: “nỗi buồn – báu vật cố hương tôi” mà anh nguyện suốt đời canh giữ như một sở hữu, một mẫu thiêng, một hoài hương vĩnh cữu.
Dòng sông Đáy là ám gợi da diết, dòng sông chảy trong tâm thức làng Chùa mà Nguyễn Quang Thiều đã tắm suốt tuổi thơ, tắm cả trong những giấc mơ mộng mị. Để giờ đi xa còn nhói buốt những nỗi buồn:
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.
Dòng sông như khúc ruột của làng. Nước sông xanh mát, tưới thắm ruộng đồng. Nước bao giờ cũng vậy, mềm dịu, nhẹ nhàng. Nước đàn bà. Nước ẩm ướt. Nước nuôi dưỡng linh hồn người. Nước khởi thủy là nước ối trong lòng mẹ. Nước làng Chùa từ cội nguồn sông Đáy lặn sâu vào lớp đá ong chảy mát xanh như suối lệ trong hồn Nguyễn Quang Thiều. Hơn thế, sông còn là nơi hò hẹn, là nơi tình yêu đầu đời khẽ rung lên những dư chấn nhẹ nhàng và xốn xang lồng ngực. Vậy mà ngày trở lại làng Chùa, dòng sông như quặn đau trong mắt người xa xứ, bởi vì em đã sang ngang, những bãi bồi đã khác. Và “Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi/ Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt/ Tôi khóc/ Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng” (Sông Đáy).
Vậy là, xuất phát từ làng Chùa, Nguyễn Quang Thiều đã có nơi bám víu và nương tựa để liên tục gọi về những ký ức quê hương, những trầm tích của tâm hồn mà tôi gọi là những tái sinh từ mẫu gốc. Đó là người bà bất hạnh, người đánh thức những vô thức tuổi trẻ trong anh, để giờ nó bật lên thành tiếng nói thi ca, thành tâm thức sáng tạo như anh đã thú nhận trong Thay lời tựa của tuyển tập Châu thổ “Những câu chuyện được bà tôi kể liên miên trên giường bệnh trong suốt bốn năm lại không chỉ kể về bà tôi mà còn kể về những câu chuyện ám ảnh và trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đời sống tinh thần của người. Bà tôi không hề có ý mù mờ hoá quá khứ của mình. Ngược lại, bà tôi đã dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình. Hiện thực này, theo tôi, nó giống như hiện thực của một bài thơ […] Có một lần tôi đã nói rằng, bà tôi - một nông dân không biết chữ - là nhà văn đầu tiên và vĩ đại của tuổi thơ tôi […] Và qua chính giọng nói ấy của bà tôi, tôi đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của tôi. Một đời sống mà chẳng bao giờ mất đi như ta tưởng. Một đời sống làm chúng ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ. Một đời sống đã hoá giải dục vọng của chúng ta. Nó đôi lúc mang đến cho tôi một cảm giác nếu tôi chém vào không gian một nhát dao thì ở đó một cái cây trong suốt bị đổ gục, một ngón tay trong suốt bị đứt lìa… Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra”. Tôi gọi đó là cứu cánh, là bệ đỡ và là bảo hiểm của thơ Nguyễn Quang Thiều hay có thể gọi là mẫu gốc tâm hồn để anh đồng hiện thành thế giới hình tượng làng quê bền vững nhất. Những cánh đồng rau khúc, những con đường phù sa, những triền sông ngô cỏ và bao hình ảnh khác hiện về cho anh bật khóc: “Không có gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng rau khúc/ Sương dâng hơi chõ xôi mùa cuối của bà tôi/ Những con chuột đồng ướt át và run rẩy gọi tôi/ Về xứ sở những lùm dứa dại”. Vậy là, từ hình ảnh người bà, hiện lên bao ký ức làng quê, là chứng chỉ thời gian bền vững và trầm lắng nhất: “Tôi khóc những ngón tay bại liệt của bà tôi không bao giờ chịu tự sát/ Tôi khóc những miếng bánh nóng như một cái lưỡi rơi vào bếp tro bụi bặm/  Tôi khóc những mùa rau khúc thiêng liêng phủ đầy mưa xuân như phủ đầy cám nếp/ Nơi mãi mãi giấu vùi hơi thở của bà tôi”. (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Và hệ hình lây lan từ người bà là người mẹ tảo tần, thương cảm của đời anh, cũng lại đặt trong liên hệ với quê hương, với cát: “Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi” (Sông Đáy).
Ta đi qua tháng mười, ta đi qua tiếng gọi buổi chiều của mẹ
Mây trời vun lên những đống rơm khô
Dấu chân ta xóa dấu chân chú bê vàng lạc mẹ và dấu chân chú bê vàng xóa dấu chân ta
Khi bóng đêm vụt đứng chặn trước ta, ta vội quay lại tìm dấu chân mình
Òa khóc
Ta tin có một mụ phù thủy đã biến ta thành một chú bê
(Tháng Mười)
Chẳng còn mẹ và cũng chẳng còn cha cho anh gục mặt khóc một trận đã thèm. Hình ảnh người cha cũng thành ám ảnh thời gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều: “Bao năm sau cha trở về tóc trắng”, và ở đó “Tóc cha trắng một tiếng cười ngửa mặt” (Tiếng cười). Có gì nghẹn đắng và uẩn súc lắm!
Và rồi, người cha cũng đã hư vô trước chén trà của đứa con nhiều lỗi lầm tuổi nhỏ: “Cha!/ Con có tội một lần một chiều xưa nói dối/ Con mang tội suốt đời lời nói thật sáng nay”. Để bây giờ, trong thinh lặng, không sao chuộc lại dại khờ.
Con sao tìm lại ấu thơ
Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên
Con từng ba dại bảy điên
Chén trà con rót tràn miền đắng cay
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Chén trà, con có gì hơn
Mời cha rồi muốt tủi hờn sau cha
Thưa cha, con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con
(Dâng trà)
Thơ Nguyễn Quang Thiều là thế giới của hồi tưởng và đồng hiện, với cách thế, anh mới tìm lại thời gian đã mất (à la recherche du temp perdu) của chính mình. Qua sự vực dậy những ký ức ấy, anh mới thức nhận về quê hương một cách bừng ngộ và thiêng liêng, chân thành nhất. Đặc biệt là những người đàn bà mang thiên tính nữ cao đẹp trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ là những người gắn bó với quê hương, sông nước và cỏ hoa, gắn với những gì đồng nghĩa với sự thủy chung, dạt dào và tái sinh mầu nhiệm. Chúng là những biểu tượng lâu đời nhất, giống như những thần thoại, cổ tích - những mẫu gốc làm nên sự sống bền vững và nhân bản của cõi người. Giờ trong ký ức chập chờn nguồn cội, anh như thấy những người phụ nữ ấy hiện về nguyên vẹn sau nửa đời lưu lạc, di thê.
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi lăm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.
(Những người đàn bà gánh nước sông)
Thế mà những thế giới buồn và nhức buốt ấy lại có khả năng hóa giải mọi bi ai để trở thành hiện thực nặng nhọc, trì hoãn mọi vật. Cái đẹp trở nên buồn và đắng như hạnh phúc: “Gió lạnh lồng lộng bốn phía chân trời/ Con bò nguyền rủa con đường quá dài/ Người đàn ông nguyền rủa con bò đi quá chậm/ Người đàn bà lặng lẽ quàng lại khăn/ Che bớt gương mặt” (Cái đẹp).
Và nhà thơ chỉ còn biết vọng trời cao để cho nỗi buồn có chỗ trú ẩn dưới sao trời.
Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa
Ta như hai đứa trẻ non mềm vừa mới sinh ra
Với hơi thở của người vừa ốm dậy
Ta ôm nhau ngước mắt gọi sao trời.
(Những ngôi sao)
Tôi xin trích lại ý kiến của Charles Simic (nhà thơ Mỹ, Giải Pulitzer 1990) mà Nguyễn Quang Thiều tâm huyết đặt trong Thay lời tựa của tuyển thơ Châu thổ: “Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ”. Thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều là những khoảnh khắc ấy. Chúng không phải là những số cộng giản đơn mà là tan hòa, chuyển hóa trong nhau để thành chất thơ riêng.
Có một biểu tượng nhức nhối khác gắn với quê hương, gắn với làng Chùa là Đất, có khi anh gọi là Đất đai hay Châu thổ cũng thế. Tôi gọi đây cũng là cổ mẫu then chốt, ám ảnh để nhận ra chất thơ riêng của anh. Đất trong thơ anh cũng lạ và được nhìn ngắm từ cội nguồn văn hóa làng quê: “Đất nâu thẫm hắt lên rười rượi/ Mưa luênh loang, ngây ngất đáy chiều” (Cánh đồng).
Trước trái đất đang nóng lên từng độ
Và trái tim con người cứ lạnh dần đi
Thì tôi phải cần em, cần bạn bè cây lá
Cần có một quê hương để được trở về mình
Tôi cần có những đêm gần sáng
Để thấy chính mình soi bóng xuống suy tư
Tôi như tan vào đêm cùng vỏ cây, trăng gió
Lưỡi tôi chạm không gian gặp vị máu của mình
Máu tôi chảy lâm râm trên đất
Trên mặt người trên mặt những câu thơ
Ôi dòng máu cũng thác ghềnh, vực xoáy
Có cánh buồm trôi trên dòng máu đỏ ngầu
(Đêm gần sáng)
Có một biểu tượng đáng chú ý nữa trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là nấm mộ. Nấm mộ như biểu tượng về mặc cảm chết (complexe de mort)  trong thơ anh, nó có liên quan đến thế giới hiện sinh, những ám ảnh về sự ra đi, sự tan rã vào đất đai, cây cỏ và hư vô.
Chúng ta th­­ường chăm sóc những ngôi mộ
bằng nỗi sợ hãi và tiếc thư­­ơng
Nh­­ưng ít ng­ư­ời chúng ta nhìn thấy
cỗ xe tang lộng lẫy
Trong tiếng trống t­­ưng bừng
Làm thần chết cũng hết phiền muộn
Và tên tuổi chúng ta đư­­ợc khắc
Trên phiến đá lặng im
Lấp lánh và uy nghiêm
Nh­­ư tên các vị thánh
(Thay lời nguyện cầu)
Qua thơ, Nguyễn Quang Thiều đã lưu giữ hồn quê và văn hóa làng quê, làm hiện lên những trầm tích văn hóa vừa tâm linh, vừa phong tục vừa xã hội mà không phải lúc nào, ở đâu, con người cũng nhận ra một cách day dứt, nhất là quá khứ ấy lại là quá khứ nhọc nhằn, lam lũ của một thời không xa lắm của xã hội Việt Nam trong những năm gian khổ, vừa thoát khỏi những ràng buộc của xã hội thực dân nửa phong kiến và chiến tranh dai dẳng.
Trong dòng chảy của đời sống đô thị hiện đại, cả nông thôn và thành thị đều có những thay đổi đa chiều. Những điều tốt đẹp có khi bị ẩn chìm dưới lớp vỏ màu mè, xa lạ, con người không kịp nhận biết về những phân hóa và tan rã của xã hội hiện đại. Trước dòng thời gian cuộn trôi chóng mặt ấy, Nguyễn Quang Thiều đã sâu sắc nhận ra bước ngoặt chuyển mình của hiện thực đời sống và hiện thực tâm lý. Và thơ là hình thái phản ánh chân thật, triết lý và sinh động nhất, thông qua những đối lập, va chạm và phát hiện mới mẻ của nhà thơ, bằng ngôn ngữ cũng giàu hàm ngôn và diệu vợi nhất. Hồn cuộc sống được vực dậy từ những ký ức gần và ký ức xa. Có thể xem Gọi hồn là bài thơ khái quát nhất cho cảm thức về hiện thực mới này.
Dưới ánh sáng những vầng mây mùa đông
Bên những ngôi nhà cao tầng vừa thở dốc vừa chống gối đứng dậy
Bên những quán đang đổ rượu mê man vào một miền khô trụi
Những đám cỏ vô tình được cứu sống dạt vào nhau
Tôi mang cơn mơ nham nhở của màu xanh
Suốt tuổi thơ không hay cỏ từng ngày bị săn đuổi
Những con dế bật càng xa, xa mãi
Mưa giêng hai góa bụa khóc sang hè
Tôi đi qua cái chết của màu xanh với 30 năm vừa rũ chiếu vừa khóc
Tôi đi qua những kẻ sát nhân đang bắn vào hơi thở
Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một cỏ
Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm
Chiều nay trên đại lộ bê tông xuyên vào thế giới cuối cùng của cỏ
Một con ngựa trắng đi cúi mặt, rũ bờm
Cỗ xe tang chở cái chết của màu xanh với hai cánh mũi lên cơn sốt rát bỏng
Và tất cả những vệt cơ đang rung lên tiếng hí gọi hồn.
Trong quan hệ phức hợp của đời sống hiện đại, những kinh nghiệm quan hệ mới sẽ xuất hiện trong thơ, giúp con người thức nhận lại cả quá khứ và hiện tại. Điều này được thông diễn học hiện đại gọi là sự vẫy gọi của văn bản, làm cho người tiếp nhận hiểu sâu sắc hơn giá trị của thi phẩm. Nguyễn Quang Thiều là người trải nghiệm và nâng chúng lên thành tư tưởng thi ca. Anh đã bổ sung vào thi giới của mình hiện thực mới nhưng cũng trên cái nền và những ám ảnh mẫu gốc bản chất của thơ anh như đã tìm hiểu. Những quan sát trực quan của anh về xã hội hiện đại nước ngoài, giúp anh có cơ hội nhìn thấu thị xã hội hiện đại Việt Nam, từ góc nhìn tham chiếu, cải biên mẫu gốc. Một khúc xạ hay một đứt gãy ở một nước phương Đông vừa ra khỏi chiến tranh, trong quá trình dựng xây và tiếp xúc với văn minh đô thị thế giới sẽ có cách riêng của mình. Và dĩ nhiên không tránh khỏi những bất cập. Nguyễn Quang Thiều đã đối sánh với những gì mình nạp được từ bản chất cuộc sống hiện đại để nghĩ suy và thức nhận chúng thành tiếng nói thi ca, để hiện hữu làng quê trong sự cảnh báo và níu giữ, trong bất an và minh triết của niềm tin. Những cuộc ra đi cũng chính là cuộc trở về trên hành trình tâm linh sự sống của Nguyễn Quang Thiều càng xác tín một đức tin thi ca dành cho cố hương anh là sâu nặng, bền vững biết chừng nào!
Nhìn trái đất, anh sẽ nghĩ về sự kết thúc và nối tiếp như một quy luật. Và con người cũng không thể khác: “Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự bóc vỏ/ Con trai ơi, con sẽ sinh lại cùng ngày với cha “. Và:
Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự nghiền hạt
Con trai ơi, con sẽ sinh lại cùng ngày với tổ tiên con
(Lời trăn trối của tương lai)
Mọi vự vật, hiện tượng đều phải tự bóc vỏ để sinh thành, mọi nỗ lực đều phải chiến thắng những phi lý, nghịch lý và vô nghĩa, bởi con người là một sinh tồn có điều kiện, nếu con người không tự buông xuôi trước sự xâm thực, sự rạn vỡ của vũ trụ - một cảm thức hậu hiện đại xuất hiện trong thơ anh. Và anh đã viết khác như anh tâm sự ” Viết là cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc”. Viết, với anh còn là “bởi khát vọng được giải tỏa. Chống lại sự giống người khác”. Và cả giống lại mình.
Ta thức giấc khi mặt trời chạm vào mặt biển
Và ngoi lên mặt nước
Vây tóc ta bạc trắng
Ta cất tiếng gọi bến bờ của ta bằng tiếng cá
Trong hoàng hôn nước màu huyết dụ
Có một bài ca lưu lạc tìm về
(Xô-nát hoàng hôn trên biển)
Ngay cả trong những nghịch lý của cuộc sống - có thể giả tưởng như vậy - khi không còn những quan hệ hiện thực như vốn có, mà chỉ toàn là nghịch lý, nghịch dị và siêu hình thì một nghịch đảo khác lại hiện lên. Và sự hồi sinh sẽ lại bắt đầu. Thơ Nguyễn Quang Thiều ám ảnh đến triết lý về những điều nghịch lý như thế để chúng ta hiểu trong tận cùng tuyệt vọng thì sự sống lại tự bóc vỏ hồi sinh.
Những cây khô đang cầu kinh cho lá mới
Những ngọn cỏ hát ru đám mây ngũ sắc vô sinh
Những bông hoa bày ra khao khát để che đậy những khao khát
Những dòng sông làm u mê từng luồng cá chép
Ánh sáng trắng đang tìm giấy khai sinh lần thứ nhất của mình
Khúc vòng con đường đang lắc lư trong cơn say
Trong đói khát, kinh hoàng và trong thánh thiện
Con đường trắng đang xếp hành lý của mình trong mắt người chờ đợi
Máu đã thức dậy, liếm mặt như mèo già và rướn chạy
Trong tiếng hú tru của máu và nước bọt
Ta nhìn thấy cái đuôi của bí ẩn thò ra.
(Một phép nghịch đảo)
Sự sống bao giờ cũng bắt đầu bằng âm thanh của chính từng sự vật, hiện tượng. Với con người, đó là tiếng khóc chào đời, là giọng nói, đồng nghĩa với sự sinh sôi, như những Nhịp điệu châu thổ mới - tên một bài thơ mà anh đã nhiều lần ẩn dụ, hoán dụ và tượng trưng từ những mẫu gốc làng Chùa.
Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé
Những quả đồi tự xưng tên tuổi thật của mình
Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối
Thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan
Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình
THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI
Giống như những cơn mưa tuyết đổ xuống “lộng lẫy như lời cầu kinh” để hiện dần lên trong đêm “những ngọn núi”, “những ngọn cây”, “những mái nhà”, “những ống khói”… Và rồi mọi vật tưởng bất động, trở thành âm bản. Vậy mà sự sống vẫn ủ mầm chờ đợi sự tái diễn niềm vui, dù khoảnh khắc tuyết có thể vẽ lại thế giới trong mắt nhìn của nhà thơ.
Đổ xuống, tuyết vẽ lại bản đồ thế giới
Và dưới tấm bản đồ trắng kia, vĩnh viễn viện bảo tàng
(Và màu trắng)
Trong mạch cảm quan triết luận về cuộc sống hiện đại này, Nguyễn Quang Thiều có rất nhiều bài thơ hay và độc đáo, trước hết ở tứ thơ, sau đến là ở cách kiến trúc thời gian và không gian cho bài thơ. Bài ca những con chim đêm là một tiêu biểu. Tác giả đã nhìn thế giới bằng giả tưởng và ảo ảnh, ảo giác rằng tất cả mọi vật chỉ còn lại duy nhất là chính nó trong độc lập nhất thể và mất liên hệ với chung quanh. Vậy là nỗi buồn vây phủ. Không gian, thời gian nhạt nhòa, như có như không, vô định và bất ổn. Nhưng bỗng có tiếng con chim đêm vọng lại trong mờ mịt đen đã “xối vào không gian như máu ngập tràn”. Tiếng vọng ấy đã hóa giải mọi bi thương.
Còn một tiếng, con chim đêm, đập cánh và vọng xuống rền rĩ
Bài ca của trời xanh bị thương trên đôi cánh của mình
Còn một tiếng rống lên làm hoảng sợ những vòm cây
Làm phụt tắt ngọn đèn quán ăn khuya hết khách
Làm bật tung những răng sâu, làm mở toang cánh cửa
Làm lưỡi câu nơi đáy hồ xúc động run lên.
Rồi mọi vật bỗng hiện dần lên lạnh lẽo, rõ dần như chính số phận an bày như thế. Và liền sau đó, mọi vật tiếp tục biến ảo và bất ổn, hỗn loạn, như những tại họa đang rình rập - một thế giới của cõi âm hiện lên như những oan hồn thở than và run rẩy, có cả lịch sử và con người đang nhìn sâu, ang thang trong quá khứ của mình. Rồi tiếng những con chim đêm tiếp tục vọng lại gấp gáp hơn, rõ và vang hơn, mọi vật lại tiếp tục biến động từ ảo giác, ảo ảnh trở về với hiện thực - một hiện thực đầy khát khao và ánh sáng, hiện hữu và hồi sinh.
Ngước nhìn lên và nhận thấy con đường
Từ xóm nhỏ chạy tới đỉnh đồi sáng lên như một vệt phấn
Người đàn bà câm mang thai, bỗng đẹp lên như một thiên thần, lặng lẽ bước đi
Hai bàn tay đặt dịu dàng lên cơn đau, và mỉm cười lướt hàm răng sáng
Người đàn bà câm đi qua những ngôn từ nguyền rủa
Những ngôn từ khiếp nhược và lừa dối ngày ngày trên đầu lưỡi chúng ta
Câm lặng xòe hai bàn tay phủ che lên mênh mông của nỗi đau chờ đợi.
Và từ căn phòng đèn quên tắt của đôi tình nhân đến từ thành phố
Từ bờ dốc sỏi làm trượt chân con chuột ăn đêm
Đến ngôi nhà cuối cùng trong thị trấn bị lãng quên
Và xa nữa, người nông dân chờ chết và con bò chờ chọc tiết
Cả chiếc dao mũi nhọn đang nguyền rủa sứ mệnh của mình
Và tận cùng đáy nước, chiếc lưỡi câu vứt đi mẩu mồi cuối cùng run lên thổn thức
Đều nghe thấy trong ánh sáng ngôi sao rực rỡ
Trong tiếng bầy chim đêm vang vang những tiếng chuông vàng
Giọng nói của đứa bé trong bụng người đàn bà câm cất lên rền rĩ:
MẸ HÃY MANG CON LÊN ĐỈNH ĐỒI
Chính lúc này, nhanh hơn tiếng sấm, nhanh hơn cả tia chớp, chúng ta nhìn thấy
Con đường và số phận dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi.
Nằm trong mạch thi pháp này, Nguyễn Quang Thiều đã thống nhất và đa dạng hóa thế giới hình tượng. Vì vậy mà người đọc khó tiếp nhận ngay lập tức những thông điệp đa phân, biến ảo của thơ anh. Tôi gọi đó là kiểu tư duy tự động tâm linh, viết theo dòng ý thức ảo hóa – thi pháp hiện đại thế giới, nhưng ở Nguyễn Quang Thiều mãnh liệt và ám ảnh mạnh mẽ hơn do cơ chế tâm lý tự vệ của anh đối với những gì sâu đậm nhất, nhưng có nguy cơ tan rã, phân hóa của quê hương làng Chùa chôn nhau cắt rốn của anh. Những bài thơ như Sau bậc cửa ngôi nhà vô hình, Bản tuyên ngôn của giấc mơ, Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ, Nhịp điệu châu thổ mới, Tiếng chó và những ngôi sao, Cây ánh sáng, Mười một khúc cảm…là những thao thức và thường nghiêm sâu sắc, thiêng liêng nhất của anh đối với quê hương mà ở đó là thế giới những con người và thế giới thiên nhiên, loài vật gần gũi, cụ thể của làng Chùa: “Và đêm ấy trong những căn phòng cách xa như sự sống và cái chết/ Chúng ta kiệt sức trong chăn chiếu lụi tàn/ Nhưng một ngôi sao xa xôi bên ngoài ô cửa/ Suốt đêm không hề tuyệt vọng đợi chúng ta thức dậy” (Bên ngoài ô cửa). Bởi vì:
- Còn một hạt giống là còn cánh đồng
- Còn một giọt nước là còn dòng sông
- Còn một người có đức tin là cả thế gian được cứu rỗi
Thi giới Nguyễn Quang Thiều, vọng lại rất nhiều âm thanh - âm thanh của gió, của mưa, của các loài côn trùng, gia cầm, gia súc, âm thanh của dòng sông, của sóng biển, của hoa lá, của tiếng điện thoại, có cả tiếng tru đêm của cõi nào xa lắc vọng lại: “Chúng ta lớn lên bởi âm thanh, bởi nỗi sợ hãi/ Bóng tối bồi dần vào ánh sáng phì nhiêu” (Ngôn ngữ tháng tư). Cho dù vậy thì mặt đất và con người vẫn cần có âm thanh hơn là âm thanh cần cho chính nó. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều vang lên âm thanh của con người – tiếng khóc, tiếng than, tiếng cười, giọng nói, có cả tiếng của tiền nhân từ cõi âm vô thức vọng lại. Đấy phải chăng là những giọt nghĩ trong thinh lặng ùa về như những thế giới ước mơ tương hợp tình yêu, sự sống và những khát vọng người muôn thuở từ thuở hồng hoang? Dù cuộc sống hiện đại có đánh thức những nỗi buồn thì con người cũng sẽ tự nghe âm thanh cuả chính mình để chống lại sự im lặng đến rợn ngợp.
Chuông điện thoại réo vang
lúc ba giờ sáng
Tôi tỉnh giấc ra khỏi gi­­ường
lần mò đi qua một thế giới đồ đạc
Thành phố câm lặng như­­ tất cả
Đã bỏ đi từ đêm qua
Chỉ còn những đám mây khổng lồ
Bò trên những mái nhà cao tầng
Tôi mang cảm giác bị bỏ quên
Tất cả vội vã ra đi
Như­­ bầy kiến tiên đoán cơn lụt lớn
Và không một ai nhớ
Để đánh thức tôi
Chuông điện thoại vẫn vang lên bền bỉ
Tôi nhấc ống nghe
Và từ đầu dây bên kia ở nơi nào xa lắc
Tôi lại nghe chính giọng nói của mình.
(Tiếng gọi)
Một bức tranh sinh động đang diễn ra, có gì rờn rợn, dù đó là hiện thực của bầy kiến trong đêm đang sinh tồn theo tính năng của chúng. Ở đó, có chú dế mèn hạnh phúc đang hát bài ca cỏ xanh. Những đối lập bản thể ở đây nói lên điều gì? Sự đấu tranh sinh tồn của thế giới loài vật có gì khác với thế giới con người? Thơ Nguyễn Quang Thiều bao giờ cũng tác động vào lý tính trước khi tác động và tình cảm của người đọc là vậy.
Trên mảng tường ẩm mốc
Bầy kiến lang thang theo tri giác của mình
Con đường kiến – miên man cơn sốt
Những con kiến tí hon với cái đầu vĩ đại
Đi về đâu những điều đúng trong trăng
Đi về đâu những điều sai trong trăng
Và ôi, con dế mèn lãng du
Hãy vì đồng loại mày trong đêm mê dại này mà đừng vuốt râu
Chiếc đàn hình lá cỏ
Bài ca xanh ngập ngụa lối mòn.
(Dưới trăng và một bậc cửa)
Con người hiện đại hầu như quan tâm nhiều về thời gian. Vì thời gian chính là giá trị vật chất lẫn tinh thần. Con người dễ trở thành tù nhân của thời gian, nếu họ không tích cực đoán đầu thời gian để tồn tại có ích. Nguyễn Quang Thiều ám ảnh thời gian, cả thời gian thường nghiệm và thời gian tâm lý. Tất cả hình như nó đang vụt trôi nhanh đến nỗi con người không kịp nhận ra những moment sống trong từng hồng cầu của mình. Anh đối chiếu và liên hệ với thế giới chung quanh để nhận thức thời gian “Không giờ/ Không phút/ Không giây/ Điểm chết thời gian/ Đo bằng hơi thở linh hồn …/ Không giờ/ Không phút/ Kém một giây…” (Con bống đen đẻ trứng).  Đơn vị tính thời gian, với Nguyễn Quang Thiều không phải là giờ mà là phút, là giây, thậm chí ít hơn thế nữa. Tiêu đề những bài thơ của anh như: 0h17’, 0h7’, 10h13’, 14h43’, 17h43’… là sự ý thức chiếm lĩnh thời gian của những con người biết sống, biết sự hủy diệt và tàn bạo của thời gian là ghê gớm như thế nào! Con người thời hiện đại không thể tồn tại và hành động theo tuyến tính thời gian mà phải có tư duy và ý thức vượt thoát và đảo tuyến thời gian để phù hợp với từng trạng thái và hoàn cảnh của từng chủ thể hiện sịnh. Nhìn chiếc áo của con, anh càng sốt ruột “Chiếc áo sơ sinh của con ta phơi bày ra đó/ Cái mỉm cười nhạo báng của thời gian” (Khúc cảm VI). Con người ý thức về thời gian bao nhiêu thì họ càng phải sống không phải bằng thời gian khách quan, thường nghiệm nữa. Mà chính là thời gian của từng giọt máu đỏ tươi, có khi nhập vai sống đồng thời (simultané) với thời gian của thế giới tự nhiên chung quanh mới mong chiến thắng thời gian khách quan để tồn tại có ích.
Tôi là con chim thay lông muộn và đang tập giọng bằng cặp mỏ mềm còn ứ đầy máu loãng
Trong niềm rời rạc hân hoan của nhịp trống chân trời
Đợi bài ca sinh ra từ những hạt cơm vương trong chân cỏ dại
Từ quả trứng buồn vừa bóc vỏ thời gian
(Bài hát)
Thời gian còn là chứng tích trên từng hiện vật u trầm, trên từng nhịp thở thổn thức trong đêm, là giấc mơ đồng hiện những mảnh vỡ ký ức để hoàn nguyên những cảnh vật thân quan, cứu vãn sự trôi chảy của dòng đời tất bật và vô tận. Đó phải chăng là sự đồng hiện để cứu vớt những cổ mẫu: đất, lửa, nước, máu … đã nhạt nhòa?
Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ
Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ.
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng
Phù sa nhiễu dài – MÁU – chầm chậm và rên rỉ
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, ban mai túa đầy
Mí mắt tôi bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.
Trộn máu vào phù sa, trộn ban mai vào hòang hôn, tôi nặn chiếc bình gốm
Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa
Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn
Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ
(Chiếc bình gốm)
Cao hơn nữa, thời gian đã kiến trúc thành ý thức sống tích cực, nối liền cõi thực và cõi hư vô. Phải vậy không mà người phụ nữ góa bụa có thể sống bằng niềm vui của người yêu đã khuất để được an ủi, vỗ về trong hiện thực trần thế: “Người hàng xóm góa chồng/ Trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình” (Hồi tưởng tháng giêng). Đó là triết lý hiện sinh xuất phát từ trực giác và tâm linh mách bảo để nối liền cõi dương và cõi âm, giữa hiện thực và huyền bí. Chúng tôi cũng bắt gặp những phiên bản mẫu gốc đã trở thành những biểu tượng ám ảnh trong thơ anh giai đoạn sau như thánh đường, con quạ, ngọn đồi… mà chúng tôi chưa kịp tìm hiểu, để may ra, có thể giải thích sự tương liên văn hóa nào giưa phương Đông và phương Tây hay không? Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng ta liên tiếp bị ám ảnh về những biểu tượng như thế.
***
Thi giới Nguyễn Quang Thiều, đó là sự tích hợp theo kiểu tư duy tương hợp (correspondant) - tương hợp những âm thanh, màu sắc và hình tượng, thông qua thế giới ngôn từ cũng đầy nội lực, biến ảo, lại được thể hiện qua kiểu tư duy phức hợp vừa hiện thực, lãng mạn; vừa tượng trưng, siêu thực, vừa hiện đại, một phần hậu hiện đại, duy cảm kết hợp duy lý, càng về sau tăng cường yếu tố tâm linh, tính dục, ảo giác… tạo thành chỉnh thể nghệ thuật đa phân, lạ hóa, khó nắm bắt ý nghĩa ngay lập tức. Tất cả, theo tôi lại được tư duy bằng hình tượng mẫu gốc làng quê nên luôn đa phân, biến ảo. Vì vậy, nhiều người cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều ảnh hưởng thơ Tây và khó hiểu. Tất cả lại được anh viết bằng lối dồn dập hình ảnh, ngôn ngữ, bằng liên hoàn những đoản khúc, những bài thơ dài nên người đọc có mệt trí và khó bắt kịp cấu trúc chỉnh thể văn bản. Đó có thể xem là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhưng theo chúng tôi, nếu bình tâm đọc và chiêm nghiệm thì không phải như vậy, bởi thơ anh hoàn toàn mang tâm thức Việt, khung cảnh Việt, tâm hồn Việt, cao hơn là văn hóa Việt, thông qua những hiện thực tâm trạng và hiện thực làng quê Việt mà tượng trưng là làng Chùa quê anh nên thật sự đánh thức tâm hồn những người nhà quê trong mỗi chúng ta như cách nói của Hoài Thanh khi nhận xét về thơ Nguyễn Bính cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhưng ở Nguyễn Quang Thiều cao hơn, hiện đại hơn, nghệ thuật hơn nên có sự phân hóa trong người đọc là điều dẽ hiểu. Thơ anh tạo ra nhiều kiểu đọc, nhiều văn bản trong tiếp nhận. Và vì vậy, cần đến những nhà phê bình chuyên nghiệp - đồng sáng tạo tài năng mới mong chỉ ra đúng những thành công và hạn chế một cách có căn cứ. Vì vậy mà trong bài viết ngắn này, chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở nhận diện ban đầu về thành tựu thơ của một tác giả có nhiều cách tân mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng tích cực đối với thế hệ nhà thơ trẻ sau 1975. Nhiều đặc điểm thi pháp đặc sắc khác trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đặc biệt là thi pháp hình thức như ngôn ngữ, giọng điệu hoặc từ góc nhìn văn hóa học, phân tâm học… sẽ có những tiểu luận, những công trình dài hơi khác đề cập mới mong giải mã hết giá trị những ẩn ngữ, ẩn hình và ẩn tứ của thơ anh.
Vỹ Dạ, tháng 4 năm 2012

HTH
hãi trên con đường phủ đầy bóng tối.
Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ
và ánh sáng của Người tràn ngập trong con.
                                    (Thánh Ca Nhỏ)
Tháng 7. 2012
_____________________________________

1. Đây là bài rút gọn. Xin đọc bài đầy đủ trên Văn Chương Việt:
2. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết :” Bài thơ Linh hồn những con bò là bài thơ đã được đánh giá rất cao ở các nước mà nó xuất hiện. Nó được chọn là 1 trong những bài thơ xuất sắc trong tuyển thơ thế giới do những nhà xuất bản uy tin nhất của nước Anh tuyển chọn. Có thể nó là một cái gì đó đáng giá với cách nhìn của những con mắt khác. Âu đó cũng là lẽ thường tình phải không anh. Nhưng mọi điều chúng ta viết, chúng ta làm đã là của quá khứ rồi. Ngày mai sẽ đến với những câu chuyện khác. Cám ơn anh đã viết một cách kỹ lưỡng và vô cùng nghiêm túc.Kính. NQThieu”(Email của NQT)
(Chép từ http://vanvn.net)
-

THAM LUẬN CỦA TRẦN MẠNH HẢO GỬI HỘI THẢO THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU



Nguyễn Quang Thiều và Trần Mạnh Hảo (Ảnh trên mạng)
NTT: Anh Trần Mạnh Hảo vừa gửi cho tôi bài tham luận. Có lẽ anh gửi lạc địa chỉ, vì tôi không tham gia ban tổ chức hội thảo. Nhưng anh nhờ đọc và đăng, thì chiều vậy. Ai cũng biết giọng tham luận của anh Hảo luôn gây sốc. Giờ có sốc thì người ta mới đọc. Trong tham luận này, anh Hảo bỏ bom nhiều người chứ không chỉ anh Thiều. Vậy, tôi đăng lên để mọi người cùng biết mà “bom” lại nhé.

VỀ TRƯỜNG PHÁI THƠ “TÂN…CON CÓC” CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU 

TRẦN MẠNH HẢO
(Tham luận của TMH gửi cuộc hội thảo: “Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại” do Viện Văn học tổ chức sắp tới) 
Có thể nói, trong làng báo, làng văn ở ViệtNamhôm nay, Nguyễn Quang Thiều là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất. Về sự đa tài của ông Thiều (nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch bản điện ảnh, họa sĩ, nhà dịch thuật văn học…) chỉ kém trung tướng Hữu Ước (nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà điện ảnh, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh…)
Riêng về thơ, Nguyễn Quang Thiều đang được các nhà “Thiều học” ca ngợi còn hơn cả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương; rằng Nguyễn Quang Thiều là “Cây ánh sáng” soi sáng cho nền thơ hiện đại Việt Nam; rằng Nguyễn Quang Thiều là người bẻ ghi cho con tàu thi ca Việt Nam ra với thế giới…
Công bằng mà nói, trong biển cả miên man vô tận của thứ thơ phi truyền thống, phi hình tượng, phi cấu tứ, phi tư tưởng, phi biểu tượng, phi nội hàm, phi truyền cảm…của Nguyễn Quang Thiều, ta vẫn tìm được đây đó một số câu và đoạn thơ hay :
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy ròng ròng
Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi. 
…. 
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.
 ….

Mẹ tôi đã già như cát bên bờ – Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi – Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt – Tôi khóc – Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng”
….
Theo tiêu chuẩn tối thượng HAY –DỞ định giá trị thi ca, muốn tìm năm bài thơ hay của Nguyễn Quang Thiều để in vào tuyển tập thơ ViệtNamlà điều không thể.
Theo tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật: http://www.tienve.org, nơi in tất cả các sáng tác của Nguyễn Quang Thiều, viết về tiểu sử của ông như sau :
Sinh năm 1957 tại Hà Tây. Hiện sống ở Hà Đông. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, và dịch giả, đã đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Việt Nam.
Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, gồm có: Ngôi nhà tuổi 17 (1990); Sự mất ngủ của lửa (1992); Những người đàn bà gánh nước sông (1995); Những người lính của làng (1996); Thơ Nguyễn Quang Thiều (1997); Nhịp điệu châu thổ mới (1997); và Bài ca những con chim đêm (2000). Tập thơ The Women Carry Water (bản Anh ngữ của cuốn Những người đàn bà gánh nước sông) được University of Massachusetts Press xuất bản năm 1997, và được The National Translation Association of America trao giải thưởng vào năm 1998. Thơ của ông đã được dịch và đăng trên rất nhiều tập san văn học trên thế giới.
Ông đã xuất bản 2 tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 3 tập truyện cho thiếu nhi, và 1 tập tiểu luận. Hai tập truyện ngắn của ông đã được dịch và xuất bản tại Pháp: La Fille Du Fleuve (1997), và La Petite Marchande De Vermaicelles (1998). Ông cũng tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và sân khấu, và nhiều kịch bản của ông đã được dựng thành phim.
NGUYỄN QUANG THIỀU NỔI LÊN NHỜ HỮU ƯỚC
“Nguyễn Quang Thiều nổi lên nhờ Hữu Ước” là kết luận của Hai Xe Ôm (Phạm Viết Đào) trong bài viết : “Con bài Nguyễn Quang Thiều trong ván cờ chính trị của Hữu Thỉnh” chúng tôi sẽ dẫn dưới đây. Trước hết, chúng tôi xin trích lời nhà thơ, nhà báo Hữu Việt in trong bài “Nguyễn Quang Thiều rời báo Văn Nghệ như anh kép hát rời sân khấu” in trên http://vietbao.vn như sau :
Ông (tức Nguyễn Quang Thiều) tiếp tục cuộc chơi của mình, lần này trên An ninh Thế giới cuối tháng. Ông là người chủ chốt lập đề cương và tổ chức thực hiện.
Tờ báo này nổi đình nổi đám một thời gian dài có lẽ nhờ phần đóng góp không nhỏ của Nguyễn Quang Thiều. Còn nhớ, khi chiến tranh Mỹ – Afghanistan xảy ra, vào năm 2001, Thiều đã xung phong sang chiến trường này, và hoạt động như một phóng viên chiến tranh.
Bởi vậy, nhà văn, TBT Hữu Ước đã có những cách đối xử rất “anh Hai” với ông. Chính xác hơn, đây là cách ứng xử của một người anh với thằng em mà mình rất yêu quý. Cho dù có chuyện gì xảy ra thì Nguyễn Quang Thiều vẫn là “công thần” của ANTG.
Năm 2003, ông không tham gia ANTG cuối tháng nữa, nhưng hàng tháng, ông vẫn nhận được một khoản tiền thù lao. Khi ông cố từ chối thì nhà văn Hữu Ước đã nói, đại ý: Đây là tiền “bản quyền tác giả” ANTG cuối tháng của ông. Ông phải nhận nó khi nào Hữu Ước còn là TBT và tờ ANTG cuối tháng còn xuất bản…
“Trước khi về báo Văn Nghệ, đại khái người ta chỉ biết ông tốt nghiệp đại học ở Cuba và vào thời điểm ấy ông là một trong số hiếm hoi các nhà văn trẻ biết tiếng Anh khá.
Ông làm việc ở một cơ quan quan trọng nào đó, nhưng khi ra ngoài công khai, giấy tờ chính thức của ông là cán bộ Bộ Y tế. Ít ai ngờ, nhà thơ trẻ ấy sau này lại trở thành một người làm báo – và viết báo.”
Đây là từ điển mạng http://vi.wikipedia.org  viết về Nguyễn Quang Thiều:
Ông được coi là người cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo tương đối phổ biến ở Việt Nam hiện nay là tờ An ninh thế giới cuối tháng và Cảnh sát toàn cầu[5]
Nhà thơ Phạm Khải trên tờ Công an nhân dân viết về Nguyễn Quang Thiều như sau:
Với nhà văn Hữu Ước, Nguyễn Quang Thiều nhớ lại lần anh để xảy “tai nạn nghề nghiệp” khi phụ giúp ông làm tờ An ninh thế giới Cuối tháng: Nhà văn Hữu Ước, mặc dù – nói như Nguyễn Quang Thiều “nổi tiếng là người thẳng tính và nóng tính”, song lúc ấy “ông chỉ hút thuốc lào vặt hết điếu này đến điếu khác. Những lúc ấy tôi có cảm giác như ông đã làm xong mọi việc mà cuộc đời ông phải làm hoặc là trong cuộc đời này ông chẳng có việc gì phải làm cả. Chỉ có hút thuốc lào và uống rượu trong im lặng”.
Từ đây, Nguyễn Quang Thiều có những khái quát về bản lĩnh của ông nhà văn đang giữ cương vị Tổng biên tập: “Bây giờ tôi hiểu ra rằng: Có những lúc ông rơi vào những hoàn cảnh khó khăn như vực thẳm, như núi cao mà ông vẫn thanh thản đối mặt và thanh thản đi qua với một thái độ “chẳng có gì quan trọng”.
“Chẳng có gì quan trọng” không phải là không có gì quan trọng mà bởi trong lòng ông ngập tràn lòng tin và thanh thản chấp nhận mọi điều có thể xảy ra như ông đã từng chấp nhận”.
( Nhân đọc tập sách “Người” của Nguyễn Quang Thiều và Lê Thiết Cương – Phạm Khải)
Trên trang mạng của Đài phát thanh tiếng nói ViệtNam, nhà báo Mai Hồng viết về Nguyễn Quang Thiều như sau :
“Nhà văn, Thiếu tướng Hữu Ước có mặt tại triển lãm cười thật tươi mà nói rằng: “Lê Thiết Cương và Nguyễn Quang Thiều là những người bạn, người em của tôi.”
(Bài Chung niềm yêu thương với Người- Mai Hồng)
Trên trang mạng của báo Công an nhân dân, nhà báo Duy Hiển viết về Nguyễn Quang Thiều như sau :
Nói về những kỷ niệm làm tờ An ninh thế giới cuối tháng (sau thêm số giữa tháng), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: Khi tờ An ninh thế giới hằng tuần đã có vị thế lớn, anh Hữu Ước quyết định làm một tờ báo sang trọng hơn và chúng tôi đã giúp anh thực hiện quyết định đó. Đến nay, tờ An ninh thế giới cuối tháng (giữa tháng) vẫn giữ vị trí đáng nể trong số vô vàn các ấn phẩm báo chí…”
(Bài: Gặp mặt những người làm nên thương hiệu An ninh thế giới và Văn hóa Văn nghệ công an- Duy Hiển)
Nhà thơ đại tá công an Hồng Thanh Quang viết về Nguyễn Quang Thiều trên tờ Công an nhân dân như sau :
Tổng biên tập Hữu Ước giao cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (người danh chính ngôn thuận biên chế thuộc báo Văn nghệ nhưng từ lâu đã gắn bó với ANTG, được Tổng biên tập biệt đãi vừa như em, vừa như khách) và tôi phác thảo đề cương tờ báo mới. Khi đã thống nhất được những chuyên mục chính của báo, anh lập tức “bật đèn xanh” cho ra đời một ban biên tập do anh trực tiếp nắm.
(Bài: “Anh ninh thế giới cuối tháng- 5 năm là bấy nhiêu tình-Hồng Thanh Quang)
Một bài trên tờ Lao động viết về chuyến đi thực tế cuộc chiến tranh ởAfghanistancủa đại tá công an Nguyễn Như Phong và Nguyễn Quang Thiều như sau:
Đây là sáng kiến của Hữu Ước, Tổng Biên tập báo An Ninh Thế Giới và Văn Nghệ Công An Nhân Dân. Cái đáng kể nhất là tài chính, cũng do báo này lo hết.

Trích bài: (Hai nhà báo đến với chiến trườngAfghanistan)
Nhà thơ đại tá công an Hồng Thanh Quang viết trên tờ Công an nhân dân như sau :
Tôi không rõ anh đã phải uống hết bao nhiêu ly rượu nhưng anh đã nghĩ ra được một độc chiêu: biết là kiểu gì Mỹ cũng sẽ tấn công Afghanistan (lúc ấy đang do Taliban cai quản), anh cử ngay hai cây bút vào hàng cự phách của toà soạn là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Phó Tổng biên tập ANTG Nguyễn Như Phong sang Pakistan với nhiệm vụ làm sao thổi được không khí nóng bỏng từ đó lên những trang báo các ấn phẩm của ANTG, cả tờ tuần lẫn tờ cuối tháng.”
(Bài : ANTG cuối tháng-5 năm là bấy nhiêu tình-Hồng Thanh Quang)
(DVT.vn) – 9 giờ ngày 5/2, Hội Nhà văn Việt Namđã khai mạc Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất và Ngày Thơ Việt Namlần thứ 10. Đây là hình ảnh Nguyễn Quang Thiều trong ngày hội liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lúc 9 giờ sáng ngày 5/2/2012 tức 14 tháng Giêng âm lịch, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng khai mạc Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (trái), Trung tướng nhà văn Hữu Ước cùng nghệ sĩ Thu Hà và ông Nguyễn Sơn.
Bài: “Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương và Ngày Thơ ViệtNam”
Chủ nhật, 05/02/2012 19:35
Trên mạng của nhà văn Phạm Viết Đào trong bài “CON BÀI NGUYỄN QUANG THIỀU: TRONG VÁN CỜ CHÍNH TRỊ CỦA HỮU THỈNH ?” có đoạn viết như sau :
Nguyễn Quang Thiều một thời đầu quân cho Hữu Ước làm tờ An ninh thế giới cuối tháng
Còn Nguyễn Quang Thiều nổi lên là nhờ Hữu Ước và Vietnamnet chứ nếu xem xét dưới góc văn chương thì Thiều cũng chưa chứng minh được gì nhiều trong những năm gần đây
“Quan Văn” Thiều vốn là một chiến binh có kinh nghiệm và khả năng chinh phạt thương trường qua thức thách của những việc làm tại 2 tờ báo Vietnamnet và An nin cuối tháng; hiện nay Thiều đang làm tờ Cảnh sát Hình sự”
Khi làm An ninh cuối tháng, Cảnh sát Hình sự, Thiều chỉ lo phần bài vở còn phần hậu cần quân lương đã có Hữu Ước lo.
Trúng cử được vào Ban chấp hành và chức vụ Phó Chủ tịch, rất nhiều người thấy ngộ khi nhìn thấy Thiều ngay lập tức xuất hiện trên báo Công an nhân dân với trang phục Comple cà vạt
 Nhìn nét mặt Thiều quả rất ngộ: quắc thước, mắt ngước nhìn lên như Stalin, như Gorbachop nhưng thần thái thì vẫn chưa dấu được cái đuôi sĩ; tức đuôi hề…
Trong 5 năm gần đây, giới văn chương không thấy năng lực văn chương của Thiều phát tiết gì nhiều”
Trên trang mạng http://vnexpress.net có bài viết về những lời ca tụng của Nguyễn Quang Thiều với Hữu Ước như sau :
24 chân dung bằng chữ của Nguyễn Quang Thiều và 10 bức chân dung bằng đường nét và màu sắc của Lê Thiết Cương hội tụ trong triển lãm mang tên “Người”, khai mạc tại Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội, chiều 27/10.
Cuốn sách của Nguyễn Quang Thiều tập hợp 24 bài viết về những nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ mà anh từng gặp gỡ như: Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Bảo Ninh, Hữu Ước…
(Bài : Nhà thơ và họa sĩ vẽ “ Người”)
Trên website http://vietbao.vn Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt đã hé mở VÙNG TỐI NGUYỄN QUANG THIỀU, từ VÙNG TỐI hết sức bí mật này, ông Thiều được những cơ quan chức năng siêu bí mật làm giả hồ sơ, biến ông từ một nơi CƠ QUAN QUAN TRỌNG- hoạt động bí mật sau khi học ở Cu Ba về VỚI MỘT LÝ LỊCH GIẢ để ông ra công khai,  rằng ông Thiều từng làm ở cơ quan y tế, nay được chuyển sang hoạt động văn học nghệ thuật như sau :
Trước khi về báo Văn Nghệ, đại khái người ta chỉ biết ông tốt nghiệp đại học ở Cuba và vào thời điểm ấy ông là một trong số hiếm hoi các nhà văn trẻ biết tiếng Anh khá.
Ông làm việc ở một cơ quan quan trọng nào đó, nhưng khi ra ngoài công khai, giấy tờ chính thức của ông là cán bộ Bộ Y tế. Ít ai ngờ, nhà thơ trẻ ấy sau này lại trở thành một người làm báo – và viết báo.
Trích bài : “Nguyễn Quang Thiều rời báo Văn Nghệ: Nỗi buồn của anh kép rời sân khấu”- nhà thơ, nhà báo Hữu Việt”
QUAN ĐIỂM THI CA CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU 
Trong bài viết: “Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy”, như một định đề nghệ thuật, một xác tín thi pháp, một ẩn dụ tiêu chí thi ca, một định hướng thi pháp, một tuyên ngôn thơ thông qua trường hợp sáng tác của nhà thơ nữ trẻ Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Quang Thiều trang trọng đến rưng rưng thơ hóa lý luận, như sau :
“Nhưng quan niệm về nghệ thuật thơ ca của tôi đang tiến đến điểm cuối của một quan niệm mà tôi đã từng đọc, đã từng chống đối, đã nhìn lại, đã bị thuyết phục và trở thành đồng nhất. Đó là: ngôn ngữ thơ ca gần với tiếng nói đời thường nhất
….

Sự quyến rũ của ngôn ngữ không phải là sự tầng tầng lớp lớp những nghĩa và những cấu trúc đầy tính hình thức mà chúng ta cố tạo ra cho nó hay tìm cách gán ép cho nó. Mà sự quyến rũ của ngôn ngữ là khi nó bị ném thẳng vào bức tường của sự thật và ngay lập tức bật trở lại như chúng ta ném một quả bóng.
…Với cách nhìn đó, Ðinh Thị Như Thuý là một trong không nhiều những nhà thơ tôi đọc đi đọc lại. Đinh Thị Như Thuý là nhà thơ của ai và thuộc thế hệ nào của thơ ca Việt Nam?
….
Tôi đọc tất cả những tập thơ Đinh Thị Như Thuý đã xuất bản. Có những bài thơ của chị tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Có những lần đọc nhưng không chú tâm để hiểu và cũng không lợi dụng những điểm tương đồng để tự tạo những cảm xúc cho mình. Đọc như đi qua một cánh đồng, một dòng sông hay một thị trấn mà không có mục đích. Và chính xác hơn, đọc như đứng trong một ngôi nhà đã mở hết các ô cửa, không có ai ở đó, không có bất kỳ sự chỉ dẫn nào, mà đứng với một sự mở bốn phía để bắt đầu cuộc trò chuyện. Sự đọc ấy giống như người ta vẫn đi trên con đường từ nhà ra cánh đồng và trở về trong suốt cuộc đời mình. Và hành trình liên tục như sự tự nhiên của đời sống này làm cho ta một ngày không thể rời xa được.Nhưng trong bài viết này, tôi lấy bài thơ dài Nơi ngày đông gió thổi để trò chuyện. Mà thực ra, tôi cũng không dùng những câu thơ trích để nói về thơ chị hay con người chị. Đó thực sự chưa hẳn là mục đích của bài viết này. Tôi nói về thơ chị như bấy lâu nay những bài thơ của chị vẫn chập chờn đâu đó. Nó nhiều lúc chẳng rõ ràng trong tôi. Nó luôn luôn tạo ra một cảm giác “ở đâu đấy” quanh tôi. Vừa gần gũi vừa xa lạ. Vừa đóng lại và vừa mở ra. Vừa như những bài thơ có khả năng giấu đi mọi phô diễn của kỹ thuật ngôn từ và vừa như là sự liên tiếp của những hành động vụng về nhưng chính xác đến không tưởng. Nhưng có một điều bất biến kể từ khi tôi đọc tập thơ đầu tiên cho đến những bài thơ mới nhất của chị. Điều bất biến đó là tôi chưa bao giờ đi ra khỏi ý nghĩ của mình khi đọc những câu thơ của chị — ý nghĩ về người đàn bà mang tên Thuý chỉ sống trong một khu vườn từ lúc sinh ra đến bây giờ và chắc chắn đến giây phút chị rời bỏ sự hiện hữu của chị trên thế gian. Nhưng quả thực, ý nghĩ đó không phải là trí tưởng tượng và tồi tệ hơn nữa nếu Ċó lại lại sự suy đoán. Ý nghĩ ấy là một hiện thực minh bạch đến kỳ lạ.
Và trong khu vườn nhỏ của mình, người đàn bà tên Thuý đã lúc nào cũng mở to đôi mắt nhìn đời sống này như một đứa trẻ nhiều đau ốm và sợ hãi và hoảng sợ và khát vọng. Tất cả những ngơ ngác, những đau ốm, những hoảng sợ, những tuyệt vọng và những khát vọng của người đàn bà tên Thuý là của chúng ta. Những trạng thái ấy chính là đức hạnh thực sự của con người. Những điều đó đẩy chúng ta trở lại nguồn gốc đời sống của con người. Khi chị viết: Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây là tôi hiểu chị viết về những người đàn bà trong mùa thu hoạch cà phê. Nhưng ánh sáng của câu thơ đã rời khỏi thân xác của một hiện thực đen tối như ánh lửa rời thân xác của một khúc gỗ. Khó có thể tìm một hình ảnh nào giản dị hơn và đẹp hơn câu thơ này khi viết từ hiện thực thô lược ấy. Nó giản dị đến mức làm cho rất nhiều các nhà thơ có thể cười khẩy với tôi. Điều đó thật hiển nhiên và thật dễ hiểu. Nhưng để viết câu thơ đó, chị đã mở đôi mắt đến không còn khả năng mở hơn nữa và nhìn thẳng vào cái trái đỏ trong vòm lá thẫm tối kia với một lượng thời gian bằng đúng tuổi đời chị. Cái nhìn đó giống như người ta điều chỉnh ống kính máy ảnh vào một điểm để cuối cùng để nó hiện lên sắc nét như một sự tinh kết cao nhất. Hình ảnh ấy ngày từ đầu đã dựng lên trong tôi hình ảnh một Nữ thần ái tình đang bay trong vòm trời màu lục và vươn những ngón tay mảnh rẻ và run rấy để chạm vào ngôi sao lấp lánh kia. Chị không áp đặt tình yêu những người lao động vào tôi, không lên tiếng với tôi về sự khổ hạnh của những người đàn bà vất vả và ngèo đói, chị không được phép làm thế vì chị là một nhà thơ.”
Và tiếp tục vào hai mươi đợt, sẽ đọc được bài thơ dài miên man “ Nơi ngày động gió thổi” của Đinh Thị Như Thúy, hay đánh vào http://google.com tiêu đề “ Nơi ngày đông gió thổi Tiền vệ” sẽ đọc được bài thơ dài này)
Với Nguyễn Quang Thiều, sau bao nhiêu năm tím kiếm, vật vã, phản biện, day dứt, cuối cùng ông mới chợt ngộ ra chân lý nghệ thuật nói chung, chân lý thi ca nói riêng là làm sao cho  : “NGÔN NGỮ THƠ CA GẦN VỚI TIẾNG NÓI ĐỜI THƯỜNG NHẤT”. Tưởng chuyện gì ghê gớm, hóa ra là tiêu chí của các trào lưu hiện thực trong nghệ thuật đã ra đời từ rất sớm, quyết đưa thi ca trở về gần với ngôn ngữ thường nhật, ngôn ngữ bình dân, mà một đứa trẻ học cấp hai ở Việt Nam đã học: tính hiện thực của văn học, của thi ca.
Về chuyện “ngôn ngữ thi ca gần với ngôn ngữ đời thường” thì từ thời cổ đại, khi chưa có chữ viết, nhân loại đã sáng tạo ra dòng VĂN CHƯƠNG TRUYỀN MIỆNG là ca dao tục ngữ, như ca dao Việt Nam hay Kinh Thi của Trung Quốc, kinh Vệ đà Ấn độ…dân gian đã thực thi nhiệm vụ mà Nguyễn Quang thiều vừa đặt ra: “đưa thi ca về gần với tiếng nói thường nhật”.
Khi nhân loại có chữ viết, dòng văn chương bác học xuất hiện, những nhà lập thuyết nghệ thuật đầu tiên như Aristote thề kỷ thứ bốn trước công nguyên, với cuốn “Thi pháp” (Poetics) đã đưa ra một khẩu hiện tuyệt vời cho Thi Ca: “Văn học hay thi ca là sự mô phỏng (phản ánh) cuộc sống” cổ xúy cho việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ ( nhưng phải chọn lọc)  đó sao ?
Nhà lập thuyết văn học cổ đại Ấn độ là Bharata trong cuốn “Natyasastra” (sách dạy lý thuyết sân khấu) cũng lấy tiêu chuẩn chân thực, đưa ngôn ngữ bình dân lên kịch, lên thơ nhưng phải mài giũa, mở ra ba  thế giới là thế giới thực tại, thế giới tâm linh và thế giới thần linh, gọi là cảm thức linh hồn của kịch thơ( bi hài kịch) đó sao ?
Thế kỷ thứ sáu sau công nguyên thời Ngụy-Tấn, nhà lý luận văn nghệ đầu tiên của Trung Quốc là Lưu Hiệp, trong chương “Nguyên đạo” mở đầu cho tác phẩm “Văn tâm điêu long” phê phán thứ nghệ thuật hoang đường, đưa nghệ thuật thi ca từ mộng xuống hòa với thực, tuy văn phải đẹp như vảy rồng( điêu long) nhưng xuất phát từ Tâm (Văn tâm), mà Tâm thì bắt nguồn từ thực đó sao ?
Nói chung, yêu cầu của nhà thơ, nhà thi pháp Nguyễn Quang Thiều vừa phát hiện ra được ông coi như sẽ chấn động thi đàn, tựu trung đã có từ thời cổ đại. Về việc này, cũng giống như ông Thiều vừa phát hiện ra một chân lý và vội công bố với toàn thế giới rằng: mặt trời cư ngụ nơi ban ngày, mặt trăng cư ngụ nơi ban đêm vậy.
Nhưng Nguyễn Quang Thiều đã vượt qua tiêu chuẩn “đưa thi ca xuống GẦN với ngôn ngữ thường nhật” bằng bước “đại nhảy vọt” như sau : “
“Sự quyến rũ của ngôn ngữ không phải là sự tầng tầng lớp lớp những nghĩa và những cấu trúc đầy tính hình thức mà chúng ta cố tạo ra cho nó hay tìm cách gán ép cho nó. Mà sự quyến rũ của ngôn ngữ là khi nó bị ném thẳng vào bức tường của sự thật và ngay lập tức bật trở lại như chúng ta ném một quả bóng.”
Từ đây, Nguyễn Quang Thiều đã làm cuộc đại cách mạng văn hóa thi ca: đơn nghĩa hóa sự đa nghĩa của thi ca từ trước đến giờ. Tức là làm thơ là nói như người ta nói hàng ngày, không cần chọn lọc, không cần trau chuốt, không cần nghệ thuật, không cần ẩn nghĩa, hàm nghĩa, tức xóa sổ nghĩa bóng của thi ca, đả đảo đa ngữ nghĩa thi ca, đả đảo khẩu hiệu “thi tại ngôn ngoại” của cổ nhân, đả đảo các biểu tượng, ẩn tượng, hàm tượng thi ca. Thơ với Nguyễn Quang Thiều là có gì nói toẹt ra ngay, hoan hô nghĩa đen, nghĩa đen tuyệt đối, xử tử bọn phản động HÀM NGÔN, bọn lên đồng có tên là NGHĨA BÓNG.
Làm thơ, với Nguyễn Quang Thiều là hành vi ném thẳng NGÔN NGỮ vào BỨC TƯỜNG SỰ THẬT NHƯ NÉM MỘT QUẢ BÓNG, nó sẽ bật trở lại ngay lập tức một quả bóng : “như chúng ta ném một quả bóng”. Nghĩa là, sự vật được phóng chiếu qua đôi mắt, qua tư tưởng, tâm hồn nhà thơ, bật ra y nguyên như hình ảnh ban đầu nhà thơ ngó thấy. Thơ đối với Nguyễn Quang Thiều là nhìn thấy sự vật tồn tại, hoạt động như thế nào thì viết ra như thế, thật hơn cả máy chụp hình. Chẳng hạn, khi nhìn thấy con mèo đen leo lên lưng một con mèo trắng, ông Thiều sẽ viết y như lý luận thơ phi thơ ông vừa công bố với thế giới mà rằng :
Một con mèo đen bò lên mái nhà sau khi ôm bầu trời gào thét
Nó thấy một con mèo trắng cũng gào như cha chết
Ôi tình yêu khởi thủy từ những tiếng gào
Chú linh miêu của thần linh bước qua mái nhà lợp bằng ngói nâu quê hương ta
Dễ sợ chưa cả loài người ơi
Hai con miu miu ngừng gào im lặng như chú kiến đang ngủ
Chúng leo lên lưng nhau như leo lên chiếc thang hạnh phúc
….
Viết thơ như thế này, trước Nguyễn Quang Thiều hàng mấy trăm năm, tác giả (hay tập thể tác giả) đã làm nên bài “thơhay” là “Bài thơ con cóc”, sáng tác ra phương pháp “tuyệt đối chân” trong thi ca mà Nguyễn Quang Thiều vừa khám phá :
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy
Con cóc ngồi đấy
Con cóc nhảy đi

Xin quý bạn đọc tham khảo bài viết ca ngợi bài thơ này của nhà phê bình văn học, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc: “Nguyễn Hưng Quốc – thơ con cóc, một bài thơ hay” (http://luutrutailieuhoctap.wordpress.com/2011/08/21/nguy%E1%BB%85n-h%C6%B0ng-qu%E1%BB%91c-th%C6%A1-con-coc-m%E1%BB%99t-bai-th%C6%A1-hay/)
Thi pháp Nguyễn Quang Thiều là thi pháp phản truyền thống: truyền thống cho thơ phài đa nghĩa thì ông Thiều quyết làm thơ đơn nghĩa; truyền thống cho thơ phải kiệm lời thì thơ ông Thiều rất lắm lời; truyền thống cho thơ phải hàm súc thì ông Thiều làm loài thơ lạnh tanh, xóa mọi hàm ngôn (tâm hồn lạnh tanh máu cá/ nhiệt tình xuống quá độ âm – Chế Lan Viên); truyền thống cho thơ phải êm tai, phải có nhạc tính thì thơ ông Thiều chủ trương phải gắt như mắm tôm; truyền thống cho thơ phải có âm dương điều hòa trong ngữ nghĩa thì ông Thiều chủ trương thơ phải độc âm hay độc dương, không có thể đưa chủ nghĩa hài hòa của đồng chí Hồ Cẩm Đào vào đây được à ghen (!)
Tuy cùng thi pháp NÓI TOẸT RA như trường thơ Con cóc, nhưng Nguyễn Quang Thiều (có lẽ) còn phải cách tân TRƯỜNG THƠ CON CÓC thêm một lần nữa là tuyệt đối cấm kiệm lời trong thơ; rằng thơ thì phải rậm lời, lắm lời, lắm điều, cần phải kéo dài câu thơ ra như kéo dài kẹo kéo. Có lẽ, rồi đây, chủ soái trường phài thơ TÂN CON CÓC , sẽ sửa lại bài thơ “tuyệt bút” Con cóc  theo “thi pháp kẹo kéo” của ông cho hợp với môn phái TÂN HÌNH THỨC – TÂN CON CÓC mà ông vừa sáng tạo ra.
 Kẻ viết bài này xin phép học theo lối thơ ông Thiều mà thử múa rìu qua mắt thợ, chuyển bài thơ Con cóc từ cổ điển sang trường phái HẬU HIỆN ĐẠI-TÂN CON CÓC của ông Thiều, xem ông có hài lòng hay không về món “TÂN …CON CÓC”, tức thơ con cóc hiện đại, như sau :
“Con cóc ngồi trong hang tư duy về thế giới sao mày có mặt nơi đây
Con cóc bò ra ngó lên vũ trụ thắc mắc : tồn tại hay không tồn tại
Con cóc nhảy đi tìm hư vô, tìm sự cô đơn vô nghĩa có tên là vũ trụ
Con cóc nhảy đi cũng như không nhảy vì sự giới hạn không cho phép nó vô hạn
Con cóc bèn tọa thiền ngồi im thít thít như cục thịt đông của cái thế giới mà lửa cũng đóng thành băng tuyết
Con cóc nhảy vào hư vô mà cái hang chính là bầu trời, thi ca ơi, thượng đế ơi trả ta con cóc siêu hình con cóc nhân văn
Chúng tôi xin thông báo một điều mà chắc ông Nguyễn Quang Thiều sẽ giật thót: trước ông mấy chục năm, thi hào Xuân Diệu (Thơ thơ, Gửi hương cho gió”) sau khi được giác ngộ cách mạng từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn trong thơ, đi theo tiêu chí văn nghệ phục vụ chính trị, đã cách tân bài thơ con cóc trước cả Nguyễn Quang Thiều. Thực ra, chủ nghĩa hậu hiện đại tân thời con cóc trong thơ phải lấy Xuân Diệu làm tiên sư chứ không phải ông Thiều như ông đang nhầm lẫn.
Chúng tôi nhớ cách đây  hơn 50 năm, vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã tập tành làm thơ theo khẩu hiệu “duy thật” của Xuan Diệu: Chân chân chân – thật thật thật, với “thi pháp con đỉa” lấy câu thơ mà đi đâu Xuận Diệu cũng bình là một câu thơ hay nhất của đời ông làm chuẩn mực thi ca: “ CON ĐỈA BÒ QUA MÔ ĐẤT CHẾT”…Cũng như Nguyễn Quang Thiều lấy câu thơ của Đinh Thị Như Thúy : “
Khi chị (Đinh Thị Như Thúy) viết câu thơ : “NGƯỜI ĐÀN BÀ CHĂM CHÚ DÕI TÌM TRÁI ĐỎ TRONG CÂY” là tôi hiểu chị viết về những người đàn bà trong mùa thu hoạch cà phê. Nhưng ánh sáng của câu thơ đã rời khỏi thân xác của một hiện thực đen tối như ánh lửa rời thân xác của một khúc gỗ. Khó có thể tìm một hình ảnh nào giản dị hơn và đẹp hơn câu thơ này khi viết từ hiện thực thô lược ấy. Nó giản dị đến mức làm cho rất nhiều các nhà thơ có thể cười khẩy với tôi. Điều đó thật hiển nhiên và thật dễ hiểu. Nhưng để viết câu thơ đó, chị đã mở đôi mắt đến không còn khả năng mở hơn nữa và nhìn thẳng vào cái trái đỏ trong vòm lá thẫm tối kia với một lượng thời gian bằng đúng tuổi đời chị. Cái nhìn đó giống như người ta điều chỉnh ống kính máy ảnh vào một điểm để cuối cùng để nó hiện lên sắc nét như một sự tinh kết cao nhất. Hình ảnh ấy ngày từ đầu đã dựng lên trong tôi hình ảnh một Nữ thần ái tình đang bay trong vòm trời màu lục và vươn những ngón tay mảnh rẻ và run rấy để chạm vào ngôi sao lấp lánh kia
(đã dẫn)
Câu văn trần thuật đơn giản, tầm thường “Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây” của Đinh Thị Như Thúy chợt lóe sáng trong đầu nhà lập thuyết thi ca Nguyễn Quang Thiều một ẩn dụ triết học thi thiên để sinh ra trường phái thơ “Tân…con cóc”, quả tình là điều bí hiểm mà người trần mắt thịt chúng ta hầu như chưa lĩnh hội được. Như thế này, chắc sẽ có hàng ngàn nữ thi hữu trẻ bắt chước câu văn đơn giản: “Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây” mà ông Thiều cho vào hàng câu thơ hay kiệt xuất, để xuất hiện hàng nghìn sự kiện văn học khác làm chấn động thế giới; ví như: “Em gái mê mẩn vọc đất săn tìm một củ khoai lang tím sót”, “Mẹ ngước mắt lên bầu trời tìm xem có ngôi sao nào con của mình không?”, “Anh đi đâu mà không đi vô đường làng em xem hội”…
Bắt chước Xuân Diệu xưa dùng câu văn trần thuật thô thiển rồi hoang tưởng gọi là thơ: “CON ĐỈA BÒ QUA MÔ ĐẤT CHẾT” để tạo ra trường thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, nay Nguyễn Quang Thiều cũng dùng một câu văn trần thuật thô thiển của Đinh Thị Như Thúy: “NGƯỜI ĐÀN BÀ CHĂM CHÚ DÕI TÌM TRÁI ĐỎ TRONG CÂY” làm hứng khởi cho nguồn sáng tạo ra thi pháp “TÂN…CON CÓC” của mình. Chỉ có điều, Nguyễn Quang Thiều đã thó thi pháp này của Xuân Diệu.
TRƯỜNG THƠ “TÂN CON CÓC” ĐANG LÀM CHỦ THI ĐÀN

Là người chủ soái của trường thơ “Tân con cóc”, tất nhiên Nguyễn Quang Thiều hằng làm gương sáng cho các thi hữu noi theo. Chúng tôi xin dẫn ra mấy bài thơ theo trường phái “Tân con cóc” của ông Thiều để bạn đọc kiểm chứng:
Trích bài thơ “H. đang về nhà” của Nguyễn Quang Thiều :
Phía trên những vòm lá bất ổn
Treo một bầu trời
Những con chim vừa bay
Vừa xé rách những lông vũ

Và một con khóc
Và một con không đập cánh
Trôi tựa đám mây theo chiều gió
Và một con khác ngủ
Và con bay cuối đàn
Không nói gì
Các từ ngữ (sáo) hay motif (cải lương) được lặp đi lặp lại trong thơ Nguyễn Quang Thiều:
“em ung thư vú”, “thân xác em”, “điên dại”, “da thịt”, (khóc: con mèo khóc, anh khóc, em khóc, chiếc gối khóc, cái chăn khóc, con voi khóc, con kiến khóc, con rệp khóc, giời khóc, chim khóc, bướm khóc, một tỉ cái cùng khóc trong thơ NQT)
“chiếc giường”, “bộ phận sinh dục”,”loạn luân”, “con chó đái”, “thủ dâm”, bán dâm”, “trần truồng”, “khỏa thân trong giường”, “làm tình ban ngày”, “kỳ vĩ”, “tinh khiết”, “ngập tràn”, chuyển động”, mộng du”, “miên man”, “người đàn bà tội lỗi”, “ác mộng”, “vô vọng”, “trống rỗng”…
Bài thơ: “Những công việc của tháng mười một” của Nguyễn Quang Thiều :
“Cuối cùng ngươi cũng phải cất giọng, hỡi những lừa, lạc đà, những ngựa của con đường vô định
Những sư tử, những báo gấm, những hổ của rừng mang dáng vẻ kỳ vĩ đang mục ruỗng từ bên trong
Những dê, những chim ưng, những ong của mùa đông khan hiếm phấn hoa
Những chim non của tổ chim xác xơ vì gió, những bướm của những cái kén thẫm tối
Những cá của nước xiết, những côn trùng của lá mục
Và những chúng ta của ngôn từ chết mai táng trong thân xác chuyển động

Không thể nào còn nghe thấy lời của tháng Mười vừa mới lướt trên những cái lưỡi ướt và nóng
Tháng Mười Một mạnh hơn tất cả bởi sự trần trụi hơn cả những bộ xương bò nấu phở
Chưa có chút dấu vết gì của tháng Mười Hai. Đừng lục tìm trong cổ thư
Lưỡi dao sự thật của tháng Mười Một rạch một đường dọc những cái lưỡi phản bội
lại những ngôn từ nổ ra từ đó với một cái bóng hoang tưởng rướn chạy

Kìa những cái cây lộng lẫy và kiêu hãnh trong gió gào rít giữa đêm
Và một kẻ đang gắng sức tìm lối đến Thiên đường nhưng lại không ngước được mắt lên
Bởi gã bị đôi giày mới mua ở cửa hiệu bán đồ Trung Quốc xoá mất đôi mắt
Và sự nhầm lẫn tồi tệ khi đưa tay lần tìm tháng Mười Hai theo thứ tự của số đếm

Từ thế gian tội lỗi và lú lẫn đến Thiên đường không phải là những bậc cầu thang ốp bằng loại đá Tây Ban Nha gã lựa chọn
Gã không phải là một kẻ điên. Gã làm âm bản của chúng ta. Một lần nữa
Chúng ta lại không nhận ra một sự thật là không có cái gì gọi là tháng Mười Hai lúc này
Và những công việc của tháng Mười Một vẫn tiếp tục cho đến khi bắt đầu một lối rẽ
11/2007
Bài thơ: “Hoa tiêu” của Nguyễn Quang Thiều:
Thư gửi một người đã chết
hãy nhắm mắt và đặt từng bước chân như đặt từng quân cờ
nếu mở mắt anh sẽ chẳng thể nào đi qua cái quảng trường ấy được
chúng sẽ lao vào anh — những kẻ rồ dại của thế kỷ trên xứ sở chúng ta

hãy đi thật nhẹ và tự đọc bản thảo cuốn sách anh viết trong sợ hãi mê dại
một con rắn rúc vào đám tóc anh và nằm phục cái lưỡi anh lộ ra
nó muốn giết anh khi đơn âm đầu tiên của anh phát nổ

hãy rẽ sang bên trái. Có nghe thấy tôi nói không. Nhưng đừng mở mắt
chỉ hé mở một lần anh sẽ suốt đời không dám bước thêm một bước
anh có nhớ cái cây ở ngã tư đường nơi có một kẻ đi theo anh
và gã viết một con số vào chiếc sổ nhỏ hơn lòng tay của gã

hãy rẽ trái một lần nữa. Anh không nhìn thấy tôi đâu. Vì thế đừng ngoái lại
và đừng mở mắt. Phía trước có rất nhiều kẻ đang lao tới nhưng chúng sẽ không đâm vào anh
chúng vẫn nghĩ anh là một gã mù và chúng sẽ không tức tối vì nghĩ anh cản đường chúng

hãy rẽ trái một lần nữa. Chúng nhổ nước bọt trước mặt anh. Nhưng đừng cho chúng biết anh đã nhìn thấy
chúng phóng một cú đấm gió về phía mặt anh. Đừng giật mình. Anh phải làm như là một gã mù thực sự
nghĩa là anh không nhìn thấy gì kể cả khi một người yêu dấu của anh đang đứng khóc trước anh

nếu anh mở mắt ra, dù mở giống một cái chớp mắt, chúng sẽ rú lên
trong sự khoái trá chúng đánh mất từ lâu giờ tìm lại được
với bằng chứng là anh đã mở đôi mắt của mình
và sự khoái trá ấy chỉ ăn một thứ thức ăn là máu

tôi vẫn đứng ở nơi anh xuất phát. Tôi không hề thay đổi dù một cái nhích chân
tôi đang dõi theo anh với đôi mắt mở không được phép nhắm lại
dù cái khoảnh khắc nhắm mắt ấy chỉ bằng 1/10 thời gian của một cái chớp mắt
khoảng thời gian ấy đủ cho anh bị nghiền nát

anh lại phải rẽ trái một lần nữa. Đừng dừng lại ngờ vực, và chuẩn bị rẽ trái một lần nữa
tôi đã thấy anh cố giấu bước chân lưỡng lự. Anh cố giấu sự nghi ngờ
nhưng tôi vẫn nhận ra bởi cái nuốt nước bọt của nặng nhọc và khó khăn anh.
nào, chuẩn bị rẽ thêm lần nữa. Nhưng vẫn là rẽ trái. Chỉ có rẽ trái. Đấy là lần rẽ trái cuối cùng
và bây giờ anh hãy mở mắt ra
thị xã Hà Đông, đêm 4/10
Bài thơ: “Những con mồi” của Nguyễn Quang Thiều:
Đêm qua những con cá bơi quanh chiếc giường
Ngửi chúng ta rồi bỏ đi
Và bực dọc nói:
Chúng ta không bao giờ ăn những con mồi chết

Chúng ta có chết không?
Một người thức giấc hỏi.
Nhưng chẳng có câu trả lời nào.
Ngoài bóng một bác sỹ tâm thần ghi bệnh án
In trên bức tường phía đông

Trên đầu chúng ta những con cá
Bơi lùi về quá khứ
Chúng muốn xem lại hồ sơ những chiếc lưỡi câu
Nhưng chỉ còn lại một nhà kho mục nát
Trong đó một chiếc đồng hồ
Chạy từ lúc chúng ta chưa biết đến thời gian

Giữa bất tận những con mồi
Bầy cá nhắm mắt
Chỉ mở ra khi nghe lệnh
Nhưng một con không chịu nhắm mắt
Trong suốt cuộc săn tìm
Rời bỏ bầy quay lại
Và nói với một con mồi
Ngươi đã hết thời gian chết
Bài thơ “ Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ” của Nguyễn Quang Thiều :
Người hướng dẫn: Được dệt thủ công bởi một người đàn bà mù Thổ Nhĩ Kỳ
Người mua: Mua lại từ một ông già da đen Cuba ở Havana năm 1986
Chủ nhân: Quà tặng của con trai tôi. Được treo trên bức tường này 21 năm.

Lúc gần sáng tiếng những cành khô gãy
Những con nai cái mùa động đực
Chủ nhân bức thảm 87 tuổi tỉnh giấc uống trà nguội
Những con nai đực ngùn ngụt
Ngôi nhà như không bao giờ mở cửa
Một bà già đi tiểu lần thứ 5, nói:
“Mẹ đau lắm”

21 năm tấm thảm không thay đổi chỗ treo
Người đàn ông 50 tuổi thường trở về và đứng
Trong ngôi nhà nửa bóng tối
Tràn ngập tấm thảm tiếng hô hoán
Và phía sau tấm thảm
Một lưỡi dao lạnh lùng đợi
Và một cái chảo sùng sục sôi

Người hướng dẫn: Những ngón tay người đàn bà mù Thổ Nhĩ Kỳ giờ bị liệt
Người mua: Ông già da đen Cuba đã tự vẫn
Chủ nhân: Tôi chỉ nhớ gương mặt con trai tôi khi nó mở bức thảm ra

Có một người lúc nào cũng rét
Đứng nhìn tấm thảm
Hai bàn chân bị đông cứng trong vũng máu
Ở chân tường

Người hướng dẫn: (đã bỏ nghề)
Người mua: Hình như không phải tấm thảm tôi đã mua
Chủ nhân: Tôi nhìn thấy những người thân đã chết chạy nấp sau những gốc cây trong tấm thảm

Bây giờ là năm thứ 22.

 Một nhà “Thiều học” là ông Nguyễn Chí Hoan, hiện phụ trách ban lý luận phê bình báo Văn Nghệ, đã viết một bài giải mã thơ Nguyễn Quang Thiều có tên: “Lịch sử tấm thảm Thổ nhĩ kỳ”- “THƠ KHÔNG ĐỂ HIỂU” in trên báo Văn Nghệ tết Canh Dần, như một chìa khóa siêu đẳng giúp mọi người biết cách thưởng ngoạn thơ của vị chủ soái trường thơ “Tân…con cóc” này. Rằng Nguyễn Quang Thiều làm thơ bằng vô thức nên không dùng sự hiểu để tiếp cận được. Hãy nhắm tít tìn tịt mắt lại, ngồi co người vào mà tưởng tượng, may ra mới thưởng thức được siêu thơ “Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ kỳ” trên.
Chúng tôi đã viết bài phê phán quan điểm tầm phào này của Nguyễn Chí Hoan, một nhà lý luận phê bình giỏi nhất của Hội nhà văn, còn giỏi hơn ông đại tá  Lê Thành Nghị hiện là Chủ tịch hội đồng lí luận phê bình Hội nhà văn VN. Xin các bạn vào trang mạng này: http://dohoang.vnweblogs.com/post/3360/365172, http://dohoang.vnweblogspot.com
Hoặc đánh vào công cụ tìm kiếm http://google.com tiêu đề: “Tấm thảm Thổ nhĩ kỳ”- Thơ không thể hiểu” sẽ đọc được bài của chúng tôi phê bình quan điểm tào lao của Nguyễn Chí Hoan.
Nhân việc công bố trường thơ “tân con cóc” của Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi cũng muốn ăn theo mà làm ngay lập tức một bài thơ theo trường thơ “Tân… con cóc”, ngõ hầu tranh đua tài cán với chủ soái thi đàn Nguyễn Quang Thiều :
Bài thơ ứng tác : NGƯỜI ĐÀN BÀ ÔM NỖI BUỒN CỐ HƯƠNG MÀ NGỦ
Người đàn bà Làng Chiền mang một âm hộ cũ từ dưới sông lên
Những con cá khỏa thân quẫy trắng sông đành đạch vỗ tay đưa tiễn nàng tiên cá lên bờ u uẩn
Bà đi vào Làng Chiền thu không cả buổi chiều quên mặc yếm
Hai bầu vú của bà thõng xuống làm bọn mướp sắp hái trên giàn xấu hổ trốn sạch
Làng Chiền của tôi khóc bằng con mắt chó con ngồi tứa nước bọt xem bà mẹ rán mỡ
Bà nghe Làng Chiền thơm khen khét mùi lông cháy từ những căn bếp bồ hóng đang âm mưu đen

Rồi người đàn bà trút hết quần áo vào hoàng hôn
Bà trút cả guốc dép vào con đường giun dế đang mưng mủ vì cơn sốt tư tưởng
Người đàn bà ôm chiếc gối làm chồng, ôm cái chăn làm tình nhân bà rưng rức đau thương
Người đàn bà nghe chiếc bình vôi khóc miếng trầu vừa tự sát

Bà hổn hển mơ thấy mình hổn hển
Than ôi quê hương tôi- tôi ôm vào lòng cả nỗi buồn của con nhái bén
Những con dế tỉ tê với bà vì chuyện ông trời góa vợ
Và mặt trăng Làng Chiền là cái muôi lâu ngày không được múc canh
Cái thìa của quê hương tôi nằm ngửa lên mà khoe bụng rỗng

Người đàn bà ôm khói bếp Làng Chiền ngủ vùi cho sao đêm tiết canh
Nhưng khói bếp đã bay rồi chỉ còn con mèo mướp trong lòng bà gào đòi làm tình
Người đàn bà ôm cả nỗi buồn cố hương mà ngủ
Ngủ như khi nằm mơ bà vẫn thấy mình ngủ

Ngủ như giun dế trong đất thi thoảng thức bằng giấc mơ
Ôi cát đổ một ban mai Làng Chiền tương tư quá khứ
Bà ôm những hồn ma ngủ vùi cho đến khi ngày xưa xuất hiện
Ngày xưa đến đập cửa gọi người đàn bà có bầu vú dài như sông Đáy:
Dậy nào, bà ơi, cố hương không còn chỉ còn nỗi buồn tím chiều hoa xoan tang lễ

 (hết mô phỏng trường thơ “Tân …con cóc”)

Cứ đà ngoáy bút nhanh hơn sóc chạy này,  trong hai ngày hai đêm, có lẽ tín đồ mới (TMH) của trường thơ “Tân…con cóc” này sẽ đuổi kịp ba mươi năm làm thơ “Tân …con cóc” của Nguyễn Quang Thiều chăng ?

Trong bài : ViệtNamlà một cường quốc thơ in trên báo văn hóa thể thao ngày 01/02/2012, Nguyễn Quang Thiều tuyên bố với thế giới :
Tôi có thể nói không ngần ngại rằng VN là một cường quốc về thơ, ít nhất là trong khuôn khổ châu Á”.
Ôi cường quốc thơ “tân… con cóc”: cường quốc thơ dễ dãi miên man, cường quốc thơ ngô ngọng, cường quốc thơ giả cầy, cường quốc thơ tào lao xích bột… muôn năm…
Sài Gòn ngày 18-6-2012
TMH

17 phản hồi

  1. Có đến 2/3 bài viết là nói lăng nhăng chuyện ở đâu, không tập trung vào vấn đề chính, thế mà cũng gọi là tham luận ư?
  2. Ôi!
    Một thiên tài bị đè nén
    Bật ra những vần thơ như tiếng mèo gào
    Những con mèo của chủ tịch họ mao
    Hít…. hít…..
  3. Tôi không chê các ý tứ mà lối Thơ tự do tràng giang đại hải nêu ra ( các ý này cũng tốt thôi, tuy thường thôi – say say tý hoặc có hứng tý có thể viết ra hàng trang, hàng trang trong vài giờ ) – tỷ như: nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt đen như gỗ mun, mà mái tóc nàng còn đen hơn. Bởi hôm kia nàng đã phải bán lọn tóc dài 15 năm chấm đất, lấy tiền mua máy tính. Không có máy tính, nàng sẽ như con bê trên sa mạc, con cá trong dòng sông cạn, con chim nơi đồng không mông quạnh chẳng có đến 1 cái cây… vân vân và vân vân… ( tôi thử nghĩ tý đã được vài câu như thế )
    Tôi chỉ thấy đó là 1 giọng điệu có phần tự sướng phán truyền ( kiểu của các vì sao ). Ngồi và chỉ tay rao giảng như thánh phán ( cũng là 1 tâm lý ảo của những người cho rằng mình có thể từ trên cao bảo: – hãy nghe tôi nói lời có cánh lời thần thánh… ). Những đó cũng chẳng ảnh hưởng tới ai! Mỗi người mỗi kiểu, văn thi sỹ thì càng dễ thông cảm vì hay bị tâm lý ảo
    Chỉ ảnh hưởng khi nó được tung hô quá lố – cách tân, đỉnh cao, trao giải nào đó.
    Tôi cũng không quen biết các ông bà có tên trong bài ( chỉ biết qua các media ) cho nên thấy sao comm vậy, không có ý chọc ngoáy ai cả.
  4. Con tôi khi đọc thơ của Thiều ,nó hỏi : THơ khác văn xuôi ở chỗ nào ? Tôi bảo :con gặp chú THiều mà hỏi !
  5. Trần Mạnh Hảo kiểu gì cũng ứng tác ngay những bài thơ tương tự mà ông còn nói ngoáy mũi 1 ngày là ra hàng tập như vậy. Thử đọc những ngoáy mũi ấy cũng thấy giông giống những bài thơ được tung hô, trao giải, vậy thì sao không trao giải siêu thơ cho Trần Mạnh Hảo nhỉ! Bất công vậy ta.
  6. Té ra ông Thiều là cánh chim đầu đàn của trường phái thơ TÂN…CON CÓC. Cám ơn TMH đã giới thiệu với mọi người. Tuy lối viết có phần gây sốc nhưng bài viết có tính thuyết phục cao vì lập luận rất chặt chẽ, nhất là có dẫn chứng rất cụ thể, Chính TMH đã giúp các bạn trẻ phân biệt được thơ hậu hiện đại (đích thực) với thơ hậu con cóc
  7. gửi thơ bác Thiều cho cụ Thuỵ Kha phổ hợp xướng!
  8. Sự chụp ảnh trên trang mạng làm mặt trời mất ngủ và mặt trăng mất tiền
    ôi một nguyễn quang thiều mặt hiểm bên trần mạnh hảo mặt gian
    nàng hỏi đi về đâu vũ trụ
  9. Mất thì giờ quá. Anh Hảo lần sau nên viết gọn lại. Ý của anh là định chửi anh Thiều thì chỉ cần văng tục một câu là xong.
  10. Trần Mạnh Hảo – một kiểu ‘phán rơm’ trong phê bình văn học [đối thoại]
    Những lỗ hổng cơ bản
    Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt tựa cho bài viết này, nhưng cuối cùng, tựa hợp nhất có lẽ là tựa trên đây. Vì lẽ, với thâm niên viết già dặn, với tên tuổi cũng không phải thuộc hàng làng nhàng gốc mít bụi tre, mà là một cái tên từng gây trận nổi đình nổi đám trong làng văn, từng tạo ấn tượng không ít cho tôi thời sinh viên. Nhưng rồi, càng đọc, càng thấy ông Trần Mạnh Hảo là người viết cẩu thả, thiếu tính khoa học, võ đoán và có đôi chút hằn học nào đó ẩn chất bên trong bài viết của ông. Có lẽ đây là điều đáng buồn nhất ở một cây bút phê bình như ông.
    Xin nói rằng lẽ ra cũng không có bài viết này, nhưng chính vì thái độ quá xem thường độc giả (trong đó có tôi) của ông Trần Mạnh Hảo mà tôi buộc phải ngồi vào bàn viết những ý rời này.
    http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=14994
    Liêu Thái
  11. Nhân ngày BCCMVN 21/6/2012 qua blog của NV NTT tôi xin được gửi lời chúc tới tất cả các nhà báo,nhà văn và NV NTT những lời chúc tốt đẹp an lành may mắn nhất trong bình yên hạnh phúc ạ.
    Trân trọng và kính chúc
    Lê phương Dung.
  12. anh Hảo là người múa may với ngôn từ, nhưng khổ, vì người sướng hơn anh được múa với những lời ngợi ca.
    Đồng ý với anh, chua chát thay, thơ phải là thơ, thơ nên là thơ. Nhưng nếu có thể, khi nói về thơ, thì chỉ thơ thôi. Hãy dành một bài khác, về con người. Ghép chung lại thế, thành ra lan man, và có vẻ cá nhân.
  13. Cuối cùng, cũng có một thằng bé con kêu lên “ô…Đức vua ở truồng”.
    Anh thích chứng minh mình là người thông minh, cứ phang cho Trần Mạnh Hảo một chưởng còn ai thấy Đức vua ở truồng thật, thì cảm ơn tác giả một câu khe khẽ…
    Cảm ơn internet. Nếu còn thời báo giấy, chắc chả bao giờ, chả báo nào dám đăng những bài viết, bài thơ như thế này.
    Và, Đức vua cứ ung dung mặc bộ Long bào trong suốt ngự trên ngai vàng.
    Nguyễn Huy Cường.
  14. Đọc thật kỹ bài của Trần Mạnh Hảo và một số bài phê bình gần đây của ông nói thực lòng là khâm phục bác Hảo. Thứ đến, theo tôi cái trường phái “tân…con cóc” đúng là quá dông dài, thậm chí lẩm cẩm, mất thời gian người đọc. Nếu ai đó thích làm thì cứ xin mời vì đấy là quyền của họ nhưng tôi tin chắc rằng những thứ thơ này sẽ chết và tuyêt nhiên không được trao giải cho những thứ được gọi là thơ như vậy. Rất tốn kém tiền của nhà nước. Thế thôi.
  15. Mượn cụ Cao câu thơ :
    ” Thượng cẩu, hạ cẩu, thượng giai hạ cẩu “
  16. Vẫn biết những hội thảo kia là vô bổ,tốn tiền dân.Và cái mớ thơ kia,cam đoan,trừ rất ít các ông bà đang luận bàn,ca tụng tâng bốc nhau,thì 99,9 phần trăm dân Việt biết đọc cầm xem qua vài dòng là vứt ngay vào sọt.Chỉ tiếc Trần Mạnh Hảo đã phí nhiều thời gian công sức vào vấn đề này.Theo tôi ,”Thơ phản thơ” của anh nói đầy đủ rồi…
  17. Tôi là người rất yêu thơ và tôi rất bất bình với những với những ai gọi những lời lảm nhảm vô nghĩa kiểu như sản phẩm của Nguyễn Quang Thiều làThơ. Tôi tiếc cho Thiều vì có giai đoạn anh đã từng làm Thơ và tôi bỗng nhớ đến lời nhà thơ Vũ Quần Phương ý rằng” cái đi tìm và cái tìm được là hai phạm trù khác hẳn nhau”, đâm vào bụi rậm mà cứ ngỡ là tìm ra con đường đây là sự ngộ nhận của Nguyễn Quang Thiều và những ai cổ vũ cho Thiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét